Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> THỜI CỦA THÁNH THẦN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25337 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THỜI CỦA THÁNH THẦN
Hoàng Minh Tường

Chương 28

Cuối cùng thì dân làng Động cũng biết người chuộc đất Nguyễn Kỳ Viên và sẽ xây lại nhà thờ chi họ Nguyễn Kỳ, chính là ông Nguyễn Kỳ Vọng, Việt kiều yêu nước tại Mỹ. Họ kháo nhau: "Trước khi di tản ông Vọng mang về cho nhà Cục một thùng vàng. Sang Mỹ, ông Vọng gửi về mấy thùng đô la. Làng này suýt bé cái nhầm. Đợi con ông Lợi chịu nhả tiền ra thì còn xơi nhé. Vợ chồng con cái nhà Cục, thì ăn cũng chẳng xong. Có xây cái… đánh chịn".

Lần ông Vọng trở về làng đầu tiên, bà Nhi như gà phải cáo: Bà bắt gà, đồ xôi làm một mâm cơm cúng, bắt ông Cục phải mặc áo dài, đội khăn xếp lên nhà thờ khấn cha mẹ tổ tiên trước khi anh em ngồi vào mâm, bà phủ phục lạy ông Vọng ba lạy. Vừa lạy vừa khóc như cha chết:

- Nếu bác không tha tội thì bác bắt em chết, em cũng phải chết. Em là đứa con dâu hư hỏng của nhà họ Nguyễn Kỳ. Chỉ tại em ngu. Bao nhiêu vàng của bác em bán, gửi tiết kiệm. Ngày đổi tiền, mất sạch. Suốt đời vợ chồng con cái em có kéo cày thay trâu cũng không chuộc lại được…

Ông Vọng vội đỡ bà Nhi dậy.

- Thím đừng băn khoăn. Chị Khiêm, chị Là đã kể cho tôi nghe hết rồi. Hôm ấy không có chú Cục sớm phát hiện ra, cứu được thím, thì họ nhà mình lại chết oan một người. Thời buổi biến động, làm sao mà tránh được tai hoạ?

- Dạ, thế là bác tha tội cho em?… - Bà Nhi nhìn ông anh chồng, tưởng đang mơ.

- Đến như tôi cũng suýt làm mồi cho cá biển cái đận ấy, chứ nói gì đến tiền bạc. Thôi, chú thím quên chuyện cũ đi. Chuộc được đất là phúc lớn rồi. Chuyến này tôi về, ta lại bàn tiếp chuyện xây lại nhà thờ…

Ông Vọng ra Hà Nội xin ý kiến vợ chồng hai ông anh. Nhà ông Vỹ đã chuyển xuống Trung Hoà. Bà cụ Ba Yên được nhà nước đền bù chính sách, trong cuộc cải tạo công tư hợp doanh, một căn hộ ở Giảng Võ. Cô giáo Khiêm bán căn nhà cũ, và căn nhà đền bù của mẹ, gộp tiền mua đất, xây ngôi nhà ba tầng, một tum. Về hưu, nhưng cô giáo Khiêm vẫn có học trò. Mái tum nóc tầng ba, dành riêng làm lớp dạy thêm. Mỗi tháng thu nhập gấp hai lần lương hưu.

Chuyển nhà mới, ông Vỹ thất nghiệp, vì bệnh trĩ chữa ở bệnh viện hiệu quả hơn. Bà Khiêm cũng không muốn chồng làm cái công việc vừa bệ rạc, vừa mất vệ sinh. Với lại, ông Vỹ càng có tuổi càng như người chập cheng. Bây giờ, một bên tai lại nghễnh ngãng. Nhà hai người khiếm thính. Bà mẹ vợ thì điếc đặc lưng còng như con tôm, lúc mào cũng lủi thủi dưới tầng một, trong gian bếp. Anh con rể thì bịt tai này cũng không nghe rõ tai kia.

Đang hí hoáy với xấp bản thảo cũ nát, bốn góc đã quăn tít, chứng tỏ chúng được viết từ rất lâu, nhưng có lẽ không bao giờ kết thúc. Đó là phác thảo tiểu thuyết "Chân trời hoang tưởng", mà ngày nào tác giả cũng đánh vật với nó hàng giờ, thấy có người đứng sau, ông Vỹ mới chậm rãi quay lại, giương đôi kính nhìn chằm chằm.

- Ai đây nhỉ?

Anh em xa nhau biền biệt bốn mươi năm mà gặp nhau cứ như người dưng nước lã thế này sao? Ông Vọng đứng lặng, nỗi túi dâng đầy cổ.

Ông Vỹ lùi lại, nhòm từ đầu đến chân.

- Có đúng là Vọng không? Ở đâu về?

- Em đây. Thằng Vọng đây.

Vọng ôm chặt ông anh, khóc rưng rức. Thương cho một tài năng bị thui chột. Thông minh, sắc sảo là thế, mà giờ, như người cổ xưa.

Bà Khiêm nhìn hai anh em, cũng khóc theo.

- Chú Vọng vừa ở Mỹ về. Anh Châu Hà đến kể chuyện về chú ấy mãi, anh không nhớ à?

Ông Vỹ vỗ bồm bộp vào cái trán còn lưa thưa vài sợi tóc.

- A tôi nhớ ra rồi. Việt kiều có khác, béo tốt quá. Hôm Châu Hà nó đi Mỹ về, có mang tiền của chú gửi biếu tôi. Cám ơn lắm. Tôi bảo nhà tôi cất đi để góp với chú Cục xây nhà thờ.

Bà Khiêm mở tủ mang ra chiếc phong bì.

- Tiền chú gửi anh Châu Hà đem về, tôi vẫn để nguyên đây Anh chú nhất định bắt mang về đưa chú Cục. Tôi bảo đợi chú về xin ý kiến chú. Đưa cho thím Nhi, khéo lại như cái năm nào… Tôi bàn với chú thế này, hay là dành tiền để xây cho chú ngôi nhà, hoặc là mua cho chú căn hộ ở Hà Nội. Già rồi, về quê mà ở, anh em chú cháu có nhau. Con Mai với thằng Phong nhà này lúc nào nhắc đến chú cũng xuýt xoa thương chú. Chúng nó bảo, nhà này chỉ chú có tình cảm với quê hương làng xóm nhất. Chúng nó bảo, chỉ thương chú ở một mình. Con Vy, cũng phải chăm cho gia đình riêng của nó chứ. Có tuổi rồi, bơ vơ đất khách quê người, tội lắm…

Nhìn đôi mắt bà Khiêm hoe đỏ, ông Vọng thấy bùi ngùi. Thời gian chẳng chừa một ai, kể cả người chị dâu mà ông cứ tưởng sẽ chẳng bao giờ già. Ngày mới thống nhất, ông ra Hà Nội, cô giáo Khiêm còn tươi tắn, đoan trang, vậy mà bây giờ, trông đã xơ xác, tóc bạc, da mồi. Cũng may ông Vỹ đắc địa cung thê. Văn chương nghèo kiết xác, lại tù tội, bệnh tật dề dề. Không có chị Khiêm chèo chống bươn chải, nuôi hai đứa con cùng tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, thì không biết đời còn khốn nạn đến đâu?

- Sang năm em nghỉ hưu. Rồi sẽ tính. Có khi em về quê ở với cô Hậu. Trong nhà mình, chỉ cô Hậu là khổ nhất.

- Hồi con Trinh Mai lấy chồng, nhà tự nhiên rộng vung vinh. Bà cụ nhà tôi bảo về đón cô Hậu ra ở, nhưng cô ấy nhất định không đi.

- À, cháu Mai với cháu Phong thế nào? Nghe nói con Mai lấy chồng người Úc?

- Vâng. Cháu Mai làm ở Vietnam News. Chồng nó là chuyên gia dự án của FAO. Hai đứa về ở bên Úc rồi chú ạ. Còn cháu Phong, tốt nghiệp tin học Bách Khoa, đang chờ một suất học bổng đi Nhật.

- Em mừng cho anh chị. Qua cơn bĩ cực rồi - ông Vọng đưa lại phong bì cho chị dâu - Đợt về này em muốn bàn với các anh chị việc xây lại ngôi từ đường…

Ông Vỹ nói:

- Tốt lắm… Không phải bàn. Cứ thế mà làm.

Bà Khiêm, như chợt nhớ ra điều gì:

- Chú Vọng có người bạn nào ở Hà Nội tên là Lê Đoàn không nhỉ?

- Chị biết cậu ta à? Cậu ta ở đâu mà hôm vừa rồi em đi hỏi thăm khắp khu vườn hoa Tập Kèn, nhưng không ai nhớ.

