Tây xông nhà
Khái Hưng
Tết năm 1930 ở Ninh-giang, tôi đã được Tây xông nhà.
Người Tây đó tên là Heineshilk - ấy là tôi theo vần đọc mà viết ra, chứ tôi cũng chưa trông thấy tên hắn trên giấy bao giờ. Theo lời đồn, hắn là một người Áo can án tử hình bỏ trốn sang nước Pháp xin đăng lính “Lê dương” đi Maroc dự chiến. Mãn hạn hắn nhập Pháp tịch và được bổ đi coi một đồn lính khố xanh.
Nếu muốn tìm hiểu một mẫu tiểu nhân, thì hắn thực là một người hoàn toàn. Đối với dân gian, hắn hống hách, đàn áp, bóc lột, chuyên chế như một ông vua chuyên chế. Trái lại đối với ông Sứ hay ông Giám binh thì hắn quy lụy, nịnh nọt, đút lót, trung thành như một tên mọi trung thành với chủ. Nhờ đó mà hắn thăng chức rất nhanh chóng và được đổi về đồn quan trọng này, kiêm chức quyền đại lý Ninh-giang.
Quan đại! Hắn sung sướng khi nghe người ta chào mình bằng hai tiếng Việt Nam ấy. Có việc gì vào tòa mà kêu hắn là Monsieur le délégué thì thế nào cũng xong tuy nếu việc phải mất tiền thì vẫn mất tiền như thường.
Vô phúc cho ai không biết, đi kêu đúng chức hắn : “Monsieur le chef de poste” hay tôn hắn lên “Monsieur l’Inspecteur” nữa! Một là hắn im lặng không đáp, rồi sau này tìm cơ hội báo thù. Hai là hắn hét đinh lên làm mình mất thể diện trước mặt mấy viên thư ký của hắn.
Về chữ Đức hắn học đến bực nào tôi không rõ. Nhưng về chữ Pháp thì tôi đã may mắn được đọc văn của hắn.
Vào dịp khánh thành nhà thương mới, ông Y sĩ ở Ninh-giang chẳng hiểu vì lười hay vì cớ gì, có nhờ tôi thảo hộ bài diễn văn. Bài diễn văn ấy phải đem trình “quan đại” để ngài kiểm duyệt. Vì thế mà tôi đã được đọc một đoạn hắn thêm vào. Đó là những lời tán tụng quan chánh sứ, quan phó sứ, quan lục lộ v.v… mà tôi đã vô tình bỏ rơi. Tới đây tôi lại vô tình mỉm cười khi xem thấy văn pháp lính tẩy của quan đại. Nói chi những chữ viết sai, đến những mẹo mực thông thường sơ cấp nhất quan cũng “măng phú”.
Cái mỉm cười và lời khen kín đáo của tôi được hân hạnh lọt tai quan. Và phải biết! Cái tức giận, cái căm thù của quân dốt, nhất quân dốt ấy lại là một quan “cai trị”, một quan đại lý hách dịch, oai quyền như một vua con. Cái căm thù ấy càng cố nén lâu bao nhiêu thì khi bùng ra càng mãnh liệt bấy nhiêu.
Ai đã đọc tập truyện ngắn của Daudet hẳn thấy cái móng bổ của con La dữ dội đến bực nào, sau bảy năm sửa soạn để chờ ngày thi hành.
Viên đại lý của tôi không kiên gan bằng con La. Hắn chỉ chờ đến hôm mồng một Tết nguyên-đán để đem ra thi hành cái móng bổ của hắn. Nhưng dù thế cái móng bổ của hắn vẫn chẳng kém cái móng bổ của con La về phần mãnh liệt cũng như về phần hiểm hóc.
Tối hôm mồng một Tết ấy, giữa lúc chúng tôi đương xum họp vui cười xung quanh bàn bất gia đình thì một người lính cảnh sát lên gác nói cho chúng tôi biết có “quan đại” đến.
Quan đại đến? Tôi kinh ngạc tự hỏi: “Đến chúc Tết mình chăng?” Tôi thừa biết hắn ta chẳng ưa gì tôi, tôi lại nhớ vẻ mặt hằn học của hắn khi hắn liếc nhìn tôi. Nhưng gặp nhau ngoài đường đôi bên vẫn tươi cười chào nhau như hai người bạn sơ “Bonjour monsieur le délégué !” – “Bonjour monsieur G!” Vậy thì hắn có thể nhân dịp Tết Nguyên Đán đến chúc mừng mình lắm, cũng như vào dịp Tết Tây dân phố đến chúc mừng hắn vậy.
