Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Thân Phận Dư Thừa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 41326 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thân Phận Dư Thừa
Kien Nguyen

Chương 3

 
Sài gòn - tháng tư năm 1975

Ở Sài gòn chúng tôi thuê một căn nhà hai tầng tại một khu phố tây chỉ cách dinh Độc Lập, nơi tất cả các tổng thống của Việt Nam cư ngụ, có vài con đường. Mới tới còn bỡ ngỡ, tôi và Jimmy cứ chạy lên chạy xuống cầu thang, dòm vào các phòng và ngó ra ngoài đường phố bận rộn qua những khe hổng của các cửa sổ đã bị bịt kín. Hai anh em tôi chẳng đứa nào hiểu tại sao chúng tôi lại đến nơi này. Vì người lớn trong nhà còn đang lo bấn lên, nên tụi tôi tha hồ mà lang thang tìm tòi khắp các xó xỉnh.

Sài Gòn đã quá lộn xộn rồi. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bất ngờ từ chức vào ngày 23 tháng tư năm 1975. Vơ vét mọi thứ đồ tế nhuyễn, của riêng tây, ông ta chuồn khỏi nước. Để trấn an quần chúng, quốc hội đã chỉ định ông Trần Văn Hương làm tân tổng thống. Đến lượt ông Hương nêu một kỷ lục mới về nhiệm kỳ tổng thống ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam: bốn ngày ! Vào trưa ngày 27 tháng năm, theo sự ủy nhiệm của quốc hội, lại một tân tổng thống, ông Dương Văn Minh, đã xuất hiện bên ngoài đại sảnh của dinh độc lập để vẫy chào đám động Ông Minh đã hâm nóng lại niềm tin của dân chúng bằng một lô những lời hứa hẹn hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng giống như cái chính phủ bấp bênh, những kế hoạch, hoang tưởng của ông cuối cùng cũng tan thành mây khói.

Nghe người lớn trò chuyện, tôi hiểu mẹ tôi đưa chúng tôi vào Sài Gòn là để rồi sẽ bay ra nước ngoài một khi chính phủ thật bại. Ngay trong vài tuần lễ đầu, mẹ tôi đã đi móc nối và đã lấy được đủ giấy thông hành và vé máy bay, có thể ra đi bất cứ lúc nào chúng tôi muốn. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nói tới chuyện rời Việt Nam, ông bà ngoại tôi lại chối đây đẩy. Thêm nữa cũng giống như ông tổng thống mới, Sài gòn vẫn không chịu chấp nhận thực trạng sụp đổ đang diễn ra khắp mọi nơi. Chừng nào vẫn còn các buổi liên hoan, các buổi tiệc tùng thì chừng đó vẫn còn hy vọng. Mỗi ngày chúng tôi lại nói lời giã biệt với vài người trong đám bạn bè của mẹ tôi khi họ bỏ ra đi. Với chúng tôi, tương lai cũng không đến nỗi tệ hại lắm, bởi vì luôn luôn có những chuyến bay tới và chúng tôi có được sự bảo đảm sẽ có chỗ trong chuyến bay đó. Cho nên chúng tôi vẫn ở lại thành phố và chờ đợi. Trong gia đình, giữa mẹ tôi và chị Loan có một sự căng thẳng không thể hòa giải. Chị cố tránh mặt mẹ tôi mà không thể được vì dường như mẹ tôi lộ diện ở mọi nơi mọi lúc khi không còn bận rộn về những công việc ở ngân hàng như xưa nữa, bà trở nên gần như suy sụp.

Những tin tức ở nhà do bà chị của mẹ tôi nhắn vào lại càng làm tính nết thất thường của bà thêm tệ hại hơn. Bác tôi cho hay rằng từ ngày 2 tháng tư, khi cộng quân chiếm Nha Trang, thì gia đình bác đã mấy lần bị cướp dí súng trấn lột. Họ quyết định phải rời ngôi nhà của họ Nguyễn sau khi kẻ cướp đã vào quậy phá lấy đi chiếc xe Mercedes, nữ trang và tiền bạc cất dấu của mẹ tôi.

