Chỉ sau một tuần, chúng tôi đã làm được khối việc. Năm trong số mười hai xã đã bị phá rụi hàng rào ấp chiến lược. Nhiều công sở, nhà tề bị giải tán; nhiều bà con gồng gánh trở về xóm cũ làm ăn; ba trong số tám đồn bốt chính bị san thành bình địa, thu được rất nhiều súng và giải được một số tù bình, hàng binh ra rừng; gần một trăm thanh niên nam nữ xung phong vàolực lượng võ trang và cuối cùng, cái này mới gây nức lòng dân chúng, mười sáu trong số hai mươi lăm tên ác ôn bị đền tội. Đám còn lại không ít đứa cả mười ngày sau chẳng dám ló mặt ra đường. Như vậy tuần nổi dậy thực sự là một tuần bạolực. Riêng tôi, sau đêm đó thấy thêm ra một điều xưa nay không biết đến hoặc biết rất mơ hồ: không thể dùng nước miếng nói suông với bọn uống máu người. Chỉ có bạo lực mới trấn áp được bạo lực! Có lẽ vì thế mà sau này tôi rất mê làm quân sự, nếu có dịp là tôi xin được chuyển ngay sang cái ngạch thường chỉ ưu tiên cho đàn ông ấy.
Tôi nói cái kiểu mang hơi hướng tổng kết như trên để thấy hết được ý nghĩa cuối cùng của sự việc chứ thực ra những ngày sau đó, chúng tôi sống gian nan lắm! Thậm chí còn gian nan hơn trước. Những người hoạt động công khai như tôi, đã chót lộ mặt ra giữa bàn dân thiên hạ rồi, khó có thể trụ lại được nữa. Màng lưới cơ sở gây dựng bấy lâu nay nhất định sẽ bị chúng rà đi soát lại tìm cho kỳ ra thì thôi. Những ai vừa rồi đi đầu, hăng hái chắc khó thoát được sự trả thù hèn hạ của chúng nó. Anh Tám và những người chỉ đạo khác bị cuộc càn rừng với qui mô tổng lực của những đám quân hỗn hợp xe tăng, pháo cối chạy dạt đi tận đâu rồi không rõ. Cuộc càn này xem chừng còn dài ngày, còn tăng thêm quy mô ác liệt, biết lúc nào tôi mới liên lạc được để xin ý kiến chỉ đạo của mấy anh? Và thằng Riềng nữa! Không hiểu nó vẫn còn ở lại hay cũng đi nốt rồi? Cuối cùng nhìn quanh quất, chỉ còn lại độc mình tôi. Lo quá! Lại còn con mọn nữa. Suốt ngày tôi ôm con hết ra lại vào. Lúc thì Lê đến tìm tôi hỏi “Ta tính sao bây giờ chị?” Lúc lại Nghĩa. Cô em chồng tôi đã trở về nhà được ít ngày nay sau khi chán ngán mọi chuyện ở Biên Hòa; cả tuần vừa rồi, không hiểu ai mách, cô nằng nặc xin tôi cho được “tham gia công chuyện” . Ăn mặc kiểu tỉnh thành, cô chạy xồng xộc vào “Chị Hai! Tụi nó làm dữ lắm! Các ngả đường bị chặn lại hết trội. Thiên hạ bị bắt chất đống ngoài chợ kia kìa! Tính sao, hay chị em mình tạm lánh xuống Sài Gòn ít hôm chị Hai? Em có con nhỏ bạn ca sĩ…” Ruột gan tôi rối bời, thầm trách mấy anh không lường trước hoàn cảnh này. Bây giờ tôi biết đi đâu? Ở đâu? Hay là ngồi im chịu bị bắt? Đến chiều thì thằng Riềng đến. Mừng quá! Tôi chụp vai nó:
- Sao em? Có tin gì không em? Mấy anh giờ ở đâu?
Nó lắc đầu.
- Em cũng không rõ. Nhưng... Theo em chị phải đi ngay đi. Tụi nó biết mặt chị rồi. Nhất là thằng Quang! Rủi quá, đêm rồi sờ đến tận ót hắn rồi mà còn để sổng!
- Đi... Nhưng đi đâu? – Tôi nóng ruột hỏi.
- Đi ra rừng! Chắc mấy anh ở cả ngoài đó?
- Ra rừng? Biết đường nào mà ra? Tụi nó lại đang vòng trong vòng ngoài.
- Em sẽ chỉ đường cho chị, sẽ dẫn chị đi một đoạn. Ngay đêm đầu, anh Tám có dặn lại em phòng ngừa điều này và tìm cách lo cho chị.
- Anh Tám... tại sao anh ấy không nói với chị?
- Tình huống cách mạng mà chị ơi! Ai dè tụi nó phản kích lẹ và dữ đến thế?
- Được rồi! Đi đâu thì đi. Nhưng còn em, thế nào?
- Em sẽ ở lại.
- Lỡ ra...
- Không! Em ở lại theo ý của huyện ủy. Tụi nó chưa biết được em, chưa ai nhận ra em là người đàng mình. Em ởlại để tiếp tục nắm số anh em tự vệ mật. Thôi, em đi đã. Tình hình nước sôi lửa bỏng dữ lắm! Tuần rồi đã quá hả chị Hai? Tới đây làm vài cú nữa như vầy là mình khỏe ra. Chị chuẩn bị đi! Khoảng tối em lộn lại. Anh Tám nói em đưa chị khẩu K.54
Nói rồi nó lại chùm hụp cái nón rách biến mất ra lối vườn. Chao! Nó có vẻ phấn chấn dữ! Bụng dạ rối bời, phần lo cho nó, phần lo cho mình, trước giọng nói đầy tự tin của nó, tôi bỗng thấy bình tâm hơn. Cầm khẩu K.54 xinh xắn trong tay, tôi lặng đi một lúc. Thế là từ đêm nay, tôi chính thức xông pha vào đời sương gió! Rồi không biết số phận sẽ đi tới đâu? Mặc! Chẳng hề gì! Nhưng còn con? Lòng tôi sẽ thắt lại. Mang con đi theo hay gửi lại? Mang đi, đường đất gian nan không biết thế nào! Để lại càng không yên tâm. Con còn nhỏ quá! Không thể xa được hơi mẹ. Nhưng nó cũng khó có thể chịu được cuộc hành trình và những khu rừng ẩm thấp sắp tới! Suy nghĩ hồi lâu tôi mạnh dạn quyết định đem con đi theo. Mẹ đâu con đó. Sống cùng sống, chết cùng chết.
Chiều tối thì Lê và Nghĩa đến chỗ tôi. Lát sau thêm hai thanh niên nữa. Một tên là Thành, chừng mười tám, mười chín tuổi, thấp lùn nhưng dáng đi lại uyển chuyển duyên dáng; một là Tiến, cỡ tuổi cao hơn, dáng bộ thư sinh, đeo kiếng cận, đã học hết tú tài phần một, vốn là nhân viên thư ký ở nhà máy đường. Cả bốn người đều ăn vận gọn gàng, khăn gói chỉnh tề, điệu bộ nghiêm trang. Từ bữa Nghĩa về tới giờ, chị em ít được ngồi với nhau, bây giờ có dịp ngắm kỹ cô em chồng, tôi mới thấy Nghĩa từng trải, già dặn lên nhiều tuy cái dáng đài các và nước da con nhà giàu của nó vẫn chưa mất đi. Cái đẹp của Nghĩa giờ đây đằm hơn, pha một chút trễ nải. Ý tứ, tôi không hỏi Nghĩa về cuộc tình với người nhạc sĩ đó mặc dù tôi biết rằng tình yêu mà đem gửi gắm vào mấy cái anh chàng “mùi mẫn” có trái tim nóng lạnh bất thường ấy thì có khác chi đem gửi trứng cho ác. Nghĩa đang giúp tôi gói ghém mấy thứ đồ đạc cần thiết cho cháu. Người đàn bà chuẩn bị đi xa đã khổ rồi, nhưng ở đứa trẻ còn lắm thứ cực nhọc hơn. Nào áo ấm, nào bột gạo, bột sắn; nào thuốc men các loại rồi đường rồi sữa nữa cũng phải mang theo đề phòng khi trái gió trở trời. Một sinh mệnh nhỏ nhoi yếu ớt vậy đòi hỏi biết bao nhiêu thứ hộ thân khi ra khỏi mái nhà ấm cúng che mưa che nắng. Chuẩn bị cho con mà ruột gan tôi cứ cồn lên. Giá lúc này có ba nó ở nhà… Hai vợ chồng trẻ với một đứa con có thể đi đến cùng trời cuối đất. Đằng này.. Tôi đến bên Nghĩa nói nhỏ:
- Đáng lẽ em phải ở lại để thỉnh thoảng đi thăm anh thay chị. Tội nghiệp! Tuần tới không thấy chị đến, anh lại mong đỏ mắt.
- Sẽ nhắn lại, lo gì chị - Nghĩa trả lời vô tâm.
- Nhưng... – tôi thở dài. Nào chồng, nào con, nào công việc, mình tôi ở giữa rối bòng bong. – Ông già thế nào rồi? – Tôi hỏi để khỏa lấp cái bồn chồn trước phút ra đi.
- Ông già hả? Điên rồi! Thần kinh rồi! Vừa rồi làm ăn thua lỗ, vỡ nợ to, bây giờ chỉ ngồi nhà uống rượu và nhìn mặt trời lặn.
- Đáng lẽ lúc này em không nên bỏ ổng mà đi! Chị cũng không giận, chắc lúc ấy ông già đang quẫn trí, nên mới nhẫn tâm.
- Sau khi chị mang cháu đi, ông có vẻ hối hận lắm. Nhiều đêm em thấy ổng thức suốt, đi như bóng ma ngoài vườn. Tháng trước ổng uống rượu vào rồi khóc, đòi em dẫn đến nhà tù thăm anh Nhân. Ông nói ổng là thằng già tồi tệ, ham giàu có mà quên nghĩa tình, ông có lỗi với cháu trai, có lỗi với cháu dâu, có tội với người anh quá cố. Ông còn đòi em đi tìm chị và cháu trở về. Chao! Cũng tội gnhiệp!
- Đi đây em có nói với chú không?
- Đâu dám nói. Nói ông lại khóc. Dạo này ông hay khóc lắm! Như con nít ấy.
Tôi ngậm ngùi nghe chuyện. Nếu đêm nay không phải đi gấp thì nhất định tôi sẽ bồng cháu về thăm ông một chút. Dù sao ông cũng là người có công thay anh nuôi dậy các cháu khôn lớn, nếu một phút nào đó, ông quẫn trí, ông làm như người táng tận lương tâm thì cũng là do cái hoàn cảnh khốn nạn mà thôi.
Tôi lại gần thím, ngồi xuống và im lặng. Bao giờ ngồi bên thím, tôi cũng có cảm giác mình nhỏ bé, yếu ớt, muốn được nhõng nhẽo, muốn được vòi vĩnh như ngồi bên mẹ. Sau tất cả mọi chuyện, dù rất kín đáo, nhưng thím cũng đã biết tôi là ai. Cái đêm đầu nổi dậy, thím ngồi ôm cháu, suốt đêm lầm rầm cầu nguyện cho tôi tránh khỏi mọi tai ương. Chiều nay khi tôi nói tôi sẽ đi xa, không biết bao giờ trở lại, thím chỉ khóc mà không dám can gián nửa câu, không dám hỏi đi đâu. Hồi lâu thím mới rụt rè nói tôi để con ở lại, hai vợ chồng thím trông cho, nếu vợ chồng thím còn sống, thằng bé sẽ không thiếu thốn thứ gì cả. Lúc ấy cổ tôi nghẹn đắng không nói thêm được một câu gì. Mang con đi là tước mất niềm vui cuối đời duy nhất của thím, nhưng để cháu lại? Quả thực lòng tôi không thể… Trên những chặng đường chông gai trước mắt, không có anh ấy, cháu sẽ là người nuôi dưỡng sự sống của tôi, sẽ ấp ủ và truyền thêm nghị lực cho tôi. “Thím ơi! – Tôi nói - Trước khi ra đi, con chỉ biết cúi đầu tạ ơn chú thím đã rộng lòng bao dung che chở cho mẹ con cháu. Ơn này cháu sẽ không bao giờ quên. Má cháu không còn, kể từ nay thím cho phép thằng Đức được gọi thím là ngoại…” Thím tôi khóc òa lên, ôm chầm lấy thằng bé, thơm lên khắp người, khắp mặt nó như rồi đây thím sẽ không bao giờ được yêu cháu như thế nữa. Nhìn nước mắt của người đàn bà suốt đời lận đận không con nhòa trên má đứa bé, tôi phải quay đi. Tôi không muốn giờ phút này lòng mìnhlại mềm yếu. Trước mắt còn phải gồng mình gắng sức nhiều lắm.
Tôi đến chào người chú đang ngồi im lặng ở gian ngoài. Chú mới về sáng nay khi nghe tin xã nhà có sự biến.
- Chú ở lại mạnh giỏi. Cháu đi!
Người chú ngẩng lên gật gật đầu. Có lẽ chú vẫn chưa xóa hết cái mặc cảm nặng nề đối với tôi lần đó nên tôi cũng không tiện nói nhiều.
