Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Điều tra nông dân Trung Quốc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8622 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Điều tra nông dân Trung Quốc
Trần Quế Đệ, Xuân Đào

Chương 4

13. Hưởng thụ sự thờ ơ
Ngày 1 tháng 10 năm 1994 là năm sinh thứ 45 của nước Cộng hòa. Khắp nơi là tiếng ca tiếng cười, tiếng pháo nổ, nhưng Vương Tuấn Bân, thôn dân thôn Vương Doanh, trấn Bạch Miếu, huyện Lâm tuyền, tỉnh An Huy lại tự nhốt mình trong phòng tại xóm Lý Đại, trấn Lưu Phủ, huyện Thẩm Khưu tỉnh Hà Nam, nơi chỉ cách quê nhà anh ta gang tấc.
Hai tháng trước, ngày 30 tháng 7, phòng công an huyện Lâm Tuyền đã ra “Thông tri về việc thúc giục phần tử phạm tội Vương Tuấn Bâm ra tự thú tội”. Mặc dù “Thông tri” đã viết sai tên anh (Bân viết thành Bâm) nhưng anh hiểu rất rõ, cùng với việc tán phát thông tri này đi các nơi, đồng thời với việc anh bị tước đoạt tự do thân thể, còn bị tước đoạt cả quyền biện bạch, anh đã không còn khả năng trở về huyện Lâm Tuyền để bào chữa nỗi oan của mình, trở về bào chữa rõ ràng là tự chui đầu vào lưới, kết quả thế nào không nghĩ cũng biết. Điều làm anh cảm thấy đau lòng, kinh ngạc như giữa trời quang nghe tiếng sét là, hai mươi ngày trước đó, trong một lần liên hệ được với thôn dân thôn Vương Doanh, dẫn thôn dân vượt mọi cản trở, thành công đặt chân lên đoàn tầu về Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu với trên thì được biết Ủy ban kiểm tra kỷ luật huyện Lâm Tuyền đã ra “Quyết định về việc khai trừ đảng tịch Vương Tuấn Bân”.
Anh dẫn người phản ánh, yêu cầu với trên, đi tìm tổ chức cấp trên của đảng cũng chỉ là hy vọng quán triệt các chính sách giảm nhẹ đóng góp của nông dân có liên quan của Trung ương đảng và Quốc Vụ viện, mà hậu quả là bị khai trừ khỏi đảng! Đó là điều anh không thông nhất và cũng là điều khiến anh đau khổ nhất. Sự tình đi tới bước đường này là điều có nằm mơ anh cũng không nghĩ tới. Anh đau đớn cảm thấy, nông dân ngày nay, không chỉ phải đối mặt với những khó khăn thiếu thốn vật chất mà còn chịu áp lực to lớn từ tinh thần đến tâm lý. Mặc dù có nhiều lời muốn nói, nhưng con đường để nông dân nói còn chưa thông suốt, dân ý và dân tình còn chưa thể biểu đạt một cách bình thường, không trách có nông dân ở một số địa phương từ lâu đã phải đem cái thân “vùng dậy” của mình quỳ gối khuất phục trước “các quan phụ mẫu”; có người thậm chí đành phải dùng biện pháp “liều chết ngăn kiệu” của người xưa, chặn đoàn ô tô của lãnh đạo trên đường để kêu oan.
Vương Tuấn Bân, năm kết thúc “cách mạng văn hóa” mới sáu tuổi là người không phải lo nghĩ đi lên trên con đường lớn của thời kỳ mới tràn đầy ánh sáng, trong việc tiếp nhận giáo dục ngoài cải cách và mở cửa ra là dân chủ và pháp chế. Năm mười tám tuổi, khi chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của tổ quốc, anh đã bước vào doanh trại quân đội, và từ đó lại nhiều thêm mấy phần tinh thần hiến dân của quân nhân. Đặc biệt là khi anh nghiêm trang giơ cánh tay phải lên, tuyên thệ với đảng, đã hiểu được là bất cứ lúc nào và ở đâu cũng bảo vệ quyết định của đảng và lợi ích của nhân dân là trách nhiệm không thể thoái thác được của một đảng viên cộng sản. Vì thế, Vương Tuấn Bân hôm nay, rõ ràng là không giống những người nông dân đã quỳ gối trước ai, anh cho rằng quyền lợi dân chủ không dựa vào sự ban ơn của một ai; tất nhiên, anh cũng không làm cái việc “liều chết ngăn kiệu”, anh biết mình đã mất mọi cái, chỉ còn một cái không mất là quyền lợi dân chủ.
Anh phải khiếu nại.
Mặc dù còn chưa rõ yêu cầu bộ môn nào bảo vệ quyền lợi của mình là thích hợp hơn, nhưng anh đã không hề do dự viết ngay ngắn trên giấy hai chữ “Đơn kiện”.
Tuy biết người bị khiếu nại, nói chung chỉ là đại biểu pháp nhân của bộ môn nào đó, và một bí thư huyện ủy của đảng không thể là bị cáo, nhưng anh bất chấp những cái đó, kiên định viết tên Trương Tây Đức dưới chữ “người bị khiếu nại”. Anh cho rằng Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy Lâm Tuyền trong “sự kiện Bạch Miếu” đã chịu trách nhiệm không thể chối cãi, đã đóng một vai rất không hay ho gì.
Huyện Lâm Tuyền thuộc địa khu Phụ Dương, được gọi là “Si-bê-ri” của An Huy, đây là một mảnh đất đã trải đủ mùi tang thương trong lịch sử, sông Hoàng Hà đã nhiều lần nhấn chìm nó để lại những đám đất cát, bùn lắng vô bờ, trở thành khu vực tràn nổi tiếng của sông Hoàng Hà. Năm đó khi đại quân của Lưu Bang đột phá phòng tuyến rãnh nhà trời Hoàng Hà của kẻ địch, vươn vào Đại Biệt Sơn ngàn dặm, chính là đã mở một con đường máu ở đây, mở ra màn giáo đầu của cuộc đại phản công. Ngày nay, người dân Lâm Tuyền thiên tính thuần phác, dựa vào hai bàn tay lao động đang thay đổi bộ mặt quê hương, nhưng do dân số quá đông, một huyện nhỏ bình nguyên mà có tới hơn 1,8 triệu người, được gọi là “Huyện thứ nhất của Hoa Hạ”; lại cộng thêm giao thông còn chưa tiện, ruộng đất bạc màu nên đến nay vẫn là một huyện nghèo nổi tiếng xa gần.
Vương Tuấn Bân là người trấn Bạch Miếu nghèo nhất trong cái huyện đó.
Mùa đông năm 2001, sau khi việc này xảy ra được sáu năm, chúng tôi mới tới mảnh đất ấy, sự nghèo khó ở đây đã để lại cho chúng tôi ấn tượng cực kỳ sâu xa. Trên đường đi ngắm nhìn, không thấy một xí nghiệp hương trấn nào, trên đồng ruộng toàn là một màu xanh của hành và rau cải trắng, rất nhiều năm nay, nông dân ở đây đều dựa vào trồng hành và cải trắng để kiếm sống. Cách xóm làng không xa có một con đường quốc lộ đi sang tỉnh khác, hai bên đường chỗ nào cũng chất từng núi hành, đợi những lái xe tiện đường mua đi. Chúng tôi hỏi giá mà giật mình, 1 kg chỉ có 12 xu, một xe ba gác hành chỉ được 2-3 NDT; giá cải trắng đắt hơn một chút, nhưng 1kg cũng chỉ được 2 hào. Mặc dù rau rẻ như vậy, nhưng người trồng lại không dám ăn. Khi chúng tôi vào thôn, thấy một nông dân khoảng ba mươi tuổi, bưng bát ngồi trước cửa ăn cơm. Trong bát chỉ có cơm, không có thức ăn, chúng tôi hỏi anh ta vì sao rau cải trắng rẻ như vậy mà không xào lên một ít để ăn, anh ta nói một câu khiến chúng tôi đau xót mãi: “Tôi ăn 1/2kg rau là mất đứt 1 hào”.
Bạch Miếu năm 2001 còn nghèo như vậy, thì sáu năm trước còn nghèo như thế nào là điều có thể suy ra được. Nghe họ giới thiệu, lúc đó thu nhập bình quân một năm của một người chỉ có 274 NDT, có nghĩa là, thu nhập mỗi ngày của mỗi người không được 8 hào, mọi người đều biết, điều này có nghĩa như thế nào rồi. Mặc dù đã nghèo nàn đến mức như vậy, nhưng huyện, trấn, thôn vẫn lớp lớp tăng thêm đóng góp, không ngừng cưỡng bức đặt thêm các khoản đóng góp khác lên đầu nông dân, tuyệt đại đa số thôn dân dù phẫn nộ trước sự tước đoạt đó nhưng không dám nói.
Ngày hôm đó Vương Tuấn Bân tìm đến Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu, anh cảm thấy, nói chung cần có người dám đứng ra thay mặt mọi người nói câu nói công bằng. Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu đều là những thanh niên có tư tưởng tương đối sôi nổi trong thôn, đặc biệt là Vương Hồng Siêu, cứ nghe nói đến việc phân bổ bừa bãi là anh nổi giận, tỏ ra vô cùng căm ghét.
Bố vợ Vương Hồng Siêu là người tinh nhanh tương đối có đầu óc thương mại trong hương thôn, ngoài việc cấy trồng, những lúc nông nhàn thường tới các làng xóm khác bán thuốc diệt chuột, cái nghề này không đòi hỏi vốn nhiều mà thu nhập cũng tạm được. Vương Hồng Siêu sớm nhìn thấy, chỉ dựa vào việc đồng áng thôi sẽ rất khó khăn, nên đã theo bố vợ đi bán thuốc diệt chuột. Một hôm, đúng vào lúc Vương Hồng Siêu ra ngoài bán thuốc, thì Cao Kiến quân, bí thư chi bộ thôn dẫn đội đột kích sưu cao thuế nặng rầm rộ mò đến cửa, đòi mỗi gia đình phải nộp 6 NDT “tiền xây dựng trường học”. Các ngôi nhà trong trường đều còn tốt, không có chỗ nào nguy hiểm, vì sao lại tung ra cái “tiền xây dựng trường” vậy? Lúc đó, mẹ Vương Hồng Siêu có nhà, tuy biết là không minh bạch, và cũng không lấy đâu ra được 6 NDT, nên bà ta nói “Hồng Siêu không có nhà, để ngày mai nộp”. Vừa nói xong, Cao Kiến Quân đã vác chiếc ti-vi đi mất. Thấy vậy, bà ta đuổi theo ra cửa, hỏi: “Trong nhà không có người, các ông lấy đồ đạc như vậy, liệu có phải đạo không?” Vì Cao Kiến Quân và Vương Hồng Siêu còn có quan hệ họ hàng, nên bà không ngờ sau khi là bí thư chi bộ thôn, Cao Kiến quân lại có thể làm các việc lật mặt không nhận người thân như vậy. Ai ngờ, Cao Kiến Quân chẳng thèm để ý, bước đi thẳng.
Sau này khi biết việc bí thư chi bộ thôn vác ti-vi đi, nhiều người tức đến mức buột miệng chửi lớn.
Ba người Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu cùng bàn với nhau, quyết định lên trấn trước. Lúc đó cả ba người bọn họ đều suy nghĩ quá đơn giản: đã có chính sách “giảm đóng góp” của đảng rồi thì phải nghiêm chỉnh chấp hành. Hơn nữa, lên cấp trên phản ánh tình hình bên dưới, cũng là quyền lợi hợp pháp mà hiến pháp trao cho mỗi công dân.
Với tâm tình vô cùng tin tưởng, bọn họ tìm đến Hàn Xuân Sinh, bí thư đảng ủy trấn. Vương Tuấn Bân còn lấy thân phận một đảng viên cộng sản đến tìm sự giúp đỡ của tổ chức.
Bọn họ không sao có thể quên được cái ngày hôm đó: 28 tháng 10 năm 1992. Ngày hôm đó khiến họ ghi lòng tạc dạ, vì ở văn phòng đảng ủy trấn, cuối cùng họ đã hiểu được thế nào là “đùn đẩy trách nhiệm”, thế nào là “làm lung tung”, thế nào là “tê liệt cảm tình với nhân dân quần chúng”.
Hàn Xuân Sinh, bí thư đảng ủy trấn không hỏi han gì đã giúp thêm cho sự trắng trợn không kiêng nể ai của Cao Kiến Quân, bí thư chi bộ thôn. Khi Cao Kiến Quân biết được việc hắn ôm ti-vi đi bị tố cáo lên trấn, thẹn quá hóa giận, không những không mang trả, hắn lại một lần nữa ngang nhiên đến nhà Vương Hồng Siêu dắt đi một chiếc xe đạp.
Nợ chưa nộp cái gọi là 6 NDT “phí xây dựng trường học” mà bị lấy đi một chiếc ti-vi rồi còn cho là chưa đủ, dắt thêm chiếc xe đạp của nhà người ta nữa, rõ ràng là việc làm quá mức, và gây nên sự công phẫn.
Thế là nhiều thôn dân nữa đã đứng ra, họ lũ lượt cung cấp cho Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu những nhân chứng, vật chứng trong việc cán bộ thôn phân bổ bừa bãi, tập trung vốn bừa bãi, phạt tiền bừa bãi.
Tại nhà Vương Hồng Siêu, chúng tôi đã nhìn thấy 3 chứng cớ của thôn dân năm đó. Một cái là “Phiếu thuế, phí đóng góp của nông dân” có đóng dấu của “ủy ban nhân dân trấn Bạch Miếu huyện Lâm Tuyền”, số mẫu ruộng đất khoán ghi trên phiếu rõ ràng là có dấu vết sửa chữa, hơn nữa là sửa đi sửa lại, từ “6,47 mẫu” lúc đầu, sửa thành “6,85 mẫu”, sau khi tẩy xóa, lại viết thành “6,87 mẫu”. Mục đích sửa chữa số mẫu khoán, không nói cũng rõ, là để nâng cao “thuế nông nghiệp”, “thuế đặc sản nông, lâm nghiệp”, “thuế chiếm dụng ruộng đất” cũng như tiền thuế phải nộp cho các khoản khác. Còn những con số “thôn giữ lại”, “phí do xã thống nhất thu” viết trên phiếu lại càng khiến người ta mù tịt, các con số đều rất cụ thể, nhưng căn cứ trong đó là cái gì? Vì sao bắt thôn dân nộp nhiều như vậy? Chẳng ai nói rõ được. Tóm lại, cộng 14 khoản tiền đó lại là 93,1 NDT, nhưng ở mục “tổng cộng”, chẳng biết vì sao đã dùng bút đỏ xóa đi, chữa thành 91,56 NDT. Ở một bản ghi khác, cũng thấy tình trạng sửa chữa như vậy. Xem ra, càng sửa, số tiền càng ít đi, hơn nữa người thu tiền còn viết rất rõ trên khoảng trống của phiếu thu “Dựa vào chứng cứ này làm chuẩn, các đơn từ khác hủy bỏ”. Như thế là, nếu cộng thêm tiền thuế “phải nộp”, tổng cộng hộ nông dân này phải nộp 143,36 NDT. Tuy vậy, điều rất có ý nghĩa châm biếm là, hộ nông dân này còn đưa ra một bản kê in roneo - loại đơn từ bị coi là hủy bỏ, thì số tiền họ phải nộp là 184,01 NDT! Số ruộng đất khoán của họ đã biến thành “6,88 mẫu” và số tiền thuế phải nộp đã từ 48,89 NDT biến thành 155,27 NDT!
