14.
Đêm ấy ở Sukhinichi, một bác phu khuân vác cư xử theo lối xưa rất tử tế, đã dẫn bác sĩ Zhivago đi qua những tuyến đường ray tối mò lên cửa sau một toa hạng nhì của chuyến tàu vừa đến, một chuyến tàu không được thông báo trên bảng giờ tàu.
Bác phu khuân vác vừa dùng chìa khoá mở cửa toa và ném bọc đồ của bác sĩ Zhivago lên đầu toa, đã phải giằng co một hồi với tay nhân viên kiểm soát. Ông này nhất định bắt cả hai người phải xuống ngay, sau nhờ bác sĩ nói khéo, ông ta mới bỏ đi và biến mất hút như có phép độn thổ.
Chuyến tàu bí ẩn ấy có một mục đích đặc biệt, chạy nhanh và đỗ rất ít thời gian, hình như có một đơn vị bảo vệ. Trong toa có thể đi lại thoải mái.
Ngăn bác sĩ Zhivago bước vào có một cây nến đã cháy hết một nửa, cắm trên chiếc bàn con. Ngọn lửa nến chập chờn theo luồng gió lọt vào qua chiếc cửa kính đã hạ thấp. Cây nến là của người hành khách duy nhất trong ngăn. Đấy là một thanh niên tóc vàng, cứ nhìn chân tay anh ta dài lòng thòng và cử động quá ư dễ dàng và ở các khớp, y như các bộ phận đã nới ốc của một đồ vật có thể tháo lắp, cũng có thể đoán anh ta chắc phải rất cao. Anh ta đang ngồi ưỡn người thoải mái trên đi-văng gần cửa sổ. Thấy Zhivago vào, anh ta lịch sự nhổm dậy, đổi lại tư thế ngồi cho ngay ngắn hơn.
Dưới gầm đi-văng có một vật gì trông như đống giẻ lau. Đột nhiên đống giẻ lau ấy cựa quậy và một con chó săn tai cụp bò ra, làm nhộn cả lên. Nó đánh hơi và nhìn Zhivago, đoạn sục sạo các xó duỗi chân duỗi cẳng uyển chuyển chẳng kém chủ nó bắt chéo chân vào rồi lại duỗi ra. Lát sau, nghe lệnh chủ, con chó vẫy đuôi chui xuống nằm ở gầm đi-văng đúng như lúc nãy, như một đống giẻ lau.
Bây giờ Zhivago mới nhìn thấy khẩu súng hai nòng để trong bao súng, cái túi đạn bằng da và một cái túi săn nhét đầy chim, treo trên móc áo ở trong ngăn toa.
Chàng thanh niên đó là một tay thợ săn.
Đặc tính của anh ta là nói luôn mồm. Vởi một nụ cười dễ thương anh ta vội bắt chuyện với bác sĩ Vừa nói chuyện, anh ta vừa nhìn chòng chọc, đúng là nhìn chòng chọc, vào miệng Zhivago.
Giọng nói của anh ta nghe the thé, những lúc lên cao cứ như tiếng kim khí va chạm vào nhau. Lại còn một điều lạ: xem chừng anh ta rõ ràng là người Nga, nhưng lại phát một nguyên âm, cụ thể là âm "ư" rất kỳ dị, giọng nghe lướt như âm "u" của tiếng Pháp hay âm "i" của tiếng Đức. Hơn nữa, âm "ư" đọc sai ấy, anh ta phát ra hết sức vất vả, phải dụng tâm đọc mạnh hơn các âm khác, như phải hét lên một chút.
Vừa mở đầu câu chuyện, anh ta đã giáng cho bác sĩ một câu này:
- Suyết ngày hôm qua, tôi đã bắn đuộc bao nhuy là chim quy-ốc (Suốt ngày hôm qua, tôi đã bắn được bao nhiêu là chim quốc).
Thỉnh thoảng, lúc nào anh ta để ý đến giọng nói hơn, anh ta thắng được cái tật phát âm sai của mình, nhưng lúc quên lại đọc như cũ.
"Cái này là bệnh quỷ gì nhỉ? - Zhivago nghĩ thầm. - Chắc chắn là mình đã đọc thấy ở đâu về hiện tượng này. Một bác sĩ như mình phải biết, vậy mà lại quên biến đi mất. Một thứ bệnh não, sinh ra tật đọc sai. Nhưng cái lối nói léo xéo này nghe thật tức cười không thể nào giữ nghiêm trang được. Chịu không sao trò chuyện nổi. Tốt hơn hết là trèo lên trên kia mà ngủ".
