Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Văn Việt Nam >> Hạnh thục Ca

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9847 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hạnh thục Ca
Nguyễn nhược Thị

Lời tựa

Tôi (VanSonNguyen) dùng quyển "Hạnh thục ca" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 20 Amiral Courbet, Sai-gòn (quyển này in theo giấy phép số 114/T.X.B. của bộ Thông-Tin Tuyên-truyền Nam-phần Việt-Nam khoảng 1950, 1951).
Lời tựa của Lệ thần Trần-Trọng-Kim

Kể từ khoảng cuối thế-kỷ XlX và đầu thế-kỷ thứ XX là khoảng thời-gian cái chủ-nghĩa thực-dân ở bên Âu-tây đang lên mạnh. Những nước ở bên Á-đông như Trung-hoa, Nhật-bản, Việt-nam và Xiam đều là những nước có văn-hóa tối cổ, có nền chính-trị phân-minh, có kỷ-cương, có chế-độ rõ-ràng, nhưng vì kém-hèn về đường vũ-bị, cho nên đều thành ra những miếng mồi của những nước thực-dân như nước Anh, nước Pháp, nước Đức, nước Nga, v.v...
Song mỗi một nước trong những nước suy-nhược ấy có một hoàn-cảnh, một tình-thế đặc-biệt, cho nên có nước như Nhật-bản, chóng thoát khỏi sự uy-hiếp của các nước thực-dân; Có nước như Trung-hoa và Xiam tuy không đến nỗi mất nước, nhưng cũng bị uy-hiếp khá nặng; có nước như Việt-nam ta thì không những mất cả quyền tự-chủ mà còn bị người ta làm tiêu ma mất cả tinh-thần quốc-gia nữa.
Số phận nước Việt-nam tuy đến năm Nhâm-ngọ (1882) mới thật quyết-liệt, nhưng cái dự-án của người Pháp định lấy nước Việt-nam làm thuộc-địa đã có từ lâu, mãi tới cuối đời Thiệu-trị, tức là vào quãng năm Đinh-vị (1847) mới thực-hiện ra một cách rõ-ràng hơn trước.
Từ đó về sau nước Pháp Chỉ chờ có cơ-hội thuận-tiện là vào đánh lấy đất-đai và uy-hiếp đủ mọi đường. Cái phương-sách của người Pháp là đi từ từ từng bước một, trước lấy một nửa Nam-Việt, sau lấy cả Nam-Việt. Khi công-cuộc ở Nam-Việt đã xếp-đặt đâu ra đấy rồi, bấy giờ mới tìm cách ra lấy Bắc-Việt. Lần đầu vào năm Quí-dậu (1873) quân Pháp ra lấy thành Hà-nội rồi lại trả lại, để mười năm sau là năm Nhâm-Ngọ (1882) lại đánh lấy lần nữa. Qua năm Quí-tị (1883) Quân Pháp xuống lấy thành Nam-định, rồi đến tháng tư năm ấy, người thống-suất quân Pháp là Hải-quân đại-tá Henri Rivière bị quân cờ đen giết ở gần Ô Cầu-giấy. Trong khi quân Pháp vào đánh phá, việc nước rối loạn, thì vua Dực-tông thăng-hà ở Huế vào ngày tháng sáu. Ngài trị-vì được 36 năm.
Từ đó về sau, trong khoảng năm sáu năm, bao nhiêu những sự đau buồn xẩy ra ở đất Việt-nam. Pháp đã định đánh lấy nước ta, thì lẽ tất-nhiên là ta phải đánh lại, song vì sức không đủ, phải nhờ quân tầu sang cứu-viện, thành ra trong khoảng từ năm Quí-tị (1883) đến năm Ất-dậu (1885) đất Bắc-Việt khắp nơi bị tàn phá. Quân Pháp thấy tình-thế khó-khăn, bèn sai Hải-quân thiếu-tướng Courbet sang đánh thành Phúc-châu và vây đảo Đài-loan. Thế bất-đác-dĩ, triều-đình nhà Thanh phải ký hòa-ước ngày 27 tháng tư năm Ất-dậu (1885) ở Thiên-tân, cam-đoan rút quân Tàu ở Bắc-Việt về và nhận để nước Pháp được quyền tổ-chức cuộc bảo-hộ ở Việt-nam.