- Chú đừng đi xa làm ăn nữa, một mình thím ở nhà buồn lắm! Nghe cháu, từ nay chú đừng đi đánh bạc nữa nghen!
Chú lại gục gặc cái đầu. Giây lâu chú mới nói, mắt đỏ hoe:
- Thanh…. Cháu hứa với chú đi! Dù thế nào cháu cũng không được để thằng nhỏ bệnh đau, thiếu thốn. Nếu nuôi không nổi thì đừng ráng, tội nghiệp nó! Cứ nhờ người mang về đây – chú lôi dưới gối ra một gói nhỏ bọc vải rồi đàng hoàng và công khai đưa cho tôi - Cầm lấy mà nuôi con. Tiền này không phải tiền được bạc đâu.
Trước nét mặt khẩn nài của ông, tôi không thể từ chói, nhưng cũng không thể nhận cả. Tôi đang lưỡng lự tính lấy một nửa thôi thì thím đi tới.
- Nè! Con Hai đừng làm vậy. Đây là tiền ông bà ngoại cho cháu, con không được phép từ chối.
Thím đã nói vậy, tôi còn biết làm sao nữa, mặc dù biết rằng từ mai, bữa cơm của chú thím lại chỉ có rau với mắm mặn
Tối được mộtlúc thì thằng Riềng đến. Nó ăn mặc như người đi bắt cá đêm nhưng tôi biết trong cái giỏ cá của nó toàn tạc đạn. Tôi dắt khẩu K.54 lạnh buốt vào cạp quần, ôm lấy thằng Đức đang ngủ say trong tấm mền bọc kín rồi ra hiệu bắt đầu lên đường. Chú thím tôi đứng cạnh nhau trong bóng tối, im lặng. Khi tôi sắp bước ra cửa thì nghe loáng thoáng thấy thím nói:
- Kìa ông! Ông không ra nhìn cháu một lần.
- Không… - Tiếng chú tôi ngàn ngạt – Nhìn thấy nó bây giờ là tôi…
Tôi bước nhanh ra khỏi cửa để chạy trốn khỏi tiếng nấc. Nhưng ra tới sân, một ma lực vô hình giữ lấy chân tôi. Bất thần, tôi nhìn trở lại căn nhà lụp xụp, nhìn trở lại mảnh vườn xơ xác không được ai chăm sóc… Tạm biệt thôn ấp! Tạm biệt những năm tháng tuổi thơ! Tạm biệt những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, những năm tháng quá đỗi nhọc nhằn. Tạm biệt… Rồi đây, không hiểu tôi còn có dịp trở lại chốn này không? Hay đây chính là vĩnh biệt! Lòng tôi đau thắt!
Sau này tôi được nghe nói lại rằng, tốp chúng tôi vừa đi khỏi thì đồn trưởng Quang tới. Hắn đến, gần như chỉ có một nình và không mặc sắc phục. Khi biết tôi không còn ở đó nữa, hắn buông người ngồi xuống ghế, lặng lẽ đốt thuốc hút. Hắn hỏi tôi đi đâu? Theo lời dặn lại, thím nói tôi mang con đi Sài Gòn ở tạm ít ngày để tiện thăm nuôi chồng. Hắn cười nhạt, đứng dậy đặt bàn tay nặng nề lên vai chú tôi mà nói: “Nể tình ngày trước cô Thanh có làm việc cho ông già tôi nên bữa nay tôi tạm để cho mấy người yên. Nếu lần nào đó, cô ấy có trở về thì nói giúp tôi hỏi thăm và cứ ở lại đây, khỏi cần đi đâu cho cực”. Đá một cú khá mạnh vào cây cột ở giữa nhà, hắn bỏ đi, để mặc chú thím tôi đứng chưng hửng nhìn nhau. Thôi, thế cũng là may! Tôi không nghĩ rằng tối đó hắn đến để bắt tôi. Nếu thế thì nòng súng sau trụ xi măng đêm đó không chúc xuống rồi. Hắn đến để gặp tôi và cũng có thể chỉ nói: “Thì ra lời tiên đoán của tôi đã đúng. Chỉ có điều nó xảy ra hơi sớm. Cô khỏi cần chờ thằng nhà giáo cộng sản của cô trở về, cô đã đi trúng đường của cô rồi”. Và thế nào hắn cũng cảnh cáo thêm theo đúng cái giọng quân tử cố hữu cả hắn: “Tuy vậy, tôi bỏ qua! Nhưng hãy nhớ: đừng để tôi nắm được tang chứng lần nữa. Lúc ấy thì…” chắc hắn sẽ nói như vậy. Thôi, thế cũng xong! Từ nay tôi và hắn sẽ ngang nhiên đứng ở hai đầu chiến tuyến, gặp nhau thì gặp, tôi không muốn chịu ơn mãi cái vẻ hào hiệp nghe đến lộn ruột của hắn.
*
* *
Thằng Riềng cắt đường dẫn chúng tôi đi vòng vèo qua những vườn chuối, vườn mía, lô cao su tối om om. Chúng tôi đi hàng dọc, ráng bước thật khẽ để khỏi động chó. Ban đêm chỉ cần nghe tiếng chó sủa ở đâu là bọn lính bu đầy đến đó, vãi đạn như mưa. Thằng Riềng bắt chúng tôi lúc thì ngồi xuống, lúc thì đứng im, lúc lại bước như chạy. Trăng sáng bàng bạc nên tầm mắt nhìn được xa hơn, tốc độ đi nhanh hơn nhưng người lúc nào cũng cứng ngắc, tưởng như toàn thân đang phơi bày ra dưới ánh snág ban ngày. Đi trong vườn đất quen thuộc mà rờn rợn, giống như đi trên bãi tha ma. Chỗ nào cũng nghĩ có địch, chỗ nào cũng ngửi thấy cái mùi khen khét của thuốc lá lính. Nghĩa, Lê và hai anh con trai có vẻ hồi hộp lắm, chỉ nghe tiếng thở dồn của họ và tất cả làm theo Riềng như cái máy. Tôi bế con đi sau cùng, chỉ nơm nớp lo cho giấc ngủ của con tôi. Nếu lúc này nó trở dậy, khóc lên một tiếng thì mọi việc coi như kết thúc. Tôi cố đi thật êm, vừa đi vừa vỗ nhè nhẹ vào người nó, mặc cho hai cánh tay đã mỏi rã. Có lúc Nghĩa lùi lại đòi bế thay nhưng tôi gạt đi. Thằng nhỏ chỉ cần xa hơi mẹ một chút là giật mình tỉnh dậy liền. Có lẽ đêm đã khuya. Sương rơi lành lạnh. Cùng với tiếng gió, tiếng côn trùng râm ran, tôi nghe được cả ngáy thật êm của con tôi. Tôi kéo cao tấm mền che kín nửa mặt cho con. Ngủ đi! Ngủ đi con! Chỉ cần con ngủ ngoan hết đoạn đường này cho mẹ thôi. Thương mẹ, thương các cô các chú, con đừng dậy nghe con! Tôi thì thầm với con như cầu nguyện các vị thần đất, thần cây hãy phù trợ cho giấc ngủ của con tôi sâu hơn, say hơn nữa. Nhưng thật kinh hoàng khi tôi nhìn xuống: cặp mắt của nó đã thao láo nhìn lên tôi từ lúc nào! Một chút nữa thì tôi để buột cánh tay ôm ngang người con. Tôi sợ hãi thực sự, muốn kêu mọi người dừng lại đã. Nó đã dậy rồi tức là nó sắp ọ ẹ, sắp khóc thét lên đây nè! Tôi đã quen tật con quá mà, đêm nào tỉnh dậy nửa chừng cũng khóc váng nhà. Nhưng tôi không thể kêu ai được cả, cũng chẳng có ai có thể giúp tôi được lúc này. Trời đất! Ôm con mà người tôi nóng phừng phừng như ôm trái mìn sắp bùng nổ. Bằng động tác hết sức bản năng, tôi vạch vú nhét vào miệng con dù biết rằng bầu vú của tôi chẳng bao giờ có sữa? Đúng mà, nó ngúc ngoắc đầu rồi lấy lưỡi nhè núm vú tím ngắt ra. Bối rối, tôi lại định nhét vào nữa, nhưng… Một điều kỳ lạ đã xảy ra: đáng lẽ phải khóc toáng lên, con tôi lại toét miệng ra cười. Tôi bị ngợp hoàn toàn trong cái cười bất ngờ đó. Chao ôi! Lúc ấy, là người mẹ, tôi nghĩ, chỉ cần một lần nhìn thấy đứa con cười như vậy là có thể chết được rồi. Con tôi cười giữa chết chóc, cười trong vòng vây địch, con tôi cười hồn nhiên, đẹp như hoa, tách rời, bay lên khỏi cõi đời trần tục mà ở đó hết năm này qua năm khác, đời này chuyển tiếp đời kia, con người mải săn đuổi, chém giết nhau. Sao đêm nay ngủ dậy con tôi lại cười? Phải chăng nó thấu hiểu được nỗi lòng mẹ nó, cảm nhận được lời khẩn cầu thần linh cảu mẹ nó mà quên đi cơn khóc thông thường? Phải chăng trong chiến tranh, đứa trẻ cũng hiểu được nỗi lo của người lớn? Cười lên con! Cười nữa đi con! Vì những nụ cười mát rượi như thế này, mẹ sẽ có thể làm được mọi việc ghê gớm nhất trên đời. Nụ cười của con tôi tối dần lại, thay vào đó là đôi mắt trong trẻo của nó ngơ ngác nhìn lên các vòm cây lốm đốm trắng. Con mắt biểu lộ sự tò mò, sự thích thú tràn ngập. Và cứ thế, không hề ho he, không khóc một tiếng, nó cứ nằm trong tay tôi, lẳng lặng đưa mắt nhìn ngược lên cao, qua hết vòm cây này đến khoảng trời khác. Có lúc nó đưa bàn tay nhỏ xíu lên nắm chim chim như muốn bắt được một cái gì đó xa xôi, huyền diệu, không bắt được, mỏi tay, nó quờ quờ vào mặt tôi và dừng lại ở đó. Tôi bất giác cắn nhè nhẹ đầu ngón tay thơm thơm ướt sương khuya của con, ngực dồn lên trong một tiếng nấc ngọt ngào. Một lát sau, nó lại ngủ thiếp đi. Mí mắt nó khép lại dường như kéo chìm người tôi xuống theo. Con, con trai yêu của mẹ…
Ra đến cánh đồng bưng, Riềng dừng lại, cúi xuống uống một hơi nước ruộng ngon lành, rồi đến cạnh tôi:
- Hết nguy hiểm rồi! Em phải quay lại đây; kẻo trời sáng, ló đuôi.
Đã lường trước điều này nhưng khi nghe nó nói, tôi vẫn bị hẫng. Thực trong lòng tôi không muốn chị em phải xa nhau lúc này, đáng ra nó đi được cùng với tôi thì hay biết bao nhưng tôi đành phải nói cứng, dù sao tôi cũnglà chị nó:
- Ở lại ráng cẩn thận nghe em! Cho chị hỏi thăm Thu. Thỉnh thoảng em ghé qua nhà thăm má…
Nó cười:
- Chị cứ lo cho chị đi! Em ấy à? Trời đánh thánh vật không chết. Đây, sơ đồ đây, chị cứ đi hết cánh đồng bưng này là sáng. Nghỉ lại ăn uống xong, chị đi tiếp hai vạt rừng nữa. Khoảng chiều sẽ đến một con rạch. Nghỉ đã. Từ con rạch này đến căn cứ mấy anh còn phải qua ba cái trảng và hai con lộ, cũng khá nguy hiểm đấy. Đi luôn hay để sáng hôm sau đi cũng được, tùy chị. Em về nghe! Chúc cả đoàn đi đến nơi đến chốn, gặp mấy anh nói thằng Riềng này dù chết vẫn cứ oánh giặc ngon lành.
Nó ồn ào đi bắt tay hết lượt mọi người. Bàn tay nó mạnh đến nỗi làm hai cô gái phải nhăn quắt mặt lại. Nó đến bên thằng Đức, khẽ giở tấm mền che mặt, áp khuôn mặt xương xẩu vào má thằng bé lúc ấy đang ngủ thiêm thiếp. Nó nựng:
- Cưng đi nghe cưng! Mau ăn chóng lớn để cậu còn dẫn đi đánh ba thằng ác chớ! Đi đường đừng làm khổ má nghen cưng!
Đến lúc đó, tôi mới thấy khuôn mặt ngang tàng bướng bỉnh của nó mềm đi đôi chút. Bao giờ cũng thế, đối với má, anh chị và cháu, nó chỉ bộc lộ tình yêu theo kiểu riêng nó, ngấm ngầm nhưng mãnh liệt. Tự dưng tôi đưa tay xoa mớ tóc cứng queo của nó như ngày nào tôi hằng xoa tóc một thằng Riềng thơ bé bị mẹ mắng hoài vì cái tội hay đánh lộn với đám con nít nhà giàu trên phố.
- Chị dặn nè! Ba là liệt sĩ, dù khó khăn nguy hiểm thế nào cũng đừng nản lòng, đừng thối chí mà tủi vong hồn ba nghe.
