Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Điều tra nông dân Trung Quốc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8621 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Điều tra nông dân Trung Quốc
Trần Quế Đệ, Xuân Đào

Chương 2

5. Mọi cái chỉ xảy ra trong năm phút
Cùng với làn sóng lớn hàng hóa cuồn cuộn ùa tới, người ta phổ biến sản sinh lòng yêu thích con số “8” đồng âm với chữ “phát”. Ngày 18 tháng 2 năm 1998, tự nhiên được coi là ngày đại cát, đại lợi, đại hỷ, đại khánh. Thế nhưng ngày đó đã mãi mãi trở thành ngày kỵ của xóm Tiểu Trương, xã Đường Nam, huyện Cá Trấn, tỉnh An Huy.
Xóm Tiểu Trương ở vào vùng thấp, trũng ở bên bờ sông Hoài, mấy năm này không ngừng úng lụt, cuộc sống của các thôn dân vốn đã khó khăn bị thêm cán bộ thôn luôn luôn tìm cách vơ vét bằng sưu cao thuế nặng, nên từng nhà, từng hộ dường như đều sống rất vất vả khổ sở. Trước những việc làm xằng làm bậy của cán bộ thôn, các thôn dân xóm Tiểu Trương không phải đều nhẫn nhục chịu đựng, mấy thanh niên có bầu máu nóng như Trương Gia Toàn, Trương Gia Ngọc, Trương Hồng Truyền, Trương Quế Mao, đã không ít lần phản ảnh ý kiến, yêu cầu thanh sát sổ sách trong thôn lên đảng ủy xã và bí thư chi bộ thôn; mùa xuân năm ngoái, thôn dân Trương Gia Xương còn gửi thư tố cáo lên Viện kiểm sát nhân dân huyện Cá Trấn.
Trương Quế Toàn, phó chủ nhiệm ủy ban thôn trước việc thôn dân liên tiếp tố cáo phản ánh, yêu cầu lên trên, căm tức đến nghiến răng nghiến lợi. Dù ở thôn, hắn chỉ là “phó trưởng thôn”, nhưng không có ai là không sợ hắn vài phần vì biết rõ rằng “ông lớn này” là kẻ ác, việc gì cũng đều dám làm hết. Bản thân hắn cũng biết là mọi oán hận của các thôn dân, chủ yếu đều nhằm vào hắn, nhưng dựa vào việc ở xã còn có chỗ dựa, nên xưa nay chưa để mắt tới những thôn dân đó. Buổi trưa hôm đó, hắn mời hai đội viên liên phòng đến nhà, sau đó giả vờ bảo người đến báo cho Trương Hồng Truyền, người đã đi nhiều nơi tố cáo hắn, đến chỗ hắn tính sổ sách. Trương Hồng Truyền không biết là bị lừa, trong lòng phấn khởi vì cho rằng có lý là có thể đi khắp thiên hạ, vội đến ngay. Trương Hồng Truyền vừa đến cửa là Trương Quế Toàn mở miệng chửi lớn rồi chỉ huy hai con trai hắn và đội viên liên phòng xông vào đánh Trương Hồng Truyền, chỉ trong chốc lát, người Trương Hồng Truyền đã đầm đìa máu. Nếu như không có Trương Quế Ứng, cháu Trương Hồng Truyền nghe tin đến giải cứu thì chưa biết Trương Hồng Truyền còn bị đánh đến thế nào nữa.
Ủy hiếp bạo lực của Trương Quế Toàn, không những không áp đảo được thôn dân, ngược lại đã làm cho toàn thể đảng viên, cán bộ cũ của thôn dân và hơn 80 hộ nông dân đoàn kết hơn bao giờ hết, trước sau đã hai lần lên ủy ban xã, năm lần đến nhà bí thư chi bộ thôn, mạnh mẽ yêu cầu kiểm tra xử lý Trương Quế Toàn, triệt để thanh sát sổ sách tài vụ trong thôn.
Các thôn dân nhiều lần cầu cứu, thỉnh cầu, cuối cùng đã được đảng ủy xã Đường Nam coi trọng. Vừa may đúng vào dịp này, ủy ban huyện Cá Trấn bố trí cho các xã, trấn tiến hành một lần thanh sát toàn diện sổ sách kinh tế của các thôn, nên Tả Bồi Ngọc, bí thư đảng ủy xã đã nói với các thôn dân đến phản ánh, yêu cầu: “Vừa hay, mượn ngọn gió đông quyết toán sổ sách lần này của huyện, chúng tôi đã nghiên cứu quyết định, do Vương Gia Văn, chủ nhiệm ủy ban kỷ luật, kiểm tra đang ủy dẫn 3 kế toán của ngành tài chính xã bắt đầu thanh lý ở thôn các vị trước”.
Tin này, làm cho thôn dân xóm Tiểu Trương vui mừng phấn khởi.
Ngày mùng sáu tháng hai năm đó, tổ kiểm tra về xóm Tiểu Trương.
Ngày 9 tháng 2, dưới sự chủ trì của Vương Gia Văn, trải qua sự trao đổi đầy đủ của các thôn dân và hiệp thương dân chủ, 87 hộ thôn dân cuối cùng đã bầu được 12 đại biểu quần chúng, thành lập tổ quyết toán liên hợp. Mấy người Trương Gia Ngọc, Trương Quế Ngọc, Trương Hồng Truyền, Trương Quế Mao… đều được cử vào tổ. Vì ai cũng biết tính cách Trương Quế Toàn, nên đều dự cảm được công tác quyết toán sẽ không thuận lợi, ngoài việc chế định chế độ và kỷ luật kiểm tra sổ sách nghiêm khắc ra, 12 đại biểu còn hẹn riêng với nhau, nếu Trương Quế Toàn đến nhà ai gây sự, thì các đại biểu khác phải đến ngay hiện trường để đề phòng xảy ra chuyện bất ngờ.
Công tác quyết toán vừa bắt đầu đã bị Trương Quế Toàn cực lực cản trở, trước tiên là tung ra tin đồn, nói có người đầu độc làm chết con hắn, ý đồ quấy đục nước, di chuyển tầm nhìn của mọi người; tiếp đó, lại nhiều lần rêu rao ở hội nghị thôn: “Mười hai đại biểu cái con c…, muốn tính sổ tao, mưu đồ hạ tao, đâu có được! Mà nếu có hạ được tao thì bọn chúng cũng chẳng hay ho gì; nếu hạ không được thì càng lụn bại, không đánh chết bọn nó thì cũng buộc chúng phải gẫy tay gẫy chân!”
Ngày 14 tháng 2, tiểu tổ quyết toán đề xuất thanh sát sổ sách “giữ lại thôn”, Trương Điếm Hổ, phó bí thư chi bộ thôn, phụ trách tài vụ mang sổ sách ra kiểm tra qua loa cho xong chuyện, vốn định giúp Trương Quế Toàn một tay, không ngờ lại chọc tức hắn, hắn đến cửa giận dữ bảo Trương Điếm Hổ: “Không được giở sổ cũ”. Ngày 15 tháng 2, Trương Tú Phương, con dâu Trương Quế Toàn đưa tin: bố chồng cô ta muốn giết người!
Trước những đe dọa đó của Trương Quế Toàn, cán bộ lãnh đạo thôn, xã đều không có sự coi trọng cần thiết, đại biểu tổ quyết toán cũng cho là chẳng qua Trương Quế Toàn dọa người mà thôi, đều không coi là có chuyện gì.
Chẳng ai ngờ là, đến ngày thứ chín chính thức kiểm tra sổ sách, tức sáng sớm ngày 18 tháng 2, Trương Quế Toàn quả đã vung lên con dao giết người.
Hôm đó đúng là ngày hai mươi hai tháng giêng âm lịch, hai ngày nữa mới là ngày “vũ thủy” nhưng một trận mưa bụi đầu xuân đã đến trước. Những giọt mưa xuân không quá lớn quá nhỏ, cũng không rào rào mà lác đác rơi xuống các mái nhà trong xóm Tiểu Trương như không muốn ngớt, giống như liều thuốc ngủ, nên mặc dù trời đã sáng tỏ mà rất nhiều nông dân còn vùi đầu trong chăn.
Ngụy Tố Vinh, 58 tuổi, hôm đó bỗng dậy sớm, như thường ngày bận rộn trong gian bếp. Mặc dù không giống ông chồng xuất đầu lộ diện ở bên ngoài, nhưng nhiều việc xảy ra ở trong thôn, bà đều biết rõ. Chồng bà, Trương Quế Ngọc được mọi người bầu làm đại biểu thôn, giống như 11 đại biểu khác, bất kể gió mưa, ông đều đi kiểm tra sổ sách tài vụ thôn. Vì ông chồng được sự tín nhiệm của 87 hộ thôn dân và việc làm của ông liên quan đến lợi ích thiết thân, nên bà Ngụy Tố Vinh sợ lỡ việc lớn của thôn, đã dậy sớm chuẩn bị cơm nước.
Lúc này mưa vẫn rơi đều. Ngụy Tố Vinh đặt cơm và thực ăn lên bàn, Trương Quế Ngọc và con trai Trương Tiểu Tùng vừa ngồi vào ghế, chiếc đồng hồ báo thức cũ đặt trên bệ chỉ bảy giờ bảy phút, thì Trương Quế Toàn dắt con trai thứ năm Trương Dư Lương và con trai thứ bảy Trương Lạc Nghĩa của hắn xuất hiện trước cửa, đằng sau còn có kế toán Trương Gia Hội và con trai Trương Kiệt.
Trương Quế Toàn mang hai con trai đến cửa là đã hạ quyết tâm chém giết lớn, cái cần bây giờ, chỉ là “cớ”.
Vì bố là kế toán của thôn, nên Trương Kiệt cũng có tâm tình chống đối việc kiểm tra sổ sách của thôn dân, nên hắn xông lên trước nói mấy câu châm biếm móc ruột: “Sổ sách tính toán ra sao, liệu chúng tôi có thể được chia hai quyển không?”
Trương Quế Ngọc là người tinh nhanh, nghe ngay được tiếng ngoài dây đàn, ông rời bàn ăn bình tĩnh nói: “Mọi người bảo tôi tính sổ, liệu tôi không làm được sao?”
Lúc này, Trương Lạc Nghĩa, con trai thứ bảy của Trương Quế Toàn mở miệng chửi lớn, rồi nói: “Ông thích tính sổ gì?”
