Từ đó, bà phán càng cay nghiệt đối với Hồng. Hình như thấy Hồng sắp thoát ly sự áp chế của mình bà phải cố hành hạ vớt vát kéo lại. Còn mười hôm nữa Hồng sẽ không ở hẳn dưới quyền bà nữa. Chỉ nghĩ tới điều đó, bà cũng đủ tức lộn tiết.
Hồng lại như khiêu khích thêm: "Lúc nào nó cũng nhơn nhơn vác cái mặt tự phụ của nó lên". Câu mắng ấy đủ tỏ lòng căm giận của bà phán và tả được hệt cái thái độ của Hồng trong mấy ngày sau khi ở Hà Nội về. Hồng không tự phụ, nhưng nàng cố nặn sự lãnh đạm, thản nhiên ra. Có khi nàng để bà phán nói luôn trong một giờ, không đáp lại, không cãi lại nửa lời, vẻ mặt tươi cười, hớn hở. Thấy thế bà phán càng uất lên.
Nhưng ông phán đã bắt đầu khó chịu, vì ông đã hơi nhìn rõ sự ức hiếp thái quá của vợ và sự khuất phục hoàn toàn của con. Ðàn ông nông nổi, hiểu sao được lòng thâm trầm của đàn bà: Các dáng điệu, những cử chỉ mà ông phán cho là nhu mì, khuất phục, ông có ngờ đâu rằng đó chỉ là sự khiêu hấn.
Một hôm giữa một tấn kịch náo động như thế ông phán ở tòa về. Vẻ mặt ông mỏi mệt buồn rầu. Lưỡng quyền ông hồng hồng ửng đỏ trên hai cái má gầy và sâu. Cặp mắt ông lờ đờ nhìn thắng khi đi qua phòng khách để vào phòng bên, nhưng không trông thấy bà vợ ngồi chễm chệ trên sập gụ, và tai không nghe thấy tiếng thét bô bô của bà ta.
Thấy cha về, Hồng lặng lẽ xuống nhà sắp cơm, để mặc dì ghẻ ngồi gào một mình.
Ông phán lên tiếng, đó là một sự ít xảy ra:
- Bà ơi! tôi xin bà đi.
Câu khuyên can của chồng như gáo dầu tưới vào đống lửa: bà phán càng gào to hơn, hai tay đập xuống sập thình thình. Chẳng dừng được, ông phán đến bên vợ thì thầm nói vào tận tai:
- Nó chết rồi!
Bà phán kinh ngạc miệng há hốc:
- Ai? Ai chết?
- Thằng Thân ấy mà!
- Thằng Thân! Thằng Thân nào?
- Chồng con Hồng, chứ còn ai nữa.
Bà phán không giấu nỗi sung sướng bồng bột:
- Thế à! Thằng chồng nó chết rồi! Nào, xem nó có còn làm bộ...
Ông phán thở dài, yên lặng quay đi. Cử chỉ ấy vụt nhắc bà phán nhớ đến lòng thương:
Bà hối hận tự thẹn:
- Khổ! nó chết về bệnh gì thế, ông?
- Bệnh thương hàn.
- Sao ông biết?
- Tôi vừa nhận được giây thép của ông tuần.
- Thương hại nhỉ!
Câu phàn nàn của bà phán chẳng đủ tỏ chút lòng trắc ẩn của bà. Chừng ông phán cũng nhận thấy thế, nên ông bảo vợ:
- Bà đừng mắng mỏ nó nữa nhé!
Bà phán đã dẹp lòng tức giận, nhưng nghe câu ấy, bà lại ầm ầm thét lên:
- À! Ra ông phải dạy tôi mới biết thương con ông, phải không? Ðã thế thì gái này chẳng cần nữa... Ðấy, mặc kệ bố với con, cố mà dỗ dành nhau. Ông phán chỉ kịp suýt mấy tiếng khe khẽ. Hồng đã cầm chồng bát và nắm đũa đi theo bếp Kiền bưng mâm lên.
- Hồng ơi... Chị Hồng!
