9. Ở nơi Bá vương vĩnh biệt Ngu Cơ Huyện Linh Bích, tỉnh An Huy là đất cũ Cai Hạ, nơi Sở Hán đánh nhau. Hai ngàn một trăm chín mươi năm trước, Lưu Bang và Hàn Tín tập trung bốn mươi vạn quân vây chặt mười vạn người ngựa của Hạng Vũ tại đây đến mức cái kim cắm không lọt, vẩy nước không vào, cuối cùng lương hết cứu viện không có, đêm đêm lại có thể nghe bài hát Sở từ bốn phía, rồi diễn ra bài ca tuyệt đẹp ngàn năm: Bá vương vĩnh biệt Ngu Cơ.
Ngần ấy năm rồi, mảnh đất cằn cỗi nghèo nàn đó, sau khi xảy ra màn lịch sử kinh động trời đất ấy đã trở nên yên ổn, vắng vẻ, bình tĩnh đến mức dường như thời gian ở nơi đây đã ngừng trôi hoặc ngưng đọng lại. Thế nhưng, ngày 5 tháng 10 năm 1997, đã được định trước là một ngày khiến người Cai Hạ khó quên. Ngày hôm đó, mặt trời giữa trưa vẫn như mọi ngày sáng trên bầu trời, nhưng sự vắng lặng muôn đời không đổi ấy đã bị tiếng bánh xe cuồn cuộn lăn mạnh nghiến nát.
Một đội ngũ vũ trang đầy đủ, uy phong lẫm liệt xuất phát từ huyện thành Linh Bích, một đoàn ô tô cảnh sát, ô tô du lịch, ô tô tải và cả ô tô cứu hỏa, trên xe ngoài công an và cảnh sát vũ trang còn có các quan chức đảng, chính phủ của các cơ quan huyện, trấn với đủ loại sắc phục khác nhau.
Sự uy nghiêm và tráng quan của cảnh tượng đó là điều hiếm thấy ở huyện này nhiều năm rồi.
Trên đường đi, còi xe cảnh sát rú từng hồi, ánh sáng lạnh của các loại súng lấp lánh; khi đi vào con đường đất xứ quê, bụi đất bốc lên mù trời.
Trăm họ hai bên đường thấy trận thế đó hoảng sợ ẩn trốn; những con mắt nấp sau cánh cửa các ngôi nhà nông thôn, kinh ngạc đếm từng chiếc ô tô: có tới ba mươi hai chiếc các loại và số nhân viên đông tới hơn hai trăm người.
Sau khi đội ngũ đến trấn Phùng Miếu đã chuyển theo hướng Đông-Nam, đến nơi cách làng khoảng mười cây số, thì các chiến sĩ cảnh sát vũ trang mang súng nhảy khỏi ô tô trước, rồi phong tỏa mọi con đường ra vào thôn Đại Cao. Tiếp đó Hầu Triều Kiệt, bí thư trấn Phùng Miếu cử người gọi Trần Nhất Văn bí thư và Cao Học Vân chủ nhiệm thôn Đại Cao tới, do hai người dẫn các nhân viên công an mang súng có đạn, dùng tốc độ sét đánh không kịp che tai tiến vào Tây Tổ.
Toàn bộ cuộc “chiến đấu” tiến hành thuận lợi không ngờ. Có thể nói là không tốn một viên đạn, chỉ sau mười lăm phút là thu được thắng lớn!
Lúc đó đang là giờ ăn trưa, thôn dân Tây Tổ, thôn Đại Cao, về căn bản không hề có chút chuẩn bị tâm lý nào, phần lớn phụ nữ đang bận rộn nơi bếp núc; các lực điền thì vừa từ đồng ruộng về, nhiều người còn lưng trần, chân lấm bùn đất. Khi nhân viên công an xông tới trước mặt, người nào người ấy đều đứng đờ ra.
Đối mặt với các thôn dân nam nữ trong tay không có tấc sắt hoàn toàn không có năng lực chống cự, các sĩ quan và chiến sĩ tham chiến vũ trang đầy đủ ấy nhiều ít đều cảm thấy bất ngờ đồng thời cũng có mấy phần thất vọng.
“Chiến quả” lại vô cùng khả quan: ở Tây Tổ, ngoài những người may mắn ra đồng chưa về, lên trấn làm thuê, hoặc làm thuê lâu dài ở ngoại tỉnh ra, mọi phần tử hiềm nghi đang có mặt tại thôn lúc đó, không lọt lưới một người.
Thôn Đại Cao ở Tây Tổ, chỉ có một trăm dân, mà hôm đó bị bắt đi năm mươi mốt người, Trong đó có một em bé ba tuổi bị bắt cùng với mẹ, nếu thêm em bé ba tuổi đó, số người bị bắt trong lần vây quét này phải là năm mươi hai người.
Đó là “sự kiện thôn Đại Cao” từng chấn động 6 huyện với mấy triệu dân thuộc hai tỉnh Giang Tô và An Huy.
Chính vào thời gian huyện Linh Bích xảy ra “sự kiện thôn Đại Cao”, các tạp chí “Động Hướng” và “Tranh Minh” của Hồng Kông đã lần lượt dùng đầu đề “bạo loạn của nông dân mở rộng tới chín tỉnh, khu” và “năm mươi vạn nông dân 4 tỉnh đấu tranh”, rêu rao đến điên cuồng thấy nông thôn Trung Quốc đại lục xảy ra “động loạn, hỗn loạn, bạo động”, thậm chí đã “bùng nổ xung đột vũ trang”. Điều này rõ ràng là không có căn cứ. Tất nhiên, trong khi phỏng vấn chúng tôi cũng chú ý thấy, văn phòng Trung ương đảng và văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc đã nhiều liên hiệp ra thông tri, nghiêm khắc chỉ ra: không ít lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương của chúng ta, không những không thể xử lý chính xác một số tình hình mới và vấn đề mới hiện đang xuất hiện trong nông thôn, ngược lại còn tùy tiện điều động công an, cảnh sát vũ trang và dân quân, làm mâu thuẫn gay gắt lên.
“Sự kiện thôn Đại Cao” lúc đó, có thể nói là kinh động lớn, được coi là “Sự kiện chống thuế bạo lực”, thế nhưng, đừng nói phần lớn phụ nữ Tây Tổ thôn Đại Cao đang bận rộn làm cơm, đàn ông còn lưng trần chân lấm bùn đang hóng mát, không hề có chống đối bạo lực xuất hiện trong tưởng tượng, thậm chí khi nghe thấy còi cảnh sát, thấy cảnh sát vũ trang tiến vào thôn rồi, trong lòng mọi người rất vui sướng, còn cho là ngành công an cấp trên đến để bắt Cao Học Văn, chủ nhiệm thôn của họ.
Bởi vì cái gọi là “sự kiện thôn Đại Cao” là do Cao Học Văn “chế tạo” ra.
Nói đến Cao Học Văn, không có ai ở thôn Đại Cao là không nghiến răng căm giận. Cao Học Văn được mang biệt hiệu “Cao thọt chân” từ khi làm trưởng một thôn là không biết mình mang họ gì nữa. Bất kể Trung ương đưa xuống bao nhiêu qui định “giảm nhẹ đóng góp”, việc trưng thu thuế phí ở thôn Đại Cao đều phải theo lời nói phát ra từ miệng hắn. Hắn nói anh phải nộp bao nhiêu là phải nộp bấy nhiêu, một chút xíu cũng không cho phép thiếu. Phản đối hắn là phản đối chính quyền nhân dân, là phản đối chính sách của Đảng, là phản đối Giang Trạch Dân hoặc Chu Dung Cơ, là phá hoại tình hình tốt đẹp, phá hoại ổn định đoàn kết, phá hoại cải cách, mở cửa! Chỉ cần hắn không vừa mắt là mở miệng chửi lớn, động tay là đánh. Đánh đấy, chửi đấy nhưng anh vẫn phải nhận sai.
Ngày hôm qua, Cao Học Văn đã lại tung lên một cuộc uy phong.
Thôn dân Cao Dương Thị đã là lớp người già xưa nay hiếm, có thể nói là bậc tiền bối của thôn Đại Cao, là chủ nhiệm ủy ban thôn, Cao Học Văn lẽ ra phải dẫn đầu tôn trọng người già mới đúng, thế nhưng Cao Dương Thị chỉ vặn hỏi Cao Học Văn không nên thu hai lần thuế “đất nhà” của bà cụ, mà hắn đã đánh, chửi còn khám nhà hai mẹ con, đập nát nồi niêu, bát đĩa trong nhà.
Có người tố cáo, Cao Học Văn không những không bị trừng phạt mà hắn còn diễu võ giương oai dẫn cảnh sát vũ trang đến bắt người bừa bãi.
Cao Dương Thị bị bắt đầu tiên. Không chỉ bắt bà cụ, còn bắt người trong nhà và còn bắt cả anh, em, cháu bà cụ đang đến thăm. Tổng cộng, trừ bà cụ đã gần chín mươi đang nằm bẹp trên giường ra, mười người có mặt ở hiện trường bị bắt cả mười.
Cao Dương Thị đã bị đưa lên ô tô cảnh sát, nhưng khi phát hiện được mặt bà cụ hôm qua bị Cao Học Văn đánh còn đang xưng tím, sợ rằng bắt bà cụ đi sẽ có phiền phức khác, nên bà cụ mới được đẩy từ ô tô xuống.
Ở giữa còn một khúc nhạc xen vào, nhỏ nhưng rất hay.
