Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG XA

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27970 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG XA
Chu Lai

Đoạn mở đầu



Đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau như thế này. Chúng tôi là những người lính, hay đúng hơn là năm thằng cựu chiến binh may mắn còn sống sót trong cả đội hình một trung đoàn vượt Trường Sơn năm xưa. Hòa bình được mười năm rồi, bây giờ ngồi nhìn nhau cứ thấy buồn buồn.Cuộc đời trôi nhanh quá! Cuộc chiến cũng lùi về quên lãng với tốc độ không chậm. Mới đó mà đầu tóc đã có sợi bạc, sợi đen, đã đùm đề vợ con, đã bị cái khó của đời thường làm cho đạo mạo, làm cho nói năng trễ nải đi nhiều. Đứa nào cũng đã bước qua vạch tuổi 40 rồi. Thằng làm giám đốc, thằng làm thày giáo, thằng làm ngoại giao và có cả thằng mất sức sớm, về nhà kỳ cạch ngồi sửa xe máy cho thiên hạ kiếm sống. Tất nhiên có cả thằng đến nay vẫ còn đeo đuổi binh nghiệp mà đôi quân hàm cũng rất khiên tốn nếu đem so với những gì cậu ta đã trải qua, đã cống hiến. Thế mà đã có một thời cả năm đứa chỉ làm độc một nghề, nghĩ cùng một hướng, mang trên mặt cùng một màu da sốt rét và chỉ duy nhất một niềm hy vọng mỏng manh: còn sống mà trở về.
Có lẽ khác với một số đông người khác, họ không thích nhắc lại quá khứ, không thích kể lại những tháng ngày gian khổ đã qua với một lý do nghe chừng có vẻ biện chứng: cái gì qua cho nó qua, nhớ lại làm gì, cho nhọc lòng, cuộc sống đã chẳng quá nhọc nhằn rồi sao! Đành là thế nhưng chúng tôi cứ thích tạo một thứ thành lũy cho cảm hứng hoài cổ thánh thiện của mình. Lâu lâu tụ bạn bè, chúng tôi vẫn cứ thích lôi chuyện cũ ra kể, kể chân thành, kể say sưa mà có lẽ chẳng có đề tài nào có khác khiến chúng tôi có thể đạt được độ nhiệt tâm cao như thế. Rất đơn giản: bởi lẽ chúng tôi chỉ còn lại năm người trong đội hình trai trẻ một ngàn năm trăm người; bởi lẽ, người lính không nhớ lại chuỗi ngày làm lính của mình thì còn nhớ cái gì khác nữa, và cuối cùng cũng có thể vì, bây giờ tuy mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều ý thức rất rõ rằng: đoạn đời ở rừng cầm cây súng chắc chắn sẽ là đoạn đời đẹp nhất. Điều này được thể hiện mạnh đến nỗi, anh bạn trung đội phó công binh ngồi cạnh tôi, nay là giám đốc hay tổng giám đốc gì đó của một xí nghiệp lớn ở phía Nam, phải chân thành thốt lên:
- Chao! Giá mà được sống lại một ngày của cái thời ấy....Một cái bồng, một cái võng, một khẩu súng. Tất cả chỉ có thế, bước nhẹ tênh trong cuộc đời, chẳng bận bịu, chẳng lo toan và ngay cả cái chết cũng không làm lòng bớt thanh thản...
Tất nhiên đó là nghĩ ngợi của riêng cậu ấy nhưng dù sao, câu nói không đượm chút giả tạo đó đã dồn đuổi đầu óc tất cả chúng tôi cùng trôi ngược về phía sau, nơi thấp thoáng những cánh rừng ẩm thấp và những đồng bưng nhòe nhoẹt ánh hỏa châu kẻ thù...
- Buồn cười nhỉ! Khi oánh nhau, bọn mình có nghĩ ngợi xa xôi gì lắm đâu mà bây giờ ngồi ngẫm lại cứ bật ra đủ thứ này nọ. Thì ra người ta nói đúng: chiến tranh ít triết lý nhất nhưng chiến tranh cũng chứa đựng nhiều triết lý nhất.