Zhivago đã làm như vậy. Khi chàng đang sửa soạn nằm ở giường trên, anh thanh niên hỏi có cần tắt nến đi không, sợ ánh sáng làm phiền bác sĩ chăng. Zhivago nhận lời đề nghị với lòng biết ơn. Người bạn đường tắt nến. Tối om. Cửa kính vẫn còn để mở nửa chừng.
- Anh có bằng lòng hạ hẳn cửa sổ xuống không? - Zhivago hỏi. - Anh không sợ kẻ trộm à?
Anh kia không trả lời. Zhivago nhắc lại thật to câu vừa hỏi, anh ta vẫn im lặng.
Zhivago bèn bật diêm xem người bạn đường có làm sao không. Chẳng lẽ mới thoáng một cái anh ta đã kịp ra bên ngoài? Hay là anh ta ngủ rồi? Lại càng khó tin hơn nữa.
Nhưng không. Anh kia vẫn ở nguyên chỗ cũ, hai mắt mở thao láo, miệng mỉm cười nhìn bác sĩ đang ngồi giường trên, thòng hai chân xuống.
Que diêm đã tắt, Zhivago bật thêm que nữa, và dưới ánh sáng của nó, chàng nhắc lại lần thứ ba câu hỏi của mình, vì muốn người kia trả lời cho dứt khoát.
- Tuỳ ông, - anh ta trả lời ngay, - tôi chả có gì mà sợ mất trộm. Vả lại, có lẽ không nên đóng hẳn. Sẽ khó thở.
"Thú vị chưa! Zhivago nghĩ thầm. - Một người thật kỳ dị! Hẳn anh ta có thói quen chỉ nói chuyện lúc có ánh sáng. Và vừa rồi anh ta nói rất đúng giọng, chẳng sai âm nào cả! Thật quỷ cũng không hiểu nổi!".
15.
Bác sĩ Zhivago cảm thấy mệt lử vì những chuyện xảy ra tuần trước, vì những xúc cảm trước ngày ra đi, vì đã phải sửa soạn cho cuộc hành trình và đã phải ngồi suốt từ sáng ở hàng lang trên chuyến tàu trước. Chàng tưởng rằng có chỗ nằm tử tế là sẽ ngủ được ngay. Nhưng cái mệt quá độ đã làm cho chàng mất ngủ. Mãi đến gần sáng mới thiếp đi được.
Bao nhiêu tư tưởng chen chúc trong tâm trí của chàng, suốt mấy tiếng đồng hồ ròng rã ấy là cả một mớ lộn xộn, song, như người ta nói, vẫn có thể sắp xếp thành hai vòng tròn, hoặc hai mớ dây lúc cuốn vào, lúc lại bung ra.
Vòng thứ nhất là các ý nghĩ của chàng về Tonia, về ngôi nhà và về cuộc sống hoà thuận trước kia, trong đó mọi sự, cho đến từng chi hết nhỏ nhất, đều toát ra chất thơ, đều thấm đượm tấm tình tha thiết và sự trong sáng. Bác sĩ lo sợ cho cuộc sống đó, mong nó được hoàn toàn nguyên vẹn, và nằm trên chuyến tàu tốc hành đêm nay, chàng nóng lòng trở lại với nó sau hơn hai năm xa cách.
Lòng trung thành và sự thánh phục của chàng đối với cách mạng cũng nằm trong cái vòng thứ nhất này. Đó là một cuộc cách mạng theo ý nghĩa mà các tầng lớp trung lưu chấp nhận, và theo như quan niệm của đám thanh niên học sinh năm 1905, là tầng lớp vốn ngưỡng mộ nhà thơ Blok.
Nằm trong cái vòng thân quen này còn có cả những dấu hiệu của cái mới, những lời hứa hẹn và những điềm báo từng xuất hiện ở chân trời dạo trước chiến tranh, giữa khoảng 1912 và 1914, trong lĩnh vực tư tưởng, nghệ thuật và vận mệnh của nước Nga, trong vận mệnh của toàn thể dân tộc Nga và trong số phận riêng của chàng, của Zhivago.
Sau chiến tranh, chàng mong tìm về và làm sống lại bầu không khí tinh thần đó, cũng thiết tha như người ta muốn trở về mái nhà xưa sau bao năm xa cách.