Cao Dương Thị bị đánh, bị khám nhà, không ít thôn dân Tây tổ chịu không nổi, nên có người chạy lên phố huyện gần đó mời thợ ảnh về để ghi lấy chứng cớ, mang lên trấn cãi lý. Điều này cũng là kết quả của việc phổ biến pháp luật trong toàn dân, ngày nay các thôn dân cũng đã có đầu óc pháp luật. Ai ngờ, vị thợ chụp ảnh nữ được mời đến, vừa chụp xong tình trạng thảm thê Cao Dương Thị bị đánh, đang vội vã định chụp cảnh nồi xoong, bát đĩa vỡ nát thì nhân viên công an đã xông tới. Cao Học Văn gầm lên, bắt cả họ hàng Cao Dương Thị còn chưa đã giận, nay lại thấy có người đang “thu thập chứng cứ”, hắn đòi bắt cả vị thợ chụp ảnh nữ này.
Vị chụp ảnh xử này là người đã từng lên huyện, lên tỉnh, đã trải đời, bà ta đâu chịu. Thấy nhân viên công an Linh Bích chưa biết đầu cua tai nheo ra sao đã xông ra định bắt người, bà ta nói: “Các ông có bắt nhầm không đấy, tôi có phải là người huyện Linh Bích của các người đâu”.
Thái độ xem thường, khinh bỉ của người thợ chụp ảnh đã chọc tức một người có mặt ở hiện trường, đó là nhân viên viết hóa đơn của phòng tài chính Phùng Miếu, anh ta hùng hổ bước ra, chỉ vào người thợ chụp ảnh: “Ta nói cho mà biết, dù ngươi có là vợ Giang Trạch Dân, Lý Bằng chăng nữa, ta cũng phải trị ngươi”.
Một lời nói kinh người, lời nói khiến mọi người đều lặng đi.
“Bắt giải đi” nhân viên viết hóa đơn gào lên như không cho phép nghi ngờ.
Người thợ chụp ảnh nữ cũng chẳng phải tay vừa. Bà ta không những không khiếp sợ ngược lại còn tỏ ra khí thế át người hơn đối phương. Thái độ đó rõ ràng là để người ta nhìn thấy, đọ sức với loại người không lớn không nhỏ, không nặng không nhẹ chỉ làm mất thân phận mình. Bà bình tĩnh nói: “Anh đừng có dọa tôi, nói thực cho anh biết, lãnh đạo Trung ương cao quá tôi với không tới, nhưng ở phòng công an huyện Linh Bích có một vị phó trưởng phòng là họ hàng nhà tôi. Không tin, anh có thể đi hỏi”.
Câu nói khiến những người có mặt tại đó im lặng.
Thực ra câu nói của người chụp ảnh nữ đó, có tác dụng đối với các nhân viên công an tại chỗ nhất, khiến họ sáng mắt ra, không thể không đưa mắt nhìn nhau. Câu nói của bà ta đương nhiên không thể tin hoàn toàn, nhưng lại không thể không tin, vì vậy, sau khi đưa bà ta lên xe, bất kể là cảnh sát vũ trang hay công an, cuối cùng khẩu khí và động tác vẫn phải ôn hòa rất nhiều.
Cao Tôn Minh râu bạc ở thôn Đại Cao là người cương cường nổi tiếng, là một ông già giữa đường thấy sự bất bình dám vác dao ra giúp đỡ. Thấy lãnh đạo trấn và công an, cảnh sát vũ trang huy động quân sĩ như thế để bắt bừa bãi người bất hạnh, ông đã đứng ra tại chỗ, chỉ vào bí thư chi bộ và chủ nhiệm thôn đang đi khắp nơi bắt người, ông lớn tiếng vặn hỏi: “Các người còn thấy đè nén dân chúng chưa đủ ư? Có thực muốn bức dân chúng làm phản không?”
Cao Tôn Minh vốn là người bị thôn ghi vào sổ đen, ông không đứng ra thì cũng phải bắt ông, chúng đang đi khắp nơi tìm ông, thế là ông tự chui vào lưới. Không chỉ bắt Cao Tôn Minh, mà còn bắt hai con trai, một con dâu của ông.
Năm mươi hai người bị bắt hôm đó, vừa có người già ngoài bảy mươi tuổi lại vừa có đứa bé vị thành niên; không chỉ có những đảng viên già vào đảng từ trước “cách mạng văn hóa”, thương bệnh binh giải ngũ về thôn, mà còn có hàng loạt phụ nữ…
Thôn dân Tây Tổ thôn Đại Cao nhìn thấy rất rõ: lần bị bắt này, nếu không phải là người dám lên trên phản ánh vấn đề đóng góp của nông dân hoặc ủng hộ việc lên trên phản ánh, yêu cầu thì cũng là người dám nghi ngờ hoặc yêu cầu thanh sát sổ sách của thôn, trấn; hoặc là người bất mãn hoặc hiềm khích với cán bộ thôn, trấn. Tóm lại, bí thư thôn và chủ nhiệm thôn đã mượn ngọn “gió đông” này để một vét hết những “cái đinh trong mắt”, “gai trong thịt” của bọn họ. Tất nhiên vì lần này là hành động liên hợp nhiều “binh chủng”, thời gian gấp rút, không rõ tình hình, nên có cả thôn dân ở thôn khác đến giúp bà con ở Tây Tổ thôn Đại Cao chống hạn, thậm chí có cả hộ công thương cá thể ở huyện khác đến Tây Tổ thôn Đại Cao liên hệ nghiệp vụ, cũng bị bắt luôn. Lại do nhân viên chấp pháp đến từ bộ môn, cơ quan khác nhau, ai bắt được thôn dân nào thì giải đến địa bàn của mình, vì thế đã xuất hiện tình hình một nhà già trẻ lớn bé bị nhét vào những ô tô cảnh sát khác nhau, giải đến các địa phương khác nhau. Khi xe cảnh sát khởi động, trong thôn, ngoài thôn, trên đồng ngoài ruộng, tiếng khóc tiếng kêu, lúc to lúc nhỏ, xé lòng nát ruột. Mấy người già như ngọn đèn trước gió nấp trong nhà không dám cựa quậy, nước mắt đầm đìa, như nhớ lại tình cảnh bọn giặc Nhật vào thôn năm nào. Bọn họ chỉ khác với giặc Nhật ở chỗ không hãm hiếp phụ nữ, không châm lửa đốt nhà, không nói tiếng Nhật.
Thôn dân các nơi bị bắt, không một ai, đều được “vào phòng khách” ngay trong đêm hôm đó, trừ một người là vị chụp ảnh nữ. Sau này qua sự “kiểm tra thân phận” của đồn công an, đã xác nhận bà ta quả có quan hệ họ hàng với một vị phó trưởng phòng, phòng công an huyện Linh Bích, nên được thả ngay trong đêm. Những người còn lại không “nộp máu” không nộp một số lượng tiền phạt nhất định thì đừng hòng được thả. Vì vậy phần lớn thôn dân bị bắt đều nhờ người vay tiền với lợi tức cao không giống nhau, mang thêm món nợ nặng nề, ít thì một ngàn, nhiều thì trên một vạn, thậm chí khuynh gia bại sản, bỏ quê mà đi.
Dương Thụ Liên, cháu họ Cao Dương Thị là người cứng miệng, cho rằng “có lý có thể đi khắp thiên hạ” nên đã nói một số câu khảng khái, sôi sục, kết quả là tiền không thể ít mà xương chân còn bị giày da của công an đá bị thương. Trước đây cậu ta cho rằng trên đời này kẻ xấu chỉ là số ít, nhưng sau khi ra về cậu ta đã thấy cả cái thế giới này đều đen xì.
10. Câu chuyện một ngày một đêm Khi “sự kiện thôn Đại Cao”, cái chậu nước ấy bị khuấy đục lên, và rồi khi được thời gian làm cho lắng đọng, bụi chìm xuống dưới, nước lại trong thấy đáy thì cái mà nó cung cấp cho sự suy ngẫm của chúng ta chỉ là sự cay đắng.
Ngôi nhà của Cao Dương Thị được xây lại trên nền đất nhà cũ của mình vào năm 1990, và không hề lấn chiếm đất canh tác, hơn nữa nền đất ngôi nhà cũ cũng giống như các thôn dân khác được tính vào diện tích canh tác của bà cụ từ lâu, và hàng năm đều nộp các loại thuế, phí không thiếu một xu. Trước khi sự kiện trên xảy ra một năm, tức năm 1996, chủ nhiệm thôn Cao Học Văn tìm đến cửa, bà cụ đã nộp 110 NDT của cái gọi là “thuế nền nhà”. Vì thế buổi sáng ngày 4 tháng 10 năm 1997, khi Cao Học Văn một lần nữa đến nhà thu “thuế nền nhà”, Cao Dương Thị đã ngạc nhiên hỏi: “Chẳng phải tôi đều nộp cả rồi ư?” Vừa nghe nói câu đó, trong lòng Cao Học Văn đã không vui, trừng mắt nhìn Cao Dương thị: “Bảo cụ nộp, cụ phải nộp; bảo cụ nộp bao nhiêu tiền phải nộp bấy nhiêu, nói tầm bậy gì thế!”
Tất nhiên là Cao Dương Thị không phục, muốn làm cho rõ ràng, nên hỏi thêm: “Năm ngoái đã nộp 110 NDT, ông nói thế là xong, vì sao năm nay còn đòi?”
Cao Học Văn càng nghe càng mất bình tĩnh, lớn tiếng hỏi: “Cụ nộp cho ai?”
Thấy chủ nhiệm thôn nói như vậy, Cao Dương Thị nổi giận. Ngày thường, thôn bảo thôn dân nộp cái này, nộp thứ kia, xưa nay chỉ viết vào mảnh giấy, có khi ngay cả mảnh giấy cũng không đưa, nên bà cụ không bằng lòng nói: “Tôi nộp cho ai, ông không biết à?”
