Anh Tám đang ngồi câu cá. Thoạt nhìn, tôi không nhận ra anh. Vận một chiếc áo thun kiểu thể thao, quần soóc trắng, đầu chụp nón phớt trắng và đi đôi ba ta cũng màu trắng; trông anh hệt một khách du lịch ở Sài Gòn lên thăm thú cảnh bán sơn địa mà vào những ngày nghỉ, ngày nắng ráo họ thường kéo nhau đến ngồi dọc khúc suối khá đẹp và nhiều cá này. Đằng sau anh dựng một chiếc xe gắn máy màu đen có buộc ở boóc-ba-ga nhiều thứ đồ lỉnh kỉnh của người đi đường xa. Thời bấy giờ chưa có Honda, được một chiếc xe như vậy cũng gọi là dân chơi thứ thiệt.
Nhìn thấy tôi, anh khẽ nhướng mày chào rồi vẫn giữ vẻ mặt bình thản, chú ý vào chiếc phao câu nhảy tưng tưng trên mặt nước. Chọn một chỗ thuận tiện gần anh, tôi gỡ quang gánh, bê chồng bát đĩa dơ bước xuống suối. Nước liếm ngang bụng chân tôi mát rượi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện như hai người xa lạ, hoàn toàn không ngoảnh mặt vào nhau.
- Cháu thế nào? – Anh hỏi nhỏ.
- Cũng ốm yếu luôn.
- Chú ấy ra sao?
- Vẫn ở khám cũ. Rất mong được gặp một người nào đó trong các anh.
- Ngoài này cũng hiểu nhưng không thể đến thăm chú ấy được. Nói Nhân cứ yên tâm, không moi được tang chứng gì, chúng không thể giam giữ mãi được đâu.
- Tình hình ra sao anh Tám? Ra đường thấy xung quanh nhao nhác, sôi sục lắm rồi. Sắp có chuyện phải không?
- Khẽ! – Anh đưa mắt về phía một người đang lúi húi bẻ măng ở bụi tre bên kia suối - Chỗ này nhiều kẻ rình mò lắm.
Chúng tôi im lặng. Chồng bát đĩa tôi đã rửa xong, lại phải gỡ ra từng cái, kỳ cọ lại. Người lạ mặt đã xắn được mấy mụt măng, loay hoay không biết làm gì nữa đành chuyển sang bụi tre khác.
- Tôi mời cô tới đây cũng là vì việc ấy – Anh nói nhanh, mắt vẫn dõi theo phao câu – Tình hình sắp chuyển rồi. Đã tới lúc không thể ngỗi im nhìn đồng chí mình hết người này tới khác ra đi nữa. Không trông mong gì ở thiện chí của bọn này đâu. Ta càng mềm, chúng càng làm tới. Ta muốn nói chuyện đàng hoàng, chúng toàn giở trò chém giết. Chính trị chay lúc này là... mà thôi! Cái đó dần dà cô sẽ biết. Phức tạp lắm. Tóm lại, sắp tới ta phải hô hào bà con nhất loạt nổi dậy. Chỉ có con đường võ trang mới... Thôi, tôi lại làm cô rối óc rồi.
- Không rối đâu! Võ trang tức là oánh lại, là làm tới hả anh Tám? Tôi ưng cái kiểu đó lắm – Tôi nói một cách háo hức.
- Khẽ!... - Ừa! Đã tới lúc phải võ trang, phải nổi dậy... Muốn thế, phải có lực lượng, phải có vũ khí. Lực lượng chúng tôi đang tập trung, cô vận động anh chị em quen biết phụ vào. Song, cái chính là cô giúp chúng tôi chuyên chở được ít thuốc nổ từ Long Khánh về đây.
- Tôi?
- Phải! Chỉ có cô mới làm được việc này. Anh em ta còn ít lắm, lại hầu hết giấu mặt trong rừng, cơ sở cách mạng trong dân có thể hoạt động công khai được bị thối, bị bắt hết. Chỉ còn cô. Lợi dụng buôn bán, cô có thể làm được công việc đó.
- Nhưng công việc bán bánh ú chỉ ngồi một chỗ, làm sao mà...
- Tôi hiểu. Cô không ngồi bán bánh ú nữa. Dựa vào câu chuyện xô xát hôm qua, cô làm bộ giận dữ bỏ chợ đi làm người khác.
- Chuyện ấy anh cũng biết? – Tôi bỗng đỏ mặt hỏi mặt.
- Riềng đã kể hết. Nó nói khi cần bà chị của nó cũng ghê gớm lắm – Anh mỉm cười.
- Cái thằng... - Tôi cúi thấp đầu sát mặt nước để che đi sự ngượng ngùng.
- Cô sẽ chuyển nghề đi buôn cá khô, mặt hàng này người ta buôn nhiều, tránh được sự để ý đặc biệt. Trong những cái thùng gỗ đó, cô có thể ém được thuốc nổ, mỗi lần một ít, chỉ mươi chuyến là đủ. Nơi nhận thuốc và nơi trao thuốc, cũng như mọi cách thức, mẹo đi đứng ra sao, nói năng thế nào, cậu Riềng sẽ bàn với cô thật kỹ sau, ở đây không nói hết mọi điều được. Bây giờ cô tạm nhận ít tiền để làm vốn đi buôn. Tôi để dưới hòn đá ở gần cái thúng của cô đó, lấy lên cho khéo. Vậy thôi, cô có thể đi được rồi. - Đến bây giờ anh mới nhìn thẳng vào tôi, cái nhìn thật dịu dàng – Chúc... Thanh thành công. Trong khi hành động đừng quên lúc nào chúng tôi ccũng có mặt ở bên cạnh. Tạm biệt!
Anh thu cần, nhét đồ vào túi, miệng huýt gió rồi ngồi lên xe, nổ máy. Trong thoáng chốc, bóng anh đã khuất dạng sau những rặng cây ở xa.
Cúi xuống soạn lại đôi quang, tiện tay tôi nhấc nhẹ hòn đá, cầm lấy gói tiền nhét vào thúng, tất tả đi về nhà.