Một khoản nộp thuế, có hai bản ghi khác nhau. Một bản đòi hỏi thôn dân phải nộp đúng theo số ghi trong đó, một xu cũng không được thiếu; một bản viết trên giấy chuyên môn để cho người ở trên xuống kiểm tra dùng. Bịt tai trộm chuông, dối trên lừa dưới đã tới trình độ không còn biết kiêng nể gì nữa.
Trong tay Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu đã nắm được rất nhiều chứng cứ do thôn dân cung cấp, họ càng tăng thêm lòng tin lên trên phản ánh, yêu cầu. Do ở trấn đã ra sức bao che cho những vấn đề của cán bộ thôn, nên họ đành phải “phản ánh, yêu cầu lên trên vượt cấp”, tìm đến huyện.
Nhưng điều làm cho bọn họ bất ngờ là, ở huyện, họ cũng vẫn gặp những bộ mặt lạnh lùng như nước đá.
Thế là 3 người, hạ quyết tâm đi tìm người đứng đầu.
“Chúng tôi muốn gặp đồng chí Trương Tây Đức”. Bọn họ cho rằng, bí thư huyện ủy là người lãnh đạo cao nhất trong tổ chức đảng toàn huyện, khẳng định là đảng tính cũng mạnh nhất, không thể không quản lý, không hỏi việc bên dưới công khai vi phạm chính sách giảm nhẹ đóng góp của Đảng.
Đồng chí ở văn phòng ngẩng đầu lên, phát hiện mấy người thanh niên vừa bước vào có dáng vẻ nông dân, đã rất không bình tĩnh nói: “Có biết Trương Tây Đức là ai không?”
“Là bí thư huyện ủy!”
“Các cậu ở đâu đến?”
“Ở Bạch Miếu, Vương Doanh”
Vừa nghe, đối phương đã chế giễu: “Bí thư huyện ủy có phải là bất cứ lúc nào cũng có thể tùy tiện gặp được ư? Việc ở thôn Vương Doanh, các cậu nên tìm đảng ủy và ủy ban trấn Bạch Miếu giải quyết”.
“Nhưng ở trấn không hỏi”
“Họ không hỏi, là các cậu đi tìm bí thư huyện ủy ư? Nếu như các thôn trong cả huyện đều giống Vương Doanh các cậu, có việc hay không có việc đều chạy lên tìm bí thư huyện ủy thì bí thư huyện ủy còn làm gì được nữa?”
Ba người đờ người nhìn nhau.
Tính Vương Hướng Đông nóng nảy, nhịn không nổi hỏi lại: “Trấn không quản, ông hãy nói, không tìm huyện thì tìm ai?”
Đối phương liền đứng phắt dậy, xúc động huơ huơ hai tay giống như đuổi vịt, lớn tiếng nói: “Đi đi, chúng tôi còn có việc!”
Vương Hồng Siêu là người biết tính toán, từ trước đến đó không nói gì, lúc này mới lạnh lùng nói: “Chúng tôi yêu cầu huyện ủy quán triệt chính sách “giảm nhẹ đóng góp” của Trung ương!”
“Ai không quán triệt với anh, anh hãy đi tìm người đó!”
“Chúng tôi muốn tìm bí thư Trương Tây Đức!” Tiếng Vương Hiểu Đông không to lên, nhưng nói vô cùng kiên định.
“Không được”
“Vì sao không thể được?”
“Không thể được là không thể được!” Đối phương nói cụt ngủn.
Rõ ràng là Vương Hồng Siêu không chịu, anh vẫn bình tĩnh như trước, hỏi: “Các ông có thái độ đối xử với quần chúng như vậy à?”
Đối phương châm chọc lạnh nhạt: “Đi mau đi! Nếu không, loại thái độ đó cũng không có nữa đâu!”
Lúc ra khỏi trụ sở huyện ủy, sắc mặt ba người đều vô cùng khó coi. Sau này khi nhắc lại khoảnh khắc ra khỏi trụ sở huyện ủy lúc đó, Vương Hồng Siêu nói, anh cảm thấy một cách dữ dội, cái tình cảm thanh khiết nhất vốn có trong tim mình, bỗng bị người ta bôi bẩn, và anh cực kỳ đau đớn.
Sau khi về thôn, các thôn dân xúm lại họp. Mọi người đều cảm thấy, do ba người lên huyện phản ánh vấn đề, thế đơn lực mỏng, không được coi trọng, bây giờ các nhà, các hộ ai có thể đi được thì đều nên đi. Sau đó hơn 300 thôn dân thôn Vương Doanh đồng loạt xuất phát, ngồi trên mười mấy ô tô dùng cho nhà nông và máy kéo bốn bánh, cuồn cuộn đi vào huyện thành.
Thế nhưng, người nhiều thế đông, không những chẳng có ích gì cho công việc, ngược lại còn làm cho huyện ủy phản cảm lớn hơn, gọi bọn họ là đang “tụ tập quần chúng gây sự”.
Sau mấy lần bị cản trở, các thôn dân cảm thấy, vấn đề nông dân đóng góp quá nặng, đã không có chút hy vọng gì giải quyết được ở huyện Lâm Tuyền, còn lại chỉ có 3 con đường có thể đi: một là tìm địa khu, hai là lên tỉnh, ba là trực tiếp lên Bắc Kinh. Lên địa khu và lên tỉnh, không ít người cho là không chắc, bởi vì bất kể là địa khu hay tỉnh đều có quá nhiều quan hệ với huyện ủy và ủy ban huyện, không thể nói nhất định bọn họ vì là “cùng làm quan thì ủng hộ lẫn nhau”, nhưng việc phê vào các tài liệu phản ánh, yêu cầu lên trên rồi gửi xuống dưới, cuối cùng lại vào tay người đi lên trên phản ánh, yêu cầu là hoàn toàn có khả năng. Những câu chuyện như vậy, báo chí, truyền hình, phát thanh bây giờ đưa nhiều rồi. Giả sử là như vậy, người ta chỉ một con thỏ bảo đuổi là cả đoàn xúm lại đuổi, không nói thời gian và sinh lực của thôn dân không đền bù nổi, mà cũng chẳng có tiền đâu mà vung ra ngoài!
Mọi người mồm năm miệng bẩy nói lên ý kiến của mình, sau đó dần dần tập trung lại, đó là: không làm thì thôi, đã làm thì làm đến cùng, dứt khoát phải tìm Trung ương đảng và Quốc Vụ viện! Bởi vì chính sách tốt giảm nhẹ đóng góp cho nông dân là do Trung ương đảng, Quốc Vụ viện chế định, Trung ương đảng và Quốc Vụ viện gần gũi nhất với nông dân ở tầng lớp dưới chúng ta.
Tất nhiên, mọi người đều biết “đi kiện vượt cấp” như thế này sẽ phải gánh chịu rủi ro rất lớn. Một sự thực nghiêm khắc là: lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu, phản ánh vấn đề của trấn Bạch Miếu và thôn Vương Doanh, về khách quan mà nói, kiện là “kiện tội lỗi” của huyện Lâm Tuyền. Chí ít điều này cho thấy, huyện Lâm Tuyền từ chối không quán triệt chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân của Trung ương, là bôi đen đảng, là làm loạn thêm đất nước. Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy quyết không chịu đâu.
Nói đến Trương Tây Đức, mọi người đều đã quen thuộc từ lâu qua truyền hình: thân người ngũ đoản, khi nói thích vung tay, báo cáo khẳng định là do thư ký viết hộ vì lời văn còn khả dĩ, nhưng hễ đi nói không có bản viết sẵn là không còn chút nhã nhặn nào. Trong một cuộc họp, khi nhấn mạnh việc sinh đẻ có kế hoạch, không cho phép đẻ quá tiêu chuẩn, Trương Tây Đức vung nắm đấm, ba hoa: “Tôi thà cần bảy cái “mộ”, không cần một cái “đầu người”. Câu nói tràn đầy sát khí và tanh mùi máu đó, được lưu truyền rất rộng.
Tóm lại, lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu, tiền đồ khó đoán, ai là người có năng lực có đảm lực để nhận nhiệm vụ này?
Tất nhiên trong lòng mọi người đều rõ, chỉ có điều là ai cũng cố nhịn không nói ra trước. Khi giới thiệu, chọn đại biểu lên Bắc Kinh, những ánh mắt tràn đầy hy vọng của các thôn dân đều không hẹn mà đều chăm chú nhìn vào Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu, ba hậu sinh trẻ trung nhưng lại có văn hóa.

14. Cảm nhận được sự chênh lệch nhiệt độ
Một ngày lạnh nhất cuối năm 1993, qua sự chuẩn bị đơn giản, Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu chỉnh lý xong xuôi các chứng cứ thu thập được về “ba cái bừa bãi” bắt đầu đặt chân lên đoàn tầu chạy về phía Bắc.
Khi ba người lần đầu tiên đặt chân xuống ga xe lửa Bắc Kinh, họ xúc động phấn chấn như đứa trẻ đang tủi thân được ngả vào lòng mẹ. Họ rất muốn tới xem quảng trường Thiên An Môn và Đại lễ đường nhân dân mà họ thường mộng hồn lởn vởn, rất muốn tới xem bia kỷ niệm anh hùng hùng vĩ tráng quan và cầu Kim Thủy, biểu tượng của Trung Hoa, tới xem tường đỏ ở Trung Nam Hải nữa, thế nhưng họ biết, chút kinh phí ít ỏi để lên trên phản ánh yêu cầu mà mọi người góp được đâu có dễ dàng, một hào một xu phải tiêu đúng chỗ.
Vào đến đường phố, họ hỏi thăm trụ sở Cục đón tiếp những người đến phản ánh, yêu cầu của Trung ương đảng và Quốc Vụ viện đặt ở đâu.
Và ở nơi đó họ đã được nhiệt tình tiếp đón, không ngờ sự tình lại tiến triển thuận lợi như thế. Đồng chí tiếp đón nghiêm túc lắng nghe họ phản ảnh tình hình, hứa sẽ nhanh chóng gửi thư riêng cho các bộ môn có liên quan của An huy về những vấn đề mà họ đề xuất, thúc đẩy điều tra xử lý những việc đó.
Khí hậu Bắc Kinh lạnh lẽo buốt giá như vậy, là điều mà từ khi ra đời đến nay họ chưa gặp, những làn gió lạnh buốt không ngừng thổi vào mặt, lạnh thấu xương, nhưng ba người vẫn cảm thấy như bước vào một ngôi nhà ấm áp.
“Đến nơi rồi”, Vương Hồng Siêu nói: “Những nơi cần tìm chúng ta đều tìm được, chuyến đi này không uổng phí”.
Tuy vậy trên đường về, họ còn đến thêm Bộ Nông nghiệp.
Ở trạm tiếp đón của Bộ Nông nghiệp, ba người đều cảm thấy sự thân thiết và ấm cúng như về nhà mình. Đồng chí tiếp đón nghe họ phản ảnh vấn đề, xem những chứng cớ mà họ mang đi, đã biểu thị thái độ rõ ràng ngay tại chỗ: cách làm của trấn Bạch Miếu và thôn Vương Doanh là sai lầm, đồng thời còn chủ động viết giấy giới thiệu cho bọn họ, yêu cầu sau khi bọn họ về đến An Huy, cầm giấy giới thiệu này trực tiếp đến một đơn vị của Sở nông nghiệp. Giấy giới thiệu là loại đã in sẵn, chỉ cần điền thêm nội dung chính của những phản ảnh, yêu cầu nhưng lần này rõ ràng là đã phá lệ, không chỉ viết vào đó những sự thực cụ thể về đóng góp quá nặng của nông dân do họ phản ảnh mà còn viết cả cách nhìn của họ với địa phương: “Biện pháp thu này làm trái quy định giảm nhẹ đóng góp của nông dân do Trung ương đảng và Quốc Vụ viện quy định”. Ở chỗ cuối của giấy giới thiệu, ngoài hàng chữ in sẵn “nay giới thiệu đến chỗ đồng chí, đề nghị tiếp, nói chuyện, xử lý” ra còn phá lệ viết thêm một dòng: “Nay giới thiệu đến chỗ đồng chí, hy vọng nghiêm túc kiểm tra, xử lý”.
Đồng chí tiếp đón tiễn ba người ra tận cửa lớn, còn tặng một cuốn sách nhỏ: “Luật quản lý dịch vụ giảm nhẹ đóng góp của nông dân”, khi chia tay, đã đột nhiên cảm khái một câu: “Cấp trên ba nhắc bẩy nhở, bên dưới vẫn dựa theo làm bừa”.
Một câu nói mà làm trái tim ba người như nóng lên.
Đúng vậy, nhiệt độ không khí ở Bắc Kinh thấp hơn ở quê nhà rất nhiều, lạnh kinh người, cứ tưởng là không có gió vì cây đứng lặng im, nhưng vẫn cảm thấy những luồng khí lạnh quét vào mặt. Tuy trên đoàn tầu về Nam, không khí trên đường ấm dần lên, thế nhưng bọn họ vẫn cảm thấy mình đang đi vào một nơi giá lạnh. Cứ nghĩ đến Lâm Tuyền, đến Bạch Miếu, đến Vương Doanh, là trong lòng không yên, như có cơn gió lạnh thổi vào lòng.
Trong tình huống bình thường, càng tới gần quê hương càng cảm thấy thân thiết mới phải, nhưng bọn họ không những không có loại cảm nhận đó, mà ngược lại, do có chuyến đi Bắc Kinh, đột nhiên bọn họ cảm thấy xa lạ với quê hương. Càng tới gần nhà, lòng tin mất đi càng lớn, hơn nữa còn có một nỗi thương cảm, hoảng sợ khó nói đang thôn tính trái tim họ.
Mặc dù mỗi ngày ở Bắc Kinh, bọn họ đều chìm đắm trong niềm phấn khởi và kích động không gì so sánh nổi; nhưng điều kỳ quái là, đồng thời với sự phấn khởi và kích động đó lại có một loại chua xót khác thường, thường từ trong lòng phát ra một cách không chuẩn bị tí nào, phá hỏng tâm tình tốt đẹp của bọn họ. Vì sao lại có loại cảm giác kỳ quái đó, lúc đó cả ba người đều không nói rõ được, mãi đến khi đoàn tầu đã cách xa Bắc Kinh, bọn họ mới chợt hiểu ra: Bắc Kinh tuy tốt đấy, nhưng không thuộc về bọn họ, rốt cuộc họ vẫn là người của trấn Bạch Miếu, huyện Lâm Tuyền, số phận của bọn họ nằm trong tay bí thư huyện ủy huyện Lâm Tuyền nhiều hơn, thậm chí nằm trong tay người cá biệt ở thôn Vương Doanh, trấn Bạch Miếu.
