Đã có những tin tức đáng lo ngại về một cuộc càn có thể sắp xảy ra gồm cả thủy, lục, không quân của địch chuẩn bị hành quân nhằm xóa sạch đơn vị tôi hay ít nhất cũng làm một đòn đánh tróc ổ. Mấy ngày trước, chúng đã tung ra những tổ thám kích liều mạng lần mò vào sát căn cứ, may mà tổ gác kịp phát hiện ra khiến chúng phải tháo chạy, nhưng như thế là đã lộ điểm. Không thể chuyển sang căn cứ mới được vì không còn một miếng đất nhỏ nào để xê dịch nữa. Cái nguy cơ tôi phấp phỏng lo ngại từ lâu cuối cùng đã tới. Tôi hơi hoảng! Tính mạng của toàn đội đang ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này chỉ cần thối chí một chút, sơ hở một chút là sẽ đưa toàn đội đến chỗ chết. Gánh nặng lại một lần nữa đè trĩu xuống vai tôi, có nguy cơ không chịu nổi. Đưa quân vào trận là một việc làm khó, nhưng khó trong thế chủ động, tự tin. Dàn quân ra để hứng chịu cuộc càn quét quá chênh lệch về lực lượng và thế đứng mà sự thất bại dứt khoát sẽ thuộc về chúng tôi thì lại là vấn đề khác, gần như số phận đã được định đoạt.
Chi bộ lầm thời của đội được triệu tập gồm bốn người: tôi, Thành, Tiến và Lê. Tôi thì đã đành, coi như người cũ. Ba người còn lại do tôi đứng ra kết nạp. Lúc ấy tôi làm gì đã nắm được các nguyên tắc tổ chức, các nguyên tắc phát triển Đảng, chỉ nhớ lại lần anh Tám kết nạp tôi mà mần thôi. Lần ấy anh Tám nói tôi là tận tụy, trung thành, là tháo vát, dũng cảm, vượt mọi khó khăn về gia đình, về hoàn cảnh... Tôi thấy tất cả những điểm này ở ba người đều có, có nhiều, xuất sắc hơn tôi nữa là khác. Vậy thì họ cũng hoàn toàn có quyền “đứng trong hàng ngũ Đảng quang vinh” như tôi. Mà đứng trong hàng ngũ ấy, suy từ tôi ra, tôi thấy chỉ có gian khổ hơn chứ sung sướng nỗi gì. Tối hôm ấy, chờ mọi người đi ngủ hết, tôi gọi bốn người ra một góc.
Tôi hỏi độp luôn:
- Bọn bay... (thấy kiểu xưng hô này có vẻ không ổn cho một việc hệ trọng như thế, tôi đổi lại theo kiểu anh Tám nói với tôi)... Các đồng chí có sẵn sàng chịu cực suốt đời cho đến khi thắng lợi không?
Tất cả ngớ ra. Họ tưởng tôi gọi họ ra đây để bàn cách đánh càn nên nghe hỏi như vậy, họ đưa mắt nhìn nhau một chặp rồi cùng gật đầu:
- Chịu chớ!
- Có tận tụy không?
- Có!
- Có trung thành đến giây phút chót không?
- Có!
- Có hăng hái, có tháo vát, có dũng cảm, có vượt qua mọi khó khăn về gia đình và hoàn cảnh không?
- Có... có... có!
Tôi hỏi liền mạch như bắn loạt và họ trả lời lại cũng dồn dập chả kém gì súng liên thanh. Cuối cùng tôi hỏi:
- Tóm lại có chịu chơi hết mình với kẻ thù không?
- Hết liền.
- Và sẵn sàng chết?
- Đến đây nhịp độ trả lời hơi bị chững lại do Nghĩa ngãng ra:
- Chị Hai!...
- Đồng chí Hai! – Tôi uốn nắn.
- Dạ! Đồng chí Hai... Cái chi em cũng chịu hết nhưng chết em hổng chịu đâu. Em mới có mười chín...
- Thôi được! – Tôi ngắt lời - Vậy tôi thay mặt ban chỉ huy đội (lúc ấy tôi đâu đã biết việc này không phải là việc của ban chỉ huy mà là việc của chi ủy và bí thư) xin tuyên bố ba đồng chí Thành, Tiến và Lê từ nay sẽ là đảng viên của Đảng nhân dân cách mạng miền Nam. Riêng đồng chí Nghĩa vẫn còn một điểm không chịu nên sẽ tiếp tục thử thách thêm.
- Vào Đảng... Thành ngây mặt hỏi – Vào Đảng là nghĩa làm sao chị... À, đồngchí Hai?
- Là nghĩa sao hả - Tôi nghĩ rất nhanh – Là vào một cái nơi mà ở đó toàn những người ngon lành cả.
- Vậy hả? Vậy bọn em đều ngon lành hết trọi rồi hả chị Hai?
- Ừa!
- Chị Hai! – Nghĩa phụng phịu - Thế ra em không ngon lành ư? Chị khinh em...
Trước vẻ nhõng nhẽo con nít của cô em chồng, tôi đành bỏ tuột mọi xưng hô trang trọng, quay ra vỗ về.
- Đâu có, Nghĩa! Em ngon lành chớ. Ngon lành như hết thảy mọi người. Nhưng chỉ có cái là em không sẵn sàng chịu chết, cần chờ ít bữa, khi nào chịu rồi sẽ lại vào.
- Ý! – Nghĩa dẩu môi – Còn lâu! Còn lâu em mới sẵn sàng chịu chết. Em chưa được đàn ông ôm hôn thật sự... Ý em muốn nói là thứ đàn ông em yêu thật lòng ấy. Nếu có rồi thì đâu có ngán, em sẵn sàng chết cho công chuyện cách mạng liền. Chị chờ nghen.
