Con Cục đưa bà Cử Phúc về quê rồi mà mấy hôm sau vẫn chưa kịp hoàn hồn vì chuyến tàu khủng khiếp.
Con tàu Thống Nhất phải dừng lại ga Mường Mán một ngày vì tàu vào trật bánh ở gần ga Diêu Trì, gây ùn tắc cả tuyến. Như cuộc trường chinh không mệt mỏi, những chuyến tàu ra vẫn kìn kìn chở gạo, hoa quả, vải vóc, nước mắm, bột ngọt, khung xe đạp, hàng điện tử phế thải và búp bê… Ba chuyến tàu ra nối đuôi nhau chờ đợi suốt từ Nha Trang vào đến Phan Thiết. Sự nghèo khổ, thiếu thốn của nửa nước phía bắc không giấu giếm nổi trên tuyến đường sắt xuyên Việt.
Sân ga Mường Mán trở thành một bãi phóng uế khổng lồ, một cái chợ tạm vĩ đại với đủ loại dịch vụ từ ăn uống, tắm rửa, trao đổi, buôn bán, chửi bới, cãi lộn. Trẻ con kêu khóc như ri. Đủ thứ rác rưởi, giấy báo, đồ lót vứt đầy sân ga, đường ray. Nước đái dềnh lên từng vũng. Phân người vung vãi khắp nơi. Mùi dơ dáy phải đào thải của cả ngàn con người dồn tụ trong một không gian tù hãm chật hẹp… Bà Cử Phúc mấy lần suýt ngất xỉu vì khát, vì cố nhịn không dám đại tiểu tiện, cuối cùng không đừng được, đã phịch hết ra quần. Bố con Cục vừa phải giải quyết hậu quả, vừa phân công nhau canh chiếc ba lô, hai đêm liền không dám ngủ. Nhiều người réo trưởng tàu, réo lãnh đạo đường sắt chửi rủa thậm tệ. Có ông chửi thề: "Đ. mẹ. Tàu Thống Nhất đéo gì. Ông mà còn đi con tàu này nữa thì ông chỉ là con chó".
Về đến Hà Nội mới biết mình vẫn còn là người. Trong thời gian ở chơi ba ngày với vợ chồng bác Vỹ, mấy lần Cách năn nỉ nói với bố được mở gói bọc của bác Vọng, nhưng Cục không nghe. Chỉ đến khi về đến nhà, hai bố con mới vào buồng, đóng chặt cửa, rồi hệt như cha con Quan Công thời Tam quốc, đến Phàn Thành mới mở bọc hồ lô của Khổng Minh xem Gia Cát Lượng dặn gì.
Hai bố con cùng toá hết mồ hôi. Những lá vàng hình chữ nhật nhỏ chừng bao diêm, chói loá, tưởng như trong mơ.
Cách thì thào:
- Hồi bên Cămpuchia, con cũng thấy anh trung đội trưởng đơn vị có những miếng vàng lá thế này. Anh ấy lấy trong ruột tượng Phật ở một ngôi chùa. Hôm sau anh ấy lại vào một ngôi chùa khác, nhưng không thấy ra. Nghe nói bọn Khơme Đỏ đã chặt đầu anh, lấy lại số vàng. Người ta bảo, nhặt được vàng là độc lắm.
- Vàng này khác. Đây là mồ hôi nước mắt của bác Vọng. Cả đời bác Vọng chỉ biết học hành, đỗ đạt. Người tài như bác Vọng trong ngành giao thông cầu đường nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày trước, lương một tháng của bác ấy hàng chục cây vàng. Một vài năm là đủ sắm xe hơi nhà lầu. Con đọc thư xem bác Vọng dặn thế nào.
Cục đưa cho Cách lá thư của Vọng kẹp giữa những lá vàng.
"U vô vàn kính yêu.
Các anh chị Khôi, Vỹ, chú thím Quặc và các cháu thương mến.
Khi u và đại gia đình ta đọc lá thư này, thì con trai của u, đứa con bất hiếu, vong bàn của chi họ Nguyễn Kỳ, đang lênh đênh trên biển cả. Biết đâu, đây là cuộc vĩnh biệt. Nếu số phận run rủi, có thể Vọng sẽ sống sót. Bằng không thì coi như Vọng đã làm mồi cho cá biển. Và ngày ra đi sẽ là ngày giỗ".
Đọc mấy dòng, Cách đã cắn phải lưỡi đau điếng. Anh dừng lại gọi với ra nhà ngoài:
- Bà ơi…
Nhưng Cục đã lấy tay bịt miệng con lại.
- Đừng. Bà không chịu nổi đâu. Phải giữ kín chuyện này. Con đọc tiếp đi.