Nó cười, hàm răng to, trắng bóc. Cái cười tự tin của nó làm tôi thấy câu nói của mình đâm ra lẫn cẫn. Nó còn non dại gì nữa đâu. Nó còn là đảng viên trước cả tôi kia mà.
Nó đi rồi, cả tốp chúng tôi im lặng nhìn theo. Dù sao, với đoạn đường vài tiếng đồng hồ vừa qua, hình ảnh nó cũng in đậm trong tình cảm mọi người. Trăng sắp lặn. Bầu trời và cảnh vật đang mờ dần. Gió thổi mạnh và lạnh hơn. Phía xa kia là ấp chiến lược, là đồn bốt, là ngộp thở, là ngày ngày chém giết; một mình nó lầm lũi đi vào đó; dáng đi nghiêng nghiêng, nhòa dần vào đêm tôi… sao thấy mỏng manh, thấy nhỏ nhoi quá! “Chị lo phần chị… Em thì trời đánh không chết!” câu nó của nó vẳng bên tai tôi.
Không ngờ, đấy cũng là lần cuối cùng hai chị em tôi còn được nhìn thấy nhau.
*
* *
Sơ đồ thằng Riềng vẽ khá kỹ nhưng chúng tôi đi vẫn lạc lên lạc xuống mãi, sáng nhờ nhờ rồi mà đồng bưng vẫn trải dài ngút ngát, nhìn mỏi mắt cũng không thấy một vệt đen đen nào khả dĩ có thể nghĩ rằng đó là rừng. Trời càng về sáng càng lạnh, sương giăng tỏa mờ mịt, sương quẩn dưới chân, sương trát kín vào mặt. Mắt người nào người nấy díp lại, nặng tựa đổ chì mà không dám ngủ. Chợp mắt mộtlúc là đưa chân xuống sình ngay. Tôi có cảm giác mình đang bơi giữa đại dương, sức đuối dần mà bờ vẫn mờ mịt đâu đâu. Nghĩa đi trước tôi đã hai lần rớt xuống sình, quần áo ướt nhớp nháp, lạnh run. Mệt quá, có vẻ hết chịu nổi, cô ngồi bệt xuống thút thít khóc. Anh thanh niên đeo kiếng cận phải quay lại dỗ dành, mang giúp hết đồ đạc cho cô, cô mới chịu đi, bước đi thập thõm như chực buông người ngồi xuống nữa. Lúc mới rời nhà, Nghĩa là người tỏ ra háo hức nhất. Cô em chồng tôi vẫn ưa mơ mộng, có nhiều thời gian đọc sách nên cú đi này đối với cô đã kích thích tính tò mò và trí tưởng tượng đến cao độ. Thậm chí nếu Riềng không quay lại xuỵt nhẹ thì cô đã hát khe khẽ lên rồi. Quả thật trong những khu vườn đầy trăng, cái dáng cân đối, bước đi nhẹ nhàng và mái tóc buông xòa của cô gợi lên một cái gì đó thật lãng du, giang hồ. Đã có lúc tôi ao ước giá mình cũng trẻ trung, duyên dáng và thảnh thơi đi vào gian khổ như thế. Nhưng bây giờ... Tiếng khóc thút thít của cô gái từ bé chưa quen chịu đựng vất vả thuốn vào ngực tôi. Liệu để cho Nghĩa đi theo mình thế này có đúng không? Liệu anh Nhân có bằng lòng không? Đây mới chỉ là một đêm hành quân, còn bao ngày gian nan nữa, không hiểu tấm thân liễu yếu đào tơ kia chịu đựng thế nào? Mà đã đem nhau đến được đây thì không dễ gì lại để nhau về. Ngay cả tôi cũng ê ẩm cả người, hai cánh tay bồng con đã tê dại, cấu vào không còn biết đau, nhiều lần tôi như kẻ mộng du vừa đi vừa ngủ chờn vờn để rồi sau đó phải cắn chặt răng vào môi mà tỉnh lại. Tôi là người chịu trách nhiệm chính của chuyến đi tìm về căn cứ này, tôi không cho phép mình buông thả đầu óc một giây. Ai đã một lần nếm trải cái cảnh vừa đi vừa ngủ đều thấm thía rằng, cái giây phút chợt tỉnh đó sao mà khủng khiếp thế. Ngủ là quên lãng, tỉnh ra là mọi nhọc nhằn lại dồn về rồi lại ngủ nữa, và lại tỉnh. Mê và tỉnh, tỉnh và mê, trạng thái ấy lặp đi lặp lại nhiều lần đến bải hoải cả thần kinh, có lúc chỉ muốn vứt bỏ tất cả, vứt bỏ cả sự sống để thả người xuống ngủ cái đã, rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Giấc ngủ lúc đó quan trọng hơn cả sự sống. Nhưng không thể dừng lại. Trời sáng mà còn lựng xựng cả đám giữa đồng bưng trống hoác thé này là bị hốt gọn ngay. Cũng may là Lê đôi lúc lui lại bế đỡ tôi thằng nhỏ chứ không thì chính tôi cũng bật khóc lên được. Không ngờ cô gái này lại có sức chịu đựng dẻo dai đến thế. Từ lúc đi đến giờ, ít thấy Lê nói trừ những trao đổi cần thiết. Chân cô đi hơi chữ bát, chậm rãi nhưng chắc chắn. Kể từ bữa bị làm nhục ở gò mả, Lê trở nên thân thiết với tôi khác thường. Không ngày nào cô không sang với tôi một lần, có điều gì cũng hỏi tôi, cũng tâm sự với tôi. Về một nghĩa nào đó, Lê coi tôi như một người chị kết nghĩa. Khi biết tôi quyết định thoát ly, cô đòi đi theo ngay, không cần hỏi han sau trước gì hết. Đối với cô, mọi việc tôi làm đều đúng.
Nhìn đồng hồ, tôi lo thực sự. Sắp sáng trắng ra rồi mà vẫn còn rồng rắn giữa đồng trống thế này thì nguy quá! Thành chỉ hơi chếch tay ra phía trước, nó bô bô:
- Kìa có quầng sáng nhạt. Đó có thể là sông, mà đã có sông là dứt khoát có rừng. Ta cắt tới đó đi!
- Không được! - Tiếng can. Từ đầu đến giờ, anh chàng Tiến này luôn luôn tỏ ra điềm đạm, chín chắn, nghĩ nhiều hơn nói - Quầng sáng đó cũng có thể là ấp chiến lược, hoặc một nhà giàu nào đó đang chạy máy phát điện? Đâm đầu vào đó khác gì tự dưng nộp mạng cho trằn tinh.
Thành ư ử trong miệng câu gì rồi không nói nữa. Anh chàng lùn này luôn luôn bị bạn ngăn chặn và lần nào cũng chỉ ư ử phản ứng một cách hiền lành vậy thôi. Cũng may trong đoàn đi có được hai người đàn ông, họ xục xạo, họ suy nghĩ, họ tranh luận, cãi cọ nhau nhưng mọi chuyện thành hay bại đều phụ thuộc vào hai con người này. Tiến dừng lại, bấm đèn pin rà xoát lại tấm sơ đồ. Trán cậu ta cau vào, cặp kiếng đưa lên đưa xuống ra chiều rất căng thẳng. Miếng giấy trong tay cậu ta đã nhàu nát, ố nhòe, chứng tỏ nó bị giở ra gấp vào quá nhiều lần…
Trong khi Tiến ngồi đăm chiêu đến sốt ruột như thế thì Thành bậm bịch đi lại, thỉnh thoảng khịt khịt mũi tỏ vẻ ngứa ngáy lắm! Khụt khịt chán, Thành tìm một cái cây cao nhất trèo lên ngồi lơ láo một lúc rồi lại tụt xuống, lắc đầu khịt mũi nữa: “Chịu! Sương quá xá sương, hết nhìn nổi cái gì ra cái gì”. Một đằng thì chủ trương cứ đi đại đi, một đằng lại chủ trương nghiên cứu, thật khó mà hòa hợp được nhau. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là đến sáng vẫn không ra thoát khỏi đây. Chắc chắn chỉ còn cách mỗi người tự tìm cho mình một cái lùm, cái bụi nào đó để chui vào mà trốn đợi qua ngày. Nhưng… khó lắm! Giữa đồng bưng, kiếm đây ra một thứ lùm bụi như thế để giấu nổi cả một đám người, rồi còn thằng Đức nữa.
Đang lúc tuyệt vọng thì Nghĩa tìm ra đường. Chuyện thật hoàn toàn ngẫu nhiên. Chả là trong khi chờ đợi mọi người lần mò trên sơ đồ. Nghĩa bỗng dưng đau bụng, cô len lén tạt vào một lùm cây cách đường mòn chừng vài chục thước. Lúc trở về, cô chỉ phàn nàn:
- Đất cát chi mà toàn găng là găng, toạc cả lưng.
- Găng gì? – Thành hỏi đốp chốp.
- Găng chứ còn găng gì nữa. Gai đâm rách cả quần! – Cô trả lời cấm cảu, rõ ra cái giọng không thích thú gì một khi phải đối thoại với cái anh chàng trông xấu mã, tính tình lại cục mịch này.
- Gai hả? Sao khôngnói ngay. Đâu? Gai ở đâu?
- Vô duyên! – Nghĩa nguẩy người bỏ đi.
Thành xông luôn về phía Nghĩa vừa lọ mọ đi ra để mặc cô gái cứ ơ ơ trong miệng mà không hiểu gì cả…
Lát sau, từ trong sương. Thành đột ngột xổ ra, hai tay vỗ đánh đét vào nhau một cái như người hát tuồng:
- Ngon rồi! Ngon quá xá rồi chị Hai ơi!
- Cái gì vậy? - Mọi người ngẩng lên ngơ ngác.
- Rừng rồi! Ta đụng rừng rồi.
- Rừng nào? Rừng ở đâu? – tôi hỏi gắt giọng, trong bụng hơi bực mìnhvới cái kiểu đùa tếu táo không phải lúc này.
- Chị cứ đi theo em! Trời đất! Cỗ bày ra tận miệng rồi mà còn ngửi hít tìm tòi ở đâu hoài. Mù! Mù hết!
Không phải chỉ mình tôi mà tất cả đèu líu ríu đi theo Thành... Trước mắt chúng tôi đang nằm rải rác rất nhiều bùi găng thật. Đi sâu vào chút nữa, đã thấy lác đác những bụi cây lớn hơn... Rồi cây to cây nhỏ dần dần hiện ra giang hàng giăng lớp... Mừng quýnh quáng, Thành ngồi thụp xuống, vuốt ve từng thân cây bằng cổ tay, cổ chân.
- Các chú mày ơi! Các chú mày cà trớn thấy mẹ? Các chú có phải là ma đâu mà ú tim nhau hoài vậy chớ! Phải rống lên, phải kêu lên chớ. Các chú mày chơi hổng ngon chút nào hết trơn.
Lúc ấy Tiến mới đút tấm sơ đồ vào túi, ngúc ngoắc cặp kính, nói:
- Thực ra cũng không lạ! Sương càng về sáng càng đặc quẹo, nó gây ra một ảo ảnh toàn màu trắng xóa, nó che lấp vệt xanh của rừng. Lại thêm bãi găng nữa, cái khoảng trống ấy dễ đánh lừa mắt người. Điều cơ bản là mình đánh mất phương hướng.
Không ai nghe trọn câu nói đầy vẻ đúc kết thâm thúy ấy của Tiến. Họ còn đang mải nằm dài ra, duỗi chân duỗi tay mà hưởng hết cái khoái cảm của con thuyền đã tới bến. Sương bỗng trở nên mát rượi, đất bỗng trở nên thơm nồng nàn. Lát sau tất cả chụm đầu quanh Lê. Cô gái mặc nhiên thành trưởng ban hậu của đoàn mà không cần phải phân công ấy đang cần mẫn cắt những cục cơm vắt ra thành từng miếng mỏng mịn trắng như lát bánh dầy...