Buổi kết nạp Đảng của chúng tôi diễn ra lòng thòng như vậy, không giấy tờ, không dấu má, cũng chẳng được ai phê chuẩn, ai đứng ra giới thiệu và Đảng số thế nào là đủ, là thiếu nữa. Tóm lại, là quá sức cẩu thả, quá sức vô nguyên tắc. Vậy mà rất có chất. Tất cả ba người này sau đó cho đến trước lúc hy sinh hoặc đến tận ngày thắng lợi vẫn tỏ ra là những đảng viên ưu tú nhất, giàu khí tiết nhất. Thực ra, cho đến ngay cả hiện nay ở một số vùng trắng như vùng này, việc kết nạp Đảng cũng diễn ra hết sức sơ lược. Cấp phê chuẩn thì có đấy nhưng giấy quyết định lại chỉ viết tay hoặc đánh máy mấy dòng trần trụi, phía dưới chữ ký đứng một mình chẳng có con dấu nào đè lên. Lúc kết nạp, đủ đảng số là ba thì tốt, nếu thiếu thì chèo ghe đi mượn chi bộ bạ, chi bộ bạn không có nữa cũng chẳng sao, có gì làm nấy. Người đứng ra kết nạp mặc quần đùi, người được kết nạp quần cũng không dài hơn và người dự cũng thế nốt. Kết nạp xuông, không cờ quạt, không khẩu hiệu và không phải thề bồi gì cho rắc rồi. Vùng trắng, bản thân sự tồn tại mà không tháo chạy, đầu hàng thì đó đã là sự thề bồi cao nhất rồi. Kết nạp buổi chiều, tối đột ấp có thể hy sinh; số người được kết nạp không bù được số đảng viên bị ngã xuống thì con dấu nào có giá trị gì. Tất cả đều là thực chất. Thước đo giá trị con người ở đây vẫn là cái chuẩn có dám “chịu chơi” ăn thua đủ với kẻ thù không. Nếu “chịu chơi”, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua cho anh những thứ râu ria như tác phong, thái độ, độc đoán gia trưởng, thậm chí cả yêu đương trai gái lộn xộn nữa. Và ngược lại anh không “chịu chơi”, tức là anh hèn nhát thì tự anh sẽ xóa bỏ toàn bộ giá trị của anh. Kỳ vậy đó! Chiến tranh ngặt nghèo lắm ù xọe, đánh lẫn đen trắng thế nào được. Nó chẳng cần những kẻ đạo mạo, chín chắn, muốn nói một câu là quay lưỡi bẩy vòng, thích thuyết giảng đạo đức cao siêu nhưng mới nghe pháo “đề-pa” đã mất hút dưới hầm tối.
Chi bộ họp đưa ra quyết định: một, tăng cường hầm hố công sự thật chắc chắn (nếu hồi ấy có ai mách bảo về địa đạo thì tôi cũng cho đào rồi) kết hợp với gài trái dày đặc vòng trong vòng ngoài, nhiều tầng nhiều lớp để nếu chúng có càn vào thì cũng phải bỏ xác với số lượng lớn gấp mười chúng tôi. Trong việc gài trái này, một lần nữa Tiến lại tỏ rõ khả năng khá toàn diện của mình. Hầu như hàng trăm trái già các loại đều do một mình Tiến tự chế tạo, tự gài và tự lên sơ đồ hết. Hai, Thành cùng đội võ trang của mình nhanh chóng đi tìm một mục tiêu có tính chất thối động để đánh. Tổi lẩn mẩn nghĩ; ngồi lì trong hang mà phòng thủ thì cuỗi cùng cũng sẽ chết, vừa bung ra quấy phá, vừa lui về phòng thủ có khi làm cho chúng loạng quạng, vừa đánh vừa phải đỡ. Như vậy, có cơ chúng tôi làm loãng được cuộc càn tổng lực của chúng. Hồi ấy suy bụng ta ra bụng người mà quyết vậy chứ đâu đã biết cái khái niệm “Phòng thủ từ xa – cách phòng thủ tốt nhất là tiến công” rắc rối như bây giờ.
Mọi việc chuẩn bị đâu vào đấy, chỉ còn đợi giờ sống mái thì một sự việc quá bất ngờ xảy ra đã làm đảo lộn ráo mọi việc.
Sau cả một ngày chờ đợi căng thẳng, tôi đang nằm trên võng, đầu óc quay cuồng biết bao nhiêu dự kiến thì người chạy vào báo vừa bắt được ba người lạ mặt tự xưng là người đàng mình. Tôi sửng sốt ngồi dậy. Quái lạ! Đã lâu ở vùng này làm gì có người đàng mình nào ngoài chị em chúng tôi. Chắc lại một tốp thám kích bị tóm gọn? Hèn rồi! Cũng có dịp để khai thác xem tình hình cuộc càn của chúng đã đi tới đâu. “Cho chúng nó vào!”. Tôi nói và chải lại đầu tóc, chuẩn bị một tư thế đàng hoàng để tiếp kẻ thù.
Ba tên được trói giật cánh khuỷu và bịt kín mắt gần như bị đẩy sấp đẩy ngửa đến trước mặt tôi. Chúng vận toàn đồ đen như dân vệ, chân đi dép mềm, tóc húi ngắn. Cha! Thám báo loại thứ thiệt đây. Ăn vận y hệt người đàng mình.
- Cởi trói, tháo băng che cho tụi nó! – Tôi ra lệnh.
Đứa thứ nhất là một tên rất trẻ, gần như còn ở độ tuổi thiếu niên, mặt nhăn như bị, mắt hấp ha hấp háy vì chói. Hắn vừa vặn vẹo sống lưng vừa bẻ bẻ khớp cổ tay ra bộ đau đớn lắm! Tôi cười khinh bỉ. Mới nứt mắt ra đã hám tiền đến nỗi phải đi làm chó săn cho chúng nó. Đáng đời!