"Số vàng này do vợ chồng con mấy chục năm dành dụm. Nay gửi u hai cây để u an dưỡng tuổi già. Con gửi ba gia đình anh Khôi, chị Là, anh Vỹ chị Khiêm, chú Quặc thím Nhi, mỗi gia đình một cây. Riêng em Hậu một cây. Còn lại, mẹ nói chú Cục giữ để chuộc lại phần đất và nhà của Nguyễn Kỳ Viên mà các gia đình bần cố nông đã tịch thu hồi cải cách. Nếu vẫn còn tiền thì xây mộ cho thầy và sửa sang lại nhà thờ chi họ Nguyễn Kỳ…"
***
Người đầu tiên không kịp hưởng số vàng của Vọng để lại là bà Cử Phúc. Biết tin con trai vượt biên, bà bỏ ăn ba ngày, ốm liệt giường ba tuân, rồi mất.
Đợi hết trăm ngày bà Cử Phúc, vợ chồng Cục mới đưa lá thư và số vàng ra báo cáo với vợ chồng bác Lợi bác Vỹ.
Ông Lợi gạt phắt, không thèm nhận cây vàng Vọng gửi tặng. Việc Vọng vượt biên là một cú đòn đau điếng giáng xuống sự nghiệp chính trị của Lợi. Vừa thoát khỏi vụ đơn thư khiếu tố chuyện mẹ con bà Cam, Chu, giờ lại phải tường trình báo cáo với Trung ương về Vọng. Có kẻ kiếm chuyện còn vu cho ông xui em trai vượt biên để chiếm ngôi biệt thự. Có kẻ vu cho Vọng mang theo nhiều tài liệu mật về hệ thống cầu đường miền Nam để bán cho Mỹ… Ông Lợi căm Vọng, nhiều đêm nằm không ngủ, khí uất rực tràn ruột. Bà Cử mất, ông về cho phải phép, chứ ông đã chán ngấy phải dính líu đến mấy ông con bà vợ hai của bố ông đến tận cổ.
Vỹ cầm lá vàng giơ lên ngắm nghía rất lâu, cái mặt phù thũng đần ra, tựa như lần đầu trong đời ông nhìn thấy thứ kim loại kì lạ, rồi không nói gì, đưa lại cho Cục.
- Vợ chồng chúng tôi coi như đã nhận - Khiêm hiểu được ý chồng, diễn giải - Chú thím cầm lấy để xây mộ cho thầy u.
Cục nhìn cái đầu hói, mấy sợi tóc lơ phơ bết xuống trán khiến khuôn mặt Vỹ vốn đã bung bủng vàng thêm bì bì một vẻ đần độn, nghĩ thương ông anh trai đến thắt lòng. Hoàn cảnh gia đình Vỹ so với vợ chồng Cục, còn khó khăn hơn nhiều. Vỹ không còn đủ sức làm việc, phải về chế độ một cục. Nghe nói cũng là nhờ công bác Lợi với mấy nhà văn bạn bè, chứ diện chống đối, phản động, phải đi cải tạo như Vỹ, không mất quyền công dân, lại được tính thâm niên công tác để hưởng tiền về mất sức, là nhà nước quá ưu ái, nhân đạo. Lại nhớ cái hôm bố con Cục đưa bà Cử Phúc từ Sài Gòn ra. Bà cụ Ba Yên đang ngồi gò tấm lưng còng xuống cái mẹt bày dăm đôi dép nhựa, đáng giá nhất là đôi dép nhựa trắng Tiền Phong, thấy có tiếng chân người, Cách lại mặc quân phục, bà cụ cứ tưởng công an thuế vụ đuổi, liền quáng quàng vơ mấy đôi dép chạy, vấp ngã, máu me đầy mặt. Khổ, lưng còng, tai điếc mà cụ Ba Yên vẫn tham công tiếc việc. Bà cụ có trợ cấp liệt sĩ của cậu Khánh, nhưng thương vợ chồng Khiêm và hai đứa cháu, vẫn muốn buôn bán nhì nhằng kiếm thêm đồng rau, quả trứng. Đến khi vào tới nhà, nhìn ông Vỹ đang nửa nằm sấp, nửa quì lom khom trước một cái mông thâm xì, mụn ghẻ như hoa gấm của một bệnh nhân trĩ, bà Cử bỗng khóc rống lên. Từ ngày Vỹ đi cải tạo về, bây giờ mẹ con mới gặp nhau. Bà Cử ôm chầm lấy con trai, không thể nhận ra cái bộ mặt phù thũng lơ phơ tóc, cái đôi mắt với đôi con ngươi bạc phếch đờ đẫn kia lại là cậu hai Vỹ thông minh đĩnh ngộ của bà. "Ối con ơi, vì sao ra nông nỗi này"? Tiếng kêu của bà Cử làm bố con Cục cũng khóc theo.
- Nhà em chỉ biết chuyển quà của bác Vọng - Nhi kiên quyết dúi cây vàng vào tay Khiêm - Các bác không cầm, chúng em có tội với bác Vọng.
