Ni sư Đàm Hiên, người đẹp chùa Phổ Hướng năm nào, giờ đã là bà Cam, phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh, một vị thiếu phụ tuổi ngoài bốn mươi.
Đoá hoa, dù rực rỡ lộng lẫy nhường nào, cũng chỉ có một thời. Người đẹp, dù sắc nước hương trời như các đại mỹ nhân Trung Hoa: Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên… rồi cũng đến lúc tàn phai. Với Cam, quy luật của sắc đẹp nghiệt ngã hơn nhiều. Chị như nhân vật trong câu nói của người xưa: "Gái ba mươi tuổi đã toan về già". Chị tưởng như chưa hề có tuổi xuân, chưa hề được trải qua đời thiếu nữ, chưa hề biết đến hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Đôi lúc, trong đâu đó ký ức, xa hút, mờ mịt như ở một thế giới nào, hiện về hình ảnh ba ngày thần tiên ở phố Phương Đình. Đời đàn bà của Cam chỉ có ba ngày thần tiên ấy. Triền miên trong suốt mấy chục giờ đồng hồ. Thoả thuê giữa thanh thiên bạch nhật. Ngây ngất tận hưởng nguyên khí tinh khôi của người trai cuồng nhiệt mê đắm. Nếu kể từ cái buổi chiều như muốn phát điên vì phải dồn nén quá nhiều thèm khát dục tình trong cái nhà kho chùa Phổ Hướng ấy, thì ba ngày thần tiên ở Phương Đình, là sự bù đắp tuyệt vời, là đỉnh điểm của ái tình, đủ cho Cam sống một đời. Và cũng chỉ thế thôi. Sau đó là những chuỗi ngày dài dằng dặc kìm giữ và giấu mình, thậm chí phải lên gân cốt, đạo đức giả. Cách mạng, theo đúng nghĩa đen của mọi thời, gần với tôn giáo ở bản tính hà khắc, cay nghiệt và thói đạo đức giả, vì tính mục đích của nó, đã vô tình triệt tiêu đến mức tối đa bản năng con người. Bản năng lớn nhất, thậm chí duy nhất là tính dục. Vì thế bao nhiêu tuổi xuân đã bị chôn vùi. Tuổi xuân của Cam cũng vậy. Suốt từ mối tình vụng trộm và kết trái ở Phương Đình, chị hầu như đã xong thiên chức đàn bà.
Ngắn ngủi vậy sao, một phận đàn bà? Câu hỏi này thoạt đầu khiến Cam bâng khuâng, lo âu hàng nửa tháng trời. Sau đó thì đau đớn, cay đắng, nuối tiếc khôn nguôi.
Sự kết thúc thiên chức đàn bà của Cam xảy ra cách đây một năm. Đó là thời kỳ Cam được triệu tập về học trường Chính trị cao cấp, một khoá học mười hai tháng đào tạo cơ bản cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp bộ, ngành trung ương. Mười hai tháng, chia làm bốn học kỳ, tương đương với bốn năm học chính quy. Tốt nghiệp khoá học này, coi như không cần học thêm một văn bằng chứng chỉ nào.
Giống như những Cử nhân thời Tây, đã qua trường hậu bổ là có quyền làm quan cai trị ở bất cứ đâu. Chương trình học không khó, nhưng nhiều khái niệm mới, mơ hồ và trừu tượng, buộc học viên chỉ có cách duy nhất là thuộc lòng. Chỉ cần học thuộc lòng, không cần hiểu, là có thể đạt điểm cao. Như hầu hết học viên trong khoá học, những bí thư, chủ tịch huyện, trưởng, phó ty, vụ trưởng, vụ phó, giám đốc, trưởng phó ban, ngành… những người xuất thân từ công nông binh, Cam cũng ù ù cạc cạc như cô học trò lớp hai phải theo học chương trình đại học. Không biết thì càng phải cố. Học ngày học đêm, bất kể ngày lễ chủ nhật. Hoảng nhất là viết thu hoạch, kiểm tra hết học phần. Cả lớp đối phó. Lừa giáo viên ra ngoài để copy giở sách. Chưa xong phần Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, đã đến phần Kinh tế chính trị học. Rồi hai con đường. Rồi lịch sử giai cấp… Chỉ sau ba tháng học vẹt, Cam đã sút năm cân. Không thể do ăn uống kham khổ. Thời nằm bờ ngủ bụi hoạt động bí mật trong vùng địch hậu khu Ba, nhịn đỏi là thường mà Cam vẫn phây phây. Vậy thì tại sao mỗi ngày cơ thể Cam cứ teo tóp? Có lần, nhặt được một mảnh gương vỡ còn bằng cánh cửa sổ, Cam mang về phòng, giữa trưa, đóng chặt cửa lại, cời hết quần áo để soi. Nồng nỗng trong gương, Cam tưởng như mình đang gặp một mụ già lạ hoắc nào. Cam tiếc ngẩn ngơ cái thời phồn thực thầy tiểu Hiên ở chùa Phổ Hướng, tiếc xót xa ba ngày thần tiên với Khôi ở Phương Đình. Bầu vú mới hôm qua còn ngồn ngộn, căng đầy, giờ đã tóp lại, chảy xệ. Cam mơ hồ cảm thấy trong người mình có sự đổi khác. Và quả nhiên, vào đúng cái tháng thứ ba của khoá học, đúng kỳ thi hết phần một giáo trình, Cam chờ đợi mãi vẫn không thấy kinh nguyệt.
