6.
Khoảng ba, bốn giờ sau, lúc hoàng hôn, có hai bóng người hiện ra, như từ dưới đất chui lên, trên cánh đồng cách xa đường cái. Họ nhìn trước nhìn sau rồi rảo bước đi. Đó là Antipop và Tiverzin.
- Nhanh lên bác, - Tiverzin giục, - Tôi không ngại tụi mật thám theo dõi, mà biết rằng cuộc bàn cãi dai dẳng ấy sắp kết thúc, các cha ấy sẽ chui ra khỏi nhà hầm và đuổi kịp chúng mình. Tôi thì tôi ghét mặt các cha ấy lắm rồi. Nếu cứ dây dưa mãi thế, thì thà đừng có đề xuất chuyện lớn. Đã vậy lập ra Uỷ ban để làm gì, và nếu cả gan chơi với lửa, sao cứ lẩn tránh như chuột chũi! Và còn bác nữa, cũng hay gớm, lại đi ủng hộ cái thằng cha thỏ đế, đại diện tuyến đường Nicolaiev ấy làm gì.
- Bà Daria nhà tôi bị bệnh thương hàn. Chắc phải đưa đi nhà thương. Chưa lo liệu xong việc ấy, thì tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì được.
- Nghe đâu hôm nay là ngày phát lương. Tôi sé ghé qua sở xem sao. Nếu không phải ngày lĩnh tiền, thì thề có Chúa, tôi đã mặc xác các ông và không chút do dự tự giải quyết dứt điểm cái vụ dây dưa này.
- Cậu định giải quyết bằng cách nào, nói nghe thử.
- Có gì đâu. Tôi chỉ việc xuống gian nồi hơi, kéo còi làm hiệu là xong.
Họ từ giã nhau rồi mỗi người đi một ngả.
Tiverzin theo đường xe lửa đi về phía thành phố. Anh gặp rất nhiều người đi lĩnh lương về. Anh ước lượng rằng số người còn lại ở ga chẳng bao nhiêu.
Trời bắt đầu sẩm tối. Ở bãi trống trước trụ sở phát lương, những anh em thợ nghỉ việc đang túm nhau nói chuyện dưới ánh đèn của trụ sở. Chiếc xe ngựa của Fufolygin đứng chực sẵn ở cổng bãi. Bà vợ ông kỹ sư ngồi trong xe với tư thế cũ, tựa hồ bà ta vẫn yên vị ở đó từ sáng tới giờ. Bà ta đang chờ ông chồng vào sở lĩnh lương.
Đột nhiên mưa tuyết đổ xuống. Người đánh xe vội tụt xuống đất để kéo cái mũ da lên, trong lúc bác ta tì một chân lên đuôi xe để kéo căng các gọng mui, bà Fufolygin ung dung ngồi ngắm các bông tuyết lẫn nước trắng bạc như hạt cườm đang thấp thôáng dưới ánh đèn trụ sở. Bà ta ném cái nhìn mơ màng, bất động phía trên đầu đám thợ, với vẻ mặt như muốn bảo họ rằng, nếu cần, cái nhìn ấy có thể dễ dàng xuyên qua người họ như xuyên qua một đám sương mù hay mưa bụi.
Tiverzin vô tình bắt gặp vẻ mặt đó. Anh bị nó khuất phục. Anh đi ngang qua, không chào bà ta và quyết định chốc nữa mới vào lĩnh lương để khỏi chạm trán chồng bà ta trong đó. Anh đi về phía dãy xưởng thiếu ánh sáng, nơi có cái vòng quay đen đen với những đường ray hình sao chạy vào đề-pô.
- Tiverzin! Kuprich! - Từ trong bóng tối có mấy tiếng gọi anh vọng ra. Một tốp người tự tập trước dãy xưởng. Bên trong có tiếng ai đó quát tháo và hếng khóc của một chú bé. Một phụ nữ đứng trong đám đông gọi - Anh Tiverzin ơi, vào mà bênh thằng nhỏ đi!
Lão thợ cả Petr Khudoleev lại đang đánh đập chú bé học việc tên là Yuxupka nạn nhân thường ngày của lão.
Lão thợ cả xưa kia đâu phải là kẻ rượu chè, thích hành hạ đám thợ nhỏ mới học nghề và ưa gây sự đánh lộn. Đã có thời nhiều cô con gái các nhà buôn và mục sư ở khu kỹ nghệ ngoại ô Moskva từng để mắt đến tay thợ điển trai ấy. Hồi đó, bà mẹ của Tiverzin mới học xong trường nhà xứ, đã được Petr cầu hôn, nhưng bà từ chối và đã lấy một người bạn của Petr là anh thợ lái tàu Saveli Nikitich Tiverzin.
Sáu năm sau cái chết thảm khốc của Saveli Tiverzin (ông bị thiêu cháy năm 1888 trong một vụ đụng xe lửa làm chấn động dư luận đương thời). Petr lại đến cầu hôn lần nữa, và bà Marfa Gavrilovna lại khước từ. Từ đó Petr bắt đầu uống rượu và trở nên hung dữ, để trả thù cái thế giới mà lão cho rằng đã gây cho lão tất cả những buồn phiền hiện tại.
Yuxupka là con bác lao công Ghimazetdin ở khu nhà Tiverzin đang sống. Tại xưởng, Tiverzin đứng ra che chở chú bé, và cũng vì thế chú lại càng bị lão Petr căm ghét.
- Mày cầm giũa như thế à, cái thằng da vàng khốn kiếp này! - Lão Petr hét lên, nắm tóc Yuxupka và đập vào gáy chú bé.
- Mày giũa gang thế này à, đồ mọi đen, thằng Ả Rập mắt xếch?
- Tao hỏi mày, có phải mày định làm hỏng việc của tao thì bảo?
- Ái ái dau quá! Cháu xin ông, cháu không dám thế nữa, ôi đau quá.
- Đã bảo đi bảo lại hàng nghìn lần là trước khi vặn chặt ốc phải xoay cái trục cái đã, nhưng nó lại cứ làm theo lối riêng của nó. Đồ chó đẻ, suýt nữa làm gãy cái trục của người ta.
- Thưa ông, cháu có động đến cái trục đâu ạ, thật tình cháu không động đến.
