1.
Các gia đình của du kích quân đã đi theo đoàn quân từ lâu trên các chiếc xe ngựa chở con cái và vật dùng.
Bám theo đoàn xe ngựa là vô số các gia súc, chủ yếu là bò, có đến mấy ngàn con.
Cùng sống với vợ con du kích ở trong trại có một nhân vật mới xuất hiện tên là Dlydarikha hoặc Kubarikha một người vợ lính, một y sĩ thú y chuyên nghiệp còn bí mật làm nghề phù thủy.
Mụ đội chiếc mũ chào mào lệch sang một bên, mặc loại áo capốt màu vỏ đậu của bộ binh Vương quốc Scotland mà nước Anh trang bị cho Tổng Tư lệnh Konchak, nhưng mụ quả quyết với mọi người rằng hai thứ ấy mụ cắt khâu tù binh phục của một tên lính bị bắt, và tựa hồ Hồng quân đã giải thoát mụ khỏi nhà từ trung tâm ở thành phố Kegiem, nơi Konchak đã giam giữ mụ chả rõ vì lý do gì.
Lúc này, quân du kích đang đóng trại ở địa điểm mới. Người ta dự kiến đây sẽ chỉ là nơi dừng chân tạm thời, trong lúc chờ thám thính toàn bộ khu vực lân cận và chọn được địa điểm thích hợp, an toàn hơn cho giai đoạn trú đông. Nhưng tình hình sau đó diễn biến khác đi đã buộc họ phải đóng trại ở đây suốt mùa đông.
Địa điểm mới này chẳng giống chút nào so với khu Mõm Cáo mà họ rời bỏ cách đây chưa lâu. Đây là một khu rừng taiga rậm rạp, hiểm trở, một phần gần đường cái quan, còn phía kia là rừng ngút ngàn, vô tận. Những ngày đầu, khi bộ đội dựng lều trại và sắp xếp nơi ăn ở, Zhivago được rảnh rang hơn, chàng đi sâu vào rừng, thám hiểm một vài hướng và nhận thấy rất dễ bị lạc trong rừng. Có hai chỗ khiến chàng chú ý và ghi nhớ trong đợt thám hiểm đầu tiên này.
Một ở bên lối ra của trại và của khu rừng. Rừng cây độ này đã trụi lá, nên người ta có thể nhìn suốt qua như qua một chiếc cổng mở toang. Chỗ ấy có một cây thanh lương trà rất đẹp, màu lá hung hung, mọc đơn độc, là cây duy nhất không bị rụng lá giữa ngàn cây. Nó mọc trên cái gò nhỏ, nổi hẳn phía trên lớp đất thấp ẩm ướt và chĩa cao lên bầu trời màu xám chì cuối thu những chùm hạt cứng xòe ra như tấm mộc nhỏ.
Những chú chim nhỏ, lông sặc sỡ như bình minh sương giá, các chú sẻ ngô và hồng tước đậu trên, cây thanh lương trà, thong thả lựa những hạt lớn nhất mà mổ, rồi nghển đầu, vươn cổ ra nuốt một cách khó khăn.
Có một sự gần gũi sống động nào đó giữa chim và cây. Tựa hồ cây thanh lương trà đã nhìn thấy tất cả những cái đó, khăng khăng cự tuyệt một hồi lâu, rồi mới chịu thua, co mình lại trước bầy chim nhỏ, và nhượng bộ vạch áo, chìa vú như mẹ cho con bú. "Thôi được, các con nhiễu sự quá. Đây thì ăn đi, ăn đi ăn cho no nê đi". Rồi nó cười.
Chỗ thứ hai còn tuyệt hơn, nằm trên một cái gò cao mà một phía là sườn dốc dựng đứng. Tưởng chừng dưới chân sườn dốc phải thấy một phong cảnh khác hẳn trên đỉnh gò, một con sông, hoặc một cái khe sâu, hay một bãi cỏ dày chả ai cắt chẳng hạn. Thế nhưng dưới ấy cũng chả khác gì trên này, có điều là ở dưới độ sâu chóng mặt, các ngọn cây cách xa chỗ ta đứng trên gò. Chắc là hậu quả của một vụ đất sụt.
