Đúng như tôi dự đoán, bà thím tôi nhìn thấy cháu mừng như bắt được vàng. Khi biết được hoàn cảnh của tôi, bà rân rấn nước mắt rồi không chờ tôi nói thêm điều gì, bà vội vàng hối thúc chồng dọn dẹp đồ đạc để kê cho mẹ con tôi một cái giường con ở gian phụ. Người chồng mà tôi gọi bằng chú thực ra vẫn còn trẻ, có lẽ chưa tới bốn mươi tuổi. Ông lụi hụi làm cái này, cái khác tỏ ra nể bà vợ to béo, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn tôi nửa thăm dò, nửa xa lạ. Nhưng bước đầu của cuộc hành trình đi tìm chồng như vậy cũng tạm gọi là ổn. Dù sao, trong hoàn cảnh của tôi lúc ấy, gặp được những con người như thế cũng thấy đỡ cô quạnh đi nhiều, thấy vững tin ở cuộc đời, mà biết chắc rằng sẽ có rất nhiều sóng gió hơn.
Sáng hôm sau, tôi quyết định bế con đi thăm anh, nhưng thằng bé lại lên cơn sốt. Chưa có kinh nghiệm nuôi con nên tôi cứ cuống cả lên, ôm chặt con vào lòng, nhìn đôi mắt, cái miệng nhỏ xíu của con há ra để bật khỏi cổ một tiếng ho yếu ớt, tôi lại thầm cầu cứu đến anh.
Những lúc như thế nếu không có bà thím chạy đi, chạy lại kiếm thuốc, kiếm lá về cho cháu uống thì có lẽ tôi đã hóa rồ mất.
Trong sự chăm sóc thật mát tay của bà, dần dần cháu dứt khỏi cơn, lại toét miệng ra cười với mẹ.
Mấy hôm sau, cháu khỏi hẳn, tôi lại quyết định bồng con đi thăm chồng. Biết tính anh, trước khi đi, tôi kho một xoong cá lóc xả nhiều tiêu và ớt. Thứ cá kho này, hồi còn ở với nhau, anh có thể ăn được quanh năm suốt tháng mà không chán. Xoong cá hơn một ký, anh ăn dè cũng được một tuần. Tuần sau tôi lại kho mang vào tiếp. Tôi chuẩn bị thêm cho anh mấy táp thuốc rê Gò Vấp hảo hạng, hai ký đường hoa mơ, ít viên thuốc sốt, thuốc đi ngoài và chục ổ bánh mỳ cùng một bịch trái cây.
Mới có nửa tháng thiếu vắng anh mà sao tôi thấy dài kinh khủng. Tôi mường tượng ra anh lúc này chắc còm nhom, râu ria dữ dằn nhưng miệng cười vẫn tươi, cặp mắt sâu vẫn tỏa ánh ấm áp quen thuộc. Nhìn thấy tôi và con, chắc anh sẽ phải xúc động đến run người, anh sẽ bế lấy con một cách lóng ngóng thiệt tức cười, sẽ áp khuôn mặt râu ria vào bụng nó, khiến nó sợ khóc thét lên, sẽ hỏi tên con là gì, đã đặt tên cho nó chưa? Khi đó tôi sẽ chỉ đứng nhìn anh, nước mắt lưng tròng và nói rằng tên của con đang chờ cha nó đặt đó. Tôi cũng sẽ nói với anh bao điều khác, sẽ trách anh tại sao chẳng tin tôi, chẳng cho tôi được san sẻ nỗi cực nhọc của anh. Nếu anh hỏi hoàn cảnh hiện nay của tôi ra sao, tôi sẽ kể hết, kể cả lần đi tìm anh, vô tình gặp lại gã con trai của ông chủ tiệm, kể về việc tôi lo cho anh như thế nào, nhưng… riêng chuyện ông chú anh, tôi sẽ không nói, tôi không muốn cho anh phải nghĩ ngợi gì thêm, cứ thế này anh đã đủ cực quá rồi.
Với những ý định cháy bỏng như thế, tôi bồng con đi bộ một mạch đến cửa nhà lao. Sáng nay gió mát, nắng cũng nhạt, cây cối hai bên đường lao xao như chia xẻ niềm vui sắp gặp chồng của tôi. Chân tôi còn yếu, mỗi bước đi là cảm giách đầu gối muốn rời ra. Thằng bé ngủ ngon trên tay kéo sệ vai tôi xuống.
Nhà tù Phú Lợi kia rồi! Một khu đất rộng có nhiều dãy nhà lợp tôn san sát. Dưới nắng, những lá tôn sáng lóa lên, rung rinh… như đang bị đốt cháy… Tôi bước chậm lại. Một cảm giác rờn rợn len vào. Chính tại chỗ này cách đây không lâu đã xảy ra một vụ thảm sát khốc liệt. Tôi không được nhìn tận mắt nhưng nghe bà con nói lại là có hàng trăm tù nhân bị đánh thuốc độc cho đến chết. Chết đau đớn, chết quằn quại, chết giữa lúc miếng cơm còn đang nhai trong mồm… Lúc đó tôi còn đang bán bánh ở chợ. Trước sự hãi hùng, hớt hải, và những tiếng thì thào bàn tán, tôi cũng thấy rùng mình, cũng thấy trào lên một nỗi phẫn uất, nhưng rồi nó không đọng lại lâu. Gánh nặng gia đình lúc ấy không cho phép tôi được đi sâu, chan hòa vào tình cảm của mọi người. Giờ đây, thật không ngờ hoàn cảnh lại run rủi buộc tôi phải đi thăm chồng là tù nhân của chính cái địa ngục ấy. Nắng dọi vào mái tôn làm tôi hoa mắt. Trước cổng có khá nhiều người đứng, ngồi láo nháo. Chắc họ cũng đang chờ đến lần mình vào thăm thân nhân. Khuôn mặt người nào cũng mệt mỏi, nhễ nhại mồ hôi và rất giống nhau ở cái vẻ cam chịu. Tôi đi thẳng vào.
