Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Thân Phận Dư Thừa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 41336 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thân Phận Dư Thừa
Kien Nguyen

Chương 6

 

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, mẹ tôi đem Jimmy và tôi trở lại căn nhà thuê ở gần công viên. Suốt bốn ngày đêm sau đó, chúng tôi ở miết dưới tầng hầm dơ dáy, tường vách chất chung quanh đầy bao cát. Phiá cuối hầm có một phòng vệ sinh nhỏ với ánh đèn hắt hiu. Một dây điện nối từ đó, truyền qua một bóng đèn trơ trụi treo ở giữa hầm làm nơi sinh hoạt gia đình. Vì bị cúp điện thường xuyên nên đèn cầy trở thành nguồn ánh sáng chủ yếu. Hằng ngày, chúng tôi chui rúc trên một cái nệm nhỏ và lắng nghe tiếng những bước chân chạy rầm rập cùng tiếng đấm của thình thịch vang dội lại từ nhà này qua nhà khác.Trong khi chờ đợi để được đăng ký chính thức hẳn hoi trong chính quyền mới, chúng tôi đành phải trốn chui trốn nhủi như một ổ chuột trong mùa mưa.

Chỉ có chị Loan là dám đi ra ngoài để mua thực phẩm, nghe ngóng tin tức và làm những công việc vặt cho mẹ tôi. Khi đi, bao giờ chị cũng mặc bộ quần áo đen cho dễ hoà nhập với mọi người ngoài phố. Khi chị trở về, chúng tôi có thể nhìn thấy bóng dáng của chị qua rià của cái cửa sổ hình trái xoan chỉ cách mặt đất khoảng một tấc. Chợ thì cũng chẳng có gì nhiều. Trong thời gian chiến sự tràn đến, chẳng mấy ai điên rồ gì mà mang đổi thức ăn lấy tiền, hoặc vì sợ đói hoặc vì sợ tiền có thể mất giá. Thông thường thì chợ búa là nơi dân chúng tụ họp ồn ào, náo nhiệt mua bán nhưng bây giờ ở đó lại tràn ngập những bộ đội. Hy vọng là càng ít người chú ý đến mình thì càng tốt, chị Loan chẳng bao giờ dám đi la cà. Mặc dầu thức ăn của chị mua về thường thì đạm bạc và héo úa vì cũ nữa, nhưng chị cũng cố gắng chế biến thành những dĩa cơm rau tương đối ngon lành gồm phần lớn là rau cải ngọt hay cải xoong có rưới thêm nước mắm theo cách chị học ở trường nấu ăn. Đối với chúng tôi thì ăn miếng nào là thấy ngon miếng ấy. Chị nấu nướng trong căn bếp ở tầng trên, khi xong xuôi thì bưng xuống hầm.

Những tin tức do chị Loan mang về thì chỉ toàn là những tin đồn hay suy đoán do những người dân đang hoang mang loan truyền. Theo dõi những hoạt động của Việt cộng cũng thu thập được một vài gợi ý để sống còn. Điều trước tiên và hệ trọng nhất, là khi ở những nơi công cộng hay trong những buổi họp chợ mỗi người phải tỏ ra mình cũng Cộng sản như ai. Bất cứ về lời buộc tội về sự ngoan cố nào cũng lập tức tạo nên sự phẫn nộ kinh khủng chụp xuống đầu kẻ bị tố cáo. Chẳng ai còn tin ai hết ngay cả những người thân trong gia đình. Chính quyền và các viên chức trong chế độ mới là tập trung gây nên nỗi sợ hãi, trong khi phần lớn bộ đội thì dường như vô hại, nhất là cái cách mà họ cư xử với trẻ em. Tuy nhiên, mọi người đều cảnh giác về giờ giới nghiêm bắt đầu từ lúc chín giờ và bất cứ kẻ nào bị bắt gặp ngoài phố trong giờ ấy đều bị bắn ngay tại chỗ không báo trước. Các thông báo về những cái chết trong giờ giới nghiêm đã gieo thêm hãi hùng cho cái thành phố vốn đầy hãi hùng này.

Để kiểm soát được toàn bộ Sài Gòn, Việt công đã chia lực lượng ra thành nhiều toán nhỏ, rải khắp mọi nơi trong thành phố. Nhiều nhà sẵn sàng mời bộ đội vào đóng chốt để hy vọng hành vi thành khẩn của mình sẽ làm nhẹ đi phần nào tội lỗi trong quá khứ. Những toán khác thì ùa vào chiếm đóng những căn nhà bỏ không, các khách sạn, các khu đại sảnh, các trường học hay đóng la liệt trên đường phố.