Chẳng lẽ mới hơn bốn mươi tuổi Cam đã tắt kinh? Câu hỏi này sâu xoáy trong đầu, có lúc nhức buốt như có ai đó xọc một chiếc kim dài xuyên suốt hai bên thái dương, có lúc tê dại, choáng váng như bị giáng một vật nặng từ trên cao. Bốn đêm liền Cam không chợp mắt. Hay là mình có thai? Chỉ có ý nghĩ có vẻ như ngớ ngẩn này mới đủ chứng cứ khoa học để có thể giải thích được hiện tượng tắt kinh ở người đàn bà đang còn tuổi sinh nở. Nhưng có thai với ai? Bao giờ?Điều này thì Cam quá biết rõ mình. Suốt từ ngày đẻ bé Lê Kỳ Chu, Cam không hề có sự đụng chạm với bất kể người đàn ông nào. Sự phản bội của Khôi khiến Cam căm thù và ghê tởm tất cả bọn giống đực. Có lẽ như vậy. Nhưng cũng còn do hoàn cảnh chiến tranh và sự nghiêm khắc của tổ chức nữa. Đã nhiều lúc Cam cũng tự cảm thấy mình như đang biến đổi giới tính. Cam mọc râu mép và rậm rì lông nách. Cam mạnh mẽ và lạnh lùng, lý trí và vô cảm.
Rồi Cam cũng cố tìm ra nguyên nhân. Phải rồi. Nếu tính từ buổi sáng đồng chí Chiến Thắng Lợi, Phó Ban X, đến giảng bài chuyên đề "Hai con đường" cho tới khi Cam tắt kinh, đã gần hai tháng.
Tưởng thầy giáo Chiến Thắng Lợi là ai, hoá ra chính là Nguyễn Kỳ Khôi, người mà Cam từng kỳ công tìm kiếm suốt mười mấy năng trời.
Cố tình thu nhỏ người lại, và ngồi tận góc dãy bàn cuối lớp học, mà Cam vẫn tưởng như mình trần truồng, loã lồ dưới ánh mắt sáng rực như đèn pha của đồng chí Chiến Thắng Lợi. Chính sự kinh ngạc đến sững sờ khi chợt phát hiện ra Cam, rồi ánh mắt xăm xoi bỡn cợt của đồng chí đã khiến Cam có ý nghĩ ấy. Khôi giờ đã là người đàn ông với tất cả sự hoàn hảo và thành đạt. Một giảng viên tầm cỡ dạy ở một trường hậu bổ tối cao của chính thể. Nhưng đôi mắt sâu có phần âm u, bí hiểm và ánh nhìn sáng quắc mỗi khi chiếu rọi, thì vẫn là của chàng trai mười tám tuổi trong ba ngày thần tiên ở Phương Đình ấy. Cam tin chắc là Khôi nhận ra nàng ngay, dù nàng ngồi ở bất cứ xó xỉnh nào trong lớp học. Trong giây lát, khi ánh mắt họ gặp nhau, Cam cảm giác như mình bỗng lên con sốt Nhật kỳ lạ. Xen giữa tâm trạng yêu thương xa xót là sự căm ghét, hận thù. Cơn sốt giờ đã giần giật trong từng li ti huyết quản. Mặt nóng phừng phừng. Cam đưa tay lên trán. Thân nhiệt chắc đã lên tới bốn mươi độ.
Nhưng phải đợi đến giờ nghỉ giữa tiết học, Cam mới báo cáo lớp trưởng, trốn về phòng. Cơn sốt nóng lui, liền chen cơn sốt rét. Phải đắp chăn bông và đi tất dài.
Buổi chiều, giảng viên Chiến Thắng Lợi đột ngột đến thăm. Đó là bất ngờ lớn nhất mà Cam không lường trước. Cam cố gượng ngồi dậy, nhưng Lợi đưa tay ngăn chị lại.
- Suốt mười mấy năm qua tôi vẫn đi tìm Cam.
Cam biết Lợi nói dối, anh đã quá quen với thói đạo đức giả, nhưng chị không muốn nói lại.
- Chiến tranh… biết làm sao được. Cam hãy tha lỗi cho tôi. Và chúng ta hãy giữ mãi kỷ niệm với một thời tuổi trẻ bồng bột.
- Thôi thầy đừng nói nữa. Tôi đã quên lâu rồi… Tôi thậm chí không nhận ra giảng viên Chiến Thắng Lợi là ai khi thầy bước lên bục giảng. Với tôi, Nguyễn Kỳ Khôi đã chết…
Giờ thì Lợi hiểu ra rằng Cam vẫn không tha thứ cho sự trốn chạy của anh. Nghe câu nói đủ biết Cam căm thù, nhưng vẫn còn yêu…
Im lặng hồi lâu, như chẳng còn điều gì để nói. Bỗng Lợi ngồi vào mép giường, cầm tay Cam.
- Cam vẫn còn giấu tôi. Hình như giữa chúng mình vẫn còn một giọt máu… Con chúng ta ở đâu?