- Tôi với nhà tôi coi như đã nhận rồi. Đây là chúng tôi góp để xây mộ thầy u với sửa sang nhà thờ - Khiêm còn kiên quyết hơn. Cái máu sỹ tiểu tư sản trí thức của vợ chồng Khiêm làm sao Cục lay chuyển nổi.
- Đến chán cho vợ chồng hai ông anh - Nhi nói với Cục khi cánh Hà Nội đã về - Chuyện gia đình mà các ông bà ấy cứ khoán trắng cho vợ chồng mình. Đã thế để tôi lo. Tôi sẽ chuộc lại hết phần đất và nhà cũ của thầy u, còn bao nhiêu đổi thành tiền gửi tiết kiệm. Đợi khi nào bác Vọng về, bác ấy khắc xây!
- Bác Vọng làm mồi cho cá biển rồi - Cục nói như thở hắt ra.
- Phỉ phui cái mồm nhà ông. Ai bảo ông thế?
Cục vào lục ngăn tủ, lấy ra một tờ báo nhàu nát, đưa cho Nhi.
- Báo này bác Là mang về cho tôi đấy. Công an người ta gặp bác Lợi xác nhận con tàu đăng trên báo là tàu vượt biên của bác Vọng. Đúng cái hôm bố con tôi và bà kẹt tàu hoả ở ga Mường Mán. Thảo nào hôm ấy bà thì ngất, miệng nôn trôn tháo, còn tôi thì máy mắt liên tục. Con tàu của bác Vọng vượt biên từ Vũng Tàu, ra đến hải phận quốc tế thì bị bọn hải tặc trực sẵn, xông lên tàu cướp của. Chúng quẳng hết trẻ con người già xuống biển, giết hết đàn ông, thi nhau hãm hiếp đàn bà con gái.
- Khiếp quá ông làm tôi sởn hết da gà…
- Thì báo người ta viết thế. Tôi bịa thế nào được.
- Thế còn cái nhà? To vật vã ba bốn tầng như thế, giờ ai ở?
- Bác Là bảo, sau khi biết bác Vọng vượt biên, bác Lợi phải bay vào ngay. Hoá ra tay Hào với cô Xoan bàn nhau lừa bác Vọng để chiếm ngôi biệt thự. Tôi biết hai người này. Ngày bà ở trong ấy cứ thì thụt đến, anh em, mẹ con, ngọt xớt. Bà muốn bác Vọng lấy cô Xoan để khỏi vượt biên. Nhưng tôi liếc mắt thấy ngay ông Hào với cô Xoan có tình ý với nhau. Tôi chỉ lo bác Vọng nhà mình bị ăn quả lừa. Y như rằng họ đã nhắm ngôi nhà bác Vọng từ lâu…
- Thế bác Lợi chịu để yên à? Chức vụ quyền hành như bác ấy đời nào chịu để mất ngôi nhà?
- Thì bác Lợi đã bay vào giải quyết…Trong họ nhà mình, còn ai có chức quyền, lại khôn ngoan lọc lõi, bằng bác Lợi?
- Thôi, mẹ cái Đất cứ lo cho tôi chuyện đất cát từ đường như bác Vọng đã dặn. Vạn nhất mà bác Vọng xấu số không về thì vong linh bác cũng phù hộ cho…
Rất may, vào đúng dịp ấy, làng Động có một chiến dịch di dân tự do vào vùng cao su Sông Bé và vùng cà phê Lâm Đồng.
Lần đầu tiên, nhiều người làng Động nhận ra cái làng của họ quá chật. Xưa kia, cáo chết ba năm còn quay đầu về núi. Người làng Động dù đi đông đi tây, nửa đời, hoặc cuối đời vẫn bằng mọi cách tìm về làng, sửa lại nếp nhà, chăm tiếp mảnh vườn, rồi chí thú sống với chúng, chết với chúng. Nhưng đến đận này thì khác hẳn. Sau những trận đói vàng mắt, những vụ thu hoạch của hợp tác xã mà người đi quét lúa rơi, đi mót lúa sót, nhiều hơn cả người đi gặt, người ta chán ngấy ruộng đồng, bỏ đi buôn, bỏ ra Hà Nội làm người ở, phu hồ, buôn ve chai… Vụ Chỉ thị 100, cho nông nghiệp cả nước khoán sản phẩm, kéo được vài gia đình trở về. Nhưng nhận dăm sào ruộng khoán, cũng cầm bằng như làm thuê. Trừ công cày bừa, giống, phân, thuốc trừ sâu, thuỷ lợi phí, thuế nông nghiệp, tiền cho ban quản trị đãi khách, họp hành… mỗi sào còn được đăm chục cân. Rõ là ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai. Cá năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cái bồ vẫn trống rỗng.
Thế nên nói như Ngạnh Vẩu: Tam thập lục kế, tấu vi thương sách. Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn. Cái anh chàng nhà quê một cục mà giờ học được ở đâu ba chữ Hán, ra ve thâm nho. Lại chuồn ngay chính trên quê hương mình, mới ngược mớ đời.