Bên trong cái hầm tù mới của chúng tôi, Jimmy và tôi trở thành mối bận tâm hàng đầu của mẹ. Bà đã từng bảo vệ chúng tôi trước các tin đồn, những cặp mắt nhìn trừng trừng, và những lời phê phán xuất phát từ bề ngoài giống Mỹ của tụi tôi. Nhưng hiện nay sự o ép đã vượt quá mức chịu đựng của bà. Thu mình trong một góc xa nhất của căn buồng, chúng tôi nhìn mẹ tôi đi tới đi lui như một con thú bị nhốt trong chuồng. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy chịu hết nổi vì mặc cảm tự ti bởi vì tôi nhận ra sự khác biệt của mình, cũng như thằng em trai tôi, chính bản thân nó cũng bị tôi ghét bỏ. Tôi muốn bứt hết mớ tóc mầu nhạt của tôi ra, cạo tuột làn da trắng và lột bỏ đôi dép đắt tiền ra khỏi bàn chân. Tôi cầu trời có một chuyện gì đó xảy ra, bất cứ là chuyện gì cũng vậy để cho cái sự tủi hổ bớt ám ảnh mẹ tôi. Thay vì thế, tôi vẫn cứ còn ngồi lặng câm, tê liệt trong nỗi sợ hãi và cầu mong cho thời gian trôi qua mau.

Một buổi trưa, sau vài ngày trốn tránh, mẹ tôi sai chị Loan đi ra ngoài chợ mua vài lọ thuốc nhuộm mầu đen. Chẳng cần báo trước, bà bất ngờ nhào vào góc nhà mà chúng tôi đang núp, xách chúng tôi lên bằng những móng tay sắc nhọn của bà giống như bà đang bắt mấy con gà ở trong bu. Bất chấp tiếng kêu khóc kinh hoảng của chúng tôi, bà kéo lê chúng tôi trên sàn nhà lạnh lẽo để lôi vào buồng tắm. Trong khi chúng tôi giẫy giuạ và kêu gào, bà xối cái thứ nước đen ngòm đó lên chúng tôi và ghìm đầu chúng tôi xuống để ướp thuốc nhuộm lên những mái đầu hung hung của chúng tôi, một thời gian hình như rất lâu. Tôi ngồi dúm người lại bên em tôi, hai cánh tay gầy guộc che lên bộ ngực phanh trần. Sự phũ phàng thô bạo khi mẹ tôi giật từng mảng tóc của chúng tôi lên, không nói không rằng làm chúng tôi tá hoả. Cả hai anh em chúng tôi đều khóc sướt mướt vì cái vụ nhuộm đau đớn này. Bà nhìn sững chúng tôi bằng cái nhìn thất thần và chỉ ngón tay thẳng vào mặt chúng tôi :

- Hai đứa mày câm mồm lại ! Đàn ông không bao giờ được khóc lóc ! Nhớ chưa ?

Nói xong, bà lại tiếp tục xối thêm thuốc nhuộm lên đầu chúng tôi.

Nhưng chúng tôi chẳng thể nào nhịn khóc được. Ông ngoại tôi, sau cùng đã chạy xổ vào phòng tắm, quất trái vào mẹ tôi. Chỉ vào bóng chúng tôi trong gương, Ông tôi quát :

- Ngừng ngay ! Mày điên rồi à ? Mày định làm gì mấy đứa con của mày vậy ? Có thật cần thiết phải làm như vậy không?

Mẹ tôi nhìn vào gương, đờ người lại. Trong gương, hai khuôn mặt nhỏ bé, lem luốc thuốc nhuộm và nước mắt nhìn bà. Nhưng chúng tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của mẹ chúng tôi. Với bàn tay run rẩy, mặt đỏ rừ đầy nét thù ghét, trông bà dữ như ông kẹ. Kinh hoảng với hình ảnh trong gương, mẹ tôi oà lên, nức nở khóc.

Bà qùy xuống, lấy hai tay lau sạch những vết nhem nhuốc trên mặt chúng tôi rồi nhỏ nhẹ :

- Tha lỗi cho mẹ nhé.

Người đàn bà điên loạn khiến cho chúng tôi hãi hùng đã biến đi, chỉ còn tiếng nói của mẹ tôi thì thầm bên tai :

- Mẹ không giúp các con được. Chẳng có thể làm gì để thay đổi con người vốn đã như thế của các con. Thôi đừng khóc nữa. Tất cả đều là lỗi của mẹ, mẹ cũng chả hiểu tại sao nữa. Nhưng mẹ hứa với các con rằng mẹ sẽ không để bất cứ việc gì hoặc đứa nào làm khổ các con. Trừ phi mẹ chết !