- Lê Đoàn là bạn chí cốt với cậu Đào Phan Khánh nhà tôi. Cả một đại đội thanh niên Hà Nội ở Nông trường Quan Chi vào chiến trường Quảng Trị, chỉ có Đoàn và hai người nữa trở về. Hôm Đoàn mang về cho mẹ tôi những kỷ vật của cậu Khánh, mẹ tôi tưởng không sống nổi…

- Từ năm mười hai tuổi Đoàn đã nói tiếng Pháp làu làu. Em nhớ trước ngày em đi Nam, cậu ấy lấy trộm của bọn lính Lê Dương một khẩu Ru lô và 167 viên đạn, nói sẽ bắn chào mừng bộ đội về tiếp quản Hà Nội…

- Sau khi xuất ngũ, Lê Đoàn lấy cô vợ Hoa kiều ở phố Hàng Buồm và dạy tiếng Pháp ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng rồi xảy ra sự kiện người Hoa, vợ chồng cậu ấy phải chạy sang Hồng Công. Rồi sang định cư ở Pháp… Mới đây cậu ấy về nước, đến nhà chơi. Cậu ấy hỏi thăm và xin địa chỉ chú…

- Vậy ư? Không ngờ cậu bé ghét cay ghét đắng thực dân Pháp ngày nào, giờ lại sang nương nhờ nước Pháp…

Ông Vọng buồn ngơ ngẩn. Ông bỗng nhớ lại cái ngày Lê Đoàn dẫn mình qua bãi phân bắc thối khắm ở gần khu Giảng Võ và khinh bỉ nói với ông về món hàng mà nước mẹ Đại Pháp kiếm được đóng thùng gửi về Mẫu quốc làm giàu cho những xưởng rượu nho ở Boocđô, ở Brơtanhơ… Về Hà Nội lần này, ông cố tìm lại khu bãi phân bắc ngày xưa. Nơi ấy, giờ đã mọc lên một khách sạn bốn sao…

Bà Khiêm xoay sang câu chuyện khác:

- Anh Ký Lạng và họ hàng nhà tôi ở Mỹ cũng mới về. Việt kiều hồi này được nhà nước đón tiếp như những thượng khách. À, mà chú biết tin gì về nhà văn Châu Hà chưa?

- Em cũng đang muốn gặp bác ấy, nhưng điện thoại đến báo Văn Chương, họ nói ông ấy chuyền công tác rồi.

- Đúng là chuyển công tác. Tổ chức điều ông ấy lên vị trí cao hơn. Nhà văn Châu Hà bây giờ thế mà sướng. Cơ quan mới này tám mươi tuổi mới phải về hưu…

- Có chuyện ấy ư? Anh Châu Hà thôi chức Tổng biên tập báo Văn Chương?

Ông Vỹ nghiêng bên tai lệnh, chăm chú. Rồi mắt ông bỗng loé lên như công tắc đèn vừa bật.

- Cái chức mới của Châu Hà chỉ là hữu danh vô thực… Thằng Văn Quyền tìm cách lật đổ để ngồi vào ghế Tổng biên tập báo Văn Chương. Nó khai man bốn tuổi, cưa sừng làm nghé… Châu Hà đi Mỹ là vào bẫy của nó. Nó gài người, chụp được ảnh Châu Hà nhận tiền của thằng Du San. Tiền nhuận bút hẳn hoi đấy chứ. Oan ở mấy trăm đồng thằng Du San nó gửi biếu tôi. Cái thằng nhà văn, khi biết mình phản bội, nó đau đớn lắm… Dẫu sao nó cũng là thằng bạn cũ. Thằng Châu Hà tránh sao được? Vậy mà phải dùng tới kế "điệu hổ ly sơn" với Châu Hà. Lừa cho nó đi để thay ngựa giữa đường… Văn nghệ mà lại. Đấu đá, tranh giành quyền chức, giải thưởng, thì… hết ý…

Nói chuyện một lúc, hình như não bộ của Vỹ mới vận hành suôn sẻ. Ông lại tỏ ra sắc sảo và hóm hỉnh đáo để. Hoá ra bộ phận Enter của ông bị trục trặc. Ông Vọng nghĩ thế.

***

Ông Vọng lại mang chuyện xây nhà thờ bàn với ông Lợi.

Từ ngày nghỉ hưu, đồng chí Chiến Thắng Lợi hụt hẫng, như người đang ở trên cao bỗng rơi bịch xuống đất. Lẽ ra ông Lợi phải làm một khoá Trung ương nữa. Ông đã khai lại lý lịch, rút được ba tuổi, so với quy định, vẫn còn trong diện tái cử. Nhưng thói đời ghen ăn tức ở. Phe chống đối cuồng lên như hổ đói. Hết moi chuyện lý lịch khai man, không rõ ràng, lại đến chuyện quan hệ bất chính với bà Cam. Rồi đùng một cái, xảy ra chuyện bức tường Berlin sụp đổ. Lê Kỳ Chu, con ngoài giá thú của ông với bà Đào Thị Cam, được gửi sang Đông Đức học để làm luận án tiến sĩ, đã trốn sang Tây Đức. Ông Lợi bị loại hẳn khỏi chính trường: Thậm chí còn bị loại không được cơ cấu trong Ban soạn thảo Chiến lược năm 2000.

Về vườn với nỗi buồn của kẻ vẫn ưu thời mẫn thế, bị thải loài cộng với nỗi day dứt, đau đớn, hoang mang phe ta bị tan rã, ông anh cả, trụ cột, đầu tầu của cả hệ thống, như người khổng lồ, nhưng chân đất sét, bỗng biến khỏi mặt đất, không còn chút dấu vết.

Mấy tháng đầu, ông Lợi tham gia câu lạc bộ hưu trí Ba Đình cho khuây khoả. Hết cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, bơi lội lại vào căng tin uống bia, đọc báo, bàn chuyện thời sự thế giới trong nước. Hai ông chung nhau một vại bia hơi, hoặc hai ông ba cốc. Vì ông nào cũng đái đường, huyết áp, tim mạch. Riêng tướng Quảng Lạc, chiều nào cũng bơi năm vòng, uống ba vại với một gói lạc rang. Càng uống, mặt càng tái, nói càng hăng. Ông Lợi thấy lạ cho cái ông tướng này, mồm như cái loa. Chuyện nhà, chuyện con cái, cứ bô bô giữa quán bia, quá vạch áo cho người xem lưng.

- Ông Lợi ơi, thằng Chu nó đang tìm cách nhập quốc tịch Đức cho vợ với con nó đấy ông ạ. Con Linh điện về hỏi ý kiến tôi tôi bảo, tốn kém gì cũng cứ nhập. Sinh sống ở đất người ta mà cứ bị coi là dân ngụ cư, dân hạng bét, thì thà về nhà mà làm ăn buôn bán. Mang đô la, mang DMác về đây mà mua đất kinh doanh bất động sản. Ở nước mình, có đô la tiêu bây giờ là sướng nhất… Ông Lợi ơi, vợ chồng thằng Chu nó đang tính về Nga mua lại cái chợ Vòm thành lập một siêu thị của người Việt. Con Linh, con dâu ông đấy ai ngờ lại giỏi kinh doanh hơn cả chồng. Ý định chuyển về Nga là do con Linh đề xuất đấy. Chúng nó có kế hoạch xây một nhà máy sản xuất mì ăn liền ở Mát. Hợp đồng liên doanh với công ty Hoa Sơn trong nước, coi như xong. Bọn trẻ bây giờ táo tợn thật. Rồi chúng nó sẽ thay thế chúng ta làm lại hết. Tôi thấy chán cho các ông. Sắp đi hầu các cụ Các Mác, Lê Nin đến nơi, mà mở mồm là lo diễn biến hoà bình, cách mạng vô sản thế giới lâm nguy. Tôi thì khoái nhất câu này của Mác: Không có gì lịch sử đặt ra mà con người không giai quyết được. Chúng ta đã làm xong việc của mình. Đừng áp đặt. Đừng như một ông bố bảo thủ, giáo điều sĩ diện hão khi thấy mình sai. Thế hệ trẻ nó khắc biết cách đưa nước ta hội nhập với thế giới…

Nghe tướng Quảng Lạc khoe con, bàn về thời cuộc, ông Lợi chỉ muốn chui xuống đất. Thật chả ra làm sao. Không còn lập trường tư tưởng gì sất. Trong khi con người ta ra mặt trận, thì con mình lủi, được gửi "cái gáo" sang Liên Xô, rồi lại được đào tạo bài bản, trở thành sĩ quan tên lửa. Đánh một vài trận đã được Đảng, nhà nước cho đi học đại học, rồi lại được cử đi tu nghiệp nước ngoài. Giờ chuồn sang nước tư bản. Đã vong ơn bội nghĩa còn không biết thẹn, thế mà ông bố cứ oang oang làm như con rể con gái mình thức thời, tài giỏi. Rác tai quá, chối quá, ông Lợi bỏ, không đến câu lạc bộ Ba Đình nữa.