Số là Ngạnh Vẩu, sau mấy năm đi bộ đội, về phục viên, được cơ cấu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Vụ làng Động khoán chui năm 1979, do Ngạnh Vẩu chỉ đạo, bị đài báo phanh phui, cả bộ sậu lãnh đạo địa phương, trong đó có cả Nguyễn Kỳ Quặc, phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi, bị huyện kỷ luật.
Chán quá, Ngạnh Vẩu bỏ làng vào Sông Bé chơi với một người bạn trước cùng quân ngũ, nay đang làm công đoàn nông trường cao su Phú Riềng. Hai tháng sau Ngạnh trở về quê, bán thốc bán tháo nhà cửa vườn tược, đưa vợ con vào Phước Long lập nghiệp.
Ngạnh tuyên bố xanh rì: "Thì ra, ngày học phổ thông mình từng nghe: Cao su đi dễ khó về. Khi đi trai tráng khi về bủng beo… Rồi, Bán thân đổi lấy đồng xu. Thịt xương vùi xác cao su mấy tầng… Toàn là lối tuyên truyền lấy được. Ngày xưa thì ở đâu chẳng sốt rét, thương hàn? Cánh thợ xẻ làng Động chết vì ngã nước trên Võ Nhai, Đại Từ hàng đống đấy thôi. Lử khử lừ khừ, chẳng Đại Từ thì cũng Võ Nhai, là gì? Trong Sông Bé cơ man nào là đất. Làm ba tháng, sống cả năm. Dễ sống bằng vạn cái làng Động nhà mình. Mười ba gia đình, bỏ làng theo Ngạnh Vẩu vào Sông Bé.
Tám gia đình khác theo Cu Sộp vào Lâm Đồng. Vợ chồng, con cái từng dây từng đống, chồng ba lô, bao tải, vợ tay nải, quang sọt, con cái đứa lớn cõng đứa bé, đứa choai choai dắt đứa nhỏ, lũ lượt kéo nhau ra ga Hàng Cỏ theo tàu vào Nam.
Cả một góc xóm Thượng kéo đi hết. Sáu bẩy nhà liền kề đóng cửa im ỉm, để vườn hoang cho chó ỉa, rêu, cỏ mọc vào tận cửa nhà Các xóm khác, lỗ chỗ từng khoảnh, từng chòm, vườn không nhà trống. Nhà Hiển Hồng, bốn đứa con gái, đứa nào cũng học giỏi, bị bố mẹ bắt nghỉ học để đi Sông Bé, chị em ôm nhau khóc như ri. Vợ chồng nhà Hoán Bang, nhà ngói, sân trị bể cạn đề huề, cũng bỏ lại cho ông bố già và thằng em tật nguyền, dắt ba đứa con ra ga Hàng Cỏ. Cứ dắt díu nhau đi kiếm ăn cái đã. Vài ba năm, dăm bẩy năm, khấm khá thì ở lại khó khăn thì lại về quê theo đít con trâu, bám sào ruộng hợp tác.
Bị Ngạnh Vẩu thuyết phục, Ngộc, tức Lưu Bích Ngọc, cậu em trai đa tình, đa dâm của Ngạnh, chuyên gia uống rượu pha mủ xương rồng làm cho huyết áp tăng vọt mỗi lần đi khám tuyển bộ đội, cũng nổi máu ly hương. Cùng đi bộ đội với Cải một đợt, Ngộc được phân vào bộ đội cao xạ tỉnh, đánh nhau đúng một trận với máy bay Mỹ thì hiệp định Paris được ký kết. Vậy mà không hiểu sao, khi xuất ngũ, Ngộc cũng có được cái giấy chứng nhận thương binh loại bốn, được hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngộc về làng, ngựa (thực ra là dê) quen đường cũ, người đàn bà đầu tiên mà anh muốn ngủ là Nhi.
Nhi, Nhài, Lành…, những vợ bộ đội ngày trước từng ngủ với Ngộc, thậm chí Nhi còn có thai với Ngộc, luôn gợi cho Ngộc nỗi thèm khát một thời.
- Tôi không thể quên được Nhi. Đêm ngủ, cứ nghĩ đến Nhi là thèm nhỏ dãi… - Một lần nhân lúc Cục đi vắng, Ngộc sang nhà, vỗ vào cái mông cong tớn, nần nẫn như mông nái xề của Nhi, giọng sàm sỡ.
- Nghiêm cấm đấy nhớ - Nhi quay ngoắt, trừng mắt cảnh cáo Ngộc - Này, tôi nói thật nhớ. Ông Cục nhà tôi lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ đâu mà tưởng bở.
