Lương ở nhà Căn về, trong lòng hồi hộp sung sướng. Chàng thấy sau khi cạo răng trắng, Hồng đẹp lên bội phần. Mà Hồng cạo răng trắng là vì chàng. Ngày hội Sinh viên năm ngoái chàng có lớn tiếng bình phẩm một câu về cái hàm răng đen của Hồng. Thì ra Hồng nghe thấy nên đã làm theo ý muốn của chàng. Lương cho cử chỉ ấy kín đáo và âu yếm quá. Chàng nghĩ thầm: "Bao giờ cũng vậy và khoa tâm lý cũng dạy thế, tình yêu của phái yếu vẫn âm thầm và sâu xa hơn tình yêu của phái khỏe". Chàng mỉm cười nghĩ tiếp: "Âm thầm thì âm thầm thực. Lại bí mật nữa. Như đối với mình, Hồng thường giữ một vẻ mặt lạnh lùng làm như ác cảm mình lắm. Kỳ thực thì trái hắn. Chỉ ngắm đôi con mắt thỉnh thoảng liếc trộm mình cũng đủ hiểu. Trời ơi! đôi con mắt! mới tình tứ lắm sao! Như muốn trao cả linh hồn cho mình. Ðôi con mắt!... đáng giá ngàn vàng, đôi con mắt ấy!"
Cái ý nghĩ càng làm cho Lương buồn rầu: chàng nhớ tới cảnh ngộ, tới thân phận chàng, nếu Hồng đáng giá nghìn vàng, thì sự ước mong của chàng chẳng hóa hão huyền ư? Vì chàng nghèo. Mà Nga, người bạn thân của Hồng cũng thừa biết chàng nghèo, không có một chút tài sản gì. Thế nào Nga chẳng nói cho Hồng rõ tình cảnh chàng. Lâu nay chàng ngấm ngầm nuôi cái chí quả quyết hỏi Hồng làm vợ. Và đã nhiều lần chàng toan ngỏ lời nhờ Nga giúp nhưng vẫn chưa dám. Nay chàng bỗng thấy cái chí của chàng hơi lung lay "Hỏi Hồng, mình nghèo thế này ai gả?"
Một tia hy vọng nảy ra trong lòng chàng: chàng nghĩ đến Căn. Căn cũng chẳng giàu mà cũng chẳng ở một địa vị cao sang gì, thế mà Căn lấy được Hảo, chị Hồng. Vậy sao chàng lại không lấy được Hồng? Kể về trí thức, về học vấn, chàng còn hơn Căn nhiều. Chàng chưa có một địa vị vững vàng, một chức nghiệp chắc chắn, nhưng chàng mới hai mươi bốn tuổi. Tương lai chàng còn dài. Ðời chàng còn nhiều hy vọng. Chàng sẽ học lấy để thi vào một ngạch tây, lương những mấy trăm một tháng. Vả cứ dạy học ở trường tư thục, chàng cũng có thể dần dần xin tăng số giờ lên được. Bạn đồng nghiệp của chàng nhiều người cũng chỉ có bằng tú tài như chàng mà mỗi tháng kiểm nổi trăm rưỡi, hai trăm, thì sao chàng không tới được số lương ấy. Tài dạy học của chàng đã được ông giám đốc biết đến. Và trừ cái ban năm thứ hai ra, học trò các lớp đều mến phục chàng cả.
Nghĩ đến ban năm thứ hai với hai giờ tiếng Annam, Lương lại buồn. Bọn học trò nghịch ngợm, hỗn xược ấy đã có phen làm chàng chán cái nghề dạy học. Chàng lẩm bẩm: "Lũ quỷ sứ". Trong lớp ấy, sự an ủi của chàng là ba cặp mắt đen lay láy hiền lành, đầy tính trắc ẩn của ba nữ học sinh. "Ba con cừu mũm mĩm lạc vào một đàn dê dữ tợn, thô tục", chàng thường nới với Nga thế. Chàng nhớ một hôm, một cặp mắt đen láy đã rớm lệ vì thấy ông thầy dạy tiếng Annam bị bọn "quỷ sứ" trêu tức phải đập bàn gào thét.
