Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> THỜI CỦA THÁNH THẦN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25344 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THỜI CỦA THÁNH THẦN
Hoàng Minh Tường

Chương 24

"Anh vô vàn thương nhớ của em!

Mẹ con em đã viết cho anh bao nhiêu lá thư rồi, mà vẫn biệt tăm hơi. Tại sao anh không trả lời? Anh không được viết hay thư không đến nơi? Hay anh làm sao? Có bị đi cải tạo không? Có bị quản thúc không?

Cuộc ra đi như một hành trình vượt qua chín tầng địa ngục Sau bao ngày lênh đênh trên biển cả, Đức Chúa sáng danh đã cứu giúp mẹ con em cập bến an toàn…

Vậy là mẹ con em đang ở xa anh nửa vòng trái đất. Một khoảng cách mà chỉ có nỗi nhớ thương mới đủ sức kéo lại gần…

Vân và Vy ngày nào cũng nhắc ba. Học tiếng Anh không vào chúng nó cũng viện lý do vì nhớ ba mà không học được.

Hôm qua, có tin tàu chở người di tản cập cảng. Ba mẹ con đến chờ ở cầu cáng mười tiếng đồng hồ. Gặp vợ chồng con cái anh Thới, mừng hết nói. Hỏi nhà em đâu, anh Thói bảo: "Tao cho nó đi free, nhưng nó ngu quá trời. Không muốn nói nữa. Mấy mẹ con gào trong nước mắt. Anh ơi, hay là anh đã quên mẹ con em? Hay đã có cô nào giữ anh ở lại?"

Đọc thư Miên, Vọng khóc tức tưởi. Nhạt nhoà giữa những dòng chữ là gương mặt của Miên, như một con chiên đang đau khổ và nhẫn nhục hướng về nước Chúa.

Thì ra Miên vẫn đau đáu, khắc khoải một nỗi nhớ về anh. Vọng bỗng thấy ân hận, muốn xỉ vả mình vì đã trót oán hận Miên khi mẹ con nàng bỏ nước ra đi đột ngột. Vọng đâu thấu hiểu quyết tâm ra đi của nàng đại mạnh mẽ và quyết liệt đến thế Nàng muốn đi trước tiền trạm. Muốn anh có thời gian sống với mẹ ít ngày, có thời gian thu xếp việc gia đình, chia tay người thân ngoài Bắc.

Anh Võ An Thới mà Miên viết trong thư, là người mà Miên tin cậy và nhờ thu xếp đưa Vọng sang với mẹ con nàng. Đó là người bạn thân của anh trai nàng, và sau này là người anh em thân thiết trong gia đình. Thới là một nhà sử học. Anh giảng dạy tại trường Đại học Vạn Hạnh. Sau ngày 80 tháng Tư, chính Thới đã nhiều lần khuyên nhủ vợ chồng Vọng nên ở lại góp phần tái thiết đất nước. Thới là người không thân cộng sản, nhưng có tinh thần dân tộc, sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới để xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. "Mình ủng hộ những người cộng sản vì họ có khát vọng thống nhất Tổ quốc. Họ chỉ muốn đánh đuổi kẻ xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc. Chúng mình cùng giống máu đỏ da vàng, cùng khát vọng như họ, tại sao phải trốn chạy đến một nước ngoại bang? Mình và Vọng lại là trí thức. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Kẻ sỹ hơn lớp bình dân là được học hành, biết sự chuyển xoay của thời cuộc…". Anh Thới đã nhiều lần nói với Vọng như vậy. Anh hăng hái tham gia vận động thành lập Hội Trí thức yêu nước của thành phố, vận động được rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ ở lại hợp tác với chính quyền mới.

Nhưng rồi Thới đã vỡ mộng. Người ta đã không cho anh giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, bởi vì anh dạy khoá giáo trình lịch sử cận đại, là chuyên gia nghiên cứu về Triều Nguyễn và quá trình Nam tiến mở cõi của người Việt. Anh Thới có lần buồn bã nói với Vọng: "Người ta vứt tất cả mớ tài liệu nghiên cứu của mình vào sọt rác. Người ta xoá tên hết toàn bộ những con đường, những địa danh liên quan đến các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát… các tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Mạc Cửu… những người góp phần quyết định cho việc mở cõi trời Nam từ Thuận Hoá tới Hà Tiên. Lịch sử nghìn năm của dân tộc bị bóp méo, giản lược để chỉ tôn vinh, dồn cho mấy chục năm…"

Chỉ trong vòng hai năm, các thành viên của Hội Trí thức yêu nước lần lượt bỏ nước ra đi. Đây là thời kỳ làn sóng di tản ập vào từng nhà, trở thành câu chuyện cửa miệng ở các bến xe, quán hàng, phố chợ. Hàng nghìn người đi chui bị bắt, lại đi tiếp Rồi làn sóng người Hoa ào ào rời khỏi Chợ Lớn. Đã xuất híện nhiều đường dây bán chính thức. Chỉ cần nộp tiền nộp vàng là tàu đưa ra khỏi phao số không.

Một buổi tối, Thới đội mưa đến nhà Vọng.

