Trên đường đi làm về, bất chợt gặp đám đông vây kín thành vòng tròn choán hết cả con lộ hẹp té chỉ hơn mười mét ngang. Từ xa đã thấy nhiều người chỉ trỏ vô khoản giữa , xì sầm bàn tán điều gì đó coi bộ rôm rả lắm. Ngân cố lách xe qua đám đông nhưng không thể nào nhích lên được vì dòng người ken đặc như nêm. Tính hiếu kỳ của dân ta quả là tai hại. Cách đây nhiều năm , ở cầu Xóm Chỉ xảy ra một tai nạn thương tâm làm chết hơn mươi người. Nguyên do, một cô thi rớt đại học bị cha mẹ chê bai, chửi mắng nên uất quá đòi tự tử. Người mẹ cứ ngỡ con mình chỉ dọa để làm mình làm mẩy nên càng khêu khích:
- Ờ, có muốn chết thì chết xa xa, đừng chết tại nhà làm liên tụy tới tao!
- Được thôi! Tui sẽ nhảy cầu tự tử!
Nói rồi, cô ta cắm đầu chạy một mạch hướng về phía cầu Xóm Chỉ. Mấy người trong xóm thấy vậy cũng liền rượt theo, coi sự thể như thế nào. Đoàn người mỗi lúc dài ra. Khi cô gái chán sống vừa gieo mình xuống nước thì chiếc cầu sắt, lát gỗ hàng trăm tuổi cũng đổ sập xuống vì không chịu nổi sức nặng của hàng vạn con người đang hiếu kỳ nhìn xuống. Cô gái đó không chết một mình mà còn lôi theo hàng chục người cho có bầu có bạn, và hàng trăm người khác phải nhập viện. Những tưởng sau lần đó, người ta sẽ chừa cái tật tò mò, nào ngờ căn bệnh này càng ngày càng sanh sôi nảy nở như bọ rầy trên lá lúa.
Giữa vòng tròn là một cô gái thân thể lõa lồ đầy thương tích nằm úp mặt xuống đất. Chiếc váy đầm màu xanh da trời bị xé nát nằm bên cạnh. Khắp người cô từ đầu đến chưn dính đầy mắm tôm khắm khú. Còn cái hũ nhựa đựng mắm bị bọn trẻ tận dụng làm banh đá ở đàng xa.
- Trời ơi, sao lại vậy hả bác? – Ngân hỏi người đàn bà đứng bên cạnh.
- Bị đánh ghen! – Người đó nói bằng giọng lạnh và sắc:- Đàn ông thời nay rẻ như bèo, tội tình gì đi giựt chồng người ta để rồi bị làm xấu giữa đường.Tội nghiệp!
Người khác tỏ ra biết chuyện, nói thủng thẳng:
- Tội nghiệp gì cái thứ này! Thằng cha kia già khú đế thì làm sao có chuyện yêu đương tử tế. Chẳng qua cô nàng muốn đục khoét cái mỏ vàng không đáy. Bị trừng phạt là đáng đời! Nếu là tui, tui biểu lũ nhỏ lấy lưỡi lam rạch mặt nó ra, thử coi nó có còn mang gương mặt đẹp đi dụ dỗ chồng người nữa thôi.
Một người đàn bà lấy chiếc khăn lông sù sụ quấn lên người cô gái, kề sát vô tai cô ta nói thầm điều gì đó, có lẽ, là an ủi. Cô gái ngẩng lên, nét mặt còn lộ vẻ kinh hoàng pha lẫn hổ thẹn. Ngân nhón người để nhìn rõ mặt cô gái, và giựt mình kêu lên:
- Hà!
Cô gái cũng nhìn thấy Ngân, liền lật đật cắm đầu chạy vô con hẻm cạnh đó. Ngân nhờ người giữ giùm chiếc xe, vội vã đuổi theo. Hai người rượt đuổi suốt chiều dài con hẻm và dừng lại trước bức tường cao ngất chắn ngang với vô số mảnh thủy tinh lởm chởm, nhọn hoắt chỉa thẳng lên trời.
Họ ngồi bên nhau trong câm lặng. Hai trái dừa vạt miệng, cắm vô hai cái ống hút bằng nhựa. Trời nhá nhem tối. Đèn đường không hắt tới chỗ hai người đang ngồi. Mấy lần Ngân muốn lên tiếng nhưng sợ Hà bị tổn thương nên thôi. Cuối cùng, Hà là người nói trước, giọng cô chua chát, chán chường, và có vẻ bất cần đời:
- Cậu đuổi theo tớ làm gì? Để cười vào mặt tớ phải không? Tớ là một người tàn tệ như vậy đó, cậu đã hài lòng chưa?
Ngân nói nhũn nhặn:
- Bạn bè lâu ngày không gặp cậu đừng cay đắng với tớ như vậy. Tớ lúc nào cũng nhớ đến cậu, lo lắng cho cậu.
- Cám ơn! – Hà nói mỉa:- Một kẻ đi giựt chồng thiên hạ như tớ còn có người
nhớ mong, lo lắng thì đúng là đại diễm phúc! Tớ phải đền đáp cậu như thế nào đây?
Vẫn kiểu nói xóc ốc. Tức anh ách. Ngân hỏi:
- Bây giờ cậu ở đâu? Chuyển chỗ ở mới sao không báo cho tớ biết? Tớ đã lặn lội hỏi thăm khắp nơi nhưng cậu thì vẫn biệt vô âm tín. Tớ cứ đinh ninh cậu lấy cha Đài Loan đầu hói, bụng bự nào rồi đấy! – Ngân cố ý pha trò mong giảm bớt bầu không khí căng thẳng không đáng có giữa hai người bạn lâu ngày không gặp. Chẳng dè chuyện đó lại có thiệt. Hà nói:
- Tớ đã từng có ý định đó và đã vài lần tới khách sạn ra mắt mấy thằng chệc
. Nhưng bọn họ chê tớ già, cận thị không chấm. Khốn nạn! Con người chẳng khác gì con vật! Tụi các chú bắt cả đám mặc đồ lót đi vòng vòng coi giò coi cẳng như người ta mua heo, mua chó không hơn cũng không kém. Nhục!
Hà im lặng, ngoạm cái ống hút kéo một hơi thật dài rồi kể tiếp:
- Cực chẳng đã tớ đành phải chấp nhận làm bồ nhí cho một gã trưởng ban quản lý chợ hải sản đầu mối ngoài năm mươi tuổi. Tay này vừa dơ dáng, vừa thô tục, lại bị dục tình ám ảnh đến bịnh hoạn. Hàng ngày gã chuyên trị quát tháo, chửi bới con buôn, ra sức làm eo làm sách, bắt bí dân đen để vòi tiền. Gã tìm đủ một ngàn lẻ một lý do để moi tiền. Đội bốc xếp do gã đứng ra thành lập thực chất là lũ cướp cạn. Khiêng một giỏ cần xé cá mà tiền công những hai chục ngàn! Những người chạy xe ôm cơ cực đậu quanh chợ đều phải đóng hàng tháng hai trăm ngàn “ tiền hụi chết “ . Chịu đời không thấu nên một vài người đã lên tiếng phản đối, thậm chí vác đơn thưa kiện khắp nơi. Rốt cuộc gã vẫn yên vị trên chiếc ghế quyền lực còn những người cả gan chống lại thì bị trù dập đến sống dở chết dở hoặc bị tống khứ ra khỏi chợ! Thậm chí gã còn mướn tụi “ xã hội đen “ đánh dằn mặt những đứa cứng đầu cứng cổ. Chợ búa là tài sản của Nhà nước, của dân dốc lòng bỏ ra bỗng nghiễm nhiên thành cơ ngơi riêng của gã. Hầu như toàn bộ thành viên Ban quản lý đều có họ hàng dây mơ rễ má với gã. Vì thế gã tha hồ tự tung tự tác! Những ai muốn có chỗ “ đẹp “ tiện việc buôn bán đều phải chung chi khoản tiền rất lớn, nếu không thì gã nhét vô chỗ “ hốc bà tó “ tha hồ ngáp ruồi! Tiền kiếm chác được lão trích một phần “ cống nạp “ lên “ mấy anh “ để “ mấy anh “ làm lơ! Một phần chia cho đám bộ sậu, còn bao nhiêu thì đút túi. Gã giàu lắm! Giàu đến nỗi có thể dùng tiền đóng thành gạch để xây nhà! Nhưng mà thiên bất dung gian! Ở ác như gã bị trời đày cũng đáng lắm! Lão bị chứng khổ dâm hành hạ chết đi sống lại. Trước khi làm tình lão biểu tớ phải chửi thật nặng vào! Phải chửi như hát hay lão mới khoái! Lôi cả tổ tiên tám đời của lão ra mà chửi! Đang hận đời lại có dịp “ xả xú bắp “ tội gì không chửi. Tớ kêu lão là chó, là súc vật, là thú đội lốt người, là..là..Sau đó lão dưới, tớ trên. Vừa hì hục, tớ vừa cầm chiếc roi mây đập mạnh xuống đất và gào lên, con chó điên kia, nghe lời mẹ dạy đây. Sống trên đời là phải biết nghĩa biết nhân. Độc ác như mày suốt đời chỉ ăn phân thôi con ạ! Mày là con thú đội lốt người! Là thứ đâm cha, chém chú, đứng đầu cầu thổi ống tiêu, hãm hiếp chị dâu, rình em vợ tắm! Mỗi lần nghe tớ chửi như vậy là lão lại nhắm tít mắt lại như thưởng thức bản “ tổ khúc bốn mùa “ của Vivaldi! Sướng lắm! Chửi càng nhiều, chửi càng hay cùng với tỉ lệ thuận với số tiền gã móc ra cho tớ! Đúng là chó chết!
