Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hoa và nước mắt

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15137 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hoa và nước mắt
Hoàng Ngọc Hà

Chương 5

   Hưng đứng dậy , hôn phớt vào má vợ rồi vội vã ra khỏi phòng. Hưng cũng buồn ngủ rũ ra rồi, anh chẳng nghĩ gì nữa. Hôm sau trong nhà vẫn êm đềm. Tuyết vẫn chăm lo cơm nóng canh ngọt, vẫn là quần áo thẳng tắp cho chồng đi làm. Nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ.
Thật không hiểu Tuyết lấy đâu ra thời gian mà cô ấy làm tốt cả việc nhà, cả công tác và dạy dỗ con học hành nữa.
Hưng không thể hình dung nếu đời anh thiếu Tuyết thì làm sao anh có thể sống nổi được. Bận thế mà lúc nào Tuyết cũng đẹp đẽ, thanh thản, sang trọng. Chẳng ai hình dung nổi Tuyết liên tục làm việc, chẳng được nghỉ ngơi lúc nào. Hưng cho điều đó là tất yếu. Cả việc Tuyết chẳng bao giờ cáu gắt, nói năng lúc nào cũng nhẹ nhàng, anh cũng cho đó là thiên tính trời phú cho, đàn bà là phải như vậy.
Anh đã hưởng hạnh phúc một cách hồn nhiên như con người hít thở khí trời vậy. Của trời cho, lúc nào cũng có sẵn !
Cuộc sống êm đềm ấy cứ trôi đi theo năm tháng. Hưng ngày càng yên tâm với gia đình thì anh lại càng trở thành Rô Bốt tuyệt diệu. Tuyệt diệu đến mức mọi việc trong ngày diễn ra đúng theo thời khắc đến từng phút. Bảy giờ rưỡi là Hưng lên xe ô tô đi làm. Đúng 11 rưỡi về nhà, ăn cơm nửa tiếng , rồi vào phòng ngủ trưa đúng 30 phút. Rồi lại lên xe ô tô đi làm. Chiều đi bơi ở bể bơi Ba Đình. Đúng 6 h chiều có mặt ở nhà , ăn cơm tối. Xem ti vi hết giờ thời sự quốc tế là vào buồng làm việc. 11 giờ vào giường với vợ - Nếu quá giờ ấy không vào, tức là anh ta ngủ tại phòng riêng.
Hưng thú vị với nề nếp ấy, bởi nó giúp anh tiết kiệm thời gian, đỡ mệt mỏi vì những đảo lộn sinh hoạt, đỡ phiền phức với mọi người trong nhà. Hơn nữa anh thấy mình là chủ nhà và vợ con phải phục tùng nề nếp do anh đặt ra.
Tuyết trái lại, cô thấy mệt mỏi trong cuộc sống đơn điệu vô hồn ấy. Cô hoảng sợ thấy mình biến thành một bộ phận trong con người máy ấy. Cô vừa quý vừa ghét ông chồng Rôbốt.
Cô làm việc cần cù ở nhà, nhưng chỉ thấy niềm vui ở cơ quan, giữa bè bạn.