Ngày đầu tiên tôi đến với cách mạng, công việc đầu tiên tôi làm cho cách mạng là như thế. Tôi sẽ không kể những chuyến đi tải thuốc nổ ấylàm gì. Nó giống như mọi công việc khác mà người ta nói đến nhiều rồi, tất nhiên mỗi loại công việc đều có cái phức tạp, cái hiểm nguy riêng của nó. Vào những ngày mà lính đông hơn dân, cảnh sát các loại trà trộn khắp hang cùng ngõ hẻm, nói năng đi lại khang khác một chút là có thể bị nhét cổ vào máy chém; tải được hơn tạ thuốc nổ như thế cũng là một việc không dễ dàng gì. Điều còn lưu lại trong trí nhớ của tôi là cái đêm trước của ngày hành động. Đêm đó tôi hòan toàn không ngủ. Nằm ôm con vừa mong trời mau sáng lại vừa mong đừng bao giờ sáng cả. Vừa háo hức, vừa run rẩy; vừa sẵn sàng chấp nhận tất cả lại vừa lo toan đủ điều. Đầu đêm tôi nghĩ rằng nếu đợt chuyển tải này thành công thì đó cũng là góp phần rút ngắn thời gain vợ chồng con cái gặp nhau. Giữa đêm tôi lo mình vụng dại dễ làm bể công chuyện, phương hại đến các anh ấy. Cuối đêm lại thấy tin ở mình hơn, thấy kẻ thù chưa hẳn đã là ghê gớm. Lúc này tôi mường tượng ra khắp nơi súng đạn nổ rùm trời, trong đó có cả phần thuốc nổ của tôi mang về; lúc khác tôi lại thấy làng xóm vẫn vắng tanh, vẫn những xác chết không người nhận trôi trên sông, trên suối, nằm trương sình ở giữa cánh đồng. Nhắm mắt lại tôi nghe rõ tiếng súng nổ râm ran, rất nhiều người, đen đặc những người ào lên đập nát công sở này, đồn bốt nọ, có cả tôi trong đó, súng đạn đầy người băng chạy về phía anh vừa ra khỏi ngục. Nhưng mở mắt ra tôi lại chạnh nghĩ mình có thể cũng vào tù, có thể gục xuống ở một nơi nào đó, bên cạnh những trĩnh mắm vỡ vụn, ngực loang máu, khi đó tiếng khóc thằng Đức thét lên gọi má... Tâm tưởng tôi hoàn toàn lộn xộn, cố ghì, cố hướng nó vào một đường chính nhưng bất lực; càng hướng nó càng tản mạn ra, luễnh loãng. Mong trời mau sáng, mong trời đừng sáng có lẽ là vì thế. Sáng ra, bà thím tôi phải thốt lên: “Bệnh đau thế nào đó con? Nếu bệnh thì ở nhà, đừng cố mà thiệt thân:. Tôi nói bị nhức đầu sơ sơ, giờ đã đỡ rồi, nhưng lại thầm nghĩ: “Thím ơi! Nếu hôm nay con có mệnh hệ nào, thím đón cháu về, nuôi dùm con...”. Tôi ra sân. bầu trời sáng ấy trong vắt, cao xanh lồng lộng. Gió thổi nhẹ trên tàn cây trứng cá trước nhà. Tôi hít sâu vào lồng ngực luồng không khí thoang thoảng mùi hoa ấy và bỗng dưng thấy đầu óc hoàn toàn tỉnh táo trở lại, và mọi ấn tượng đan chéo, hãi hùng khi đêm chỉ là giấc mơ. Sau này và cho đến ngay cả bây giờ, sống chết đủ mùi rồi, nhưng trước khi bắt tay vào một công việc gì hệ trọng, tôi vẫn thường trải qua những đêm vật vã như thế. Đêm thôi, chứ ban ngày, mọi yếu đuối lại tự tiêu tan. Dường như bóng tối hay xô đẩy người ta vào phần tình cảm thật của mình, phần tình cảm mà trong đó người ta thèm được sống, được yêu, được hạnh phúc như mọi người bình thường. Tôi rất sợ những đêm như vậy. Thường là trước khi lao vào cam go tôi không dám ngủ để giữ sự tỉnh táo cho liền mạch. Nó giống như bộ đội mấy anh nằm ở hàng rào sát chân thằng gác trong một đêm nhiều gió nào đó, rồi thiu thiu ngủ, đến lúc chợt tỉnh, đập ngay mặt vào hàng rào kẽm gai lạnh lẽo, tức là đập mặt ngay vào cái chết, bàng hoàng và hẫng hụt lắm, dễ lỏng tay cầm súng. Buổi sáng tràn ngập mùi hoa ấy lần đầu tiên tôi đã tự vượt được mình để thanh thản đem gửi con sang hàng xóm. Động tác thuê người giữ con này cũng chính do anh Tám dặn tôi qua thằng Riềng. Con người chu đáo và tế nhị thế mà có lần thằng Riềng nói với tôi, anh ấy chưa lấy vợ và đến nay cũng chưa yêu ai.
Sau đợt chuyển tải thuốc nổ này, thằng Riềng đối với tôi có phần kiêng dè hơn. Nó nói: “Em tưởng chị chỉ biết khóc và khéo tay làm bánh, ai ngờ chị cũng ác ôn ghê! Hôm rồi thấy chị xếch mắt lên, tay cầm ngang cây đòn ở giữa chợ, em đã ngài ngại, qua lần này em mới ngán thực sự”. Nó còn nói thêm: “Anh tám khen chị dữ lắm! Khi anh quyết định trao nhiện vụ động trời đó cho chị, em cản liền. Em bảo chị không làm được đâu. Chị hiền và yếu đuối lắm. Anh Tám cười vỗ vai em: “Cậu có để ý thấy con mắt của chị cậu không? Mắt ấy là gan phải biết, đáo để nữa. Người hiền lành, nhu mì khi vào việc sẽ có độ bật rất mạnh”. Chị coi! Anh ấy hiểu chị dữ không?”
Vào thăm chồng, tôi lựa lời nói lại với anh câu chuyện ấy nhằm để anh vui hơn, tin cậy vợ hơn. Nhưng anh chỉ im lặng. Một lúc lâu, anh nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm. Tôi đọc được trong ánh mắt ấy một chút vui, một chút lo và cả một chút không thật hài lòng. “Sao vậy anh?” Tôi hỏi. “Không! Em giỏi lắm. Nhưng... vì con, em hãy hết sức thận trọng nghe!”. Lúc ấy tổi chỉ thấy cảm động khi anh thực sự lo lắng cho tôi mà không hề hay rằng chính ánh mắt đó về sau đã trở thành một đường rãnh khá sâu ngăn cách tôi và anh. Tôi nhận nhiệm vụ tải thêm một, hai chuyến vũ khí nữa. Lần này người trao việc không phải anh Tám mà là một người già hơn, ốm yếu và lừng khừng giống một ông giáo làng. Thằng Riềng gọi là Năm! Tải vũ khí khó hơn tải thuốc nổ. Một đằng là theo hình gì cũng được, giấu đâu cũng kín. Một đằng là những khẩu súng Mát, súng trường, Xitten dài lòng thòng, nặng trịch. Nhưng rất may là chính ông Năm, con người có vẻ lừng khừng ấy đã tỉ mỉ bày vẽ cho tôi tất cả. Ông dặn dò tôi bằng một thứ giọng rủ rỉ rù rì đến sốt ruột như mẹ chồng dặn con dâu đi chợ mua đồ làm đám giỗ. Vào việc rồi tôi mới nghiệm ra rằng tất cả mọi chi tiết ấy đều không thừa, đều rất tinh nhạy và sắc sảo. Sau này tôi mới biết ông đã có hai mươi năm chuyên làm nhiệm vụ chở vũ khí cho chiến khu Đ thời chín năm. Ông không chỉ tải đường bộ mà còn tải đường thủy, không chỉ tải từ vùng này sang vùng khác kế cận mà chủ yếu ông hoạt động dọc các con đường xuyên Đông Dương, vượt qua những eo biển rộng hàng trăm hải lý.
Hai chuyến tải vũ khí ấy cũng trót lọt mặc dù mỗi lúc mỗi khó khăn hơn, có lúc đã cầm bằng cái chết trong tay, có lúc đã muốn phát cuồnglên vì kinh sợ, thậm chí có lúc đã thực sự hối tiếc tự trách mình hà cớ gì lại đi nhận làm những việc quá sức đàn bà này.