- Nhưng mà ông Cục bằng thế nào được Lưu Bích Ngọc này…
- Ối giời ôi! Làm sao bì phấn với vôi. Bì l. con đĩ với môi anh thợ kèn. Này, tôi bảo thật nhé. Anh chỉ đáng xách dép cho ông Cục nhà tôi. Với lại ông Cục không phải là cái loại đàn ông dễ để cho vợ ngứa nghề. Hãy chôn chuyện cũ đi. Di xuống đất rồi vứt vào chuồng xí. Đừng có đụng vào con dâu nhà họ Nguyễn Kỳ. Thằng Cách, thằng Tác nó thì lấy dao rạch mặt.
- Khiếp! Nói mà phát hãi… Nhưng nhớ không chịu được… Hay là… bắn súng không nên thì đền đạn…
- Nói thế thì được - Nhi hạ hoả. Nghĩ ngợi một lúc rồi bảo - Hãy gọi tôi bằng dì tôi sẽ gả con Ruộng cho.
- Thật không? Dì Nhi gả Ruộng cho tôi nhé… Mắt Ngộc sáng quắc. Ngộc không ngờ mấy năm đi bộ đội về, Ruộng đã lớn phồng lên, hai vú như hai quả bưởi, bộ mông căng tròn, lúc nào cũng chọc vào mắt Ngộc. Rất nhiều lần, Ngộc đứng lấp sau búi tre ngắm nhìn trộm Ruộng vớt bèo ở bờ ao. Hai ống quần kia vén cao lên tí nữa thì đã mắt phải biết. Nhớ đến ngày học cấp một hay đi rình phụ nữ tắm ao nhà ông Xã Duyên, Ngộc cứ ao ước giá nhìn thấy Ruộng tắm truồng: Phải biết là ngồn ngộn, phây phây. Chao ôi, được ngủ với Ruộng thì sướng hơn tiên. Sướng gấp vạn lần bà dì ghẻ đanh đá cá cầy kia. Nghĩ thế, Ngộc đã râm ran khắp người. Tưởng nói chơi, nào ngờ Nhi trở thành mẹ vọ của Ngộc nửa năm sau đó.
Người ngầm phản đối duy nhất cuộc hôn nhân này là Cục. Cục vẫn ức Ngộc ngày trước đã ngủ với Nhi. Nay lại lấy con gái mình thì thiên hạ họ cười vào mũi. Nhưng mà Nhi điều khiển được chồng. Chuyện cũ, ôm vào người cho nó sinh bệnh. Chi cần em yêu mình, chung thuỷ với mình là được rồi. Không yêu, không chính chuyên mà có những ba đứa, con Đất con Hợp, thằng Tác. Mình không nghe cái làng Động này có câu vè rất hay về tên các con ông Cục đấy à? "CÔNG CẢI CÁCH RUỘNG, thành ĐẤT HỢP TÁC. Tưởng thóc của mình. Hoá toàn rơm rác". Đúng là mình có hai vợ, bẩy đứa con không? Họ bảo, ông Cục là con cụ Cử Phúc có khác, đặt tên con rất thâm nho. Tưởng ông ấy ghi nhớ công lao cải cách ruộng đất, công lao của hợp tác xã, nên mới đặt tên con thế, ai dè ông ấy xỏ xiên. Nông dân đừng có tưởng bở. Tưởng cải cách, giảm tô, ruộng đất về tay mình, hoá ra của thiên lại trả địa, mọi thứ về hợp tác hết, công của nông dân thành công cốc. Bây giờ mình muốn giữ con Ruộng chứ gì? Thách đấy. Hợp tác tan rồi, người ta đang bỏ ruộng kéo nhau ra tỉnh. Con Ruộng đến tuổi lấy chồng rồi. Để trong nhà như chứa bom nổ chậm, mình chớ có trách.
Đến nước ấy thì Cục không ưng cũng không xong. Vá lại, cô Ruộng lâu nay cũng ngầm để ý Ngộc. Hai nhà lại liền kề. Đống rơm đã đánh sẵn. Xoè que diêm là cháy đùng đùng.
Gả Ruộng cho Ngộc, Nhi đã ngầm nuôi ý định thu lại khu đất các gia đình ông bà nông dân tịch thu hồi cải cách, trà về cho Nguyễn Kỳ Viên. Quả nhiên, khi Ngộc và Ruộng có ý định theo Ngạnh Vẩu vào Sông Bé, chính là lúc người con dâu của chi họ Nguyễn Kỳ thực thi toàn bộ ý định của mình. Với sự giúp sức tận tình của Ngộc và Ruộng, tất nhiên họ cũng được hưởng quyền lợi đích đáng, chỉ cần hơn một phần hai số vàng Vọng để lại, châu đã về Hợp Phố, toàn bộ khu khuôn viên của Nguyễn Kỳ Viên bị mất trước đây không những đã được thu hồi lại mà còn mua thêm được một sào tám thước đất thổ cư của hai gia đình liền kề.
