Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Như Lục Bình Trôi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 97884 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Như Lục Bình Trôi
Khúc Thụy Du

Chương 18

 Sáng sớm Phương lấy xe đưa Huệ đến một nơi nằm sâu trong con hẻm ngoằn
ngoèo đối diện với bờ sông. Ngồi phía sau tim Huệ cứ đập lên loạn xị, chốc chốc cô phải trấn an bằng cách tằng hắng mấy cái, nhưng không vì thế mà hết run. Phương bật cười:
- Làm gì mà hồi hộp dữ vậy? Cứ như là đi coi mắt chồng không bằng!
Gặp phải con đường xấu, chiếc xe gắn máy cà tàng cứ chồm lên, hụp xuống nhấp nhô như chiếc thuyền con trong cơn sóng dữ, Huệ lấy tay che miệng, hỏi Phương sắp tới chưa.
- Sắp! Nè có mang đủ tiền không ?
- Đủ, bảy trăm rưởi. Dạy khóc mà ăn mắc quá trời!
Phương ngoáy cổ lại nói:
- Vậy mà lão ta cứ lăm le đòi tăng học phí. Đúng là lòng tham vô đáy!
- Học khoảng bao lâu thì ra nghề hả chị?
- Tính luôn thời gian thực tập đúng ba tháng.
- Trời đất, lâu dữ vậy! Em tưởng  chỉ một tháng là quá lắm rồi.
- Một tháng thì chỉ biết mỗi một kiểu khóc thôi. Người ta cần đến mười hai kiểu khóc khác nhau mới có thể hành nghề được.
- Mười hai kiểu khóc! Em có nghe lộn không đó?
-  Người ta đào tạo bài bản lắm!
Chiếc xe đột ngột quẹo mặt, đi dấn thêm chừng một trăm mét thì dừng lại trước ngôi nhà ba từng được kiến trúc theo kiểu ba rọi. Huệ đứng ngơ ngác, trong bụng nghĩ thầm, chỉ mỗi có nghề dạy khóc mà giàu quá vậy! Phương chẳng do dự, đưa tay nhấn chuông. Lúc sau, có tiếng chưn từ cầu thang bước xuống, một đôi mắt sắc lạnh nhìn xuyên qua cửa tò vò. Phương nói vừa đủ nghe:
- Em đây mà thầy!
Cánh cửa hé mở chỉ đủ một người bước vô. Một người đàn ông vừa mập, vừa lùn, mặc thun ba lỗ, quần short màu cháo lòng,  đưa đôi mắt ti hí nhìn Huệ dò xét:
- Tới thọ giáo hả? – Ông ta cất giọng kim nghe chói tai.
Huệ đưa mắt nhìn Phương. Phương lại nhìn người đàn ông, khẽ gật đầu.
Ông chủ nhìn xoáy vào gương mặt Huệ, rồi di chuyển từ từ xuông bên dưới và dừng lại ở mười đầu ngón chưn:
- Mặt mày sáng láng, tướng tá coi bộ sang không hợp lắm với nghề này – Đoạn ông ta thở khì một cái:- Nhưng không sao! Qua tay tôi cho dù là đệ nhứt phu nhân cũng trở thành nghệ nhân khóc mướn!
Huệ đánh liều hỏi:
- Em có thể học được không,  thầy?
Chủ nhà khẻ gật gật cái đầu quả dưa nhẵn bóng:
- Tất cả còn đang ở phía trước, phải học vài ngày thì mới biết có năng khiếu hay không. Công việc của chúng ta ví như một nghệ sĩ. Chỉ khác một điều, nghệ sĩ có thể khóc, cười bất cứ lúc nào, còn chúng ta chỉ có mỗi  một việc là khóc! Hầu bao đầy hay rỗng tùy thuộc vào lượng nước mắt rớt ra.
 Phương bước thẳng lên cầu thang xương cá. Huệ và chủ nhà đi phía sau. Chẳng thèm ngoảnh mặt lại, Phương hỏi:
- Khóa  mới đông không, thầy?
