Chiếc ô tô của Canh lượn một vòng trên sân cỏ, để đỗ sát bên hàng rào lan can xi măng, trong cái bóng nhạt của bệnh viện. Tiếng máy rú lên rồi im lìm trong yên lặng của một ngày chủ nhật mùa rét ở một nơi vắng.
Viên khán hộ ra hiên cất tiếng chào:
- Lạy quan ạ.
Canh nhảy ra ngoài ô tô ngửng lên hỏi:
- Thế nào?
- Bẩm quan, vẫn thế.
Canh đánh diêm châm thuốc lá hút, rồi thỏo mạnh một luồng khói cùng một tiếng thở dài:
- Liệu có qua được ngày hôm nay không?
Viên quan hộ bĩu môi lắc đầu:
- Bẫm quan khó lòng, thực quan đoán không sai, khéo lắm thì được đến tối.
Ông y sĩ tự đắc:
- Ðã nói ngày hôm nay, thì ngày hôm nay chứ ngày mai sao được!
Ông thong thả bước lên hiên đứng yên lặng kéo luôn mấy hơi khói rồi ném mẩu thuốc lá qua lan can xuống sân cỏ. Ðoạn, ông thủng thỉnh đi về phía cuối hiến.
Viên khán hộ vội tiến lên trước, đến mở cửa một gian phòng nhỏ, và nói chõ vào phía trong:
- Quan đốc đến đấy!
Ðương ngồi khóc sụt sịt ở một góc phòng, Hảo rút khăn lau nước mắt rồi đến bên giường bệnh cúi sát vào tai em thì thầm mấy câu. Hồng bỗng tươi tỉnh hẳn, đôi mắt sáng lên trong hai quần sâu. Nàng quay nhìn về phía cửa, và cặp môi chậm chạp nhách một nụ cười để đón chào y sĩ. Bao hy vọng lộ trên cái mặt gầy gò vàng xạm của người sắp chết.
Vì Hồng vẫn hy vọng ông đốc sẽ cứu được nàng. Nàng tin ở tài của ông, tin ở lời nói quả quyết của ông. Không bao giờ nàng yêu đời, không bao giờ nàng thích sống bằng trong thời kỳ nàng mắc bệnh nặng, sau những ngày dài đằng đẵng nằm một mình suy xét tới nguồn hạnh phúc của người ta. Những lúc tâm hồn quá sốt sắng, bồng bột, nàng cảm thấy nàng thành thực tha thứ và yêu mến bà phán. Ðến nỗi một hôm bà đến thăm - đến thăm chiếu lệ - nàng mỉm cười nhìn bà và âu yếm nói với bà, như con nói với mẹ: “Ðộ này cô gầy lắm, cần phải tĩnh dưỡng mới được”. Làm bà cảm động vì nàng mấy phút.
- Hôm nay trông cô đã khá lắm!
Lời thầy thuốc như một luồgn điện chạy khắp người Hồng. Nụ cười của Hồng càng tươi, và đôi mắt càng sáng. Nàng hơi nghiên đầu nhìn Hảo như để trả lời cái ý nghĩ thầm kín của chị: “Ðấy chị coi, em không chết đâu, việc gì chị cứ khóc mãi?” Sự thực sáng hôm nay, vẳng nghe trong năm phút đã lo lắng tưởng đến cái chết. Bây giờ thì nàng lại hy vọng, nàng lại tin chắc rằng nàng sống. Một ý nghĩ thaóng hiện ra trong khối óc sáng suốt của nàng: “ Thầy thuốc nói dối để yên lòng người ốm”. Nhưng nàng cố quên ngay sau khi đã tự trách thầm rằng mình hay ngờ vực hão huyền.
Ông Canh xem qua cái bản nhiệt độ, dặn viên khán hộ sắp sửa tiêm cho người ốm, rồi vội vàng quay ra: ông đương đánh tổ tôm ở trong phủ chợt nhớ tới Hồng, nên ông nhờ một người cai lệ cầm hộ để chạy về nhà thương một lát.
Hảo theo ra ngoài, hỏi:
- Thưa ông, liệu có…
Nàng như tắc họng không nói dứt câu được.
- Bà cứ yên lòng.
