Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lời Nguyền

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1718 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời Nguyền
Khái Hưng
Đồ sộ, chót vót trên đỉnh đồi cao, đồi Vụ-bản hách dịch nhìn xuống con đường đá nối Nho-quan với Hòa-bình. Trên một quả đồi đối diện và thấp hơn, khu trại giam chính trị phạm náu mình trong hàng dậu dầy nứa nhọn và hai hàng cọc chăng giây thép gai. Phía dưới là một cái thung lũng nhỏ với con sông Vành quanh co uốn éo như con rắn dài vặn khúc bạc lướt mình trong cỏ hoang, rừng rậm. Bên kia sông là phố và chợ Trào, dăm chục nóc nhà vừa lợp ngói vừa lợp tranh quây vuông lấy bốn cái quán gạch trống rỗng.
Xa xa về phía tây nam, dẫy núi Hoàng-Sơn sừng sững như một bức tường thành kiên cố đứng ngăn. Buổi sáng nó chìm biến vào trong sương dầy trắng đục, buổi chiều nó lờ mờ trong sương lam bốc lên như khói. Buổi trưa nó lấp lánh ném ánh bạc của những cây ngân diệp mọc bên sườn. Về phương đông bắc, và chỉ xa chừng dăm cây số, một quả đồi cao và dài đứng án ngữ như một bức bình phong. Quanh đó những núi đá trắng và đen mọc lởm chởm với những hình thù cổ quái. Còn phía tây bắc là những đồi rậm liên tiếp, những rừng sâu, cỏ sắc bao vây lấy từng khu ruộng nhỏ hẹp và dài.
Vùng ấy hằng ngày yên ngủ để chờ đợi những hồi kèn rời rạc báo giờ từ vòm đồn tỏa xuống. Cả những hôm phiên chợ tấp nập, nó cũng yên lặng buồn tẻ với những người Mường ít cười ít nói : Họ lững thững gánh gạo, gánh măng, gánh lợn, gà, vịt, ngỗng ra chợ bán, rồi lại lững thững trở về làng với một ít muối và các thức đồ dùng của người Kinh đem từ vùng xuôi lên. Họ như chán nản, chả buồn mặc cả nài giá bao giờ.
Cái trạng thái u huyền giữa một cảnh thiên nhiên hùng vĩ khiến Khanh, một tù nhân chính trị, tưởng tượng ra một thần bí gì rùng rợn ngày đêm bay lượn trên không để đe dọa vùng này. Một hôm vác ống bương ra suối lấy nước, y ngỏ ý nghĩ đùa bỡn ấy với người lính kèn. Thì kinh ngạc xiết bao, người kia hãi hùng se sẽ đáp lại :
- Phải, một lời nguyền.
Người lính cũng chỉ thốt ra một câu vắn tắt. Rồi như khiếp sợ một cái gì có thể sắp xảy tới, y im bặt.
Đêm hôm ấy trong khi nằm lịm trên giường lát nứa, nghe bài kèn tám giờ, Khanh lại liên tưởng đến người lính kèn và câu chuyện đương tò mò khao khát muốn biết : Một lời nguyền ! Bài kèn buồn rời rợi với những âm thanh trầm trầm như những lời ai oán của lòng người sau bao phen uất ức ! Hay đó là lời nguyền đêm đêm lên tiếng làm vang động làn không khí âm u nơi đồi núi ?
Tà tà ta ta tí a ta ta…
Lời nguyền của những kẻ bỏ xác nơi ma thiêng nước độc chốn sơn lâm ? Mới tuần lễ trước Khanh đi đưa một người bạn giam đến nơi yên nghỉ cuối cùng : bên sườn đồi dưới bóng một cây lao xao cành lá rườm rà luôn luôn thì thào lời oán trách trong gió thoảng qua. Trong đám dân Kinh bên phố, cũng như trong hàng ngũ binh lính bên đồn và anh em chính trị trong trại giam, thỉnh thoảng lại một người từ giã cõi nhân gian sau những cơn nóng sốt rét mê sảng. Phải chăng họ đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của một lời nguyền độc địa tự đời nào vang lại ?
Hồi kèn đã dứt. Từ đó, trong tiếng thanh sắt trên đồn, tiếng mõ tre ở các điếm canh, Khanh đều cảm thấy có liên can tới cái lời nguyền ghê gớm nào đó của người xưa. Qua kẽ rào nứa, một vài chấm lửa bên sông còn le lói, lập lòe. Đó là những dấu hiệu mong manh của sự sống trong một vùng như chết lịm dưới màn sương. Khanh ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Và y mê thấy con thành đanh đỏ mỏ từ trên trời cao bay sả xuống mổ vào ngôi mộ người bạn đồng trại, chơ vơ bên sườn đồi dưới bóng cây lao xao ủ rũ.