- Đi đâu? - Một người lính đội nón sắt từ chòi gác hỏi vọng ra bằng cái giọng khê khàn chắc vì đã quát hỏi nhiều quá!
- Tôi đi thăm chồng tôi.
- Chưa đến giờ, ra ngoài kia ngồi chờ!
- Nhưng tôi muốn hỏi anh ấy có ở đây không ạ?
- Gian nào? Chính trị phạm hay thường phạm?
- Tôi… tôi không rõ.
- Vớ vẩn! Đi thăm chồng mà không biết bị giam ở gian nào, phòng mấy, làm chính trị hay trộm cướp giết người?
- Không! – Tôi bị chạm tự ái - Chồng tôi không phải là kẻ trộm cắp.
- Thế thì là chính trị phạm rồi. Tên gì?
- Dạ! Tên Nhân! Trần Hoàng Nhân.
Thấy tôi có vẻ thật thà, cung cách thiểu não lại tay bồng con nhỏ, người lính phần nào tỏ ra thông cảm, hất tay về phía sau:
- Chị ra chỗ kia ngồi chờ. Để tôi hỏi coi. Đưa giấy tờ đây.
Tôi đưa căn cước và giấy phép cho anh ta rồi lui sang bên đường tìm một chỗ mát ngồi nghỉ. Trong khi anh ta lụi hụi quay điện thoại, hỏi gì vào phía trong thì tôi tranh thủ sửa lại tóc tai, quần áo. Tôi không muốn anh nhìn thấy tôi trong bộ dạng thế này. Cúi xuống đứa bé vẫn còn đang ngủ, hai má đỏ hồng lên, tôi thì thầm:
- Dậy… dậy con! Con sắp gặp ba rồi mà còn ngủ hoài sao! Gặp ba không được khóc nghe, khóc làm ba buồn đó. Gặp ba, ba sẽ đặt tên cho con. Tên là thằng Hùng nè! Thằng Hoàng nè! Thằng Thắng, thằng Toàn nè! Hay là thằng Nam, thằng Quyết? Con ưng tên nào?... Dậy! Dậy sửa soạn con, người ta sắp cho vào rồi kìa. Đó! Cái ông chụp nón sắt kia kìa, đang mở cổng đó…
- Chị kia!
Tôi ngẩng phắt lên khi người lính hồi nãy gọi to, rồi xăng xái đứng dậy tiến đến, chút nữa bỏ quên cả túi đồ ăn nếu một bà má mặc áo trắng không kêu giật tôi lại.
- Ở đây không có ai tên là Nhân cả.
Tôi chưng hửng như rơi từ ngọn cây xuống:
- Có… có mà. Trần Hoàng Nhân… Người ta bảo tôi có mà.
- Cách đây một tuần thì có nhưng bây giờ chuyển đi rồi.
- Chuyển đi đâu ạ?
- Chí Hòa!
Hai tiếng Chí Hòa giáng mạnh vào đầu tôi. Trời ơi! Anh đến nông nỗi nào mà phải bị giam vào Chí Hòa, cái nhà tù chỉ chứa những người mang án nặng, không bị tử hình thì cũng tù chung thân? Tôi hỏi vớt lại một câu:
- Thiệt vây sao… Thiệt là Trần Hoàng Nhân hả cậu?
- Không thiệt thì tôi giỡn với chị chắc! Thôi dẹp ra, tôi còn bận việc khác!
Tôi cúi đầu lùi lại và cứ đứng ngẩn ngơ ở giữa đường không biết đi hay ở nữa. Bà má mặc áo trắng hồi nãy đến bên tôi:
- Thôi, bồng thằng nhỏ về đi con! Về rồi bữa khác lại đi tiếp. Má xem chừng thằng nhỏ đói rồi đây nè! Đừng để nó giang nắng thêm, bệnh đó.
Như vớ được chỗ bám víu, tôi níu tay bà má hỏi:
- Nhưng có thiệt chồng con chuyển nhà lao hay là họ giết mất ảnh rồi?
- Chắc không đâu – Bà má vỗ về tôi - Từ ngày xảy ra cái vụ đầu độc, bị thiên hạ la lối nhiều, họ ít dám làm càn hơn. Họ sợ công luận. Ngày mai con cứ xin đủ giấy tờ đi Sài Gòn coi. Cái gì cũng phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, thời buổi này ngồi một chỗ mà lo nghĩ chỉ rối thêm. Về đi con! Tội nghiệp thằng nhỏ, nắng dọi vô trán nó rồi nè!
- Dạ!
Tôi đành làm theo lời bà má, người đàn bà cho tôi những lời khuyên chắc phải trả bằng hàm trăm, hàng ngàn chuyến đi tìm, đi thăm người thân bị tù tội của mình
*
* *
Tạm dừng lại ba ngày để chuẩn bị thêm giấy tờ và nắm thêm tin tức cho thật chắc chắn, ngày thứ tư tôi lại khăn gói, bồng con đi thăm chồng. Tôi tin lần này nhất định sẽ gặp được anh. Và nếu như vì lý do nào đó chưa gặp hay không gặp được tôi sẽ ở lại luôn cái thành phố xa lạ cho đến khi nào gặp được mới thôi.