- Mọi việc đã chuẩn bị xong. Bảo mật tối đa. Tầu được trang bị la bàn, dầu mỡ, đồ ăn đủ cho cả tháng. Chỉ cần đến Mã Lai sẽ có người đón. Mày muốn đi, tao cho đi free. Chuẩn bị lẹ lên nghe. Đúng hai giờ sáng mai hẹn gặp ở nhà dệt Tân Hội - Thới thông báo vắn tắt, rồi vội vã đi ngay.

Chao ôi, một cơ hội ngàn vàng. Đi với Thới chắc chắn sẽ trót lọt bởi anh là người chín chắn, tính toán chi ly mọi nước cờ.

Nhưng Vọng làm sao bỏ được mẹ một mình bơ vơ giữa đất khách quê người? Bà Cử Phúc đã vào ở với Vọng được gần một năm. Nhờ sự tận tâm của Khuất Sỹ Hào và Xoan, Vọng đã nhập được hộ khẩu cho mẹ. Từ ngày đón mẹ vào, dù đi công tác đâu xa, Vọng vẫn dành thời gian về chăm sóc mẹ. Mẹ gầy yếu quá anh tìm đến tận ông Lang Chánh phố Hải Thượng Lãn ông ở Chợ Lớn cắt thuốc bắc cho mẹ. Tự tay sắc thuốc ép bà cụ uống mỗi ngày. Mỗi tuần anh đặt mua ở chợ Bà Chiểu một con gà đen, tiềm tam thất, quy, thục ép bà cụ ăn. Người già như trái chín cây. Không biết rụng ngày nào. Nhìn mẹ nhai trệu trạo, vừa ăn vừa nằng nặc đòi về Bắc gặp Vỹ, đòi về ở với vợ chồng Cục, Vọng cũng không nuốt nổi. Bà cụ bảo:

"Hoá ra thằng Vỹ phải đi tù. Thế mà mẹ Khiêm nó giấu u bảo chồng nó đi công tác nước ngoài. Khổ. Thằng Vỹ tội tình gì mà đến nông nỗi ấy?" Trong những đứa con của mẹ, Vọng thấy mình là đứa bất hiếu. Bỏ mẹ biền biệt mấy chục năm trời. Anh cố níu kéo mẹ nán lại vài năm để được phụng dưỡng…

Đêm ấy, khi Thới đi rồi, Vọng vội vã thu xếp quần áo, đồ đạc. Anh xuống nhà xe, moi hết số vàng, đá quý còn giấu trong hộp dầu nhờn san ra làm hai, một gói mang đi phòng thân, một gói để lại, kèm mấy chữ viết cho Cục.

Còn gì nữa nhỉ? Ngôi nhà, làm sao mang theo được? Vọng tin, sau khi Vọng đi, mẹ sẽ gọi các anh Khôi, Vỹ, Cục vào tìm cách quản ngôi nhà. Hào và Xoan sẽ tìm cách giúp bà cụ. Vả lại, đã đến cái bước đường cùng này thì còn tiếc cái gì? Cuộc đi này Vọng chấp năm ăn năm thua. Mất thì làm mồi cho cá biển. Được thì sang gặp Miên và hai con Vân, Vy.

Vọng rón rén vào phòng bà Cử Phúc. Trong ánh sáng vàng mờ của ngọn đèn ngủ, bà cụ nằm như một con mèo hen, quay mặt vào tường, chiếc mền chăn đắp ngang người. Lặng lẽ ngắm nhìn mẹ, môi cắn chặt cho khỏi bật khóc, Vọng quỳ vái sống mẹ ba vái.

- Làm gì mà lục đục cả đêm thế con? - Hoá ra bà Cử Phúc vẫn thức, bà trở mình nói với Vọng - Đi ngủ đi. Mai còn đến cơ quan chứ.

Chi một câu nói của mẹ, đủ làm cho Vọng không thể bước đi được nữa.

Anh có ngờ đâu, chuyến vượt biển ấy của vợ chồng con cái Thới lại rất suôn sẻ. Chỉ hơn bốn tháng sau họ đã đặt chân tới nước Mỹ.

***

Thư của Vân và Vy như xát muối vào lòng Vọng.

"Ba ơi, chúng con không thể viết dài. Vì cứ định viết thư cho ba là cả hai chị em cùng oà khóc. Hai chị em con viết chung gửi ba mấy dòng này thôi. Khi nào gặp ba chúng con sẽ kể biết bao nhiêu là chuyện.

Ba ơi, ba có còn yêu chúng con không? Ba có nhớ chúng con không? Bác Thới báo tin ba không sang, chúng con muốn ngất xỉu. Vậy là Ba đã quên chúng con rồi. Những đứa con gái tội nghiệp trên đất khách quê người, thiếu quê hương, thiếu Tổ quốc giờ lại thiếu người cha mà chúng hằng yêu kính. Nước Mỹ của hợp chủng quốc, nhưng không có chỗ cho những đứa con Việt tha hương.