Tựa hồ cánh rừng âm u và uy nghi ấy đang nói với lên mây, bỗng bị sẩy chân sa xuống vực và lẽ ra phải sụt sâu xuống lòng đất, nhưng đến giây phút cuối cùng lại thoát hiểm nhờ có phép màu, bám được chân trên mặt đất, không hề sây sát suy suyển gì, nên bây giờ vẫn bình yên rì rào ở dưới kia.
Song cánh rừng trên gò cao ấy tuyệt vời nhờ ở điểm khác. Toàn bộ mép gò được viền bằng những khối đá hoa cương thẳng đứng, như các phiến đá bằng phẳng lát quanh ngôi mộ thời tiền sử Lần đầu tới chỗ đó, Zhivago quả quyết rằng đây hoàn toàn không phải là tác phẩm của thiên nhiên, mà mang dấu ấn bàn tay con người. Rất có thể thời cổ xưa, đây là nơi thờ thần của một bộ lạc nào đó, nơi họ đến tế lễ và dâng hiến vật. Chính tại đây, vào một buổi sáng u ám rét mướt, người ta đã thi hành án tử hình đối với mười một tên dính dáng nhiều nhất vào âm mưu phản loạn và hai y tá nấu rượu trái phép.
Hai mươi người được chọn trong số những chiến sĩ du kích trung kiên nhất với cách mạng, mà hạt nhân là tiểu đội bảo vệ ban tham mưu, đã dẫn bọn kia tới đây. Đội áp giải đi sát nhau thành một vòng bán nguyệt quanh đám tội phạm, lăm lăm súng trong tay, dồn thúc bọn kia lên chỗ mép gò cao, nơi chúng không có lối thoát nào hết, trừ phi nhảy xuống vực sâu Những cuộc hỏi cung, sự giam cầm lâu dài với bao sự nhục mạ đã khiến bọn tội phạm mất hết vẻ con người. Râu tóc bờm xờm, chúng trở nên đen đủi, tiều tụy và hốc hác, trông như các bóng ma. Chúng đã bị tước khí giới ngay lúc bị bắt, không ai nghĩ đến chuyện khám xét chúng một lần nữa trước khi xử bắn. Làm như vậy có vẻ quá ti tiện và giễu cợt đối với những kẻ kề bên cái chết.
Bất thình lình Rzhanitski, một người bạn của Vdovichenko đang đi bên gã, và cũng là một phần tử vô chính phủ kỳ cựu như gã kia, nổ liền ba phát súng vào tốp chiến sĩ áp giải, nhắm vào Sivobliu. Rzhanitski là một thiện xạ, nhưng hắn run tay vì hồi hộp nên bắn trượt. Các chiến sĩ áp giải không lao vào đánh đập hoặc hạ sát Rzhanitski để trả lời hành động mưu sát của hắn, trước khi có lệnh chỉ huy, cũng vẫn vì sự tế nhị và thương xót mấy người đồng chí cũ, Rzhanitski vẫn còn ba viên đạn nữa trong khẩu brawning tự nổ phát thứ tư trúng vào chân phạm nhân Pascolia.
Y tá Pascolia rú lên, ôm lấy chân, quỵ xuống và bắt đầu luôn miệng rên rỉ vì đau. Hai tên đi cạnh là Sanka và Dakha nâng y dậy và xốc nách y dìu đi để khỏi bị những đứa bạn khác, trong cơn kinh hoàng chung, giày xéo lên người y, bởi chẳng ai còn chút tỉnh táo gì nữa. Pascolia không thể bước bằng chân bị thương, nên phải nhảy lò cò hoặc đi cà nhắc tới mép đá nơi bọn phạm nhân bị dồn tới. Y cứ luôn mồm la ôi ối.
Tiếng rên la không giống tiếng người của y có sức lây lan. Như theo hiệu lệnh chung, cả đám phạm nhân không còn kiềm chế được nữa. Một cảnh tượng quái dị bắt đầu. Tiếng nguyền rủa, cầu khẩn, than thân trách phận, văng tục, tuôn ra như mưa.
