…
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi …thương những đời như lục bình trôi… ( Điệu buồn phương Nam – Vũ Đức Sao Biển) Đúng chín giờ. Xí nghiệp mới bắt đầu ra ca.
Mấy chị em đứng ngồi gièo giẹo bên hàng rào sắt nhọn đầu trước cổng Xí nghiệp chờ Hiếu ra đặng cùng đi chợ. Đợi hoài đợi hủy vẫn không thấy tăm hơi, Nhành nổi nóng day mặt về phía Trang lách chách một hơi tuồng như cô là người gây ra trễ nải:
- Trời ơi, từ trỏng ra đây có một khúc không tới trăm thước mà bả cứ cà rịch cà tang hết buổi! Đúng là người làm sao chiêm bao làm vậy. Mày lẹ làng tay chưn chạy ù vô trỏng lôi bả ra đây cho tao!
Trang thót xuống xe, cắm đầu bước đi như ma rượt
Nhành nói với theo:
- Lẹ lên, nghen! Hay là vô trỏng ngủ chung với bả luôn đi!
Trang đi ngược dòng người đang hối hả. Hiếu đương đứng nón với bà Trần ngay lối ra vô phân xưởng. Trang không dám kêu mà đưa tay ngoắt ngoắt, vừa nhảy cà tửng như con choi choi. Vừa nói chuyện Hiếu vừa liếc mắt ra phía ngoài ngó chừng, tỏ vẻ sốt ruột.
Thấy đã đến lúc kết thúc câu chuyện tràng giang đại hải, bà Trần đưa tay đặt lên vai Hiếu bóp nhẹ mấy cái. Ánh mắt như bàn tay mơn trớn, vuốt ve:
- Thôi trễ rồi Hiếu về đi. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Nói chung, đây là một vấn đề rất nhạy cản phải hết sức thận trọng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Xong xuôi, bà Trần khoác chiếc túi lên vai, xây lưng nửa vòng lưng ra hiệu chấm dứt câu chuyện dài thòn.
Chỉ chờ có vậy, Hiếu liền te tái ra cổng. Bắt gặp ánh mắt khó chịu của mọi người liền phân bua, do bà Trần giữ lại nói chuyện nên không tiện bỏ đi.
Huệ dòm Hiếu nhăn mặt, câu mâu một hơi:
- Chị với bả nói chuyện gì dài lê thê cứ như Ngưu Lang, Chức Nữ cả năm mới gặp nhau trên cầu Ô thước một lần!
Hiếu biết lỗi ngậm miệng im re, cô thót lên ngồi phía yên sau cho Huệ chở đi. Nhành cũng chở Trang . Hai xe chạy song song hướng ra phía chợ.
- Nhiều chuyện lắm! – Hiếu nói:- Hết văn học tới triết học, rồi quay sang thơ ca, âm nhạc ..Tao nghe bả nói mà cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì ráo!
Huệ cười rặc rặc:
- Những kẻ muốn chứng tỏ ta đây có hiểu biết thường nói những điều khó hiểu!
Ánh sáng từ Xí nghiệp hắt ra chừng trăm mét đổ lại. Ngoài phạm vi đó là khoảng tối mênh mông chị em đạp dò dẫm trong bóng đêm, vừa trò chuyện để xua cảm giác sợ hãi khi đi ngang qua ngôi nhà ma. Từ đây đi thẳng độ một trăm mét, quẹo tay mặt, đạp thêm vài chục vòng chưn thì tới chợ “ Âm Phủ “ .