Sao chúng con thấy nhớ Sài Gòn, nhớ quê hương đất Việt vô cùng. Nhớ những hàng me dọc phố Nguyễn Du, những hàng sao, hàng dầu cao vút dọc đường Duy Tân, Pétrus Ký…

Mùa thu ở bên này tuyệt đẹp. Nhưng vẫn không sao quên được mùa mưa Sài Gòn. Những con đường láng ướt hàng cây sau mưa và quán crem ông Già ở đầu đường Tự Do… Có những ngày chúng con lang thang ở công viên trung tâm New Orleans và cố đi tìm bước chân ba từng đến đây tu nghiệp cái năm ba sắp cưới mẹ… New Orleans quả là thành phố du lịch tuyệt vời như ba đã kể. Ba ơi, khi nào ba sang, cho chúng con đi chơi hồ Michigan ba nhé…"

Lá thư chỉ hai trang giấy nhưng Vọng phải ngừng nghỉ mấy lần. Anh đâu có ngờ một ngày nào đó các con anh lại đi tìm dấu vết những kỷ niệm về nước Mỹ mà anh từng kể cho các con nghe để khích lệ hoài bão học tập của chúng. Duyên nghiệp chăng khi vùng đất của các bang Louisiana, Iowa, Indiana… xa xôi bên kia bán cầu, mà Vọng tưởng chỉ đi qua, như một bài học địa dư, nay lại là mảnh đất nương thân của bao người ruột thịt? Ngày ấy, lần đầu tiên đặt chân tới thủ đô nước Mỹ, Vọng không thấy choáng ngợp, mà chỉ thấy sợ cái giá lạnh buốt giá, tuyết trắng xoá ngoài công viên, tuyết đen nhớp nhúa trên các đường phố. Chỉ đến khi tới hồ Michigan mùa băng tuyết, anh mới thấy hết vẻ hùng vĩ của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Lần ấy, sau một tuần ở thủ đô để học khoá hướng dẫn, trên đường từ Washington DC về Louisiana, máy bay dừng ở Chicago ba giờ. Đó là khoảng thời gian thật tuyệt vời. Lợi dụng cơ hội có một không hai, Vọng đáp xe buýt, đi thăm hồ Michigan để thưởng lãm những mảnh băng tan lềnh bềnh, như những toà lâu đài khổng lồ, đủ loại hình khối kỳ dị lừng lững trôi trên mặt hồ dậy sóng.

Riêng New Orleans thì quả là thiên đường của những người ham xê dịch. Vọng đã được tham gia một tour du lịch ba ngày nhớ đời. Ngày đầu đi thăm cầu Pontchartrain 24 dặm, dài nhất thế giới, rồi cầu xe lửa Huey B. Long cao nhất thế giới, sân vận động có mái che (Superdome) 100.000 chỗ ngồi, rộng nhất thế giới. Ngày thứ hai đi thăm French Quàrter, ngồi xe điện đường St. Charles ngắm những biệt thự kiến trúc theo kiểu Pháp xen giữa những cây sồi xanh um. Và ngày thứ ba, một tour độc đáo: đi swamp (du lịch đồng lầy) và công viên quốc gia lịch sử Jean Laflĩtte. Ngồi trên tàu đáy bằng du khách tha hồ xem cá sấu như thời hồng hoang… Cái vùng đất bang Louisiana, nơi mà Vọng đã thực tập hai tháng trời, nơi anh đã học hỏi được nhiều điều bổ ích cho công việc cầu đường của anh, có cấu tạo địa chất thuỷ văn tương tự như đồng bằng sông Cửu Long quê mình. Không ngờ vùng đất ấy đang là nơi dung thân, nơi dồn tụ của hàng vạn gia đình người Việt, nơi Miên và các con anh đang sống trong nỗi khắc khoải đợi chờ…

Nước Mỹ bên kia đại dương, từng xa lạ và thù hận, giờ hằng ngày lởn vởn trong đầu Vọng, mờ ảo trong cả bữa ăn, giấc ngủ. Vọng không giấu được nỗi nhớ vợ con đến vật vã, cồn cào. Cả Xoan, cả Khuất Sỹ Hào đều biết rõ điều đó, khi họ dễ dàng đọc được những lá thư từ nước Mỹ chữ đã nhòe mờ thỉnh thoảng Vọng lại mở ra xem, rồi để đâu đó không cần che giấu.

- Em biết là anh Vọng không thể quên được chị Miên - Đó là câu nói nửa như trách móc, nửa như có phần tự bào chữa của Xoan, trong cái đêm chị ngủ lại trông bà Cử Phúc bị trúng cảm.

Từ ngày vào Sài Gòn, Xoan là bạn tâm giao của bà Cử Phúc. Chị hợp tính bà, biết chiều chuộng người già, lại xởi lởi hay chuyện. Đặc biệt, Xoan giúp bà cụ nhớ về quê Bắc nhờ những làn điệu chèo quyến rũ mê hồn. Bà Cử Phúc nhận Xoan là con, xưng u, và không giấu giếm mong muốn Xoan là con dâu bà.

- Con làm cho nó đừng có nhớ nhung sầu não nữa. Cố mà giữ nó ở lại cho u. Trông nó khô khan thế, chứ chẳng phải gỗ đá gì đâu. Khổ, cũng là cảnh nửa đời nửa đoạn. Đàn ông mới qua tuổi bốn mươi mà đã phải diệt dục. Thà là chết vợ nó đi một nhẽ… Trông nó suốt ngày ủ dột, u chẳng còn lòng dạ nào…

- Con cũng thương anh Vọng. Nhưng anh ấy cứ như thầy chùa - Xoan nói.