- Hình như ư? Không có chuyện ấy đâu - Cam hất tay Lợi ra, cố ngồi dậy, ánh mắt đầy giễu cợt - Người trần làm sao có thai được với ma? Thầy hãy yên tâm rằng giữa chúng ta không dính líu điều gì. Với tổ chức thầy vẫn trong sạch và hoàn toàn được tin cậy. Đường quan lộ của đồng chí Chiến Thắng Lợi vô cùng thênh thang rộng mở…
- Cam, đừng giấu tôi. Nếu chúng ta có con, thì giờ là lúc tôi có điều kiện chuộc tội lỗi… Bằng bất kỳ giá nào, tôi sẽ lo cho con… Cho cả Cam nữa. Hết khoá học này, Cam có thể đề đạt nguyện vọng…
- Thưa thầy Chiến Thắng Lợi, đồng chí Chiến Thắng Lợi, câu chuyện của chúng ta nên chấm dứt ở đây! - Cam hất mớ tóc qua vai Coi như chưa bao giờ tôi gập anh Nguyễn Kỳ Khôi… - Tôi mệt lắm. Tôi cần được nghi ngơi.
Chiến Thắng Lợi ra ra khỏi phòng, Cam úp mặt xuồng gối, khóc xối xả, như vừa chôn cất nửa đời mình.
Tới nửa đêm, khó nhọc lắm, giấc ngủ mới đến chập chờn. Cam mơ thấy mình trở lại phố nhỏ Phương Đình. Thầy giáo Chiến Thắng Lợi từ trên bục giảng, cắp theo tập giáo trình "Hai con đường", chạy theo Cam về tận căn nhà có giàn hoa giấy. Rồi thày trải kín tập giáo trình lên giường, thành một chiếc đệm, dày mà êm ái. Những trang giáo trình biến thành những trang "Tố Nữ kinh". Thầy Lợi cởi quần áo, thoắt trở thành chàng trai mười tám tuổi Nguyền Kỳ Khôi, với những cơ bắp cuồn cuộn, sung mãn, với khẩu đại pháo dũng mãnh, lúc nào cũng căng một góc bốn mươi lăm độ. "Anh mới đọc được bộ sách "Tố Nữ kinh", một bí truyền về cách làm tình của vua chúa Trung Hoa. Sách dạy có chín kiểu làm tình của bậc đế vương. Anh sẽ bù lại cho em bằng lần lượt các kiều "Long phiên" (Trứng lộn ngược), "Hổ bộ" (con hổ bước đi), "Viên bác" (con vượn chạy), "Thiền phụ" (con ve bám), "Qui đằng (con rùa bay lên)…"
Không đợi Cam có đồng tình hay không, bằng hàng loạt động tác mạnh mẽ, dứt khoát và chính xác, Khôi lột hết quần áo trên người Cam, rồi ôm xiết lấy nàng mà ngấu nghiến, cào xé…
Có lẽ Cam đã tắt kinh từ đêm mơ ấy?
Sau lần ấy, Cam vĩnh viễn chấm dứt một kiếp đàn bà.
***
Cam trở về làng Động lúc đã xế chiều. Vụ máy bay Mỹ bỏ bom cầu Thanh Am, ngay hôm sau, đài báo đã loan tin, nhưng tin Bính, vợ Cục, bị chết trong trận bom ấy thì một tuần sau chị mới biết.
Cam tưởng như mình cũng vừa bị bom Mỹ thả trúng đầu. Tin sét đánh làm bật dậy tình mẫu tử tưởng bao năng đã ngủ quên trong chị. Ở người cán bộ phụ vận lúc nào cũng tất bật vì những công việc, lúc nào cũng đăm chiêu nghiêm nghị trước những chỉ thị, nghị quyết, hoá ra vẫn ẩn kín những phấp phỏng lo âu, những ái ố hỉ nộ của kiếp người. Tận góc thẳm sâu, trong đáy trái tim, trong góc não bộ, Cam vẫn luôn dành cho Cục, cho Chu, hai giọt máu oan nghiệt của đời chị một tình mẫu tử thiêng liêng.
Với Lê Kỳ Chu, Cam đã công khai ghi trong lý lịch công tác, khai bố Chu chính là đồng chí Lê Thuyết, một cán bộ cách mạng kiên cường bị Quốc Dân đảng giết ngay sau ngày chị có mang. Vì hoàn cảnh công tác, Chu phải gửi về ở với bà ngoại ở Mường Bi. Nhưng với Cục, giọt máu oan nghiệt với tên ác ôn Trương Phiên thì Cam phải giấu biệt. Cục là nỗi day dứt khôn nguôi của Cam. Đã có lúc chị muốn đầu thú với tổ chức. Muốn trở thành con người thật của mình. Muốn được công khai làm mẹ, làm bà. Rồi muốn ra sao cũng mặc. Chị sẽ đón vợ chồng con cái Cục về Mường Bi dựng một nếp nhà ở chung với Chu, nơi có phần mộ của người mẹ khốn khổ vừa mới qua đời.
Nhưng rồi Cam vẫn không thể thoát khỏi cái vỏ bọc của mình. Chị là con người của tổ chức. Cô Bướm ngày xưa đã chết từ cái buổi chiều rét mướt khi cô điên dại mang đứa con đỏ hỏn vứt bỏ ở búi tầm xuân ông Đống đầu làng Động ấy rồi. Nặng trĩu nỗi đau và sự ân hận, dày vò, Cam men theo bờ mương, cùng cô thư ký và anh tài xế đi thẳng ra bãi tha ma cuối làng.