Vào ngày 28 tháng tư, vừa bảnh mắt ra mẹ tôi đã nghe được cái tin mà chúng tôi vẫn nơm nớp chờ đợi: một giọng hốt hoảng tường thuật trên đài phát thanh rằng Việt cộng đã tiến tới. Mẹ tôi bảo chị Loan đánh thức tôi dậy. Chẳng nói chẳng rằng, chị Loan kéo tôi ra khỏi giường và xốc tôi xuống căn hầm. Cái hầm rộng khoảng 3m x 4m mà người chủ nhà đã đào dưới nền bếp làm nơi trú ẩn phòng khi có chiến trạnh

Mọi người trong nhà đều đã tập trung tại đó. Bà ngoại tôi ngồi như pho tượng trong một góc xa dưới ánh sáng lờ mờ. Tay bà cầm chuỗi tràng hạt vốn là hạt của cây bồ đề nơi đức phật ngày xưa đã ngồi để giác ngộ. Những ngón tay của bà đều đặn lần tràng. Mắt bà lim dim, miệng thì thầm khấn khứa. Bên cạnh bà, ông ngoại tôi ngồi bó gối bên chiếc bàn duy nhất, bưng cả hai tai như để cố ngăn chặn những tiếng động khủng khiếp ở bên ngoài. Cạnh ông là chiếc gậy chỉ huy mà ông đã có từ nhiều năm trước, khi ông còn là một đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cho tới cái ngày một viên đạn của Việt cộng ghim chúng vào hông bên phải của ộng

Cách đó vài bước, dượng Lâm nằm dài trên ghế sô-pha. Mái tóc đen nhánh của dượng vẫn được chải và sấy kỹ càng như thường lệ. Nom dượng vẫn tỉnh táo và thoải mái. Trong bóng tối của căn phòng, em tôi đứng với mẹ tôi, tay ôm chặt vào ngực con gấu nhồi bông mà nó yêu thích nhất. Ngả người dưạ vào cánh cửa, với mái tóc cột ngược ra đằng sau, gương mặt nhợt nhạt không son phấn, trông mẹ tôi thật xanh xao, ảm đạm dưới ánh sáng chập chờn. Bụng bà đầy lên dưới làn áo ngủ, bà đặt tay lên đó như cố gắng bảo vệ cái bào thai ở bên trong. Lúc tôi và chị Loan bước vào, mẹ tôi và ông tôi đang nói dở câu chuyện.

- Ba ơi mình phải đi thôi. Con xin ba đừng phung phí thời giờ nữa.

Ông tôi buông tay ra khỏi đầu. Đôi mắt của ông như hai cái hố sâu đầy ắp nỗi thống khổ, nhưng ông vẫn quả quyết lắc đầu :

- Ba đã nói với con nhiều lần rồi, ba sẽ không đi đâu hết. Ba đã sinh ra trên đất này và ba cũng sẽ chết ở đây. Mẹ con cũng vậy thôi.

Bà ngoại tôi thì vẫn âm thầm khấn khứa, vẻ mặt chẳng hề thay đổi. Tôi không dám chắc bà có để ý chút nào tới câu chuyện trao đổi giữa hai người không. Trong suốt thời gian chung sống không bao giờ bà tôi làm trái ý ông tôi. Dù với lý do nào đã khiến ông tôi quyết định ở lại thì cũng đủ để cho bà tôi làm theo. Ông tôi nói tiếp :

- Ba không thể đi Mỹ được. Ba không muốn tới bất cứ nước nào mà ba không biết ngôn ngữ, không quen phong tục. Ba thà bị Việt cộng giết, chết bên cạnh tổ tiên còn hơn là làm ma nơi đất khách. Con đi đi !... mang các cháu đi đi. Đừng mất thời gian chờ đợi ba và mẹ nữa... Ba và mẹ sẽ tự lo lấy được... Đừng lo lắng gì cho ba mẹ cả. Ba đã là một người tàn tật , đã sáu mươi bốn tuổi rồi. Chẳng còn ai trên cõi đời này, kể cả bọn ác ôn nhất trong đám cộng sản, lại nhẫn tâm hành hạ vợ chồng ông lão yếu đuối này. Thôi đừng quyến luyến vì bố mẹ nữa...