Lúc đó Tiverzin rẽ đám đông chạy vào.
- Thằng bé làm gì mà lão hành hạ nó thế?
- Người ta đang ẩu đả thì đừng có dính vào, - Lão Petr xẵng giọng.
- Tôi hỏi lão vì cớ gì mà lão hành hạ thằng bé?
- Còn tôi thì mời ông xéo đi cho, thưa ông chỉ huy. Tôi tha giết nó là phúc, cái thằng khốn kiếp ấy, suýt nữa nó làm gãy cái trục của tôi. Đáng ra nó phải hôn tay tôi để cảm ơn tôi đã tha chết cho nó, cái thằng quỷ mắt lé ấy. Đằng này tôi mới chỉ véo tai, túm tóc, dạy bảo nó chứ có gì đâu.
- Vậy là chỉ vì thế mà lão định giết nó hả, lão Petr? Lão nên biết xấu hổ thì mới phải. Một bậc thợ cả già đời mà vẫn ngu!
- Xéo đi xéo ngay di trong lúc mày còn lành lặn. Mày đòi lên mặt dạy tao hả, đồ chó dái, tao thì móc họng mày ra. Mẹ mày đã ngủ với trai trên đống tà vẹt, trước mặt cha mày, rồi đẻ ra mày, quân đàng điếm. Cái con mẹ mày tao còn lạ gì, cái đồ mèo chuột, cái quân đĩ thoã lẳng lơ ấy!
Toàn bộ chuyện xảy ra tiếp đó không đầy một phút. Trên bàn thợ để ngổn ngang các loại dụng cụ đồ nghề và các cục sắt cả hai chộp lấy mỗi người một thứ làm khí giới và hẳn là sẽ giết nhau, nếu ngay lúc đó mọi người không đổ xô lại lôi họ ra.
Lão Petr và Tiverzin đứng đối diện nhau, mặt tái nhợt, đầu chúi ra đằng trước đến mức gần chạm trán vào nhau, mắt đỏ nọc. Đôi bên tức quá, chỉ hằm hè không thốt được câu nào.
Người ta ghìm chặt tay họ lại đằng sau. Cả hai cứ vùng vẫy, vặn vẹo cả người, cố gắng giằng tay ra, kéo theo cả từng đám bạn đang đeo bám. Áo ngoài và sơ mi của họ bật cúc, để trơ cả vai ra. Xung quanh họ không ngớt tiếng ồn ào.
- Cái dùi kìa! Giằng cái dùi ra, kẻo nó chọc thủng sọ thằng cha kia bây giờ.
- Này lão Petr, có chịu đứng yên không, chúng tôi bẻ quặt tay lão cho coi!
- Mất công có thể chúng làm gì mãi? Lôi chúng đi nhốt mỗi thằng một chỗ là xong chuyện.
Đột nhiên, bằng một cố gắng phi thường, Tiverzin gạt văng cả chùm người đang bám chặt anh, tiện đà anh vọt ngay ra cửa. Mọi người định chạy theo níu giữ, nhưng thấy anh không có vẻ quay lại đánh nhau, nên họ lại thôi. Anh đóng sầm cửa, bước đi không thèm ngoái lại. Xung quanh anh là đêm tối và sự ẩm ướt của mùa thu. Anh lẩm bẩm: "Mình muốn điều hay cho họ, mà họ chỉ rắp tâm hại mình". Anh không biết mình đang đi đâu và để làm gì.
Cái xã hội đê tiện và gian lận, nơi một bà quý tộc giàu sang nhìn đám cần lao ngớ ngẩn bằng nửa con mắt, còn một con sâu rượu, nạn nhân của chế độ ấy, lấy làm thích thú được hành hạ chửi bới những người cùng cảnh ngộ, cái xã hội đó, Tiverzin chưa bao giờ thấy căm ghét bằng lúc này. Anh bước nhanh, tựa hồ dáng đi vội vã của anh có thể làm gần lại cái thời mọi chuyện trên đời sẽ trở nên hợp lý và hoà hợp như điều khối óc cuồng nhiệt của anh đang tưởng tượng. Anh biết rằng các khát vọng của bọn anh trong những ngày vừa qua, tình trạng lộn xộn trên tuyến đường, các lời phát biểu tại các cuộc họp và quyết định bãi công, tuy chưa được thực hiện song cũng chưa bị bãi bỏ, - tất cả những thứ đó đều là từng chặng riêng trên con đường lớn sẽ đi.
Nhưng lúc này anh hăng hái muốn chày một hơi hết toàn bộ quãng đường dài ấy mà không cần dừng nghỉ. Anh chưa hiểu mình đang sải bước đi đâu, nhưng đôi chân của anh thì biết rõ nó đang đưa anh đến chốn nào.
Rất lâu Tiverzin không ngờ, rằng sau khi anh và Antipop bỏ ra về, Uỷ ban họp trong căn nhà hầm đã quyết định công bố lệnh đình công ngay tối hôm đó. Các thành viên của Uỷ ban cũng đã phân công ngay với nhau, ai sẽ đi đâu và làm gì, ở khu vực nào. Khi từ xưởng sửa chữa đẩu máy bật ra tiếng còi tín hiệu, thoạt đầu còn khàn khàn, sau mỗi lúc một trong và đều như tiếng kêu tự đáy lòng Tiverzin, thì đã có những đoàn người xuất phát từ đề-pô và từ ga hàng hoá, nhập bọn với một đoàn người vừa bỏ việc theo hiệu còi của Tiverzin phát ra tại gian nồi hơi, để cùng tiến vào thành phố từ chỗ cột tín hiệu cho tàu vào ga.
Trong nhiều năm, Tiverzin cứ tưởng rằng đêm hôm ấy một mình anh đã làm ngừng toàn bộ công việc giao thông trên tuyến đường. Mãi đến ngày bị đưa ra toà, bị ghép vào nhiều tội trong đó không hề có tội xúi giục bãi công, anh mới hiểu ra sự thật. Người ta chạy ra hỏi: "Kéo còi có việc gì vậy? Họ gọi đi đâu thế?" Rồi tiếng trả lời từ trong bóng tối: "Điếc hay sao mà không nghe thấy còi báo động. Gọi đi chữa cháy đấy". - "Cháy ở đâu vậy" "Nếu người ta kéo còi, ắt là có hoả hoạn ở đâu đó".