Không cần ai chỉ dẫn, chị nhận ra ngay nơi Bính nằm. Cả bãi tha ma chỉ có một ngôi mả mới.
Anh tài xế châm hương, đưa cho chị, rồi cùng cô thư ký kính cẩn lùi lại, chắp hai tay đứng đợi. Cam cầm bó hương cháy giần giật trong gió, đứng lặng như trời trồng trước ngôi mộ mới.
"Con dâu của mẹ? Mẹ là Đào Thị Cam, mẹ đẻ của Quặc, mẹ chồng của con đây. Đau xót quá. Cứ tưởng rằng vợ chồng con sẽ sống yên ổn cùng các con con. Dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn thiếu thốn, thiếu cả tình thương của mẹ, nhưng rồi cũng đắp đổi qua ngày, rồi cũng trôi qua những kiếp người. Vậy mà giặc Mỹ bỗng từ bên kia biển ập đến, giết hại con một cách dã man, tàn ác. Con ơi, mẹ không một ngày được ở bên con, được làm mẹ chồng con, cũng không một ngày được sống bên hai con và các cháu. Nhưng lúc nào mẹ cũng canh cánh một nỗi nhớ mong, lúc nào cũng cầu Trời Phật phù hộ cho các con.
Mất mát này quá lớn. Sao những người tốt như con, như ông Lý Phúc lại phải chết oan uổng, hả con? Mẹ cầu mong cho hương hồn con được siêu thoát. Con hãy phù hộ cho chồng và các con con trên cõi dương gian này…"
Cam san nửa bó hương cho anh lái xe đi cắm ở những ngôi mộ xung quanh. Chị tìm mộ ông Lý Phúc, thắp ba nén nhang cầu khấn. Phần nửa còn lại, chị cắm lên mộ Bính, và cứ ngồi phủ phục trước gò đất cho đến khi cô thư ký nhắc khẽ, chị mới như bừng tỉnh.
- Dạ, muộn rồi. Chúng ta có vào nhà gia chủ nữa không cô? - Cô thư ký nhìn đong hồ hỏi nhỏ.
- Chúng ta vào nhà chia buồn với gia chủ em ạ. Anh Quặc là con trai cụ Lý Phúc, người đồng chí và cơ sở của ta hồi kháng chiến…
Cô thư ký trẻ lần đầu đi với nữ thủ trưởng về thăm cơ sở, thấy ngạc nhiên vô cùng về tính đa cảm và tình thương người của thủ trưởng mình trước gia đình người xấu số. Vừa nhìn thấy ba chiếc khăn tang trên đầu ba bố con, Cam đã xoà tay ồm lẩy Cục cùng thằng Công, thằng Cài và khóc nức nở.
- Khổ thân các con cháu tôi. Giữa đường gà trống nuôi con… Còn thằng Cách, cái Ruộng đâu?
- Dạ cháu. Ruộng ra Hà Nội với bác Khiêm, bác Vỹ. Cháu Cách sang ở với ông bà ngoại cháu… - Cục trả lời rồi dẫn chị Cam tới bàn thờ.
Cam thắp hương và đứng sụt sùi hồi lâu trước bài vị Bính. Không ai hiểu tâm trạng Cam lúc này. Một tâm trạng giằng xé đau khổ của người mẹ phải đóng vai một người khác, phải giấu mình đi trước ánh mắt thế gian, trước cả phần máu mủ ruột rà của mình.
Không gì có thể bù đắp cho Cục và các cháu, Cam mở túi sách lấy hết tiến trong túi dúi vào tay Cục.
- Thay mặt Hội Phụ nữ tỉnh, cô và các đồng chí trong cơ quan đến thắp hương Bính và chia buồn cùng gia đình… Còn đây là tiền của riêng cô. Cháu cầm lấy thêm cặp vào để nuôi các con… Ngày ông Lý Phúc còn sống, ông Lý coi cô như người trong nhà. Cháu hãy coi cô như một người thân. Bất cứ lúc nào khó khăn, cháu hãy báo cho cô…
Nói dứt những lời ấy, không kịp để Cục từ chối, Cam vội bỏ chạy ra xe.
***
Ô tô về đến cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh cũng là lúc loa phát thanh trên ngọn cây sấu đầu nhà đang phát buổi thời sự cuối ngày. Cả nước đang sôi sục như một lò lửa. Đồng bào Nam Bộ thắng lớn ở Bến Tre, Củ Chi. Giặc Mỹ ồ ạt leo thang bắn phá Vĩnh Linh, Đồng Hới, Bến Thuỷ, Hàm Rồng, Hải Phòng, Việt Trì… Cả một làng chài bên cửa Nhật Lệ bị bom Mỹ huỷ diệt.
Đội nữ dân quân Ngư Thuỷ bắn đuổi tàu chiến Mỹ. Hàng vạn thanh niên nông thôn Thái Bình, Nam Định, Hà Tây… viết đơn bằng máu tình nguyện ra mặt trận. Một nghìn bốn trăm ba mươi sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Y khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội tình nguyện nhập ngũ… Tiếng phát thanh viên chưa dứt, đã vang lên tiếng hát Bích Liên với "Bài ca năm tấn": "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ. Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ một ngày…"
Trong lúc Cam bật chiếc bóng đèn điện đỏ quạch ở hành lang và loay hoay mở cửa phòng, thì người bảo vệ cơ quan cứ quanh quẩn mãi mới dám đưa cho chị công văn thư từ trong ngày.
