Đối với Juliet, những tháng ở nhà tù Bristol chỉ là thứ khai vị cho những gì sắp tới, khủng khiếp hơn nhiều. Tù nữ đa phần là gái điếm, ăn cắp vặt, hoặc những người đói nghèo cùng cực bị bắt vì lấy cắp đồ ăn cho các con. Nhiều đêm họ đánh nhau, và bọn cai tù xông vào nện tới tấp bất kỳ ai trong tầm dùi cui của chúng, chửi bới họ bằng những lời tục tĩu không kém. Juliet chỉ còn cách nép sát vào tường cùng những người tù ít ngổ ngáo hơn.
Nữ tù phải bổ sung xuất ăn của họ bằng cách lấy lòng bọn cai ngục.
Đối với đám gái điếm thì không có vấn đề gì, song Juliet quyết giữ lòng tự trọng, không chịu bán mình mặc dù bọn gác ngục công khai gạ gẫm.
Đám bạn tù ngạc nhiên thấy cô gái nhỏ nhắn như vậy mà lại dữ dằn bảo vệ những thứ nàng có, và vì đã biết tội ác mà cô gái phạm phải, họ tỏ ra kính nể theo cách thô thiển của họ. Thực ra nàng cũng chẳng hơn họ Ở bất cứ điểm nào. Đối với kẻ giết người thì hãy nên thận trọng, họ nói với nhau như vậy, và vì thế nàng có thể đổi chác áo quần không dùng đến mà không sợ họ nẫng mất. Nàng chỉ giữ lại chiếc khăn mặt và cục phòng, mà thực tế cũng chẳng để làm gì vì nhà vệ sinh chỉ có các trang bị rất sơ đẳng, song nàng cố gắng lau rửa người thật sạch. Chẳng phải loại tù bị phát vãng được ưu tiên hơn, theo chỗ nàng biết, tình thế của họ lại càng bi đát.
Mãi cuối mùa hè mới có một chiếc tàu của công ty Đông ấn ghé cảng Bristol và được lệnh chở một số tù sang Austrailia. Chỗ ăn ở của tù rất chật chội, vì đây là loại tàu chở hàng là chính, nhưng các Cao ủy đại diện cho Đức Vua thì lại hơi lo lắng về việc các trại giam ở Anh đã chật ních tù. Bất cứ tàu nào qua phương Đông đều có thể phục vụ Đức Vua bằng cách chở một số tội phạm, và thế là không cần phải mất công lo nhà để giam giữ họ Ở Anh nữa.
Chiếc tàu ba buồm có tên là Grace đậu ở cảng Bristol ba tuần, bốc dỡ chè và gia vị chở từ Xây lan và một ít len từ Sudney về. Tàu sẽ phải chở một số nông cụ và nhiều loại đồ gia dụng mà dân mới định cư ở Australia yêu cầu.
Thuyền trưởng Ross Jamieson không hài lòng lắm khi biết tàu của anh được giao chở mười lăm tù phát vãng. Công ty có lợi hơn nếu tàu chở hàng hóa, chở hàng sống loại này cần phải chú ý hơn là chở toàn bàn tủ và cuốc xẻng. Nhưng anh lại là nhân viên của công ty, nên phải tuân lệnh thượng cấp là những người rất cần thiện chí của các vị Cao ủy đại diện Đức Vua.
Tờ mờ sáng hôm tàu chuẩn bị nhổ neo, một chiếc xe ngựa mui trần chạy đến đậu ngay trên bến. Trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn treo chỗ người đánh xe, một đoàn tù cả nam lẫn nữ lôi thôi lếch thếch, chân đeo xiềng nặng được đưa xuống. Ross Jamieson đứng trên đài cao nhìn xuống, môi mím chặt tỏ vẻ ghê tởm. Nước da cháy nắng, tóc đen nhánh, và lúc này mặt ánh lên vẻ ngạo mạn vô thức dưới chiếc mũ ba cạnh, trông anh giống một trong những vị tiền bối Ê cốt của mình , mắt sắc như mắt diều hâu, quai hàm bạnh ra, hiên ngang chờ đợi đội quân áo đỏ của xứ Hanover đang tiến đến gần. Thật là một lũ cùng khổ, anh nghĩ.
Quần áo rách bươm bẩn thỉu, người ngợm không được tắm rửa, mùi hôi hám của họ xông lên tận chỗ anh đứng, mặc dù họ co ro mãi tít dưới xa, người run lẩy bẩy trong buổi hừng đông lạnh buốt.
Đội giải tù đang lên tàu. Anh xuống gặp và họ đưa cho anh một tập giấy tờ.
- Ngài chuyển cho ngài Thống đốc khi tầu đến vịnh Botany. Trong này có ghi tên tuổi tù nhân, tội trạng và án tù. Ngài không cần phải lo chúng gây rối, bọn chúng phần lớn là loại móc túi và trộm cắp. Chín nam và sáu nữ tất cả.
- Lũ đàn bà phạm tội gì?
- Hầu hết là tội trộm cắp và gái điếm cướp tiền khách làng chơi. Trừ một đứa phạm tội giết mẹ.
Ross Jamieson rướn lông mày hỏi:
- Giết mẹ à? Đó là một trọng tội.
Tại sao nó không bị treo cổ?
- Thưa ngài tôi không được rõ. Chắc ông chánh án nhẹ tay, và con bé còn trẻ quá.
- Mặt hàng này có vẻ xấu đấy. Vốn là người rất sùng tín, Ross thấy chuyện đó kinh khủng quá:
- Con bé ấy có phá phách không?
Người giải tù lấy tay xoa chiếc cằm râu ria lởm chởm:
- Thưa ngài, cô ta nói chung là hiền lành, song dữ như cọp nếu bọn lớn hơn định giở trò lợi dụng.
- Tôi sẽ không cho phép đánh nhau trên tàu của tôi. Nếu cô ả giở trò đánh lộn, cứ treo cổ nó lên là xong chuyện.
- Thưa ngài, đúng vậy. Người gác tù nhìn khuôn mặt khuất trong bóng chiếc đèn. Cặp mắt nghiêm khắc, mồm mím chặt với vẻ cương quyết ấy làm ông ta tin người đàn ông này đã nói là làm:
- Ngài cho phép đưa họ lên tàu chứ?
- Vâng. Sỹ quan phụ tá của tôi sẽ chỉ cho ông chỗ dành để nhốt tù ở cuối tàu.
Ross trở lại đài chỉ huy, khuỷu tay chống trên lan can, đứng nhìn đám tù đang lên tàu. Đám phụ nữ trông đều giống nhau, người nào cũng tóc tai rũ rượi, áo váy bẩn thỉu. Họ hơi loạng choạng khi tàu lắc lư theo thủy triều đang lên, rồi viên sỹ quan và đám áp giải dẫn họ về phía đuôi tàu.
Mười phút sau, viên sỹ quan trẻ tuổi báo cáo:
- Thưa ngài, các khoang tàu đã đậy kín, toàn bộ hàng đã lên tàu.
Ross gật đầu và ra các mệnh lệnh cho thủy thủ:
- Tất cả các vị trí chuẩn bị. Hãy nhổ neo và ra khơi.
Tàu Grace trôi theo ngọn thủy triều xuống phía cửa biển và khi ra đến biển, tàu căng hết buồm và phóng nhanh qua eo biển Bristol về phía bờ biển nước Pháp. Gió biển lồng lộng và tàu Grace lướt như bay trong khi hừng đông đang hé sáng, ánh dương hồng nhàn nhạt như những chiếc nan quạt từ chân trời vươn tới trời cao.
Tàu đi vòng qua cụm đảo nhỏ Scilly, chẳng lâu nói lùi xa dần về phía đuôi tàu. Suốt tuần đầu, thời tiết không thay đổi, nhưng khi tàu họ đến gần bờ biển nước Pháp, chuẩn bị vào vịnh Biscay nổi tiếng thì trời bỗng tối sầm lại. Người lái tàu liếc nhìn thuyền trưởng Jamieson đang đứng chắp tay sau lưng, nhíu mày nhìn la bàn.
- Sắp chuyển thời tiết xấu, thuyền trưởng ạ, anh ta đánh liều lên tiếng và khuôn mặt cau có quay lại phía anh ta.
- Ừ, mẹ kiếp! Hãy thay đổi đường, cho tàu vào gần bờ hơn. Anh nhìn phía trước. Không kịp rồi, thật tệ hại. Nếu phải chạy dọc bờ biển Pháp, lại mất thêm vài ngày nữa. Tổ cha cái vịnh chó chết này. Biển ở đây cứ đồng bóng như đàn bà. Anh gật đầu với người lái, rồi đi xuống khoang tàu kiểm tra xem tất cả hàng hóa đã được chằng dây cẩn thận chưa.
Gió thổi mạnh, chiếc tàu xoay buồm lựa hướng gió tránh cơn bão đang tới gần. Jamieson đi qua khoang đuôi tàu nhưng hề nghĩ tới đám hàng sống anh đang chở. Số nông cụ anh chở trên tàu còn có giá đối với người định cư ở New South Wales hơn là mấy tên tội phạm này. Cứ có thức ăn nước uống, mỗi đứa một chiếc nệm mỏng và bác sĩ trên tàu sẽ cho thuốc khi cần, thế là đủ. Anh còn bận tâm tới số dê sắp đưa lên tàu ở Capetown, hơi sức đâu mà nghĩ đến họ.
Mưa bắt đầu rơi. Thuyền trưởng Jamieson khoác áo vải dầu, đội mưa, vật lộn trong luồng gió mạnh trên boong lên đài chỉ huy. Biển trở nên hung dữ hơn, sóng chồm lên mũi tàu, con tàu nhỏ dồi lên dập xuống như quả bóng trong tay đứa trẻ.
Thuyền trưởng luôn mồm nguyền rủa, ngã lộn vào buồng lái và nhe răng cười với người lái tàu. Cả hai đều có vẻ thích thú. Vật lộn với biển cả là điều sung sướng nhất đối với bất kỳ thủy thủ nào. Cho dù cạm bẫy của biển khơi có kinh khủng thế nào, vượt qua được chúng quả thật là một chiến công đối với những con người ngang tàng này.