“Mà hắn đến chơi mình vào giờ này (9 giờ tối) có lẽ để đôi bên hàng phố khỏi thấy sự hạ mình của hắn đi chúc Tết một người Việt Nam?"
Tôi chưa kịp nghĩ dài thêm đã bừng tỉnh ngộ. Vì người lính chờ mãi không thấy tôi trả lời liền tiếp:
- Thưa ông, quan nói nếu ông không bằng lòng để quan khám ngay tối hôm nay thì sáng mai quan đến sớm cũng được.
Chết chưa! Thì ra quan đến khám nhà! Mà lại khám nhà vào giữa hôm mồng một Tết! Các bạn của tôi đã thấy cái móng bổ của “quan đại tôi” hiểm độc thế nào chưa? Chừng ngài biết – hoặc có kẻ xui ngài điều ấy – ngày đầu năm người Việt Nam mình sợ rông, không muốn một sự không may gì xảy ra. Mà sự khám nhà thì cố nhiên là một sự không may rồi! Các bạn hẳn cho rằng tôi tức uất lên phải không? Không, tôi chỉ tức cười thôi, và quả nhiên tôi phá lên cười vui vẻ mà trả lời người lính cảnh sát:
- Ai lại đi làm phiền quan phải trở lại một lần nữa như thế. Ông xuống mời quan lên cho, để tôi ở trên này sửa soạn đón tiếp ngài.
Trong khi người lính bước xuống thang gác, các em gái tôi cuống quít, toan thu xếp bài lại. Tôi vội ngăn cản:
- Không! Cứ để y nguyên! Thu dọn đi, nó sẽ cho rằng mình sợ cái oai nó. Thế nào người lính cảnh sát chẳng bảo cho nó biết chúng mình đương rút bất.
Một lát sau, lão đại lý, trong bộ trào phục đầy kim tuyến, cao lớn, sừng sững hiện ra trước ánh đèn măng xông. Theo sau hắn là viên tri phủ Ninh-giang với cái bài ngà chức tước vừa tô son lại lủng lẳng trước ngực. Theo sau viên tri phủ là viên thông ngôn tòa đại lý, cặp mắt hấp háy chớp trong đôi mục kỉnh cận thị. Theo sau viên thông ngôn là hai viên cảnh sát với cái bao súng lục oai nghiêm đeo bên sườn.
Lão đại lý tươi cười đáp lại cái chào của tôi, và hỏi:
- Tôi đến khám nhà ông vào giờ này là trái pháp luật, vì thế tôi đã cho hỏi xem ông có bằng lòng không đã rồi mới lên. Nhưng ông nên hiểu cho rằng tôi làm thế là vì có lòng tốt đối với ông. Vào giờ này dân phố đều đã ngủ cả không ai biết nhà ông bị khám. Chứ giữa ban ngày thì người ta xúm lại bàn tán, và như thế ông sẽ mất thể diện nhiều lắm.
Tôi mỉm cười cảm ơn cái nhã ý của quan đại… và quan phủ, tôi nói thêm và quay lại nhìn cái ông quan có vẻ mặt lạnh lùng, bình thản như không từng quen biết tôi dù chủ nhật nào ông ta cũng mời tôi vào phủ đánh tổ tôm với “cụ cố”.
- Chà, các người đánh bạc! Ông đại bắt đầu.
- Phải, đó là một bàn bạc gia đình để mua vui trong dịp Tết. Đây xin giới thiệu ông T em giai tôi, ông M cũng em giai tôi, ông B em rể tôi. Còn đây là bà T, bà M. bà B và vợ tôi.
Tôi gắng hết sức để giữ bình tĩnh nhưng tôi vẫn tự thấy tôi làm sao ấy. Các bạn cũng hiểu cho rằng khi người ta cố nén lòng căm tức thì người ta khó mà tự chủ được cử chỉ ngôn ngữ của mình.
- Thôi cũng được, ông đại tiếp, nhưng bắt đầu từ ngày kia mà đánh bạc thì sẽ bị bắt giam.