- Dạ thưa thủ trưởng. Có công văn khẩn của Thương vụ triệu tập sáng mai thủ trưởng sang họp gấp.
- Chuyện đào hầm hào và sơ tán đây mà. Trung ương vừa ra Nghị quyết về tình hình mới, triệt để sơ tán các cơ quan đầu não ra khỏi các trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Tất cả các nơi đều phải đào hầm hào phòng tránh bom - Cam như biết rõ mọi chuyện - Buổi phát thanh thời sự báo hôm nay ta hạ bao nhiêu máy bay hả đồng chí?
- Rồi còn rụng như sung. Máy bay phản lực của ta từ Liên Xô đã về nước rồi.
Cam nói như đang đứng giữa hội trường, khiến người bảo vệ cơ quan cũng thấy mình như được truyền thêm năng lượng. Ông hắng giọng, móc trong túi áo một lá thư.
- Dạ, cậu thanh niên đến tìm thủ trưởng suốt cả buổi chiều. Cậu ấy có gửi thư lại cho thủ trưởng.
Cam thấy lạnh toát sống lưng, nhưng lòng lại nóng như lửa đốt. Lá thư trên tay Cam cứ rung bần bật.
Thư của Lê Kỳ Chu.
"Kính gửi mẹ,
Trường con có phong trào tình nguyện lên đường nhập ngũ. Bọn học sinh lớp mười tụi con không đứa nào thiết học nữa. Con đã viết đơn bằng máu xin được vào Nam chiến đấu để trả thù cho cha con và đồng bào bị giặc Mỹ giết hại. Hai ngày nữa chúng con sẽ tập trung tại huyên. Con đến chào mẹ trước khi lên đường. Nếu mẹ quá bận thì cũng chẳng cần phải về tiễn con đâu. Con lớn rồi, mẹ đừng lo gì cho con cả…
Con trai của mẹ.
Lê Kỳ Chu"
Mới đó mà đã mười tám năm. Giọt máu của Cam và Khôi, kết quả của cuộc tình vụng trộm ba ngày ở phố Phương Đình ấy, giờ đã là một chàng trai mười bẩy tuổi. Nếu không có mẹ, người đàn bà mà ông Cai Sâm đã nếm trái cấm để sinh ra Bướm rồi bán cho ông quan lang người Mường Bi lấy mười đồng bạc trắng hoa xoè, có lẽ số phận thằng Chu cũng chẳng hơn gì thằng Cục. May mà bà Bưởi, mẹ Cam lấy được người chồng nhân đức. Ông quan lang thất thế cuối đời sống ẩn dật với bà vợ ba trong một thung lũng đá vôi trắng xoá hoa mơ mỗi độ xuân về. Bà Ba Bưởi kịp sinh với ông quan lang hai người con, một trai một gái, trước khi ông quan lang ốm chết khi bị giam thời cải cách ruộng đất. Người ta gọi bà là Mế Ba.
Mế có nghề bốc thuốc lá chữa bệnh phù thũng, một phương thuốc gia truyền do ông quan lang để lại. Trong cái thung cũng heo hút, hoang dã và thơ mộng ấy, không mấy người biết Chu là con của Cam. Chính cậu bé Chu cho mãi tới sau hoà bình mới biết mình có một người mẹ. Chu gắn bó với Mế Ba, cậu Quách Liêu và dì Quách Thị Phin như mẹ con, anh em ruột.
Sau ngày Mế Ba mất, cũng là khi Cam đã có một vị trí xã hội, có tiêu chuẩn cán bộ cấp tỉnh, có nhà công vụ, nhiều lần chị đã định đón Chu về ở với mình. Nhưng rồi lại đắn đo nhiều lẽ. Chị thường xuyên phải đi công tác lưu động, xuống cơ sở rồi họp hành liên miên, quản một cậu con trai hiếu động không dễ chút nào. Vả lại, tuy có nhà công vụ, nhưng cũng chỉ một gian trong khu tập thể, kê vừa một giường cá nhân, một bàn làm việc, một bàn nước tiếp khách. Đón Chu về ở, sẽ phải trình bày đủ lý do hoàn cảnh với tổ chức, phơi hết quãng đời tư vốn thầm kín và thiêng liêng của mình, Cam không muốn.
Và còn lý do này nữa, lý do tưởng như vụn vặt, chẳng có cơ sở, chứng cớ gì nhưng lại khiến Cam băn khoăn lo lắng hơn cả.