Mẹ tôi không chiụ :

- Con xin ba... ba hãy nghĩ tới lũ nhỏ. Ba biết rằng con không thể để cho ba mẹ trơ trọi ở lại một mình... nhưng nếu con ở lại thì... lũ nhỏ sẽ khốn khổ.

Ông ngoại tôi khăng khăng :

- Đã bảo ba không đi đâu mà. Dù con nói thế nào thì ba cũng không đổi ý đâu.

Mẹ tôi hiểu rằng ông là người tận tuỵ với đất nước. Nhưng mẹ tôi cũng biết rằng Việt Nam là xứ sở đặt nặng vấn dề chủng tộc. Trải qua nhiều thế hệ, bất chấp mọi thách thức, người Việt Nam đã chống lại áp bức của Tầu, Nhật rồi Pháp và cái thành kiến này đã trở nên ăn sâu trong mỗi người Việt Nam. Mẹ tôi lo rằng trong tương lai, anh em tôi sẽ bị đối xử kỳ thị. Chín năm trước đây, một kỹ sư dân sự người Mỹ, ngành xây dựng, công tác ở Sài Gòn, đã thuê mẹ tôi làm thông dịch. Một mối tình lãng mạn đã nảy nở giữa hai người. Tôi là kết quả của sự dan díu ngắn ngủi đó. Nước da sáng và mái tóc xoăn của tôi đã biểu lộ rõ rệt dòng máu của cha tôi. Cũng có thể diện mạo tôi đã khiến ông thừa nhận tôi là máu mủ của ông, và cũng có thể do sự khả ái tuyệt vời của mẹ tôi, nên trước khi rời hẳn đất nước này , ông đã dốc hết tài khoản trong nhà băng để trao cho mẹ tôi số tiền vào khoảng ba chục ngàn đô la Mỹ , là một tài sản lớn đối với bất kỳ ai ở Việt Nam. Mẹ tôi đã dùng món tiền này cùng với các mối quen biết hùn hạp lập một ngân hàng để đảm bảo cho đời sống của bà. Vài năm sau, bà lại lấy một người Mỹ khác, một sĩ quan, và thằng em Jimmy của tôi đã ra đời. Ba của Jimmy rời khỏi Nha Trang vào năm 1971 cùng với toán lính Mỹ cuối cùng để đoàn tụ với gia đình riêng của ông ta. Ông ta cũng rất hào phóng nữa. Tiền do ông để lại giúp mẹ tôi thanh toán xong hẳn số tiền mẹ tôi còn thiếu khi tậu ngôi biệt thự và tân trang đôi chỗ cần thiết. Mẹ tôi cũng cho xây một bức tường bao quanh nhà, không phải chỉ để ngăn cho người ngoài khỏi dòm ngó mà còn che đậy chúng tôi như thể bà có điều gì đáng hổ thẹn phải giấu giếm, như thế chúng tôi sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện. Nhưng đến bây giờ thì mẹ tôi đã nhận ra rằng chẳng có một bức tường nào trên trái đất này có thể ngăn cản cho chúng tôi tránh khỏi sự bị tẩy chay. Nỗi niềm sâu kín mà bà đã cố bảo vệ nay trở nên không thể nào còn che giấu được nữa. Thật vô phương. Mẹ tôi biết rằng rồi đây chúng tôi sẽ phải sống trong một xã hội không biết tha thứ, và bị bỏ quên như một thứ cỏ hoang. Hy vọng duy nhất của chúng tôi là rời khỏi Việt Nam và di chuyển tới một nơi khả dĩ sống được. Mẹ tôi buồn rầu nhìn ông ngoại, hai tay dắt em tôi và tôi, nói :

- Xin ba hãy tha thứ cho con. Chỉ vì lũ nhỏ này mà con phải ra đi.

Quay sang chị Loan, mẹ tôi nhìn sững rồi trầm giọng :

- Loan lấy vali đi.

Rồi mẹ bảo với tụi tôi :

- Các con lại hôn chào từ biệt ông bà đi. Hôn thật kêu vào. Đây là lần cuối các con nhìn thấy ông bà đấy.

