Phòng trưng bày tranh cũng là nơi ẩn náu bốn sinh linh bé nhỏ. Tranh treo tòn ten xung quanh nhà, trên tường, dưới đất la liệt. Hớn đang cặm cụi bên giá vẽ. Chiếc cọ sơn múa thoăn thoắt trên tay. Vừa vẽ, anh vừa nói chuyện với người bên cạnh. Tuấn hỏi Hớn dạo này có bán được bức tranh nào không, Hớn lắc đầu cười buồn.
Ngân nói:
- Anh đừng nản. Vanhxăng Van Gốc khi sinh thời mang cả chục bức tranh để có một ấm cà phê mà chẳng ai thèm đổi. Em thấy tranh của anh tuy chưa sắc xảo nhưng rất có hồn...
- Em nói! – Hớn bật cười sang sảng :- Van Gốc là vĩ nhân, là thiên tài xuất chúng đem so với một kẻ mạt hạng như anh thì quả là khập khiễng. Động viên anh kiểu này, khác nào tán vô mặt anh!
Cả ba cùng cười. Chị Nhã đang lúi húi làm bếp, nói vọng lên. Giọng chị cao vun vút:
- Ảnh đúng là thiên tài đang núp dưới lá ủ, còn phải chờ thời!
Vì chờ thời nên Hớn đành phải xoay sang làm nghề chép tranh vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có dịp rèn luyện tay nghề. Mỗi bức tranh chép độ một tuần với giá dao động từ vài trăm ngàn đến một triệu, tùy theo kích thước và độ khó bức tranh. Có bà Việt kiều Mỹ, cứ vài tháng đến đặt hàng một lần. Cũng có khi Hớn gặp phải cảnh thất nghiệp, những lúc ấy, anh xây qua vẽ áo dài, rèm cửa, thậm chí vẽ cả guốc, bất kỳ việc gì miễn có tiền là anh không từ nan. Có vợ con rồi nên anh không có quyền lựa chọn.
- Hai đứa bây ở lại ăn cơm với anh chị luôn thể. Lâu ngày mới gặp nhau phải nói chuyện một bữa đã đời. Nhã à, chai rượu Tây em cất đâu rồi?
Chị Nhã tót vô buồng lấy ra chai rượu còn nguyên trong hộp. Chị thanh minh phải cất xa tầm mắt của chồng vì sợ anh thấy sẽ thèm chảy nước miếng! Chị kể, có lần Hớn nốc cả chai Napoleon, rồi thốc tháo giường chiếu. Hôi rình.
- Có chuyện đó kể hoài! Đó là lúc anh tìm cảm hứng sáng tác!
Chén bát được dọn ra. Hớn điều khiển xe lăn sát bàn. Cái bàn được thiết kế phù hợp với vị trí hơi thấp so với người bình thường. Ngân xuống bếp phụ chị Nhã bưng các thứ lên. Chị Nhã ngó chừng nồi canh chua, vừa chuyện trò với Ngân:
- Em quen Tuấn bao lâu rồi?
- Dạ, cũng mới thôi. Em là thư ký riêng của ảnh.
- Vậy sao! Tuấn là người có bản lãnh và biết nghĩ về người khác. Anh chị đây được Tuấn giúp đỡ rất nhiều. Không phải vì Tuấn là ân nhân, là chỗ bạn bè thân thiết mà chị nói tốt cho cậu ta. Thật lòng mà nói, người như Tuấn không dễ gì tìm được. Nếu hai đứa đã gì gì...anh chị cũng mừng. Ba mươi rồi chớ đâu còn trẻ trung gì nữa, vậy mà, hễ đề cập đến chuyện vợ con là cậu ta nhăn nhó như khỉ ăn ớt! Dạo này, chị thấy Tuấn khang khác, khi người ta yêu hạnh phúc cứ bừng trên gương mặt làm sao mà giấu được!
- Chị ơi, chúng em chỉ quan hệ công việc thôi chớ chưa có gì . Ảnh mà nghe được, em không biết xử sự làm sao!
