Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> BÁC SĨ ZHIVAGO

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 71656 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÁC SĨ ZHIVAGO
Boris Pasternak

P15 - 3

6.
Hôm đó là một ngày chủ nhật mùa đông u ám. Khói các bếp lò không bốc lên thành từng cột trên các mái nhà, mà lại đùn từng làn đen mỏng qua những cửa sổ mỏng thông gió, là chỗ tuy có lệnh cấm, người ta vẫn tiếp tục bắt các ống dẫn khói bằng sắt của các thứ bếp lò tạm bợ ra đó. Sinh hoạt thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Dân trong khu cư xá Hàng Bột không được tắm rửa, đầy mụn nhọt, rét run vì lạnh.
Nhân ngày chủ nhật, cả gia đình Macken họp mặt đông đủ Cái bàn cả gia đình Macken đang ngồi ăn trưa bây giờ trước kia là bàn phát bánh mì theo tem phiếu định lượng. Hồi ấy, sáng sớm, các gia đình sống trong khu cư xá đem tem phiếu bánh mì đến đây, người ta dùng kéo cắt rời từng ô nhỏ, phân loại, đếm kỹ, gói từng loại vào một cái túi hay một tờ giấy, rồi mang đến cửa hàng bánh mì. Lúc mang bánh về, cũng trên chiếc bàn ấy, người ta cắt ngang cắt dọc thành từng miếng nhỏ, đem cân rồi phân phát cho từng hộ tùy theo khẩu phần. Tất cả những chuyện đó bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Sổ tem phiếu lương thực đã được thay thế bằng các hình thức kiểm định khác. Bên chiếc bàn dài ấy, gia đình Macken đang ăn uống ngon lành, họ nhai tóp ta tóp tép, bạnh cả quai hàm.
Cái lò sưởi lớn kiểu Nga nổi cao giữa nhà chiếm một nửa căn buồng, trên mặt trải một tấm mền bông khâu chần, mép rủ xuống xung quanh.
Ở bức tường trước, cạnh lối ra vào, phía trên bồn nước, có một cái vòi nước. Dọc hai bên hông nhà kê mấy chiếc ghế dài, dưới gầm nhét đủ các thứ bao, túi, rương, hòm đựng vật dụng.
Phía bên trái có một cái bàn để làm bếp. Phía trên bàn có một cái tủ bát đĩa đóng vào tường.
Lò sưởi đang cháy. Trong nhà nóng bức. Bà vợ Macken là Agafia đứng trước lò, tay áo xắn cao, dùng que cời dài xê dịch các nồi thức ăn lúc gần lại, lúc cách xa nhau tùy theo mức độ cần thiết. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của bà khi thì được ánh lửa đỏ trong lò rọi sáng, khi thì bị mờ đi vì hơi nóng các món ăn đang nấu bốc lên. Bà xê dịch các nồi sang một bên, kéo từ bên trong ra chiếc bánh nướng đặt trên một tấm sắt, khéo léo lật ngược mặt chiếc bánh, rồi lại đẩy sâu vào một lát nữa cho vàng thêm. Zhivago xách hai cái sô bước vào nhà.
Chúc cả nhà ngon miệng.
- Mời ông vào đây dùng bữa với chúng tôi nào.
- Cám ơn, tôi ăn trưa rồi.
- Chúng tôi lạ gì bữa ăn trưa của ông. Ông hãy ngồi xuống đây ăn một chút gì cho ấm bụng. Đừng khách sáo. Mấy củ khoai nướng, bánh nướng, nhân hành mỡ thôi.
- Cám ơn, tôi ăn rồi, thật mà. Bác Macken, xin lỗi bác tôi cứ phải xuống xách nước nhiều lần, làm ướt lạnh cả nhà bác. Tôi muốn lấy luôn một lần kha khá để trữ sẵn. Tôi đã cọ rửa sạch cái bồn tắm bằng kẽm của gia đình Sventitski, tôi sẽ trữ nước vào đó và vào các thùng gỗ nữa. Hôm nay, tôi sẽ xách dăm, mười chuyến, sau một thời gian nữa mới lại dám làm phiền bác. Mong bác tha lỗi cho tôi. Ngoài nhà bác ra, tôi chả còn biết xin nước ở nhà ai.
