6.
Hoá ra nàng đã về. Mazmoaden báo tin đó cho bác sĩ và nói thêm rằng, cô Lara trở về rất mệt, chỉ ăn tối một cách vội vã qua loa, sau đó về buồng ngay và dặn đừng cho ai quấy rầy cô. Nhưng bà Flori lại khuyên:
- Ông cứ gõ cửa đi, chắc cô ấy chưa ngủ đâu.
Zhivago hỏi một câu khiến bà Flori vô cùng kinh ngạc:
- Thế đi lối nào đến phòng cô ấy hở bà?
Thì ra Lara ở cuối hành lang tầng trên, cạnh các gian phòng để đồ đạc của bà nữ bá tước đã được khoá lại. Zhivago chưa lên chỗ đó bao giờ.
Trong lúc ấy trời tối rất nhanh. Đường phố trở nên chật chội hơn. Nhà cửa, hàng rào xích lại sát nhau thành từng cụm trong bóng tối. Từ cuối sân, bị ánh đèn lôi cuốn, cây cối như xáp lại gần cửa sổ. Một đêm nóng bức ngột ngạt. Động làm một cử chỉ gì lại toát mồ hôi. Những vệt sáng đèn dầu hoả hắt xuống sân cứ chảy dọc các thân cây như một luồng hơi nước bẩn thỉu.
Tới bậc thang trên cùng, Zhivago dừng lại. Chàng nghĩ rằng đến quấy rầy một phụ nữ mệt mỏi sau một cuộc hành trình, cho dù chỉ gõ cửa không thôi, cũng là điều bất tiện và thiếu lịch sự. Nên để câu chuyện đến mai thì hơn. Người ta thường đãng trí lúc thay đổi quyết định, vì thế chàng đã vô tình đi theo hành lang đến tận đầu đằng kia. Ở đó có cửa sổ trông xuống sân nhà bên cạnh. Chàng thò đầu ra cửa sổ.
Đêm tối chứa đầy những âm thanh nhỏ nhẹ và huyền bí. Bên cạnh, trong hàng lang, có tiếng nước ở lavabô nhỏ giọt tí tách, đều đều. Có tiếng thì thầm bên ngoài cửa sổ. Đâu đây, phía vườn rau, người ta đổ nước từ thùng này sang thùng khác để tưới rau, tiếng dây xích kéo nước ở giếng kêu lạch xạch.
Tất cả các đoá hoa trên thế gian đều toả hương cùng một lúc, tựa hồ trái đất suốt ngày nằm bất tỉnh, nhờ các làn hương đó nay đã hồi lại. Từ khu vườn lâu hàng thế kỷ của bà bá tước ngổn ngang những cành cây gãy chắn hết lối đi, một mùi thơm dìu dịu dâng lên ngang ngọn cây, lan rộng ra như bức tường một toà nhà lởn, bụi bậm như túp lều, mùi thơm của một cây doạn già đang ra hoa. Phía tay phải, bên kia hàng rào nghe có những tiếng gọi ngoài phố. Một anh lính về phép đang làm huyên náo, một cánh cửa đóng sập, vài câu hát dứt đoạn của một bài ca nào đó vỗ cánh bay lên.
Đằng sau những tổ quạ ngoài vườn cây chợt ló ra mặt trăng màu tía gần như đen, to lớn lạ thường. Thoạt đầu nó giống cái khu máy xay chạy hơi nước, xây bằng gạch, ở Zybusino. Rồi nó ngả sang màu vàng như cái tháp nước ở nhà ga Biriuchi.
Bên dưới cửa sổ, trong sân một mùi thơm như mùi trà ướp hoa, của cỏ mới cắt hoà lẫn mùi dạ lan hương. Ở đó người ta vừa dắt về một con bò cái mua ở một làng xa. Người ta đã bắt nó đi suốt ngày, bây giờ nó mệt, nó nhớ đàn và không chịu ăn mớ cỏ do bà chủ mới giơ cho nó: nó chưa quen chủ.
- Này, này, đừng có giở trò đá hậu nghe, bà sẽ cho mày biết tay, cứ húc vào bà xem nào, con quỷ cái!
Bà chủ nói nhỏ, nhẹ nhàng dỗ dành con bò, nhưng nó giận dỗi quay đầu né tránh hoặc nghển cổ rống lên một cách thảm thương. Phía sau các kho lúa đen sì của thị trấn Meliuzev, những ngôi sao lấp lánh đang giăng tới con bò những sợi dây thông cảm vô hình, tựa hồ chúng từ các chuồng bò ở thế giới khác tỏ lòng thương nhớ con bò dưới này.
