Một loạt tiếng nổ kinh hoàng lôi tuột tôi ra khỏi giấc ngủ say. Tôi nhảy khỏi giường, lơ mơ chẳng biết chuyện gì quanh mình. Bầu trời qua cửa sổ lung linh những ánh sao yếu ớt. Tôi tự hỏi phải chăng những tiếng nổ mà tôi vừa nghe đó chỉ là do chính tôi tưởng tượng ra thôi. Một loạt tiếng súng lại vang lên, tôi tỉnh hẳn vì kinh hãi. Vừa mò mẫm tìm dép trong bóng tối, tôi vừa lên tiếng gọi mẹ. Một bóng người chạy bổ vào phòng, tay cầm ngọn nến. Hoá ra là Loan, chị vú của tôi, mới mười tám tuổi, là người trẻ nhất trong đám người làm của nhà tôi. Tóc chị rối bời, mặt lộ vẻ còn ngái ngủ. Trong ánh sáng lờ mờ của căn buồng, nom chị ngơ ngác và run rẩy. Tôi chạy tới rúc vào ngực chị, hít thở mùi thơm êm dịu và quen thuộc từ chị toả ra. Chúng tôi cụm vào nhau giữa căn buồng.
Từ hơn một tháng nay, tiếng súng và tiếng bom tràn ngập Nha Trang. Hằng ngày đài phát thanh loan tin mỗi lúc một đáng lo ngại hơn cho đến khi sự tê liệt đã loang ra khắp nơi như một bệnh dịch. Mọi người gắng theo dõi báo cáo mới nhất với vẻ im lặng và cay đắng nhẫn nhục. Những tin đồn thổi lan rộng khắp Nha Trang, ăn sâu vào phố xá như một chứng bệnh ung thư. Từ lúc không còn cai ngục nữa, cửa nhà tù mở bung, bọn tội phạm ùa ra như làn nước bẩn, tàn nhẫn cướp phá trong thành phố. Không ai dám mạo hiểm ra ngoài. Phố xá vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe phóng đi vội vã. Những căn nhà khoá cửa kín mít biểu lộ sự sợ hãi của gia chủ. Đài truyền hình chiếu cảnh những thành phố gần vùng chiến sự, ở đó, giữa ban đêm, những người dân yếu bóng vía phóng ra khỏi cửa, không mang theo được những gì ngoài những đứa trẻ còn thơ dại. Nhũng người tỵ nạn trắng tay, chân dẫm đất bị cuốn đi từ thành phố này sang thành phố khác, trốn chạy khỏi nỗi khiếp sợ vô hình, đầu rỗng tuếch chẳng còn biết chạy đi đâu và trốn cái gì. Kiếm cái ăn đã trở thành mối lo thường trực kể từ khi chợ búa không còn họp đều đặn nữa. Thành phố như một con cá đang hấp hối trên vỉa hè, ngáp thở một cách tuyệt vọng.
Như phần lớn người dân Nha Trang, chúng tôi đóng chốt trong nhà chờ đợi sự kinh hoàng của chiến tranh bộc lộ hết cơn thịnh nộ của nó. Cho đến nay thì chỉ có một vài sự đụng độ làm xuyên thủng lá chắn bảo vệ ngôi nhà của họ Nguyễn. Tôi nhớ lại sự kiện đầu tiên và kinh khủng nhất đã làm mẹ tôi mất đi ý niệm về sự an toàn: Ngân hàng của bà bị sụp đổ. Từ năm 1968, mẹ tôi đã là một đồng chủ tịch một ngân hàng nhỏ ở Nha Trang. Một nửa tài sản đứng tên mẹ tôi, còn nửa kia thuộc về một cặp vợ chồng người Tàu giàu có. Vào một buổi tối, mẹ tôi nhận được một cú điện thoại báo tin rằng người hùn vốn với bà hiện ở Thái Lan và họ đang trên đường tếch sang Nữu Ước ôm theo toàn bộ tiền bạc. Ngày hôm sau bà đến văn phòng để chứng kiến một sự tan hoang và đầy rác rưởi. Ở bên ngoài, hàng trăm khách hàng giận dữ đang gọi tên bà và đang tìm cách phá cửa đòi vô. Chỉ sau vài giây đứng trước đám đông, mẹ tôi đã phải thoát khỏi ngân hàng qua một cửa ngách. Tuy thân thể không hề hấn gì nhưng cái ý chí vốn cương cường của bà đã như sụp đổ. Từ trên ban công phòng ngủ tôi nhìn thấy mẹ tôi trở về. Một bên giày đã tuột đâu mất, vẻ thất thần hiện rõ trên gương mặt của bà. Dượng Lâm, ông bồ chung sống với bà, trẻ hơn bà tới mười tuổi, đang cùng với bạn bè tắm nắng cạnh hồ bơi. Nhưng cặp mắt như mất hồn của bà không mảy may để ý họ. Họ nhìn bà chòng chọc cho đến khi bà biến mất vào nhà. Chỉ khi đôi chân bà chạm tới nền đá lạnh trong phòng khách, bà mới đổ vật xuống trong tiếng gào nức nở. Một nỗi tuyệt vọng tràn ngập như nhận sâu tôi xuống một hố thẳm. Từ trên ban công tầng hai, tôi bắt đầu khóc với bà cho đến khi có những tiếng nổ dữ dội vang lên làm lấn át tiếng thổn thức của tôi, những tiếng nổ giận dữ của bom đạn.