Chỉ cần bọn họ còn phụ thuộc vào từ trường quyền lực của trấn Bạch Miếu, huyện Lâm Tuyền thì cho dù có cách xa ngàn dặm, vạn dặm, họ cũng không thể trốn khỏi số phận.
Sau khi xe lửa qua sông Hoàng Hà, dường như ba người chẳng còn điều gì để nói nữa, nhưng không ai ngủ được. Suốt đêm họ cứ lặng lẽ ngồi như vậy, hầu như không suy nghĩ, chỉ chăm chú lắng nghe tiếng bánh xe lửa lạch cà lạch cạch va đập vào đường ray lúc to lúc nhỏ, âm thanh ấy trong đêm khuya vắng vẻ, nghe càng rung động lòng người.
Mãi đến lúc trời sáng rõ, ba người mới thiếp đi, nhưng đã đến tỉnh lỵ Hợp Phì rồi.
Xuống xe lửa, không kịp nghỉ ngơi, ba người tìm đến văn phòng tiểu tổ lãnh đạo giảm nhẹ đóng góp cho nông dân của tỉnh An Huy, đơn vị mà Bộ Nông nghiệp giới thiệu trong thư.
Nghe ba người trình bày, đồng chí ở văn phòng giảm nhẹ rất coi trọng, và cũng cảm thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, lập tức gửi ngay một công văn thái độ rất rõ ràng, để họ trực tiếp trao cho văn phòng giảm nhẹ Lâm Tuyền:
“Văn phòng chúng tôi đã tiếp đón quần chúng lên trên phản ảnh, yêu cầu thuộc trấn Bạch Miếu các anh do Bộ Nông nghiệp gửi về, từ bản ghi số liệu gửi lại do họ cung cấp, rõ ràng là tồn tại vấn đề đóng góp quá nặng. Theo phản ánh, những vấn đề này, bọn họ đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền cấp trên, nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, quần chúng phản ứng tương đối mạnh. Nay gửi ý kiến và các tài liệu có liên quan của Bộ Nông nghiệp, mong văn phòng các anh sau khi nhận được công văn, nhanh chóng cử người đi kiểm tra, xử lý, nếu đúng là tồn tại vấn đề đóng góp quá nặng, những gì cần trả lại, bồi thường phải kiên quyết trả lại, bồi thường.
Kết quả xử lý phải báo cáo kịp thời lên trên”.
Với thái độ trân trọng, đồng chí ở văn phòng giảm nhẹ tỉnh còn nghiêm túc đóng dấu vào công văn trên. Khi chia tay, còn tặng họ tài liệu về các quy định cụ thể liên quan đến việc giảm nhẹ đóng góp cho nông dân do Trung ương mấy lần đưa ra và được văn phòng biên soạn lại.
Ra khỏi ngôi nhà lớn của Sở nông nghiệp, lòng phấn khởi và kích động mà ba người đã từng có ở Bắc Kinh, lại một lần nữa trào dâng.
Trong thời gian ở Hợp Phì, bọn họ còn tìm đến ủy ban kỷ luật tỉnh ủy. Đồng chí tiếp đón ở đây cũng rất coi trọng, mong họ yên tâm trở về, việc này ủy ban sẽ để ý đến.
Ngày 25 tháng 1 năm 1994, Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu lại một lần nữa đến văn phòng huyện ủy Lâm Tuyền. Bọn họ xuất trình các công văn có liên quan của Bộ Nông nghiệp và văn phòng giảm nhẹ của tỉnh An Huy, lần này người ở văn phòng không còn làm khó dễ nữa.
Rõ ràng là lúc đó, huyện ủy Lâm Tuyền đã nhận được công văn của Cục Tín phỏng thuộc Văn phòng Quốc Vụ viện, và Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy cũng đã biết tin đại biểu thôn dân thôn Vương Doanh, trấn Bạch Miếu đã tố cáo họ lên Bắc Kinh. Ông ta vui vẻ đi ra, và viết ngay tại chỗ thư tay gửi đảng ủy và ủy ban trấn Bạch Miếu. Thư viết: “Quần chúng thôn Vương Doanh và thôn Chiêu Doanh lên trên phản ánh, yêu cầu trả lại tiền giữ lại quá nhiều, đề nghị cố gắng làm tốt công tác, nắm chắc thời gian, trả lại quần chúng đúng số tiền đã giữ lại quá nhiều”.
Ba người nhận bức thư của bí thư huyện ủy, nghiêm túc đọc. Vì chữ viết ngoáy quá, có chữ chẳng ra hình dạng gì, đọc một lúc mới hiểu được nội dung. Thế nhưng lại bồn chồn vì: “giữ lại quá nhiều”, đó là khái niệm gì vậy? Với tư cách là người phụ trách một tổ chức của đảng vì sao lại không giống như các cơ quan Trung ương, nhà nước và văn phòng giảm nhẹ tỉnh, theo tinh thần quy định của văn kiện Trung ương đảng, chỉ ra tính nghiêm trọng của sự việc này? Và dù đã hạ quyết tâm giải quyết, làm sao lại không thông qua trình tự tổ chức mà lại tiện tay viết vào mảnh giấy giao cho quần chúng cầm về? Lại nữa, những ngày qua “quần chúng lên trên phản ánh, yêu cầu” đã năm lần bảy lượt tìm huyện ủy nhưng huyện ủy chỉ đóng vai câm điếc; còn bây giờ, bên trên vừa có thư gửi xuống là lập tức “tươi cười đón tiếp”, đã như hôm nay thì lúc đầu sao lại thế?
Bất kể nói như thế nào, kể từ ngày 28 tháng 10 năm 1993 bắt đầu lên trên phản ánh, yêu cầu, đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, khi bí thư huyện ủy “ký tên đồng ý”, trước sau đã trải qua 89 ngày, xem ra cũng thấy kết quả. Khi nghe nói bí thư Trương Tây Đức tỏ thái độ sẽ “trả lại đủ số tiền giữ lại quá nhiều”, toàn thể thôn dân hò reo phấn khởi.
Có thể thấy được Hàn Xuân Sinh, bí thư đảng ủy và Mã Tuấn, trấn trưởng trấn Bạch Miếu sau khi nhận được “thư tay” của Trương Tây Đức đã có tâm tư phức tạp như thế nào. Tất nhiên bọn họ hiểu rõ tính chất của sự việc này. Làm đến nước này, không cần phải nói cũng biết là bọn họ đã gây rắc rối cho huyện ủy và ủy ban huyện. Tuy vậy cái mà thôn dân cầm được, chỉ là một mảnh giấy trắng, suy ngẫm kỹ hai người mới nghe được sự bất mãn trong câu “quần chúng lên trên phản ánh, yêu cầu trả lại tiền giữ lại quá nhiều” của Trương Tây Đức, và cũng từ câu “đề nghị nỗ lực làm tốt công tác” hai người đã đọc ra được ý đừng làm gì của bí thư huyện ủy.
Trấn Bạch Miếu không giải quyết vấn đề đóng góp của nông dân không được. Lúc này dưới sự thúc giục của ủy ban kiểm tra kỷ luật địa khu, ủy ban kiểm tra kỷ luật huyện đã thành lập tổ điều tra đi về trấn Bạch Miếu, điều tra lập án vấn đề “giảm nhẹ” của trấn, thôn. Thực ra chỉ cần điều tra là nhiều vấn đề đều thấy rõ. Tổ điều tra mới kiểm tra sổ sách “giữ lại, trù tính chung” của hai cấp thôn, trấn trong năm 1993, đã phát hiện được hơn 110.000 NDT tiền đóng góp của nông dân có vấn đề. Đại biểu thôn dân, thôn Vương Doanh khi giúp thôn tự kiểm tra, không những phát hiện quản lý tài vụ trong thôn quá hỗn loạn, mà chi tiêu, kinh phí cũng cực kỳ tùy tiện, những hóa đơn không rõ đầu đuôi quá nhiều, còn phát hiện được vấn đề trên trấn tùy tiện lấy đi hoặc lạm dụng tiền giữ lại của thôn vô cùng nghiêm trọng, thậm chí viết tình hình điều chuyển tiền của hai cấp thôn trấn vào một bản kê thì chỉ riêng khoản “điều chuyển trong vụ thu năm 1993” đã làm rõ là 47.650 NDT, nhưng ở từng “bản kê điều chuyển” thì đã biến thành 33.760,46 NDT, riêng khoản này đã che giấu 13.883,54 NDT.
Hành vi xấu xa lừa đảo mưu lợi của cán bộ thôn, trấn đã làm cho đông đảo thôn dân thôn Vương Doanh cực kỳ phẫn nộ, nhưng tính từ khi bí thư huyện ủy viết thư tay cho đại biểu thôn dân, trong suốt thời gian dài 12 ngày, ủy ban thôn chỉ trả lại thôn dân một chút “lông da”, hơn nữa trong thời gian này còn xảy ra hai sự kiện, khiến thôn dân thôn Vương Doanh cảm thấy rất không yên. Một việc là, Vương Tuấn Bân, người cầm đầu nhóm đi lên trên phản ánh, yêu cầu, trước đó đã được ban quản lý đất đai của trấn thuê làm, nay đột ngột bị cho thôi việc; hai là, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu nhận được thông tri trên trấn, yêu cầu bọn họ lên cơ quan trấn “thanh toán sổ sách”, nhưng hai người vừa bước vào cửa ủy ban trấn, là bị nhân viên cơ quan đã có sự chuẩn bị từ trước, đánh cho một trận thậm tệ.
Trả lại tiền chẳng qua chỉ là một phát súng nổ rỗng không, đả kích báo thù mới là sự thực, thôn dân thôn Vương Doanh muốn nhịn mà không thể nhịn được nữa, lại một lần nữa, tập hợp thành đội ngũ mấy trăm người, đi lên huyện thành, yêu cầu bí thư Trương thực hiện lời hứa của ông ta với mọi người.
Rõ ràng là các thôn dân đã suy nghĩ vấn đề quá đơn giản, và cũng không hiểu rõ một số cán bộ lãnh đạo bị gọi là “quan phụ mẫu” của chúng ta hiện nay. Trong bọn họ, có không ít người thực ra đã bị hư hỏng từ lâu. Bọn họ chỉ quen người ta tiền hô hậu ủng, vỗ tay, tươi cười nghe theo lệnh trên.
Vừa thấy đông đảo thôn dân như vậy, hơn nữa còn có những câu quở trách rõ ràng, trước tiên Trương Tây Đức trở mặt, không nói tới việc trả lại đủ số tiền đã thu quá nhiều của nông dân. Ông ta dằn giọng, nói với lời nói khó nghe: “Hễ có việc là các người chỉ hung hăng gây chuyện, tôi không xử lý việc của các người”.
Các thôn dân hỏi: “Như vậy có phù hợp với tinh thần văn kiện của Trung ương không?”
Trương Tây Đức nổi giận nói: “Có việc gì, các người lên trên mà tìm!”
Nghe vậy các thôn dân càng bồn chồn: quán triệt chính sách giảm nhẹ của đảng vốn là công tác mà trách nhiệm không thể đổ cho người khác của huyện ủy Lâm Tuyền; chính là do lúc đó huyện ủy không quản lý, không hỏi han, nên bọn họ mới phải tìm lên trên, hiện nay cấp trên đã không bỏ qua, sao huyện ủy không những không giải quyết vấn đề mà ngược lại còn trách móc thôn dân. Tất nhiên các thôn dân không chịu, họ yêu cầu bí thư Trương quán triệt chính sách giảm nhẹ của Trung ương.
Rõ ràng là Trương Tây Đức đã mất hết nhẫn nại từ lâu, ông ta lớn giọng hò hét: “Cho dù các người gây sự với tôi, gây sự càng lớn, tôi càng xử lý tốt!”
Các thôn dân không biết làm thế nào, đành tìm đến ban kiểm tra kỷ luật huyện. Đó là vì ban này đã từng cử tổ điều tra và đã kiểm tra ra không ít vấn đề trong “khoản giữ lại và trù hoạch chung” của trấn Bạch Miếu và thôn Vương Doanh. Thế nhưng Lý Thụ Thành, chủ nhiệm ban, khi nghe nói bên dưới không chịu trả lại tiền giữ lại nhiều quá, đã nói một cách buông trôi: “Tôi bảo bọn họ trả, bọn họ không trả, tôi còn biện pháp gì nữa?”
Chủ nhiệm, chủ quản công tác kiểm tra kỷ luật đảng của một huyện, trước việc làm xằng làm bậy của cán bộ bên dưới mà cảm thấy bất lực; bí thư huyện ủy thống nhất quản lý công tác mọi mặt mà lại làm bừa không cần lý lẽ, trước những việc đó, các thôn dân cảm thấy rất khó hiểu và cũng vô cùng tức giận.
Thế nhưng, đại biểu thôn dân thôn Vương Doanh lúc này đã có năng lực chịu đựng nhất định, nên bọn họ thể hiện rất bình tĩnh. Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu đã hạ một quyết tâm, có thể là lớn nhất trong đời họ: nhất định phải đấu tranh với một số người làm ra vẻ phục tùng, thực ra thì chống lại chính sách của đảng, không đạt mục đích, thề quyết không thôi!
Tất nhiên, quyết tâm của 3 nông dân, cho dù là quyết tâm của 300, của 3.000 nông dân cũng như việc họ có toàn bộ chân lý, có được coi là cái gì đâu trong cái xã hội sùng bái quyền lực ngày nay, và trước mặt sự cấu kết quyền lực to lớn đã hình thành mấy ngàn năm ở Trung Quốc.
Cũng có thể vì bọn họ còn quá trẻ, về căn bản không rõ “đại cách mạng văn hóa” và “đấu tranh giai cấp” là chuyện gì, và có thể họ cũng không suy nghĩ sự việc quá nghiêm trọng. Mặc dù ngay trước đó 16 năm, trong hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng lần thứ ba khóa 11, chúng ta đã vứt bỏ phương châm sai lầm “tả”, “lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt”, thế nhưng ở Lâm Tuyền, ở Bạch Miếu “đấu tranh giai cấp cứ nắm là linh nghiệm” vẫn là pháp bảo trong tiềm ý thức của nhiều cán bộ, tư duy của họ trong khi xử lý vấn đề vẫn còn dừng lại ở giai đoạn trước đây.
Từ huyện thành trở về không lâu, Vương Hồng Siêu nhận được một tin đủ khiến cho mọi người trong thôn không lạnh mà rùng mình, cái tin nay là do Thi Xán Châu, chính trị viên đồn công an Bạch Miếu tiết lộ cho anh. Vương Hồng Siêu có quan hệ cá nhân rất tốt với Thi Xán Châu, vào ngày 30 tháng 3, Thi Xán Châu kéo anh ra một chỗ, rồi khẽ bảo: “Cậu đừng thọc tay vào việc lên trên phản ánh, yêu cầu nữa!” và còn nói nên “thu tay về nhanh lên”; sau đó nghiêm túc nhắc nhở: “Sắp bắt người đấy!”