Xung quanh, vạn vật đều nảy chồi, mọc lên, ngoi lên trên lớp men huyền dịu của sự tồn tại. Sự thán phục cuộc sống, niềm vui sống, như một làn gió nhẹ, cứ tràn đi như một làn sóng bát ngát, tràn đi mọi phía, qua thành phố và mặt đất, qua các bức tường và hàng rào, lướt qua các thân cây và thân người, đến đâu cũng làm mọi vật run lên đến đấy. Để tránh sức tác động của làn sóng đó, bác sĩ Zhivago bèn đi ra quảng trường xem người ta nói những gì trong cuộc mít tinh.
7.
Trăng đã lên cao. Muôn vật chìm trong thứ ánh sáng đặc như sơn trắng chảy tràn.
Cạnh thềm những công thự bằng đá quanh quảng trường, các chiếc cột hắt xuống đất những cái bóng rộng như các tấm thảm đen.
Cuộc mít tinh diễn ra bên phía đối diện của quảng trường. Nếu muốn, lắng tai nghe cũng có thể phân biệt những điều người ta đang nói ở đó. Nhưng cảnh vật huy hoàng đã thu hút toàn bộ tâm trí của bác sĩ Zhivago. Chàng ngồi ghé xuống chiếc ghế dài trước cửa trụ sở đội cứu hoả, không để ý đến tiếng nói vang lên phía bên kia, chàng bắt đầu đưa mắt nhìn quanh.
Từ hai bên hông có các con hẻm sau đổ ra quảng trường. Cuối hẻm lô nhô những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, xiêu vẹo. Các con hẻm lầy lội y như ở các làng quê. Từ đám bùn nhô lên những hàng giậu thưa và dài, đan bằng các cành liễu, trông như những chiếc đăng hoặc lưới đánh tôm để chìm.
Trong các ngôi nhà nhỏ, các mặt kính cửa sổ để ngỏ đang nhấp nhánh dưới trăng. Những cây ngô ngọn màu hung ươn ướt bắp và bông lấp lánh như phết một lớp dầu, từ ngoài vườn chõ vào tận trong nhà. Đằng sau các hàng giậu xiêu vẹo, lác đác có những cây miên quì gày gò, nhợt nhạt nhô lên, trông xa như những cô thôn nữ mặc áo cộc, không chịu được nóng bức trong nhà phải chạy ra ngoài hóng mát.
Đêm trăng sáng này kỳ lạ như lòng từ thiện hoặc như món quà hên tri. Đột nhiên, giữa cảnh yên tĩnh trong sáng và lấp lánh của chuyện cổ tích ấy, chợt nổi lên đều đều, nhịp nhàng từng tiếng một, các âm thanh của một giọng nói quen quen như vừa mới nghe vài phút trước đây. Giọng nói du dương, hăng hái và toát ra được sức thuyết phục. Bác sĩ Zhivago lắng tai và nhận ra đó là tiếng vị uỷ viên quân sự Ghinsơ. Anh ta đang diễn thuyết trên quảng trường.
Chắc hẳn nhà cầm quyền đã yêu cầu anh ta dùng uy tín ủng hộ họ. Bằng một giọng dầy tình cảm, anh ta trách người dân Meliuzev thiếu ý thức tổ chức kỷ luật và dễ dàng sa vào ảnh hưởng xấu xa của bọn bolsevich, mà theo anh ta, chính là những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự kiện xảy ra ở Zybusino.
Cũng một luận điệu như trước đây ở phòng làm việc của ông quận, anh nhắc nhở mọi người nhớ đến kẻ thù tàn bạo và hùng mạnh, và rằng giờ phút thử thách của Tổ quốc đã điểm.
Từ giữa bài diễn thuyết, người ta bắt đầu ngắt lời anh ta. Những lời yêu cầu đừng ngắt lời diễn giả xen lẫn với các tiếng hét phản đối. Rồi tiếng phản đối nổi lên nhiều hơn, mạnh hơn. Một vị cùng đi với Ghinsơ bèn đứng ra làm chủ tịch buổi mít tinh, yêu cầu dân chúng giữ trật tự, không được tự ý phát biểu tại chỗ. Một số người yêu cầu nhường lời cho một nữ công dân đang đứng lẫn trong đám đông, một số khác thì suyt suỵt và đề nghị diễn giả cứ tiếp tục nói.