Bây giờ đây, cũng lại những tiếng ầm ầm rung chuyển như thế đã hất tôi ra khỏi giường và đẩy tôi vào vòng tay của chị Loan. Chị bế tôi chạy xuống cầu thang vào phòng khách tìm mẹ tôi lúc này đang bận tiếp một số khách chọn lọc. Để tìm hiểu thêm tình hình, Bà đã mời vài viên chức chính phủ còn bị kẹt lại Nha Trang tới nhà. Bà ngồi trên chiếc ghế, khiêm nhượng trong chiếc áo dài, phủ bên ngoài chiếc quần đen. Đang mang thai được chừng bốn tháng, bụng của bà như muốn trồi lên dưới bộ quần áo lụa.
Lúc này bà đang nói dở câu chuyện với ông Đặng, trưởng ban thông dịch của lãnh sự quán Hoa Kỳ. Ông bà Đặng là một trong những người hợp tác quan trọng nhất của mẹ tôi. Trái tim bà không dành bất cứ một mối liên hệ nào thắm thiết hơn là một tình bạn giao tế. Bà thừa nhận điều đó với tôi trong nhiều trường hợp rằng cái nhược điểm đó vốn là bẩm sinh của bà, ngoại trừ đôi khi chính bà lại xác nhận rằng cá tính đó không phải là nhược điểm, mà lại là một cách ứng xử thành công trong cuộc đời. Nói một cách đơn giản mẹ tôi không bao giờ tin vào bất cứ ai ngoài chính bản thân mình. Quan hệ giữa mẹ tôi và vợ chồng ông Đặng tuyệt nhiên chỉ là chuyện làm ăn. Do chức vụ đang giữ, ông Đặng có thể cung cấp cho mẹ tôi những tin tức tối mật và mới nhất về đất nước, về thị trường với những nhân vật liên đới chủ chốt, bao gồm cả những nhân vật hiện đang dự buổi tiệc này. Do vậy mẹ tôi có được những tin tức từ tận gốc, đáng giá nhất. Đổi lại ông Đặng được coi là thân thiết để được vào nhìn thấy tận bên trong buồng ngủ của bà, ở đó ông được công nhận là cánh đàn ông tại các bàn mạt chược đã bàn ra tán vào rất đúng khi nói rằng bộ quần áo ngủ của bà thật vừa khít một cách tuyệt hảo với cơ thể hấp dẫn của bà!
Còn về bà Đặng thì luôn luôn là người khách tiêu biểu nhất , lôi cuốn nhất trong các buổi tiếp khách của mẹ tôi. Vào lúc đó, với ly sâm banh còn vơi một nửa, cầm lỏng lẻo ngang ngực áo khoét rộng, bà Đặng đứng cách chồng vài bước, ngả vào dượng Lâm và một khách khác để dựa dẫm. Mỗi lần dượng Lâm và ông bạn thì thào vào tai bà chuyện gì đó lại làm bà cười rú lên, nghe rổn rảng như tiếng thuỷ tinh vỡ. Ngồi gần đó, mẹ tôi và ông chồng bà Đặng đang bị cuốn vào câu chuyện sôi nổi, dường như chẳng còn đếm xỉa đến quang cảnh ầm ĩ đang diễn ra chung quanh.
"Mẹ ơi... ! -tôi gọi chõ vào từ ngoài cửa. Mẹ tôi xin lỗi và đứng dậy đi về phía chúng tôi. Trong vòng tay ẵm của chị Loan, qua thân mình chị rung động, tôi cảm nhận được cơn bối rối của chị khi mẹ tôi đến gần. Không kịp để Loan nói gì, bà đã sấn tới và giằng lấy tôi. Với cái nhìn lạnh lùng, bà gầm gừ vào tai người tớ gái, cố để không ai nghe thấy: "Xéo ngay... " Rồi mẹ tôi xoay một vòng, bế tôi trên tay bà trở lại với mọi người cứ như không có chuyện gì sảy ra. Hướng về ông Đặng bà nói:
- Xin lỗi cháu nó sợ.
Ông Đặng vừa nói vừa thở dài:
- Hừ... tình cảnh này thì... ai cũng thế, huống chi nó... Bà biết đấy, bà nên đi khỏi đây trước khi quá muộn...
- Sao vậy? Thế còn người Mỹ? Họ không còn giúp chúng ta à?