Lương cảm động tự nhủ thầm: "Con gái bao giờ cũng có lòng tốt." Và chàng tưởng tới Hồng: "Nếu Hồng biết mình khổ sở thì Hồng chẳng nỡ cự tuyệt mình. Phái yếu họ vẫn giàu tình cảm... "
- Anh đi bộ à?
Lương ngoảnh nhìn ra đường. Cái xe nhà của Căn trên có Nga và Hồng chạy vượt qua.
Nga quay lại hỏi tiếp:
- Từ đây về tận phố hàng Ðẫy, xa thế mà anh chịu khó cuốc bộ?
Lương mỉm cười ngượng nghịu:
- Tôi đi cho đói để về ăn cho ngon cơm.
Chàng nhìn theo thấy Nga ra hiệu bảo anh phu xe đỗ lại. Nhưng vừa kìm thì Hồng vội xua tay giục đi. Tình yêu làm cho Lương có những tư tưởng lạc quan. Chàng coi đó là một triệu chứng hay: Hồng bẽn lẽn là vì Hồng đã cảm thấy xiêu lòng vì chàng.
Xe đã xa. Lương còn cao tiếng, hỏi:
- Hai chị đi đâu đấy?
Nga quay lại đáp. Chàng nghe rõ có hai tiếng "Gô đa".
Ðến cửa nhà Gô đa chàng dừng bước thở mạnh cho tim đập chậm lại vì chàng đã đi mau quá. Chàng sợ hai thiếu nữ sẽ nhận thấy sự hồi hộp. Chàng tự biết rằng khi hồi hộp mình rất vô duyên: mắt ngơ ngác, mồm há ra, lời nói ấp úng. Vào tới bàn trả tiền, Lương gặp Nga và Hồng đi ra. Chàng lúng túng ngả đầu chào.
Nga cười hỏi:
- Anh mua gì đấy?
Lương ngập ngừng:
- Tôi... vào chơi... cũng chưa định mua gì.
- Vậy chào anh nhé.
Lương cố giữ vẻ mặt tự nhiên:
- Hai chị về vội thế? Không mua gì à?
Nga lại cười:
- Có chị Hồng đã mua một cái bàn chải với một hộp phấn đánh răng.
Lương tưởng nên nói một câu khôi hài, quay hỏi Hồng:
- Phấn đen hay phấn trắng đấy, chị?
Hồng, vẻ mặt trang nghiêm, lạnh lùng đáp:
- Phấn trắng.
Ðoạn, lững thững tiến ra phía cửa, để Nga một mình đứng lại nới chuyện với Lương.
Thấy thế, Nga giơ tay bắt tay bạn đồng nghiệp rồi đi theo ra.
- Hai chị về thực đấy à?
Nga cười đáp:
- Về thực.
Lương cũng muốn về ngay, nhưng sợ làm như thế mình sẽ tỏ rõ cái chủ tâm vào Gô đa theo đuổi gái. Chàng liền đi lang thang từ gian bán đồng hồ vòng ra gian bán sách, mắt nhìn vơ vẩn thứ nọ thứ kia mà chẳng chủ ý tới một cái gì. Chàng lo lắng, buồn rầu tự nhủ: "Quái! Hồng như cố ý lánh mặt mình".
