Vú Hà vừa đi khỏi nghĩa địa tây thì gặp Sen, đầy tớ gái bà Thông, và Sửu, anh bếp trong phủ. Hai người này đón đường hỏi thăm chuyện cô Hồng để chốc nữa về thuật lại cho chủ nghe. Nếu lượm được nhiều tin hay thì dẫu họ có ăn bớt tiền chợ một cách quá đáng, chủ biết cũng sẽ làm ngơ. Vì thế, xưa nay họ vẫn có tài đi do thám việc từng nhà, việc quan trọng cũng như việc tầm thường, quý hồ có cái mà kể với chủ dù phải bịa đặt thêm thắt vào cho vui, cho nổ câu chuyện.
Vừa nhác trông thấy vú Hà, Sen chạy ngay lại chào, rồi đỡ lấy cái rổ, nói:
- U đưa tôi cắp cho nào.
Sửu khôn ngoan bắt đầu cuộc do thám bằng một câu chuyện làm quà, vì anh bếp già hiểu tâm lý bọn đồng nghiệp lắm: Muốn họ kháo việc nhà họ, trước hết mình phải kháo việc nhà mình.
Anh ta bảo vú già:
- Hôm qua cai Lợi bị quan tát cho một cái nên thân.
Cặp mắt vú Hà vội nheo lại:
- Ồ! Thế à? Tại sao thế bác?
- Tại hắn ta ghẹo vú cậu, quan bắt gặp…
Vú Hà cười gập người lại, đánh rơi mất miếng trầu đương ngậm ở một bên hàm.
- Cho chết! Ai bảo lẳng lơ lắm!
Sen tinh quái hỏi:
- U bảo ai lẳng lơ? Bác cai Lợi hay chị vú Ðông?
- Bảo cai Lợi đấy chứ?
Sửu láu lỉnh gợi chuyện:
- Tưởng chỉ con gái thì mới lẳng lơ thôi chứ! Như chị Hồng nhà vú chẳng hạn…
Sửu ghé lại gần vú Hà, hạ giọng hỏi:
- Nghe nói hôm qua bà cho chị ấy một trận nên thân, phải không?
- Không, bà tôi có đánh chị ấy bao giờ đâu.
- Thế còn ông nhà?
- Ông tôi ấy à?… Chuyến này thì có lẽ ông tôi tống đi. Ông tôi kêu chị bêu nhơ bêu nhuốc ông tôi.
Rồi vú Há thuật lại cho hai người nghe đầu đuôi câu chuyện:
- Hôm trước mãi nhá nhem tối, Hảo, Hồng và Yêm mới về nhà. Lúc bấy giờ ông phán đương ở chơi trong phủ. Bà phán nằm nghỉ trên gác, nói thác nhức đầu không xuống. Nhưng Yêm đã chạy vội lên chào mẹ.
Kể đến đây, vú Hà cảm động bảo Sửu:
- Bác bếp ạ, cậu Yêm cậu ấy thế mà tốt bụng. Tuy khác mẹ đấy, nhưng cậu ấy thương chị Hồng lắm. Chả biết cậu ấy nói những gì với bà tôi, mà bà tôi làm ầm cả nhà lên, rồi bà tôi khóc, rồi bà tôi đập mất một cái chén với một cái ống nhở sứ, rồi bà tôi cho đi tìm ông tôi về ngay lập tức.
Sửu tò mò hỏi:
- Vậy u không biết cậu Yêm nói những gì với bà?
- Không. Tôi chỉ nghe thấy bà tôi thét: “Trời ơi! thằng Yêm nó nhiếc tôi! Ông phán ơi, ông về mà xem con ông nó chửi tôi đây này.”
Sem mỉm cười, thích chí:
- Vậy ra cậu Yêm bênh cô Hồng?
- Ðã bảo không biết cậu ấy nói những gì với bà tôi mà lị.
Sự thực, Yêm chỉ khuyên mẹ nên ăn ở tử tế với Hồng, nên thành thực thương yêu Hồng như con đẻ, thì Hồng sẽ thương yêu kính mến lại mình như mẹ ngay.
Ông phán ở phủ về giữa lúc bà phán gào thét, đập phá, khóc lóc. Ông lên thẳng trên gác và chẳng nói chẳng rằng, ông tát cho Yêm hai cái rồi đuổi xuống nhà.
Một lát sau ông và bà phán cùng xuống phòng khách, Hảo dắt Hồng ra chào và vừa mếu máo vừa xin lỗi cho em đã trót dại. Nhưng ông phán không thèm nghe, ông túm lấy tóc Hồng và co chân đạp một cái thực mạnh, khiến nàng ngã ngồi xuống đất.
- Mày còn vác mặt về làm gì, hở con đĩ?