Sáng hôm sau, tôi dậy từ 4 giờ sáng để ra bến xe mua vé đi Sài Gòn. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn nhưng trong lòng tôi tuyệt nhiên không thấy một chút xao động nào, tuy rằng từ bé tôi đã được nghe nói bao nhiêu điều hấp dẫn, mới lạ về thành phố lộng lẫy này. Vả lại trên xe đông nghẹt người, toàn thấy lưng, thấy vai của nhau, còn kẽ hở nào để nhìn ngó xung quanh nữa. Cho đến lúc bác tài ngoái đầu lại nói đã đến Hòa Hưng tôi mới chợt nhớ ra địa chỉ ông chú dặn và hốt hoảng xin xuống.
Vừa bước chân xuống mặt đường Lê Văn Duyệt, lập tức một cảm giác bị đè bẹp, bị nuốt chửng bởi phố xá quá náo nhiệt, bởi nhà cửa quá đồ sộ, và bở màu sắc quá chói chang của các loại quần áo, các loại xe cộ và biển quảng cáo, úp chụp xuống đầu tôi. Tay bồng con, tay khệ nệ mang vác, quần áo nhăn nhúm, đẫm mồ hôi mồ kê, tôi tự biết mình lạc lõng, mình chẳng giống ai cả. Bỗng dưng tôi tháy mình bơ vơ quá. Gặp một bác xích lô vận mỗi chiếc quần cụt rách te tua đạp xe qua, tôi dè dặt hỏi đường đến khám Chí Hòa. Bắc nhìn tôi giây lâu ra chiều ái ngại rồi kêu lên xe chở giúp đến tận nơi. Thấy tôi lừng chừng, bác nói chỉ chở giúp thôi, không tiền nong gì đâu. Nghe vậy tôi mới yên tâm bước lên xe.
Xe chạy được mấy phút, đến đoạn đường vắng, nhìn sang trái thấy một khu nhà cao tầng cổng kín có chằng dây kẽm gai, thoạt trông hoang vu như nhà tu kín, bác xích lô bảo tôi xuống rồi không đợi tôi cám ơn, bác quay càng xe, gò lưng đạp đi luôn. Trưa nắng rát mặt. Trút một hơi thở dài đè nén sự hồi hộp, tôi cố bình thản bước đến cổng khám. Khi đã đối diện với người lính đứng im trong trạm gác, bỗng nhiên tôi lại muốn quay ra, không hỏi nữa. Tôi muốn trì hoãn để kéo dài thêm những khoảnh khắc được phập phồng hy vọng. Hỏi rồi bỡ ra bác ta lại thông báo rằng chồng tôi không có ở đây, đã chuyển đi xa rồi thì… Tôi sợ lắm! Mới có hai lần mà hình dáng chiếc cổng gác, câu trả lời của người lính gác đã thành ám ảnh, thành nỗi đe dọa trong tôi. Nghĩ như vậy, nhưng chân tôi vẫn bước gấp, miệng vẫn mở ra như cái máy:
- Thưa cậu!... Đây có phải khám Chí Hòa không ạ?
- Cô không biết đọc à? - Người lính hất mặt lên dòng chữ to treo trên nóc cổng với thái độ khinh khỉnh. Hình như tất cả những người lính, dù đứng gác trước bất cứ công sở nào đều giống nhau kỳ cục về giọng nói, về nét mặt như thế này. Tôi nhũn nhặn:
- Dạ! Tôi xin lỗi cậu! Bữa nay sao vắng quá? Có phải là ngày vào thăm tù không ạ?
- Chiều.
- Dạ… Nhưng tôi muốn hỏi cậu trước là…
- Không hỏi gì cả. Đây là vọng gác, chị lui ra, chiều tối, muốn hỏi gì thì hỏi.
- Dạ…
Tôi kín đáo lấy trong túi áo ra gói Rubi mua từ chiều hôm qua theo lời dặn của ông chú để dùng trong những trường hợp đại loại như thế này đặt vào tay anh ta.
- Mời cậu hút thuốc.
Người lính thờ ơ nhưng không rụt tay lại, miệng càu nhàu:
- Đang gác, thuốc gì mà thuốc… Chị hỏi gì?
- Tôi muốn hỏi chồng tôi là Trần Hoàng Nhân, tù nhân mới từ Phú Lợi chuyển về, có còn đây không ạ?
- Hàng ngàn người, ai biết được. Nhân nào! Để hỏi coi! Chị đứng xa ra ngoài kia, lẹ đi!
Tôi ngoan ngoãn nghe lời và đứng sang bên kia đường, trong lòng thấp thỏm vô cùng. Trong trạm gác, người lính rỉ tai một người lính khác, trẻ hơn, đứng kế đó. Người này xây lưng đi vào trong. Lát sau, người này đi ra gật đầu. Tôi nhìn dán vào cái gật đầu đó, khấp khởi xiết chặt con vào ngực. Không chờ gọi, tôi rảo bước sang, ngước mắt hỏi:
- Có phải không cậu?
- Nhân ở Phú Lợi, ba mươi tuổi, quê tại thị xã Bình Dương? Họ Trần?
- Dạ! – Tôi mừng cuống, vội gật đầu.
- Tù chính trị chống đối quốc gia?
- Dạ! – Tôi cũng gật luôn.