Chúng tôi làm theo lời mẹ. Bà ngoại bỏ rơi chuỗi hạt xuống sàn, giơ tay với chúng tôi. Bà ôm hôn chúng tôi thật thắm thiết, nước mắt của bà chứa chan trên khuôn mặt nhăn nheo. Ông tôi ôm chặt tôi đến nghẹt thở và bởi thế cái hôn tưởng dài như vô tận. Bên tai tôi, ông thì thầm rằng ông yêu hai đứa chúng tôi biết là chừng nào. Sau cùng, ông cũng buông tụi tôi ra khi chị Loan thay quần áo, sắp xếp vài đồ dùng cá nhân và đi tới chiếc xe tải. Ông ngoại đẩy cô gái về phía chúng tôi :

- Cho Loan nó đi theo. Nó có thể giúp đỡ con.

Mẹ tôi dừng lại ở giữa phòng :

- Cái gì ? Nó không thể đi được ! nó không có vé.

Dượng Lâm lần đầu tiên mở miệng :

- Thì đã sao ? Cô quyền thế lắm kia mà, ai chả biết. Nếu cần cô có thể dời được cả quả núi ấy chứ. Nhưng chẳng có ai đòi cô dời núi cả, chỉ mong cô lo cho con bé này thay vì bỏ rơi nó. Thôi đi, gắng chút được không ? ít ra trong đời, cũng có một lần cô làm một việc tốt cho người khác... Biết đâu đấy... có khi nó lại làm cho cô trở thành một con người đúng nghĩa không chừng.

Mẹ tôi trừng trừng nhìn dượng trong lúc ông ta nói tiếp :

- Thôi mà, rồi cũng sẽ suông sẻ cả thôi. Bây giờ, mọi sự đang rối beng lên, cảnh sát chẳng thể nào xét giấy chi li từng người. Ngay cả khi tụi nó có hỏi tới gia đình mình thì theo cái kiểu dân chúng ở đây như cô đã biết đấy, tôi tin chắc là mình vẫn cho nó lẻn ra cùng với chúng mình được. Nhưng nghiêm chỉnh mà nói, cô hãy thú thực đi. Vấn đề không phải là cô làm được hay kông làm dược mà là cô có muốn làm hay không mà thôi, đúng vậy không ?

Mẹ tôi đổ quaụ :

- Im mồm đi.

Dượng nhún vai nói tiếp trước khi bỏ đi :

- Được chớ... bà muốn gì chẳng được, thưa bà...

Ông tôi chen vào :

- Thôi, mang nó theo đi con.

Với mẹ tôi thì câu nói này không còn là một gợi ý mà là một mệnh lệnh.

Ông tôi lại tiếp :

- Ba đã mang ơn bố nó rất nhiều vì viên đạn ông ấy hứng chiụ cho ba. Ba đã hứa với với ông ấy là sẽ săn sóc nó. Và ba đã thực hiện lời hứa từ đó đến nay. Kể từ bây giờ, ba muốn con lãnh cái trách nhiệm đó cho ba. Vì ba, con hãy làm mọi thứ để giúp cho Loan. Vả lại nó còn trông nom được xấp nhỏ mà. Thôi mau lên, hãy đi đi, tất cả hãy thương lấy nhau, đừng hục hặc nhau nữa. Nếu ở sân bay có chuyện mà Loan không đi được thì nó sẽ quay về với ba. Vạn nhất nếu có xảy ra chuyện đó, thì ít ra nó cũng còn mang tin tức của các con về cho ba. Hiểu chưa ?

Mẹ tôi chấp nhận một cách miễn cưỡng :

- Thưa ba, vâng !

Trước khi mẹ tôi kịp đổi ý, chị Loan đã trèo lên xe, ngồi tọt vào góc trong. Mẹ tôi leo lên sau cùng, mắt nhìn thẳng, không đếm xỉa tới sự có mặt của chị. Khi dượng Lâm lái xe đi, tôi còn thấy khuôn mặt ảm đạm của ông bà ngoại tưạ vào cửa sổ hình bầu dục của tầng hầm, chỉ cao hơn mặt đất chừng nửa gang tay.

