Ngày hôm sau tôi quyết định không tới tiệm ăn làm việc nữa. Mất việc làm là mất kế sinh nhai của gia đình. Nhưng thà đi ăn mày còn hơn chịu nhục, còn hơn nhìn thấy mặt thằng đàn ông tởm lợm ấy. Từ nhỏ, má tôi đã dạy cho chị em tôi biết sống thế nào để cho thiên hạ không khinh rẻ. Nhưng chuyện thôi việc này, tôi không thể đem ra nói với má. Má còn sống được bao lâu nữa mà làm khổ má thêm! Tôi chỉ có thể tâm sự với thằng Riềng. Cũng là để cho đỡ bực bội trong người thôi. Nghe xong nó nổi sùng liền. Nó đòi đến ngay tiệm ăn để dàn mặt ăn thua đủ với gã đàn ông đó nhưng tôi kịp gàn nó lại. Thằng công tử trác trụy ấy toàn bồ bịch với bọn cảnh sát, lính tráng và dân dao búa khét tiếng, nếu thằng Riềng mà lầm ẩu, nhất định sẽ mang đầu máu trở về, có khi còn thiệt mạng! Cứ nghĩ thế tôi lạ phát hoảng và ân hận đã trót cho nó biết chuyện. Cuối cùng để phòng ngừa mọi bất trắc, tôi nói: “Nếu út không nghe chị, út làm liều, chị cắn lưỡi chị chết cho út coi. Cả má nữa...”. Câu nói ấy quả là hiệu nghiệm. Nghe xong, nó mềm người lại và lầm lì xách cuốc ra vườn.
Nghỉ ở nhà được đến ngày thứ hai thì chân tay tôi rấm rứt chịu không nổi. Với cái nghề làm bánh sôi nước học lỏm được của má, tôi quyết định dùng số tiền nhỏ nhoi dành dụm bấy lâu, xuống chợ mua ít bột gạo, vài cân đường, đôi quang gánh, chén, thìa ly... Đồ nghề của má vẫn còn, tôi khỏi cần sắm sanh gì thêm. Suốt đêm hôm ấy tôi hì hụi nấu nướng. Mẻ bánh đầu bị hư, nhão nhoét. Mẻ bánh thứ hai lại cứng queo! Bột, đường gần cạn rồi! Tôi muốn nhờ má chỉ dẫn cho mấy chỗ chưa thật rành nhưng thấy má đang nằm thiêm thiếp, thương quá, lại thôi. Tôi nhớ trước đây, bánh sôi nước của má tôi ngon nhất chợ, chỉ nội trong buổi sáng là hết veo. Những viên bánh tròn trịa, trắng phau, nằm nửa chìm nửa nổi trong chén nước đường thơm như mật ong có rưới thêm ít nước cốt dừa béo ngậy, ăn rồi mà còn thấy thơm mát mãi ở đầu lưỡi, đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào của tôi. Tôi cố nhớ lại... Đến mẻ bánh thứ ba thì tôi đã thành công. Nhưng trời đã hưng hửng sáng và đường, bột cũng đã hết. Tôi mang đĩa bánh lên cho má. Má tôi gượng ngồi đậy, ăn được vài viên rồi lại nằm xuống. Má nhìn tôi rất lâu và qua cái nhìn ấy, tôi hiểu má tôi đã đoán biết mọi chuyện. Tôi quỳ xuống cạnh giường má, dù không muốn, nước mắt cũng chảy ra. Má đưa tay vuốt tóc tôi, nắn nắn bả vai tôi nhưng không hỏi gì cả. Giây lâu má chỉ nói:
- Con để già lửa quá... cái thứ bánh này không làm vội được. Nhưng cũng là ngon rồi.
Tôi thầm cám ơn má đã tránh cho tôi những câu trả lời cay đắng. Buổi trưa, tôi lại xuống chợ, vét đến đồng vốn cuối cùng để mua đường, mua bột.