Đoạn đường tiếp đó, chúng tôi đi dễ dàng hơn, đúng như Riềng dự đoán. Một ngày đi trong rừng cây lúp xúp, một ngày nữa đi trên trảng đầy cỏ may và hoa dại. Hồi đó trên các đường mòn qua rừng và qua trảng chưa có mìn trái, ổ phục kích, chưa có nhiều trực thăng quần đảo như bây giờ nên suốt chặng đường đi chúng tôi có thể bước thẳng lưng và tha hồ trò chuyện râm ran. Sau một đêm nghỉ ngơi giữa rừng, chúng tôi đã hoàn toàn hồi phục được sức khỏe nên dáng đi cứ lao về trước phăm phăm, dù cho bàn chân có nhiều chỗ phồng rộp, mọng nước. Tuy nhiên vì đêm hôm qua tôi ngủ không trọn giấc nên sáng nay bước đi có chiều mệt mỏi. Ngủ trọn giác làm sao được khi đêm đầu tiên trong đời được nằm rừng. Hai má con nằm chung một một chiếc võng chuẩn bị từ ở nhà, suốt đêm nghe lá cành xao động, nghe gió chạy ràn rạt trên vòm cây và nhìn lên những khoảng trời bị cắt vụn, đung đưa mà nghĩ ngợi bao nhiêu điều xa xôi... Rừng yên tĩnh đến u tịch, đưa con người thoát ra mọi cảnh đời trần tục vừa nhọc nhằn trải qua và sắp nếm trải nữa. Đồng đội của tôi mỗi người một võng ngủ ngon lành. Nghĩa thỉnh thoảng nói mê, Thành trong khi ngủ cứ đạp chân vào võng xoàn xoạt, thỉnh thoảng lại cười hích lên một tiếng. Lê và Tiến nằm chìm trong bóng lá không hiểu có ngủ chập chờn như tôi? Những con người này từ đây sẽ gắn bó khăng khít với tôi, phải lo cho họ về mọi chuyện, về cuộc sống, cái chết và những nỗi buồn vui. Không hiểu những ngày tháng sau này có còn sống được cả với nhau hay.... Chao ôi! Mới có một chặng đường ngắn ngủi, bỗng hiểu nhau, thương nhau nhiều quá! Nếu đêm nay không phải là một đêm chiến tranh, tôi sẽ đánh thức họ dậy, sẽ chụm lửa ngỗi xung quanh, sẽ kiếm một cái gì đó nướng ăn và chuyện trò, và im lặng... Giá lúc này có anh ở bên, anh Nhân ơi! Ở trong khám kín, anh có biết má con em đang ở nơi nào không? Ước mong cồn cào và duy nhất của em lúc này là có anh ở bên cạnh. Có vợ chồng, con cái bên nhau, em không sợ gì hết. Đêm nay giữa vô tận, tiếng ru rì rầm của cây lá, sao em chỉ nghĩ đến anh, nghĩ đến tình yêu trắc trở của hai đứa. Em lặn lội tha con đi như thế này cũng là vì anh, vì con, vì mong mỏi có một ngày đoàn tụ. Em không thể xa con được và con cũng không thể thiếu hơi em, anh đừng trách em bắt con phải vất vả nghe! Còn có cách nào hơn được, anh. Rừng đêm kỳ lạ quá! Chỉ thiếu có anh thôi...
Do đi xăng xái nên quá trưa một chút, chúng tôi đã tới con rạch như thằng Riềng nói. Con rạch này khá đẹp, cây cối kín đáo, nước đầy ăm ắp; chúng tôi thay nhau xuống tắm một trận thỏa thích. Sau bữa ăn nóng có cả cá do Thành bắt được dưới rạch, chính Nghĩa lại là người đầu tiên đòi cứ đi tiếp, đi liền một mạch, đến nới rồi ngủ một thể, ngủ ba ngày liền. Tôi mỉm cười nhìn cô em chồng. Mới sang ngày thứ hai mà trông cô ấy đã xởn xơ ra dáng. Nghĩa đã lấy lại được bước đi ngoăn ngoắt và cái đầu nghênh cao, hứng đón mọi tiếng động xa lạ từ trên cao rơi xuống. Đôi lúc cô còn hát nho nhỏ nữa. Tiếng hát đó, nghe nói nhiều ban nhạc có tiếng ở Sài Gòn muốn dụ Nghĩa dành cho họ nhưng cô từ chối. Dường như sự vận động giữa nắng gió, giữa nhọc nhằn và hiểm nguy này đã xua tan mọi day dứt về cuộc tình lỡ dở vừa qua. Cô trẻ lại, hồn nhiên và đầy căng sự sống. Cô em chồng nhiều đam mê, tính tình khoáng đạt này thực sự làm cho chuyến đi đỡ tẻ nhạt rất nhiều. Nhìn con mắt long lanh của cô, tôi vừa mừng, vừa phấp phỏng lo âu. Liệu cái rừng rực kia còn cháy được bao lâu nữa? Ngày mai vào cuộc rồi, đâu phải chỉ có toàn những say mê và lãng mạn như thế này! Khuôn mặt và đôi mắt Nghĩa giống anh quá, lắm khi nhìn vào đó, tôi bỗng thấy chống chếnh cả người.
Khởi hành từ lúc nắng sắp tắt, đi gần như không nghỉ, đến chừng nắng sắp lên thì chúng tôi đụng một vạt tre gai nằm kề dòng sông Bé. Tre gai ở đây mọc như rừng, một làn gió thổi qua cũng đủ để cả vạt rừng vang lên những tiếng kẽo kẹt nối nhau lăn dài. Thành huơ huơ cây K.54 của tôi cho mượn lên đầu:
- Đã tới đích! Thưa quý vị! Gánh xiếc Sơn Đông của chúng tôi đã tới đích. Mời quý vị ngồi nghỉ, mỗ này sục thử vào trong coi!
Nhưng đã đến đây thì ai cho anh chàng ranh ma ấy cái quyền được một mình vào căn cứ gặp trước mấy anh như vậy. Tất cả chúng tôi đều đi. Căn cứ! Cái tên ấy đối với chúng tôi, người chưa một lần được thấy nó, cứ gợi lên một vùng đất bằng phẳng, có rất nhiều người đang đi lại nhộn nhịp, súng ống nườm nượp, nhà cửa mọc san sát đông vui. Căn cứ! Cái tên ấy có nghĩa là chiến khu, là thủ phủ của cách mạng gồm toàn những con người ưu tú, giỏi giang, người nào cũng tài giỏi dũng cảm. Và căn cứ cũng là đầu nguồn, là nơi phát nguyên của mọi phong trào sôi động, mọi cuộc chiến đấu. Tôi hình dung ra người đứng đầu căn cứ phải có cái dáng bộ rất tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ, ăn trái cây, uống nước suối và nhìn xuyên suốt được khắp mọi nơi, khắp mọi cuộc đời. Đấy là cảm kiểu cảm nhận của tôi, người đã có dịp được tiếp xúc với mấy anh ở căn cứ xuống, còn Nghĩa hoặc Lê, hoặc những người khác, chắc họ cũng đang mường tượng phong phú theo kiểu của họ. Hôm qua, chính Nghĩa nói với tôi: “Chị Hai nè. Không hiểu ở trong rừng người ta sống ra sao? Muỗi vắt, rắn rít nè! Cây cối ẩm thấp hôi hám nè! Còn đồ ăn nữa? Không lẽ quanh năm chỉ nhét toàn trái cây, măng rừng, củ rừng vào bụng? Ăn ở như vậy thì người thành ra khỉ à? Ra con nhái bén à? Người ta bảo con gái mà ở rừng ít lâu là rụng răng, rụng tóc dòm như bà lão liền. Thiệt vậy không chị Hai? Ôi! Vậy thì chết cho khỏe”. Biết rằng không thể mỗi lúc mà thuyết phục được cô gái đang sức yêu, đang khát sống này, vả lại chính tôi đã biết gì nhiều về rừng đâu, tôi chỉ cười trừ: “Người ta sống được, mình cũng sống được, lo gì”.
Và sau khi đi vòng vo khoảng gần một tiếng đồng hồ, căn cứ đã bất thần xuất hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là mấy căn chòi nửa nổi nửa chìm trong lòng đất, mái lợp nilông có phủ lá ngụy trang phía bên trên. Và người đầu tiên mà chúng tôi gặp không tiên phong đạo cốt, không hồng hào tươi tắn như tôi tưởng nhưng cũng không cóc cáy, gầy guộc như nhái bén mà Nghĩa nghĩ. Đó là một người trung tuổi, vận bà ba đen, dòm cũng bình thường như mọi ông trung tuổi khác trong ấp, duy chỉ có nước da xanh hơn, giọng nói nhỏ nhẹ hơn. Ông nhìn chúng tôi từ đầu tới chân rồi lại dòm qua thằng bé có vẻ ngạc nhiên lắm!
- Các cô các cậu đi đâu đây, mà ở đâu tới vậy?
- Dạ... bọn cháu ở Châu Thành, đi tìm anh Tám. – Tôi thay mặt cả tốp trả lời.
- Tám nào?
- Anh Tám bí thư huyện ủy ạ!
- Tám Phương phải không? Đi rồi.
- Đi đâu ạ? Anh Tám chỉ đường cho bọn cháu tới đây mà. – Tôi đáp mà thấy chưng hửng cả người.
- Nhưng đi rồi. Đi hồi hôm. Xuống sâu rồi.
- Thế còn chú Năm.. còn chị Ba?
- Năm, Ba nào? Trời đất! Ở đây thiếu gì Năm với Ba. Phải nói rõ cả tên ra chứ.
- Cháu lỡ... chú Năm, chị Ba cùng trong huyện ủy.
- À, Năm Bờ, Ba Liên! Cũng đi hết rồi. Toàn bộ huyện ủy, huyện đội Châu Thành chuyển trọi trơn rồi. Tình hình rất mới, phải áp xuống sát ấp, sát dân mà mần ăn chớ. Sao, mấy bữa rồi dưới đó bà con làm đồng khởi nghe ngon lành lắm hả? Chà! Trên này...
- Chú! – Tôi ngắt lời ông - Thế đây là đâu ạ? Mấy chú là...
- À, đây là ban kinh tài tỉnh. Tôi là Tám Hòa, trưởng ban, cũng chuẩn bị cuốn đi nốt đây. Tình hình rất mới...
- Chú! – Tôi sốt ruột ngắt lời nữa - Thế không còn ai ở đây ạ? Mấy chú lãnh đạo tỉnh cũng...
- Hả? Lãnh đạo tỉnh hả? Cũng áp sát hết rồi. Đã nói tình hình rất mới mà.
Chán ngán quá, chúng tôi ngồi phịch xuống mặc cho ông “tình hình rất mới” nói một hồi nữa. Thế là công toi! Bao sức lực, bao hy vọng một lúc đổ sụp trước cái căn cứ hoang vắng và ông kinh tài này.
Người từ trong các nhà hầm khác, cả con trai lẫn con gái, cả giọng Bắc lẫn giọng Nam; đủ các loại tuổi; thấy chúng tôi đến cũng đổ xô ra thăm hỏi, chuyện trò. Họ hỏi han đủ thứ nhưng chủ yếu là tò mò nhìn ngắm chúng tôi. Chắc bao lâu nay, những con người quanh năm lặn lội trong rừng này chưa hề gặp được một người dân nào từ trong ấp vượt ra như chúng tôi. Họ hỏi chúng tôi ở huyện nào, xã nào, ấp nào; dọc đường đi có cực lắm không? Họ rót nước sắc bằng thứ rễ hà thủ ô cho chúng tôi uống, hỏi chúng tôi cơm nước gì chưa? Rồi, như tuân theo một nhu cầu chúng, cuối cùng họ đều tụ lại xung quanh thằng bé. Người sờ má, người nắn nắn chân, người thọc lét vào rốn cho nó cười, người bạo dạn hơn đỡ lấy bế nó trên tay, ôm ghì vào ngực giây lát mặt bỗng ngẩn ngơ rồi nuối tiếc truyền sang tay người khác, nhưng có người chỉ đứng ngắm nó từ xa, mỉm cười bâng quơ. Đứa bé bỗng trở thành trung tâm tình cảm của mọi người. Những con người xanh xao, hơi khắc khổ này dồn về nó, giành cho nó, cái sinh vật bé nhỏ đang khoái chí vẫy chân vẫy tay loạn xị kia, những ánh mắt chan chứa trìu mến. Ngay cả chú Năm kinh tài cũng thôi nói về cái “rất mới của tình hình”, đến bên tôi, ngượng nghịu:
- Cho chú bồng nó chút được không?
Tôi đưa con cho chú. Chú đỡ lấy nó bằng cả đôi tay khẳng khiu như đỡ một vật báu rồi đưa lên cao, áp khuôn mặt gầy guộc vào khuôn mặt đang đỏ bừng vì cười nhiều của nó. Trẻ thơ xuất hiện nơi đây đã làm mát mẻ cả vạt rừng, làm gò má trên khuôn mặt một vài cô gái đỏ hồng lên. Là người mẹ, làm sao tôi có thể không ngây ngất khi thấy con mình được mọi người yêu chiều đến thế. Nhưng điều đó diễn ra ở trong tôi không lâu; tôi sực nhớ đến công việc. Đến gần ông trưởng ban kinh tài, tôi nằn nì:
- Chú Tám ơi!... Thôi thì bọn cháu không gặp được anh Tám và huyện ủy, nhưng còn may là gặp được chú. Lỡ rồi, chú tiếp nhận bọn cháu nghe! Đâu cũng là người đàng mình, ở đây ít bữa, bọn cháu sẽ đi tìm mấy anh Châu Thành sau. Được không chú?
- Ý! Đâu có được – Ông tròn mắt, giang rộng tay - Sắp càn đó! Có tin tụi nó sắp càn lớn vào cụm rừng này đó; chỉ hôm nay, ngày mai thôi. Bọn chú cũng sắp cuốn đi nè!
- Cho chúng cháu đi với.
- Không được đâu. Bộ phận của chú cũng cồng kềnh lắm rồi, đang muốn tinh giản cho nhẹ bớt mà chưa biết tính sao đây.
- Chú Tám – Tôi cố nài một lần nữa - Bọn cháu có năm người, gọn lắm, không làm vướng chân vướng cẳng các chú đâu. Bọn cháu hứa sẽ...
- Thôi! - Lần này thì chính ông ngắt lời tôi - Thấy mấy em từ trong ấp ra, chúng tôi quý lắm, thương lắm, nhưng tình hình đang khó thế này, mấy em cảm phiền. Nhận đại mấy em vào, chẳng may đụng địch không khéo lại chết chùm cả với nhau. Vả lại... Ông ngập ngừng.