- Dạ.
Nghe vợ gọi con, ông phán lo lắng liếc mắt lắc đầu ra hiệu bảo đừng cho biết tin đau đớn vội. Nhưng bà phán điềm nhiên bảo Hồng:
- Tính cô nóng nảy, chị đừng giận cô nhé!
Hồng cho là trước mặt cha, dì ghẻ đang đóng vai từ mẫu. Và nàng cười lạt. Nhưng bà phán vẫn hớn hở:
- Chị giận cô thì chị giận đời!
Vẻ mặt bà hồng hào lên, mặt bà trở nên hiền lành, môi bà trở nên bớt mỏng, cằm bà bớt lồi: Bà như trẻ lại và sung sướng.
- Thảo, so đũa cho chị. Chị để em, chị ngồi đây.
Bà kéo Hồng xuống chiếc ghế bên cạnh chỗ bà, chiếc ghế mọi bữa của ông phán. Hồng hơi cảm động.
- Cô để mặc con.
- Thì ngồi xuống đây mà lại.
Trong bữa ăn, bà phán luôn luôn gắp tiếp Hồng như tiếp khách. Hồng nghĩ thầm: "Có lẽ cô ta đổi chiến lược chăng. Mình phải cẩn thận đề phòng mới được!... Dẫu sao cũng chỉ còn mấy hôm nữa mình đã thoát ly cái nhà này rồi".
Song nàng không khỏi buồn rầu, khi ngắm nét mặt trầm tư của cha. Cha nàng vẫn có tính ít nói nhưng hôm nay nàng nhận thấy sự im lặng của cha có vẻ phiền muộn, chán nản hơn: "Hay thầy nhận được tin phải về hưu trí! Không có lẽ vì thầy cũng chẳng nghèo gì, và ít lâu nay, thầy vẫn nhắc luôn và thầy muốn nghỉ... Hay thầy phiền vì thấy dì ghẻ ác nghiệt với mình!" Cái ý tưởng đó làm nàng vui thầm.
Ăn xong buông đũa bát, ông phán vào phòng bên nằm nghỉ liền, quên cả dùng món tráng miệng. Hồng hỏi dì ghẻ:
- Thưa cô, thầy con hôm nay làm sao thế, nhỉ?
Bà phán nhìn về phía buồng đáp:
- Chừng thầy lại khó ở qua loa đấy thôi, chứ gì.
Rồi bà mỉm cười và tiếp:
- Mặc kệ! mấy mẹ con ta ăn đét xe với nhau cũng được.
Bà đứng dậy mở cánh cửa tủ khảm lấy lọ mứt mận mà một nhà buôn Trung Hoa ở Ninh Giang biếu ông phán đã lâu, nhưng bà vẫn cất kỹ để chờ khi khách quý sẽ đem ra thết - ăn thôi chị ạ, để dành lâu ngày mất ngon, phí đi.
Bà chia cho Tý và Thảo mỗi đứa ba quả, rồi đẩy lọ mứt trước mặt Hồng:
- Ăn đi chị.
- Vâng, cô để mặc con.
Hồng liếc mắt nhìn dì ghẻ, lòng lo lắng tự nhủ thầm: "Chẳng hiểu sao cô lại bỗng dưng thay đổi hắn tính nết thế này?"
Nàng toan đứng dậy lên gác thì bà phán lại hỏi:
- Năm nay chị Hồng mười chín hay hai mươi nhỉ? Tính cô vô tâm thế đấy.
- Thưa cô, mười chín ạ.
Bà phán cười vui vẻ:
- Ồ! mới mười chín thôi! Cô cứ tưởng hai mươi. Mười chín thì còn trẻ chán.
Hồng không hiểu thâm ý câu dì ghẻ nên cũng cười theo đáp:
- Thưa cô, cô bảo hai mươi tuổi thì già, phải không? Vậy sang năm con già rồi còn gì.
Bà phán nghiêm ngay nét mặt lại nói:
- Thế ra chị hơn em Yêm bốn tuổi, em Lan năm tuổi.
- Vâng.