Chợ nhóm trên bãi đất trống mà những ngọn đèn cao áp không sao hắt tới được và hoàn toàn biệt lập với khu dân cư . Mang tiếng là chợ cho đỡ tủi phận người, phận chợ, chớ nơi đây hoàn toàn không có sạp, quầy hàng, kiốt cố định…Tất cả đều sơ sài, tạm bơ như chính cuộc sống chênh vênh của họ̣. Và tuyệt nhiên không có bóng dáng nhân viên bảo vệ hay cán bộ Ban quản lý nào. Tuy nhiên cứ mỗi tối, vào khoảng chín giờ lại xuất hiện một người đàn ông bận y phục toàn xanh đến thu tiền hoa chi, nghe nói, là nhân viên phường. Những người bán ở chợ “ Âm Phủ “ đều có chung đặc điểm không lẫn vào đâu; áo quần lam lũ, đen đúa, ốm ròm như đàn cò ma từ miệt ruộng dạt về, chữ “ nghèo “, chữ “ đói “ hiển hiện trên nét mặt nhăn nhó nhấp nhô rãnh cày…
Mỗi ngày lúc trời chạng vạng, dòng người ốm đói từ các nơi lũ lượt kéo về tất tả cuộc mưu sinh trần ai khoai củ. Họ ồn ào tranh giành chỗ ngồi rồi trải đại những tấm ny lon, bạt rách.. lên nền đất bụi bặm, ẩm ướt, và đổ các thứ ra mà rao bán. Nhưng nhiều hơn cả thảy vẫn là những mẹt hàng bằng tre nứa, thau chậu nhựa... Những thứ này được cái gọn nhẹ có tính “ cơ động “ dễ dàng ứng phó mỗi khi gặp sự cố bất ngờ có thể xảy ra; tránh xe cộ, trốn công an, dân phòng mỗi khi có đợt “ tảo thanh “ lập lại trật tự đường phố…
Từ xa đã nhìn thấy vô số những đốm lửa lập lòe như ma trơi khiến người ta có cảm giác như đi lạc vào khu nghĩa trang hoang vắng. Đó là những ánh lửa phát ra từ những ngọn đuốc tre, đèy, đèn hột vịt, giấy vụn…Nói tóm lại là tất cả những gì có thể phát sáng.
Lại gần hơn một chút bắt đầu nghe tiếng rao hàng ra rả. Đủ loại âm thanh hỗn tạp: nam có, nữ có, già có, trẻ có, có giọng tenor cao vút, lại có giọng trầm trầm khản đặc... tạo thành bản hợp xướng buồn thảm bất tận vang dội khắp đất trời, hòa lẫn trong đó là mùi tanh nồng cá chết, mùi thum thủm của thịt ươn, rau giập, mùi rác và mùi nhọc nhằn lam lũ của con người toát ra.
Chợ chỉ bán toàn những thứ đồ dạc từ các chợ đầu mối đổ về mà nói theo đúng nghĩa “ bỏ thì thương, vương thì tội “, người ta đành bán đổ bán tháo được đồng nào hay đồng nấy, coi như tiền mua kẹo cho mấy sắp nhỏ. Và những người nghèo ít vốn “ bao thầu “ lại rồi đem bán cho đám công nhân nhập cư. Sau mỗi phiên chợ, đống phế thải không “ thanh lý “ hết sẽ được “ tập kết “ tới những bô rác công cộng ruồi nhặng đen kịt để tờ mờ sáng hôm sau những công nhân vệ sinh gấp rút chuyển ra những bãi rác lộ thiên ngoại ô thành phố. Vì tầng lớp phục vụ là những người nhập cư, nên chợ có tên gọi là “ chợ Nhập Cư “ ; người khác thì gọi là “ chợ Mò “ , vì cảnh mua bán đều diễn ra trong bóng tối nhập nhoạng; kẻ có đầu óc khôi hài thích cảm giác rùng rợn thì kêu là “ chợ Ma”, “ chợ Âm Phủ” . Tên nào cũng đúng, cũng dễ chấp nhận và phụ thuộc vào sự “ lãng mạn “ của từng người. Kẻ bán lẫn người mua chẳng bao giờ rõ mặt nhau nhưng họ hiểu nhau vì cùng cõng trên lưng chữ “ Khổ “.
Mấy chị em xuống xe dắt bộ. Ánh sáng chập chờn gợi Huệ nhớ lại những mùa trung thu vui vẻ. Mắt cô ngời lên như hai ngọn đèn:
- Vui quá ta! Hồi đó cứ mỗi kỳ Trung thu là Nội em làm cho cái lồng đèn. Em đi chơi cả buổi tối mà không biết mệt. Em thức suốt đêm chờ chị Hằng xuống tặng quà rồi ngủ quên lúc nào không hay. Sáng ra thấy cái bánh nướng bên cạnh, hỏi của ai thì Nội nói của Hằng Nga! Em tiếc hùi hụi. Của chị Hằng thì nhứt định ngon phải biết! Em không dám nhai mà chỉ bẻ từng miếng nhỏ cho vô miệng ngậm cho bánh tan dần trên đầu lưỡi, mắt lim dim tưởng tượng đang bay lên tới cung trăng! Hồi đó sao mà khờ quá, ai nói gì cũng tin, ai nói gì cũng gật! Chị Nhành hồi nhỏ có chơi lồng đèn hôn?