Có những đêm không ngủ, ông Lợi nằm chong mắt, nhìn mãi vào bức ảnh Bác Hồ. Đêm nào ông cũng thắp chiếc bóng đèn đỏ ba vôn thay cho ngọn nến trên bàn thờ Bác. Ngọn nến hắt thứ ánh sáng hồng rực, khiến ông Lợi cảm thấy ông Cụ như tiên ông giữa vừng hào quang. Có lúc đôi mắt ông Cụ nhìn ông Lợi đăm đăm. Ông nhắm mắt lại. Thấy hiển hiện những hình ảnh từ hồi chiến khu Việt Bắc, đến những lần được gặp Bác sau này. Đời đồng chí Chiến Thắng Lợi, diễm phúc lớn nhất là được gần gũi, thụ giáo trực tiếp từ Bác nhiều lần. Thánh nhân như ông Cụ trên đời chỉ có một. Phúc đức cho nước Việt có một vĩ nhân như ông Cụ. Nếu ông Cụ còn sống, phe mình, nước mình hẳn sẽ khác. Có khi mà Chủ nghĩa xã hội sẽ trụ lại được. Có khi mà tình hình tham nhũng, bè cánh phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, chệch choạc. phương hướng sẽ được ngăn chặn? Xưa nay các vĩ nhân thường có những tác động quyết định làm thay đồi lịch sử. Ông Cụ đi rồi, tương lai đất nước giao vào tay bọn trẻ như thằng Chu thằng Nhất nhà ông, rồi sẽ ra sao?

Ông Lợi buồn dai dẳng về chuyện vợ chồng Chu bỏ sang Đức Có khác nào thằng em vong bản Nguyễn Kỳ Vọng của ông bỏ nước di tản sang Mỹ? Có lúc ông Lợi chợt lởn vởn ý nghĩ: Giá như ông không quá vội vàng tổ chức cái lễ nhận cha con họ hàng, lại đỡ day dứt. Vợ chồng thằng Chu nó làm cho cả ông và bà Cam như cùng đeo mo vào mặt…

Đã thế mấy mẹ con bà Là lại hùa nhau chống lại ông. Từ hồi thằng Nhất lấy vợ, bốn mẹ con về hẳn một phe. Họ công khai giễu ông là cổ hủ, lỗi thời. Mẹ con thường túm tụm nhau như buôn bạc giả. Ông cô độc như con hồ già trong vườn bách thú, mắt đầy gỉ, nhìn qua song sắt. Thì ra, trong khi ông âm thầm gặm nhấm nỗi đau thời thế, thì mẹ con họ đã làm những việc tày đình: Thằng Chiến Thống Nhất, vừa chân trong, vừa chân ngoài. Chân trong là do ông bố trí, gài cắm: Vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông đã lo cho vào Bộ Kinh tế lo cho chân đảng viên, làm con rể ông Thứ trưởng thường trực rồi chỉ một năm đã lên trợ lý Tổng giám đốc Dự án TC 99. Vừa có tí máu mặt, ai ngờ anh chàng có vẻ ngờ nghệch phổi bò này lại xoạc ngay một chân ra ngoài, làm Phó giám đốc Công ty kinh doanh tổng hợp Đại Việt. Ông còn lạ gì cái công ty Đại Việt này. Có mà Đại Việt gian. Sân sau của bọn tham nhũng. Ông cảnh báo ngay: "Liệu liệu mà làm ăn. Buôn gian bán lận, móc ngoặc, tham nhũng là không xong với tôi!". Thằng Nhất đưa mắt cho vợ. Con Thuý vội hớt lẻo chồng: "Bố yên tâm đi. Ba con còn lo cho Nhất nhà con hơn cả bố". Ông Lợi định nói: "Chỉ sợ đến lúc ba con chúng mày vào nhà đá thì lại cầu cứu tao", nhưng lại thôi.

Nhà ông Lợi, trừ ông, bây giờ đang trở thành một "lò sản xuất" tiền. Cao thủ nhất, đúng hơn là siêu cao thủ, phải kể đến bà Là, vợ ông. Cái cô Ma Thị Là người dân tộc, hiền lành, thật thà như đếm ngày xưa, nào ngờ giờ đã ba đầu sáu tay, nổi tiếng trong giới kinh doanh địa ốc. Từ hồi nghỉ hưu, bà Là xoay ra công khai buôn đất, mua nhà. Tiền đâu ra? Chỉ có ăn cắp hay buôn hàng trắng, chứ tham ô tham nhũng đâu đến cái thá bà? Ông Lợi tra hỏi. Phải dùng thủ đoạn ép cung, mớm cung, doạ có người nói bà buôn thuốc phiện từ trên quê xuống, lại có người bảo bà ngủ với mấy thằng cha Tổng giám đốc. Cuối cùng bà Là sợ quá, vừa khóc, vừa khai tuồn tuột:

- Thương ông làm cán bộ cấp cao, lại giữ trọng trách, tôi không dám ỷ thế chồng để làm bừa. Tôi chỉ làm ăn cò con, lương thiện. Cũng là nhờ cái cửa hàng Tôn Đản mà ông đã xin cho tôi về đấy. Ở đâu thiếu đói chứ lọt vào đấy quá chuột sa chĩnh gạo. Sướng, nhưng tôi có tính lo xa, chịu khó nhặt nhạnh, ăn dè, tích cóp. Mua tem phiếu. Dồn từng gam, từng lạng tem phiếu khách mua thừa. Bớt xén bộ lòng, quả bồ dục, cân đường, gói mì chính, bìa đậu phụ… Mỗi tháng tôi lại đến bà Tài Tiến ở Hàng Đào, đổi thành vàng, cất đi. Ăn xẻn để dè hàng chục năm, được vài chục cây. Tôi cất vàng trong cái làn rẻ rách ở đáy tủ, ông toàn nghĩ chuyện đại sự, làm sao mà biết được. Cho đến khi ông có chân trong Ban đổi tiền Trung ương, biết được thông tin qua ông nói, sẵn vàng trong tay, tôi tung ra thu mua tiền cũ, rồi chuyền ngay thành vàng. Đến khi tiền mất giá thì trong cái làn rẻ rách của tôi, như có hàng trăm con gà đè trứng vàng. Tôi lại dùng vàng để đổi thành đất, thành nhà…

- Có thật thế không? - ông Lợi bàng hoàng.

- Tôi nói sai tôi chết. Chỉ thương cậu Ló, em ruột mẹ tôi. Bán mười hai con trâu để giành tiền làm nhà. Tin nhà nước, gửi tiết kiệm, sau đổi tiền, mười hai con trâu không mua nổi một con gà. Cậu Ló tiếc trâu quá, uất quá, ăn lá ngón tự tử… Giá biết cậu bán trâu, tôi đã đổi thành vàng cho cậu, thì đâu đến nỗi…

Thương ông cậu, bà Là khóc như mưa, làm ông Lợi phát hoảng. Như cậu học trò nhỏ vừa qua một giờ khai tâm, ông Lợi nằm úp thìa, vòng tay ôm vợ và nghĩ ngợi. Cái trí lự đàn bà ghê thật. Ông Lợi có xách dép cho vợ cũng không đáng. Rõ là làm ăn chân chính chứ còn gì nữa? Chi lợi dụng khe hở của chính Bách. Thiết thực mà không ảo tưởng hão huyền. Biết kinh doanh, xoay xở, biết chớp đúng thời cơ, là đã chuyển bại thành thắng. Bà Là chỉ là quân tốt đen, nhưng đã dám sang sông, dám luồn lách tránh được xe pháo mã đối phương để nhập cung bắt tướng.

Câu chuyện làm ăn của bà Là đã làm đầu óc ông Lợi sáng ra. Nó khai thông cho ông mọi bế tắc về lập trường quan điểm và những hệ thống lý luận cao siêu và rối rắm, mà ông như con nhện, bị cái bẫy của chính mình quấn vào. Ông thấy mình bỗng thoát xác khỏi nhà chính trị, trở thành một ông chồng yêu vợ cảm phục vợ tận đáy lòng. Không cần nói, bà Là cũng hiểu ông đang tự thú lỗi. Lâu lắm rồi, đêm ấy, bà mới gặp lại anh chàng Chiến Thắng Lợi đương trai.

***

Cảm hứng của ông Lợi còn dư âm tới khi ông Vọng đến nhà.

Vừa thây ông Vọng ở cổng, ông Lợi đã chạy ra, chầm bập mừng rỡ. Ông chủ động kéo em trai về phía mình, ôm rất lâu, với tất cả nỗi xót xa, mừng tủi của tình cốt nhục bị xa cách, còn hơn cả cuộc chia ly rồi đoàn tụ thời chống Mỹ…

- Các anh ở Bộ Ngoại giao khen phong trào Việt kiều ở New Orleans và vai trò của chú lắm. Lần tôi sang thăm Cuba có ghé qua New York, nhưng không xuống chỗ chú được. Với lại dạo ấy nghe tin chú thím bỏ nhau, tôi chán quá… Chú thì tôi tin. Nhưng thím ấy sang bên đó, bập vào lối sống thực dụng kiểu Mỹ, khó giữ lắm…

Bà Là mang nho khô và hoa quả ra, thấy nét mặt ông Vọng không vui, vội đá vào chân chồng, nói:

- Hôm nay chú nhất định phải ở lại ăn cơm với anh. Lát nữa gọi điện thoại mời cả chú Vỹ thím Khiêm nữa. Anh chú từ hồi về hưu, hiền hẳn ra… À, phải khoe với chú. Cháu Chiến Huyền Ly được sang Mỹ du học rồi. Trường Hơ-vát hay Hu-vớt gì đó, nghe nói chỉ chuyên đào tạo cho con nhà giàu. Nhưng cháu chú thi đỗ, được học bổng chứ không phải đi du học tự túc như con em các ông Bộ, Thứ trưởng, Tổng giám đốc nhiều tiền. Còn cháu Nhất của chú hồi này tiến bộ lắm. Vợ chồng cháu mới có cái chòi hóng mát trên Hoà Lạc. Tối cháu nó đánh xe lên, anh em chú cháu nghỉ trên ấy cho thoáng…

- Em còn ở nhà lâu. Ăn uống lúc nào chả được - Vọng nói - Có chuyện này em băn khoăn quá, muốn trình bày với chị.