Thế rồi Lâm xuất hiện, như một ngọn gió lành thổi tới giữa mùa nồng nực. Căn nhà bỗng tươi sáng lên.
Hôm đó ô tô Hưng về trước cửa, không chỉ một mình Hưng bước vào nhà, mà còn có một ông khách cao lớn, sang trọng bước vào cùng. Tuyết đứng sững lại, má ửng hồng không nói được lời nào. Ông khách reo lên:
- Chị Tuyết !
- Lâm, cậu về lúc nào mà chị không biết.
Hưng vui mừng thấy vợ vui vẻ đến thế, anh nói :
- Hai người quen nhau à ? Tuyệt lắm
Tuyết giới thiệu:
- Lâm là bạn với cậu Huy từ thuở học cấp I. Cậu ấy vẫn đến nhà chơi - Lúc bé đùa nghịch quá thể, vậy mà bây giờ nom sang trọng như một chính khách.
Hưng cũng giới thiệu lại với vợ:
- Lâm bây giờ về làm Phó Tổng giám đóc cho anh. Cậu ấy phụ trách về kỹ thuật xây dựng công trình. Anh phải đấu tranh mãi với ban tổ chức chính phủ mới kéo về được đấy. Có người cộng tác giỏi còn sướng hơn cả được vợ đẹp cơ đấy !
Tất cả cười xoà, Tuyết chẳng giận mà còn vui hơn nữa:
- Rô bốt không cần vợ, chỉ cần người lập chương trình !
Hưng cười , nói với Lâm:
- Cô ấy gọi mình là Rô bốt Tuyệt diệu đấy !
Tuyết nói quyết đoán và thân tình:
- Tối nay Lâm ở lại ăn cơm. Chúng ta liên hoan gia đình. Huy đi Sài Gòn thành ra không mời được, hôm nào cậu ấy ra, ta lại liên hoan nữa.
Lâm nói chân thành và hồ hởi:
- Em sẵn sàng nhận lời. Gã độc thân bao giờ cũng tự do làm theo ý mình
- Này cậu Lâm, dễ đến 30 rồi đấy nhỉ. Thôi lo kiếm vợ là vừa, không thì ế đấy.
Lâm nhìn Tuyết, anh nói chẳng hiểu đùa hay thật:
- Khi nào em gặp được cô nào như chị thì em mới lấy, còn không thì sống một mình sướng hơn.
Hưng nghe đầy tự hào, anh cười hể hả:
- Thôi ta vào nhà. Mình với Lâm làm tiếp công việc, để Tuyết lo chuyện cơm nước.
Lâm lắc đầu:
- Chuyện công việc để mai anh ạ. Bây giờ em phải làm giúp chị Tuyết chuẩn bị tiệc chứ
- Thế thì tớ làm gì? Hưng thật thà hỏi vợ, anh chưa bao giờ biết làm việc nội trợ.
Tuyết buồn cười về sự ngây ngô của chồng, cô nói:
- Anh dọn dẹp lau nhà cửa đi. Phải tập làm đi cho quen. Còn Lâm làm gà. Em chỉ đạo kỹ thuật nấu nướng.
Thật là một buổi chiều vui vẻ rộn ràng. Quỳnh lập tức thân thiết với chú Lâm. Hai chú cháu mổ gà, rồi lại cùng nhau gọt khoai tây, nhặt rau, chuyện trò râm ran.

Lâm bước vào nhà Hưng một cách tự nhiên như thế, và cả nhà cũng tự nhiên yêu quý Lâm theo cách của mình. Hưng quý Lâm lắm, đó là một con người thông minh tuyệt vời, xử sự các mối quan hệ trong nội bộ rất tài tình, các mâu thuẫn khó khăn anh ta đều gỡ một cách dễ dàng. Quan hệ với các nhà tư bản người Đức cùng liên doanh rất đàng hoàng tự tin. Bao giờ anh ta cũng kéo được nhiều điều lợi ích kinh tế lớn lao cho Tổng công ty.
Lâm là người đáng tin cậy. Anh ta bao giờ cũng trung thực và thẳng thắn. CHo đến nay, gia đình Hưng đổ vỡ vì Lâm, anh vẫn cần phải dùng Lâm giúp việc cho mình. Tuy không còn thân tình với nhau, nhưng họ vẫn là một ê kíp hợp " rơ" trong mọi công việc điều khiển Tổng công ty. Chính vì thế mà Hưng đổ mọi tội lỗi là do Tuyết. Đó là người đàn bà phù phiếm còn đàn ông họ chỉ là bị động. Anh đã mất Tuyết ở gia đình, anh không thể mất Lâm ở công ty được.
Hôm Tuyết bỏ nhà ra đi, Lâm đến gặp Hưng bối rối nói:
- Anh Hưng, em có tội lớn với anh, em chẳng biết làm thế nào bây giờ ? EM không nỡ đẩy chị Tuyết ra khỏi nhà em được ! Vả lại em cũng yêu chị ấy.
Hưng vừa giận dữ ghen tuông, vừa bất lực, anh rên rỉ:
- Lâm, cậu giết đời mình rồi, Tuyết là cả cuộc đời mình. Mình đã đánh mất cô ấy. Chẳng biết sẽ sống thế nào đây?
Lâm gục đầu, giọng nghẹn ngào:
- Em sẽ bỏ đi xa nơi đây. Trước mắt em vào thành phố HCM. Sau đó em sẽ đi làm thuê cho nước ngoài. Anh cho em thôi việc - Chỉ có như vậy em mới trốn khỏi Tuyết được. Và trốn cả chính mình nữa.
Lúc đầu Hưng đã gật đầu:
- Phải, có lẽ cậu đi đi. Chắc cậu cũng hiểu mình đau khổ như thế nào. Mà bé Quỳnh còn đau đớn hơn mình nhiều. Nó không thể sống thiếu mẹ được.
Thế nhưng một tuần sau, khi Lâm chuẩn bị mọi thủ tục để ra đi, thì Hưng lại phải mời Lâm đến.
- Lâm ơi, cậu đừng đi. Công việc không thể thiếu cậu được. Còn Tuyết thì chẳng bao giờ trở về nữa đâu. Mình biết cô ấy không yêu mình. Vậy thì nếu cậu đi thì mình đã mất Tuyết lại mất cả cậu nữa.
Câu chuyện diễn ra giữa hai người có vẻ như êm dịu, nhưng thật ra sóng gió dữ dội trong lòng Hưng. Cái tên đẹp mã khôn khéo đã cướp vợ anh.

