Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> THỜI CỦA THÁNH THẦN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25332 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THỜI CỦA THÁNH THẦN
Hoàng Minh Tường

Chương 23

Từ ngày theo chủ nghĩa vô thần, đồng chí Chiến Thắng Lợi khinh bỉ một cách sâu sắc những kẻ mê tín dị đoan.

Rất nhiều lần chị Là muốn lập một bàn thờ để cúng gia tiên ông bà, nhưng Lợi đều gạt phắt. Trên nóc chiếc tủ đứng giữa nhà ông, từ năm 1969, mới có một bát hương và tấm ảnh bài vị thờ Hồ Chủ tịch. Đó là ứng xử hữu thần, sự tôn kính duy nhất và tuyệt đối từ khi Lợi làm người Sau này, có nhà điêu khắc tặng ông bức tượng bán thân Bác Hồ, ông đặt lên đó, thay cho bức ảnh bài vị.

Nhưng rồi bỗng một ngày, như một sự kiện lạ, ông Lợi gọi người mang đến một chiếc bàn thờ, loại đóng băng gỗ dán, sơn vecni bóng, có hai khung sắt hình thước thợ đóng cố định vào tường. Bàn thờ được đặt ở gian giữa tầng hai, cạnh phòng ngủ của hai vợ chồng. Đồ thờ cúng, tuy giản dị, nhưng cũng đủ lệ bộ một ban thờ truyền thống: Hai giá nến bằng đồng, khay đựng rượu và hoa quả, ba bát hương, bát hương đại ở giữa thờ gia tiên hai bát bên thờ bố mẹ ông Lợi. Ảnh ông Lý Phúc đội khăn xếp, áo the đen, ảnh bà cả Phúc như một cô gái thôn quê, mặc yếm vấn khăn, do thợ vẽ truyền thần phục chế lại, trông mờ ảo như nhưng bức ảnh đầu thế kỷ. Bà cả Phúc chết lúc Nguyễn Kỳ Khôi mới hai tuổi, nên bức truyền thần dù có giống hay không, ông Lợi cũng không rõ. Với ông Lý Phúc, thì đây là lần đầu tiên bài vị ông được người con trai cả lập ban thờ.

Điều gì đã khiến ông Lợi chuyển đổi đột ngột về nhận thức và hành xử tín ngưỡng?

Sự hoài nghi về chủ nghĩa vô thần?

Nỗi ân hận về sự vong bản, xa lánh cội nguồn?

Mối lo sợ trước sự trừng phạt của các thế lực siêu nhiên?

Có lẽ ông Lợi không nghĩ ngợi tới những phạm trù triết học vĩ mô cao siêu đến thế. Những sự cố dồn dập làm điên đảo cuộc sống, ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp, quyền lợi, địa vị của ông mà nguyên nhân trực tiếp là từ những lá đơn tố cáo ông và bà Cam suốt một năm nay, buộc ông phải tìm mọi sự cứu giúp.

Một vị giáo sư thân thiết, nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tiềm năng con người, đã nói với ông:

- Anh nên xem lại cung phúc trạch. Và nên có cách ứng xử với người âm, nhất là những người thân của mình. Quý anh lắm tôi mới khuyên vậy, xin anh đừng hiểu lầm.

Lợi không nói gì. Ông ngẫm nghĩ một tuần rồi tìm đến gặp nhà khoa học.

- Tôi nghe anh. Nhưng xin anh hiểu rằng, ở cương vị tôi, rất khó làm. Việc này. Tôi muốn nhờ anh gặp để nói với nhà tôi…

Nhà khoa học nhìn Lợi, tủm tỉm cười. Ông nhận lời sẽ gặp chị Là.

- Thời gian này, mối quan hệ giữa hai vợ chồng ông Lợi hết sức căng thẳng. Kẻ viết thư tố cáo nặc danh đã đi một nước cờ cao tay: Gửi trực tiếp đơn tố cáo cho Là.

Một người đàn bà thật thà như đếm, thuần phác và phúc hậu, tôn thờ chồng như Là làm sao chịu nổi cú sốc khi nhận được thông tin chồng mình có con ngoài giá thú? Và người đàn bà ấy giờ lại có danh vọng, địa vị, vẫn hằng ngày đưa nhau đi hội thảo, nghị quyết?