- Chuyện muốn về Việt Nam kiếm cô vợ nhỏ phải không? - ông Lợi nheo mắt cười tinh quái, như muốn nối tiếp câu chuyện vừa bỏ dở.

Bà Là lại véo chân chồng.

- Chuyện gì, ông cứ để chú nói. Chú Vọng bây giờ là ưu tiên nhất.

- Suốt mấy đêm nằm ở nhà thờ mà em không thể chợp mắt được.

- Thảo nào trông chú không được khoẻ - Bà Là nói - Hay là chú Cục, thím Nhi lại kể chuyện ma áo trắng trồng cây chuối? Thím Nhi bịa ra chuyện đổi tiền, tôi lạ gì. Nghe bà Tài Tiến nói thím ấy mang vàng ra gửi, tôi đã nghi ngay. Người như thím Nhi mà chịu mất trắng số vàng chú gửi lại để xây nhà thờ thì tôi chẳng tin…

- Một mất mười ngờ, chị ạ. Em tin thím Nhi nói. Chuyện cũ cho qua đi chị. Em muốn nói ngôi từ đường nhà mình sắp sập. Hồi cải cách, gia đình ông Cỏn phá hai gian bên, làm xiêu một phía hồi. Với lại từ hồi cụ nội, quan Đốc học Nguyễn Kỳ Đồng, cho dựng ngôi từ đường, tới nay đã gần một trăm năm mươi năm…

Ông Lợi bỗng giật mình.

- Đã lâu thế kia à? Vốn cổ đấy. Tôi biết quanh Hà Nội có ngôi nhà cụ Phí ở Hương Ngải là cổ nhất, hơn hai trăm năm, bên văn hoá xếp hạng nhà cổ, đang có dự án tôn tạo. Hồi còn mồ ma thầy, ông cụ vẫn bảo ba chữ Nguyễn Kỳ Viên là chữ của cụ Tam nguyên Yên Đổ… - Đang nói, ông Lợi bỗng ngẩn ra, cố moi trong trí nhớ - Còn bức hoành phi viết ba chữ đại khảm trai trên ban thờ, cũng nghe nói của nhà thơ Nguyễn Khuyến, là chữ gì, chú có nhớ không?

- Dạ, Dưỡng Nhất Chân. Đấy là ý lấy trong hai câu thơ của Danh y Lê Hữu Trác viết trên đường từ Hương Sơn ra kinh đô Thăng Long: "Độn thế tòng y dưỡng nhất chân. Bất tri vi phú khởi tri ban".

- Các cụ thâm nho thật - ông Lợi gật gù - Trốn đời theo nghề thuốc để giữ cái thuần nhất của mình. Không cần biết đến sự giàu thì có sá chi cái sự nghèo. Câu ấy có phải dịch như thế không?

- Dạ, đúng vậy. Cụ Tam Nguyên có ý nói chi họ Nguyễn Kỳ nhà ta sẽ có người theo nghề y, việc này quả ứng ngay với thầy mình.

- Cả với ông lang trĩ Nguyễn Kỳ Vỹ của chúng ta nữa chứ? - Ông Lợi bỗng bật cười khục khục. Lâu lắm mới thấy ông cười - Mà này, bức hoành phi ấy, nghe nói nhà Cón tháo xuống làm ván chắn chuồng lợn. Bậy quá, bức ấy là bảo vật quốc gia đấy nếu còn thì vô giá…

Ông Vọng bỗng thở dài. Nhìn ông anh hả hê, khoáng hoạt, ông chợt nhớ tới nhân vật Quỷ Vương trong "Tây du ký", bắt Đường Tăng định ăn thịt, rồi lại giả làm thiếu nữ để đánh lừa Trư Bát Giới. Ông anh trai của ông thời cải cách ruộng đất từng là Quỷ Vương, đoàn phó cải cách ở Thái Bình, ký lệnh giết oan bao địa chủ, giờ lại phủi tay như kẻ vô can…

Chuyện xây lại ngôi nhà thờ, không ngờ được ông Lợi ủng hộ nhiệt liệt.

- Chú đứng ra làm là hợp lẽ nhất. Tôi nghĩ mãi rồi, việc này phải chú làm cầu đường. Lâu lắm, sau ngày nghỉ hưu tôi mới về làng, có thời gian thăm thú. Hoá ra sức sống của một ngôi làng Việt nó trường tồn hơn anh em mình tưởng nhiều. Đã đi vợi nửa làng ra Hà Nội, lên Nghĩa Lộ, vào Lâm Đồng, Bình Phước, sang cả Nga, Tiệp, Pháp, Mỹ, Canada… làm đủ nghề, khoác đủ màu cờ sắc áo để kiếm kế sinh nhai, mà giờ cái làng mình lại sinh sôi, phát triển, lại trù phú, đông đúc hơn cả ngày xưa. Tốc độ đô thị hoá nhanh quá chú ạ. Cái rãnh trước cửa đình anh với các chú vẫn bơi hồi bé, vẫn tranh nhau leo cầu phao đốt pháo ngày Tết, giờ lấp hết, biến thành một dãy phố sầm uất. Ngôi đình các cụ mới dựng, còn to hơn cả đình Đụn ngày xưa. Riêng các ngôi nhà thờ mấy họ Hoàng, họ Trần, họ Phan làng ta thì đua nhau xây cất khiếp quá. Đợt này chú cho cải tạo lại Nguyễn Kỳ Viên nhà mình cũng phải… Tôi trao toàn quyền cho chú về bàn với chú Quặc họp xin ý kiến các vị cao niên trong họ, rồi lên kế hoạch tiến hành…

- Dạ, có ý kiến chỉ giáo của anh, em sẽ cố gắng hết sức…- ông Vọng rưng rưng nắm mãi bàn tay ông Lợi. Tự nhiên ông thấy ân hận vì lâu nay chưa hiểu đúng anh trai mình.

Trước lúc tiễn ông Vọng về, ông Lợi ghé tai nói nhỏ:

- Lẽ ra, tôi là anh trưởng, lại là trưởng chi, tôi phải đứng ra quán xuyến công việc. Nhưng dầu sao tôi cũng là anh cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa…, đứng ra không tiện. Còn chuyện đóng góp… Biết là chú có tiền, nhưng không thể để mình chú. Chú Vỹ với chú Cục thì không nói làm gì. Vợ chồng tôi, cán bộ hưu trí, chẳng giàu có gì, nhưng sẽ góp cùng với chú.

- Chuyện này, anh cứ để em lo. Em tự nguyện mà…

- Không được. Chú phải để tôi góp phần. Nhà tôi với cháu Nhất hồi này làm ăn được… Với lại, cái nhà của chú trong Sài Gòn…

- Em đã quên ngôi nhà ấy rồi… Trước khi đi em đã sang tay cho Khuất Sỹ Hào.

- Cái thằng cha Hào ấy với cái cô Xoan nhân tình của nó là lũ lưu manh. Nó lừa chú để cướp không ngôi biệt thự ấy. Sau khi chú đi, tôi phải bay vào ngay. May cho nó, tôi thương tình không tống nó ngồi tù. Người của tôi bắt Hào với cô Xoan khai đã lợi dụng chú để chiếm đoạt tài sản người vượt biên như thế nào… Tôi đã cho tịch thu sung công ngôi nhà. Tất nhiên các anh ở thành phố sau này đã bố trí cho tôi một căn nhà khác.

Ông Vọng toát hết mồ hôi hột. Không ngờ ông anh của ông mưu ma chước quỷ khôn lường.

- Cái lộc của ngôi nhà ấy, tôi cũng chẳng ăn một mình - ông Lợi nói tiếp - Trả chú thì đời nào chú lấy. Tôi đã bàn với bà nhà tôi góp vài vạn gạch để chú xây nhà thờ. Chuyện này chỉ nói riêng chú biết, chú cũng không cần phải tuyên bố với ai…

Trên đường ngồi taxi về nhà ông Vỹ, ông Vọng cứ nghĩ mãi về câu chuyện với ông Lợi vừa rồi. Chẳng còn một chút tính cách nào của tông anh cả Nguyễn Kỳ Khôi ngày xưa.

- Chẳng còn gì… Ông Vọng lẩm bẩm mãi.

Đến khi anh lái xe hỏi, đi về đâu, ông mới ngẩn ra. Ông đã quên béng tên đường phố, số nhà của Vỹ.

- Thôi, chú cứ cho đi lòng vòng quanh Hà Nội, đường nào tuỳ chú, coi như một cuộc dạo chơi thòi mà. Hà Nội hồi này thay đổi nhiều quá. Đi một lúc, có khi tôi lại nhớ ra phố nhà ông anh tôi…

***

Phải đến lần về nước tiếp theo, khi ông Vọng hoàn tất cảc thủ tục nghỉ hưu tại Mỹ, việc xây dựng Nguyễn Kỳ Viên mới vào kỳ nước rút.