Hai người đứng tỳ tay lên bánh lái đã được cột chặt, mắt chăm chú nhìn về phía trước, lặng lẽ bất chấp sóng dữ, điều chỉnh hướng đi của con tàu.
Con tàu vật lộn với biển cả trong suốt hơn một tuần.
Nhiều lần họ nhìn thấy bờ biển nước Pháp, nhưng tàu Grace vẫn tiếp tục đi theo hướng cũ, mặc dù ván tàu cọt kẹt như sắp vỡ tung trước cơn sóng dữ. Khi họ qua khỏi vịnh, biển lặng dần, bầu trời cao lên như thừa nhận thất bại. Mặt trời ghé mắt lo lắng nhìn qua mây, rồi mỉm cười chúc mừng con tàu nhỏ vừa qua cơn bão tố.
Thuyền trưởng Jamieson xoa xoa cái cằm chưa cạo, nhìn bầu trời cao mỉm cười:
- Hướng Lisbon, Jake! Không biết tàu có hỏng gì không.
- Hẳn rồi, thuyền trưởng ạ. Tất nhiên là đi Lisbon.
Trong hầm tàu ở phía đuôi, Juliet Westover mở mắt thấy bầu trời xanh qua lưới sắt của cửa lên boong. Sau mấy ngày liền bầu trời lúc nào cũng đen kịt, những tia nước từ những đợt sóng biển chồm lên boong lạnh như băng chảy xuống thang lên, nàng không dám tin vào mắt mình khi thấy mặt trời. Nàng đưa mắt nhìn quanh hầm tàu nồng nặng mùi nôn mửa và thấy những người tù khác đang nằm bò ra đệm, mặt mũi xanh xao, bơ phờ qua mấy tuần say sóng. Nàng cũng bị Ốm, nhưng ốm vì không khí trong hầm giam này hơn là vì con tàu lắc lư. Giá nàng được lên trên boong, gió biển thổi tung mái tóc, nước biển toé mặn chát đầy mặt thì chắc nàng sẽ không còn cảm giác bụng đau quặn và buồn nôn.
Còn gì sung sướng hơn khi được nằm yên trên đệm, ngắm nhìn bầu trời trong xanh sau bao ngày bị dồi lên dập xuống không ngừng. Bao ngày nàng tự hỏi? Có lẽ phải vài tuần rồi. Bị giam hãm trong bóng tối, con người mất hết cảm giác về thời gian. Có lẽ bây giờ họ sẽ được cho phép lên boong tàu tập thể dục. Ngoài cậu bé người xứ Goan ngày ngày buộc dây đưa thùng nước và bữa ăn xuống hầm, họ không được tiếp xúc với người nào khác, trừ tiếp xúc giữa đám tù với nhau là điều Juliet không thích chút nào.
Khi tàu đến vùng nước lặng ngoài khơi Bồ Đào Nha, họ được lệnh lau cọ hầm tàu. Bàn chải và giẻ lau được ném xuống, sau đó cửa thông lên boong vẫn để mở. Không ai từ trên theo thang xuống hầm, trừ chú bé nhà bếp dòng dây kéo những xô nước bẩn lên và đưa xuống những xô nước sạch. Tất cả những việc này được tiến hành dưới con mắt theo dõi chặt chẽ của anh chàng sĩ quan trẻ đang cầm khẩu các bin sẵn sàng nhả đạn. Chỉ sau khi hầm tàu được lau chùi khá sạch, họ mới được phép lên boong.
Juliet hít sâu vào lồng ngực không khí trong lành của biển. Gió biển thổi tung mái tóc trong khi nàng bám chặt tay vào lan can. Gió cũng có nhiều loại khác nhau, nàng nghĩ. Đều là gió trời cả, song chúng mang theo hương vị của những khoảng không gian mà chúng đi qua. Ngọn gió thuở ấu thơ của nàng mang hương vị của rừng, của những hàng cây ẩm ướt và trên hết là mùi của lũ ngựa hoang. Còn ngọn gió này mang vị mặn của biển, làm cơ thể và đầu óc nàng như tỉnh ra. Nàng biết sau đó gió sẽ trở nên nóng và có lẽ yếu dần khi thổi đến châu Phi. Gió của vùng New South Wales sẽ ra sao đây? Khí hậu ở đấy nóng hay lạnh? Không ai trong đám tù biết điều đó, mà loại thông tin này khó có khả năng anh chàng cầm các bin kia lại cho nàng biết.
Chỉ một lúc sau họ đã được lệnh trở lại hầm tàu. Con tàu sẽ phải vượt qua eo Gibranta trước khi đi dọc bờ biển Tây Phi. Nàng biết đó là một châu lục rộng, và phải mất bao nhiêu tuần nữa họ mới đến được nơi họ phải đến? Ngay cả cuộc sống lưu đày mà được hít thở không khí trong lành cũng còn hấp dẫn hơn phải sống trong hầm tàu bẩn thỉu, ngột ngạt với mười lăm người tù không lấy gì làm sạch sẽ. Những người đạo đức mà đôi lúc cũng nhẫn tâm làm sao! Tống tất cả vào một chỗ dưới hầm tàu, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ cũng mặc. Chả lẽ họ nghĩ đã là kẻ tù tội thì chẳng còn cảm giác hay cảm xúc gì sao?
Thuyền trưởng Jamieson đứng trên đài chỉ huy. Khí hậu ngày càng nóng. Tàu sắp ghé cảng Rabat của Ma rốc , vào thời gian này trong năm, ở đó chỉ có cái nóng nhiệt đới và đầy ruồi nhặng. Anh đưa mắt nhìn phía cuối tàu. Viên sĩ quan trẻ có nhiệm vụ canh gác tù đang xách súng xuống cất vào tủ đựng vũ khí. Nó làm Jamieson sực nhớ sự có mặt của đám tù đáng ghét trên tàu.
Cho đến lúc này vẫn chưa có chuyện gì rắc rối. Nhưng khi tàu chạy men theo bờ biển Tây Phi, nhiệt độ cao dần, Ross tự hỏi không biết có nên chuyển đám tù nữ qua chỗ hầm súng hay không. Hầm phía đuôi tàu thiếu không khí và cái nóng nhiệt đới dễ làm người ta nổi khùng lên.
Lộn xộn rất có thể xảy ra ở dưới đó, và anh chàng sĩ quan trẻ chưa quen việc chở tù dễ có khả năng xả súng vào đám tù trong lúc hoảng hốt.
Ngoài việc được lệnh giao đám mười lăm tù nhân này cho viên thống đốc, anh không muốn tù nhân nào chết trên tàu của anh, cũng như không muốn có năm sáu tù nữ ễnh bụng ra đấy. Về điểm này, anh vừa buồn cười vừa bực khi nhận thấy hình như đã quá muộn:
- đám nữ tù không muốn chia tay với số còn lại. Mặc khác, nếu bọn gái điếm này làm bọn tù đàn ông choảng nhau, anh sẽ lập tức ngăn chặn các cuộc ẩu đả vì ghen tuông ấy. Anh không có cảm tình gì với bọn này, nhưng ngày hai lần khi cửa thông xuống hầm được mở ra, mùi hôi thối bốc lên làm người khỏe cũng thấy lộn mửa, và điều sơ đẳng nhất là phải làm gì đó để giải quyết chyện ấy, nhất là khi trời nóng nực thế này.
Giá mà anh biết, dưới đó trong hầm giam bẩn thỉu cũng có người đang nghĩ như anh. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, Juliet Westover đang cố giữ cho mình khỏi phát điên bằng cách tập trung nghĩ tới những trận mưa xuân , những làn mưa mát lạnh xối xả đổ xuống vùng đồng hoang, gió mơn man mái tóc khi nàng cưỡi con ngựa của ông Shepheard và mùi thơm ngây ngất của cỏ vừa cắt, cùng những chùm hoa tím đầu mùa. Nếu nàng buộc đầu óc mình chỉ nghĩ tới những cái đó, nàng sẽ có thể quên đi nỗi khó chịu lúc này. Nàng phẫn uất nghĩ lẽ ra thuyền trưởng phải ra lệnh mở cửa thông lên boong, để không khí lọt xuống hầm tàu. Làm sao họ có thể trốn được khi tàu đang ở giữa biển khơi, dưới con mắt theo dõi của những người có súng chứ? Cho dù họ là kẻ tù tội, đối xử kiểu này cũng là vô nhân đạo.
Nàng nhắm mắt, cố hình dung làn nước mát mùa xuân trong hồ mơn man tấm thân nhớp nháp của nàng. Người nàng bốc mùi đến chết khiếp lên được. Nàng cố gắng lau chùi người ngợm cho sạch trước những cặp mắt hau háu của đám đàn ông. Nàng thèm được lột bỏ hết quần áo, người trần truồng mà dội nước biển, xát xà phòng cho sạch, rồi lau khô bằng chiếc khăn sợi thô nàng vẫn còn giữ được. Nhưng làm thế chả khác gì mời mọc gã tù nào tóm được nàng trước tiên. Cho đến bây giờ họ vẫn để nàng yên sau khi giở trò cấu véo và gạ gẫm một cách vô liêm sĩ. Nàng dùng chân, tay, cùi trỏ chống cự quyết liệt, được sự động viên bất ngờ của đám tù nữ là những người không muốn để xểnh mất cái phần ít ỏi mà họ kiếm được khi phục vụ đám đàn ông.
Nàng nghĩ tới những tuần, thậm chí những tháng dài đằng đẵng trước khi tàu tới nơi cần đến. Cái nóng ngột ngạt đã tác động tới họ.
Những vụ cãi lộn đã nổ ra. Đám đàn ông khỏe hơn giành quyền chia nước và thức ăn bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau.
Nàng lo lắng nghĩ, không biết nàng còn trụ được bao lâu trong việc bảo vệ khẩu phần ít ỏi, và quan trọng hơn là giữ được mình trước sự tấn công của bọn kia. Ở đây làm gì có sự cách biệt, và nàng ngày càng để ý thấy những cái nhìn đầy thèm khát của họ đang chĩa vào nàng.