Lúc trở về, không ngờ tôi lại chạm trán hắn. Hắn ngồi đốt thuốc giữa nắng trên một khúc cây ngang chỗ bờ suối. Thấy tôi, hắn đứng dậy, mặt thiểu não:
- Cô Hai... Cô Hai dừng lại cho tôi nói vài lời. Hôm rồi...Quả tình là tôi không muốn... Tôi chỉ...
- Cậu dang ra để tôi đi!
Tôi nhìn thẳng vào bộ mặt ấy và không thấy sợ hãi một chút nào.
- Tôi biết cô khinh tôi, giận tôi nhưng đừng vì thế mà bỏ việc. Sao cô cố chấp quá!
- Cậu mà cũng biết nói những điều như thế à? Muộn rồi! Nhờ cậu nói giùm với ông bà chủ cho tôi nghỉ việc. Chào cậu!
- Khoan đã! - Hắn không dám đứng chắn trước mặt tôi, chỉ thất vọng dang tay ra – Cô không đi làm lấy gì sống? Tôi biết má cô đang...
- Cậu đừng giả nhân, giả nghĩa nữa. Má tôi không can dự gì vào vụ này cả.
- Nhưng… Thôi, tùy cô! Điều cuối cùng tôi muốn nói là… Xưa nay tôi trân trọng cô, nghĩ tới cô rất nhiều. Cô càng tránh né, tôi càng bị hút theo, hút theo không cưỡng được. Hôm rồi… đáng ra tôi không định làm thế, tôi muốn bộc lộ sức mạnh, tôi muốn cô phải mềm xuống, tôi muốn kéo cô lại gần, chứ trong lòng tôi không có một ý nghĩ xấu xa, hung đồ nào. Không ngờ cô… Mấy ngày vừa rồi, tôi khổ lắm, tôi tự nguyền rủa mình. Chiều nào tôi cũng ra đây ngồi chờ để xin lỗi cô nhưng không thấy. Tại sao tôi lại khốn khổ vì cô, lại yêu cô đến thế? Cô không biết được đâu? Chính tôi, tôi cũng không biết nữa… Nếu biết được thì có lẽ tôi sẽ bớt khổ hơn và biết đâu… tôi sẽ không yêu, không ngơ ngẩn như bị ma ám thế này nữa. Cho tôi nói nốt. Khi cô ngước mắt lên nhìn tôi, tôi bỗng hiểu đây chính là người đàn bà tôi cần, tôi đi tìm lâu nay. Vậy mà khốn nạn cho tôi, tôi lại dại khờ đối xử với cái đi tìm đểu giả như cái đã có sẵn… Nếu cô trở lại làm việc, tôi thề là sẽ không bao giờ… Miễn là thỉnh thoảng còn được gặp cô.
- Cám ơn! – Tôi lạnh nhạt. Cậu nên nói những điều ấy với người khác.
Nói rồi tôi đi luôn, để mặc hắn đứng trơ lại giữa trời mưa nắng. Chắc hắn còn đứng lâu lắm…
Bây giờ nghĩ lại, thấy lúc ấy mình hơn tàn nhẫn. Tôi có thể mềm mại hơn, ôn tồn hơn vì tôi biết, hắn nói thật. Ngồi đốt thuốc giữa nắng trưa… Mặt mày ủ ê… Râu ria không cạo… Những dấu hiệu ấy biện minh cho hắn rất nhiều nhưng tôi không nói khác được. Tính tôi vốn cực đoan, yêu hay ghét đều tột cùng, sau này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoạt động, đến cả hạnh phúc riêng tư của tôi, thuận lợi có nhưng bất lợi cũng không ít. Nó là cái tật do cha mẹ truyền cho, khó sửa lắm! Mặt khác, nghĩ lại, sở dĩ lúc ấy tôi cứng rắn cũng vì e rằng mình sẽ mềm lòng, sẽ tha thứ mà quay lại tiệm ăn. Nếu như vậy thì đời tôi sẽ xoay sang một hướng khác và biết đâu… sau này hắn cũng không trở thành một tên ác ôn đánh phá cách mạng không ghê tay. Biết đâu… rồi tôi sẽ có dịp quay lai nói về tên công tử nhà giàu này, nó còn dính dáng khá lâu đến công việc và cuộc đời tôi. Sau buổi trưa ấy, hàng mấy năm tôi không còn gặp lại hắn nữa. Cũng chả rõ hắn làm gì, đi đâu?