Suốt hai năm, khu đất bẩy nghìn mét vuông đầu làng Động như một đại công trường. Cái xưởng mộc của Đinh Mạn ở cổng đình, chỉ giữ lại một vài thợ làm cầm chừng, còn máy móc chuyển hết vào khu từ đường, sản xuất và lắp ráp luôn tại chỗ.

Mạn thuê hẳn một kíp thợ lành nghề trên Sơn Đồng, Thạch Thất chuyên làm các chi tiết kỹ, mỹ thuật tinh vi: lọng, vuốt, chạm, trổ. Nhóm thợ này do ông thợ cả có cụ nội từng đứng đầu hiệp thợ tu tạo chùa Tây Phương, tác giả của những pho tượng La Hán bất hủ. Nhóm thợ thứ hai gồm những chuyên gia mộc nổi tiếng làng Đồng Kỵ, chuyên về khung nhà với nóc, câu đầu, xà gồ, quá giang, trụ, đấu… mà giữa các bộ phận gắn với nhau chỉ bằng các hãm, chốt, con trỏ, tuyệt không dùng tới một cái đinh sắt nào. Đây là nhóm thợ vừa hoàn thành khu nhà Thái học ở Văn miếu Quốc Tử giám, Hà Nội.

Phần nề, sử dụng xi măng Hoàng Thạch mác 400, cát vàng Kim Bôi, sản phẩm đất nung thượng hạng của Bát Tràng và Giếng Đáy, bao gồm ngói mũi hài, gạch đỏ lát nền, gạch hoa văn trang trí… Phần gạch xây đại trà, ước tính vài chục vạn viên, được sản xuất tại chỗ. Một lò gạch nung theo kiểu Triều Tiên dựng ngay trong vườn, đất vượt hồ được đưa lên để sản xuất gạch mộc.

Nếu như ông Vọng là tổng công trình sư của Nguyễn Kỳ Viên, thì kiến trúc sư trẻ tuổi Nguyễn Kỳ Tác là giám sát kỹ thuật, bà Nhi làm thủ quỹ, kiêm giám đốc hậu cần, còn ông Cục chỉ như người chuyên để sai vặt. Visa của ông Vọng chỉ có thời hạn ba tháng mỗi lần, ông không thể thường xuyên về Việt Nam. Vì thế, người có vai trò cực kỳ quan trọng, miệng nói tay làm, lo đủ các khâu từ vật tư đến tiến độ công trình, tuy không chính danh, nhưng thực chất là giám đốc điều hành, đó là Đinh Mạn, chồng cô Hợp.

Bà Nhi quả là có con mắt xanh khi chọn chồng cho con gái. Hồi Đinh Mạn bị thương ở mặt trận Hà Giang, về phục viên, cô Hợp cứ chê ỏng chê eo. Cái vết chạm trổ ở cánh tay Mạn hình trái tim có mũi tên xuyên qua khiến Hợp thành kiến với anh chàng ngay từ ngày chạm mặt. Người thế ắt phải yêu hàng tạ cô. Cằm vuông, mũi tẹt, lầm lì, ít nói, cục phải biết. Khéo mà lại giống ông Kều, chồng chị Đất, đánh vợ như két.

Hợp chê Mạn, vì khi ấy đang tơ tưởng đến anh chàng đẹp trai con ông tiệm vàng trên thị trấn. Bà Nhi phải ngọt nhạt, tỉ tê mãi, đến khi anh chàng tiệm vàng lấy con gái ông phó chủ tịch huyện, Hợp mới chịu hạ tiêu chuẩn. Hợp kiêu cũng phải thôi. Cô nàng đẹp nhất làng Động. Dáng cao, da trắng, mũi thẳng, môi hồng, như đầm lai. Nếu đỗ đại học, ra tỉnh, thì Hợp chẳng chịu lấy Mạn đâu. Nhưng duyên số trời định, tránh sao cho thoát.

Ai ngờ, lấy Mạn hơn một năm, Hợp đã thành bà chủ xưởng mộc. Vừa khai trương mấy tháng, xưởng mộc của Mạn đã hút hết khách trong vùng. Mạn trúng liền mấy hợp đồng đóng bàn ghế cho các trường học, làm khung cửa, cầu thang cho các nhà cao tầng ở Hà Nội. Bí quyết làm ăn của Mạn: Uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Và, lại quả cho các đối tác thật hậu hĩnh.

Vào ngày cất nóc gian chính điện thì Chiến Thống Nhất lái chiếc BMW đen bóng, cùng bà Là và cô vợ Thanh Thuý xinh đẹp con ông Thứ trưởng, về làng.

Dân làng Động đã mấy lần lác mắt vì những cái xe con cửa Chiến Thống Nhất, nhưng lần này mắt còn lác nhiều hơn vì cô vợ của Nhất quá đẹp, không khác gì hoa hậu. Trẻ con trong làng rồng rắn chạy theo xe, có đứa hét lên: "Hoa hậu chúng mày ơi. Đẹp đéo chịu được".

Thanh Thuý đỏ bừng mặt, cười đắc ý, nhưng lại lầm bầm: "Đồ mất dạy".

Bà Là sung sướng ra mặt. Không ngờ cơ ngơi xây dựng bề thế quá. Chú Cục lờ khờ thế mà tuyển được toàn thợ khéo tay.

Chiến Thống Nhất và cô vợ giống hoa hậu, ban đầu cũng tấm tắc khen, nhưng sau một hồi đi quanh làng, nhìn thấy mấy ngôi từ đường của họ Trần, họ Đặng, họ Hoàng cũng vừa xây xong, thì bỗng thay đổi ý kiến.

Nhất bị choáng ngợp bới ngôi nhà thờ của họ Đặng, lừng lững như Thiên An Môn, Bắc Kinh, với một ngôi mộ lớn như mộ Tào Tháo ngay cổng vào, có bia công đức cụ thượng tổ, tạc trên tấm đá xanh nguyên khối cỡ bằng cầu môn sân bóng đá. Còn chiếc cổng của nhà thờ họ Hoàng mới vĩ đại làm sao! Không kém gì cổng thành Cửa Bắc, Hà Nội. Đến như hai cái ao sen mắt rồng của nhà thờ họ Trần, thì khó tính như Thanh Thuý cũng phải xuýt xoa, trầm trồ. Nàng như trở lại tuổi thơ, vội xắn quần lội xuống bậc cầu ao, xoài người ra định hái một búp sen. Búp chân nõn nà làm anh chàng đang đi xe đạp bị hút hồn, đâm sầm cả người và xe vào gốc cây phượng vỹ.

- Phải dỡ xuống làm lại thôi chú Quặc ạ - Sau khi đứng ngắm nghía, nheo đôi mắt sau cặp kính dày như đít chai, đo lường cự li, tầm cao, bộ khung ngôi chính điện, Nhất tuyên bố xanh rờn.

Những ai biết Nhất hơn chục năm trước, hẳn là sẽ rất ngạc nhiên về anh chàng có biệt danh là Pie Bêdukhốp này.

Từ một cậu học sinh phổ thông chậm chạp và có phần ngờ nghệch thật thà, từ ngày lấy được cô con gái ông Thứ trưởng, làm trợ lý Tổng giám đốc, rồi Phó giám đốc công ty Đại Việt, Nhất bỗng biến đổi tính nết, tự tin thái quá, trở nên kênh kiệu rởm đời, nói năng hách dịch.

- Anh Nhất bảo sao? - ông Cục chưa kịp hiểu mô tê gì, chưa kịp phản ứng, Mạn đã đến bên, yểm trợ cho bố vợ.

- Tao không nói chuyện với chú - Nhất phẩy tay, như không muốn nói chuyện với trẻ con, nhưng lại nhìn ông Cục - Phải dỡ xuống làm lại.

- Chú chưa hiểu ý anh - ông Cục ngơ ngác - Dỡ xuống tức là thế nào?

- Tức là dỡ xuống chứ còn thế nào. Chú chậm hiểu quá. Tức là không đạt yêu cầu. Phải làm lại!

Mọi người dồn mắt về phía ông con đích tôn của chi họ Nguyễn Kỳ. Ông phó ngoã, nhìn mấy ông thợ mộc lắc đầu.

Hầu hết người làng Động, dù biết ông Chiến Thắng Lợi có con ngoài giá thú là Lê Kỳ Chu, anh trai của Nhất, nhưng người ta vẫn cho đó là con không chính thức. Anh Chiến Thống Nhất này mới chính hiệu là đích tôn.

Mạn đã nóng mặt, mắt vằn những tia máu:

- Anh nói úp mở mãi. Vì sao phải làm lại? Làm lại chỗ nào? Nói toạc ra đi.

- Em Mạn nó nói đúng đấy. Chú cũng không hiểu phải làm lại chỗ nào? - ông Cục phụ hoạ.

- Thì nói toạc nhé - Nhất khoát tay về phía trước - Tôi đề nghị ngôi nhà chính điện kia phải thêm hai gian, thánh bẩy. Không ai làm nhà thờ họ năm gian. Phải bẩy hoặc chín gian mới. bề thế.