- Chà! - Người lính cười khẩy – Bà “dạ” ngon lành quá! Rồi bà sẽ được mặc sức mà “dạ”. Có tù cộng sản Trần Hoàng Nhân ở đây. Mười bốn giờ, khám sẽ mở cửa cho người nhà vào thăm.
Thế là ổn rồi. Bây giờ chắc mới khoảng 10 giờ, còn bốn tiếng nữa sẽ được gặp anh. Bốn tiếng lâu quá nhưng không lo nữa. Biết chắc anh ở đó rồi, bốn tiếng chứ bốn mươi tiếng, hay bốn trăm tiếng tôi cũng cho là không nhằm nhè gì. Tôi cảm ơn người lính rồi bế con tìm một gốc cây có bóng mát ngồi đợi. Đứa bé đã tỉnh dậy, chóp chép miệng đòi ăn. Sữa tôi đã pha sẵn vào bình từ nhà, lúc này chỉ việc nhét núm nhựa và miệng nó, hơi nguội một chút nhưng còn hơn ngậm vào bầu vú không chảy một giọt sữa nào của mẹ. Tôi nựng con rán chịu cực, gặp ba xong, chiều về nhà sẽ cho ăn bù. Đứa con ngước đôi mắt lay láy lên cười với tôi như tỏ ý đồng tình, như hiểu thấu hoàn cảnh của mẹ nó lúc này. Đôi mắt ấy giống mắt anh quá, giống đến kỳ lạ, giống đến nỗi thỉnh thoảng nhìn vào mắt con tôi lại nhợt cả nhạt cả người.
Mải cho con uống sữa, tôi vô tình không để ý đến ở gốc cây bên cạnh cũng có hai mẹ con nhà nào đang ngồi tránh nắng. Người mẹ còn trẻ, chắc nhỉnh hơn tôi chút ít, ăn vận lối người ở quê ra, khuôn mặt vàng võ, mệt mỏi. Bên cạnh là đứa bé chừng một hay hai tuổi gì đó, mặt mày nhem nhốc nhưng vẫn không che được vẻ kháu khỉnh ẩn bên trong. Khi tôi bắt đầu để ý đến họ thì người mẹ đã có vẻ mệt lắm, chân duỗi dài, lưng dựa vào gốc cây, cổ hơi nghẹo sang bên và cặp mắt nhắm thiêm thiếp. Khuôn mặt chị đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi, cái miệng hơi hé ra trong tiếng thở nặng nhọc. Cánh tay gầy ngẳng, cháy nắng của chị dần dần rời ra khỏi lưng đứa bé để buông thõng xuống nền đất, trong khi tay kia bằng một ý thức không tự giác, vẫn khư khư giữ lấy chiếc làn mây đựng đủ thứ lỉnh kỉnh bên trong. Đứa bé được giải phóng khỏi tay mẹ, liền trườn xuống đất, lững chững đi được vài bước rồi ngồi phệt xuống, đôi mắt ngó nghiêng dòm thật tội. Đôi mắt ấy ngó sang tôi rồi dừng lại trên bình sữa đã gần cạn ở miệng con tôi. Mắt nó sáng lên vẻ thèm khát... Sao con mắt ấy giống mắt con tôi thế? Cũng đen lay láy, cũng to khác thường... Tôi nhắm mắt lại, lắc đầu tự xóa đi hình ảnh đầy sự liên tưởng ấy. Tuy vậy, từ lúc đó tôi không rời mắt khỏi nó nữa. Thấy bình sữa đã cạn, nó chóp chép môi có vẻ tiếc rẻ rồi quay đi. Nó ngồi im một chút rồi bắt đầu chuyển động theo cái kiểu nửa bò nửa lết ra phía đường. Tới mép vỉa hè nó dừng lại một chút rồi lại bò tiếp. Nó xoay người cho hai chân xuống lòng đường trước rồi hai tay chống theo. Tôi đã tưởng nó sẽ lết qua mặt đường sang bên kia nên định chạy tới giữ nó lại, nhưng không, nó chỉ bò đến đó rồi nằm im. Bây giờ tôi mới nhận thấy trước mặt nó là một đống rác cao quá đầu. Tôi chưa kịp hiểu gì cả, thì trong chớp mắt nó đã cầm được miếng vỏ thơm bị ruồi nhặng bu đen, đưa lên mồm nhai ngấu nghiến.
- Trời đất! Thằng bé đang bới rác ăn kìa!
Tôi kêu lên không giấu được vẻ bực tức. Người mẹ giật mình mở choàng mắt, hai tay vội quờ quạng tìm con, nhưng không thấy bèn hốt hoảng đứng dậy. Khi phát hiện ra con đang ngồi cạnh đống rác, chị thốt lên một tiếng nghe thật não ruột rồi xiêu vẹo chạy tới, vừa thở hổn hển vừa mếu máo bế thốc lấy con trở lại. Đứa bé đột nhiên bị mất miếng ăn, oằn người khóc ré lên, hai bàn tay nhem nhuốc vẫn cuống cuồng nhoài về phía đống rác. Thường trong những trường hợp như thế, người mẹ bao giờ cũng cáu bẳn, quát tháo hoặc đét vào đít con mấy cái ra trò, nhưng chị ta chỉ ngồi im, lặng lẽ xiết chặt tấm thân lấm đất cát của con vào lòng và những giọt nước mắt chị từ từ chảy ra, lăn theo một đường ngoằn nghèo qua gò má xanh xao xuống miệng. Tôi bỗng nhận ra người mẹ này còn ẩn giấu một vài nét đẹp đằng sau cái vẻ tiều tụy ốm đâu kia. Mũi thẳng, đường môi khá thanh, hơi uốn lên thành một nét trẻ thơ nũng nịu, đôi mắt buồn man mác như mắt một con chim non xa đàn gợi lên sự khao khát yêu thương, khao khát đoàn tụ đến khổ sở. Bỗng dưng trong tôi nảy nở sự đồng cảm rất thuần phác với chị. Chắc đây cũng là một người vợ đi thăm chồng tù tội và hiện nay cả hai mẹ con đều đang ốm đau và đói khát. Tôi bế con đi tới gần chị và ngồi xuống, lấy ra một ổ bánh mỳ có nhân thịt heo quay:
- Nè chị! Cháu có vẻ đang đói, chị cho cháu ăn đỡ.