Tên thứ hai từ nãy đứng im phắc, cả khuôn mặt bị che kín nhưng cái miệng mím mím lại tỏ ra bình thản như không. Thằng trùm sỏ đây! Tôi vừa đắc ý nghĩ được như thế thì cái băng mắt được mở: Anh Tám! Trời đất! Người đang đứng cười cười trước mặt tôi kia là anh Tám bí thư. Sau giây phút bàng hoàng, tổi nhẩy xổ lại anh, vừa đấm vào ngực anh thùm thụp vừa mếu máo:
- Thế mà để cho chị em tôi đi tìm mãi! Anh biến đi đằng nào mất tăm mất tích đến lúc người ta sắp chết cả lũ mới hiện về thế này. Lại còn cười nữa! – Tôi nguẩy mặt ra phía khác, mũi cay cay muốn khóc – Đó! Bộ đội đó! Vũ khí đó! Cả căn cứ nữa đó, giờ tôi trả lại anh, tôi hết nhiệm vụ rồi, tôi hết muốn thở được nữa rồi. Trả hết!
- Ấy khoan – Anh vẫn cười cười - Được rồi, trả thì nhận nhưng còn cái này có trả không!
Anh chỉ người thứ ba đang đứng tựa vào cột võng, từ bụng trở lên chìm trong bóng tối nhờ nhờ. Anh Tám ra hiệu cho câu thiếu niên được cởi trói đầu tiên. Cậu này có vẻ là giao liên hay người bảo vệ của anh hiểu ý, vội cười toe toét, mắt lóe lên vẻ tinh nghịch chạy ngay ra tháo băng mắt cho người đó. Đến lượt chính tôi cũng run lên. Và khi người đó bước ra quầng sáng của ngọn đèn chai với đôi mắt không còn bị bịt nữa thì tôi buông rơi người xuống võng. Mắt tôi hoa lên... Tôi chới với đưa tay về phía đó. Bàn tay tôi được đỡ nâng bởi sức ấm nóng tới nhói đau nơi ngực. Tôi bải hoải ngả dần vào một hơi hướng rất đỗi quen thuộc và nước mắt từ từ chảy ra.
- Thanh... Đừng! Đừng khóc em! Anh về với em rồi nè!
Tôi xiết chặt bàn tay có những ngón dài xương xẩu đang đặt lên tóc mình:
- Anh ơi!... Con... cu Đức không…
- Anh biết cả rồi…
Và sau đó là im lặng. Im lặng kinh khủng. Cả vạt rừng không còn một tiếng lao xao nho nhỏ nào. Tôi không còn biết mình ở đâu và đang làm gì nữa cho đến lúc một tiếng nói phá tan đi tất cả.
- Chà chà! Hổ cái rừng xanh, nữ chúa Đảng sơn lâm hóa ra vẫn mau nước mắt như ngày xưa. Nếu chúng nó biết người chúng nó treo giải tới 10 ngàn đồng mà thế này chắc mấy thằng đó phải ân hận quá.
Tôi chùi vội nước mắt, cố tạo một nụ cười. Bất giác tôi cảm thấy mình có lỗi, có cái gì không phải với anh và đồng đội của tôi đang ý tứ lảng về võng của mình.
Anh Tám đứng dậy phủi phủi những mẩu vụn thuốc rê trên tay áo, nói nửa vui nửa nghiêm:
- Thôi, tạm vậy đã. từ nay nhị vị phu thê sẽ có dịp hàn huyên với nhau. Bây giờ ta vào việc!
Tôi như tỉnh lại và tự nhiên để buột ra câu nói đã ám ảnh tâm trí từ lâu.
- Anh Tám ơi! Chúng nó sắp càn...
- Chính vì thế mà chúng tôi sang đây. Tin mới nhất quân báo ta nắm được là cuộc càn sẽ bắt đầu vào năm giờ sáng mai. Khoan! Chuyện ấy ta sẽ nói sau. Bây giờ cô thử kể cho chúng tôi nghe các cô đã sống thế nào? Đã đánh đấm ra làm sao mà tiếng tăm ầm ĩ cả lên thế? Chặc! Mà ngay cả cái này cũng khoan đã, cô sẽ kể sau. Anh khoắng tay về phía các cánh võng mắc rải rác thấp cao xung quanh – Nào, xin mời tất cả lại gần đây... Thắng đâu! Có cái gì bỏ ra chứ, định để mốc lên à?
Cậu bảo vệ nghe nhắc tên vội nhanh nhẹn lôi từ trong bồng ra lỉnh kỉnh đủ các thứ nào trà, nào kẹo, nào sữa và đáng chú ý là mấy gói rubi bao đỏ bày ra giữa chiếc bàn ken bằng tre.
- Thuốc cho con trai, kẹo cho con gái, chè uống chung – Anh Tám nói tiếp – Quà của huyện ủy chỉ có vậy. Bữa nay tôi tới đây để thay mặt huyện ủy, huyện đội và chuyển lời của đồng chí bí thư tỉnh ủy chính thức biểu dương tinh thần chiến đấu độc đáo của toàn đội. Các đồng chí đã làm một việc động trời: tự tập hợp, tự hoạt động, tự sáng tạo ra chủ trương và phương châm tác chiến mà về cơ bản là phù hợp với đường hướng chung. Các đồng chí đã đâm vào sườn đối phương những đòn chí mạng, đã kéo căng được thần kinh của chúng nó ra, đã tạo cho những đơn vị khác họat động dẽ hơn. Huyện ủy đánh giá rất cao khả năng tự hành động này cũng như phẩm chất cách mạng trong sáng của các đồng chí, trong đó phải kể đến công sức và vai trò của đồng chí Hai Thanh…
Tôi chỉ nghe được láng máng. Công trạng ư? Vai trò ư? Phẩm chất khí tiết ư? Điều đó có đáng kể gì khi tôi đang được ngồi bên cạnh người đàn ông vô cùng thân thiết của mình. Anh mập hơn hồi trong tù một chút nhưng có vẻ trầm lặng hơn. Khi anh Tám nhắc đến tên tôi, anh chỉ xiết chặt tay tôi thêm mà không nói năng gì. Tôi tựa đầu vào vai anh, vẫn bả vai có khớp xương nhô lên nhòn nhọn:
“Em nhớ anh quá! Ngày bận bịu nó khuây đi, đêm về đặt lưng xuống võng là lại nhớ đến anh và con. Anh… sau đợt này mình cắt đường về ấp thăm con một chút đi! Thỉnh thoảng nhớ đến tiếng ho của nó, em lại rã rời cả người!”