Không ầm ĩ, ngoa ngoắt, chẳng điên khùng, chanh chua, Là như xỉu đi vì quá đau đớn, hoảng loạn. Mắt sưng húp, chỉ lặng lẽ để tập đơn thư nặc danh trên bàn làm việc của Lợi rồi nằm liệt trên giường, không ăn uống hai ngày. Lả rất muốn chết. Nếu như ở trên quê Định Hoá, chị sẽ vào rừng kiếm lá ngón. Chi một nắm, vừa nhai vừa nuốt là xong. Nhưng cứ nghĩ thằng Chiến Thống Nhất, con Chiến Huyền Ly bơ vơ không có mẹ, chị lại bủn rủn, toát hết mồ hôi. Là chết đi thì khối kẻ nháy cẫng lên vì sung sướng. Có kẻ sẽ hợp thức hoá, ào về chiếm nhà, chiếm chồng, chiếm cả con của Là nữa. Có kẻ được thể lấy một lúc vài ba vợ. Đang chức quyền trong tay, đang nhà cao cửa rộng, khối gái mười tám, hai mươi ấy chứ. Tống khứ được gái sề này đi người ta mừng bằng đuổi được hủi ra khỏi cửa. Hoá ra cái ý nghĩ mình như là con ở trông cái cửa nhà, cơm nước hầu hạ ba bố con, như gái bao thỉnh thoảng ông chủ động cỡn lên lại đè ngửa ra dụi hùng hục… cấm có sai. Mấy chục năm sống với Lợi, chưa bao giờ Là được một lời âu yếm, một tí chút quà tặng, một tâm sự chia sẻ. Hai vợ chồng như hai thế giới cách biệt. Lợi cậy chữ nghĩa, chức quyền, coi khinh Là ra mặt. Rõ nhất là những khi có khách đến chơi hoặc làm việc. Là vừa chuẩn bị nước mời khách, vừa nấn ná lại chào hỏi một câu xã giao, Lợi đã đuổi quầy quậy: "Thôi, bà ra ngoài kia để chúng tôi làm việc". Buồn nhất là những khi bố mẹ trên quê ốm đau, nhà có công việc cưới xin giỗ chạp. Mang tiếng chồng từng ăn dầm ở dề vùng ATK, được dân bản cưu mang đùm bọc, mà về Hà Nội một cái là quên phắt, cấm có đoái hoài. Người ta quyền cao chức trọng, dễ quên và coi khinh người nghèo. Mỗi lần đưa các con về quê, Là tủi thân lắm, nhưng chị luôn mua quà dấm dúi biếu bố mẹ, xóm bản, nói dối là "quà của nhà con gửi biếu", "nhà con bận việc lắm, sẽ về thăm dịp khác". Chao ôi, hay Là chỉ đáng trò tiêu khiển mỗi khi Lợi khát thèm? Chỉ những lúc ấy Lợi mới dẻo mỏ, nịnh nọt, thậm chí tâng bốc Là lên mây xanh. Lợi mơn trớn, ngắm vuốt, hôn hít khắp thân thể Là, rồi xuýt xoa, rên rỉ: "Em hơn cả tiên nữ giáng thế. Em là giai nhân của núi rừng". Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ có trò ấy? Chuyện giường chiếu rồi cũng nhàm chán theo năm tháng, tuổi tác. Mà nỗi khát thèm một tình yêu thương, sẻ chia, nương tựa thì bao giờ Là cũng khắc khoải, cồn cào.

Cho nên, những bí mật của Lợi bị phơi bày, càng khiến Là tuyệt vọng khi nhận rạ con người thật của chồng. Chị quyết định không việc gì phải chết. Chị phải sống để nuôi dạy các con nên người. Chị sẽ lật ngược thế cờ, hoặc là Lợi phải khuất phục chị, hoặc là chị sẽ ra toà ly hôn. Là tìm gặp đồng chí Phó ban Tổ chức, một người thân cận của Lợi và gia đình.

- Nhà em đã đến nước này… Em muốn xin cấp trên một lời khuyên?

Đồng chí Phó ban sững người khi thấy Là tiều tuỵ đến khó nhận ra. Người đàn bà béo tròn mà đồng chí mới gặp tháng trước nay đã tọp đi như vừa qua trận ốm thương hàn.

- Chúng tôi cũng đang đau đầu về vụ này đây. Tuần trước đài địch đã đưa tin. Các thế lực thù địch đang nhân cơ hội hạ thấp uy tín, gây chia rẽ nội bộ ta. Tôi chẳng thể khuyên đồng chí điều gì lúc này, ngoài sự nhắc nhở của tổ chức về ý thức và trách nhiệm của người chiến sĩ tiên phong. Đồng chí được công nhận chính thức năm ngoái phải không?

- Dạ vâng.

- Giờ lại là cửa hàng trưởng?

- Dạ vâng.

- Tức là ý thức và trách nhiệm trước tổ chức càng phải cao, đúng không?

- Dạ vâng.

- Thế nên tôi không phải nói nhiều. Đồng chí hãy tự hiểu. Chuyện của hai đồng chí Chiến Thắng Lợi và Đào Thị Cam, như đồng chí đã biết. Họ đều đã có bản tường trình với tổ chức. Cháu Lê Kỳ Chu chính là con chung của họ… Kìa, đồng chí đừng khóc, bình tĩnh lại đi. Đó là hậu quả của chiến tranh, là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân… Nếu không thất lạc nhau rất có thể đồng chí không là vợ của đồng chí Lợi, mà là ấy thế, đấy là duy vật lịch sử. Vấn đề bây giờ là, đồng chí phải bình tĩnh để thu xếp mọi việc. Chuyện đã rồi, không có cách gì thay đổi được, thì ta nên chấp nhận. Đấy là quy luật của duy vật biện chứng. Phải nghĩ đến danh dự và sự nghiệp của chồng, đến hạnh phúc gia đình, tương lai con cái. Xấu chàng hổ ai? Dân gian đã nói thế. Lại có câu: "Cá vào ao ta, ta được"…

- Nhưng mà, tại sao anh Lợi phải giấu giếm?…

- Chúng tôi đã và sẽ kiểm điểm hai đồng chí ấy về thái độ chưa thành khẩn trước tổ chức. Lẽ ra đồng chí Lợi phải báo cáo hết sự thật với tổ chức từ trước khi cưới đồng chí Là. Và đồng chí Cam cũng không nên lạm dụng danh nghĩa của đồng chí Lê Thuyết… Nhưng suy cho cùng đó cũng là duy vật lịch sử, do hoàn cảnh chiến tranh… Chúng tôi không bao che, không xuê xoa một chiều. Nhưng nói để đồng chí hiểu: Cả hai đồng chí Lợi và Cam đều là cán bộ chủ chốt thuộc diện Trung ương quản lý. Những thế lực thù địch đang muốn chĩa mũi nhọn bôi xấu, hạ uy tín hai đồng chí ấy. Ứng xử với hai trường hợp này phải hết sức thận trọng, bởi vì đây là nội dung chủ yêu của công tác bảo vệ nội bộ. Một tổ chức trong sạch vững mạnh không thể có một cá nhân mắc sai lầm khuyết điểm… Con sâu không thể làm rầu nồi canh. Mà canh đây là canh riêu cua, canh dưa chua cá trê nổi váng, dậy mùi nức mũi. Tôi nhắc lại, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo không có nghĩa là bao che, dung túng, mà là giữ gìn uy tín, danh dự của cả hệ thống tổ chức… Tôi mong, và giao nhiệm vụ, với tư cách một cán bộ nòng cốt, đồng chí hãy bảo vệ sự trong sạch của tổ chức như giữ gìn con ngươi của mắt mình…