Đối tượng suy nghĩ của vòng thứ hai cũng là cái mới, nhưng là cái mới khác trước, hoàn toàn khác! Đây không phải là cái mới của chàng, vốn quen thuộc với chàng, hoặc được chuẩn bị bởi cái cũ, mà là cái mới ngẫu nhiên, không thể xoá bỏ, do thực tại định trước và đột ngột như một cơn chấn động.
Cái mới ấy là chiến tranh, với máu lửa và những nỗi kinh hoàng, cảnh bơ vơ và sự man rợ của nó. Đó là những thử thách của chiến tranh và lối sống khôn ngoan mà nó dạy cho người ta biết. Cái mới ấy là những thành phố và thị trấn hẻo lánh mà chiến tranh đưa đẩy chàng tới và những con người mà nó buộc chàng phải tiếp xúc. Cái mới ấy là cuộc cách mạng, không phải thứ cách mạng được lý tưởng hoá bởi tầng lớp trí thức đại học trước năm 1905, mà là cuộc cách mạng hiện thời, nảy sinh từ chiến tranh, đẫm máu, một cuộc cách mạng của binh lính, bất chấp mọi sự, do những người am hiểu tình thế này, những người bolsevich, lãnh đạo.
Cái mới ấy là nữ y tá Lara Antipova, bị chiến tranh ném đi có trời biết tới những nơi đâu, với một cuộc đời hoàn toàn bí ẩn đối với chàng: nàng không trách móc bất cứ ai điều gì, sự nín lặng của nàng gần như một tiếng kêu than, nàng ít nói đến mức huyền bí và nàng mạnh mẽ biết mấy nhờ sự trầm lặng ấy.
Cái mới ấy là những cố gắng chân thành và tận sức của Zhivago để khỏi yêu nàng, cũng hệt như suốt đời chàng từng cố gắng yêu thương hết thảy mọi người, chứ không riêng gia đình và những người thân thuộc.
Đoàn tàu phóng hết tốc lực. Gió thổi lồng lộng ngược chiều tàu chạy, lọt qua khe cửa sổ để hở, tạt bụi vào mặt và làm bay bay mái tóc chàng. Ở các ga tàu đỗ ban đêm, cảnh tượng lại diễn ra y hệt lúc ban ngày: đám đông ồn ào sôi sục và những cây đoạn xào xạc. Thỉnh thoảng từ trong bóng đêm thăm thẳm có những chiếc xe ngựa chạy tới ga. Tiếng người nói và tiếng bánh xe lọc cọc hoà lẫn với tiếng lào xào của cây lá.
Những phút ấy tưởng như có thể thấu hiểu điều gì đã buộc các bóng đêm kia rì rầm chụm đầu vào nhau và thì thầm với nhau những gì bằng cách khẽ lay động những chiếc lá nặng trru ngái ngủ, trông như những cái lưỡi dính bết, dơn dớt. Đó cũng chính là điều Zhivago ngẫm nghĩ trong lúc nằm trăn trở ở ngăn giường trên, ấy là cái tin nói rằng nước Nga đang dâng lên những đợt sóng ngày một lan rộng, rằng cuộc cách mạng đang bùng nổ với giờ phút khó khăn, kinh khủng của nó, chắc chắn nó sẽ đi tới kết cục vĩ đại.
16.
Hôm sau, bác sĩ Zhivago thức dậy thì đã quá mười một giờ. "Hầu tước, hầu tước" - người bạn đường thấp giọng vỗ về con chó đang gầm gừ của anh ta. Zhivago ngạc nhiên thấy vẫn chỉ có chàng với tay thợ săn trong ngăn tàu, suốt dọc đường không có thêm ai cả. Tàu qua những nhà ga chàng đã nghe tên từ thuở nhỏ Sau khi rời tỉnh Kaluga, tàu đang tiến sâu vào tỉnh Moskva (1).
Sau khi đã ra ngoài rửa mặt, cạo râu cẩn thận với đủ tiện nghi như hồi trước chiến tranh, Zhivago quay vào ngăn tàu của mình để dùng bữa điểm tâm theo lời mời của người bạn đường kỳ dị. Lúc này chàng mới có thời gian để quan sát anh ta kỹ hơn.