“Em hơi ốm đi đấy. Làm gì cũng phải lo giữ sức. Ở trong rừng lâu ngày, em đã bị sốt rét lần nào chưa? cẩn thận nghe em! Sốt rét dễ làm tóc bị hư lắm. Tức cười! Những ngày ở trong tù, mỗi khi u uất nhất, anh lại thầm vuốt ve mái tóc của em và thấy đầu óc dịu xuống…”
- Đáng ra huyện ủy đã tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí từ lâu, nhưng kẻ địch án ngữ dày đặc quá, không có cách chi lọt qua được. Trong một vị trí hiểm nghèo, với một hoàn cảnh không có sự chỉ đạo của trên, không bắt được liên lạc với các đơn vị bạn mà đứng vững được như thế, chúng tôi hiểu các đồng chí đã nỗ lực lớn lao như thế nào…
“Mèng đéc! Lú đầu lú óc quên chưa hỏi anh: anh được ra hồi nào vậy? Lâu mau?”
“Mới hơn tháng nay. Chú chạy chọt lên tận Sài Gòn bảo lãnh cho anh đó! Bao nhiêu tiền của chú dốc hết vào vụ này, cộng với việc sau khi đã dùng đủ mọi cách cũng không tìm thấy một tang chứng nào về anh, chúng đành thả. Bây giờ chú chuyển ra ở cùng một người bạn già bên cù lao. Ông này cũng độc thân. Ngày ngày hai người dong thuyền đi bắt cá, câu tôm”.
“Tội nghiệp! Anh có gặp chú không?”
“Không kịp. Anh Tám cho người đón ngay tại cổng khám rồi theo đường dây công khai dông tuốt về đây. Lần cuối cùng gặp chú ở nhà lao, chú có nhắc nhiều đến em và Nghĩa. Chú khóc xin anh tha tội. Hả? Nghĩa đâu rồi em? Từ lúc tới đến giờ anh chưa thấy nó?”.
“Cô ấy dẫn một tổ bò ra sát lộ nghe động tĩnh xem xe pháo của chúng chuyển về hướng nào để lo đối phó”.
“Anh không tin rằng con nhỏ vốn ướt át từ bé, quen ăn trắng mặc trơn lại có thể trụ được ở rừng tới nửa ngày kia đấy. Em có ma lực quyến rũ gì mà ghê hồn vậy?”.
- Các bạn! Đêm nay tôi sang đón các bạn về với đội hình, với gia đình lớn đây. Các bạn sống lẻ đàn như vậy là đủ rồi. Đã đến lúc phải hợp nhất các lực lượng lẻ tẻ thành một đội ngũ...
“Thế là từ nay có vợ có chồng, em sẽ không sợ gì nữa. Em sẽ đi với anh đến tận cùng”.
“Kìa! Nghe anh Tám nói kìa...”
Cú hích nhẹ của chồng làm tôi chưng hửng, nhưng rồi cũng buộc phải để ý nghe tiếng nói của anh Tám.
- Toàn đội sẽ rời khỏi đây trước khi trời sáng, đường đi đã được khơi thông. Cuộc đánh càn này sẽ được trung đoàn chủ lực đảm nhiệm, các đồng chí có thể hoàn toàn yên tâm ra đi. Tại căn cứ lõm ngay trước mũi kẻ thù này, các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ngay bây giờ - Giọng anh lại trở lại vui vui – Bà tư lệnh vùng lõm chiến thuật cho đơn vị cuốn tém đồ đạc, dọn dẹp căn cứ làm sao cho kẻ địch vẫn tưởng ta còn ở đây và khẩn trương hành quân vượt lộ ngay.
Đến lúc này tôi mới bứt ra khỏi cái hạnh phúc ập đến quá đột ngột để quay về với thực tại. Hành quân vượt lộ! Vượt được sang bên kia lộ là vượt được sang bên kia cái chết, là hất đi cả một gánh nặng đè trĩu xuống người bấy lâu nay, là bao điều hứa hẹn tuyệt vời đang chờ ở bên đó, nhưng.... ra đi giữa lúc này sao cứ thấy bịn rịn. Dù sao vạt rừng lá thấp này cũng đã chứng kiến bao vui buồn, sướng khổ của chúng tôi. Vạt rừng nặng nợ đã thành kỷ niệm, thành thân thuộc đến từng đốt cây, màu lá này ngày nay sẽ không còn ai chở che, sẽ trầm lưng chịu đựng hàng loạt bom pháo cho đến gục xuống, ứa nhựa, úa héo. Rừng!... Tạm biệt! Sẽ có ngày quay lại với rừng.
Khoảng chín giờ tối, tổ của Nghĩa trở về. Tất cả đều đói meo nên họ vục cơm nguội ăn luôn. Vừa nuốt xong được miếng thứ nhất, Nghĩa chợt nhận ra anh, bát cơm khẽ chao đi... Anh em nhà này gặp nhau thật tức cười. Anh tủm tỉm nhìn em đang nhai ngấu nghiến từng thìa cơm to.