Cao Học Văn “xì” một tiếng, lùi liền mấy bước, đưa cặp mắt như nhìn còn vật lạ trong vườn thú lườm bà cụ. Hắn không hề nghĩ là một bà cụ già nua ốm yếu lại dám tỏ thái độ như vậy trước mặt mình, liền khiêu khích hỏi: “Thuế nền nhà cụ có nộp hay không?”
“Không nộp”. Cao Dương Thị tức đến run người lên, gào lên trước Cao Học Văn.
Cao Học Văn không ngờ bà cụ lại ghê gớm thế, hắn hung dữ nói: “Tôi sẽ trị cụ vì “tội chống thuế”!”
Tiếng gào thét của Cao Học Văn đã khiến nhiều thôn dân kéo tới, có người nhân đó chỉ trích Cao Học Văn không nên thu “thuế nền nhà” của gia đình Cao Dương Thị. Thấy các thôn dân mồm năm miệng bảy oán trách mình, Cao Học Văn cảm thấy mất thể diện, hắn trút cơn giận lên người Cao Dương Thị. Hắn nhảy lên nói: “Cụ nói cụ nộp “thuế nền đất” rồi, vậy có chứng cớ không?”
Thấy Cao Học Văn giở trò xỏ lá trước mọi người, trở mặt không nhận là đã nhận tiền Cao Dương Thị tức đỏ cả mặt, xông đến trước Cao Học Văn, chỉ tay gần như chạm cả ngón vào mũi hắn, không thể nhịn được nữa hỏi: “Ông dám thề không?”
Cao Dương Thị chưa nói hết lời, Cao Học Văn đã đấm một cái vào mặt bà cụ. Cú đấm làm bà cụ lảo đảo, suýt ngã lăn xuống đất; mặt bị tím bầm xưng lên.
Các thôn dân lập tức xúm lại, lũ lượt vặn hỏi: “Vì sao ông lại đánh người già?”
Cao Học Văn thẹn quá thành giận nói: “Tôi đánh đấy, thì làm sao? Tôi còn sẽ khám nhà bà ta!”
Nói rồi, hắn như một con sư tử đang cơn giận dữ, hùng hổ đi tới nhà Cao Dương Thị, gặp nồi đập nồi, thấy bát quăng bát, thấy thìa bẻ thìa, điên cuồng đập phá nhà Cao Dương Thị và con trai, chỗ nào cũng thấy mảnh vỡ của sành sứ, sắt thép, giống như vừa bị bọn thổ phỉ cướp phá.
Sau khi trút xong cơn tức, Cao Học Văn làm như không có chuyện gì, nghênh ngang bỏ đi.
Cao Dương Thị uất quá, ngất ngay tại chỗ.
Các thôn dân thấy chủ nhiệm gây ra họa lớn như vậy, chắc là không dám quay lại nữa. Ai ngờ, chỉ không lâu sau, Trịnh Kiến Dân, phó đồn trưởng trấn Phùng Miếu đã dẫn nhân viên công an, tiến vào xóm, đến thẳng nhà Cao Dương Thị. Phó trưởng đồn đẩy cửa bước vào, không nói một câu, đòi bắt người. Không chỉ bắt Cao Dương Thị mà còn bắt cả con trai.
Các thôn dân nghe tin chạy lại, biết là Cao Học Văn đã giở trò với Cao Dương Thị, thế là mỗi người một câu kể lại chân tướng sự việc cho Trịnh Kiến Dân. Nhưng Trịnh Kiến Dân chỉ tin chủ nhiệm thôn, trước những lời giải thích ồn ào của thôn dân, hắn không những không nghe lọt tai, ngược lại còn nổi giận.
“Ai đang bắt người bừa bãi?” Hắn giận dữ hỏi.
“Đó là ông!” Một thôn dân nói.
“Trước tiên phải điều tra đã, rốt cuộc là ai phạm tội!” Lại một thôn dân nữa đùng đùng lên tiếng.
Đúng vậy, mấy năm này, không ít thôn dân Tây Tổ, thôn Đại Cao ra ngoài làm thuê, đã tới không ít thành phố lớn nhỏ trong cả nước, dù có nói thế nào thì cũng đã là thấy được cảnh đời, chí ít cũng hiểu được các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án phải làm án theo pháp luật, làm án phải “lấy sự thực làm căn cứ, lấy pháp luật làm thước đo”, không phân biệt trắng đen mà bắt người bừa bãi là chấp hành pháp luật mà lại vi phạm pháp luật.
Trịnh Kiến Dân khinh thường nhìn các thôn dân đang ồn ào nói năng. Trong con mắt hắn, bọn chân lấm tay bùn chỉ biết múa cuốc, lông tơ còn chưa sạch thì có là cái gì. Đang lúc định nổi cáu thì thấy thôn dân Cao Quảng Hoa từ đám đông bước ra.
Cao Quảng Hoa với lý lẽ đầy đủ chất vấn Trịnh Kiến Dân: “Cao Học Văn thu hai lần “thuế nền nhà” của Cao Dương Thị đã không đúng, lại đánh người, thế là đã sai lại càng sai; tiếp đó còn đập phá nhà người ta, việc này không còn là sai lầm nữa, mà đã là phạm tội. Công an các người chỉ nghe một bên, chỉ tin một bên, chẳng phải là làm tổn thương tinh thần của dân chúng hay sao?”
Cao Quảng Hoa hỏi rất trực tiếp, không để cho đồn trưởng Trịnh đại nhân chút thể diện nào, thậm chí có thể hiểu đó là “gọi nhịp” cho đồn trưởng, trước mặt mọi người, Trịnh Kiến Dân không nhịn được nữa, gọi lớn một cảnh sát:
“Bắt hắn ta cho tôi!”
Viên cảnh sát nhanh chóng xông tới, bắt Cao Quảng Hoa rồi đẩy lên ô tô cảnh sát.
Cao Quảng Hoa ra sức dẫy giụa, kêu lớn: “Các người căn cứ vào điều nào mà bắt tôi?”
Trịnh Kiến Dân nói luôn: “Là căn cứ vào việc anh phạm “tội cản trở công vụ”.
Quần chúng đứng xem bị làm cho tức giận, to tiếng chỉ trích Trịnh Kiến Dân lạm dụng chức quyền bắt người vô tội bừa bãi.
Lúc này Trịnh Kiến Dân liền rút súng ngắn ra, hỏi: “Các người muốn làm gì?”
Hắn không ngừng thay đổi mục tiêu, chỉ vào mấy thôn dân dám chỉ trích hắn tại đó.
Cao Tôn Minh với bộ râu bạc như che kín cả miệng, trước đó chỉ lặng lẽ đứng bên nhìn, thấy như vậy, mới bước ra đi về phía Trịnh Kiến Dân. Ông giận đỏ mặt hỏi: “Ông là công an nhân dân, không điều tra, lại còn không cho người ta nói, rồi lại chĩa súng nhằm vào dân chúng, thử hỏi có còn phép nước nữa hay không?”
Ông đưa đầu về phía nòng súng của Trịnh Kiến Dân, nói: “Có giỏi, thì bắn đi! Nhằm vào đầu mà bắn! Nông dân chúng tôi mặc dù chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng quyết không sợ chết!”
Tiếp đó, ông lại giận dữ nói: “Cái gọi là “cản trở công vụ”, liệu ông bắt hết được không? Còn súng mang ra dọa ai, ông giết hết được không?”
Các thôn dân giận dữ vây quanh, hét: “Bắn đi! Có giỏi ông hãy bắn đi!”
Đừng dại mà làm quần chúng nổi giận. Người ta phát hiện được, khẩu súng trong tay Trịnh Kiến Dân bắt đầu rung rung, không dám chỉ vào mục tiêu cụ thể nào, con mắt giận dữ như bốc khói của hắn nhằm vào Cao Tôn Minh râu bạc một lúc, rồi tự thu súng về.
Mấy thôn dân nhân lúc Trịnh Kiến Dân và nhân viên cảnh sát không chú ý đã nhảy lên ô tô cảnh sát, cứu được Cao Quảng Hoa đang bị nhốt trên đó.
Khi rời khỏi nhà Cao Dương Thị, mặt Trịnh Kiến Dân tím ngắt, không nói câu gì. Sau khi ngồi vào ô tô, mở cửa xe về phía núi. Sau đó chiếc ô tô như con ngựa rừng bị quất mạnh một roi chạy tung bụi mù trời, khi làn bụi tan hết đã không thấy hình bóng chiếc xe đâu nữa.
Đám đông tập trung trước nhà Cao Dương Thị không bảo mà tan, nghĩ đến dáng điệu thảm hại của phó đồn trưởng Trịnh Kiến Dân khi rời khỏi xóm, không ít thôn dân ngả nghiêng cười, thậm chí cười ra nước mắt. Chỉ có Cao Tôn Minh râu bạc không vội ra về, ông cụ đầy lo lắng nói với Cao Dương Thị: “Lũ người này không chịu yên đâu, làm sao họ cam chịu bại trận trước thôn dân? Chắc chắn sẽ kiếm cớ làm to việc này!”
Không ngoài dự đoán của Cao Tôn Minh, sau khi về đồn, Trịnh Kiến Dân đã thêm muối thêm mắm trình bày cảnh ngộ mình vừa gặp với các lãnh đạo khác. Mã Lý, đồn trưởng; Chu Hiền Mẫn, chính trị viên, cũng đều cảm thấy căm phẫn trước việc đã xảy ra.