“Sao anh lại có thể chửi người?” Trương Quế Ngọc lập tức quở trách kẻ ở vai dưới: “Anh có thể chửi tôi, thì cũng có thể chửi bố anh”.
Trương Quế Toàn lập tức nói tiếp: “Chửi mày chưa đủ đâu!” Rồi hò hai đứa con trai: “Đánh cho tao!”
Vì sự việc xảy ra quá đột ngột, nên vừa nghe thấy tiếng Trương Quế Toàn hô đánh, Trương Quế Ngọc liền đờ người ra.
Thấy tình hình không tốt, Ngụy Tố Vinh vội rời bàn ăn chạy đến, vừa kéo Trương Quế Ngọc ra, vừa giận dữ trách Trương Quế Toàn: “Ông đến nhà tôi ăn hiếp, rốt cuộc muốn làm gì?”
Lúc này, Trương Lạc Nghĩa đã cầm lấy cây gậy gỗ ở bên cửa nhà Trương Quế Ngọc và sau đó Trương Dư Lương cũng lấy được một cái liềm của nhà Trương Quế Ngọc. Trương Lạc Nghĩa vung gậy nhằm vào Trương Quế Ngọc, kế toán Trương Gia Hội đứng bên không những không ngăn cản, ngược lại còn ôm chặt lấy Trương Quế Ngọc. Trương Quế Ngọc thấy vậy vội ra sức giẫy dụa thoát ra, thấy đối phương bắt đầu hạ độc thủ, vội nhặt lấy một hòn gạch ở dưới đất. Ngụy Tố Vinh thấy con trai cán bộ thôn đang muốn đánh chết chồng mình, vội vàng cầm lấy con dao thái thịt.
Hai bên giận dữ chằm chằm nhìn nhau như cung đã lắp tên.
Tiếng ầm ĩ đã kinh động đến láng giềng. Thấy không ít thôn dân chạy đến hiện trường, Trương Lạc Nghĩa và Dương Dư Lương thấy người đông thế mạnh, chưa dám động thủ, lùi khỏi nhà.
Rõ ràng là Trương Quế toàn chưa cam lòng, hắn đi về phía sau nhà Trương Quế Ngọc vừa chửi vừa thét lớn: “Đồ chó, sẽ có lúc tao lại tới!”
Thấy cán bộ thôn mà bậy bạ như vậy, Trương Quế Ngọc không hề tỏ ra yếu đuối, liền đi theo ra phía sau nhà, vặn hỏi: “Lần này là xã yêu cầu kiểm tra sổ sách của ông, quần chúng bầu tôi làm đại biểu, tôi có gì sai! Trương Quế Toàn, mồm miệng anh hãy sạch sẽ một chút, tôi kiểm tra sổ sách của ông, ông làm gì tôi?”
Trong khi tranh cãi, Trương Quế Toàn đã ngầm sai Trương Lạc Nghĩa về nhà gọi thêm người. Một lúc sau, Trương Gia Chí, con trai trưởng và Trương Siêu Vỹ, con trai thứ sáu của Trương Quế Toàn đều ngầm giấu hung khí đi đến hiện trường. Trương Siêu Vỹ vừa đến là đánh ngay Trương Quế Ngọc, còn Trương Dư Lương nhân cơ hội đó cướp lấy chiếc gậy gỗ trong tay Trương Quế Ngọc. Thấy Trương Quế Ngọc tay không mà vẫn ngoan cường chống đỡ, Trương Siêu Vỹ vội móc con dao găm giấu trong ủng ra, đồng thời còn lấy dao thái thịt để trong người, hung ác đâm, chém vào đầu vào ngực Trương Quế Ngọc.
Trương Quế Ngọc bất ngờ không kịp đề phòng, thậm chí không kịp kêu một tiếng đã ngã ngay xuống đất.
Đại biểu thôn dân Trương Hồng Truyền và Trương Quế Mao nghe tin chạy đến hiện trường, thấy Trương Quế Ngọc nằm thẳng đơ trong vũng máu, Trương Hồng Truyền không ngăn nổi cơn giận vặn hỏi Trương Quế Toàn: “Các người sao tàn ác đến thế? Sao không mau đưa người đến bệnh viện!”
Trương Quế Toàn lúc này đã hoàn toàn mất hết lý trí, thấy Trương Hồng Truyền và Trương Quế Mao đi tới, hắn sầm mặt lại cười: “Con m. mày, đến rất đúng lúc, đang đợi chúng mày đây!” Nói rồi lớn tiếng bảo Trương Gia Chí: “Khử nó đi cho tao, 12 đại biểu muốn tính sổ sách của tao, đều giết sạch cho tao!”
Trương Dư Lương đứng cạnh Trương Hồng Truyền gần nhất, lập tức xông tới, điên cuồng đâm mấy nhát dao vào ngực, vào vụng, vào đùi Trương Hồng Truyền. Trương Hồng Truyền không kịp chống đỡ, chết ngay tại hiện trường.
Khi Trương Dư Lương vào đâm Trương Hồng Truyền, Trương Quế Toàn cũng vứt chiếc ô đi, từ phía sau ôm chặt lấy Trương Quế Mao đang định chạy tới cứu người: “Con m. mày, chẳng phải mày đi khắp nơi tố cáo tao à? Tính sổ tao ư? Lại đây?” Mặc dù bị ôm chặt, nhưng Trương Quế Mao là người cao lớn, lực lưỡng, nên không hề sợ hãi, đánh lại Trương Quế Toàn. Tự biết mình không phải là đối thủ của Trương Quế Mao, nên Trương Quế Toàn hô lớn: “Lạc Nghĩa, đến đánh nó đi!”
Trương Lạc Nghĩa vung con dao bầu trong tay, nhảy lên chém vào đầu Trương Quế Mao cho đến lúc ông này ngã xuống đất. Lúc này, Trương Gia Chí mắt đỏ vằn cũng xông tới, không chịu bỏ qua Trương Quế Mao, hắn cưỡi lên người Trương Quế Mao rồi dùng dao chọc tiết lợn đâm mạnh ba nhát vào lưng ông này. Theo giám định của pháp y sau khi sự việc xảy ra: đầu Trương Quế Mao bị chém 5 nhát, vết thương sâu làm vỡ xương sọ, phổi trái bị đâm thủng, có thể thấy sự hung bạo của tên sát nhân.
Trương Quế Ngọc nằm ngã gục dưới đất chỉ còn thoi thóp thở, nhưng vì vết thương đau quá nên khe khẽ rên, Trương Gia Chí, tên mất trí phát rồ, biết là Trương Quế Ngọc chưa chết, hắn nhào tới chém 5 nhát vào ngực và bụng ông.
Chỉ trong nháy mắt, sau nhà Trương Quế Ngọc đã có ba đại biểu thôn dân nằm gục. Nước mưa hòa với máu, đỏ hồng cả một vùng đất, không khí tanh mùi máu.
Trương Quế Nguyệt, anh trai Trương Quế Ngọc, nghe nói em mình bị hại, đau thương căm hận cùng bùng phát, khiến ông này vội cầm cái gậy gỗ vun cỏ chạy đến. Do mắt kém, nên mãi tới khi chạy đến trước mặt Trương Gia Chí, mới nhìn rõ em trai mình đang nằm dưới đất. “Chẳng lẽ đây là em tôi ư?” Chưa nói dứt lời đã bị con dao chọc tiết lợn trong tay Trương Gia Chí đâm vào ngực.
Trương Tiểu Tùng, 16 tuổi, trong hỗn loạn chạy đến bên người cha, định đỡ bố dậy đưa đi bệnh viện cứu chữa, Trương Siêu Vỹ vội nhặt lấy con dao đã đẫm máu, không để cho Trương Tiểu Tùng cứu Trương Quế Ngọc nên vung tay định chém vào đầu Trương Tiểu Tùng. Có người trông thấy vội hét lên một tiếng, Trương Tiểu Tùng như ý thức được điều gì đó, vội nghiêng đầu đi, con dao trong tay Trương Siêu Vỹ do vậy chém vào vai. Trương Tiểu Tùng sợ quá bỏ chạy, nên may mắn thoát chết.
Trước sau chỉ trong có 5 phút, xóm Tiểu Trương đã có 4 người bị chết, 1 người bị thương trong cảnh đầu rơi máu chảy.
Khi Trương Tứ Mao, con trai thứ tư Trương Quế Toàn cũng cầm dao thở hồng hộc chạy đến hiện trường, loa phóng thanh đầu thôn, đang vang lên tiếng Trương Điếm Phong, bí thư chi bộ thôn đang thúc giục đại biểu thôn dân tiếp tục quyết toán sổ sách.
6. Còn đang trong thời hạn chịu án mà lại được giao nhiệm vụ quan trọng
Lý luận kinh tế học hiện đại cho rằng, sức mạnh lớn hay nhỏ của một tập đoàn xã hội không phụ thuộc vào số người nhiều hay ít của tập đoàn đó mà quyết định bởi trình độ tổ chức của nó. Sức mạnh của tổ chức là to lớn, sức mạnh tổ chức kết hợp với chính quyền sẽ càng to lớn. Mặc dù dân số nông dân Trung Quốc rất đông, thế nhưng bọn họ quá phân tán không đủ để ngăn chặn, áp chế tài nguyên tổ chức, còn nếu cán bộ thôn xã, nếu được tổ chức chặt chẽ, bọn họ sẽ là đại biểu hợp pháp của chính quyền quốc gia tại nông thôn. Nếu những đại biểu ấy, sợ rằng chỉ là một thiểu số người trong đó thôi, đem ý chí của chính quyền quốc gia, nói một cách cụ thể, là mang vứt cái ý chí của chính phủ quốc gia, người ủy nhiệm cao nhất sang một bên, dựa vào tài nguyên tổ chức của chính quyền để phục vụ lợi ích của mình, thì sẽ vô cùng đáng sợ.
Mặc dù Trương Quế Toàn chỉ có trình độ văn hóa tiểu học, nhưng chính hắn đã dựa vào cái thực quyền phó chủ nhiệm ủy ban thôn (người địa phương gọi là phó trưởng thôn), đồng thời dựa vào thế lực gia tộc to lớn (bảy đứa con trai) đã một tay che trời ở xóm Tiểu Trương, trở thành một “bá chủ thôn” ngang ngược trong xã.