- Cha! Có vẻ lính chiến dữ hè! Vậy mà trước kia hủ tiếu cũng chê kia đấy.
Còn cô em thì vẫn nhai, mắt chỉ sáng rỡ lên một chút:
- Còn anh, trông ra dáng một tên tử tù vừa vượt ngục lắm! Hệt trong phim Mỹ. Nhưng vẫn đẹp trai, vẫn còn sức quyến rũ chán.
Sau câu đó hai anh em đều cười và đến ngồi cạnh nhau. Vậy mà tôi tưởng gặp anh, cô bé giàu tình cảm này phải khóc òa lên kia. Con nhỏ đúng là...
*
* *
- Từ nay đội võ trang của Thanh sẽ thành một đại đội, đại đội chủ công của huyện. Như vậy quân số sẽ được bổ sung đông hơn, qui mô và địa bàn hoạt động rộng hơn, tất nhiên kiểu cách đánh cũng đa dạng hơn. Chịu không?
Anh Tám hỏi tôi khi tất cả đã trở về cứ mới. Vạt rừng tôi đang ngồi nối liền với các vạt rừng khác thành thế liên hoàn chạy dài đến tận bờ sông Bé. Ban đêm không nhìn thấy gì nhưng giây phút đầu từ căn cứ lõm về đây, tôi cứ có cảm giác rằng suốt cả giải rừng bạt ngàn này đâu đâu cũng có quân ta.
- Chịu không? – Anh Tám hỏil ại với cái giọng đôn hậu, ánh mắt nhìn hun hút như ngày đầu gặp anh.
- Chịu! – Tôi đáp - Gặp được mấy anh rồi, cái gì tôi cũng chịu hết.
- Ngon không! Chỉ huy đàn bà dễ thở thật, khỏi phải đập bàn cự cãi gì. cứ ngọt như bàn chuyện ra chợ mua đồ nhậu hả Hai Nhân?
Anh Tám huých nhẹ khuỷu tay vào mạng sườn chồng tôi lúc ấy đang chăm chăm nhìn tôi. Anh ấy chỉ cười. Cái cười không được tươi tắn như ngày trước. Tù đầy dữ dằn thiệt, nó làm biến đổi cả nụ cười. Tôi thoáng xót xa nhìn vào miệng anh, trong lòng chỉ mong anh Tám nói gì thì nói đại đi để vợ chồng tôi còn trò chuyện riêng với nhau một chút.
Như đoán hiểu được tâm trạng ấy, anh Tám nhìn đồng hồ nói khéo:
- Mới có 11 giờ, còn sớm. Tôi tranh thủ làm việc với cô Thanh đúng năm phút rồi đi nghỉ. Sáng mai tôi với cậu Nhân phải lên tỉnh họp sớm. Việc trước hết là công tác Đảng. Thanh rà soát lại trong đơn vị ai là người có thể kết nạp Đảng được để khẩn trương lập một chi bộ.
- Tôi lập chi bộ rồi – Tôi nói thản nhiên.
- Hả? Lập rồi? Mà ai lập?
- Tôi. Có bốn người cả thảy.
Anh Tám giơ cả hai tay lên trời, kinh ngạc:
- Trời đất quỷ thần ơi! Đây đúng là chuyện động trời đây. Lập cả một chi bộ không cần qua trên qua dưới gì hết. Thế ai là bí thư?
- Tô, sáng tạo được cách đánh thì sao lại không sáng tạo được chi bộ, anh Tám – Tôi cãi trớt luôn.
Chồng tôi đập đập vào tay tôi, nhắc:
- Hai việc đó khác hẳn nhau, em cứ để cho anh Tám nói hết.
- Thế cô kết nạp ra sao? Cô bí thư tự tạo?
- Y sì như anh kết nạp tôi. Chọn những người chịu chơi nhất.
- Cái đó cũng khác – Anh Tám buông tay xuống – Thôi được, để đó bàn sau. Đây thuộc nguyên tắc mà lại toàn những nguyên tắc cơ bản cả. Còn phải xin ý kiến của tỉnh ủy đã. Động trời đây! Nan giải đây. Nhưng mà...
Nghe anh nói vậy, tôi chạm tự ái:
- Nguyên tắc gì. Tôi đâu đã biét nguyên tắc, ai đã bày vẽ nguyên tắc cho tôi? Tôi chỉ nghĩ rằng, nguyên tắc gì thì nguyen tắc nhưng ai dũng cảm, chịu hy sinh trước kẻ thù thì đó là trúng nguyên tắc nhất. Nếu tôi làm trật, tôi vi phạm đến tổ chức Đảng, xin mấy anh cứ kỷ luật thẳng tay.
Chồng tôi lại nhăn nhó huých nhẹ vào chân tôi. Tôi vặc liền:
- Huých gì mà huých! Thấy đúng thì là làm, chết cũng không sợ.
Nói xong tôi quay mặt đi. Lúc này anh Tám mới đứng dậy, cả cười:
- Nổi nóng dữ vậy cô Hai? Hèn gì bọn lính nó gọi Nữ chúa Đảng...
- Chứ không à? – Tôi vẫn nóng mặt.
- Nghe đây đồng chí Thanh - Trước sự chuyển giọng đột ngột của anh Tám, tôi buộc phải quay lại – Trong việc này đồng chí không có vi phạm gì cả. Nếu có là tại chúng tôi chưa kịp bồi dưỡng. Không những đồng chí không phải chịu một kỷ luật Đảng nào hết mà, tôi xin nhắc lại nguyên văn nghị quyết huyện ủy mới họp hôm rồi: “Nếu xác minh được đồng chí Phạm Thị Thanh sống và chiến đấu đúng như những lời người ta nói về đồng chí thì sau khi hợp nhất, huyện ủy sẽ chuyển Đảng chính thức cho đồng chí Thanh và...” Anh tám ngừng lại, nheo mắt nhìn tôi “Và đề nghị lên trên chấp nhận ngày chuyển Đảng chính thức cũng là ngày bổ sung đồng chí Thanh vào huyện ủy”. Được chưa? Tôi nhớ đồng chí hết hạn dự bị cách đây mười một ngày, vậy cũng coi như đồng chí đã là huyện ủy viên được mười một ngày rồi. Đó! Ngay huyện ủy cũng có những cái vô nguyên tắc kia mà. Chiến tranh có thể cho phép: cái vô nguyên tắc nhất lại thành nguyên tắc và cái nguyên tắc nhất có khi lại là vô nguyên tắc. Được chưa, nữ đồng chí huyện ủy viên?