Cái đói làm Nhành nổi quạu:
- Bụng đói như cào đây! Ở đó mà chơi với bời. Mày giữ xe để tao lựa mấy trái cà chua coi!
Bán hàng là ông già ốm nhom ốm nhách như cây sậy, nói chuyện mà cứ ôm ngực ho khù khụ rồi khạc đờm xanh đặc sệt. Mớ cà chua giập nát đổ đống trên tấm bạt rách lấp lóe dưới ánh sáng vàng vọt của cây đèn cầy cong vòng.
- Bao nhiêu tiền một ký vậy chú?
- Sáu trăm.
- Ụa, mới hôm qua còn năm trăm, sao bữa nay lại lên rồi?
- Giá lên tui phải bán lên thôi, cô thông cảm.
Nhành biểu Hiếu lựa phụ. Hiếu sà xuống, đưa tay nắn nót từng trái, trái nào cũng giập.
- Tiền nào của nấy, loại ngon bán ở chợ ba ngàn một ký.
Đang lựa ngon tay, ngọn đèn bị gió thổi tắt phụt. Tối thui. Ông già xây lưng che gió, cầm cái hộp quẹt ga lẹt xẹt mấy cái. Vật lộn hết mấy phút cây đèn cầy mới cháy trở lại.
Bới tung cả đống cà mới lựa được nửa ký. Nhành đưa tờ năm trăm, ông già thối lại tờ hai trăm. Sau đó họ bắt đầu đi mua những thứ khác.
Huệ dắt chiếc xe đạp màu nếp than. Túi đựng cà chua nằm gọn trong chiếc giỏ kẽm sơn đen cố định ở đầu xe:
- Chỉ có cái “ chợ Mò “ này mới xài giấy hai trăm. Bữa nọ, em nhứt quyết đòi cho kỳ được mấy trăm tiền thối ở bưu điện. Cô nhân viên hỏi em, hai trăm thì làm được cái quái gì. Em nói, có thể mua được hành ớt, gia vị, có khi là nửa ký cà chua. Em nói thiệt mà chẳng ai tin, đến đỗi có người còn cười chọc quê nghĩ rằng em bị chứng tâm thần phân liệt!
Trang ngó Nhành, nói rụt rè:
- Mua cà chua, chị định làm món gì?
Huệ lẹ miệng ăn cơm hớt :
- Thêm một khứa cá, mấy cọng rau cần nữa là sẽ có nồi canh ngót tuyệt cú mèo. Nếu có thêm giỏ cá hấp thì đã luôn! – Huệ vừa xuýt xoa, vừa nuốt nước miếng ừng ực.
Cả tuần rồi, mấy chị em nhà Hiếu “ ẩm thực “ mỗi món rau muống luộc. Nước luộc rau nặn thêm nửa trái chanh làm canh chan chan, húp húp, còn món mặn là trứng hột vịt quậy đều với muối. Nhành cho nhiều muối đến nỗi ăn hai bữa mới thanh toán xong thứ nợ đời.
- Ăn như tụi bây có nước phá sản luôn! – Hiếu bật cười.
Huệ cãi cọ:
- Chị nghĩ lại mà coi. Bốn người mà mỗi bữa chỉ tốn có hai ngàn đồng tiền thức ăn, vị chi mỗi đầu người chỉ có năm trăm đồng, không bằng tiền hút một điếu thuốc. Tại kiểu cho ăn ép xác của chị mà tháng rồi em xuống hết nửa ký lô!