Năm 1997, hắn biết rõ số lượng trưng thu lúa mì do huyện giao xuống, không thay đổi về số lượng so với năm 1996, nhưng hắn vẫn cứng rắn yêu cầu mỗi người tăng thêm 25kg. Để vơ vét tiền của, có thể nói hắn có “đạo” kiếm tiền, “năm thuế một phí” là do hắn đặt ra để tùy ý tăng thu. Nhà ai nuôi một con lợn, phải nộp thêm 45 NDT; nhà nào xây nhà mới, phải nộp từ 150 đến 500 NDT, nộp nhiều nộp ít đều do “lời vàng tiếng ngọc” của hắn nói là xong; mọi căn nhà cũ trong thôn, mỗi hộ đều phải nộp 50 NDT; nhà ai trồng lạc, cứ 1/15ha là phải nộp 10 NDT; nhà ai có máy kéo, mỗi cái phải nộp 50 NDT. Trương Quế Nguyệt bán mọi thứ đi mới mua được chiếc máy kéo bốn bánh loại nhỏ, còn chưa dùng, đã phải nộp 45 NDT. Nay người mất, vật còn, chiếc “bốn bánh nhỏ” ấy đang lặng lẽ để trong lều tránh mưa, như là đang mặc niệm chủ nhân. Còn về “phí sinh đẻ có kế hoạch, phù dục”, đến nay vẫn không ai hiểu hai chữ “phù dục” là gì; tiền phạt sinh đẻ kế hoạch là tùy theo hắn, mà phần lớn chỉ viết giấy biên nhận chứ không vào sổ.
Một mặt khéo lập danh mục thu vét tiền tài của dân, càng nhiều càng tốt; một mặt cả nhà Trương Quế Toàn theo quy định được nộp “khoản giữ lại” lên trên, nên càng có cớ để xà xẻo.
Cậy vào quyền lực có trong tay, hắn xâm chiếm đất đai, ao cá, chiếm của công, tham ô công quỹ, tội ác chồng chất, thế nhưng nếu thôn dân nào hơi tỏ ra không theo, dù chỉ là biểu thị dị nghị, hắn đều không cho phép. Một hôm Trương Triều Hoa, vợ Trương Quế Lục, quân nhân phục viên đến tìm Trương Quế Toàn, vì thôn chia cho nhà chị ta, ít mất khoảng 130m2 ruồng trồng lúa mì, nên hai người cãi nhau ở trên chiếc cầu đầu thôn, Trương Quế Toàn chưa bao giờ thấy một thôn dân, nhất là một phụ nữ dám ăn nói với hắn như vậy, trong cơn giận dữ, đã đẩy Trương Triều Hoa ra khỏi cầu, ngã ngất ngay lập tức. Sau này nhờ bệnh viện cứu chữa kịp thời nên bảo toàn được tính mệnh, nhưng bị liệt suốt đời. Trương Quế Lục không chịu nổi cảnh ức hiếp đó, kiện ra tòa án. Tòa án xử Trương Quế Toàn phải bồi thường 8.000 NDT, nhưng hắn cứ từ chối không giao, mãi đến khi, chi phí chữa chạy của Trương Triều Hoa không trả không được, Trương Quế Toàn lại ngang ngược đổ hết tiền chi phí thuốc men đó lên đầu thôn dân.
Một tên ác ôn đến thế, làm sao lại có thể là người đứng đầu thôn? Hơn nữa, hắn mới chỉ là phó chủ nhiệm ủy ban thôn thôi, vậy chủ nhiệm ủy ban thôn, bí thư chi bộ thôn đi đâu cả rồi? Là cùng chia nhau ăn bẩn với hắn hay là bồ tát ngậm miệng? Trước những sự việc đó, trong quá trình phỏng vấn chúng tôi trước sau vẫn thấy khó khăn không sao hiểu nổi.
Sau này khi đã biết được lịch sử của Trương Quế Toàn, những người sống ở thành thị như chúng tôi, càng cảm thấy không sao hiểu nổi. Thì ra, những vấn đề tồn tại ở xóm Tiểu Trương, không chỉ là sự hỗn loạn về mặt quản lý tài vụ, mà những vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở bộc lộ ra càng khiến người ta kinh ngạc. Ngày 20 tháng 5 năm 1992, Trương Quế Toàn lúc đó đang là chủ nhiệm ủy ban thôn Tiểu Trang, do tham ô và gian dâm với phụ nữ, bị tòa án nông dân huyện Cá Trấn xử 1 năm tù giam, tạm hoãn thi hành hình phạt 2 năm. Vào thời gian thôn Tiểu Trương sáp nhập vào thôn Trương Kiều, Trương Quế Toàn vẫn còn ở thời kỳ chịu án, nhưng vừa lắc mình một cái đã trở thành phó chủ nhiệm ủy ban thôn Trương Kiều. Các thôn dân nói, Trương Quế Toàn chưa được sự bầu cử dân chủ của mọi người, hoàn toàn là do cá biệt lãnh đạo đảng ủy và bí thư chi bộ thôn sai khiến.
Dù bị kết án và đang trong thời gian chịu án, mà một tên tội phạm hung ác đến cùng cực đến thế mà vẫn được tổ chức đảng hai cấp giao cho nhiệm vụ quan trọng, điều đó không chỉ làm cho Trương Quế Toàn có đủ cả năm cái độc, không những không sửa thói ác, ngược lại còn làm cho hắn có chỗ không sợ, càng hung ác tàn nhẫn hơn.
Nói một cách nghiêm túc, phương thức hành vi của loại người như Trương Quế Toàn, đã có đặc trưng cơ bản của bọn ác bá trong xã hội nông thôn phong kiến Trung Quốc, nhưng đúng là lại có sự khu biệt không nhỏ với tính chất ác bá thời đó, bởi vì loại hoành hành bá đạo bị nhân dân căm phẫn cực lớn trong thôn thời đó, nói chung quy mô ruộng đất chưa lớn, của nổi cũng chưa nhiều, hơn nữa còn chưa có vị trí quyền lực công cộng ở thôn, xóm có ý nghĩa pháp lý, còn Trương Quế Toàn không chỉ có thể tùy ý bá chiếm ruộng đất, ngầm chiếm của cải mà còn giành được quyền lực công cộng ở thôn, xóm có ý nghĩa pháp lý, vì vậy loại cán bộ thôn như Trương Quế Toàn, còn tạo ra những hiểm hại xã hội còn lớn hơn nhiều so với loại ác bá trong nông thôn phong kiến.
Vụ án cha con Trương Quế Toàn cố ý giết người, mặc dù chỉ là “một vụ án” nhưng hiện tượng Trương Quế Toàn lại đủ để cho chúng ta lo lắng trùng trùng. Trong phỏng vấn, chúng tôi phát hiện, hiện tượng “kẻ ác quản lý thôn” trong nông thôn Trung Quốc hiện nay, đã hiện ra đột ngột đến mức kinh người, Trương Quế Toàn chẳng qua chỉ là một tiêu bản sinh động sản sinh ra trong cơ chế đặc biệt của sự vận tác quyền lực công cộng cơ sở nông thôn Trung Quốc ngày nay.
Rõ ràng là để đưa ra kết luận và suy nghĩ không có gì khó khăn cả, vấn đề là, làm thế nào mới có thể ngăn chặn hẳn không để những bi kịch tương tự như vậy lại xuất hiện.

7. Bi kịch vẫn đang vươn dài
Cảnh sát chống bạo loạn của phòng công an huyện Cá Trấn sau khi nhận được tin báo động, không đến 20 phút sau đã bao vây xóm Tiểu Trương. Trương Quế Toàn, Trương Gia Chí, Trương Siêu Vỹ và Trương Dư Lương bị nghi có liên quan đến việc cố ý giết người lập tức sa vào lưới pháp luật. Chỉ trừ Trương Lạc Nghĩa, theo gia thuộc người bị hại và người làm chứng tại hiện trường nói, lúc đó tay Trương Lạc Nghĩa xách một chiếc túi, trong túi đựng hung khí mà cha con hắn ta hành hung thôi, ngoài ra bí thư chi bộ thôn Trương Điếm Mong cũng không nói gì, cảnh sát chống bạo loạn không biết tình hình nên hắn đã men theo con đường nhỏ sau nhà may mắn trốn thoát.
Tin xóm Tiểu Trương xảy ra án giết người ghê rợn nhanh chóng được truyền đi. Thế nhưng bất kể là huyện ủy, ủy ban huyện Cá Trấn hay là đảng ủy, ủy ban xã Đường Nam, đối với vấn đề xảy ra vụ án là vì nông dân yêu cầu quyền lợi dân chủ và giảm nhẹ đóng góp, họ đều tránh như gặp thú dữ. Buổi tối thứ hai, sau khi xảy ra vụ án, khi cả xóm Tiểu Trương còn chìm đắm trong cảnh kinh hoảng và đau thương ghê gớm thì đài truyền hình cáp huyện Cá Trấn đưa “tin”. Đài đưa tin, tại xóm Tiểu Trương, thôn Trương Kiều, xã Đường Nam huyện ta, do tranh chấp dân sự giữa các thôn dân, trong lúc cãi nhau đã xảy ra một vụ ngộ sát trọng đại. Hình ảnh đưa ra, hầu như toàn là “hung khí” thu được ở hiện trường, nhưng thực ra toàn là đồ dùng như liềm, dao tìm thấy ở nhà người bị hại Trương Quế Ngọc, vì nhân viên công an không thu được gì cả.
Toàn bộ đều là tin tức giả!
“Tin” đó vừa phát ra, xóm Tiểu Trương lập tức vỡ trại.
Trương Lượng, người con trai duy nhất của Trương Quế Mao nay đã mất cha, Trương Quế Cúc, người đã mất đi hai em trai, Trương Quế Ngọc, Trương Quế Nguyệt cũng như nhiều người mục kích hiện trường vụ hung án này và những thôn dân bị làm cho tức giận, không phân biệt nam nữ, tự phát tập kết hơn 300 người, vào ngay sáng sớm hôm sau buổi đưa tin, kéo lên đài truyền hình cáp của huyện, chất vấn giám đốc đài: một tội phạm chưa hết thời kỳ chịu án đã được làm trưởng thôn, đàn áp thôn dân còn dữ dội hơn trước, mọi người không chịu nổi đóng góp nặng nề, dựa vào quyền lợi dân chủ của mình yêu cầu quyết toàn sổ sách, hơn nữa việc làm này còn là bố trí của huyện, được xã phê chuẩn mà đã bị trả thù mất hết tính người như vậy, sao gọi là “ngộ sát”? “Ngộ” sát ai? Giết ai mới coi là “ngộ”. Những người bị hại với tư cách là đại biểu thôn dân với Trương Quế Toàn, rốt cuộc là có tranh cãi gì?
