Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Thoát Ly

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21570 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thoát Ly
Khái Hưng

Chương 14

Hồng đến nơi thì lớp học chưa tan. Nàng vừa trả tiền xe vừa chau mày lẩm bẩm nói một mình:
"Cái đồng hồ của anh Căn nhanh đến nửa giờ?"
Những xe nhà, cái sơn vàng, cái sơn đen đặt sát liền nhau thành một hàng dài, càng ghếch lên hè. Thỉnh thoảng mới xen lẫn vào một cái xe hàng, xộc xệch, cũ kỹ, mui bạc phếch, hay nhem nhuội như cái tã bẩn.
Có anh phu kéo ngồi khểnh trong xe, phì phèo hút điếu thuốc lá quấn vừa mua nơi hàng nước bày bán trong hành lang, lối đưa vào các lớp. Có anh khoác áo tơi xe lên vai cho được ấm, ngồi co ro ở một góc trường. Một bọn sáu anh quây quần nói chuyện phiếm: luôn luôn thất ra những lời tục tĩu, kế tiếp liền những dịp cười ngây ngô.
Thấy Hồng đến, họ tò mò ngửng lên nhìn. Một người lại gần hỏi:
- Thưa cô, mấy giờ rồi ạ?
Hồng trù trừ đáp:
- Có lẽ gần mười một giờ. Tôi cũng không có đồng hồ.
Rồi nàng rảo bước đi vào hành lang. Bên cạnh đó, tiếng một ông giáo oang oang giảng bài tập đọc, vụt nhắc Hồng, trong giây lát, nhớ lại cả cái thời học sinh sung sướng của mình. Nàng đứng lắng tai nghe: ông giáo đương giảng nghĩa một điển tích trong một bài ngụ ngônLa Fontaine . Và ông pha trò có duyên quá khiến cả lớp phá lên cười từng trận.
Hồng rét run vì gió lùa. Lúc ra đi, nàng vội vàng không kịp mặc áo len đan. Nàng vẫn tưởng đến chậm quá, không ngờ lại quá sớm. Nghĩ lẩn thẩn nàng toan quay về trước, không đứng chờ Nga vì nàng bỗng nhận thấy cử chỉ của mình không tự nhiên.
Buổi sáng nghe chuyện gia đình Lương, nàng sung sướng tự phụ được đóng vai chính trong câu chuyện cảm động ấy. Nàng không ngờ ở đời lại có một tình yêu lạ lùng như thế! Hai anh em hai người đàn ông yêu nhau khăng khít quá tình nhân. Yêu đến ghen được với người yêu của anh. Yêu đến vứt bỏ được người yêu trong mộng. Tình anh em sâu xa đến thế ư?
Tự nhiên nàng thấy Lương không tầm thường nữa, Lương mà nàng vẫn ghét cay ghét độc vì dung mạo xấu xí, nhất vì cái tính si ngốc của chàng. Trước khi về Ninh Giang, nàng muốn gặp mặt người ấy lần cuối cùng, nói với người ấy một vài câu dịu dàng để chuộc lại cái tội đã khinh bỉ người ấy trong bao lâu nay. Nàng nghĩ thầm:"Ở đời này không nên khinh ai tâm lý" . Nhớ tới dì ghẻ: nàng mỉm cười chua chát, sửa đổi lại ý nghĩ: "Không nên khinh ai nếu mình chưa hiểu rõ người ta rất đúng, và một đới khi đã rõ biết".
Chỉ vì thế mà nàng không ra ga sáng hôm nay. Chỉ vì thế mà bây giờ nàng đến trường đón Nga. Nhưng tới phút này nàng lo ngại: Nàng lờ mờ cảm thấy rằng hình như nàng không được đoan chính. Và nàng toan quay về ngay...
Bỗng Hồng giật mình: mấy tiếng chuông lanh lảnh vang lên. Tiếp liền tiếng học trò cười nói ồn ào. Rồi ở các lớp bên hành lang, một bọn trò nhỏ ùa ra... Thấy Hồng, chúng ngây người tò mò nhìn hay nói lớn với nhau những ý nghĩ của mình:
- Dễ vợ ông giáo Hy đấy!
- Bậy! Vợ ông giáo Hy tao còn lạ gì. Già hơn.
- Hay "elle" đến xin vào học ban tú tài,
- Mày thử hỏi "elle" xem.
Một cậu ghé tai bạn nói thầm một câu, tức thì có tiếng reo:
- Ừ phải đấy, dễ thường vợ ông giáo Lương.
Và cả bọn phá cười lên, khiến Hồng xấu hổ đỏ bừng mặt.
- Im! Vô phép thế à?
Một ông giáo quát mắng học trò, rồi lại gần chỗ Hồng, nghiêng đầu chào:
- Thưa... thưa cô, cô hỏi ai?
Hồng chào lại, đáp:
- Thưa ông, tôi đến tìm chị Nga.
- À cô Nga, cô Nga dạypremière année ở trên gác. kìa, cô ấy đã xuống đó.
Rồi ông giáo nghiêng đầu chào một lần nữa, từ biệt Hồng.
- Chị Nga!
Hồng cất tiếng gọi. Nga ngơ ngác nhìn quanh, vì mới ở chỗ sáng đi vào lối hành lang hơi tối, nàng trông không rõ ai. Hồng vội chạy lại, cầm lấy tay bạn:
- Tôi đến đón chị đây ;
Nga cười:
- Cảm ơn chị. Chị làm tôi lại nhớ thời còn bé học trường hàng Cót, ngày hai buổi mẹ tôi cho vú già đến cửa trường đón tôi. Rồi vú già với tôi đi bộ về nhà.