Rồi Hà thở dài thất vọng:
- Chửi hoài cũng chán! Tớ định tranh thủ vớt vát kiếm chút đỉnh rồi đánh bài chuồn, ở lâu với tên khổ dâm ấy có ngày tớ sẽ hóa điên, hoặc trở thành tên sát nhân cũng chưa biết chừng! Hắn hứa sẽ mua một ngôi nhà và cho tớ đứng chủ quyền hẳn hoi. Công việc đang rục rịch thì mụ vợ lớn hay tin. Thế là xảy ra cớ sự.
Hà đã thay đổi đến chóng mặt. Tính khí nông nổi, cố chấp và lập dị của Hà, Ngân đã tiên đoán một viễn cảnh không mấy sáng sủa, nhưng cô không thể nào ngờ Hà lại tha hóa, buông thả đến vậy. Dường như đọc được suy nghĩ của Ngân, Hà nói:
- Cậu đang cười tớ phải không? Muốn cười thì cứ việc- Hà nói chua chát: - Chẳng ai muốn khoác bộ mặt xấu xa kinh tởm phô ra trước bàn dân thiên hạ cả, nhưng muốn làm người tốt sao mà khó quá!
- Cuộc sống hiện tại của cậu rõ ràng là không có lối thoát, cậu cần phải thay đổi, thay đổi ngay tức thì, nếu không e sẽ muộn mất!
- Tớ đang ở trong con đường hầm mà hai đầu đều bị bịt kín vậy tớ sẽ thoát ra bằng con đường nào? Cậu chỉ cho tớ với!
Đoạn Hà nhìn Ngân từ đầu đến chân không chớp mắt:
- Cậu trông có vẻ thành đạt trong công việc lẫn tình yêu thì phải. Tại sao tớ lại đoán ra ư? Dễ thôi, bởi vì mùi hạnh phúc toát ra khắp lỗ chưn lông!
Hà vươn vai mấy cái:
- Khi người ta hạnh phúc viên mãn như ánh trăng đêm rằm thì nói cái gì cũng dễ! Thử đặt vào hoàn cảnh của tớ, cậu sẽ hành động ra sao?
Cuộc chuyện trò không đạt kết quả như ý muốn của Ngân. Hà vẫn giữ thái độ hằn học của một người thất cơ lỡ vận, không chấp nhận bất kỳ lời khuyên nào từ cô. Thậm chí trước khi chia tay, Ngân hỏi xin địa chỉ, Hà cũng lắc đầu cự tuyệt:
- Gặp nhau mà làm gì khi kẻ cười, người khóc? Thôi, tớ đi đây, chúc cậu hạnh phúc.
&
&&
- Chị lại giao du với bà Trần có phải không?- Nhành ném cái nhìn xét nét về phía Hiếu. Gương mặt hốc hác vì thiếu ngủ trông già sọm đi.
Hiếu cãi thí mạng:
- Bậy! Sợ muốn chết rồi, có cho vàng tao cũng không dám!
- Vậy Chủ Nhật rồi chị tới nhà bả để làm gì? Có người thấy và nói lại với tui.
Hiếu làm bộ nhớ ra:
- À, tới treo giùm mấy bức tranh đó mà.
- Chuyện đó đứa trẻ ba tuổi cũng làm được, hà tất chị phải mắc công? Treo mấy bức tranh chỉ cần vài phút là xong, sao tận đến chiều tối chị mới về?
- Thì ở lại ăn cơm. Bả mời mọc chân tình quá mình từ chối sao đặng.
Nhành tiếp tục dồn Hiếu vô chưn tường:
- Rồi sau đó hai người dìu nhau lên giường và tò te tí te chớ gì?
Bị đoán trúng tim đen, Hiếu chẳng còn lý gì để chối cãi, đành cúi đầu im lặng.
Nhành nói:
- Tui cứ tưởng mọi việc đã chấm dứt từ lâu rồi. Vậy mà không hiểu sao chị lại tiếp tục tái diễn? Mụ ấy có gì đặc biệt đâu mà ghiền như ghiền xì ke vậy? Cái vòng lẩn quẩn này coi bộ không có lối thoát.
Trang đang ẵm con, nói chen vô:
- Em cũng tán đồng ý kiến của chị Nhành. Chị nên suy nghĩ lại cho cặn kẽ, cứ như vầy hoài khổ lắm.
Hiếu nỗi quạu, nói một hơi:
- Ốc không mang nổi mình ốc thì đừng gánh chuyện người khác! Mày đó! – Đoạn Hiếu hướng cái nhìn về phía Nhành :- Có hơn gì tao đâu mà bày đặt lên giọng dạy đời!. Đầu óc tỉnh táo thì thôi, không có gì, khi say rượu thì mò tới thằng cha làm
ở Công ty dược thi nhau chén chú chén anh rồi dắt nhau vô khách sạn lạch cạch suốt đêm! Cái thứ chết bằm, chết giẵm đó mà mày dám vỗ ngực xưng danh là tình yêu hả? Tình yêu gì kỳ vậy, cứ lặn ngụp trong vại bia, khi hơi men bốc đi thì chỉ còn lại nỗi hận thù tê tái. Coi ra mối tình tréo cẳng ngỗng của tao vẫn còn hơn cuộc tình bia bọt của mày gấp vạn lần.
Nhành há miệng tròn như trứng hột gà, cặp mắt trợn trừng như Từ Hải chết đứng. Vệt mây u ám đọng trên gương mặt. Tối sầm. Hồi lâu, Nhành đứng dậy, dắt xe ra cửa và nổ máy lao đi như viên đạn trước ánh mắt kinh hoàng của Trang và Hiếu.
- Trời ơi, chị Nhành chạy xe ghê quá, em lo chỉ gây tai nạn.
- Chết hết đi cho rảnh nợ! – Hiếu lằm bằm . Cầm chổi lia lia mấy nhát.
Sau vụ này Hiếu và nhành giận nhau đúng một tuần.
&
&&
Hết giờ làm việc, ông Khả không về nhà mà dông xe đến quán nhậu. Cả tháng nay ông đều uống bia trừ cơm. Bao giờ cũng vậy, hễ bước vô quán là ông chọn một chỗ kín đáo nhất rồi kêu đúng nửa thùng bia và uống cho kỳ hết mới thôi. Ông muốn mượn bia bọt để tìm quên nhưng càng uống lại càng thấy nhớ. Sau khi đã say xiểng niểng ông lại mò tới chỗ ở của Trang. Đứng phía dưới nhà ông ngửng cổ nhìn lên từng gác le lói ánh đèn:
- Trang ơi!
Giọng ông thảm sầu như người sắp chết. Trang nép mình bên cánh cửa dòm xuống lòng dạ rối bời.
- Trang ơi! Anh yêu em! Anh nhớ em!
Trang đâu phải là gỗ đá vô tri mà không biết đau biết nhớ nhưng cô không thể bước qua giới hạn cuối cùng. Những thứ này không phải là của cô.
Có lần ông Khả đứng tới nửa đêm. Trang cầm lòng không đặng bèn chạy xuống. Chỉ chờ có vậy, ông liền ôm chầm lấy cô và hôn như điên dại.
- Mình tìm chỗ vắng nói chuyện đi ông đứng đây không tiện.
Hai người đứng giữa cầu. Gió thổi rào rào, tóc cô thổi ngược về phía sau.
- Chúng ta phải chấm dứt tại đây, ông ạ! – Cuối cùng Trang cũng nói được những lời khó nói.
Ông Khả im lặng, gương mặt lộ vẻ đau đớn.
- Chắc ông cũng thừa hiểu chuyện ông với em là không thể. Đã không đến với nhau được thì ông đừng tìm em nữa làm gì, thêm khổ cho nhau.
Ông Khả nói hụt hơi:
- Nhưng anh chỉ yêu em và..
Không để ông Khả dứt lời, Trang nói:
- Em cũng yêu ông nhưng khoảng cách giữa chúng ta như trời với đất, như đêm với ngày không thể nào hòa hợp với nhau.
Im lặng một lúc, Trang nói tiếp:
- Em yêu ông bởi ông là người đàn ông tốt. Và ông yêu em cũng vì lý do trên, giả sử chúng ta trở nên ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình thì liệu tình cảm đó có còn nguyên vẹn nữa không, ông? Chẳng lẽ vì yêu em mà ông nỡ phụ bạc người vợ đang đau khổ, bỏ cả tương lại sự nghiệp mà ông hằng ấp ủ. Chẳng lẽ vì yêu ông mà em nỡ đang tâm cướp đoạt hạnh phúc của người khác, khiến người em yêu phải sa vào cảnh thất cơ lỡ vận. Bà Vân, vợ ông thậm chí còn dọa sẽ đưa anh Thật vô tù vì tội đã gây ra cho ông. Em yêu ông và sẽ yêu hoài cho tới chết. Nhưng xin ông hãy hiểu cho em. Từ rày vìa sau ông đừng tìm em nữa và em sẽ không bao giờ gặp lại ông. Tốt hơn hết ông hãy vìa với người vợ đang chịu nhiều hy sinh, đau khổ của mình.
Trang gạt nước mắt, bước đi như chạy. Ông Khả nhìn theo rồi ngửng mặt nhìn trời thở dài thườn thườn…
&
&&
Càng gần đến ngày giao con, Trang sống trong tâm trạng lo lắng, hoảng loạn. Nỗi ám ảnh mất con khiến tâm trí cô không một phút thanh thản. Cả ngày Trang cứ giành lấy thằng cún con, không chịu trao cho bất cứ ai. Vì chuyện này khiến cho trong nhà xảy ra lục đục. Mọi khi Trang là người dễ sai dễ khiến, bây giờ bỗng trở nên cứng đầu, cứng cổ.