Lúc ấy tôi đâu đã hiểu hết giá trị của các cấp bộ Đảng, đối với tôi: xã ủy, huyện ủy, tỉnh ủy đều na ná giống nhau, cũng đều là ủy cả, đều là Đảng cả nên câu nói của anh Tám không làm tôi sửng sốt mà chỉ thấy trước thái độ bao dung của anh, tôi bỗng mắc cỡ, mình quê quá, lố quá! Tôi ngượng ngập hơi nép người vào chồng. Ngước nhìn lên, tôi thấy anh mỉm cười. Cái mỉm cười cũng thế nào ấy, làm suy tư quá!
- Hết! Giải tán! Tuy vậy ngày mai cô Thanh cũng cho biết sơ qua về thành tích, lý lịch của mấy người đã kết nạp để...
- Để... kết nạp lại à?
- Không! Đảng mà cô làm như là vá áo ấy, có thể vá đi vá lại! Thôi, chúc ngủ ngon!
Anh Tám đứng dậy có cái gì hơi vội vã và khi quay đi, dường như anh tránh không nhìn thẳng vào mắt tôi.
*
* *
Lúc này giữa rừng chồi khuya khoắt chỉ còn có vợ chồng tôi. Hai đứa nằm chung trên một chiếc võng đôi, mắc hơi xa ra mọi người chút ít. Trời hơi lạnh. Tôi nằm nghiêng, nép sát người vào anh. Anh hôn lên vai, lên cổ lên môi tôi, những cái hôn mỗi lúc một nhanh dần, dồn dập, vấp váp, nóng cháy...
- Thanh...
- Dạ...
- Em vẫn là vợ anh chớ?
- Vẫn.
- Em còn yêu anh nhiều không?
- Nhiều – Tôi trả lời như cái máy, đầu óc quay như chong chóng.
- Em làm anh kinh ngạc, chỉ một lần ở tù, khi ra đã thấy vợ mình là người khác rồi. Anh không còn nhận ra em nữa. Em giỏi quá! Như có phép màu ấy. Có khi anh lạc hậu, anh tụt lại sau em mất.
- Kệ nó! – Tôi phủ lên miệng anh những cái hôn cuống quít - Kệ hết! Em chỉ cần có anh thôi. Em yêu anh.
Tôi oằn người tưởng như xương cốt gẫy vụn trong vòng tay ghì xiết của anh.
- Ui!... Đau em!
- Thanh ơi! Những đêm nằm trong xà lim, anh không dám ước có lần được nằm với em, được ôm em thế này. Em không thay đổi chút nào. Vẫn đẹp! Còn đẹp hơn cả trước đây.
- Nịnh!
- Không! Bây giờ em đẹp khác lắm! Ngày trước là đẹp trong nhà, giữa vườn tược, bây giờ là cái đẹp giữa rừng, gặp em, anh cứ lo sợ em lúc này không còn thèm đoái hoài đến anh nữa.
- Ứ ừ! – Tôi rúc đầu vào nách anh, co rút người lại, lần tìm từng cái xương sườn của anh, hôn ngấu nghiến vào đó.
Tôi không còn nhớ mình nằm trong tư thế nào nữa. Chỉ biết, trước khi duỗi tay thả người chìm vào vực xoáy, tôi còn kịp nói:
- Anh... khéo anh... Đừng để có con nghe!
Tôi tỉnh dậy trước anh. Trời hãy còn tối. Trên vòm cây vẫn chưa có một tiếng chim hót nào. Thói quen ở vũng lõm đã khiến cho tôi bao giờ cũng tỉnh dậy trước tiếng chim. Mọi chuyện bất ngờ đều có thể xảy ra vào ngay cái thời điểm chim báo hót sáng đó. Để cho anh ngủ thêm được một chút, tôi khe khẽ gỡ vòng tay anh ra khỏi ngực rôi rón rén ngồi lên, dính hờ người vào mép võng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy một buổi rạng đông khoan khoái, tinh khiết như thế này. Tôi vươn vai ngáp và tiện thể hít đầy căng lồng ngực, ngọn gió sớm chạy xào xạc quanh người. Kỳ lạ lắm! Một buổi sáng nào đó anh trở dậy thật sớm, sớm trước cả chim chóc thử xem: hít ngọn gió được lọc qua cây lá vào sâu trong ngực, anh sẽ có cảm giác mình đang ngâm người trong dòng suối trong vắt, thấy trẻ lại, thấy sức lực ở đâu dồn về ứ đầy cả mạch máu.
Cánh tay tôi vươn lên chợt dừng lại. Phía võng anh Tám đang lom đom một đốm đỏ như có con đom đóm rừng nào đậu ở đấy. Anh ấy cũng dậy sớm dữ vậy? Hay suốt đêm hồi hôm anh không ngủ? Tội nghiệp, một người như anh có biết bao công việc bộn bề xen vào giấc ngủ. Vậy mà ... một bàn tay âm ấm đặt lên lưng tôi. Chồng tôi cũng đã dậy. Tôi bị sức ấm của bàn tay ấy quyến rũ kéo nằm xuống.