Tất cả chúng tôi đều khóc với nhau trong phòng tắm cho đến khi nước mắt cạn khô. Chiều hôm đó, mẹ tôi có một quyết định. Sau khi đẩy anh em tôi lên tầng nhà trên, bà nói với ông bà ngoại và chị Loan rằng có một buổi họp gia đình.

Đứng trên cầu thang, Jimmy và tôi cố lắng tai nghe xem mọi người nói gì với nhau. Nhưng chúng tôi chỉ lõm bõm nghe câu được câu chăng, ngoại trừ cái lúc có tiếng của ông ngoại la lên, vang trong không khí, thật chẳng bao giờ ông ngoại tôi lại giận dữ đến như thế :

- Không ! ba cấm đấy ! Con điên mất rồi... thật quá nguy hiểm...

Mẹ tôi kéo chị Loan qua một bên, sai chị đi ra phố rồi bà lại tiếp tục tranh cãi với ông bà ngoại thêm cả tiếng đồng hồ. Sau cùng mẹ tôi mở bung cánh cửa xông ra. Tôi còn nghe giọng phẫn nộ của ông ngoại tôi còn đuổi với theo bà :

- Con đừng có xúi con Loan làm chuyện bậy. Nó còn quá nhỏ, không thể tự mình quyết định được !

Mẹ tôi la lại :

- Ba không thấy sao cả con và nó không ai có đường để lựa !

Ông tôi nói giong nài nỉ :

- Vậy thì chờ chúng ta quay về nhà rồi hãy tính. Thôi con ơi, nhiều chuyện xảy ra lắm rồi, đừng có làm thêm một chuyện sai lầm trong ngày hôm nay nữa.

Mẹ tôi đi vào buồng tắm và đóng sầm cửa lại. Sau đó một lát chị Loan trở về. Theo sau chị là một bà già mà chị bảo hãy đứng chờ ở ngưỡng của.

Qua khung cửa sổ ở tầng trên, chúng tôi im lặng quan sát bà ta. Đứng bên cạnh cửa tay ôm khư khư một cái túi dơ bẩn, bà chờ chị Loan. Khuôn mặt bà đầy những nếp nhăn in hằn xuống, nhiều đếm không xuể, xương sống thì còng làm cho mắt bà phải nhìn cắm xuống đất. Tóc bà ta lưa thưa và bạc. Lúc biết chúng tôi đang nhòm, mặt bà dão ra thành một nụ cười móm mém, đỏ tái. Sự xuất hiện của bà trước mắt chúng tôi bất thần như chuyện cổ tích, và chúng tôi có cảm giác là bà sẽ bay vòng vòng trên một cán chổi như là một mụ phù thuỷ vậy.

Chị Loan đã trở ra có mẹ tôi theo sau. Hai người đưa bà cụ xuống tầng hầm dưới. Bà ta hỏi mẹ tôi :

- Ngoài cô gái này ra có phải cô là một người nữa cần tới tôi phải không ? Cô chắc là mới chỉ có bầu ba tháng không ? ngó cái bụng tôi cá là nó phải già tháng hơn nhiều....

Mẹ tôi quay lại suỵt bà già. Vẻ kích động dễ nhận ra trên gương mặt của mọi người. Bà già bước vô nhà, đặt cái túi xuống sàn và thở phào nhẹ nhõm. Trông thấy ông bà ngoại tôi đứng chờ ở dưới căn hầm, bà khẽ gật đầu chào.

Chị Loan giới thiệu bà ta với mọi người :

- Thưa đây là bà Tám, bà mụ duy nhất còn sót lại trên phố. Mọi người ở ngoài chợ đều giới thiệu bà Tám cho chúng ta. Con đã nói với bà tám là mình không phải là cư dân ở đây nên chẳng ai biết ai vào đây hết. Cũng vì thế mà bà nhận lời giúp cho đấy.

Bà Tám thô lỗ tuôn ra một tràng :

- Được rồi... được rồi... khỏi dài dòng văn tự nữa. Phải gấp lên vì tôi còn hai mối ở ngoài phố đang chờ, không lại tới giờ giới nghiêm. Mấy người sẵn sàng cả chưa ?

Rồi bà chỉ vào Jimmy và tôi, hỏi :

- Ủa, tóc hai thằng nhỏ làm sao vậy ?