Tới gương tủ ca vát, chàng dừng lại nửa giây liếc qua diện mạo. Chàng không dám ngắm nghía lâu, sợ người ta để ý bình phẩm, vì hôm nay nhằm chiều thứ bảy, khách mua hàng rất đông. Nhưng nửa giây ấy cũng đủ cho chàng nhận thấy sự tiều tụy của cái ca vát, đương đeo. Khi thắt nó, chàng cố dấu chỗ sờn rách vào phía trong, đến nỗi kéo bản rộng lên cao quá làm cái nút to ụ giữa hai cánh cổ mềm. Nhưng cái màu bạc của nó thì chàng dấu sao được. Màu ấy trước kia là màu xanh nhạt, nay đã trở thành một màu không tên, không hắn xám, mà cũng không hắn vàng.
Lần này là lần đầu chàng nhận thấy không hay hớm gì cái huy hiệu "người có ca vát độc nhất" mà chàng tự đặt cho mình, như có ý để khoe khoang sự nghèo túng với chúng bạn. Kể thì chẳng cứ gì về ca vát chàng có độc một cái, mà về thứ y phục gì chàng cũng chẳng mấy khi có đến hai. Nhưng cái ca vát lồ lộ ở giữa ngực, người ta trông thấy ngay rằng nó mới hay cũ, nó nhã nhặn hay quê mùa. Cổ áo, đôi giày và ca vát, nhất là ca vát, đó là ba thứ làm tôn hay làm giảm giá trị con người ở trước mặt một thiếu nữ xinh tươi.
Lương vừa đứng chọn ca vát vừa loay hoay với những ý tưởng phức tạp ấy. Bỗng chàng khẽ kêu: "Ừ! khá lắm!" Và chàng lùi ra một bước ngắm nghía. Cái ca vát ấy nền xanh thẫm có điểm những hình thêu màu đỏ rất nổi. Lương lật vội phía trái ra xem giá, và nhún vai thì thầm "Hơi đắt!"
Kể thì đắt thật, vì cái giá hai đồng rưỡi đối với số ngoài ba chục bạc lương của chàng có lẽ cũng hơi quá. Nhưng Lương không thể rời cái ca vát mà đi được. Tay chàng vân vẻ, mắt lộ vẻ thèm muốn. Rồi chàng mở ví ra soát lại tài sản: trả xong tiền ăn, tiền trọ, tiền giựt tạm, còn lại tất cả tám đồng, thì phải để ra ba đồng trả học phí cho Thiện (nhà trường trừ cho chàng năm mươi phần trăm). Còn có năm đồng vừa tiền xe vừa tiêu vặt suốt tháng của hai anh em.
Lương mỉm cười nghĩ thầm: "Chà mua ca vát cũng là tiêu vặt chứ gì!" Chàng liền quả quyết dõng dạc gọi người bán hàng, vì chàng cho rằng hễ ngần ngại, đắn đo suy tính là không mua được cái gì hết: "Kể thiếu thì mình thiếu nhiều, cứ gì một khoản tiêu vặt hay tiền xe!"
Trước khi người bán hàng đem ra bàn trả tiền, Lương đòi ướm thử ca vát xem có nổi không. Lúc này chàng ta tha hồ tự ngắm nghía trong gương chẳng còn sợ ai dị nghị, vì ai cũng biết chàng chọn ca vát... Chàng thấy chàng có cái trán hơi nhô, nhưng rộng, hàm răng hơi vổ nhưng đã có cặp mắt kéo lại, cặp mắt mà chàng cho là rất thông minh. Cái sẹo bóng ở thái dương phía trái, mái tóc rẽ đường ngôi bên phải cũng che gần kín hắn, nó không lồ lộ như trước kia khi tóc chàng chải lật.
- Vậy ông có ưng không?
Lương quay ra mỉm cười:
- Ưng, ưng lắm.
Trả tiền xong, Lương hối hận nghĩ thầm:
"Chết chửa, hai đồng rưỡi cái ca vát! Mình hoang quá!" Nhưng lúc chàng tưởng tới ngày hôm sau, chủ nhật, chàng sẽ đến chơi nhà Căn thì chàng hết hối hận ngay. Và chàng vui vẻ ra cửa thuê xe về nhà vì sợ em đợi cơm.