Giám đốc đài bị hỏi đến mức im miệng không nói được gì. Đúng là ông ta không biết có nhiều tình huống trong đó đến thế, tính chất của vụ án lại ác liệt và nghiêm trọng đến như vậy, nên đành phải như thực “thừa nhận lỗi” nói: chỉ thị của lãnh đạo huyện ủy phải đưa tin như thế.
Người chết không thể sống lại, nhưng nói chung phải có cách nói về cái chết. Người bị hại vì bảo vệ lợi ích của mọi người, lại được sự ủy nhiệm của mọi người nay bị giết hại tàn khốc, điều bi thảm đó không ai có thể tiếp nhận, cho nên cái “tin” hoang đường đến vậy, chẳng khác gì thêm dầu vào lửa.
Thế là các thôn dân phẫn nộ quyết định đi gặp bí thư huyện ủy.
Cửa huyện ủy và cửa đài truyền hình cáp kề sát nhau, dù là hai ngôi nhà lớn nhưng chỉ cách nhau một bức tường. Khi các thôn dân ra khỏi đài truyền hình mới phát hiện trên đường phố đã là một biển người. Mọi người đều nhìn thấy đoạn “truyền hình” đó, đều cảm thấy sự việc quá thảm khốc, hung thủ quá tàn ác, nên vừa nghe tin các thôn dân xóm Tiểu Trương tìm đến đài truyền hình vì cái “tin” đó, đã đoán là có sự lừa bịp trong “tin”. Ngày nay sản phẩm giả, xấu tràn đầy thị trường, độ tin cậy của các loại tin tức đã không cao nữa, đặc biệt là trước một số tin tức về sự cố trọng đại, dân chúng đều có sự trừ hao khá lớn về tính chân thực. Thế là không ít người vây lại để tìm kết quả cuối cùng, chỉ một lúc đã có tới hơn ba ngàn người quây thành vòng ngoài vòng trong ba lớp.
Vì trụ sở huyện ủy ở phía trên, thấy trước được mọi động tĩnh, nên khi thôn dân xóm Tiểu Trương kéo đến thì lãnh đạo huyện ủy, ủy ban chẳng còn ai.
Trưa ngày thứ hai kể từ khi từ huyện trở về, thôn dân xóm Tiểu Trang vừa đặt bát ăn xuống thì Trương Điếm Phượng, bí thư chi bộ thôn đã thông báo mọi người trong xóm đến ngôi nhà gạch ba gian mới xây của nhà Hoàng Từ Tiên họp. Đây là ngôi nhà Hoàng Tự Tiên chuẩn bị để khi con trai lấy vợ dùng, hiện nay con trai còn đang đi làm thuê ở ngoài nên để không. Thôn dân lục tục kéo nhau đến.
Đến nơi nơi mới biết là trên xã có người tới. Một đoàn người gồm Hà Tỉnh Khuê, phó xã trưởng, Khưu Á, chủ nhiệm ủy ban chính pháp xã, xã Đường Nam và nhân viên đồn công an, đến để “bịt miệng”.
Không khí cuộc họp nghiêm trang đến mức khiến người ta ngạt thở. Hà Tỉnh Khuê, phó xã trưởng, trước tiên chọn đọc mấy điều quy định trong “Luật hình sự”, sau đó tuyên bố không được lên trên phản ánh, yêu cầu, không được gây sự, không được ăn nói bừa bãi. Mọi người đều rất căng thẳng, nhất là gia thuộc những người bị hại, bọn họ không rõ: người thân đã bị giết hại, mà thân nhân người bị hại dường như cũng phạm tội, trở thành “phần tử xấu” trước đây, không được ăn nói hành động bừa bãi, ở đâu, lúc nào cũng có những con mắt cảnh giác nhằm vào anh, trong chốc lát đã trở thành người không ra người, quỷ không giống quỷ.
Về đến nhà Ngụy Tố Vinh nằm gục xuống giường khóc một trận, bà khóc chồng bà, Trương Quế Ngọc chết không minh bạch, oan uổng mà không có chỗ kêu; bà khóc mình có mắt có mồm, nhìn thấy rõ cảnh thương tâm đó mà lại không được nói; bà khóc thói đời quá đen bạc, không biết đến lúc nào mới hết ngột ngạt.
Tiếp đó, ngày 7 tháng 5, một tờ báo của tỉnh An Huy đã đăng trên trang hai, bài viết “Một cơn giận của chủ nhiệm thôn, bốn thôn dân bị giết”. Bài viết được phát biểu đúng vào giờ phút then chốt, cơ quan kiểm sát Trạch Phục yêu cầu chuyển vụ án sang tòa án khởi tố, mục đích “khống chế điểm cao” với ý đồ chiếm lấy dư luận xã hội, vô cùng rõ.
Bài viết vừa bắt đầu đã nói rõ ý nghĩa chủ yếu, trình bày lẫn lộn phải trái như thế này: “Một phó chủ nhiệm ủy ban thôn, tên là Trương Quế Toàn vì lời nói quyết liệt của thôn dân mà nổi cáu hết mức, đã cùng mấy đứa con trai ẩu đả với thôn dân, khiến cho bốn thôn dân tử vong”.
Phàm là những người có đầy đủ năng lực để đọc chữ Hán, qua đoạn trình bày trên đều có thể kết luận như thế này: “lời nói quyết liệt của thôn dân” là ở trước, Trương Quế Toàn “nổi cáu hết mức” là ở dưới; thôn dân bao gồm cả thôn dân bị hại mới là đầu sỏ gây nên tội ác của cuộc tranh chấp này.
Thế nhưng, những độc giả tinh ý còn chú ý tới việc, đã là “cùng đánh nhau” vì sao người chết đều là thôn dân cả? Vị “phó chủ nhiệm ủy ban thôn tên là Trương Quế Toàn” ấy vì sao lại hiểm độc đến thế, phải đẩy người ta vào chỗ chết mới vừa lòng ư? Rốt cuộc “lời lẽ quyết liệt” của thôn dân có những nội dung gì? Vì sao vị phó chủ nhiệm ủy ban thôn lại “nổi cáu hết mức” để đến nỗi dám phạm sai lầm lớn trong thiên hạ: ra sức giết người? Những cái quan trọng như vậy, bài viết không nói, rõ ràng là khó nói, hoặc không dám nói.
Ở đây, việc các thôn dân yêu cầu thi hành quyền lợi dân chủ của mình và sự thực đanh thép thôn dân không chịu nổi đóng góp nặng nề đều bị lảng tránh hết. Lảng tránh là có mưu mô, là để làm việc gian trá.
Thế là một cuộc đấu tranh không thể điều hòa giữa chính nghĩa với tà ác, văn minh với tàn bạo, tiến bộ với lật đổ đã bị xuyên tạc thành cuộc cãi vã giữa bọn dân đen, là cuộc “ẩu đả với nhau” ngu muội. “Bốn thôn dân tử vong” dường như chỉ có thể là chuyên trị gây ra tội thì phải gánh lấy.
Một lần nữa thôn dân xóm Tiểu Trương lại bị làm cho nổi giận.
Bọn họ tìm đến trụ sở tòa báo đó ở tỉnh thành, giận dữ chất vấn: việc lớn như vậy, tính mạng con người liên quan tới trời, ngay cái sự thực tối thiểu đó các người cũng không điều tra, thẩm tra, dựa vào cái gì để đăng tin như vậy?
Vì biên tập báo không thể đến hiện trường điều tra, thẩm tra đối chiếu mỗi bài viết hàng ngày định đăng, nên đã giải thích, về trình tự sử dụng bài viết đó, họ không có sai lầm gì, trên bản viết có đóng dấu của cơ quan kiểm sát, vì thế họ chưa và cũng không cần phải thẩm tra, đối chiếu gì mà đã phát biểu.
Tình hình đã bày ra công khai: việc này phát sinh vào mùa xuân năm 1998 chứ không phải là “sự kiện Đinh Tác Minh” phát sinh ở thôn Lộ Doanh, xã Kỷ Vương Trường huyện Lợi Tân vào mùa xuân năm 1993. Trung ương không chỉ năm lần bảy lượt nhắc nhở không cho phép tăng thêm đóng góp của nông dân, hơn nữa còn đưa ra những quy định vô cùng rõ ràng: thôn nào còn tăng thêm đóng góp ngoài định mức cho nông dân thì bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban xã trấn đó sẽ phải bị xử lý kỷ luật về đảng hoặc chính quyền, và bí thư huyện ủy và huyện trưởng huyện đó phải viết kiểm thảo. Tỉnh An Huy sau khi nhận được văn kiện vốn có lời lẽ nghiêm khắc này, để biểu thị quyết tâm quán triệt chấp hành văn kiện Trung ương, đã thêm một điều, nghiêm khắc thêm một bậc, đó là các bí thư thị ủy, thị trưởng có liên quan cũng phải viết kiểm điểm báo cáo lên tỉnh và ủy ban tỉnh.
Thế là có vấn đề rồi. Tinh thần của văn kiện rõ ràng là kịp thời và chính xác rồi, yêu cầu nghiêm khắc cũng là để bảo vệ quyền lợi của nông dân, những điều này không nói nữa. Thế nhưng một huyện ngày nay, ít thì cũng có mấy chục vạn người, nhiều thì trên một triệu; một địa khu hoặc một thành phố trực thuộc tỉnh, ít thì cũng mấy triệu người, nhiều thì tới trên chục triệu - Rừng lớn thì chim gì cũng có, ai dám bảo đảm rằng trong đám dân chúng đông tới hàng chục vạn, hàng triệu thậm chí trên mười triệu người đó, lại không có kẻ to gan làm bậy, càng không nói những kẻ không sợ chết. Kiểm thảo được chăng?