Sau những lời chỉ thị của đồng chí Phó ban, Là như con chiên bị rút phép thông công. Chẳng còn cách gì cựa quậy, chống phá Lợi. Đã là người của tổ chức là phải biết sống chết bảo vệ nhau. Là đã là đồng chí của Lợi rồi, lại được cấp trên chỉ thị, không được phép phản bội Lợi. Huống chi, Lợi lại là nhân vật quan trọng của tổ chức, dù trong hoàn cảnh nào cũng được tổ chức bảo vệ đến cùng. Cứ nhìn chú Vỹ, gương tày liếp đó, chỉ cần chớm có biểu hiện chống đối tổ chức là ngót chục năm tù như chơi. Anh làm lãnh đạo mà cũng không cứu được em. Bao công lao với kháng chiến đều thành công cốc. Đi tù về thân bại danh liệt. Ngày trước thông minh hoạt bát là thế mà nay như gà phải cáo, chẳng còn ra hồn người.

Là định cáo từ ra về, nhưng nghĩ, chẳng lẽ chưa ra trận đã vội đầu hàng, bèn lấy tờ đơn xin ly hôn mới viết tối qua, trình đồng chí Phó ban:

- Nhưng mà em khổ lắm. Em với anh Lợi không thể sống với nhau được. Em báo cáo với Ban và xin gửi lá đơn này.

***

Lá đơn xin ly dị của Là, cũng như hầu hết những đơn thư khiếu tố Chiến Thắng Lợi, chỉ ngày hôm sau đã nằm trong cặp của Lợi.

Và, như sự tác động dây chuyền, vài hôm sau nữa, vị giáo sư nghiên cứu tiềm năng con người gặp chị Là. Ông khuyên Là nên đến điện cô Hằng.

Cuộc gặp gỡ với người âm, như chiếc chìa khoá, giải toả mọi ghen tuông thù hận, trả lại con người vị tha, nhân hậu, bao dung như bản chất vốn có của Là. Ông Lý Phúc như một quan toà hiện về, nhìn thấu ngõ ngách mấy chục năm trước, nhìn xuyên suốt những năm sau. Ông bảo, nếu Nguyễn Kỳ Khôi lấy Cam thì làm sao ông có hai đứa cháu nội là thằng Chiến Thống Nhất và con Chiến Huyền Ly? Ông bảo, dòng họ Nguyễn Kỳ đã bao năm li tán, nay là lúc phải tụ hợp, rằng vong linh ông sẽ được siêu thoát nếu ông được nhìn thấy anh em, vợ chồng, con cháu hoà thuận, quây quần…

Là đã kể hết với Lợi câu chuyện chị về quê ra mộ thắp hương, xin hòn đất trên mộ để thỉnh ông Lý Phúc đến điện cô Hằng thế nào, ông Lý Phúc hiện về và nói ra sao? Bộ áo giáp chủ nghĩa vô thần của Chiến Thắng Lợi bị những thông tin của Là làm thủng một mảng lớn. Và cơn gió đen duy tâm đang luồn lách trườn qua lỗ thủng ấy, làm ông lạnh buốt xương sống, chân tay nổi da gà. Ông không hề nói với vị giáo sư khoa học tiềm năng con người về ông Lý Phúc, thầy ông, và cái chết của thầy ông. Ông cũng chưa từng gặp cô Hằng. Hay là Là bịa chuyện để lấy cớ tha thứ cho ông?

Mấy ngày liền ông Lợi sống trong tâm trạng hoài nghi nửa tin nửa ngờ. Thầy đã về và đang phù giúp ông giải cái đại hạn mà ông đang mắc phải? Hẳn là như vậy rồi. Như có phép mầu, chỉ một tuần qua, từ khi ông nghe lời vị giáo sư tâm linh, tình hình đã xoay chuyển từng ngày. Hôm qua đồng chí Tư Vuông gọi ông lên và bảo: "Trên sắp có kết luận về cậu. Theo mình là khả quan. Nếu ý kiến của mình được xem xét thì đợt này cấp trên sẽ phê duyệt nhân sự cả trường hợp tay Châu Hà. Hắn mà làm Tổng biên tập báo Văn Chương là mình yên tâm". Lợi như người sống trên mây. Nhiều khi đi như chân không chạm tới đất. Chủ nghĩa vô thần của ông lung lay tận gốc rễ. Ông lặng lẽ thuê người dựng bàn thờ gia tiên, bố mẹ. Ông bù đắp lại cho Là những thua thiệt mất mát, sự thờ ơ rẻ rúng trong mấy chục năm qua. Ông bàn với vợ những trù tính và cuộc sám hối trong ngày giỗ ông Lý Phúc sắp tới.

Lạ thay, bàn thờ vừa làm xong, thì có điện thoại của bà Cam:

- Chín giờ sáng chủ nhật này ông đến chỗ tôi nhé. Có chuyện rất cần tôi muốn bàn với ông. Nhất định phải đến đấy.

Không phải là một cuộc trao đổi bình thường, mà là mệnh lệnh. Ông Lợi hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc hẹn gặp này.

Đúng giờ hẹn, bà Cam đã đứng chờ ông ở cửa. Họ gặp nhau như hai tội phạm đã từng có lúc chung lưng buôn thuốc phiện lậu, nay cùng bị phát giác.

