Năm tôi lên tám, do một sự tình cờ, mẹ tôi mua được một một cuốn sách ở chợ trời. Bà đưa cho tôi và nói rằng: ”Con và đứa bé trong chuyện chỉ khác nhau mỗi bức tường mà thôi, và mẹ sẽ không bao giờ để con rơi vào hoàn cảnh của nó.” Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách và khóc nhiều lần vì cảm thương nỗi bất hạnh của đứa bé trong truyện. Đó là cuốn “Chim hót trong lồng“ của nhà văn Nhật Tiến. Tôi không bao giờ nghĩ tới có một ngày trong cuộc đời, tôi lại được hân hạnh cầm chung một ngòi bút với tác giả, để chia sẻ thân phận dư thừa của tôi. Tôi cũng đã được đọc nhiều tác phẩm khác của Nhật Tiến, trong đó có cuốn tôi thích nhất là “Thềm Hoang“. Ông đã trở thành một trong những tác giả mà tôi hâm mộ, cùng với những cây bút khác như Khái Hưng, Nhất Linh, Tô Hoài, Mai Thảo, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Lan Khai, Pearl S.Buck, Leo Tolstoi, Mak twain, Alexander Dumas …v v .. Văn phong của Nhật Tiến làm sống động những tình tiết của câu chuyện. Những hoàn cảnh mà ông diễn tả cùng những hình ảnh về các mảnh đời tuyệt vọng trong các sáng tác của ông đã vô cùng sống thực đến nỗi vẫn còn mãi mãi ám ảnh trong tâm hồn của tôi. Khi tôi đọc bản Dịch “Thân phận dư thừa”, cứ mỗi trang viết bằng tiếng mẹ đẻ quen thuộc, được trau chuốt qua ngòi bút điêu luyện của Nhật Tiến, lại làm bừng lên trong thế giới riêng tư của tôi đậm hương vị mới, linh động, rực rỡ mầu sắc. Đối với một người viết trẻ, còn đang dò dẫm tìm đường, tôi rất may mắn có cơ hội học hỏi thêm rất nhiều ở nhà văn Nhật Tiến. Một câu ngạn Ngữ Trung Hoa nói rằng: ”Nếu anh có một vị Thầy dạy dỗ trong một giờ thì anh đã có một bậc nghiêm từ mãi mãi trong đời sống”. Tôi đã may mắn làm việc với nhà văn Nhật Tiến trong suốt thời gian dài hơn là một giờ rất nhiều. Xin chân thành cảm ơn bác Nhật Tiến. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc “Thân phận dư thừa“ được dịch bởi nhà văn Nhật Tiến.