Chuộc lại được đất rồi, Nhi muốn nhân cơ hội, sửa lại ngôi nhà thờ, khai lại cái hồ bán nguyệt và dựng lại nguyên trạng cái cung Nguyễn Kỳ Viên. Nhi đã đi hỏi những người già trong làng về cái cổng, nhờ người có hoa tay vẽ lại hình dáng, viết lại cả ba chữ nho ngày xưa.
Cục bảo:
- Chuộc được đất của tổ tiên là bước đầu thành công rồi. Nhưng sang bước hai mới là quan trọng. Mình là con thứ, lại là con nuôi con đòi, nói trắng ra tức là đứa ở… Không thể tự ý xây nhà thờ được.
- Nhưng tôi thấy bà với các bác, có ai coi mình như con nuôi đâu? Nếu kể công với nhà này thì mình xứng đáng xếp thứ nhất. Hai bác đi kháng chiến, một bác đi Nam. Chỉ còn nhà mình ở lại hương khói, nuôi bà và cô Hậu. Trong mấy người con, bà chỉ thích ở với vợ chồng mình.
- Mà chính tôi cũng cứ nghĩ mình do u đẻ ra đấy chứ. U cứ một mực bảo, tôi với bác Vọng là anh em sinh đôi.
- Thế thì mình còn sợ gì điều tiếng. Các bác ấy không lo được thì mình đứng ra xây nhà thờ. Tiền bác Vọng đã để lại sẵn rồi. Mình chỉ bỏ công sức…
Nhi cứ sùng sục thúc ép Cục bao lần. Cái số Cục được nhờ vợ. Đời Cục có hai người vợ, thì được cả hai. So với Bính, Nhi không dịu dàng bằng, nhưng lại xốc vác, đảm đang hơn. Lo cho con Ruộng chồng con nhà cửa đề huề rồi, Nhi lo tiếp vợ cho thằng Cách. Cách lấy Bống, con bà Đạt lớn, tức là em gái nhà Bang, mấy năm trước theo chồng là Hoán vào nông trường cao su Phú Riềng. Vừa cưới vợ xong, nghe theo chị Ruộng, chị Bang rủ rê, Bống ráo riết giục Cách xin vợ chồng ông Cục cho vào Sông Bé làm ăn. Nhi tán đồng ngay, cho hẳn hai vợ chồng Cách năm chỉ vàng, phần của bác Vọng cho, mang đi làm vốn. Lo cho con riêng của chồng, như Nhi, làng Động chỉ có một.
Nhưng rồi việc xây nhà thờ vẫn chưa thành.
Vợ chồng hai ông anh Khôi, Vỹ không có ý kiến, nói tuỳ chú thím muốn làm gì thì làm. Nói thế, có bằng thách đố, bố ai dám tự tiện. Thời buổi khó khăn, các bác ấy phải lo miếng cơm manh áo, lo học hành công việc làm ăn cho con cái, chưa ai nghĩ đến chuyện tâm linh, chuyện mồ mả tổ tiên, từ đường gia tộc.
- Giữ vàng trong nhà tôi hãi lắm thầy nó ạ!
Nhì nằm bên chồng mà cứ thở dài thườn thượt. Bằng mọi cách Nhi đã dúi vào tay bác Là, bác Khiêm mỗi người một cây vàng, giải quyết xong xuôi quà cáp bác Vọng nhờ chuyển rồi. Chỉ còn số vàng của bà Cử Phúc và cô Hậu cộng với ba cây còn lại sau khi đã chuộc được đất. Nghĩ nát nước mà vẫn không biết sử dụng ra sao - Hay là đem đổi hết thành thóc, rồi tôi góp họ, hoặc cho vay lấy lãi, dành tiền tậu cái xe đạp cho bọn trẻ đi học, thầy nó nhỉ?
- Làm thế khác nào mình lợi dụng để vun vén làm giàu cho riêng nhà mình - Cục gạt phắt.
- Thế thì tôi mang ra Hà Nội gửi cô Tài Tiến, chứ không để vàng ở nhà được đâu. Về đằng ngoại, cô Tài Tiến với u là con cô con cậu. Ngày trước cô có tiệm vàng lớn nhất phố Hàng Đào chú ấy có xe khách chạy tuyến Hà Nội - Phương Đình. Từ ngày nhà nước cấm buôn bán vàng, cô ấy vẫn buôn chui đấy. Gửi cô Tài là chắc ăn nhất.
- Mẹ mày muốn làm gì thì làm - Cục xoay người, thọc bàn tay lành vào vú Nhi, vê cho đầu vú săn cứng như hạt nhãn. Ấy là dấu hiệu Cục đã phê, sẵn sàng thoả hiệp vô điều kiện.
Ngày hôm sau, Nhi ôm cái bị cói trong có sáu cây vàng gói trong cái áo rách, để lẫn với mớ khoai sọ, bắt xe ra Hà Nội.