Vương Hồng Siêu giật mình. Anh biết chính trị viên Thi Xán Châu không nói đùa với mình và cũng không dọa dẫm mình. Anh lập tức nói tin đó cho Vương Hướng Đông và Vương Tuấn Bân.
Vương Tuấn Bân và Vương Hướng Đông nghe tin này nửa tin nửa ngờ, nhưng không thể không thông báo ngay cho đông đảo thôn dân.
Trong một thời gian, thôn Vương Doanh bị chùm trong sự khủng bố không biết vì sao.
Các thôn dân tự phát tổ chức các đội tuần tra để đề phòng bất trắc; Vương Hồng Siêu dứt khoát mang loa phát thanh về để trong nhà mình.
Mặc dù các thôn dân có sự chuẩn bị về tư tưởng, nhưng không hề nghĩ là cái ngày “bắt người” lại đến nhanh như vậy.15. Trời cao, hoàng đế xa
Tối ngày 2 tháng 4 năm 1994, vào lúc hơn 11 giờ; ở các thành phố có sinh hoạt đêm, có thể giờ phút này không được coi là quá muộn, nhưng ở thôn Vương Doanh xa xôi, hầu như toàn bộ thôn dân đã tắt đèn lên giường. Đúng lúc đó, một chiếc ô tô hai công dụng (vừa chở người vừa chở hàng) lén lút chạy vào thôn.
Sau khi chiếc ô tô im ắng lặng lẽ đỗ ở đầu phía Tây của thôn, có 5 người nhảy xuống xe. Sau khi sự việc xảy ra mới biết bọn họ là Thi Xán Châu, chính trị viên đồn công an Bạch Miếu, cảnh sát dân sự Vương Thụ Khôi, Trương Phúc Xuân, nhân viên trị an Vương Tuấn và Lưu Khải. Sau khi ghé tai thì thầm với nhau, 5 người đã đi vào trong thôn một cách bí hiểm.
Sự xuất hiện của bọn họ, lập tức làm các thôn dân đang tuần tra chú ý, bám đuôi từ xa. Sau đó phát hiện được mấy người này chỉ đến thăm dò động tĩnh ở trước cửa nhà mấy đại biểu thôn dân dẫn đầu lên trên phản ánh, yêu cầu, và họ mấy lần thử đẩy cửa, điều này làm các thôn dân cảnh giác, chạy đến gõ cửa nhà Vương Hồng Siêu, vừa gõ cửa vừa hô: “Trong thôn có kẻ vụng trộm lén lút!”
Lý Lợi, em gái vợ Vương Hồng Siêu lúc đó đang ở lại nhà Vương Hồng Siêu, tiếng hô ngoài cửa làm cô tỉnh giấc vùng dậy khỏi giường trước. Nghe nói trong thôn có mấy kẻ vụng trộm lén lút đến, cô ta xông ngay vào gian phòng để máy phóng thanh, bật công tắc rồi kêu lớn: “Có trộm đến Vương Doanh! Hỡi các vị già trẻ của Vương Doanh, ai có xiên dùng xiên, ai có gậy dùng gậy, không để cho bọn chúng thoát!”
Đêm khuya vắng vẻ, tiếng loa phóng thanh lập tức làm thôn dân giật mình tỉnh giấc. Nghe nói có trộm đến thôn, từng người từng người nhanh chóng mặc quần áo cầm theo dụng cụ chạy ra ngoài cửa.
Tiếng loa đột ngột vang lên, trước tiên làm hai nhân viên trị an đi theo hoảng sợ, biết là hành động bí mật này bị lộ rồi; thôn dân căm ghét nhất là nhân viên trị an đi theo làm việc xấu, chửi họ là “đồ qủy”, một khi bị thôn dân bắt được, nhân viên công an trong thôn còn có thể dễ nói, chứ bọn họ thì khó xuôi rồi, vì thế hai người giống như một con thỏ hoảng sợ, cướp đường mà chạy. Thi Xán Châu, chính trị viên đồn công an, nghe thấy tiếng loa, đoán là sự tình không hay, ngay ô tô đỗ ở đầu thôn cũng không lên mà lập tức quay người chân cao chân thấp sờ soạng trong đêm đen hoảng loạn chuồn ra ngoài thôn.
Hai cảnh sát dân sự Vương Thụ Khôi, Trương Phúc Xuân và lái xe Triệu Xán Long do trốn không kịp, bị các thôn dân lần lượt bao vây.
Các thôn dân lớn tiếng hỏi: “Các người từ đâu đến? Định làm gì?”
Một cảnh sát dân sự nói: “Chúng tôi ở Ngõa Điếm...”
Cảnh sát dân sự kia nói: “Chúng tôi ở... Hoàng Lĩnh”
Lái xe nói: “Chúng tôi là người ở xưởng tơ lụa trên phố, cùng xưởng trưởng đến tìm một người ở thôn ta liên hệ nghiệp vụ”.
Ba người trả lời ba kiểu khác nhau, càng khiến mọi người nghi ngờ hơn.
Thôn Vương Doanh ở vào biên giới tỉnh của hai tỉnh An Huy và Hà Nam, hiệu trưởng trường tiểu học Vương Doanh là Vương Thiên Cơ ở tại đầu Tây thôn, con đường nhỏ ngoài nhà là địa giới của hai huyện, hai tỉnh - huyện Thẩm Khưu tỉnh Hà Nam và huyện Lâm Tuyền tỉnh An Huy, có người nói con trai hiệu trưởng Vương ra cửa tiểu tiện, là nước giải làm ướt cả mặt đất hai tỉnh và hai huyện. Ở vào giải đất xa xôi hẻo lánh mà lại vô cùng nhạy cảm đó, bỗng nhiên xuất hiện ba người đi đường lai lịch không rõ, mà ba người lại có ba cách nói khác nhau, trong đó có người mặc sắc phục cảnh sát, nên các thôn dân càng cảnh giác. Nghi ngờ là bọn này lợi dụng “ưu thế” vị trí địa lý, nhân lúc đêm khuya vắng vẻ, mạo nhận là cảnh sát dân sự để giở trò trộm cắp.
Thôn dân yêu cầu mỗi người đưa chứng minh thư để chứng minh thân phận mình. Thế là cả ba người lập tức tỏ ra căng thẳng, nhân lúc hỗn loạn chạy trốn vào vùng đồng hoang. Họ bỏ chạy càng khiến thôn dân cảm thấy vấn đề càng lớn, nên càng không thể bỏ qua, lập tức truy đuổi.
Ba người liều chết bỏ chạy ấy, vì không thuộc đường như các thôn dân, nên khi thấy khó có thể trốn thoát, người mặc sắc phục cảnh sát đã đứng lại, rút súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, chỉ vào các thôn dân đang đuổi theo, hung hãn nói: “Không được động đậy! còn đuổi nữa, tôi sẽ nổ súng!”
Tình huống đột ngột đó đã làm các thôn dân hoảng sợ, lần lượt đứng lại.
Hai người đang hoảng hốt bỏ chạy khác, thấy các thôn dân đứng lại cũng thôi không chạy nữa.
Các thôn dân, người đông thế mạnh, đối mặt với nòng súng cũng không sợ, ngược lại còn khẳng định đây là bọn trộm cướp hành nghề lúc đêm khuya. Tình huống cho thấy rõ: đã nói bậy là “xưởng tơ lụa” đến “Vương Doanh liên hệ nghiệp vụ”, vì sao lại có súng ngắn? Nếu đúng là cảnh sát dân sự thật, vì sao lại nói là người của “xưởng tơ lụa trên phố?” Hơn nữa không dám quang minh chính đại để lộ thân phận của mình? Lại còn, làm gì phải bỏ chạy, hoảng hốt vội vàng đến mức không cần cả ô tô?
Thôn dân nhìn chằm chằm vào người lái: “Rốt cuộc các người định làm gì?”
Người lái xe ấp úng không dám nói.
Các thôn dân không nghi ngờ nữa, trước tiên để tự vệ, họ tước hung khí trong tay đối phương đang đe dọa mọi người. Thậm chí bọn họ còn khẳng định rằng khẩu súng đang nhằm vào họ và cả bộ sắc phục cảnh sát nữa, đều là giả. Mấy thôn dân nhào lên, đánh rơi khẩu súng của đối phương. Tiếp đó các thôn dân đánh cho bọn mà họ cho là trộm cướp này một trận tơi bời.
Mãi đến khi được nếm đủ đòn, lái xe Triệu Xán Long mới nói thực: “Hai người kia đúng là cảnh sát của đồn công an, thuê chiếc ô tô này của tôi, trả tôi 10 NDT và một bao thuốc lá, bảo tôi lái xe đi bắt người”.
Nói rồi, vội móc túi ra nộp 10 NDT và bao thuốc lá, xin các thôn dân tha cho.
Nghe nói trong bọn họ đúng là có cảnh sát đến bắt người, các thôn dân vội hỏi Vương Thụ Khôi và Trương Phúc Xuân, hai người đành phải thừa nhận: “Chúng tôi là người người của đồn công an Bạch Miếu”.
Vừa nghe xong, thôn dân giận sôi lên:
“Các người căn cứ vào điều gì để đến bắt đại biểu lên trên phản ảnh, yêu cầu?”
“Vì sao bắt người phải vụng trộm lén lút?”
“Rõ ràng các người là ở đồn công an Bạch Miếu, vì sao lại phải nói là ở “Ngõa Điếm”, ở “Hoàng Lĩnh”, ở “xưởng tơ lụa trên phố”; vì sao vừa bị truy hỏi là bỏ trốn?”
Truy hỏi đến mức hai người không sao trả lời được.
Tất nhiên, các thôn dân không chịu bỏ qua: “Nói!”
Một người khẽ giải thích: “Chúng tôi đến bắt bọn đánh bạc”
Một người nói: “Chúng tôi đi tuần tra”.
Nói như vậy càng gay. Đến bắt bọn đánh bạc, vì sao chỉ tìm nhà đại biểu thôn dân, rõ ràng là không vo tròn kín kẽ; nói là “tuần tra”, là nhắm mắt nói bừa. Bởi vì tính từ ngày giải phóng đến nay, trong suốt 45 năm, các vị phụ lão trong thôn Vương Doanh, về cơ bản chưa hề thấy nhân viên đồn công an xuống thôn tuần tra lúc nào cả. Sáng không tuần tra, tối không tuần tra, trấn vừa mới trả lại cho Vương Doanh một chút tiền thu quá nhiều trong đóng góp nặng nề của nông dân thì “tuần tra” đến Vương Doanh à? Mà lại chỉ gí mũi vào cửa các gia đình có đại biểu lên trên phản ánh, yêu cầu “tuần tra” thôi?
Thôn dân càng nghe càng nổi giận: “Vì sao tuần tra mà không đi ô tô cảnh sát?”
Đến lúc này thôn dân mới phát hiện, mấy người này đều uống quá nhiều “nước cay” người nào người nấy nồng nặc hơi rượu. Nhiều nhân viên công an ở đồn công an nông thôn, vốn không để lại cho quần cũng bao nhiêu ấn tượng tốt, có người còn cùng một mâm với bọn xấu, việc xấu nào cũng đều làm hết. Để đề phòng bọn họ mượn hơi rượu để làm bậy, thôn dân tước súng và còng tay bọn họ mang theo người. Đặc biệt là sau khi phát hiện được 4 cái còng tay, chứng thực hơn nữa lời thổ lộ của người lái xe: đúng là bọn họ có ý đồ xấu xa đến bắt đại biểu lên trên phản ánh, yêu cầu. Muốn bắt 4 người, chẳng phải hỏi cũng rõ, đó là Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu và thêm một Vương Hồng Khâm nữa.
“Đại biểu thôn dân bị đánh các người không thấy; trăm họ tìm cấp trên yêu cầu quán triệt chính sách giảm nhẹ của Trung ương, thì nửa đêm vào thôn định bắt người, các người còn xứng đáng là “cảnh sát nhân dân” nữa hay không?”
Các thôn dân càng nói càng tức, ba chân bốn cẳng chạy tới đập phá chiếc ô tô thuê để bắt người.
Đó chính là sự kiện “ngày 2 tháng 4” mà sau này bị huyện ủy Lâm Tuyền nắm chặt để gây chuyện.
Cảnh sát Trương Phúc Xuân, được thôn dân Vương Lai Trị gọi là “thằng béo”, dưới sự truy hỏi của Vương Lai Trị, xót xa thừa nhận: “Ai biết là xóm các người đã có chuẩn bị; ai bảo tôi và Vương Thụ Khôi lại uống, nếu không thế làm gì chúng tôi đến nông nỗi như thế này”.
Anh ta thừa nhận đã uống rượu tại nhà Vương Thiên Ngọc; Vương Thiên Ngọc là một người có quan hệ đặc biệt với một số người nào đó trên huyện. Điều kỳ quặc là, sau này trong một bức thư của thôn dân thôn Vương Doanh gửi các đồng chí lãnh đạo Trung ương đảng và Quốc Vụ viện, đã đặc biệt chỉ ra, đêm hôm đó, tâm tình một số ít thôn dân kích thích, điều này không phải là nguyên nhân không gây ra sự: trong hỗn loạn “dưới sự lôi kéo của Vương Thiên Ngọc và cán bộ thôn, đã ào lên, phát sinh xung đột, đập cả ô tô, đánh cả người, cướp cả súng”. Cả hai địa phương then chốt đều có cái tên Vương Thiên ngọc này! Cũng có thể điều này đã phơi bày hết mặt trái bối cảnh sâu sắc của sự kiện “ngày 2 tháng 4” ra trước mọi người.
Cuối cùng thì cảnh sát Vương Thụ Khôi và người “lái xe thuê” Triệu Xán Long cũng thảm hại trốn khỏi thôn; cảnh sát Trương Xuân Phúc có vóc người cao lớn được nói bị “đánh trọng thương”, lúc này đã hết men rượu tỉnh lại, anh ta trốn rất nhanh, mấy thanh niên nông dân đuổi theo mà không kịp. Sau đó, thôn dân Vương Hồng Quân mang súng ngắn, đạn, còng tay của cảnh sát đến giao cho Vương Đông Lương trưởng phòng vũ trang trấn. Vương Đông Lương là người Vương Doanh, hôm đó cũng ở thôn. Đêm khuya, các thôn dân lục tục về nhà ngủ. Không ai tưởng tượng được là, khi Trương Tây Đức biết được sự việc này thì tính chất của sự việc đã phát sinh thay đổi. Mặc dù ba nhân viên công an và hai đội viên trị an của đồn công an Bạch Miếu đã về đơn vị từ lâu, súng ngắn, đạn, còng tay cũng châu về Hợp Phố, nhưng huyện ủy Lâm Tuyền vẫn báo cáo sai tình hình với địa ủy, lấy lý do “giải cứu cảnh sát và thu hồi súng”, buổi sáng ngày 3 tháng 4, đã tiến hành một cuộc trấn áp đẫm máu chưa từng có tại thôn Vương Doanh!