Chủ nhà gật đầu, lách mình vượt lên phía trước, song song với Phương, vừa đi vừa nói bằng giọng hể hả:
- Thành công ngoài dự kiến! Thiếu điều không đủ chỗ ngồi. Coi bộ cái nghề buôn nước mắt đang thời kỳ thịnh vượng!  – Chủ nhà đột ngột chuyển sang hướng khác:- Dạo này em làm ăn ra sao? Tôi nghe tụi nó nói em khấm khá lắm,  có nhà riêng, xe riêng.  Xin chúc mừng!
Phương trớt môi, nói một hơi:
- Tụi nó nói quá đó thầy! Em làm sao bì được với mọi người, nhứt là thầy vừa mở lớp vừa đi làm tha hồ kiếm chác!
Chủ nhà bật cười khùng khục trong cổ họng, dang rộng hai cánh tay  ra phía trước để diễn đạt:
- Tất nhiên, thầy chẳng giấu giếm làm gì cả. Nói chung là thu nhập không đến nỗi tồi. Thầy còn có ý định mở thêm lớp nữa học vào các ngày còn lại nhưng đang còn phân vân có quán xuyến nổi hay không.
Lớp học nằm ở từng trên cùng. Rộng rãi. Và thoáng mát. Gần hai chục người nam có, nữ  có, tuổi tác cũng tầm tầm với Huệ. Họ đang xúm xít tán gẫu vừa cười khúc khích. Nhác thấy bóng ông thầy liền im lặng, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về một phía. Ông thầy vẫn giữ nguyên bộ dạng,  áo lót màu cháo lòng, quần short bị sút con đỉa,  bước lên cái bục gỗ bên cạnh cái bảng đen bự tổ bố  cố định trên vách bằng đinh vít. Cả lớp bỗng im phăng phắc. Phương lấy hai cái ghế nhựa chen lên phía trước rồi ngoắt Huệ tới, biểu ngồi xuống. Ông thầy nuốt nước bọt mấy cái rồi cất giọng oang oang như sấm rền:
- Xin chào mừng các bạn đã đến tham gia khóa huấn luyện! Rõ ràng việc khóc mướn hiện nay có nhu cầu rất lớn. Học viên các khóa trước tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, thu nhập không tồi! Thế thì các bạn còn chần chờ gì nữa mà không giới thiệu những người khác cùng tham dự! Tôi xin đảm bảo những thí sinh được chọn lọc, đào tạo sẽ có tay nghề vững vàng và tha hồ kiếm ăn. Đề nghị tất cả hãy cho một tràng pháo tay vì một tương lai xán lạn  đang chờ đón.
Nói xong, ông ta đưa hai bàn tay chuối mắn vỗ vào nhau bộp bộp, tất cả cùng làm theo kèm theo là những tiếng reo hò kích động. Huệ ngồi ở hàng trên cùng không tham gia, bắt gặp ánh mắt khó chịu của ông thầy cô  lật đật vỗ theo như cái máy. Tràng pháo tay vừa dứt, ông thầy cất giọng hả hê:
-  Cám ơn! Trước hết  xin tự giới thiệu, tôi tên Trình, năm mươi sáu tuổi. Một vợ, bốn con,  “ râu ria “ không tính. ( cả lớp cười ồ ) Im lặng! Bây giờ, tôi sẽ thông báo một số quy định bắt buộc trong suốt khóa học. Các bạn có thể có ý kiến,  khi tôi dứt lời. Tôi có một yêu cầu trong lúc tôi nói không  ai được làm ồn,  gây mất trật tự, nếu không tôi buộc lòng mời ra khỏi lớp, mọi người rõ chưa?
- Rõ! – Tất cả đồng thanh đáp rất khí thế.
- Tốt! – Ông thầy gật đầu tỏ vẻ hài lòng và tiếp tục nói:
- Tiền học phí trọn khóa là bảy trăm rưởi. Đóng một lần kể từ khi tham gia tiết học đầu tiên, ai cảm thấy mình kham không nổi thì xin mời. – Ông thầy khoát tay ra phía cửa:-  Tánh tôi gì gì chớ  tiền bạc là phải sòng phẳng, rạch ròi  không được lôi thôi! Thời gian học là ba tháng, mỗi tuần ba buỗi, mỗi buỗi hai tiếng, giải lao mười lăm phút. Trong đó phần lý thuyết và thực hành tại lớp là hai tháng rưởi, đi thực tế  nửa tháng và cuối cùng là thi tốt nghiệp...