- Tôi đã báo cáo hết với tổ chức rồi và sẵn sàng chịu hình thức kỷ luật cao nhất.

- Tôi cũng vậy. Trong bốn điểm đơn thư nặc danh tố cáo, tôi đã tường trình rõ điểm ba và điểm bốn. Chúng tôi thực sự yêu nhau và đến với nhau một cách chân thành, trong sáng. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi đành phải hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp chung. Chúng tôi nghĩ đây là việc riêng cá nhân và cũng là việc xảy ra trong quá khứ, nên nay tổ chức yêu cầu thì xin thành khẩn trình bày…

- Như vậy là thấu tình đạt lý rồi. Còn chuyện thằng Chu sang Liên Xô học tên lửa?

- Chuyện này hoàn toàn do điều động của tổ chức. Tôi đã mạnh dạn trình bày như vậy vì biết chắc thượng tá Võ Khang đã hy sinh… Tôi nói, thằng cháu Chu hồi ấy luôn là học sinh phổ thông xuất sắc, vì thế Cục Quân lực thấy cần phải đưa cháu đi đào tạo tiếp…

- Thôi được. Anh thành khẩn đến mức như thế mà tổ chức vẫn không tin dùng thì đó là số phận.

- Số phận ư? - ông Lợi bỗng nhìn bà Cam bằng ánh mắt của một người đã bắt đầu ngộ ra rằng cuộc đòi còn có những điều bí hiểm mà ta không cắt nghĩa được.

- Bây giờ đến một việc tối quan trọng mà tôi muốn báo cho anh biết, nhưng không hiểu trong hoàn cảnh này anh đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận chưa?

Bốn mắt họ gặp nhau.

Kỷ niệm ba ngày thần tiên ở Phương Đình bỗng hiện về. Lợi hình dung rất rõ một anh chàng Nguyễn Kỳ Khôi cuồng nhiệt và hăm hở lúc nào cũng bị đôi mất đen đắm đuối dìm cho đến chết. Đôi mắt đen thẳm ngày xưa, giờ đọng đầy nước.

- Cam đã nói với con?

Bà Cam khẽ gật đầu.

- Chu vừa về tận quê đồng chí Lê Thuyết. Và tự nó đã tìm ra sự thật.

- Vậy thì hãy cho tôi gặp con. Đâu? Nó đâu rồi?

Như có phép màu, có tiếng gõ cửa.

Bà Cam chưa kịp nói hết câu: "Chu ơi, bố của con đấy", Chu đã dang rộng vòng tay, ào vào, ôm chầm lấy ông Lợi.

Hai bố con đứng ôm nhau. Hai người đàn ông, người tóc muối tiêu, người tóc còn đen ánh, giống nhau như cùng khuôn đúc. Họ ôm nhau và khóc.

Bà Cam cười mà miệng méo xệch, nước mắt chảy chan hoà. Hơn ba mươi năm tủi nhục, giấu giếm, vụng trộm, thậm chí với con trai mà phải giả dối, thớ lợ…, giờ mới là lúc bà hoàn toàn mãn nguyện khi thấy cảnh châu về Hợp Phố, bố con đã nhận ra nhau.

Chu kéo ông Lợi nhích lên và vòng tay ôm bà Cam lại gần.

- Con đã có cả bố và mẹ. Con sẽ hạnh phúc vô cùng nếu bố mẹ sống bên nhau…

Bà Cam gỡ tay Chu ra.

- Đó là điều không tưởng, vì số phận không cho mẹ nhiều đến thế. Bây giờ, mẹ chỉ còn một mong muốn cuối cùng là làm sao giúp bố con qua khỏi cung đại hạn này.

Cả ông Lợi và Chu cùng ngồi xuống ghế, nhìn bà Cam chờ đợi.

- Đây là quyết định của tôi sau rất nhiều đêm suy nghĩ, dằn vặt - Bà Cam đặt lên bàn những trang giấy do tự tay mình viết. Đơn xin nghỉ hưu. Đơn xin nghỉ sinh hoạt…

- Đừng, Cam, tôi xin em - Lợi vồ lấy những tờ giấy, như không tin ở mắt mình - Sao em lại làm thế? Hãy suy nghĩ lại!

Bà Cam nhìn vào xa xăm, như nói với một ai đó:

- Những lá đơn này là để tôi nhận hết tội lỗi về phần mình. Đồng chí Chiến Thắng Lợi vô tội trong việc này. Vào những năm 1947, 1948 ấy, sau khi đồng chí Lê Thuyết hy sinh, tôi rất hoang mang, bế tắc. Tôi đã lừa đồng chí Nguyễn Kỳ Khôi để xin một đứa con… Đó là điểm tựa tinh thần để an ủi tôi vững tin cống hiến lâu dài cho cách mạng… Tôi không có ý định lấy đồng chí Khôi, vì thế đã chủ động cắt đứt mối liên lạc Nếu những việc làm của tôi là lừa dối tổ chức, không trung thực, thành khẩn, thì tôi xin sẵn sàng chịu kỷ luật cao nhất, tôi xin được khai trừ khỏi tổ chức, xin tình nguyện về hưu… để cho tổ chức được trong sạch vững mạnh…

Ông Lợi cắt ngang:

- Cam không được nộp những lá đơn này lên tổ chức. Cam vẫn còn tuổi công tác và đang giữ những trọng trách… Cam phải nhớ tới lời thề thiêng liêng…

Bà Cam lắc đầu, miệng thoáng cười khinh bạc.

- Với lại đã đến lúc con người ta nghĩ khác rồi… Ai cũng rất cần một khoảng trời tự do… Tôi đã hy sinh quá nhiều cái riêng, cái cá nhân cho cách mạng. Nay là lúc tôi phải sống riêng cho mình. Tham quyền cố vị làm gì, khi mà một chút riêng tư cá nhân cũng bị phanh phui, quy kết, cũng phải giải trình, báo cáo?