Một phụ nữ rẽ đám đông tiến về phía chiếc hòm gỗ úp sấp dùng làm diễn đàn. Bà không định trèo lên đó, nhưng sau bao cố gắng mới len tới nơi, bà cũng trèo lên dứng ở rìa. Người ta biết bà. Tất cả đều biết bà. Tất cả đều yên lặng. Người phụ nữ được mọi người chú ý đó là Ustina.
- Thưa đồng chí uỷ viên, đồng chí nói đến Zybusino, sau đó đồng chí bảo phải có mắt, à, phải mở mắt ra. Đừng để người ta lừa dối, ngoài cái đó, thì như tôi vừa nghe, đồng chí chỉ nhai đi nhai lại hết bolsevich lại đến melsevich, bolsevich, melsevich… đồng chí không biết gì thêm hả? Còn chuyện thôi đừng đánh nhau, hãy sống thân ái với nhau, cái đó là luật Chúa, chứ đâu phải luật melsevich; và đem nhà máy, công xưởng giao cho người nghèo không phải là bolsevich, mà là lòng thương của con người. Về phần anh chàng câm điếc, người ta đã sỉ vả chúng tôi trước đồng chí chán ra rồi. Đồng chí thù hằn với anh ta, tôi cam đoan thế! Cái gì đã khiến đồng chí khó chịu với anh ta nào? À, có phải vì anh ta lâu ngày bị câm, bỗng chốc không xin phép đồng chí đã dám nói hả? Chuyện ấy có gì lạ đâu. Còn khối chuyện lạ hơn kia! Chuyện con lừa cái chẳng hạn, ai cũng biết, nó bảo với Valam rằng: "Valam, Valam, tôi thành thực xin ông đừng đến đấy ông sẽ phải ân hận!". Đúng, dĩ nhiên lão ta không nghe, lão ta cứ đi. Cũng đại loại nhe thái độ đồng chí đối với anh câm điếc. Lão ta nghĩ, sao lại đi nghe nó, một con lừa? Một con vật. Lão ta khinh nó. Thế rồi sau lão ta hối hận thật! Chắc đồng chí đã biết câu chuyện kết thúc ra sao rồi.
- Kết thúc ra sao? - đám đông tò mò hỏi.
- Thôi đủ rồi, bà Ustina càu nhàu. - Biết nhiều chóng già đấy Không, thế không ổn. Phải kể sau đó ra sao nữa chứ, - vẫn giọng lúc nãy đề nghị.
- Ra sao với chả ra giăng. Cứ bám người ta như đỉa đói! Thế rồi Valam hoá thành cột muối.
Mấy tiếng kêu to vang lên:
- Mụ già chỉ tán dóc! Đó là chuyện ông Lốt. Bà vợ ông Lốt.
Mọi người cười rộ. Vị chủ tịch kêu gọi tất cả giữ trật tự.
Bác sĩ Zhivago đứng dậy, về đi ngủ.
8.
Tối hôm sau chàng gặp Lara. Chàng gặp nàng ở phòng soạn đồ. Trước mặt nàng để một đống quần áo cuộn tròn.
Nàng đang ủi.
Phòng soạn đồ là một trong các phòng ở tầng trên cùng và trông xuống vườn cây. Đây là nơi đặt các ấm samova, dọn vào bát đĩa các món ăn từ dưới nhà bếp chuyển lên bằng một cái cần trục quay tay, chuyển bát đĩa bẩn xuống để rửa. Cũng tại đây người ta cất các thứ sổ sách thống kê vật dụng của bệnh viện, tiến hành kiểm kê bát đĩa, quần áo. Những lúc rỗi rãi, người ta đến đó ngồi nghỉ và đây cũng là chỗ hẹn hò gặp gỡ.
Các cửa sổ đều mở. Mùi hoa đoạn bay vào phòng, rồi mùi đăng đắng của các cành cây già giống như trong các công viên cũ và mùi thán khí hơi nồng nồng của hai chiếc bàn ủi mà Lara đang lần lượt sử dụng, mỗi lúc để trên lò một chiếc cho nóng.
- Tối hôm qua sao ông không gõ cửa phòng tôi? Mazmoaden Flori có kể với tôi. Mà ông làm thế cũng phải. Lúc ấy tôi đã đi nằm, không thể mời ông vào được. À quên, chào ông. Ấy, xin ông cẩn thận kẻo bẩn quần áo. Chỗ nào cũng vương vãi bụi than!
- Hình như cô ủi đồ cho cả bệnh viện.