- Thằng nhỏ sắp giao cho người ta, mày để cho mọi người ẵm bồng, hôn hít một chút có sao đâu. Vậy mà cứ khư khư như giữ kho báu! Coi kìa! Thằng cún dòm tao cười kìa. Đưa đây! – Hiếu sán tới định giằng lấy thằng cún, thì Trang đã xây người, né qua một bên:
- Nó là con em, để em ẵm!
- Ai mà không biết nó là con mày, cần gì phải tuyên bố dõng dạc như vậy. Từ hôm qua tới giờ không có hơi thằng cún. Ghiền quá.
- Ghiền thì chị đẻ một đứa đi. Tha hồ. Con em, em không đưa cho ai hết!
Xuống nước năn nỉ không xong, Hiếu khóc tức tưởi. Cả Nhành và Ngân cũng bực mình không kém. Trang cầm lòng không đặng, ấn thằng bé. Lập tức Hiếu toét miệng cười tươi rói.
Trang ra điều kiện:
- Chỉ năm phút thôi, nghen – Nói xong, Trang dòm đồng hồ, đếm từng nhịp chiếc kim giây.
Hiếu phật ý định trả con lại, nhưng bỗng đổi ý, còn nói ngang:
- Đã vậy tao ôm luôn cho bõ ghét! – Đoạn Hiếu đưa tay vẹo má thằng cún, tặc tặc mấy cái như kêu chó:- Cún con! Mẹ Trang tham lam quá muốn “ chiếm lãnh “ một mình, không đưa cho ai ráo, con coi có được hông? Nè, mai mốt về nhà người dưng, con có nhớ tới mẹ Hiếu, mẹ Nhành với mẹ Ngân hôn? Cái mặt này là đồ phản! – Hiếu đưa ngón trỏ ấn nhẹ lên trán. Thằng cún cười loe toe:- Lâu lâu mẹ Hiếu tới thăm, con đừng suỵt chó ra cắn mẹ Hiếu, tội nghiệp.
Nhành sốt ruột nói tới lượt mình. Hiếu không trả. Thế là xảy ra giằng co. Thằng cún khóc ngằn ngặt. Hết hồn, Trang nói:
- Mấy chị làm vậy chết con em làm sao! Trả con cho em.
Mặc cho mọi người làm mặt giận, Trang nhứt quyết không đưa cho ai nữa.
Nhành trề môi, nói lớn:
- Có đứa con mà đã làm phách! Mai mốt tao đẻ liền tù tì một tá, cho mỗi người một con, một thằng, mặc sức mà hôn!
Ba người cùng giận Trang không thèm nói chuyện lấy nửa lời. Không khí trong nhà vì thế mà mất vui. Nói làm eo, làm giá thì tội cho Trang lắm, chẳng qua cô chỉ muốn được gần con nhiều hơn trong những ngày ngắn ngủi còn lại mà thôi.
Tối. Đốt nhang, Trang vái Trời cho thời gian đi chậm lại, thậm chí hãy cứ đứng yên một chỗ để cô được mãi mãi gần con. Nhưng trời giờ vẫn cứ trôi đi vùn vụt như chuyến xe lửa tốc hành, chẳng thèm đếm xỉa gì tới tâm trạng phấp phỏng lo lắng của cô. Nhìn con đang ngủ say trên tấm nệm cao su, lòng Trang đau xé như ai cầm dao cắt từng đoạn ruột! Con ơi! Mai mốt con vìa ở với ba, trong ngôi biệt thự cao sang, lộng lẫy, không biết con có còn nhớ tới người mẹ nghèo nàn, bạc phận này hôn? Con còn nhỏ quá thì làm sao biết được mọi chuyện xảy ra. Rồi đây con sẽ kêu người đàn bà xa lạ kia bằng tiếng mẹ thiêng liêng, trìu mến. Con sẽ ngả vào lòng người đàn bà đó mà nũng nịu , dỗi hờn ...Chỉ nghĩ đến đây là lòng mẹ đau như kim châm muối xát. Mẹ là người mẹ bất tài, nhu nhược, không giữ nổi núm ruột của mình. Con ơi, cho dù mẹ cách xa con ngàn trùng thăm thẳm thì trong tim mẹ luôn giữ hoài, giữ mãi hình bóng con trai yêu quý, dẫu tới chết mẹ vẫn không thể nào quên...
Từ bữa Huệ đi nhà thương điên, căn nhà bỗng rộng ra. Thằng cún nghiễm nhiên thế chỗ. Tối đi ngủ, trong nhà chỉ để cái bóng cà na trên tran thờ, ánh sáng lờ mờ. Trang gần như thức trắng đêm để canh con, chốc chốc lại bật cái hộp quẹt ga để nhìn rõ mặt thằng cún hơn. Đẹp thiệt! Con của mẹ sao mà đẹp quá! Nếu gắn thêm đôi cánh sau lưng, ai dám nói không phải là thiên thần thì đích thị người đó phải vô nhà thương Chợ Quán, kiểm tra thần kinh!
Nửa đêm thằng cún tè một bãi. Lạnh khiến nó thức giấc, khóc ré lên. Trang thay tã cho con, rồi đi khuấy sữa. Khi Trang đi trở lên, đã thấy Ngân đang bế nó một tay, tay kia lắc lắc cái lục lạc. Ngân nói:
- Trang thấy hôn? Tui vừa ẵm lên lập tức cu cậu im re! Đưa bình sữa đây đặng tui cho nó bú!
Ngân ấn nuốm vú cao su vô miệng, thằng cún mút chùn chụt, hai chưn cong lên, coi bộ khoái lắm. Ngân hỏi:
- Còn mấy bữa nữa là giao con cho người ta?
- Tám! – Trang trả lời bằng giọng nghèn nghẹn:- Còn chưa đầy một trăm chín mươi hai tiếng đồng hồ nữa, tui sẽ vĩnh viễn mất con! Rầu quá chị Ngân ơi.
Bú hết bình sữa, Ngân đặt thằng cún lên vai, đưa tay vỗ vỗ lưng mấy cái khi nghe mấy tiếng ợ hơi mới đặt trở xuống. Thằng cún lại ré lên đòi ẵm.
Hai người đàn bà chuyền tay nhau thằng cún. Nói chuyện rù rì, lúc cười lúc khóc. Lát sau, Hiếu và Nhành cũng có mặt tham gia chuyện phiếm đến khi bình minh ló dạng.
&
&&
Kết thúc giờ làm việc, ông Đường, bí thư Đảng ủy nhắn người kêu ông Khả tới có việc cần trao đổi. Gần năm phút sau ông Khả có mặt, đã thấy ly cà phê bốc khói để sẵn trên bàn. Ông Đường chỉ vô chiếc ghế trống, rồi đẩy tách cà phê về phía ông Trưởng phòng:
- Uống đi, cà phê chồn đó. Thằng cháu ở Buôn Ma Thuộc gởi lên một ký, phân phát mỗi người một ít lấy lộc, cuối cùng chỉ còn vừa vặn hai tách! Tôi và anh.
Ông Khả nhấp một ngụm rồi khen ngon. Hai người nói chuyện bao đồng một lúc thì ông bí thư Đảng ủy bắt đầu vào chủ đề chính:
- Ông Thẩm, viện trưởng tháng sau sẽ nghỉ hưu, trong khi đó đồng chí Phó viện trưởng gặp chuyện rắc rối với cô Dung thư ký coi như thân bại danh liệt. Cấp trên có ý định chọn đồng chí là người thay thế…
Ông Đường im lặng, theo dõi những diễn biến trên gương mặt người đồng sự. Mặc dù cố kiềm nén cảm xúc nhưng nét hân hoan vẫn hiển hiện trên gương mặt trắng hồng.
Ông Đường đặt ly xuống, tiếp tục câu chuyện:
- Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Đồng chí là người duy nhứt đủ năng lực và tư cách đảm đương trọng trách, ngoài đồng chí ra không ai xứng đáng hơn, tuy nhiên còn một vài chỗ lấn cấn cần giải quyết êm thấm, chuyện bé mà không giải quyết rốt ráo có khi xé nên to! Coi chừng kẻo xôi hỏng bỏng không.
Rồi ông Đường kéo hộc bàn lôi ra bức thơ đánh máy vi tính, đẩy về phía ông Khả:
- Thơ của vợ đồng chí đó. Cách đầy hai ngày, cô Vân có tới kiếm tôi và trao bức thơ này. Ngồi nói chuyện với tôi mà cổ cứ khóc sụt sùi. Mới đầu nghe cổ nói đồng chí có ý định ly dị vợ, tôi nghe như tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh! Cứ tưởng lỗ tai lùng bùng nghe không rõ. Tới khi cô Vân trưng ra tờ đơn có chữ ký của đồng chí, tôi mới tin là thật. Chuyện gì đã xảy ra giữa hai vợ chồng tôi không rõ, nhưng tôi tin vào phẩm hạnh và tư cách của cô Vân, người có văn hóa, chín chắn như cổ thì khó lòng làm những chuyện bậy bạ, như vậy lỗi có phải thuộc về phía đồng chí? Tại sao vợ chồng đang ấm êm hạnh phúc đồng chí lại đùng đùng đòi ly dị? Tổ chức cần một lời giải thích tận tường của đồng chí.
