Con gái đầu lòng của Vỹ và Khiêm được đầy năm thì Hà Nội và các thành phố lớn trên miền Bắc bắt đầu vào chiến dịch cải tạo tư sản, tiến hành công tư hợp doanh và thành lập các tổ hợp, hợp tác xã thủ công, dịch vụ. Rút kinh nghiệm cuộc cải cách của nông dân, lần này các nhà tư sản dân tộc, các tiểu chủ, tiểu thương không bị đấu tố nhiều. Phương pháp tự khai báo của cải, tài sản, nhân công bóc lột, cộng với sự tố giác của quần chúng, sự nắm chắc địa bàn của từng cán bộ tổ, phường, cán bộ tài chính, thuế vụ và ban cải tạo… xem ra rất có hiệu quả.
Nếu ví cuộc cải cách ruộng đất là quả đấm thép, thì cuộc cải tạo tư sản bây giờ là một quả đấm nhung. Có lẽ vì các nhà tư sản dân tộc Việt Nam, hầu hết đều xuất thân từ nông thôn, có dây mơ rễ má với nông dân, nhiều người là con cháu của địa chủ cường hào, nên quả đấm thép vừa rồi họ tuy không bị đấm mà đau nhừ tử, kinh hồn táng đởm đến già. Thế là họ như cua gặp ếch, như gián bị thuốc xịt, len lén, nơm nớp, chưa ho đã vãi đái, chưa kháo đã xưnh". Nhiều người yếu bóng vía, sợ không chịu được đấu tố, giam cầm vội tẩu tán tài sản, bán đổ bán tháo lấy ít vốn giắt lưng rồi tìm đường về quê chờ thời, hoặc dắt bầu đoàn thê tử lên những tỉnh miền ngược.
Thảng hoặc có người quẫn trí do cửa nhà lục đục vì chia bôi tài sản, hoặc do ngầm tiếc số của cải khổng lồ cả đời tích cóp không tự chủ được, đã uống thuốc chuột tự tử. Ấy là nói trường hợp cá biệt. Chứ đa phần, giới tư sản rất đáng. biểu dương. Noi gương các nhà tư sản lớn như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà… dốc hết của nả hầu bao hàng nghìn cây vàng cho cách mạng, hàng loạt các nhà tư sản như Cự Doanh, Cự Phát, Cự Lộc, Minh Đức, Vạn Nhất… cũng tự nguyện hiến tặng một phần tài sản, xung phong vào công tư hợp doanh…
Bà Phan Thị Hà Yên, chủ nhiệm trường tư thục Đất Việt, cùng anh trai là ông hiệu trưởng Phan Quyến, đều bị xếp vào diện tư sản dân tộc, bị tập trung học tập một tháng ròng. Nhờ chính sách khoan hồng của nhà nước, cùng với sự giác ngộ, tình nguyện hiến cho nhà nước toàn bộ ngôi trường và một số cửa hàng, nhà cửa, cả hai anh em đều không phải đi cải tạo tập trung mà còn được biểu dương như những nhà tư sản tiến bộ, có thái độ hợp tác tốt với chính quyền.
Để trù tính cho con gái và con rể có một chỗ ở tươm tất, độc lập với mẹ và em trai, trước khi khai báo tài sản giao nộp nhà nước, bà Ba Yên đã khôn khéo giấu đi một ngôi nhà. Ấy là căn hộ hai tầng ở giữa phố Huế, trước kia vốn là kho chứa vải vóc của nhà ông Ký Lạng. Năm 1954, trước khi di cư vào Nam, ông Ký Lạng đã làm văn tự để lại cho bà Ba Yên sau này cho cô con gái Đào Trinh Khiêm làm của hồi môn. Bà Ba Yên, vì quá thương người, thấy hoàn cảnh vợ chồng ông Thước, người bà con xa cùng quê, sau hoà bình tản cư về không có tiền thuê nhà, ở tạm cho đến khi nào Khiêm lấy chồng. Vợ chồng và sáu đứa con ông Thước ở tầng hai, gian dưới rộng chừng bốn mươi mét vuông, ngăn phía trong làm bếp phía ngoài vợ bán hàng xén, chồng mở hiệu cắt tóc.
Nguyệt là con gái lớn của ông Thước, được anh cán bộ phụ trách thuế vụ trong địa bàn tên là Sành xin cho làm thủ quỹ Nhà xuất bản Bình Dân. Nghe tin rục rịch phải vào công tư hợp doanh, bố mẹ Nguyệt đã thuyết phục cô lấy Sành, để gia đình dễ bề nhờ cậy. Sành sinh ở nông thôn nhưng gốc gác ở đâu không rõ, nạn đói năm 1945 bố mẹ chết hết, một mình lang bạt lên Hà Nội, khi ở đợ, khi làm thuê, rồi kết nhóm bạn bè bốc vác ở chợ Mơ. Không biết bằng cách nào, sau hoà bình, Sành có giấy chứng nhận từng tham gia quân báo nội thành rồi hoạt động bí mật vùng địch hậu. Với lý lịch ấy, Sành thuộc diện cốt cán, được tin dùng ngay. Nghe tin rục rịch bà Ba Yên muốn lấy lại căn nhà cho vợ chồng Khiêm ở, Sành liền bàn với ông Thước một mặt tìm cách hợp thức hoá ngôi nhà phố Huế, một mặt rủ thêm hai người thợ cắt tóc lang thang ngoài vỉa hè, cho họ kê nhờ ghế, rồi viết đơn xin thành lập hợp tác xã cắt tóc treo biển hiệu "Tổ hợp cắt tóc Cờ Đỏ"đàng hoàng.