Bọn họ lập tức báo cáo với những người đứng đầu đảng ủy và ủy ban trấn.
Cách đó không lâu, thôn dân Tây Tổ, thôn Đại Cao phát hiện thấy sau khi tiếng động cơ ô tô tiến vào thôn nổ ầm ầm, từ trên hai chiếc xe, nhảy xuống một đám người. Trong đó không chỉ có Mã Lý, đồn trưởng, Chu Hiền Mẫn, chính trị viên mà còn có phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch ủy ban trấn, cũng như nhiều cán bộ của các bộ môn tài chính, công thương, thuế vụ...
Lúc này đã sắp hoàng hôn, cơ quan trấn cách Tây Tổ, thôn Đại Cao ít ra cũng hơn 10 km, muộn như thế mà có nhiều quan chức lớn của trấn đến thôn, không ít thôn dân lục tục kéo ra xem điều hiếm thấy đó. Những thôn dân hiền lành còn vui vẻ nghĩ rằng, lãnh đạo đồn công an xuống xin lỗi mọi người, buổi chiều phó đồn trưởng Trịnh Kiến Dân không nói đạo lý, không phân biệt đúng sai đã muốn bắt người, còn thô bạo rút súng ra đe dọa thôn dân, trở về chắc đã bị phê bình; còn cho là lãnh đạo trên trấn đã biết việc Cao Học Văn đánh người già, cán bộ thôn sao có thể bừa bãi như vậy, vừa vi phạm kỷ luật vừa vi phạm pháp luật, họ đến chắc để xử lý việc này.
Thế nhưng, mọi người đứng nhìn một lúc đã cảm thấy không phải như vậy. Bởi vì đoàn người ấy sau khi vào xóm đã không xin lỗi ai, và cũng không có dự định muốn tìm hiểu cái gì với thôn dân; và cũng chẳng nghe thấy họ nói một lời công bằng chính đáng, và càng không muốn tìm hiểu những việc phó đồn trưởng Trịnh Kiến Dân đã làm. Thần sắc họ rất kỳ lạ, vừa xem vừa chỉ trỏ, sau một lúc như thế là lặng yên kéo nhau ra ô tô, chuẩn bị về.
Các thôn dân càng xem càng thấy mơ hồ, càng thấy kỳ quặc: “Rốt cuộc, những người này đến đây làm gì?”
Lúc đó, có mấy thôn dân thất vọng chạy theo, tha thiết đề nghị họ xử lý xong việc chủ nhiệm thôn đánh người, khám nhà rồi hãy đi. Mọi người lo là nếu chuyện này gác lại thì coi như xong, sau này Cao Học Văn còn to gan hơn nữa, nói đánh ai là đánh người đó, muốn khám nhà ai là khám nhà đó thì thôn dân còn sống làm sao được?
Thế nhưng, lãnh đạo trấn, lãnh đạo đồn không có ai đáp lời, cúi đầu uốn lưng chui vào ô tô chuẩn bị đi.
Nhưng thôn dân đã ra ngoài làm thuê biết nhiều hiểu rộng hơn, nhìn thấy từng cán bộ không có ai thương xót tình hình bên dưới, lạnh nhạt trước ý dân, trong bụng bắt đầu nổi cơn tức. Họ nghĩ, người đứng đầu trấn, người đứng đầu đồn, chẳng qua cũng chỉ là cán bộ cấp khoa
[1] mà thôi, còn quan lớn huyện chẳng qua cũng chỉ là “quan thất phẩm hạt vừng”, loại cán bộ cấp khoa ấy là cái c... gì! Tôn trọng anh vì anh là lãnh đạo mà thôi.
Lúc này có nông dân cất tiếng nói: “Ăn lương thực do nông dân trồng, mà không vì nông dân làm chút việc chính đáng, sao được coi là “đầy tớ nhân dân””.
Có người dứt khoát chặn ở đầu ô tô, tức giận nói: “Các người muốn đi, chúng tôi cũng không giữ, mà nếu không đi, cũng tôi cũng không đuổi, chỉ yêu cầu là trước khi các vị chưa xử lý việc Cao Học Văn đánh người, khám nhà, nếu muốn đi thì tạm thời đừng lái xe!”
Một vị lãnh đạo trấn không vui nói: “Ông muốn làm gì?”
Thôn dân nói: “Nếu không, chúng tôi còn đến tìm các ông xử lý!”
Thực ra, có thể lý giải được tâm tình nông dân. Mặc dù phương thức biểu đạt của họ, giống như các nông cụ mà họ sử dụng khi lao động ở ruộng đồng, xem ra vừa thô lỗ vừa nguyên thủy, thậm chí có một số còn khá xa văn minh hiện đại, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, trong ngôn ngữ của họ mang đầy khát vọng loại bỏ kẻ bạo ngược, vỗ về dân lành, gửi gắm kỳ vọng rất lớn vào đảng và chính quyền nhân dân.
Thế nhưng, chỉ mấy câu nói đó đã làm một vị lãnh đạo trấn nổi giận tại chỗ. Chỉ thấy người này bỗng vặn người, rồi vung mạnh tay lên cao, dáng điệu này giống như dũng sĩ trước lúc đánh bom, ông ta hét lên một câu rất hào hùng: “Mọi người đều không được về”.
Sau khi vị lãnh đạo đó gào lên, mọi cán bộ có mặt không có người nào có ý kiến khác. Thấy mặt trời sắp lặn mà đường về trấn còn xa, nếu không về thì ở lại làm gì? Nhiều người như thế này, ở lại thì trú vào đâu? Rõ ràng không phải là tức tối với thôn dân mà là tự làm khó dễ cho mình. Thế nhưng chẳng ai thấy lời kêu gọi đó là hoang đường, và cũng không thấy ai tỏ ra bất ngờ, dường như đó là sự hợp lý thiên kinh địa nghĩa, thế là theo tiếng gọi đó, không hẹn mà làm giống nhau, từng tốp hai, ba người đi về phía nhà Cao Học Hoa, chủ nhiệm phụ nữ thôn Đại Cao.
Nhà Cao Học Hoa cách chỗ đỗ ô tô mấy chục mét, thấy các vị đứng đầu trấn về phía nhà mình, chủ nhiệm phụ nữ Cao Học Hoa vội ra đón. Bà ta nhanh chân nhanh tay mời các lãnh đạo vào nhà, kéo bàn kê ghế, mời mọi người ổn định chỗ ngồi, tiếp đó đưa ra bộ bài tu-lơ-khơ, rồi pha chè cho mỗi người, sau đó vào bếp chuẩn bị. Các vị lãnh đạo cũng chẳng coi mình là người ngoài, đều có dáng vẻ “khách đến như về nhà”. Trước tiên theo thứ tự quan chức cao thấp ngồi vào ghế, nói xong đôi câu khách sáo là tiếng quật bài đã vang lên. Người có thể có thể tham gia đánh tu-lơ-khơ chỉ có hạn, nên nhiều người bắt đầu uống chè, tán gẫu, mỗi người một câu nói chuyện gây cười. Một lát sau, nhà Cao Học Hoa đã ồn ào tiếng cười, tiếng nói.
Tất nhiên cũng có người không chen vào được, suy tính tới việc không về trấn được, mất một buổi tối ở đây thật là vô vị, nên đã tranh thủ thời gian trước khi ăn cơm, chắp hai tay vào sau đầu, làm một giấc. Nhưng cũng có người không muốn ngủ, mà cũng chẳng có hứng thú nghe những lời bàn tán xung quanh đám tu-lơ-khơ, nên đã bỏ ra ngoài đi dạo quanh nhà, như có tâm sự gì, trông vô cùng ngán ngẩm.
Các thôn dân đều rất bồn chồn: Nói không về là không về thật. Ngần ấy vị quan lớn, chen vào nhà chủ nhiệm phụ nữ, chẳng phải là làm cho Cao Học Hoa khó xử ư? Chẳng nói đến chuyện có phiền phức hay không và cũng không nói tới chuyện ngủ nữa, ngần ấy cái mồm, lấy gì mà nhét vào? Những người này, có cái gì trên đời là họ chưa ăn đâu, ở nhà Cao Học Hoa liệu họ được “nhắm” món gì đây?
Trước tiên Cao Học Hoa thành thạo làm cho các vị lãnh đạo một loại bánh làm bằng lúa mạch, sau đó đặt một nồi canh giá. Bà ta tin là các vị lãnh đạo mồm quen cao lương mỹ vị rồi, nhưng từ lâu đã quên các món chè thô cơm nhạt của nhà nông, nên lần này có thể thấy hương vị mới.
Thế rồi bánh lúa mạch và canh giá nóng hổi được bưng ra, các vị lãnh đạo bắt đầu ăn tối. Tuy vậy vì sư nhiều cháo ít, ăn chia chưa đủ, không biết ai đã bê tới một hòm mỳ ăn liền, để cùng ăn.
Làm lãnh đạo ngày nay, việc ăn uống đã trở thành gánh nặng, đi dự tiệc là cho thể diện, uống chén rượu là vì quan hệ, trong việc ăn ăn uống uống có nhiều học vấn lắm, vì có ai coi việc ăn là để chống đói đâu? Thế nhưng bữa cơm tối ăn ở nhà chủ nhiệm phụ nữ Cao Học Hoa lại có ý nghĩa nguyên thủy nhất, bởi vì nếu không là vì nhét vào dạ dầy thì việc chiêu đãi ở đẳng cấp này không ai có thể trách được. Đã có người thà chịu đói chứ không chịu ăn những món thô thiển như vậy. Và thế là, trên nền nhà, dưới gậm bàn, thậm chí ở ngoài cửa, chỗ nào cũng thấy đầu mẩu bánh, mầm giá, mì ăn liền mà các vị lãnh đạo vứt xuống.