Điều nổi bật ở con người này là nói luôn miệng và cấm chịu ngồi yên. Anh ta thích nói, và điều quan trọng đối với chàng ta không phải sự giao tiếp và trao đổi tư tưởng, mà là chính cái hoạt động nói năng, sự phát âm các tiếng và từng âm thanh. Trong lúc trò chuyện, anh ta cứ nhún nhẩy trên ghế như trên lò so, cười ha hả một cách vô cớ, xoa xoa tay một cách thích thú, và khi cả những trò đó cũng chưa đủ diễn tả nỗi vui thích của mình, anh ta còn vỗ đùi đen đét và cười đến chảy nước mắt.
Câu chuyện lại tái diễn với tất cả những điều kỳ cục như đêm trước. Lời lẽ của tay thợ săn chẳng có mạch lạc gì hết. Khi thì không khảo mà xưng, anh ta thổ lộ chuyện riêng tư, khi thì lại buông lơi, chẳng buồn trả lời những câu hỏi vô thưởng vô phạt.
Anh ta tuôn ra cả một mớ những điều hết sức kỳ khôi và rời rạc về chính bản thân anh ta. Hiển nhiên là anh ta gây được ấn tượng bằng các quan điểm cực doan của mình và bằng việc phủ định tất cả những gì mọi người đều thừa nhận.
Hết thảy những điều đó gợi nhớ một cái gì quen thuộc từ lâu Quan điểm cấp tiến kiểu đó được đề xướng bởi những người theo chủ nghĩa hư vô thế kỷ trước, và ít lâu sau bởi một vài nhân vật của Dostoievsky, rồi ngay gần đây, bởi những kẻ kế tục trực tiếp của họ tức là toàn bộ tầng lớp trí thức tỉnh lẻ của nước Nga, gồm những người thường đi trước hai thủ đô(2), nhờ họ vẫn giữ được ở nơi hẻo lánh cái tính cẩn thận đến nơi đến chốn, trong khi ở thủ đô nó bị coi là cổ hủ và lỗi thời.
Người trẻ tuổi kể rằng cậu anh ta là một nhà cách mạng nổi tiếng, còn cha mẹ anh ta, thì trái lại, là những người cổ hủ và ngoan cố hết bề cứu vãn, một thứ đầu bò đầu bướu chính hiệu, theo cách nói của anh ta. Gia đình anh ta có một trại ấp ra trò ở một vùng nằm sát mặt trận. Anh ta đã lớn lên ở đó.
Cha mẹ anh ta suốt đời đối nghịch với ông cậu, nhưng người cậu không để bụng thù oán, và bây giờ cũng nhờ ảnh hưởng của ông mà gia đình thoát khỏi nhiều vụ rắc rối.
Anh chàng bẻm mép nói rằng về phương diện đức tin, anh ta giống ông cậu, là một tay cực đoan - quá khích trong mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống, chính trị và nghệ thuật.
Lại toát ra cái giọng điệu của Petenka Veckhovenski (3) không phải với nghĩa khuynh tả, mà với nghĩa hủ bại và sáo rỗng.
"Chắc anh ta lại sắp thuyết minh về chủ nghĩa vị lai đây", - Zhivago nghĩ thầm, - và quả vậy, chuyện bước sang đề tài các nhà vị lai. Còn bây giờ anh chàng sắp nói về thể thao, - Zhivago tiếp tục đự đoán, - về đua ngựa, hoặc về trượt băng nghệ thuật, khúc côn cầu hay về đánh vật theo lối Pháp.
Nhưng câu chuyện lại lái sang vấn đề săn bắn. Người trẻ tuổi nói anh ta thường về quê săn bắn và khoe mình là một tay thiện xạ, và ví thử không bị miễn quân dịch vì thể lực không bị miễn quân dịch vì thể lực có bệnh tật, thì hẳn là anh ta đã trở thành một xạ thủ cừ khôi ngoài mặt trận.
Trước cái nhìn dò hỏi của Zhivago, anh ta kêu lên:
- Sao, chẳng lẽ ông không thấy gì sao? Tôi cứ ngỡ ông đã đoán biết tôi có khuyết tật gì rồi cơ đấy.
Đoạn anh ta rút trong túi ra hai miếng bìa cứng và chìa cho Zhivago. Một là tấm danh thiếp. Anh ta có cái họ tên đúp là Maxim Aristakhovich Klinsov - Pogarevsyk, hay vắn tắt là Pogarevsyk, như anh ta vẫn đề nghị người ta gọi như thế để tỏ lòng tôn kính ông cậu cũng mang cái họ đó.