- Anh Tám sao chưa chịu lấy vợ anh? – Tôi hỏi nhỏ với giọng áy náy rõ rệt. Hưởng hạnh phúc bên cạnh một người cô đơn, thấy thế nào ấy.
- Anh ấy là một con người kỳ lạ và khó hiểu - Chồng tôi nói – Đi đâu cũng có người để bụng thương mà anh ấy vẫn giả câm giả điếc. Nhưng là một con người có nghị lực phi thường và can đảm đến liều mạng. Mà trực tính dễ sợ. Mấy anh trên tỉnh trọng anh ấy lắm, nhưng vẫn có cái gì ngán ngán.
- Em thấy anh ấy tốt lắm. Sống có tình cảm với mọi người.
- Cái đó thì không chê được. Em có thể tưởng tượng được không, trông râu ria dữ dội vậy nhưng đêm nằm nghe đài ngâm thơ cũng khóc đấy. Nhưng nói chung là cứng rắn. Lắm khi cứng rắn đến tàn nhẫn. Ngồi lên em, anh sắp phải đi rồi, anh muốn bàn chuyện với em một chút.
Cái gì mà quan trọng quá thế? Tôi vừa ngồi dậy vừa nhìn anh cười cười. Lúc này đối với tôi, ngoài anh ra, chẳng còn cái gì là quan trọng hết. Hay là anh nói chuyện mẹ con Sang? Đừng! Từ lúc gặp anh tới giờ, tôi đã cố quên đi, cố tình không nhắc đến chuyện này để giây phút hạnh phúc gặp nhau được trọn vẹn. Đừng... Anh cầm tay tôi, tiếng nói rất dịu:
- Em được như ngày nay là giỏi lắm. Anh kính trọng và càng yêu em hơn. Nhưng... vợ chồng tốt nhất là đừng giấu nhau điều gì, kể cả trong ý nghĩ, kể cả cái xấu lẫn cái tốt. Anh thấy em đi hơi quá đà rồi đấy. Rút cục rồi việc lặn lội đánh đấm cũng không thích hợp với em đâu. Đến lúc nào đó em sẽ thấy đây là một thứ lao động nhục hình, tàn bạo đối với một người phụ nữ. Lúc đó em có muốn rút ra cũng chậm rồi! Em còn con, em phải nghĩ đến nó. Nó bây giờ là tất cả của vợ chồng mình. Làm người chỉ huy chiến đấu, lại giữ trọng trách trong huyện ủy, anh sợ rằng em sẽ không có lúc nào nghĩ đến nó, chăm sóc nó. Rồi mai mốt, ta cũng phải đón nó ra ngoài này mà nuôi nấng, dạy dỗ chứ. Yên! Để anh nói nốt. Anh đang nói những điều anh đã nghĩ kỹ rồi, nghĩ ngay hồi còn trong tù. Giả thử, một may rủi nào đó, xin lỗi em, em ngã xuống thì con... và còn anh nữa. Hai vợ chồng, theo anh một người dấn thân là đủ lắm rồi. Mà cái đó thường là phần việc của đàn ông.
- Thế... Anh bảo em trở lại ấp? – Tôi hỏi mà lơ mơ thấy có cái gì không ổn.
- Không! Nhưng em chỉ nên nhận một công việc nhẹ ở ngoai này như làm văn phòng, hành chính, y tế chẳng hạn. Nhàn hơn và đỡ nguy hiểm. Hiểu anh đi: người chồng nào không tự hào về vinh quang của vợ nhưng cái cần hơn là người vợ phải giữ cho được sự tồn tại lâu dài của gia đình. Vì dù sao, trong thời kỳ nào, đó cũng là thiên chức.
- Em hiểu anh – Tôi cúi đầu xuống.
- Anh biết em sẽ hiểu anh. Nghe anh nhé! Vì anh và vì con, em đừng nhận những nhiệm vụ quá sức mình nữa, nguy hiểm lắm. Anh Tám tin em, em hãy tìm cách chối từ khéo với anh ấy. Chắc được thôi. Nhân tiện em hỏi về anh Tám, anh muốn nói với em vậy. Anh ấy là người tinh tế, từng trải nhưng cũng rất cực đoan. Hôm rồi, anh ấy bàn trong huyện ủy cứ để em chỉ huy đại đội chủ công và tăng cường tắt vào cấp ủy, anh đã muốn can nhưng lại ngại anh ấy cười. Về mặt này thì anh Tám độc mồm lắm. Thế nào anh ấy cũng bảo anh là thằng phong kiến, coi thường phụ nữ, gia trưởng. Chưa hết, anh ấy còn dám nói anh ghen với em, sợ lép vế với uy danh của vợ. Do đó anh chỉ có thể nói riêng với em. Em...
- Em hiểu anh – Tôi càng cúi thấp đầu xuống.
- Tất cả những điểu này, anh nói đều xuất phát từ tình yêu của anh đối với em. Em hiểu không?
- Em hiểu...
- Nhưng cũng tùy em! Anh chỉ giãi bày thế.
- Dạ! – Tôi ngẩng lên và bỗng thấy khuôn mặt anh sao nhòa đi đến thế - Em biết anh thương em, lo cho em nhiều. Anh muốn gánh nặng dồn cả sang vai anh nhưng... Anh để cho em suy nghĩ đã. Ngoài tình vợ chồng, con cái ra, em lại còn đồng đội, còn những con người gần như ruột thịt đã có nhau từ hồi trứng nước, họ đang trông vào em. Cho em suy nghĩ thêm? Đừng hối thúc em...