Tất cả những cái đó đều được các thôn dân vươn đầu vươn cổ nhìn thấy, và cuộc bàn tán mồm năm miệng mười bắt đầu.
Một người nói: “Đã ở lại, không định về, vì sao không hỏi việc Cao Dương Thị bị đánh?”
Một người nói: “Đúng vậy, ban ngày cầm súng, đánh người, đến tối lại chui vào đó đánh tu-lơ-khơ; một năm ba trăm sau mươi nhăm ngày, liệu làm việc được mấy ngày?”
Một người nói tiếp: “Không làm những việc chính đáng, mà chỉ đi đến đâu ăn đến đó, sợ rằng ngoài việc ăn, mang, lấy đi, dọa dẫm quần chúng ra, những người này không biết làm cái gì khác!”
Một người bắt đầu chửi: “Đây là bọn súc sinh không ăn lương thực mà lãng phí lương thực!”
Một giọng nói rất to, không sợ trong nhà nghe thấy: “Người không biết, sẽ cho là hôm nay, lãnh đạo trấn dẫn một đoàn cán bộ, đi sâu điều tra cơ sở Tây Tổ, thôn Đại Cao chúng ta, giúp chúng ta xóa đói giảm nghèo, thực ra là cái .......”
Một giọng khác còn to hơn, hình như nếu không để cho các cán bộ trong nhà nghe thấy thì không hả cơn tức: “Dứt khoát, mang nước đái đến cho bọn này uống!”
Tiếp đó bừng lên trận cười thoải mái.
Các thôn dân coi thường nhất là những cán bộ trấn, thôn bản lĩnh không lớn mà điệu bộ lại không nhỏ. Cho dù những thôn dân này trong tay không có quyền, trong túi không có tiền, lại thường thường bị kỳ thị, thế nhưng mồm là của họ làm sao bịt được, vì vậy họ thường thích dùng sự phát tiết ra, để tâm lý được cân bằng và thoải mái.
Buổi tối hôm đó, các thôn dân đứng ngoài cửa nhà Cao Học Hoa đã người có người không phát biểu cảm tưởng của mình; cán bộ trong nhà hứng thú còn cao vẫn đánh bài, tán gẫu, hoặc yên lặng ngủ, hoặc đi dạo ngoài cửa, nghe được các loại bàn luận của thôn dân rất tức giận, nhưng thôn dân không có hành động quá mức, không có ai chỉ ngón tay vào họ, vì vậy tâm tình những cán bộ này không bị bất kỳ ảnh hưởng gì, trong nhà vẫn ồn ào, tiếng cười thường vang ra.
Đêm đã khuya, thôn dân cảm thấy không còn trò diễn nữa và cũng cảm thấy buồn chán, nên mỗi người tự về nhà mình ngủ. Còn việc các cán bộ làm thế nào để qua được đêm hôm đó, rõ ràng là có ô tô mà không về trấn, ở đây chịu tội làm gì, thì nhiều thôn dân không nghĩ sâu xa và còn cho là tự do của họ. Cũng có thể cuộc sống ở trên trấn quá nhàm chán, xuống bên dưới tìm của mới lạ, giống như thường thấy trên truyền hình, vợ con đầy nhà, nhưng vẫn có anh vẫn muốn ôm con gái nhà người ta. Cái đó gọi là “Cây củ cải và rau cải trắng, mỗi thứ đều có vị đắng đáng yêu riêng”.
Thế nhưng đêm hôm đó, Cao Tôn Minh râu bạc, lật đi lật lại trên giường không ngủ được. Ông cảm thấy sự việc này không thích hợp. Phát triển của sự việc lẽ ra không phải như vậy. Dựa vào kinh nghiệm lâu năm, ông thấy sự việc quá lạ, lạ đến mức không hợp tình hợp lý, trong đó nhất định tiềm ẩn những nguy hiểm đáng sợ. Mặc dù các thôn dân không ai cưỡng bức họ làm cái gì, nhưng người đứng đầu trấn đều tự ở lại không về, và việc họ bị “vây hãm” suốt cả đêm cũng là sự thực, trở về báo cáo lên trên là thôn dân đã “phi pháp giam lỏng các cán bộ đảng, chính, tư pháp lâu tới hơn 10 tiếng đồng hồ” là việc hoàn toàn có thể.
Ông đau xót than thở, nông dân Trung Quốc quá thiện lương, bất cứ việc gì, nói chung đều suy nghĩ theo phía mình yêu thích; đồng thời lại quá khoan dung, mọi cái đều có thể im lặng thừa nhận. Loại bỏ cái miệng cứng cỏi đi rồi, thì những cái còn lại phải đối mặt với bất kỳ lực lượng nào trên xã hội, đều không chịu nổi một đòn.
Sáng hôm sau, khi mặt trời giống như mọi ngày nhô lên từ cánh đồng phía đông, khi những ánh vàng rực rỡ đến chói mắt chiếu lên các nóc ngôi nhà quê mùa của Tây Tổ, thôn Đại Cao, ngoài Cao Tôn Minh râu bạc ra, không ai có thể nghĩ là cái ngày 15 tháng 10 năm 1997 ấy là một ngày đen tối, một ngày bị áp bức và lăng nhục, một ngày hoạn nạn nặng như núi Thái Sơn đè xuống.
Sáng sớm ngày hôm đó, Chu Hiền Mẫn, chính trị viên đồn công an trấn Phùng Miếu ra khỏi nhà Cao Học Hoa, tuy biết rõ là hai chiếc ô tô từ trấn về, đỗ tại một nơi cách đó không xa, nhưng ông ta vẫn chịu ngồi trên chiếc máy kéo do con trai chủ nhiệm phụ nữ Cao Học Hoa lái, một mình lặng lẽ về trấn.
Chu Hiền Mẫn một mình thần bí rời khỏi Tây Tổ thôn Đại Cao, không ai có thể nghĩ rằng đó là một âm mưu vô cùng kinh tởm. Tất nhiên không có một thôn dân nào biết được, Chu Hiền Mẫn đã báo cáo với Hầu Triều Kiệt, bí thư đảng ủy ở lại cơ quan hôm đó, câu chuyện phát sinh ở thôn Đại Cao như thế nào; và cũng không biết, Hầu Triều Kiệt đã báo cáo công tác với huyện ủy Linh Bích như thế nào; lại càng không thể biết được, huyện ủy Linh Bích đã báo cáo những gì với địa ủy Túc Huyện. Những chi tiết vô cùng quan trọng ấy, trong một thời kỳ lịch sử tương đối, không có ai vui lòng chủ động giải mã, bởi vì điều này liên quan đến thành tích, vinh dự hoặc sai lầm và trách nhiệm của một số lãnh đạo. Thế nhưng hậu quả lại vô cùng rõ ràng, đó là sự xuất hiện một cuộc càn quét lớn khó thể quên, với “ngựa xe như nước, khí thế nuốt sơn hà”, bụi cát mù trời như đã miêu tả ở đầu chương này.
11. Ông cụ râu bạc và anh chàng mặt đỏ Cao Tôn Minh râu bạc, đột ngột mất tích.
Sau này, các thôn dân mới biết Cao Tôn Minh bị đồn công an bắt. Sau khi ông cụ được thả ra, thôn dân Tây Tổ thôn Đại Cao mới phát hiện rằng trong chốc lát Cao Tôn Minh đã biến thành một người khác. Ông cụ trở nên trầm ngâm, ít nói, thường tự ngồi buồn ở nhà. Có người nói ông cụ tức quá thổ ra máu, nên ở nhà dưỡng bệnh; có người nói ông cụ chẳng có bệnh gì cả, chỉ là tâm bệnh thôi, ông tố cáo đả đảo những cán bộ liên quan đến việc chế tạo ra “sự kiện thôn Đại Cao”, thề không làm người, ông cụ ẩn ở nhà là để viết đơn tố cáo.
Thế nhưng, có một hôm lại không thấy ông cụ nữa.
Sau một thời gian, có người nói đã gặp ông cụ ở huyện Linh Bích, mà suýt nữa thì không nhận ra, đầu tóc ông cụ rối bù, bẩn thỉu như một người nghèo khó đến bước đường cùng. Ông cụ kéo một cái xe ba gác nhỏ, dọc theo đường phố nhặt vỏ hộp, giấy vụn. Có lúc còn chực ở cửa hàng, quán ăn như một người ăn xin, xin ăn.
Không lâu sau, ông cụ lại biến mất ở thành phố huyện Linh Bích.
Mãi đến lúc Cao Tôn Minh lại xuất hiện ở Tây Tổ thôn Đại Cao, các thôn dân mới biết, ông cụ đã lên Bắc Kinh một chuyến. Ông cụ nhặt nhạnh vỏ hộp, giấy vụn, đi ăn xin là để tích góp lộ phí. Ông cụ nói với mọi người, đã đưa được thư tố cáo đến Văn phòng tiếp đón những người đến phản ánh yêu cầu của Quốc Vụ viện, tố cáo những hành vi phi pháp đổi trắng thay đen, bắt bừa bãi người vô tội của lãnh đạo có liên quan của trấn Phùng Miếu và huyện Linh Bích.
Ông cụ muốn lật đổ mọi nhận định không đúng của cái gọi là “bạo lực chống thuế” áp đặt lên đầu các thôn dân Tây Tổ thôn Đại Cao. Tất nhiên, ông cụ không thể xem được tạp chí “Động hướng” và “Tranh Minh” của Hồng Công, nếu không, ông cụ sẽ có lý do để chất vấn: một số cán bộ lãnh đạo cộng sản nào đó của huyện Linh Bích và trấn Phùng Miếu, đã phân tích và phán đoán sự tình, vì sao họ lại giống hệt như một số người thù địch chính quyền nhân dân?