Vấn đề hiện nay là, Trương Quế Toàn ở xóm Tiểu Trương không phải là một phó chủ nhiệm ủy ban thôn theo ý nghĩa thông thường nữa, người này vốn là tội phạm chưa hết thời gian chịu án đã được làm cán bộ thôn, riêng việc đó đã đủ phức tạp rồi, thế nhưng vấn đề của hắn không chỉ là vơ vét ngang ngược với thôn dân, mà là còn giết người! Về mặt này, Trung ương đã có quy định rõ từ lâu, phàm là vì vấn đề đóng góp của nông dân mà dẫn đến một người chết hoặc tập thể từ 6 người trở lên, lên gặp trên để phản ánh, yêu cầu, đều phải báo cáo với Trung ương, cha con Trương Quế Toàn không chỉ giết một người mà còn tạo thành bốn người chết, một người bị thương, nghiêm trọng hết mức.
Bất kể là bí thư, chủ tịch huyện Cá Trấn hay là bí thư chủ tịch thành phố Bạng Phụ, đều khó có thể tiếp nhận sự thực đó, càng không thể tiếp nhận sự thực đó, càng không dám nhìn thẳng vào sự thực. Cũng có thể bọn họ không thiếu lương tri và cũng không thiếu dũng khí, nhưng trước mắt là một sự thực nghiêm trọng, đối với bọn họ, không chỉ quá đột ngột mà còn quá tàn nhẫn, thậm chí không để lại nhiều dư địa lựa chọn cho bọn họ. Còn chuyện vụ án “sự kiện Đinh Tác Minh” làm kinh động Trung ương, chẳng ai có thể nhanh chóng quên được. Vì thế ai cũng hiểu vô cùng những rủi ro và cái giá phải trả cho loại trách nhiệm này. Rõ ràng là bọn họ đều không muốn là người gánh vai những rủi ro và cái giá phải trả đó, nếu không, chúng ta không thể nào giải thích được tất cả những việc kỳ quái sau khi sự kiện xuất hiện, và càng không thể nào tìm được lý do coi thường bốn sinh mệnh đến như thế, cho dù họ chỉ là bốn nông dân phổ thông.
Tất nhiên, không thể tiếp nhận hết sự thực đó lại là gia thuộc những người bị hại. Hôm đó mấy người Trương Lượng, Ngụy Tố Vinh - gia thuộc người bị hại, một lần nữa lấy hết dũng khí tìm đến huyện ủy, và cuối cùng gặp được bí thư huyện ủy, bọ họ quì mọp hồi lâu trước mặt bí thư trẻ tuổi, khóc lóc kể lể nỗi oan, nhưng vừa nói đến người thân của mình vì thay mặt thôn dân quyết toán sổ schs mà bị giết một cách thảm hại, vị bí thư đã đột ngột nổi giận: “ai nói là quyết toán sổ sách? Cả huyện đang quyết toán sổ sách, sao không giết người khác mà lại giết người nhà các người?”
Gia thuộc người bị hại sợ hãi đờ người ra.
Theo cách nói này của bí thư huyện ủy, nếu như con gái một gia đình nào đó bị kẻ cường bạo giở trò, muốn kêu oan, thì ai cũng có thể nghiêm giọng trách hỏi cô ta: trên thế giới này đàn bà, con gái nhiều lắm, sao nó không giở trò với người khác mà lại hiếp cô? Như thế có còn là kiếp người nữa không?
Ba vị đại biểu quần chúng thanh sát sổ sách bị giết, chín đại biểu còn lại vô cùng đau buồn, nhưng công tác kiểm tra không vì thế mà đình đốn, hơn nữa quyết tâm kiểm tra càng lớn, càng nghiêm túc.
Phải nói rằng, việc cha con Trương Quốc Toàn bị bắt đã mang lại rất nhiều thuận tiện cho công tác thanh sát sổ sách, rất nhiều vấn đề kinh tế của cán bộ thôn đã nhanh chóng lộ ra một phần. Rõ ràng là vấn đề của xóm Tiểu Trương không chỉ có ở một cá nhân Trương Quế Toàn, mà bí thư chi bộ thôn, chủ nhiệm ủy ban thôn và kế toán thôn, cũng đều có khả năng không sạch sẽ gì. Trong gan ruột, họ sợ hãi, ngăn cản lần thanh sát này, nhưng rốt cuộc, công tác đó là do ủy ban huyện bố trí, tiểu tổ thanh sát của xóm Tiểu Trương lại do ủy ban xã quyết định thành lập, cho nên mặc dù còn giận, sợ hãi suốt ngày không yên, chỉ có chưa đến nỗi ngu xuẩn đi giết người như Trương Quế Toàn mà thôi. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, bọn họ phát hiện thấy, hai cấp đảng ủy và chính quyền huyện và xã đã im miệng không hề nói tới việc thanh sát sổ sách, và đang ra sức che giấu chân tướng giết người của cha con Trương Quế Toàn, thế là gan mật của họ lại to lên.
Khi tiểu tổ thanh sát tìm ra trong việc trưng mua lương thực của thôn Tiểu Trương năm 1997, đã thu mỗi đầu người nhiều thêm 30 kg, thấy rõ là vi phạm chính sách nông nghiệp, bọn họ tìm đến bí thư chi bộ thôn Trương Điếu Phượng, Trương Điếu Phượng lập tức trả lời với dáng điệu ôm đồm: “Đúng thế, đấy là tôi bảo tăng thêm mà. Tôi muốn tăng thêm là tôi muốn có cái dùng thêm, các người không cần phải hỏi han”. Thái độ vô cùng ngang ngược.
Thanh sát sổ sách còn tìm ra bốn cán bộ thôn đã chia riêng 2.600 NDT tiền bán đất, Trương Điếu Phượng, ông ta bình tĩnh nói: “Việc này tôi biết, đó là phí bận tâm lo nghĩ”. Truy hỏi có nên lấy khoản tiền đó hay không, ông ta ngang nhiên như có lẽ phải nói: “Tôi lấy là có việc tôi cần dùng!”
Trong một cuộc họp về thanh sát sổ sách, đại biểu thôn dân hỏi Trương Phong Tri, chủ nhiệm ủy ban thôn: “4.000 NDT phí tưới nước cho lúa của xóm đã nộp rồi, vì sao còn khấu trừ 4.000 NDT tiền nước trong khoản bán đất của xóm ta?” Trương Phong Tri nói bậy nói bạ rồi lên cơn giận đùng đùng, khiến không sao thanh sát được nữa.
Không lâu sau trong thôn truyền đi tin đồn: đã thanh sát xong sổ sách tài vụ của thôn, Trương Quế Toàn “không tham ô”, “không tìm ra vấn đề kinh tế của Trương Quế Toàn, chín đại biểu thanh sát sổ sách còn lại, sẽ có mấy người bị huyện bắt!”
Tiếp đó Trương Tứ Mao con trai thứ tư của Trương Quế Toàn hung hăng rêu rao: “Thôn này yên ổn không dài nữa đâu, còn phải bồi thường mấy sinh mạng nữa!”
Từng làn gió âm cuốn theo mùi tanh của máu không ngừng thổi qua xóm Tiểu Trương, khiến người ta run sợ.
Trương Gia Ngọc, đảng viên cộng sản là một người cứng cỏi, trong việc tích cực phản ánh vấn đề nông dân đóng góp ngày một nặng, có ông; trong tiểu tổ thanh sát sổ sách dám đối mặt đánh trống khua chiêng tìm sự thực cũng là ông. Cha con Trương Quế Toàn, có thể nói là thù ông tới xương, sau khi cha con Trương Quế Toàn hành hung người, lúc đó Trương Siêu Vỹ được con trai thứ sáu đã gào lên: “đến nhà Trương Gia Ngọc mau, nhổ cỏ phải trừ tận gốc!” May mà lúc đó Trương Gia Ngọc đi báo cảnh sát, không có nhà, nên mới không bị giết hại. Nhưng bây giờ, Trương Gia Ngọc phát hiện, ông vẫn ở trong vòng nguy hiểm. Trước cửa nhà và trước ngõ nhà ông vẫn thường có người theo dõi ngầm.
Ảnh hưởng của thế lực gia đình Trương Quế Toàn vẫn tồn tại, hơn nữa vẫn còn Trương Lạc Nghĩa đang bỏ trốn; đối mặt với một tên tội phạm giết người không chớp mắt đang bỏ trốn, một hung thủ không biết vào lúc nào có thể xuất hiện đột ngột, các thôn dân, đặc biệt là các gia đình bị hại không thể cao gối ngủ yên, không lo lắng. Bà mẹ già hơn bảy mươi tuổi của Trương Quế Ngọc và Trương Quế Nguyệt, mỗi khi nhắc tới sự việc lại đầm đìa nước mắt. Chỉ trong một buổi sáng, bà cụ đã đau đớn mất đi hai con trai, cháu nội còn bị chém, một gia đình tràn đầy sức sống chỉ trong một chốc lát đã tan nát, càng đau lòng hơn là có nhiều dấu vết cho thấy rõ, cơn ác mộng này còn chưa kết thúc. Bà hoảng sợ nói: “tối đến không ai dám ra khỏi cửa, ngay ban ngày cũng không dám ra chăm sóc lạc đang trồng!”

8. Loại quyền lực thứ tư, ngươi đang ở đâu?
Những phát triển của sự việc sau đó, càng ngày hầu như càng không ra khỏi dự đoán của thôn dân xóm Tiểu Trương.
Xã cử người tới đe dọa gia thuộc người bị hại và những người nhìn thấy tận mắt ở hiện trường, không được “ăn nói bừa bãi”, đài truyền hình huyện và báo tỉnh, đem việc cố ý giết người báo thù nói thành “ngộ sát”, hoặc là sự “ẩu đả lẫn nhau” giữa những kẻ ngu muội, những cái đó thực ra không có đầy đủ hiệu lực pháp luật. Ngay các thôn dân xóm Tiểu Trương vốn không hiểu thường thức pháp luật lắm, cũng biết là chỉ có việc kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân nói ra mới thực sự là đúng. Điều kỳ quặc là, sau khi vụ án được đưa vào trình tự pháp luật, cơ quan chấp hành pháp luật lại không hoàn toàn làm việc theo pháp luật. Tòa án nhà nước đặt tại địa phương đã trở thành tòa án địa phương đại biểu cho lợi ích đặc biệt của địa phương, chính điều này đã làm cho thôn dân xóm Tiểu Trương thực sự cảm thấy hoảng sợ và tuyệt vọng.