Nhờ những chuyến đi xa ấy, tôi có dịp quen biết nhiều người: một tốp bạn hàng, mấy người khách hàng, cò kè từng cắc nhưng cũng tốt bụng, một anh lái xe lam, vài người lái xe đò, một tốp học sinh hay bàn chuyện thời cuộc trên xe, đôi ba anh viên chức ngán ngẩm hiện tại lộ ra cả từng cái nhíu mày, nhếch mép, mấy bác công nhân cạo mủ ở Dầu Tiếng về thăm nhà... Bên cạnh đó, tôi cũng quen mặt khá nhiều cảnh sát, quân cảnh hay lính kín. Có tên tôi bỏ qua, có tên tôi chủ động bắt chuyện. Vì thế tôi nắm khá chắc tình cảm, tâm lý cung như các mánh khóe hoạt động của bọn này. Tôi thu nhận tất cả, tổng hợp thành những nhận xét, báo cáo lại với ông Năm. Ông Năm nghe không sót một câu, hí hoáy ghi chép sau đó ngẩng lên nói: “Cái cô này lạ thật! Cứ như là đã qua trường quân báo rồi không bằng”. Tự tin ở mình hơn, tôi bắt đầu thu thập tin tức về các hoạt động của địch xảy ra từng ngày một. Một mình tôi lấy tin không xuể, dễ lộ mặt, dần dà tôi thu thập tin qua người khác, chủ yếu dựa vào những thành phần quen biết kể trên. Có lúc tôi moi tin ngay từ miệng bọn sĩ quan quân đội, bọn cảnh sát dã chiến và cả mấy thằng mật vụ mà động chỗ nào cũng thấy. Hồi ấy tôi đi vào mọi người thật dễ dàng, thật nhẹ nhàng, gần như không cần phải tỏ ra cố sức gì cả. Chính tôi nhiều khi cũng không hiểu tại sao nữa. Chả lẽ làm cách mạng mà lại đi tin rằng trời đã phú cho mình cái khả năng cảm hóa con người? Lúc này tóc tôi đã mọc lại, dài chấm vai. Do phải tính toán làm ăn với các chủ thầu có máu mặt, đi đứng cho đúng kiểu, khi cần cũng hơi kênh kiêu, hơi đỏm dáng một chút. Nước da tôi đã trở lại trắng trẻo, thân thể tôi không còn gầy gò như trước. Thiên hạ ưa nói chuyện với tôi, bọn lính, bọn cảnh sát đứng trước tôi đều tỏ ý muốn làm quen, bắt chuyện “Cô có một cái lợi thế là nhan sắc. Kẻ thù vốn không tin rằng những người đàn bà nhan sắc lại có thể đâm đầu theo cách mạng, nhất là trong những việc mà tính mạng treo sợi tóc như chuyện trở vũ khí”. Ông Năm có lần nói với tôi như thế. Ông không ngờ rằng câu khen đó đã khiến tôi chạnh lòng. Tôi nghĩ đến anh ấy. Đẹp mà làm gì? Nhan sắc mà làm gì khi người duy nhất có quyền hưởng cái đó, chăm bẵm cái đó cho đẹp hơn lại đang ngồi tù. Đẹp chỉ để cho thiên hạ nhìn thôi thì bẽ bàng lắm. Và... sử dụng mãi cái đẹp cho việc chuyên chở vũ khí bí mật cũng chẳng thú vị gì. Tôi đoán chắc rằng không một người đàn bà nào muốn thế. Hoàn cảnh nó bắt người ta phải chấp nhận cái bẽ bàng đó thôi. Đã vậy mà thím tôi có lần để ý nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói: “Hai nè! Tao thấy độ này khác lắm rồi đó! Gái xa chồng cẩn thận giữ gìn nghe con, kẻo lối xóm người ta cười chê...”. Tôi chỉ bảo thím cứ yên tâm, tôi không phải loại người như vậy, nhưng đêm về ôm con nằm một mình, nước mắt lại chảy ra.
Trong các chuyến đi, có mộtlần tôi gặp đồn trưởng Quang. Trông hắn vẫn thế, lầm lì và hùng dũng trong bộ sắc phục cảnh sát. Trên mặt lộ 13 buổi chiều, khi hoàng hôn tím sẫm đè nặng xuống những khu rừng bỏ hoang, cái dáng nghiêng nghiêng của hắn trông vừa đẹp vừa ghê ghê! Hắn gặp tôi đúng lúc tôi đang rơi vào một tình huống nan giải. Số thùng gỗ chứa đầy cá khô của tôi ở phía sau xe đang bị khám từng chiếc. Chiếc có giấu vũ khí tôi để ở cuối cùng. Cứ cái kiểu chúng vần đi vần lại, dùng đầu dùi cui gõ qua gõ tới thế kia thì lộ mất. Tôi đang định dùng ngón hối lộ kết hợp với vẻ mặt nhõng nhẽo, đong đưa để đánh bài xí xóa thì hắn bước tới. Hắn nhìn tôi rất lâu như chưa hề biết tôi bao giờ. Tôi chào hắn và đành đứng chết trân cho hắn nhìn trong khi ruột gan nóng như lửa đốt! Chiếc thùng chết người kia đang nằm chình ình ngay dưới chân thằng cảnh sát viên chuyên nghề khám xét rồi… “Cô khác đi nhiều quá! Lộng lẫy lắm, nhưng tôi thích cô như trước kia hơn. Chúc cô làm ăn phát đạt!”. Hắn nói câu ấy vừa đủ cho tôi nghe rồi vẫy tay ra hiệu cho tên đang khám xét kia dừng lại. Cả tốp nhảy lên xe phóng đi. Tôi đứng lại, hơi tần ngần… Cái phẩy tay kia có ý nghĩa… thế nào? Hắn không biết, hay biết nhưng một lần nữa muốn tỏ ra hào hiệp để gây ấn tượng đối với tôi? Điều này tôi không thể giải thích nổi, dù sau đó tôi được một người thân cận với hắn cho hay, suốt trong thời gian vừa qua, tôi vẫn nằm trong tầm để ý của hắn. Tôi đi thăm chồng, tôi chuyển nghề buôn bán, tôi không ở nhà ông chú, thậm chí cả cái lần tôi cự tên đàn ông cà trớn ngoài chợ cũng không lọt qua được mắt hắn. Gần đây thấy tôi làm ăn có vẻ quy củ, nhanh nhẹn tháo vát hơn, hắn tỏ ra yên tâm. Kể cũng lạ! Cái gì ở tôi hắn cũng tường tận, thế mà riêng việc chuyển tải vũ khí, hắn lại ngu ngơ? Phải chăng từ trước đến nay và mãi mãi về sau, tôi vẫn chỉ là một “vẻ đẹp chờn vờn ma quỷ, vẻ đẹp kỳ cục”, là một đối tượng thuộc khu vực tình cảm của hắn. Tôi chỉ có khả năng làm hắn vui hay buồn, day dứt hay thanh thản chứ không bao giờ có thể là đối tượng tác chiến, đối tượng chính trị của hắn, mặc dù có lần hắn đã tiên đoán: “Rút cục cô sẽ đi theo con đường của chồng cô”. Chả lẽ ngay trong câu này cũng chỉ hàm ý ghen tuông của kẻ bị mất hết? Tóm lại, hắn là người thế nào? Một kẻ si tình hay đóng vai một kẻ si tình để giăng bẫy? Tôi hoàn toàn không có đầy đủ cứ liệu để kết luận. Phải chờ tới gần năm năm sau, tôi mới được trả lời rõ ràng.
*
* *
Trước ngày xảy ra sự kiện lớn năm 1960, một sự kiện khác đã đến với tôi.
Thời kỳ này nếu bên mình diệt được một tên thì kẻ thù phải giết của mình mười, bất kể trúng hay trật. Tỷ lệ khắc nghiệt này đã làm cho một số người can đảm nhất chùn tay nhưng vẫn có những người bất chấp tất cả, thỉnh thoảng lại cho một tên ác ôn có nợ máu về chầu trời. Tôi ngờ thằng Riềng có dính dáng đến những vụ này, mặc dù nó không hề hé với chị nó một tiếng. Sự vắng mặt của nó trong những chuyến đi tải vũ khí của tôi là một lý do, chưa nói đến chuyện lâu lâu nó lại biến khỏi căn chòi ven sông cả tuần lễ. Tôi không thích lối ám sát cá nhân này tuy biết rõ rằng, chính nhờ những cú đòn trừng trị đó mà bọn ác ôn có chùn tay chém giết hơn, chưa kể có thằng bỏ xứ đi luôn. Bởi lẽ tôi thấy cái tỉ lệ mười trên một kia tác động vào làng xóm dữ dội quá! Trừ khử được một thằng ác, hả thì có hả nhưng dân vẫn cứ ngầm trách. Ai cũng sợ giông bão ập vào căn nhà vốn dĩ không lấy gì làm yên ổn của mình. Chưa nói một vài nơi, bọn ác ôn nổi máu điên, càng xuống tay tàn bạo hơn. Nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói với ông Năm. Vả lại, chắc gì đây đã là chủ trương của ta, có khi chỉ do sự căm uất quá mà biến thành bạo lực bột phát của quần chúng cũng nên.