Thế là những ngày tiếp theo tôi trở thành cô hàng bánh sôi nước, sáng sáng quẩy gánh đi, trưa chiều quẩy gánh về.
Đó là vào những năm 1957, 1958. Làng xóm thưòi kỳ này đìu hiu lắm. Đâu đâu cũng thấy có người chết, người bị bắt cầm tù. Cảnh sát, mật thám đêm ngày rình mò vào tận từng nhà. Gia đình nào có người đi tập kết, có người đi theo cách mạng, có người kháng chiến cũ, là bị chính quyền làm cho điêu đứng. Ban này người ta xua dân đi họp hành, chào cờ, tố cộng… Ban đêm ai ở đâu yên đấy, lớ quớ đi ra đương bà bị bắn bỏ không cần xét xử. Xã chia ra ấp, ấp phân nhỏ thành những liên gia. Mỗi liên gia chừng năm gia đình có phận sự quản lý chặt chẽ lấy nhau. Đi đâu một bước, động tay động chân làm gì cũng phải báo cáo, ông cảnh sát, ông đại diện. Những ông này lúc đó quyền uy dữ lắm, giống như một thứ hoàng đế ở xóm thôn. Nhà này không tin nhà kia, người này không tin người kia, lỡ mồm, lỡ miệng một cái coi như rồi đời. Không khí làng xóm rất ngột ngạt, người bị bắt nhiều đến nỗi chợ búa, đường sá thưa thớt hẳn đi. Trong đêm khuya khoắt, chốc chốc lại vang lên tiếng khóc dấm dứt của những người vợ mất chồng, cha mất con, bà mất cháu… Đau xé lòng, hận tím ruột mà đâu có dám khóc to, gào lớn. Ánh đèn pin lia qua khe cửa, gót giầy đinh gõ trên đường làng, những tiếng súng nổ bất thần trong đêm đã đè nặng lên cuộc sống của mọi người, trở thành nỗi kinh hoàng của bà con làng trên xóm dưới. Cái thời ấy con người sống phập phồng, không dám nghĩ đến ngày mai. Cái thời con người biến thành dã thú. Cái thời mà hôm nay anh còn là người tốt, này mai đã trở thành một tên phản bội đê hèn, hôm nay anh còn nằm im, hiền như hòn đất, ngày mai đã hóa thành gan góc khác thường; Cái thời đen tối người chết không có chỗ chôn, người sống không còn nước mắt để khóc kẻ xấu số; Cái thời thấp thoáng chỗ nào cũng trắng xóa vành khăn tang, nhưng khấn cho người chết nhiều hơn khấn nguyện cầu sự may mắn cho người sống. Tuổi mười tám, tôi đã nhìn, đã trải qua những ngày rùng rợn ấy.
Dù vậy, cuộc sống vẫn trôi chảy. Sự sống, cái chết, việc làm ăn buôn bán vẫn cứ tiếp diễn. Hàng bánh sôi nước của tôi vẫn đắt khách. Chợ vẫn có người mua và kẻ bán. Chính quyền sau một thời gian hự hẹ, rút cục cũng để cho gia đình tôi được yên. Còn quấy phá gì được nữa khi người kháng chiến cũ duy nhất là ba tôi đã chết rồi, má tôi tuy nằm đấy nhưng như không còn sống, thằng Riềng mới bước vào tuổi vị thanh niên và đêm ngày cũng chỉ quẩn quanh với mấy miếng vườn trồng sầu riêng. Còn tôi, cả chợ đều biết mặt, các ông xã trưởng, ấp trưởng, đại diện lẫn cả cảnh sát đều ăn quà hàng tôi, tôi không thể là đối tượng đáng để đề phòng và càng không phải là đối tượng ngày một ngày hai sẽ đến lượt kê đầu vô máy chém.