Hồng cũng cười:
- Vậy ta đi bộ về nhé?
- Trời ơi! đi bộ từ đây về chợ Hôm?
- Sao không được?
Ai hỏi ở sau lưng:
- Vậy hôm nay chị không đi xe điện?
Hồng quay lại nhìn và nhận ngay được Lương, liền mỉm cười gật chào. Lương kính cẩn cúi đầu chào hai má ửng hồng vì sung sướng. Nga bảo Lương:
- Nếu chúng tôi đi bộ về thì anh Lương đi hộ giá cả nhé?
- Xin vâng. Hân hạnh cho tôi lắm lắm.
- Vậy đi.
Hồng ngập ngừng hỏi:
- Ði bộ thực à?
- Lại chả thực!
Ba người ra đường. Mấy anh học trò lớn liếc nhìn Lương rồi khúc khích cười, thì thầm nói chuyện. Lương để hết cả tinh thần vào Hồng. Ngoài Hồng ra, chàng không trông thấy gì nữa. Nhưng Hồng thoáng nhận thấy sự chế nhạo của bọn học trò, và nàng nghĩ ngay đến những giờ dài đằng đẵng của Lương trong lớp ồn ào, mất trật tự, giữa một đám học trò hỗn xược tàn ác. Nàng ngước nhìn Lương, thương hại: hai cặp mắt gặp nhau, một luồng điện cảm tình làm đôi my Hồng rung động và tim Hồng đập mau.
- Sao chị lại đi về phía ấy?
Nghe Lương hỏi, Nga cười đáp:
- Tôi cứ quen đường ra chỗ chờ xe điện. Vậy đi bộ thực nhé?
Hồng có vẻ e ngại:
- Ði bộ... có tiện không nhỉ?
Hồng quen ở tỉnh nhỏ không bao giờ thấy cái cảnh nam nữ đi song song ở ngoài phố. Chừng Nga cũng hiểu thế, nên bảo bạn:
- Ở Hà thành người ta không dị nghị bép xép như ở Ninh Giang nhà chị đâu mà sợ.
Hồng ngượng với Lương, chữa thẹn, cãi lại:
- Ô hay, tôi có sợ gì đâu. Hay nói cho đúng, tới chỉ sợ đi bộ về muộn làm anh phán, chị phán phải chờ cơm.
- Chà! Để anh chị ấy chờ, đói ăn càng ngon.
Tới hồ Hoàn Kiếm, thấy hai thiếu nữ đi chậm lại Lương hỏi:
- Hai chị mỏi chân rồi?
Hồng lắc đầu:
- Chưa. Nhưng đi thong thả để ngắm hồ.
Nga cười:
- Có chị ở nhà quê ra Hà thành thì thích ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, chứ đối với chúng tôi cảnh ấy trở nên tầm thường quá rồi.
Lương cãi:
- Thưa chị, không có lý nào thế. Hồ Hoàn Kiếm của chúng ta biến hóa trăm hình vạn trạng mỗi lúc đẹp một khác, không bao giờ ngắm chán mắt được.
Hồng tấm tắc khen:
- Hồ Hoàn Kiếm đẹp thực!
- Vâng, thưa chị, thực là một viên kim cương nạm trong khối ngọc thúy.
Nga lại cười:
- Thi sĩ không!
Rồi bảo Hồng:
- Xin giới thiệu chị nhà thi sĩ Ba X... thường gửi tác phẩm đăng trên các tuần báo.
Hồng vui vẻ hỏi:
- Sao ao lại Ba a X...?
- Vì anh Lương ký tên Trois X (XXX).
Lương nhún mình:
- Lúc nhàn rỗi làm thơ cho đỡ buồn, chứ thi sĩ thi xiếc gì!
- Anh cũng có khi buồn kia à?... Chiều nay, thứ năm nhàn rỗi, hắn anh làm thơ cho đỡ buồn.
- Chiều nay thì tôi không nhàn rồi, vì tôi đã nhận lời đến đánh tổ tôm đằng ông Phi.
Nga cười vui vẻ, Lương hiểu ý nghĩa cái cười ấy nên cũng cười theo. Những cuộc tổ tôm góp một hai đồng ở nhà ông giám đốc buổi trưa hôm thứ năm và chủ nhật đã thành một thói quen trong đám giáo sư trường Ðông kinh. Và cái vẻ mặt nhanh nhẹn, những cử chỉ ngôn ngữ hồn nhiên sỗ sàng của bà đốc chẳng ai còn lạ! Buổi dạy học sáng thứ năm, anh em thường hỏi nhau: "Hôm nay Phi có mời anh đến đánh tổ tôm không?" Rồi họ mỉm cười, cái mỉm cười rất nhiều ý nghĩa.
- Ông thích đánh tổ tôm lắm?
Lương đang cười, ngừng bặt để đáp lại Hồng:
- Không, tôi có thích tổ tôm đâu! Nhưng nể ông Phi quá, nên thỉnh thoảng cũng phải nhận lời đến đánh.
- Tưởng không thì trưa nay đưa chúng tôi đi xem phòng triển lãm của anh Gia. Chị Hồng chắc chưa đến phòng triển lãm nhỉ?
- Chưa.
Lương vội đáp:
- Vậy tôi xin đi với hai chị, tôi cũng chưa xem.
Hồng mỉm cười:
- Nhưng ông đã nhận lời đến đánh tổ tôm...
- Không sao ạ, tôi lại xin kiếu nhé.
Chàng ngả đầu chào hai thiếu nữ:
- Xin tạm biệt, đúng hai giờ tôi lại tìm hai chị.
Rồi không chờ hai người chào lại, hay nói một câu trả lời chàng đi thẳng.
Hồng thì thầm bảo Nga:
- Anh ấy không sợ em anh ấy giận à?
Nga phá lên cười khanh khách.

<< Chương 13 | Chương 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 157

Return to top