Gã thiếu niên Teresa lột cái mũ lưỡi trai viền vàng của học sinh trung học mà gã vẫn còn đội, quỳ xuống mà bò lùi theo đám phạm nhân về phía mép đá khủng khiếp. Gã cứ vừa bò vừa gục đầu bái lạy những chiến sĩ áp giải, khóc sướt mướt, nửa tỉnh nửa mê van xin họ:
- Các anh ơi, em biết mình có tội rồi, hãy tha cho em, không bao giờ em dám tái phạm nữa. Đừng giết em. Đừng bắn em. Em chưa sống được mấy tí, em chết thế này thì trẻ quá. Cho em sống thêm ít ngày nữa, để em được nhìn thấy mẹ em, người mẹ yêu quý của em, dù chỉ một lần nữa thôi. Tha thứ cho em, các anh ơi, hãy thương em. Em xin hôn chân các anh. Em sẽ đi quẩy nước cho các anh. Ối giời đất ơi, khổ thân con, khổ thân con, chết con rồi, ơi mẹ ơi là mẹ ơi.
Từ giữa đám phạm nhân, có kẻ kêu lên thảm thiết, không rõ là tên nào:
- Các đồng chí yêu quý, các đồng chí trung hậu ơi! Sao nỡ thế này? Các đồng chí hãy nghĩ lại đi! Chúng ta đã cùng nhau đổ máu trong hai cuộc chiến. Chúng ta đã cùng bảo vệ và chiến đấu cho cùng một lý tưởng kia mà. Xin hãy lượng tình thả chúng tôi ra. Chúng tôi sẽ suốt đời ghi lòng tạc dạ sự tốt bụng của các đồng chí, chúng tôi sẽ tỏ ra xứng đáng, sẽ chứng minh bằng hành động. Các đồng chí điếc hay sao mà không thèm trả lời? Ôi, các người thật quá nhẫn tâm.
Có người lớn tiếng chửi Sivoblui:
- Này tên Judas, thằng phản Chúa kia! Chúng tao phản bội gì mày hả? Chính mày, đồ chó, mới là kẻ phản bội ba lần, sao mày không chết đi! Mày từng thề trung thành với Sa hoàng, rồi mày lại giết chết Sa hoàng hợp pháp của mày, mày thề trung thành với chúng tao, rồi mày lại bán rẻ chúng tao. Mày hãy cút đi mà hôn thằng quỷ sứ Liveri của mày trước khi mày phản bội nó. Rồi thế nào mày cũng sẽ bán rẻ nó thôi.
Trước lúc chết, Vdovichenko vẫn giữ được bình tĩnh. Hắn ngẩng cao đầu với mớ tóc bạc bay phất phơ trước gió và khuyên Rzhanitski bằng giọng nói oang oang như một chiến sĩ công xã nói với một chiến sĩ công xã khác :
- Đừng tự hạ mình như thế Rzhanitski! Lời kháng nghị của cậu không làm chúng mủi lòng đâu. Tụi Oprichnich(1) mới này, bọn đao phủ lành nghề của nhà tù kiểu mới này sẽ chẳng hiểu nổi cậu đâu. Nhưng chớ ngã lòng. Lịch sử sẽ xét lại tất cả. Hậu thế sẽ bêu xấu tụi Buốcbông (2) của chế độ chính ủy và những việc làm đen tối của chúng. Chúng ta chết như những người tử vì đạo ở buổi bình minh của cách mạng thế giới. Cuộc cách mạng tinh thần muôn năm! Chủ nghĩa vô chính phủ thế giới muôn năm!
Một loạt hai mươi phát súng, được bắn theo hiệu lệnh ngầm nào đó chỉ riêng tốp chiến sĩ áp giải hiểu được với nhau, đã quật ngã một nửa số phạm nhân, gần như giết chết ngay thẳng cẳng. Loạt súng thứ hai kết liễu mấy tên còn lại. Kẻ giãy giụa lâu nhất là gã thiếu niên Teresa Galudin, nhưng rồi cuối cùng gã cũng nằm cứng đơ.
Chú thích:
(1) Lính cấm vệ của Sa hoàng Ivan Groznyi ( Ivan hung đế) thế kỷ 16, khét tiếng tàn bạo.
(2) Một triều đại thống trị ở Pháp trong khoảng hai thế kỷ 16-18.