Câu chuyện diễn ra giữa hai người có vẻ như êm dịu, nhưng thật ra sóng gió dữ dội trong lòng Hưng. Cái tên đẹp mã khôn khéo đã cướp mất vợ anh. Không chừng nó sẽ còn dành cả chức vụ của anh nữa. Nhiều đêm anh đã tính toán để trả thù đích đáng cái tên khốn nạn ấy, giết thì không thể và cũng không nên làm. Nhưng làm cho nó khốn đốn về kinh tế, mất uy tín về lãnh đạo. Để xem thử không chức, không tiền thì còn đủ ma lực quyến rũ đàn bà được nữa không?
Nhưng vốn bản lĩnh hiền lành, nên anh rút cục lại nhận thấy sai lầm về chính mình : chính mình không đáp ứng được tình cảm nồng nàn của Tuyết, mình bỏ Tuyết trong cô đơn. Cô ấy ra đi vì chán mình. Không có Lâm, thì cô ấy cũng đi theo người khác.
Thế nên khi Lâm đến nhận lỗi và xin ra đi , thì lòng anh mềm lại, và bỗng nhiên nhận ra việc mất Tuyết là một tất yếu số phận của mình.
Cả cơ quan sửng sốt thấy Hưng và Lâm vẫn giữ được quan hệ công tác tốt đẹp. Lúc đầu họ rất lo việc tan vỡ gia đình của Hưng sẽ dẫn đến tan vỡ mối quan hệ trong ban lãnh đạo của tổng công ty. Và như vậy thì sẽ tồn hại đến lợi ích kinh tế chung, và tất nhiên đời sống của từng người sẽ chao đảo.
Lớp cán bộ già tấm tắc khen ngợi:
- Những con người có văn hoá xử sự bao giờ cũng đúng mực. Nhân cách con người được sáng lên qua những việc đời thường như vậy đấy.
Còn lớp trẻ thì nhận xét:
- Quy luật kinh tế có sức mạnh thế đấy. Chẳng cần hội họp kiểm điểm gì cho rách việc. Vì lợi ích thiết thân, mỗi người đều tự biết điều chỉnh cách xử sự sao cho có lợi.
Hưng bỏ ngoài tai cả lời khen, lời chê. Anh biết chẳng thể làm gì hơn được nữa, đành cam chịu vậy .

... Nghĩ ngợi miên man làm Hưng lãng quên nỗi đau hiện tại và anh thiếp ngủ đi. Mãi đến lúc anh nghe tiếng đập cửa như phá và tiếng khóc nức nở của vợ:
- Anh Hưng ơi mở cửa nào, mở cửa ra. Anh làm sao thế trời ơi là trời !
Hưng bật dậy mở khoá cửa, gắt gỏng nói:
- Cô làm sao thế, cho người ta ngủ một tý, thức suốt đêm qua, mà mới sáng ra đã làm ầm lên.
Thiên Thanh ôm choàng lấy chồng thổn thức:
- Ôi trời, em lo quá. Em tưởng anh làm sao rồi.
- Làm sao ?
- Em tưởng anh bỏ mẹ con em mà đi theo con Quỳnh rồi, nếu thế thì mẹ con em sống làm sao được..
Hưng bực bội gạt vợ ra, rồi nói làu nhàu:
- CHỉ nghĩ lẩm cẩm. Mấy giờ rồi nhỉ ?
- 7 giờ anh ạ. Anh xuống ăn sáng rồi đi làm cho kịp, để chăn màn đấy em gấp cho.