Đó là sự đổ vỡ lớn nhất trong đời bà Cam.

Ngày hôm sau, tự tay bà mang đơn lên nộp tổ chức.

Và đúng như bà Cam phán đoán, hành động của bà như Lê Lai liều mình cứu chúa. Ông Lợi không những được gỡ tội mà còn được đề bạt giữ trọng trách Phó ban Cải tạo Công thương.

Cho nên, đám giỗ ông Lý Phúc sẽ mang rất nhiều ý nghĩa.

***

Ngôi biệt thự rợp bóng hoàng lan ở góc phố Lý Thường Kiệt, kể từ ngày vợ chồng con cái ông Lợi dọn đến ở, hôm nay, lần đầu tiên, mới có cuộc hội ngộ đông vui như thế.

Ngay từ sáng sớm, ba mẹ con Khiêm, ba mẹ con Là đã tíu tít chợ búa, chuẩn bị làm cỗ. Sự xuất hiện của mẹ con Khiêm, khiến đám giỗ có ngay không khí tưng bừng, trang trọng của một ngày lễ hội. Hai mẹ con, như hai chị em, rực rỡ và đài các, quý phái. Tuyệt vời nhất là Trinh Mai. Dáng thanh cao, nước da trắng mịn, mắt đen như nhung, môi tươi như đoá trà. Cô đẹp rực rỡ, như bông hồng vàng trong truyện của Pautôpxki. Sự xuất hiện của cô, ngay từ đầu đã làm mê mẩn cô bé Chiên Huyền Ly, đến nỗi cô bé cứ ngơ ngẩn đi quanh mà nhìn ngắm, mà trầm trồ:

- Chị Mai, chị giống như Bạch Tuyết trong truyện "Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn".

- Ê, chị Ly, lộn xộn. Chị phải gọi Mai là em, rõ chưa? - Mai thơm vào bên má phính của cô bé, cười thích thú, chỉ ông anh họ - Thế còn anh Chiến Thống Nhất, trông có giống anh chàng Pie Bêdukhốp trong tiểu thuyết "Chiến tranh và Hoà bình" của văn hào Lép Tônxtôi không?

- Giống quá - Phong vỗ tay, reo to - Pie Bêdukhốp.

Cả Phong và Ly cùng nhìn Nhất và ôm bụng cười ngặt nghẽo. Đúng là anh chàng ngố Bêdukhốp, mà chúng đã gặp trong phim. Chiến Thống Nhất giờ đã là chàng sinh viên năm cuối trường Đại học Giao thông, cao to, mặt béo bệu, kính cận bốn điệp, giọng ồ ồ như vịt đực. Nhìn Nhất lóng ngóng gọt khoai tây, su hào, chẳng ai nhịn được cười.

- Chị Mai này - Ly vẫn không thể quen gọi em xưng chị vì ngượng lắm - Mẹ Là bảo Ly với Mai là chị em con chú con bác ruột, thế sao họ Mai là Nguyễn, còn họ Ly lại là Chiến?

Mai ngẩn người, một lúc mới nghĩ ra cách giảng giải:

- Vì bố chị Ly là quan, còn bố em là phó thường dân. Họ của quan thì phải khác dân. Ví như đức ông Lý Thường Kiệt, được đặt tên đường phố mà chị Ly đang ở đây này. Ông vốn có tên cha mẹ đặt cho là Ngô Tuấn, quê ở ven Hồ Tây. Vì ông quá tài giỏi giúp vua Lý đánh giặc, nên được ban họ vua, được đổi tên là Lý Thường Kiệt.

- Ly ứ thích họ Chiến. Một mình một họ chán lắm. Ly chỉ thích họ Nguyễn Kỳ. Này, chị Mai này, mẹ Là bảo Ly còn có một anh trai, trên cả anh Nhất nữa cơ… - Ly ghé tai Mai thì thào chuyện gì đó có vẻ cực kỳ bí mật…

- Em cũng đang chờ đợi… - Mai gật đầu lia lịa ra vẻ rất thích thú khi sắp được chứng kiến một sự kiện trọng đại - Chị Ly này, họ Nguyễn Kỳ nhà mình có nhiều chuyện rất chỉ là… kỳ. Ông nội chúng mình ngộ ghê cơ. Ai lại đặt tên con là Nguyễn Kỳ Cục - Đang nói Mai bỗng ôm miệng nhìn ra cổng.

Một người đàn ông. đội mũ cối, vai đeo bị gạo, tay xách chiếc lồng nhốt hai con gà trống, đang tập tễnh đi vào.

- Chết em rồi. Chú Cục thiêng thế. Vừa nhắc đến đã xuất hiện.

- Ối giời! Tôi đã bảo chú ra không thôi kia mà - Bà Là trách móc một cách thân tình - Khổ. Nhìn tủ lạnh Saratôp nhà tôi trong kia xem có thiếu thứ gì không? Bày vẽ gạo đỗ gà qué ra cho nó khổ cái thân…

Khiêm từ trong bếp ló ra, gương mặt đỏ hồng vì lửa.

- Chào ông phó chủ nhiệm hợp tác. Gà chăn nuôi hay là mua ngoài chợ Đồng Xuân đấy? Kìa, hai chị em con Mai, con Ly đâu, ra xách gà cho chú đi.

- Thế thím Nhi với các cháu đâu? Cái Ruộng, cái đất, cái Hợp thằng Tác đâu? Sao không cho chúng nó ra hết cả ngoài này? - Là nhìn tuốt ra ngoài cổng - Nhà tôi đã dặn chú giỗ thầy năm nay là cuộc họp mặt đại gia đình, phải cho cả nhà ra ngoài này kia mà.