Ông phán nằm ở phòng bên, không sao ngủ được. ông băn khoăn về Hồng, không phải về tương lai, nhưng về cuộc nhân duyên của Hồng. Ðối với Hồng, ông vẫn giữ một thái độ lãnh đạm và không ai hiểu thấu được lòng ông, chẳng biết trong thâm tâm, ông thương hay ghét nàng. Ðã lâu nay, ông không ngỏ ý kiến riêng với ai nữa, cả người vợ mà ông rụt rè e sợ.
Xưa kia ông cũng là người dễ và mau cảm động nhất là hay sốt sắng nghĩ tới việc gia đình thiết tha săn sóc đến vợ và con. Nhưng từ khi, chiều vợ cho nhà cửa được êm thắm, ông phải biểu lộ thù ghét Hảo và Hồng, thì ông đổi hắn tính tình, lúc nào cũng cố giữ một vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng, để người ngoài khỏi thấy rõ cách cư xử khác nhau đối với con vợ trước và con vợ bây giờ. Rồi, lâu ngày thành thói quen, ông trở nên một người ít nói, ít cười, ít thân mật với vợ con. Trong đới mắt luôn luôn nhìn thắng, dưới cặp mi đen và rậm, người ta không đoán được những ý muốn của ông, cũng như người không biết rằng ông buồn hay vui Có khi một nụ cười tươi thắng thắn nở trên môi ông giữa lúc người ta chờ một câu gắt hay một lời mắng. Trái lại, lúc ông đương vuốt ria bình tĩnh ngồi nghe vợ con trò chuyện, bỗng ông thất ra một câu giận dữ rất vô lý. Nhưng cái liếc đầy ý nghĩa của bà phán khiến ông dẹp cơn thịnh nộ ngay ; ông im đi để khỏi cãi nhau với vợ, vì không muốn to tiếng, đôi co với ai hết, trừ khi nào người ta để một mình ông nói tự do mà không phản đối lại.
Cùng với tính nhu nhược, nhút nhát ấy, ông lại có tính sợ phiền nhiễu, sợ đau khổ. Bạn ông, người thân của ông ốm nặng hay gặp nguy hiểm, ông cũng mặc, nếu ở xa ông, nếu ông không trông thấy: đừng ai nói đến tai ông, ông chỉ xin thế. Vì nếu ông biết thì ông sẽ khổ sở lắm. Người thân ấy chết rồi, ông coi là một việc dĩ nhiên của thời ký vãng và ông sẽ quên một cách mau chóng, thản nhiên.
Bởi vậy, nhận được tin Thân chết, ông khó chịu. ông khó chịu vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là ông sắp thấy Hồng buồn bã khổ sở. Tính ương ngạnh của nàng là đã nhứ cái gai trước mắt ông rồi. Lại thêm một cái gai nữa: sự đau phiền của nàng. ông chưa biết nàng sẽ cư xử ra sao đối với bà phán, nhưng ông chắc rằng sự thất vọng sẽ làm cho nàng liều lĩnh hơn, hỗn xược hơn.
Lẽ thứ hai là cái mừng của ông đã thành một cái mừng hụt. Trong mấy tháng nay, ông mong mỏi chóng tới ngày con gái về nhà chồng: ông sẽ được thoát cái nạn phải nghe những tiếng chửi rủa tục tằn của bà vợ lắm lời. Hồng đi rồi thì bà còn lôi thôi với ai? Cũng vì thế mà ngày trước, khi có người giạm Hảo, ông cho cưới ngay. Ông yên thân được tới thời Hồng khôn lớn. Nay đến lượt Hồng sắp đi khỏi nhà ông thì cái chết kia bỗng xảy ra.
- Vô lý đến thế là cùng!
Ông thất ra câu ấy, rồi ông tức tối đứng dậy ra nhà ngoài. Bà phán hỏi:
- Ông không ngủ?
Ông nói dối:
- Có, tôi chợp được năm phút. Cũng dễ chịu.
