Sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy tôi thấy buốt nhói gấp bội ở thắt lưng của mình. Ngay cả lúc thở cũng thấy đau. Tôi bò ra khỏi giường và cố lết thật chậm ra cầu tiêu, đi ngang qua phòng của chị Ánh Nguyệt. Chị đang ngồi đờ đẫn trước gương, ngắm nhìn hình ảnh chính mình. Lối đi tới nhà cầu tưởng như dài vô tận. Cứ mỗi bước đi, tôi lại thấy cả ngàn đốm đen nổ tung trong mắt của mình. Đau quá, tôi cũng chẳng buồn đóng cánh cửa lại.
Khi đi tiểu nửa chừng thì tôi phát hiện được rằng thay vì nước tiểu, tôi đã đái ra máu. Những giọt đặc quánh, mầu đỏ tía cứ tuôn ra làm tôi hết hồn vía. Tôi vội kéo chiếc quần cộc lên dù chưa xong, để mặc cho nước tiểu cứ tiếp tục tuôn ra phía trước quần, rồi tôi loạng choạng đi tìm mẹ tôi. Bà đang ở trong phòng ông bà tôi cùng Dì Đặng. Mẹ tôi kéo chiếc quần của tôi xuống để kiểm soát nhưng chẳng thấy có gì bất thường ngoại trừ chỗ máu tôi đái ra. Hốt hoảng, bà la toáng lên :
- Ôi trời ơi, nó bị cái gì thế này. Chị Đặng ơi, gíúp giùm tôi với.
Dì Đặng lắc dầu :
- Nó bị đánh chấn thương ở bên trong rồi. Phải mang nó đi bác sĩ.
- Tôi làm gì có tiền mà chở đi bác sĩ. Mà cái bọn sinh viên thực tập ấy thì làm được cái gì ? Tụi nó lúc nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo, chẳng bao giờ biết mình làm cái gì hết.
Dì Đặng góp ý :
- Vậy thì mang nó đi thầy lang của bà cụ, coi ông ta nói sao.
Sau khi khám xét, Ông lang tuyên bố rằng tôi đã lãnh một cú chí tử vào một bên thận. Nhưng vì tuổi tôi còn non và khoẻ mạnh, vết thương sẽ lành lặn hẳn. Sau vài thang thuốc đắng nghét do chính ông ta bốc cho tôi, máu cũng cầm lại.
****
Một tuần sau, ông bà tôi cũng từ bệnh viện trở về. Cái chân của bà ngoại tôi vẫn sưng to và nhoi nhói đầy mủ.nhìn từ xa, nó đen xì giống như một qủa cà tím, to tướng và chín rục. Ngoại ngồi trên ghế dưới bóng cây mít ngoài vườn, lắng nghe chị Ánh Nguyệt đọc kinh Phật lâm râm. Gió chiều nóng nực thổi qua tàn cây có những nhánh uốn lươn. như một đàn rắn. Làn da rám nắng của hai người phản chiếu ánh sáng mặt trời. Ngoại tôi vùi chân trong lớp cát nóng. Tâm trí ngoại dường như chìm sâu trong những chương kinh Phật
Còn chị Ánh Nguyệt, trong mấy tháng vừa qua, sức khoẻ của chị suy sụp thấy rõ. Cứ sáng ngủ dậy là chị lại bắt đầu ho khọt khẹt... Bên bờ giếng, chị ngồi gục đầu giữa hai đầu gối hàng giờ để khạc đờm cho bật ra khỏi hai lá phổi. Đôi khi chị khạc ra cả máu. Hai má của chị vốn ngày xưa giòn dã như mầu nước trà tầu nay vàng bủng beo. Chị rất kỹ lưỡng, lúc nào cũng che dấu vẻ bệnh hoạn của mình dưới một lớp trang điểm. Nhiều khi chị đánh lớp phấn qúa dày nom như nghệ sĩ cải lương sắp lên sân khấu. Nhìn thấy tôi bước vào khu vườn, chị gật đầu chào :
- Khoẻ chưa Kiên ?
- Cám ơn chị, em bớt rồi.
- Cái lưng đau ra sao rồi ?
- Khá hơn nhiều. Thuốc bắc ông lang đó khá tốt.
- Chị muốn lên chùa xin vài món thuốc linh chữa bệnh ho của chị. Em có muốn đi với chị không ? Thuận tiện, em xin mấy vị sư cho em thứ gì đó để chữa cái lưng đau. Nếu không thì mình lên chùa cầu Phật độ trì cho sức khoẻ của bà ngoại.