- Nhà em phải ở nhà chuẩn bị mai em về cúng giỗ thầy, chứ kéo ra hết ngoài này đâu có được. Giỗ ngoài bác cả cũng chỉ là giỗ vọng. Bà nhắn về, bảo thế. Bà dặn phải cúng giỗ thầy ở nhà thờ đúng ngày mai. Trong Sài Gòn trưa mai bà với bác Vọng cũng giỗ vọng thầy. Nhà em hôm nay phải đi xay yến nếp cái hoa vàng để mai đồ xôi. Các cháu bác đứa đi cắm trại với nhà trường, đứa ra đồng trông đàn vịt với cô Hậu. Từ ngày bà vào Sài Gòn với bác Vọng, bí người lắm.

- Các cụ đã bảo rồi. Một mẹ già bằng ba người ở! Bà vào trong kia, cũng là đi ở trông nhà cho chú Vọng.

- Vợ chồng em đang tính, phải đón bà em về.

- Thôi. Hoa thơm mỗi người ngửi một tí - Là có vẻ chao chát - Bà về cũng không đến lượt chú thím. Vợ chồng tôi là con trưởng, cũng phải để cho chúng tôi được báo hiếu mẹ một chút chứ…

- Vâng, thì sau anh Vọng sẽ là bác cả rồi bác hai. Nhưng em cam đoan là bà chỉ thích ở với vợ chồng em… Nào, có việc gì em phụ một tay…

- Việc gì? Cừ để đàn bà con gái chúng tôi. Chú rửa mặt mũi chân tay rồi lên trên nhà với anh. Có cả chú Vỹ ở trên ấy. Anh em tha hồ mà hàn huyên với nhau…

Trên nhà, tức là tầng gác hai, nơi sẽ diễn ra lễ cúng giỗ ông Lý Phúc, anh em ông Lợi, ông Vỹ, như hai cái bóng, mỗi người một góc nhà.

Suốt từ lúc đến nhà anh trai, ông Vỹ hầu như chỉ im lặng. Ngôi nhà sang trọng này quá lạ lẫm đối với ông. Đầu tiên là ông đi vòng quanh, ngắm nghía, sờ mó những đồ vật, ngó nghiêng phòng ngủ, toa lét, hành lang, y như một bác nông dân lần đầu ra tỉnh. Quan cách mạng có khác. Khác hẳn người thường. Riêng một chiếc tủ cổ lồng kính trưng bày những huy chương, huân chương, bằng khen, những đồ lưu niệm của các nước Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Lào, Triều Tiên, Cuba… đủ thấy chủ nhân đã đặt chân lên hầu khắp các vùng trái đất. Điểm dừng sau cùng là bộ bàn thờ. Ông đứng ngắm như nhà đạo diễn tổng duyệt bài trí sân khấu, rồi sắp xếp điều chỉnh lại từng đồ thờ cúng. Tiếp đó, ông lấy từ chiếc làn nhựa ra nải chuối, chai rượu chanh, ba thẻ hương, mà Khiêm sắm từ hôm qua trịnh trọng đặt lên giữa ban thờ. Khói hương vấn vít trên mái tóc như sương, ông Vỹ đứng lặng phắc như nhập thiền trước bài vị người cha quá cố gần tiếng đồng hồ.

Vóc dáng tiều tuỵ và vẻ mặt vô cảm, nhẫn nhục, cùng mọi động thái có vẻ như lẩn thẩn của em trai, đều không qua con mắt bao quát, dò xét của ông Lợi. Ông bỗng động làng trắc ẩn và thấy như chính mình có lỗi. Đúng là bẩy năm trong trại cải tạo đã biến Vỹ trở thành một người khác. Đầu óc, sức khoẻ có vấn đề. Giờ thì Vỹ chẳng còn gì nguy hiểm đến an ninh quốc gia sự an toàn của thể chế, mà bản thân Vỹ cũng chẳng còn có ích gì cho mình và cho gia đình. Đó là nguy kịch mà chính ông Lợi, anh em máu mủ ruột rà sẽ phải gánh chịu. Ông trách mình đã không kịp thời can thiệp. Mải mê với địa vị, quyền lợi của mình, ông đã thờ ơ, đã nhẫn tâm… Rồi Vỹ sẽ sống ra sao, nếu bệnh tật và những áp lực tinh thần đã tích tụ mấy năm qua bùng phát? Vợ chồng con cái Vỹ sẽ sống thế nào, khi tất cả thu nhập đều chỉ trông cậy vào đồng lương và việc dạy thêm của Khiêm? Đã gần hết năm rồi mà mọi chế độ tiêu chuẩn của Vỹ vẫn chưa giải quyết được. Mấy chục đồng bạc một tháng hoặc một chân cán sự quèn ở một cơ quan, mà cứ như quả bóng đá đi đá lại bao nhiêu cửa. Người ta vẫn cứ muốn hành hạ Vỹ, lấy miếng cơm manh áo, sự mưu sinh tầm thường để làm nhục kẻ sỹ. Giá không vướng những đơn thư yếu tố thì Lợi sẽ can thiệp cho Vỹ. Nhưng ông đang trong tình trạng há miệng mắc quai, ốc còn không mang nổi mình ốc. Đành lại đế Châu Hà và đám bạn bè văn chương giúp Vỹ.

Một câu hỏi như những nhát búa cứ nhói lên trong đầu Lợi: người giúp Vỹ ra khỏi K27, rồi đang đôn đáo lo quyền lợi, đời ông cho Vỹ, sao không phải là ông, mà là nhà văn Châu Hà?