Chị Nhã múc canh vô tô rồi đặt xuống mâm. Sau đó dùng đũa gấp cái bao tử heo đang sôi sùng sục trong chiếc nồi bằng inox:
- Em lấy giùm chị cái thớt. Ông xã chị khoái món bao tử luộc chấm mắm tôm lắm. Nhưng luộc đừng để lâu quá, dai, ăn không ngon.
Chị Nhã xắc thành từng miếng nhỏ cỡ lóng tay. Chị chứng tỏ là một đầu bếp chuyên nghiệp, mắt nhìn Ngân mà tay cầm dao vẫn múa thoăn thoát:
- Em biết Tuấn thích ăn món gì không? – Rồi không đợi Ngân trả lời, chị nói luôn:- Rau lang luộc chấm nước cá kho, canh chua rau muống bỏ ớt thiệt cay, giám đốc mà chỉ thích ăn toàn là những món nhà nghèo. Em có kén ăn không?
- Không, em ăn gì cũng được, dễ nuôi lắm, chị!
Chị Nhã gật gù:
- Như vậy thì tốt! Nhiều khi ta cứ cho đó là chuyện cỏn con nên chẳng bận tâm, nhưng khi về ở với nhau mới sanh ra lắm chuyện lôi thôi. Đến đỗi có cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa ly dị chỉ vì ông chồng thích ăn trứng chiên, còn bà vợ thì chỉ ưng mỗi món trứng luộc!
- Chuyện đó có thiệt hả chị?
- Thiệt chớ. Vì thế vợ chồng phải biết cách dung hòa với nhau thì mới có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Thật ra anh chị cũng có nhiều điểm khác biệt về sở thích, tính cách...Anh Hớn thích mắm tôm, còn chị thì hửi mùi thôi đã cháng váng mặt mày. Vậy mà bây giờ chị lại ghiền còn hơn ảnh nữa!
Ý tứ trong lời nói của chị Nhã, cứ như cô và Tuấn sắp sửa nên vợ nên chồng!
Chị Nhã lại hỏi:
- Em có biết tật xấu của Tuấn không?
- Không! – Ngân đáp liền. Dầu vậy, cô cũng suy nghĩ một lúc rồi nói không được tự tin:- Hình như là ..ảnh hơi bảo thủ thì phải.
- Đúng phóc! – Chị Nhã vắt chanh vô chén mắm tôm, cho thêm muỗng cà phê đường, bột ngọt rồi khuấy đều đến khi sủi bọt:- Đó là căn bịnh chung của những người trẻ tuổi sớm thành đạt. Bịnh này không phải không có thuốc trị, nhưng cần phải khéo léo, tế nhị và mất khá nhiều thời gian. Người đàn bà khôn là người phải biết dại đúng lúc! Hễ không vừa ý điều gì cứ gân cổ ra mà cãi thì thế nào cũng xảy ra chiến tranh!
- Ủa, mấy bà định ngủ dưới bếp hay sao vậy cà? Anh em tôi đói meo cả ruột đây. – Giọng Hớn rè rè, khôi hài.
- Có ngay! – Chị Nhã giục Ngân bưng phụ các thứ lên bàn.
Hớn rót rượu ra bốn cái ly nhỏ. Ngân định từ chối. Hớn lừ mắt nạt lớn:
- Hôm nay là ngày vui, mỗi người phải làm một hớp cho cuộc đời lâng lâng! Từ chối sẽ bị phạt gấp đôi!
Ngân bới cơm cho chị Nhã, cho mình. Còn hai người đàn ông phải lai rai trước đã, cơm nước tính sau.
Anh Hớn uống liền ba ly rượu, lấy đũa gấp trái cà pháo, chấm mắm tôm cho vô miệng nhai ràu rạu, rồi rung đùi tỏ vẻ khoái chí:
- Uống đi thằng em! Chúng ta phải cạn ly này để cám ơn cuộc đời đã quá ưu ái cho hai thằng trôi sông lạc chợ. Hồi đó, tao cứ nghĩ mình sẽ không sống đến mười tám tuổi, cái tuổi được quyền đi bầu. Vậy mà chúng ta vẫn sống phây phây, sống đàng hoàng như bao người khác, nếu không có phép lạ thì là cái gì?