Vừa nói ông Canh vừa bước xuống sân cỏ. Hảo cũng bước xuống:
- Thưa ông, có sao ông cứ, bảo thực cho tôi biết thì hơn… Thưa ông…
Ông Canh bực về nỗi Hảo cứ theo lải nhải mãi, liền đứng dừng lại cười:
- Vậy thì tôi nói thực: Cô Hồng không sống được đâu. Khéo thì chỉ tối nay là…
Thấy câu nói của mình quá sống sượng làm mặt Hảo tái đi, ông Canh hối hận tiếp luôn:
- Tôi đã hết sức chữa, nhưng biết làm thế nào… Bệnh nặng rồi mới cho tôi biết. Ðuối sức quá, không còn đủ máu để mà sống… Tôi đã ngại ngay từ hôm đưa cô Hồng vào nhà thương. Thôi, bà cũng chẳng nên phiền muộn, chẳng qua số cô ấy…
Rồi ông quay máy, lên xe đi thẳng. Hảo gục đầu xuống lan can nức nở khóc. Nghe tiếng giầy lộp cộp, nàng mơ tưởng ông Canh quay lại, liền ngửng lên. Ðó chỉ là viên khán hộ một tay cầm cái bếp rượu đốt, tay kia cầm cái xoang nhỏ.
- Ông tiêm cho em?
- Vâng.
Viên khán hộ nhìn Hảo, ái ngại:
- Quan đốc nói thực cả với bà rồi?
Hảo khóc không đáp.
- Thưa bà, tại để quá ra rồi mới chữa đấy mà.
Hảo rút khăn lau nước mắt.
- Không biết có cách gì cứu được nữa không nhỉ?
Viên khán hộ bĩu môi nhún vai:
- Chả còn cách gì.
- Hay tôi xin em về chữa thuốc ta?
- Tùy bà. Nhưng thiết tưởng thuốc thánh cũng không cứu được nữa. Bà đem cô Hồng về cũng vô ích mà lại phụ lòng quan đốc đã hết sức trông nom cho hơn tuần lễ nay.
Viên khán hộ vào phòng bệnh. Hảo cũng theo vào, đến ngồi ở cái ghế đặt sát bên giường em.
Hồng mỉm cười nói thì thào. Hảo phải ghé gần lại nghe.
- Chị đã mua hộ em một phiếu số Ðông Dương chưa?
Hảo nghẹn ngào muốn khóc oà lên. Nhưng nàng cố trấn tỉnh trả lời em:
- Ðã, chị mua rồi. Ðây.
Nàng đưa cho Hồng cái phiếu của nàng. Hồng vui vẻ nói:
- Chị giữ hộ em. Nếu trúng thì chia đôi nhé? Nếu trúng số mưòoi vạn thì chúng ta cho chị Nga một vạn, Yêm một vạn, Lan năm nghìn, Tý năm nghìn, vị chị ba rưỡi, về phần hai chị em ta mỗi người hai vạn rưỡi, còn bao nhiêu để làm phúc… Em dùng tiền của em làm một cái nhà thực đệp, trồng thực nhiều hồng, đủ các thứ hồng, với lại làm một giàn thiên lý. Cổng em cho tầm xuân leo. Chị có thích tầm xuân không?
Hảo cười:
- Có, chị thích tầm xuân lắm.
- Ở cá cửa sổ em treo những lẳng phong lan cho hoa vàng hoa tím rũ xuống…
Hồng phải ngừng lại để tiem. Trông thấy chân em khẳng kheo và héo hắt như một cành củi khô. Hảo vội quay đi. Tiêm xong, viên khán hộ bảo Hồng:
- Cô nằm nghĩ, đừng nói chuyện nữa. Quan đốc cấm, không cho cô được nói chuyện.
Hảo đứng dậy:
- Vậy em nằm nghỉ nhé.
Rồi theo viên khán hộ ra ngoài hiên, hỏi:
- Hay tôi cứ xin cho em tôi ra?
- Bà nghĩ cho kỹ xem có nên đưa cô Hồng ra không? Tôi chị sợ ra gần cụ… cô Hồng càng chóng… Hôm nay được vào đây cô ấy mừng rỡ bệnh bớt hẳn đi.
Chàng hóm hỉnh nói tiếp:
- Cụ thét mắng cả ngày bên tai thì cô ấy chịu sao được!
Lúc đó ở cổng nhà thương, một cái xe kéo vừa đỗ. Hảo chăm chú nhìn, rồi vội chạy đến: nàng đã nhận được Nga.