Mẹ tôi cáu kinh? :

- Không việc gì đến bà. Để tôi xua tụi nó lên lầu. Mà ở đây cũng chẳng có gì để cho tụi nó coi cả

- Tôi chỉ muốn giao cho mấy người món thuốc ta này thôi. Chỉ trong vòng tám tiếng là công hiệu. Qua ngày mai là ổn chuyện hết.

Mẹ tôi đáp :

- Vậy thì đưa đây.

Bà già lục trong túi sách lấy ra hai cái hộp gỗ nhỏ trên có chạm trổ một cách thô sơ hai hình con rồng vàng thủ một viên thuốc nhộng mầu đen, bên ngoài có gắn sáp hàn kín. Bà ta trịnh trọng đặt xuống sàn làm như chúng có giá lắm.

Ngước nhìn mẹ tôi, bà ta nói bằng một giọng có vẻ hơi lo lắng :

- Cô à ! Chắc cô không ưa tôi nhắc lại câu hỏi này. Nhưng công việc của tôi bắt buộc phải quan tâm tới khách hàng. Vậy chứ có thật cái bầu chỉ mới có ba tháng không ? Sao nó tổ bự như cái bầu sanh ba hay giống như bị báng vậy ?

Rồi bà chỉ tay qua chỉ Loan :

- Cô này thì khác, uống thuốc của tôi thì chẳng có vấn đề gì hết. Nom cô ấy như thể chưa có bầu. Còn cô thì... tôi chẳng biết nữa.

Đứng dựa ở cửa, ông tôi góp lời :

- Con gái tôi có bầu bốn tháng rồi đó.

- Tôi biết mà. Cho nên tôi phải nói với cô, thuốc này không hiệu nghiệm với cô đâu.

Rồi bà ta lại lắc đầu :

- Không chừng nó lại sinh rắc rối nữa cơ đấy...

Mẹ tôi ngắt ngay lời :

- Bất kể là bà thấy như thế nào, tôi chẳng có gì để lựa chọn nữa, biết chưa ! Tôi không thể đèo bồng thêm một đứa con nữa. Thôi cứ đưa cái thuốc chó đẻ đó cho tôi.

Bà già nhún vai :

- Tùy cô thôi ! mỗi người một hộp, trong có một viên thuốc mầu đen. Tối nay ăn cơm như thường lệ, đến khi đi ngủ thì đem ra uống. Chỉ sáng mai là cái bào thai bị trục ra. Chảy máu và đau đấy, nhưng đó là chuyên bình thường đừng có lo. Cần hỏi gì thêm nữa không ?

Mẹ tôi hỏi :

- Chỉ có một viên thôi à ? Bà có chắc là tôi chỉ cần uống có một viên thôi không ? Tôi có thể uống hơn thế nữa không?

- Cô ấy à ? Ờ, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng còn cái cô bé này thì một viên cũng quá đủ.

- Vậy đưa thêm cho tôi hai hộp nữa đi.

- Úi già, như thế thì nhiều quá.

- Mặc kệ, cứ đưa đây cho tôi.

Bà tám thở dài :

- Được. Cô muốn bao nhiêu cũng được nhưng phải trả thêm tiền.

- Có ngay. Nhưng bà phải nói cho tôi biết phản ứng thuốc như thế nào. Có nguy hiểm gì hơn không khi tôi uống thêm hai viên nữa ?

Bà già gật đầu :

- Dĩ nhiên là có chứ.

- Vậy lạy trời, cái nguy hiểm ấy nó ra làm sao hả bà già chằn ?

- Cô nghĩ sao ? Thêm thuốc là thêm của độc, tức là chảy máu thêm, co quắp thêm chứ còn gì. Nhưng tại cô muốn như thế thì tôi làm theo ý cô. Cho nên hãy suy nghĩ kỹ trước khi uống. Tôi đâu có cản được quyết định của cô mà tôi cũng không bảo đảm rằng nó sẽ hiệu nghiệm. Suốt cuộc đời làm nghề này của tôi, chưa bao giờ tôi giao thuốc cho người có bầu quá ba tháng, không một ai hết, vì người ta chịu nghe tôi chứ đâu có như cô. Vậy thì đừng có hỏi là có chuyện gì xẩy ra đến cho cô nữa. Mà nếu có chuyện gì thì chẳng phải lỗi của tôi, tôi đã nói trước với cô có cả nhà nghe thấy mà. Bây giờ cô cứ khăng khăng đòi uống thì có bề gì hãy ráng chịu. Rõ chưa ?

Bà ngoại tôi lên tiếng :

- Khuôn...