oOo

Nhưng câu chuyện “Lời nguyền” một hôm Khanh đã được người lính kèn thuật lại cho nghe trong cái lều canh lúa của người Mường.
Sáng hôm ấy, ra tới suối, Khanh thấy hiện ra một cảnh tượng rất nên thơ : Bên kia dịp cầu tre, trong một khu ruộng khô đất nhỏ, sáu cô Mường, áo trắng xiêm dài xanh đương chậm rãi gieo ngô. Từng đôi, người đi trước cầm cây hóp uể oải chọc xuống đất một lỗ, người theo sau uể oải bỏ rơi vào đó một hạt ngô. Họ đi thong thả, làm việc rời rạc như biểu diễn trên sân khấu cho khán giả ngắm nghía cái điệu bộ nhịp nhàng của họ. Ngồi trên lều cao, hai chân quấn xà cạp đá đưa đánh dịp, Chín-bảy – tên gọi tắt con số 1297 của người lính kèn – đương phùng má thổi bài “la mát”. Xúm chung quanh y, trên các bực thang bốn cô Mường lắng tai kính cẩn ngồi nghe.
Thấy Khanh đến gần, Chín-bảy vội rời cái kèn bước xuống đón tiếp, vẻ mặt rạng rỡ, dáng bộ dương dương đắc chí như một con gà sống giữa đám gà mái tơ vậy. Trong khi hai người nói chuyện, các cô Mường chỉ mỉm cười yên lặng đứng nhìn. Hỏi câu gì các cô cũng làm thinh không đáp. Chín-bảy bảo Khanh :
- Các nàng chỉ biết có hai việc : cười và hút thuốc lào. Rồi anh xem!
Quả nhiên lúc y đi lấy một cái điếu cầy lớn đem ra bỏ thuốc đánh diêm hút, tức thì mười cô đều bỏ việc cười rú lên, chạy ùa lại. Họ xếp thành một vòng tròn, lần lượt truyền cho nhau cái điếu cầy miệng rộng che kín nửa mặt mà rít từng hơi dài. Hết mồi thuốc ấy thay mồi thuốc khác, cái điếu đi vòng tới vài chục lần và bao diêm đánh đã gần cạn. Và cô nào cô ấy ngây ngất mỉm cười đầu lảo đảo.
Khi các cô nàng lại quay về với công việc gieo ngô của họ, Khanh theo Chín-bảy lên lều ngồi nói chuyện, và vui vẻ hỏi đến việc gia thất của người bạn quân nhân.
- Tôi đã có vợ ở vùng xuôi, y đáp, nhưng thế nào rồi tôi cũng phải lấy một người vợ nữa ở trên này.
Và y thêm : “Cũng như phần đông anh em ‘ nhà binh’ ở đây. Đó là một việc bất đắc dĩ ”.
- Việc bất đắc dĩ ? Khanh hỏi, nghĩa là không được phép đưa vợ con ở vùng xuôi lên đây ?
-Không phải không được phép, nhưng vì đã có lời nguyền.
Khanh bỗng thấy rùng rợn. người lính kèn lại nhắc tới “lời nguyền” ghê gớm. Chưa kịp hỏi thêm thì Chín bảy đã đưa mắt âu yếm nhìn theo các cô nàng áo trắng xiêm xanh hoạt động dưới trời thu mà kể cho bạn nghe câu chuyện tương truyền trong hàng đội ngũ.
Ngày xưa, thời còn chưa chịu phục tòng người Pháp, dân Hòa-bình chỉ vâng theo mệnh lệnh của các quan lang; người Kinh cũng ít khi lên vùng này buôn bán. Để bắt buộc dân Mường phải theo pháp luật của mình và đóng các thứ thuế như dân Trung châu, một mặt người Pháp đưa những ông quan lang có thanh thế nhất trong các họ lớn, như họ Đinh, họ Quách ra làm chánh quan lang hay tuần phủ đứng cai quản tình Hòa-bình, một mặt họ lập nên những đồn binh kiên cố ở khắp các yếu điểm trong địa hạt với những toán lính khố xanh Trung Châu không biết tiếng Mường, không thuộc phong tục Mường. Mục đích của họ là để đàn áp dân Mường và để tránh sự thân thiện giữa nhà binh và dân bản xứ.
Đồn Vụ-bản là một trong những đồn binh kiến thiết theo chương trình thống trị. Nó án ngữ con đường Nho Quan – Ninh Bình. Và đóng giữa giang san họ Quách, nó lại có thể kiểm soát những hành động của những ông quan lang có oai quyền ấy.
Với những nhiệm vụ to tát như thế, viên quản mà người Pháp tín nhiệm cho về coi đồn, ta có thể tưởng tượng hách dịch đến bực nào.