Chị ta nhìn lên, bối rối, mắt chứa đầy vẻ cảm ơn nhưng tay vẫn để nguyên.
- Chị đừng ngại, em cũng là người đi thăm tù như chị, bọn mình cùng cảnh ngộ.
Tôi lấy thêm một ổ bánh nữa rồi dúi cả hai ổ vào tay chị. Chị nhìn tôi một lần nữa và đến khi biết chắc rằng tất cả những điều tôi nói là thành thật, chị mới đưa tay cầm lấy:
- Cám ơn cô!... Cô tốt quá!
Bằng một cử chỉ hơi lóng ngóng, chị bẻ một nửa ổ bánh đưa cho con. Thằng bé, chưa chờ mẹ đưa đã cầm như giật lấy rồi đưa lên miệng ăn ngay. Cái miệng nhỏ xíu của nó chèng bèng ra vì miếng bánh to quá. Người mẹ quay đi, có vẻ ngượng nghịu:
- Khổ! Cháu chưa có gì vào bụng từ chiều qua tới giờ… Có mấy trăm bạc mang đi, hồi đêm ngủ vạ vật ở đây bị móc túi sạch trơn, chẳng còn gì để mua một miếng bánh cho nó nữa.
- Kìa, chị cũng ăn đi cho lại sức. Em dòm chị có vẻ bệnh?
- Tôi bệnh từ ở nhà, nhưng cái việc đi không hoãn được. Ai dè mẹ con lếch thếch lôi nhau được tưói đây lại không trúng ngày. Suốt đêm qua nằm giữa trời, mắc mưa nên người mới nhược thế này.
Chị bẻ cho đứa con một miếng bánh nữa và chính chị cũng cắn một miếng nhỏ. Dòm chị ăn thấy tội quá! Bánh còn mới, thơm lựng mà chị nhai trệu trạo như nhai gỗ.
- Để em đi mua cho chị tô hủ tiếu. Đang đau, ăn thế này không được đâu.
- Thôi, cảm ơn cô, tôi không muốn ăn gì cả. Chỉ nóng ruột nóng gan mong gặp được anh ấy.
- Chị đi thăm chồng à?
Một thoáng lúng túng hiện lên trên mặt chị.
- Chồng... nhưng cũng không thật là chồng. Về danh nghĩa, tôi và anh ấy chưa là gì với nhau.
- Anh ấy ở đây đã lâu chưa chị? – Tôi hỏi đẻ khỏa lấp cái ý tò mò muốn biết sâu về gia cảnh của chị.
- Nghe nói cũng mới thôi.
- Anh ấy là chính trị phạm hay thường phạm? – Tôi hỏi thuận mồm mà không hay rằng mình đã nhiễm lối hỏi của các cổng gác.
- Tôi cũng không rõ nhưng... anh ấy là người tốt, chắc không phải tù tội vì giết người hay lưu manh, lừa đảo gì đâu.
Trong câu trả lời, tôi đọc thấy cả sự kín đáo lẫn ý thức bảo vệ danh dự của chị. Điều đó làm tôi nể và không muốn hỏi sâu thêm nữa. Tôi cầm tay cháu bé:
- Đay chắc là con anh ấy? Cháu mấy tuổi rồi?
- Vâng – nét mặt chị rạng lên một chút. – Cháu được hơn một tuổi rồi.
Sự cởi mở đến giản dị của chị đã xích chị lại gần tôi hơn. Chúng tôi tâm sự về gia cảnh, về mọi chuyện với nhau. Tôi hỏi mạnh bạo hơn:
- Sao chị không làm lễ cưới để cháu nó có họ của cha?
- Cũng rắc rối lắm! Anh ấy không yêu tôi. Không muốn sống suốt đời với tôi.
- Thế sao lại có con với chị? – Tôi hỏi gay gắt.
- Tại tôi!
- Tại chị?
- Không, đúng đó. Tôi muốn có con với ảnh, tôi nài ảnh làm việc đó. Ảnh chỉ chiều tôi.
- Em không hiểu?
- Chuyện dài lắm. Kể ra, cô nghe thêm mệt.