- Ông cứ lấy bao nhiêu tùy ý, tôi chả tiếc. Ông xin nước đường thì không có, chứ nước lã thì vô khối. Ông cứ việc xách, chúng tôi không đòi ông trả tiền đâu.
Cả bàn ăn phá lên cười.
Khi Zhivago xuống xách chuyến thứ ba, gia chủ đã hơi đổi giọng:
- Các con rể tôi hỏi ông là ai. Tôi nói, chúng nó không tin. Kìa cứ lấy nước đi, đừng ngại. Có điều đừng để nước ra sàn, ông ngố ạ. Đấy, ông làm nước sánh ra ngưỡng cửa rồi đấy. Nó đông lại thì ông có mang xà beng xuống cạy đi không. Khép cánh cửa cho kín chút nữa, kẻo gió lạnh lùa vào, gớm sao mà vô ý tứ. Phải, tôi trả lời các anh con rể ông là ai, họ không tin. Người ta đã tốn bao nhiêu tiền của để ông ăn học, nhưng được cái tích sự gì nào?
Khi Zhivago chuyển nước tới chuyến thứ năm hoặc thứ sáu, thì Macken cau mặt:
- Lần này nữa thôi nhé. Cũng nên biết điều đôi chút chứ.
May có con Marina, con gái út của tôi, nó bênh ông, nếu không, nhìn cái cảnh ông làm văng nước tung tóe như thợ hồ thế kia, tôi đóng cửa lại rồi. Ông nhớ con bé Marina chứ? Đấy, cái con bé tóc đen đen, ngồi ở cuối bàn kia kìa. Hừ, trông nó đỏ mặt kìa. Nó cứ luôn mồm, bố, bố đừng xử tệ với ông bác sĩ. Mà có ai chạm đến ông đâu. Nó làm điện báo viên ở Bưu điện thành phố nó hiểu cả tiếng ngoại quốc cơ đấy. Nó bảo ông bác sĩ thật đáng thương. Nó sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu giúp ông đấy. Có phải tại tôi mà ông ra nông nỗi này đâu. Ai bảo bỏ nhà cửa giữa thời buổi nhiễu nhương mà đi Sibiri. Tại ông cả thôi. Ông thấy đấy, chúng tôi ở đây suốt thời kỳ đói kém, suốt thời kỳ bọn bạch vệ bao vây, mà có suy chuyển gì đâu. Ông hãy tự trách ông thôi. Ông không biết giữ bà Tonia, để bà ấy phải vất vưởng ở nước ngoài. Chuyện đó chả liên quan gì đến tôi. Đó là việc của ông. Có điều ông đừng giận, tôi hỏi ông làm gì với ngần ấy nước? Chắc không phải người ta thuê ông làm sân trượt băng đấy chứ? Ai thừa hơi để bụng giận ông, đồ gà rù.
Cả bàn lại cười rộ. Marina bực bội nhìn gia đình cô, cô đỏ mặt chê trách họ. Zhivago nghe thấy tiếng cô, ngạc nhiên lắm, nhưng chưa hiểu ẩn ý của nó.
- Nhà tôi phải lau chùi nhiều chỗ, bác Macken ạ. Phải dọn dẹp cho sạch. Lau sàn, rồi giặt giũ.
Mọi người quanh bàn ngạc nhiên.
- Ông nói thế không biết ngượng hay sao? Ông định kiêm luôn chú thợ giặt nữa chắc?
- Ông bác sĩ, ông để tôi cho cháu nó lên làm giúp. Nó sẽ đến lau chùi, giặt giũ giúp ông. Nếu cần, nó sẽ vá quần áo cho ông. Con đừng sợ ông ấy. Ông bác sĩ là người tử tế, hiền lành, không như người khác đâu mà ngại.
- Thưa bà Agafia, tôi đâu dám ạ. Tôi không đời nào để cô Marina phải bẩn tay: Cô ấy có phải người hầu của tôi đâu? Tôi tự xoay sở lấy được mà.
- Bác sĩ bẩn tay thì được, còn tôi không làm nổi hay sao? Ông khó tính quá đấy. Việc gì ông phải từ chối? Thế tôi lên thăm ông, ông cũng đuổi tôi ra chăng?