- Vậy thì đi.
Lý do tôi nhận lời mời của chị khá đơn giản. Tôi rất thích chị Nguyệt. Do bệnh hoạn nên đã mấy tuần nay chị không gặp anh Ty rồi. Tôi cũng nhớ những đêm chị còn khoẻ, tôi đã làm lính gác cho hai người hôn nhau vụng trộm sau bụi cây xứ ở cuối xóm.
Ngôi chùa nằm ở một triền núi, cách nhà chúng tôi khoảng hai chục cây số. Dân địa phương gọi là Long Sơn Tự. Cửa chùa rộng mở cho người đau ốm ở khắp mọi nơi. Mỗi chuyến đi, Chúng tôi phải bỏ ra mất hai mươi phút trên xe buýt và thêm hai mươi phút leo núi nữa. Từ dưới đất trèo lên chính điện có tổng cộng một trăm bốn mươi hai bậc đục vào núi đá. Chị Ánh Nguyệt đi chậm rãi, cứ mươi bước lại phải dừng trên những bậc đá nhưng rồi chúng tôi cũng tới được cái sân rộng tràn đầy khách thập phương.
Đứng ở hành lang, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố và các khu lân cận. Nền hành lang lát bằng gạch men mầu xanh đậm luôn luôn được các tín đồ lau chùi sạch bóng, lóng lánh ánh nắng mặt trời như một mặt biển. Ở chính giữa nền là một đóa sen khổng lồ với những cánh sen chạm bằng đá cẩm thạch. Đài sen là một bệ hình trụ tám mặt, diễn tả tám cánh cửa địa ngục. Ngồi chỉnh tề giữa đóa sen là một tượng Phật cao bằng toà nhà bốn tầng, tạc bằng đá cẩm thạch mầu trắng, hai tay chắp gọn ghẽ vào đùi, Phật ngồi mắt nhắm như trầm trong tĩnh lặng. Người ta đồn rằng, nguyên thuỷ, con mắt thứ ba của tượng Phật làm bằng một viên ngọc lục rất lớn, Nhưng qua thời gian đã thất lạc hoặc bị lấy trộm đi. Bây giờ, một bóng đèn mầu xanh được thay thế để che lỗ hổng trên trán Phật ánh sáng của ngọn đèn soi xuống khuôn mặt an nhiên tự tại, tồn giữ vẻ tôn nghiêm của nơi này dù có vô số khách thập phương tới chiêm bái mỗi ngày.
Những mái chóp mầu đỏ và các cây cột mầu vàng kim được dưng. lên ở phía sau tượng nom cũng đẹp đẽ và cổ kính như ngọn núi có ngôi chùa toạ lạc. Trong chính điện lúc nào cũng tràn ngập khói hương. mỗi khách hành hương đều được phép cầu xin một điều ước. Bàn thờ Phật được đặt ở trong cùng của chính điện, được trang hoàng bằng nhiều tượng Phật đủ cỡ, đủ loại. Hầu hết tượng Phật đều được thếp vàng hay làm bằng đồng thau. Một cái lư được làm bằng đồng đỏ được đặt ở chính giữa là nơi để cắm những nén hương. Xếp thành hàng ở hai bên chính điện là những vị sư mặc áo vàng đang ngôì toạ thiền.
Dọc theo triền núi, một giải nước chảy qua vách đá rót xuống mái chùa ở phía sau điện thờ chính, chảy xuống sàn rồi theo ống cống tuôn xuống dòng sông ở phía dưới. Hơi nước từ đó toả lên quyện lấy mùi nhang như một làn hương thơm tho và giữ cho trong chùa quanh năm được mát mẻ.
Ở mé bên phải của ngôi chùa, một con đường nhỏ được lát gạch đỏ dẫn đến một khu ở đó có các vị sư phân phát thuốc nam. Cuối con đường, sau khu rừng tre rậm rịt, là một ngôi nhà tranh nhỏ được dùng làm chỗ chữa trị cho bệnh nhân. Chờ cho chị Nguyệt lấy số thứ tự từ một ni cô đang đứng ở cửa xong, chúng tôi bước vào bên trong phòng đợi.
Sau khi chị được thầy cho ba thang thuốc, chúng tôi đi tản bộ ra hành lang trên chùa. Dưới chân chúng tôi, thành phố nhỏ xíu nom như đồ chơi con nít.