- Cô về thăm em?
- Vâng. Thế nào?
Hảo mếu máo:
- Em nguy mất rồi cô ạ.
Hai người yên lặng đi đến phòng bệnh. Thấy Nga không nói gì với mình, cứ lẳng lặng tiến qua hiên, viên khán hộ liền giữ lại.
- Không vào được đâu. Chỉ mình bà phán vào được thôi.
Hảo phải nói mãi, viên khán hộ mới nể lời bảo nàng:
- Vậy chỉ ở trong độ hai mươi phút thôi. Quan có lệnh không cho người lạ vào phòng cô Hồng.
Gặp mặt Nga, Hồng vui mừng hỏi, nhưng giọng nhỏ quá, không ai nghe rõ:
- Chị về thăm em đấy à?
Nga bảo Hồng:
- Anh Lương đã bỏ… đã đuổi người gái nhảy đi rồi.
Hồng ra hiệu cho Hảo ghé gần lại để nói chuyện, rồi mệt nhọc bảo chị:
- Em gửi lời vĩnh biệt anh Lương nhé?
Hảo ứa lệ đáp:
- Em chỉ nói dại!
- Chị Nga xơi cơm chưa, chị?
Hảo quay hỏi Nga:
- Chị đã đến đằng nhà chưa?
- Ðã, nhưng ông bà cùng đi vắng, vào phủ đánh tổ tôm.
Hảo chau mày,nhìn Nga như để bảo: “Ðấy, chị coi, có ai nghĩ tới em tôi đâu, tuy em tôi sắp chết?”
Nhưng viên khán hộ đã mở cửa phòng đi vào:
- Xin mời bà ra cho, không lỡ quan biết, tôi sẽ phải quở.
Mắt Hồng đưa nhìn như thầm van lơn. Nga cuối xuống nói nhỏ với Hồng:
- Vậy chị nằm nghĩ nhé, cố uống thuốc cho chóng khỏi.
Buổi chiều Hồng lên cơn sốt, mê man, nhiều lần đã tắt thở rồi lại sống lại, Hảo vội vàng về mời ông phán bà phán đến. Cả Tý và Thảo cũng theo ra. Thiếu mặt có Yêm, vì tuần lễ trước bà phán vừa viết thư cho Yêm nói Hồng đã bớt nhiều sắp khỏi, Yêm không về.
Thấy Hồng nằm im lịm không cựa cậy, bà phán chắc nàng chết rồi, liền khóc oà lên:
- Ới, Hồng ơi, cô có tưởng đâu đến nông nổi này, Hồng ơi… con đi mà chả kịp trối trăng lại với thầy với cô một câu nào, ới Hồng ôi! Ðau lòng cô lắm Hồng ơi.
Ông phán ngồi rũ trên chiếc ghế mây, đầu cúi gục xuống ngực.
Nga quỳ bên giường, bàn tay nắm chặt tay Hồng. Còn Hảo và Tý thì đứng quay mặt vào tường mà khóc.
Bỗng Hồng mở mắt tò mò nhìn mọi người, như người vừa mới ngủ dậy.
Ai nấy xôn xao chạy lại gần:
- Em đã tỉnh!
- Chị đã tỉnh!
- Chị Hồng ơi!
Bà phán yên lặng đứng sững. Thấy Hồng khẻ gật, bà ghé sát tai vào miệng nàng để nghe. Bỗng bà thẳng người lên, thét:
- À ra con này láo thực. Bà tội lỗi gì với mày mà mày bảo tha lỗi cho bà, hử con kia? Bà quý hoá mày, bà nâng niu mày như hòn ngọc trên tay…
Hảo, Nga và Tý cùng khóc ầm lên.
Ông phán đứng dậy bảo vợ:
- Ô hay! Sao bà lại thế! Tôi xin bà đi!…
Nhưng bà phán vẫn thét:
- Ông tính nó bảo nó tha thứ cho tôi mọi điều, và chết đi nó sẽ phù hộ cho tôi… Thế thì trời đất nào…
- Kìa! Bà trông!
Ông phán trỏ Hồng bảo vợ.
Hồng bằn bặt thiếp đi, cặp mội vẫn tươi cười và mấp máy mấy câu gì không rõ.
Phải chăng đó là hai tiếng
Thoát Ly ?
Hết