Bốn chị em đi rà rà theo chiều dọc con đường lồi lõm toàn ổ gà, ổ voi. Những người bán hàng ngồi chen chúc thành một hàng dài ra đến tận lộ chính. Thậm chí vài người chẳng có nổi một ngọn đèn phải nương nhờ ánh sáng người bên cạnh. Lúc này đang là giờ công nhân tan ca nên cảnh mua bán diễn ra ồn ào náo nhiệt. Có thể nói không nơi đâu dưới gầm trời này hàng hóa được chào mời với giá rẻ như cho. Kẻ mua, người bán đều mắc chứng bịnh nghèo dễ dàng cảm thông số phận cùng nương tựa vào nhau để lây lất qua ngày. Triết học gắn cái tên mỹ miều “ quan hệ cộng sinh “. Bán buôn bữa đực, bữa cái là chuyện thường ngày, tiền nhiều thì cơm, ít tiền thì cháo, dù sao cũng có thứ lua vô miệng, không phải lo “ đói thối mồm “, dân tình chỉ sợ ông Trời làm mình làm mẩy. Tháng nắng, con đường “ bị bỏ quên “ trở nên “ thơ mộng” nhờ vào lớp bụi đặc sánh như sương mù ở thành Luân Đôn (những chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang mãn tính cũng nhờ đó mà ra ) nhưng dù sao cũng còn may mắn lắm, chớ gặp phải tháng mưa thì khốn nạn cả đám. Đồ dạc mà để qua đêm thì chỉ có nước liệng vô thùng rác, vì thế, người bán chỉ còn cách duy nhứt là đứng yên chịu trận :“
Gió mưa là chuyện của trời/ Kiếm cơm là chuyện của người thế gian! “. Có những trận mưa lớn kéo dài, rác làm nghẹt miệng cống thoát nước. Con đường bụi bặm bỗng hóa thành cái hồ bơi. Nước ngập tới tận ống quyển . Từ trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy cảnh tượng vô cùng lạ mắt: hai hàng người đội mâm trên đầu, nửa phần cơ thể bị chìm trong nước. Người có đầu óc văn nghệ sẽ liên tưởng đến Đội múa rối nước “ Đầm Sen “ đang diễn vở “ Sơn Tinh, Thủy Tinh “ đến cảnh các binh Tôm, tướng Cá của thủy quái đng nạp lễ vật cho vua Hùng để cưới Mỵ Nương.
Đang đi, họ bỗng bị vây quanh bởi bốn đứa vừa con, vừa thằng tuổi xê xích từ mười đến mười ba, đứa nào đứa nấy đều ở dơ như mọi, mốc xì và rách rưới. Những ai đã đi chợ “ Âm Phủ” nhiều lần nhưng nếu không để ý vẫn bị lầm lẫn giữa đứa nọ với đứa kia.
- Mua giùm em đi mấy chị, từ chập tối tới giờ chưa bán được đồng nào – Thằng nhỏ ốm tong ốm teo, đen sạm, ra sức mời mọc.
Trời tối, không nhìn rõ mặt chỉ thấy hàm răng của nó liên tục cử động. Trên cái mẹt bằng tre vài bó rau nguội, củ héo, một giúm cá vục mùi và mấy giỏ cá hấp, con nào con nấy chỉ bằng ngón tay.
- Nó xạo đó chị! – Con nhỏ đứng kế bên vẩu cặp môi mỏng dánh :- Hồi nảy mày bán được hai trăm chanh ớt chi!
Thằng nhỏ cứng họng. Con bé sán tới. Mặt mũi tèm lem cứ như từ dưới đất ngoi lên. Cái mâm nhôm quá bự so với vòng ôm nên người nó cứ gập xuống như dấu chấm hỏi:
- Mua giùm em đi, mấy chị, dưa gang ngon lắm, chín rục hết trơn rồi nè.
Con nhỏ này tên Héo, người quặt quẹo như chính tên gọi của nó, mấy chị em Hiếu không lạ gì. Anh Héo tên Tươi, mười bảy tuổi mà đèo như trái khổ qua. Héo đeo như đỉa và có giọng nói ngọt như chè táo xọn.
- Anh Hai của em đâu? – Nhành hỏi, khom người xuống rờ rờ lên mấy trái dưa nứt nẻ. Mũi cô gần như chạm lên tóc của Héo. Mùi khét nắng trộn lẫn mùi mồ hôi chua loét tạo thành thứ mùi hăng hăng, nồng nồng. Khó chịu.
- Ảnh kiếm được chưn đẩy xe ở chợ rau Mai Xuân Thưởng, mới làm hai bữa nay, em mừng quá chừng!
- Nhẹ mình! Mấy lần trước hễ hỏi tới là hai anh em bây cứ than như bộng!– Nhành rụt tay lại, mắt vẫn không rời mấy quả dưa trên cái mâm nhôm bị đóng ten xanh mốc :- Bao nhiêu tiền một trái?
- Một ngàn hà, rẻ thấy mồ!
- Một trái thì nhiều quá ăn không hết, bỏ đi thì uổng, có bán nửa trái hôn?
- Bốn chị bự như bốn con voi mà ăn không hết bây nhiêu sao?
Miệng nói vậy, nhưng Héo cũng để mâm xuống đất. Bàn tay dơ hầy tách đôi trái dưa ra làm hai phần bằng nhau, sau đó con nhỏ lấy một phần cho vô cái túi ny lon đen bóng rồi đưa cho Huệ.