Thiên Thanh cố tỏ ra săn đón để lấy lòng chồng. Suốt đêm qua, sau sự giận dữ của chồng , cô lo lắng lắm. Việc con gái chồng bỏ nhà đi tự tử, trong đó có trách nhiệm của người mẹ kế. Trong việc này dư luận xã hội, ý kiến gia đình chắc không tha thứ cho cô đâu. Chỉ hi vọng người bênh vực cho cô là chồng cô mà thôi. Vậy mà đêm qua anh ấy đã quát vào mặt cô : Đồ dì ghẻ độc ác !
Thao thức không ngủ, cô tự biện hộ cho mình: mình không hề làm gì đầy đoạ con chồng cả. trái lại mình chăm lo hết lòng việc học hành cho nó. Chính mình đã đi xin điểm để nó được đỗ vào lớp 10. Mình mua sắm may mặc cho nó, và mình chưa một lần nào mắng mỏ nó cả. Anh ấy không thể chê trách được mình điều gì hết. Anh ấy phải biết ơn mình mới đúng. Từ khi mình về đây, nhà cửa được chăm lo khang trang. Trước đây hai bố con thui thủi, nhà rộng tuềnh toàng như cái nhà kho. Một tay mình làm tất cả mọi việc, anh ấy giận mình về cái nỗi gì cơ chứ ?
Rồi Thanh lại nghĩ đến Quỳnh. Con bé giống mẹ nó quá thể, cứ đẹp lồng lộng như người trong tranh. Anh ấy yêu con gái hơn cả đứa con trai, mà cô đã sinh cho gia đình đứa cháu đích tôn của dòng họ. Công lao ấy sao anh lại không quý trọng, mà chỉ nghĩ đến đứa con gái ?
Có lẽ tình yêu với người vợ cũ sâu nặng quá mà đứa con gái ấy là hình ảnh của cô ta.
Nghĩ đến đấy, Thanh rùng mình sợ hãi. Bây giờ nếu Quỳnh chết thật, khéo anh ấy cũng tự tử mất. Mình biết là thiếu Quỳnh anh ấy không sống nổi. Chính vì Quỳnh mà anh ấy mới lấy mình. Mình đã bám theo quỳnh để đi vào cái nhà này.
Nỗi lo lắng đã khiến cô rón rén lên phòng chồng lắng nghe, thấy yên tĩnh cô lại trở về phòng mình, nhưng đến 7 giờ sáng mà chưa thấy Hưng thức dậy thì cô phát hoảng. Anh ấy bao giờ cũng dậy đúng 6 giờ, dù thức khuya cũng vậy. Thần hồn nát thần tính cô vùng chạy lên đập cửa gọi hốt hoảng là thế.
Thanh bưng bát phở vào bàn ăn cho chồng, cô mở nắp cặp lồng trút ra bát, rắc tiêu, cho tương ớt, vắt chanh, rồi đứng ra bên cạnh lễ độ mời:
- Anh ăn đi cho nóng.
Hưng lẳng lặng ngồi ăn, chẳng hề nói một lời. Nhưng anh ấy chịu ăn cho là mừng rồi. Thanh để sẵn chiếc khăn nóng để anh lau tay. Rót sẵn chén nước trà để bên cạnh. Anh vừa ăn xong thì còi ô tô báo hiệu. Hưng đứng dậy xách cặp đi ra, chẳng nhìn vợ, anh nói trống không :
- Hôm nay tôi đến cơ quan, rồi tôi còn đi lo việc tang cho Quỳnh. Có thể hôm nay tôi không về nhà đâu, đừng chờ.
Thanh vội vã nói với theo:
- Cho em đi cùng với. Nó là con của chúng ta cơ mà.
- Không cần ! Cô ở nhà mà trông nom thằng bé.
Hưng leo lên ô tô phóng vụt đi. Thanh sững sờ đứng trơ ra giữa cổng, rồi lủi thủi đi vào.

Thanh chỉ muốn gào lên cho hả nỗi đau đớn, một nỗi đau không ai có thể thấu hiểu được.
Nỗi đau ghen tuông, nỗi đau bị ruồng rẫy, nỗi đau oan ức, nỗi đau vì sự mất mát không gì cứu vãn được và đau hơn cả là không một ai chia sẻ được với cô, tất cả mọi người đều oán ghét cô, kể cả người chồng mà cô thờ phụng yêu thương nhất trên đời.
Thanh ngồi rũ xuống khóc nức nở, càng khóc càng uất nghẹn.
Thiên Thanh trở vào nhà, pha sữa cho con ăn. Từ hôm qua đến hôm nay cô mất sữa, chẳng xuống một giọt nào.Thằng bé háu ăn, bú một hơi hết cả bình rồi lăn ra ngủ. ƠN trời ! May mà cô có nó, lẽ sống của đời cô, nếu không thì có lẽ chẳng có gì níu cô lại với cuộc đời này nữa.
Cả cuộc đời cô là một cuộc săn tìm hạnh phúc, và khi đạt đến thì chẳng thấy ngọt ngào đâu, chỉ thấy đắng cay và tủi nhục nữa.
Có lẽ chỉ có những ngày sống với bầm ở làng quê là sung sướng nhất, vậy mà những ngày ấy cô lại thấy đời mình bị chôn vùi ở chốn làng quê hẻo lánh và chỉ nuôi mộng được ra thành phố.