Một cánh tay khẳng khiu trong đám đông giơ lên. Đó là một chàng trai còn rất trẻ, trên sống mũi gắn cặp kính cận dày cộp, mái tóc bồng bềnh ra dáng là một sinh viên văn khoa:
- Thưa thầy, nếu kết thúc khóa học, học viên chưa nắm vững được  bí quyết nghề nghiệp thì sao ạ. Thầy có cam kết dạy bao ra nghề không và giấy chứng nhận do ai cấp, có giá trị pháp lý không?
Cụt hứng vì bị cắt ngang giữa chừng, thầy Trình xụ mặt lại, càm ràm điều gì đó trong cổ họng rồi vung tay múa loạn xị:
- Tôi cam kết bao ra nghề  nên các bạn cứ yên tâm, còn giấy chứng nhận thì...- Ông thầy lúng túng, nuốt nước miếng ừng ực rồi nói :- Các bạn thừa hiểu rằng, công việc của chúng ta chưa được  thừa nhận là một nghề thật sự mặc dù thị trường có nhu cầu rất lớn và đã nghiễm nhiên tồn tại trong nhiều năm qua,vì thế giấy chứng nhận chỉ có giá trị giữa tôi và các bạn. Tôi cũng đang nhờ luật sư giỏi can thiệp và hy vọng trong tương lai không xa công việc của chúng ta sẽ được xã hội công nhận và tôn vinh như những nghề khác!
Một cô gái có gương mặt đẹp, thân hình như người mẫu thời trang rụt rè đứng lên  nói:
- Thưa thầy, tiền bạc và thời gian rõ ràng là một gánh nặng. Điều em băn khoăn là sau khi học xong thầy có đảm bảo việc làm cho chúng em không, thu nhập cụ thể  ra sao?
Ông thầy bật cười độ lượng:
- Thời gian đầu tôi sẽ giới thiệu việc làm cho các bạn, sau đó tùy thuộc vào các mối quan hệ các bạn sẽ tự lo lấy. Các bạn cứ yên tâm, công việc lúc nào cũng có sẵn chỉ e kham không nổi mà thôi, còn thu nhập thì ..hề..hề...tôi nói sợ trong số các bạn sẽ có người ngất xỉu cho mà coi. Đây nè! – Ông thầy lấy ra tờ giấy hình chữ nhật được bọc nhựa cẩn thận:- Theo thời giá hiện nay, mỗi sô khóc mướn kéo dài từ mười đến mười lăm phút các bạn sẽ nhận thù lao là năm chục ngàn, đấy là chưa kể đến tiền boa của thân chủ nếu ta khóc quá đạt! Mỗi ngày các bạn có thể “ chạy “ được ít nhứt là bốn, năm thậm chí cả chục sô! Nếu các bạn không tin thì hãy hỏi trực tiếp cô Phương đây. Cổ là học viên những khóa trước, nhờ nghề này mà đã sắm xe, mua nhà và nhiều tiện nghi khác. Xin mời cô Phương đứng dậy cho mọi người chiêm ngưỡng cái  dung nhan!
Phương đứng dậy, kể khá chi tiết về công việc của mình và xác nhận những lời nói của ông thầy là đúng. Đám đông bắt đầu chộn rộn hẳn lên, họ tranh nhau đặt câu hỏi với sự phấn khích tột cùng.
- Chị Phương này, tôi xin hỏi chị một câu, chị đã làm nghề này trong nhiều năm vậy chị có những khó khăn và thuận lợi gì?
Chẳng cần suy nghĩ, Phương trả lời ngay:
- Khó khăn chủ yếu là thời gian đầu, lúc đó tay nghề chưa được cứng, đóng kịch chưa đạt nên thân chủ không hài lòng, thậm chí có người không chịu trả tiền công. Nhưng đó chỉ là bước đầu, sau khi nắm vững nghề nghiệp thì mọi việc trở nên suôn sẻ. Còn thuận lợi là công việc này đòi hỏi nhiều người cùng tham gia, thông thường một đám ma người ta mướn vài ba người thậm chí có kẻ chơi ngông thuê một lúc cả chục người, người này giới thiệu người kia nên luôn có việc làm hoài không hết!
Người khác lại hỏi:
- Trong công việc chị có những niềm vui và nỗi buồn gì?
