Trí nhớ Hồng đi ngược lên đến thời nàng sáu tuổi: năm ấy như một bức tường ngăn cản ký ức nàng lại. Không phải tuổi lên sáu là cái tuổi con người bắt đầu ghi nhớ, nhưng một sự đau đớn xảy ra làm rung chuyển cân não non nớt của nàng và có ảnh hưởng sâu xa tới đời nàng: Mẹ nàng chết.
Nàng tưởng như tự trông thấy mình kêu gào gọi mẹ. Người ta nói dối nàng bảo rằng mẹ nàng đi chơi xa, hôm sau sẽ trở về, và sẽ mua quà thật nhiều. Nhưng nàng hiểu chắc rằng mẹ nàng đi không về nữa, vì nếu không thế, sao Hảo, chị nàng, lại khóc lóc thảm thiết và kể lể những câu "Mẹ bỏ chúng con đi. Mẹ để chúng con bồ côi bồ cút ở đời..."
Trong lúc đưa ma mẹ, nàng chỉ nhớ có một điều là hôm ấy trời mưa...
Thế rồi nàng sống ở một tỉnh nhỏ, tỉnh Vĩnh Yên, trong một gia đình thờ ơ buồn tẻ.
Cha nàng ngày hai buổi đi làm, trưa về ăn cơm rồi ngủ. Chủ nhật nếu không đi chơi thì lại mời khách đến nhà đánh tổ tôm, tài bàn. Không mấy khi nàng được cùng cha chuyện trò thân mật âu yếm.
Người gần nàng nhất là người đàn bà mà nàng không hiểu tại sao lại là mợ nàng được. Ngày xưa nàng kêu mẹ là mợ, vậy người này có là mợ nàng đâu mà dám nhận lấy cái tên gọi hiền từ ấy?
Sau khi mẹ nàng chết, nàng còn được sống bốn năm hơi êm thắm, vì nàng luôn luôn được chị Hảo bênh vực, che chở cho. Nàng nhớ một lần nàng đánh vỡ cái chén Nhật Bản. Người dì ghẻ mắng nhiếc nàng thậm tệ, rồi sấn lại toan tát nàng. Nàng khóc thét lên thì chị Hảo chạy đến bế nàng đi liền.
Nàng kính phục chị Hảo, cho chị Hảo là người can đảm nhất đời, nhiều khi dám cãi lại "mợ" mà mợ vẫn không đánh đập như thường đánh đập mình.
Nhưng năm Hồng mười tuổi thì Hảo về nhà chồng. Nàng khóc thảm thiết hơn khóc mẹ chết, vì nàng hiểu rằng nàng sẽ cô độc, sẽ khổ sở. Chị nàng cũng khóc và ôm nàng vào lòng dặn dò đủ mọi điều để đối phó với "người ta" - khi hai chị em trò chuyện riêng với nhau, Hảo thường dùng tiếng "người ta ‘ để trỏ vợ lẽ của cha.
Từ đấy chị Hảo đi, gần như đi biệt, vì mỗi năm chỉ về thăm nhà một, hai lần, mà mỗi lần chỉ ở nhà một, hai hôm. Hình như chị Hảo với "người ta" không thể chịu đựng được nhau, nên hễ thấy mặt nhau là lườm, là nguýt, là tìm những câu bóng gió nói cạnh, nói mỉa nhau.
Hồng thấy thế lấy làm sung sướng, mong mỏi chị về chơi nhà luôn, để mà kình địch với "người ta", để nàng được thấy "người ta" tức sùi bọt mép và được nghe những tiếng thở dài đau đớn của cậu. Cậu không hẳn là kẻ thù của nàng, nhưng nàng coi cậu như thuộc vào cánh "người ta", một cánh rất đông và rất mạnh, có đủ các chiến tướng lắm mưu, nhiều kế. Ðương đầu với cánh ấy, nàng chỉ một thân trơ trọi. Giá nàng can đảm, liều lĩnh được như chị Hảo?
Một hôm ở trường về - năm ấy nàng theo lớp nhì trường nữ học - nàng nghêu ngao hát câu ca dao vừa nghe lỏm được, mà nàng cho là hay lắm:
Mấy đời sấm trước có mưa
Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng!