- Sao ông anh không có ý kiến với ông Ba Vọng từ hồi vẽ mẫu thiết kế? - Mạn cười khẩy, bĩu môi. Tưởng ông anh hợm của thắc mắc về kỹ thuật, chứ việc này thì vô tư đi. Mạn chẳng thèm tranh cãi cho phí nhời. Cứ theo ý bác Vọng mà làm. Nghĩ thế, nên Mạn búng móng tay đánh tách, toan bỏ đi.

- Ai cho tôi xem bản vẽ? Các người quá coi thường cái thằng đích tôn này.

- Thì ai có cái quyền ấy, ngoài ông Việt kiều yêu nước Ba Vọng? - Mạn vẫn thủng thẳng nói chơi.

- Chú Vọng ở đây tôi cũng đề nghị làm lại. Chứ ai lại như cái trò trẻ con thế kia. Xem mấy nhà từ đường trong làng của người ta đấy, vừa hoành tráng vừa vĩ đại. Làm kiểu này, thì họ Nguyễn Kỳ mình hèn quá, lép vế quá.

- Nhưng người ta nhiều tiền. Họ Đặng có những năm Việt kiều ở Mỹ, Canada và Úc. Họ Trần, riêng con ông trưởng họ, làm chức tổng gì to lắm, cung tiến ba tỷ. Họ Hoàng, to nhất làng có cô con gái họ lấy chồng Thuỵ Điển, xin cung tiến một trăm ba mươi ngàn Eurô, nhưng họ chê nữ nhi ngoại tộc, gạt phắt. Cuối cùng bổ đầu đinh, mỗi suất hai triệu rưởi - ông Cục chậm rãi giảng giải cho ông cháu.

- Họ mình ít Việt kiều thì tôi chi. Bố con tôi chi. Cứ dỡ ra làm lại! Hết bao nhiêu tiền tôi chịu tất - Nhất nói oang oang, tay vung chém vào không khí, như ngay tắp lự muốn giật đổ năm gian khung nhà đang đứng chênh vênh như bộ khung xương.

- Điên. Đồ điên! - Mạn nhổ một bãi nước bọt, bỏ đi.

- Ai điên hả cháu? - Lúc ấy bà Là và cô con dâu cũng vừa ra nghĩa địa thắp hương về. Thấy con to tiếng, bà Là hoảng quá, chạy lại.

- Thằng này láo. Nó là cái thá gì ở cái nhà này? - Nhất giơ nắm đấm lên.

- Mẹ xin - Bà Là chắp tay - Có chuyện gì con phải ôn tồn nói chứ, ai lại thế?

- Nhưng con không chịu xây kiểu cò con thế này. Con là trưởng tộc.

- Bậy nào - Bà Là nói khẽ với con trai - Còn anh Chu con nữa chứ. Anh Chu con mới là trưởng đích tôn con ạ.

- Đã thế thì con sẽ điện cho anh Chu về…

Nhất làu bầu một hồi, doạ sẽ báo với chính quyền cho ngừng thi công, rồi cùng mẹ và vợ lên xe về Hà Nội.

***

Đó mới là khúc dạo đầu.

Mấy tháng sau, không biết có phải Nhất điện sang bên Nga cho anh trai không, mà vừa xuống sân bay Nội Bài, Chu đã bảo phải về gấp làng Động.

Lê Kỳ Chu, trước khi sang học ở Cộng hoà Dân chủ Đức, đã làm thủ tục xin thay đổi họ. Năm 1985, bước chân ra khỏi biên giới, lý lịch, hộ chiếu của anh mang tên mới: Nguyễn Kỳ Chu.

Chỉ còn một năm nữa Chu sẽ lấy cái bằng tiến sĩ điện tử, thì bức tường Berlin sụp đồ. Lẽ ra anh sẽ về nước làm tiếp luận văn, hoặc xin chuyển tiếp sinh sang một nước khác. Nhưng Chu bỏ luôn bằng cấp, học vị, cùng hứa hẹn một chân trợ giảng ở Đại học Bách khoa, một hàm giáo sư tương lai. Chu chuồn sang Tây Đức, tình nguyện vào trại tị nạn chính trị. Đó là những ngày cực kỳ gian khổ. Anh có thể mất hết: Bố mẹ, gia đình, vợ con, danh dự, nghề nghiệp, và, tất nhiên cả Tổ quốc. Nhưng anh quyết phải tìm đường thoát khỏi cái nghèo. Thoát khỏi những tem phiếu và những cuộc họp lê thê vô bổ để chỉ bàn những chuyện trời ơi đất hời. Chu tin, ở Đức anh sẽ tìm ra lối thoát, bởi người Đức, sau tội ác man rợ của Hitle, họ biết cách làm lành với thế giới, bởi đây là nơi sản sinh ra Các Mác, nhưng họ biết ông ta chỉ là khoảnh khắc của lịch sử… Sau này nghe Linh kể lại, cả hai ông bố đẻ và bố vợ vừa biết tin Chu xin tị nạn, đều gầm lên phỉ nhổ đứa con phản Đảng, phản bội Tổ quốc. Ông Lợi ân hận vì trót làm lễ nhận cha, con. Bà Cam, bỏ ăn ba ngày, suýt uống seduxen tự tử. Linh bị trường cho nghỉ dạy. Bè bạn, anh em xa lánh hết. Ông tướng Quảng Lạc, thỉnh thoảng lại mở khẩu K54, vung lên, bảo gặp thằng con rể ông sẽ bắn vỡ sọ.

Ra khỏi trại tị nạn, Chu đi làm thuê, bốc vác, quét tuyết, dọn nhà xí… thượng vàng hạ cám, miễn kiếm ra tiền. Rồi Chu tập hợp bạn bè, lập một đường dây buôn áo da, áo bay, buôn thuốc tây chuyển qua Nga về nước. Có những chuyến đánh xe luồn rừng, băng qua Tiệp, Ba Lan, bị cảnh sát và lính biên phòng đuổi bắt, suýt bỏ mạng. Cho đến khi có một gian hàng, trụ được ở Dresden, thì Chu móc nối cho vợ con qua đường đây du lịch lậu từ Hungary sang. Rồi Linh kéo thêm anh em họ hàng, Chu đưa ông cậu Quách Liêu cùng anh em dây mơ rễ má ở Mường Bi sang, lập thành một làng người Việt ở Đức. Mô hình một doanh nghiệp bắt đầu manh nha hình thành.

Cho đến khi hai vợ chồng chuyển hướng kinh doanh về Nga, thì Chu nổi lên như một thế lực mới của người Việt trong thương trường và cả trong các hoạt động xã hội. Làm chủ được khu chợ Vòm, khống chế được cả một hệ thống buôn bán của người Việt trên lãnh thổ toàn Nga và các nước Đông Âu.

Bạn bè đặt cho Chu biệt danh Tavarits Trâu (Đồng chí Trâu), do âm Chu, tiếng miền Trung, chỉ con trâu. Tavarits Trâu nổi lên như một Bố già, làm bọn đầu trọc Nga cũng phải kiêng nể.

Kiếm tiền ở Nga dưới thời Tổng thống Bôrit Enxin thật dễ dàng. Dân Nga suốt bẩy mươi năm dưới chính thể Xã hội chủ nghĩa, lớ ngớ như gà công nghiệp. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh trống trơn. Bao nhiêu nồi áp suất, bàn là, dây may so, tủ lạnh Saratop… đã bị dân đầu đen cuỗm sạch. Các cựu chiến binh vệ quốc mang hàng rổ huân chương, đồ kỷ niệm đi bán để lấy vài rúp mua bánh mỳ. Dân đầu đen Việt Nam được ví như Do Thái phương Đông chăn dắt gà công nghiệp bằng những gói mì sợi Vị Hương, bằng quần áo may sẵn, đồ nhựa, dệt kim và đủ thứ thực phẩm hàng hoá Việt Nam, Thái Lan, Hồng Công, Trung Quốc…

Bây giờ, Tổng công ty liên doanh của vợ chồng Chu mang tên Thắng Lợi, do Nguyễn Kỳ Chu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Quản Thị Linh làm Tổng giám đốc, là một doanh nghiệp đa ngành, liên quốc gia, có trụ sở tại Nga, Đức, Việt Nam. Công ty Đại Việt của Chiến Thống Nhất là một thành viên, chuyên về kinh doanh ô tô, nhập thiết bị phụ tùng, sản xuất vật liệu xây dựng. Đón trước xu thế hội nhập, Việt Nam vào WTO, Chu vừa có một quyết định chiến lược: Chuyển vốn về quê kinh doanh bất động sản, khách sạn du lịch và sản xuất thép. Một tổ hợp trung tâm giao dịch, văn phòng cho thuê và siêu thị, gồm một tháp đôi ba mươi sáu tầng đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng tại khu Mỹ Đình. Các nhà chuyên môn nhận định, khoảng dăm năm nữa, Liên doanh Thắng Lợi của Chu sẽ ở trong tốp 10 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, ngang với Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, Hoà Phát Hà Nội, Cà phê Trung Nguyên, Dệt Thái Tuấn, May Việt Tiến, Thuỷ sản Minh Phú, ô tô Trường Hải, Gốm sứ Minh Long v.v…

Hai anh em, cùng bố khác mẹ, mang hai cái họ lạ hoắc Chiến, Lê, lại hợp tính nhau, quý nhau hết sảy. Nếu như cái thế của ông bố đẻ Chiến Thắng Lợi, cái quyền lực của ông bố vợ Thứ trưởng Bộ Kinh tế, cái sắc đẹp và sự quyến rũ của cô vợ Thanh Thuý khôn ngoan, ranh mãnh cho Nhất những lợi thế trong quan hệ, giao tiếp thì Nguyễn Kỳ Chu lại cho em trai mình những kinh nghiệm vô giá về kinh doanh nơi thương trường. Ngược lại, có thêm Nhất làm phó cho mình tại Việt Nam, Liên doanh của Chu như mọc thêm hàng trăm vòi bạch tuộc, thâm nhập sâu vào các chính sách kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực kinh doanh, các khu chế xuất… mà các công ty nước ngoài và các liên doanh khác không thể có.