Vừa gặp cô Tài Tiến, Nhi đã vội kéo bà cô vào trong buồng, thì thào to nhỏ. Bà Tài Tiến hốt hoảng nhìn xung quanh, chối đây đấy:
- Chục năm nay cô có nhìn thấy vảy vàng nào đâu? Đừng gieo tai hoạ cho nhà cô, nguy hiểm lắm. Vàng là thứ hàng quốc cấm, không được buôn bán. Không có vảy vàng nào mà tài chính thuế vụ cứ vào khám nhà luôn xoành xoạch. Moi hết bàn ghế, giường tủ, gối nệm, góc bếp, nhà xí… Chổi cùn rể rách không có cãi gì là họ bỏ qua. Tởm lợm nhất là cái thằng Sành, con rể lão Thước tổ hợp cắt tóc Cờ Đô ở Phố Huế. Nó làm chức gì ở cơ quan thuế vụ to lắm. Lần nào nó cũng ghé cái mồm thối hoắc như nhà cầu vào mặt cô và bảo:
"Bà không buôn vàng và thuốc phiện lậu thì tôi đi đầu xuống đất! ứ đợi đấy, có ngày tôi sẽ cho bà lấm lưng, trắng bụng chẻ hoe cái tổ con chuồn chuồn cho coi". Họ cứ nghi cô vẫn còn buôn vàng. Giời ôi, vụ kiểm tra hành chính Z30 vừa rồi, suýt nữa là cô đi tù…
- Z30 là gì hả cô?
Thì họ đặt ra mật danh mật diếc gì ấy, chứ cô biết thế nào được Nói nôm na là kiểm tra hành chính những gia đình giàu có. Mấy trăm gia đình Hà Nội buôn bán có máu mặt, mới xây nhà hai tầng trở lên trong vài năm nay đều nằm trong diện phải kiểm tra hành chính. Tiền của chúng mày ở đâu ra? Chúng tao đi đánh Mỹ, giải phóng đất nước, chết mấy triệu người mà bây giờ cơm độn bo bo cũng không có mà ăn, cớ sao chúng mày xây nhà lầu, mua xe máy, ăn trên ngồi trốc, con cái chúng mày nhơn nhơn ăn diện? Chúng tao đang phấn đấu cả xã hội đều vô sản ngang nhau mà chúng mày dám rắn mặt chống lại à? Thế là công an, dân phố đến bao vây khám nhà, tịch thu tài sản. Trẻ con, người già khóc như ri. Còn ghê hơn cả thời cải cách ruộng đất. Mấy người oan ức, tiếc của quá đã uống thuốc sâu, treo cổ tự tử…
- Thật thế hả cô? Ở quê chúng cháu chả biết gì…
- Nghe nói cái lão Chiến Thắng Lợi, người quê nhà mình có chân trong ban chỉ đạo cái vụ này đấy. Ông ta vào trong Sài Gòn chỉ đạo cải tạo công thương, rồi ra Bắc làm tiếp vụ Z30… Thiên hạ đang kháo ầm lên: "Nhà thơ đi làm kinh tế. Thống chế thì đi đặt vòng".Toàn làm chuyện ngược đời. Khó sống lắm cháu ạ. Mang vàng về mà đổi thành thóc cho vay lấy lãi. Cô không dám giữ hộ cháu đâu…
Nhi đành ôm vàng về, đào hố chôn dưới chân ông táo trong bếp. Nửa tháng sau, nghĩ thế nào lại đào lên, bí mật mang lên phố Phương Đình đổi hết thành tiền, gửi vào quỹ tiết kiệm của xã.
Sau này, tức hai năm sau, Nhi mới rụng rời nhận ra rằng, đây là hành động ngu xuẩn nhất của đời mình. Việc nông nổi đổi vàng ra tiền rồi gửi tiết kiệm, đã mặc nhiên phá huỷ toàn bộ ý định xây dựng lại từ đường dòng họ mà ông kỹ sư công chánh Nguyễn Kỳ Vọng đã ký thác trước khi tự nguyện làm mồi cho cá biển.
Vụ đồi tiền năm 1985, đã biến những cục vàng thành đất sét, biến tất cả những bao tải tiền cũ thành giấy lộn.
Ông Nông Ích Ló, cậu ruột chị Là, quê Định Hoá, Thái Nguyên, vừa bán mười hai con trâu, cơ nghiệp cả một đời làm lụng vất vả, để giành tiền làm nhà. Chưa kịp mua gỗ, mua vôi, gạch, lá cọ, thì đổi tiền, mười đồng cũ ăn một đồng mới. Ba tháng sau, tiền đổi mười hai con trâu không mua nổi một con gà. Đau quá, tiếc của quá, ông Ló ăn lá ngón tự tử.