- Vả lại sao chứ? – Tôi hỏi vớt vát.
- Ừ, cũng chẳng giấu gì mấy em làm gì, lương thực bọn tôi cạn rồi. Mấy bữa nay ăn toàn củ chụp, củ năn với măng luộc, ai đau yếu mới được tô cháo nấu luễnh loãng... Mấy em quay về đi thôi.
Ông đã nói đến thế thì tôi đành chịu. Lương thực chúng tôi mang đi cũng sắp hết, bây giờ thêm năm miệng ăn nữa thì đúng là rầy cho mấy chú mấy anh ở đây thật. Chao ôi! Khi đi, tôi đâu có nghĩ căn cứ lại thiếu thốn thế này. Tôi đưa mắt cầu cứu mấy anh, mấy chị xung quanh nhưng họ đều nhìn lảng đi hoặc cúi xuống. Tôi biết trong lòng họ muốn nhận chúng tôi lắm, song hoàn cảnh ngặt nghèo khiến họ phải im lặng.
Tôi đứng dậy, nói dỗi:
- Kỳ quá! Địch càn sao không trụ lại mà đánh, chạy dài thế này bao giờ mới tới ngày thắng lợi.
Chú Tám cười, cái cười vừa bao dung vừa thiểu não:
- Đánh có phận đánh, chạy có bộ phận chạy. Mỗi người mỗi việc rồi cô bé ơi! Rồi sau này nếu còn ở rừng, cô sẽ hiểu cả.
Nghĩa vẩy mái tóc đến vù một cái:
- Thôi, về chị Hai! Đã thế thì không thèm nữa. Tưởng căn cứ ngon lành mới kéo nhau đi, biết thế này ở nhà nằm ngủ khoèo cho khỏe.
Tôi bấm Nghĩa im lặng vì chợt thấy nét mặt của ông trưởng ban đang tái dần đi trong một vẻ bối rối đến khổ sở.
Mấy người khác cũng lặng lẽ lảng về hầm của mình:
- Thôi được rồi, chú – Tôi làm mặt dịu - Biết mấy chú đang gặp khó, bọn cháu không quấy rầy nữa. Cháu xin hỏi thêm một câu: chú bảo có bộ phận đánh, vậy bộ phận đánh đó giờ ở đâu? Có xa đây không ạ?
- Hả? Mấy cháu tính...
- Dạ! Tìm lực lượng xin gia nhập.
- Chà! Quyết tâm dữ đa! Nhưng chắc họ cũng không nhận đâu.
- Nhận hay không, chú cứ chỉ cho bọn cháu.
- Được rồi, được rồi, nhưng đừng quắc mắt lên thế kia với tôi, ớn lắm! – Ông cười khà khà, miết tay vào cái cằm chả có chút chân râu nào - Chỉ thế này là sai nguyên tắc bí mật đây, nhưng tin mấy em nên làm đại một phen. Giờ heng! Đi hết quãng rừng này, đụng một con suối, men theo dòng nước ngược lên chừng...
- Một ngày đường rồi sau đó lạc tùm lum đành găng võng, ôm bụng đói ngủ lại giữa rừng.
Nghĩa chêm vào ngang hông với ánh mắt đầy khiêu khích, cái môi cong lên rất đáo để.
- Không!... Cô bé này sao mà nhọn lưỡi quá xá, không thể ai nói kịp nữa. Ngược lên chừng vài trăm mét thôi. Khi nào thấy một cây bằng lăng cụt ngọn là trạm gác của bộ đội ở đó.
- Cám ơn chú, bọn cháu đi đây!
- Khoan! – Ông trưởng ban lúng túng - Ở đây gạo mắm hiếm lắm, nhưng có tiền. Mấy em cầm đỡ chút ít, rủi bên ấy họ cũng không nhận thì còn có cái về ấy mà mua bán. Nhưng... cho một chữ ký nhận để thanh toán về sau.
- Thôi chú ạ! Bọn cháu sẽ tự lo liệu được. Chú để tiền mà dùng cho việc khác.
Tôi nói mát và không nhìn ai, chúng tôi khoác khăn gói lên vai đi luôn. Lúc ấy chỉ có Lê là nán lại một chút, chu đáo đi chào khắp lượt mọi người. Ra đến cửa rừng nhìn lại, tôi còn thấy ông trưởng ban kinh tài và mọi người đứng tần ngần trông theo. Chắc họ ái ngại cho chúng tôi? Vừa đi được một đoạn, chợt phía sau có một thanh niên đeo súng vụt từ cửa rừng ra đuổi theo. Tôi kêu cả tốp dừng lại và mừng thầm, cho rằng ông Tám kinh tài rút cục đã nghĩ lại. Anh thanh niên đến trước mặt tôi, vừa thở vừa nói:
- Chú Tám nói tôi đi theo dẫn đường, vì sợ cuộc càn ập đến, mấy anh mấy chị không ra khỏi vòng vây.
- Dạ! Thế thì tốt quá.
Tôi nói, thầm cám ơn ông già.
Nhưng cuộc đi tìm lực lượng ngày cũng không đem lại vui vẻ gì. Đến được chỗ cây bằng lâng cụt ngọn, chúng tôi đụng ngay một anh bộ đội giải phóng. Bộ đội ta hồi đó đâu dã ăn mặc đồng loạt được như bây giờ. Tôi nhớ anh ấy mặc bộ đồ màu xám, có cầu vai, đầu thắt chéo một chiếc khăn rằn chứ chưa phải là nón tai bèo. Anh đeo một cây súng ngắn không bao bạc phếch, xung quanh cái dây thắt lưng da to bản dắt lúc lỉu đủ các loại tạc đạn tròn dẹt. Và cái đáng chú ý nhất là tay anh cầm một cây mã tấu to bản sáng loáng. Lần đầu tiên nhìn thấy một người lính đàng mình, chúng tôi cứ đứng dòm lom lom, quên cả công việc chính. Nhất là Thành, cậu ta cứ há mồm, tròn mắt đầy vẻ thán phục. Quả thật, trông anh bộ đội này hùng dũng ngang tàng quá. Anh ngó lại chúng tôi trân trân. Đằng sau anh một đoạn ẩn kín trong các lùm cây, thoáng thấy nhiều anh khác đang hối hả đào công sự.
- Ủa! Cái gì đây? – Anh nhìn khắp lượt chúng tôi – Bà con mang quà bánh ra cho bộ đội oánh giặc hay vợ lên thăm chồng đó? Gay quá? Đã kịp dựng một cái “chiêu đãi sở đâu”.
Giọng anh rất vui và đôi mắt anh nhìn rất hóm. Anh nói giọng Bắc nghe mềm lạ, ấm lắm! “Chiêu đã sở!” Sau này tôi mới hiểu được cái danh từ này chứ lúc ấy tôi ngớ ra, không hiểu anh nói gì.
- Mấy anh ơi! – Tôi nói luôn.
- Làm gì có mấy anh. Mình tôi thôi.
- Dạ! Mình anh!... Bọn tôi chỉ có bốn người thôi, đều khỏe mạnh cả, anh cho bọn tôi theo đánh giặc với.
- Hả? – Anh tru miệng nhìn tôi – Đánh giặc? Cả đàn bà, cả trẻ con?
- Dạ!
- Nhưng mấy cô từ đâu tới? Bên Cứ - Dân - Đảng sang à?
- Không, bọn tôi từ ấp chiến lược, từ Châu Thành ra.
- Châu Thành? Giỏi quá ta! Đơn vị tôi cũng vừa đánh đá ở dưới đó về đấy.
Tôi mừng quýnh:
- Dạ! Đúng mà! Mấy anh đánh đồn Bưng Cầu, bọn tôi nhổ rào phá ấp ngay cạnh đó. Cho tụi tôi ở lại nghe! Phát súng nghe! – Tôi nói ngọt xớt.
- Gay nhỉ? – Anh gãi đầu.
Chợt có tiếng hỏi vọng ra từ đống đất đang đào:
- Đằng ấy có gì vui vẻ dữ vậy đại đội trưởng ơi?
Anh xua xua tay dồn chúng tôi vào chỗ khuất:
- Vào! Vào trong này đã, kẻo anh emnhìn thấy lại đổ cả ra đây bây giờ, hầm hào chưa xong mà xe lội nước chúng càn tới thì toi!
- Tụi tôi đánh càn được đó. Con trai cầm súng, ba đứa con gái làm cứu thương, nấu cơm, được không?
- Gay… Gay đấy – anh vẫn chỉ gãi gãi đầu.
- Được hay không nói đại đi mà cứ gãi đầu hoài!
Nghĩa lại lầm bầm trong miệng trong khi tôi nghển cổ nhìn sang đống đất đang đào xem có người nào quen cùng xã đi theo lực lượng đợt vừa rồi không? Anh đại đội trưởng không cười hóm nữa, anh nhìn thẳng vào tôi nói rất chân thật:
- Thế này nhé! Tinh thần của mấy anh mấy chị khiến chúng tôi rất cảm động. Phải khi khác thì còn gì bằng, tôi giơ cả hai tay ra nhận liền, nhưng... thôi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật: ở đây chúng tôi chỉ để lại một bộ phận nhỏ để đánh nghi binh thu hút xe lội nước của địch thôi. Đại bộ phận ở bên kia sông hết cả rồi. Mà trận địa nghi binh là thế nào, mấy mấy chị có hiểu không? Là rất ít người, rất cơ động, lúc chỗ này lúc chỗ khác làm cho đối phương tưởng nhiều. Và khi đối phương hết tưởng nữa thì có nghĩa là chúng tôi phải mở đường máu để phá vây hoặc nằm lại nổ đến phát đạn cuối cùng. Đó! Sự thực là như thế chứ bộ đội đâu có hẹp hòi gì.
Tôi im lặng. Anh ấy nói đúng quá, không còn đường nào để cãi nữa. Thấy chúng tôi xìu mặt xuống, anh lại cào đầu khiến mái tóc anh vốn đã cứng queo lại càng rối bù lên:
- Hay là... Chà! Đường xa vất vả mới tới được đây mà... Hay là tạm thời hai anh ở lại với chúng tôi vậy còn các chị...
- Không! - Nghĩa nói luôn - Ở cùng ở, đi cùng đi, không có kiểu cắt đôi giữa dòng như thế. Ác!
Anh bộ đội phì cười:
- Cha! Cô này đáo để ghê! Cho vào làm binh vận gọi loa thì nhất, mấy thằng ngụy tha hồ mà điếc con ráy.
- Chớ sao! – Nghĩa dẩu mổi lên.
Tiến lúc này mới đến bên tôi.
- Đành thôi chị Hai ạ! Đi có đoàn, về có đoàn. Ta tạm lui, chờ tìm hướng khác vậy.
Lê cũng phù họa:
- Người ở người đi, buồn lắm chị Hai. Rồi ngay cái lối nhận của anh gì vừa rồi cũng là lối nhận gượng ép. Thôi, ta tính cách khác, chẳng làm phiền họ nữa.
Tôi gật đầu. Lòng buồn rười rượi nhưng phải cố nói một câu xã giao:
- Thôi, bọn tôi đi vậy! Chúc mấy anh ở lại diệt được nhiều xe lội nước. Lần sau rủi có gặp lại, nhớ đừng từ chối nữa nghen.
- Nhất định rồi. Lần sau chừng này người chứ gấp mười lần, một trăm lần chúng tôi cũng nhận hết. - Tiếng nói anh chợt nhẹ đi khi nhìn vào thằng bé trên tay tôi – Con chị đấy à? Chao ôi! Tội quá! Mới tí tuổi đầu đã vất vả thế này. Bố cháu cũng ở bộ đội à?
Tôi chỉ còn biết gật đầu mà chẳng còn lòng dạ nào bộc bạch thêm. Chợt anh vỗ tay vào trán đến bét một cái, kêu lên:
- Trời! Ngu rồi! Từ dưới ấy lên được tới đây chắc cạn lương ăn rồi còn gì nữa. Yên! Để tôi nói anh em san cho mấy chị mấy anh ít gạo ăn đường, có cả cá khô, cả sữa cho cháu nhỏ nữa.
Tôi định từ chối nhưng Nghĩa ranh mãnh ngăn tôi lại, nói thì thào: “Kệ, người ta cho cứ nhận, cùng làm việc cách mạng cả chứ kém cạnh gì”. Nhìn thấy thái độ băn khoăn của tôi, anh xua tay:
- Đừng ngại! Bộ đội lúc này chỉ lo thiếu súng chớ gạo có dư. Mấy chị không mang đi, chúng nó vào được, chúng tôi cũng đốt mất thôi.
Không chờ tôi trả lời, anh phóng chân chạy trở lại chỗ đào công sự. Thành nhìn theo tiếc rẻ:
- Hụt ăn nữa rồi! Giá được ở lại đây đánh giặc với họ cũng đã một đời. Mẹ! Đang tính xin trái tạc đạn đeo dự phòng mà ông ấy lại: “Chỉ lo thiếu súng…” thì ai dám mở mồm.