Xong xuôi, ông Đường khoanh hai cánh tay lên bàn. Hai tai vểnh lên tỏ ý lắng nghe. Ông Khả thật sự lúng túng, không biết giải thích như thế nào cho phải nên cứ liên tục cựa mình trên ghế. Mắt thì nhìn ra cửa sổ có treo lá cờ Tổ quốc. Ông bí thư hút thuốc, cử chỉ sốt ruột. Cuối cùng ông Khả cũng nặn ra được mấy tiếng:
- Việc này ..việc này...chẳng qua là chúng tôi không thấy hợp với nhau nữa nên…
- Đồng chí có thể nói rõ hơn được không, từ “ không hợp “ nghe chung chung quá, không thuyết phục được tôi huống chi mấy ông bên tòa án. Cô Vân còn định gởi đơn lên Ủy ban nhân dân thành phố nhờ can thiệp nếu như ở cơ sở giải quyết không đến nơi đến chốn. Đồng chí nói đi, đừng ngồi yên như vậy, tôi không có nhiều thời gian.
Im lặng một lúc, ông Đường thòng thêm một câu:
- Tuy Điều lệ Đảng không có quy định nhưng một người đảng viên có tư cách, mẫu mực thì không thể có chuyện ly dị vợ. Nếu có gì trục trặc thì đóng cửa bảo nhau, giải quyết sao cho êm thấm, gây ồn ào quần chúng dị nghị không tốt.
Ông Khả làm thinh. Mồ hôi xuất hãn. Đúng là Vân làm thật chớ không hăm dọa suông như ông nghĩ. Chuyện này thấu tai ông chủ tịch thành phố thì găng lắm. Bây giờ phải tính làm sao đây?
Ông Đường nhìn ông Khả có ý trách rồi dịu giọng nói:
- Đồng chí thừa hiểu chuyện này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đề bạt sắp tới nếu không sớm rút lại quyết định. Đồng chí được quy hoạch làm cán bộ nồng cốt, xử sự không khéo coi trừng trắng tay đó. Chúng ta thân thiết như anh em một nhà, nên tôi không ngại nói thẳng – Đoạn ông bí thơ đẩy lá đơn về phía người đồng sự:- Thôi, dẹp chuyện lấn cấn gia đình qua một bên và cất lá đơn đi! Tôi coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
&
&&
Chiều ngày Chủ Nhật. Tại từng thượng nhà hàng, khách sạn Hoàng Hôn, có diễn một buổi tiệc chiêu đãi long trọng. Người đứng ra tổ chức không ai khác ngoài ông Lê Trần Thái Tuấn, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn “ Thăng Long “. Thật ra Tuấn có ý định tổ chức từ trong tết gọi là đền đáp công lao khó nhọc tất cả anh chị em trong công ty, nhưng vì công việc kinh doanh bận rộn quá nên đành gác lại đợi ra tết. Tất cả nhân viên đều có thơ mời trang trọng. Mỗi thơ mời được kèm theo một người - vợ chồng, người yêu, bạn bè, tùy ý. Riêng ai có con thì được phép đưa đến hết bất kể số lượng nhiều hay ít. Đám con nít thì được ưu tiên số một, chúng không những được ngồi bàn như người lớn mà còn được tặng quà và nghe kể chuyện. Thơ mời năm giờ nhưng mới ngoài bốn giờ đã chật ních người. Điều này có vẻ hơi trái khoáy với thói quen của người dân thành phố. Người thành phố có tật hay trừ hao, mời năm giờ thì bảy giờ mới bắt đầu rục rịch, ai tới sớm bị coi như đồ nhà quê, là người có tâm hồn ăn uống! Tuấn ghét cay ghét đắng cái thói lề mề đó. Thời đại công nghiệp, kinh tế thị trường mà cứ cà rịt cà tang thì chẳng nên cơm cháo gì, vì thế khi phát thiệp, anh đều dặn di dặn lại là phải tới đúng hẹn, nếu không muốn mang bụng đói về nhà!
Vợ chồng anh Hớn , chị Nhã và bé Bi, bé Bo cũng tới dự. Khách sạn không có lối đi dành cho người tàn tật, đích thân Tuấn phải cõng Hớn lên tuốt từng thượng. Bé Bi, bé Bo mỗi đứa được tặng bong bóng ngay tại cổng. Mặt mày đứa nào đứa nấy đều sáng trưng như ánh trăng đêm trung thu. Những đứa khác cũng được bong bóng. Cả rừng bong bóng đủ màu sắc rực rỡ hòa lẫn những tiếng cười, tiếng bi bô của trẻ làm cho không khí tươi vui, sinh động hẳn lên.
Trước khi nhập tiệc là màn trình diễn văn nghệ “ cây nhà lá vườn “. Ban đầu là nhóm tốp ca bốn người ăn bận như bộ đội, họ hát bài “ Chiếc gậy Trường Sơn “, có múa minh họa hẳn hoi . Tiếp theo là tiết mục đơn ca, bài “ Thiên đường lãng quên “ của anh Thắng bảo vệ. Anh Thắng tướng vừa lùn vừa đen nhưng có giọng ca ngọt ngay như chè đậu đen nấu đường cát trắng! Rồi lần lượt các màn tấu hài, ca cổ và có cả biểu diễn ảo thuật …Tâm trạng vui vẻ, anh Hớn đề nghị chị Nhã góp vui một bài. Giọng ca không thật xuất sắc nhưng thái độ nhiệt tình, thân thiện của chị đã chinh phục cả cử tọa. Được tặng hoa, gương mặt chị Nhã đỏ bừng như gấc chín, lắp bắp một hồi mới thốt lên được mấy tiếng cám ơn. Cuối cùng là tiết mục kể chuyện. Ngân rực rỡ, duyên dáng và ngượng ngùng trong lốt cô tiên có đôi cánh sau lưng, đảm nhận vai trò người dẫn chuyện. Chuyện cổ tích “ Cô bé Lọ Lem “ có minh họa hẳn hoi do đám con nít đóng vai, đã đươc tập dợt kỹ càng mấy ngày trước đó. Cũng trang phục cổ, cũng cung kiếm, mũ hài, cũng triều thần, văn võ..y hệt như trong bối cảnh câu chuyện hồi xưa. Trước đây Ngân đã từng phụ trách thiếu nhi nên việc này với cô cũng tương đối rành rẽ, tuy nhiên cô cũng hơi lúng túng khi phải đối diện với những ánh mắt hiếu kỳ, trông đợi từ phía cử tọa. Tuấn đứng lẫn trong đám đông, nhìn cô không chớp mắt, nụ cười vừa khôi hài, vừa bí hiểm thường trực trên cặp môi dày.
“ Ngày xửa, ngày xưa. Tại một vương quốc nọ....” Ngân bắt đầu câu chuyện bằng giọng truyền cảm, ngọt lịm như mía lùi. Đóng vai bà dì ghẻ là con anh Thoát, nhiên viên phòng kỹ thuật. Hiền khô. Người ta phải chấm thêm mấy nút ruồi bằng hột đậu xanh trên gương mặt xinh xắn bụ bẫm để cho có vẻ ác. Bé Trân, con chị Loan kế toán vào vai cô bé Lọ Lem, cô bé có cặp mắt to tròn xoe như hai trái nhãn, gương mặt dễ thương nhưng hơi buồn, diễn xuất có phần gượng gạo. Tới đoạn cô bé Lọ Lem cứu chú chuột mập mắc kẹt trong bẫy, mọi người được một phen cười như vỡ chợ vì cách diễn lóng nga lóng ngóng, chệch choạc lời thoại của đám con nít.
“ ...Cô bé Lọ Lem khiêu vũ với hoàng tử một cách say mê đến nỗi quên mất thời gian. Khi nghe tiếng chuông báo hiệu, cô giựt mình chạy nhanh ra cửa và đánh rơi chiếc hài pha lê xinh xắn, cô bé Lọ Lem định quay lại nhặt, nhưng không kịp nữa vì hoàng tử đuổi theo rất sát...” Ngân vừa kể vừa quan sát trong đám đông có ý tìm Tuấn, nhưng anh ta đã biến mất từ đoạn cô bé Lọ Lem lấy thức ăn cho lũ chuột..
..Chú bé tám tuổi mặc đồ quân sĩ màu vàng viền đỏ, thắt lưng vắt thanh kiếm bằng nhựa, đầu đội nón có chóp nhọn, tay cầm cái loa làm bằng giấy cứng màu đỏ bất ngờ xuất hiện từ phía sau bức rèm xanh:
- Loa! Loa! Loa! Nhà vua mởc thử hài kén vợ cho thái tử. Bất kể sang hèn, xấu đẹp, cô gái nào mang vừa chiếc hài sẽ trở thành thái tử phi! Loa! Loa! Loa.. Nói đoạn, chú lính lỉnh nhanh sau tấm rèm. Cao trào là đoạn thử hài thì chú bé
đóng vai thái tử bỗng dưng biến mất! Ngân phải ngừng kể, nháy mắt ra hiệu cho
người đứng gần đó đi kiếm. Có lẽ cu cậu mê chơi mà quên mất vai diễn của mình.
Anh bảo vệ đi lòng vòng một hồi rồi quay trở lại lắc đầu. Ngân lo, có khi công sức cô và mười mấy cháu nhỏ cật lực cả tuần lể trở thành công cốc chỉ vì đứa trẻ ham chơi. Phía dưới khán giả bắt đầu la ó, đòi giải tán, có người liên tục vỗ bụng bộp bộp than đói. Giữa lúc Ngân đang rối trí không biết xử sự làm sao thì đèn đuốc trên sân khấu bỗng tối thui...
Tất cả chưa kịp phản ứng thì ngay sau đó đèn sáng trở lại. Và mọi người đồng loạt “ ồ “ lên. Những ánh mắt mở trao tráo như thôi miên cùng hướng vền khấu không chớp. Vị “
thái tử “ đã xuất hiện nhưng không phải là chú bé khi nãy mà là giám đốc Tuấn!