Lần đi ra ngoài này của Cao Tôn Minh, coi như là đã mở mang tầm nhìn, thì ra số người lên phản ánh, yêu cầu về vấn đề nông dân đóng góp quá nặng và sự hủ bại của cán bộ thôn trấn, ở huyện Linh Bích không chỉ có một mình ông cụ. Trần Nhất Bảo, nông dân trấn Cối Câu, do để lộ tin mình lên Bắc Kinh kiện, mà chỉ ngồi xe mới đến xã Đại Lộ, chưa ra khỏi huyện Linh Bích đã bị người chặn lại, bắt xuống xe; tòa án huyện không thể định tội ông, nhưng vẫn bị cơ quan công an bắt phải làm ba năm nghĩa vụ lao động; Doãn Quế Mai xã Đại Miếu, dù là một nữ đồng chí, đã phấn đấu quên mình đi lên Bắc Kinh tố cáo với Trung ương nhiều lần vượt qua không biết bao nhiêu cản trở lên được Bắc Kinh, khiến Cao Tôn Minh rất kính phục.
Lần đó, Cao Tôn Minh cùng Doãn Quế Mai được đồng chí ở huyện ủy Linh Bích được gọi lên Bắc Kinh đón về An huy. Thời gian ở Bắc Kinh, đồng chí được huyện ủy cử đi đón nói rất hay, hứa là sau khi về Linh Bích, nhất định sẽ xử lý tốt các vấn đề mà họ phản ảnh. Thế nhưng vừa đến Linh Bích, ngay trong đêm đã đưa họ vào trại giam, nhốt đúng mười lăm ngày.
Cao Tôn Minh không phục, sau đó ông cụ lại lên Bắc Kinh một lần nữa.
Khi trở về Tây Tổ thôn Đại Cao ông cụ đã là người vừa già vừa ủ rũ. Hai lần lưu lạc cùng khốn đường dài, xương cốt ông cụ như rã rời, lại mắc thêm bệnh ho, bây giờ cứ đi mấy bước là phải dừng lại thở một lúc. Cứ nghĩ đến việc không làm thế nào để lãnh đạo Trung ương hiểu được chân tướng của “sự kiện thôn Đại Cao”, cụ lại giận mình vì sức khỏe suy yếu, sợ rằng kiếp này đời này không còn cơ hội lên kiện ở Bắc Kinh nữa. Nhiều lúc ông cụ nằm im trên giường mắt nhìn chằm chằm vào xà nhà, thở dài liên tục.
Ngày hôm ấy, không khí nặng nề tĩnh mịch trong nhà Cao Tôn Minh đã bị xua tan, có một anh chàng mặt đỏ đẩy cửa tiến vào, ông ta là Trương Kế Đông thôn dân thôn Đổng Lưu thuộc cùng một trấn.
Nghe nói ông cụ râu bạc, ốm nằm tại nhà, Trương Kế Đông đến thăm riêng ông già quật cường đó. Trương kế Đông cũng là một anh chàng quật cường nổi tiếng xa gần ở trấn Phùng Miếu, là một nông dân dám nói lời nói thực và có văn hóa. Nói tới có văn hóa, ông được coi là người có văn hóa trong các nông dân vác cuốc ở trấn Phùng Miếu. Trước “cách mạng văn hóa” ông đã thi đỗ vào khoa thú y, phân viện Phụng Dương thuộc Học viện nông nghiệp An Huy, vì chưa học được bao lâu, cuộc “cách mạng văn hóa” đã cuốn tới, nên không học văn hóa nữa và trong phong trào “cách mạng”, nhà trường cũng không tồn tại nữa, năm 1968, khi tốt nghiệp được coi là học sinh trung cấp chuyên nghiệp, “ở đâu đến thì phân về đó” nên được phân công về trấn Phùng Miếu bây giờ, trước làm thú y, sau lại làm công nhân thực phẩm mấy năm, cuối cùng do trạm thực phẩm kinh doanh không tốt, không phát nổi tiền lương, nên năm 1988 về trấn Đổng Lưu làm ruộng.
Trương Kế Đông đến nhà thăm hỏi đã làm Cao Tôn Minh vô cùng cảm kích. Ông cụ vội vàng lổm ngổm bò từ giường dậy, do nhổm dậy quá mạnh, nên chưa kịp nói câu gì đã ho rũ rượi một hồi.
Ở Phùng Miếu, Trương Kế Đông là một người lên trên phản ánh, yêu cầu, “lên” tới mức nổi tiếng. Khi còn đi học ở trường, ông đã là tay múa văn cợt chữ, từng viết truyện, viết tản văn, còn sáng tác kịch bản; sau khi về Linh Bích là một phần tử sôi nổi trong các tác gia nông dân của huyện. Mấy năm trước, đóng góp của nông dân thôn Đổng Lưu quá nặng, quan hệ cán bộ, quần chúng rất căng thẳng, ông đã nghiêm túc làm một cuộc điều tra xã hội, phơi bày một số vấn đề của Phùng Miếu, viết thành một bản “vạn ngôn thư” vừa có ví dụ cụ thể vừa có phân tích, rồi gửi lên Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bản thân ông cũng không nghĩ là, bản báo cáo điều tra của ông, đã được Quốc hội trích đăng trong một tờ tin ngắn nội bộ.
Thế nhưng chưa kịp thưởng thức mùi vị của niềm vui phấn khởi, Trương Kế Đông đã bị lâm vào một tình huống khó khăn, vô cùng hiểm ác.
Điều làm ông đau khổ, không phải là cảnh ngộ của mình mà là một số vấn đề mà ông phản ảnh, không những không được giải quyết, mà ngược lại nhiều vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn so với trước.
Ở đây không nói “sự kiện thôn Đại Cao”, mà một ngày sau khi sự kiện này phát sinh, trên đường lên trấn, Trương Kế Đông đã nhìn thấy một việc, khiến ông không thể không lòng đầy căm giận.
Hôm đó, ông đang đi trên đường, bỗng đột ngột nghe thấy tiếng hò hét, quay đầu lại nhìn, thấy Trương Đăng Vỹ thôn dân cùng thôn Đổng Lưu đang hổn hển cắm đầu chạy; theo sát đằng sau anh ta là Vương Hòa Bình thuộc văn phòng tổng hợp trấn. Vương Hòa Bình tay cầm súng, theo sát không tha, vừa chạy vừa thét: “Đứng lại! Đứng lại! Còn chạy nữa, tôi sẽ nổ súng đấy!”
Trương Kế Đông vô cùng kỳ lạ: người đứng đầu văn phòng tổng hợp trấn, vừa không phải là “công an”, lại không phải là “kiểm sát”, càng không phải là “cảnh sát pháp luật”, ba cơ quan công an, kiểm sát, pháp luật, chẳng thuộc cơ quan nào, chỉ là một cán bộ xã, trấn nói chung, rất bình thường, làm sao lại có thể được “cấp” súng? Cho dù được cấp súng, liệu anh ta có thể tùy tiện rút ra dọa người không?
Hiện nay, có cán bộ xã trấn có một chút quyền lực đã quá chú ý đến hình tượng của mình, và cũng đã không coi pháp luật ra gì!
Hôm đó đúng là ngày phiên chợ, người từ các xóm các thôn kéo đi như nước, Vương Hòa Bình moi súng ra vừa đuổi theo vừa hét, đã làm giật mình hàng trăm hàng ngàn người. Mọi người đều đứng đờ ra ngắm cảnh truy đuổi đó.
Sau này Trương Kế Đông mới nghe nói, ngày hôm đó Vương Hòa Bình dẫn đội viên liên phòng trên trấn đến thôn Đổng Lưu, buộc các thôn dân nộp “thuế đầu người”. Trương Đăng Vỹ, một con người cương trực chỉ nói mấy câu, thu “thuế đầu người” bừa bãi là vi phạm pháp luật là Vương Hòa Bình đã nổi giận, nhất định đòi bắt anh ta.
Trương Kế Đông vô cùng bất bình trước sự việc này. Một hôm, tại trụ sở ủy ban trấn, trước mặt Lý Trường Châu, chủ tịch hội đồng nhân dân trấn, ông đã hỏi Vương Hòa Bình: “Vì sao các vị không hề làm thủ tục gì mà động một tý là bắt, đánh, phạt nông dân như thế có hợp pháp không?”
Tự Trương Kế Đông cũng biết, hỏi Vương Hòa Bình, con người như thế về một so vấn đề như vậy là vô cùng “cổ hủ”, thậm chí là “ngu xuẩn”, nhưng ông nhịn không nổi. Điều này không hẳn là cá tính của ông, mà quá nửa là do ông đã đọc sách nhiều mất mấy năm. Ông phát hiện một số nông dân không biết chữ, rõ ràng là ít đau khổ và phiền não hơn ông nhiều.
Ai ngờ câu nói đó của Trương Kế Đông vô cùng linh nghiệm, lời nói vừa dứt, Vương Hòa Bình đã quẳng bút xuống bàn, nghiêm sắc mặt, sẵng giọng hỏi: “Bây giờ bắt anh cũng không cần thủ tục! Tôi đã “tốt nghiệp hệ chính quy khoa luật” rồi!”
Trương Kế Đông đúng là bị dọa đến bật người lên.