Những tiếng sập cửa, thêm những người mới bước ra. Vài giọng nói khác vang lên.
- Nói bậy đấy, cháy đâu mà cháy! Đồ dân quê! Đừng nghe lời bọn ngốc. Tiếng còi ấy là hiệu lệnh bãi công, hiểu chưa?
- Đây, xin giao trả dây cương và roi ngựa, từ nay tôi chẳng hầu hạ ông nữa. Về nhà thôi, anh em ơi.
Người ta bỏ việc ra về mỗi lúc một nhiều. Công nhân xe lửa đã bãi công.
7.
Mãi ngày thứ ba Tiverzin mới về nhà, người rét run, buồn ngủ díp mắt, râu mọc lởm chởm. Đêm qua trời rét buốt hơn mọi năm cùng thời điểm này, trong khi Tiverzin chỉ ăn bận theo kiểu mùa thu. Về đến cổng, anh gặp bác lao công Ghimazetdin.
- Xin đa tạ ngài Tiverzin, - bác ta kính cẩn nói. - Ngài đã che chở cho cháu Yuxupka, suốt đời chúng tôi sẽ cầu Chúa phù hộ cho ngài.
- Ơ hay, bác Ghimadeđin, bác quẫn trí hay sao mà bác gọi tôi là ngài? Mong bác bỏ cái lối xưng hô ấy cho tôi nhờ. Bác thử nói xem, có đúng trời rét khiếp không?
- Sợ gì rét, nhà anh ấm rồi. Hôm qua chúng tôi đã chở từ ga Hàng hoá về cho bà cụ Marfa nhà anh đầy một gian củi, toàn là loại bạch dương, củi khô và được lắm cơ anh ạ.
- Cảm ơn bác. Hình như bác có chuyện gì muốn nói thì phải. Xin bác nói luôn đi, tôi đang rét quá, mong bác thông cảm.
- Tôi muốn khuyên anh dừng ngủ ở nhà. Kiếm chỗ nào kín đáo mà trốn, anh Tiverzin ạ. Tụi lính đến, rồi lão thanh tra cũng đến tìm anh, hỏi anh có về đây không. Tôi bảo họ là chả thấy ai đến cả. Chỉ có cậu thợ giúp việc, nhân viên đầu máy và nhân viên sở hoả xa đến thôi. Còn người lạ không thấy ai, tôi bảo họ thế!
Tiverzin lúc đó chưa lập gia đình, anh sống với mẹ và vợ chồng cậu em trai. Ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở bên cạnh. Khu nhà một phần dành cho mấy giáo sĩ xứ đạo. Một phần nhường cho hai tổ hợp có sạp bán lẻ hoa quả và thịt trong thành phố, còn phần lớn dành cho số viên chức nhỏ của tuyến đường xe lửa Moskva - Brets.
Khu nhà xây bằng đá, có các hành lang bằng gỗ, bao quanh một sân đất nện bẩn thỉu. Từ hành lang có các cầu thang gỗ nhớp nhúa và trơn trượt đi lên. Khu vực cầu thang toàn mùi cứt mèo và mùi dưa bắp cải. Phía đầu cầu thang có phòng vệ sinh và gian chứa đồ với những cái khoá treo lủng lắng.
Cậu em của Tiverzin đã bị đăng lính và mới bị thương ở trận Vaphănggoa. Cậu đang nằm điều dưỡng ở quân y viện Grasnoiask, cô vợ với hai đứa con gái đã đi thăm và ở lại săn sóc cậu. Là nhân viên sở hoả xa từ đời cha đến đời con, gia đình Tiverzin được vé miễn phí đi lại dễ dàng khắp nưởc Nga.
Hiện tại ở nhà chỉ có hai mẹ con anh, nên căn nhà vắng vẻ và yên lặng. Căn nhà ở lầu một. Ngay cạnh cửa ra vào, ngoài hành lang, có một lu nước, luôn luôn được người chở nước đổ đầy.
Khi Tiverzin lên tới nhà, anh nhận thấy cái nắp lu bị lệch sang một bên và chiếc( ca sắt thì bị gắn chặt vào lởp nưởc đóng băng cứng như đá trong lu.
- Lại cha Prop chứ không còn ai vào đây, - Tiverzin cười khẩy nghĩ bụng. - Cha này nốc nước dễ sợ, ruột lúc nào cũng bốc lửa hay sao ấy.
Prop Afanaxevich Xocolov làm trợ tế ở nhà thờ, một người đàn ông còn trẻ và điển trai, có họ hàng bà con xa với bà Marfa.
Tiverzin thò tay vào lu cạy chiếc ca sắt lên, đậy nắp lu cho ngay ngắn rồi kéo chuông cửa. Một luồng không khí ấm cúng và mùi hơi nước thơm ngon theo chiếc cửa mở ùa ra đón anh.
- Mẹ đốt lò sưởi ấm quá, nhà mình ấm thật đấy, mẹ nhỉ.
Bà Marfa ôm chầm lấy con mà khóc. Bà vuốt tóc con một lát rồi mới dịu dàng đẩy ra.
- Phải dũng cảm mới làm nên chuyện, mẹ ạ, - Tiverzdin nói khẽ. - Chắc con phải bỏ Moskva đi Vacsava thôi.
- Mẹ biết. Vì thế mà mẹ khóc. Ở đây nguy cho con mất. Con nên lánh đi xa, thật xa con ạ.
- Gớm cái ông bạn Petr của mẹ, cái vị hôn phu lịch sự ấy suýt phang vỡ đầu con.
Tiverzin tưởng đâu sẽ làm mẹ phì cười. Nhưng bà không hiểu câu đùa, nên bà nghiêm mặt trả lời:
- Đừng chế nhạo ông ấy, con ạ. Đáng lẽ con nên thương hại ông ấy, một kẻ đau khổ, một tâm hồn lầm lạc.