Tuấn sột soạt trong bộ y phục hoàng gia mượn được từ gánh cãi lương. Trên đầu có vắt sợi lông ngỗng. Mặt không cần trang điểm vẫn đỏ như gà nòi. Trên tay lủng lẳng chiếc guốc cao gót số ba mươi bảy. “
Thái tử “ tay vén áo choàng, dáng điệu khoan thai, đĩnh đạc chứng tỏ đã tập dượt rất kỹ từ trước. Đám đông huýt sáo, cười nói, vỗ tay rầm trời. Ái chà, ông giám đốc trẻ không chỉ giỏi tài kinh doanh, quản lý mà còn có thêm biệt tài diễn xuất chẳng thua gì nghệ sĩ Minh Vương!
- Ồ, tất cả đã tề tựu đông đủ. Bây giờ các nàng hãy xỏ thử chiếc hài này, nếu ai mang vừa sẽ là vợ của ta!- Nói đoạn, “ thái tử “ đặt chiếc guốc cao gót lên chiếc bục gỗ thấp tè
:- Nào, xin mời thứ tự từng người một! – Miệng nói mà ánh mắt “ thái tử “ luôn hướng về phía Ngân. Cái nhìn vừa ranh mãnh, vừa thiết tha.
Ngân vừa nhìn Tuấn trân trân, vừa không dấu vẻ ngạc nhiên pha lẫn lúng túng. Kịch bản đã sắp đặt đâu vào đó, sự xuất hiện của anh chẳng giúp được gì mà có khi làm hỏng cả công trình tập luyện suốt cả tuần ròng rã giữa cô cùng hơn mười cháu nhỏ, Ngân vắt óc nghĩ hoài mà không hiểu ông giám đốc trẻ bày trò cắc cớ này để làm gì, chỉ biết ngơ ngác dòm Tuấn rồi quay mặt về phía khán giả cầu cứu. Tuấn, vẻ điềm đạm, nghiêm trang mọi ngày biến đâu mất, anh bỗng thành một chú bé láu lỉnh, tinh nghịi lời nói, cử chỉ đều toát ra nét hóm hỉnh, có duyên, buộc những người khó tánh nhứt cũng phải phì cười và ánh mắt không thể rời khỏi sân khấu nhỏ.
Chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến mấy cô bé đóng vai thử hài đứng chết trân, miệng hả
ra tròn vo. Và những cặp mắt mở to hết cỡ nom như viên bi đủ màu. “ Thái tử “ giục
: - Sao các nàng đứng im như vậy, ta bắt đầu sốt ruột rồi đây! – Đoạn “
thái tử “ hướng ánh mắt về phía quan “
tể tướng “ nói:-
Quan tể tướng hãy tiến hành nhanh lên! Việc này làm không xong phụ vương ta sẽ bắt tội! Quan “
tể tướng “ là cậu bé ốm nhom, đen sì tên Nhàn, có biệt danh là cu còi, con của chị Ấm làm tạp dịch. Nhà cu Nhàn có tên “ thường trực “ trong diện xóa đói giảm nghèo của khu phố, quanh năm suốt tháng chỉ bận toàn đồ cũ nay được làm quan lớn, bận đồ đẹp, đội mũ cánh chuồn, lại được gắn râu giả trông rất oai, mừng quá nên quên mất lời thoại. Sau một hồi ấp úng, quan “
tể tướng “ nói bằng giọng dẻo nhẹo:
- Đây là chốn hoàng cung, không được chen lấn! Nào thứ tự từng người một. – Xong xuôi, “
tể tướng” xướng lên thiệt lớn:-
Đầu tiên xin mời tiểu thơ Alisa con của ngài hầu tước xứ… đến đây thì “
tể tướng “ bí lù vì không thể nhớ nổi mấy tiếng Tây tiếng u khó đọc.
Cuộc thử hài diễn ra trong ồn ào mất trật tự. Những bàn chưn nhỏ xíu không thể nào mang vừa chiếc guốc cỡ người lớn. Khán giả được một phen cười lăn lộn. Cả Ngân cũng không nhịn được. Xong người cuối cùng, “
thái tử “ dòm dáo dác, hỏi:
- Còn ai nữa không ngài tể tướng? Chẳng lẽ người ta yêu lại không đến? - Thưa thái tử! – Chú bé đóng vai chuột mập chỉ về phía Ngân, miệng leo lẻo:- Chỉ còn cô tiên là chưa thử thôi ạ! - Thật sao! Vậy thì nàng hãy ướm thử đi! Đến nước này, người tối dạ nhứt cũng đoán ra sự việc. Ngân mắc cỡ, ngồi ngay đơ. Vòng tuần hoàn máu chảy ào ạt, thấm ra lỗ chưn lông khiến cả người cô nhuộm màu đỏ ửng và không biết giấu cái mặt thẹn vô chỗ nào, giá như cô có thể độn thổ thì hay biết mấy!
Tuấn, chưn quỳ, chưn chống, đặt chiếc guốc có hình con bướm trên quay dưới chưn cô:
- Phải chăng là nàng, người mà ta đang đêm ngày nhớ thương, chờ đợi!
Ngay lập tức mấy đứa nhỏ xông tới kéo chưn Ngân, ấ chiếc guốc cao gót một tấc. Vừa y! Tất cả đồng loạt reo lên. Tuấn ngước nhìn Ngân bằng ánh mắt si mê, đắm đuối:
-
Cinderella! Đúng là nàng rồi, người cùng khiêu vũ với ta đêm lễ hội đây mà! Nàng có biết, ta đã phải lòng nàng kể từ giây phút đó! – Đoạn thái tử run rẩy nói:- Ta yêu nàng, Cinderella ạ! Hãy làm vợ ta!
- Anh Tuấn, như vầy là sao, hả anh? – Giọng Ngân bàng hoàng.
- Là anh yêu em, anh muốn được mãi mãi sống bên em!
- Anh làm em bất ngờ quá! Em..em chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận..
- Em đã thử vừa chiếc hài, vì thế em phải là vợ anh!
Tất cả mọi người đồng loạt đứng dậy vừa tiến về phía sân khấu vừa vỗ tay chúc mừng đôi trai tài, gái sắc. Ngân cúi mặt nhìn xuống che giấu cảm xúc choáng ngộp. Anh Hớn vừa đẩy xe lăn, vừa cười hết cỡ cái miệng rộng kéo đến tận mang tai:
- Chú em bày binh bố trận cũng ra trò lắm.. ha..ha! Bây giờ
“ thái tử “ hãy hôn “
thái tử phi “ đi!
Đám đông cùng hùa theo, gân cổ hô vang “ hôn đi! “ “ hôn đi ! “. Khi nụ hôn của
“ thái tử “ chưa kịp chạm môi, thì “
Cinderella “ bỗng bật dậy như cái lò xo, vụt rẽ đám đông và biến mất phía sau bức bình phong bỏ lại phía sau những chuỗi cười nghiêng ngã. Có lẽ từ cổ chí kim, từ đông sang tây chỉ có cách ngỏ lời cầu hôn của Tuấn là lãng mạn nhứt, kỳ cục nhứt trong toàn bộ lịch sử ái tình!
&
&&
Nhành chạy xe bán sống bán chết trên những con đường chật chội, bụi bặm, để lại sau lưng những tiếng la oai oái, những câu chửi tục mà bất kỳ một người trơ mặt nhứt cũng phải đỏ mặt vì mắc cỡ. Đầu óc mãi suy nghĩ vẩn vơ, đến ngay ngã tư suýt nữa cô tông thẳng vô chiếc xích lô chở đồ gia dụng cao ngất nghểu. Người đạp xích lô già khằn bẻ gấp tay lái, đâm sầm vô dãy phân cách. Lật gọng. Đồ đạc trên xe tuôn xuống mặt đường gây nên cảnh hỗn loạn.
- Cô kia đứng lại! Bộ đi ăn cướp sao mà chạy dữ vậy, hả?
Nhành giả điếc, rồ hết ga. Chiếc xe chạy qua vũng nước dơ, làm tung tóe vào những người đi đường. Mấy người ngồi trong quán cà phê nhìn theo lắc đầu, một người thốt lên:- Con nhỏ này định chạy tới trại hòm hay sao vậy cà? Mấy cha giao thông chắc lo ôm vợ hay sao á. Nếu là tui, tui sẽ tịch thu bằng lái, giam xe cả tháng cho chừa cái tật chạy ẩu!
Sáng này, Nhành nghe tin Hường bị “ tai nạn nghề nghiệp “. Hỏi sự thể ra sao thì Hường nói, khiến Nhành đâm lo. Bỏ dở thau đồ đang giặt, cô tức tốc phóng xe bạt mạng. Cũng may người còn mà xe cũng không không bị gì.
Đến nơi. Thấy cửa hé mở, Nhành bước vô xồng xộc. Hường đang nằm trên giường. Chán chường. Đau đớn. Mệt mỏi. Mái tóc rối nùi che gần kín gương mặt. Dưới gầm giường lăn lóc mấy vỏ lon bia.
Thấy Hường có vẻ bình an vô sự, Nhành thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy mà tao cứ tưởng...Mày làm tao hết hồn!
Hường cười buồn. Tu bia ừng ực. Đôi mắt hiển hiện nét kinh hoàng, căm uất:
- Uống đi mày! Tao bây giờ bị chứng suy gan bác sĩ biểu phải tránh xa bia bọt nhưng mà bỏ nó, tao biết làm bạn với ai? – Giọng Hường kéo nhựa:- Kệ, cứ uống, uống chừng nào còn uống được thì thôi. Chết là cùng chớ có gì ghê gớm lắm đâu!