Thật trớ trêu! Cái điều khiến tôi hết sức băn khoăn đó, ít ngày sau chính tôi lại dính vào, dính vào một cách ngẫu nhiên.
Hôm đó, theo chỉ thị của ông Năm, tôi nhảy xe ngược Bến Cát để làm việc với một nhân mối của ta. Khi về gần đến nhà thì trời đã xẩm xẫm tối. Hôm đó do ngược xuôi buôn bán đã quen mặt, lại khéo đối xử với nhân viên chính quyền các cấp nên việc đi lại của tôi có thoải mái hơn. Nóng lòng muốn gặp con nên tôi bỏ đường xe bò, vượt tắt qua gò mả để về nhà cho nhanh. Khu gò mả này ban ngày đã ít người qua lại, giờ cuối chiều càng vắng tanh. Đâu đâu cũng toàn thấy những mồ mả xây bằng đá ong nằm lặng lờ giữa bạt ngàn cỏ may, lau lách. Ngày trước mỗi lần đi qua đây, tôi lại thấy buồn man mác. Từ ngày má tôi chết, khu gò này đối với tôi cũng gợi lên một nỗi đau quặn thắt. Đang rảo bước, tôi bỗng đi chậm lại… Có tiếng động gì là lạ ở đằng sau cái mả bên phải tôi? Nghe nửa như rên, nghe nửa như nấc, lại nửa nư vật lộn cắn xé. Tôi thận trọng đi tới. Có tiếng hực hực trong cổ họng. Chả lẽ lại vụ diệt ác đang xảy ra hay đã xảy ra ở đây? Thoáng nghĩ thế, tôi định quay người bỏ đi luôn, lựng xựng ở lại dễ mang lụy. Nhưng một tiếng khóc tức tưởi bật lên đã ghìm chân tôi lại. Tiếng con gái! Không chần chừ gì nữa, tôi xăm xăm đi tới, nhằm một bụi cây rậm, tôi kín đáo ngồi xuống… Trước mắt tôi hiện ra một cảnh tượng không đẹp chút nào: Cô Lê, cô con gái lớn con bà Năm đang nằm lõa lồ trên cỏ, quần áo mỗi thứ một nơi. Cô líu ríu đưa tay lên ngực, đưa tay xuống đùi định che đậy phần nào nhưng bất lực, đành vùi mặt xuống cỏ khóc. Đứng bên cạnh cô là một gã đàn ông ở trần trùng trục, mồ hôi mồ kê, mặt đỏ tía lên nhưng cặp môi lại tái nhợt, nhệch ra thành một cái cười thỏa thuê. Tôi giật mình khi nhận ra gã đàn ông đó. Bộ ngực núng nính, khuôn mặt trơn truội kia không trộn đi đâu được. Tôi chợt hiểu ra tất cả. Nhớ lại khuôn mặt đáng tởm của nó, nhớ lại lời bà con bàn tán về nó, tên chỉ điểm bẩn thỉu, lại nhìn thấy cái cười đểu giả của nó ngay trước thân thể bị cào cấu xước máu của người đàn bà vừa bị làm nhục, tôi sôi máu lên. Ỷ thế chính quyền, hắn muốn bắt, muốn giết ai tùy thích; muốn hiếp đáp ai cũng được sao? Tôi đứng bật dậy, bước ra. Thay vì, để bảo vệ người chị em đang cùng chịu thân phận đọa đầy, tôi phải nhẩy xổ vào hắn, đánh đấm, cắn xé tơi bời cho hả, nhưng tôi lại nhìn xuống người đàn bà và mắng:
- Đứng dậy đi! Không biết nhục mà còn nằm ăn vạ ở đây à? Đứng dậy đi!
Cô gái thấy có người lạ xuất hiện bất ngờ, vội cuống cuồng ngồi dậy, ôm cứng lấy chân tôi, nước mắt nước mũi ràn rụa:
- Chị ơi! Chị Hai ơi!... Nó… Nó… thằng khốn nạn nó…
Cô nói lắp bắp. Tôi cúi xuống đỡ cô ngồi lên một tảng đá, lấy tấm khăn rằn phủ kín vai và ngực cô.
- Tôi biết nó đã làm gì cô rồi, nhưng sao mà phải khóc. Hèn lắm!
Tôi quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt gã đàn ông. Ngay từ lúc tôi bước ra, nó hoảng hồn đã chực bỏ chạy. Nhưng nhìn trước ngó sau chỉ thấy độc một mình tôi, nó trấn tĩnh lại, lập bập móc thuốc hút, làm ra bộ bình thường nhưng điếu thuốc cắm trên miệng hắn cứ trễ xuống, ướt nhoét. Tôi xấn một bước đến trước mặt hắn và một chút nữa thì cái khuôn mặt trơn truội kia đã hứng trọn một búng nước miếng của tôi. Nó lùi lại, nhả điếu thuốc xuống đất:
- Ấy…Ấy… Cô định làm gì thế? Hả?
Giá lúc ấy hắn đừng ngậm thuốc lá, đừng nói gì hết thì có lẽ điều bất hạnh tiếp sau đó đã không xảy ra với hắn. Nhưng hắn đã nói, đã ngậm thuốc lá, và sai lầm không có dịp sửa lại của hắn là ở chỗ đó. “Con đĩ… Rồi mày sẽ còn được cầm đòn gánh nữa…”. Người ta bảo đàn bà hay thù dai, vì một sự hằn thù, họ có thể mai phục suốt đời. Nhưng ở đây tôi nghĩ rằng từ bé tôi đã không chịu nổi sự xúc phạm. Câu nói láo xược của hắn ở giữa chợ hôm rồi, tưởng rằng đã quên đi nhưng giờ đây, do cái miệng ngậm thuốc lá đang nhệch ra kia đã làm nó sống lại, thúc mạnh vào ngực tôi. Bốp! Tôi giơ thẳng tay vả mạnh vào cái mồm ấy. Nó loạng choạng chực ngã, từ khóe miệng, một chất nước đỏ rỉ ra. Tôi cũng không ngờ rằng cái tát của tôi lại có độ mạnh như thế. Cả đời tôi chưa tát ai bao giờ…
- Con khốn nạn!
Hắn quệt máu bằng mu bàn tay, rít lên. Bốp! Như lỡ trớn, bàn tay tôi lại văng ra một lần nữa. Lần này tôi cảm thấy chính bàn tay của mình sưng vù. Sau cái tát này, nó không rủa tôi thêm một câu nào nữa. Nó đứng yên nhìn tôi. Vẻ hoảng hốt, cáu kỉnh đột ngột biến mất. Thay vào đó là một sự tò mò, háo hức đến tươi tỉnh xuất hiện. Tôi chợt bắt gặp cái sắc thái khi nó bóc bánh la liệt mà không ăn. Tôi cũng đứng im, bỗng dưng thấy lúng túng. Không lẽ cái tát thứ hai của tôi đã giúp cho nó tỉnh lại, đánh thức dậy sự đam mê nhục dục của nó? Quá ghê tởm, tôi quay mặt sang hướng khác:
- Cút đi! Cút ngay đi không tao gọi thiên hạ ra đập bể sọ bây giờ. Cút!
Nó không hề bị tác động bởi câu đuổi ấy, vẫn đứng trơ trơ và còn cười nữa.