Tòa án trung cấp thành phố Bạng Phụ đã mở phiên xét xử vụ án này, nhưng trước đó về căn bản không tính tới việc phải thông báo cho người bị hại, nên khi phong thanh phiên tòa sắp mở, những người thay mặt pháp định của người bị hại, ngay thời gian để tìm một luật sư cũng không có.
Trương Gia Ngọc, đại biểu thôn dân có hai mươi nhăm năm tuổi đảng, dùng đảng tịch bảo đảm rằng ông thấy từ đầu đến cuối vụ án, Viện kiểm sát không hề có người nào về thôn và cũng không hề tìm bọn họ, càng không nghe nói tìm ai hiểu biết được tình hình hiện trường khi xảy ra vụ án, một số sự thực mà Viện kiểm sát viết trong “bản khởi tố” chẳng ai biết cả. Thân nhân người bị giết và những người mục kích ở hiện trường, từ những “tin vỉa hè” nghe nói tòa án mở, vội vội vàng vàng tới dự, thì chỉ được đeo tai nghe “dự thính”, không có quyền phát ngôn, còn cha con Trương Quế Toàn với tư cách là bị cáo lại ngang nhiên ngồi trong phòng xử án, kề đầu ghé tai; điều này làm thân thuộc người bị hại giận tím cả mặt.
Khi tuyên án công khai, thân thuộc người bị hại cũng không nhận được thông báo chính thức, khi nghe tin đến dự mới biết, Trương Quế Toàn, kẻ chủ mưu và chỉ huy vụ giết người này, Trương Gia Chí, người giết chết Trương Quế Nguyệt bị xử tử hình; còn Trương Siêu Vỹ và Trương Dư Lương, những kẻ giết chết đại biểu thôn dân Trương Quế Ngọc và Trương Hồng Truyền chỉ bị xử tù chung thân. Có thể nói phán quyết này đã đạt được mục đích “tội của mấy đứa con Trương Quế Toàn, do một đứa chịu” rất không công bằng.
Thân thuộc người bị hại mạnh mẽ yêu cầu được xem “bản án” của tòa án nhưng tòa án không đưa, bọn họ ủy nhiệm luật sư đến yêu cầu, tòa án vẫn hùng hồn đầy lý lẽ, không đưa.
Trương Gia Ngọc, học sinh tốt nghiệp trường trung học phổ thông số một Cá Trấn, là người có trình độ văn hóa cao nhất trong các đại biểu thôn dân xóm Tiểu Trương, anh đã tìm đọc “Luật tố tụng hình sự” mà nhà nước công bố, mới phát hiện được điều 182 trong đó, được viết bằng giấy trắng mực đen: “người bị hại và người đại diện pháp định nếu không đồng ý với phán quyết trong lần xét xử thứ nhất của tòa án nhân dân các cấp, thì trong 5 ngày kể từ khi nhận được bản án, có quyền chống án lên Viện kiểm sát nhân dân”. Theo bộ luật quốc gia này, tòa án trung cấp thành phố Bạng Phụ không có lý do để không tống đạt bản án cho thân thuộc người bị hại và người đại diện pháp định. Việc tước đoạt quyền lợi hợp pháp của người bị hại và người đại diện pháp định như trên, rõ ràng là không thể dùng hai chữ ngắn gọn không đưa là có thể giải thích được.
Vì thế, thân thuộc những người bị hại đã tìm đến tòa án cao cấp tỉnh An Huy.
Tại tòa án tỉnh, cuối cùng bọn họ đã tìm được “bản khởi tố” của viện kiểm sát thành phố Bạng Phụ có liên quan đến việc đó trong cuốn “tố tụng hình sự của viện kiểm sát Bạng Phụ số 21 năm 1998”.
Không xem thì không biết, mà xem rồi mới thấy thật diệu kỳ.
Trong nguyên nhân phát sinh vụ án được “thẩm tra cho thấy rõ” trong “bản khởi tố” về cơ bản, bạn không thể biết được rằng những người bị giết hại là đại biểu thôn dân chịu trách nhiệm thanh sát sổ sách, họ đang thi hành quyền lợi dân chủ được 87 hộ nông dân xóm Tiểu Trương giao cho; còn Trương Quế Toàn là kẻ hung ác đến cùng cực là có chủ mưu báo thù tàn bạo với các đại biểu thôn dân; và càng không thể nào thấy được đóng góp của các thôn dân là quá nặng nề, nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra vụ thảm án này là do cán bộ thôn che giấu tội ác, trách nhiệm. Kẻ đầu têu là Trương Kiệt, kẻ làm gay gắt mâu thuẫn là Trương Lạc Nghĩa, nhưng trong “bản khởi tố” sau khi nhắc lại một câu nói không có gì là quá mức của Ngụy Tố Vinh, vợ đại biểu thôn dân Trương Quế Ngọc, đã đưa ra kết luận như thế này: “từ đó dẫn đến hai bên chửi bới lẫn nhau”, dường như trách nhiệm chủ yếu dẫn tới sự việc này là ở Ngụy Tố Vinh. Hơn nữa hai đứa con trai Trương Quế Toàn theo cha gây sự, là một phần quan trọng của vụ án này lại bị che giấu.
Không hề có một chữ nào nói đến việc “hai bên chửi bới lẫn nhau”, còn quá trình đánh nhau đã được “chứng thực” sau khi “điều tra rõ” là: người đã cầm hung khí trước là đại biểu thôn dân Trương Quế Ngọc và Trương Hồng Truyền; còn Trương Gia Chí, tên giết người không chớp mắt dường như chỉ động dao khi hắn phát hiện được Trương Quế Ngọc và Trương Hồng Truyền vừa dùng ô vừa dùng gạch “chuẩn bị” (ôi hai từ “chuẩn bị” mới kỳ diệu làm sao) đánh một mình cha chúng là Trương Quế Toàn; sau đó phát hiện được là Trương Quế Ngọc “đang đè lên người Trương Tư Nghĩa, nên Trương Gia chí “liền hướng về” (ba chữ “liền hướng về” cũng phải tốn bao tâm huyết) Trương Quế Ngọc hạ thủ; còn hung thủ giết người Trương Lạc Nghĩa đang bị đè dưới đất, chỉ “sau khi đứng dậy” (bốn chữ “sau khi đứng dậy” có thể nói là cũng phải lao tâm khổ tứ) mới gây sự!
Tóm lại, “dẫn đến việc hai bên chửi lẫn nhau”, cầm hung khí trước và động thủ trước không phải là đại biểu thôn dân thì cũng là gia thuộc đại biểu thôn dân, mấy đại biểu thôn dân bị giết ấy hình như là “chết rồi còn may”.
Về việc Trương Tiểu Tùng con trai Trương Quế Ngọc bị thương, “thẩm tra cho thấy rõ” lại càng “có sự thú vị”: “Trương Dư Lương cướp được chiếc gậy gỗ từ trong tay Trương Quế Ngọc, liền đánh Trương Tiểu Tùng một chút”. Hung phạm Trương Dư Lương chẳng qua là chỉ dùng gậy gỗ “đánh” Trương Tiểu Tùng “một chút”, hơn nữa gậy gỗ là do “cướp được” từ tay bố Trương Tiểu Tùng. Nhưng không ai là không biết, “đánh” chỉ có “một chút” của chiếc “gậy gỗ” đó là một vết dao dài 65 mm, sâu 20 mm trên vai phải Trương Tiểu Tùng, và cậu ta phải nằm viện tới 1 tháng mới lành vết thương. Sau này tạp chí “Dân chủ và pháp luật” đã đưa bức ảnh Trương Tiểu Tùng bị chém trọng thương ra mắt độc giả, không cho “bản khởi tố” đó một chút thể diện nào nữa. Viện kiểm sát thành phố Bạng Phụ khởi tố cha con Trương Quế Toàn vì “liên quan đến việc cố ý làm tổn thương dẫn đến tử vong”, về căn bản đã thay đổi tính chất một vụ án giết người đặc biệt lớn. Bởi vì “tội làm tổn thương” là chỉ hành vi làm tổn thương sức khỏe người khác; còn “tội giết người” là hành vi tước đoạt phi pháp tính mệnh của người khác. Mà chỉ cần xem từ sự thực của “giám định pháp ý” do “bản khởi tố” cung cấp có thể thấy việc Trương Hồng Truyền do “vật đâm nhọn, đâm vào ngực bị thương dẫn đến động mạch tim bị đứt, khiến xuất huyết cấp sinh (đáng lẽ là tính - do viết sai - tác giả chú thích) gây ra tử vong”; Trương Quế Ngọc do “vật nhọn đâm bị thương ngực trái, làm cho phổi trái bị thủng khiến xuất huyết lớn cấp tính, gây ra tử vong”. Rõ ràng là, hung thủ đều không trực tiếp đâm vào tim! Còn Trương Tiểu Tùng thoát chết vì cậu ta tránh được nhát dao trực tiếp chém vào đầu, mà nhát dao đó chỉ chém vào vai.
Cái việc gây ra bốn người chết, một người bị thương, tàn nhẫn đến như vậy trước sau không cần đến năm phút, làm sao có thể nói là những hung thủ chỉ làm “hành vi tổn thương đến sức khỏe người khác” được? Theo cái “thẩm tra” này, liệu trong thiên hạ có còn “tội giết người” nữa không?
Tiếng thét khiến người ta sởn tóc gáy vào cái buổi sáng ẩm ướt ấy của Trương Quế Toàn, khiến những người mục kích tại hiện trường đều mãi mãi không thể quên: “giết hết cho tao! Mười hai đại biểu muốn tính sổ tao đều giết hết!” Đó là tiếng kêu gào thú tính mà “bản khởi tố” không được để sót, hoặc không dám nhìn thẳng vào.
Điều càng có ý vị châm biếm là: Viện kiểm sát Bạng Phụ đã không dùng “tội giết người” để khởi tố Trương Quế toàn, nhưng sau khi nghe xong bản tuyên án hắn đã ngang nhiên chửi lớn chánh án ngay tại tòa, rêu rao, đợi sau khi con trai hắn ra khỏi trại giam sẽ mang mấy vị quan tòa ra khai đao! Khí thế hung ác của kẻ sát nhân như vậy, không biết mấy quan kiểm sát và quan có quyền kiểm soát ký tên trên “bản khởi tố” có cảm tưởng thế nào?