Nàng thấy hai đứa em khác mẹ, thằng Yêm và cái Lan, bĩu môi thì thầm với nhau rất lâu. Bữa cơm chiều "người ta" dữ tợn nhìn nàng, tìm hết mọi cớ để mắng nhiếc nàng, để nói xấu nàng với cậu. Nàng nghĩ thầm: "Nếu phải chị Hảo thì chị ấy đã hát câu ca dao vào tận mặt cho. Không một lúc nào, Hồng không nhận thấy mình sống bên cạnh một bọn thù. Họ luôn luôn chế giễu nàng, xem xét từng cử chỉ, bắt bẻ từng lời nói của nàng, ẩn núp chung quanh nàng để do thám, để đoán việc nàng định làm hay không bao giờ nghĩ tới...
Giữa một bữa cơm sáng, cha nàng hằm hằm tức giận, xỉa xói vào mặt nàng:
- Hồng, mày là một đứa con bất hiếu, mày đã biết chưa?
Nàng ngồi im, cúi gầm mặt xuống, cố nuốt trôi miếng cơm nghẹn nào trong cuống họng. Cha nàng nói tiếp:
- Mẹ mày chết đi, lúc ấy mày mới lên sáu, mợ mày đây yêu quý mày... nuôi nấng mày... có khác gì mẹ đẻ không? Ðấy, mày xem thằng Yêm, con Lan, thằng Tý, con Thảo, cái Mùi có được mợ mày đây yêu mến bằng yêu mến mày không? Không phải là người ta có sợ gì mày mà phải tử tế với mày, người ta chỉ thương hại mày là một đứa con mất mẹ, mày đã hiểu chưa?
Hồng ngắt lời:
- Nhưng thưa cậu, con có dám gì đâu.
Ông phán dằn cái bát xuống bàn:
- Không dám gì? Mày còn cãi à? Tao biết hết, tao đi guốc vào trong óc mày kia. Năm nay mày mới mười bốn tuổi đầu, mày đã tưởng mày khôn ngoan lắm đấy. Úi chà, cô nữ học sinh lớp nhất thông minh lắm đấy, giỏi giang lắm đấy.
Người dì ghẻ vờ cười vui vẻ ngắt lời chồng:
- Cậu lôi thôi lắm, có để cho chị ấy ăn xong bữa cơm đi không. Trời đánh còn tránh bữa ăn kia mà?
Ông phán gắt:
- Mợ phải để tôi dạy bảo nó mới được chứ. Con gái lớn tuổi rồi. "Dưỡng nữ bất giáo tất như dưỡng chư."
Người dì ghẻ vẫn làm như bênh vực Hồng, kỳ thực chỉ nói để nhắc:
- Thì chị ấy có làm gì đâu?
- Không làm gì? Hồng, mày bảo mày không dám hỗn với mợ mày đây, vậy mày kể những gì với con vú già?
Hồng giật mình, sợ hãi. Thì ra trong khi nàng trò chuyện với người vú già cũ đến thăm nàng, bọn "mật thám" đã nghe được hết, để đi thuật lại với "người ta". Nhưng nàng im lặng, ăn vội vàng rồi đứng dậy sang phòng bên đóng cửa ngồi khóc. Nàng khóc không phải vì bị cha mắng, nhưng vì nhớ lại những lời của vú già. Trước kia nàng chỉ nhận thấy "người ta" tàn nhẫn với nàng, nhưng nay nhờ có vú già mách, nàng lại biết thêm một điều ghê gớm hơn nhiều: "người ta" đã giết mẹ nàng. Vú già bảo nàng:
- Ông lấy cô ta về được ít lâu thì ông coi rẻ hẳn bà. Bà buồn quá sinh ốm đau rồi chết, buồn một phần vì bị ông tình phụ, một phần vì bị cô kia lấn át. Nhất từ khi cô ta sinh con trai đầu lòng, thì cô ta lại càng lăng loàn lắm, đến nơi một lần cô ta dám thụi vào ngực bà. Nghe tới đó, Hồng kêu rú lên, bưng mặt khóc.