Hai đứa đều im lặng. Mỗi người theo đuổi một luồng suy nghĩ riêng. Chao ôi! Cuộc đời phức tạp quá! Tưởng có vợ có chồng sẽ động viên nhau, nâng đỡ nhau vượt lên tất cả. Ai dè... Anh để em suy nghĩ... Nhưng có lẽ tôi đã suy nghĩ từ lâu rồi, tôi sẽ không suy nghĩ thêm gì nữa. Anh để em... Tôi nói vậy nhưng đã nghe từ đâu đó trong tâm can vang ra tiếng rạn nứt khe khẽ... Trời đã rạng sáng. Chim bắt đầu kêu líu ríu từ ngoài bìa rừng rồi lan ra râm ran của khu rừng. Chưa nắng mà đã ngột ngạt thế này. Góc bên kia, trên chiếc võng của anh Tám, đầu thuốc rê vẫn không ngừng lóe sáng..
*
* *
Tất nhiên những ngày sau đó tôi đã không nói gì với anh Tám cả. Song, để làm được việc ấy, tôi đã có nhiều đêm trằn mình trên võng và cũng đã có nhiều lần tính buột miệng làm theo ý định của chồng. Một bên là công việc, một bên là tình yêu. Bên này trách nhiệm bên kia cũng trách nhiệm. Thực chất cả hai bên đều là tình yêu, một thứ tình yêu thu nhỏ và một thứ tình yêu trải ra. Tôi bị lèn chặt trong hai tảng đá nặng nề đó, có lúc tưởng như không vùng ra được nữa.
Sau khi đi họp trên tỉnh ủy về, chồng tôi có trở lại với tôi một đêm nữa, sáng hôm sau anh phải trở về cơ quan gấp để tập trung triển khai công việc. Từ chỗ tôi đến căn cứ huyện ủy, huyện đội phải đi hết một đêm giao liên căng thẳng, có khi phải tốn tới hai đêm nếu đường xá bị tắc. Như vậy vẫn coi như đại đội tôi đang bám trụ độc lập, chỉ khác là bên cạnh; cách một hai tiếng đi bộ có những đơn vị khác đóng rải rác.
Đêm đó chúng tôi nói chuyện với nhau rất ít. Sau khi biết tôi không có ý thay đổi thái độ, chồng tôi trở nên im lặng, mãi sau mới khẽ thở dài. Hai chiếc võng được mắc chụm đầu với nhau dây vẫn thẳng căng. Cả đêm đó, không có chiếc võng nào bị bỏ trống...
Gần sáng, anh lặng lẽ chào tôi rồi đi. Nhìn theo cái lưng mảnh khảnh của chồng nhòa dần phía cửa rừng cùng với chú bé giao liên, tôi ngồi lặng im... Anh Nhân ơi! Sao anh nỡ đối xử với em như thế. Em đã làm gì nên tội? Chính vì anh, vì con, vì hạnh phúc của gia điình mình mà em không thể nghe lời anh. Sao anh không hiểu em... Vợ anh đâu có ham gì chỉ huy, ham gì lãnh đạo... Không! Em không bao giờ muốn thế cả, em cũng chán lắm, cũng mệt mỏi lắm. Emchỉ muốn được làm vợ, làm mẹ trọn vẹn đến hết cuộc đời; em không ao ước gì hơn một mái nhà, một miếng vườn và ngày ngày âm thầm làm lụng nuôi con nhưng... Em đã làm gì nên tội mà anh nỡ đối xử với em như thế? Bao đêm nhớ anh cháy lòng cháy ruột, vậy mà đêm nay... Tôi gấp chiếc võng anh nằm khi đêm ôm vào ngực... Bẽ bàng làm sao khi chiếc võng vẫn còn âm ấm hơi chồng...
Nghĩa lẳng lặng đến cạnh tôi, khẽ ngồi xuống một bên mép võng:
- Sao chị khóc, chị Hai? – Nghĩa hỏi.
Tôi gượng cười, không trả lời. Nghĩa cũng không hỏi thêm. Đàn bà chúng tôi có cách riêng để san sẻ sang nhau mọi niềm vui nỗi buồn bằng sự im lặng như vậy. Nghĩa đưa tay ôm lấy ngang lưng tôi, dụi má vào vai tôi. Hơi ấm từ thân thể cô gái đang độ ăn ngủ truyền sang tôi, hút vợi đi trong tôi một chút ngậm ngùi. Tôi quay lại vuốt nhẹ mái tóc thơm thoảng mùi lá rừng của Nghĩa. từ ngày xa rừng, Nghĩa đẹp và khỏe lên nhiều. Cái dáng tha thướt yểu điệu, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng dần dần biến mất, thay vào đó là một tấm thân thon thả rắn rỏi, cái nhìn tinh nhanh và một nước da trắng mịn như nước da bé thơ. Bất giác tôi hôn nhẹ lên gò má non tơ ấy một cái.
- Nghĩa nè! Nếu có ai đó bảo em thôi đừng cầm súng, thôi đừng lặn hụp trong rừng nữa, em thấy thế nào?
- Cho ngay một cái tát – Nghĩa trả lời gọn khô.
- Nhưng nếu người ấy nhân danh tình yêu?
- À... cái đó đáng nghĩ ngợi đó. Nhưng phải xem mình có yêu người ấy ghê gớm không đã.
- Yêu! Rất yêu!
- Vậy hả?... Cũng cứ cho một cái tát! Yêu gì mà lại thế? Yêu hèn! Không đáng để yêu nữa.
Tôi bật cười. Cô em chồng tôi đã cứng rắn lên biết bao nhiêu, cô đã nói hộ tiếng lòng đang khắc khoải của tôi. Vô phước và cũng thật hạnh phúc cho đời người đàn ông nào được cô gái này yêu thương. Cái gã nhạc sĩ nhợt nhạt kia chắc không chịu được trái tim rừng rực và ương bướng của nó nên phải vội vàng trốn chạy? Tôi cũng ôm ngang lưng Nghĩa, cái lưng tròn lẳn ấm sực.
- Nghĩa ơi!... Nhìn nghiêng em giống anh Nhân em quá!