Marina rất có thể trở thành ca sĩ. Giọng cô thật trong trẻo, du dương, rất thanh và mạnh. Maria nói không to, nhưng nghe vang vang hơn hẳn cuộc trò chuyện thông thường đòi hỏi, tựa hồ không phải do cô phát ra, mà nó ở bên ngoài con người cô. Tưởng chừng nó vọng sang từ phòng bên và từ phía sau lưng cô. Giọng nói ấy là thần hộ mệnh, che chở cô. Không ai muốn xúc phạm hoặc làm buồn lòng một phụ nữ có giọng nói như vậy.
Tình bạn giữa Zhivago và Marina bắt đầu từ bữa xách nước hôm chủ nhật ấy. Cô gái thường lên giúp chàng làm việc trong nhà. Một hôm, cô ở hẳn lại với chàng, không trở về nhà mình nữa. Thế là cô trở thành người vợ thứ ba của Zhivago, người vợ không có giá thú, trong khi chàng vẫn chưa ly dị người vợ thứ nhất. Rồi hai người có con với nhau. Ông bà Macken không khỏi hãnh diện gọi con gái mình là bà bác sĩ, Macken cằn nhằn rằng Zhivago không cưới hỏi và không làm giá thú với Marina. Nhưng vợ bác cãi lại: "Ông điên à? Đang khi bà Tonia còn sống mà làm thế thì còn ra thể thống gì nữa? Thành ra hai vợ à?"
- Bà ngu thì có, - Bác Macken mắng lại. - Kể làm gì cái nhà bà Tonia nữa. Coi như không có bà ta vậy. Chẳng còn luật pháp nào bênh vực bà ta hết.
Zhivago đôi khi nói đùa rằng cuộc tình duyên của chàng với Marina là một cuốn tiểu thuyết hai mươi sô nước, cũng như có những cuốn tiểu thuyết hai mươi chương hay hai mươi hồi.
Marina tha thứ cho bác sĩ những biểu hiện lập dị của chàng thời kỳ đó, cái tính dở dở ương ương của một người đã suy sụp và ý thức được sự suy sụp của mình, cái lối ăn ở luộm thuộm và dơ bẩn mà chàng gây ra. Cô chịu đựng những lời càu nhàu, gắt gỏng và sự bẳn tính của chàng.
Đức hy sinh của cô còn đi xa hơn nữa. Khi vì lỗi của chàng, hai vợ chồng lâm vào cảnh túng quẫn tự nguyện do chính họ tạo ra, Marina không nỡ bỏ chàng một mình ở nhà, nhiều hôm cô đã bỏ cả việc làm ở sở, nơi mọi người rất quý mến cô và lại vui lòng nhận cô trở lại nhiệm sở sau những ngày nghỉ việc miễn cưỡng ấy. Chiều theo óc tưởng tượng của Zhivago, cô đã cùng chàng đi gõ cửa các nhà để xin việc kiếm sống. Hai vợ chồng nhận cưa củi thuê cho các gia đình sống ở các tầng nhà khác nhau trong cư xá. Một số người, nhất là bọn đầu cơ buôn lậu mới phất lên hồi đầu Chính sách kinh tế mới và các nhà hoạt động khoa học và nghệ thuật thân cận Chính phủ, bắt đầu cơi rộng thêm nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới. Một hôm Zhivago và Marina bưng củi dự trữ chất vào phòng làm việc của một căn hộ. Họ đi ủng, bước từng bước thận trọng trên tấm thảm trải sàn để khỏi mang mạt cưa ngoài sân vào nhà.
Chủ nhà ngồi đọc sách một cách chăm chú và kênh kiệu, chẳng thèm để ý nhìn lấy một lần hai vợ chồng người thợ cưa củi thuê. Vợ ông ta đứng ra mặc cả, trông coi công việc và trả tiền công cho họ.
"Không biết cái con heo kia đang chúi mũi đọc cái gì mà chăm chú thế?" - Zhivago tò mò nghĩ thầm - "Hắn thấy cái gì hay ho mà cứ gạch dưới lia lịa vậy?" - Chàng bèn vác củi vòng ra chiếc bàn viết, liếc qua vai ông ta, thấy trên bàn đặt các tập sách mỏng của chàng do Vasia đã in ấn ở Trường Cao đẳng mỹ thuật thực hành hồi trước.    