Người đại đội trưởng đã chạy trở lại với hai ruột tượng gạo căng ních trên vai, miệng cười rất tươi, Lê nhanh nhảu đón lấy, miệng khẽ cám ơn! Anh giục:
- Mấy anh chị đi nhanh lên! Chúng sắp sửa càn đấy. Nếu về dưới đó, cho anh em quân giải phóng hỏi thăm hết thảy bà con nhé! Nhất định bộ đội sẽ về.
Nghĩa chìa tay ra:
- Anh giải phóng đẹp trai quá ha! Cho bắt tay cái nào! Đánh đấm cẩn thận nghe! Đẹp trai vầy, chết uổng lắm! Nào!
Bị cô gái tấn công bất ngờ, anh đại đội trưởng mất hết cái vẻ tự chủ, hóm hỉnh thường thấy, anh đưa tay ra bắt mà vụng về như nắm vào bông nõn, mặt ngây ra đến tức cười. Riêng Tiến vẫn làm mặt nghiêm. Qua cặp kính trắng, thấy rõ ánh mắt của cậu ta nhìn qua Nghĩa với vẻ không hài lòng.
Mấy bữa sau, chúng tôi được biết, trận đánh nghi binh do người đại đội trưởng chưa kịp hỏi họ tên đó chỉ huy đã kéo dài suốt ngày, ngay từ khi chúng tôi vừa đi khỏi không xa và cả đơn vị, nghe nói không một ai trở về sau khi đã góp phần bẻ gẫy cuộc càn tổng lực của hai chiến đoàn thiện chiến ngụy đánh vào phía sau ta.
Nghe tin đó, Nghĩa tách chúng tôi ra một chỗ kín bên bờ rạch ngồi cả buổi. Lúc trở về, cặp mắt cô đỏ hoe...
Đó là chuyện của mấy ngày sau chứ lúc này chúng tôi đang hoang mang đến uể oải cả người. Khi đi thì hăm hở vậy, lúc về, chân tay không buồn nhúc nhích, mồm miệng cũng nín thinh. Ngay cả người lách chách như Thành cũng bước lầm lũi với cái dáng của anh chàng đi đưa đám: đầu cúi xuống, vai gồ lên, nhổ nước miếng luôn miệng. Biết đi đâu về đâu bây giờ? Trở lại ấp thì không thể được rồi. Mà đi nữa thì đi đâu? Chưa nói rất có thể lại đâm đầu vào họng súng của địch. Tuy không ai nói ra song qua cái nhìn của mọi người, tôi biết họ trông chờ vào tôi. Tôi lại nhìn vào đứa con. Lúc đi thì chẳng sao, lúc trở về cu Đức bỗng hâm hấp sốt. Giận mình không suy nghĩ thấu đáo mọi nhẽ để bây giờ làm tội mọi người, làm tội con. Lại giận lây sang cả anh Tám, sang cả thằng Riềng. Đi đâu thì đi, hệ trọng gì thì hệ trọng, cũng phải chỉ dẫn cho người ta đàng hoàng một chút, chưa nói đáng ra là phải có người đón, người đưa. Thôi, nhưng mà lỡ rồi! Đổ vấy tại ai cũng vậy thôi. Tốt nhất là mình tự liệu lấy mình. Khi trở lại gần tới chỗ thằng Riềng chia tay chúng tôi lần trước thì trời đã tối. Tất cả tìm một căn chòi ở giữa đồng nghỉ lại. Cơm nước xong, tôi gom cả tốp lại, hỏi:
- Sao? Bây giờ bọn bay tính sao?
- Chị tính thế nào, bọn em tính thế ấy.
Cả nhóm đồng thanh trả lời. Đã lường trước nên tôi không mấy lúng túng, tôi nói ra một ý định đã được nhgiền ngẫm kỹ suốt hai ngày qua:
- Tao tính vầy! (Thời gian lặn lội với nhau đã đủ để tôi bắt đầu xưng hô kiểu như thế). Nơi đây cũng có rừng, có bưng, như vậy dứt khoát sẽ có anh em đàng mình quanh quẩn, chỉ hiềm không biết họ ở cụm rừng nào. Vì vậy ta không đi nữa, mà lùi sâu vào rừng, tìm một chỗ kín đáo ém lại. Khoan, để tao nói tiếp. Chuyện ăn phải không? Tự làm lấy mà ăn. Ban đầu là đào củ, rừng thiếu gì các loại củ nuôi sống từng đây miệng ăn được cả tháng. Sau đó ta sẽ móc ráp với dân xin đất, xin giống trồng lúa, trồng khoai. Điều này làm được. Nhưng không phải rời bỏ xóm ấp mang nhau ra đây cốt để sinh sống như những người trốn lính. Điều quan trọng hơn là tìm mọi cách liên lạc được với lực lượng ta. Trong khi chưa móc ráp được, ta cũng cứ hoạt động, sức tới đâu, ta mần tới đó. Chẳng hạn: kiếm lương thực nuôi bộ đội, chuyện trò phát động nhân dân; diệt ác nếu thấy ngon, và… thỉnh thoảng thay phiên nhau luồn vào ấp xã nắm dân, nắm địch.
Tôi nói liền một hơi. Nói xong tôi mới thấy tưng hửng. Chết cha! Sao mình nói giống giọng anh Tám quá xá, chỉ khác cái đoạn trồng lúa lén vào đất của dân. Tuy vậy mấy người nghe tôi nói có vẻ rất chăm chú, mắt sáng lên quả quyết. Trước thái độ đồng lòng nhất trí được biểu lộ hết sức rõ rệt ấy, tôi cũng tự lý giải: phải thôi! Ở đây chỉ có mình mình là đảng viên, họ không nghe mình còn nghe ai. Tôi hỏi một câu đưa đà:
- Bọn bây có chịu vậy không?
- Chịu liền mà chị Hai!
- Nếu chịu thì xáp vô mà làm. Khó không được kêu, khổ không được nản, chết cũng không được thoái chí. Lúc này chưa muộn, đứa nào ngán thì nói luôn, tao cho về ngay.
Im lặng... Những ánh mắt vẫn hướng thẳng về tôi. Duy có ánh mắt của Nghĩa là hơi nhìn lảng đi một chút nhưng rồi vẫn không nói gì. Thế là được. Bây giờ sang phần quan trọng nhất, quan trọng riêng với tôi và cũng là điều khó nói nhất:
- Cuộc sống chắc sẽ rất gian nan nếu ta chấp nhận lối chém vè này. Năm người thì ba nữ, hai nam; vậy cũng là yếu. Vũ khí chỉ độc có cây súng cụt với một băng đạn. Ít ỏi quá!
- Em có một trái da láng nữa – Thành toét miệng cười lần trông cạp quần ra một trái tạc đạn Mỹ bóng cáo giơ lên.
- Ủa! Ở đâu có mà giỏi vậy? – Tôi hỏi.
- Của anh gì đại đội trưởng hôm rồi cho đó.
- Nhưng có thấy cậu xin lúc nào đâu?
Thành cúi đầu ra vẻ thú nhận nhưng hai cánh mũi cứ nhích lên thích chí:
- Giỡn đó! Em lấy lén thôi.
- Lấy lén ngay ở thắt lưng?
- Dạ!
Tôi bật cười. Cái thằng! Sao lạ quá trời vậy. Thôi, thế cũng may! Vậy là có hai thứ. Tôi nói tiếp:
- Dù thế cũng chả nhằm nhè gì. Cho nên ta ráng đừng đụng địch, lấy tránh né là chủ yếu. Muốn vậy, tác phong ăn ở, nói năng, đi lại phải đổi hết, phải có kỷ luật nghiêm như…
- Như mấy anh giải phóng – Lê đỡ lời tôi.
- Phải nghiêm hơn nữa, vì chúng ta chỉ có một dúm người. Tóm lại là phải gọn nhẹ. Muốn vậy, trước hết – nói tới đây giọng tôi bỗng mềm lại – Đêm nay tôi sẽ đem cháu về gửi trong ấp. Đến nước này, mẹ con có muốn cũng không thể ở gần nhau được. Cháu đang ốm…
Tôi gần như nín thở chờ đợi. Nhưng vẫn im lặng, chỉ khác là mọi người không nhìn hướng về tôi như hồi nãy, mỗi người đều tự tìm một vật gì đó để lảng mắt của mình về đó. Tôi hiểu mọi người không nói tức là họ cũng thầm nhất trí với quyết định này. Nhưng không thể tỏ ra nhất trí ồn ào vì họ hiểu tôi, một người mẹ, để có thể xa con được như thế, tôi phải đau đớn như thế nào. Tôi thoáng buồn! Tại sao không có một ai phản đối? Nghĩa hoặc Lê chẳng hạn, vì họ cũng là phụ nữ. Chỉ cần một ý kiến ngược lại thôi. Ví như: “Chị cứ để cháu ở lại với bọn em”, hay “Cháu đang nóng đầu, để thư lại tí bữa nữa rồi ta tính” hoặc “Xa mẹ, em sợ cháu biếng ăn”, v.v… là tôi cũng đỡ tủi đi nhiều lắm, nỗi đau được vợi nhẹ hơn, dù không phải vì thế mà tôi thay thái độ. Tôi thầm trách mọi người sao vô tình, sao tàn nhẫn?
Nhưng… Sự việc đã như thế, nói khác đi là dối lòng, là tình cảm đầu môi. Thực ra tôi không muốn lúc này con người phải sống lừa lòng nhau, cứ thực với nhau là tốt nhất, dù sự thật trần trụi thế nào đi chăng nữa. Tôi lấy giọng bình thường:
- Vậy thôi! Bây giờ tôi cần một người phụ giúp tôi đưa cháu vào ấp. Còn lại cứ nghỉ, sáng tôi về, sẽ bắt tay vào việc.
Thành rồi Tiến rồi cả Lê, cả Nghĩa nữa đều muốn đi cùng tôi; cuối cùng tôi chọn Thành. Ngoài sự quý mến về tính tình ra, tôi bắt đầu thấy cần con người này. Cần không phải chỉ cho đêm nay mà cho những ngày chưa rõ thế nào sau đây.
Tôi quyết định gửi thằng Đức cho chú thím tôi. Thoạt đầu tôi định gửi vợ chồng thằng Riềng nhưng nghĩ kỹ thấy không ổn. Bản thân nó cũng đang hoạt động bí mật, đang sống từng ngày trong nguy hiểm, thêm thằng bé tôi sợ nó tù túng chân tay.
Do đã đi một lần quên chân, nên chưa tới nửa đêm. Thành đã dẫn tôi lọt được vào ruột ấp chiến lược. Chao ôi! Mới xa xóm ấp có mấy ngày mà khi trở lại tưởng biền biệt hàng năm! Mùi trái cây ngọt dịu, mùi bếp nhà ai nòng ấm, mùi nhang khói, mùi phân bò, tiếng chó sửa, tiếng trẻ con khóc đêm, tiếng bà mẹ ầu ơ ngái ngủ… thuốn buốt vào trái tim tôi. Quen thuộc quá! Yên hàn quá! Phải chăng lặn lội gió mưa, chấp nhận chết chóc cũng là để một lần được hít thở thứ mùi vị đã ngấm vào tận tim, tận máu này. Giá như… Đêm nay trở về và sáng mai… sáng mai không phải đi đâu nữa. Tôi cảm nhận rõ lòng mình đang rung lên những tình cảm yếu mềm., rất yếu mềm. Yếu mềm đến nỗi trong giây lát tôi quên đi mình trở về làm gì, quên cuộc chiến tranh, quên hết. Chỉ còn nhớ mỗi một mình mình và đứa con bé bỏng trên tay. Thấy tôi ngẩn ngơ, bước chân khong dứt khoát, Thành dừng lại thì thào:
- Chị Hai! Tới rồi. Chị vào lẹ lên, em ở ngoài này dòm chừng.
Tiếng nói thân thiết đó kéo tôi về thực tại. Sau một cái nhói đau không biết chỗ nào trong người, tôi đã lấy lại được sự tỉnh táo bình thường.
Cánh cửa nhà thìm tôi đã đóng kín. Tôi đưa ngón tay trỏ gõ nhè nhẹ. Im lặng. Tôi gõ nữa, mạnh hơn. Vẫn im phăng phắc. Tôi ghé vào khe cửa gọi nhỏ:
- Thím... thím ơi!
Một tiếng chân rất nhẹ đi ra. Rồi dừng.
- Thím Ba!
- Ai đó? - Tiếng hỏi thoáng qua khe cửa.
- Con đây. Thanh đây.
Cánh cửa kẹt nhẹ rồi từ từ mở ra. Từ trong nhà, cùng với thím, một luồng nóng ấm phả vào thân thể tôi ngây ngất. Thím kéo nhanh tôi vào nhà rồi ập ngay cửa lại.
- Trời đất. Con Thanh thật hả? Vậy mà tao cứ tưởng… Từ bữa bay đi, ban đêm chúng nó hay giả bộ người đàng mình đến gõ cửa bất tử lắm. Sao hả con? Sao lại về? Bay ôm cái gì vậy?
- Cháu đó thím. Con mang cu Đức về gửi chú thím nuôi dùm. Hoàn cảnh con lúc này…
Thím tôi chỉ cần nghe thấy thế là nhào đến đỡ liền lấy thằng nhỏ, miệng rên rỉ:
- Trời đất quỷ thần ơi! Nó tha cháu tôi đi chán đi chê rồi nó lại tha về. Con mẹ nó ác quá! Tội nghiệp cháu tôi không nè! Ngủ say bí tỉ thế này đây. Lại còn ngáy nữa. Ủa! Thanh! Thằng nhỏ nóng đầu hả?