- Mẹ ơi, Pavel Antipop bị bắt rồi, mẹ biết chưa? Ban đêm chúng đến khám nhà, lục soát lung tung. Đến sáng, chúng dẫn bác ấy đi. Vợ bác ấy lại bị sốt thương hàn, đang nằm ở nhà thương, ở nhà còn mỗi thằng bé Pasa, cái chú bé học tại ngôi trường mới mở ấy, sống với bà cô điếc. Tệ hơn nữa, chúng muốn đuổi hai cô cháu ra khỏi nhà. Theo ý con, mẹ nên đưa thằng bé Pasa về nhà ta. À mà lão Prop đến đây để làm gì thế mẹ?
- Sao con biết Prop đến đây?
- Con thấy lu nước để mở và chiếc ca sắt thì rơi vào trong. Con nghĩ, chắc chỉ có lão Prop, cái thùng không đáy ấy, đã múc nước nốc cho đầy ruột thôi.
- Con tinh lắm, đúng đấy. Đúng Prop. Prop, Prop Anfanaxevich. Lão đến vay mẹ một ít củi, mẹ đã cho vay rồi. À mà mẹ lơ đãng quá, chỉ nhớ chuyện củi lửa, quên khuấy cái tin lão đem đến. Sa hoàng, con hiểu không, mới ký một bản tuyên ngôn đổi mới tất cả mọi sự: cấm không cho ai được xâm phạm đến người khác, chia đất cho dân cày, và thường dân được coi ngang hàng với quý tộc. Chiếu chỉ đã ký, chỉ còn việc công bố nữa thôi, con nghĩ sao? Hội đồng giám mục cũng mới gửi đi các nơi một đơn thỉnh cầu đưa vào nghi lễ của họ, hay là một bài Kinh tạ ơn thì phải, mẹ cũng chả nhớ rõ. Lão Prop kể với mẹ, thế mà mẹ quên bẵng đi mất.
8.
Pasa đã đến ở với gia đình Tiverzin. Cha cậu, Pavel Antipop, mới bị bắt giữ và mẹ cậu, bà Daria Philimonovna, đang nằm nhà thương. Cậu, mặt mũi khôi ngô sáng sủa, tóc nâu, rẽ ngôi thẳng. Cậu chải đầu suốt ngày, chốc chốc lại sửa chiếc áo ngoài cùng chiếc dây lưng có khoá mang dấu hiệu trường cậu đang học. Tính cậu hay cười, đặc biệt có óc quan sát tinh tế. Cậu bắt chước tất cả những gì cậu nghe, nhìn thấy một cách tài tình và khôi hài.
Ít lâu sau khi bản Tuyên ngôn mười bảy tháng Mười được công bố, một cuộc biểu tình lớn được dự tính sẽ đi từ ô Tver đến cửa ô Kaluga. Sáng kiến ấy đúng là theo cái lối "lắm thầy nhiều ma" như người ta thường nói. Mấy tổ chức cách mang tham gia đề xướng vụ đó xảy ra cãi cọ nhau và lần lượt rút lui. Đến ngày ấn định, biết tin dân chúng vẫn đổ ta đường rất đông, họ bèn vội vã cử đại diện của mình đi dự biểu tình.
Mặc dù Tiverzin cố có thể ngăn, bà Marfa vẫn quyết đi dự biểu tình bằng được cùng với cậu bé Pasa vui tính và cởi mở.
Hôm đó là một ngày khô ráo, giá rét vào đầu tháng mười một. Bầu trời yên tĩnh, màu xám chì, lác đác những bông tuyết bay chập chờn trên không trung khá lâu rồi mới rơi xuống đất, biến thành một thứ bụi tơ màu xám, tự lại ở những chỗ trũng trên mặt đường.
Dân chúng lũ lượt kéo đi ngoài đường phố. Toàn thấy hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác, những chiếc áo choàng lót bông, những chiếc mũ lông cừa, các ông già bà cả, học sinh tiểu học và cả trẻ con, các nhân viên sở hoả xa vận đồng phục, công nhân sở xe điện và sở điện báo đi ủng quá gối, mặc áo da ngắn, rồi học sinh trung học và sinh viên.
Người ta hát bài "Cô gái Vacsava" "Hỡi các bạn nạn nhân" và bài "Macxâye". Nhưng đột nhiên người dẫn đầu đoàn biểu tình, từ trước vẫn đi giật lùi, vừa đi vừa vung chiếc mũ trong tay đánh nhịp cho bài hát, nay bỗng đội mũ, ngừng hát, quay lưng lại phía đoàn, rồi vừa đi vừa lắng tai nghe, xem các vị khác trong ban điều hành đang bước bên cạnh nói gì. Tiếng hát bắt đầu chệch choạc rồi im hẳn. Chỉ còn nghe tiếng giầy rầm rập của dòng người đông đảo nện xuống mặt đường băng giá.
Những người có thiện chí báo tin cho ban tổ chức biết rằng bọn lính côdắc đang phục binh ở phía trước. Một hiệu thuốc ở bên đưởng vừa được ty điện thoại báo cho biết điều đó.
Ban tổ chức bàn với nhau: "Trong tình hình này, điều cốt yếu là phải bình tĩnh, đừng hoảng hết. Phải chiếm ngay một công thụ nào đó gần đây nhất, loan báo cho bà con biết tình thế nguy hiểm đang đe doạ, sau đó giải tán từng người một".
Họ tranh cãi xem chỗ nào thuận tiện nhất. Người đề nghị lấy trụ sở Hội đại lý thương gia, kẻ bảo nên vào trường Cao đẳng kỹ thuật, người thì chọn Trường Thông tin viên quốc ngoại.
Đang lúc còn tranh cãi thì phía trước đã hiện ra một công thự thuận tiện cho việc né tránh chẳng thua gì các địa điểm vừa kể.
Khi đoàn biểu tình tới chỗ ấy, mấy vị lãnh đạo bước lên cái thềm cao hình bán nguyệt và giơ tay làm hiệu cho tốp người đi đầu dừng lại. Các cánh cửa vào đều được mở rộng, và toàn bộ đoàn biểu tình ồ ạt theo nhau kéo vào khu tiền sảnh của ngôi trường và bắt đầu đi lên cầu thang chính.
- Vào hội trường, vào hội trường!
Có mấy tiếng kêu to như thế ở phía sau, nhưng đám đông cứ ùa đi và tản mát dần trong các hành lang, các lớp học.
Sau khỉ đã gọi được họ trở lại và mọi người đã ngồi trong hội trường, ban điều hành cố nói đi nói lại mấy lần cho bà con biết có cuộc phục kích ở phía trước, nhưng chẳng ai chịu nghe.