7.
Marina và Zhivago hiện sống ở đường Spiridonovka. Misa Gordon thuê một phòng ở phố Malaia Brona bên cạnh. Vợ chồng Zhivago sinh được hai đứa con gái đặt tên là Kapa và Clara. Kapa lên bảy, còn Clara mới được sáu tháng.
Đầu mùa hạ năm 1929, trời rất nóng Zhivago và Misa sang thăm nhau chỉ chạy tắt hai, ba đoạn đường phố, nên họ không đội mũ và không mặc áo vét.
Chỗ ở của Misa được sắp đặt khá lạ lùng. Trước đây căn nhà này là cửa tiệm của một thợ may thời trang, có hai ngăn, dưới và trên. Cả hai ngăn đều có cửa kính nguyên tấm nhìn ra mặt đường. Trên mặt kính có dòng chữ vàng viết tên người thợ may và nghề của ông ta. Bên trong có cầu thang xoáy trôn ốc nối hai ngăn với nhau.
Bây giờ cửa tiệm ấy được sửa thành ba phòng ở. Người ta dùng ván làm thêm một cái gác lửng giữa hai ngăn, với một chiếc cửa sổ lạ lùng đối với một phòng ở. Nó cao một mét và bậu cửa sát xuống mặt sàn gỗ. Từ ngoài đường nhìn vào qua các nét chữ vàng còn lại trên mặt kính, có thể thấy cẳng chân của nhừng người có mặt trong phòng. Misa sống ở phòng đó.
Giờ này, Zhivago, Nika Dudorov và ba mẹ con Marina đang ngồi chơi ở đây. Hai đứa bé đứng vừa lọt khung cửa sổ. Lát sau, Marina đem hai con về nhà chỉ còn lại ba người đàn ông.
Họ đang trò chuyện với nhau, một trong những buổi trò chuyện mùa hè, uể oải và thong thả, những buổi trò chuyện thường thấy giữa những người bạn học cũ từ dạo còn ở bậc phổ thông, mà tình bạn của họ đã trải qua không biết bao nhiêu năm tháng. Các buổi trò chuyện ấy thường diễn ra như thế nào?
Một trong bọn họ có vốn từ ngữ đủ để dẫn dắt câu chuyện. Người ấy nói và nghĩ một cách tự nhiên, mạch lạc. Chỉ riêng Zhivago có khả năng ấy.
Hai người bạn của chàng không đủ các từ ngữ cần thiết.- Họ kém tài ăn nói. Để bù cho vốn từ vựng nghèo nàn trong lúc trò chuyện họ cứ đi đi lại lại trong phòng, rít những hơi thuốc dài, vung tay làm hiệu, hay nhắc đi nhắc lại một vài câu, đại loại: "Như thế là thiếu trung thực, phải, phải, thiếu trung thực".
Họ không ý thức rằng cái thứ kịch tính vô ích ấy của sự tiếp xúc giữa họ chẳng những không biểu thị tính hăng hái phóng khoáng mà, ngược lại, chỉ chứng tỏ sự khiếm khuyết và chưa hoàn hảo.
Misa và Nika đều thuộc loại giáo sư tốt. Suốt đời họ đọc những cuốn sách tốt, giao thiệp với những nhà tư tưởng tốt, những nhạc sĩ tốt, nghe những bản nhạc tốt, luôn luôn tốt, hôm qua và hôm nay đều là bản nhạc tốt, và họ không ngờ rằng có thị hiếu thẩm mỹ trung bình là một tai hoạ, và nó còn tệ hại hơn là có một thị hiếu tầm thường.
Misa và Nika không biết rằng cả những lời trách móc mà họ trút lên đầu Zhivago không xuất phát từ tấm lòng tận tụy với bạn hoặc từ ý muốn tác động tới bạn, mà chỉ vì họ không biết suy nghĩ một cách tự do thoải mái và không biết dẫn dắt câu chuyện theo ý họ. Cỗ xe đàm thoại chở họ lao về một hướng mà họ hoàn toàn không muốn. Họ không thể điều khiển cỗ xe ấy quay ngang dọc, nên cuối cùng sẽ phải đâm vào một cái gì đó. Thế là với tất cả cái đà sẵn có, họ bị bươu đầu sứt trán vì những lời rao giảng và khuyên răn của họ vấp phải Zhivago.