Mẹ tôi ngồi thẳng, bộ mặt như đông cứng lại trong một mặt nạ băng giá. Từ cái radio, chúng tôi lại nghe được cùng một giọng nữ lúc sáng sớm, run run thông báo rằng bọn cộng sản đang tới. Họ tới giống như một trận dịch châu chấu tấn công như vũ bão cánh đồng lúa, nhanh chóng và không sao kiểm soát được. Sài Gòn trong những giờ cuối cùng của tự do. Không gian tràn ngập cảnh hỗn loạn, vẻ bối rối hiện ra trên gương mặt của mọi người ngoài đường phố. Những toán tù có vũ khí đột nhập tư gia, la lối từ đầu đến cuối phố, giương súng bắn lên trời. Bàn, ghế, tủ, giường ngổn ngang trên đường phố làm cản trở giao thông. Các thứ vứt bỏ đều ném cho ông thần hoả, dù bất cẩn hay do cố ý, khói và lửa cũng đều làm tăng thêm sự khủng khiếp. Binh lính chạy lung tung, súng bị liệng vào thùng rác, quân phục bị vứt bỏ như đang bị bốc cháy. Mấy đứa trẻ lạc mất cha mẹ túm tụm lại với nhau khóc lóc ở một góc phố. Trên đầu chúng, lửa đang lem lém nuốt chửng cây dừa, khiến cho tàn than rơi như mưa xuống. Qua cửa sổ xe, nhìn chúng như bị thiêu sống trong một buổi lễ hiến tế thần linh.

Chúng tôi không đi xa được. Đường phố bị kẹt cứng bởi những đám người liều mạng, tất cả cùng chung một mục tiêu vô vọng là đi được đến sân bay. Ngay khi vừa vào được thông lộ, chúng tôi nhận ra một sự thật đau đớn là chúng tôi không còn đi được bất cứ tới đâu. Xa tít cuối tầm mắt, đường phố kẹt cứng những xe dân sự và xe tăng quân sự. Những tiếng la hoảng đã trở nên hỗn loạn trong bầu trời nóng bức. Thiên hạ bỏ xe lại, dẫm lên nhau, trèo qua đầu nhau, bám vô bất cứ cái gì có thể bám được, miễn sao có thể nhúc nhích để tiến về phía trước. Những xác chết nằm vặn vẹo, răng nhe ra như đang nhát những người còn sống sót. Cách xe của chúng tôi vài bước chân, một bà bầu nằm bỏ xác trên vỉa hè. Bụng bà ta mở toang hoác ra bởi nhiều bước chân vội vã dẫm lên, cạnh đó là cái bào thai đang hấp hối, khẽ động đậy dưới đám ruồi đen đặc bay nhặng sị. Một vũng máu đen bên dưới thân bà ta đang khô dần dưới ánh nắng gay gắt. Tại chỗ ngồi, mẹ tôi run rẩy, co rúm lại, kéo chúng tôi sát vào người bà. Doc. theo thông lộ, mọi người trôi đi như nước xuôi dòng. Tiếng kêu khóc inh ỏi của những đứa trẻ lạc đi tìm cha mẹ, tiếng la thất thanh của những người bị ăn cướp, những bài hát ồn ào trên đài phát thanh, rồi tiếng súng nổ, tiếng than vãn của nạn nhân bị thương tích, tất cả như hoà trộn trong bản giao hưởng rời rạc của khổ đau. Và giống như làn hơi ẩm đang bốc lên trong không khí, sự tập hợp của những âm thanh buốt nhói này cứ dâng cao, dâng cao, mãi trộn chung với làn hơi độc của lựu đạn cay đang mù mịt như đám mây đen của thống khổ. Ở trong xe, em tôi và tôi quá sợ nên ngồi im thin thít. Dượng Lâm nom không còn cái vẻ thoải mái nữa. Mái tóc dài của dượng xoã xuống vầng trán đang rịn mồ hôi. Những ngón tay của dượng đang xiết chặt lấy bánh lái làm các khớp ngón trắng bệch ra. Đầu dượng lúc lắc theo mỗi nhịp thở một cách không thể kiềm chế nổi, mắt dượng mở to ra khiến cho cái lòng trắng căng nở thêm lên. Bỗng nhiên, dượng hộc lên một tiếng la đầy thất vọng đấm tay vào còi xe một cách giận dữ, rồi quay sang phía mẹ tôi, hầm hừ :

- Đ. M ! Phải ra khỏi xe ngay. Cứ ngồi mãi thế này thì thua. Cô lôi lũ trẻ xuống.