- Thì thế nên u mới muốn con năng đến. Mưa dầm thấm lâu nước chảy đá mòn con ạ…

Bà Cử Phúc tìm mọi cớ rủ Xoan đến chơi, rủ Xoan ngủ lại. Những món ăn truyền thống xứ Bắc: Canh riêu cua ăn với rau ghém, cà muối xổi canh cá rô rau cải xanh; canh ốc nấu với chuối xanh, đậu phụ và thịt ba chỉ; canh cá trê dưa chua; thịt kho tàu; xôi vò ăn với chè hạt sen… gợi vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Hôm ấy, Sài Gòn nóng tới bốn mươi độ C. Trong phòng có máy điều hoà, nhưng bà Cử Phúc không quen dùng. Vật bất li thân của bà là chiếc quạt giấy. Thấy mẹ vật vã trong cái nóng, Vọng mở cả điều hoà và quạt. Nào ngờ buổi tối bà cụ trúng cảm lạnh. Một mình Vọng không biết xoay xở ra sao. Bà Cử Phúc bắt Vọng gọi điện cho Xoan đến. Chị đi tìm lá ngải cứu đánh gió, nấu cháo hành cho bà cụ ăn. Nửa đêm thì cơn sốt dịu, bà cụ chợp được một giấc sâu.

Xoan vào nhà tắm dội nước ào ào. Nhìn da thịt mình ngồn ngộn trong gương, Xoan thấy phấn khích, muốn được ve vuốt, được vỗ về. Chị lim dim mắt nghĩ đến Vọng và Hào. Thật quá trớ trêu với cái trò mỹ nhân kế mà Khuất Sỹ Hào đã bày đặt.

Hào tưởng chơi trò trận giả, tự cho mình cái vai trò Trọng Thuỷ để bắt nàng Mỹ Châu, là Xoan, ăn cắp nỏ thần, tưởng lịch sử luôn lặp lại, Xoan mãi mãi là người của anh ta, nào ngờ gậy ông giờ lại đập lưng ông…

Ngẫm ra Khuất Sỹ Hào quả là người khôn ngoan, có óc nhìn xa trông rộng. Khi phát hiện ra ngôi biệt thự của Vọng là một món mồi rất béo bở, nếu Vọng đi tản, Hào đã bàn cách dùng kế mỹ nhân để gài Xoan vào làm nội gián. "Em phải cưa bằng đổ ông Vọng. Với sắc đẹp của em, đến thép cũng phải chảy" - Hào giao nhiệm vụ cho Xoan. Tất cả mọi nỗ lực, động thái Hào giúp Vọng việc này, việc kia đều chỉ xoay quanh mục tiêu ngôi biệt thự. Bây giờ thì cả Xoan, cả Khuất Sỹ Hào đều trở thành người thân thiết của Vọng, của bà Cử Phúc. Thậm chí, trong thời gian Hào giúp bà Cử Phúc nhập hộ khẩu, anh ta cũng đã thuyết phục Vọng cho cả Xoan cùng nhập vào. Mọi đường đi nước bước đã được Hào tính toán chi ly. Chỉ chờ giờ G nữa thôi. "Mà giờ G trước sau cũng đến - Hào nói toạc với Xoan, khi biết tin mẹ con Miên đã sang Mỹ an toàn và gửi thư về - Anh biết, trước sau thì Vọng cũng phắn. Thứ nhất, Vọng là người chân chỉ hạt bột, đời chỉ biết phụng sự vợ con. Cái chất kẻ sỹ Bắc Hà, tôn thờ đạo Khổng trong Vọng rất rõ. Suốt đời Vọng chỉ mong là một công chức mẫn cán, mong một gia đình yên ấm, chung thuỷ đạo vợ chồng. Thứ hai, một trí thức như anh ta, từng làm đến chức Trưởng Ty Giao thông Công chánh, từng có bằng kỹ sư đặc hạng, tiếng Anh tiếng Pháp làu làu sách khoa học viết hàng chồng. Viết báo cáo tổng kết đến Cục trưởng, Bộ trưởng cũng phải kính nể, giờ đang là nhân viên quèn, lương cán sự hai, tương đương mấy chục bát phở.

Một người như vậy làm sao mà chịu được cung cách quản lý và trình độ khoa học của các quan chức cộng sản? Hai ý thức hệ tư tưởng, hai thể chế, hai cung cách… tất tật đều đối chọi nhau, loại trừ nhau. Hết chiến tranh ùng oàng súng đạn là cuộc chiến tranh về ý thức hệ, về đường lối phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Dẫu có là tướng sĩ tượng thì ông Vọng cũng đành thúc thủ vì những quân tốt đỏ đã áp sát. Thế cờ giờ chỉ còn là những nước đi ngang phè của những quân tốt. Cho nên, "Liệu mà cao chạy xa bay. Ái ân ta có ngần này mà thôi… Nếu là anh, dù có bỏ mạng cho cá rỉa ngoài đại dương, anh cũng good bye".

Khuất Sỹ Hào quả là đã nhìn thấu suốt tim gan Vọng. Nhưng, trớ trêu, càng tiếp xúc, gần gũi với Vọng, Xoan càng thấy bị cảm hoá, càng thấy giữa Vọng và Hào khác nhau một trời một vực. Hào chỉ là một tay dẻo mỏ, cơ hội tầm thường, còn Vọng thực sự là một nhân cách… Những ngày gần đây, nhiều lúc trông Vọng như người mất hồn. Xoan thấy thương anh. Giá mà bù đắp được cho Vọng! Ước gì Xoan giúp bà Cử Phúc giữ Vọng lại! Người như Vọng rất cần cho đất nước, rất có ích cho mọi người. Vọng bỏ nước ra đi thì tiếc biết bao…

Vọng choáng váng khi Xoan trong bộ đồ ngủ, cùng mùi sữa tắm White Care ngào ngạt vào phòng.