Người bạn nhà giáo, vốn trước đây làm đại đội trưởng bộ binh ở một vùng rất ác liệt mào đầu với cái giọng khá khúc triết. Chúng tôi gật đầu. Nghe đâu anh bạn này gần đây có viết một vài lý luận về văn học chiến tranh sang tiếng Việt được dư luận chú ý. Trong những buổi gặp gỡ, cậu ta bao giờ cũng tìm được những câu nói thú vị để đưa đà cho một đêm tâm tình cựu chiến binh như vậy.
Và để đối lập với khẩu khí thâm trầm ấy, bao giờ cũng vẫn là giọng nói bỗ bã của Tịnh, anh bạn chữa xe máy kiêm bán rượu chui ở một thị trấn buồn tênh ngoại thành Hà Nội. Tịnh vẫn giữ được cái phong độ ngang ngang, hơi bề trên của một người tiểu đoàn trưởng hào hoa và can đảm mười lăm năm về trước, khi ấy anh là thủ trưởng của tất cả bọn chúng tôi, một thủ trưởng nghiêm khắc và khó gần. Tịnh lôi từ túi áo lông ra một chai lít đựng thứ nước đùng đục:
- Mỗi đứa uống một ly rồi hẵng triết lý các chú! Rượu chính tay tao cất đấy. Toàn nếp thôi. Nếp cũng do chính tay tao trồng. Chôn xuống chân giường hai năm nay, giờ mới moi lên để nhậu lai rai với các chiến hữu. Rót đi! Để một phút nhớ lại ba cái xị đế trước kia. Đế đắng bỏ mẹ, nhạt phèo, lại chỉ toàn uống với lá giang, lá lộc vừng khé cổ nhưng zô hết sức. Nào, nâng ly! Nâng ly mừng cho những thằng còn sống và mừng cho những thằng đã chết.
- Chết mà mừng gì anh Hai? – Tôi rụt rè đế vào.
- Xét đến cùng là mừng. Còn sống, giờ này cũng cực lắm. Chết khỏe re. Tao nghiệm ra, thằng người đã chót có một thời trần thân trận mạc rồi thì sống đời thường nó cứ thế nào ấy. Vướng víu, ngứa ngáy và nặng đầu bỏ mẹ. Các chú thấy sao?
Có lẽ ở đây không ai mếch lòng với lối xưng hô suồng sã của Tịnh, một anh bán hàng nước ở ngã tư đường, kể cả Hoàng, anh viên chức cao cấp đã đáp máy bay ra chỉ để gặp nhau tối nay. Tịnh cứ phải thế mới là Tịnh, tối nay chúng tôi dừng sống khác đi mới đúng là chúng tôi.
Rượu uống vào cứ như không nhưng uống đến đâu, người nóng phừng phừng đến đó tưởng như tất cả tế bào thân thể muốn giãn ra, nở bung trong sự giao cảm tột cùng với những vùng sâu thẳm nhất của thần kinh tâm lý. Chúng tôi nói đến đủ thứ chuyện, ôn lại vài kỷ niệm, dăm ba trận đánh, nhắc nhở đến mấy thằng bạn chết vì B52, vì biệt kích Mỹ phục giữa rừng; đến thời tiết khí hậu của một vùng sông, một vùng đất; đến vị đắng của mìn Klêmo, vị ngọt của măng tầm vông, của trái khổ qua nhấm nháp trong đêm chờ vượt lộ...Nói đến nhiều lắm. Có chuyện hình như đã nói rồi, hôm nay nói lại vẫn thật mới, thật bồi hồi. Người này nói nhiều, người kia nói ít, có người không nói chỉ ngồi nghe. Nói bằng đủ thứ giọng. Giọng trầm lắng có, giọng sôi nổi có, lại có cả những câu văng tục đốp chát mà nghe vẫn cứ thấy đó là câu chuyện, là tâm tư của mình. Nhà ngoại giao hôm nay nói lại mười lăm lần hút chết hôm xưa để rồi bồng bột kết luận với cái cách không giống tính cách ngoại giao chút nào: “Con người ta ở đâu cũng chịu sự an bài của số phận. Sống, chết, giàu nghèo, sướng khổ đã định sẵn khi anh sinh ra đời, có gồng lên cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ bể đầu sứt trán. Đấy như tớ - anh nói – Ngày xưa vốn nổi tiếng là một tay trinh sát nói năng bán trời không văn tự, ai ngờ hết chiến tranh lại húc vào nghề này, mà lại húc được”. “Thì cũng như tớ - ông Tổng giám đốc hùa theo – Ngày xưa đánh giặc rát như cáy, cứ nghe mùi B52 là nước đái chảy trong quần, xểnh ra là tìm cách chuồn về phía sau, vậy mà bây giờ... có khi có số thật. Cái may, cái họa nó cứ lù lù ập đến, chả đứa nào biết trước được mà tu rèn, mà chuẩn bị. Thì cứ như cái ông Tịnh này này...” Cậu ta dừng lại. Tư duy của một nhà quản lý kinh doanh cao cấp đủ tinh nhạy để giữ cậu ta không đẩy tiếp luồng ngôn ngữ buông thả đến trót câu, mặc dù Tình đã há mồm cười thật to để đón trước câu nói bạn bè đó.