Mẹ tôi mím chặt hai môi lại thành một đường thẳng. Bà quơ lấy cánh tay tôi và tôi cảm thấy móng tay bà bấm sâu vào da thịt mình, đáp lại :

- Anh có điên không đấy. nhìn thiên hạ kìa ! Tôi là tôi không có rời cái xe này đâu.

Dượng Lâm nghiêng qua, dí sát vào mặt mặt mẹ tôi hai khuôn mặt chỉ cách có vài phân, nhìn nhau chòng choc.. Tôi có thể nhìn thấy mach. máu trên cổ ông ta căng mọng lên như hai con giun. Sau cùng dượng phá vỡ sự im lặng :

- Được rồi đưa cho tôi cái vé chó chết kia đi và cả cái sổ thông hành của tôi nữa. Tôi chán mứa cái cảnh phải nghe lời bà, mụ chằng ạ. Có hay không có bà tôi vẫn cứ dông.

Mẹ tôi không trả lời. Ông ta quát lên :

- Đưa ngay đây !

Tiếng quát làm mẹ tôi giật mình. Mẹ tôi lắc mạnh đầu để định thần, rồi quài tay ra với cái bóp. Mắt dượng Lâm không rời bàn tay của bà, rồi ông thốt lên :

- Đưa cả vé máy bay và giấy thông hành của cô nữa. Tôi sẽ mang Loan đi theo.

Mẹ tôi hỏi :

- Tại sao là nó ?

Dượng Lâm nhìn trổng xuống sàn xe như nhìn một vật vô hình :

- Nó có bầu với tôi.

Loan khẽ kêu lên một tiếng. Me tôi phớt lờ cô ta đi. Sau khi thở ra một hơi thật đài, bà nhìn Lâm giọng diụ đi :

- Tôi cũng thế. Vậy anh giải thích chuyện đó với tôi ra sao ? Anh không thấy rằng tôi cũng đang mang đứa con của anh trong bụng sao?

- Thì đã sao... Bà đâu có cần tới tôi, chẳng bao giờ bà cần tới tôi hết. Nhưng tin tôi đi, bà sẽ qua cầu được hết mọi chuyện mà...

Rồi dượng giật mạnh cái ví khỏi tay mẹ tôi, lục lọi lung tung cho đến khi tìm thấy cái mình cần. Ngoài giấy tờ ra, dượng lượm lên một bó tiền dầy. ve vẩy trước mặt mẹ tôi như để trêu chọc, dượng nói :

- Xin cứ coi như số tiền này là cô trả công cho sự phục vụ tận tụy của tôi.

Ngồi sau lưng mẹ tôi, cuối cùng, chị Loan lên tiếng:

- Ông Lâm, tôi không đi theo ông.  Tôi ở lại với bà chủ.

Dượng quay lại nhìn chị như thể chị bị loạn trí. Rồi môi ông nhếch lên trong một nụ cười méo xệch:

- Cũng được thôi ! Đồ ở đợ ngu ngốc. Cứ việc ở lại đi.

Dượng lựa ra giấy thông hành và vé của mẹ tôi rồi liệng cái mớ ấy cùng với cái ví lên lòng của bà. Còn món tiền và giấy thông hành của mình, dượng nhét sâu vào trong túi quần. Xong xuôi, mặt dượng sáng rực lên với nụ cười trên môi. Dượng thả mình xuống ghế, sửa sang lại quần áo trước khi mở của xe phóng ra ngoài. Ông ta còn trân tráo quay lại một lần cuối, nhìn chúng tôi:

- Chúc mọi người một cuộc sống an lành.

Đó là tất cả những gì mà ông ta đã thốt ra trước khi biến mất vào đám đông.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 798

Return to top