Thấy cha, Hồng lảng xuống nhà. Không mấy khi nàng muốn gặp cha, người cha mà nàng sợ hãi hơn yêu mến.
- Bà chưa nói gì với nó đấy chứ?
Bà vợ chau mày hỏi lại:
- Nói gì?
Ông chồng đấu dịu liền:
- Báo tin thằng Thân chết ấy mà.
- Ai hoài hơi!
Biết mình gắt gỏng vô lý, bà phán tươi ngay nét mặt lại:
- Chưa, ông ạ, vì ông dặn đừng nói cho nó biết vội.
- Phải. Thế phải. Tôi không muốn nó biết tin ấy một tý nào.
Ông ngần ngừ thở dài nói tiếp:
- Khó chịu!... Cái nợ ấy... bao giờ mới lại có người khác rước đi cho?
Bà phán phì cười:
- Ông muốn tống nó đi lắm, phải không?
Ông phán yên lặng ngồi xuống sập, hắng dặng để tránh một tiếng thở dài. Thực ra ông chỉ muốn yên thân. Cái tin nhà trai xin cưới đã làm ông mừng rỡ đến nỗi Hồng xin ba trăm bạc để sắm sửa, ông cho ngay chứ không cần tính toán, hay trù trừ tiếc của.
Bà phán vẫn cười ngạo nghễ:
- Con gái ông xinh đẹp, nết na thế thì lo gì chả có người khác giạm ngay.
Rồi bà vờ buồn rầu tiếp luôn:
- Nới thế chứ... cứ theo tục xưa thì phải để tang ba năm cơ ấy... Vì như thế cũng là chồng rồi. Vậy có người giạm, mình cũng phải thong thả, chẳng bên nhà giai họ mỉa cho.
Ông phán vẫn giữ yên lặng. Bà vợ lại nói, nới luôn mồm, hình như lòng bà đương vui thích bồng bột. Bà thuật lại câu chuyện bà đọc đã lâu đăng trên các báo hằng ngày. Một thiếu nữ sắp về nhà chồng thì chồng chết... Người ấy xin cha mẹ cho phép để tang và cho đi đưa đám, rồi từ đó giữ tiết thờ chồng cho tới khi chết. Ðó là một câu chuyện Tàu, bà phán cũng nhớ thế, nhưng bà chủ tâm kể lờ mờ, để chồng có thể tưởng lầm rằng việc đã xảy ra ở nước Nam.
- Bây giờ thì làm gì có hạng thủ tiết như thế. Ðến con đàn rồi mà chồng chết chưa đoạn tang người ta cũng tái giá như thường.
Lại có dịp để bà phán cự chồng:
- Sao ông cứ khinh miệt đàn bà như thế? Có người tất thì cũng phải có người xấu chứ. Ðàn ông các ông thì hay hớm cả đấy chăng?
Ông phán cười làm lành rồi nói lảng:
- Khó nhất là làm thế nào để báo cho nó biết cái tin buồn ấy.
Bà vợ càng tức thêm:
- Báo tin! Rõ khéo bầy vẽ. Việc gì phải báo với trình! Mỗi cái mặc kệ mẹ nó là xong.
Ông phán bỗng như chợt nghĩ ra:
- Hay thế này này. Bảo nó đi Hà Nội mua thứ gì đó rồi viết thư cho cái Hảo để nó an ủi em nó.
Bà phán đứng phắt dậy, nguýt dài chồng một cái:
- An ủi với chẳng an ủi! Việc gì phải nhiêu khê thế? Cứ bảo thắng cho nó biết không được à?
Ông phán chau mày:
- Thì tôi đã bảo bà rằng tôi không muốn nhìn thấy cái mặt mếu máo, khóc lóc của nó mà lại... Bà cứ nghe tôi, cho nó đi Hà Nội với chị nó... để nó ở chơi với chị nó một tháng cũng được.
Bà phán thủng thỉnh đi xuống nhà dưới, miệng lẩm bẩm:
- Ðấy đi thì đi. Chỉ sợ cho về Hà Nội mãi rồi... rồi lại phễnh ra thôi.