- Không, phần lớn là quần áo của tôi. Ông thì lúc nào cũng trêu tôi, bảo tôi sẽ chẳng bao bao giờ rời bỏ chốn này. Bây giờ thì tôi đi thật. Đấy ông xem, tôi đang sửa soạn, thu xếp các thứ. Hễ xong là cuốn gói ngay. Tôi đi Ural, còn ông về Moskva. Sau này, nếu người ta có hỏi bác sĩ Zhivago: "Ông có nghe nói đến cái xó Meliuzev hay không?", chắc ông sẽ trả lời: "Không thì phải" -"Còn cái cô Lara là ai nhỉ?" - "Tôi không hề biết cô ta".
- Được cứ cho là như vậy đi. Còn việc xuống các xã của cô thế nào? Ở nông thôn có dễ chịu không?
- Nói vắn tắt vài lời sao được? Ủa, mấy cái bàn ủi này chóng nguội quá! Nhờ ông đưa cho tôi cái nóng, nếu không phiền ông. Kia kìa, ở trên lò. Và ông làm ơn đặt chiếc này vào chỗ đó giùm. Phải rồi. Cám ơn ông. Nông thôn thì cũng tuy chỗ. Tất cả đều phụ thuộc vào dân làng. Có làng, dân chăm chỉ làm ăn. Ở đó cũng tàm tạm. Có nơi chỉ toàn những người nghiện rượu. Ở đấy, đất bỏ hoang trông đến sợ.
- Cô chỉ bịa. Những người nghiện rượu nào kia? Cô hiểu tình hình nông thôn gớm. Đất bỏ hoang chẳng qua vì không còn ai, đàn ông đi lính cả rồi. Được rồi. Thế các Hội đồng tự quản cách mạng mởi thành lập thì sao?
- Về những người nghiện rượu, ông lầm đấy, tôi có bằng chứng. Còn Hội đồng tự quản ấy à? Còn phải khổ với họ nhiều lắm. Các huấn lệnh không áp dụng được. Ở các xã không tìm đâu ra người làm việc. Dân quên lúc này chỉ quan tâm đến vấn đề ruộng đất. Tôi có ghé qua trại Razdonoi. Đẹp lắm? Ông nên đến thăm trại đó. Mùa xuân vừa rồi, trại bị đốt phá, kho lúa bị thiêu, cây ăn quả cháy xém, một phần mặt tiền bị ám đen muội than. Tôi có tìm cách đến Zybusino, nhưng không được. Nhưng đâu đâu người ta cũng quả quyết là chuyện anh chàng câm điếc biết nói chẳng phải chuyện bịa. Người ta tả diện mạo hẳn hoi. Người ta bảo hắn còn trẻ, có học thức.
- Hôm qua bà Ustina đã tốn công tốn sức bênh vực anh ta.
- Vừa về đến đây, tôi đã thấy một đống việc từ Razdonoi vừa đưa đến. Đã bao lần tôi bảo người ta đừng động chạm tới bất cứ cái gì ở đó. Việc ở đấy còn chưa đủ bận hay sao. Sáng nay vừa có lính đem thư ông quận đòi mượn bằng được bộ đồ trà bằng bạc và bộ ly rượu bằng pha lê của bà bá tước. Chỉ mượn một tối, rồi sẽ trả lại. Ai chẳng biết họ trả lại như thế nào! Khéo không được một nửa. Họ bảo có tiệc tùng chiêu đãi một nhân vật mới đến.
- À tôi biết rồi! Đó là ông uỷ viên mới của mặt trận. Tôi tình cờ đã gặp anh ta. Anh ta đang định giải quyết vấn đề đám binh sĩ đào ngũ, bao vây và tước khí giới họ. Tay uỷ viên còn trẻ người non dạ, chưa biết làm việc. Nhà cầm quyền ở đây đề nghị sử dụng kỵ binh, nhưng anh ta muốn khuất phục họ bằng nước mắt. Anh ta bảo dân là trẻ con, vân vân, cho nên tất cả chỉ là trò trẻ con. Trung uý Galiulin có thể ngăn, bảo đừng có đánh thức con mãnh thú đang ngủ, hãy để việc đó cho chúng tôi. Nhưng can sao nổi một kẻ đã có chủ định sẵn. Cô nghe đây Cô hãy nghỉ tay và nghe tôi nói điều này. Chỉ nay mai ở đây sẽ xảy ta một cuộc hỗn loạn ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta cũng không có cách gì ngăn lại. Tôi rất mong thấy cô rời bo chốn này, trước khi chuyện đó ập tới.