Nhành cũng uống. Hai “ con bợm “ cụng lon chan chát. Tới lon thứ ba, Nhành nói:- Chuyện gì xảy ra với mày vậy? Nói toạc ra đi! Mày cứ úp úp, mở mở, tao thì đoán già đoán non, cứ như vầy hoài tới tết cũng không xong câu chuyện!
Hường khui thêm lon nữa rồi thủng thẳng kể, rạng sáng bữa kia Hường bị ba thằng mất dạy chuốc cho say mèm rồi đưa vô công viên thay nhau hãm hiếp. Khi bảo vệ công viên xách gậy chạy tới thì Hường đã nhàu nát, rã rời như miếng nùi giẻ!
- Trời ơi! – Nhành giựt mình làm rớt lon bia. Tóc tai dựng đứng. Cánh tay mặt đặt lên cặp ngực. Hổn hển. Mắt trợn trừng trắng dã.
Hường kể chuyện mình bị làm nhục mà mặt mày cứ tỉnh như không, tuồng như là chuyện người khác không bằng!
Nhành lắp bắp:
- Rồi mày tính sao? Có báo công an chưa?
- Hay ho gì mà làm om sòm lên, hả mậy! Bọn thú vật đã cao chạy xa bay còn khuya mới bắt được. Vả lại loại người dở dở, ương ương tương sình như tao với mày ai thèm đếm xỉa! Tốt hơn hết là ngậm miệng lại đặng yên thân.
Nhành hỏi lo lắng:
- Mày tính sao? Hay là bỏ nghề, kiếm công việc khác đàng hoàng hơn mà làm.
- Mày nói như hát hay! – Hường chua chát:- Tao, ngoài chuyện nhậu nhẹt thì chẳng làm nỗi bất kỳ việc gì cho ra hồn ra vía. Vả lại trong người tao đang có cả ngàn con sâu đói đang cựa quậy, tới cữ mà không có chút men vô người là chúng nổi cơn điên! Kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó. Tao báo cho mày biết đặng mày cảnh giác, phòng ngừa, chớ không phải kêu mày khóc than thương cảm cho tao!
Nhành im lặng, nhìn Hường mà lòng đầy đau xót. Lo âu. Rất có thể một ngày nào đó sẽ tới lượt cô, nhưng biểu bỏ nghề thì cô không đủ can đảm , bởi vì cũng như Hường, Nhành cũng ghiền tiếng sột soạt êm tai của những tờ giấy bạc, ghiền vị đăng đắng, nồng nồng của men bia mất rồi.
&
&&
Chiếc đồng hồ Gimico hiệu con ngựa treo trên trên tấm lịch tháng có in hình mấy cô người mẫu chưn dài nằm ngồi ngả ngớn trên chiếc mô tô đen bóng, đều đặn phát ra những tiếng lạch xạch khi chiếc kim dây có dạ quang nhích từng nhịp thời gian. Bây giờ đã là ba giờ hai mươi phút sáng. Bốn người đàn bà ngồi quây thành vòng tròn quanh thằng cún con từ lúc đầu hôm cho đến tận lúc này và , có lẽ , sẽ giữ yên tư thế này cho tới sáng. Người ta nói, thức đêm mới biết đêm dài, nhưng đêm nay với họ sao mà ngắn quá! Xây qua, xây lại đã sắp sáng rồi. Trang đưa tay rờ rẫm gương mặt thiên thần của con, ngước đôi mắt buồn thảm, tuyệt vọng nhìn đồng hồ, mà miệng lại hỏi:
- Mấy giờ rồi mấy chị?
- Ba giờ rưởi.
Trang nhăn nhó:
- Đúng là đồng hồ hiệu con ngựa chạy như ăn cướp!
Nhành vén tay áo coi giờ, rồi gật đầu nói chính xác.
Trang nói:
- Vậy là còn mấy tiếng nữa hả?
Ngân tính trong đầu rồi trả lời, còn bốn tiếng rưởi nữa mà thôi.
Bốn tiếng rưởi là hai trăm bảy chục phút, bằng mười sáu ngàn hai trăm giây. Trang chỉ còn được làm mẹ, chỉ được kêu tiếng con thân thương, và ngắm nhìn vuốt ve con từng ấy thời gian, vì đúng tám giờ sáng người ta sẽ tới bắt con trai của mẹ đi mất rồi! Nỗi buồn như trái núi lớn đè nặng tâm hồn đau khổ của cô.
Nhìn dáng điệu buồn xo của Trang, Nhành lựa lời an ủi:
- Trang à, đừng buồn nữa mau già. Mai mốt lấy chồng sanh con đàn cháu đống mặc sức bồng ẵm. Chị em tụi mình nghèo tiền nghèo bạc chớ không nghèo đường con cái. Thằng cún dù sao cũng gởi thân nơi giàu sang, có học, tương lai xán lạn, coi như nhẹ được nỗi lo. Nếu nó ở với mày chưa chắc đã sướng cái thân. Cứ nghĩ gởi con cho người ta nuôi giùm sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.
Trang, mắt đỏ hoe:
- Nếu là con chị, chị có bằng lòng gởi cho người dưng kẻ lạ nuôi hôn?
Nhành ngập ngừng, đưa tay đập muỗi rồi nói :
- Nói người dưng thì không đúng lắm. Dẫu sao, anh Khả cũng là cha ruột của nó. Coi như không trúng lô đặc đắc, đành chấp nhận giải khuyến khích!
Ngân phì cười. Cách so sánh của Nhành quả là khập khiễng. Chuyện con cái ai lại đem so với việc xổ số bao giờ!
Hiếu nói:
- Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi. Thằng cún nhà này có đường
nhân trung sâu hoắm đích thị là đứa có hiếu có nghĩa. Mày không cần phải băn khoăn, lo nghĩ gì hết, thế nào lớn lên nó cũng tự đi tìm mẹ ruột cho mà coi! Máu mủ tình thâm, cho dù cách xa ngàn trùng, trời cao, biển rộng nhứt định cũng sẽ tìm về với nhau. Nói trật, mày cứ đem đầu tao ra mà chặt!
Trang nói khấp khởi:
- Thiệt vậy hả chị? Lớn lên nó sẽ kiếm em thiệt sao? Chị đừng để em mừng hụt, nghen.
Trang vì quá thương con mà trở nên mê muội. Nói chơi đỡ buồn mà cứ tin là thiệt.
Đoạn Trang nói nhỏ, giọng buồn man mác:
- Chắc em nhớ con mà phát điên lên mất, mấy chị ơi!
Mấy chị em dòm nhau thở dài. Không chỉ mình Trang nhớ con mà tất cả mọi người cũng nhớ. Ngày nào cũng ẵm bồng, hôn hít đâm ra mến tay mến chưn, giờ đây sắp phải xa lìa thằng cún ai cũng chạnh lòng. Hiếu bỗng cúi xuống, bế thốc thằng cún. Thằng bé giựt mình khóc ré lên.
Nhành nhăn mặt nói:
- Để cho nó ngủ!
- Không ngủ nghê gì ráo! Lát nữa về nhà người ta ngủ bù. Coi kìa! Nó khóc cái miệng méo xẹo giống hệt con gái mẹ của nó! Nè, cho mẹ Hiếu hôn “ cục vàng “ cái coi! “ Cục vàng “ này đáng giá mấy chục triệu đó nghen.
Đoạn, Hiếu nhấc bổng thằng cún, áp mặt vô con cu cong cong như cái vòi ấm, hôn chụt một cái. Thằng cún bỗng nghệch mặt đỏ rần. Dòng nước tiểu vàng khè xè ngay mặt. Nhành cười ha hả, giằng lấy thằng cún từ tay Hiếu rồi cong người lại không cho ai động vô thằng nhỏ.
Giọng Nhành đớt đát:
- Tui ghét mẹ Hiếu, tè vô mặt cho bõ ghét! Tui chỉ thương mẹ Nhành thôi.
Ngân lấy bình sữa ấn vô miệng, thằng cún lập tức nín khe. Nó chùn chụt mấy cái rồi khóc ngằn ngặt. Núm vú bị nghẹt, sữa không xuống được. Trang giựt lấy chai sữa, lắc mạnh mấy cái. Sữa xuống họng, nó im không khóc nữa.
- Cố ăn quá đi! – Nhành đưa tay xoa mái tóc bết mồ hôi của nó. Đoạn day mặt về phía Trang liếc xéo một cái :- Đúng là rau nào sâu nấy!
Hiếu nói:
- Con nít mà không cố ăn thì chỉ có nước vô nhà thương sớm! Chưa chi đã quở cháu cưng của tao!
Bú no. Thằng cún ngoẹo đầu sang một bên, mắt lim dim như nhà thơ đang tìm cảm hứng sáng tác. Nhành định đặt xuống chiếu thì Ngân đã chìa hai tay ra đón.
- Đưa em! Từ nãy giờ mấy chị cứ giành không hà!
Nhành đưa thằng cún cho Ngân. Đang trò chuyện rôm rả tất cả đột nhiên im lặng. Từ ngoài lộ vọng vô tiếng động cơ bình bịch. Đó là tiếng xe lam chở chuối từ dưới quê lên chợ. Ngày nào cũng vậy, bất kể thời tiết xấu hay đẹp, nắng ráo hay mưa dông, chiếc xe lam đều đến đúng giờ chính xác như cái đồng hồ.
Nhành chép miệng than:
- Bốn giờ rưởi rồi!
- Ồ, mới đây mà bốn giờ rưởi rồi hả? Sao lẹ vậy? Nghĩa là chỉ còn ba tiếng rưởi nữa thôi ư. Chị Ngân đưa thằng cún cho tui ẵm một chút, sắp hết giờ rồi!