Vú già nói tiếp:
- Chị tính, bà vốn người yếu đuối, sảy đến năm bận rồi, còn gì. Thế mà sức cô ta như voi vâm, cô ta xỉa quả đấm vào ngực, làm gì mà không thối ngực, hộc máu ra.
Luôn mấy hôm sau, Hồng buồn phiền, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết của mẹ. Và từ đó, Hồng càng thêm khiếp sợ dì ghẻ như một kẻ sát nhân tàn ác...
Nhưng năm ấy nàng thi đậu tốt nghiệp, và nhờ có chị xin cho, được về Hà Nội, theo học trường Sư Phạm.
Gần hai năm Hồng sống trong không khí dễ thở, bên một người chị thương mến và những bạn trẻ đùa nghịch thẳng thắn. Người bạn hợp tính nhất với nàng là Nga, em chồng chị Hảo. Hai người học cùng lớp, lại cùng ở trọ nhà anh chị, nên tình thân một ngày một thêm khắng khít; Hồng đem hết chuyện nhà ra kể cho bạn nghe, chỉ giấu có một điều là cái chết oan của mẹ về tay người dì ghẻ tai ngược, tuy càng lớn lên, càng biết hơn, Hồng càng tưởng thấy rõ rệt nguyên nhân cái chết thê thảm ấy. Nàng thường nghe các cô giáo khuyên nhủ học trò khi viết đừng tì ngực vào bàn, sợ mắc bệnh lao. Ðến tì ngực vào thành bàn còn có thể mắc bệnh lao được, huống hồ yếu ớt như mẹ nàng mà bị những quả đấm nặng nề của người dì ghẻ và có lẽ cả của người cha nữa.
Hồng giấu kỹ điều ấy là vì nàng sợ nếu biết chuyện thì bạn sẽ cười mẹ mình hiền lành quá nhu nhược quá. Ðối với bạn thân, nàng muốn thành thực kể hết những nỗi đau đớn trong lòng, nhưng nàng vẫn nhút nhát, giữ gìn, che đậy. Hồng nhớ một lần nàng đã bịa đặt một câu chuyện âu yếm, đem trí tưởng tượng tả ra một gia đình êm ấm của nhà mình, để tỏ với bạn rằng khi vắng người dì ghẻ, cha nàng cũng đoái thương nàng.
Sự thực lại không thế. Cha nàng hình như chẳng biết có nàng nữa. Và nàng kinh ngạc, không hiểu sao ở trong tình thế ấy, nàng còn được theo học, được ra Hà Nội với anh chị, còn được vui hưởng những ngày tự do. Có khi nàng ngờ rằng chỉ vì sợ người vợ lẽ mà cha vờ ghét mình, vờ lãnh đạm với mình, chứ trong thâm tâm, cha vẫn yêu quý, vẫn săn sóc, vẫn tha thiết nghĩ đến tương lai của mình. Nàng cố đoán thấy tình phụ tử trong cặp mắt hiền từ... Nhưng cặp mắt ấy không bao giờ để tới cặp mắt sợ hãi của nàng.
Dẫu sao, nàng cũng cố tin như thế để tự an ủi thầm, mỗi khi nàng đến chơi những chị em bạn, trong những gia đình hòa thuận đầy lạc thú. Rồi những tiểu thuyết lãng mạn càng làm cho nàng sống với sự êm đềm mơ mộng, tưởng tượng. Có đêm nàng chiêm bao thấy cha hối hận, đánh đập dì ghẻ rồi gọi nàng đến bảo: "Hồng ơi, thầy thương con lắm, thầy đã ghét oan con, thầy đã hiểu hết cả lòng nham hiểm của người đàn bà ấy rồi. Từ nay thầy sẽ yêu mến con để vong linh mẹ con ở dưới suối vàng được sung sướng."
Khi tỉnh mộng Hồng càng cảm thấy tình cảnh mình đáng thương. Và nàng sụt sùi nằm khóc.