“Bàn về muối và sắt” (Diêm Thiết Luật) đời Hán đã từng chỉ ra: “trên đời không lo không có pháp luật, mà lo không có pháp luật phải thi hành”. Ý tứ là nói, trong một xã hội đừng lo không có pháp lệnh mà chỉ lo không có pháp lệnh được kiên quyết chấp hành; không có pháp luật, có thể chế định ra, nhưng có pháp luật mà không chấp hành pháp luật thì hậu quả không thể nào tưởng tượng nổi!
Thông thường chúng ta gọi quyền giám sát đôn đốc của pháp luật, ngoài quyền lực của Đảng, chính quyền, quân đội ra, là loại “quyền lực thứ tư” vì nó là lực lượng quan trọng để thực hiện xã hội công bằng và chính nghĩa. Thế nhưng cho đến hôm nay, ở rất nhiều địa phương, quyết định việc thành bại trong tố tụng, thắng bại trong chuyện quan tư, vẫn không phải là sự phải, trái trong vụ án; pháp luật thần thánh không thể làm bẩn, nhưng quyền uy cần phải có của nó lại không thiết lập được; độc lập làm án thường chỉ là một lời hứa viết trên giấy. Giữa cuộc sống của chúng ta và pháp luật còn có một lực lượng lớn mạnh hơn đang phát sinh tác dụng, khiến cho nhiều điều luật vẫn chỉ là nguyện vọng tốt đẹp dụ dỗ người mà thôi.
Để ngăn chặn thôn dân xóm Tiểu Trương lên Bắc Kinh phản ánh, yêu cầu, ga xe lửa Cá Trấn thậm chí còn truy hỏi gay gắt những nông dân mua vé lên Bắc Kinh. Hai nông dân ở ngoại ô, chỉ lên Bắc Kinh thăm thân thích, nhân tiện khám bệnh một thể mà bị từ chối bán vé, hai người kiên trì giải thích, cuối cùng xác nhận không phải là nông dân xứ Đường Nam, lại được xác nhận không phải là đi phản ánh, yêu cầu, mới mua được vé đi.
Phong tỏa rõ ràng là ngu xuẩn, mà cũng có giới hạn; thiên hạ rộng lớn đến thế làm sao cấm nổi. Vụ án giết người phát sinh ở xóm Tiểu Trương, xã Đường Nam, huyện Cá Trấn, cuối cùng đã không cánh mà bay, khiến cho giới truyền thông các nơi chú ý rộng rãi.
Đến hiện trường phỏng vấn đầu tiên vẫn là phóng viên phân xã An Huy của Tân Hoa Xã. Phóng viên Lý Nhân Hổ và Cát Nhân Giang, sau khi phỏng vấn đã viết bản tin “cán bộ thôn Trương Kiều vơ vét đến thế, một loại đóng góp hai loại sổ”. Mặc dù không có câu chữ nào đề cập đến vụ “thảm án xóm Tiểu Trương” tại thôn Trương Kiều, và trong bài viết thậm chí không có lời bàn luận chủ quan của các tác giả, thế nhưng bản tin được truyền phát để đưa tin trong toàn quốc ấy lại như “một đầu bếp tay nghề cao” chỉ chặt một nhát là chia đều tảng thịt, đã bóc trần bối cảnh phát sinh vụ án giết người ở xóm Tiểu Trương ra trước mặt mọi người trong nước. Phong cách trình bày sự việc là để sự thực nói ra.
Gần đây, phóng viên đến phỏng vấn thôn dân xóm Tiểu Trương, thôn Trương Kiều, xã Đường Nam, huyện Cá Trấn, tỉnh An Huy, các thôn dân lũ lượt mang ra phiếu giám sát đôn đốc sự đóng góp của họ và một tờ ghi các con số thu, họ giận dữ nói, đóng góp của thôn dân hôm tôi có hai quyển sổ ghi, một quyển ghi ít, là sổ giả, chuyên dùng để đối phó khi cấp trên kiểm tra; một sổ ghi nhiều, là sổ thật, để chuyên đối phó với quần chúng chúng tôi.
Thôn dân Trương Gia Ngọc lấy từ nhà mình ra phiếu giám sát đôn đốc và tờ ghi của năm 1986 và 1997. Trên phiếu giám sát đôn đốc năm 1996 viết: gia đình Trương Gia Ngọc có năm người, hai lao động, nhận khoán 8.425 m2 đất canh tác, thu nhập ròng bình quân đầu người năm ngoái là 1.246 NDT, thuế, phí năm đó tổng cộng là 660 NDT. “Ba giữ lại, năm tập trung” chiếm 6,1% thu nhập ròng bình quân đầu người. Thế nhưng những khoản giữ lại và phí thực tế nộp lên trên năm đó chiếm 19,8% thu nhập ròng bình quân đầu người, hai con số chênh lệch nhau tới 13,7%. “Ba giữ lại và năm tập trung” ghi trên phiếu giám sát đôn đốc năm 1997 của Trương Gia Ngọc là 414,03 NDT, nhưng thực nộp là 1.510,05 NDT, mà cấu thành cũng không giống năm trước, giữ lại và phí dụng thực và giả lần lượt là 7% và 22,7% của 1.320 NDT thu nhập ròng bình quân đầu người năm trước, hai số liệu này vênh nhau 15,7%.
Tổ thôn dân xóm Tiểu Trương có 142 hộ, 750 nhân khẩu, là một thôn thuần nông, do ở bên bờ sông Hoài và địa thế thấp, bị lụt úng nhiều, đời sống thôn dân khá nghèo. Phóng viên đã đi thăm một số nhà, không phát hiện được ngôi nhà và trang trí nội thất nào ra hồn, nhiều nông hộ ngay TV đen trắng cũng không có, nhưng phần lớn nhà cán bộ thôn đều có tủ lạnh TV màu, có người còn ở nhà lầu, sân lớn. Các thôn dân nói, cán bộ thôn lừa dối trên, đè nén dưới, không công khai tài vụ, ăn nhiều chiếm nhiều.
Điều cần chỉ ra là, giới hạn “đóng góp của nông dân” do Trung ương vạch ra là: “ba giữ lại, năm tập trung” không được phép vượt quá 5% thu nhập ròng bình quân đầu người năm trước, mà ở đây cao tới 19,8%, đã gấp gần 4 lần qui định của nhà nước! Càng nghiêm trọng hơn là, rõ ràng là lừa dối cưỡng đoạt nhưng lại giở mánh khóe, bịt tai trộm chuông, lừa bịp giấu giếm “một loại đóng góp, hai loại sổ”. Qua đó có thể thấy thủ đoạn vô cùng xấu xa.
Tiếp đó phóng viên tờ “Công thương đạo báo” cũng đứng ra, ngọn cờ rõ ràng phát biểu bài viết: “Trương Quế Toàn giết oan bốn người, pháp luật không thể dung tha”. Dưới tiêu đề bài báo đã đặc biệt in thêm một hàng chữ khiến người ta chú ý: “Chưa hết thời gian chịu án, đã được cử làm cán bộ thôn; bụng đầy mưu mô, phản đối kiểm tra sổ sách; giữa ban ngày ban mặt dám điên cuồng hành hung, giết chết 4 đại biểu thôn dân thanh sát sổ sách” có thể nói là điểm đúng huyệt!
Chỉ có một điểm cần đính chính: giết oan đúng là 4 người, nhưng đại biểu thôn dân thanh sát sổ sách chỉ có 3 người, vì Trương Quế Nguyệt chỉ là anh cả đại biểu thôn dân Trương Quế Ngọc thôi.
Tiếp ngay sau đó tờ “Công thương văn hối báo” cũng trên một vị trí nổi bật, đã vạch trần tình hình chân thực “vụ án mạng đặc biệt lớn phát sinh ở Cá Trấn”.
Chân tướng “vụ thảm án xóm Tiểu Trương” bị che giấu chặt chẽ cuối cùng đã bị bật tung. Thần thoại một tay che trời của huyện ủy Cá Trấn và thành ủy Bạng Phụ đã bị phá.
Hai giờ chiều ngày 15 tháng 6 năm đó, 4 phóng viên đài truyền hình Trung ương, dưới nắng hè gay gắt, mang theo máy móc nặng nề, mệt nhọc đi tới xóm Tiểu Trương, xa đường quốc lộ, giao thông còn khá bất tiện. Bọn họ quyết định làm cuộc phỏng vấn riêng này, sau khi bài viết của Tân Hoa Xã truyền đi cả nước. Vào đến thôn, họ bắt đầu phỏng vấn, ghi hình tùy theo thời cơ.
Phóng viên đã đến nhà thôn dân Hoàng Chí Tiên trước, và hỏi: “Đóng góp của ông có nặng hay không?”
Rõ ràng là Hoàng Chí Tiên có suy nghĩ, do dự hồi lâu mới nói: “Đúng là rất nặng”. Sau đó ông đưa ra “phiếu giám sát đôn đốc đóng góp của nông dân” do thôn phát, và một tờ giấy do tổ thôn dân ghi, cho phóng viên xem.
Phóng viên nêu yêu cầu được gặp Trương Gia Ngọc, đại biểu thôn dân, Trương Gia Ngọc đang làm ruộng ngoài đồng được gọi về. Trương Gia Ngọc không chỉ nói đúng sự thực tình hình xóm Tiểu Trương “một loạt đóng góp hai loại sổ” mà còn nói đầu đuôi câu chuyện đại biểu thôn dân vì thanh sát khoản tham ô của phó trưởng thôn Trương Quế Toàn mà bị cha con Trương Quế Toàn giết liền một lúc 4 người và chém bị thương một người.
Sau đó, phóng viên nhờ Trương Quế Ngọc dẫn đường, họ lần lượt phỏng vấn hai đứa con mồ côi của Trương Quế Mao, Trương Hồng Truyền đại biểu thôn dân bị giết.
Cuối cùng phóng viên đề nghị Trương Gia Ngọc dẫn họ đến nhà Trương Điếm Phượng để phỏng vấn vị bí thư chi bộ thôn một chút. Thế nhưng, lúc đó bí thư không có nhà, bọn họ tiện thể quyết định phỏng vấn Trần Vân Hiệp, vợ bí thư. Nhưng không ngờ thái độ Trần Vân Hiệp vô cùng tồi tệ, trước tiên ngăn phóng viên ở ngoài cửa, sau đó đóng cửa lại, rồi vác cuốc bỏ đi. Phóng viên không thèm để ý, sẵn máy trong tay, không thể bỏ qua một cảnh khó có này, họ nhằm thẳng vào lưng bà ta bấm máy, cho đến lúc không thấy nữa mới thôi.