Nói vậy, không phải rằng tôi hài lòng với số phận của mình. Do buôn bán mà va chạm, tiếp xúc nhiều, mọi chuyện đau lòng và độc ác đều dồn tụ thành khối u nhức nhối trong đầu tôi, Tôi ghi nhận hết và không quên điều gì cả. Ngày ngồi bán bánh vùi đầu vào công việc, nó quên đi, đêm về, tôi thao thức không ngủ được.
Bao nhiêu câu hỏi đổ xuống đầu tôi dồn dập. Có câu tôi trả lời được, có câu tôi né tránh và có cả những câu khiến tôi hoảng sợ. Đấy chính là những đêm, tôi, một con bé mới lớn bắt đầu nghĩ đến hững chuyện xa hơn nỗi lo toan hàng ngày. Bóng dáng của cái thiện, cái ác, hình ảnh về bà con cô bác, về quê hương, về những người đã chết, những người đang sống lởn vởn trong tôi. Không biết rồi cuộc đời này sẽ đi đến đâu, mọi chuyện rồi sẽ kết thúc thế nào? Chao ôi! Những ngày đó tôi thèm vô cùng có một người để trò chuyện, để chỉ bảo cho tôi rõ mọi điều. Người ấy là đàn ông hay đàn bà, không quan trọng. Nhưng người đó dứt khoát phải thông minh, phải tốt bụng, phải trả lời được những câu hỏi của tôi. Đó, ngay từ hồi đó, dù phải đầu tắt mặt tối, dù cái chết không tránh khỏi của mẹ đè trĩu lên tôi mỗi ngày nhưng tôi đã có thói quen muốn tìm đến căn nguyên rạch ròi của mọi chuyện.
Người ấy đã xuất hiện.
Đó là một thầy giáo dạy trường trung học trong thị xã. Thầy còn trẻ, dáng chừng độ hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, nhưng trông thầy nói năng, đi đứng chững chạc, có lúc tôi nghĩ thầy phải ngoài ba mươi. Thầy tên là Nhân, Trần Hoàng Nhân, bà con trong thị xã thường gọi là anh giáo Nhân. Anh giáo dáng người xương, tầm thước, ăn mặc giản dị với bốn mùa chỉ độc một chiếc quần màu thẫm và chiếc áo sơ mi trắng nhét gọn vào trong. Anh có đôi mắt to, vừa hiền từ, vừa sắc sảo. Khi anh cười, đôi mắt cũng cười theo, nhưng khi có điều gì không vừa ý, đôi mắt ấy cũng lóe lên dữ dội lắm. Anh ít nói và hay cười. Vậy nhưng đã nói câu nào là ăn chắc câu đó, rất hóm, rất hoạt. Người ta bảo anh có tài thu hút mọi người bằng cách nói năng duyên dáng của mình; thu hút bất cứ ai, bất cứ ở chỗ nào.
Thoạt đầu tôi không chú ý gì tới con người đó, bởi vì như đã nói ở trên, lúc này tâm trạng tôi không ổn định, rất nặng nề, chỉ cầu trời mau hết hàng để trở về với ngôi nhà bên bờ suối. Mọi vui buồn tôi gởi ở đó hết. Tôi coi anh như những người đến ăn quà khác mà những người này phần lớn lại là đàn ông. Họ ăn nhiều mà nói cũng nhiều, gần như đua nhau nói. Dần dà tôi mới hiểu họ nói không phải cho họ nghe, cũng chẳng phải cho người xung quanh nghe mà nói cốt là để làm đẹp lòng tôi. Người thì nói ào ào, cười như phá, người thì nói nhỏ nhẹ, sau mỗi câu nói lại ý nhị liếc sang tôi; có người không nói gì, chỉ chăm chú ăn, chăm chú nhìn. Lắm lúc tôi phát gai người vì những cái nhìn quá mạnh bạo đó.