- Sẽ chẳng có gì xẩy ra cả. Ông chỉ phóng đại thôi. Mà tôi cũng sắp đi rồi. Song không thể muốn một cái là bỏ đi. Phải bàn giao giấy tờ kê khai tài sản, nếu không họ tưởng mình ăn cắp cái này cái nọ. Và rồi cũng chưa biết bàn giao cho ai? Đó là cả một vấn đề. Tôi đã khổ sở với các thứ sổ sách ấy… và phần thưởng chỉ toàn là sự trách móc. Tôi đã chuyển của cải của bà Giabrinscaia vào sổ tài khoản của bệnh viện, vì ý nghĩa của sắc lệnh là như vậy Thế mà bây giờ người ta lại bảo đấy chỉ là thủ đoạn bảo vệ tài sản cho bà bá tước. Thật là tồi tệ!
- Thôi cô cứ mặc xác những chiếc thảm với các thứ bát đĩa ấy đi. Thây kệ chúng! Hơi đâu mà bận tâm! Chán quá, tối hôm qua tôi lại không được gặp cô. Tôi có nguồn cảm hứng rất tuyệt. Giá gặp cô hôm qua, tôi đã cắt nghĩa cho cô nghe toàn bộ cơ học thiên thể, đã giả đáp mọi câu hỏi oái oăm. Không, tôi nói thật đấy, tôi đã muốn kể với cô nhiều chuyện. Chuyện vợ tôi, con trai tôi, cuộc đời tôi. Trời ơi, chẳng lẽ một người đàn ông không thể nói chuyện với một người đàn bà cùng tuổi để khỏi bị dị nghị là có dụng ý ngấm ngầm, hay sao? Hừ, ngấm với chả ngầm, mặc xác chúng!
- Ấy chết, xin cô cứ ủi đi, cứ ủi đi, đừng để ý đến tôi, cứ mặc tôi nói. Tôi còn nói dài. Cô nghĩ mà xem, thời gian này mới lạ lùng làm sao! Và cô với tôi đang sống trong đó. Bao nhiêu đời mới xảy ra một lần những chuyện chưa từng thấy này. Cô nghĩ xem: cả nước Nga đã mất nóc, chúng ta cùng với toàn thể nhân dân đang sống ngoài trời, phóng khoáng. Chẳng còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do! Tự do thực sự, chứ không phải thứ tự do trong những lời nói suông, trong những đòi hỏi quyền lợi, mà nền tự do từ trên trời rơi xuống quá cả sự mong đợi. Cái tự do vì tình cờ, vì ngộ nhận mà có. Hết thảy mọi người bây giờ mới hùng vĩ và lúng túng biết mấy! Cô có nhận thấy thế không? Dường như ai cũng cảm thấy mình bị đè bẹp bởi chính mình, bởi cái sức mạnh phi thường vừa được khám phá của mình. Nhưng xin cô cứ ủi đi. Cô không có ý kiến gì à? Cô không ngán chứ? Để tôi đưa cô chiếc bàn ủi kia. Hôm qua, tôi có quan sát cuộc mít tinh ban đêm. Một cảnh tượng kỳ lạ. Nước Nga, người mẹ thân yêu của chúng ta, đã thức tỉnh lòng dạ, bồn chồn, cứ đi đi lại lại, cứ nói mãi không biết chán. Và không phải chỉ có loài người lên tiếng. Những ngôi sao và cây cối cũng hợp nhau bàn bạc, các đoá hoa đêm cũng triết lý và các toà nhà bằng đá cũng họp mít tinh. Cứ như trong Phúc âm phải không cô? Như thời các Sứ đồ. Cô còn nhớ câu nói của Thánh Phao-lồ chứ: "Hãy nói tiếng lạ hãy nói tiên tri! Hãy cầu nguyện được ơn thông dịch".
- Về phần các ngôi sao và cây cối họp mít tinh, tôi hiểu. Tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Tôi cũng từng có cảm giác như vậy.