... Con bé Thành, Lê Thị Thành tên khai sinh như thế, được bầm yêu chiều hết mực, lên ba vẫn còn bú tí. Lớn lên vẫn ngủ cùng mẹ, rúc đầu vào lòng, đòi nghe chuyện cổ tích và luôn mơ màng mình trở thành công chúa được ở chốn kinh thành đô hội. Rồi ước mơ biến thành mục đích cuộc đời Thành, khi cô trở thành thiếu nữ.
Chỉ một con đường duy nhất để ra thủ đô là phải đỗ vào đại học. Lên cấp 3 Thành đổi tên là Lê Thiên Thanh, vì cái tên phải xứng với người. Cô không đẹp nhưng người mảnh mai, mỏng mày hay hạt, dáng điệu đài các. Lại được mẹ cho ăn trắng mặc trơn, nên mặc dù là thôn nữ, nhưng Thành vẫn nổi trội trên đám bạn bè quê mùa. Thành đỗ vào Đại học sư phạm, học khoa Địa lý, cô chẳng kén chọn khoa, điều quan trọng là vào được đại học, thế là may mắn lắm rồi.. Nhưng đại học mà không có hộ khẩu Hà Nội thì cũng khó ở lại Thủ đô. Bởi vậy cô ra sức tìm cách để năm nào cũng dành toàn điểm giỏi, nuôi hi vọng được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, hoặc được cử đi học nước ngoài. Khi tốt nghiệp, cô được nhà trường giữ lại cho học " cao học" nâng cao trình độ, làm trợ lý rồi làm giảng viên.

Con đường phấn đấu để trở thành người Hà Nội của Thành là cực kỳ kiên nhẫn. Cô khước từ mọi niềm vui của tuổi sinh viên, dồn ý chí vào học hành, cô từ chối những tình cảm chân thành, bóp chặt con tim rung động lứa tuổi hai mươi để giành cho được chỗ đứng ở nhà trường đại học. Và cô đã đạt được tất cả.
Nhưng đạt được vị trí người cán bộ giảng dậy đại học, cô mới thấy mình chơ vơ giữa chốn đô hội này. Không nhà cửa, không tiền bạc thì sống ở thủ đô còn khốn khổ hơn ở với mẹ. Ở quê, nhà cô thênh thang năm gian, vườn rộng, giếng trong, cây trái ở vườn quanh năm lúc nào cũng có . Còn ở đây bao giờ cô mới có được một phòng của riêng mình? Bây giờ cô được nhà trường xếp cho một chỗ ở tập thể, căn hộ 20 m vuông cho bốn người. Hai người một phòng - Thế là so với trước kia, cán bộ giảng dạy bây giờ sang trọng gấp mấy lần rồi. Trưởng phòng quản trị nhà trường bảo với cô như vậy.
Thôi hãy tạm yên lòng với bước đầu thế đã. Cô tự an ủi mình. Nhưng mà thời gian vùn vụt trôi qua, Thành đã xấp xỉ 30 mà vẫn chưa tìm được hạnh phúc ở chốn kinh kì , như trong truyện cổ tích. Không có chàng hoàng tử nào đến với cô.
Thật ra có những người tốt yêu mến cô, nhưng mà Thành lại không muốn. Có anh cán bộ giảng dạy trẻ chân thành yêu cô, và cô cũng cảm mến anh. Thế nhưng anh ấy lại cũng ở tập thể như cô. CHo dù cố gắng sắp xếp đổi chỗ thì may lắm hai người cũng chỉ được một phòng 10 m vuông, diện tích phụ dùng chung. thế thì công lao phấn đấu 10 năm thật chẳng bõ! Cô chần chừ, và người con trai tự ái, anh ấy lấy vợ, họ sống hạnh phúc trong cái chuồng cu bé xíu.
Ba mươi hai tuổi, Thành bắt đầu lo. Vẻ duyên dáng tuổi học trò qua đi. Soi gương Thành thấy nét mặt bắt đầu đanh lại, dáng mảnh khảnh đã trở thành khô cứng, và đôi mắt đã mất vẻ sinh động. Cô tự trách mình đã để cho tuổi xuân trôi qua. Nhưng mộng ước được sống trong một toà biệt thự riêng, hay chí ít cũng là căn hộ lớn 50 m vuông vẫn nung nấu lòng cô. Cô không mong đợi tình yêu, mà cô cầu ước một người chồng thành đạt. Lặng lẽ mà cẩn trọng, cô sưu tầm tên tuổi những người đàn ông không có vợ mà có chức vụ cao, rồi cô tìm cách làm quen.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 584

Return to top