- Ông bố vợ em vừa tiết lộ, đề nghị của Bộ giao thông và Bộ Kinh tế cho tăng thuế nhập khẩu xe con lên tám mươi phần trăm để tránh ách tắc giao thông đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ đồng ý rồi - Nhất thông báo ngay với ông anh khi hai anh em trên đường về làng Động - Anh phải giải quyết sớm vụ nhập hai trăm chiếc Mercedes, đế đưa hàng về cảng Sài Gòn trước tháng tám. Các anh Hai Nam Bộ giờ đang lắm tiền, toàn thích xài sang. Em đã làm việc với hải quan xong rồi.

- Yên tâm đi. Anh sẽ điện cho cậu Quách Liêu lo vụ này. Mai anh với chú phải lên chỗ tay Hoạt. Hắn đã ra giá. Mỗi đầu xe phải chi ba phần trăm. Rồi còn chỗ tay Từ, mụ Oanh nữa… Chi phí vụ nhập xe này không dưới hai triệu USD. Trực tiếp anh với chú phải đi giải ngân…

Đó chỉ là một trong những câu chuyện làm ăn của hai anh em. Thường thì trên xe, họ ít bàn về công việc. Lái xe đường trường, chỉ chuyện tiếu lâm, chuyện bù khú mới đỡ buồn ngủ.

- Tối qua, chú có ưng em Xônhia không? Thằng Pêtukhin bạn anh, nó bảo atlittrờna(*), số một đấy.

Nhất biết ông anh đang nhắc tới vụ tươi mát ở khách sạn Thiên Nga Trắng, bên Hồ Tây. Nguồn hàng mới từ chính quốc do đường dây của bạn ông anh điều sang. Ba thằng, một chai Smirrnov, hai chai Whysky Wall Street vuông và ba cô gái Nga vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Sướng hơn lên thiên đường.

- Về nhà Thuý nhà em bảo toàn ngửi thấy mùi Tây, cứ thấy gây gây, ghê ghê. Cô nàng tinh ra phết. Em đã tắm kỹ trước khi ra khỏi khách sạn, mà sao vẫn biết. Em phải nói dối là cùng với anh đi uống rượu với mấy thằng một-go Chả là hồi học phổ thông, vợ em toàn đọc Igo là một-go, Iran, Irắc là một răng, một rắc. Trêu thế cho cô nàng buồn cười, quên đi cái mùi gái Nga.

- Sao chú không nói trước? Sáng nay Thuý hỏi, anh cứ ngớ ra.

- Anh giết em rồi. Anh nói với Thuý thế nào?

- Mãi rồi anh cũng đoán ra. Anh bảo, anh có việc bận. Chú Nhất đi với thằng Pêtukhin và mấy thằng mới sang.

Nhất cười khì khì.

- Hú vía. Chị Linh dễ, chứ Thuý nhà em dữ như cọp cái. Nó mà biết em "ăn phở" là nó xé xác. À, anh chưa biết khu nghỉ mát Thuỷ Tiên nhỉ? Nước hơi đục, nhưng tươi mát cực kỳ. Mới khai trưởng, giá rẻ bất ngờ. Anh có biết bao nhiêu không? Tám mươi nghìn trọn gói từ A đến Z. Tuần vừa rồi bọn em đánh một xe sáu tên giặc lái xuống. Toàn loại "rau sạch" mười tám mười chín, tha hồ chọn. Kỳ nhất là tự dưng thấy một ông già ngoài bẩy mươi ngồi ở phòng đợi. Cụ Khốt này đến đây làm gì nhỉ? Đợi ai? Hay là nhân viên phục vụ? Em phân vân định hỏi, nhưng lại sợ ông cụ ngượng. Một lúc thấy bà chủ quán gọi với ra: "Ông tóc bạc kia vào đi. Có phòng rồi đấy!". Em tá hoả. Té ra cũng dân làng chơi như mình. Lát sau thấy một thằng cha đeo sợi dây vàng ở cổ như cái xích chó đến ngồi cạnh, bắt chuyện: "Ông bố đẻ tôi đấy. Mẹ tôi mất từ năm tôi mười hai tuổi, ông cụ quyết ở vậy nuôi con. Vượt biên sang Hồng Công, rồi Canada, suốt bao nhiêu năm tôi chỉ nghĩ đến chuyện làm sao báo hiếu được bố. Kỳ này về nước, tôi quyết đưa ông cụ vào đời…"

Hai anh em cười đến vỡ xe.

- Hay là chuyến này anh em mình mời chú Vọng xuống Thuỷ Tiên đãi chú một chầu? - Chu gợi ý - Anh thấy thương chú Vọng. Ông chú chắc cũng chay tịnh hàng chục năm nay?

- Đừng dại. Ăn mắng đấy. Chú Vọng còn Bôn sệt hơn cả bố mình. Gặp chú, mình chỉ bàn chuyện sửa lại khu Nguyễn Kỳ Viên thôi…

- Để về xem công trình thế nào đã…

- Còn xem gì nữa. Theo em phải dỡ ra xây cất lại. Mồ mả ông cha, nhà thờ tổ họ mà không chăm sóc, hương khói cho chu đáo, làm ăn chỉ có lụn bại. Em vừa xuống xem khu từ đường của ông bố vợ em dưới Hải Dương. Không kém gì Di Hoà Viên ở Bắc Kinh anh ạ. Nhà mình rộng hơn bẩy nghìn mét vuông, có thể chở đất đồi về làm hòn giả sơn, rồi trồng cỏ Mỹ. Cái hồ phải khơi rộng gấp bốn, xung quanh làm đường đi dạo. Rồi ít ra cũng phải xây một khách sạn mini cỡ 5 sao để anh em mình làm khu nghỉ cuối tuần, tiếp đối tác, bạn bè. Phải có một khu ẩm thực anh ạ. Cứ mộc tồn với thịt vịt đặc sản Phương Đình là hết ý. Xây kiểu chú Vọng đang làm, vẫn theo lối cò con, cổ hủ lắm.

- Đợt này anh có mang tiền về góp thêm với chú Vọng. Coi như chú Vọng ứng trước, rồi anh sẽ thanh toán hết. Anh muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết thằng con rơi này sẽ làm rạng danh tổ tiên, làm vẻ vang dòng họ Nguyễn Kỳ. Chứ để riêng chú Vọng gánh là dã man. Chú Vỹ chú Cục không nói làm gì, chứ ông bô chúng mình mà cũng giả ngây điếc, thì rồi thiên hạ người ta ỉa vào mặt. Tiếng là Việt kiều Mỹ, nhưng chú ấy cũng phải làm ăn chắt bóp mấy chục năm mới được ít vốn liếng. Chỉ bằng anh với chú làm một phi vụ.

- Cả em cũng đóng góp, để lấy phúc lộc… Nghĩ mà thương chú Vọng. Em hỏi, chú kiếm bằng cách nào mà có tiền mang về xây nhà thờ? Chú xoè tay, tính với em: "Bí quyết của đời chú là tiết kiệm. Sống khắc khổ, giản dị với bản thân nhưng lại rộng rãi với mọi người. Từ ngày di cư vào Sài Gòn, đến khi sang Mỹ, chỉ một thói quen đi làm bằng xe buýt, nhường xe con cho vợ, cho con đi học. Chú có thói quen đến sở từ 6 giờ sáng, vừa không kẹt đường, vừa có thời giờ sắp xếp công việc trong ngày. Đi làm thường mang theo hai gamen cơm, một cho bữa lót dạ, một cho bữa trưa, nên ít khi dùng đến tiền bạc. Thử tính xem. Một người Mỹ trung lưu ăn sáng hết 5 USD, ăn trưa hết 8 USD, vậy là chú tiết kiệm được 13 USD một ngày. Nhân 15 năm, sẽ tính ra một khoản tiết kiệm của chú.