- Chiến tranh đã làm xong một nửa công việc. Nửa còn lại cách mạng cũng đã hoàn tất. Chiến tranh là sự gián đoạn cuộc sống một cách giả tạo, tựa hồ có thể làm cho sự tồn tại lùi lại (thật vô nghĩa!). Cách mạng đã bùng ra ngoài ý muốn, như một tiếng thở dài bị kìm giữ từ lâu. Mỗi người đã sống lại, đã hồi sinh, tất cả mọi người đều biến đổi, đảo lộn. Có thể nói rằng mỗi người đều trải qua hai cuộc cách mạng, một của riêng mình, một của tất cả mọi người. Tôi có cảm tưởng, chủ nghĩa xã hội là một biển lớn, biển độc đáo. Biển đời sống, phải, cái đời sống mà người ta được thấy trên các bức hoạ, cái đời sống đã được thiên tài hoá, được làm giàu bằng sức sáng tạo. Nhưng hiện nay người ta đã quyết định nếm trải nó không phải trong sách vở, mà trong bản thân mình, không phải theo kiểu trừu tượng, mà trong thực tế.
Giọng nói của Zhivago bất ngờ run lên, biểu lộ mối cảm xúc vừa phát khởi. Lara ngừng tay ủi đồ, nhìn chàng một cách nghiêm trang và bỡ ngỡ. Zhivago lúng túng, quên cả điều mình vừa nói. Chàng ngập ngừng một lát rồi nói tiếp, nói tràn cung mây, nghĩ sao nói vậy.
- Lúc này ta tha thiết muốn được sống một cách trung thực và có tác dụng! Được dự phần vào niềm hứng khởi của toàn dân! Thế mà giữa niềm vui sướng tràn ngập nơi hết thảy mọi người đó, tôi lại bắt gặp ánh mắt buồn rầu khó hiểu của cô bắt gặp cái nhìn phiêu diêu tận đâu đâu, có lẽ ở một chốn xa xăm nào đó. Còn gì mà tôi không sẵn lòng hy sinh, để nó đừng buồn như thế nữa, để nét mặt cô lộ rõ sự hài lòng về số phận và để cô khỏi cần đến bất cứ cái gì của bất cứ ai? Để một người thân yêu của cô, một người bạn hay chồng cô (tốt hơn hết nếu đó là một quân nhân) sẽ nắm lấy cánh tay tôi mà bảo tôi đừng bận tâm đến số phận cô, đừng săn sóc cô nữa. Tôi sẽ giằng tay ra, gạt hắn đi và… Chết chửa, tôi đã không giữ lời. Mong cô tha lỗi cho.
Giọng nói của Zhivago một lần nữa lại biểu lộ cảm xúc của chàng. Chàng phẩy tay bực bội, cảm thấy mất hẳn tự nhiên, bèn đứng dậy đi ra phía cửa sổ. Chàng quay lưng vào phía trong, chống khuỷu tay lên bờ cửa sổ, tựa cằm lên bàn tay và đưa mắt nhìn sâu vào bóng tối ngoài vườn cây một cách lơ đãng, nhìn mà chẳng thấy gì.
Lara đi vòng chiếc bàn ủi đò kê từ chỗ bàn viết đến mép cửa sổ bên kia, nàng dừng lại sau lưng bác sĩ, cách vài bước ở giữa phòng.
- Ôi từ trước đến giờ tôi vẫn sợ chuyện này, - nàng nói khẽ như nói riêng với mình. - Thật là một sự nhầm lẫn tai hại! Thôi, ông Zhivago, không nên thế. Chết chửa, xem này, lỗi tại ông đấy! - Nàng kêu lên và chạy lại bên bàn ủi đồ: một chiếc sơ-mi để quên dưới bàn ủi đang bốc khói khét lẹt. - ông Zhivago, xin ông thông minh một chút, hãy sang chỗ bà Flori uống một ly nước, đi đi ông bạn thân mến, rồi trở lại đây, như một người tôi đã quen thấy và muốn thấy. Ông Zhivago, ông nghe đấy chứ? Tôi biết ông có đủ can đảm để làm việc đó. Ông hãy làm đi, tôi xin ông.
Từ hôm ấy, giữa họ không xảy ra chuyện nào tương tự.
Một tuần sau, Lara lên đường.
9.
Sau đó ít lâu, Zhivago cũng sửa soạn lên đường. Đêm hôm trước ngày ra đi, ở Meliuzev có cơn giông lớn.
Tiếng gió rít mạnh hoà với trận mưa rào lúc thì rơi đồm độp xiên xiên xuống mái ngói, lúc thì bị luồng gió ngông cuồng dổi hướng thổi bạt theo dọc phố như các dợt sóng dồn đuổi nhau.
Tiếng sấm nổ dồn nối liền nhau thành tiếng gầm đều đều. Dưới ánh sáng những tia chớp nhằng nhịt vào nhau, người ta thấy đường phố sâu hun hút chạy về đằng xa và cây cối cũng uốn mình ngả theo về phía đó.