Các phóng viên vừa định rời khỏi thì phát hiện được Trương Điếm Phượng đang dắt xe đạp đi về, từ xa ông ta đã phát hiện một đám thôn dân đang chỉ trỏ mình, lại có người hướng máy quay về phía mình, cảm thấy không ổn, ông ta quay đầu định chạy, nhưng rồi lại nghĩ ra, như thế thì chẳng ra sao, nên đi được mấy bước lại quay lại.
Phóng viên tiến lên hỏi: “Ông là bí thư chi bộ thôn?”
“Phải”.
“Chúng tôi muốn qua ông tìm hiểu một số vấn đề, có được không?”
Rõ ràng là Trương Điếm Phượng đã điều chỉnh được tâm tình: “Được thôi, về nhà nói chuyện”. Ông ta sảng khoái trả lời. Nhưng về đến cửa nhà mới thấy là cửa đã bị khóa, chìa khóa lại bị bà vợ mang đi, nên tỏ ra ngượng nghịu.
Thế là phóng viên tiến hành phỏng vấn ngay ở trước cửa nhà: “Sổ sách của thôn các ông đều công khai chứ?”
Trương Điếm Phượng nói luôn: “Công khai, công khai hết. Kiểm tra hàng ngày, kết toán hàng tháng. Ngày mùng năm hàng tháng yết bảng công bố”.
Phóng viên hỏi: “Bảng công bố dán ở chỗ nào?” “Dán ở cả ba xóm.”
Phóng viên không chịu buông, lại hỏi: “Dán ở nơi nào ông có nhìn thấy không?”
Trương Điếm Phượng ngừng một lát, nói: “Tôi không nhìn thấy, nhưng tôi đều sắp xếp cả”.
Phóng viên lộ ra vẻ khôi hài, đang chuẩn bị hỏi thêm, thì các thôn dân đang vây quanh thấy Trương Điếm Phượng nhắm mắt nói bừa như vậy, đều không nhịn nổi cười ầm lên. Trong tiếng cười không biết có ai lớn tiếng nói: “Bí thư nói bậy!”
Trương Điếm Phượng biến sắc mặt, giận dữ nhìn chằm chằm vào các thôn dân.
Đại biểu thôn dân Trương Gia Ngọc lúc này mới đứng ra, nhìn thẳng vào Trương Điếm Phượng rồi không hề sợ hãi đi đến đầu ống kính máy quay, nói toạc sự tình: “Xóm Tiểu Trương chúng tôi xưa nay chưa hề nhìn thấy một tờ công khai sổ sách nào được dán lên cả”.
Trương Điếm Phượng nghe xong, liền nghiến răng nghiến lợi chỉ vào Trương Gia Ngọc nói: “Cái anh Trương Gia Ngọc kia, anh có còn là đảng viên cộng sản không đấy? Anh không làm tròn nhiệm vụ! Dán bảng mà anh không nhìn thấy, chẳng phải là không làm tròn nhiệm vụ thì là cái gì!”
Theo Trương Điếm Phượng, mỗi đảng viên cộng sản trong thôn đều phải duy trì tính nhất trí cao độ với ông ta vị bí thư thôn, nếu không, là anh không xứng đáng.
Tất cả những điều trên đều được máy quay ghi lại hết.
Ngay trong ngày phóng viên đài truyền hình Trung ương về thôn, mặc dù đã hơn hai giờ đêm, một vị lãnh đạo xã Đường Nam còn gọi điện thoại đến nhà bí thư chi bộ Trương Điếm Phượng, hỏi thăm sau khi phóng viên về thôn đã phỏng vấn những ai? Điều tra những việc gì? Có người nào nói tới việc đại biểu thôn dân quyết toán sổ sách bị giết không?
Như gặp kẻ địch lớn.
Sáng sớm ngày thứ ba, Trương Phong Chí, chủ nhiệm ủy ban thôn nhảy ra chửi bới. Vị chủ nhiệm mù chữ này gào thét trong loa phát thanh của thôn: “Có đảng viên cộng sản cá biệt, đưa mấy phóng viên thối tha đến phỏng vấn, nói những cái chúng tôi làm đều là giả. Tôi thấy có một số quần chúng đang gây rối! Tôi để cho các vị gây rối ở bên dưới cho hay, đội đến lúc kiểm tra ra, không trị các người không được!”
Ông ta điều chỉnh âm lượng lên mức lớn nhất, giọng nói của ông ta càng to, gào lên như rách cả màng nhĩ. Các thôn dân vừa tỉnh giấc, nghe vị thôn trưởng một chữ không biết đang nhe nanh múa vuốt trên loa phát thanh, thật không hiểu nổi xóm Tiểu Trương rốt cuộc là thiên hạ của nhà nào.
Tối ngày 20 tháng 6, đài truyền hình Trung ương đưa vấn đề nông dân xóm Tiểu Trương đóng góp quá nặng ra ánh sáng, gây ảnh hưởng trong phạm vi cả nước.
Dường như chân sau bám chân trước, tờ “Nam phương cuối tuần” đã đăng bài viết dài của phóng viên Chu Cường ở toàn trang đầu: “Năm cha con xưng bá xóm Tiểu Trương, thôn Cá Trấn; Bốn thôn dân kiểm tra sổ sách bị giết, bài viết còn kèm tranh châm biếm và lời bình. Tác giả tranh biếm họa là Phương Đường, vẽ giản đơn nhưng chua cay: nhân vật là một lãnh đạo ủy ban thôn, sau khi cơm no rượu say, vứt chai rượu trên bàn làm việc, ngang ngược dẫm chân lên đầu và thân người một thôn dân đang hoảng sợ cúi đầu vái hắn, còn miệng hắn thì tựa như cái ống khói đang phun mù mịt. Bài viết dẫn lời một nhân vật nổi tiếng ở Viện nghiên cứu phát triển nông thôn thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc: “Chúng ta có một chính phủ trung ương đã ký vào công ước nhân quyền quốc tế, lại đang ở vào thời đại văn minh, sao lại có thể tha thứ thế lực tàn ác”. Ông này còn đề xuất: “Phải kiên quyết chế tài mọi cán bộ thôn vi phạm chính sách của Trung ương và pháp qui nhà nước, điều này là cần thiết, và cũng có hiệu quả nhất định, nhưng đó mới chỉ là biện pháp xử lý phần ngọn, chúng ta phải giải quyết vấn đề về căn bản, tức là cần phải để cho nông dân giàu có lên, để cho nông dân có năng lực tự tổ chức và cho tổ chức của nông dân có địa vị hợp pháp, khiến nông dân có lực lượng chống lại tầng lớp quyền thế ở thôn, xã”.
Trong thời kỳ này, ba phóng viên Trịnh Tổ, Phúc Điện và Thành Viễn ở tạp chí “Dân chủ và pháp chế” cũng từ góc độ riêng “dân chủ” và “pháp chế”, đi sâu vào xóm Tiểu Trương và trên tạp chí số 17 năm đó đã xuất hiện một bài bút ký tả thực. Đầu đề cực kỳ chất phác, thực thà: “Đại biểu thôn dân kiểm tra sổ sách, bị hạ độc thủ”. Điều khiến ba phóng viên này hết sức kinh ngạc, không hiểu là, cho đến lúc họ tới phỏng vấn là hung khí giết người còn dính vết máu mà Trương Lạc Nghĩa đã dùng nhưng hiện đang bỏ trốn, vẫn yên lặng nằm trong ngăn kéo văn phòng làm việc của bệnh xá thôn, không có ai hỏi tới. Chính họ là những người đã chụp ảnh vật này, đưa ra cho người đọc thấy.
Cùng với việc các loại tân văn truyền thông nối nhau dính líu vào, đặc biệt là sau khi mấy tờ báo, tạp chí rất có ảnh hưởng trong cả nước thay nhau oanh tạc, chân tướng việc đại biểu thôn dân xóm Tiểu Trương vì thi hành quyền lợi dân chủ của mình mà bị giết hại tàn ác mới không che giấu được nữa, sự tình mới dần dần có chuyển biến.
Việc đầu tiên người ta nhìn thấy là ủy ban xã Đường Nam cử người tới đưa hai đứa con mồ côi của Trương Hồng Truyền vào nhà dưỡng lão trong xã.
Tiếp đó, vào tết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm âm lịch năm đó, ủy ban huyện Cá Trấn đã thu xếp để cấp cho gia đình mấy người bị hại 100 NDT, tiền thăm hỏi.
Vào lúc bận rộn thu hoạch vụ mùa, có mấy đồng chí ở cơ quan huyện ủy Cá Trấn, không kêu nắng, không nói mệt, giúp gia đình mấy hộ bị hại gặt lúa mì. Họ làm việc từ sáng sớm đến hơn một giờ chiều, không ăn của nông dân một miếng cơm, không uống của nông dân một miếng nước. Điều đó ít nhiều đã làm cho gia thuộc người bị nạn cảm nhận được chút tình ấm áp của Đảng và Chính phủ.
Ngày 8 tháng 9 năm 1998, tòa án cao cấp tỉnh An Huy đã tuyên bố quyết định xử chung thẩm cha con Trương Quế Toàn. Những “sự thực” trong “thẩm tra thấy rõ” của “bản quyết định” chung thẩm, thực ra không có bao nhiêu thay đổi so với “sự thực trong “thẩm tra thấy rõ” của “bản khởi tố” của Viện kiểm sát thành phố Bạng Phụ lúc đầu. Điều này làm cho thôn dân xóm Tiểu Trương, một lần nữa lại nảy sinh thất vọng đối với pháp chế của Trung Quốc.
Thế nhưng có một điều nên khẳng định, đó là cuối cùng tòa án tối cao tỉnh đã quyết định, cha con Trương Quế Toàn “không tồn tại vấn đề tự vệ”, cũng không phải là “tội làm tổn thương (đến chết) người”; mà các hành vi của “Trương Quế Toàn, Trương gia Chí, Trương Siêu Vỹ, Trương Dư Lương đều đã cấu thành tội cố ý giết người; “cố ý chủ quan giết người đã rõ ràng, lý do không cố ý giết người không có căn cứ sự thực, không thể tin”.
Điều này làm cho 87 hộ nông dân đã hoàn toàn thất vọng, cuối cùng cảm thấy được một chút an ủi.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 976

Return to top