Nhành rút tờ năm trăm quăng xuống. Tờ tiền nhàu nhò vặn mình tóe máu tạo thành vũ điệu trầm luân trước khi chạm đất.
Héo chưa kịp đút tiền vô túi, thì bất ngờ có ánh đèn ô tô từ xa pha tới. Đám đông dáo dác như gà con gặp quạ, né gấp vô hai bên đường. Chiếc du lịch lướt qua để lại một vệt bụi kéo dài hàng trăm thước. Vài người trong đám đông ôm ngực ho sặc sụa. Đàm dãi văng ra.
Hiếu càm ràm, mua dưa gang làm gì để phải tốn thêm tiền mua đường.
Bán được nửa trái dưa, Héo lủi nhanh như rắn liu điu vô đám đông. Thằng nhỏ khi nảy liền xông vô thế chỗ, tiếp tục níu kéo. Giọng nó dẻo nhẹo.
- Bao nhiêu tiền một giỏ cá? – Huệ hỏi.
- Hai ngàn.
- Sao mắc quá vậy? Con trai mà nói thách còn hơn đàn bà!
- Không mắc đâu, buổi sáng tới bảy, tám ngàn một giỏ, em nói thiệt mà!
Huệ cầm giỏ cá nục hấp đưa lên mũi hửi hửi mấy cái, rồi chuyền sang người kế bên. Trang cũng làm tương tợ và đưa cho Nhành.
- Chị thấy sao? In như có mùi rồi. – Đoạn Trang lấy tay xoa đầu thằng nhỏ mấy cái rồi trả giá:- Một ngàn rưởi, bán hôn?
- Mấy chị đừng trả rẻ, tội nghiệp em mà!
- Một ngàn sáu! Không bán, ế, liệng vô thùng rác cũng vậy hà!
Rốt cuộc giỏ cá hấp được bán với giá một ngàn bảy trăm đồng.
Nhành gật đầu:
- Ừ, hơi thum thủm nhưng mà xơi tốt. Ở cái chợ rác này lấy đâu ra đồ tươi mà kén với chọn. Đem về nhà rửa sạch rồi chiên lên là chẳng thua kém gì như món “ lý ngư vọng nguyệt “ ở nhà hàng Bách Hỷ!
Xong xuôi. Mấy chị em sà vô chỗ một bà sồn sồn. Bà này không xài đèn mà đốt hẳn một đống lửa. Trong đống lửa có củ khoai nướng thơm lựng. Nghe mùi thơm, bụng Trang sôi lên ọc ọc. Trên cái mẹt bung vành là một giúm hành ngò chanh ớt héo queo, vài cục xương heo thúi ình
[1] với mấy khứa cá hú trắng bợt, bệu bã như thằng chổng
[2] chết trôi.
- Cá ươn quá! – Huệ nhăn nhó:- Bao nhiêu một khứa?
- Chín trăm. – Người đàn bà nói the thé, kéo ống quần lên chùi bã trầu dính trên mép.
Cò kèt lúc, khứa cá được bán với giá tám trăm đồng, cộng thêm hai trăm tiền hành ngò, gia vị vừa chẵn một ngàn. Người đàn bà tỏ vẻ sành sỏi trong việc chế biến các món ươn thiu:
- Cá không được ngon. Đợi nước sôi mới bỏ vô, hớt sạch bọt rồi cho cà chua, hành, ớt đâm nhuyễn làm báng đi mùi hôi.
Buổi chợ chỉ vẻn vẹn ba ngàn năm trăm đồng, bao gồm món mặn, món canh và món tráng miệng. Huệ nói ong óng không vui cũng không buồn:
- Bao tử mấy chị em mình như cái thùng rác công cộng chứa toàn những thứ liệng đi của thành phố này. Nghe nói, tiền tiêu hủy một ký rác phải tốn hết mấy đô. Chị em mình lẽ ra phải được nhận huy chương vì sự nghiệp bảo vệ môi trường!
Sau đó bốn chị em lục thục đạp xe về nhà. Lúc này đã gần mười giờ đêm chớ còn sớm sủa gì cho cam. Từ đây về đến nhà mất thêm hai chục phút nữa. Tắm rửa, cơm nước xong, quá nửa đêm mới đặt lưng lên giường. Đúng năm giờ sáng thì thức dậy chuẩn bị đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, dẫu cho chiến tranh thế giới lần thứ ba có thể xảy ra, nạn động đất, sóng thần hủy diệt hàng triệu sanh linh cũng không ảnh hưởng đến thời gian biểu của họ..