10 giờ sáng ngày 3 tháng 4 năm 1994, hơn 100 công an và cảnh sát vũ trang ngồi trên 8 ô tô cảnh sát, hùng hổ xuất phát từ huyện thành. Trên ô tô lắp súng máy, mỗi người đều đội mũ sắt, mặc áo chống đạn, tay cầm khiên, dùi cui, trên đường đi, còi xe rú ầm ĩ.
Đội ngũ vũ trang hiện đại này, trước khi vào thôn Vương Doanh đã “dùng tiếng dọa người trước”, họ dùng loa cao âm cảnh cáo: “Người thôn Vương Doanh không được ra ngoài!” Rõ ràng đó không phải là hành động thông minh. Bọn họ quên mất là thôn Vương Doanh ở vào nơi có vị trí địa lý cực kỳ đặc biệt. Loa vừa lên tiếng là thôn dân bắt đầu chạy trốn, chỉ chạy ra sau thôn là đã vào vùng thuộc tỉnh Hà Nam trông nom cai quản. Khi ô tô cảnh sát vào thôn, thì hầu hết già, trẻ trong thôn đều chạy gần hết rồi.
Tất nhiên là có người không chạy. Những người này nếu không là người già, thì cũng là người không tham gia lên trên phản ánh, yêu cầu, hoặc là họ hàng từ nơi khác đến. Những người này cho rằng họ không liên quan gì đến việc này. Cũng cá biệt có người tham gia lên trên phản ánh, yêu cầu, nhưng cảm thấy đó chỉ là “theo dòng nước chảy”, chẳng có việc gì lớn cả, nên ở lại thôn không chạy.
Ai ngờ, công an, cảnh sát vũ trang vừa vào thôn, đã không phân biệt trắng đen, hễ thấy người là đánh, ngay một học sinh nhỏ ở thôn khác đến thăm họ hàng cũng không bỏ qua. trong một thời gian, chỗ nào cũng nghe tiếng đấm đá, tiếng đồ đạc rơi vỡ, tiếng người lớn cầu xin, tiếng trẻ con khóc lóc, tiếng huyên náo của gà bay, chó kêu, lợn nhảy.
Chu Mẫn, Vợ Vương Hồng Lĩnh, xưa nay chưa hề tham gia lên trên phản ánh, yêu cầu, nhân viên vừa vào là xông tới bắt bà ta, Vương Hồng Bân đã hơn bảy mươi tuổi đứng bên cạnh chỉ nói một câu bực bội: “Muốn bắt ai các người bắt; nó chỉ là một nữ đồng chí, việc gì cũng không tham gia, các ông bắt làm gì?” Vừa nói hết câu đã bị một dùi cui điện đánh vào mặt, máu chảy đầm đìa, ngất đi.
Ông già Vương Vĩnh Thần là gia đình chính sách lúc đó sợ quá chỉ đứng im ở bên cạnh mà cũng bị mấy nhân viên công an đánh hộc máu mồm, lôi lên ô tô cảnh sát.
Không chút nghi ngờ, nhà các đại biểu lên trên phản ánh, yêu cầu đã là đối tượng đánh, phá trọng điểm. Trong nhà họ, toàn bộ nồi xoong bát đũa đều bị đập vỡ. Hai mươi đồng bạc trắng của Vương Hồng Khâm, hơn bảy trăm đồng tiền mặt của Vương Hướng Đông, một máy hát của Vương Hồng Siêu đều không biết đi đâu mất. Điều khiến người ta không sao hiểu nổi là sau khi khám nhà Vương Hồng Siêu vẫn không chịu thôi, mà còn đập nát bốn thùng đựng gồm tám ngàn liều thuốc diệt chuột do Vương Hồng Siêu mua về, sau khi đập nát còn đem trộn vào bồ đựng lúa mạch, ác độc dùng xẻng đảo đi đảo lại rồi mới bỏ đi.
Ngày 3 tháng 4 có 12 người bị bắt tại chỗ, thực ra phần lớn đều là một số người già và phụ nữ không liên quan gì đến việc lên trên phản ánh yêu cầu hoặc cái gọi là “sự kiện ngày 2 tháng 4”, còn có một em gái ở thôn khác tới thăm họ hàng, là học sinh huyện Lâm, tỉnh Hà Nam.
Đối với cuộc trấn áp hoang đường và đẫm máu này, tổ công tác của huyện ủy Lâm Tuyền đã tuyên truyền bậy bạ trong “Một bức thư công khai gửi quần chúng thôn Vương Doanh” là: “Tần Đức Văn, bí thư địa ủy chỉ ra rằng hiệu ứng ngược của sự kiện “ngày 2 tháng 4” là kịp thời, xử lý là chính xác, không được có dị nghị gì, phải khẳng định đầy đủ; huyện ủy đã tính toán kỹ, là làm theo pháp luật”. Thậm chí còn nói đến mức: “Lãnh đạo cục phản ánh, yêu cầu của Văn phòng Trung ương và Quốc Vụ viện, tỉnh địa khu đều khẳng định đầy đủ việc này”.
Sau khi sự kiện này xảy ra 7 năm, chúng tôi đến thăm Vương Vĩnh Minh. Vương Vĩnh Minh là ủy viên thôn, thôn Vương Doanh, là một nông dân trung hậu không dính dáng gì đến chuyện lên trên phản ánh, yêu cầu. Khi ô tô cảnh sát vào thôn, ông đang bận rộn ở chuồng lợn, ông ta không nghĩ đến việc chạy, ngay cả khi công an, cảnh sát vũ trang khí thế hung hăng đi tới, vẫn nghĩ là có bắt hết người trong thôn cũng không bắt mình, nên cứ thản nhiên với công việc ở chuồng lợn.
Một cảnh sát vũ trang chỉ vào đám công an hỏi: “Có bắt người này không?”
Một công an nói ngay: “Bắt đi!”
Thế là một cảnh sát vũ trang xông tới, đẩy ông ta lên ô tô cảnh sát.
Ở đồn công an Bạch Miếu, ông ta và những người bị bắt đều bị trói gô cổ và chéo cánh tay ra sau lưng, không biết vì sao đồng hồ đeo tay không còn, tiếp đó còn bị vô cớ đánh đập hơn một giờ. Tận mắt ông nhìn thấy, cảnh sát dội nước sôi vào đầu Vương Hồng Diễm người dám cãi lý với họ, nước nóng làm cho Vương Hồng Diễm kêu gào thảm thiết. Tại phòng giam mọi người đều phải quỳ, rồi bị cảnh sát dùng roi điện quất vào đầu, vào mặt. Khi đánh mệt, bọn họ mới cùm hai chân mọi người lại, đeo cùm mà phải trả tiền, mỗi người phải nộp 7 NDT. Cùm chân nặng hơn 4 kg, đeo vào rồi còn buộc phải chạy 3 vòng sân, không chạy sẽ bị đánh.
Được hai ngày, Vương Vĩnh Minh bị đưa sang giam cùng với các tội nhân đã bị phán xử tử hình. phạm nhân bị phán xử tử hình đã tuyệt vọng, nên coi ông là đối tượng để phát tiết, cứ như bị thần kinh, lúc thì chúng đấm đá, lúc thì chúng giật tóc véo tai, khán thủ có trông thấy cũng coi như không nhìn thấy.
Trước sau Vương Vĩnh Minh đã bị giam 8 ngày, khi được thả ra không những không nói “lý do” mà còn buộc ông phải nộp sinh hoạt phí 8 ngày. Khi ra khỏi phòng giam, còn bị cảnh cáo: “Về nhà không được ăn nói bừa bãi”.
Hơn bảy năm đã trôi qua, nhưng ở hai cổ chân Vương Vĩnh Minh đến nay vẫn còn lại vết sẹo khá rõ do bị cùm...

16. Lên trên phản ánh, yêu cầu là có tội
Đại đa số thôn dân thôn Vương Doanh do chạy vào địa giới tỉnh Hà Nam nên đã may mắn thoát khỏi cuộc càn quét đó, nhưng sau đó không có ai dám về thôn. Hơn một ngàn thôn dân lưu lạc ở ngoài, tối đến chỉ có thể mặc cả quần áo mà ngủ trên vùng đất hoang giáp giới giữa hai tỉnh An Huy và Hà Nam, hễ lá cây ngọn cỏ hơi rung động là lại hoảng hốt chạy về phía Hà Nam. Một số người to gan, lén về thôn xem nhà cửa, cũng giống như đi ăn trộm. Ruộng đồng bỏ hoang không nói, ngay những đồ dùng trong nhà sau mười mấy năm cải cách mở cửa vất vả mọi phần mới sắm thêm được, cũng bị lấy trộm mất. Nhiều người bị tổn thất nặng nề.
Một hôm Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu đại biểu thôn dân và Vương Hồng Khâm chạy trốn sang huyện Thẩm Khưu, tỉnh Hà Nam gặp nhau ở trấn Lưu Phúc huyện Thẩm Khưu. Bọn họ phát hiện, mật thám do phòng công an huyện Lâm Phần, tỉnh An Huy cử đi, cũng đang “theo dõi” ở cái trấn nhỏ xa xôi ngoại tỉnh này.
Bốn người đều cảm thấy họ không còn sự lựa chọn nào khác, phải nhanh chóng báo cáo lên Trung ương, chân tướng của “sự kiện Bạch Miếu” thuộc huyện Lâm Tuyền, tỉnh An Huy.
Hôm đó, ngoài Vương Tuấn Bân ở lại ra, ba người Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu và Vương Hồng Khâm, được sự yểm hộ của nhiều thôn dân đã thoát khỏi sự theo dõi của mật thám thuộc công an huyện Lâm Phần, lên được chiếc ô tô tới thị trấn huyện Thẩm Khưu, từ đó ba người đi Trịnh Châu, sau đó lên xe lửa đi Bắc Kinh.
Đây là lần thứ hai Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu lên Bắc Kinh, nên có thể nói là đã “xe nhẹ đường quen”, xuống xe lửa là đi ngay đến trạm tiếp đón của Văn phòng Trung ương đảng và Văn phòng Quốc Vụ viện đặt ở Vĩnh Định Môn. Ai ngờ vừa tới đó chưa được nửa giờ, họ đã bị nhân viên cảnh sát do phòng công an huyện Lâm Tuyền cử tới phục sẵn ở đó, bắt luôn.
Lý do công khai bắt bọn họ là: trong cuộc bạo loạn “ngày 2 tháng 4” ba người đã cướp của nhân viên công an hai khẩu súng ngắn, mười lăm viên đạn, chuẩn bị tạo ra sự kiện chính trị còn lớn hơn nữa ở Bắc Kinh!
Ba người lớn tiếng phản đối, giận dữ tố cáo cách làm quá bỉ ổi của đối phương, hoàn toàn là sự hãm hại vô liêm sỉ, là hành động báo thù đả kích vô cùng xấu xa. Thế nhưng dù cho mồm miệng họ có giỏi đến đâu, trước mặt những nhân viên chấp pháp có đầy đủ thủ tục, tất cả đều là tốn công vô ích.
Sau khi bị giải về An Huy, họ không bị giam tại huyện Lâm Tuyền mà bị dẫn tới giam tại huyện Thái Hòa, quê hương của bí thư huyện ủy Lâm Tuyền Trương Tây Đức.
Đến nay, khi hồi tưởng lại hai tháng bị giam hãm ở huyện Thái Hòa, Vương Hồng Siêu vẫn còn kích động. Những ngày đó là rất hoảng loạn, rất đau khổ và cũng rất đáng sợ, suốt đời không thể quên được. Ở đây, hai tay bị cùm về phía sau lưng và bị cùm suốt 24 giờ trong ngày. Khi ăn cơm, hai tay bị bẻ quặt cùm về phía sau lưng nên không thể cầm bát, không thể cầm đũa, nên họ chỉ có thể giống như chó, lợn nằm phục trên mặt đất, vươn cổ ra, liếm, nhai; khi đại, tiểu tiện, chỉ có thể khom lưng cong gối, dùng hai tay bị cùm ở sau lưng khó khăn lắm mới cởi được quần ra, nhưng không sao chùi đít được; khi ngủ chỉ có thể nằm nghiêng, mỗi đêm thường có ác mộng, tỉnh lại mình đẫm mồ hôi.
Loại trừng phạt là mất tính người, nhưng thực ra sự dày vò lại là linh hồn. Ở đây, mọi sự tôn nghiêm của con người đều bị tước đoạt, bị khinh nhờn, buộc người phải biến thành một con chó thuần hóa, nhằm hủy hoại mọi tư tưởng và ý chí của con người; lại buộc người ta phải biến thành một con sói dữ cắn xé lẫn nhau máu chảy đầm đìa.
Phải nói rằng Vương Hồng Siêu không hề xa lạ với các trò khảo đả nặng nề đó, vì trước đây anh đã được nhìn được đọc qua phim ảnh, truyền hình và báo chí; làm những trò dã man đó, nếu không phải là bọn thổ phỉ đặc vụ Quốc dân đảng giết người như rác, thì cũng là bọn qủy dữ Nhật Bản hoặc phát xít Đức mất hết tính người. Tuy nhiên, dù có nằm mơ anh cũng không thể nghĩ là ngày nay tại nhà nước xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng mặt trời chiếu khắp nơi nhân dân làm chủ lại có thể diễn ra những trò độc ác vô nhân đạo ấy, mà là do “cảnh sát nhân dân” làm! Hơn nữa, tất cả những việc đó đều phát sinh tại cơ quan chấp pháp của đảng cộng sản.
Anh không thể tiếp nhận những điều đó, anh cảm thấy thống khổ, cảm thấy bi thương và tuyệt vọng.
Khi đã hiểu được chân tướng của sự kiện “ngày 2 tháng 4”, đặc biệt là hiểu được sự việc xảy ra ở Bắc Kinh, ở trạm tiếp đón của Văn phòng Trung ương đảng và Văn phòng Quốc Vụ viện, cơ quan công an huyện Lâm Phần đã ngang nhiên thêu dệt ra những lời nói láo để bắt những đại biểu nông dân lên trên phản ảnh yêu cầu, anh đã không thể kìm nén được những phẫn nộ trong lòng, quyết định viết thư trực tiếp cho Tổng bí thư Giang Trạch Dân, vạch trần một số người trong huyện ủy Lâm Phần, từ chối chấp hành chính sách giảm nhẹ của Trung ương đảng, Quốc Vụ viện có hành vi phạm tội đả kích báo thù tàn bạo với quần chúng nông dân.
Vu Quảng Hiên, phó chủ tịch chính hiệp huyện Lâm Tuyền đập bàn đứng dậy.
Khi hiểu được chân tướng “sự kiện ngày 2 tháng 4”, đặc biệt là việc công an huyện Lâm Tuyền lừa gạt bắt đại biểu nông dân lên phản ảnh, yêu cầu, ông đã quyết tâm trực tiếp viết thư cho Tổng bí thư Giang Trạch Dân.