Không phải lúc này, ở đây, mà là suốt mấy tháng nay, kể tư khi Vỹ ra tù, câu hỏi này đã gõ vào đầu ông nhức buốt. Bây giờ, đối diện với Vỹ, câu hỏi càng nhức buốt. Nó khiến ông không dám dàn mặt với em trai, không dám nhìn thẳng vào mắt Vỹ. Bây giờ thì ông đã thành phạm nhân và Vỹ thành quản giáo. Vỹ im lặng vì bệnh trầm cảm, bệnh Alzheimer, hay Vỹ đang khinh bỉ?

Lợi chạy xuống nhà bảo vợ đưa chìa khoá tủ, rồi tự tay ông lấy hai lạng cao hổ cốt, một hộp nhân sâm Cao Ly dúi vào tay Vỹ.

- Chú cầm lấy mấy thứ này về bồi dưỡng. sức khoẻ. Tôi thấy chú yếu lắm.

- Em xin bác - Vỹ ngửa lòng bàn tay, nhìn chằm chằm vào ông anh trai. Tự nhiên, ông bỗng thấy sao chiếc mũi của ông anh trai lại dài ra và khoằm lại như mỏ quạ. Rồi bộ mặt ông Lợi bỗng biến thành bộ mặt ông mũi khoằm đeo băng đỏ trong đồn công an ngày nào. Vỹ hốt hoảng đưa lại lạng cao và hộp sâm cho ông Lợi.

- Coi như em đã nhận. Em gửi bác giữ hộ.

- Kìa chú. Chú cầm về để bồi dưỡng…

Vỹ quay lại, đặt mọi thứ lên ban thờ. Rồi lại đang lầm rầm khấn vái.

Rất may, sự xuất hiện của Cục đã phá vỡ không khí nặng nề. Lợi xoắn lấy Cục hói thăm về tình hình trong quê, về mùa màng, khoán sản… Còn Vỹ thì chỉ ngồi nhìn Cục đầy âu yếm, như cậu học trò Vỹ thường ngắm nhìn hai đứa em Cục và Vện chơi bi, chơi đáo ngày xưa. Thấy Cục mở gói thuốc lào, Vỹ liền xăng xái đi tìm chiếc điếu cày. Tìm mãi không thấy, tự tay Vỹ kiếm giấy báo vấn cho Cục một chiếc điếu thật dài. Cỗ cúng đã xong và được "anh chàng Bêdukhốp", với sự trợ giúp của Mai, Phong và Ly, lễ mễ bưng lên, đặt trên cái bàn kê dưới ban thờ. Một con gà trống thiến, mỏ vểnh cao, ngậm bông hồng, luộc vàng ươm, nằm bên đĩa xôi đỗ lớn choán gần hết chiếc mâm đồng. Tiếp đó là một mâm cỗ cúng nghi ngút khói với các đĩa, các bát giò nem ninh mọc, đặc chất ẩm thực Hà Nội mà chỉ có tài nữ công gia chánh điêu luyện mới làm nổi. Đây là những nghi thức, thủ tục rất trang trọng do chính cô giáo Khiêm đạo diễn. Đến lượt ông Lợi cũng trịnh trọng không kém. Ông thay bộ đồ mới, khoác áo đại cán, thắp đủ ba tuần hương, rót rượu rồi lầm rầm khấn vái. Lần đầu tiên trong đời, không phải do một ai đó, một tổ chức nào đó tác động, chỉ đạo, tự ông làm một cách tự nguyện những công việc trang nghiêm, thành kính và thiêng liêng như thế.

Bà Là từ dưới nhà đi lên, dáng bồn chồn hết nhìn đồng hồ lại ngóng ra cổng. Đợi ông Lợi cúng xong, bà lo lắng đến bên chồng.

- Anh có hẹn đúng ngày giờ không? Sao giờ này vẫn chưa thấy đến? Nghe nói tướng Quảng Lạc ở mặt trận Cămpuchia chưa về?

Ông Lợi còn sốt ruột hơn cả vợ. Lòng ông như lửa đốt. Đúng là ông có nghe tin tướng Quảng Lạc vừa từ mặt trận biên giới phía Bắc bay sang mặt trận Tây Nam. Nhưng nhân vật chính mà ông chờ đợi hôm nay đâu có phụ thuộc gì vào ông tướng ấy? Lê Kỳ Chu, con trai cả của ông, cháu đích tôn của người đang ngồi trên ban thờ hương khói nghi ngút kia, mới là trung tâm của ngày trọng đại này. Đám giỗ mà ông kỳ công sắp đặt, chỉ dành riêng cho những người ruột thịt, chính là dịp để ông kính cáo với tổ tiên, với thầy u ông, cho vợ chồng Lê Kỳ Chu và con trai về nhận cha, nhận họ. Mọi kế hoạch đã được ông trù tính kỹ. Ông đã bàn bạc cả với hai vợ chồng nó.

Người ngoại tộc duy nhất được ông mời hôm nay là cụ Ba Yên và vợ chồng tướng Quảng Lạc, với danh nghĩa thông gia. Cụ Ba Yên xin kiếu vì sức khoẻ yếu. Ông cũng đã bàn với vợ về trường hợp bà Cam. Là tỏ ra rộng lượng, cứ mời. Nhưng ông gạt đi. Tất nhiên, nếu mời bà Cam cũng không đến.

Có tiếng còi xe ô tô ngoài cổng. Chiếc Uoat đầy bụi đường trường vừa dừng, tướng Quảng Lạc, trong bộ quân phục còn nguyên nếp gấp, mũ mềm gắn sao, từ trên xe bước xuống. Theo sau vị tướng lừng danh là cô giáo Linh, con gái ông, cùng Lê Kỳ Chu, con rể, và thằng cháu ngoại.