Nhi còn đau đớn hơn cả ông Ló cậu ruột chị Là. Bởi vì tiền vàng này là của dòng họ, là của bác Vọng nhờ giữ hộ. Nhi là con dâu họ. Lại là con dâu nuôi. Từ ngày về làm dâu chi họ Nguyễn Kỳ, Nhi luôn làm mọi cách để chồng mình không bị tủi hổ là đứa con nuôi con đòi. Nhi có ý thức và quyết tâm sắt đá sẽ làm chồng con rạng danh với họ hàng, làng nước. Vậy mà, bỗng chốc Nhi làm tiêu tán cả một sản nghiệp. Nhi bán trời không văn tự. Nhi giết chồng con, anh em, họ hàng không dao. Nhi mất ăn mất ngủ, người gầy tọp. Rất nhiều đêm Nhi nằm mơ. Toàn giấc mơ lạ mà người Nhi thường gặp là một bóng trắng toát, lúc thì trồng cây chuối, đi đầu xuống đất, lúc thì xoã tóc bước từ dưới đáy ao lên. Người ấy nói như khóc, bảo rằng không có chỗ ở, nghe nói con cháu sắp xây nhà mà chờ mãi không thấy.
Thế rồi một đêm, vào quãng gần sáng, Nhi bỗng thấy người áo trắng hiện về gọi đúng tên mình.Hình như có chuyện gì gấp gáp lắm, đến nỗi Nhi không kịp nói với Cục, không kịp nhắn lại với các con. Theo người áo trắng, Nhi đi vòng qua bờ ao, đến chỗ cây dừa đổ, Nhi còn dừng lại soi mình xuống bóng nước. Nhi định lội xuống, nhưng nghĩ thế nào, chỉ vục nước lên rửa mặt, vuốt lại tóc, rồi theo hút bóng người áo trắng đến nhà thờ. Dọc đường, suýt nữa thì Nhi vấp ngã bởi một vật cản chắn ngang đường. Nhi cúi xuống, nhận ra đó là sợi dây thừng trâu thằng Tác mới thay lúc chiều. Thuận tay, Nhi cầm theo luôn.
Thấy tiếng chân người, đàn chuột chạy túa lên mái nhà, kêu chí choé. Tiếng tắc kè từ cây muỗm cổ thụ điềm năm tiếng. Bóng áo trắng đến khe cửa nhà thờ thì mất hút. Một ô cửa trống như đợi Nhi sẵn. Chị lách vào nhà thờ như một cái bóng. Hoàn toàn như một kê mộng du, Nhi bật lửa, thắp ba nén hương, quì trước ban thờ, miệng lẩm bầm: "Con có tội. Con là kê phá tán cơ nghiệp chi họ Nguyễn Kỳ.Con xin về hầu chịu tội…" Rồi rất chậm rãi, Nhi trèo lên chiếc ghế đẩu, luồn sợi dây thừng qua thanh xà ngang…
***
Nhờ mùi hương phả trong đêm khuya, Cục nhanh chóng phán đoán ra Nhi có thể đang ở trên nhà thờ.
Trước đó chừng dăm bẩy phút, khi tỉnh dậy, không thấy vợ nằm bên, máu nghi ngờ ghen tuông đã tràn khắp người Cục, đầy ứ một cục như bát nguội chèn ngang cổ họng, nuốt mãi không trôi. Cục nghi cái tính lẳng lơ của Nhi lại trỗi dậy. Hơn tháng nay tính khí Nhi rất lạ. Lúc nào cũng có vẻ lên lút giấu giếm chồng. Lạ nhất là mỗi lần Cục thèm muốn, Nhi cứ đẩy hắt ra. Chó chê cứt là có vấn đề. Cục lại nhớ cái đận cải cách ruộng đất. Nếu Cục không sớm cảnh giác, rất có thể Bính đã ngã vào tay lão đội Phèng Cửu Tựu. Giờ với Nhi càng chớ có lơ là. Nhi còn phây phây mà Cục thì đã có tuổi, nhiều khi lực bất tòng tâm. Biết đâu có một thằng đực lạ mới xuất hiện ở làng Động? Đang ngủ bên chồng mà len lén bỏ đi là cớ làm sao? Loạn rồi. Nó cắm sừng lên đầu mình rồi.
Ánh đèn pin trong tay Cục khi đến trước nhà thờ bỗng loé lên, lia loang loáng. Khi ngửi thấy mùi hương, biết chắc Nhi ở bên trong, Cục liền rảo chân, rọi hẳn đèn vào nhà thờ.
- Trời ơi, ai kia? Ai đang treo cổ lủng lẳng trước ban thờ?
Cục rụng rời chân tay, vấp ngã ở bậu cửa. Nhi, Nhi ơi! Sao em lại làm thế? Có ai làm gì em mà em lại nỡ huỷ hoại đời, nỡ bỏ mấy bố con anh? Ới các con… Đất, Hợp, Tác ơi! Lên đây cứu mẹ!
Cục hét lên, nhảy bổ đến bên vợ. Cuống cuồng, nhưng khôn khéo, Cục trèo lên chiếc ghế đẩu ôm thốc Nhi lên.