Ngày hôm đó, lợi dụng ngày chủ nhật, ông đã sang tỉnh Hà Nam, tới bưu điện huyện Tân Thái, gửi một điện báo dài cho Tổng bí thư Giang. Tiền gửi bức điện báo đó, bằng sinh hoạt phí của cả gia đình trong hai tháng.
Ông đã báo cáo tỉ mỉ về chân tướng sự kiện “ngày 2 tháng 4” mà mình điều tra được, và phát biểu rõ ràng rành mạch về cách nhìn của mình.
Đồng chí công tác tại bưu điện huyện Tân Thái biết phân lượng của bức điện này, biết dụng tâm gian khổ tốt lành của người phải chạy sang tỉnh ngoài để gửi điện đi. Nhưng những điều bức điện phản ánh, đều không phải là việc của tỉnh Hà Nam, càng không phải là việc của huyện Tân Thái, không liên quan gì đến địa phương của cô, nên cô vẫn ung dung cho gửi.
Thế là bức điện của Vu Quảng Hiên, ngay trong ngày đã được bưu điện huyện Tân Thái, tỉnh Hà Nam phát lên Bắc Kinh.
Thế nhưng, Vu Quảng Hiên không thể nào tưởng tượng nổi, bức điện báo sau khi được tầng tầng nấc nấc các cấp đảng ủy, chính quyền phê duyệt gửi xuống dưới, cuối cùng lại chuyển đến tay Trương
Tây Đức, bí thư huyện ủy Lâm Tuyền.
Tất nhiên Trương Tây Đức nổi giận.
Ông ta ra lệnh cho phòng công an huyện phải lập tức điều tra, định thời hạn phải tìm ra người đã phản ảnh chân tướng “sự kiện Bạch Miếu” lên lãnh đạo Trung ương.
Đúng là nhân viên công an đã tốn bao công sức. Bởi vì khi gửi bức điện đó đi, Vu Quảng Hiên đã tính tới việc có thể xảy ra kết cục này, nên ông đã có đề phòng, không viết tên họ thật trên bức điện mà mượn dùng tên của Vương Hồng Khâm, đại biểu thôn dân thôn Vương Doanh đã bị bắt; mặc dù là mượn tên, nhưng ông vẫn viết thêm vào trước ba chữ Vương Hồng Khâm mấy chữ “cán bộ nghỉ hưu thôn Vương Doanh”. Như vậy, tài liệu dường như xảy ra ở địa phương đó, gây cho người ta cảm giác có thể tin, đồng thời lại nổ một phát súng vu vơ, tung hỏa mù, tăng thêm khó khăn cho những kẻ muốn lần theo đầu mối.
Phòng công an huyện Lâm Phần đã biết Vương Hồng Khâm bị bắt ở Bắc Kinh, hiện nay đang cùng Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu bị giam ở huyện Thái Hòa, ăn uống, ngủ nghê, đi lại đều bị cùm cả hai tay ở phía sau lưng, dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể chạy thoát khỏi cặp mắt của nhân viên khán thủ, chứ đừng nói đến chuyện chạy sang huyện Tân Thái, tỉnh Hà Nam để gửi đi bức điện này. Vì vậy dù trên bức điện có đề tên Vương Hồng Khâm, nhưng Vương Hồng Khâm là người bị loại trừ đầu tiên, và nhân viên công an đã dò tìm đầu mối từ “cán bộ nghỉ hưu” thôn Vương Doanh. Thế nhưng kiểm tra khắp thôn vẫn không phát hiện được “cán bộ nghỉ hưu” nào, cuối cùng tập trung ánh mắt nghi ngờ vào Vương Hồng Chương, công nhân nghỉ hưu của một công ty liên doanh thuộc hợp tác xã cung tiêu huyện về nghỉ ở thôn.
Mặc dù “cán bộ nghỉ hưu” và “công nhân nghỉ hưu” hoàn toàn là hai chuyện khác nhau, nhưng phòng công an huyện Lâm Tuyền vẫn nhận định việc đó là do Vương Hồng Chương làm. Hôm đó công ty liên doanh thông báo cho Vương Hồng Chương về đơn vị lĩnh lương, do đã rất lâu không phát lương, nên nghe được tin này, Vương Hồng Chương vô cùng phấn khởi, lập tức lên huyện ngay, nhưng vừa tới đơn vị cũ đã bị nhân viên công an chờ ở đó quật ngã xuống đất. Để đề phòng bất ngờ, cũng không nhốt Vương Hồng Chương tại phòng giam của huyện. Vì Vương Hồng Chương không hề biết điện báo là chuyện gì, nên bị đánh đến nứt da xẻ thịt, ông vẫn nói không biết. Nhân viên công an không vừa lòng với khẩu cung như vậy. Khẳng định ông là người ngoan cố thịt nát mà còn cứng mồm, nên đã chỉnh anh ta đến chỗ chết.
Ngày 2 tháng 4, Vương Hồng Bân chỉ vì nói một lời phải đạo cho người chị em dâu là Chu Mẫn mà bị công an dùng roi điện đánh cho máu chảy đầm đìa, đến nay vẫn phải nằm giường; hiện nay Vương Hồng Chương lại bị bắt một cách không sao hiểu nổi; Vương Hồng Bân và Vương Hồng Chương đều là anh em thân thiết của Vương Hồng Lĩnh, Chu Mẫn lại là vợ ông, khi bà bị nhốt vào phòng giam đã bị cùm bằng một chiếc cùm chân nặng 4 kg, và bị dày vò hết mức. Tất cả từng việc, từng việc đó đều xảy ra bên cạnh Vương Hồng Lĩnh, đã khiến ông, một người chỉ muốn sống an phận, cuối cùng cũng phải đập bàn đứng dậy.
Trước đó, Vương Hồng Lĩnh đã làm thuê từ lâu tại xưởng ống đồng, trấn Lưu Phúc, huyện Thẩm Khưu, tỉnh Hà Nam, mỗi tháng có thu nhập hậu hĩnh hơn 1.000 NDT. Đến lúc này ông cương quyết bỏ việc làm ở xưởng ống đồng, mang tính mệnh mình ra đòi công bằng hợp lý cho phụ lão, anh em thôn Vương Doanh! Ngày 18 tháng 6 năm đó, cùng phối hợp với Vương Tuấn Bân, ông đã vượt qua hàng loạt trạm kiểm soát ngầm do huyện Lâm Tuyền dựng lên trong tỉnh, ngoài tỉnh, dẫn 56 thôn dân thành công lên được Bắc Kinh.
Lần tập thể lên trên phản ánh, yêu cầu này của thôn Vương Doanh, đã có ảnh hưởng cực lớn đến toàn huyện Lâm Phần. bí thư huyện ủy Trương Tây Đức cảm thấy hoảng sợ. Trước tiên ông ta thấy, vẫn không thể dẹp yên được sự bất mãn dữ dội của thôn dân thôn Vương Doanh trước những đóng góp quá nặng, và rõ ràng là chỉ có trấn áp, trấn áp hơn nữa mới là biện pháp có hiệu quả nhất để chặn đứng việc lên trên phản ánh, yêu cầu.
Thế là, ông ta cử hơn 100 cán bộ, tổ thành tổ công tác của huyện ủy, ào ạt về thôn Vương Doanh. Trong một lúc đến ngần ấy người, sinh hoạt phí và chi phí rượu, thuốc đều phân bổ cho cán bộ quần chúng bản địa, điều này làm cho thôn dân thôn Vương Doanh đã khó khăn càng thêm khó khăn. Ăn đủ, uống đủ rồi, các đội viên công tác, giống như thời “cách mạng văn hóa” lên ô tô tuyên truyền có loa phóng thanh, ồn ào đi khắp nơi trong thôn, làm cho dân thôn tự cảm thấy không yên, ngay dân chúng tỉnh bạn cũng hết cả yên ổn.
Đồng thời với việc này, phòng công an huyện Lâm Tuyền còn cho in - giống như truyền đơn, “Thông cáo về việc thúc giục phần tử phạm tội vi phạm pháp luật Vương Tuấn Bân và những người khác ra đầu thú”, dán khắp nơi. Không chỉ thúc giục bọn Vương Tuấn Bân mà còn nghiêm khắc dùng từ “cảnh cáo gia đình và họ hàng phần tử phạm tôi như Vương Tuấn Bân và những người khác” rất có vẻ “một người phạm tội, chín họ vạ lây”.
Tiếp đó huyện ủy còn đưa ra “Quyết định khai trừ đảng tịch của Vương Tuấn Bân”.
Sau đó không lâu, huyện ủy lại điều hơn 200 người, ngồi trên xe hơn 30 xe có động cơ lớn nhỏ, bao vây thôn Vương Doanh, một lần nữa bắt bớ lớn quần chúng lên trên phản ánh, yêu cầu. Năm này hạn hán rất nặng, đúng vào giờ phút then chốt của chống hạn, thôn dân thôn Vương Doanh đang thấp thỏm lo ngại trở về thôn, lại đành phải bỏ trốn đi khắp nơi, bỏ thu hoạch hơn 1.000 mẫu [1] ngô.
Vương Dương đã từng tham gia lên Bắc Kinh phản ảnh, yêu cầu, do bị dọa nạt, tinh thần mất bình thường, không chịu nổi cuộc sống khủng bố ghê rợn không bao giờ dứt, một đêm ông ta đã uống thuốc độc tự tử chết.
Tiếp đó, tòa án huyện Lâm Tuyền đã công khai xét xử Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu. Hôm mở phiên tòa, mặc dù tòa án huyện đã tiến hành phòng ngừa chu tất từ trước, trong ngoài tòa án bố trí đầy cảnh sát vũ trang, nhưng thôn dân thôn Vương Doanh khi được tin huyện công khai xét xử đại biểu lên trên phản ảnh, yêu cầu của họ, không có người nào là không đứng lên, hô một tiếng đã có sáu bẩy trăm người. Khi kiểm sát viên đọc “sự thực tội ác” của Vương Hướng Đông và Vương Hồng Siêu, các thôn dân bất chấp kỷ luật của tòa án, phẫn nộ vung nắm tay, hô lớn:
“Các người vu cáo, hãm hại!”
“Bọn họ bị oan!”
“Chúng tôi yêu cầu thả người!”
“Kiên quyết trừng phạt hung thủ thực sự trấn áp quần chúng!”
Tòa án loạn to.
Cảnh “cháy” tòa án đó, xưa nay chưa hề có trong lịch sử huyện Lâm Tuyền, chánh án, cảnh sát đều không biết làm gì. Dân không sợ chết thì làm sao mang cái chết ra dọa được nữa? Các cảnh sát mang theo súng và đạn thật, sợ sự việc xấu đi hơn nữa, đành đã nhanh chóng rút đi. Chánh án đành tuyên bố tòa nghỉ xét xử giữa chừng.
Thực ra các nhân viên tòa án hiểu rõ, coi thường pháp luật rõ ràng không chỉ là những nông dân làm “cháy” phiên tòa. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử quốc gia của nước ta, chỉ có tòa án nhân dân mới có quyền xác định tính chất của bất kỳ vụ án dân sự, hình sự nào, thế nhưng sau khi “sự kiện ngày 2 tháng 4” xảy ra không lâu, tổ công tác của huyện ủy đã định tính nó là “vụ án hình sự bắt giữ công an, cảnh sát vũ trang phi pháp”, phòng công an huyện cho dán khắp nơi “thông cáo về việc thúc giục phần tử phạm tội vi phạm pháp luật Vương Tuấn Bân và những người khác ra tự thú”, gọi họ là “đánh, phá, cướp” thậm chí nâng tới độ cao “ra sức tuyên truyền phản động”; trong “Quyết định khai trừ đảng tịch của Vương Tuấn Bân” do ủy ban kỷ luật huyện đưa ra, cũng đã định rõ giới hạn là “đã cấu thành tội cướp bóc”. Điều dễ thấy là tổ công tác của huyện ủy, phòng công an huyện, và ủy ban kỷ luật huyện vào trước ngày chính thức xử án, mỗi đơn vị đều xác định là tính chất của “phần tử phạm tội, vi phạm pháp luật”, bản thân điều này đã là hành vi vi phạm pháp luật không coi pháp luật ra gì.
Nếu tòa án huyện Lâm Tuyền không gán cho các đại biểu lên trên phản ánh, yêu cầu một tội danh, xét xử một, hai năm tù thì lúc đó không biết ăn nói thế nào với huyện ủy Lâm Tuyền. Vì vậy, sau khi tòa tuyên bố nghỉ xét xử giữa chừng đã không mở lại nữa, mà đến ngày 1 tháng 12 năm đó đã dùng “tội làm cản trở việc công” xử Vương Hướng Đông phải chịu tù giam 2 năm; và với cùng tội danh đó, xử Vương Hồng Siêu tù giam 1 năm, cho hoãn chấp hành 2 năm. Còn việc rốt cuộc hai người “cản trở” đến “công vụ” gì thì bản tuyên án còn làm cho người ta khó hiểu hơn so với thiên thư.

17. “Bức thượng Lương Sơn” [2] .
Vương Hồng Siêu sau khi bị giam hơn 7 tháng (mặc dù bị xử giam 1 năm, hoãn 2 năm) thì được thả, anh lại trở về Vương Doanh. Về đến thôn mới biết, trong khi càn quét thôn Vương Doanh, huyện không chỉ phá tan nát nhà anh mà còn đập 8.000 ống thuốc diệt chuột trộn vào kho thóc, khiến hơn 2.500 kg lương thực nhiễm độc không ăn được nữa. Vợ anh là Lý Lan do bị sợ hãi, mắc bệnh thần kinh, con gái và Vương Linh Linh do bị ức chế cũng không thể đi học được nữa, ngồi ở nhà cứ nghe còi ô tô cảnh sát là lại lên cơn.
Nhìn cảnh vợ ốm con đau do bị oan khuất, Vương Hồng Siêu chỉ biết đau đớn khóc thầm. Anh nhớ lại một câu nói của một nhân viên làm công tác tiếp đón mà mình đã đọc được trên báo: “Nông dân là người đầu tiên lựa chọn việc cáo trạng trong lịch sử, ngày nay nông dân lại là người đầu tiên lựa chọn việc lên trên phản ánh, yêu cầu, họ là những người đầu tiên tìm, lựa chọn lực lượng bên ngoài có thể giúp mình chủ trì sự công bằng. Ngày nay sự chống đối trực tiếp của nông dân đặc biệt là sự chống đối trực tiếp có tổ chức, chủ yếu là sau khi những cố gắng lên trên phản ánh, yêu cầu một cách phân tán, ôn hòa bị thất bại; người nông dân trung thực đã biến thành không “ôn hòa, hiền lành, nhường nhịn” nữa. Nếu khi nói nông dân khi lên trên phản ánh, yêu cầu có những hành vi quá đáng, cũng có thể lý giải được, đấy là vấn đề phê bình giáo dục, điều này nếu so sánh với việc các bộ môn có liên quan không tiếc sức bao che cho một số thôn quan cán bộ xã, trấn hủ bại đã có chứng cớ xác thực thì thấy cách làm với nông dân là rất quá đáng, lập trường quá “rõ ràng” vậy!”