Ấy là sự giống nhau giữa Lê Kỳ Chu và Nguyễn Kỳ Khôi như khuôn đúc. Kỳ lạ, sao cá hai đứa con của Cam đều giống bố chúng đến lạ lùng. Thằng Cục, nếu đứng cạnh Trương Phiên, có khác gì hai phiên bản của cùng tác giả. Thằng Chu còn giống Khôi hơn nữa. Sau này, Cam đọc một tài liệu viết rằng, những cuộc tình lén lút, những cuộc giao phối vụng trộm, thường đẻ những đứa con có tính gien trội, hoặc giống bố, hoặc có những tố chất đặc biệt. Cho tới khi Cam đã biết chắc đồng chí Chiến Thắng Lợi, người thường xuyên về làm việc với lãnh đạo tỉnh, thường xuyên đến các hội nghị phụ nữ giảng bài, chính là chàng trai Nguyễn Kỳ Khôi người làng Động thì chị hoàn toàn loại bỏ dự định đưa Chu về thị xã ở với mình. Cam lo sợ tổ chức sẽ biết một quãng đời mà chị đã giấu kín, đã muốn phi tang. Một cán bộ chủ chốt như Cam không cho phép khai man lý lịch, giấu giếm tổ chức một điều gì. Cam sẽ phạm vào giới luật, vi phạm lời thề thiêng liêng. Tổ chức sẽ không tha thứ nếu biết Chu là con đẻ của Chiến Thắng Lợi. Sẽ mất hết. Cả mấy mươi năm gian khổ nằm gai nếm mật đi theo cách mạng. Cả địa vị xã hội, tiền đồ, tương lai của bản thân mình và những người thân… Điều lo lắng của Cam còn liên quan cả đến Chiến Thắng Lợi. Ông ta cũng sẽ mất hết. Một địa vị như thế, mấy ai dám mơ tưởng? Tuy hận thù, khinh bỉ, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, Cam vẫn dành cho Lợi một góc yêu thương. Đó tưởng như mâu thuẫn, nhưng cũng là đạo lý người của chị.
Sau hai ngày học nghị quyết, Cam về đến Mường Bi, thì Lê Kỳ Chu, ngay đêm trước, đã theo đơn vị bí mật lên đường.
Chu đi đâu?
Cam hụt hẫng, tưởng đất dưới chân mình đổ sụp. Đứa con của chị, giọt máu và sự kỳ vọng duy nhất của chị, lại giống như Bính, đứa con dâu xấu số, sẽ làm mồi cho bom đạn giặc Mỹ ư?
***
Sau cả tuần tìm kiếm, bằng đủ mọi nguồn thông tin, qua chằng chịt những mối quan hệ, cuối cùng Cam phong thanh biết rằng Chu đang đóng quân ở vùng Suối Hai, Sơn Tây.
Anh được phiên chế vào một đơn vị đặc biệt, sẽ được huấn luyện cấp tốc ba tháng để chuẩn bị vượt sông Bến Hải trước mùa mưa.
Bản tính kiêu hãnh và gan góc không thua kém gì đàn ông của Cam, cộng với lý tưởng sáng ngời, lập trường kiên định, ý chí xả thân do tổ chức rèn cặp bao năm, cuối cùng cũng không thắng nổi trái tim mềm yếu của người mẹ. Chấp nhận để Chu đi chiến trường, đối đầu trực diện với bộ máy chiến tranh tàn bạo và hiện đại nhất của đế quốc Mỹ, tức là Cam đã cầm sẵn tấm giấy báo tử của Chu. Không! Dù Cam có bị loại khỏi tổ chức, tước hết mọi quyền lợi, địa vị, bị sa thải về quê chị cũng không thể để con trai chị đi vào chỗ chết. Cả đời chị chỉ còn mình nó. Chị đã chịu nhiều hy sinh, cay đắng để mong nó được nên người. Với học lực xuất sắc và tư chất thông minh, năm nào cũng đứng đầu lớp, chỉ hơn tháng nữa nó sẽ tốt nghiệp lớp mười. Cậu tú tài của Cam sau đó sẽ vào đại học, sẽ được gửi đi đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc, sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ… Hỏi có đứa trẻ nào thiệt thòi, chịu nhiều bi kịch mà tự phấn đấu vượt lên như nó không? Có phải chị đi làm cách mạng cũng là vì nó không? Nó là lẽ sống, niềm hạnh phúc, nơi gửi gắm mọi ước vọng của đời chị. Chị sẽ không xứng đáng là người mẹ, chị sẽ chỉ là kẻ có trái tim bằng phân trâu mới cam chịu nhìn con mình phơi xác giữa rừng.
Giữa lúc đau đớn, giằng xé ấy, Cam nghĩ đến Chiến Thắng Lợi.Chỉ có Lợi mới có thể cứu được Chu ra khỏi guồng máy chiến tranh. "Nếu chúng ta có con, thì giờ là lúc tôi có điều kiện chuộc tội lỗi. Bằng bất kỳ giá nào, tôi sẽ lo cho con". Câu nói của Lợi khi đến thăm Cam ốm ở khoá chính trị cao cấp ấy, luôn văng vẳng trong đầu, Cam thức trọn đêm để viết cho Lợi một lá thư dài tám trang giấy pơluya. Nhưng rồi chị lại xé nát. Chị phải trực tiếp gặp Lợi.
Lần đầu tiên Cam đặt chân đến cổng cơ quan Ban X. Nhìn cơ ngơi, trạm gác, phòng trực ban, chị hiểu ngay vị thế và vai trò của đồng chí Chiến Thắng Lợi.
Chiếc sân rộng đỗ chật các loại xe con mang biển số khắp các tinh. Phía trước tiền sảnh, một dãy xe tải, xe commăngca đang chất tài liệu, bàn ghế, đồ đạc chuẩn bị đến noi sơ tán. Không phải một cơ quan quân sự, nhưng nơi đây luôn như đại bản doanh của mọi chiến dịch.
Người đầu tiên Cam gặp ở phòng khách là Văn Quyền, trợ lý đắc lực của Chiến Thắng Lợi. Quyền đang nói chuyện gì đó với nhà văn Đà Giang vừa từ dưới tỉnh lên.