Trang nói mà như khóc.
Tâm trạng của Trang vô cùng hoảng loạn, lo sợ, tuyệt vọng. Cô nâng niu từng phút, từng giây như người dưới đáy đại dương nâng niu từng hơi thở trong bình dưỡng khí. Tay ôm chặt con mà mắt trừng trừng về phía chiếc đồng hồ. Mỗi tích tắc đi qua như là lưỡi dao đâm thấu tim. Quằn quại. Đau đớn. Trang nói như thét:
- Dẹp cái đồng hồ đi!
Ngân tháo xuống. Không hiểu sao Trang lại kêu Ngân treo lại chỗ cũ.
- Còn mấy bữa nữa là tới ngày trả nhà cho bà Bảy – Hiếu ngậm ngùi:- Có lẽ như vậy lại tốt hơn. Ngôi nhà này có quá nhiều kỷ niệm buồn, càng nấn ná chỉ càng thêm đau khổ – Đoạn Hiếu vừa lấy tay quệt nước mắt, vừa khóc như ri:- Từ ngày con Huệ đi nhà thương điên, nhà không còn là nhà nữa, mà là một nấm mồ! Nấm mồ chôn giữ những linh hồn sống!
Bịnh tình của Huệ không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng xấu đi. Nếu trước đây Huệ chỉ lên cơn mỗi ngày một lần, còn bây giờ lúc nào cũng lên cơn. Ai vô thăm Huệ đều chửi bới, gào thét, rồi xé quần xé áo, có lẽ tại ở trong nhà thương điên nên mới như vậy. Huệ có gương mặt vừa sáng vừa đẹp, tướng tá sang trọng, mọi người cứ đinh ninh số Huệ sau này sẽ nhàn nhã tấm thân. Ở nhà thương điên mà sướng cái nỗi gì.
Càng về sáng tinh thần Trang càng suy sụp. Gương mặt bợt bạt mất hết sinh khí, môi mím chặt không hé răng nói một lời mà chỉ biết khóc. Nước mắt rớt lộp độp lên mặt bụ sữa thằng cún, làm nó thức giấc, cu cậu lè lưỡi liếm giọt nước trên cặp môi mỏng. Mặn. Nó khóc ré lên.
&
&&
Chiếc taxi dừng ngay đầu chợ. Bà Vân cùng Vụ hối hả bước xuống. Trước khi sập cửa xe, bà Vân nói với tài xế khoảng nửa tiếng sẽ quay trở ra. Anh tài xế gật gù, với tay ấn nút cassette. Giọng ca eo éo, nửa trống nửa mái không rõ là nam hay nữ phát ra từ cặp loa bể trở thành thứ vũ khí lợi hại tra tấn cái lỗ tai!
Dòm mặt bà Vân có vẻ căng thẳng, Vụ liền trấn an:
- Chị yên tâm đi! Mấy đứa đó mà ọ ẹ là không xong với tui đâu.
- Tôi lo lắng. Và cảm thấy bất nhẫn khi làm việc này. Thế nào cô Trang cũng khóc sưng mắt cho coi.
Vụ lý lẽ:
- Niềm vui. Nỗi buồn. Ông Trời ban phát cho nhân loại chỉ bấy nhiêu. Nếu muốn nhiều hơn chỉ còn cách cướp đoạt của kẻ khác mà thôi. Vì thế, hạnh phúc của người này chính là nỗi đau của người khác chẳng có gì là lạ. Nghĩ ngợi làm chi cho mệt óc, hả chị.
Bà Vân thở dài:
- Chú thử đoán, có khi nào cô Trang trốn không? – Giọng bà Vân lộ vẻ bồn chồn.
- Giỡn chơi! Mà chuyện này nếu có xảy ra thì cho dù cổ có thăng thiên hay độn thổ tui cũng quyết kiếm cho bằng được.
Cửa đóng im ỉm. Bà Vân đưa tay gõ nhẹ mấy cái. Có tiếng chưn giậm thình thịch trên gác. Lát sau, một gương mặt sưng húp thò ra cánh cửa.
- Còn mười lăm phút nữa mới tới giờ, bộ nôn lắm sao mà đến sớm vậy? – Nhành cau mặt cự nự. Dầu vậy, cô cũng kéo cái chốt, mở toang cánh cửa.
- Vô đi! – Nhành nói cộc lốc, đoạn xây người đi te te vô trong.
Nhành lấy ly rót nước, bỗng nghĩ lại thôi không rót nữa. Loại người này cần gì phải long trọng. Thấy bà Vân và Vụ còn đứng xớ rớ, Nhành xẵng giọng:
- Phủi chưn, ngồi xuống đất! Không chiếu chiếc gì hết!
Hai người ngồi xuống như cái máy. Nhành nghểnh cổ, nói vọng lên gác:
- Xuống đi. Oan gia nợ báo tới đòi kìa!
Ngân, Hiếu lần lượt bước xuống. Mắt mũi đỏ lòm. Vẫn chưa thấy bóng Trang và thằng cún con đâu cả.
Bà Vân xây mặt về phía Vụ có ý dò hỏi. Vụ lấy điếu thuốc gõ gõ xuống nền nhà mấy cái. Vừa thò tay vô túi tính lấy cái hộp quẹt thì Nhành đã la đay đảy:
- Ghiền thuốc thì ra đường mà hút! Cái nhà nhỏ xíu, khói bay mù mịt ai mà chịu nổi, người gì không biết phép lịch sự tối thiểu!
Vụ bặm môi, tính gân cổ cãi lại, nhưng bắt gặp cái nhìn nhắc nhở của bà Vân nên đành nuốt giận, rất nhanh cho gói thuốc trở vô. Cặp môi thâm xì hả ra để lộ
hàm răng đóng bợn vàng khè. Anh ta dòm quanh quất rồi rụt rè nói:
- Cô Trang...
- Nó không trốn đi đâu mà các người sợ quắn đít! – Nhành hếch cổ :- Ở trển á. Còn cả chục phút nữa làm gì gấp gáp dữ vậy.
Bà Vân thở phào. Vậy là Trang không ẵm con đi trốn như bà lo nghĩ. Ừ thì chờ, bà đã chờ cả năm thêm vài phút cũng chẳng thiệt hại gì.
Năm người ngồi thành vòng tròn, hết dòm nhau lại ngó cái đồng hồ. Tâm trạng hoàn toàn trái ngược. Vụ thấy lạt miệng thèm thuốc. Mỗi ngày Vụ “ chụm “ hết một gói rưởi “ Du Lịch “ , điếu thuốc lúc nào cũng dính chặt môi.
Đúng giờ. Hiếu thò đầu lên gác, Trang đang ôm con, nước mắt dầm dề. Hiếu lào phào:
- Xuống đi Trang!
- Chị à, em..em. Chị hổng thấy nó ôm em ngủ khì đây sao. Nhìn con như vầy, em không đành đoạn, chị ơi!
Trang gần như kiệt sức, tuy nhiên cô nhứt quyết không trao thằng cún cho Hiếu. Khi Trang bước ra, mọi người nhứt loạt đứng dậy, tất cả ánh mắt đều đổ dồn về một hướng. Bà Vân động đậy cặp giò, muốn chạy tới đón lấy thằng nhỏ trên tay mẹ nó nhưng có một sức mạnh vô hình giữ chưn bà lại.
Vụ tỏ vẻ sốt sắng:
- Bữa nay là ngày “ thanh lý hợp đồng “. Số tiền bốn chục triệu chị Vân đã giao đủ trước đó, có đầy đủ chữ ký xác nhận của cô Trang đây – Vụ chìa ra tờ giấy trước mặt mọi người:- Vụ này đáng lý ra là không được. Dù sao chị Vân cũng là người rộng rãi, tốt bụng, thấy cảnh ngộ thương tâm của cô Trang cầm lòng không đặng nên phải “ xé rào “, thì thôi coi như xong chuyện. Bây giờ đến phiên cô Trang giao con. Còn tờ giấy nợ, chị Vân sẽ trả lại cho cô. Cô Trang muốn xé, muốn đốt hay cất làm kỷ niệm tùy ý.
Đoạn Vụ xây mặt về phía bà Vân nháy mắt mấy cái. Bà Vân lôi từ trong bóp đầm bằng da cá sấu tờ giấy đánh máy vi tính được xếp làm tư đưa tận tay con nợ.
Trang cầm giấy mà cứ chùng chình chưa chịu giao con. Ngân lên gác thu dọn đồ đạc em bé cho vô cái túi, cô để ý thấy mấy bộ đồ của thằng cún được xếp ngay ngắn, cất kỹ trong ngăn tủ, Ngân đoán, có lẽ, Trang muốn giữ lại mấy thứ này để ngó cho đỡ nhớ con.
Cảnh “ bàn giao “ diễn ra nhuộm màu bi ai, thống thiết. Tất cả những người đàn bà đều rớt nước mắt. Chỉ mỗi Vụ là tươi rói vì sắp nhận được hai triệu “ tiền cò “, để mấy mụ đàn bà khóc than ủy mị, Vụ bước ra mái hiên nhả khói như chiếc xe bị hở bạc xéc măng.
Trang, mặt tái xanh, nuốt nước miếng ừng ực như người sắp chết khát. Trời đã nóng nực lại bận trên người chiếc áo lạnh dài tay, cao cổ nên mồ hôi cha, mồ hôi con thi nhau chảy ròng ròng. Mấy bữa rày Trang bị chứng ớn lạnh váng đầu, cạo gió, giác hơi hoài vẫn không hết. Hiếu biểu cô mua thuốc uống hay đi khám bác sĩ, Trang lắc đầu, vừa mắc công, vừa tốn tiền. Bịnh của cô là tâm bịnh chẳng cách gì trị khỏi.
