Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> BÁC SĨ ZHIVAGO

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 76179 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÁC SĨ ZHIVAGO
Boris Pasternak

P14 - 10

13
Có một cái bất thường xảy ra với Zhivago. Chàng mất trí dần dần, chậm rãi. Chưa bao giờ chàng sống theo cái lối kỳ cục như thế này. Chàng bỏ bê nhà cửa, ngừng quan tâm đến bản thân, biến đêm thành ngày và mất ý niệm về thời gian kể từ buổi Lara đi.
Chàng uống rượu và làm thơ tặng Lara, nhưng chàng càng sửa chữa và thay thế các từ ngữ bao nhiêu, thì nàng Lara trong thơ và trong sổ ghi của chàng càng xa dần hình ảnh đích thực ban đầu của nàng, xa dần nàng Lara sống động, mẹ của Katenka, đã mang con ra đi, bấy nhiêu.
Zhivago gạch xoá, sửa chữa như thế là để diễn tả chính xác và mạnh mẽ hơn, nhưng cũng là để cho phù hợp với việc chế ngự nội tâm, không cho phép bộc lộ quá rõ những cảm xúc riêng tư và dĩ vãng có thực, không chút bịa đặt, để khỏi động chạm hoặc làm tổn thương những ai trực tiếp liên quan đến các cảm xúc và dĩ vãng ấy. Thế là những cái hoàn toàn thiết thân, cái còn đang bốc khói và nóng hổi bị gạt ra khỏi các bài thơ, những cái đang rỉ máu và nhức nhối phải nhường chỗ cho tầm rộng lớn thanh thản đã nâng trường hợp đặc thù lên bình diện phổ quát mà ai cũng thấy quen thuộc. Chàng chưa đạt tới mục tiêu ấy, nhưng cái tầm rộng lớn đó tự nó đến như một niềm an ủi mà Lara đang trên đường đi xa gửi riêng về cho chàng, như lời chào xa xăm của nàng, như hình ảnh nàng hiện ra trong giấc mộng hoặc như bàn tay nàng chạm vào trán chàng trở nên cao cả ấy. Sau những vần thơ khóc tặng Lara, chàng cũng hoàn tất những ghi chép lung tung, mà chàng từng thực hiện vào các thời gian khác nhau, về trăm thứ bà rằn, về thiên nhiên, về cuộc sống hàng ngày. Cũng như trước đây, hằng hà sa số ý nghĩ về cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội lạ ập đến trong đầu chàng cùng một lúc hoặc lần lượt thoáng qua. Chàng lại nghĩ rằng chàng hình dung lịch sử, cái được mệnh danh là tiến trình lịch sử, hoàn toàn khác với quan mệm chung của mọi người, và lịch sử đã được vẽ ra trước mắt chàng như đời sống của thế giới thảo mộc. Mùa đông dưới tuyết, những cái cành trụi lá của rừng cây thông khẳng khiu và đáng thương như mấy sợi lông trên nốt ruồi của một cụ già. Mùa xuân, chỉ trong vài ngày, rừng cây thay hình đổi dạng, vươn cao lên tận mây và người ta có thể ẩn mình hay lạc lối trong cái mê cung rậm rạp của nó. Sự biến hoá ấy được tựu thành nhờ một sự vận động nhanh hơn hẳn sự vận động của động vật, bởi vì động vật không lớn nhanh như cây cỏ, hơn nữa người ta không thể nhìn trộm để thấy sự vận động của thực vật Rừng không chuyển dịch đi lại, ta không tài gì rình rập để bắt quả tang sự thay đổi vị trí của rừng. Bao giờ chúng ta cũng thấy rừng đứng im một chỗ. Và cũng chính trong trạng thái tưởng như bất động ấy, chúng ta lại bắt gặp đời sống xã hội và lịch sử cứ mãi lớn lên, mãi mãi biến đổi mà chẳng ai theo dõi được các sự biến hoá của nó.