Ông Đặng nhìn mẹ tôi với cái nhìn chỉ dành cho kẻ mất trí hoặc đần độn hết chỗ nói:
- Người Mỹ! Bà nói chuyện gì thế? Họ đã bỏ chúng ta từ lâu rồi. Ta chẳng còn nhận được sự trợ giúp nào của họ từ năm 1972 kìa. Mình đã phải tự lo lấy và... sụp đổ quá nhanh...
" Nhưng... " mẹ tôi lắp bắp, lấy tay bịt tai tôi lại cứ như là để cả hai chúng tôi thôi không còn cảm nhận được cái ngặt nghèo của tình thế.
- Theo ý kiến tôi, nhất định là bà phải đưa gia đình ra khỏi đây ngay lập tức. Cộng quân đã chiếm được cả thành phố Qui Nhơn và cả Tuy Hoà rồi. Chỉ vài cây số ngắn ngủi xuyên rừng nữa thôi là họ sẽ tới được đây.
- Trời ơi tôi phải làm gì bây giờ.
- Như tôi đã nói rồi, thưa bà, tất cả những gì chúng ta có thể làm được lúc này là cuốn gói chạy ngay đi... Sáng sớm mai gia đình tôi cũng rời khỏi nơi đây, tôi khuyên bà cũng nên làm như thế.
- Tôi biết đi đâu bây giờ?
- Thì... trước hết hãy vào Sài Gòn. Ít ra là từ đó bà cũng có thể ra khỏi Việt Nam qua ngả sân bay. Mặt khác, nếu tình hình chính trị dược cải thiện hơn, bà vẫn có thể quay về Nha Trang kia mà...
- Tôi chẳng còn có gì ở đây mà tính chuyện quay trở lại, tôi đã mất cái ngân hàng và tất cả tiền bạc rồi.
Ông Đặng nhún vai biểu lộ tình trạng bất lực của mình:
- Thế thì lại càng có lý do rời bỏ cái xứ sở tuyệt vọng này. Xin đừng quên giữ liên lạc với tụi tôi ở Sài Gòn. Đây là địa chỉ mà tụi tôi sẽ tới.
Ông viết nguệch ngoạc lên phía sau tấm danh thiếp và trao vào tay mẹ tôi.
Đêm đó... ngay khi buổi tiếp tân còn lại vài người khách, mẹ tôi bảo dượng Lâm đi thuê một chiếc xe van loại nhỏ. Cái xe rông rãi này có vẻ như là phương tiện duy nhất để mẹ tôi có thể bốc đi được sáu người trong nhà bao gồm luôn cả ông bồ của bà. Lúc dượng Lâm trở lại với chiếc xe, chúng tôi chạy vào nhà để gom một số vật dụng cần thiết. Khi chúng tôi theo gót những người khách cuối cùng trên lối đi ra đường, không một mạng nào trong ngôi nhà này biết được dự tính táo bạo của chúng tôi. Phần lớn những kẻ hầu người hạ đều đã đi ngủ ngay từ lúc buổi tiếp tân bắt đầu.
Bỗng nhiên, không biết từ đâu đó, chị Loan chạy xộc tới đầu xe và khóc lóc van xin mẹ tôi cho đi theo. Suốt tám năm nay, chị đã mang lại cho gia đình tôi thêm biết bao đầm ấm. Chị đã ân cần đối với tất cả mọi người kể cả với mẹ tôi vốn là người hay khinh miệt nhừng tầng lớp thấp kém. Từ lâu rồi, tôi vẫn coi chị là một thành viên trong gia đình. Trên xe, trong chỗ của mình, mẹ tôi lặng lẽ nhìn cảnh tượng khó chịu đó. Tuy nhiên, tiếng kêu khóc của chị đã làm ông bà ngoại mủi lòng, và ông tôi đã lên tiếng phụ hoạ thêm cho chị. Trước sự can thiệp nhẹ nhàng nhưng cương quyết của ông tôi, mẹ tôi đành phải chấp nhận cho chị lên xe khị đã yên chỗ, chị ôm ghì lấy tôi và em tôi. Chị hôn chúng tôi mà nước mắt đầm đìa trên má rồi chị cúi xuống áp khuôn mặt vào bàn tay của mẹ tôi. Đôi môi của chị mới chỉ chạm vào làn da thì bà đã rụt phắt ngay lại như vừa rớ phải lửa. Mặt bà tối sầm lại đôi mắt toé lửa nhìn chị đầy vẻ căm ghét. Rồi trong một lúc bất ngờ, mọi người giật bắn mình khi thấy mẹ tôi giáng một cái tát vào bên má trái của chị. Cái tát nảy lửa làm đầu của chị bật ngửa về phía sau, đập vào thành sắt của chiếc xe gây ra một tiếng động khô khan vang vọng. Có vẻ như chị vẫn còn muốn giữ cho cái đầu cúi xuống đến tận sàn. Trong cơn kinh hoàng lặng lẽ, em tôi sợ hãi bắt đầu khóc thút thít nhưng chẳng ai với tới nó để dỗ dành. Còn tôi vì quá dao động nên chẳng thể thốt lên được một lời.