- Khó ngủ quá. Cho em nhờ quạt với.

Xoan nói và chiếu những tia mắt nồng nàn qua hàng mi rợp, khiến Vọng bối rối.

Vọng không dám nhìn lâu. Nhưng cái khoảng trắng ngần với một đường sâu hun hút của bộ ngực căng mọng phập phong, chỉ thoáng qua cũng đủ ám ảnh, làm rối trí. Đâu óc Vọng bỗng chao đảo, như người say rượu.

Từ hồi Miên đi, đêm nào Vọng cũng đọc kinh trước Chúa, ngày nào cũng tự sám hối. Cuộc sám hối mới nhất, cách đây chừng vài tháng. Ấy là cuộc tình đơn phương của Út Thương, em gái Ba Thi, bạn học của Miên. Cả nhà bỏ đi trong đợt 30 tháng Tư. Một mình Út Thương ở lại chăm ba đau ốm, không kịp di tản. Rồi ba Thương cũng phải đi trại cải tạo Giá Rai, Long Khánh. Thấy hoàn cảnh Út neo đơn, thỉnh thoảng Vọng lại đưa cô lên thăm nuôi ba. Không ngờ Út thương Vọng từ lúc nào. Có lần xe chạy qua rừng cao su tối mịt mùng, Út cứ ôm nết lấy Vọng, gục mặt lên vai anh mà khóc. "Anh Tư có thương em không? Hồi chị Miên ở nhà em giấu kín. Bây giờ chị đi em mới dám nói! Trời ơi, hoá ra Thương nói thật.

Thương từ chối bao nhiêu người đàn ông ngưỡng vọng cô. Thương bảo, em chỉ nghĩ đến anh thôi. Đến chỗ đường ngoặt, Thương ôm ghì lấy Vọng, bảo anh dừng xe, hai đứa tạt vào lô cao su. Chỉ cần dừng xe, chỉ cần lẫn vào mịt mùng cao su kia, Vọng sẽ không giữ nồi, sẽ không còn là của Miên nữa. Vọng đành nói thật với Út Thương cái ý định anh sẽ vượt biên. Anh muốn giữ mình trọn vẹn cho tới lúc gặp Miên… Út Thương khóc oà, nhất định không chịu ngồi xe với Vọng. Cô đòi anh đón một chiếc xe khách chở cô về thành phố.

Bây giờ, người vừa vào phòng anh là một Út Thương khác. Đã bao nhiêu lần Vọng phải lẩn tránh cái nhìn hút hồn của Xoan. Xoan luôn như miếng mỡ ngon lành, còn anh nhiều khi không giấu được bản tính của một chú mèo.

- Anh Vọng hứa mấy lần rồi mà không chịu nhớ - Xoan đến bên bàn, nơi Vọng đang dịch một tài liệu tiếng Anh.

- Tôi hứa gì nhỉ?

- Biết ngay mà. Còn đầu óc đâu để nghĩ đến em?

Xoan đứng sát sau ghế, người hơi cúi xuống Vọng. Anh cảm nhận rất rõ những sợi tóc mai, hơi thở nồng nàn của cô đang phả vào gáy, còn cặp tuyết lê như chùm trái chín đang đung đưa sau vai anh, có lúc chạm vào da thịt anh, nóng bỏng.

- Không nhớ ra à? Em nhắc lại nhé: Dạy-em-tiếng-anh. Tiếng-của-anh.

Xoan cười, tiếng trong và ngân, như tiếng chuông gió. Rồi bất ngờ vòng tay ngà ngọc quàng qua ngực Vọng.

- Em đố anh nhé. Love You tiếng Anh là gì?

Vòng tay và khuôn ngực Xoan khiến Vọng như ngợp thở.

Anh bối rối xoay chiếc ghế. Cả gương mặt nóng bừng của anh đỡ gọn hai bầu vú Xoan lúc này đã thoát khỏi hai vạt áo ngủ, như hai trái đào tiên trĩu nặng. Quá choáng ngợp, cùng với ham muốn bản năng bị kìm nén lâu ngày, Vọng cuống cuồng luồn tay ôm lấy vòng eo người đàn bà xiết mạnh.

- Ối em chết mất - Tiếng rên khẽ của Xoan, chứng tỏ nàng đang bị kích thích mạnh.

Xoan đỡ Vọng lên, giúp anh dịch đến bên giường.

Giá như Xoan không vươn tay tắt đèn, giá như cô không có cái bản năng e thẹn, sợ ánh sáng quá mức trong các cuộc hoan lạc, chắc chắn tình thế đã khác. Nhưng đúng vào lúc Xoan tắt đèn thì Vọng bừng tỉnh. Ngọn đèn trái hồng trên ban thờ làm nổi hình cây thập tự và hình Chúa tuẫn nạn, khiến Vọng toát hết mồ hôi.