- Thế mới biết anh em mình kiếm tiền dễ gấp mấy ở Mỹ. Vụ ô tô này mà trót lọt, cũng bằng chú Vọng kiếm cả đời…

- Anh là trưởng, em không dám vượt quyền. Phần em, em xin góp một tỷ. Tiền này để dành xây cái cổng và khai lại cái hồ. Em vẫn cú cái cổng lắm. Phải xoay lại hướng. Ngày trước cụ Nhiêu Biểu bảo cái cổng nhà mình ở hướng ấy, anh em sẽ lục đục với nhau suốt. Chú Vọng bảo ông nội mình ngày trước dạy: Anh em như thể chân tay. Câu chữ Hán là thế nào anh nhỉ?

- Huynh đệ như thủ túc. Thê thiếp như y phục.

- Đúng rồi, anh em như đầu với chân tay. Vợ như áo quần. Áo quần có thể thay lúc nào cũng được, còn anh em ruột thịt, không thể tay này chặt tay kia.

- Cho nên anh với chú phải đùm bọc lấy nhau, phải gánh vác phần việc bố chúng mình còn dở…

- Thế hệ các ông bô bà bô chúng mình đáng cho lên bàn thờ cả rồi. Em còn nghĩ đến hướng mở tour du lịch làng quê về Nguyễn Kỳ Viên nhà ta nữa anh ạ.

- Thì về nhà anh em cùng bàn. Nếu gặp được chú Vọng thì hay quá…

***

Trước khi về làng Động, hai anh em rẽ vào thị trấn Phương Đình đánh chén một chầu thịt vịt đặc sản. Về đến nhà mặt mũi còn đỏ lênh láng như hai ông Trương Phi.

Vợ chồng ông Cục vừa nhìn thấy chiếc Camry xanh lục, đã đon đả chạy ra. Đây là lần thứ hai Chu về làng. Lần đầu, sau đám giỗ ông Cử Phúc và lễ nhận anh em họ hàng ở nhà ông Lợi. Lần ấy Chu cho cả vợ và con về, mời cả ông tướng bố vợ về cùng.

- Cả nhà cùng mong anh trưởng đỏ cả mắt - Bà Nhi nói đỡ chồng, khi thấy ông Cục cứ lóng ngóng đứng nhìn Chu với ánh nhìn rất khó tả. Từ ngày biết Chu là con ông Lợi, ông Cục thấy đặc biệt cảm tình với ông cháu trưởng.

Ông Cục nhận quà từ tay Chu, xuýt xoa vì cảm động. Một gói quà rất to, có cả quần áo, kẹo bánh, đường sữa mà tự tay bà Cam đã chuẩn bị sẵn cho Chu khi biết anh về làng.

- Đợt này anh về lâu, thể nào cũng gặp bác Vọng - ông Cục nói - Bác Vọng điện từ Mỹ về, đã lo xong giấy tờ để có thể về nước lâu dài. Tuần sau là bác ấy bay về đấy.

Chu nhìn ông chú từ đầu đến chân, vẻ đầy thương hại và quí mến, tựa như người chủ nhân quí tộc trà tuổi phiêu bạt đi rất xa, nay về gặp lại người gia nô của ông nội mình. Ở ông Cục vừa có nét của người xuất thân từ một dòng họ có thế lực bị sa sút, vừa có dáng dấp của một nô bộc trung thành, luôn bằng lòng với thân phận của mình. Rõ ràng khác hẳn với phong thái của chú Vỹ, chú Vọng, ở chú Cục có nét gì đó thiếu tự tin, nhưng mộc mạc chân chất, và rất vị tha. Từ ngày nhận chú cháu họ hàng, Chu chưa có dịp nào trò chuyện với ông Cục nhưng nghe mẹ anh nói, thì đây là một người rất tuyệt vời Chi họ Nguyễn Kỳ này, còn giữ được gốc gác, nề nếp gia phong, gắn kết, anh em được đến bây giờ là nhờ ông con nuôi tật nguyền này. Mẹ bảo Chu: "Con đừng cho chú ấy là con nuôi con đòi mà đối xử hách dịch. Ngày trước, mỗi lần đến làm việc với ông nội con, mẹ vẫn cho hai anh em Vện, Cục quà đấy! Mẹ thấy có cảm tình và thương chú Cục. Con có điều kiện thì nên giúp thêm cho chú thím ấy…" Lạ thật, Chu thấy khi nào nhắc đến chú Cục, mẹ cũng dành cho chú những tình cảm rất đặc biệt.

Lần đầu nhìn thấy ngôi từ đường và các phần phụ trợ đã lên hình hài, với toà ngang dãy dọc mái ngói đỏ au, với hồ nước, khuôn viên, tường rào bao quanh… Chu không khôi choáng ngợp. Cái thằng Nhất chỉ phổi bò. Nghe nó điện sang, thì đến phải về dỡ ra làm lại. Nào là nhà thờ chính điện thấp tè bé như cái chuồng gà. Nào là cái ao trước cửa choen hoẻn như vũng trâu đầm. So với các họ trong làng mà xấu hổ… Nói thế là không công bằng. May mà Nhất hăng máu vịt, đùng đùng như cháy nhà rồi xẹp luôn. Không xáy ra kiện tụng, xô xát. Công bằng mà nói, thiết kế tồng thể một khu từ đường dòng họ như thế này là quá hoành tráng. Công chú Vọng với vợ chồng chú Cục đáng tạc bia đá.

Hai chú cháu đang trò chuyện, thăm hỏi nhau thì Chu bỗng thấy cô Hậu chạy đến kéo tay anh, miệng ú ở điều gì. Rồi nghe tiếng Nhất oang oang như cãi nhau ngoài chỗ thợ đang đổ bê tông phía cổng:

- Tao đã nói là không để cái cổng hướng này. Hướng này là hướng sát chủ. Ông thầy tao đã nói rồi. Với lại, cổng nhìn thắng ra bãi tha ma, lại bị chắn bởi cái rãnh nước thối, có ngửi được không? Ngu hết chỗ nói.

- Ông bảo ai ngu? - Đinh Mạn vừa đi uống rượu đâu về, mặt tái mét, sấn đến vung nắm tay lên. Rõ ràng là Mạn từ lúc nhìn thấy mặt Nhắt, đã cố ý sinh sự - Bố con thằng này ngu nên mới đứng ra xin làm mõ cái nhà này.

- Làm mõ nhà này là phúc bẩy mươi đời. Tao nói cho chú mày biết, mày là thằng em rể, là thằng làm thuê, đừng có rỡn mặt chủ.

- Muốn là chủ thì bỏ tiền đây. Nghe nói bố mẹ ông góp được năm vạn gạch. Chỉ đủ xây cái hố xí, nhá. Đừng có lên mặt rởm! Thối lắm.

- Đ. mẹ, cái thằng chó. Mày bảo ai xây hố xí? Ai chỉ góp vài vạn viên gạch?

- Thì ông đi mà gặp ông Vọng. Làng này người ta biết ai là người bỏ công bỏ của ra xây cơ ngơi này. Bố con tôi chỉ biết làm theo lệnh ông Vọng.

- Tao chỉ biết mày chỉ đạo thi công. Mày dừng ngay cái cồng lại cho tao. Phá đi, làm sang chỗ kia, thẳng ra đường bêtông.

- Đừng có chỉ tay năm ngón với thằng này. Mấy năm trời bạc mặt, thủng đũng quần, sao không thấy thằng nào về mà chỉ đạo?

- Thì bây giờ ông anh trưởng tao về đây. Tao về đây. Anh em tao là trưởng…

- Cái ông anh phát vãng kia ấy hả? Con rơi, con vãi, đâu đáng mặt trường…

- Đ. mẹ cái thằng mất dạy. Mày bảo ai con rơi? Anh Chu ơi, phải cho thằng này ra bã.

Nhất sấn đến, túm lấy cổ áo Mạn.

Mạn xé đánh soạt, chiếc áo rách toang, để lộ vết trổ trên cánh tay có mũi tên xuyên qua và mảng ngực với hai con rồng xoắn lấy nhau. Bằng một thế võ, Mạn vung một quả đấm trời giáng vào quai hàm Nhất. Cặp kính cận bay vèo, vỡ tan.

Thấy Nhất gọi, nhanh như cắt, Chu tiến đến, túm tóc Mạn lẳng một phát. Nhưng Mạn quá khoẻ, chỉ chúi xuống rồi lại trụ vững, tung một cú song phi, một trúng gáy Chu, một trúng vai Nhất đang lồm cồm bò dậy.

Hăng máu, Nhất khua tay tìm kính và bỗng vớ một cục gạch gần đấy. Nhưng Mạn còn nhanh hơn, nhảy tránh được, thuận tay vớ chiếc xẻng huơ lên.

- Nhất cúi xuống! - Chu gầm lên, liếc mắt thấy thanh gỗ bên cạnh, liền lẳng một phát bay vút về phía chiếc xẻng.

Một tiếng hét rợn óc. Ông Cục ôm đầu gục xuống. Thì ra ông Cục nhảy vào can, vừa lúc thanh gỗ lao tới.

Bà Nhi kêu hét lên, ôm lấy ông Cục đang nằm gục trên vũng máu.

- Ối làng nước ôi! Cứu lấy ông Cục nhà tôi… Anh trưởng Chu giết chết ông Cục rồi…ôi… ồi…

 

Chú thích:

(1) Tiếng Nga: Tuyệt vời, số một.

<< Chương 27 | Chương 29 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 759

Return to top