Có một ông, ông quản Tăng, không những hách dịch mà còn bệ vệ và ăn ở hành động theo lối Âu Tây y như một quan binh Pháp vậy. Y nằm giường Hồng kông, ăn cơm tây. Lúc nào sang phố y cũng đóng trào phục mới với hàng huy chương rực rỡ trên ngực. Tay y cầm roi da, quay tít, miệng y huýt sáo một điệu âm nhạc nhà binh. Một con chó tây kếch sù đi bên cạnh y; gặp nhà nào quen thuộc của chủ nó là nó chạy sồng sộc vào khiến lũ trẻ hết cả hồn vía bảo nhau:
“Quan quản !”
Quan quản ! Tiếng ấy oai vệ như tiếng quan Sứ ở tỉnh vậy. Quan quản là chúa tể vùng này. Quan châu, một quan lang, đối với y, chỉ như một công chức bản xứ đối với quý quan. Bao nhiêu công việc trong đại đều ở trong tay quan quản : như thu thuế thợ, thuế đò, thuế thân, thuế điền. Quan châu chỉ là một người giúp việc.
Nhưng tiếng “quan quản” hình như cũng chưa vừa lòng y. Một hôm, người ta không hiểu vì đâu, tiếng ấy bỗng đổi ra “quan đồn” rồi cứ theo đà ấy, chẳng bao lâu nó lại biến chuyển thành “Cụ lớn”.
Cụ lớn hét ra lửa ! Bao nhiêu là môn hạ ! Suốt ngày thì thọt trong đồn những kẻ nấp bóng Cụ lớn. Thôi thì chẳng thiếu gì lễ lạc, tết nhất, mùa nào thức ấy. Dùng không hết, “Cụ lớn” phân phát cho binh lính.
Về nhận chức mới được hai tháng, quan quản đã lấy một cô nàng hầu người Kinh con một thương gia có tiếng bên phố chợ. Rồi cách đó nửa năm quan lại kén luôn một lúc hai cô nàng hầu người Mường nữa.
Cái việc lấy nhiều vợ ấy cũng không tốn kém gì cho quan vì họ đều là con nhà khá giả. Có một điều khiến họ lo lắng sợ hãi mỗi khi tưởng tới là chẳng chóng thì chầy thế nào bà lớn quản cũng lên đây thăm chồng. Lúc bấy giờ nếu cái tin vợ nọ con kia đến tai bà, thì liệu bà có để cho yên không. Mà cứ theo lời huyên truyền và lời nói úp mở của quan quản thì bà là con nhà thế gia đại tộc. Ông thân sinh ra bà làm tổng đốc và đã hồi hưu. Người ta khen : “Thực là môn đăng hộ đối !” vì quan quản nghe đâu cũng là con một vị đường quan. Y thường kể chuyện thời niên thiếu của y cho mọi người nghe. Nhà y giàu sang và y rất được chiều chuộng. Mới mười hai tuổi y đã cưỡi ngựa, bắn súng, và chỉ thích có một nghề binh. Vì thế lớn lên y đã bỏ học để nhập ngũ “làm quan quản” chơi. Bao giờ đến đoạn này y cũng thêm: “Làm quan văn thì biết bao giờ lên đến ngũ phẩm, thế mà làm quan võ tôi mới ngoài ba mươi tuổi đã chánh tam rồi !”
Có lần y tưởng tượng ra cả một thiên tiểu thuyết để tả cái gia thế nhà y, bịa đặt ra những nhân vật đẹp đẽ và các phương diện ăn chơi hào phóng hay đạo mạo nho phong. Người được y tả tỉ mỉ chu đáo nhất là cụ cố và bà lớn. Cụ cố là một hưu quan chỉ thích đánh tổ tôm và uống chè tàu. Cụ ở trong một cái nhà lầu kiến trúc kiểu tây. Trước mặt là cái vườn hoa trồng đủ các thứ hoa quý và lạ. Trên giàn thì treo đủ các thứ phong lan đi kiếm từ các miền thượng du đem về. Còn bà lớn thì tính rất tốt rất rộng lượng, để mặc quan lớn muốn yêu ai thì yêu. Một mình bà lớn trông coi mấy trăm mẫu ruộng thượng đẳng điền, người ăn người làm tấp nập quanh năm, nên không rảnh rang mà lên thăm quan được. Nào đã hết đâu, quan lại còn có một người em trai đã đậu tú tài tây và đương theo học trường Luật và một người em gái nhan sắc tuyệt trần hiện còn đương kén chồng. Tóm lại nhà quan lớn là một nhà danh giá và sung sướng vào bực nhất ở Bắc Hà.