Tôi im lặng vè suy nghĩ vẩn vơ. Mặt đường lúc này đã vắng người, xe qua lại. Cái nắng chói chang cộng với cái oi nồng của bầu trời sắp mưa khiến mọi người chui cả vào trong nhà hay ngòi kín trong những tiệm giải khát. Chốc chốc lại có một chiếc xe hòm bít bùng bấm còi lăn vào cổng khám hoặc một chiếc xe khác hối hả lăn từ trong khám đi ra. Tốp lính gác làm nhiệm vụ đóng mở cổng mãi cũng chán, lúc này người tì cằm vào súng đứng ngáp, người thì uể oải gõ giày đi lại cồm cộp cho đỡ chồn chân. Mỗi lần có một chiếc xe đến hay đi như thế là tôi và chị, chẳng ai bảo ai là dán mắt nhìn theo. Hai người đàn bà, hai người vợ dường như đều cùng một nỗi thấp thỏm tìm bóng dáng người chồng trên những chiếc xe tang tóc ấy. Hai đứa bé con chị và con tôi sau khi đã ăn no, lăn ra ngủ trong tay mẹ. Có lẽ không chịu nổi sự im lặng hòi hộp khắc khoải này và có lẽ cũng do không biết làm gì để cho hết khoảng thời gian dằng dặc từ đây cho đến hai giờ chiều, chị vuốt lại tóc, khẽ khàng kể cho tôi nghe chuyện chị, kể với cái giọng buốn buồn, đứt quãng của người nhiều âu lo, ốm yếu và gặp nhiều ngang trái, bất hạnh trong cuộc đời. Chị quê ở Bến Cát, xã Thanh Tuyên. Nhà chỉ có hai má con, ba chị đã đi tập kết đến nay vẫn vắng tin. Một lần có một người con trai ghé chơi nhà chị. Anh ấy rất vui, gọi má chị là thím, gọi chị là em. Sau này má nói lại chị mới biết, ba anh và ba chị ngày trước cùng hoạt động với nhau. Rồi tiếp đó, thỉnh thoảng anh lại đến, lúc ban ngày, lúc chiều tối, làm căn nhà của chị ấm cúng hẳn lên. Dần dà chị đem lòng thương anh nhưng không dám nói và anh cũng không tỏ ý gì. Một đêm nọ, trời nổi dông, anh xộc vào nhà chị, người ướt lướt thướt, bên ngoài ồn lên những tiếng chó sủa, tiếng chân chạy, có cả tiếng súng. Má đem giấu anh xuống căn hầm của ba chị ngày trước… Sáng hôm sau má đi ra bưng, dặn chị dòm chừng và tiếp cơm nước cho anh. Chính buổi trưa ngột ngạt mang đồ ăn xuống cho anh đó; yêu quá, thương quá, chị đã không giữ gìn gì nữa mặc dù anh cố chống đỡ, không muốn điều đó xảy ra. Và chị có thai… Nhưng chị chờ hoài không thấy anh trở lại.
- Thời gian sau đó, khi sinh thằng nhỏ rồi, - chị nói – tôi cố quên anh. Tôi tự an ủi rằng, không có anh nhưng có hình bóng của anh, giọt máu của anh để lại, thế cũng đủ. Khi đã thương yêu hết lòng, tôi sẵn sàng trả giá cho sự hết lòng đó, sẵn sàng tha thứ tất cả.
- Vậy là anh ấy chưa biết mặt con?
- Biết. Mấy tháng sau anh đột ngột xuất hiện. Lúc ấy tôi đang cho con bú. Nhác thấy bóng anh ở ngưỡng của, tôi rụng rời chân tay, chút nữa đánh rớt thằng bé. Anh nhìn tôi một hồi lâu rồi hỏi, giọng không ra buồn, không ra vui: “Út lấy chồng rồi sao em?”. Tôi lắc đầu, cố kìm nước mắt. “Thế con ai đây?” Anh hỏi. Tôi lấy hết sức để nói được một câu: “Anh thử nhìn coi!”. Anh đến gần đứa bé chăm chú nhìn, nhìn thật kỹ nhưng không có chút xao động nào hiện ra trên mặt. Tôi rời rã cả người, cúi gục đầu xuống để khỏi nấc lên… Có lẽ tác động ấy cộng với khuôn mặt nhợt nhạt của tôi đã thức tỉnh anh. Anh ngồi thụp xuống bế lấy đứa bé, ánh mắt chìm đắm trong sự bàng hoàng và xót xa. Khi đó, không cần giấu giếm gì nữa, tôi để mặc cho nước mắt chảy ra… Tôi khóc lâu lắm, khóc như chưa bao giờ được khóc như thế. Khóc đã rồi, tôi nhìn lên và thấy tròng mắt anh cũng đỏ hoe. Khoảnh khắc ấy tôi lại thấy yêu thương anh vô cùng. Người đàn ông đẹp đẽ và dũng cảm kia là chồng tôi, là cha của bé này. Tôi đỡ lấy con trong tay anh rồi ngồi dựa vào vai anh, im lặng. Đó là giờ khắc im lặng ngọt ngào trong cảm giác kỳ lạ của người đang bơi trong hạnh phúc thật sự. Tôi tưởng anh sẽ ôm xiết lấy tôi như lần ấy, sẽ cuống quít hôn lên khắp mặt tôi, nói những lời yêu thương, những lời ân hận… nhưng không, anh vẫn ngồi im như hóa đá. Mãi sau anh mới đỡ tôi đứng dậy, mặt mũi thất thần như vừa vớt ở dưới nước lên. Anh đi lại, vật đầu vật trán, vai so lên, lưng còng xuống trong cái dáng của người đang vật lộn với cái gì ghê gớm lắn. Anh nhìn đồng hồ rồi nhìn ra ngoài nắng với vẻ mặt hết sức bồn chồn. Tôi thu nhận được đầy đủ cái tâm trạng phức tạp đó, cố lấy giọng điềm tĩnh nói:
- Anh đang có việc phải không? Bận, anh cứ đi đi! Lúc khác rảnh, anh về với má con em…
Không ngờ câu nói đó làm anh sụp hẳn xuống, anh gục đầu vào lòng tôi, nói rất khó nhọc:
- Út ơi… Tha thứ cho anh. Nếu anh biết trước được điều này…
- … Em tha thứ cho anh rồi, tha thứ từ lâu.