Riêng anh thì khác. Thỉnh thaỏng anh mới ghé hàng tôi một lần, thường là vào những ngày mát trời, trước hoặc sau cơn mưa. Anh cũng nhìn tôi nhưng đó là cái nhìn chào hỏi thoáng qua, cái nhìn điềm đạm, hơi bề trên, hoặc cái nhìn cảm ơn vì món ăn vừa ý. Anh cũng nói, thậm chí nói không ít hơn người khác nhưng hoàn toàn để nói với mọi người chứ không phải nói cốt cho riêng tôi. Những câu nói của anh tôi nghe là lạ. Anh không nói về giá cả thị trường, về trận đá banh sôi nổi ngày chủ nhật hôm qua, về các món hàng mới nhập ngoại và về các cô đào chớp bóng, đào cải lương đang nổi danh. Anh nói giống người bán nhật trình thường đi chiếc xe môbilét xọc xạch qua hàng tôi. Anh kể về đời sống của dân nghèo ở những nơi anh đã đi qua, anh kể về những điều bạo thiên nghịch địa mà anh đã chứng kiến, về dòng sông nào đó sáng sáng người ta vớt đựơc những xác người không đầu nhét trong bao tải, về một làng nọ, có hai thanh niên nửa đêm cầm dao ra phục ngoài lộ chém nát mặt viên đại diện rồi vượt sông tẩu thoát. Anh kể nhiều lắm, không bình luận gì, chẳng ám chỉ ai, làm như tất cả những điều đó anh đều được nghe nói lại. Giọng anh lúc nhỏ, lúc to, không oán hờn, không sôi sục, thỉnh thoảng có người lạ đi qua, anh lại cao giọng chuyển sang chuyện khác; cái miệng tươi phát một nụ cười rất vô tư. Không hiểu do cách trò chuyện sinh động của anh hay chính bản thân câu chuyện đã tác động khá mạnh vào tình cảm người nghe. Họ nghe chăm chú, thỉnh thoảng hỏi lại vài ba chi tiết còn mù mờ nhưng nói chung họ rất tin anh. Họ nghe anh quên cả tôi ngồi đó, quên cả cái lý do chính yếu đưa họ đến đây. Họ là những khách quen ăn hàng tôi, là công nhân cạo mủ, công nhân nhà máy đường, là mấy bác đạp xích lô thuê, khuân vác thuê, có cả những cô cậu học sinh, vài anh viên chức gầy gò… Qua cử chỉ, tôi biết anh quý họ và rất tin họ. Tôi thích nghe anh nói. Dường như những điều anh nói gỡ bỏ được phần nào những u ẩn trong tôi. Tôi tìm thấy một sự vang vọng nào đó, còn xa xăm nhưng chính là những nghĩ ngợi của mình qua tiếng nói của anh. Tôi biết anh nói chưa hết, anh khéo léo dừng lại ở giữa chừng để thử phản ứng người nghe, để người nghe tự suy nghĩ thêm. Anh có vẻ hiểu rộng, biết nhiều, những điều phức tạp nhất qua miệng anh nghe cứ ngọt đi, trôi chảy như nghe một điệu dân ca đã quen thuộc. Có một điều rất kỳ lạ là, mỗi lần được nghe, tôi thấy đầu óc mình yên tĩnh hơn.
Nhà anh ở đâu tôi không rõ nhưng lâu lâu anh nới ghé qua hàng một lần. Mỗi lần như thế tôi lại thấy anh như ốm hơn, đen hơn một chút. Thậm chí có lần trông anh phờ phạc, mắt tối u, như vừa ở trong tù ra. Thường lúc đó anh không nói gì, ngay con mắt anh nhìn tôi cũng vô định, trượt đi đâu, không còn khí sắc. Trông anh tội nghiệp quá, yếu đuối quá! Tôi muốn hỏi anh một câu, nói với anh một câu, thậm chí an ủi anh một điều gì đó nhưng lại không dám. Tôi chỉ còn cách kín đáo múc vào bát anh những cái bánh ngon nhất, trắng nhất. Những lúc ấy, anh gần gũi và dễ hiểu làm sao? Song cảm giác đó không đọng lại lâu. Lần sau, thấy anh lại sáng láng tươi tỉnh, lại lưu loát có duyên, tôi bỗng thấy con người này xa lạ với mình nhiều quá! Bằng sự ích kỷ vớ vẩn khó giải thích của đàn bà, nhiều khi tôi ước giá như anh cứ u hoài, cứ phờ phạc tội tình như thế lại hơn.