Duy chỉ có một người, tôi để ý từ đầu đến giờ chỉ cười không nói. Đó là Thắng. Thiếu tá Thắng, vừa ở tiền đồn Hà Tuyên về chiều nay, có thể nói từ đầu tóc, mặt mũi đến bộ quân phục mặc trên người còn sặc mùi biên ải gió sương. Thắng ngồi im lặng rót thêm rượu cho người này, đưa cái tăm cho người kia, rút thuốc châm lửa cho người kia nữa. Thỉnh thoảng lại xuống bếp giúp bà chủ nhà, vợ tôi, mang lên một đĩa xào, đĩa nấu gì đó. Thắng ngồi đấy, hiền hậu như một đứa em gái, lại bao dung như một bà chị cả tốt tính. Trong bất cứ cuộc rượu nhỏ, to nào; trong cái đám người thích nói, tranh nhau nói, nói không cần ai nghe hoặc buộc tất cả phải nghe, một tính cách hiền hậu, chu đáo như thế là rất cần. Chỉ có đôi mắt có vẻ ít ngủ của Thắng là hiện rõ vẻ yêu thương, quý trọng bạn bè đến ủy mị.
- Thôi, vất mẹ nói chuyện số phận đi! - Tịnh bẻ một miếng bánh đa nghe cái rắc. – Bây giờ chuyển làn sang nói về đàn bà. Đàn bà thời chiến đàng hoàng chứ không phải thứ đàn bà vớ vẩn chung chung đâu. Tớ sống ở chiến trường lâu hơn các chú, va chạm với họ nhiều hơn các chú, tớ có quyền nói rằng: Chả có cái gì khổ bằng làm một người đàn bà trong trận mạc. Khổ kinh khủng. Và sức chịu đựng cũng kinh khủng. Tớ mê họ và kính trọng họ sát đất. À...Mà cái đó cũng lại là số phận rồi còn quái gì. Hở? Tít mù nó lại vòng quanh...
Tịnh cười vang. Tiếng cười đầy sức lây lan.
- Phải chăng vì thế mà ông Tịnh dám vác hẳn một cô gái Lái Thiêu ra xứ lạnh này làm vợ mà không sợ cô ta chê nghèo, chê khổ bỏ đi. Ông này khôn! Nghĩ cái gì ra cái đó. Nếu không bị vết thương ở đầu năm 1970 làm cho cụt ngẵng đường quan lộ thì lúc này ông đâu có thèm ngồi ở đây – Nhà bình luận văn học nhận định, không giấu nổi một chút tâng bốc chân thành.
- Ở địa bàn tam giác sắt của tớ có một cô xã đội trưởng thân hình dềnh dàng như đàn ông, vào trận cũng thét lác như đàn ông, nhưng đêm mò về hầm lại úp mặt xuống võng khóc một mình. Dạo ấy...
- Cái hồi Mậu Thân, chính tay tớ chôn cất một cô du kích nằm chết giữa rừng đã lâu ngày. Cũng là cái chết nhưng xác đàn ông trông đỡ hơn, còn xác đàn bà...Thịt da vẫn trắng, tóc xõa ra vẫn đen nhánh. Tội lắm! Nhất là...