Trong cái cười ấy, tôi đoán được ý nghĩ đểu giả bên trong của nó.
Tôi đoán không sai. Nó lừ lừ bước lại phía tôi. Cả nó, cả tôi, cả cô gái ngồi thu lu ở kia, cả cái gò mả này đang nhòa dần đi trong chiều tối. Tôi đứng im chờ nó như chờ một cái điều không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy đến và cũng như chờ một cái điều dứt khoát sẽ xảy đến. Tôi hoàn toàn không thể tưởng tượng được cái thằng đàn ông người ngợm không đến nỗi nào kia lại có thể chó má đến thế! Vì vậy mà cơn giận của tôi đã lên đến tột đỉnh, không gì có thể kìm lại được nữa. Ở giây phút chót trước khi hắn ập người vào tôi, tôi còn kịp nhìn thấy cái miệng cười cười của hắn. Vẫn là cái miệng ngậm thuốc lá ấy… Rồi sau đó là cái gì tôi không thể nhớ nổi nữa. Mục tiêu tấn công của tôi là cái miệng ghê tởm đó, dù ở tư thế nào tôi cũng không để cho cái miệng ấy được yên. Về cuối, tôi cảm giác rõ hình như có ai đó đến giúp tôi ôm chầm nó và hất bổng lên. Chỉ nghe một tiếng uỵch. Nó đã nằm thõng thượt dưới chân tôi, không, dưới chân tôi và cả dưới chân Lê, cả hai đều áo quần tơi tả như nhau. Lê đã gượng dậy kịp thời và bây giờ đang ngơ ngác không hiểu mình vừa làm gì. Còn tôi, sau tích tắc bải hoải đến muốn ngồi bệt xuống, đã kịp nhận ra mình đang ở tình trạng nào. Thàng đàn ông kia khi ngã xuống đã không may đập gáy vào gò mả, máu chảy ra dính bết vào tóc và lúc này hắn đang nằm gần như bất động, thỉnh thoảng lại hộc lên một tiếng.
Đang còn lưỡnglự chưa biết xử lý ra sao thì Lê, giật mạnh áo tôi, giọng uất ức:
- Đi, đi chị ơi! Kệ nó, cho nó chết. Đáng lẽ em phải đập bể sọ nó mới hả dạ. Đi chị! Đồ chết bầm! Quân ôn dịch.
Cô gái bật khóc, vừa khóc vừa lôi tôi đi. Đầu gò mả đã vang lên tiếng chó sửa, dấu hiệu của tốp dân vệ đi tuần tra đầu hôm. Không thể nấn ná ở đây thêm được nữa. Nếu rơi vào tay bọn tuần tra này cũng với cái gã đàn ông kia thì cả hai coi như rồi đời. Trong khi cô gái vừa đi vừa tức tưởi kể lại chuyện thằng đàn ông đó bao ngày đón đường đón chợ tán tỉnh cô không được, chiều nay nó dụ cô ra đay nói sẽ cho vay vàng để đi buôn, rồi giở trò khốn nạn, thì tôi lại phân vân hết sức với những suy nghĩ khác. Không nên ở lại dù cho cô Lê có lớn tiếng rằng mình bị hiếp đáp đi chăng nữa. Nhưng bỏ đi thế này, thằng đàn ông có thể sẽ khai ai là thủ phạm gây thương tích cho nó. Và mình... Đừng nói chống trả hay đánh đập, thời buổi này chỉ cần nói lại một câu, quắc mắt nhìn lại một cái cũng đủ để mang họa, cũng đủ để bị quy là nằm vùng, là việt cộng, là phần tử chống đối. Sao đây?... Chân tôi không muốn bước nữa. Hay là quay lại? Dẫn cả cô gái này quay lại. Cứ nói thẳng mọi chuyện ra, đưa tang chứng ra, có khi lại đỡ hơn. Xã hội nào cũng phải cho phép một người đàn bà tự vệ trước sự cưỡng dâm của bọn đàn ông chứ, dù thằng đàn ông đó là loại gì? Không ổn! Bao lâu nay, chúng nó, chúng nó đâu có cần biết đến luật lệ, phải quấy, cứ thấy người của chúng nó bị thương là nổi khùng lên, bất chấp hết. Tôi tự trách mình đang không lại dính vào vụ này, coi chừng lỡ bể hết công chuyện. Nhưng... Cô gái ấy đang kêu cứu, chả lẽ lại làm ngơ? Chả lẽ đây lại không phải là một thứ công chuyện cách mạng để mình sẵn sàng trả giá? Nghĩ được thế, tôi bước nhanh hơn. Kệ! Lỡ rồi! Đến đâu tính đến đó. Còn dư luận, còn bà con lối xóm, chúng chẳng thể làm tàng vô cớ. Dư luận... phải rồi! Biết đâu sự nhục nhã trước dư luận, trước điều thị phi của người đời, hắn không không dám nói thật. Nói thật việc mình hai lần hãm hiếp thì họa có mà điên. Cho dù không cần giữ liêm sỉ nhưng nó không thể tự biến nó thành kẻ ngu xuẩn bị khinh bỉ tột cùng trước đồng bọn. Như thế, nhiều khả năng nó chỉ dám khai rằng, đi công vụ qua đây bị Việt cộng tấn công bất ngờ.
- Chị ơi! Gần đến nhà rồi, chị để em đi một mình thôi. Em không còn mặt mũi nào nhìn ba má em nữa. Ba em tính điên lắm! Biết chuyện này ông xách dao đi thì nhà cửa đến tan nát. Chị ơi! Chuyện đã thế rồi, khổ em chịu, thương em, chị đừng nói lại với ai nghe! Đừng nghe! Đừng nghe! Thân phận con gái có thì... Em sợ nó thù em!
Tôi cầm tay Lê nắm chặt. Thương nó quá! Giá tôi đến sớm được vài phút... chỉ vài phút thôi.
- Em yên tâm đi... chuyện đâu để đó, chị sẽ im lặng. Lần sau đừng ham giàu mà dại dột nữa nghe.
- Dạ… em chỉ dại một lần này thôi. Suốt đời em…. Cô gái lại khóc tấm tức.
Chia tay Lê, tôi còn thẫn thờ đừng lại. Trời đất! Bị hiếp đáp không dám kêu, bị làm nhục không dám nói ra. Kêu ra, nói ra lại sợ chính kẻ hiếp đáp mình, làm nhục mình trả thù. Có cuộc đời nào vô lý như cuộc đời này không!
Cả đêm hôm đó tôi sống trong trạng thái hết sức bồn chồn. Một tiếng gió đập vào cửa, một tiếng xào xạc ngoài vườn chuối, một tiếng xe chạy ở xa, thậm chí một tiếng dế kêu rộ lên ở chân tường cũng có cảm tưởng chúng sắp sửa nhảy xổ vào trói nghiến lấy mình. Mà sao đêm dài thế! Tưởng như không bao giờ dứt nữa, đến nỗi tôi nghĩ rằng thà chúng cứ nhảy ngay vào đi còn hơn là bắt tôi phải chờ đợi thảng thốt thế này. Đêm đặc sệt. Đêm luễnh loãng. Đã có lúc thần kinh căng quá, tôi tính ôm con trở dậy lẻn ra khỏi nhà trốn chạy đến nhà thằng Riềng. Tối nay, lúc trở về đến nhà, tôi có gặp nó. Đang không biết san sẻ nỗi lo này với ai, tiễn nó ra ngõ, tôi bèn đem kể hết với Riềng. Nghe xong nó chỉ hít hà một chập rồi nói: “Tiếc quá!... Tiếc quá!”. Nếu chạy đến nó, nó sẽ đưa tôi lên Sài Gòn hay đi đâu cũng được... Đi đâu? Rút cục, tôi vẫn nằm nguyên trên giường, ráng dùng hơi nóng ấm của con tiếp sức, tiếp sự bình tĩnh cho mình.