Mưa quê tôi lẹ tới, lẹ đi! Nắng đấy rồi mưa đấy, mưa đấy rồi lại nắng đấy. Một ngày trời bất thần đổ mưa tới hai, ba lần. Nhưng thường mưa về chiều mới là cơn mưa chính. Bao nhiêu nóng nực, bao nhiêu rác rưởi trên đường phố theo mưa mà tan biến đi hết. Tôi thích mưa từ nhỏ. Sau mỗi trận mưa, bỗng thấy mình như trẻ lại, tươi tỉnh và sảng khoái hơn.
Với một cơn mưa chiều như thế, chúng tôi đã vô tình gặp nhau. Hôm đó, hàng hết sớm nhưng mải giúp mấy người bạn hàng ít công việc vặt nên xế chiều tôi mới ra về. Vừa tới con dốc dẫn lên khu nhà thương tỉnh thì mưa sầm sập đổ xuống. Nhìn trước nhìn sau không có chỗ tránh, tôi đành cắm cúi rảo bước. Mãi mới tìm được một cái quán cắt tóc lợp lá bỏ không, tôi bèn ghé vào mặc dù toàn thân đã ướt sũng. Đứng chưa được bao lâu, tôi nhìn thấy từ trên triền dốc một người đàn ông đang lững thững đi xuống? Ai mà mưa gió thế này lại đi đứng kiểu ấy? Làm như đang dạo mát không bằng. Tôi lấy làm lạ và chăm chú nhìn ra. Chợt tôi sửng sốt: người đó chính là thầy giáo Nhân. Anh vừa đi vừa ngửa mặt hứng mưa, miệng cười rất thơ trẻ, thỉnh thoảng lại giang rộng tay ra vẻ muốn bay lên. Anh thật giống một cậu bé đang nghịch nước. Đáng lẽ tôi sẽ đứng im, có khi lại còn quay đi giấu mặt nữa là khác nhưng trước dáng bộ quá hồn nhiên ấy, tôi bị vui lây và buột mồm gọi nhỏ:
- Thầy giáo!
Anh không nghe thấy, cứ đá nước đi tiếp. Tự nhiên thấy bừng bực trong lòng, tôi gọi to hơn:
- Thầy giáo!
Anh ngơ ngác quay lại và khi nhận ra tôi, anh chớp mắt vẻ ngạc nhiên lắm. Thế rồi không chờ tôi gọi lần thứ ba, chỉ cần ba bước chân, anh đã đứng ngay cạnh tôi, miệng cười nháng nước. Xung quanh vắng tanh. Trời vẫn mưa nặng hạt. Cả tôi và anh đều ướt không còn thiếu chỗ nào. Bỗng dưng tôi ân hận tự trách mình. Gọi anh vào đây làm gì.
Lấy ta vuốt nước mưa trên mặt, anh hỏi:
- Sao bữa nay Thanh về muộn thế?
- Mắc việc… Ủa? Nhưng sao thầy biết tên tôi?
- Cả thị xã này đều biết chứ riêng ai. Này, Thanh ướt sạch rồi, rét lắm hả?
Tôi cắn chặt răng để đừng run nữa. Tôi sợ anh nhận ra… bởi vì, chính lần đầu tiên đứng cạnh đàn ông một mình trong đất trời mờ mịt đã làm tôi run chứ đâu phải vì rét. Đột nhiên tôi bật cười.
- Sao Thanh cười?... Chả lẽ vì rét mà người ta cũng có thể cười được nữa à? – Anh nói vui. Tôi quay mặt đi cười nữa. Anh giả bộ càu nhàu:
- Sướng chưa! Người ta gọi tôi vô đây rồi ở đó cười hoài một mình. Chắc dòm tôi giống thằng hề?