- Dạ! - Một hơi nóng ùa lên ngực tôi.
- Bay thật… Tao đã bảo có nghe đâu. Ông ơi, ông! Cháu nó về đây nè! Ông... Ủa! Mà ông lão có nhà đâu. Khổ vậy đó! Từ bữa thằng nhỏ đi, chú mi sinh ra buồn chán, đêm chẳng mấy khi về. Thôi được rồi, để đây tao. Tao nuôi, tao dạy, tao làm ráo trọi, mi khỏi lo chi hết, cứ yên tâm mần công chuyện. Thế khi nào mi tính...
- Dạ, con xin phép thím đi ngay bây giờ.
- Gấp vậy sao?
- Dạ... Thím! Thím cho con bồng cháu một chút.
- Ừa! Bồng đi, bồng đã đi! Để tao vào gói cho bịch gạo nếp.
Bà thím vào khuất, chỉ còn lại hai má con tôi. Ngoài trời mưa lắc rắc. Gió lạnh lùa qua khe cửa vào nhà khiến cu Đức bật ho khẽ. ngọn đèn dầu để trên bàn thờ không dám khêu to ngọn, tỏa sáng nhợt nhạt, run rẩy. Tôi ghì chặt con vào ngực, hít lấy hít để mùi hoi hoi thân thuộc trên da thịt, trên tóc con. Tôi hôn lên má, lên trán, lên cổ, lên ngực con. Ngực nó gầy quá, đôi môi tôi đụng phải cả những dẻ xương sườn nhô ra bên trên trái tim đang đập nhè nhẹ. Nó lại dướn ngực ho. Tôi đặt môi vào cái miệng nhỏ xíu đang thở những hơi thở nóng ran của nó như muốn hứng lấy, đón lấy, nuốt lấy cái ho của con.
- Con ơi... Đức ơi! Đừng ho nữa con! Má đi đây! Má gửi con ở lại má đi đây. Đừng ho nữa con. Con ho nhiều, má không đi nổi đâu... Đức ơi! Mở mắt nhìn má một lần để má đi con. Sáng mai ngủ dậy không thấy má đừng khóc nhiều nghe! Dù ở đâu, nghe tiếng con khóc là má khổ lắm! Đừng trách má! Tha lỗi cho má! Hoàn cảnh má không mang được con theo... Đức ơi! Má đi...
Tôi khóc nấc lên, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt con. Vừa thấy thím ra, tôi vội dúi con cho thím.
- Thím... Thím nuôi cháu. Con đi...
Chỉ nói được thế, tôi vội cắn chặt môi chạy ùa ra cửa. Ra đến tận chỗ Thành đứng chờ tôi vẫn cứ chạy. Thành không hiểu gì cũng hối hả chạy theo. Tôi chạy miết... chạy mãi. Gió vù vù thổi hai bên màng tai. Cây cỏ dập nát dưới chân. Tôi chạy như người phát rồ, tóc tai xõa xượi. Một cành tầm vông bật mạnh vào má tôi rớm máu, không hay biết, tôi cứ chạy. Vấp một gò đất loạng choạng cả người, chẳng thấy đau, tôi gượng dậy chạy nữa. Tôi chạy trốn tiếng ho của con tôi. Tiếng ho yếu ớt làm những dẻ xương sườn nhô lên... Gió đuổi theo tôi, tiếng ho đuổi theo tôi, gầm gào, bám siết. Tôi bịt chặt lấy hai tai. Tiếng ho vẫn theo gió lọt vào, nức nở, quay lộn trong đầu. Con ơi... Nước mắt tôi chảy xuống mằn mặn. Tôi cố ghìm... Ghìm thật mạnh...
Đến bờ rạch đã cách xa ấp chiến lược tôi mới dừng lại. Chẳng biết mình đang ở đâu, chẳng biết có ai ở bên cạnh, cứ thế tôi ngồi thụp xuống để mặc cho sự kìm nén căng nhức nổ bùng ra thành những tiếng khóc tức tưởi.Tôi khóc. Khóc thực sự. Khóc thỏa thuê. Khóc không cần giữ gìn gì nữa...
*
* *
Sau cái đêm ám ảnh tôi đến tận bây giờ đó, tổ năm người chúng tôi bước vào những ngày vô cùng bận rộn, vô cùng căng thẳng nhưng cũng thật là say sưa. Chắc tôi chẳng cần phải kể lể dài dòng rằng bận rộn ra làm sao, căng thẳng tới mức nào. Bởi vì nhiều chuyện, nhiều sự kiện nối tiếp, chồng chất lên nhau lắm và bởi vì nó cũng chẳng có gì mới, cũ mèm như bất cứ chuyện hoạt động cách mạng nào khác, mà ai cũng đã quá rành rẽ.
Nếu có điều gì cần nói thì đó chính là chuyện chúng tôi quá ngu ngơ với tình hình khi tự đặt cho mình nhiệm vụ lập căn cứ và trồng lúa lẹm vào ruộng của dân. Tinh hình lúc này mở ra khá thoáng khiến chúng tôi khỏi phải làm thử công chuyện nhọc nhằn ấy. Do sức ép đồng loạt của các phong trào nổi dậy, kẻ địch buộc phải co cụm lại. Thêm vào đó, lực lượng vũ trang của ta cũng phát triển mạnh, đủ sức lấn từng đồn, ăn sâu vào từng thước đất tạo thế cho các dải rừng căn cứ của ta có điều kiện nối liền vào nhau thành thế liên hoàn bao vây đô thị của chúng.
Dựa vào đặc điểm đó, chúng tôi lập một kế hoạch khác mạnh bạo hơn - kế hoạch kinh doanh buôn bán ngay trong lòng địch. Đó là ngày ngày chúng tôi chia nhau đi sâu vào dân mua đường tán, thứ đường mỗi mùa mía hầu như nhà nào cũng chụm lửa đốt lò suốt đêm, rồi mang xuống chợ bán, tất nhiên là chợ xa và giấy tờ căn cước phải đầy đủ. Bán được bao nhiêu tiền, tôi cho mua gạo mắm, cá khô, thuốc tây mang về để đó dự trữ chờ tiếp tế cho lực lượng. Ban đầu do vốn quá ít (tiền riêng của từng người gom lại, cộng thêm với bán đồ đạc tư trang) nên lãi thu được cũng không nhiều. Nhưng sau rồi lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi đã làm ăn “phát đạt” trông thấy. Từ mỗi tháng chúng tôi chỉ mua được chừng hơn tạ gạo, vài ký khô sặt, dần dần số gạo lên đến mươi tạ rồi đến nửa tấn. Còn số cá khô, thuốc rê thậm chí mua về mà không biết để vào đâu. Thật may, khi số gạo, mắm ùn về không còn chỗ chứa nữa thì một tổ tiền tiêu của bộ đội ở bên kia sông tự động tìm đến. Hai ngày sau, toàn bộ số lương thực này được chuyển đi hết sau khi đồng chí trung đoàn trưởng để lại một số giấy tờ biên nhận và những lời lẽ cám ơn xúc động. Hỏi ra mới biết đây chính là trung đoàn của anh đại đội trưởng đẹp trai chỉ huy trận địa nghi binh dạo trước. Anh còn sống, chỉ bị thương nặng, nằm viện chưa về. Đồng chí trung đoàn trưởng hỏi tôi:
- Nghe nói mấy chị ngày trước định xin nhập lực lượng?
- Ngày trước thôi – Tôi cười – Bây giờ bọn tôi cũng đang là một lực lượng chớ bộ.
Trong quá trình đi lại buôn bán, ngoài việc nắm địch, nắm dân rất chắc, rất thường xuyên, chúng tôi chiêu nạp thêm được khá nhiều người. Ban đầu từ năm mống nhỏ nhoi, sau vài tháng, tốp của tôi đã phình ra tới gần ba chục, mà lại toàn thanh niên trai tráng, lẻ tẻ có vài cô gái thì cũng là loại nhanh nhẹn, xốc vác và chưa chồng con gì. Trong đội còn có hai cậu bé được phân công giữ đường dây liên lạc.
Đêm nằm nghĩ ngợi thấy lúc này mà sử dụng tới từng ấy quân số chỉ chuyên lo “chạy chợ” thì hơi uổng. Thế là cái máu hám quân sự của tôi nổi lên. Tôi bèn tách ra phần lớn những người khỏe mạnh nhanh nhẹn nhất để lập một đội võ trang tuyên truyền kiêm diệt ác. Số còn lại tiếp tục nhiệm vụ thu gom lương thực như cũ do Lê phụ trách. Không ai thích hợp công việc đó hơn cô gái chín chắn, điềm tĩnh và có khiếu buôn bán này. Lê đề nghị cho thêm Tiến nữa vì anh này giỏi chữ, rất cần cho việc tính toán thu, chi. Tiến không nghe. Tôi cũng không ép. Bên võ trang do Thành phụ trách, Tiến cũng rất cần cho công tác tham mưu và thường đề xuất những ý kiến sắc sảo, chín chắn. Thành và Tiến đi với nhau thành cặp bài trùng tương đối hoàn chỉnh. Cái táo tợn của người này bổ sung cho cái chu đáo của người kia. Ngược lại, cái nghĩ ngợi cặn kẽ của người này tăng cường cho cái quyết đoán nhiều khi liều mạng của người kia. Tôi lãnh nhiệm vụ chỉ huy chung.
Cũng cần phải nói thêm, sở dĩ tình hình mở ra thoáng đãng như thế mà cả mấy tháng trời bọn tôi vẫn hoạt động độc lập như cô đảo, chưa bắt liên lạc được với huyện ủy, tỉnh ủy là vì khi chọn chỗ đứng chân ban đầu, vô tình chúng tôi đã nằm kẹp giữa hai con lộ chiến lược là 13 và 14. Đây là một vị trí bất ngờ và hiểm yếu, địch ngán ngại không dám bung ra mà ta cũng chỉ nằm xà quầy ở ngoài không thể nào vượt lộ luồn vào được. Như thế là đội của tôi gần như nằm trong ruột của chúng nó, tức là cũng như gần nằm trong vòng tay của nhân dân. Sau này, trong một hội nghị tổng kết chiến tranh vùng giáp ranh toàn miền, đồng chí bí thư Trung ương Cục có hỏi: “Làm sao mà đồng chí lại có thể chọn được một chỗ đứng chân giàu ý nghĩa và tri thức quân sự giữa một địa hình phức tạp như thế?” Tôi chịu không biết trả lời sao. Chả lẽ ở giữa những bộ óc thông thái, đồ sộ đó tôi lại nói mình ăn may, hoàn toàn tự nhiên mà chọn thôi. Về sau tôi tâm sự lại chuyện này với đồng chí bí thư tỉnh ủy, đồng chí vỗ về cái bách: “Thế sao cô không nói như vậy? Hay quá đi chứ. Cuộc chiến tranh nhân dân do những người dân chân lấm tay bùn làm nên. Bọn mình đâu có được học hành qua trường qua viện nào. Tất cả những cái đó do đằm mình trong máu, từ trong máu mà đúc kết ra, đúc kết rất tự nhiên như cái anh làm lúa đón thời vụ mưa nắng thôi. Nó không đi từ có xuống mà nó tỏa từ máu ra”.
Trở lại câu chuyện ba chục nhân mạng của tôi. Gọi là đơn vị có quân số ba mươi người nhưng thực ra chỉ có độc một khẩu súng. Đó là khẩu K54 còn nguyên đạn của tôi. (Trái da láng của Thành được xài trong lần vượt lộ đụng địch mất rồi).
Thế là câu chuyện vũ khí được chúng tôi đưa lên hàng đầu. Có người mà không có súng thì cũng cầm bằng như chẳng có ai cả. Có khác gì đoàn dân công tụt tạt nằm lại phía sau! Lo phòng thủ giữ căn cứ cũng không xong còn nói gì đến sản xuất với tấn công. Bằng mọi giá, trong thời gian ngắn nhất, đơn vị phải có súng. Tôi nghĩ thế và bắt tay vào triển khai ngay.
Trong một chuyến tải gạo mắm sang bên kia sông cho lực lượng, khi trở về, tổ của Lê đã vác theo được hai cây CKC và gần chục trái tạc đạn xin được của bộ đội. Lần đầu tiên được nhìn thấy loại súng chính cống của ta, chúng tôi mừng quá, cứ chuyền tay nhau vuốt ve, ngửi hít hoài. Vậy là được hai cây. Hai trên ba mươi! Ít quá! Chọn một người vốn đã từng đi lính cho ngụy, nay tình nguyện theo ta ra đây có biết sơ sơ về loại vũ khí này, tôi yêu cầu anh ta khẩn trương huấn luyện cách thức sử dụng cho toàn đội. Cùng lúc đó các tổ đi “kiếm súng” được tản về các nơi với con “chim mồi” duy nhất được truyền tay nhau là khẩu K54 của tôi.