Phương im lặng, mắt mơ màng một lúc rồi nói:
- Đã hơn một lần tôi gặp phải cảnh bẽ bàng. Lần ấy tôi nhận được tin người thân ở dưới quê đột ngột qua đời. Đang chuẩn bị về quê lo an táng thì có người đến “ đặt hàng”. Khách là ông chủ tịch phường có vợ vừa chết vì bệnh ung thư, tôi đã từ chối và giới thiệu người khác, nhưng ông ta không chấp nhận và nhứt định  phải là tôi chớ không ngoài ai khác! Ông chủ tịch  có cô con gái trạc tuổi và hao hao giống tôi đang du học tự túc ở nước ngoài không thể về kịp. Thấy tôi tỏ thái độ dứt khoát, ông ta đe dọa:
- Hoặc là cô chấp nhận lời đề nghị của tôi để đổi lấy sự yên ổn hoặc là cô sẽ vĩnh viễn cút khỏi chỗ này! Tôi thừa biết, cô cư trú bất hợp pháp!
Phương đột ngột im lặng, lúc sau tiếp tục câu chuyện giọng bị rè đi:
- Cuối cùng, tôi buộc lòng phải chiều ý ông khách. Ổng liệng  cho tôi bộ đồ tang và ra lịnh phải khóc thật thảm thiết! Tôi đã khóc trong đau đớn tột cùng, khóc cho thay phần  người thân đã chết. Tôi khóc cho chính mình!
Cả lớp học lặng im phăng phắc, chỉ có tiếng phần phật của cánh quạt trần vãi gió. Hồi lâu, trong đám đông, cất lên giọng nữ trong trẻo xua tan bầu không khí nặng nề:
- Vậy còn niềm vui?
- Niềm vui là mình đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của một đám ma. Các bạn thử nghĩ mà coi, đám tang mà thiếu nước mắt thì trở nên nhạt nhẽo, vô hồn,  có thể ví như....
Phương lắp bắp không sao tìm được lời lẽ cho thích hợp thì ông thầy lẹ miệng thốt lên:
- Cũng có thể ví như  thịt chó mà thiếu củ riềng!
Cả lớp cùng cười lăn ra. Phương quay về chỗ ngồi, nói với Huệ:
- Thôi, tao về trước. Cố gắng nghen.
Huệ gật đầu. Phương bước rón rén ra phía cửa. Thầy Trình cũng tò tò:
- Em nói tốt lắm. Khóa sau, tôi cũng sẽ nhờ em. Nhưng em đừng lôi những chuyện buồn ra kể, tụi nó nản.
Phương gật đầu, bước xuống cầu thang. Thầy Trình quay trở lại lớp học:
- Các bạn đã tin tôi rồi chớ? Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu bài học đầu tiên, các bạn hãy tập trung nhìn lên bảng. Nói đoạn, ông ta cầm cục phấn viết mấy chữ “ Nghệ thuật khóc trước công chúng” rồi quay người lại đối diện với lớp học và nói:
- Công việc của chúng ta có thể ví như những người nghệ sĩ thật sự. Người nghệ sĩ muốn thành công trong vai diễn thì phải hóa thân vào nhân vật, sống bằng cuộc sống của nhân vật, vui bằng niềm vui và cùng đau khổ với nhân vật. Chúng ta cũng vậy, không thể nào làm khác hơn được nếu muốn thành công trong sự nghiệp của mình, sự dễ dãi, ẩu tả sẽ  biến chúng ta trở thành con rối lố bịch chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Chúng ta phải khóc như thế nào khiến người ta mủi lòng khóc theo và vui lòng móc hầu bao ra là coi như thắng lợi! Vậy thì trước tiên chúng ta phải làm gì? Bạn nào xung phong trả lời câu hỏi này?
 Anh sinh viên ngồi yên tại chỗ trả lời:
- Dạ thưa thầy, trước hết ta phải nghĩ rằng người đang nằm trong sáu miếng gỗ ghép kia là người thân của mình và sự ra đi của họ chính là sự mất mát to lớn nhứt của bản thân ta mà không gì có thể bù đắp được.
Ông thầy đưa tay vỗ vỗ mấy cái, khen:
- Bạn  đã hiểu được vấn đề rồi đó! Nhưng điều quan trọng là từ lý thuyết đến thực tế có khoảng cách khá xa mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Nào, mời bạn lên đây.