- Kìa chị Cam. Chị đến họp hay có việc gì? - Quyền xăng xái đứng lên bắt tay Cam. Cam cố nở nụ cười xã giao, nhưng ánh mắt chị lại nhìn về phía người khách của Quyền.
- Hình như nhà văn Đà Giang…? - Cam đi lại chỗ người khách.
- Tôi tưởng chị đã quên - Đà Giang kéo ghế đứng lên, trên tay vẫn cầm chiếc điếu cày, lúng túng mãi anh mới chuyển sang tay kia để đáp lại cái bắt tay đang đợi.
Với Đà Giang thì Cam quá quen thuộc. Nhà văn hóm hỉnh lúc nào cũng cặp kè bên tay cuốn sổ ghi chép và chiếc điếu cày này, chị đã từng gặp trong Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua. Anh ta xoay Cam đến chóng mặt với những câu lục vấn tỉ mẩn từ chuyện hoạt động hai mang trong vùng địch hậu đến cả những chuyện đời tư, yêu đương, con cái… Cam nhớ, lần đầu tiên Cam nói với một người không thân thiết về một phần đời tư về cậu con trai Lê Kỳ Chu của mình. Sau lần gặp ấy, một truyện ký với tựa đề "Người đẹp Sơn Minh hay là huyền thoại về Ni cô Đàm Hiên"ký tên tác giả Đà Giang đăng trên tạp chí Văn, khiến từ đó đến đâu, Cam cũng được người ta cũng chỉ trỏ, bàn tán xì xào.
- Anh gán cho tôi một cái tên làm tôi ngượng chín cả người, đến giờ cũng không dám xuất hiện trước đám đông - Cam nhắc Đà Giang nhớ lại bài viết ngày nào.
- Nếu được viết thêm về chị, tôi sẽ chua thêm rằng bây giờ Người đẹp Sơn Minh còn đẹp hơn cả ngày xưa…
Văn Quyền vỗ vai Đà Giang, thầm công nhận sự dẻo mỏ của anh nhà văn nổi tiếng có duyên tán gái. Rồi đột ngột Quyền chuyển câu chuyện:
- Nếu chị cần gặp thủ trưởng Lợi thì tranh thủ lên ngay đi. Mười giờ thủ trưởng có cuộc họp với Anh Tư. Để tôi lên báo cáo trước với thủ trưởng.
Qua cách nói, đủ thấy Văn Quyền hình như đoán biết mối quan hệ giữa người đẹp Sơn Minh và thủ trưởng của mình.
Chiến Thắng Lợi quá bất ngờ khi Cam đến gặp. Lạ thế, đã được Quyền báo cáo trước, mà cho tới lúc nhìn thấy Cam xuất hiện ở cửa phòng, mặt Lợi vẫn tái nhợt, chưa qua khỏi cơn choáng váng.
- Cam gặp tôi có việc gì cần kíp lắm phải không?
Cam tự kéo ghế ngồi. Chính chị cũng đang rất bối rối không biết nên mở đầu thế nào.
- Tôi sẽ bố trí gặp Cam vào lúc khác, ở một nơi khác cho thoải mái nhé? Tôi đang chuẩn bị cho cuộc họp gấp với Anh Tư.
Lợi nhìn quanh, rồi đi ra chốt cửa lại.
- Anh cứ mở cửa ra. Tôi đến đây không có gì khuất tất. Anh ngại gặp tôi ở đây lắm phải không? Sợ tổ chức hay sợ cô Là vợ anh?
Lợi lại đi ra mở chốt cửa, nhưng vẫn thận trọng khép hờ. Rồi Lợi rót nước và nhìn đồng hồ.
- Thôi được. Tôi có thể tiếp Cam ba mươi phút. Rồi chúng ta sẽ gặp nhau tiếp. Tất nhiên là ở một nơi kín đáo và thuận tiện. Tôi cũng có nhiều chuyện cần nói với Cam…
Đôi mắt Cam sầm tối, tựa hồ vừa bị một cơn choáng. Anh ta sợ gặp mình. Anh ta muốn trốn chạy quá khứ. Chị nhận chân quá rõ sự hèn kém trong con người Lợi. Có còn trông mong gì ở con người vừa thề non hẹn biển, đã lại rũ bỏ ngay những gì thiêng liêng nhất của mình? Giá như có thể, Cam đã nôn oẹ, đã nhổ một bãi nước bọt mà rũ áo đứng dậy, đi, không bao giờ ngoảnh lại. Suốt mười tám năm qua, nhục nhã, ê chề, cay đắng… mà Cam còn bất cần, còn dám ngẩng cao đầu, thì hà cớ gì, bây giờ, chị phải cầu xin, quỵ luỵ.
Cam đứng vụt lên.
- Kìa Cam, bình tĩnh đã nào. Có chuyện gì, cứ nói. Tôi sẽ gọi điện báo cáo với đồng chí Tu Vuông xin chậm lại một giờ…
Cái chạm tay, rất nhẹ của Lợi, làm cơn hoả trong đầu Cam dịu lại. Chị cố trấn tĩnh, tự nhủ thầm: Vì con, mẹ đành nhẫn nhục.
Đợi Lợi quay số điện thoại, nói với ai đó ở đầu dây bên kia xong, Cam nói, giọng lạnh băng:
- Tôi chỉ xin anh mười lăm phút thôi - Chị lấy trong túi xách ra một tấm ảnh chân dung đen trắng khổ bằng bàn tay, đặt trước mặt Lợi - Anh có nhận ra ai đây không?