- Xin lỗi, tôi đang làm gì thế này? - Vọng như nói với chính mình và ngồi vục dậy.

Hết trò. Xoan buông xuôi hai tay như người chết đứng. Rồi như không thể chịu nồi, cô bưng mặt, bật khóc, chạy ra khỏi phòng.

***

Có thư của Cục viết vào báo tin cháu Cách bị thương ở mặt trận Campuchia, đang nằm điều trị ở bệnh viện Quân y 147.

Vọng, rồi cả bà Cử Phúc, cả Xoan cùng đến thăm. Hằng tuần tranh thủ những ngày nghỉ, Vọng lại vào thăm, tiếp tế thêm thuốc bổ và thức ăn cho cháu.

Vết thương của Cách ở phần mềm, đạn xiên táo từ vai, qua ổ ngực, xé nát cánh tay phải. Theo các bác sĩ, với sức trẻ như Cách, chỉ cần bốn tháng, vết thương sẽ lành, lại có thể trở lại chiến trường.

Cục viết thư cho Vọng:

"Em nghe binh tình, mặt trận K không biết đến khi nào mới xong. Nghe ông tướng thông gia với nhà bác Lợi nói, quân mình thương vong nhiều vì thiếu lương thực, đạn dược, lại không nắm được dân. Mình ở trong nhà họ, đóng quân gần nhà họ, ban ngày họ hợp tác với mình, nhưng tối họ lại ra rừng tiếp tế cho quân Khơme đỏ, cầm súng bắn mình. Cháu Cách bị thương là do bị bắn lén phía sau. Chơi với chiến tranh du kích của họ, mình không thắng được. May mà cháu Cách bị thương, coi như thoát chết. Em nhờ bác, quan hệ với bệnh viện cho cháu Cách nó cái giấy thương binh nặng để cháu về quê. Thằng Công, thằng Cài, hai anh nó đã mất xác ở Trường Sơn rồi, giờ còn một giọt máu của Bính… Cháu Cách mà mệnh hệ nào, em làm sao sống nổi?"

Cuộc chiến Campuchia ác liệt thế nào thì Vọng quá biết. Anh đã được phân công trong ban kỹ thuật tái thiết cầu Gò Dầu Hạ trên quốc lộ 20 để mở đường cho xe tăng ta tiến vào Phnômpênh. Hầu như toàn bộ vũ khí tối tân hiện đại của phe ta, cộng thêm vũ khí hiện đại của Mỹ ta thu được đều đem sang chiến trường Campuchia, nhưng xem ra chúng ta đang đấm vào bị bông, chúng ta đang đánh nhau với những bóng ma.

Lá thư của Cục, làm Vọng rất khó nghĩ. Nếu là tiền bạc thì dù thế nào anh vẫn lo được. Nhưng đây lại là cái giấy chứng thương. Sức khoẻ thằng Cách thế nào, nó bày ra bệnh án cả. Làm sao công biến thành quạ được?

Bí quá, Vọng đành nói với Khuất Sỹ Hào.

- Cháu nó đang ở bệnh viện 147 phải không? - Hào chau mày suy nghĩ một lát rồi gật gù - Em có cách rồi. Cô Xoan có người anh họ là bác sĩ ngoại ở đó. Vấn đề là… - Hào bật ngón tay cái vào ngón giữa tanh tách.

- Cái đó để tôi lo - Vọng dúi vào tay Hào ba lá vàng Kim Thành - Nếu thiếu thì tôi lo tiếp.

Ngày Cách sắp ra viện, Vọng viết thư báo tin cho Cục bảo Cục vào đón con về phép. Vọng sẽ tài trợ toàn bộ vé tàu xe của cả hai bố con.

Chuyến hành phương nam của Cục, không ngờ lại là một cuộc đại đoàn viên của chi họ Nguyễn Kỳ tại Sài Gòn.

Nếu như buổi giỗ ông Lý Phúc và cuộc nhận cha ở nhà ông Lợi chỉ thiếu bà Cử Phúc và Vọng thì cuộc đoàn viên này chỉ thiếu vợ chồng con cái Vỹ.

Cục vào được mấy ngày, thì vợ chồng ông Lợi cùng con gái Chiến Huyền Ly cũng đáp máy bay vào thành phố. Hiếm có một cuộc trùng hợp thế này, vì ông Lợi phụ trách công tác cải tạo công thương nghiệp đợt hai, đáp máy bay ra vào như cơm bữa. Nhưng bà Là phải thu xếp phép năm. Với lại cũng chọn dịp nghỉ lễ mới cho con gái Chiến Huyền Ly theo cùng.

Ngôi biệt thự suốt mấy năm đìu hiu, giờ bỗng tưng bừng như mở hội. Mẹ con Là được xếp ở căn phòng cũ của Miên trên lầu một, nên từ ngày vợ đi di tản, Vọng ít khi lui tới, vì không muốn chạm đến những kỷ niệm xưa. Ông Lợi ở và làm việc tại nhà khách thành phố, buổi tối và ngày chủ nhật thường đến ăn cơm với cả nhà. Vẫn một phong cách trầm mặc, lạnh lùng của nhà chính trị, ông Lợi thường hay trầm ngâm đứng trên ban công lầu hai nhìn khắp khu vườn, rồi phóng tầm mắt qua những nóc phố, nghĩ ngợi. Là có vẻ cũng chia sẻ ý nghĩ với chồng. Chị thích thú đặc biệt với ngôi biệt thự, vì cách xây dựng và bài trí hiện đại.