Trời vừa sáng thì có tiếng đập cửa hối hả. Chắc điều ấy đã đến rồi đây! Tôi bình thản ngồi dậy, vấn lại tóc... Nhưng người bước vào lại là bà thím. Bà ngồi xuống cạnh tôi, thì thào:
- Nè con! Ghê gớm lắn! Ghê gớm lắm!
- Cái gì vậy thím?
- Còn cái gì nữa. Cả xóm đang nháo nhác hết lên kia kìa.
- Nhưng... con có biết gì đâu.
- Người chết!
- Ai chết? Mà chết ở đâu? – Tôi hỏi dồn dập, đầu óc suy diễn loạn xạ - Đàn bà à? Ở xóm ta à? – Tôi thoáng nghĩ đến Lê. Hay là...
- Sao lại đàn bà? Đàn ông! Một thằng to con chầm bầm, chết có mỗi cái quần xà lỏn trên người, máu thấm đẫm bãi cỏ cạnh mả ông Mười. Ghê chết!
Tôi nén một hơi thở ra, hỏi lảng:
- Chắc Việt cộng hả thím?
- Việt cộng gì? Thằng cha chủ tiệm vàng ở trên phố, thằng cha nghe đâu là tay trong của phòng nhì, độc ác lắm! Chắc bị phía bên kia trừng trị.
- Ai nói với thím vậy?
- Ai cũng nói vậy cả. Ngay cả hồi sớm, khi tụi lính trên đồn xuống lấy xác khiêng đi, họ cũng nói vậy. Có thằng còn bịt mũi chửi: “Đ. mẹ! Vợ lớn vợ bé rồi mà vẫn còn máu dê. Việt cộng nó ăn họng như vầy có khi lại phúc cho đám đàn bà con gái”.
- Họ biết thằng cha đi mèo chuột hả thím?
- Ai hổng biết. Đang không mà mò ra đó thì chỉ có đi mò gái. Vả lại, người đàng hoàng hổng ai chịu chết với mỗi cái quần cụt như vậy. Chui cha! Việt cộng họ chơi cú này độc! Một lúc diệt được cả hai tai họa. Bà con khoái lắm! Thôi, tao đi đây. Nói vậy cho bay mừng.
Bà thím đi rồi, tôi vẫn ngồi im. Đúng ra nghe được tin ấy thì tôi phải nhẹ người đi, nhưng tôi lại thấy dấm dứt như thế nào ấy. Bởi lẽ chính tay tôi đã hạ sát gã đàn ông kia, dù thực ra tôi không muốn thế. Tôi... lần đầu tiên tôi đã nhúng tay vào một vụ giết người! Giờ đây nỗi lo bị bắt chẳng thành mối trăn trở ở tôi nữa. Đầu óc tôi trống rỗng, trong đó chỉ hiện lên mỗi một hình hài co giật đẫm máu. Cho mãi tới những năm tháng sau này, mỗi lần phải làm một công việc tương tự như thế, tôi lại tự giằng xé mình với một sự ám ảnh không sao cắt nghĩa nổi. Mấy ngày tiếp sau đó, mọi việc vẫn trôi qua bình thường, thiên hạ không mấy người còn nhắc đến cái xác chết ấy (ngày nào mà chẳng có người chết); kẻ địch cũng không tỏ ra nghi vấn gì. Và Lê cũng không còn rầu rĩ nữa, cái chết của hắn đã nhấc khỏi lòng cô mọi sự uất ức, nhục nhã; cô hay sang nhà tôi chuyện trò, nhưng riêng tôi, vẫn không quên được.
Một buổi tối, Riềng gặp tôi ở ngoài chợ bảo chiều mai tôi ra nhà nó để anh Tám gặp có việc gấp. Chưa kịp hỏi việc gì thì cái bóng cao to của nó đã lủi mất vào chỗ đông người.
Cách nói của thằng Riềng không bình thường, có cái gì căng căng trong đó. Hay là ... tôi chợt hoảng. Hay là anh gọi tôi ra để khiển trách về cái vụ vừa rồi? Dám lắm! Dù vô tình hay cố ý, dù chủ động hay chỉ là để tự vệ nhưng đã là người trong tổ chức mà để xảy ra manh động như vậy là không ổn rồi, dễ gây thiệt hại cho cái chung. Có thể anh ấy khiển trách tôi nặng nề, thậm chí kỷ luật nữa miễn sao đừng truất việc của tôi.
Chiều hôm sau, với tâm trạng nặng nề, có phần quyết liệt, tôi cắt đường sông đến căn chòi của thằng Riềng. Đụng nó ở đầu rạch, tôi làm thinh không thèm hỏi. Đụng vợ nó ở cuối rạch, tôi chỉ gật đầu nhẹ. Khi tôi buông ống quần bước lên con thuyền neo kín trong vòm chà là thì đã thấy có ba người ngồi đó rồi. Một là anh Tám, mặc bộ bà ba đen bạc phếch dòm thật lạ mắt, anh có vẻ trắng hơn, râu ria nhẵn nhụi hơn, nhưng cũng ốm hơn; một người là ông Năm; còn người nữa là một chị chừng hơn ba mươi tuổi, tóc cắt ngắn, nước da xanh mét mà tôi không biết. Anh Tám hơi nhổm người bắt tay tôi:
- Cô Thanh... Lâu nay cô vẫn mạnh giỏi chớ?
- Mạnh đều, anh – Tôi trả lời khẽ, mắt không ngừng thăm dò thái độ của anh.
- Xin giới thiệu với cháu – Ông Năm kéo tôi ngồi xuống cạnh người đàn bà – Đây là chị Ba Liên, vừa ở trên xuống. Cũng quê Châu Thành đó.
Chị Ba Liên nhìn tôi chăm chăm:
- Chị đã nghe tên em từ lâu, nay mới giáp mặt. Chà! Không ngờ ông giáo Nhân có cô vợ xinh dường này. Ráng lên em, sau này cách mạng thành công, chị sẽ dẫn em ra Hà Nội để được thơm lây cái vẻ đẹp của con gái vùng sông nước Nam Bộ chúng mình.
- Cho tôi cùng đi với. Cũng là để.... thơm lây - Ông Năm nói hóm khiến tôi muốn phì cười mà không cười được.
Anh Tám nheo nheo mắt nhìn tôi. Thú thực tôi rất ngán cái nhìn nheo nheo ấy của anh, nó như đọc thấu mọi suy nghĩ trong đầu người khác.
- Cô Thanh sao hôm nay khác quá! Chả lẽ vẫn còn tức cái thằng ở gò mả hôm rồi?
Tôi giật mình. Đó! Bắt đầu rồi đó! Nói gì thì nói đại đi, mấy ông mấy bà việc chi mà phải vòng vo “Hà Nội mới chẳng Sài Gòn”. Tôi ngồi thẳng người chuẩn bị tinh thần để đương đầu với tất cả. Đúng như tôi dự đoán, anh Tám chuyển nét mặt thành nghiêm trang hỏi:
- Cô Thanh! Cô có biết bữa nay chúng tôi mời cô tới có việc gì không?
- Dạ... biết! – Tôi trả lời lừng khừng.
- Mời tất cả các đồng chí đứng dậy! Cả đồng chí Thanh nữa.
Anh đứng dậy trước, hai người kia lặng lẽ đứng dậy theo. Không hiểu gì hết, tôi cũng lóng ngóng đứng lên khiến mũi thuyền chòng chành để trào vào một ít nước. Đang từ cô mà chuyển thành đồng chí thế này là không thể đùa được rồi. Tôi nghĩ thế và sống lưng tự dưng lạnh buốt.