Quá nửa đêm, bà Flori giật mình thức dậy vì nghe có tiếng gõ dồn dập ở cửa chính. Đang nằm trên giường, bà hoảng hồn nhỏm dậy lắng nghe. Tiếng gõ vẫn tiếp tục.
Không còn ai trong cái bệnh viện này để ra mở cửa hay sao, bà nghĩ, mà lại đến lượt một mụ già bất hạnh như bà phải làm thay, chỉ vì trời đã sinh ra bà là người tử tế và đã phú cho bà cái tinh thần trách nhiệm?
Nếu gia đình Giabrinscaia là tầng lớp giàu sang, quí phái, thì đã đành. Đằng này bệnh viện là sở hữu của họ, của dân kia mà. Người ta đã ném nó vào tay những kẻ như thế này ư? Chẳng hạn, thử hỏi cái ban y tế đã chui vào cái xó nào rồi? Tất cả đều chạy trốn, chẳng còn ban giám đốc, chẳng còn y tá, bác sĩ gì ráo! Mà trong nhà vẫn còn thương binh đấy, hai anh cụt chân nằm ở phòng mổ tầng trên, trước kia là phòng khách, rồi ở dưới nhà, cạnh phòng giặt, hàng chục người mắc bệnh hoại thư. Cái mụ quỷ sứ Ustina lại đi thăm ai chẳng biết nữa. Cái con mẹ ngu ngốc ấy cũng thừa biết là trời sắp có giông. Không, thật là xúi quẩy Bây giờ thị mụ ta có cớ để ngủ lang ở nhà người khác.
Nhưng thôi, ơn Chúa, yên rồi, không nghe tiếng gõ cửa nữa rồi. Chắc họ không thấy ai ra mở cửa, dành bỏ đi, đành chịu vậy. Nhưng kể cũng rồ thật, giữa lúc sấm chớp mưa bão thế này. Hay mụ Ustina? Không, con mẹ đó có chìa khoá riêng.
Trời ơi, kinh quá, lại gõ cửa nữa kìa?
Thật chẳng còn ra cái thể thống gì. Đã đành không thể đòi hỏi lão Zhivago. Ngày mai lão ta cuốn gói rồi, và tâm trí lão ta hẳn đã ở Moskva hay ở trên tàu. Nhưng còn thằng cha Galiulin… Nghe tiếng gõ ầm ầm như thế mà ngủ được, hay là hắn biết mà cứ nằm ỳ trên giường? Chắc hắn ta nghĩ, thây kệ, mặc mụ già đáng thương, yếu đuối, không ai che chở, phải ra mở cửa cho thứ người nào có trời biết, đang lúc đêm hôm ghê sợ như thế này, ở cái đất nước khủng khiếp như thế này.
- Galiulin! - Chợt bà Flori tỉnh ngủ hẳn. - Sao còn nhắc đến Galiulin? Không, chỉ tại mình còn ngái ngủ nên mới nghĩ đến chuyện phi lý như thế. Làm gì còn Galiulin, hắn đã chuồn rồi còn đâu. Chẳng phải chính mình cùng với bác sĩ Zhivago đã che dấu hắn, cho hắn mặc giả thường dân, chỉ đường cho hắn biết phải qua làng nào, theo con đường nào mà trốn, khi xảy ra cuộc giết người kinh khủng ở ga Biriuchi đó thôi? Uỷ viên Ghinsơ bị giết, còn Galiulin bị đuổi bắt suốt từ Biriuchi đến Meliuzev, họ bắn theo hắn, lùng sục tìm hắn khắp thị trấn Galiulin! Giá hôm ấy không có đơn vị cơ giới đến thì thị trấn đã tan hoang rồi. May có một tiểu đoàn thiết giáp tình cờ chạy qua, họ bênh vực dân chúng, bắt tụi vô lại phải chùn tay!
Giông bão đã ngớt và xa dần. Tiếng sấm cũng thưa, dịu và xa hơn. Mưa có lúc ngớt hẳn, nhưng nước vẫn tí tách nhỏ giọt đều đều xuống các cành lá và ống máng. Những ánh chớp lặng lẽ hắt vào buồng và nán lại hơi lâu trên người bà Flori như muốn tìm kiếm vật gì.
Đột nhiên, tiếng gõ cửa đã tắt từ lâu lại vang lên ở ngoài cửa. Có ai đó cần được giúp đỡ, nên cứ gõ một cách dai dẳng và tuyệt vọng như thế. Gió lại nổi lên. Mưa lại đổ xuống như trút.