Trong hầm giam chật như thế này, khó có thể giữ được vẻ kín đáo khi người ta chỉ có chiếc áo vải bông và những đồ lót tã nát , cả hai thứ đều rách toạc qua các vụ cấu xé nhau ở nhà tù Bristol. Giầy và tất đã phải đổi lấy thức ăn, đôi chân trần của nàng có vẻ thu hút sự chú ý của đám đàn ông, những kẻ nhìn khắp tấm thân mảnh mai của nàng với vẻ ngày càng táo tợn. Năm nữ tù kia xem ra dễ tính với họ, nhưng có trời biết được lúc nào đám đàn ông sẽ thử vận may với cô gái duy nhất đã tỏ ra khinh bỉ những lời gạ gẫm của họ.
Nàng đang ngồi ở bậc thang cuối, đầu óc còn mải nghĩ đến mùi thơm mát lạnh trong nhà để sữa của bà Shepheard, mùi hoa hồng ngào ngạt qua cửa sổ bay vào, thì cảm thấy bàn tay ai đó nắm chặt mắt cá chân nàng. Nàng giật thót người, cơn mơ màng tan biến ngay.
Nàng nhìn xuống thấy khuôn mặt cằm bạnh đen thui của một gã tù.
Hắn nhăn nhở làm vẻ dễ thương, hai hàm răng vàng xỉu và những ngón tay cáu bẩn của hắn lần sờ bắp chân nàng.
- Bỏ cái tay bẩn thỉu khỏi chân tôi, nàng rít lên, nhấc chân qua chỗ khác.
- Vẫn còn giở trò làm cao ư?, gã nhìn nàng với ánh mắt đểu cáng.
- Tại sao em không tử tế với Jeb White này như những con đĩ kia? Họ không bao giờ từ chối trò vui vui một chút, nhất là khi anh chia bớt cho họ suất ăn của anh. Thằng Tom Cooper kia kìa, nó ăn yếu nên cho anh chỗ nó ăn còn thừa.
- Thì cứ việc ăn đi, nói lôi thôi làm gì, Juliet giận dữ bảo.
- à, Tom nó cũng chẳng để ý. Nó không phải loại thích đàn bà. Anh sẽ chia cho em một phần nếu em tốc váy lên cho anh một lúc trong góc kia. Anh nói thế là công bằng quá rồi, đúng không?
- Vậy thì hãy đem cho người nào cần sự hào phóng của anh, Jeb White ạ. Tôi không muốn của anh thứ gì, anh nên hiểu điều đó và đừng nói nữa cho hoài hơi.
- Em nói có vẻ mạnh đấy, em ạ. Nhưng trước khi tàu vào vịnh Botany, em lại chẳng bò đến anh xin ăn cho mà xem.
- Tôi cần gì phải làm thế? Với tôi, suất ăn hàng ngày là đủ.
- Sẽ không đủ đâu nếu anh lấy của em khi ông sĩ quan đi ra chỗ khác.
Juliet cố xua nỗi hoảng hốt trước những lời gã nói. Gã đủ sức làm việc đó và nàng sẽ chẳng có ai giúp đỡ.
- Anh mà làm thế tôi sẽ mách ông sĩ quan, nàng đáp, cố lấy giọng dữ dằn.
- Mách tay trẻ trẻ mang súng các bin ấy à?, Jeb White cười chế nhạo:
- Thằng cha nhát như cáy. Em không nói hắn xuống được đây mà chơi trò sấp ngửa với anh đâu.
- Vậy thì tôi mách thuyền trưởng. Tôi sẽ kêu thuyền trưởng đến.
Ông ấy sẽ không sợ anh.
Jeb White cười ré lên, mồm hôi rình ghé sát mặt Juliet:
- Có lẽ cô chưa thấy thuyền trưởng. Tôi không nghĩ ông ta thèm để ý gì đến chúng ta từ khi tàu rời Bristol. Một kẻ ngạo mạn. Nhìn chúng ta lên tàu cứ như nhìn một đám hủi ấy. Tôi nghĩ ông ta không quen chở những đồ hôi thối trên tàu và rất không hài lòng về chuyện đó. Loại người như ông ta không thích giao thiệp với bọn người vô lại như chúng ta. Việc đó chắc là giao cho đám sĩ quan dưới quyền. Cô em phải nên biết điều, hãy để anh làm người bảo vệ cho. Joe Bates cũng đã để mắt tới cô, mà không phải mình nó đâu. Tốt hơn là đừng khước từ anh. Anh xử sự như một người đàn ông tử tế, cho cô em được tự nguyện và nhẹ nhàng đến với anh.
Trước sau gì anh cũng vớ được cô em, vì vậy đừng nên giở quẻ làm gì.
- Ai bảo mày thế hả?, ai đó gầm ghè phía sau Jeb White:
- Chúng ta đã quyết định tung đồng xu xem ai được cô ta trước cơ mà? Vậy mà mày lại mò đến cô ta như kiểu đã thắng cuộc là thế nào, hả?
- Ồ, Joe Bates, thì ra là mày!, Jeb gầm gừ:
- à, sự thể là thế này. Tao nghĩ cô ta nên kiếm lấy một người thành phố biết cách làm một cô gái thấy vui vui, hơn là vớ một thằng bị bắt vì tội ăn cắp chiếc bánh mì đáng giá vài xu. Mày đúng là thằng nhà quê, để bị tóm chỉ vì vài đồng xu!
- Tao nghĩ mổ ví của người ta thì hay lắm đấy? Nếu mày khôn ngoan đến thế, sao mày lại cùng bị chở đi trên tàu như tao?
Jeb White rút bàn tay nhớp nháp của hắn khỏi gối Juliet và đứng dậy đối mặt với Joe Bates. Hai đứa gườm gườm nhìn nhau như hai con chó tranh nhau khúc xương. Juliet trèo mấy bậc thang, cảm thấy lợm giọng khi thấy mình là thứ hai đứa tranh nhau. Cầu Chúa trên trời, xin hãy cho con chết giữa biển còn hơn phải nằm trong cánh tay ôm ấp của hai đứa này. Xin cửa lên boong hãy mở ra đi, nàng thầm cầu nguyện. Dù viên sĩ quan có bắn chết nàng khi nàng cố chạy ra lan can tàu, thì cũng còn đỡ ghê tởm hơn là để hai đứa kia giành giật nhau tấm thân của nàng.
Hai đứa sỉ vả nhau thậm tệ, và khi cơn giận bốc lên cao độ, hai đứa lao vào đấm đá nhau loạn xạ. Những người tù xúm xít xung quanh, hò reo khích lệ, mấy nữ tù hét lên thích thú. Tiếng ồn ào rộ lên, dội vào vách hầm và Juliet rúm người trên cao, hai tay bịt chặt tai vì kinh hoảng. Đứa nào thắng sẽ được quyền lôi nàng vào góc hầm và biểu dương thắng lợi của mình bằng một cách cổ điển nhất.
Nàng trườn vội lên nấc thang trên, tay đập ầm ầm vào nắp đậy. Xin hãy rủ lòng thương, mau đến đây cho, nàng thầm kêu. Không chỉ hai gã đang nện nhau mà hình như tất cả đám tù đang loạn đả, máu nóng bốc lên, họ đấm đá chí tử vì những chuyện cãi vã từ trước, hoặc vì chuyện coi thường nhau mà họ tưởng tượng ra. Juliet thấy đám đàn bà cấu xé nhau, dùng đầu gối thúc vào bụng nhau vì cái nóng không thể chịu nổi đốt cháy cơn giận đã khô như đống bùi nhùi.
Nắp đậy kêu cót kéo rồi mở tung ra. Tiếng gào thét, chửi bới từ dưới hầm vọng thẳng tới chỗ viên sĩ quan trẻ đang nhìn xuống với vẻ mặt hoảng hốt đến sững sờ. Sàn hầm là một đám người hôi hám, thở hồng hộc đang đấm đá nhau. Mồm anh ta mấp máy nhưng không ai hiểu anh ta nói gì vì quá căng thẳng.
Juliet ngước mắt nhìn lên, tay bám chặt vào bậc thang. Nhiều người nữa tới, nhưng nàng không nghe tiếng họ nói gì. Một người cao lớn, mặt khó đăm đăm lạnh lùng nhìn xuống, rồi hất hàm ra lệnh cho ai đó.
Juliet bắt đầu cố leo lên boong.
Người ta hất mạnh cái gì đó qua cửa thông xuống hầm, rồi cả một khối nước lớn trút thẳng xuống ngực, làm Juliet ngã lộn từ trên thang xuống đám người đang loạn đả. Một chiếc giầy đạp đúng trán, và Juliet ngã lộn xuống sàn hầm. Hầm tàu bỗng quay tít, người đau nhói, nàng tối tăm mặt mũi và ngất đi.
Đàn ông, đàn bà cuống cuồng chạy dạt ra, miệng la hoảng và lẫn trong tiếng ồn ào ấy là tiếng lạch cạch của chiếc máy bơm tay đang phun xối xả nước biển mặn vào các góc hầm. Cơn giận dữ tắt dần. Đám tù ướt như chuột lột ngước mắt nhìn lên, mồm há hốc.
Một nữ tù cười như điên loạn:
- Cám ơn thuyền trưởng đã cho tắm, nhưng ông quên chưa pha nước thơm rồi. Giờ ông cho khăn bông và phấn để người ngợm khô ráo chứ? Rất vui lòng để ông thưởng thức người tôi.
- Câm mồm, thuyền trưởng Jamieson điên tiết quát:
- Ta sẽ nện cho cả lũ ngươi một trận. Anh đưa mắt nhìn quanh hầm, rồi dừng lại chỗ Juliet đang nằm rúm người bất động.
Sức mạnh của dòng nước làm váy nàng xoạc rộng, để lộ đôi chân trần thon dài. Chiếc áo ướt sũng bó sát cơ thể trẻ trung làm nổi bật tất cả các đường nét từ ngực xuống hông. Anh chau mày khi thấy nàng nằm bất tỉnh.
- ả kia làm sao thế?
Jeb White vội bò đến cạnh Juliet, đưa tay ôm nàng vào lòng.