Dân chúng tưởng ban tổ chức đưa họ vào trường là để dự một cuộc mít tinh bất ngờ, thế là cuộc mít tinh ngẫu hứng nổ ra liền sau đó.
Sau khi đã giậm chân và hát mãi ở ngoài đường rồi, bà con muốn được ngồi yên nghỉ ngơi một lát, họ muốn bây giờ có ai đó hò la thay cho họ. Hài lòng vì được ngồi nghỉ, họ chẳng buồn để ý đến những dị biệt nho nhỏ trong lời lẽ của những diễn giả hầu như nhất trí với nhau về mọi việc.
Bởi thế diễn giải được tán thưởng nhất lại là diễn giả kém cỏi nhất, bởi ông ta không bắt thính giả phải mệt óc lắng nghe ông ta. Mỗi lời nói của ông ta đều được cử toạ hưởng ứng nhiệt liệt Chả ai phàn nàn rằng những tiếng ồn ào đó át cả lời lẽ của ông ta. Họ nóng ruột, nên họ nhanh nhẩu đồng ý tất cả với ông ta, họ hô "Thật là nhục nhã", họ thảo ngay một bức điện phản đối, rồi đột nhiên, vì đã chán nghe tiếng nói đều đều của ông ta, trăm người như một bỗng đứng dậy, quên biến cả diễn giả, người này kế người khác, tốp này kế tốp khác, họ dồn ta cầu thang đi xuống và ùa cả ra phố. Cuộc biểu tình lại tiếp diễn.
Trong lúc họp mít tinh, ngoài trời tuyết bắt đầu rơi xuống nhiều hơn, phủ trắng đường phố mỗi lúc một dày.
Bọn kỵ binh đã xông tới khá đông, mà những hàng đi sau vẫn chẳng hay biết. Đột nhiên, từ những hàng đầu lan đi tiếng la hét mỗi lúc một to. Những tiếng thét: "Cứu tôi với", "quân giết người" và vô số âm thanh khác hoà thành tiếng ồn ào khó tả. Ngay lúc đó, giữa làn sóng các tiếng kêu ấy, một con đường hẹp được mở ra trong đám đông và những cái mõm ngựa, bờm ngựa, những tên kỵ binh đang vung gươm, lao qua vùn vụt. Một nửa trung đội đã phi ngựa suốt từ hàng đầu xuống hàng cưối của đoàn biểu tình, rồi chúng cho ngựa quay đầu, chỉnh lại hàng ngũ, xông tới. Cuộc đàn áp bắt đầu.
Mấy phút sau, đường phố đã gần như vắng tanh. Dân chúng chạy tản vào các hẻm. Tuyết rơi thưa dần. Buổi chiều hôm đó cảnh trời trông khô khẳng như một bức vẽ bằng than.
Bỗng dưng mặt trời đang lặn khuất đâu đấy sau các toà nhà, chợt ló ra như giơ tay chỉ những vết đỏ trên đường phố những chiếc mũ đỏ của bọn kỵ binh, những mảnh cờ đỏ bị rơi, những vệt máu chạy dài hoặc tự lại từng đám trên tuyết.
Ở mép đường, một người bị bể sọ đang rên rỉ, chống tay cố lê đi. Từ phía đưới, một tốp kỵ binh xếp thành hàng đang thủng thẳng tiến lên, chúng trở lại sau khi đuổi theo đám biểu tình đến tận cuối phố.
Bà Marfa chạy tất tưởi, chiếc khăn vuông quấn đầu tụt ra sau gáy, miệng gọi thất thanh gần như ngay dưới chân lũ ngựa: "Pasa! Pasa ơi!"
Pasa lúc nào cũng đi cạnh bà và pha trò vui, bắt chước rất tài cử chỉ của vị diễn giả cuối cùng. Thế mà lúc bọn kỵ binh lao tới, cậu đã biến đâu mất trong cảnh hoảng loạn.
Giữa lúc ẩu đả, chính bà Marfa cũng bị quật roi ngựa vào lưng. Nhờ chiếc áo bông che bên ngoài, bà không cảm thấy đau, nhưng bà cũng cất tiếng chửi và giơ nắm tay dứ dứ về phía tốp kỵ binh đang đi xa. Bà bực mình vì chúng đang tâm đánh một người già cả như bà trước mặt đám dân lành.
Bà lo lắng nhìn ngược nhìn xuôi khắp phố. May mắn bà đã nhận ra Pasa đang đứng ở vỉa hè phía đối diện. Cậu nép vào góc tường một biệt thự bằng đá xây nhô ra, cạnh một hiệu thực phẩm, cùng với một nhóm người tò mò tình cờ đứng xem.
Một tên kỵ binh đã cho ngựa lên vỉa hè, dùng ngựa dồn họ vào chỗ đó. Thấy người ta hoảng sợ, hắn lại thích thú: Hắn cho ngựa chạy loanh quanh chắn họ, rồi kéo cương để ngựa bước lui, đoạn thong thả cất vó trước cào lên như làm xiếc. Bỗng hắn thấy các bạn hắn đang thủng thẳng trở về, hắn bèn thúc ngựa nhảy mấy bước nhập vào hàng ngũ.
Tốp người bị dồn tản ngay đi. Pasa có nghe bà Marfa gọi, nhưng cậu sợ quá không dám thưa, bây giờ vội chạy đến với bà. Hai bà cháu đi về nhà. Suốt dọc đường bà Marfa luôn miệng lẩm bẩm:
- Những quân sát nhân khốn nạn, bọn giết người chết tiệt. Mọi người đang vui mừng, Sa hoàng đã cho họ tự do, thế mà chúng lại không chịu. Chúng định bôi nhọ, làm trái lời đức vua.
Lúc này bà giận đám kỵ binh, bà tức lây hết thảy thế giới xung quanh, thậm chí cả anh con trai của bà. Trong cơn nóng giận, bà ngỡ rằng toàn bộ chuyện vừa rồi là tại đám bạn bè của Tiverzin bày đặt ra, mấy đứa chúng nó toàn là những thằng đần độn mà cứ làm ra vẻ khôn ngoan sáng suốt.