- Không! - Tiếng anh tắc nghẽn – không phải vậy. Biết nói với em thế nào bây gờ?... Út ơi! Nghe anh nói đây, dù sau đó em có thể căm ghét anh, nguyền rủa anh nhưng anh không thể hèn hạ, không thể dối trá trước má và em- Anh nhìn vào mắt tôi, mặt rung lên dường như thu hết can đảm vào đó – Anh có vợ rồi. Không! Không phải có trước lần gặp em đâu. Mới đây thôi. Anh… Anh không biết…
Chắc cô nghĩ rằng nghe xong tin đó tôi sẽ ngất đi? Đâu có! Ngược lại mới lạ chớ! Tôi bỗng thấy bình tĩnh lạ lùng. Dường như đã chuẩn bị đón trước mọi sự cố có thể xảy ra nên khi nó xảy ra, tôi chỉ nhói đau một cái rồi trở lại bình thường. Hơn nữa, tất cả sự chân thực đến khốn khổ cảu anh đã làm cho tôi có chút hài lòng. Nếu anh tàn nhẫn một chút, trí trá một chút thôi là tôi sẽ cảm thấy anh hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của tôi, với nỗi khổ của tôi, như vậy tôi sẽ phải ân hận suốt đời. Lúc đó tôi chỉ thấy thương anh mà không hề có oán trách gì. Tôi đưa tay vuốt ve tóc anh, khuôn mặt thân thương của anh mà ngầm gửi vào đó sự vĩnh biệt đau đớn. Trước cử chỉ ấy, không hiểu sao anh lại bất thần môm xiết lấy tôi, hôn như mưa vào mặt, vào cổ tôi, điều mà tôi tưởng không bao giừo có được nữa. Anh dụi đầu vào mặt con rất lâu, mặt đứa bé nhòe đi vì nước mắt anh.
- Anh đi đây…. Anh phải đi đây. Út tha thứ cho anh… con tha lỗi cho ba, ba không xứng đáng… Út ơi, anh sẽ gặp má, sẽ quỳ xuống để má trừng phạt anh… anh không xứng đáng...
Anh đi như chạy ra cửa. Nhìn theo bóng anh, tự nhiên lòng dạ tôi dàn trải ra, vơi nhẹ đi nhiều. Thế là vào phút chót, anh ấy đã thương tôi, anh ấy thực sự thương tôi. Thế là đủ, dù cho anh ở đâu, thuộc về người nào. Và rồi đây có còn gặp anh nữa hay thôi. Cô xem, lòng dạ đàn bà chúng mình kỳ cục thế đó. Chỉ cần một phút như vậy là đủ sống cả đời.
- Thế rồi sau đó anh ấy có trở lại không? – Tôi hỏi, thực sự lo lắng cho số phận của chị.
- Không. Anh đi miết cho tới ngày gần đây, một người bạn của anh ấy cho hay anh ấy bị bắt.
Tôi ngồi im, lắng chìm đi trong những điều chị vừa kể. Chỉ cần một câu chuyện ấy thôi, tôi bỗng thấy chị đáng yêu, đáng phục và gần gũi, dễ hiểu với mình biết bao. Còn người đàn ông đẹp đẽ, như lời chị nói ấy chắc phải tốt lắm, trung thực lắm mới đủ sức khiến người đàn bà ngồi cạnh tôi thương yêu đến mức hy sinh nhiều như thế. Tôi chạnh nghĩ đến chống mình. Hình như những người làm cách mạng, những người bị chính quyền săn đuổi, bắt tù, bắt chết đều là những con người đáng yêu, ưu tú như vậy cả. Nghe chuyện chị, tôi cành thấy yêu anh ấy hơn. Giống như chị, tôi sẵn sàng hy sinh tất cả cho anh ấy. Trời ơi! Ít phút nữa là tôi sẽ được nhìn thấy anh, nghe anh nói. Tôi sẽ kể lại câu đe dọa của viên đồn trưởng: “Nếu chồng cô được ra tù, cô sẽ là đồng chí của nó”. Đúng! Nếu anh được ra, nhất định tôi sẽ không để anh lặn lội một mình nữa. Gian nan có nhau, sống chết có vợ có chồng. Tôi thích như thế và tôi tự biết mình dư sức làm được như thế. Tôi sẽ đi cùng đường với anh. Con đường ấy đối với tôi còn rất xa lạ, rất mờ mịt nhưng ba tôi, ba anh ấy, người thương của chị kia và biết bao người khác nữa đang đi, tôi tin con đường ấy đúng, tin con đường ấy phù hợp với tôi. Trước hết, tôi luôn luôn được ở kề bên anh.
Mải nghĩ ngợi lan man, cánh cổng sắt của khám ken két mở ra lúc nào không biết. Cả tôi, cả chị đều hối hả đứng lên, bồng con, dắt díu nhau qua đường. Tốp gác lúc nãy đã đổi, bây giờ thay vào đó là tốp lính khác cau có, lì lợm hơn. Người đi thăm tù ở đâu ùn ùn đến đứng chật cả hè đường, mặt mũi ai cũng bồn chồn, ngơ ngơ ngác ngác rướn cổ chờ gọi đến tên mình. Tôi đứng đằng sau chị, dán mắt vào miệng viên cảnh sát đeo kính trắng tay cầm một tập giấy to, nhỏ khác nhau thứ tự xướng tên những người được vào thăm tù với cái giọng và nét mặt uể oải, khinh bạc. Theo tiếng đọc của hắn, đám đông trước cửa khám vơi đi nhanh chóng, ai cũng muốn nhanh chân để gặp người thân lâu hơn phút nào hay phút ấy. Thoáng chốc chỉ còn lại tôi với chị cùng vài người nữa. Mặc dù đã được trả lời chắc chắn là có anh ở trong đó nhưng bụng tôi vẫn không yên. Tập giấy trên tay người gọi tên còn mỏng quẹt! Ngộ nhỡ… Vừa lúc đó vang lên tiếng gọi:
- Nguyễn Thị Sang! - Dạ… tôi đây ạ!