Cả nhà cùng ào ra cổng đón khách. Ai cũng dồn mắt vào chàng trai cao lớn mặc bộ complê như chú rể đi cạnh vợ và con trai. Nhác trông đã biết ngay là con trai ông Lợi, không lẫn vào đâu được. Người ta có thể nghi ngờ Chiến Thống Nhất, chứ chẳng ai nghi ngờ Lê Kỳ Chu. Là và Khiêm cùng dang tay ra ôm thằng cháu đích tôn.

Thằng bé cười khanh khách khi bà Là cứ day mũi vào chim nó.

Cô bé Ly ghé tai Mai:

- Giống cực kỳ. Chỉ có bố Kỳ Khôi mới sinh nổi con Kỳ Chu.

Rồi cô bé chạy vào trong nhà ôm một bó hoa lớn đã chuẩn bị sẵn, bẽn lẽn đi đến trước vợ chồng anh trai.

- Xin lỗi cả nhà, vì phải chờ đợi lâu - Tướng Quảng Lạc hồ hởi bắt tay từng người, với tác phong dứt khoát của một quân nhân - Lẽ ra vợ chồng cháu Chu, Linh và thằng cu Ti phải đến sớm, nhưng các cháu cứ nấn ná chờ tôi về. Vừa xuống sân bay, tôi chỉ kịp qua nhà đón các cháu rồi đến đây ngay.

Khi bắt tay Vỹ, ông dừng hơi lâu.

- Tôi đọc và nghe nói về ông đã lâu, nhưng hôm nay mới có hân hạnh gặp. Sẽ hẹn đến thăm cả hai ông bà.

Không khí chiến trường, tình hình thời cuộc theo chân ông tướng ùa vào phòng khách. Người háo hức chờ đợi nhất là Cục. Thằng Cách, con trai thứ ba của ông đang ở chiến trường Campuchia. Cục tin rằng vừa rồi thể nào ông tướng cũng gặp thằng Cách ở bên đó.

- Phải xác định cháu nó còn phải ở đất bạn lâu dài - ông tướng nói - Tình hình phức tạp lắm. Tàn quân Pônpốt rút vào rừng đánh du kích. Nó dùng sở trường của ta để đánh lại ta mới gay chứ. Vật nhau với thằng Pônpốt keo này mất nhiều thời gian, xương máu lắm đây…

- Nghe đài BBC nói, ta bị thế giới phản đối về vụ Campuchia này lắm - ông Cục nói.

- Thế mới gay. Mình sa lầy nhưng vẫn không thể rút chân ra được - ông tướng thở dài. Không hiểu ông thở dài vì sự không rút chân ra được hay vì ông thấy mình không còn nhiều thời gian…

Đúng lúc ấy thì ông tướng bỗng giật mình, khi con gái ghé tai nói nhỏ điều gì. Ông kéo tay Cục và Vỹ cùng lên nhà trên. Trước ban thờ, ông Lợi và Chu, đứng cạnh nhau, giống nhau như hai giọt nước. Cạnh họ là hai mẹ con cô giáo Linh.

Giọng ông Lợi nghiêm trang và xúc động, như một nguyên thủ đọc diễn văn trước đám đông:

Kính thưa đồng chí thiếu tướng Quảng Lạc, thân sinh của con Quản Thị Linh, nhạc phụ của con Lê Kỳ Chu, ông ngoại của cháu Lê Kỳ Châu. Thưa chú Nguyễn Kỳ Vỹ và thím Đào Trinh Khiêm. Thưa chú Nguyễn Kỳ Quặc. Thưa bà Ma Thị Là, vợ tôi, cùng các con cháu trong gia tộc Nguyễn Kỳ - Hôm nay là một ngày trọng đại của gia đình. Nhân ngày ky nhật của thầy tôi, vợ chồng chúng tôi có lưng cơm, nén nhang tưởng nhớ thầy tôi và kính báo với thầy tôi cùng gia tiên dòng họ Nguyễn Kỳ một sự kiện quan trọng. Tôi, tên thật là Nguyễn Kỳ Khôi, bí danh cách mạng là Chiến Thắng Lợi, có con trai là Lê Kỳ Chu, sinh ngày… tháng… năm… Do hoàn cảnh kháng chiến, bố con tôi đã thất lạc nhau hơn ba mươi năm. Nay nhờ ân huệ tổ tiên, bố con tôi đã tìm thấy nhau. Vậy hôm nay, trước vong linh tiên tổ, vong linh thầy, xin cho vợ chồng con cái Lê Kỳ Chu sửa lễ mọn bái yết gia tiên, ông nội, và từ nay xin nhận bà nội, bố mẹ, các chú thím, các em và họ hàng nội ngoại chi họ Nguyễn Kỳ…

Mâm đồ lễ nhận cha nhận họ đã được vợ chồng Chu chuẩn bị sẵn mang theo xe ô tô, giờ được Nhất và Mai bưng lên đặt trên ban thờ. Vợ chồng Chu, Linh như cặp tân hôn ngày lễ gia tiên, cùng quỳ trước ban thờ cầu khấn.

Lễ nhận họ xong, Chu đứng lên, tiến đến trước mặt ông Lợi. Anh như đổ vào ngực người cha.

- Bố ơi, sao bố không nói với mọi người về mẹ con? - Chu bỗng oà khóc - Sao bố không mời mẹ Đào Thị Cam của con đến đây? Không có mẹ Cam, làm sao con có cuộc hội ngộ này?

Cũng lúc ấy, như có luồng sáng nóng bỏng sau gáy, Chu vội quay lại.

Chu nhận ra đôi mắt Cục đang nhìn anh với ánh mắt thật khác lạ ánh nhìn ấy, như sự sắp đặt của định mệnh, mãi hơn hai mươi năm sau, Chu mới giải mã được.

<< Chương 22 | Chương 24 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 782

Return to top