- Giống… không hề mà vừa gội mưa vừa cười. Hệt con nít. Nhà thương người ta tưởng điên , bắt vào, mất công.
- Thì cũng coi như bị bắt rồi đó thôi.
Tôi không nói nữa. Hóa ra con người trông có vẻ đạo mạo này cũng biết tán. Tán ào ào nữa là đằng khác.
- Coi chừng mưa thế này, cây cầu qua suối nhà Thanh không đi nổi – Anh nói với vẻ ái ngại.
- Ủa! – Tôi lại tròn mắt - thầy biết cả nhà tôi nữa?...
- Biết chớ - Giọng anh bỗng chùng xuống, trầm ngâm. Biết nhiều hơn Thanh tưởng kia. Biết ông già Thanh hy sinh hồi chín năm, bà già hiện đang bệnh nặng, biết cả Thanh vừa thôi việc ở đâu, vừa gặp chuyện gì…
- Sao thầy biết nhiều dữ vậy? Thầy không sợ mang hụy vào thân sao? Thời buổi này…
- Không! Không sợ cái gì hết. Cái gì đang mang lụy thì sẵn sàng mang lụy.
- Thầy nói chuyện hay lắm! Bao nhiêu người thích nghe thầy nói.
- Cám ơn – Anh lúng túng một chút rồi đột ngột quay sang tôi, mắt rất trong – Tôi có một đề nghị nhỏ Thanh đừng kêu là thầy, kỳ lắm! Tôi dạy học Thanh bữa nào đâu.
- Nhưng có biết tên đâu mà gọi.
- Tôi tên là Nhân.
- Nói giỡn chơi, tôi biết tên thầy ngay từ ngày đầu.
Tôi cười. Ông này khéo nói quá! Tự nhiên tôi thấy mình thoải mái hơn, không phải khép nép kéo quần kéo áo hoài cho khỏi dính sát vào người nữa.
- Hàng ngày sao Thanh có vẻ nghiêm thế?
- Thầy có nhìn tôi đâu mà biết nghiêm hay không nghiêm?
- Có những người không cần nhìn cũng biết người ấy là thế nào. Chỉ e người ta được nhìn, được chú ý nhiều quá rồi không còn để ý đến ai nữa.
Tôi định nói lại một câu thật đáo để nhưng đột nhiên thấy mắt anh sầm xuống. Trên dốc, mấy người dân vệ mặc quần áo đen, đội nón phớt đang rong một người cởi trần, mặc quần xà lỏn, tay bị trói quặt ra sau, đi về hướng trụ sở. Thỉnh thoảng người này lại bị đẩy ngã sấp mặt xuống đường đá dăm, quằn quại mãi mà không dậy được. Tôi nhắm nghiền mắt, choáng váng.
- Lại thêm một người nữa! - Tiếng anh nói âm thầm bên tai tôi - cứ mãi thế này thì hàng xóm hết người mất!
Mưa đã dứt hạt. Tôi khẽ rùng mình bứt ra khỏi hình ảnh ghê rợn vừa rồi, nói nhỏ:
- Hết mưa… xin phép thầy tôi về.
- Ấy! – Anh cũng như vừa chợt tỉnh – Tôi đưa Thanh về… có được không? Nước suối to, có thể không qua nổi.
“Đưa Thanh về…” sao giống câu nói của gã con trai con nhà giàu kia? Nhưng đáng lẽ lắc đầu, thì tôi lại phản ứng ngược chiều với sự liên tưởng ấy:
- Nhà gần mà… sợ thầy bận.
- Không! Chiều nay tôi không có việc gì làm cả. Muốn đi đây đi đó một chút cho khuây khỏa. Được không Thanh?
Giọng anh chân thành và con mắt anh trong trẻo quá, tôi không thể… Tôi không nỡ làm cho con mắt kia thất vọng.
- Tùy thầy!
Tôi đáp mà thấy mặt mình nóng ran.