Chị cuống quýt trả lời, tay chị vơ vội lấy cái làn xách. Mừng cho chị, tôi khẽ đẩy vào vai chị như sợ rằng chậm một chút là cánh cổng sắt kia xập lại mất.
- Chị đi thăm chồng? - Hắn đưa mắt dò xét trên khuôn mặt chị.
- Dạ… không! Người thân thôi - Chị ấp úng trả lời.
- Tên là Trần Hoàng Nhân?
- Dạ…
Cái gì? Tôi choáng váng cả người, không còn tin vào tai mình nữa. Có đúng người ta kêu tên anh ấy không? Trần Hoàng Nhân! Nhưng sao lại là Nguyễn Thị Sang? Phải là Phạm Thị Thanh chớ… Nhưng kìa, người ta đang nhắc lại:
- Chị Nguyễn Thị Sang được phép vào thăm người thân là Trần Hoàng Nhân, nhà giam số 4, xà lim số 2! Lẹ lên.
Đất dưới chân tôi hẫng hụt, phải cố gắng lắm để khỏi ngã ngồi xuống. Mắt tôi hoa lên, bập bềnh khuôn mặt chị: “Tôi vào nghe, cô đi sau!”. Tôi gật đầu theo quán tính và cảm thấy rất rõ ràng trái tim mình đang rã ra từng mảnh… Người ta xướng tên vài người nữa rồi cuối cùng cũng đến tên tôi. Lạ kỳ chưa! Bao lâu nay vất vả long đong để được cái gọi tên này nhưng khi nó đến, tôi lại hết sức dửng dưng. Phạm Thị Thanh!... Tên tôi đó mà nghe xa lạ như tên người khác.
- Chị Phạm Thị Thanh có đây không?
Tai tôi ù đi. Không! Không thể có được. Lúc này không thể có một Phạm Thị Thanh nào hết. Có một Nguyễn Thị Sang đã tới trước với anh ấy rồi. Có là lòng lang dạ sói mới gặp anh lúc này. Mình không phải là phường tranh cướp mặc dù mình có đầy đủ ưu thế để giành giật. Trời! Sao cuộc đời lại trớ trêu dường này!
- Phạm Thị Thanh đâu?
Tôi ghìm mình lại, bằng cách ôm chặt con để không bật lên tiếng trả lời. Như một kẻ ăn trộm, tôi lủi ra khỏi đám người còn lại đi sang đường như chạy trốn tiếng gọi đầy ma lực quyến rũ ấy. Bước chân tôi líu ríu vừa muốn đi tới vừa muốn lùi lại. Đầu óc tôi để hẳn ở phí sau, nơi cái cổng sắt đang còn bỏ ngỏ… Lúc này chắc chị ấy đã gặp anh? Họ nhìn nhau… Họ nói với nhau… và đứa bé có đôi mắt giống anh đang đưa tay về phía trước… Bỗng chốc, ruột gan tôi sôi lên. Tại sao tôi lại không vào nhỉ? Tôi phải vào, phải mắng cho con người bội bạc ấy mấy câu, phải nói thẳng cho người đàn bà bất hạnh kia hay rằng anh ta chẳng bao giờ xứng đáng với những hy sinh mà chị phải chịu cả. Thực ra, đằng sau cái vẻ ngoài hào nhoáng và quyến rũ đó, anh ta chỉ là một con người buông tuồng, giăng hoa, chỉ là một con số không. Trước đây tôi đã từng nghe về anh như thế… Những câu nói xa xôi bóng gió của Nghĩa chợt vẳng bên tai tôi. Biết ngay mà! Thì ra bao lâu nay người ta ngọt nhạt, người ta lừa dối mình tồi tệ như thế đấy! Trời ơi… Trong cái nắng buổi chiều gay gắt báo hiệu cơn dông đang sắp kéo tới, tôi cứ vừa đi vừa khóc. Cát bụi bay mù trời, đường phố tối sầm lại, người xe ngược xuôi hối hả trên đường. Cái tã quấn quanh người con tôi bay phần phật. Sắp mưa to rồi con ơi! Tội nghiệp con, mưa gió thế này mà má lại tha con đi, làm tình làm tội con. Bé bỏng của mẹ ơi! Từ nay con không còn cha nữa... Mưa bất thần ập xuống, ngay từ loạt đầu đã rất nặng hạt. Những hạt mưa to tướng gõ chan chát xuống vỉa hè, reo xoang xoảng trên mái tôn, làm bốc lên những ngọn khói trắng nhạt, bay lơ lửng rồi lại mưa nhận chìm xuống đất. Tôi lạnh run người, vội ôm con chạy tạt vào một mái che gần đó. Thoáng chốc đường phố vắng tanh, chỉ có gió và mưa tung hoành trên mặt đường nhựa. Mưa bay những hạt xiên xiên vào người tôi. Tôi xoay người che gió cho con và cùng với những hạt mưa đang nhẹ dần, đầu óc tôi trở nên quang quẻ và dần dần tỉnh táo lại...