Hảo ấp úng:
- Bẩm thầy, thầy thương em con, em con nghe tin con mệt, vội lên thăm, không kịp xin phép…
Một tiếng cười gằn của bà phán khiến nàng ngừng lại. Ông phán như giải nghĩa cái cười của vợ:
- Thì bức thư có để lại còn kia. Trong thư nó nói không thèm trở về cái nhà nầy nữa mà! Mày còn bênh vực em mày nữa thôi?
- Bẩm thầy, thầy tha tội cho em con, em con trót dại.
Lần thứ hai bà phán cười gằn:
- Trót dại!
Ông phán tiếp luôn:
- Trót dại! Ði theo trai rồi cũng kêu trót dại, phải không?
Nghe thấy nhắc đến việc theo trai, Hồng lại chợt nhớ đến Lương, người đã tình phụ nàng khiến nàng phải quay về gia đình, không thoát nổi nơi “địa ngục” ấy. Nàng liều lĩnh nói với cha:
- Bẩm thầy, mỗi cái nếu thầy không thương con nữa thì thầy cứ giết ngay con đi cho con thoát nợ đời.
Bà phán lại cười:
- Sao cô xui dại thầy thế? Giết cô để mà ngồi tù nhé? Con đi làm đĩ không đủ xâú hay sao, lại còn muốn bố ăn cơm ống bơ nữa?
Câu mỉa mai quá đáng khiến ông phán phải chau mày và Hảo ứa nước mắt.
Hồng sừng sộ:
- Cô không có phép vu cáo…
Bà phán vẫn cười mát, ngắt lời:
- Hùng hồn nhỉ? Chả đi học mà làm thầy kiện cũng hoài!
Hồng toan cãi lại nhưng Hảo đưa mắt ra hiệu bảo im, rồi lại gần dì ghẻ thì thầm:
- Em nó dại dột, cô làmơn xin với thầy hộ cho nó, nó sẽ không dám quên ơn cô.
Bà phán nói to như để phân vua:
- Thì đấy, có chị đấy nhé, không lại bảo tôi đặt điều ra cho nó. Nó cãi lại tôi sa sả, nó có coi tôi ra gì đâu… Ðến thầy nó, nó còn chả coi ra gì nữa là tôi.
Ông phán thở dài, chừng để biểu đồng tình một cách lẵng lẽ. Bà phán lại nói, giọng cố làm ra cả động:
- Chị tính tôi khổ sở, đau đớn, nhục nhã vì nó. Mấy hôm nay tôi có dám vác mặt đi nơi nào đâu. Tôi sợ người ta cười, người ta mỉa mai. Chị ạ, thực trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, một tí gì mà người ta không biết? Người ta biết cả tên cái thằng quyến rũ nó là Lương đấy chị coi.
Hồng phần xấu hổ, phần căm tức, khóc nức lên đi vào nhà trong:
- Trời ơi! Sao tôi không chết quách cho rồi, còn trở về cái nhà này làm gì?
Ông phán mắng chửi ầm ỹ, và nếu không có bà phán giữ ông để tỏ lòng tốt với Hảo thì ông đã lại túm lấy Hồng mà đánh.
- Ðấy chị coi, nó có chịu nhục đâu!
Yêm đăm đăm nhìn mẹ, rồi cũng bỏ vào nhà trong để an ủi Hồng. Ông phán thấy vậy gọi giựt lại:
- Yêm! Bỗng dưng mày nghỉ học về nhà để làm gì?
Yêm quay lại, cúi đầu đứng im lặng. Sao tao hỏi, mày không nói thằng kia?
- Bẩm… Hôm nay thứ năm.
- Thế mai?
Yêu trả lời liều:
- Sáng mai con có cả ba giờ “permanence”. Bẩm ở lớp nhất bao giờ cũng có nhiều giờ nghỉ.
Rồi, chừng để gợi tình trắc ẩn của cha mẹ, Yêm nói tiếp:
- Bẩm… với lại con về để xin thầy mẹ cho chị Hồng… Hôm nọ không có con… thì chị con chết rồi còn gì.
Yêm thuật lại buổi gặp Hồng ở bên hồ Trúc Bạch, thêm thắt vào câu chuyện trở nên ghê sợ, bi đát. Ông phán cố dấu tiếng thở dài, và lạnh lùng nói:
- Sao mày không để cho nó chết? Chết đi còn hơn là sống mà làm điếm nhục gia phong.
Bà phán hằm hằm nhìn con:
- Cả mày nữa. Mày cũng chết đi cho rảnh mắt tao: Tao không muốn có thằng con bất hiếu bất mục như mày!
Yêm rùng mình sợ hãi vì như đoán thấy trong cặp mắt thù oán của mẹ, cái ác ý ghê gớm của một người đàn bà tàn nhẫn.