Mẹ tôi đáp ngay :

- Không việc gì đâu, má. Con biết việc con làm mà.

Ông tôi lên tiếng, mặt ông tràn ngập nét thất vọng :

- Thật à ? Thật là con biết con đang làm gì à ?

Bà già lại tiếp :

- Tất cả bẩy mươi đồng cho bốn hộp, tôi bớt cho cô mười đồng để cô lấy hên. Cầu thần thánh phù hộ.

Rồi bà đứng dậy, quơ lấy cái túi ôm vào ngực. Me tôi trao tiền và nói cám ơn.

Không một ai lên tiếng khi bà ta đi ra. Bốn hộp gỗ vẫn nằm trên sàn nhà với cái bao bên ngoài ghi bốn chữ bằng kim nhũ nguêch. ngoạc : " Ô-KIM ", phiá dưới còn một hàng chữ nhỏ xiú : " Chỉ xài cho đàn bà ". Mẹ tôi nói bằng một giọng quả quyết :

- Loan cầm lấy một hộp đi. Còn mấy hộp kia để lại cho tao.

Chị Loan trả lời :

- Thưa bà, vâng.

Mẹ tôi hỏi :

- Có muốn suy nghĩ lại thêm không ? Nên nhớ là mày có toàn quyền giữ đứa bé nếu muốn, chứ chẳng cần phải làm theo tao. Tao thì có lý do riêng để làm.

- Em biết. Nhưng cũng như bà, em cũng có lý do riêng của mình. Em sẽ uống.

- Vậy thì tốt. Coi như chúng ta đồng hội đồng thuyền. Vậy cất hộp thuốc đi rồi sửa soạn làm cơm.

Mẹ tôi thở dài trong khi chị Loan cầm cái hộp lên rồi biến đi sau cánh cửa. Ông bà ngoại cũng lặng lẽ rút về cái góc mọi khi vẫn ngồi. Khi mọi người đã rời chỗ, tôi mới lên tiếng :

- Mẹ ơi.

Mẹ tôi hơi giật mình trước khi nhìn thấy tôi. Rồi mắt bà nhướng lên chờ đợi câu tôi hỏi. Tôi tiếp :

- Chuyện gì thế hả mẹ. Mấy cái hộp gì thế ?

- Chả dính dáng gì tới con hết.

Ngồi trên chiếc nệm, ông tôi chen vào :

- Sao lại thế. Con không thể giải thích cho nó biết chuyện con làm hay sao ? Đừng có như vậy. Con phải nói cho nó nghe về chuyện này. Lựa lời mà nói chứ đừng có gạt nó ra như thế. Nó đâu có ngu.

- Ba ! Ba đừng nên xía vào chuyện của con.

Bà trả lời ông tôi một cách giận dữ rồi quay sang tôi :

- Không có chuyện gì đâu con à. Mọi sự đều bình an. Mấy cái hộp này là để cho người lớn. Uống thuốc xong, mẹ sẽ khoẻ hơn và nhẹ nhõm hơn, chẳng sao đâu hiểu chưa.

Tôi hỏi :

- Thế còn em bé. Nó có làm đau em bé không ?

Mẹ tôi ngồi quì xuống sàn đất lạnh tưởng chừng như bà bị một luồng điện mạnh chạy qua làm cho bủn rủn khắp cả người. Rồi bà gượng dậy, quơ lấy hai vai tôi, nhấc bổng lên và dí vào sát bức tường sau lưng tôi. Bà cúi sát xuống mặt tôi, mắt ngang tầm mắt tôi và nghiến răng nói :

- Thằng ranh con, mày biết gì về những viên thuốc. Nghe đây, nghe cho kỹ. Chẳng có đứa em bé nào trong bụng mẹ hết. Ai cũng nghĩ là mẹ có bầu nhưng rút cục là nhầm hết. Những viên thuốc này uống vào là cốt để lấy sức khoẻ mà nuôi cái lũ hay chõ mõm ăn hại là tụi bay đó. Nếu mà mày hở ra cho một ai biết thì tao giết. Rõ chưa ? Và cầu Phật phù hộ, chớ có mở mồm hỏi han gì nữa nghe chưa ! Bưng cái miệng lại. Tao không ưa cái thói như thế đâu.

Chẳng cất nên lời, tôi gật lấy gật để và cảm thấy bờ vai bị bà xiết cứng được lơi ra. Suốt đêm hôm ấy, dấu vết do móng tay của bà để lại vẫn còn hằn lên những vệt đỏ bầm.

 

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 787

Return to top