oOo

Một buổi sáng người ta thấy đến phố chợ Trào một ông già râu tóc hoa râm và một người đàn bà vào chạc ngoài ba mươi tuổi. Cả hai đều y phục quê mùa, ông lão mặc cái áo cánh đũi nhuộm vỏ xó và một cái quần nâu sắn cao đến đầu gối, người đàn bà mặc áo tứ thân mầu nâu bã với miếng đổi vai bằng lụa thâm, một cái váy chồi nhuộm bùn và một cái yếm trắng cổ xẻ với hai giải màu hoa hiên đã cũ.
Họ hỏi đường sang đồn, xuống phà qua sông, khó khăn nặng nhọc leo cái dốc cao, gồ ghề. Được một quãng ông già lại đặt cái tay nải nâu xuống ngồi hổn hển và thì thầm nói chuyện với người kia. Đứng trên vòm canh, người lính gác nhìn theo họ và nghĩ thầm : “Lại một ông già và một mẹ đĩ lên thăm con thăm chồng”.
Đương gò lưng leo nốt đoạn cuối cùng của cái dốc dài tưởng không bao giờ đến đỉnh, thì hai người bỗng dựt mình vì một tiếng hô lớn từ trên vòm chòi ném xuống. Họ ngửng đầu sợ hãi nhìn lên.
- Hai người nhà quê hỏi ai?
Không phải vì hai người kia ăn mặc quê mùa mà người lính gọi họ là “nhà quê”. Đối với quân đội, vì thói quen bắt chước người Pháp, chỉ có ba hạng người Việt Nam : nhà binh, nhà pha, nhà quê. Những người không phải nhà binh và nhà pha đều là nhà quê. Vì thế , một thiếu nữ y phục tân thời, nếu nghe một chú lính canh kêu là “nhà quê” thì đừng nên lấy làm lạ và phật lòng.
- Thưa thầy, chúng tôi vào thăm ông quản.
Người lính hỏi lại để chữa câu nói hỗn của bọn nhà quê :
- Vào hầu quan có việc gì ?
- Bẩm chúng tôi là người nhà.
Chú lính canh cho người vào trình quan. Một lát sau người này ra cổng hách dịch quát :
- Người nhà thế nào mới được chứ ?
- Bẩm bẩm tôi là… tôi là… Người đàn bà thấy ông lão ấp úng lúng túng liền đỡ lời:
- Thầy vào trình hộ rằng có ông cụ và người đàn bà ở nhà quê ra thăm.
Người lính gắt :
- Ông cụ ! Nhưng ông cụ có họ hàng thế nào với quan ?
- Thưa ông cụ… sinh ra quan, còn tôi là vợ…
Người lính hơi có vẻ sợ hãi vội vàng quay vào đồn, thì vừa gặp ông quản đứng trong sân ngó nhìn ra hỏi:
- Hai bố con lão nhà quê đến xin gì thế chú ?
- Bẩm, bẩm quan…
Người lính không dám nói dứt câu.
- Đuổi cổ chúng nó ra !
Câu quát tháo to quá khiến ông già và người đàn bà cũng nghe thấy. Và nhân lúc cổng đồn mở, họ xông vào trong sân. Thấy thế viên quản liền thét :
- Bọn nhà quê kia đi đâu ? Có biết nơi này là gì không mà dám xông xáo hử ? Mất đầu như chơi biết chưa ? Tống cổ chúng nó ra !
- Tăng ! Anh Tăng !
Ông già và người đàn bà chỉ kêu được một tiếng thì đã bị hai người lính ẩy bừa ra khỏi cổng đóng sập cánh cửa lại.