- Chỉ bươu đầu chút thôi ạ. Tôi sẽ săn sóc cô ấy. Ông khỏi cần phải lo về chuyện đó. Cô ta là người tình của tôi. Chỉ cần tôi vuốt ve chút đỉnh là cô ấy lại khỏe như thường.
- Jeb White, mày nói dối! Joe Bates hét:
- Cô ta vừa là người của tao, vừa là của mày. Chúng ta vẫn chưa giải quyết xong chuyện ấy.
Ross Jamieson lại nhìn cô gái. Mái tóc đen nhánh khô dần, cuốn thành từng lọn quanh khuôn mặt trắng nõn và luồng nước biển đã làm sạch bớt những vết bẩn trên áo cô. Thân hình bất động của cô trông thật thanh cao trong vòng tay của gã tù nhân nọ. Cô trông còn trẻ , chẳng hơn đứa trẻ là mấy , và anh tự hỏi có phải cái vẻ kiều diễm hơn mấy cô gái điếm ấy đã cho cô sức mạnh mặc cả trong cuộc đấu tranh sinh tồn hay không? Anh nhìn bộ mặt râu ria đen sì của gã tù và nhận thấy hai bàn tay thô kệch của gã đang sờ vú cô gái. Chả lẽ gã bịa ra chuyện đó một cách vô căn cứ ư? Gã tù kia rõ ràng là nghĩ như thế, xét theo ánh mắt gã nhìn tên đồng bọn. Nếu cửa lên boong đóng lại, chắc chắn đó là tín hiệu để hai gã nện nhau tiếp.
Mi mắt cô gái động đậy, rồi đôi mắt nâu rất to đầy đau đớn mở ra nhìn xoáy vào anh. Cô gái có vẻ sững sờ, mặt không có biểu hiện nhận ra người xung quanh.
- Xin bà tha thứ... Không hiểu sao tôi lại bị ngã... có một khối mềm mềm to..... Mi mắt nhắm lại và mặt nàng tái nhợt.
Căn hầm im lặng bỗng vang lên tiếng cười nói toang toác của một phụ nữ:
- Một khối to mềm mềm cơ đấy! Không phải Jeb White, cũng không phải Joe Bates. Giá mà cô đếm được những vết thâm tím trên người tôi nhỉ? Cứ như cả một túi than rơi vào người!
- Đồ đĩ, nói năng cho cẩn thận, kẻo tao cho người mày thâm tím hơn nữa, Jeb White gầm gừ:
- Cô gái của tao bằng vạn cái thứ mày, và tao nhất định sẽ chăm sóc cô ta.
- Vậy thì mày hãy nhanh lên khi mà cô ta còn đang ngất xỉu, nếu không cô ta sẽ cào nát mặt mày ra khi cô ấy tỉnh lại. Chuỗi cười khàn khàn vang lên.
- Còn tao thì sao, hả?. Joe Bates làu bàu:
- Tao cũng khoái con bé đó. Gã đứng lừng lững trước mặt gã đang ngồi, tay nắm chặt.
Cặp mắt ti hí tham lam của Jeb White ngước nhìn Ross:
- Xin ngài đừng nghe lời nó! Nó đã xài tất cả đám đàn bà ở đây và bây giờ nó muốn cả cô gái của tôi. Nó là giống lợn ghen ăn tức ở, song tôi sẽ không cho phép nó đến gần cô gái của tôi. Cô ấy không phải dành cho hạng người như nó.
Ross gần như không còn kiên nhẫn được nữa. Anh cần được tắm rửa và thay quần áo sau một ngày nóng nực như thế này. Hớp một ngụm đồ uống lạnh cũng không phải là không đúng lúc. Song anh có một linh cảm là lạ. Anh bỏ đi lúc này tức là để cái thân hình đang nằm trơ ra đó tùy thuộc vào tay hai kẻ đang tranh giành nhau, mà cô gái đâu đã ở trong trạng thái để cho một trong hai gã ôm ấp.
Anh tự nguyền rủa mình vì cái cảm giác thương hại này. Cô ta là kẻ trọng tội giống như những đứa khác. Tại sao anh lại để mình quan tâm đến cô ả ấy, dù lúc này cô ta nhỏ bé và bất lực đến mức nào đi nữa? Thế nhưng những lời thầm thì ấy không hề mang giọng thô lỗ như anh tưởng. Hơn nữa, còn một cái gì đó gần như rõ ràng là thích thú, một cảm giác chờ đợi kì quặc, giống như cái náo nức của người xem trước khi màn sân khấu được kéo lên.
Anh nhìn chằm chằm vào mặt Jeb White:
- Cô ta có chấp nhận làm người tình của mi không? anh hỏi, tự mình cũng thấy ngạc nhiên vì đã nhượng bộ với cái cảm giác day dứt phi lý này.
- Thưa ngài, tôi đã nói với cô ta ngay trước lúc nắp đậy hầm tàu được mở ra.
- Và cô ta bảo sao?
- Cô ấy thủ thỉ vào tai tôi những lời ngọt ngào là tôi đích thực là người dành cho cô ấy. Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau, đặt kế hoạch cho tương lai khi chúng tôi đến nơi. Cô ấy nói đủ mọi chuyện và những lời yêu thương. Thưa ngài, tôi xin lấy mạng sống của tôi mà thề đó là sự thật, như chân lý trong sách Phúc âm vậy.
- Trong lúc xung quanh ồn ào như vậy ư? Hoặc giả mi không nhận ra điều đó? Mắt Jeb White lo lắng đảo đi đảo lại và Ross nói tiếp:
- Vậy tại sao cô ta lại ở trên đỉnh thang khi ta cho phun nước biển vào hầm? Lúc đó mi ở đâu? Chắc không phải cũng ở trên thang, nếu không ta đã phải nhìn thấy mi chứ.
Jeb cố trấn tĩnh đáp:
- Thưa ông thuyền trưởng, chúng tôi đang chơi một trò ạ. Cô ta đang muốn trêu tôi, giả vờ bỏ chạy, thế là tôi đuổi theo cô ấy.
- Vậy là không phải mi ngồi yên lặng như mi vừa nói. Mi là kẻ dối trá và chắc chắn cũng là tên gây rối. Ta không cho phép đánh đấm nhau trên tàu của ta.
Jeb nhún vai:
- Tôi phải đánh lại để giữ tài sản của tôi chứ, thuyền trưởng? Thằng nhãi ranh ăn cắp vặt Bates ấy gây sự trước.
- Vậy thì chiều nay lúc mặt trời lặn, cả hai sẽ bị đánh mỗi đứa mười roi. Và ta báo trước, ta mà thấy đánh nhau ở dưới ấy, mỗi đứa sẽ bị hai mươi roi. Bây giờ đưa cô gái lên đây.
- Thưa ngài thuyền trưởng, để làm gì ạ? Cô ấy sẽ tỉnh trong nháy mắt.
- Làm theo lời ta bảo, nếu không tối nay mi sẽ ăn hai chục roi. Rõ ràng cô gái cần được chăm sóc thuốc men. Foster, chĩa súng vào thằng này. Nếu hắn còn muốn cãi thì bắn bỏ luôn.
Jeb White tuân theo, không dám nhìn đôi mắt đầy vẻ tàn nhẫn của thuyền trưởng. Hai thủy thủ xuống khiêng Juliet lên boong. Nàng cảm thấy gió biển mát rượi lùa trên da mặt trong khi người bồng bềnh trong bóng tối, mắt nàng động đậy rồi mở ra.
Nàng thấy trước mặt là bầu trời xanh cao lồng lộng và không khí ngập tràn mùi biển. Liếm đôi môi khô nẻ, nàng cảm thấy vị mặn. Đầu óc nàng dần tỉnh táo. Hồi nãy là một đợt sóng cực lớn chụp lấy nàng, làm nàng tức thở và cuốn nàng đi. Không, không phải sóng biển mà là vòi nước miệng rộng phun thẳng vào đám tù dưới hầm tàu.
- Thuyền trưởng. Ngài sẽ trả lại cô ấy cho tôi chứ? nàng nghe giọng gian giảo làm ra vẻ hiền lành của Jeb White:
- Không được ôm ấp cô ấy, tôi sẽ cảm thấy rất cô đơn.
- Tối nay mi sẽ bận ngồi xoa các vết lằn roi, còn đâu thời gian mà cô đơn, Ross nói tàn nhẫn:
- Nhưng cô ta sẽ được trả về ngay khi bình phục. Nghỉ một tối đi. Cả mi lẫn cô ta sẽ không còn hơi sức đâu mà làm trò chim chuột.
Juliet cố chống khuỷu tay nhỏm dậy, người đau nhức. Nàng lờ đờ nhìn cảnh xung quanh, rồi nhìn bóng người cao lớn đang đứng nhìn nàng với vẻ thản nhiên. Nàng thấy đôi mắt khắc nghiệt và khuôn mặt ngạo mạn của một người đàn ông rõ ràng là có quyền thế.
- Ông thuyền trưởng? nàng thều thào hỏi.
- Gì?. Câu trả lời cộc lốc và thản nhiên.
- Xin ông... xin đừng trả tôi về dưới ấy.
- Sao thế?
- Chúng... chúng là loài thú vật. Cái bọn đàn ông ấy.
- Chúng cũng là tù như cô.
- Tôi..... tôi biết, nhưng chúng làm tôi sợ.
- Cô đã có người bảo hộ rồi. Cái tay Jeb White nói cô là người tình của hắn. Hắn sẽ coi sóc cô.
- Hắn nói dối! Tôi không phải người tình của hắn.
Nàng nói với giọng quyết liệt đến nỗi đầu óc nàng tỉnh hẳn.
- Vậy thì ai?
- Ông bảo sao? Ông muốn nói ý gì?
- Cô ăn nằm với ai trong chuyến đi này?
- Không với ai cả. Tôi xin thề là như vậy.
- Thôi nào, đừng làm bộ ngây thơ với tôi nữa. Chúng ta đã lênh đênh trên biển mấy tuần rồi. Đừng làm ra vẻ cô vẫn chưa ngã vào tay ai. Mà dưới đó có tới chín tù nam. Chắc cô phải tuyên bố thế nào thì chúng mới đánh nhau để tranh giành cô chứ? Cô đã chán gã nhân tình của mình và tìm khoái cảm trong chuyện làm hai gã đàn ông choảng nhau chứ gì?