Chàng thấy rõ cái động cơ hăng hái của họ, cái độ ngả nghiêng trong thái độ thông cảm của họ. Song chàng không thể nói với họ: "Các bạn thân mến ơi, các bạn xoàng quá, và cả cái giới mà các bạn đại diện, cả vẻ hào nhoáng lẫn tài nghệ của những tên tuổi và uy tín mà các bạn yêu thích cũng quá ư tầm thường. Điều duy nhất sống động và sắc sảo ở các bạn, ấy là việc các bạn đã sống cùng thời với tôi và đã quen biết tôi".
Nhưng kết quả sẽ ra sao, nếu có thể nói thẳng vào mặt bạn bè những lời lẽ như vậy! Vì vậy, để họ khỏi thất vọng, chàng cứ khiêm tốn nghe họ nói.
Nika mới đây mãn hạn đợt phát vãng lần thứ nhất trở về. Anh ta đã được phục hồi quyền công dân, được phép trở lại giảng dạy ở trường đại học.
Lúc này anh ta kể cho hai người bạn nghe các cảm giác và tâm trạng của anh ta ở nơi đi đày. Anh ta nói thành thật, không chút giả dối. Những nhận xét của anh ta không phải là do sự hèn nhát hoặc là của người khác.
Anh ta bảo rằng các lý lẽ buộc tội và thái độ đối xử với anh ta trong nhà tù và sau khi được tha, đặc biệt cuộc đàm thoại tay đôi với viên dự thẩm, đã đổi mới bộ óc của anh ta, đã cải tạo chính kiến của anh ta, khiến anh ta thấy sáng mắt ra về nhiều vấn đề và thấy mình lớn hẳn lên.
Các lập luận của Nika rất gần gũi với Misa chính vì tính chất lặp đi lặp lại của chúng. Misa cứ gật gù thông cảm và đồng ý với bạn. Chính cái tính khuôn sáo của những gì Niea nói và cảm nghĩ khiến Misa đặc biệt cảm động. Misa coi cái tính bắt chước của những cảm xúc cũ rích là tính phổ biến của hết thảy mọi người.
Những lời lẽ đạo đức của Nika phù hợp với tinh thần thời đại Nhưng chính cái tính hợp quy luật, cái tính đạo đức giả quá rõ ràng của chúng làm cho Zhivago bừng bừng nổi giận.
Một người không có tự do bao giờ cũng lý tưởng hoá sự nô lệ của mình. Thời trung cổ đã vậy, và các tu sĩ Dòng Tên tráo trở đã luôn luôn lợi dụng điều đó. Zhivago không chịu nổi cái chủ nghĩa thần bí chính trị của tầng lớp trí thức Xô viết, cái được gọi là thành tựu cao nhất của họ, hay như bấy giờ người ta nói, là thượng đỉnh tinh thần của thời đại. Zhivago cũng giấu các bạn cả ấn tượng ấy để khỏi phải cãi nhau với họ.
Nhưng chàng lại quan tâm đến điều hoàn toàn khác, ấy là câu chuyện Nika kể về Voniphati Orlesov, người bạn cùng phòng giam với Nika, một linh mục theo chủ trương của đại giáo chủ Tikhol(1). Linh mục có đứa con gái sáu tuổi, tên là Cristina. Việc cha bị bắt và số phận sau đó của ông là một đòn mạnh đối với đứa bé. Mấy chữ "cha cố", "tù nhân" và các chữ tương tự bị nó coi là dấu vết nhục nhã. Nó hiểu như vậy, và có lẽ trong trái tim bồng bột của một đứa trẻ, nó đã thề một ngày nào đó sẽ rửa sạch vết nhơ ấy khỏi thanh danh cha nó. Cái mục tiêu được đề ra cho mình quá xa và quá sớm ấy, từng bốc lửa trong tâm hồn cô bé như một quyết tâm không sao dập tắt được giờ đây đang biến cô thành người say sưa kế tục, theo kiểu trẻ con, tất cả những gì cô coi là tuyệt đối hiển nhiên trong chủ nghĩa cộng sản.