- Ừ, nếu không có phép lạ, hai anh em đã chết rục xương ở đầu đường xó chợ mất rồi. – Tuấn nói.
Hớn bỗng “ à “ lên một tiếng, rồi nói:
- Tuấn, mày còn nhớ thằng Tâm ghẻ đại ca trong bọn đánh giày hôn? Cách đây ít lâu, nó có ghé thăm tao. Bây giờ nó làm đội trưởng đội bốc xếp ở chợ Cầu Muối, cũng vợ con đàng hoàng như ai. Vợ nó làm công nhân Xí nghiệp dược phẩm. Coi bộ cũng khấm khá. Tao bảo đảm với mày, nếu gặp mặt chắc chắn mày sẽ không nhận ra nó đâu. Đen cháy. Hiền như cục bột! Vậy mà tao cứ đinh ninh nó sẽ trở thành tướng cướp.
Hồi đó Tâm ghẻ thường kéo cả bọn đánh giày đến trấn lột tiền bán bong bóng của Tuấn. Tuấn khóc, năn nỉ nó chừa lại tiền để làm vốn, nó không nghe còn đá cho mấy đá xịt máu mũi. Thấy cảnh trái tai gai mắt chịu không nổi, anh Hớn bèn lết ra. Hai tay cầm hai cục đá bự chần vần:
- Buông thằng nhỏ ra! Không thôi, tao chọi bể đầu!
- Ha.. ha.. thằng xi cà que này bày đặt làm nghĩa hiệp! Tụi bây xông vô đánh chết mẹ nó cho tao! – Tâm ghẻ ra lịnh.
Hớn chọi, nhưng không trúng ai. Bọn trẻ đánh giày bèn xông vô “ dần “ cho một trận thừa sống, thiếu chết. Bọn chúng rút đi, cũng là lúc hai anh em nằm một đống trên vỉa hè như hai cái xác.
- Tui bị tụi nó đánh quen rồi, anh xông vô làm gì cho no đòn?
Hớn đưa tay quệt máu trên cặp môi giập nát, nói bằng giọng hết hơi:
- Thấy mày bị tụi nó đá như trái banh, tao cầm lòng không đặng. Ui, đau quá!
Cả ngày không có hột cơm trong bụng, Hớn đói nhừ, không nhấc tay lên nổi. Tuấn bèn lẻn vô nhà dân ăn trộm, không trộm tiền, trộm bạc, mà rinh nguyên một nồi thịt kho! Không cần đũa chén, cứ thế mà bốc! Ăn gần hết nồi thịt mới phát hiện ra là thịt chỉ mới ướp chớ chưa có kho! Hèn gì mấy miếng da cứ dai nhách! Chừng mười lăm phút sau bụng cứ reo lên ùng ục, và bị Tào Tháo đuổi một phen trối chết.
Tuấn, tay chưn lành lặn nên không đến nỗi nào. Còn Hớn thì chịu chết. Cả tuần sau, quần áo vẫn còn bốc mùi!
Có lần, hai anh em vô quán hủ tiếu húp nước lèo. Gặp phải thằng cha khách chơi dã man, trút cả hũ ớt . Húp tới đâu, nước mắt chảy tới đó, vậy mà vẫn cứ khen ngon! Trước khi rời khỏi quán còn cắm vắt vẻo cọng tăm xỉa răng, làm như mới vừa đi ăn tiệc ở nhà hàng!
Hai anh em vừa nâng ly, vừa nhắc lại một thời cơ cực bằng chất giọng sôi nổi, vô tư, thỉnh thoảng lại chêm vài câu pha trò vui như tết. Ngân thấy đau nhói ở tim, cay cay ở sống mũi.
- Hết canh rồi, để em đi múc.
Ngân bước nhanh xuống bếp, tựa lưng vô tường thẫn thờ như người mộng du.