- Bọn rắn độc! Chúng muốn gì nữa, cái bọn chết tiệt đó? Chẳng hiểu cái gì cả! Chỉ biết toang toang cái mồm và nói năng nhảm nhí! Rồi cả lão bẻm mép ấy. Pasa, cháu bắt chước thằng cha đó cho bà xem nào. Cháu làm thử xem nào… Thôi, thôi, cháu làm cho bà buồn cười vỡ bụng ra được! Đúng, đúng, cháu bắt chước y hệt. Ôi, phu-u-uù, cái con mũi tép này, cái giống ruồi trâu này!
Về đến nhà, bà liền trách mắng anh con trai không ngớt lời, đại ý bà đâu phải là con rút mà một tên lính mặt mẹt ngồi chễm chệ trên con ngựa dám quất roi vàp lưng bà để dạy khôn.
- Ơ hay, mẹ nói gì kỳ vậy, lạy Chúa! Mẹ làm như con là tên sĩ quan kỵ binh hay một tên trùm mật thám không bằng.
Cha Nicolai đang đứng bên cửa sổ thì thấy đám đông xô nhau bỏ chạy. Cha hiểu ngay đó là toán biểu tình đang né tránh sự đàn áp và cha nhìn kỹ ra phía xa, xem có Yuri hoặc ai quen thuộc trong số đó hay không. Cha chẳng nhận nhận ra ai quen, chỉ có một lần cha tưởng như thấy bóng thằng bé con lão Dudorov (tên nó là gì, cha không nhớ nữa), một cậu bé khó bảo, mới đây người ta đã phải gắp một viên đạn ở vai bên trái cho nó, nay nó lại đâm đầu vào chỗ nó không nên tới.
9.
Cha Nicolai đã rời Petersburg lên đây từ mùa thu. Ở Moskva cha không có nhà riêng, mà thuê khách sạn thì cha chẳng muốn. Cha bèn đến ở nhà ông bà Sventitski, có họ xa với cha. Họ đã nhường cho cha một buồng làm việc ở góc tầng lầu trong căn nhà của họ.
Căn nhà lầu này đối với cặp vợ chồng Sventitski không có con là quá rộng. Bố mẹ của Sventitski nay đã khuất, vốn thuê nó của công tước Dolgoruki từ thuở nào. Khu nhà của công tước Dolgoruki quá rộng lớn, có ba cái sân, một cái vườn với vô số căn nhà xây lộn xộn đủ kiểu, trông ra ba mặt phố và đến bây giờ vẫn giữ cái tên ngày xưa là khu cư xá Hàng Bột.
Phòng làm việc của cha Nicolai tuy có bốn cửa sổ nhưng vẫn không đủ ánh sáng. Bên trong ngổn ngang những sách vở, giấy má, các tấm thảm và các bức chạm. Bên ngoài có hàng lan can hình bán nguyệt bao quanh góc nhà. Cái cửa lắp hai lần kính mở ra ban côl g được trát kín các mép để chống rét.
Nhìn qua hai cửa sổ và cửa kính mở ra ban công, có thể thấy suốt chiều dài hẻm phố - một con đường cho xe trượt tuyết chạy tít về phía xa những ngôi nhà nhỏ bố trí nghiêng nghiêng, những hàng giậu xiêu vẹo.
Vườn cây hắt những cái bóng màu tím vào phòng. Cây cối nhòm vào đây với dáng dấp tựa hồ chúng muốn ngả xuống sàn nhà những cành lá bị phủ một lớp tuyết nặng trĩu, lớp tuyết trông tương tự các vệt nến chảy màu tím nhợt.
Cha Nicolai nhìn xuống con hẻm và nhớ lại mùa đông năm ngoái ở Petersburg, nhớ đến Gapon, Gorki, cuộc viếng thăm của Vitte, những nhà văn thời danh. Cha đã trốn thứ sinh hoạt bận rộn đó để về đây, nơi đô thành yên tĩnh này, để có thể viết cuốn sách mình đang thai nghén. Nhưng thật là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa! Ngày nào người ta cũng tới tấp mời cha đi thuyết giảng và báo cáo. Bữa thì ở trường Cao đẳng nữ sinh, lúc thì ở Câu lạc bộ Triết học - Tôn giáo, hôm thì ở Hội đồng thập tự lúc thì để giúp Quỹ ban thợ thuyền đình công. Cứ điệu này, khéo phải sang Thuỵ Sĩ, tới một vùng núi non heo hút, sống bên một cái hồ yên tĩnh và đầy ánh sáng, làm bạn với trời mây, rừng núi, với thứ không khí thoãng đãng, dễ lan truyền tiếng vang và lúc nào cũng như chờ đợi.
Cha Nicolai quay vào buồng. Cha muốn đi thăm một người bạn hoặc tha thẩn ngoài phố một lát. Nhưng cha sực nhớ triết gia Vyvotosnov, một vị theo chủ thuyết Tolstoy, có hẹn đến gặp cha, cha không thể bỏ đi được. Cha bèn đi đi lại lại trong phòng. Cha nghĩ đến đứa cháu ruột.
Khi rời cái xó hẻo lánh miền Volga lên Petersburg, cha đã mang Yuri tới Moskva, cho cậu đến thăm các gia đình bà con thân thuộc như gia đình Vedeniapin (đằng ngoại của Yuri), Ostromyslenski, Seliavin, Mikhaelit, Sventitski, và Gromeko.
Thời gian đầu, Yuri sống ở nhà Ostromyslenski một ông già lẩm cẩm, lắm lời, mà bà con thân thuộc thường gọi bằng cái tên cộc lốc là lão Fetka. Lão Fetka ăn ở với đứa con gái nuôi tên là Motia như vợ chồng. Bằng việc đó, lão tự coi mình là người dám đảo lộn nền tảng xã hội và đấu tranh cho tư tưởng mới. Nhưng lão tỏ ra không xứng đáng với lòng tin cậy người ta dàng cho lão, thậm chí còn đem tiêu phăng cho bản thân số tiền người ta trao để nuôi nấng Yuri. Yuri liền được gửi tới gia đình giáo sư Gromeko và hiện đang sống ở đấy. Tại gia đình Gromeko, Yuri được gặp một bầu không khí thuận lợi đáng thèm muốn.