Tolstoy chưa đưa tư tưởng của ông tới cùng, khi ông phủ nhận vai trò người chủ xướng của Napoléon, của các vua chúa và tướng lĩnh. Ông cũng đã nghĩ đúng như vậy, nhưng chưa nói trọn điều đó cho thật rõ ràng, hoàn toàn rõ ràng. Không ai làm nên lịch sử, không ai trong thấy lịch sử, hệt như không thể trông thấy cỏ đang mọc như thế nào; các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, các Rôbexpie đều là chất xúc tác hữu cơ, chất men của lịch sử. Các cuộc cách mạng được sản sinh bởi những con người hành động, những người cuồng tín một chiều, những thiên tài biết tự hạn chế. Chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày họ lật nhào thể chế cũ. Các cuộc chính biến kéo dài hàng tuần, nhiều khi hàng năm, sau đó suốt hàng thế kỷ người ta còn thờ phụng cái tinh thần hạn chế, một thứ hạn chế đã dẫn tới cuộc chính biến, như thờ phụng thần thánh".
Trong khi khóc lóc thương nhớ Lara, chàng cũng khóc thương cái mùa hè xa xôi ở Meliuzev, khi cách mạng lúc bấy giờ như là thượng đế giáng trần, như là Thiên Chúa của mùa hè đó, và mỗi người nổi điên theo kiểu riêng của mình, và cuộc sống của mỗi người cứ tồn tại tự nó, chứ không mang tính chất minh hoạ, giải thích để xác nhận lẽ phải của thứ chính trị tối cao.
Trong khi bận rộn phác họa những ý tưởng rất khác nhau như thế, chàng lại kiểm chứng và ghi nhận rằng nghệ thuật bao giờ cũng phụng sự cái đẹp, còn cái đẹp là diễm phúc được có một hình thức, còn hình thức là cái chìa khoá hữu cơ của đời sống, mọi sinh vật phải nắm được hình thức để tồn tại, bởi thế nghệ thuật, trong đó kể cả bi kịch, đều là câu chuyện về diễm phúc tồn tại. Những suy tưởng và ghi chép ấy cũng đem lại hạnh phúc cho chàng, một hạnh phúc bi thảm và đầy nước mắt, đến nỗi nó làm cho chàng mệt mỏi và nhức cả đầu.
Samdeviatov đến thăm Zhivago. Ông ta cũng đem Vodka tới và kể cho chàng nghe chuyện hai mẹ con Lara khởi hành cùng với Komarovski. Samdeviatov đến bằng đường xe lửa, trên một chiếc ô tô ray. Ông ta nặng lời trách móc Zhivago không săn sóc con ngựa Savraska và đã đem nó đi, mặc dù chàng cố nài ông ta để lại cho chàng mượn vài ba hôm nữa. Để bù lại, ông ta hứa vài ngày sau sẽ đích thân đến đón chàng và đưa chàng đi khỏi hẳn Varykino.
Đôi lúc sau khi làm việc, ghi chép một hồi, Zhivago bỗng chợt nhớ đến người phụ nữ đã ra đi, nhớ một cách hết sức rõ ràng, đến mức chàng mê đi vì cảm giác âu yếm và nỗi đau gay gắt của sự mất mát. Cũng như thuở còn thơ, giữa cảnh huy hoàng của thiên nhiên mùa hè, trong tiếng chim chóc líu lo chàng từng như nghe văng vẳng tiếng người mẹ đã qua đời gọi chàng, thì ngày nay, tai chàng đã quá quen nghe tiếng Lara, còn đầy giọng nói của nàng, thỉnh thoảng lại đánh lừa chàng. Chốc chốc chàng lại nghe như có tiếng từ phòng bên vẳng sang: "Anh Yuri yêu dấu?".
Trong tuần lễ này, chàng còn bị các giác quan đánh lừa mấy lần theo kiểu khác. Một đêm cuối tuần, chàng bất chợt tỉnh dậy sau một cơn ác mộng nặng nề và vô lý, rằng có một cái hang rồng ở dưới nhà nàng. Chàng mở mắt ra. Đột nhiên đáy khe núi lóe lên ánh lửa và dội lại tiếng vang chát chúa của một phát súng ai đó vừa nổ. Điều lạ lùng là chỉ một phút sau biến cố khác thường ấy, chàng lại ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, chàng quả quyết đấy chỉ là chàng nằm mơ.