- Mình lại có kỷ niệm với một cô giao liên ở đường 14 biên giới, chẳng hiểu tại sao thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, sùi cả bọt mép. Một lần kia...
- Còn tớ...
- Theo mình thì...
Lại tranh nhau nói...Những đoạn hồi ức được bùng nổ bất thần, đan chéo vào nhau, khi nặng nề, lúc dí dỏm, lúc đằm xuống thành im lặng. Chính trong cái khoảnh khắc im lặng đa thanh đó. Tịnh đã buộc được Thắng phải lên tiếng. Thoạt đầu Tịnh cười cười:
- Thôi chứ! Cứ cả vú lấp miệng em mãi. Cũng phải để cho thằng Thắng nó nói một câu gì chứ. Sáng mai chúng mình nghỉ, nó lại phải lặn lội lên trên đó rồi!
- Nhất trí nhưng – Nhà quản lý kinh tế nói - Tớ tin chắc thằng Thắng sẽ không bao giờ nói về thế giới đó. Hận thù truyền kiếp thì có. Mang hình ảnh cô người yêu ở nhà đi suốt các cánh rừng, khi trở về cô ta đã có con với người khác. Đàn bà... Điểm chốt là nhà. Thôi, tha cho nó.
- Không....không đến nỗi thế đâu - Thắng đột ngột lên tiếng bác bỏ với cái cười ngượng nghịu – Các anh chỉ hay nói quá! Tôi...thực ra tôi cũng có biết một người phụ nữ, một người chị... Cuộc đời chị ấy... Nhưng mà dài lắm! Tôi lại không biết cách kể...
- Không sao! Cứ nói đi! Nói đại đi! Đêm nay giành cho cậu. Cậu hoàn toàn có quyền được sử dụng phần thời gian còn lại của hội cựu chiến binh đêm nay. Mạnh dạn lên! Chú lính!
Hầu như tất cả chúng tôi đều nhất loạt lên tiếng giục Thắng như thế. Không phải vì để lấp đầy khoảng trống, cũng chẳng phải do tò mò muốn được nghe một câu chuyện lạ - còn cái gì là lạ nữa khi chúng tôi đã đi hết tuổi trẻ của mình trong chết chóc – Mà có lẽ bạn bè muốn được nghe Thắng nói, Thắng tâm sự một cái gì đấy. Giữa năm thằng, Thắng là đứa trẻ nhất và có lẽ cuộc đời cũng trắc trở, lận đận nhất, lận đận đến tận hôm nay. Chúng tôi muốn san sẻ với Thắng tất cả, muốn Thắng ngày mai lên đường có thể mang theo được chút ít hơi ấm của tình bạn chân thành đêm nay. Chúng tôi muốn được nghe Thắng nói. Và Thắng đã nói. Nói nhỏ nhẹ, nói vấp váp, thỉnh thoảng lại quên, lại ngừng, lại ho khan. Những điều Thắng nói không sáo rỗng, không một chi tiết giả trá. Thắng nói như rút ruột của mình ra phơi bày trước mặt bạn vè. Và, rất không ý thức, chúng tôi ngồi nghe mà trời sáng khi nào chẳng hay...
Hôm nay, Thắng không còn nữa, anh đã hy sinh ngay sau tháng thứ hai khi tạm biệt chúng tôi. Nhớ bạn, thương bạn, bốn đứa còn lại bảo tôi xin nghỉ phép năm mà chép lại những điều Thắng kể. Chép tỉ mỉ, đừng để sót, đừng bịa đặt, mà cũng đừng tránh né sự thật trần trụi, kẻo Thắng nó oán. Họ nhủ tôi thế. Và tôi đã cố gắng làm đúng như thế. Dưới đây là tất cả những lời của Thắng kể về người đàn bà ấy, gần như hoàn toàn nguyên văn, tôi chỉ làm cái động tác sắp xếp điều chỉnh một chút cho rõ ý, rõ nghĩa.

<< Vào đêm thứ hai - 1 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 197

Return to top