Khi đọc câu nói này lúc đó, Vương Hồng Siêu đúng là có cảm động. Thế nhưng vào giờ phút này, nghĩ đến câu nói đó Vương Hồng Siêu không chỉ cảm thấy thân thiết, mà còn ngạc nhiên nhiều hơn, anh phát hiện thấy luận đoán của người làm công tác tiếp đón đó giống như đang bình luận về sự tình vừa phát sinh ở huyện Lâm Tuyền.
Anh nghĩ, ngày nay dưới sự coi trọng vấn đề nông nghiệp của Trung ương đảng, Quốc Vụ viện như vậy, một số thanh niên nông thôn có văn hóa, có lương tri, tư tưởng tương đối sống động, ý thức tham gia chính trị bàn về chính trị tương đối mạnh, dám đứng ra nói cho các thôn dân, điều này đáng được coi là bầu không khí mới xuất hiện ở nông thôn rộng lớn từ khi cải cách, mở cửa đến nay, và cũng là nơi rất có hy vọng của nông thôn Trung Quốc! Vì sao lại có nhiều đồng chí lãnh đạo làm công tác nông nghiệp lại hoàn toàn xa lạ đến mức như thế đối với nông dân Trung Quốc ngày nay đã thay đổi? Họ đã biến thành không giỏi giao lưu với quần chúng nông dân nữa, càng không thể nói là “không xấu hổ khi hỏi dưới”, động một tý là coi những nông dân dám nói thực là “điêu dân”, coi những nông dân dám vạch trần hành vi và nhân viên không làm đúng pháp luật là “tụ họp quần chúng gây sự”, quen cưỡng bức mệnh lệnh, thậm chí đả kích không thương tiếc, trấn áp tàn bạo những người “không nghe sự sai khiến” hoặc “ảnh hưởng đến thành tích”. Không trách nhiều nông dân khát vọng “lại có một cuộc vận động chính trị nữa, để chỉnh cho được bọn xấu này”.
Vương Hồng Siêu càng nghĩ càng đau lòng. Nếu như bịt chặt mọi con đường nối liên dân ý thì chẳng khác gì tự cắt đứt con đường ăn nói, đảng và chính phủ nhân dân sẽ trở thành một “người tàn tật”, mắt mù tai điếc. Nếu như bịt chết mọi hy vọng cuối cùng giải quyết vấn đề, niêm phong mọi con đường hợp pháp hợp lý trong thể chế, vây, đuổi, truy, bịt, nhốt nông dân vào một ngõ cụt phi pháp, loại năng lượng bất mãn này một khi được giải phóng sẽ có tính phá hoại cực lớn, và đó mới là nhân tố không ổn định thực sự.
Anh nghĩ, sở dĩ phòng công an huyện Lâm Tuyền dám bắt 3 đại biểu bọn họ lên phản ánh, yêu cầu ngay tại trạm tiếp đón của Cục tín phỏng Trung ương, khẳng định là đã nói dối và lừa bịp các đồng chí Bắc Kinh. Vì thế việc đầu tiên anh nghĩ tới là, không lập tức đi tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh cho vợ và con mà lại lên Bắc Kinh một lần nữa, lật đổ mọi lời nói không đúng đang áp đặt lên đầu bọn họ. Nghĩ đến điều này, càng không thể không nhớ tới một số người làm chứng, lời làm chứng mà viện kiểm sát huyện với tư cách là người buộc tội đọc khi tòa án huyện mở phiên tòa.
Vương Hồng Siêu bắt đầu hành động. Anh lần lượt tìm đến các thôn dân thôn mình là Thiệu Hỷ Anh, Vương Lai Trị và Vương Hải Triều, không tìm thì không biết, tìm được càng sợ sệt, thì ra cái gọi là “người làm chứng, lời làm chứng” đó đều được bịa đặt ra một cách tinh vi!
Khi tòa án huyện mở, Thiệu Hỷ Anh không đến, sau đó thôn dân về nói với bà, tòa án có đọc một bản làm chứng của bà, nghe nói vậy Thiệu Hỷ Anh vô cùng ngạc nhiên. Bà nói: “cái “ngày 2 tháng 4” đó, trời tối lắm, bà đã đi ngủ, không hề biết bên ngoài xảy ra việc gì; bà còn là người mù chữ, không có thể viết được lời làm chứng, và xưa nay cũng chưa hề điểm chỉ vào bất kỳ bản viết nào. Bà lo lắng nói: “Nếu đúng là có chứng cớ của tôi, dù không phải là có người cố ý hãm hại tôi, thì cũng là mượn tôi để hãm hại người khác”.
Vương Lai Trị nói, có người ở phòng công an huyện tới tìm ông, lấy ra hai tài liệu photocopy cho ông xem, ông nói ông không biết chữ, đối phương liền đọc tên những người có trong tài liệu và hỏi: “Thôn ông có những người này hay không?” Ông nói: “Có”. Đối phương lại viết một tài liệu và bảo ông điểm chỉ. Vì không biết đối phương đã viết những gì trên tài liệu nên ông không chịu điểm chỉ. Lúc đó Hàn Xuân Sinh, bí thư đảng ủy trấn Bạch Miếu đi tới nói: “Cần điểm chỉ thì điểm chỉ đi, bảo đảm ông không có chuyện gì!” Có câu nói đó của bí thư Hàn, ông mới điểm chỉ vào tài liệu nhân viên công an mang theo và mới viết. Sau này mới biết đó là “lời làm chứng” về những “tội trạng” của mấy đại biểu lên trên phản ánh, yêu cầu mà họ đòi ông tố cáo.
Vương Hải Triều càng giận dữ. Ông không hề nói là Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, và Vương Hồng Siêu đã đánh công an, cảnh sát, “chứng cớ” của ông hoàn toàn là nặn ra. Ông bảo, khi tôi nói thì họ ghi, ghi những gì đều không đọc cho tôi nghe, mà lại bảo điểm chỉ, ai ngờ hôm đọc ở phiên tòa, nội dung khác hẳn! Để đạt được mục đích, đã đặt bẫy để người ta chui vào, bọn họ thật bẩn thỉu!
Vương Đăng Hữu và Vương Cao Phong bị vu cáo là tham dự “đánh, phá, cướp” trong “sự kiện ngày 2 tháng 4” cũng lần lượt viết tài liệu tố cáo, nói rõ lúc đó họ không ở thôn, một người ở Hà Nam, một người ở Sơn Tây, làm thuê ở tỉnh ngoài, những “lời làm chứng” chó chết đó, đều là bịa đặt ra!
Đối mặt với những chứng từ thực sự của mấy người làm chứng này, Vương Hồng Siêu cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
Dù đã là ngày cuối cùng của năm 1994, trong lòng Vương Hồng Siêu như có lửa đốt, bất chấp từng cơn gió Tây Bắc cuối năm lạnh thấu xương, anh lại dẫn 73 vị phụ lão hương thôn, thôn Vương Doanh lần thứ tư bước lên đoàn xe lửa về Bắc Kinh.
Bọn họ tạm gác vấn đề “đóng góp của nông dân” sang một bên, chuyên đến Bắc Kinh để tố cáo tội ác đẫm máu trấn áp quần chúng vô tội của Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy huyện Lâm Tuyền.
Khi biết thôn dân Vương Doanh lại một lần nữa tập thể lên Bắc Kinh phản ảnh, yêu cầu, Trương Tây Đức nổi giận như điên. Ông ta nghiến răng nghiến lợi nói: “Tôi thà mất một cánh tay, cũng phải làm đến cùng với các người!”
Thôn dân thôn Vương Doanh hết lần này đến lần khác lên Bắc Kinh phản ảnh, yêu cầu, cuối cùng cũng làm tỉnh ủy lúc đó giật mình, một “tổ điều tra gồm tỉnh, địa, huyện” đã về Bạch Miếu và Vương Doanh.
Thế nhưng đó là một hành động điều tra làm người ta vô cùng thất vọng, bởi vì trong tổ điều tra có người của huyện ủy Lâm Tuyền tham gia mà lại đi điều tra “sự kiện ngày 2 tháng 4” mà huyện ủy Lâm Tuyền vốn phải chịu trách nhiệm không thể đùn đẩy, thì tính khách quan của kết quả chắc chắn bị trừ hao lớn.
Chúng tôi đã đọc bản “Tài liệu báo cáo viết” của tổ điều tra này sao gửi Cục tín phỏng trng ương thấy, tài liệu không những đã lảng tránh những quy định có liên quan đến chính sách giảm nhẹ của nhà nước, không hề có một chữ nói đến đóng góp của nông dân thôn Vương Doanh có quá nặng hay không, nhiều số liệu được trình ra la liệt, vừa rối rắm vừa khó hiểu chỉ nhằm che đậy tính chất của vấn đề, thậm chí còn ngang nhiên báo che cho hành vi hủ bại của cán bộ thôn, trấn; như năm 1992, thôn “nộp lên trấn” hơn 111.790 NDT, khoản tiền này được dùng làm gì? Có phải do thôn xuất chứng từ hay không? Đều không thuyết minh. Lại như nhiều khoản chi được ghi là “trả tiền vay của ban chủ nhiệm thôn khóa trước” hoặc là “trả các khoản vay khác”, điều đáng chú ý là, đó là các khoản chi lớn, rốt cuộc có phải những khoản đó bị cán bộ thôn tham ô, hay lạm dụng? Vì sao các khoản chi không rõ ràng đó lại phân bổ cho thôn dân? Đều không có một chữ đề cập tới. Tóm lại, phần lớn con số trong “Tài liệu báo cáo viết” là mơ hồ, lộn xộn, thế mà “Tổ điều tra tỉnh, địa, huyện” đã có kết luận khiến người ta kinh ngạc: “Xử lý các khoản rõ ràng, không phát hiện vấn đề tham ô của cán bộ thôn”.
Tổ điều tra không chỉ theo luận điệu định tính của huyện ủy Lâm Tuyền đối với “sự kiện ngày 2 tháng 4” để “báo cáo” lên Cục tín phỏng của Trung ương, mà con ngang nhiên gọi 6 người Vương Tuấn Bân, Vương Hướng Đông, Vương Hồng Siêu, Vương Hồng Khâm, Vương Hồng Chương, Vương Hồng Quân là “tội phạm”; Vương Hồng Siêu vừa được ra khỏi trại giam là lại một lần nữa dẫn người lên trên phản ánh, yêu cầu thế mà trong “Tài liệu báo cáo viết” lại nói: “Sau khi tống đạt bản án cho hai bị cáo, cả hai bị cáo đều biểu thị phục tùng, không lên trên phản ảnh, yêu cầu nữa”.
Loại báo cáo điều tra các quan ủng hộ lẫn nhau đó được gửi đến Cục tín phỏng Trung ương, Cục tín phỏng Trung ương không có lý do gì để không tin kết luận có được do tổ chức của đảng ba cấp tỉnh, địa, huyện đưa ra đó, vì vậy lần này Vương Hồng Siêu lại dẫn nông dân lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu, mặc dù không bị bắt tại trạm tiếp đón của Cục tín phỏng Trung ương như lần trước, nhưng cũng chỉ trở về vô công.
Nhân viên do tỉnh ủy, địa ủy cử xuống dưới điều tra lại nói theo luận điệu của huyện ủy, điều này làm người Vương Doanh triệt để tuyệt vọng. Nguyên đán năm 1995 và tết âm lịch đến sau đó, trong thôn không có một chút không khí mừng vui. Sau lập xuân, là thời tiết bận rộn lớn để nông thôn cày cấy trồng trọt, nhưng hàng loạt người Vương Doanh đã nối nhau rời huyện Lâm Phần, lũ lượt ra ngoài làm thuê, kiếm sống.
Người ta không lên trên phản ánh, yêu cầu nữa. Cơ cấu đảng ủy hai cấp, trấn Bạch Miếu và thôn Vương Doanh, có vẻ như không có tác dụng gì nữa.
Sự bình tĩnh trên bề mặt, đã che đậy mâu thuẫn gay gắt chưa giải quyết. Địa ủy và ủy ban Phụ Dương không rút được bài học từ sự kiện lên trên phản ánh, yêu cầu quy mô lớn, nhiều lần của nông dân thôn Vương Doanh, Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy thậm chí đã trở nên có chỗ dựa không lo sợ nữa. Đến năm 1995, đóng góp của nông dân huyện Lâm Tuyền càng nặng hơn, các loại thuế phí do địa khu đưa xuống tăng thêm rõ rệt, chỉ riêng hạng mục “phí giáo dục cơ sở”, bình quân đầu người đã từ 25 NDT; các cấp dưới lại từng cấp tăng thêm, đến trấn Bạch Miếu đã biến thành bình quân đầu người 40 NDT. Vì cấp trên đã tăng thu, thế là, trên làm dưới bắt chước, các hình thức các loại phẩn bổ biến hóa khôn lường nối nhau mọc lên. Có thôn thuộc trấn Bạch Miếu, đóng góp của nông dân đã chiếm 15,2% thu nhập bình quân đầu người của năm trước, vượt quá “giới hạn lớn nhất” do quốc gia quy định tới hơn 3 lần.
Đóng góp của nông dân ngày càng nặng, người ta nộp không đủ, nhưng Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy cái huyện nghèo nàn ấy càng trở nên rộng rãi, nghênh ngang ngồi trên chiếc Mercedes Benz vượt tiêu chuẩn.
Mùa thu năm 1995, thôn dân thôn Vương Doanh nhà cửa đã xác xơ lại bị một họa lớn bay tới. Ngày 1 tháng 9, số nhân viên đội công tác “triển khai hoạt động kiểm tra đột kích về sinh đẻ có kế hoạch” do huyện cử xuống thôn Vương Doanh đông tới hơn 300 người! Trong đó không ít đội viên tố chất rất kém, hành vi xấu xa, hiện tượng xâm phạm quyền vô cùng nghiêm trọng, bọn họ đã khôn khéo lập danh mục cả những đối tượng vốn không thuộc diện sinh đẻ có kế hoạch, thu tiền bừa bãi, phạt tiền bừa bãi, nếu không nghe theo là bắt lợn, dắt cừu, bưng thóc, lấy đồ dùng trong nhà, thậm chí phá cửa, đánh người, bắt người. Đội công tác còn chia riêng tiền phạt với nhau, mỗi ngày còn bắt thôn dân phải trả tiền công và tiền xe đi về cho hơn 300 người bọn họ.
Các thôn dân thôn Vương Doanh tức hộc máu miệng, cuối cùng lại một lần nữa tụ tập lại, bùng nổ cao trào lên trên phản ánh, yêu cầu lần thứ năm. Lần này các thôn dân lên trên phản ánh, yêu cầu có đủ cảm giác bi tráng to lớn: “Tráng sĩ một đi, hề, không trở về”. Bọn họ vô cùng hiểu rõ, nếu lần này không thành công, thì người Vương Doanh không còn cách gì để sinh tồn nữa.