- Tôi đi đây, - Zhivago nói, - Đừng giận tôi, Misa nhé. Trong nhà ngột ngạt vì trời nóng. Tôi thiếu không khí để thở.
- Cậu không thấy cửa sổ thông gió ở sát dưới sàn vẫn mở đấy sao? Xin lỗi cậu, bọn mình đốt thuốc nhiều quá. Bọn mình cứ quên khuấy là không nên hút thuốc khi có mặt cậu. Cái buồng thiết kế chẳng ra gì, đâu phải lỗi tại mình. Cậu hãy tìm cho mình một chỗ ở khác đi.
- Tôi đi đây, Misa. Chúng ta đã nói đủ chuyện rồi. Cám ơn hai anh đã quan tâm đến tôi, hai anh bạn quý hoá. Các anh biết đấy, tôi phải giừ gìn sức khỏe cẩn thận. Bệnh xơ cứng các mạch máu tim. Các thành mạch tim bị bào mòn, bị mỏng dần đi và một ngày kia sẽ có thể vỡ tung ra. Mà tôi thì chưa đầy bốn mươi tuổi. Tôi đâu có nghiện ngập rượu chè, tôi đâu có ăn chơi trác táng.
- Cậu đọc điếu tang cậu hơi sớm đấy. Cậu chỉ nói nhảm. Cậu còn sống lâu.
- Thời đại này rất hay xảy ra các trường hợp vi thể của bệnh xuất huyết tim. Không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp người bệnh vẫn còn sống. Đó là căn bệnh của thời đại mới. Tôi cho rằng nó phát sinh từ các nguyên nhân tinh thần. Người ta cứ đòi hỏi tuyệt đại bộ phận chúng ta phải thường xuyên giả dối, coi giả dối như một hệ thống đáng đề cao. Sức khỏe không thể không bị ảnh hưởng xấu, khi cứ hết ngày này sang ngày khác, ta biểu lộ thái độ trái hẳn với cảm nghĩ, chịu cực hình trước cái mình không ưa, vui mừng về cái đem lại bất hạnh cho mình. Hệ thống thần kinh của chúng ta không phải là một danh từ trống rỗng, không phải là cái bịa ra. Nó là một vật thể bao gồm các sợi thần kinh. Tâm hồn của chúng ta chiếm một vị trí trong không gian và được đặt trong chúng ta như răng trong miệng. Không thể cứ cưỡng bức nó mãi mãi mà không bị trừng phạt. Tôi rất khổ tâm khi nghe anh kể chuyện đi đày, Misa ạ, khi anh nói rằng nó đã làm cho anh lớn lên, cải tạo con người anh. Cứ y như nghe con ngựa kể lại cái việc nó đã tự luyện tập trên bãi quần ngựa như thế nào.
- Tôi bênh vực Nika. Chẳng qua cậu đã mất thói quen nghe các từ ngữ của con người. Những từ ngữ ấy không còn lọt vào tai cậu nữa.
- Rất có thể như vậy, anh Misa. Dầu sao cũng xin lỗi hai anh để tôi về. Tôi khó thở. Tôi thề là tôi không nói ngoa.
- Hượm đã. Cậu chỉ lẩn tránh. Chúng mình chưa cho cậu đi, nếu cậu chưa trả lời bọn mình một cách trực tiếp và thành thật. Cậu có đồng ý rằng cậu phải thay đổi, phải tự sửa chữa không nào? Cậu định sẽ làm gì về phương diện đó? Cậu phải làm sáng tỏ quan hệ của cậu với Tonia, với Marina. Đó là những sinh vật, những người phụ nữ biết đau khổ và biết cảm nhận, chứ không phải là những tư tưởng trừu tượng, vô thể xác, quay cuồng trong đầu óc cậu một cách tùy tiện. Ngoài ra, thật đáng xấu hổ, khi một người như cậu bị bỏ phí, chẳng đem lại lợi ích gì. Cậu phải tỉnh ra khỏi giấc ngủ và sự lười biếng, phải rũ mình đứng dậy, phải hiểu tình hình mà bỏ cái thái độ kiêu ngạo vô lý, đúng đúng, cái thói ngạo mạn không thể tha thứ này đi, cậu phải đi làm, phải thực hành.