- Không, không! Tôi không có ai là nhân tình hết! Tôi không muốn chúng đánh nhau. Tôi không thể can chúng ra được. Chúng không có quyền nghĩ...
- Cô muốn chúng làm gì khi cô cứ phơi ra cả đống thế kia? Đây đâu phải là phòng khách ở Bristol, song tôi không nghĩ cô đã từng thấy một phòng khách như vậy.
Juliet tỳ gối đứng dậy, người run lên vì tức giận. Nếu người nàng không đau ê ẩm, đầu óc nàng không mê muội đi vì sợ, chắc nàng đã không nói như bây giờ.
- Người như ông làm sao hiểu được cuộc sống ở tù là như thế nào?
Con người muốn sống thì phải ăn, và khi không có tiền thì phải bán cả những thứ ít giá trị nhất. Một chiếc ruy băng, đôi tất cũ hoặc đôi giầy, thậm chí cả cái bàn chải tóc! Chính thế người tôi mới phơi ra cả đống như cách ông nói. Còn nói về chuyện phẩm hạnh thì thưa ông, đó là chuyện riêng của tôi và chắc ông cũng vậy. Nếu như chế độ công lý này còn chút gì gọi là tử tế, thì đàn ông và đàn bà cần được giam riêng. Và ông thì lại công phẫn quá vội, làm cho tình trạng ấy xấu thêm bằng cách tống cả hai loại tù vào cùng trong hầm tàu! Vậy mà ông lại còn trơ tráo làm bộ ghê tởm trước những gì xảy ra ở đó!
Sửng sốt trước những lời nói vỗ mặt ấy, một lát sau Ross mới nói được:
- Câm mồm, anh gầm lên như sấm:
- Tôi không phải đến đây để cãi vã với cô.
Song Juliet chẳng còn cãi vã được với ai. Mắt nàng dại đi, người lắc lư rồi đổ sụp xuống ngay trên boong tàu.
Ross rơi vào tình tạng khó xử. Cơn giận của anh lên đến tột đỉnh, song lúc này đối tượng căm ghét của anh bỗng lăn ra bất tỉnh nhân sự, không phải chịu những lời miệt thị đau như roi quất của anh nữa. Anh nhìn xuống hình hài co rúm nằm đó, thấy rõ vết bầm trên trán. Anh cau mày giận dữ.
- Mang cô ấy vào cabin hành khách, anh ra lệnh:
- Và mời thầy thuốc đến xem cô ta thế nào. Và chốt chặt cửa xuống hầm tàu lại. Cái bọn cặn bã này làm tôi phát chán thế là đủ rồi.
Anh đội lại chiếc mũ ba cạnh lên đầu rồi rảo bước, sôi lên trong cơn giận dữ không chế ngự nổi vì một nữ tù lại dám nói với anh như vậy.
Sau đó, đứng nghếch chân lên chiếc bàn nhỏ trong cabin, tay cầm cốc rượu vang, anh nhớ lại những lời cô ta nói. Đồ chó cái xấc láo, những lời công kích của cô ta gãy gọn và nói với giọng của người có giáo dục. Nếu chỉ thế thì cũng chưa có gì đáng nói , có thể cô ta đã làm cho một gia đình khả kính nào đó và học mót được lối nói ấy , nhưng điều cô ta nói việc giam riêng tù nam tù nữ là rất có lý. Có thể, tất nhiên đây hoàn toàn có tính chất giả thiết, đó là một cô gái có phẩm hạnh tốt chẳng may phạm tội. Vậy thì cô ta hầu như không thể duy trì được những tiêu chuẩn đạo lý nếu bị nhốt chung với bọn đầu trâu mặt ngựa, khóa chặt trong hầm hàng tuần với đám lưu manh vô lại mà thú vui duy nhất là thỏa mãn dục vọng của mình.
Anh có cảm giác bứt rứt mà anh không thích, là đáng ra anh phải dành chỗ chứa súng để nhốt tù nữ.
Như có lần anh đã nghĩ. Nhưng đa số không phản đối việc bị nhốt chung với tù nam. Vậy hà cớ gì phải bận tâm với lời của một nữ tù? Anh nhún vai. Dù sao bây giờ cũng đã quá muộn. Cô gái này hoảng sợ trước bạo lực mà chính cô ta gây nên và chỉ tìm cách làm anh rũ lòng thương hại. Chưa lúc nào anh tin cô ta là một nạn nhân vô tội. Cô ta còn trẻ, nhưng thiếu gì bọn con gái sớm bước vào nghề gái điếm và nhanh chóng học được nghệ thuật đấu tranh sinh tồn? Dù là tội gì, cô ta cũng đã bị coi là có tội, và công lý đã phải ra tay. Cô ta không đáng để anh phải bận tâm, anh quyết định như vậy, và uống cạn cốc rượu. Khi thầy thuốc tuyên bố cô ta đã bình phục, cô ta sẽ được đưa trả về hầm giam. Cứ để bọn chúng giải quyết việc riêng của chúng với nhau, nhưng phải bằng cách yên lặng hơn.
Thuyền trưởng Ross Jamieson là một thủy thủ chuyên nghiệp đã phục vụ Công ty Đông ấn mười năm. Tàu Grace là tàu đầu tiên anh nắm cương vị thuyền trưởng, và nó giúp anh thỏa mãn hoài bão mà anh đã ấp ủ từ tuổi mười lăm khi anh vào làm chú bé chạy việc trên tàu của Công ty. Cha anh là con trai thứ trong một gia đình người Ê cốt. Sau một cuộc cãi nhau kịch liệt với ông bố, ông mang vợ và cậu con trai bỏ nhà xuống phía Nam. Ông mong mỏi được học hành và không muốn dính vào chuyện cấy cày trên mảnh đất ấy, sẵn lòng dành việc đó cho anh trai là người thừa hưởng tài sản của cha. Tại sao ông lại phải làm cái chân quản lý cho ông anh cả lười biếng chẳng chịu chú ý gì tới tài sản mà ông ta được thừa hưởng chứ? Ông muốn được làm thầy giáo suốt ngày vùi đầu vào sách, chứ không phải dẫm chân trên những thửa ruộng mới cày. Thế nhưng dù say mê học hành, ông vẫn không thành công vì ông không có khả năng truyền đạt cho bọn trẻ. Là học giả, chắc ông cũng đã được lưu danh, song vì lương lậu chẳng được là bao, ông buộc lòng phải nhận dạy thêm lũ trẻ chẳng hứng thú gì chuyện học hành. Lòng kiêu hãnh không cho phép ông trở về Êcốt, thành thử vợ và cậu con trai ông sống trong túp nhà chật chội với số tiền chẳng đủ để chi tiêu. Ross chẳng bao giờ được thấy lại quê hương vì lòng kiêu hãnh của ông bố cũng chẳng kém gì lòng kiêu hãnh của người con trai thứ và hai bố con không bao giờ liên lạc với nhau.
Sau khi cha mẹ qua đời vì không đủ sức đề kháng trong cuộc vật lộn với bệnh viêm phổi, Ross từ biệt căn nhà ở London và nộp đơn xin vào làm việc ở văn phòng của Công ty Đông ấn. Giống như cha, anh cũng có lòng kiêu hãnh thật ghê gớm và không gì có thể buộc anh ngửa tay xin ông nội giúp đỡ. Thật may mắn, cậu bé phụ việc cabin trên chiếc tàu đang đậu ở cảng vừa bị gãy chân. Không may cho cậu ta, nhưng lại là may cho Ross. Tàu sắp nhổ neo, và ông thuyền trưởng vốn đã nóng tính lại càng tức giận bởi cái mà ông cho là sự hỗn xược của cậu bé phụ việc , bỏ ông ta mà không hề báo trước.
Chuyến đi đầu tiên trên con tàu nhỏ của Công ty từ Tilbury tới Bombay đã dấy lên trong Ross lòng say mê biển cả suốt cuộc đời. Vì anh là người nhanh hiểu và có học, nên các sĩ quan trên tàu rất thích dạy anh cách đọc hải đồ, sử dụng máy phương vị và định hướng theo sao. Tất cả là nhờ sự trầm tĩnh không thể giải thích được của ông thuyền trưởng khó tính, hình như là vì cậu bé này nhanh chóng hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình, nên không mấy khi ông thuyền trưởng phải cáu.
Hai năm sau, với lời giới thiệu của ông thuyền trưởng, Ross được thăng cấp sĩ quan và trong vòng mười năm làm cho Công ty, anh được thăng tiến mãi. Mặc dù Grace chỉ là một tàu nhỏ, trọng tải có ba trăm tấn, song anh vẫn sốt sắng nhận quyền chỉ huy khi người ta giao nó cho anh. Chiếc tàu đầu tiên trong cuộc đời một sĩ quan hàng hải là một cái mốc trong sự nghiệp của anh. Một ngày nào đó anh hi vọng sẽ được chỉ huy chiếc kì hạm của Công ty Đông ấn, nhưng để được như thế, anh cần có mười năm đi biển không phạm sai sót nữa. Còn lúc này, với tuổi hai mươi lăm, anh bằng lòng với cương vị thuyền trưởng trẻ nhất của Công ty.
Anh giật mình khi cậu bé phụ việc cabin đập cửa ầm ầm và loạng choạng bước vào.
- Có chuyện gì mà làm ầm lên thế?, anh cáu kỉnh hỏi.
- Thưa thuyền trưởng, không có gì đâu ạ. Tôi chỉ đến dọn giường để ông nghỉ và chuẩn bị quần áo cho ông tối nay.
Ross nhìn cậu bé với vẻ không lấy gì làm thân thiện:
- Cậu có đơm lại chiếc khuy bị đứt tối qua không? Và tôi tin lần này cậu đánh giầy cho tôi tốt hơn.
- Vâng, thưa Ngài. Cậu ta đặt đôi giầy cạnh ghế của Ross. Các vết tay lem luốc in rõ trên đôi giầy.