Tan tiệc, hai người đàn ông ngồi uống nước trà đặc sệt. Ngân dành phần rửa chén, nhưng chị Nhã không chịu. Rốt cuộc hai chị em cùng rửa.
Ngân nói bằng giọng xúc động:
- Em cứ tưởng mình khổ lắm rồi, không ngờ mấy ảnh còn khổ hơn gấp ngàn lần. Mấy ảnh kể về nỗi đau của mình mà tỉnh như không.
- Con người rất dễ thích nghi với cuộc sống, sung sướng cũng quen mà khổ cực cũng chẳng ảnh hưởng gì. Đó là ảnh chỉ kể sơ sơ thôi. Em mà nghe từ đầu chí cuối, thế nào cũng khóc lụt lội cho mà coi.
Xong xuôi, hai người cùng ngồi vô bàn uống trà. Anh Hớn nheo mắt nhìn Ngân, gật đầu tỏ vẻ vừa ý lắm:
- Bây giờ anh mới biết, tại sao thằng Tuấn cứ dùng dằng không chịu lấy vợ. Thì ra nó đang chờ đợi một người, và người đó chính là em! – Đoạn, anh Hớn dòm Ngân, ánh mắt vừa khôi hài vừa ấm áp rồi nhoẻn miệng cười hết cỡ :- Hai đứa bây trông xứng đôi vừa lứa lắm!
Ngân thấy nóng bừng ở vành tai. Day mặt sang chỗ khác trốn chạy cái nhìn của Hớn , lúc sau cô từ từ xây lại, kín đáo liếc mắt về phía Tuấn. Tuấn cũng đang dòm cô. Cái miệng nửa mím nửa cười. Mắc cỡ quá, Ngân liền cúi mặt xuống gầm bàn . Đôi giày da đen bóng của Tuấn gõ nhịp đều đều lên nền gạch. Tại sao Tuấn không tỏ thái độ gì cả, mà cứ rung đùi như vậy nhỉ. Đúng là...
- Ngân năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ, hai mươi bốn.
- Tuổi đẹp đây! Chừng nào hai đứa cho anh chị uống rượu mừng?
Hớn đưa mắt ngầm hỏi Tuấn. Tuấn im lặng, liếc về phía Ngân một cách đầy ngụ ý.
Ngân ngây người như khúc gỗ. Toàn thân nhuộm màu đỏ ửng. Chị Nhã thấy vậy bèn ra tay “ cứu bồ “ bằng cách kể vài mẩu chuyện tiếu lâm vô thưởng vô phạt.
Chuyện trò vui vẻ, gần mười giờ đêm mới rời khỏi nhà. Hai người đi bên nhau im lặng, đeo đuổi theo những ý nghĩ riêng của mình. Tuấn chở Ngân về nhà.
- Em thấy ảnh chỉ như thế nào?
- Vui, chân tình, cởi mở, nhưng...
- Ảnh hơi quá chén, nói giỡn thôi mà, Ngân đừng bận tâm làm gì.
Tuấn giảm ga, trả số, chờ chiếc xe tải chở bia lướt qua mới bắt đầu tăng ga vọt lên phía trước. Tuấn định nói điều gì đó, nhưng khó nói nên cứ nuốt nước bọt liên tục. Khi qua dãy phố cà phê, anh đề nghị: - Hãy còn sớm, mình vô quán uống cốc cà phê nhá.
Ngân cũng muốn lắm, nhưng cô lại nói ngược suy nghĩ của mình:
- Em mắc kẹt nhiều chuyện lắm.
- Vậy để khi khác.
Vòng vòng một lúc, xe dừng lại trước ngõ hẻm. Ngân bước xuống xe không quên nói vài câu cám ơn, chúc ngủ ngon cho có lệ. Khi cô vừa đi được vài bước thì Tuấn nói với theo:
- Ngân ơi, nếu chuyện đó là thật, thì em nghĩ như thế nào?
Ngân hơi khựng lại, xoay nửa vòng cổ rồi bước đi như chạy. Tuấn nhìn theo bóng Ngân, nói làu bàu trong cổ họng:
- Ngân ơi, anh yêu em!