Nhưng cái mộng nàng sợ nhất là cái mộng học tập vì những ngày khoáng đãng sống ở Hà Nội chỉ là một giấc mộng quá đẹp đẽ đối với những ngày ảm đạm, ghê sợ, sống trong gia đình bên một người cha nghiêm khắc, gần một người dì ghẻ xảo quyệt, với lũ em thù ghét.
Mộng ấy mỗi năm hai lần đứt: một lần trong mười hôm vào dịp Nguyên đán và một lần rất dài trong ba tháng nghỉ hè. Nàng sợ hãi gia đình, trốn tránh gia đình, đến nỗi hôm gần được nghỉ tết, nàng dớ dẩn hỏi chị: "Thưa chị, em muốn ở đây ăn tết với anh chị và các cháu, chả biết chị có xin phép cậu được cho em không?" Hảo buồn rầu bảo nàng: "Như thế không tiện, em ạ. Em chịu khó về thăm cậu, chỉ mười hôm rồi em lại ra đây với chị thôi mà". Hồng ứa nước mắt không nói gì. Tâm trí nàng cảm thấy rõ rệt hết cả cái nghĩa giả dối của người đời, của cả những sự thiêng liêng. Người ta bảo trong mấy ngày tết, cha mẹ, anh em, chị em xum họp vui vẻ. Nhưng, họp thì có xum họp, chứ ở tình cảnh của nàng, nàng còn vui nỗi gì?
Nàng còn vui sao được, khi liếc thấy vẻ mặt lạnh lùng của cha, và cái cười yên lặng cay độc của dì ghẻ!
Vậy thì sao không để mặc nàng sống mấy ngày nghỉ của nàng gần những người mà nàng thực bụng yêu mến?
Hồng càng buồn rầu đau đớn khi thấy người ta tết được về nhà, ai cũng sung sướng, chỉ riêng mình nàng là khổ sở. Nàng cố tự an ủi nghĩ đến những người đồng cảnh với nàng, những thiếu nữ mồ côi mẹ trong những gia đình có dì ghẻ ác nghiệt. Tâm, một người bạn học của nàng, còn đáng thương hơn nhiều. Ngồi cùng xe ra ga để về Ninh Bình nghỉ tết, Tâm kể với nàng hết mọi sự nhục nhã đọa đầy sắp phải chịu đựng. Mà người hành hạ Tâm nào phải dì ghẻ cho cam. Ðó chỉ là một người mẹ. Những giọt lệ chảy hai bên má bạn khi bạn thuật chuyện, Hồng có cảm giác như thấm mát dịu tim nàng. Và nàng thấy đỡ khổ. Nhưng một lát sau, khi lủi thủi trên toa xe lửa, Hồng so sánh hai tình cảnh của mình và của bạn, nàng không khỏi thở dài tự nhủ: "Thà là mẹ thì đã đi một nhẽ?"
Tới nhà vừa chào cậu và "mợ" buông miệng, nàng đã bị dì ghẻ xui xiểm ngay: "Cậu trông cái Hồng nó bêu xấu bêu nhuốc tôi kia. Nó làm như tôi không may mặc cho nó nữa. Ai lại về nhà ăn tết mà tha bộ quần áo bạc thếch bạc thác như thế kia?" Lúc bấy giờ Hồng mới kịp nhận ra rằng vẫn mang bộ y phục ngày thường và buổi sáng vì buồn phải từ biệt anh chị, quên bẵng cả việc điểm trang. Ông phán lắc đầu đáp: "Tôi đã bảo mợ đừng nói đến cái con khốn nạn ấy với tôi nữa kia mà. Nó muốn đi, muốn về, muốn lành, muốn rách mặc xác nó?" Thấy thế người dì ghẻ lại khéo lấy lòng nàng bằng một câu tử tế: "Gớm cậu lúc nào mặt cũng hằm lên với các con. Thì cười với nó một tí xem sao nào".
* * * *
Tới đây, trí Hồng bỏ một quãng xa, đến thời nàng không được học "chữ" nữa, phải ở nhà "học làm, học ăn" theo như lời người dì ghẻ.
Cái ý định bắt Hồng thôi học ở miệng cha thất ra, nhưng Hồng thừa biết rằng cha chỉ tuyên cái án mà người đàn bà đã kết.