Rứt lời hắn quay sang hất hàm hỏi ông phủ:
- Có phải thế không, quan phủ?
- Bẩm chính thế, thưa quan đại.
- Bây giờ chúng ta đi làm bổn phận của chúng ta.
Việc bổn phận của họ là rút hết ngăn kéo ra, mở hết các tủ ra, lục tung hết các sách vở, quần áo vứt tung ra đầy sàn gác. Khi vớ được mấy tập ảnh của tôi, mặt lão đại lý sáng rực lên sau đôi kính cặp mũi:
- À! Tôi biết, ông là một nghệ sĩ về nhiếp ảnh. Hẳn ông có đủ các ảnh kỷ niệm gia đình.
Vừa nói hắn vừa mở, vừa chăm chú tìm tòi. Rồi hắn thì thầm hỏi ông phủ:
- Ông có biết mặt nó không?
- Thưa không.
Lão đại lý lắc đầu chán nản. Bỗng hắn quay phắt về phía tôi sừng sộ:
- Ông biết tôi tìm ảnh ai không?
- Không, tôi biết sao được.
- Thôi ông đừng vờ. Ảnh tên C… đâu, ông phải trỏ ngay cho tôi biết nếu không tôi sẽ có cách.
Tôi thừa hiểu bọn thực dân đương đi lùng kiếm ảnh của C…, một nhà cách mạng quan trọng, người vùng này. Nhưng tôi cũng hỏi:
- C… nào thế, thưa quan đại ?
- C… nào ? Ông muốn biết C… nào à? C… trưởng ban ám sát của cái đảng mà ông rất quen thuộc. Không những tôi biết ông có ảnh của C… mà tôi còn mới được tin hắn trốn về đây ăn tết với ông nữa kia.
- Vậy xin ông cứ lục lọi khám xét thực kỹ có hay không thì ông sẽ rõ.
- Ông nói lý với tôi, phải không? Ông nên biết: những ý tưởng bài Pháp, chống quan lại của ông chỉ sẽ đưa tai hại đến cho ông. Rồi ông sẽ thấy.
Tôi đã thấy. Tôi đã thấy rằng trả lời hắn chỉ là một việc mất thì giờ vô ích, mà lại thêm khó chịu cho mình và cả cho hắn. Từ đó tôi chỉ lạnh lùng im lặng đứng chứng kiến việc lục lọi khám xét hoặc mở khóa rương nọ, ngăn kia. Trong khi ấy thì M. miệng ngậm cái “pip” thuốc lá to tướng, thản nhiên đi đi lại lại trong căn phòng như con hổ trong cũi sắt trên vườn bách thảo.
Mãi đến 12 giờ khuya việc khám nhà mới xong. Bọn “nhà nước” ra đi, để lại cho chúng tôi mấy gian phòng tung tóe, bừa bộn như vừa bị giặc cướp đến phá phách.
Mấy anh em chị em lặng lẽ nhìn nhau. Bỗng tôi phá lên cười bảo vợ tôi:
- Thôi năm nay tha hồ mà rông! Và ai nấy đều vui vẻ cười theo. Em gái tôi trách tôi:
- Ai bảo anh cứ trêu tức nó, khiêu khích nó vào.
Có chăng từ hôm ấy mới bắt đầu một chương trình khiêu khích của tôi. Tự nhiên tôi trở nên một nhà viết báo để thỉnh thoảng gởi bài đăng chơi trên báo Annam Nouveau hay Trung Bắc Tân Văn. Trong những bài vớ vẩn ấy tôi không hề đả động tới lão đại, nhưng mỗi lần thân ra nhà Bưu chính gửi thư, tôi lại vui sướng và hóm hỉnh nhìn đùa lão chủ sự để nghĩ thầm: “Thế nào chốc nữa thầy trò chúng mày chẳng mở thư của tao ra xem trước!”
Và cũng từ hôm ấy dân phố Ninh-giang nghiễm nhiên thấy tôi trở nên tay kình địch ghê gớm của “quan đại”. Cuối năm ấy tôi bỏ nghề luôn để theo nghề văn. Các bạn đã thấy sự khám nhà đầu năm rông đến bực nào và cái móng bổ của một con La thuộc địa có công hiệu phá hoại đến bực nào chưa?./.