Điều này không phải là Trương Kế Đông sợ Vương Hòa Bình, cho dù Vương Hòa Bình thay đổi sắc mặt quá nhanh. Cho dù nói thế nào, một người ở trên trấn dù cúi đầu không thấy, thì ngẩng đầu lên phải thấy, Trương Kế Đông thật không nghĩ là, những điều này lại được nói ra trước mặt vị chủ tịch hội đồng nhân dân trấn, Lý Trường Châu.
Trương Kế Đông cảm thấy một nỗi buồn không sao hiểu nổi. Đảng ủy, chính quyền của chúng ta vì sao lại chỉ chọn những người vừa không hiểu pháp luật, vừa không biết đạo lý, làm những công tác quan trọng như vậy? Đã làm tổn hại lớn hình tượng của đảng và chính quyền.
Ông sợ nẩy người lên vì còn một tầng nguyên nhân nữa, đó là Vương Hòa Bình nói khoác không biết xấu hổ rằng mình đã “tốt nghiệp hệ chính quy khoa luật!”
Ông hỏi vặn lại Vương Hòa Bình: “Tôi không tin quyền lực các anh lớn hơn pháp luật!”
Vương Hòa Bình dùng giọng nói biết tỏng sự đời dậy dỗ người khác: “Anh thật tin những điều nói trên ti-vi, đài phát thanh báo chí, muốn thực hiện cái pháp trị gì đó ở Trung Quốc à? Đừng ấu trĩ như vậy. Chánh án địa phương có thể trị tội tổng thống Mỹ, nhưng đó là nước ngoài; Trung Quốc đang còn là nhân trị! Vẫn là tôi-trị-anh”.
Thấy hai người, Trương Kế Đông và Vương Hòa Bình giận dữ cãi nhau, không ai nhường ai, Lý Trường Châu vội khuyên can: “Ông Trương nghe tôi nói đây, tôi không cần ông tin hay không tin, chủ nhiệm Vương nói đúng đấy. Nói ví dụ, ông giết người, khẳng định là phải đền mạng, còn nếu như tôi giết người ư, thì không nhất định đâu. Đừng lý sự cứng nhắc, ôm rơm rặm bụng, chỉ vô bổ. Tôi khuyên ông từ nay trở đi nên chú ý một chút, hiện thực một chút. Vì ông và Cao Tôn Minh là bè bạn, còn tôi và Cao Tôn Minh là thân thuộc, có cái tầng nấc quan hệ đó, nếu không, tôi không nói với ông thế này đâu!”
Một cuộc tranh cãi tưởng như không thể kết thúc được, nhờ có Lý Trường Châu khuyên giải mà dẹp yên. Trương Kế Đông cũng biết Lý Trường Châu nói như vậy hoàn toàn xuất phát từ ý tốt, nhưng rất nhiều quan điểm trong những lời nói đó, ông không thể chấp nhận được.
Chính là do không thay đổi được bẩm tính “lý sự cứng nhắc”, “thích ôm rơm rặm bụng” ấy nên khi nghe nói ông râu bạc nhiều lần lên trên phản ánh, yêu cầu bị cản trở, hiện đang ốm nằm nhà, Trương Kế Đông không đừng được phải đến thăm.
Hai người bàn đến chỗ xúc động, càng sôi nổi.
Khi đề cập đến nguyên nhân gây ra “sự kiện thôn Đại Cao”, đề cập tới cảnh ngộ bất hạnh của Cao Dương Thị mà xã hội cũ cũng chưa có, đề cập tới Cao Học Văn, tên đầu sỏ tội ác, cũng như những việc làm trong sự kiện này của những người lãnh đạo trấn và phụ trách đồn công an, hai người đều cảm thấy lo lắng sâu sắc.
Cái chân thọt của Cao Học Văn là bị xe ngựa của đội sản xuất chẹt, từ hồi còn công xã nhân dân, thọt đã mấy chục năm, dân chúng trong làng, xóm gần đó, không ai là không biết, mọi người đã gọi hắn là “Cao thọt chân” từ lâu, thế mà cái việc mà ai cũng biết đó, trong “sự kiện thôn Đại Cao” lại trở nên chứng cứ quan trọng của thôn dân “bạo lực chống thuế!” Trịnh Kiến Dân phó đồn trưởng không điều tra đã đi bắt người; ai đứng ra tranh luận, là rút súng ra nhằm vào người đó; lãnh đạo trấn lại chỉ nghe chỉ tin thiên lệch, thậm chí còn mượn cớ thổi phồng, diễn ra trò hề bị “giam lỏng”, còn lãnh đạo huyện thì lại nghe gió tưởng là mưa, thế là một vụ án oan, án giả, án sai nghe tới mà sởn cả gáy, xảy ra đầu tiên trong lịch sử huyện Linh Bích không ai có thể tưởng tượng nổi.
Nhưng ấp ủ để tạo ra sự kiện này có nguyên nhân ở tầng nấc sâu xa, quyết không đơn giản như thế. Đối với nhiều cán bộ mà nói, không thể chỉ viết một câu kiểm thảo “đã phạm chủ nghĩa quan liêu” qua loa tắc trách là xong.
“Sự kiện thôn Đại Cao” giống như một tảng đá lớn đè lên tim Cao Tôn Minh, cũng đè đến mức Trương Kế Đông không thở được. Trương Kế Đông tỉnh táo ý thức được rằng, việc thôn Đại Cao, nếu không làm ra phải trái minh bạch thì bi kịch giống như thôn Đại Cao bất cứ lúc nào cũng có thể lại diễn ra ở bất cứ nơi nào trong trấn Phùng Miếu.
Thấy Cao Tôn Minh ốm nặng đến như vậy, Trương Kế Đông cảm thấy mình có trách nhiệm xã hội không thể từ chối - tiếp nhận cái gánh nặng mà Cao Tôn Minh khó có thể gánh nổi nữa, tức là phải kêu cho bằng được, kêu lên tận trên những oan khuất của thôn dân Tây Tổ thôn Đại Cao.
Sự kiện Trương Kế Đông đến thăm Cao Tôn Minh đã nhanh chóng làm giật mình đảng ủy và ủy ban trấn Phùng Miếu. Hầu Triều Kiệt, bí thư đảng ủy, Trương Kỳ Vũ phó trấn trưởng thôn tự đến thôn Đổng Lưu vào nhà cảnh cáo Trương Kế Đông. Hầu Triều Kiệt nói toạc ra: “Sự kiện ở thôn Đại Cao, huyện đã xin được phê chuẩn của địa khu. Ngày xảy ra vụ án đã báo cáo lên lãnh đạo tỉnh rồi”.
Những tình hình đó, Trương Kế Đông không biết, nhưng ông tin là đều chân thực cả. Nhưng cái quan trọng của vấn đề là, những báo cáo mà huyện, địa khu, cho đến tỉnh nghe được đều sai sự thực nghiêm trọng, bây giờ quay lại dùng những “phê chuẩn” và “báo cáo” không hiểu biết về tình hình thực để hù dọa người ta, rõ ràng là thiếu sức thuyết phục.
Thấy Trương Kế Đông chuẩn bị tranh luận gì đó, Hầu Triều Kiệt nghiêm túc chỉ ra: “Không cho phép ông quản việc không quan hệ tới mình “sự kiện thôn Đại Cao”, không cho phép ông báo cáo lên trên”.
Tất nhiên Trương Kế Đông hiểu rõ chữ “trên” mà bí thư Hầu nói ở đây, không bao gồm huyện ủy và ủy ban huyện, thậm chí cũng không chỉ địa ủy và ủy ban. Từ trong khẩu khí cứng rắn của đối phương, ông đã nghe được những suy nghĩ và lo lắng của lãnh đạo trấn khi chân tướng “sự kiện Đại Cao” bị bộc lộ.
Ông cười thầm trong bụng: cho dù lãnh đạo địa khu đã phê chuẩn, lãnh đạo tỉnh cũng đã biết, tất cả đều được làm rất đúng, nhưng vì sao lại sợ phản ánh lên trên. Sợ là có mưu đồ đen tối!
Ông thẳng thắn bàn đến nguyên nhân dẫn đến “sự kiện thôn Đại Cao”.
Hầu Triều Kiệt cắt ngay lời ông, không khách sáo nói: “Như thế là ông đã đối lập với chính quyền địa phương! Nếu thật như vậy, đừng trách chúng tôi phải trị ông!”
Cũng có thể Hầu Triều Kiệt cảm thấy nói những lời cứng rắn như vậy không có ích gì cho công việc mà ngược lại có thể làm sự tình bế tắc, nên đã thay đổi khẩu khí: “Đừng nên mang lửa đốt thân mình. Những vấn đề mà ông phản ảnh trước đây, chẳng phải là Quốc hội đã đăng vào Bản tin ngắn ư, chẳng phải là lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã có lời phê yêu cầu điều tra xử lý ư, huyện còn thành lập tổ chuyên án về điều tra hơn một tháng, nhưng kết quả thì thế nào? Cuối cùng có xử lý được ai không? Nói đi nói lại, giả sử lần này ông lại báo việc thôn Đại Cao lên trên, giả sử vạn nhất - tôi nói là vạn nhất, chúng tôi đều bị xúi quẩy, huyện trưởng, chuyên viên
[2] cũng bị liên quan, lại không thể đến lượt ông à?”
Khi chia tay, Hầu Triều Kiệt lại nhắc nhở: “Ông có thể tìm đọc văn kiện của Đại hội 9. Đọc cho kỹ. Xem lúc đó...”
Trương Kế Đông quả thực không hiểu vì sao Hầu Triều Kiệt lại đột ngột nhắc nhở ông phải tìm “Văn kiện của Đại hội 9” để đọc. Những cái đó đều là sự tình của năm nào vậy!