Cha Nicolai nghĩ thầm: "Nhà ấy có một bộ ba gồm Yuri, Misa Gordon (bạn học cùng lớp với Yuri) và Tonia (cô con gái chủ nhà). Cái liên minh tay ba ấy cứ chúi đầu nghiền ngẫm cuốn "Ý nghĩa của tình yêu" và "Khúc sonat Crâyse", nên trí khôn bị rối loạn bởi các bài giảng về sự trinh trắng.
Tuổi niên thiếu phải trải qua mọi cơn điên của sự trinh trắng. Nhưng chúng nó qua đã đi quá xa, chúng quá khôn mà không ngoan.
Chúng vừa hết sức kỳ cục, vừa hết sức trẻ con. Lĩnh vực cảm giác nhục dục khiến chúng lo ngại, chẳng biết sao bị chúng gọi là "thô lậu" và chúng đã dùng danh từ ấy vừa đúng chỗ, vừa không đúng chỗ. Một sự lựa chọn từ ngữ rất không đạt. Theo ý chúng "thô lậu" vừa là tiếng gọi của bản năng, vừa là thứ sách báo khiêu dâm, vừa là sự bóc lột người đàn bà và gần như là hết thảy những gì liên quan đến phạm vi thể xác. Chúng đỏ mặt và tái mặt khi nhắc đến hai tiếng ấy!
Giá thời gian qua mình ở Moskva, mình đã không để chúng đi quá xa như vậy. - Cha Nicolai nghĩ bụng. Biết xấu hổ là cần, nhưng cái gì cũng có giới hạn thôi…
- Kìa ông Nin Feoctistovich, mời ông vào. - Cha Nicolai chào và bước ra đón khách.
10.
Người đàn ông béo mập, mặc sơ mi xám, thắt chiếc dây lưng to bản, bước vào phòng. Ông đi ủng dạ, ống quần lùng thùng ở chỗ đầu gối. Trông ông có vẻ là một người tốt bụng, sống lơ lửng ở trên mây. Chiếc kính kẹp mũi buộc vào một mảnh vải đen rộng cứ nảy nảy trên sống mũi ông.
Ông đã cởi áo choàng, treo ở phòng ngoài, nhưng khăn quàng còn để lòng thòng xuống tận sàn nhà và hai tay vẫn giữ chiếc mũ dạ tròn. Những vật đó khiến cử chỉ của ông lúng ta lúng tứng: ông đã vướng víu không thể bắt tay cha Nicolai, mà còn quên cả chào hỏi chủ nhà.
- Hư-ừm, - ông lúng búng ậm ừ và nhìn quanh quẩn.
- Ông cứ để các thứ ấy chỗ nào cũng được, - cha Nicolai nói, khiến ông khách trở lại bình tĩnh và đủ sức thốt ra lời.
Đây là một trong những môn đệ của Lev Tolstoy, mà trong đầu họ các tư tưởng thiên tài của một người không từng biết đến sự bình an, cứ nằm ỳ ra yên nghỉ để rồi thoái hoá dần một cách hết bề cứu vãn.
Ông Nin đến đề nghị cha Nicolai tới phát biểu ở một trường nào đấy để ủng hộ số từ chính trị bị phát vãng.
- Tôi đã phát biểu ở đó một lần rồi.
- Để ủng hộ tù chính trị phải không ạ?
- Phải.
- Thì xin cha nói một lần nữa vậy.
Cha Nicolai từ chối, nhưng cuối cùng cũng bằng lòng nhận. Mục đích cuộc đến thăm đã đạt. Cha Nicolai không có ý định lưu khách ở lại. Ông Nin có thể đứng dậy cáo biệt.
Nhưng ông nghĩ rằng vừa tới đã ra về như thế thì không được lịch thiệp. Cũng nên nói vài câu ý nhị, tự nhiên. Vậy là bắt đầu một câu chuyện dài dòng và tẻ ngắt.
- Cha có theo chủ nghĩa suy đồi không? Cha đã đi sâu vào chủ nghĩa thần bí?
- Sao lại thế?
- Mất toi một người. Cha nhớ hội đồng quản hạt chứ?
- Sao không. Chúng tôi đã cùng vận động cuộc bầu cử.
- Họ đã tranh đấu cho các trường học ở thôn quê và các trường sư phạm. Cha nhớ chứ?
- Sao lại không. Một cuộc đấu tranh sôi nổi. Sau đó hình như ông tham gia hoạt động cho ngành y tế công cộng và cứu tế xã hội thì phải?
- Vâng, một thời gian thôi.
- Ủa, thế bây giờ lại xoay sang các vị dã thần, các đoá bạch liên, đám thanh niên và khẩu hiệu "Ta sẽ như vầng dương" (1). Tôi đến chịu, không tài nào tin được. Một người thông minh, có óc khôi hài và am hiểu dân chúng như ông… Xin ông dành cái đó cho người khác… Có lẽ tôi xen vào việc không đúng chỗ… Có điều gì bí mật chăng?
- Sao cha lại nói hú hoạ, thiếu suy xét như vậy? Chúng ta đang tranh luận vấn đề gì nhỉ? Cha không biết các tư tưởng của tôi đâu..
- Nước Nga cần có các trường học và bệnh viện, chứ không cần đến các vị dã thần và các đoá bạch liên.
- Chả ai chối cãi điều đó.
- Nông dân cứ nhảy cóc như thế. Hiểu trước rằng mọi cố gắng ấy chẳng dẫn đến đâu, - Cha Nicolai bắt đầu giải thích điều gì đã khiến cha tán đồng một vài văn sĩ thuộc phái tượng trưng rồi cha chuyển sang Tolstoy. - Ở mức độ nhất định, tôi đồng ý với ông. Nhưng Tolstoy nói rằng con người càng theo đuổi cái Đẹp thì lại càng xa cái Thiện.
- Thế cha quan niệm ngược lại hay sao? Nghĩa là cái Đẹp sẽ cứu thoát thế giới (2), các vở kịch tôn giáo và vân vân, Rozanov và Dostoievsky?