oOo


Ông lão già và người đàn bà lại lủi thủi xuống dốc. Họ cùng uất ức đến cực điểm nên không ai nói với ai một câu, cả hai cùng chôn sâu nỗi căm hận trong lòng
Ở chân đồi, ngay bên sông, có một ngôi đền thờ Mẫu. Người đàn bà mua vàng hương vào lễ, quỳ khấn rất lâu, thì thầm kể lể hết nỗi niềm tâm sự với Mẫu. Khi ra đường nàng thấy bố chồng vẫn ngồi y nguyên một chỗ, mắt đỏ ngầu đăm đăm nhìn giòng sông chảy mạnh, quay nhanh cái guồng nước sừng sững in lên nền trời trong.
- Thôi đi về, thầy !
Ông già thong thả đứng dậy. Nhưng ông đi rẽ xuống ruộng chứ không qua phà. Ông bảo con dâu:
- Tao không muốn gặp người lái phà, vì tao đã trót bảo cho nó biết tao là bố thằng Tăng.
Người đàn bà cũng lẳng lặng đi theo ông. Hai cha con men bờ ruộng sang một khu rừng lao xao, qua một cái cầu tre bắc trên suối, rồi đến ngồi nghỉ ở một bãi cát sỏi bên sông. Sau trận mưa to đêm hôm trước nước nguồn kéo về chảy ào ào như thác. Những thân cây từ rừng đổ về nổi lềnh bềnh và bị giòng nước phăng phăng cuốn đi.
- Dẫu sao thì cũng ăn nắm cơm cho đỡ đói đã thầy ạ.
- Mày cứ ăn trước đi. Tao không đói.
Ông già đứng lên, ra sát bờ sông đứng vịn vào một thân cây lao xao. Bỗng ông nghiêng nét mặt dữ tợn nhìn giòng sông, thốt lời nguyền độc :
“Từ nay đứa nào còn lên đây thăm chồng thăm con thì chết như thế này”.
Dứt lời ông gieo mình xuống sông tự tử. Và thân ông cùng với các thân cây, bị nước nguồn vô tình cuốn đi…
oOo

Từ đó lời nguyền vẫn thiêng. Những người cha, người vợ lên đây thăm con, thăm chồng, khi trở về đều ốm nặng rồi chết.
Và những binh lính trên đồn, những dân Kinh bên phố đều sống dưới sự đe dọa và sự thực hiện của lời nguyền.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 162

Return to top