Lớp học mấy chục người, toàn là nữ, cô nào cũng xinh xắn như mấy con manơcanh ở các tiệm may. Ngân, Hà ngồi bên nhau ở hàng ghế trên cùng. Giảng viên là người nước ngoài. Tóc nâu. Da trắng. Bộ râu rậm lốm đốm mất trật tự. Ông ta nói tiếng Anh thông qua cô phiên dịch đeo kiếng hai tròng. Trên tấm bảng có dòng chữ bay bướm “
Nghệ thuật cơ bản trong tiếp thị & kinh doanh ”.
Hà chằn cặp môi mỏng lét, nói với Ngân:
- Dụ thiên hạ nốc bia cũng gọi là nghệ thuật ! Chưa bao giờ ngôn ngữ bị méo mó đến vậy, cũng như cái tiệm uốn tóc nhỏ như chuồng heo lại đề là “ viện uốn tóc “ , có tức cười không chớ? Tớ thà chịu xấu như ma chớ nhứt quyết không đặt chưn vô mấy chỗ lộn xộn đó. Những nhà ngôn ngữ học đâu mất tiêu rồi sao không thấy lên tiếng?
Ngân không tham gia câu chuyện. Hà ngang như cua. Tranh luận mang thêm bịnh tức. Cô, mắt nhìn lên bảng, tay lướt nhanh trên giấy. Ông thầy giảng ra rả khản cả giọng:
- Để thu hút khách hàng ngoài vẻ đẹp, sự thông minh sắc sảo vốn có các bạn cần trang bị thêm một số kiến thức tổng quát về triết học, mỹ học, về tâm lý và những vấn đề tế nhị khác trong giao tiếp. Tôi ví dụ ; một người bán món hàng có chất lượng cao, có tính thẩm mỹ, giá cả dễ chấp nhận nhưng mãi không bán được, trong khi gần đấy bán mặt hàng xấu hơn, chất lượng dĩ nhiên kém hơn nhưng giá cả lại đắt hơn lại bán không kịp. Vậy nguyên nhân là do đâu? Bạn nào xung phong trả lời câu hỏi này?
Hà đứng lên nói:
- Bởi vì bên Bê biết bốc phét hơn ạ!
Cả lớp cười ồ lên như mưa rào. Cô phiên dịch tái mặt chửi lằm bằm trong miệng. Ông thầy cũng cười:
- Đúng vậy! Và bốc phét cũng là một nghệ thuật có bài bản, có lớp lang đàng hoàng, không phải bạ đâu nói đấy! Cô tên gì?
Hà, Nguyễn Thị Thu Hà, cử nhân hóa hữu cơ!
- Tôi rất thích những người thẳng thắn như cô. Tuy nhiên thẳng tính quá có khi lại làm hư chuyện. Cô ngồi xuống. Bây giờ chúng ta bắt đầu bài đầu tiên...