- Thưa các đồng chí! – Anh Tám nói - Thời gian gần đây, đồng chí Thanh đã tỏ ra là một đồng chí giàu nhiệt tình cách mạng, ý thức giác ngộ tốt, giàu năng lực và giàu sáng tạo trong hoạt động, được Đảng giao việc gì cũng hoàn thành đến nơi đến chốn, bất chấp hiểm nguy, khắc phục mọi khó khăn về gia đình và bản thân để đứng vững ở vị trí người cách mạng. Thời gian thử thách của đồng chí Thanh tuy ngắn, nhưng đồng chí đã tỏ rõ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đối với công việc thì tận tụy, đối với kẻ thù không khoan nhượng, đối với gia đình thì hết lòng yêu chồng, thương con. Vì vậy, tôi thay mặt huyện ủy thông báo kể từ ngày hôm nay, mồng sáu, tháng Giêng, năm một chín Sáu mươi, đồng chí Phạm Thị Thanh, sẽ đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Đảng viên Phạm Thị Thanh sẽ sanh hoạt trong...
Tôi ù cả hai tai, không còn nghe thấy gì nữa, chỉ thấy đôi chân mình run run và sóng sông cứ tràn cả lên thuyền, vỗ ào ạt sang tận bờ bên kia. Sự việc diễn ra quá bất ngờ. Đang từ lo lắng chuyển ngược hẳn thành niền hạnh phúc! Thú thực tôi chưa hiểu nhiều về Đảng, cũng chưa được nghe anh Tám hay chú Năm trao đổi cặn kẽ một lần nào; bằng cảm nhận, tôi chỉ mang máng hiểu Đảng là một cái gì lớn lao, cao siêu lắm, và những người của Đảng cũng rất khác lạ, khó hiểu ví như ba tôi hay chí ít cũng như anh Tám đây, chứ đến ngay chồng tôi, tôi cũng không nghĩ anh ấy là người của Đảng huống hồ lại là tôi.
Anh Tám còn nói nhiều nữa. Anh dặn tôi phải mưu trí, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, ráng đừng để xẩy ra manh động như vụ thằng mật vụ chủ tiệm vàng vừa rồi. Cuối cùng anh hỏi tôi có ý kiến gì không? Tôi cúi đầu xuống. Còn có ý kiến gì nữa khi mọi việc đến quá nhanh thế này. Mãi rồi tôi mới nói một câu thật vô nghĩa:
- Vậy mà mấy chú, mấy anh không cho tôi biết từ trước để tôi ăn mặc tề chỉnh một chút. Ai lại áo quần xập xệ thế này.
Chú Năm cười xòa và tất cả lại ngồi xuống. Chú nói:
- Bây giờ cháu là đảng viên rồi, chú nói thẳng để cháu biết nghe! Anh Tám đây là bí thư huyện ủy huyện Châu Thành ta. Chú là phó của anh Tám và cô Ba đây cũng huyện ủy viên phụ trách... Thôi, tóm lại là có gì phụ trách nấy, công việc cách mạng lúc này đâu có phân công phân nhiệm rạch ròi được.
- Nhưng cô Thanh thì phải rạch ròi đó – Anh Tám nói - Huyện ủy chính thức phân công cho cô đảm nhiệm màng lưới cơ sở mật, tứclà lực lượng công khai trong năm xã trọng điểm. Trước mắt là tăng cường thu thập tin tức, vận động những người trung thành vào tự vệ mật, tích góp thóc gạo, tiền bạc mang ra rừng cho lực lượng; tuyên truyền phát động quần chúng mà trước hết là những người có thù với Diệm.
- Còn... phong trào diệt ác? – Tôi rụt rè hỏi.
- Tất nhiên có cả cái đó nữa, nhưng đã có người chuyên trách.
“Thằng Riềng phải không?”. Tôi tính hỏi câu đó, nhưng thấy sắc thái anh nghiêm quá nên lại thôi. Không còn một chút nào dáng dấp cái con người mặc đồ trắng toát ngồi câu cá hôm nào nữa. Dừng lại nhìn khắp lượt chúng tôi hồi lâu, anh chuyển giọng, nét mặt phảng phất một sự hệ trọng khác thường.
- Các đồng chí! Tôi vừa ở trên về. Tình hình khắp nơi đang sôi động lắm! Nếu cứ để chúng nó rảnh tay bắt giết đồng bào mình như thế này, cách mạng sẽ không còn người nữa, lòng tin của dân sẽ teo lại, kẻ thù sẽ hoàn toàn thắng thế. Do đó, trên chính thức chủ trương phát động một cuộc nổi dậy rộng lớn trong toàn miền. Đó là con đường tất yếu để cứu cách mạng, cứu dân tộc, là lòng mong mỏi, là nguyện vọng thống thiết của tất cả những con người yêu nước trong lúc này. Giọng anh chùng xuống - việc này anh Năm và cô Ba đây đã biết, tất nhiên ta phải họp huyện ủy để bàn bạc thật cụ thể, thật chi tiết thêm, nhưng riêng cô Thanh bắt đầu hành động đi là vừa. Từ hôm nay, ngày nào tôi cũng sẽ cho người liên lạc với cô. Không còn lâu nữa đâu, chỉ ngày một ngày hai là giờ phút đó sẽ đến. Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí đảng viên nhận thức hết được tình hình để chuẩn bị lao vào thực hiện trọng trách của mình. Thôi, bây giờ anh Năm và chị ba ở lại làm việc thêm với tôi một chút.
Tôi đứng dậy thấy chao đảo. Trong có hơn một giờ đồng hồ mà nhiều sự việc dồn dập xảy đến với tôi quá! Mừng thì mừng nhưng đầu óc sao cứ trĩu nặng? Anh Tám tiễn tôi ra đến đầu rạch, dịu dàng nói:
- Chắc Thanh lo phải không? Đừng ngại! Công việc bộn bề nhưng sức tới đâu làm tới đó. Có gì khó đã có bà con, có chúng tôi ở bên cạnh. Thanh cứ làm như vừa rồi là được, có điều “nhấn ga” thêm chút nữa.
Tôi “dạ” nhỏ nhưng lòng vẫn rối bời. Còn chồng, còn con, còn kiếm sống... Biết có toàn tâm toàn ý được vào công chuyện không?
Ngày tôi vào Đảng diễn ra quá bất ngờ, không cờ quạt, không thề thốt và ngày sau đó, niềm vui, ý thức về vinh dự chưa tan thì trách nhiệm đã đổ ập luôn xuống đầu. Tôi còn nhớ lúc ấy, cả huyện không có đến hai chục đảng viên. Số đảng viên mới kết nạp không đủ bù cho số dảng viên chết đi. Người nào chấp nhận vào Đảng thời kỳ đó là chấp nhận luôn cái chết cho mình. Và tôi đã chấp nhận khi tạm biệt đồng chí bí thư huyện ủy:
- Em còn non dại lắm! Có điều gì không hay không phải mấy anh chỉ bảo thêm nhưng em sẽ không tiếc mạng mình đau, không nản lòng đâu.
Anh Tám xiết chặt tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi không nói. Mặt trời sắp lặn ở bên kia sông. Tối nay, anh ấy và các đồng chí trong huyện ủy sẽ trở về căn cứ... Gió sông thổi mạnh. Ngọn gió trong lành đã thổi bạt đi mọi lo lắng bộn bề nâng tôi lên một cảm xúc thoáng nhẹ, bồng bềnh, khao khát hành động mãnh liệt.