Bảo-hộ là một chính-sách rất khôn-khéo. Khi quân Pháp đã chinh-phục được cả nước rồi, cứ để nguyên chế-độ và các danh-vị cũ, chỉ cốt đem những người thân-tín hay tôi-tớ của mình vào giữ các chức-vị để dễ sai khiến. Dần dần người Pháp thu hết cả thực quyền vào tay mình. Những việc như binh-bị, tài-chính, cai-trị và giáo-dục v.v...đều do người Pháp chủ-trương và điều-khiển. Người bản xứ từ vua quan trở xuống hoặc chỉ được giữ cái hư-vị, hoặc chỉ được làm những chức-vụ thừa-hành ở dưới quyền chỉ-huy của người Pháp. Theo cái chính-sách ấy thì dân-khí trong những xú Bảo-hộ mỗi ngày một suy-nhược đi, lâu dần thành ra một hạng người làm tôi-tớ rất giỏi, mà không có cái tư-cách làm người tự-chủ nữa.
Đại-khái những việc ấy ta có thể xem sách vở của Tây hay của ta mà biết được, còn những việc xảy ra ở kinh-thành Huế sau khi vua Dực-tông mất rồi, thì ít người biết được rõ. Việc triều-chính lúc ấy rối loạn do hai người quyền-thần muốn thừa cơ mà chuyên-quyền túng-tứ. Hai người ấy là Nguyễn văn Tường và Tôn-thất Thuyết, một người coi tiền-tài và quan-lại, một người giữ hết cả binh-quyền ở trong tay. Hai người thoạt đầu tiên đổi di-chiếu của vua Dực-tông, bỏ hoành-trừ Dục-đức, cách chức quan ngự-sử Phan đình Phùng và lập vua Hiệp-hòa. Được hơn bốn tháng sau, hai người lại bỏ vua Hiệp-hòa rồi đem giết đi, giết cả quan nguyên Phụ-chính Trần Tiễn-Thành và lập vua Kiến-phúc. Lúc bấy giờ Tôn-Thất Thuyết mộ quân Phấn-nghĩa để giữ mình và thường hay tiếm dùng nghi-vệ của vua; Nguyễn van Tường thì lấy tiền hối-lộ của lũ khách buôn, cho chúng đem một thứ tiền đúc ở bên Tầu, theo niên-hiệu Tự-đức, gọi là tiền sềnh, tiền rất xấu và rất mỏng, bắt dân ở kinh-kỳ phải tiêu.
Vua Kiến-phúc lên làm vua được sáu tháng thì mắc bệnh, mất một cách khả ngờ. Tường và Thuyết lập ông Ưng-Lịch mới 12 tuổi lên làm vua, tức là vua Hàm-nghi. Triều-đình lúc ấy việc gì cũng do hai người quyền-thần ấy quyết-định tất cả. Ông Dục-đức đã bị truất, không được làm vua, đến bấy giờ cũng bị giết. Hoàng -thân quốc-thích ai làm điều gì trái ý hai người ấy đều bị giết hay bị đày.
Những việc ấy đều là việc bí mật ở trong triều, người ngoài khó mà biết được rõ ràng. May nhờ lúc ấy có bà Lễ-tần Nguyễn-nhược-Thị đem những sự bà đã tai nghe mắt thấy mà kể ra trong một bài ca có 1018 câu thơ lục bát, gọi là Hạnh Thục Ca.