Ross nhìn chiếc áo vét màu xanh ve trắng của mình. Khuy đã được đơm lại, song vụng về đến nỗi lệch khỏi lỗ khuyết. Một bên ve áo còn hằn vết tay đen xì.
- Trời đất ơi! Cậu định để tôi đi dự tiệc với các vết tay của cậu in đầy quần áo, giầy dép thế này ư? Đưa tôi xem tay cậu nào!
Cậu bé chìa đôi tay lem luốc, các móng tay đen xì:
- Thưa ngài tôi đã rửa sạch rồi ạ.
- Trước hay sau khi cậu đánh giầy cho tôi?, anh chán ngán hỏi.
- Thưa ngài, trước khi đánh giầy ạ, cậu ta trả lời với vẻ kiêu hãnh.
- Đúng như ngài đã dặn.
- Và sau đó thì đơm khuy chứ gì?
- Thưa ngài, vâng ạ. Có sao không, thưa ngài?
Ross lắc đầu:
- à không, không có chuyện gì đâu. Mà này, có bao giờ cậu mơ ước trở thành pháo thủ không?. Anh chỉ hỏi chơi vậy, nhưng mặt cậu bé rạng rỡ hẳn lên.
- Ồ, thưa ngài, có ạ. Nhưng nụ cười của cậu tắt ngấm:
- Mà không được đâu, thưa ngài.
- Sao vậy?
- Dạ, vì ai sẽ chăm sóc ngài và lo chuyện quần áo ngài chứ?, cậu bé hỏi với vẻ hết sức ngây thơ.
Ross cố làm bộ tỉnh khô:
- Ờ, có chuyện đó thật, song tôi nghĩ có thể thu xếp được, anh nói nhẹ nhàng:
- Nào thôi, cậu ra đi để tôi thay quần áo.
Sau khi cậu bé ra khỏi cabin, Ross dùng miếng xốp tẩy sạch vết tay bẩn trên ve áo và dùng vải cũ lau lại đôi giầy. Các thuyền trưởng đều có người phục vụ, chuyện ấy đã thành lệ, song cho dù có thế, anh thà không có người phục vụ Ồn ào và vụng về như cậu bé này, tự lo cho mình còn hơn. Anh không thuộc loại sĩ quan thích phô trương như thường gặp trong Hải quân Hoàng gia, mà là một thủy thủ thực thụ, quen tự mình làm lấy mọi việc.
Anh đeo chiếc cổ cứng hồ bột màu trắng, thân hình cao lớn nhưng mềm mại hơi cúi xuống để tránh cụng đầu vào trần, khoác chiếc gilê thêu kim tuyến trước khi mặc chiếc áo vét màu xanh sẫm có hai ve dài màu trắng.
Trong chiếc hòm nhỏ cửa lật có hai chiếc bàn chải tóc cán bạc. Anh chải mái tóc đen xoăn tít, cặp mắt dưới đôi lông mày đen rậm ngắm nhìn vào gương. Mắt anh màu xanh lục, hai khóe mắt có nhiều nếp nhăn nhỏ do vẫn thường phải nheo nheo vì nắng gió biển khơi. Nhưng mắt anh nhìn tinh hơn mắt người thường. Đầu anh đang nghĩ đến đất liền mà con tàu dự tính sẽ cặp bến trong ba ngày nữa.
Capetown, nơi định cư của người Hà Lan trên bờ biển châu Phi, là nơi họ thường ghé tàu vào mua lương thực và nước uống. Thành phố nằm trên vùng bờ biển trống trải, nhưng các trại chủ người Hà Lan lại sẵn sàng bán cho họ dầu, hoa quả tươi và thậm chí cả súc vật cho dân định cư ở Australia. Sau Capetown, tàu sẽ chạy một đoạn đường dài xuống phía Nam, rồi sau đó là tới lục địa mới.
Anh đi qua hành lang tới cabin dùng làm phòng ăn, nơi các sĩ quan khác đang đợi.
ở cuối hành lang, trong một trong hai cabin hành khách trên tàu, Juliet Westover đang nằm ngủ sau khi uống thuốc. Chăn phủ kín từ vai xuống chân và đầu nàng quấn băng có tẩm thuốc. Thầy thuốc là một ông già nghĩ rằng không nên cởi bỏ áo nàng trong lúc nàng đang còn bất tỉnh. Ông đã có thừa kinh nghiệm tránh không để mình bị lời ong tiếng ve là không đứng đắn, nhưng ông đã khám đầu nàng rất kỹ, và kết luận là nàng chỉ bị xây xát thôi. Để tránh những biến chứng về sau, trong lúc nàng chợt tỉnh lại nhưng vẫn còn mê man, ông đã cho nàng uống một liều laudanum, đó là cách tốt nhất để bộ Óc được nghỉ ngơi trong trường hợp bị chấn thương ở đầu.
Mãi sáng hôm sau nàng mới tỉnh dậy và chỉ còn thấy hơi váng đầu một chút. Kinh nghiệm những ngày ở tù đã dạy nàng cần phải tỉnh ngay khi nghe tiếng bước chân. Người nào ngủ quên chắc chắn sẽ mất khẩu phần ăn được phát. Nhưng hôm nay tỉnh dậy, nàng lại nghe tiếng động từ bên ngoài và nàng ngây người ngạc nhiên mất một lúc trước nơi ở lạ.
Nhưng rồi nàng nhanh chóng nhớ ra. Chiếc giường đệm mềm, cái chăn sạch sẽ và không có người tù nào xung quanh thế này đã là sung sướng lắm rồi, mặc dù trong phòng rất ít đồ đạc. Nàng nằm úp mặt xuống gối, cố tận hưởng những giây phút khoan khoái trước khi bị đưa trở lại hầm tàu.
Bất ngờ nàng nghe tiếng gõ nhẹ trên cửa và sau đó một ông già bước vào. Ông nhìn nàng mỉm cười khi thấy nàng đã thức dậy. Cái kế hoạch mới thành hình trong lúc nàng còn mơ màng giả bộ vẫn chưa tan biến ngay khi ông cất tiếng chào.
- Chào cô. Trông cô đã khá hơn. Cô ngủ ngon chứ?
- Vâng, thưa ông.
- Tôi là thầy thuốc. Ông ngồi xuống mép giường và tháo băng quấn đầu nàng:
- Tốt lắm. Cô may mắn chỉ bị xây xước thôi.
- May mắn ư?, nàng đay lại:
- Giá tôi gãy cổ chết thì lại hay hơn.
- Bậy nào. Cô sẽ cảm thấy khá hơn ngay thôi.
- Ông muốn nói là khi tôi được trả về đúng chỗ của tôi chứ gì?
- Tôi chỉ là thầy thuốc thôi cô bé ạ. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc người ốm cho dù họ Ở đâu cũng vậy, chứ không phải quyết định số phận của họ thế nào.
- Tôi xin lỗi. Tôi thật sự biết ơn lòng tốt của ông. Những giọt lệ yếu đuối trào trong mắt nàng:
- Lại được nằm trên chiếc giường thực sự là tuyệt diệu biết bao. Xin ông bỏ quá cho những lời ngu ngốc của tôi.
Nàng chớp chớp đôi mắt đẫm lệ và nhìn quanh cabin. Ở một góc nhỏ dùng làm chỗ thay quần áo phía xa, nàng nhìn thấy thành cao của chiếc bồn tắm. Nàng ngây người với vẻ thèm khát, rồi từ từ quay lại nhìn ông bác sĩ.
Ông ngoái cổ xem cái gì làm vẻ mặt nàng lạ lùng đến thế, rồi ngoảnh lại cười nhìn nàng.
- Chắc cô đang tự hỏi đó là cái gì phải không?, ông hỏi.
- Tôi biết chứ. Đó là cái bồn tắm. Nàng trả lời và lại tiếp tục nhìn.
- Cô đã bao giờ dùng nó chưa?
- Dùng nhiều chứ ạ.
Nàng thấy ông già nhướn lông mày thích thú đầy vẻ khoan dung.
- Thưa ông, tôi xuất thân từ một gia đình khả kính. Những đồ dùng loại này không phải là lạ đối với tôi. Tôi cũng vào tù chưa lâu lắm.
Nàng nhìn thẳng khuôn mặt hiền hậu của ông:
- Liệu có thể... tôi biết, tôi không nên hỏi..... song tôi lại hết sức vui sướng... việc ấy có phương hại gì đâu?
- Cô muốn được dùng bồn tắm phải không?
- Thưa ông, vâng. Tôi biết tôi sẽ phải trở lại hầm tàu, nhưng tôi muốn chỉ một lần trong suốt chuyến đi này được cởi bỏ quần áo và tắm rửa đàng hoàng. Ở dưới kia không thể làm thế được với đám tù nam giới nhòm ngó xung quanh.
- Tôi phải báo cáo thuyền trưởng là cô đã bình phục.
- Xin ông làm ơn cho phép. Chỉ nửa giờ thì có sao đâu?
Ông nhìn đôi mắt nâu đầy vẻ cầu khẩn và nhớ đến những cô con gái của ông. Dù cô ta phạm tội gì, cô ta vẫn là một phụ nữ, mà lại nói năng rất là nhã nhặn. Vả lại, điều cô ta yêu cầu cũng đâu có nhiều nhặn gì.
- Thôi được, nhưng nhớ là nửa giờ thôi đấy. Có khăn tắm và xà phòng trên giá ấy. Thùng đựng nước biển ở gần bồn tắm. Chúng tôi định đón một hành khách nhưng ông ta phải hoãn chuyến đi. Cô hiểu là tôi phải khóa cửa trước khi ra ngoài chứ? Đừng lợi dụng lòng tin của tôi mà bỏ trốn nhé.
- Không đâu, thưa ông. Tôi xin hứa như vậy, nàng đáp với vẻ mặt rạng rỡ:
- Cám ơn ông. Cám ơn ông.
Ông khẽ lắc đầu trước vẻ hớn hở của nàng, rồi ra ngoài. Juliet nghe tiếng chìa xoay trong ổ khóa. Nàng tung chăn, vội vàng đến góc thay quần áo. Thùng nước ông vừa nói nằm ngay chân bồn tắm, người ta đã khoan lỗ lắp vòi nước cạnh thùng. Nàng vặn vòi và dòng nước chảy vào bồn âm ấm vì phơi nắng suốt ngày.