Không có đường lùi.
Bọn họ cũng không để cho mình đường lùi.
Vươn mình đứng ra, dẫn dắt đội ngũ coi cái chết như không đó vẫn là Vương Hồng Siêu, đại biểu thôn dân.
Đó là tháng 10 năm 1995, tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc đã trước sau xuất hiện hai sự việc khiến người đời kinh hoàng liên quan đến huyện Lâm Tuyền tỉnh An Huy. Vì thế, Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy huyện Lâm Tuyền đã định trước cái giá phải trả cho cái họa tiềm ẩn do mình tự chôn.
Ngày 4 tháng 10, ngày ra đời năm thứ 46 của nước cộng hào vừa qua được hai ngày, thì Lý Tân Văn, nông dân thôn Lý Loan, trấn Thành Quan, huyện Lâm Tuyền đã tới Bắc Kinh phản ảnh việc phòng công an huyện, để xây dựng văn phòng của đồn công an, trong tình huống chưa giải quyết đền bù cho những người phải dọn đi, đã cùng đại đội giám sát của phòng xây dựng dỡ bỏ nhà ở của nông dân, khiến họ không còn nơi ăn, chốn ở; Lý Tân Văn sau khi đến Bắc Kinh lại bị lừa mất tiền, trong lúc tuyệt vọng đã lao vào ô tô ở Tiền Môn nhưng không chết, tuy vậy vào sáng sớm ngày 5 đã nhảy lầu tự sát ở Trạm tiếp tế vĩnh Định Môn!
Đây là việc chưa bao giờ xảy ra kể từ khi Cục tín phỏng của Văn phòng Trung ương và Văn phòng Quốc Vụ viện thành lập Trạm tiếp tế đến nay.
Cái việc, vốn không đáng xảy ra, hoặc là nói, không nên xảy ra ở địa phương nào, vì thế, ảnh hưởng mà nó tạo ra vô cùng xấu.
Tiếp đó, ngày 27 tháng 10, bảy mươi bốn vị nông dân thôn Vương Doanh, trấn Bạch Miếu, huyện Lâm Tuyền, do Vương Hồng Siêu dẫn dắt đã tới Bắc Kinh. Dường như ngay sau đó, ngày 29 tháng 10, bốn mươi sáu vị nông dân lên trên phản ánh, yêu cầu thuộc các xóm Triệu, xóm Hoàng, xã Điền Kiều, huyện Lâm Tuyền cũng đến Bắc Kinh.
Xã Điền Kiều và trấn Bạch Miếu đều phải đóng góp nặng nề, hơn nữa ở Điền Kiều, việc lạm dụng tiền của tập thể so với Bạch Miếu chỉ có hơn chứ không có kém, riêng hoạt động kiểm tra lớn đột kích về sinh đẻ có kế hoạch triển khai mùa thu năm 1995, trước sau đã tiến hành ở xã này đến 50 ngày, các khoản thu bừa bãi, phạt bừa bãi đã lên tới hơn 2,5 triệu NDT.
Hai xã và trấn trong một huyện có hàng loạt lớn tập thể nông dân lên trên phản ánh, yêu cầu, đặc biệt là thôn Vương Doanh trấn Bạch Miếu đã 5 lần lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu trong 3 năm mà vấn đề đóng góp của nông dân vẫn chưa được giải quyết, điều đó tự nhiên làm cho Cục tín phỏng của Trung ương coi trọng; hơn nữa họ cũng đã cảm thấy được lần này thôn dân Vương Doanh có quyết tâm gang thép, sẵn sàng “đập nồi dìm thuyền” làm tới. Họ dự cảm được sẽ có thể phát sinh tình huống gì đó, nên đã ngầm đề phòng. Thế nhưng không tài nào ngăn ngừa được. Ngày 29 tháng 10 đúng là ngày chủ nhật, trên quảng trường Thiên An Môn người đông như kiến, quần chúng nông dân thôn Vương Doanh lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu, lẩn được ánh mắt của nhân viên công tác Trạm tiếp tế, lục tục kéo nhau đến quảng trường. Theo kế hoạch đã định trước, họ kéo nhau đến quanh cột cờ, rồi tập thể đột ngột quỳ xuống.
Bọn họ quyết tâm dùng cái giá của tính mạng mình kêu với Trung ương, sửa nỗi oan cho dân, giữ cho đúng quốc pháp.
Bọn họ biết, ở cái nơi mà cả thế giới để ý nhìn như thế này, làm như vậy, sẽ tạo thành ảnh hưởng quốc tế rất xấu cho quốc gia, đặc biệt là Bắc Kinh; có thể bôi đen vào mặt đảng và chính phủ nhân dân. Thế nhưng bọn họ không nghĩ ra được biện pháp nào khác, không nghĩ ra được một phương thức nào khác để có thể làm cho một số linh hồn đã tê liệt trước nỗi thống khổ của nhân dân.
Người xưa nói, quan bức dân phản, thế nhưng bọn họ không phản, bọn họ chỉ lên trên phản ảnh với tổ chức nỗi oan khuất của mình, nơi tìm đến vẫn là cơ quan của đảng và chính phủ nhân dân. Sự tôn sùng ủng hộ của họ đối với đảng không thay đổi, lòng tin với chính phủ nhân dân không thay đổi, mà chỉ hy vọng chính sách tốt giảm nhẹ đóng góp cho nông dân của Trung ương đảng và Quốc Vụ viện được quán triệt tới mảnh đất mà họ đang sinh tồn sớm hơn thôi; nỗi oan khuất mà huyện, trấn gán lên đầu họ, sớm được chiêu tuyết.
Trong thời gian không đến một tháng, nông dân huyện Lâm Tuyền đã nhảy lầu, quỳ ở cột cờ; giữa thủ đô Trung Quốc mà liên tục phát sinh hai sự kiện phi thường khiến người ta kinh hoàng ấy không thể không kinh động đến Trung ương.
Các bộ môn có liên quan của Trung ương cuối cùng đã hành động. Họ lập tức thông báo cho người phụ trách tỉnh An Huy và địa khu, huyện phải về Bắc Kinh ngay trong đêm, và ngay buổi chiều cùng ngày đã mời người phụ trách các bộ môn hữu quan của Trung ương và nhà nước như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương và Ủy ban sinh đẻ có kế hoạch... tới cùng nghiên cứu một số vấn đề cụ thể do nông dân lên trên phản ánh, yêu cầu đã đề xuất.
Vương Hồng Siêu và hai đại biểu nông dân nữa được mời đến cuộc họp để trình bày nguyên nhân lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu.
Thái độ đồng chí ở Bộ Nông nghiệp vô cùng rõ ràng: tăng nặng thêm đóng góp của nông dân là vi phạm nghiêm trọng những quy định chính sách “giảm nhẹ” của Trung ương đảng và Quốc Vụ viện, càng không cho phép được đả kích, báo thù quần chúng lên trên phản ảnh, yêu cầu; những khoản cần phải trả lại mà đến nay vẫn chưa làm, phải giải quyết ngay.
Các đồng chí ở Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng tỏ thái độ rõ ràng: vì sao những vấn đề mà nông dân phản ảnh lại để lâu không giải quyết, hơn nữa lại còn không ngừng làm mâu thuẫn đó gay gắt thêm, đó là sai lầm, phải hạ quyết tâm giải quyết, không được kéo dài nữa. Liên quan đến kỷ luật của đảng phải kiên quyết xử lý theo kỷ luật đảng, đụng chạm đến luật pháp quốc gia, phải xử lý theo pháp luật. Bất kể là ai, nếu dính líu đến đều phải kiểm tra đến cùng, quyết không nhân nhượng vô nguyên tắc!
Trong cuộc họp, Vương Hồng Siêu đã hỏi đồng chí ở Bộ Công an mấy vấn đề then chốt trong “sự kiện ngày 2 tháng 4”. Anh hỏi: phạm vi tuần tra ban đêm của nhân viên công an có quy định hay không? Khi chấp hành pháp luật, nhân viên công an có phải công khai thân phận hay không: Mấy công an, cảnh sát uống say túy lúy, nửa đêm mò vào thôn, đã không nói rõ thân phận, mà vừa kiểm tra là bỏ chạy, lại còn rút súng ra uy hiếp quần chúng, quần chúng coi họ là một bọn xảo trá mạo nhận là công an, nên đuổi đánh, phá xe, việc đó có phải là “làm cản trở công vụ” hay không?
Đồng chí Bộ Công an dự họp trả lời rất rõ: “Tuần tra chủ yếu là ở khu phố đông đúc hoặc là nơi đã nhiều lần xảy ra những tình huống sự cố như chặn đường, cướp bóc; nông thôn không thuộc phạm vi tuần tra. Nhân viên công an khi chấp hành pháp luật không xuất trình chứng minh thư, giấy tờ là vi phạm pháp luật; dân chúng không biết anh có phải là công an hay không phải là công an, đánh thì đã đánh rồi, phá thì đã phá rồi, phải lập tức thả người!”
Vương Hồng Siêu kích động nghe và mặc dù cố kiềm chế, những giọt nước mắt nóng hổi vẫn rơi đầy mặt.
Ngày 11 tháng 11, tỉnh An Huy lại tổ chức một nhóm điều tra mới, cử 12 đồng chí ở cơ quan lãnh đạo đảng và chính quyền ở hai cấp tỉnh An Huy và địa khu Phụ Dương, đi sâu vào thực địa trấn Bạch Miếu và thôn Vương Doanh điều tra nghiên cứu, triệu tập các cuộc tọa đàm, nghiêm túc hỏi han các quần chúng đã lên trên phản ánh, yêu cầu, đồng thời công bố kịp thời tình hình điều tra được cho quần chúng, trước sau trải qua 20 ngày, cuối cùng hình thành một báo cáo điều tra tương đối công bằng.
Trước tiên báo cáo xác nhận, vấn đề đóng góp của nông dân huyện Lâm Tuyền đúng là nghiêm trọng, năm 1993, trước khi xảy ra “sự kiện ngày 2 tháng 4” chỉ riêng các khoản tăng thêm hạng mục, đóng góp của nông dân đã là 131.659 NDT, ngoài ra còn lạm dụng tiền tập thể 341.729 NDT, trong đó chi tiêu bất hợp lý chiếm 66,77%. Báo cáo chỉ ra: “không trả lại tiền đến nơi đến chốn, ảnh hưởng cực xấu”. Về “sự kiện ngày 2 tháng 4”, nhóm điều tra đã nói thật: “huyện ủy, ủy ban huyện và các bộ môn trực tiếp của huyện cũng như đảng ủy và ủy ban trấn Bạch Miếu đều có trách nhiệm”, “khi triển khai công tác thu tiền sinh đẻ có kế hoạch với nông dân gặp khó khăn là điều động sử dụng công an, cảnh sát ra mặt uy hiếp, đặc biệt là đối xử với nông dân lên trên phản ánh yêu cầu, giải quyết một số mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, cũng sử dụng cảnh sát tham dự”, “trong khi chấp hành nhiệm vụ, một số ít công an và cảnh sát có hành động quá khích, làm tổn thương tình cảm của quần chúng, một bộ phận quần chúng hiện nay còn oán giận, gây thêm khó khăn cho việc làm tốt ổn định thôn này”.
Ngày 6 tháng 12 năm 1995 là một ngày mà thôn Vương Doanh khó quên, Vương Hướng Đông bị giam hơn 1 năm 7 tháng, được xét là vô tội, trả tự do, già trẻ gái trai trong thôn mừng như đón tết, gõ chiêng đánh trống, đốt pháo, khiêng bức hoành phi đỏ lớn, trên viết “vì dân cứu giúp”, chúc mừng sự trở về thắng lợi của những đại biểu thôn vì mọi người mà chị oan khuất; Vương Tuấn Bân và Vương Hồng Khâm hết trốn sang Đông lại nấp ở Tây, bị viện kiểm sát huyện ra lệnh bắt, cũng được mọi người tiền hô hậu ủng đón về thôn, tiếp ngay sau đó Vương Doanh được tách ra thành một thôn độc lập, Vương Hướng Đông, trong cuộc bầu cử dân chủ của các thôn dân được bầu làm chủ nhiệm ủy ban thôn đầu tiên. Vương Hướng Đông cũng được phục hồi đảng tịch và sau đó không lâu được bầu làm bí thư chi bộ thôn Vương Doanh.
Đầu năm 1996, Trương Tây Đức, bí thư huyện ủy Lâm Tuyền bị điều đi. Tin Trương Tây Đức “bỏ chạy”, một truyền mười, mười truyền trăm, nhanh chóng truyền đi khắp huyện. Hôm ấy nông dân thôn Vương Doanh và nhiều thôn khác trong huyện, đã lái mấy chục chiếc xe có động cơ đến vây chặt nhà Trương Tây Đức tại nơi ở của huyện ủy.
Người ta phẫn nộ gọi lớn: “Trương Tây Đức, ra đây!”
Trương Tây Đức vô cùng ngượng ngập đi ra, đang lúc định nói là mình rất xấu hổ với các phụ lão huyện Lâm Tuyền, chưa làm tốt công việc của mình, thì đội ngũ nông dân bị tích oán từ lâu ào ào tiến tới. Lúc đầu nông dân còn lớn tiếng trách hỏi, thậm chí có tiếng chửi mắng, dần dần mọi người không ngăn nổi phẫn nộ, Trương Tây Đức bị kẻ đẩy người xô, kẻ đấm người đá ngầm.
Vị bí thư huyện ủy đã một thời tự cho là không ai bằng mình, có thể thét mưa gọi gió, giờ đây không có ai giúp đỡ cảm thấy không biết làm gì, xấu hổ.
Nghe tin, phòng công an huyện cử ô tô cảnh sát rú còi xông tới, mặc dù bị bao vây nhưng Trương Tây Đức vẫn còn tỉnh táo, thấy nhân viên công an tới, vội lên tiếng: “Các anh không được bắt người, không được làm quần chúng tổn thương”.
Đây có lẽ là một đạo làm quan mà bao nhiêu năm làm bí thư huyện ủy ông ta vẫn không rõ, mà chỉ đến lúc mất chức mới ngộ được.
Một quân nhân nghỉ hưu có hơn ba mươi năm tuổi đảng nhìn dáng điệu thảm hại của nguyên bí thư huyện ủy khi bị nông dân xô đẩy chửi mắng, trong lòng rất không vui, ông chợt nhớ tới bí thư huyện ủy huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam là Tiêu Dụ Lộc, mặc dù đã qua đời hơn 30 năm mà đến nay vẫn được mọi người tưởng nhớ sâu sắc.
Đây có thể là một sự liên tưởng mặc dù hoang đường nhưng lại vô cùng phù hợp logic, sự liên tưởng này làm người ta cảm thấy vô cùng nặng nề!



[1]1 ha = 15 mẫu Trung Quốc.
[2]Buộc phải lên Lương Sơn Bạc chống lại triều đình như 108 anh hùng trong Thủy Hử.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 975

Return to top