- Vợ chồng chú Vọng ngày trước sống sướng hơn cả Bộ trưởng ấy bà ạ - Là thì thào với bà Cử Phúc - Ngôi biệt thự này to gấp hai nhà con. Riêng cái nhà xe của chú ấy cũng đủ cho một hộ năm người.

- Chẳng có đâu bằng quê mình - Bà Cử Phúc chép miệng - Đợt này tôi nhất quyết theo bố con thằng Cách về quê. Nhà cửa bố Vọng nhờ cô Xoan trông nom.

- Bà bảo định tác thành cô ấy cho chú Vọng phải không? Con thấy được đấy. Bà dặn chú ấy đừng có di tản di tong gì hết. Sang Mỹ cũng chỉ ăn cơm thừa sữa cặn, làm nô lệ cho Đế quốc sài lang. Nhà con bảo, Liên Xô, Đông Đức với các nước bạn phe mình đang sắp hoàn thành giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội phát triển. Rồi cả phe người ta xúm vào kéo mình lên vù vù ấy chứ. Nhà con bảo, con đường ai thắng ai sắp ngã ngũ rồi. Đế quốc Mỹ trước sau vẫn là con hổ giấy. Để con khuyên chú ấy. Cứ để mẹ con thím Miên ở bên ấy. Cưới ngay cô Xoan thì còn kịp đẻ một thằng cu.

Bà Cử Phúc nói thầm với Cách:

- Bà cứ chuẩn bị quần áo đồ đạc trước. Nếu bác Vọng không cho bà về với bố con mày, bà sẽ trốn…

Cách đã ra viện, được về với người thân, như chim sổ lồng suốt ngày rủ chị Ly lai bố Cục, mẹ Là đi chơi khắp Sài Gòn.

Cách béo trắng, như chưa hề qua những ngày thập tử nhất sinh, chưa hề nếm mùi lửa đạn. Giấy chứng thương của cậu ghi mất 34 phần trăm sức khoẻ, nếu đối chiếu thang bậc, thượng sĩ Nguyễn Kỳ Cách sẽ được xếp hạng thương binh loại ba.

Cầm hồ sơ xuất viện, Cục gật gù:

- Thế này thì ổn rồi. Cái gáo của thằng Cách chắc trên cổ còn hơn cả bê tông cốt thép. Chuyến này về, em phải cưới vợ cho nó. Bác Vọng thế nào cũng phải ra.

Vọng không nói gì, chỉ gật đầu ra hiệu.

Cục làm sao biết được để có cái giấy chứng thương kia Vọng đã phải đưa cho Khuất Sỹ Hào hai cây vàng Kim Thành.

Cục càng không thể biết rằng, không cần đợi đến đám cưới Cách, chỉ sau khi đưa bà Cử Phúc, mẹ con chị Là và bố con Cục về Bắc, Vọng sẽ ra đi vĩnh viễn. Có thể sẽ không bao giờ gặp lại…

***

Kế hoạch vượt biên đã được Vọng ngấm ngầm chuẩn bị từ hai tuần nay.

Đầu mối và đường dây, không phải ai xa lạ, chính là Khuất Sỹ Hào.

Câu chuyện bắt đầu từ sau cái hôm Hào thông báo cho Vọng hay tin lãnh đạo Cục đã quyết định cử anh đi Campuchia làm cố vấn. Đây là một thử thách lòng trung thành với chế độ. Không phải ở thủ đô Phnompênh mà về các tỉnh, các vùng chiến sự ác liệt. Hơn bất cứ ngành nào, cầu đường và y tế là hai ngành luôn ở sát mặt trận, bên cạnh người lính. Vì thế mức độ ác liệt sẽ vô cùng.

- Anh hãy suy nghĩ kỹ đi - Hào nói - Rất thương anh, em mới báo tin này. Chỉ còn chờ ý kiến họp liên tịch. Vì người ta chưa tin anh, sợ anh sang bên đó rồi chuồn qua Mỹ.

- Tôi cũng chẳng biết phải làm gì để họ tin mình…

Hào nhìn Vọng rất lâu như thăm dò, cân nhắc điều gì, rồi đột ngột hạ giọng:

- Sang đó cũng cầm bằng đi vào chỗ chết. Chín đi chỉ có một về. Quân Khơme Đỏ mới được quan thầy trang bị cho loại súng bắn tia hồng ngoại, trăm phát trăm trúng. Chúng toàn bắn tỉa vào ban đêm. Anh cân nhắc kỹ đi. Đi Cămpuchia hay ở lại, với anh, đều bị dồn vào tử địa. Em biết đã đến lúc anh ói mửa ra rồi. Chính quyền cộng sản không xực nổi anh. Và anh cũng không xực được họ. Trong trường hợp này, binh pháp Tôn Tử xếp vào kế sách thứ ba mươi sáu: "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách". Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn.

Vọng giật mình. Hào nhắc lại đúng câu Võ An Thới nói với anh trước ngày di tản.

- Chú bảo chuồn đi đâu?

- Ông anh đừng giấu thằng em. Mình ông anh ở nước Ngô, nhưng đầu ông anh lúc nào cũng ở nước Sở. Ngày nào mà anh chẳng cầu Chúa để mong chóng được sang với mẹ con chị Miên.