Nàng vội vàng cởi bỏ xống áo bẩn, chiếc quần lửng và vất chúng vào một đống trước khi ngâm mình trong bồn tắm , niềm hạnh phúc nàng không ngờ lại có được lúc này. Cục xà phòng để trên giá chẳng có mùi gì nhưng cũng dùng được, và nàng khoan khoái xát nó lên người. Không có loại xà phòng nước làm mềm bớt nước biển, nhưng dù sao nó cũng tẩy sạch hết lớp ghét tích tụ trong chuyến đi.
Tóc nàng cũng được gội xà phòng và khi nàng tắm xong, nước trong bồn đen ngòm. Nhưng người và tinh thần sảng khoái. Da dẻ nàng đỏ hồng sau khi nàng dùng khăn tắm lau khô khắp người. Nàng nhìn đống quần áo bẩn với vẻ ghê tởm. Làm sao nàng có thể chịu được khi mặc lại chúng chứ? Trong giây phút bồng bột, nàng vất chúng vào bồn nước, rồi dùng khăn tắm quấn kín người, buộc chặt hai đầu khăn quãng ngang ngực. Nàng quỳ xuống cạnh bồn tắm, vò mạnh quần áo cho sạch hết bụi bẩn.
Nàng vừa vắt xong quần áo thì nghe tiếng chìa xoay trong ổ khóa.
Đã hết nửa giờ rồi ư? Thôi được, quần áo sẽ khô trên người khi nàng trở lại hầm giam nóng như lò ấy.
- Cô đang làm cái trò quỷ quái gì thế? nàng nghe một giọng gay gắt hỏi.
Nàng vụt quay đầu nhìn quanh, mái tóc còn ướt loà xoà và mắt nàng mở to đầy vẻ kinh hãi. Người đang đứng ở cửa không phải là ông bác sĩ, mà là người đàn ông cao lớn giận dữ hôm qua cúi nhìn nàng nằm trên boong tàu. Nàng nhớ đó chính là người nàng đã nói năng xấc xược trong lúc quẫn trí! Tim nàng thót lại trước cái nhìn của viên thuyền trưởng.
- Tôi..... tôi tắm, nàng lắp bắp đáp.
- Cái đó thì đã rõ, anh nói cộc lốc, mắt nhìn nàng từ mái tóc xõa trên đầu tới đôi chân thon dài. Chiếc khăn tắm ướt chỉ che được bộ ngực, cặp mông, mà lại dán chặt vào người nàng như một lớp da thứ hai. Ngay cả trong cơn tức giận, anh vẫn phải thầm thừa nhận đường nét hoàn hảo của thân hình nàng. ánh mắt anh lướt trên đôi bờ vai trắng như ngà, chiếc cổ nhỏ, khuôn mặt trái xoan có cặp môi run run và đôi mắt nâu to tròn như mắt bồ câu. Chẳng khó khăn gì cũng biết cô ta kiếm sống bằng cách nào! Làm sao một gã có tiền và lại máu gái không bị cám dỗ bởi đôi môi chín mọng kia và tấm thân thon lẳn hứa hẹn cả thiên đường khoái lạc ấy chứ!
Ross Jamieson nhận thấy mình đang ngây người nhìn, nên vội nghiêm nét mặt, cau mày giận dữ vì đã đứng ngắm nàng với vẻ thán phục. Cô ta là một con điếm đã thành án, giờ lại nhớ nghề xưa nên sẽ phải gánh chịu hậu quả.
- Ai cho phép cô được làm như vậy, hả? anh hỏi giọng gay gắt hơn anh định bụng hỏi.
- Thưa ông, tôi..... tôi đã xin phép ông bác sĩ, ông ấy thật tử tế, nói tôi có thể dùng bồn tắm. Tôi thấy là tôi sai và tôi xin lỗi, nhưng xin ông đổ cơn thịnh nộ lên đầu tôi chứ đừng đổ lên đầu ông ấy. Ông ấy..... Ông ấy là người tử tế, giàu lòng trắc ẩn.
- Về việc ấy, tôi mới là người có quyền đánh giá, anh lạnh lùng nói.
- Giờ hãy mặc quần áo vào. Tôi chắc các bạn cô đang nóng lòng đợi cô trở lại.
Mặt Juliet bỗng trắng bệnh. Mắt nàng nhắm lại. Nhưng Ross đã kịp thấy vẻ kinh hoàng trong đôi mắt ấy. Anh cau mày.
- Bộ cô không mong được trở về với người tình hoặc những người tình của cô sao?
Đôi mắt chợt mở ra với vẻ ngơ ngác:
- Những người tình ư? Cái bọn cặn bã dưới ấy sẽ hăm hở xem đứa nào được hiếp tôi trước.
- Hiếp cô? Cái từ đó có lẽ hơi mạnh đối với loại người như cô đấy.
- Loại người như tôi? Nàng cười cay đắng:
- Thật chẳng lấy làm lạ loại người như ông sẽ nghĩ rằng rõ ràng tất cả tù nữ đều là đồ bẩn thỉu, đầu óc lẫn phẩm hạnh đều xấu xa.
- Cô định bảo tôi rằng đầu óc và phẩm hạnh của cô không xấu xa chăng?
- Nếu tôi nói vậy ông có tin không?
- Không.
- Vậy thì tại sao tôi phải cố gắng làm chuyện đó?, nàng nhún vai nói:
- Bản án tòa tuyên phạt đã là dấu ấn tội lỗi, và đối với hầu hết mọi người thế là đủ. Nàng đứng dậy:
- Xin ông cho phép tôi được thay quần áo một mình chứ ạ?
Anh nhìn đống quần áo còn đang nhểu nước mà nàng vừa cầm lên.
- Cô định giặt quần áo để kéo dài thêm thời gian tự do phải không?
- Không. Giọng nàng dửng dưng và nhạt thếch:
- Tôi rất ghét mặc quần áo bẩn sau khi đã tắm. ít ra người tôi cũng phải sạch sẽ.
- Quỷ bắt cô đi! Hãy hong quần áo ra cửa sổ. Tôi sẽ cho cô thời gian đợi khô quần áo. Song đừng lợi dụng lòng tốt của tôi, bày thêm trò để kéo dài thời gian phải trở lại hầm tàu đấy.
- Vâng, thưa ông. Cám ơn ông, nàng cố bình tĩnh đáp, mặc dù tim nàng rộn lên trước việc có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Anh khẽ gật đầu rồi đi ra cửa. Tới đó anh dừng và nhìn lại vì một ý nghĩ bất chợt đến:
- Cô biết khâu vá chứ?
- Thưa ông, tôi biết ạ. Nàng ngạc nhiên nhìn anh.
- Vậy thì theo tôi.
Nàng theo vào cabin của anh và anh đóng cửa lại. Nàng đứng chỉ đến vai anh và anh có thể ngửi thấy mùi nước biển trên mái tóc vừa gội đang khô nhanh. Khuôn mặt ngước lên với vẻ dò hỏi trông hồng hào đến hoàn mỹ, đôi mắt sáng long lanh dưới đôi lông mày lá liễu. Đó là khuôn mặt của một cô bé ngây thơ trong trắng. Hèn gì cô ta coi đó là tài sản lớn của mình, anh giễu cợt nghĩ.
- Lại đây, anh bảo và nàng ngoan ngoãn làm theo trong khi anh mở hòm quần áo, lôi chiếc áo vét ve trắng ra:
- Cô xem có thể đơm lại chiếc khuy cho đúng lỗ khuyết không. Kim chỉ ở trong hộp này. Làm xong cô có thể xem dùm tôi chỗ rách trong chiếc áo gilê. Cô có thể thấy người trước vá quá vụng.
- Ông vá lấy ạ?
Giọng nàng nghe có vẻ thích thú và anh chăm chú nhìn nàng.
- Cậu bé giúp việc khâu, anh lạnh lùng nói:
- Cô thấy chuyện đó buồn cười lắm ạ?.
- Không phải thế thưa ông. Nhưng tôi nghi thủy thủ là thạo việc kim chỉ lắm ạ.
Anh cố nén cho khỏi cười:
- Chắc là không, khi họ có tham vọng trở thành pháo thủ.
Bất giác nàng cười khúc khích và nói:
- Thảo nào!.
Tiếng cười của nàng thật dễ lây, suýt nữa Ross cũng cười theo, nhưng vội kìm lại được vì nhớ đến địa vị của mình. Anh không được phép để cô ta mồi chài vào những hành động thiếu suy nghĩ hoặc ban ơn cho cô ta trong giây phút vui thú bất ngờ.
- Tôi sẽ để cô làm việc được giao, anh nói với giọng hách dịch.
Khi anh mở cửa cabin, một luồng gió từ cửa sổ ùa vào, thổi bật chiếc khăn tắm che thân nàng. Anh kịp thấy chiếc đùi tròn lẳn và chiếc mông trần trước khi Juliet đỏ mặt kéo khăn che lại. Nhưng như vậy lại làm tuột nút buộc ở trên và chiếc khăn xổ ra, để lộ bộ ngực của nàng. Nàng quay ngoắt lại, kéo hai mép khăn khi nó sắp sửa rơi xuống sàn.
Khi Ross thấy má nàng ửng đỏ, anh tự hỏi không biết có phải con gái muốn đỏ mặt lúc nào cũng được không? Liệu đây có phải là một trò tinh quái để bẫy anh không? Nếu thế, anh biết cách tránh không rơi vào bẫy. Anh rảo bước tới chiếc tủ nhỏ, lấy ra chiếc áo ngủ vải bông kẻ sọc, rồi vất nó ra giường:
- Mặc vào cho khỏi phải đỏ mặt. Phí công vô ích thôi nên đừng cố giở mánh khóe ấy ra với tôi nữa.
Anh ra ngoài dập mạnh cửa trước khi Juliet kịp làm gì khác ngoài việc ném theo anh cái nhìn đầy căm tức. Tay run run, nàng khoác chiếc áo lên người. Nàng xắn tay áo, buộc vạt áo cao lên bằng đoạn dây nàng tìm thấy trong góc phòng và cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Anh ta thật là một người khó chịu, nàng nghĩ, và đã đánh giá mình hơi cao khi tưởng tượng nàng muốn hiến thân như anh ta vừa ám chỉ.