Bà Bá Yên mang giấy tờ đến nhà ông Thước để dàn xếp việc đòi nhà cho vợ chồng Khiêm nhiều lần. Ông bà Thước vốn người hiền. lành, thật thà, không nỡ trở mặt, chỉ khất lần:
- Xin bà cứ thư thư để vợ chồng tôi thu xếp. Bà mà đuổi bây giờ, vợ chồng con cái, kể cả hai vợ chồng cháu Sành, Nguyệt là chín nhân khẩu không biết ở vào đâu. Hay là bà làm giấy tờ cho chúng tôi thuê tiếp. Giá cả thế nào, bà cứ nói, chúng tôi xin thu xếp hàng tháng trả đủ.
- Nếu thừa chỗ ở thì tôi đã không đòi - Bà Ba Yên nghẹo đầu, nói như người đi ăn xin - Trường học, cửa hàng chúng tôi đã giao nộp nhà nước hết cả. Chỉ còn nhà may Phúc Hoà. Giờ vợ chồng con cháu Khiêm cần có chỗ ở riêng… Ông bà với các cháu cứ đi thuê chỗ khác. Tôi sẽ phụ giúp ông bà một số tiền công thuê nhà những tháng đầu…
Chịu mất tiền để người ta trả nhà cho mình, mà rồi cũng không xong. Cho đến khi biển hiệu "Tổ hợp cắt tóc Cờ Đỏ" treo lên, thì ý định đòi nhà của bà Ba Yên hoàn toàn bị dập tắt.
Chính Sành, anh con rể quý hoá của ông bà Thước đã hoàn thành nốt phần kịch bản viết dở.
- Bố mẹ vợ tôi lâu nay không hiểu pháp luật, nên chưa giải đáp cho bà cặn kẽ - Sành nói với bà Ba Yên - Thứ nhất là ngôi nhà này không phải sở hữu của bà, mà của Ký Lạng. Thằng Ký Lạng theo Mỹ Diệm vào Nam, đang gây bao nhiêu tội ác chúng tôi chưa muốn nói đến. Theo pháp luật, mọi tài sản của các phần tử di cư vào Nam, đều thuộc về nhân dân. Bố mẹ vợ tôi đã tiếp quản ngôi nhà này từ hoà bình lập lại, bây giờ đã được chính quyền cách mạng công nhận quyền sở hữu. Thứ hai, bà có nhìn thấy tấm biển treo ngoài kia không? Có thấy những xã viên hợp tác xã cắt tóc đang phục vụ nhân dân không? Đó là bằng chứng cho thấy gia đình tôi đã tích cực chấp hành đường lối cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tình nguyện tham gia làm ăn tập thể, hăng hái đi lên Chủ nghĩa xã hội. Chỉ những kẻ bị bọn Mỹ Diệm giật dây mới dám xoá bỏ cái tổ hợp Cờ Đỏ kia, tức là công khai chống phá công cuộc cải tạo tư sản và kiến thiết đất nước hôm nay…
Bà Ba Yên lạnh toát khắp người, nhưng mồ hôi lại xâm xấp trán.
- Xin anh đừng nói thế…
- Tôi nói tiếp - Sành chỉ tay - Thứ ba nữa, bà có biết anh con rể bà là ai không? Một nhân vật của Nhân văn Giai phẩm kiêm Xét lại, chưa bị trừng trị đấy, thưa bà. Cô Nguyệt vợ tôi cùng làm ở nhà xuất bản với anh Vỹ, tôi còn lạ gì? Cho tới bây giờ nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ vẫn bị treo bút. Và có thể là vĩnh viễn, nếu không thực sự ăn năn hối cải. Bà biết không, hằng ngày vẫn có một đội quân theo dõi từng hành vi và những mối quan hệ của anh ta đấy. Đi đâu? Làm gì? Tiếp xúc với ai? Đều có sổ đen ghi hết. Bây giờ chúng tôi có mời, anh Vỹ với chị Khiêm cũng không dám đến ở ngôi nhà này. Ai cho phép? Ai dám ngang nhiên tháo bỏ tấm biển kia? Chuyên chính vô sản là thiên la địa võng, những kẻ phản bội dân tộc làm sao lọt lưới nổi…
Cái trò rung cây doạ khỉ của Sành đã khiến bà Ba Yên vãi cả linh hồn. Nhưng Sành không dừng ở đó. Anh tiếp tục truy đuổi đến cùng. Sành viết đơn gửi lên Ban cái tạo Công Thương tố cáo bà Ba Yên ngấm ngầm liên lạc với Ký Lạng trong Nam, cố tình giấu giếm tài sản, không thành thật khai báo…
Đơn tố giác của Sành, tất nhiên có hiệu quả. Nhà may Phúc Hoà tiếp tục bị trưng thu vào công ty hợp doanh. Gia đình bà Ba Vên, bao gồm cả vợ chồng và con gái Khiêm Vỹ bị đẩy lên gác hai. Ba tháng sau, vì thấy quá vô lý và nhẫn tâm, chính quyền phân thêm gian nhà xép trên tầng thượng trường tư thục Đất Việt, nay mới được đổi tên là Trường cấp I Thiền Quang, để giãn bớt mật độ nhân khẩu. Bà Ba Yên nhường lại căn gác hai nhà may Phúc Hoà, nay được đổi thành Cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh số 5, cho cháu ngoại và vợ chồng Khiêm. Bà và anh con trai Đào Phan Khánh cùng người cô già đến ở gian nhà xép của ngôi trường cũ.