- Hượm đã, để tôi nói cho ông nghe quan niệm của tôi. Tôi thiết nghĩ, giả dụ có thể chế ngự con thú đang nằm ngủ trong con người bằng cách doạ bỏ từ đời này hoặc đày xuống địa ngục đời sau chăng nữa, thì biểu trưng cao nhất của nhân loại vẫn là diễn viên dạy mãnh thú trong rạp xiếc với chiếc roi cầm tay, chứ không phải là nhà truyền giáo giàu lòng hy sinh. Nhưng vấn đề là ở chỗ, bao thế kỷ nay, cái đã nâng con người ngày càng lên cao hơn con vật, không phải là cây gậy, mà là âm nhạc: sức mạnh vô biên của chân lý giản dị, sức quyến rũ của tấm gương chân lý. Trước nay người ta cho rằng điều quan trọng nhất trong Kinh Phúc âm là những châm ngôn luân lý và các luật lệ hàm chứa trong các điều răn, nhưng đối với tôi, điều quan trọng nhất đó là cái mà Chúa Kitô đã diễn tả bằng các dụ ngôn rút ra từ sinh hoạt thường ngày, khi người giảng giải chân lý bằng ánh sáng chuyện thường ngày. Nền tảng của cái đó là tư tưởng cho rằng sự giao tiếp giữa những người trần mắt thịt là bất tử, rằng đời người mang tính tượng trưng, bởi vì nó có nhiều ý nghĩa.
- Tôi chả hiểu gì hết. Có lẽ cha nên viết một cuốn sách về vấn đề đó.
Khi ông Nin đã ra về, cha Nicolai cảm thấy hết sức khó chịu. Cha tự giận mình đã đem trình bày với ông khách ngớ ngẩn kia một phần những ý nghĩ thầm kín của mình chẳng tạo nên chút ấn tượng gì đối với ông ta. Nhưng rồi cũng như một vài lần khác, cơn bực bội của cha bỗng chuyển sang hướng khác. Cha quên hẳn triết gia Nin, tựa hồ chưa từng gặp ông ta bao giờ. Cha nhớ đến một trường hợp khác. Cha không viết nhật ký, nhưng đôi ba lần trong một năm cha ghi lại những ý nghĩ khiến cha xúc động hơn cả vào một cuốn vở dày. Cha rút cuốn tập ấy ra và bắt đầu viết bằng nét chữ to dễ đọc.
"Cái bà Sledinghe ngớ ngẩn đã khiến tôi phát khùng suốt một ngày. Buổi sáng bà ta đến, ngồi lì đến bữa trưa và suốt hai giờ đồng hồ bà ta bắt tôi phải nghe những câu thơ nhảm nhí, vô nghĩa. Thơ của thi sĩ A theo trường phái tượng trưng, viết cho bản hoà tấu vũ trụ luận của nhạc sĩ B với các thần linh của các hành tinh và tiếng nói của tứ đại, vân vân và vân vân. Tôi cố kiên nhẫn nhưng cuối cùng hết chịu nổi, phải van bà ta tha cho tôi khỏi phải nghe tiếp.
Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Tôi đã hiểu vì sao ngay trong "Phaostơ" (3) vẫn có cái gì hết chịu nổi và giả dối. Đó là thứ hứng thú vờ vịt, giả dối. Con người thời nay không có những nhu cầu như thế Khi những bí ẩn của vũ trụ chiếm đoạt tâm trí họ, thì họ vùi đầu nghiên cứu vật lý học, chứ không hơi đâu đọc các câu thơ sáu chữ của Hediôt.
Nhưng vấn đề không chỉ ở sự cổ hủ và lỗi thời của các hình thức đó. Cũng không phải ở chỗ thần lửa và thần nước lại xáo trộn lung tưng những gì khoa học đã lý giải rõ ràng. Vấn đề là thể loại ấy trái ngược với toàn bộ tinh thần của nền nghệ thuật hiện nay, với bản chất và các mô-típ kích thích của nó.
Những trò vũ trụ luận ấy là đương nhiên trên trái đất ngày xưa, khi con người còn sống thưa thớt đến mức chưa che lấp thiên nhiên. Trên trái đất thời đó còn lảng vảng bầy voi ma mút và ký ức về lũ khủng long, về những con rồng vẫn còn mới mẻ. Thiên nhiên đập vào mắt con người một cách hiển nhiên và đe đoạ họ rõ rệt, đến mức có lẽ quả thật vũ trụ còn vô số thần linh. Đó là những trang đầu tiên trong cuốn sử biên niên mới được mở ra của nhân loại.
Cái thế giới cổ đại ấy đã chấm dứt ở La Mã vì nạn nhân mãn.
La Mã từng là cái chợ trời buôn bán những thần linh bị vay mượn và những dân tộc bị chinh phục, một cái chợ có hai tầng: tầng dưới đất và tầng trên trời, một cái nơi bẩn thỉu khlông lối thoát, một khúc ruột bị tắc. Dân Đaki, dân Hêrun, dân Skíp, dân Sácmát, dân Hipebôre, những bánh xe nặng nề không có nan hoa, những cặp mắt béo híp, trò yêu đương thú vật, những cái cằm hai ngấn, trò nuôi cá bằng thịt của đám nô lệ có học vấn những ông hoàng mù chữ. Trên trái đất con người trở nên đông đúc hơn bao giờ hết, kể cả sau này, và họ bi đè bẹp trong các hàng lang của hi trường Côlidê và họ đau khổ.
Nhưng kia, giữa cảnh sống xa hoa, lộng lẫy vàng son của thứ thị hiếu hạ cấp ấy, bỗng xuất hiện một con người thanh thoát, khoác y phục hào quang, một con người thật là người, cố ý đóng vai dân tỉnh lẻ, tỉnh Galilê, và từ phút ấy các dân tộc cùng các thần linh không còn nữa, để bắt đầu một con người, con người - thợ mộc, con người - dân cày, con người – mục đồng đứng giữa đàn cừu lúc hoàng hôn, một con người mà tên tuổi chẳng vang dội chút nào, một con người được phổ cập vì hàm ơn qua các bài hát ru con của nghiên cứu bà mẹ và qua tất cả các viện bảo tàng mỹ thuật trên thế giới".
Chú thích:
(1) Đầu đề một tác phẩm của thi sĩ Banmông, trình bày chủ nghĩa tượng trưng của Nga.
(2) Ý kiến của Dostoievsky.
(3) Kiệt tác của thi hào Đức Gothe.