- Tôi ra đây! - Bà Flori kêu to với kẻ vô danh, và bà thấy sợ cả tiếng nói của bà. Một ức đoán bất ngờ lóe lên trong óc bà. Bà tụt xuống khỏi giường, xỏ giầy, choàng vội cái áo dài và chạy đi đánh thức bác sĩ Zhivago. Nhưng bác sĩ cũng đã nghe thấy tiếng gõ cửa và đang cầm nến đi xuống phía bà.
Zhivago cũng ước đoán như bà.
- Ông Zhivago! Ông Zhivago! Người ta gõ cửa trước. Tôi sợ một mình không dám mở. - Bà Flori nói to với bác sĩ bằng tiếng Pháp, sau đó tiếp bằng tiếng Nga: "Rôi ôn xêm, chá là cô Lara hai trun ý Galin đấy". (Rồi ông xem, chắc là cô Lara hay trung uý Galiulin đấy).
Bác sĩ Zhivago cũng thức dậy vì tiếng gõ cửa và chàng nghĩ là một người nào trong nhà, hoặc là Galiulin gặp ngăn trở, người quay về đây, nơi người ta có thể cho anh ta ẩn náu hoặc là Lara gặp khó khăn gì đó phải trở lại.
Ở tiền sảnh, bác sĩ trao cây nến cho bà Flori và tự tay vặn khoá, mở then cửa. Một luồng gió mạnh thổi bật cánh cửa ra, tắt cây nến, hắt những vốc nước lạnh toát vào người họ.
- Ai đấy? Có ai không?
Cả bác sĩ lẫn bà Flori cùng hỏi to trong bóng tối. Nhưng chẳng ai trả lời. Bỗng họ lại nghe thấy tiếng gõ như trước, ở chỗ khác, phía cửa hậu, và hình như ở một cửa sổ trông ra vườn cây.
- Chắc là tại gió, - Zhivago nói. - Nhưng để yên lòng, bà thử đi ra cửa sau xem cho nó chắc, còn tôi sẽ đợi ở đây, không có lại tốn công vô ích, nếu quả thực có người gõ cửa.
Bà Flori đi về phía cuối nhà, còn bác sĩ ra đứng dưới mái hiên. Mắt chàng lúc này đã quen với bóng tối và đã nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của buổi rạng đông.
Trên trời mây đen chạy như điên như bị đuổi bắt. Nhiều đám mây bay thấp là là sát những ngọn cây cũng đang nghiêng tất cả về một phía, tưởng chừng người ta đang dùng chúng như những cây chổi cong cong để quét trời. Nước mưa đập vào tường gỗ của ngôi nhà, làm cho nó mặt gỗ màu xám chuyển thành màu đen.
- Thế nào bà? - bác sĩ hỏi bà Flori đang bước lại.
- Ông đoán đúng. Chẳng có ai cả. - Rồi bà kể rằng bà đã đi một vòng khắp nhà. Ở phòng soạn đồ, mặt kính một cửa sổ bị đầu cành cây đoạn đập vỡ và đưới sàn đầy những vũng nước. - Buồng cũ của cô Lara cũng thế, nước lênh láng đúng là một biển nước, một đại dương.
- Ô đây có một cánh cửa sổ bị bật chốt nên cứ đập hoài vào khung cửa, bà thấy chưa? Tất cả là tại nó!
Hai người còn đứng nói chuyện một chút rồi mới đóng cửa, ai về buồng nấy để ngủ tiếp. Cả hai đều tiếc vì bị báo động giả. Họ cứ ngỡ là lúc mở cửa ra, sẽ được thấy một phụ nữ, mà họ đã quá quen, bước vào, ướt sũng và rét run cầm cập, rồi trong lúc nàng rũ áo, họ tranh nhau hỏi thăm, sau đó chắc là nàng sẽ đi thay đồ, rồi đến ngồi hơ khô bên cái bếp lò vẫn còn nóng từ hôm qua và nàng sẽ kể cho họ nghe bao câu chuyện rủi ro, nàng sẽ sửa tóc, nàng sẽ cười.
Họ đinh ninh như thế đến nỗi lúc đóng cửa vào rồi, dấu vết điều họ tin vẫn còn đứng lại ở góc phố ngoài kia như một hình chìm, một hình ảnh người thiếu phụ mà họ vẫn tưởng mình còn nhìn thấy lờ mờ ở góc phố.