*
* *
Tôi còn nhớ đêm ấy trời rất tối. Và có lẽ tất cả những đêm đáng nhớ của tôi đều tối trời cả. Những năm tháng chết chóc đó, chỉ có những đêm tối trời mới là của chúng ta. Ban ngày là của kẻ thù, đêm sáng trăng là của kẻ thù. Trời màu đen là bạn đồng hành thủy chung củ những người cách mạng vùng giáp ranh. Chúng tôi quen thuộc nó, yêu mến nó đến nỗi có thể ngửi thấy cái mùi ngai ngái của nó, có thể sờ được vào thứ da thịt vô hình mềm mại của nó. Suốt một ngày thẳng căng chờ đợi, khi bóng tối ập xuống cũng là lúc một cảm giác khoan khoái, yên tĩnh, được chở che, được vỗ về tràn ngập vào người, khiến cho thân thể căng lên, dồn ứ nhiệt huyết và khả năng hành động. Đêm xoa dịu những nỗi đau trong ngày và hà hơi tiếp sức cho ngày hôm sau. Chúng tôi sống về đêm, nghĩ ngợi về đêm và chết cũng về đêm. Chúng tôi là những đứa con của đêm, một ai đó đã nói như thế, tôi thấy trúng lắm!
Đó là một đêm hiệp đồng. Đúng một giờ sáng, súng nổ rộ ở đồn Bưng Cầu và sau đó lác đác nổ ở khắp nơi. Đấy là tiếng súng phát hỏa của anh em bộ đội địa phương kết hợp với một vài nhóm chủ lực lẻ tẻ. Cũng giờ này, tôi biết thằng Riềng đang phân tán nhỏ đội đặc nhiệm của nó đi các điểm tìm diệt ác và tuyên truyền võ trang. Anh Tám, chú Năm, chị Ba giờ này đã sâu trong dân để chỉ đạo bà con phá ấp chiến lược. Tôi cũng có mặt ở vị trí của mình.
Sau tiếng nổ ở Bưng Cầu, cả dải đất Châu Thành rùng rùng chuyển động theo. Đuốc sáng rực trời, trống mõ, phèng la, xoong chảo khua vang như cháy rừng, như động đất. Ánh đuốc soi rõ những bóng người cầm cuốc, xẻng, xà beng lao lên. Những tiếng gào thét, những hàng rào gai, rào tre bị xé toác, bị băm nát vụn nằm ngổn ngang dưới chân người. Mắt mỗi người là một ngọn đuốc, có ngọn đuốc cháy sáng, có ngọn đuốc nhòe đi vì xúc động. Tức nước vỡ bờ, hờn căm dồn nén lâu ngày đã biến thành lửa. Tưởng như ngọn lửa đêm ấy có thể đốt cháy cả trời. Nhà hội đồng, giấy tờ sổ sách chứa đầy tội ác bị đốt thành tro, bị nhấn xuống sình. Tôi chỉ còn biết chạy theo dòng người, làm theo mọi người, không phải hô hào, chỉ huy, chỉ đạo gì hết. Quần chúng đang phẫn nộ, tôi chỉ còn làm sao để đừng tụt lại sau mọi người. Đêm ấy, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là sức mạnh của số đông, là tiềm năng vô hạn của con người khi nổi giận và được tập họp lại. Đêm nổi dậy thực sự biến thành một đêm hội hoa đăng mặc dù quanh tôi cũng có người ngã xuống vùi mặt vào đất, có người bị thương quằn quại rên rỉ. Ngay cả tôi nữa, đêm ấy đánglẽ tôi cũng bị thương, thậm chí sẽ chết nữa.
Đó là lúc một thanh niên vạm vỡ mặc độc chiếc quần cụt chạy trước tôi bị trúng một viên đạn bắn lén ngã vật xuống, ngửa vòng nực loang máu đỏ thẫn. Anh con trai này tôi để ý thấy từ đầu hôm đến giờ lúc nào cũng chạy vượt lên trước mọi người. Với cái cuốc trong tay, anh thực sự có dáng một dũng sĩ giữa trận tiền. Hàng rào chắc đến đâu, cọc rào cứng thế nào, dưới đôi tay rắn đanh bện thừng của anh cũng đều rạp đổ hết. Tôi đã định sau trận đó sẽ gặp anh, và nếu anh ưng ý thì tôi sẽ giới thiệu anh gia nhập đội võ trang diệt ác của thằng Riềng. Bây giờ con người trai trẻ ấy đang nằm đó, ngực sủi máu, mặt ngẩn ngơ như muốn hỏi: chưa đâu vào đâu, sao tôi đã nằm xuống thế này? Nhìn anh, tôi thoáng nghĩ đến thằng Riềng. Hai người mới giống nhau làm sao? Khi tôi ngồi xuống bên cạnh thì anh đã tắt thở, miệng mở he hé. Tôi nhẹ tay vuốt mắt anh và thầm nói vội lời vĩnh biệt... Chính lúc ấy, không hiểu do linh cảm hay do thấy một cái gì vương vướng nơi mắt, tôi ngẩng mặt nhìn lên. Từ sau một ụ xi măng nửa tối nửa sáng, một họng súng được lửa đuốc soi tỏ đang găm thẳng vào tôi, gần lắm, tưởng như đã ngửi thấy mùi khét lẹt của nòng súng. Thế là xong! Bây giờ đến lượt mình. Tôi thoáng nghĩ đến cái chết trong khi chân tay tê liệt không kịp phản ứng gì nữa. Tôi cứng người chờ. Một... hai... ba. Viên đạn nóng bỏng, nhọn hoắt sắp sửa bay ra đập vào ngực mình này. Tích tắc ấy tôi không cảm thấy hoảng sợ hay một cảm giác nào khác. Đầu óc trống rỗng và tê lạnh. Nhưng thật kỳ lạ! Nòng súng ấy rung rung rồi từ từ chúi xuống, găm một viên đạn xuống đất ẩm như trút đi một sự bất lực... Một ngọn đuốc sắp tắt bị ai đó ném vút tới và trong tàn lửa bay tung tóe, tôi chợt nhận ra khuôn mặt tái xám của đồn trưởng Quang. Đêm nay hắn không mặc quân phục mà chỉ vận một bộ bà ba đen như mọi người dân khác. Nỗi căm giận bỗng trào lên cộng với sự ngỡ ngàng của người vừa thoát chết tôi run run đứng dậy tiến thẳng đến hắn. Bắn đi! Có giỏi thì bắn đi! Mi đã giết lén bao mạng người đêm nay rồi? Uất quá, tôi nói không thành lời, mặc dù nếu tôi hét to lên được một tiếng thì hàng trăm người sẽ xông ngay đến đây và hắn... Nhưng tôi chỉ bước và thở. Trong tay tôi lúc ấy không có một cái gì hết, tôi cũng chưa biết nếu giáp mặt hắn mình sẽ xử lý ra sao. Nhưng sắp đến nơi, chỉ còn cách hắn vài bước thì cái miệng trên khuôn mặt tái xắm kia bỗng cười nhạt rồi biến mất. Cả hắn, cả cái cười buốt xương sống ấy đã vút nhanh vào vũng tối. Đến lúc ấy tôi mới la to được một câu: “Bà con chú ý! Chú ý... có kẻ bắn lén chạy về phía rặng điều bên phải, bà con hãy đề phòng, ai khỏe mạnh hãy theo tôi...”. Nhưng lời báo động của tôi đã không còn tác dụng. Suốt nửa đêm ấy cho đến sáng, chúng tôi không tìm thấy tung tích hắn đây dù vẫn nghe tiếng súng nổ bất thần ở chỗ này chỗ khác.
Sau này nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy tôi không kêu to ngay lên mà chỉ im lặng bước tới? Nếu hắn là người khác, liệu tôi có cứng người ra như vậy không, và chỉ kêu được khi nó đã ra khỏi vòng nguy hiểm không? Phải chăng... Điều này làm tôi hoảng sợ không dám nghĩ tiếp, nòng súng của hắn đã chúc xuống?
Tâm trạng, hay nói đúng hơn là sai lầm này sẽ được tôi lặp lại ít năm sau đó và không có dịp để sửa chữa nữa.