Thằng cún vẫn ngủ vùi trong tấm mền mỏng. Mọi ngày vào giờ này nó mở mắt thao láo, khóc vang đòi bú, không hiểu sao bữa nay lại siêng ngủ đến thế, có lẽ, cu cậu không muốn chứng kiến cảnh tượng chia phui[link=http://vnthuquan.net/diendan/#_ftn3] mẫu tử.
Trang từ từ nhấc bổng thằng cún lên, chìa ra phía trước. Tất cả những ánh mắt đau đáu trông theo. Chỉ chờ có vậy, bà Vân liền dang tay ra đón. Bỗng, Trang rụt tay lại, nói rè rè:
- Cho tui ngó con một chút! Một chút thôi!
Trang dán chặt mắt vào gương mặt thiên thần, khóc kể như mưa:
- Con ơi, mẹ lớn tội sanh ra con mà không giữ được con, lớn lên con đừng buồn, đừng trách mẹ. Thiệt tình mẹ thương con, yêu quí con hơn tất cả mọi thứ trên đời. Bây giờ đây có ai biểu mẹ làm trâu kéo cày, làm ngựa kéo xe mẹ cũng sẵn lòng miễn sao có con bên cạnh. Con vìa ở với mẹ Vân, ba Khả sung sướng tấm thân, có bao giờ nhớ tới người mẹ đau khổ, tội lỗi này hôn? Con nói đi, sao lại im lặng hoài vậy hả con trai của mẹ?
Trang cúi xuống hôn điên, hôn dại lên cái trán vồ vồ bướng bỉnh. Gương mặt thằng cún nhòe nước, nhưng nó vẫn ngủ, ngủ “ say sưa “ .
Tiếng òa kéo dài như trời đổ cơn mưa trút nước. Mưa không rớt từ trời mà ứa tự lòng người. Không ai biểu ai, cùng òa lên nức nở. Nhành khóc “ hăng “ nhứt, nước mắt mắt nước mũi chảy đầy mặt. Ngân gục đầu vô vách tường, răng cắn chặt vào nhau ken két. Hiếu rạp người trên nền gạch, hai tay liên tục đập đập xuống đất như đang vùng vẫy trong dòng nước xoáy. Bà Vân day mặt ra phía ngoài, nấc lên từng chập.
Mỗi giờ mỗi phút đi qua, trên hành tinh oằn oại này những sinh linh lầm than
khổ sở dùng nước mắt của chính mình tưới tắm những cánh đồng bản mệnh. Nước mắt bốc hơi vào không khí qua màng lọc của thiên nhiên tạo thành những cơn mưa nước ngọt. Nước mưa làm hoa cỏ sanh sôi, sự sống đơm bông kết trái và hạnh phúc cũng khởi nguồn từ đây mà ra. Nỗi đau tạo ra sự sống và chính cuộc sống đem đến Con Người muôn vạn nỗi đau. Hạnh phúc và đau khổ là một thực thể không thể tách rời, bởi vì hạnh phúc luôn bắt nguồn từ đau khổ và trong tận cùng nỗi khổ con người lại tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy sự giải thoát cho mỗi bản ngã. Đây là chân lý, là vòng luân hồi bất biến mà tạo hóa đã an bài cho mỗi kiếp nhân sinh.
- Con à, vìa bên bển con nhớ phải thiệt ngoan, ngủ nhiều, bú nhiều. Mau lớn đặng còn đi mẫu giáo. Lớn lên nhứt định con phải là một nhà thơ, nhà thơ lớn, đời mẹ cơ cực, học hành không ra đầu ra đũa, chữ nghĩa không được bao nhiêu, con phải là thần thơ, thánh chữ để “ trả thù “ cho mẹ, nghen con..
Giọng Trang nghèn nghẹn. Gương mặt xanh xao, tàn úa. Toàn thân run rẩy như thân cây còi cọc vặn mình giữa phong ba bão tố. Mây đen kìn kịt kéo về trong đôi mắt chết. Cơn mưa cuối mùa trút nước ồ ạt, khắp người thằng cún ướt đầm đìa. Đó là cơn mưa tinh khiết nhứt, thiêng liêng nhứt rơi từ trong sâu thẳm, bao la tình mẹ. Thằng cún khẽ cựa mình thức giấc. Gương mặt thiên thần bừng sáng như chồi non đi đón cơn mưa. Tiếng khóc bi thương của người mẹ sắp sửa xa lìa núm ruột của mình hòa lẫn tiếng bù non bù nọt của đứa trẻ trong cơn đói sữa tạo thành bản trường ca vĩ đại về tình mẫu tử, về nỗi đau tận cùng của cuộc hiện sinh.
Mưa đã tạnh nhưng nỗi đau mãi còn đọng lại. Nếu nước mắt có thể gột rửa được những đau thương mà Tạo hóa mù đui bắt kiếp người phải gánh chịu, nếu nước mắt có thể hoán cải được định mệnh thì cả hành tinh này đã bị chìm đắm trong cơn đại hồng thủy tự bao giờ.
Hiếu đưa bình sữa, Trang lắc đầu. Rất tự nhiên, cô vạch áo, ấn cái miệng nhỏ xíu của nó vào đầu vú. Thằng cún chùn chụt. Cặp chưn cong lại.
Trang, tay xoa đầu con:
- Đây là lần đầu tiên cũng là lần sau chót con bú vú mẹ. Mẹ không có sữa nhưng con hãy cứ bú. Con hãy cho mẹ được sống trọn vẹn khoảnh khắc làm mẹ. Không có sữa nhưng mẹ có tình yêu tha thiết, mênh mông dành cho con trai. Vì mẹ, bú đi con!
Thằng cún mút mỏi miệng, không có giọt sữa nào vô họng nhưng lạ thay nó không khóc. Tình mẫu tử thiêng liêng tuôn trào qua đầu vú, thằng cún no lòng không bởi dòng sữa trắng đục ngọt ngào mà bằng dòng máu nóng, bằng tình yêu thiết tha vô bờ bến của người mẹ khổ đau.
Thằng cún, mắt lim dim, đầu ngoẹo qua một bên mà miệng vẫn day vú mẹ. Tóc bết mồ hôi trên gương mặt sáng trưng. Tâm hồn cô như cánh đồng chết bỗng chốc bừng bừng nở hoa, cảm giác hơi thở của con, dòng máu nóng của con đang hòa quyện trong huyết quản của mình.
Tất cả đồng loạt ngừng khóc. Những ánh mắt canh cánh nỗi đau cùng hướng về một phía. Căn nhà tối tăm bỗng bừng sáng bởi bức tranh sống động về tình mẫu tử đau đớn, ngậm ngùi mà đẹp đẽ nhứt thế gian.
- Con mẹ giỏi ghê, ngủ mà vẫn bú! – Trang cúi xuống nhìn con:- Con à, không có mẹ kế bên con hãy bỏ những thói hư, tật xấu nghe chưa, đừng khóc đêm, đừng đòi ẵm, tật xấu của con hễ bụng đói là khóc ầm ĩ như nợ đòi! Con vìa ở với mẹ Vân, ba Khả, mẹ không yên bụng chút nào, lo thắt ruột, thắt gan!
Trang ngừng kể lể, hỉ mũi rột rột vô cái khăn mù soa. Chỉ chờ có vậy, Hiếu liền giằng lấy thằng nhỏ. Bà Vân đứt ruột nhìn theo. Hiếu hôn thằng bé rồi chuyền qua cho Nhành. Nhành ôm chặt thằng cún, hôn như mưa rồi xây qua kiếm Ngân. Ngân chịu không thấu cảnh tượng đau lòng, nên tót lên gác ngồi khóc một mình.
Bà Vân nói:
- Nhìn thấy cảnh tượng éo le này, lòng tôi đau như cắt. Tuy không phải là mẹ đẻ nhưng tôi xin hứa sẽ yêu thương cháu như con ruột, tôi sẽ chăm sóc thằng nhỏ đàng hoàng, tử tế, không thiếu thốn thứ gì. Nhứt định cháu sẽ là một nhà thơ, nhà văn lớn, cô Trang hãy vững tin những gì tôi đã hứa.
Trang đã phần nào trấn tĩnh lại. Bà Vân hỏi cặn kẽ, từng ly, từng tí về thói quen, giờ giấc, bú mớm.. của thằng cún. Trang trả lời tiếng được, tiếng mất. Bà Vân coi đồng hồ. Đã quá giờ hẹn hai mươi phút.
- Thôi, có lẽ phải chia tay – Bà Vân cầm tay thằng nhỏ lắc lắc mấy cái, cất giọng rè rè:
- Chào mẹ Trang với mấy dì đi con.
Xong xuôi, bà Vân ẵm thằng nhỏ bước đi như chạy. Trang sững người một lúc rồi tất tả đuổi theo. Ra đến đầu hẻm thì bắt kịp:
- Cho tui được nhìn mặt con lần cuối.
Bà Vân tỏ vẻ sốt ruột nhưng cũng chiều lòng. Trang ngắm con thiệt lâu, cố thu hết những hình ảnh thân thương cuối cùng vào ký ức, rồi cô áp mặt mình lên gò má bụ sữa con trai. Nói thều thào:
- Đi nghen con!
Khi bóng dáng bà Vân và thằng cún khuất dạng ngay lối rẽ, Trang bỗng gào lên ai oán:
- Con ơi!
Trước mặt Trang là bức màn xám xịt, chao đảo, rồi cô từ từ gục xuống...
______________
[1] Rộng ra, lớn ra, nghiêm trọng hơn..