14.
Đấy là chuyện xảy ra ít lâu sau. Cuối cùng Zhivago cũng phải nghe theo tiếng nói của lý trí. Chàng tự nhủ rằng nếu đã đề ra cho mình mục đích tìm đến cái chết với bất cứ cách nào, thì có thể sử dụng phương cách vừa đem lại tác dụng nhanh hơn vừa đỡ đau khổ hơn. Chàng tự hứa là ngay sau khi Samdeviatov tới đón chàng, chàng sẽ rời bỏ nơi này tức thì.
Trước khi trời chập choạng tối, chàng nghe có tiếng bước chân ai đó lạo xạo trên tuyết khá rõ. Một người nào đó đang thản nhiên đi về phía nhà chàng với bước chân quả quyết và mạnh mẽ.
Quái lạ. Người đó có thể là ai nhỉ? Nếu là Samdeviatov, hẳn ông ta phải đến bằng xe ngựa. Varykino thì hoàn toàn hoang vắng, chẳng có ma nào qua lại. Chàng nghĩ: "Chắc người ta đến kiếm mình. Có trát gọi hoặc yêu cầu mình về thành phố, hoặc họ bắt giữ mình. Nhưng nếu thế thì họ chở mình bằng phương tiện gì? Và họ phải có hai người kia. Thôi, đúng là Mikulisyn rồi". Chàng mừng rỡ phỏng đoán, khi tưởng rằng mình đã nhận ra bước chân của khách. Người lạ mặt, mà danh tính còn là điều bí ẩn, tạm đừng một lát trước cánh cửa đã bị mất ổ khoá mà hắn chờ đợi, đoạn hắn đi tiếp với bước chân tự tin như thể hắn đã biết rõ ngôi nhà này, hắn mở tất cả các cửa mà hắn gặp và cẩn thận khép lại sau lưng như một ông chủ.
Zhivago đang ngồi bên bàn viết, quay lưng ra cửa, trong lúc những sự việc lạ lùng ấy diễn ra: Chàng đứng lên, ngoảnh mặt lại để đón kẻ lạ mặt, thì kẻ đó đã đứng sững như trời trồng ở ngưỡng cửa.
"Ông hỏi ai?" - Zhivago thốt lên như một cái máy câu hỏi ước lệ ấy, và chàng cũng chẳng ngạc nhiên, khi không nghe thấy tiếng trả lời.
Kẻ vừa bước vào là một người đàn ông khỏe mạnh, cân đối, có khuôn mặt điển trai, mặc áo bludông và quần bằng lông thú, đi đôi ủng da dê ấm áp, vai đeo một khẩu súng trường.
Chỉ có khoảnh khắc xuất hiện của kẻ lạ là bất ngờ đối với Zhivago, chứ không phảị cái sự hắn ta tới đây. Những vật dụng chàng đã tìm thấy trong nhà và các dấu hiệu khác đã chuẩn bị cho chàng đón nhận cuộc gặp mặt này. Kẻ vừa bước vào hiển nhiên là chủ nhân của những vật dụng dự trữ sẵn trong nhà.
Chàng thấy diện mạo hắn ta quen quen, đã gặp ở đâu đó. Chắc vị khách cũng đã được báo trước rằng, nhà này chẳng phải bỏ hoang. Hắn không mấy ngạc nhiên về chuyện trong nhà có người ở. Có lẽ hắn đã biết trước hắn sẽ gặp ai. Hắn đã biết chàng rồi cũng nên, "Hắn là ai nhỉ? Hắn là ai nhỉ?" - Zhivago cố moi óc để nhớ.
"Trời ơi, mình đã gặp hắn ở đâu nhỉ? Liệu có thể như vậy ư?
Một buổi sáng tháng năm oi bức, năm nào thì quên mất rồi. Ga xe lửa Rezvilie. Trên toa tàu không hứa hẹn điều gì tốt lành của viên tư lệnh. Những quan điểm rõ rệt, tính thẳng thừng, những nguyên tắc cứng rắn, lẽ phải, lẽ phải, lẽ phải, Strelnikov?".

<< P14 - 9 | P14 - 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 930

Return to top