Anh sinh viên thoáng chần chừ,  nhìn ánh mắt khích lệ của thầy, cuối cùng cũng mạnh dạn bước lên. Thầy Trình  nói:
- Tôi đặt cho bạn một tình huống:  cha của bạn chẳng may qua đời, bạn từ thành phố trở về chịu tang, bạn sẽ làm như thế nào?
Anh sinh viên lọng cọng, không biết xử trí ra sao, cứ ngơ ngác hết nhìn thầy Trình rồi nhìn mọi người:
- Dạ, tất nhiên là em sẽ khóc và....
- Vậy thì khóc đi! Cả lớp yên lặng, không được cười.
Anh sinh viên đưa tay gãi cái đầu rối bù, mặt thộn ra trông rất tức cười, rồi gật đầu thú nhận:
- Em chịu thua, mắc cỡ  quá thầy! – Nói xong, anh ta toét miệng cười.
Thầy Trình nghiêm mặt:
- Đây là một chuyện hết sức nghiêm túc chớ không phải là trò cười! Nếu bạn mang gương mặt nhăn nhở này vào đám tang chắc chắn sẽ nhận được vô số cà chua và trứng thúi! Bạn có hiểu tại sao mình không nhỏ được giọt nước mắt nào không?
- Dạ, dạ...
- Tại gì bạn chưa sẵn sàng nhập vai, còn bị ngoại cảnh chi phối. Không nên quá căng thẳng, hãy buông lỏng ra và coi những người ngồi đây như  như cỏ rác! – Đoạn ông thầy đưa hai tay xoa mặt mấy cái:- Bạn hãy làm theo tôi đây, trước hết hãy nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, liên tưởng và khóc!
Thầy Trình im lặng, tập trung chừng vài giây rồi  khóc rống lên. Tiếng khóc nghe thật bi ai, thê thảm, phút chốc nước mắt, nước mũi chảy đầy mặt. Lúc đầu phía dưới có mấy người che miệng cười thầm, có cô cúi mặt xuống đất cắn hạt dưa tí  tách nhưng rồi tất cả bỗng bị cuốn theo lúc nào không hay. Vừa khóc thầy Trình vừa kể lể, giọng nghe ai oán, thê lương:
- Cha ơi, con bất hiếu không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối. Hờ..cả cuộc đời cha đã chịu siết bao đắng cay, khổ cực vì con. Đến nay khi con đã khôn lớn  thành người , chưa kịp đền đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục thì cha đã vội về với đất! Hờ.. cha ơi, mất cha rồi đời con trở nên vô nghĩa, như  con thuyền tròng trành không người cầm lái, con biết sống như thế nào trong những ngày còn lại? Cha ơi, hờ..
Thầy Trình nhập vai đạt đến nỗi nhiều người ngồi bên dưới cũng động lòng khóc theo. Huệ cũng khóc, tiếng khóc bật lên thành tiếng. Đang khóc ngon trớn bỗng thầy Trình dừng lại đột ngột, lấy khăn mùi soa lau mặt rồi nhoẻn miệng cười tỉnh queo:
- Đấy là tôi chỉ khóc mẫu cho các bạn coi thôi. Rồi các bạn sẽ học đầy đủ mười hai kiểu khóc khác nhau, khóc cho gia đình người Hoa như thế nào; người Bắc, người Khơ Me ra sao, nhiều, nhiều lắm. Bây giờ tôi sẽ giảng qua một lượt để các bạn nắm vững những nội dung cơ bản, sau đó ghi chi tiết vô tập và học thuộc lòng.
Cả lớp yên lặng chỉ có tiếng giảng bài sang sảng của ông Trình, tiếng viết bi  lướt trên giấy trắng, tiếng ho húng hắng của ai đó phía cuối lớp. Huệ ngồi chăm chú lắng nghe như một học sinh ngoan ngoãn. Đã hơn năm năm rồi, Huệ mới có dịp sống lại không khí “ học đường “. Phía ngoài cửa sổ nắng chói chang một màu vàng mật. Những ngọn gió mạnh bất ngờ ấp tới  làm rung rinh cửa kiếng.

<< Chương 17 | Chương 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 975

Return to top