Bà Nguyễn-nhược-Thị (1830-1909) người ở Phan-rang, thuộc tỉnh Khánh-hoà, con gái quan Bố-chánh Nguyễn-nhược Sâm. Bà có khiếu thông-minh, nổi tiếng có tài văn-học, được tuyển vào trong cung ngay từ đầu đời Tự-đúc, rồi được phong chức Lễ-tần là một chức nữ-quan dưới bậc phi. Sau bà được cử làm chức bí-thư hầu bà Từ-dụ Thái-hậu là mẹ đức Dực-tông. Vua Dực-tông thờ mẹ rất có hiếu, mỗi tháng cứ 15 ngày thiết triều bàn việc nước với các quan, 15 ngày sang chầu cung, tức là sang chầu mẹ, trong nước có việc gì quan-trọng cũng tâu cho mẹ biết. Bởi vậy bà Lễ-tần Nguyễn-nhược-thị có thể biết đúng những sự thực theo cái quan-điểm của người mình lúc bấy giờ, mà quyển sách của bà là quyển sách có giá-trị đặc-biệt về một đoạn lịch-sử của nước ta.
Sao bà Nuyễn-nhược-thị lại đề nhan sách của bà là Hạnh-Thục ca ? Là vì bà thấy cái hoàn cảnh triều Nguyễn lúc ấy phải bỏ kinh-thành chạy ra Quảng-trị và Quảng-bình giống như cái hoàn-cảnh triều-đình nhà Đường bên Tầu ngày xưa. Vua Minh-hoàng bị giặc An-lộc-sơn đánh, phải bỏ kinh-thành Trường-an chạy vào đất Thục để lánh nạn. Theo cái nghĩa chữ nho, khi vua đi đến đâu gọi là hạnh. Hạnh Thục là vua đi đến đất Thục. Vì có cái hoàn cảnh hơi giống nhau như thế, cho nên bà Nguyễn-nhược-Thị mới lấy hai chữ ấy mà đề nhan quyển sách của mình.
Văn cuả bà Nguyễn-nhược-Thị viết bằng chữ nôm, văn-từ lưu-loát, nhưng có nhiều tiếng đọc theo dọng nói ở vùng Nam Trung thì đúng vần, mà đọc đúng vần quốc-ngữ, thì sai. Bởì những tiếng có chữ n đứng cuối cùng thường được đọc như tiếng có chữ ng. Thí-dụ:
an đọc ra ang,
ăn đọc ra ăng,
xuân đọc ra xuâng,
khoan đọc ra khoang,
hờn đọc ra hờng,
thần đọc ra thầng,
đèn đọc ra thầng,
đèn đọc ra đèng,
quyền đọc ra quyềng v.v...
Lại có một vài câu thơ lạc vận, nhưng đó có lẽ là khi người chép lại viết sai, chứ không phải lỗi tại tác-giả.
Vả cái giá-trị quyển sách của bà Nguyễn-nhược-thị là không phải ở câu văn, mà ở những tài liệu của bà đã nhặt được để giúp nhà làm sử sau này. Cũng vì thế mà khi tôi tìm được quyển sách này ở Huế, tôi liền đưa cho trường Bác-cổ sao lấy một bản, tôi lại cho ban văn-học ở Khai-trí-tiến-đức sao lấy một bản. Còn bản của tôi giữ, thì đem dịch ra làm mấy bản bằng quốc-ngữ, phòng khi ở chỗ này mất, thì ở chỗ khác hãy còn. Ấy cũng nhờ vậy mà sau cuộc binh lửa cuối năm Bính-tuất (1946) bao nhiêu sách vở của tôi bị đốt cháy, mà còn có người giữ được một bản bằng quốc-ngữ. Nay tôi đem chú-thích những tiếng khó bằng chữ nho và những tiếng tối nghĩa, rồi chia nguyên-văn ra từng đoạn, có đề mục nhỏ ở cạnh rìa, để người ta xem cho dễ hiểu.
Quyển sách này tuy về đường hình-thức thì bé nhỏ, nhưng về đường lịch-sử, nó có cái giá-trị khá lớn, cho nên tôi vui lòng đem in ra đẻ làm một sách bổ quốc sử rất tiện-lợi cho những người muốn biết những biến-cố ở kinh-thành Huế, do một người Việt-nam có địa-vị đặc-biệt đã kể lại, trong thời-kỳ người Pháp mới sang lập cuộc bảo-hộ ở đất này.
Viết tại Hà-thành, tháng quí thu, năm Canh dần ( Oct. 1950 )

Lệ-thần Trần-trọng-Kim

<< Trang 10 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 659

Return to top