...Một cô gái ngồi bán dưa hấu ở một ngã ba nắng nôi, vắng người. Nụ cười cô hàng tươi, bộ ngực cô hàng nung nính, cặp đùi cô hàng đung đưa.. Một tốp lính đi qua tạt vào. Ăn thì ít, nhìn thì nhiều. Mắt cô hàng càng lúng liếng. Say nắng, say người, tốp lính ngồi la đà cười nói tưởng rằng đang lạc vào chốn bồng lai… Sau nửa tiếng, cả rổ dưa mọng nước không còn một quả. Phân nửa số súng cũng biến đi đâu mất và cô hàng ngọt da, ngọt thịt kia đi xuống suối cạnh đó rửa tay mãi không thấy về…
…. Còn cô gái khác - lại đóng giả bà lão ăn mày ngồi ngửa tay cầu bố thí ở ngay trước cửa chùa. Đêm đã khuya. Đường xá chẳng còn ai dám lai vãng ngoài hai tên dân vệ mặc đồ đen đi nhậu ở đâu về, cũng như tối nào chúng cũng đi nhậu về vào giờ này. Súng đeo trệ bên vai. Súng kéo lê trên mặt đất. Đầu ngật ngưỡng, chân ngả nghiêng. Bà lão ăn mày vụt đứng dậy thành cô gái thon thả dí nòng K54 vào hai cái miệng há hốc chua lòm hơi rượu. Hai bàn tay cầm súng xuôi xuống…
… Giữa trưa nắng. Có một người lính lớn tuổi gánh hai cái thùng lớn lặc lè đi trên mặt lộ, hai chiếc thùng đầy ắp cơm canh. Chỗ phải tiếp tế bữa trưa cho trung đội Bảo an đi càn còn xa. Bên vệ đường lúi húi cái lưng của một chú bé đang bắt cá. Gánh cơm canh đi vừa tới, chú bé vụt nhảy lên bíu vào chiếc đòn khiêng vốn đã cong oằn vì nặng. Rắc! Đòn khiêng gẫy gục. Cơm canh đổ ra tung tóe. Người lính mở được mắt ra thì cả cậu bé lẫn cây xít-ten đều biến mất…
Đại loại là cách thức kiếm súng của đội diễn ra như vậy. Lần kiếm sau mưu mẹo hơn lần kiếm trước, và lần trước bao giờ cũng thu về được ít súng hơn lần sau.
Bên cạnh những giá trị quý báu của vũ khí thu được ra, việc cướp súng đã tạo một hiệu quả bất ngờ ngoài ý tưởng: đó là bản lãnh chiến đấu, năng lực chiến đấu của các đội viên. Mỗi lần cướp súng là mỗi lần hoàn toàn mang giá trị của một trận đánh, một trận đánh có tính chất biệt động đàng hoàng. Và khi súng đã tạm đủ trang bị cho mỗi người một cây rồi, tôi quyết định dùng toàn lực mở một trận đánh biệt động dựa trên những lần thao dượt thắng lợi vừa qua.
Mục tiêu chúng tôi chọn là “tua” dân vệ ở đầu cầu, quân số chừng hai chục tên. Để chuẩn bị cho trận đánh, tôi cùng với Thành, Tiến và hai người nữa bò ra tận nơi nghiên cứu. Khi lập phương án thì mọi việc cứ rối tinh rối mù lên. Chi tiết này xọ sang chi tiết khác, tình huống này lộn vào tình huống kia, thậm chí có tổ bị phân công làm quá nhiều việc, có tổ lại đứng chơ vơ không biết làm gì. Đang lúc như thế thì Tiến đưa ra một sáng kiến là mọi người cứ nói cho cạn ý, nói tùm lum cũng được miễn là tìm cho ra được nhiều cách đánh rồi sau đó Tiến sẽ ghi chép, tổng kết lại và thông qua tôi. Thấy có lý, tôi chấp thuận. Thế là cuộc họp của ban chỉ huy sôi động hản lên. Tiến cắm cúi ghi hết, tới cả chục trang giấy khổ to. Đêm về, Tiến chong ngọn đèn chia lụi cụi với đống giấy đó cho tới sáng. Nằm đầu này tôi cũng không ngủ được. Tôi cố lần tìm trong đầu mình những nút rối để gỡ ra. Cha! Một cái “tua” bằng bàn tay với một nhóm dân vệ mà nghe chừng muốn bể óc. Nếu mục tiêu lớn hơn, kẻ địch đông hơn, chắc chưa đánh mình đã ngất xỉu mất! Góc đằng kia Thành cũng không ngủ được, điếu thuốc rê cứ nối nhau lập lòe trên môi cậu ta hoài.
Sáng ra, với bộ mặt hốc hác nhưng rất vui, Tiến kêu tôi và Thành lại. Suốt nửa giờ đồng hồ, cái anh chàng hay đăm chiêu này nói một hơi như đọc báo, không vấp váp, không ngắc ngứ mà nghe ra lại toàn là những điều hồi hôm mọi người nói cả rồi. Nghe xong, đầu óc tôi bỗng sáng sủa hẳn ra, cái gì khuýp vào cái đó cứ như làm nhà.
- Giỏi! Chị Hai ơi, thằng cận này ngon quá! Nó phải làm chỉ huy mới đúng. Thôi, em xin từ chức để nó làm thay em.
Thành kêu toáng lên khiến cậu Tiến lúng túng hết gỡ kính ra lại đeo kính vào. Tiến cười hiền:
- Thành chỉ nói tầm bậy, tầm bạ thôi. Mình làm gì mà giỏi? Mình chỉ đọc lại ý kiến mọi người, đoạn nào hay thì lấy, đoạn nào dở, đoạn nào thừa thì bỏ, vậy thôi. Mình mà làm chỉ huy ấy à? Có mà địch nó dẫm lên đầu rồi cũng chưa biết xử trí ra sao.
Tiến sáng nay sao dễ thương quá! Ngay cả cái cách cậu ta làu bàu cự bạn cũng dễ thương nữa.
Tôi dàn hòa:
- Thôi được rồi. Tiến giỏi lắm! Làm tham mưu được đó (từ tham mưu này tôi học lõm của anh trung đoàn trưởng đóng bên kia sông). Còn Thành vẫn phải là chỉ huy. Một người giỏi sắp xếp, một người giỏi xông sáo tung hoành, từ nay tôi tạm gọi Thành là chỉ huy, còn Tiến là tham mưu trưởng, được chưa?
Thành cười xòa. Tiến cười lỏn lẻn không ra gật, không ra lắc. Phấn khởi, tôi kêu Thành tập hợp tất cả mọi người lại. Khi đã tập hợp đông đủ cả đội rồi tôi mới ngớ ra. Không lẽ tôi lại cũng nói một hơi như người đọc báo giống Tiến? Mà trình bày ra giấy thì trình bày sao? Vẽ không biết, ký hiệu không hay, nói lộn xộn có khi lại bí bét thêm. Một ý nghĩ vụt lóe. Tôi vào bếp, trong bếp có được thứ gì là tôi lấy ra bằng hết thứ đó. Nào bầu bí, khổ qua, dưa leo, mắm chao, mắm sặt, luôn cả mấy củ hành, củ tỏi nữa. Rải tất cả ra đất, tôi gọi cái này là lô cốt, cái kia là ụ súng, cái kia nữa là thằng gác, thằng tuần tra, v.v… tùy theo to nhỏ khác nhau. Xong đâu đó, dựa vào mớ đồ ăn hổ lốn, cái còn tươi, cái đã héo, cái nguyên vẹn, cái bị chuột gặm nham nhở ấy, tôi mới nói lại những điều Tiến ghi chép lại. Vậy mà anh chị em nghe vào lắm, thậm chí khi tôi nói õng còn có tiếng lẹt đẹt vỗ tay nữa.
Đó! Có một thời chúng tôi đánh giặc ấu trĩ và tức cười như thế. Song, để có niềm vui sướng hồn nhiên trong cái ấu trĩ, cái tức cười thuở ấy, bây giờ không dễ gì mà tìmlại được. Nhiều người tâm sự với tôi và chính tôi cũng nghiệm thấy rằng, nghề đánh giặc nó giống như một thứ nợ đồng lần. Trận đầu đầy say mê và bao giờ cũng thấm đẫm mầu sắc lãng mạn. Trận thứ hai, cái đó vẫn còn, trận thứ ba đã vợi đi nhiều và rồi trận thứ tư, thứ năm… Phải đến biết bao nhiêu trận trong đời một người lính nếu không ngã xuống để thấy những trận sau cái say ban đầu không còn nữa, nó dần dần hoặc đột ngột chuyển hóa thành nặng nề, thành một món nợ không bao giờ trả nổi. Giống như người leo núi. Leo chặng đầu thấy gió mây đầy trời. Chặng hai nhìn mọi vật đằm hơn và những chặng sau đó chỉ còn là sự nghiến răng, là trách nhiệm. Dùng hết sức lực để đánh thắng một trận, chưa kịp nghỉ ngơi lại tiếp tực đánh trận tiếp theo… tiếp theo nữa! Tiếp theo nữa… Sự chao đảo, giây phút hèn yếu, phản trắc thường xảy ra trong chặng đường về sau này. Chiến tranh không chỉ đòi hỏi sự quên thân mà cái chính là nó ăn nhau ở sức bền. Ai dám nói cứng mình sẽ bền mãi trước cái chết(?)
Trận đó thuộc loại năm ăn năm thua, nói lại mắc cỡ thấy mồ. Ai đời tạc đạn giấu trong bó mía vác lên vai, lớ quớ thế nào lại để bọn lính hay ăn bắt dừng lại mua hết, rút hết, trơ khấc cả tạc đạn ra, thế là lộ! Tổ thứ hai cũng vậy. Hai cô bày đặt đám đánh lộn đã thu hút được tốp lính gác bâu lại coi, cổng để trống hoác ngon như ăn bún, ấy vậy mà hai ông tướng mang trung liên giấu trong thùng hủ tiếu lại làm tắc đạn. Lộ nốt! Chỉ còn tổ thứ ba do Thành trực tiếp chỉ huy là suôn sẻ, đánh tới đâu, bọn áo đen ác ôn dạt ra tới đó. Rồi tất cả cũng vào được đồn, bắt sống được tù binh, thu được vũ khí, nhưng xem chừng có vẻ may rủi quá! Chao! Nếu tổ của Thành cũng bị nốt thì chưa biết tình hình sẽ ra sao!
Trở về lại họp bàn, lại cự cãi, lại ghi chép, lại lên sa bàn, lại thâu đêm mất ngủ. Và lại xuất quân. Trận thứ hai được đánh ngay giữa chợ. Lực lượng mình ít thôi, chừng một tổ, kẻ địch lại nhiều, toàn thứ thiện chiến. Nhưng thắng gọn hơn, thạo việc hơn.
Trận thứ ba đánh lui ra ngoại vi thị xã. Lại dùng tổng lực. Song giữa sa bànvà thực tế khá khớp nhau nên trận đánh thắng lợi giòn giã ngoài sự mong đợi. Cả một trung đội bảo an cùng cái sòng bạc của chúng bị hốt gọn. Tuy nhiên trận này đơn vị cũng bị mất mát đáng kể: ba bị thương, trong đó có Tiến và hai hy sinh.
Lần đầu tiên trong đời phải chôn cất đồng đội, tôi bàng hoàng, thảng thốt mất vài ngày. Nếu không vì là người đứng mũi chịu sào thì tôi đã gục xuống hai nấm mồ đắp xè xè ấy mà khóc rũ ra hàng tiếng rôi. Khóc được, nó nhẹ lòng đi. Vậy mà tôi không được phép khóc, không được phép yếu mềm.
Cũng chỉ mới có ba trận thôi mà tiếng đồn về đội biệt động của tôi đã lan ra khắp huyện, rồi lan rộng toàn tỉnh. Bà con yêu mến gọi chúng tôi là “đội quân tiên nữ” còn kẻ thù gọi chúng tôi là “bọn giặc cái”, là “đội quân có vú”. Kệ! Chúng gọi gì thì gọi, muốn kêu gì thì kêu, miễn là chúng tôi vẫn sống, vẫn vào trận. Chúng càng nguyền rủa bao nhiêu, tức là chúng càng nao núng bấy nhiêu. Làm cho kẻ thù nao núng! Làm cho bọn ác ôn run sợ! Chao ôi! Trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới.
“Trả thưởng 10 ngàn đồng cho ai bắt được con hổ cái Việt Cộng, 5 ngàn đồng cho ai giết được con hổ đó!”. Chúng rêu rao như vậy, mặc dù chúng không hề biết tôi là ai. Có lần, mọt cơ sở ra gặp tôi báo cáo tình hình có nói: “Chị Hai ơi! Tụi lính trong đồn kháo nhau là bà chỉ huy Việt Cộng đẹp lắm, hai tay bắn hai súng như cao bồi Mỹ. Bà không cưỡi ngựa mà cưỡi trâu. Con trâu bà cưỡi phóng vù vù trên đồng nước, hổng đạn nào đuổi kịp. Chúng nói chị vậy đó”. Tôi cười. Gớm thật! Mới có một lần chân bị đau khớp sưng tấy không đi được, đành phải mượn trâu của bà con cưỡi ra ruộng gặp cơ sở làm việc gấp mà đã thành giai thoại như vậy. Kệ nó! Vậy càng tốt, chúng càng hiểu sai về mình, mình càng dễ bề hoạt động.