Trên miếng bìa kia là một bản kẻ ô, mỗi ô vẽ hình hai bàn tay với các tư thế và các kiểu dang ngón tay hết sức khác nhau. Đấy là bản mẫu tự bỏ túi của những người câm điếc. Bỗng chốc mọi sự trở nên sáng tỏ.
Pogarevsyk hoá ra là một học viên có năng khiếu lạ lùng của trường Gactơman hay trường Ostrogadski, nghĩa là một người câm điếc đạt đến kết quả khó tưởng tượng trong việc học nói không phải nhờ tai nghe, mà bằng cách nhìn các cử động bắp thịt ở cổ của thầy dạy, và qua đó hiểu được lời nói của người tiếp chuyện.
Nhớ lại quê quán của chàng thanh niên và những nơi anh ta đến săn, Zhivago hỏi:
- Xin lỗi anh, tôi hỏi thế này hơi khiếm nhã, trả lời hay không tuy ý anh, nhưng anh có quan hệ gì với nước Cộng hoà Zybusino và việc thành lập nó hay không?
- Nhưng sao ông lại biết… Xin lỗi… Thế ra ông cũng biết Blazheyko à?… Có, tôi có quan hệ, dĩ nhiên rồi, - Pogarevsyk lại huyên thuyên một cách vui vẻ, vừa cười ha hả vừa lả lớn nghiêng người hết sang bên phải lại sang bên trái và vỗ đùi như điên. Một lần nữa, anh ta lại tuôn ra hàng loạt chuyện kỳ dị.
Pogarevsyk nói rằng Blazheyko chỉ là đối tượng sai khiến của anh ta, còn Zybusino hay bất cứ địa điểm nào khác cũng chỉ là một trong những nơi vận dụng các ý tưởng của anh ta.
Triết lý của Pogarevsyk một nửa bao gồm các luận điểm vô chính phủ, một nửa đích danh là những chuyện phịa về săn. Bằng giọng thản nhiên của một vị thánh tiên tri, Pogarevsyk dự đoán sắp xảy ra những cuộc xáo động chết người. Zhivago trong thâm tâm cũng đồng ý rằng rất có thể các xáo động ấy là không thể đảo ngược, nhưng chàng thấy cơn giận sôi lên trước cái giọng thản nhiên; quả quyết của gã nhãi ranh kia khi hắn tuôn ra hàng tràng những lời tiên đoán.
- Hượm đã, - hượm đã, - Zhivago dè dặt phản đối. - Tất cả những chuyện ấy là thế, có thể sẽ thế. Nhưng theo tôi, chọn lúc này, giữa tình trạng hỗn loạn và suy sụp, trước sự tấn công của kẻ thù, làm thời điểm cho những cuộc thí nghiệm kiểu đó thì thật là nguy hiểm. Nên để cho đất nước hồi tỉnh lại và nghỉ xả hơi một chút sau cuộc biến động lởn, rồi hãy lao vào cuộc biến động khác. Cần chờ đến lúc tình hình tạm yên ổn và trật tự, dù chỉ là tương đối.
- Ngây thơ quá, - Pogarevsyk nói. - Cái mà ông gọi là sự suy sụp chỉ là hiện tượng bình thưởng, y hệt thứ trật tự yên ổn mà ông ca ngợi và ưa chuộng kia. Những sự phá hoại ấy là một bộ phận sơ bộ và hợp quy luật của một kếhoạch xây dựng lớn lao hơn. Xã hội suy sụp chưa đến mức đầy đủ. Phải để nó sụp đổ hoàn toàn, sau đó một chính quyền cách mạng thực thụ sẽ tập hợp nó lại, từng phần một, trên những nền tảng khác hẳn.
Zhivago hết chịu nổi. Chàng bỏ ra hành lang.
Con tàu chạy mỗi lúc một nhanh đang vượt qua vùng ngoại vi Moskva. Chốc chốc, các cánh rừng bạch dương có những ngôi nhà ngoại ô ken sát nhau, lại chạy tới gần cử sổ tàu rồi vút qua. Những sân ga lộ thiên, nhỏ hẹp với khá đông người dân Moskva ra ngoại ô nghỉ mát, bay qua và lùi nhanh về phía sau, lẫn trong đám bụi do đoàn tàu cuốn lên và tựa hồ quay tròn như trên bàn quay ngựa gỗ ở công viên. Đầu tàu kéo hết hồi còi này đến hồi còi khác vang đi rất xa và tiếng gọi từ rừng dội lại nghe nấc nghẹn, âm ấm như tiếng loa.