Sau khi Hầu Triều Kiệt đi rồi, Trương Kế Đông đã nghiêm túc suy nghĩ về “sự kiện thôn Đại Cao”, đúng là ông đã cảm thấy một cách vô cùng cụ thể những rủi ro nếu muốn làm rõ sự việc này. Tất nhiên, ông cũng vô cùng hiểu rõ, muốn làm rõ chân tướng sự kiện thì phải “đối lập” với chính quyền địa phương. Ông chỉ có một điều vô cùng băn khoăn: chính quyền địa phương có cần phải giữ gìn tính nhất trí về chính trị với Trung ương không? “Quản lý đất nước theo pháp luật” đã trở thành quốc sách của Trung Quốc, chẳng lẽ địa khu Túc Huyện, huyện Linh Bích, trấn Phùng Miếu không cần dùng pháp luật quản lý địa khu, dùng pháp luật quản lý huyện, dùng pháp luật quản lý trấn nữa à?”
“Thực sự cầu thị” chẳng phải là tinh thần của hội nghị toàn thể ban chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa 11 ư? Trương Kế Đông nghĩ. Chính là hội nghị này dám nhìn thẳng vào những sai lầm trong lịch sử của đảng cầm quyền và quả đoán phủ định đường lối sai lầm “lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt” nên mới xuất hiện được tình hình rất tốt đẹp cải cách mở cửa ngày hôm nay. Chỉ có dũng cảm nhìn thẳng vào quá khứ, mới có thể thản nhiên đối mặt với tương lai.
Có pháp luật phải tuân theo, có sai lầm phải sửa chữa, không chỉ là việc của các thôn dân mà lãnh đạo cơ quan đảng, chính các cấp càng phải tự gắng làm, nếu không, làm thế nào giành được chữ tín với dân?
Trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng xé lòng nát ruột, Trương Kế Đông quyết định anh dũng đứng ra. Để triệt để làm rõ “sự kiện thôn Đại Cao”, ông đã lặng lẽ bắt đầu làm một cuộc điều tra nghiên cứu nghiêm túc.
12. Có thể lừa dối, giấu giếm mãi ư? Sự việc nằm trong dự đoán của Trương Kế Đông đã phát sinh.
Hôm đó, mấy cảnh sát dân sự đồn công an Phùng Miếu đột ngột tiến vào nhà ông. Vừa tới cửa đã ầm ĩ hỏi: “Ai là Trương Kế Đông?”
Lúc đó Trương Kế Đông đang ở nhà. Ông đang nói chuyện gẫu với mấy thôn dân, thấy mấy cái mũ kê-pi đằng đằng sát khí bước vào, nói năng hùng hổ như vậy, ông đã có chút bực tức, nhưng nghe giọng nói, ông ý thức được mấy người này không biết ông, nên đã bình tĩnh nói: “Ông ấy không có nhà, có điều gì cần bảo, tôi có thể chuyển hộ”.
Mấy thôn dân ngồi xung quanh thấy Trương Kế Đông thay đổi khẩu khí, đều lập tức lên tiếng phối hợp, nói: “Xin mời vào, xin mời ngồi, Trương Kế Đông lên huyện, có chuyện gì chúng tôi đều có thể nói lại với ông ấy”.
Mấy vị cảnh sát dân sự đưa mắt nhìn vào trong nhà, không nghi ngờ gì nói: “Được rồi, khi nào ông ta về bảo lên đồn một chút!”
Sau khi cảnh sát dân sự ra về, Trương Kế Đông cảm thấy rất đáng cười. Thế nhưng, ông cũng cảm thấy, bí thư Hầu Triều Kiệt muốn hạ thủ ông, không thể ở thôn Đổng Lưu được nữa.
Từ đó trở đi, ông đến huyện Tứ ở gần đấy. Ăn ở huyện Tứ, đồng thời với việc làm thuê, ông còn ngầm tiến hành điều tra “sự kiện thôn Đại Cao”.
Không bắt được Trương Kế Đông, đương nhiên Hầu Triều Kiệt đâu chịu cam tâm để yên. Vào ngày 26 tháng 12 năm 1998, âm lịch là ngày mùng 8 tháng 11, một buổi tối trời rất lạnh, cánh cửa nhà Trương Kế Đông bị người đá tung. Cùng ùa vào với cơn gió buốt thấu xương là Mã Lý, trưởng đồn công an Phùng Miếu và cảnh sát Lư Lâm. Hai người vừa không đưa ra bất kỳ văn bản tư pháp nào, cũng không hề nói rõ là vì sự việc gì, sau khi vào nhà, không nói một lời là xông tới bóp cổ lôi ra khỏi chăn Trương Tiểu Ngũ, con trai Trương Kế Đông đang ngủ trên giường. Trước tiên là đấm đá một trận, sau đó mới xô xô đẩy đẩy giải ra cửa. Trước khi rời khỏi nhà, quần áo, giầy dép đều không cho mặc.
Trương Tiểu Ngũ không có áo bông, chân trần đã bị họ lôi ra ngoài cánh đồng gió lạnh gào thét, băng tuyết đầy trời. Khi bị bí mật đưa tới đồn công an của trấn Cối Câu, cậu ta đã lạnh cứng người không nói được nữa.
Tiếp đó, sự giày vò tàn khốc mới bắt đầu.
Mã Lý thân tự ra tay. Hắn túm tóc Trương Tiểu Ngũ, dùng sức giập đầu cậu ta vào tường, giập đến mức Trương Tiểu Ngũ nẩy đom đóm mắt; sau đó dùng dùi cui cảnh sát thọc vào mồm Trương Tiểu Ngũ, khiến cậu ta lăn lộn kêu ca.
Phát hiện thấy mặt Trương Tiểu Ngũ đã tím tái vì lạnh, người run lập cập, Mã Lý liên bắt cậu ta liên tiếp làm động tác nằm chống tay lên trên nền nhà xi măng lạnh cứng. Khi mệt quá, không làm được nữa, Mã Lý liền dùng giày da loại to của công an đá mạnh vào đùi vào bụng Trương Tiểu Ngũ.
Mã Lý còn có một phát minh nhỏ của mình: hai ngón tay cái của hắn ấn mạnh vào huyệt thái dương ở hai bên mắt Trương Tiểu Ngũ, ấn mạnh đến mức cậu ta phải kêu la thảm thiết nghe không ra tiếng người nữa.
Tiếp đó Mã Lý còn đấm mạnh vào ngực vào mặt, hoặc bạt tai Trương Tiểu Ngũ, và hỏi: “Trương Tiểu Ngũ, hãy trả lời ta, chúng ta có đánh mày không?”
Trương Tiểu Ngũ không dám ngẩng đầu, không dám lên tiếng. Cậu ta là một thanh niên mới lớn, chưa nói chuyện yêu đương, đầu óc nghĩ đơn giản, trước sự việc này, có nằm mơ, cậu ta cũng không thể nghĩ là, khi con người ta hung bạo lại có thể trở nên tàn ác như vậy, không còn chút tính người nào nữa.
“Nói!” Chiếc giày da lớn của Mã Lý lại đá Trương Tiểu Ngũ một cái: “Phải trả lời, chúng ta có đánh mày không?”
Trương Tiểu Ngũ đau đớn kêu lên một tiếng, vội nói: “Các ông... có đánh”. Cậu ta không dám nói dối.
Mã Lý cất tiếng cười lớn.
Cười đến mức làm Trương Tiểu Ngũ run bắn người.
Mã Lý chỉ vào Lư Lâm, cảnh sát dân sự cùng đến với hắn, nói với Trương Tiểu Ngũ: “Tao đánh mày không? Cậu ấy có thể làm chứng cho mày không?”
Mã Lý để cho Lư Lâm đánh tiếp, đánh được một hồi, Lư Lâm đột nhiên nỏi: “Chúng tao có đánh mày không?”
Trương Tiểu Ngũ khóc nói: “Các ông không đánh tôi”.
Rõ ràng là Mã Lý không vừa lòng, hắn véo vào mồm Trương Tiểu Ngũ một cái, rồi hét to: “Trả lời to lên”.
Trương Tiểu Ngũ không dám khóc nữa, hoảng sợ to giọng trả lời: “Các ông không đánh tôi!”
Đã thấy hiệu quả, xem đồng hồ đã hơn hai giờ sáng, lúc đó Mã Lý mới dừng tay, nói: “Mặc dù chúng tao không đánh mày, đừng bảo là chúng tao không phấn khởi. Hãy nói thực với tao, có phải bố mày đang giúp lão già râu bạc Cao Tôn Minh viết tài liệu tố cáo lên trên không?”
Cho đến lúc đó, Trương Tiểu Ngũ mới hiểu rõ, nguyên nhân khiến đồn trưởng đồn công an Phùng Miếu phải tự ra tay bắt mình, rồi lén lút dẫn cậu ta đến đồn công an trấn Cối Câu để “hỏi cung”, thì ra dù “sự kiện thôn Đại Cao” đã trôi qua hơn một năm rồi, mà vẫn còn nhiều người lo sợ chân tướng sự việc bị trên biết.
Thế nhưng, Trương Tiểu Ngũ không sao hiểu nổi: biết rõ chân tướng “sự kiện thôn Đại Cao” đâu chỉ có bố mình và ông già Cao Tôn Minh, sự việc này xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, xảy ra ngay trước mắt hàng ngàn hàng vạn người, đó là việc dựa vào bắt người, dọa nạt người để bịt mồm mọi người. Thế nhưng có thể lừa dối, che giấu được mãi ư?
[1]Khoa là đơn vị hành chính dưới cấp phòng.
[2]Lãnh đạo chính quyền cấp địa khu