- Chết. Sao chú biết?

- Ông anh hơi coi thường Sỹ Hào này. Biết là ông anh còn chưa tin nên thằng em chưa tiện nói. Giờ em hỏi thẳng anh nhé. Có đường dây bán công khai chịu trách nhiệm toàn bộ từ A tới Z, khi nào chuyến đi trót lọt mới lấy tiền, anh có ưng không?

Gần đây Vọng có nghe nói về đường dây di tản bán công khai, thực chất là những tổ chức làm tiền do một số phần tử trong bộ máy chính quyền… thoái hoá biến chất, đứng ra bảo kê và làm dịch vụ đưa người vượt biên. Đi theo đường dây này, chắc chắn sẽ lọt qua phao số không. Từ hải phận quốc tế, tuỳ thuộc vào định mệnh. Nếu tàu không đắm vì bão tố, không bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc, may ra tới được miền đất hứa.

- Tôi tin ở chú. Nếu chú thu xếp được…

- Phải chắc như đinh đóng cột, thằng em mới nói với ông anh.

- Vậy nhờ chú thu xếp cho tôi một suất. Hết bao nhiêu?

- Giúp cho ông anh đi được là em mừng, chứ tiền nong không thành vấn đề. Nhưng sao chỉ một suất? Thế còn bà cụ?

- Làm sao mà đưa u tôi đi được? Tạm thời bà cụ sẽ ở lại với cháu Cách. Rồi Cách sẽ đưa u tôi về Bắc.

- Tốt rồi - Hào gật gù - Em sẽ bảo cô Xoan đến trông nom bà cụ. Anh cho em dự kiến thời gian đi, để em bố trí.

Kế hoạch được nhanh chóng hoàn tất. Chi phí cho cả chuyến đi hết hai mươi cây vàng ba sọc. Nhưng Hào sẽ chỉ lấy trước năm cây, mười lăm cây còn lại sẽ được thay vào giấy tờ thế chấp ngôi biệt thự của Vọng. Nếu cuộc đi bị trục trặc hoặc Vọng bị bắt lại, Hào sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, vàng và mọi giấy tờ

Lịch trình cho chuyến vượt biên đã được gút lại vào giờ chót: Vọng phải có mặt tại bến Cửa Cạn, thành phố Vũng Tàu lúc 0 giờ ngày X. Quá giờ quy định, coi như Vọng tự huỷ chuyến đi, phía tổ chức không chịu trách nhiệm.

0 giờ ngày X, tức là 24 giờ ngày Y, ngày bà Cử Phúc và bố con Cục lên tàu ở ga Bình Triệu, lên đường ra Bắc.

Trái với dự đoán của bà Cử Phúc, Vọng dễ dàng đồng ý để mẹ về quê.

- U không muốn ở, con cũng không dám giữ. Số con chỉ được phụng dưỡng u ngần ấy ngày.

- U đã nói với cô Xoan rồi. Con đồng ý để cô ấy đến ở trông nom nhà cửa cho con nhé. Nhớ nghe lời u. Có thế u về quê mới yên lòng.

Vọng gật đầu không nói gì.

Anh gọi hai bố con Cục vào phòng, đóng chặt cửa lại, rồi lấy ra một gói đã được chằng buộc rất kỹ.

Gói này bác giao cho thằng Cách giữ. Để trong ba lô và trông nom kỹ không được để mất cắp trên tàu. Đây là nhiệm vụ không kém gì sứ mạng một người lính. Trong gói này có thư chuyển cho bác Vỹ và mọi người. Chú Cục sẽ trực tiếp mở và làm theo lời tôi dặn. Tôi nhắc lại: Tuyệt đối không được mở thư trên tàu hoặc dọc đường. Chỉ mở thư khi đã về tới nhà. Chú Cục và cháu Cách đã nghe rõ chưa?

Cục cùng con trai khoanh hai tay:

- Dạ, bố con em sẽ làm đúng như lời bác dặn.

Vọng xếp gói đồ vào đáy ba lô của Cách.

Trước giờ tàu chạy, Vọng thuê xe taxi. Đích thân anh đưa mẹ và bố con Cục ra ga Bình Triệu.

Đó là một cuộc chia ly đẫm nước mắt. Một buổi sáng nắng loá và oi bức đến ngột ngạt. Nắng đến mức những chùm hoa giấy chói gắt và những vầng phượng vĩ như lửa, không ai dám nhìn.

Tiếng còi tàu hú dài nghe thê lương như tiếng kêu vĩnh biệt. Con tàu đi khuất mà Vọng vẫn đứng giữa sân ga như người mất hồn.

Lát sau, Vọng như bừng tỉnh. Anh chắp tay vái dài về phương Bắc, rồi vội vã khoác túi du lịch, hành trang của kẻ vượt biển, lên vai.

Một chiếc taxi trườn tới. Vọng tự mở cửa xe và bảo người tài xế chạy thẳng Vũng Tàu.

Còn mười lăm tiếng nữa.

Thời gian đủ cho anh có mặt ở nơi tập kết.

Ngày mai, Vọng phó mặc cuộc đời mình cho mù mịt đại dương.

<< Chương 23 | Chương 25 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 751

Return to top