Đột nhiên, lần đầu tiên trong suốt những ngày qua, Zhivago chợt hiểu rất rõ chàng đang ở đâu, điều gì đang xảy ra với chàng và cái gì đang đợi chàng trong một, hai giờ nữa.
Ba năm, với bao biến đổi, bao điều không hay biết, bao cuộc chuyển dịch, chiến tranh, cách mạng, những cơn chấn đóng, những cuộc bắn giết, những cảnh chết chóc, những chiếc cầu bị nổ tung, những sự tàn phá, những đám cháy - tất cả những thứ đó bỗng hoá thành một khối trống rỗng, mất hết nội dung. Sự kiện thực thụ đầu tiên sau thời kỳ gián đoạn lâu dài, đó là chàng đang ở trên con tàu chạy nhanh đến chóng mặt, hướng gần đến ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn trên thế gian này, ngôi nhà mà mỗi hòn đá nhỏ trong đó đều thân thiết đối với chàng. Đấy, cuộc sống là ở đó, xúc cảm là ở đó, mục tiêu săn đuổi của những kẻ tìm chuyện phiêu lưu là ở đó, cái mà nghệ thuật muốn nói tới cũng là ở đó: trở về với những người thân, trở về với chính mình, hồi phục sự tồn tại.
Các cánh rừng đã lùi lại phía sau. Con tàu bứt khỏi các tán lá rậm rạp và lao ra khoảng không gian phóng khoáng. Từ một lũng sâu, một triền đồi thoai thoải nhô lên, trải đài về phía xa thành một cái gò rộng. Những luống khoai tây chạy dọc, màu xanh thẫm, phủ kín mặt đồi. Trên đỉnh đồi, cuối cánh đồng khoai tây, có những khung kính tháo từ nhà ươm cây đang xếp dưới đất. Đối diện với quả đồi, phía bên kia phần đuôi tàu một đám mây tím thẫm, cực lớn, che kín nửa bầu trời Vài vệt nắng xuyên qua đám mây ấy như các cây tăm của một bánh xe đang lăn, và trên đường lăn, khi chạm vào các khung kính kia, nó làm loáng lên chói mắt.
Đột nhiên đám mây đổ xuống những hạt mưa lớn, xiên xiên, lóng lánh ánh nắng, một trận mưa mùa hè. Các hạt mưa rơi rào rào, hối hả đúng theo nhịp gõ ầm ầm của các bánh xe, của các tấm đệm đầu toa, theo đọàn tàu đang lao nhanh, tựa hồ các hạt mưa kia cố đuổi kịp con tàu hoặc sợ bị rớt lại phía Zhivago chưa kịp để ý thì đã thấy từ sau quả đồi nhô ra nhà thờ Chúa Cứu Thế, rồi một phút sau là những vòm tròn, những mái nhà và ống khói của cả thành phố.
- Moskva! - Chàng vừa thốt lên vừa quay vào trong ngăn tàu. - Sửa soạn đi là vừa.
Pogarevsyk bật dậy, lục trong túi săn, chọn lôi ra một con vịt to nhất - Xin ông cầm lấy, - anh ta nói, - chút quà kỷ niệm. Tôi đã được ở suốt một ngày với một người bạn đường vô cùng dễ chịu.
Zhivago từ chối thế nào cũng không được.
- Thôi được - chàng buộc phải nhận, - tôi xin đem món quà của anh về tặng vợ tôi.
- Tặng vợ! Tặng vợ! Quà tặng vợ! - Pogarevsyk vui sướng nhắc đi nhắc lại hệt như anh ta mới nghe hai tiếng đó lần đầu, rồi bắt đầu khoa chân múa tay cười ngả ngớn đến nỗi con "Hầu tước" cũng phải nhảy ra góp vui.
Tàu đi vào sân ga. Trong toa trở nên tối om như đang đêm, anh chàng câm điếc trao cho bác sĩ Zhivago con vịt trời được bọc bằng một mảnh bích chương chính trị nào đó.
Chú thích:
(
1) Ở Nga, tỉnh là đơn vị hành chính lớn hơn thành phố, ví dụ tỉnh Moskva gồm có thành phố Moskva và các đơn vị hành chính nhỏ hơn khác.
(2) Ngụ ý Petersburg và Moskva.
(3) Nhân vật trong tiểu thuyết "Bầy quỉ" của Dostoievsky.