Mắt Lợi mở to hết cỡ, nhìn như hút lấy tấm ảnh.
- Cam vẫn giữ tấm ảnh tôi ngày ấy?
- Anh lầm rồi. Tôi đã đốt tấm ảnh Nguyễn Kỳ Khôi từ sau ngày gặp anh ở Phương Đình. Anh nhìn kỹ lại xem. Giống anh lắm phải không? Nó đấy. Lẽ ra tôi không bao giờ cho anh biết điều này…
Cam bỗng bật khóc. Nhưng rồi chị thanh chóng lấy mùi soa chấm mắt, cầm lại tấm ảnh, cất vào túi xách.
Người Lợi run như cơn sốt rét rừng ngày nào bỗng ập về. Tiếng anh méo đi:
- Thật vậy sao? Có đúng là con chúng ta không em? Nó đang ở đâu?
- Anh hãy bình tĩnh… Tôi đặt tên nó là Lê Kỳ Chu. Họ Lê là anh Lê Thuyết. Họ Chu của tôi. Chỉ có một chữ Kỳ của anh thôi nhưng ngay chữ tên đệm ấy, anh cũng đã vứt đi rồi. Tôi biết anh không muốn và không cần có nó. Nó sẽ là gánh nặng trong cuộc đời cách mạng của anh, thậm chí sẽ là vật cản trên bước đường anh thăng tiến. Nhưng với tôi, nó là tất cả.
- Tôi hạnh phúc vô cùng, Cam ạ. Linh tính luôn báo với tôi rằng, giữa tôi và em có ruột sự gắn kết thiêng liêng… Tôi đã từng nói với em, bằng bất kỳ giá nào tôi cũng lo cho con, nếu chúng mình có chung một giọt máu…
- Không cần phải như thế. Tôi tin, chỉ ít phút nữa, khi bình tĩnh lại, anh sẽ muốn rút lại đề nghị ấy của mình. Bởi nếu chuyện thằng Chu vỡ lở ra, hạnh phúc gia đình anh sẽ tan vỡ. Anh sẽ mắc tội man trá với tổ chức. Anh sẽ mất hết. Có bao nhiêu kẻ sẽ lợi dụng sự việc này để giành lấy chiếc ghế của anh…
Mồ hôi vã ra trên trán Lợi.
- Cả tôi cũng sẽ mất hết. Chúng ta đều quá hiểu sự nghiêm khắc của tổ chức… Vì thế chuyện này chỉ riêng anh biết. Tôi đã viết cho anh một lá thư dài. Nhưng thấy giấy trắng mực đen là quá nguy hiểm nên đã xé đi và buộc phải đến gặp anh hôm nay.
- Có chuyện gì xảy ra với con?
- Đây là câu chuyện có liên quan đến sinh mạng của nó. Tôi gặp anh để nói với anh rằng, bằng mọi cách anh phải làm thế nào để nó không phải đi chiến trường.
- Vậy ư? Nó đang ở đâu?
- Tôi hết sức bất ngờ về quyết định nhập ngũ của nó. Tôi gửi nó học ở Mường Bi. Còn hơn tháng nữa sẽ tốt nghiệp cấp ba thì nó viết đơn bằng máu, tình nguyện đi bộ đội. Hiện nó đang ở một đơn vị huấn luyện đặc biệt ở Suối Hai, Sơn Tây. Ba tháng nữa người ta sẽ đưa nó vào mặt trận.
Lợi cúi gục xuống bàn, hai tay ôm lấy đầu.
- Tôi không thể làm được việc này vì nó là con tôi, nó lại viết đơn tình nguyện. Mà chính tôi, người mẹ đẻ của nó, lại là người đang hô hào động viên thanh niên lên đường tòng quân giết giặc.
Lợi ngẩng lên, như kẻ vô hồn. Cái lắc đầu nhẹ của anh không qua được ánh mắt Cam.
- Buộc phải nói với anh chuyện này là tôi đang ở bước đường cùng. Thằng Chu là tất cả đời tôi. Không còn nó, tôi sống vô nghĩa.
Lợi biết mình đang nghe một tối hậu thư.
- Tôi đã nghĩ đến phương án mình phải lên báo cáo hết sự thật với Ban Tổ chức trung ương. Nhưng nếu nói nó là con của anh Lê Thuyết thì vừa tủi cho nó, vừa xúc phạm đến linh hồn của người đã khuất.
- Đừng tôi xin Cam, đừng làm thế… Để tôi lo việc này! Cam viết cho tôi họ tên, ngày tháng năm sinh của con, cả địa chỉ nơi con đang đóng quân.
Đã chuẩn bị sẵn những điều Lợi cần ra một tờ giấy, Cam chỉ việc lấy trong cuốn sổ công tác đưa cho Lợi.
- Cho tôi xin tấm ảnh của con - Lợi tần ngần, khi thấy Cam định đi.
- Anh chẳng cần giữ ảnh nó làm gì - Cam cất tấm ảnh vào túi xách - Nhờ anh chỉ một lần này thôi. Hãy để thằng Chu tin rằng cha nó đã hy sinh.
Đôi mắt Cam hoe đỏ. Chị nói như hụt hơi và bước nhanh ra khỏi phòng.