Nào phải nàng lười biếng hay kém thông minh? Năm thứ nhất nàng được phần thưởng nhì và năm bị ép bỏ học, nàng chiếm đầu lớp. Vì biết phận không ra gì, nàng vẫn chăm chỉ, ganh đua học tập để có thể tự gây lấy một nền tương lai chắc chắn. Cái ý tưởng sau này ra làm cô giáo để tự nuôi thân không một lúc nào không lởn vởn trong trí nàng.
"Ðến thế này là hết, là hết hy vọng" nàng nghĩ thầm.
Ðược lệnh thôi học có ba hôm trước ngày nhập trường. Hồng không kịp xoay xở, chỉ vào buồng nằm khóc rồi viết thư cho chị biết. Hảo tức tốc về nhà, đôi co với dì ghẻ, cãi lý với cha. Nhưng nàng chỉ làm cho cái ý định của cha thêm phần quả quyết, và cái đời của em từ đấy thêm phần khổ sở mà thôi.
Cha nàng mắng át:
- À mẩy muốn em mày chơi bời lêu lổng, phải không? Con gái học nhiều để làm gì, để làm đĩ, phải không?
Hồng có dịp được biết rõ thêm lòng nham hiểm của người dì ghẻ, nhất bây giờ nàng lại đã khôn lớn, biết nghĩ sâu xa hơn trước và không để người ta lừa dối mình một cách quá dễ dàng. Nàng đương buồn rầu ngồi khóc thút thít mà cũng phải bật cười khi nghe dì ghẻ phân trần với cha:
- Chết chửa! cậu phải để cho nó học nữa chứ, về nhà thì làm nên trò trống gì?
Cha nàng gắt dì ghẻ:
- Trời ơi! mợ lại về bè với chúng nó ư? Mợ định nối giáo cho giặc hay sao?
Thế là việc học của Hồng đành xếp.
Ðến đây một việc xảy ra trong đời Hồng, một sự an ủi trong những ngày buồn tẻ, ảm đạm. Nhưng đó cũng là nguồn gốc bao sự lôi thới ghen tức, nhỏ nhen.
Hôm ấy nhà Hồng có khách đánh tổ tôm và trong bọn khách có bà án tỉnh Vĩnh Yên, bà phán Trinh, dì ghẻ Hồng, lấy làm tự hào đã mời được đến chơi.
Muốn hãnh diện với một bà quan, bà phán kéo dài tiếng, gọi Hồng ra để bảo sắp cơi trầu và pha ấm trà mạn sen.
- Em chịu khó giúp mợ, chẳng chúng nó không biết pha làm phí cả chè.
Bà án lưu ý ngay đến Hồng, tấm tắc khen thầm cái nhan sắc thùy mị, và cái thông minh kín đáo của một thiếu nữ mới lớn lên. Lúc Hồng đặc chén nước bên cạnh bà, bà đăm đăm nhìn nàng và hỏi bà phán:
- Thưa bà lớn, cô này là con gái đầu lòng của bà lớn?
Bà kia trả lời bằng một giọng vui vẻ và tự nhiên:
- Bẩm cụ lớn, cháu thứ hai đấy ạ. Chị cả cháu đã lấy chồng làm thơ ký phủ Thống sứ kia ạ. Bẩm cụ lớn, cháu cả đã được hai trai một gái ạ.
Bà án khen:
- Phúc đức nhỉ, bà lớn còn trẻ thế mà đã có cháu rồi. Chả mấy lúc mà có chắt.
Bà cười the thé hỏi tiếp:
- Còn cô này, bà lớn đã sắp cho đi ở riêng chưa?
Bà phán cũng cười, đáp lại:
-Bẩm cụ lớn, cháu còn nhỏ dại lắm ạ, cháu đã học hết hai năm ở trường Sư phạm. Tôi bảo cậu cháu cho cháu học nữa, nhưng cậu cháu nhất định bắt về nhà học làm học ăn ạ.
Ông phán Trinh nói:
- Bẩm cụ lớn, con gái lớn tuổi mà cho học ở Hà Nội thực là một sự nguy hiểm.