Nàng không mất nhiều thời gian để đơm lại chiếc khuy trên áo vét và mạng lại chỗ rách trên chiếc gilê khéo đến nỗi khó lòng nhận ra chỗ vá.
Nàng ngồi yên một lát, rồi đánh bạo lôi tất cả quần áo trong hòm ra xem có chỗ nào bị rách hoặc khuy sắp đứt không. Nàng vui vẻ khâu lại một vài chỗ, đơm lại một số khuy, gạt bỏ mọi suy nghĩ về cảnh khốn quẫn của nàng sau khi hết đoạn nghỉ ngơi này.
Tiếng lách cách ngoài cửa làm nàng giật mình, lòng đau đớn trước ý nghĩ lại phải trở lại hầm giam. Nhưng cửa mở, một cậu bé cao lớn bước vào, đôi chân trần nện mạnh trên sàn chẳng kém gì đi ủng. Cậu ta đã dùng vai ẩy cửa mà vào, đặt một tô cháo to xuống cạnh chỗ nàng ngồi.
- Ông thuyền trưởng bảo mang đến cho chị, vì ông ấy biết sáng nay chị không được ăn, cậu ta nói, tò mò ngắm nàng và nhìn vết bầm trên trán nàng.
- Ồ, cám ơn cậu, Juliet vui vẻ nói, mùi cháo thơm lừng làm nàng ngợp người. Nàng đặt chiếc áo cuối cùng nàng đang vá qua bên.
- Chị làm gì ở đây thế?
- Hôm qua tôi bị ngã. Ông bác sĩ để tôi trong cabin hành khách. Rồi thuyền trưởng của cậu yêu cầu tôi vá áo cho ông ấy. Tôi hy vọng cậu không phật ý chứ?.
Cậu bé nhìn nàng, mặt rất tươi:
- Phật ý ư? Tôi không chịu được chuyện khâu vá, nhưng người giúp việc trên tàu phải làm việc đó, chị hiểu không?
- Cậu không thích làm chân phụ việc à?
- Không thích lắm, chị ạ. Nhất là sau khi tôi đã nhìn thấy súng ống.
Khâu vá, giặt giũ là việc của đàn bà, song thuyền trưởng cần tôi, nên tôi đành phải làm. Chị bị tù phải không?
Juliet gật đầu trong khi ăn cháo.
- Trông chị không giống tù chút nào, cậu ta bảo:
- Trông chị giống một cô gái hiền lành dễ thương như chị gái tôi vậy.
- Đúng thế, Juliet cười nói:
- Nhưng chẳng ai tin điều đó đâu.
- Nỡ nào họ lại để chị dưới hầm tàu chung với đám người xấu ấy chứ!
- Về điều này tôi đồng ý với cậu, nhưng biết làm thế nào được? Ông thuyền trưởng có nói khi nào ông ấy đến tìm tôi không?
- Ông ấy bảo sẽ đến ngay, chị ạ. Ông ấy đã ăn xong và cũng đã đổi gác rồi.
- Vậy thì tôi phải mặc quần áo mới được.
Cậu bé mang bát đi. Juliet thu dọn kim, chỉ, rồi trở lại cabin hành khách. Quần áo nàng hong nắng đã khô.
Nàng cởi chiếc áo ngủ và đặt nó trên giường. Nàng chui đầu vào áo của nàng, vuốt phẳng nó xuống, lòng thầm ước nó bằng lụa màu chứ không phải bằng sợi bông thô cứng. Nàng thở dài, nhìn qua cửa sổ một lúc lâu. Chỉ có biển cả mênh mông, nhưng một luồng gió mát ùa vào, thật hạnh phúc biết bao sau những ngày ngột ngạt trong hầm tối. Vậy mà nàng sẽ phải quay về đó! Để một lần nữa trở thành đối tượng tranh giành giữa hai gã ghê tởm chẳng kém gì nhau.
Cảnh trước mắt nàng nhòa đi, những giọt nước mắt buồn tủi chảy dài trên má. Thật bất công khi bị gán cho cái tội không phải nàng gây ra, rồi bị dòm ngó với vẻ khinh bỉ hoặc thèm khát tùy theo địa vị của kẻ nhìn nàng. Nàng lấy mu bàn tay gạt nước mắt.
- Cô vẫn cố chài tôi bằng cách ăn mặc hở hang như thế hả?, nàng nghe giọng ai đó hỏi.
Nàng nhìn quanh, vì không nghe thấy tiếng bước chân vào, và qua làn nước mắt mờ mờ thấy bóng thuyền trưởng. Thân hình nàng lồ lộ trong ánh nắng, nàng đứng bất động mất một lát, rồi đôi vai nàng rũ xuống.
- Tôi không biết ông có mặt ở đây, nàng thẫn thờ đáp.
- Cậu bé không nói với cô là tôi đến à?
- Có. Chính thế tôi vội mặc quần áo.
- Và tôi thấy là cô mặc hơi lâu, để lại có thể đỏ mặt làm duyên khi tôi thấy cô gần như trần truồng, anh nói với vẻ giễu cợt.
- Sao ông lại có thể tự cho mình là hấp dẫn đàn bà đến thế? Ông chẳng qua chỉ là người có quyền lực và sức mạnh mà thôi, nàng trả miếng ngay:
- Tôi biết ông nắm vận mạng tôi trong tay, song điều đó không cho ông quyền mạt sát tôi. Tôi không có ý định chài ông và cũng sẽ không chịu để ông giễu cợt...
Chỉ hai bước anh đã qua hết cabin và nắm chặt hai cổ tay nàng.
- Cô sẽ phải tuân theo những gì tôi muốn cô làm. Cô không có quyền gì hết trên tàu này. Tôi có thể ra lệnh đánh cô vì tội xấc láo, nếu tôi muốn.
- Vậy thì ông hãy làm đi, nếu điều đó làm ông cảm thấy hãnh diện hơn, nàng độp lại:
- Tôi thà bị đòn roi còn hơn phải nghe những lời thô bỉ của ông. Tôi thấy ông quá quắt và tự đánh giá mình quá cao!
Anh nhìn nàng, mặt sa sầm:
- Vậy sao?, anh hỏi giọng lạnh tanh.
- Vậy nếu tôi cho cô chọn hoặc ngủ với tôi, hoặc trở lại hầm giam, cô sẽ trả lời thế nào?
Juliet nghẹt thở. Chưa bao giờ nàng nghĩ đến điều đó. Vẫn còn có cách để thoát khỏi nỗi kinh hoàng nơi hầm tối ư? Nàng cố sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Nàng thấy rõ ràng không thể trụ được nữa trước hai gã tù đang thèm khát nàng. Quãng trường tới Australia vẫn còn dài. Chắc chắn một trong hai đứa sẽ đeo đuổi đến cùng, cả bằng vũ lực lẫn mánh khóe, và khi đã chán nàng, hắn sẽ quẳng nàng cho thằng kia một cách không thương tiếc, như đứa trẻ vứt đồ chơi khi nó không còn thích nữa. Nàng sẽ vẫn chỉ là một con tù mạt hạng, hôi hám, suốt ngày dành nhau suất ăn, dấn sâu vào chuyện xấu xa như những người tù khác mà nàng khinh bỉ.
Còn ông này là người đàng hoàng. Dù ông đòi hỏi gì đi nữa, ít ra nàng cũng được sạch sẽ, ăn uống tử tế, được tự do hít thở không khí trong lành trên boong, thoát khỏi những bàn tay gian tế và những lời vô sỉ của đám người kia. Cái nàng mất sẽ là sự trinh trắng của nàng, nhưng chẳng thà mất nó cho ông ta còn hơn mất vào tay một kẻ nhơ nhớp, râu ria không cạo và mồm thối như Jeb White ư? Nàng sẽ sử dụng ông như ông ta nghĩ sẽ sử dụng nàng.
Ross thản nhiên đứng đợi. Cô ta định kéo dài thời gian để kích thích dục vọng của anh, cho anh có dịp được ngắm kĩ tấm thân hở hang của cô ta ư? Con người thích giễu cợt trong anh cho rằng cuối cùng nàng sẽ trả lời đồng ý. Có con điếm nào lại không tìm cách có được địa vị khá hơn?
Dù cô ta ra vẻ ta đây, nói tới những lời - mạt sát và - giễu cợt, song khi phải tính đến cuộc đời nhàn nhã hơn, có người phụ nữ nào lại cự tuyệt điều đó, cho dù nó trái với những gì họ say sưa nói ra mồm?
Anh buông tay nàng ra, lùi lại một chút, mắt nheo nheo quan sát nàng. Cô ta xinh thật, có thể nói là đẹp nữa, và giá cô ta sinh ra trong một gia đình tử tế, những người theo đuổi cô ta hẳn phải nhiều vô kể.
- Thế nào? anh khẽ hỏi.
Juliet mỉm cười hơi ngập ngừng và đưa tay vuốt má anh. Ross đứng im, và nàng đến gần hơn, đặt cả hai tay lên ngực anh. Bàn tay ấm áp của nàng như đốt cháy qua lần áo anh, và anh nhìn sâu vào đôi mắt dịu dàng đầy vẻ gì nhỉ? , thanh thản, mãn nguyện , thấp thoáng vẻ đắc thắng vì đã chinh phục được thêm một người đàn ông nữa bằng tấm thân son trẻ và cách quyến rũ của cô ta?
- Tôi sẽ trả lời đồng ý, nàng thầm thì với giọng hơi khàn.
Ross mỉm cười, gạt tay nàng khỏi ngực mình. Anh lùi lại, cố ý nhìn lướt từ bộ ngực, xuống cặp đùi và đôi chân trần của nàng.
- Tất nhiên cô sẽ trả lời đồng ý. Có con điếm nào lại nói là không chứ? Giọng anh ngọt xớt, mà nghe vẫn lạnh tanh:
- Tôi chỉ hỏi cô sẽ trả lời thế nào trước lời đề nghị như vậy. Tôi đâu có mời cô làm việc ấy!