- Được, tôi xin trả lời các anh. Chính tôi gần đây cũng luôn luôn suy nghĩ theo tinh thần đó, nên tôi có thể hứa với các anh một đôi điều mà không hổ thẹn. Tôi cảm thấy mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Và cũng chóng thôi. Các anh sẽ thấy, không sao hết. Mọi việc sẽ tốt đẹp. Tôi vô cùng tha thiết muốn sống, mà sống có nghĩa là phải luôn luôn tiến lên phía trước, tiến lên cái cao cả, hoàn thiện nhất và đạt tới nó.
Tôi rất mừng thấy Misa bênh vực Marina, như trước đây anh từng bênh vực Tonia. Nhưng tôi đâu có bất hoà với họ, tôi không hề gây sự với họ cũng như với bất cứ ai. Thời gian đầu anh trách tôi cứ để Marina thưa gửi cung kính với tôi, anh tưởng tôi không khổ tâm về cách xưng hô ấy của nàng hay sao.
Nhưng cái lối xưng hô thiếu bình đẳng ấy, thiếu tự nhiên ấy đã được xoá bỏ từ lâu rồi. Bây giờ chúng tôi hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Tôi có thể báo cho các anh biết một tin vui khác. Tôi lại nhận được thư từ Paris gửi về. Hai con tôi đã lớn, cảm thấy thoải mái hoàn toàn giữa đám trẻ em Pháp cùng trang lứa.
Xasa sắp học xong l’école primaire (tiểu học); bé Maria cũng bắt đầu đi học rồi. Mà tôi đã biết mặt nó đâu. Không hiểu sao tôi cứ tin rằng, mặc dù gia đình tôi đã nhập quốc tịch Pháp, chẳng bao lâu nữa họ sẽ trở về Tổ quốc, và tất cả mọi chuyện sẽ được thu xếp hết sức ổn thoả.
Qua nhiều dấu hiệu, bố vợ tôi và Tonia chắc đã biết chuyện Marina và hai đứa con gái của chúng tôi. Tôi không cho họ hay. Chắc họ biết qua người khác. Giáo sư Gromeko dĩ nhiên giận tôi và đau khổ cho Tonia, vì ông là cha. Đó là lý do khiến gần năm năm trời nay họ không viết thư cho tôi. Chẳng là hồi vừa về Moskva tôi có trao đổi thư từ một thời gian với họ. Đột nhiên họ không viết cho tôi nữa, họ ngừng hẳn.
Bây giờ, cách đây ít hôm, tôi lại nhận được thư họ. Cả nhà viết cho tôi, cả hai con tôi nữa. Những bức thư ấm lòng, âu yếm. Có một cái gì đã dịu đi. Có lẽ Tonia đã thay đổi, đã có một người bạn mới, tôi cầu mong cho nàng như vậy. Tôi không biết rõ. Thỉnh thoảng tôi cũng viết cho họ. Nhưng thú thật, tôi không thể chịu đựng thêm, tôi đi đây, kẻo tôi bị ngạt thở mất. Thôi chào hai anh.
Sáng hôm sau, Marina như người mất hồn chạy sang nhà Misa. Cô không có ai để gửi hai đứa con ở nhà, nên phải quấn đứa bé, Clara, vào tấm mền, ôm trên ngực, còn tay kia thì dắt đứa lớn, Kapa, lếch thếch theo cô.
- Anh Yuri có đây không, anh Misa? - Cô hỏi, giọng lạc hẳn - Lẽ nào cậu ấy không ngủ nhà đêm qua?
- Không.
- Thế thì cậu ấy ở nhà Nika.
- Em đã đến đó. Anh Nika đang có giờ lên lớp ở trường Đại học. Nhưng hàng xóm họ biết anh Yuri. Họ không thấy Yuri đến đó
- Thế cậu ấy ở đâu nhỉ?
Marina đặt đứa bé Clara xuống đivăng và bắt đầu khóc như điên dại.
Chú thích:
(1) Tikhol B.I. (1865-1925), đại giáo chủ địa phận Moskva và của cả nước Nga từ 1917. Bị ra toà vì hoạt động chống chính quyền Xô viết. Năm 1923 ông này ân hận và trong di chúc để lại có kêu gọi giáo dân cộng tác với chính quyền Xô viết.

<< P15 - 2 | P15 - 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 185

Return to top