Hồng đứng nghe chuyện, tức uất người, nước mắt chỉ chực ứa ra. Lúc bấy giờ giá bà án hỏi nàng một câu gì thì nàng hẳn nghẹn ngào không đáp lại được. Nhưng may cho Hồng, bà vừa gặp cây bài ù, nên nhãng quên nàng đi.
Hồng căm giận, một phần vì nhớ tới việc bỏ học của mình, nhưng nhất vì thấy người dì ghẻ coi mình như một người con đẻ vậy.
Ngay từ lúc ấy Hồng đã có ý muốn bắt chước anh phán Căn, gọi cậu bằng thầy và đổi tiếng "mợ" ra tiếng "cô" để người ta khỏi tưởng tâm rằng mình là con người dì ghẻ. Nhưng nàng vẫn sợ hãi, rụt rè, cho mãi tới hai năm sau mới dám quả quyết làm theo ý định.
Chắc người dì ghẻ liếc mắt đoán thấy những tư tưởng ấy trên vẻ mặt khinh khỉnh của Hồng, nên tươi cười, trêu tức bảo nàng:
- Kìa em rót nước hầu cụ lớn.
Hồng ngây người đứng nhìn. Bà án tưởng nàng có tính bẽn lẽn lại càng yêu mến lắm.
Cách đó hai tháng, Hồng thoáng nghe vú già và thằng nhỏ thì thào bảo nhau, mỗi khi nàng đi qua: "Con dâu cụ án nay mai đấy?"
Thế rồi tết năm ấy, nàng thấy một cậu trai trẻ đến nhà nàng, với chiếc áo gấm lam, ngoài phủ chiếc áo sa tây...
Mãi khi ăn hỏi, nàng mới biết rằng cậu ta là vị hôn phu của mình. Nàng hơi lo sợ, vì chẳng hiểu tâm tính học lực, hạnh kiểm người ấy ra sao. Nhưng nàng chẳng khỏi mừng thầm khi thấy người dì ghẻ dữ tợn tức tối với mình. Vì luôn luôn Hồng bị dì ghẻ nhiếc móc, nào những "ngữ ấy mà về làm dâu nhà người ta không khéo chỉ vào mùng ba ra mùng bảy thôi. Nó tưởng nó xinh đẹp lắm đấy, thử bỏ phấn sáp ra xem".
Rồi người đàn bà hay ghen ghét, thù lây cả bên thông gia, tuy vẫn được người ta hết sức chiều chuộng và kính nể. Trước mặt Hồng người ấy tìm đủ mọi cớ để nói xấu quan trường, nêu ra những sự ăn tiền làm bậy, đổi trắng thay đen, thuật lại, có khi bịa đặt ra, những chuyện các viên phủ huyện tra khảo, ức hiếp dân quê. Hồng vô tình ngồi lắng tai nghe. Mãi đến sau nàng mới hiểu, khi dì ghẻ kết thúc bằng một câu nói với cha: "Tôi không hiểu sao ông lại nhận lời gả nó cho nhà quan. Ðấy, rồi ông xem, ngữ ấy thời chỉ biết chơi bời lêu lổng".
Hồng mỉm cười nhìn dì ghẻ như đắc thắng nhìn kẻ thất bại.
Trong bốn năm như thế, ngày ngày hai bên địch hầm hè với nhau, cái vui của người này là cái buồn của người kia. Một tin thành công về việc học của Thân làm khổ tâm dì ghẻ bao nhiêu thì Hồng sung sướng bấy nhiêu, tuy không một lúc nào nàng thành thật yêu Thân. Mà nàng yêu sao được. Ăn hỏi xong, Thân sang Pháp ngay, và từ đó, Hồng chẳng nhận được một lá thư của chàng. Ðến vẻ mặt Thân, Hồng cũng chỉ trông thấy một cách lờ mờ trong bức ảnh chàng đứng chụp với những bạn người Âu cùng lớp.
Nàng nghĩ đến, nhớ đến, có khi nói đến vị hôn phu chỉ vì nàng muốn báo thù dì ghẻ.