Chị Nguyệt hỏi tôi :
- Hồi nãy ở trong chùa em cầu điều gì vậy ?
- Em cầu xin cho bà ngoại sớm được khỏi bệnh. Rồi em khấn Phật xin Ngài cho em biết tin tức về ba của em.
- Trong đó có nhiều Phật, vậy em cầu ông Phật nào, Kiên ? Mà này sao em tham quá vậy, cầu tới hai điều lận !
Tôi thở dài :
- Em biết. Nhưng em cầu ông to nhất ở chính giữa có nhiều tay ở chung quanh mình. Em hy vọng là ổng bự như vậy, có thể ông dư cho em một lời cầu xin nữa.
- Em hỏi ổng rằng ba em là ai ? Có bao giờ nghĩ tới em không, có biết rằng em đang hiện hữu không ?
Chị Ánh Nguyệt nhướng mắt lên :
- Sao em hỏi toàn những câu hỏi khó thế ? Nếu ngài trả lời không được thì sao ?
- Thì em cứ tiếp tục trù ổng hoài cho tới khi nào ông trả lời em mới thôi.
- Em muốn biết về ba để làm gì, hả Kiên ?
Tôi trả lời không cần suy nghĩ :
- Em ghét sống ở đây. Em cầu cho ba em mang em về Mỹ cho rồi.
Chị Ánh Nguyệt bắt đầu cất tiếng hát. Trong buổi chiều oi bức, giọng của chị nghe buồn thảm hơn cả tiếng khóc. Tôi hỏi chị để ngắt bài hát buồn bà ấy :
- Còn chị với anh Ty thì sao ? Khi nào chị lại gặp anh ấy ?
- Không biết nữa. Có thể vài năm nếu chị may mắn. Tuần vừa rồi, anh ấy bị gọi đi nghĩa vụ quân sự sang đánh nhau ở Căm -Pu Chia. Cuối tháng này thì anh ấy khởi hành rồi.
Tôi choáng người, nhìn chị :
- Thật à ?
Tôi không thể tưởng tượng nổi cái hình ảnh của anh Tống Ty mặc bộ quân phục. Đăm chiêu, tôi nói tiếp :
- Mà hôm nay là ngày cuối tháng rồi.
- Đúng vậy. Trưa nay, anh ấy đi rồi.
Tôi nhìn chị như không tin :
- Vậy sao chị không ở nhà để chào từ biệt anh ấy ?
Chị không trả lời.
Bỗng nhiên tôi, chợt hiểu ra :
- Chị không đi với em tới đây để hốt thuốc mà là để cầu Phật phù hộ cho anh ấy, có phải không ?
Chị cười buồn :
- Đúng. Nhưng mà chị biết anh ấy không đi Căm-Pu-Chia đâu.
- Sao chị biết ?
- Ảnh nói với chị là ảnh vượt biên. Chị cầu nguyện cho anh đi thoát. Mỗi người có một điều ước, thì đó là lời cầu xin của chị.
- Chị ơi...
- Kệ nó đi, bây giờ trời đã trễ. Có thể anh ấy đã đi mất rồi. Thôi mình về đi.
Chị đứng dậy khỏi chiếc ghế dài. Tôi đưa tay cho chị vịn.. Chị níu chặt lấy. Tôi cam đoan với chị :
- Đừng lo. Lần sau mình tới đây, em sẽ cầu xin cho sức khoẻ của chị, chị Moonlight ơi.
Chị mỉm cười, nghiêng người hôn nhẹ lên má tôi. Môi chị lạnh ngắt :
- Cám ơn em, cưng. Nhưng nếu em cầu xin cho chị rồi thì ai cầu xin đức Phật về ba cho em đây ?
Tôi nhún vai :
- Chuyện đó chờ từ từ cũng được. Chị là bạn thân duy nhất của em trong căn nhà đó. Em thà là mong chị có sức khoẻ còn hơn là chuyện kia.
Sau đó tôi nghe Duy nói anh Tống Ty đã đi Tân Gia Ba vào đúng cái lúc mà chúng tôi đang ngồi tại băng ghế đá dài ở trên chùa buổi trưa hôm đó. Mẹ của anh đã đút lót cho nhiều công an trong thành phố để anh có thể trốn thoát. Một tháng sau chị Ánh Nguyệt đã nhận được thư anh, đóng dấu từ bưu điện Tân Gia Ba. Đó là lá thư duy nhất và cũng là lá thư cuối cùng mà chị nhận được từ anh Tống Ty.