***
Cuộc cải tạo tư sản đã thành công rực rỡ. Hà Nội vẫn có nhiều người nghèo, nhưng cũng không còn người giàu. Hàng vạn gia đình quá neo đơn, những vô sản thành thị với đúng nghĩa đen của nó, lũ lượt theo xe lên miền ngược khai hoang, xây dựng khu kinh tế mới. Cùng xung phong đi với họ là hàng ngàn trí thức trẻ Thủ đô, những cô tú, cậu cử, những thầy cô giáo mới vào nghề nhưng chưa tìm được việc làm.
Dân số Hà Nội ngày ấy chừng bốn mươi vạn người, càng trở nên phong quang, trầm mặc bởi những mái ngói thâm nâu, bởi chỉ còn những gam màu chủ đạo là màu xanh lam áo thợ, màu xanh rêu áo lính.
Cả Miền Bắc là một đại công trường xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải nghiêng trời đổ nước, thau chua rửa mặn, huy động hàng triệu lao động. Những điển hình gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý làm nức lòng người. Dẫu còn nghèo, còn gian khổ, nhưng hình như không có sự cách biệt. Ai cũng khổ như nhau, hoặc gần bằng nhau, tự khắc người ta sẽ nghĩ mình không khổ nữa. Sự ít cách biệt về vật chất lại được kiểm soát phong toả chặt chẽ về tinh thần; rà xiết, khuôn phép về mặt trật tự, kỷ cương; nên ít có cảnh bon chen, thớ lợ, sách nhiễu, cửa quyền, hối lộ, đĩ điếm, chộp giật. Thói đạo đức giả chưa có đất nảy nớ. Bữa ăn ở nông thôn độn ngô, khoai, thì ở thành thị cũng mười ba cân gạo hẩm độn ngô sắn. Nông thôn không tem phiếu thực phẩm, nhưng lại nuôi được gà, vịt, kiếm được con cua, mớ tép. Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. Bữa cơm gia đình công nhân viên chức chỉ bìa đậu phụ, bát rau muống luộc dầm sấu, đĩa trứng tráng mỏng tang với mấy quả cà, mà ai cũng xì xụp mãn nguyện.
Những năm đầu thập kỷ sáu mươi ấy, sau bao năm đói kém, binh lửa, có được những ngày hoà bình hiếm hoi, quả là thiên đường. Nhà thơ lớn Tố Hữu có câu thơ thần mở đầu thời kỳ này:
Chào sáu mốt đinh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại ngàn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu…
Cái gia đình nhỏ của vợ chồng Vỹ ngày ấy, cũng là một thiên đường. Bé Trinh Mai thừa hưởng những nét duyên của mẹ, như đoá hoa nở sáng căn nhà. Khiêm đã trở thành cô giáo cấp một, được dạy ngay tại ngôi trường của mẹ ngày trước.
Còn Vỹ, ngoài việc sáng tác những bài diễn ca, truyện thơ cho Nhà xuất bản Bình Dân ký tên giám đốc Tiến Tới, ngoài việc viết những bài báo với bút danh Hữu Hiệu để lấy tiền cho vợ đi chợ, nuôi con, anh còn nhận thêm công việc dịch sách cho các nhà xuất bán. Có tiểu thuyết dịch chung với nhóm văn học Lê Quý Đôn, có những bài thơ của P. Valéry, Baudelaire, Puskin, Lécmôntốp… Có cả những tài liệu triết học của Nietzche, Jean-Paul Sartre, Camuy… Dường như đã quen với việc giấu mình đi, quên mình đi để ẩn dưới tên những người khác Vỹ viết và dịch như một người thợ kim hoàn khéo tay quen chế tác những đồ trang sức hàng chợ, như ông thợ mộc đóng những giường tủ bày bán ngoài cửa hiệu.
Chính thời kỳ này, Vỹ đã quen thân và trở thành đệ tử của nhà triết học Trần Đức. Đây là một học giả lớn, từng du học nhiều năm ở Paris, được cách mạng đưa về nước phụng sự kháng chiến. Giáo sư Trần bị quy kết cầm đầu nhóm Nhân văn Giai phẩm, bị điều về bộ phận tu thư, suốt ngày dịch các tài liệu do cấp trên yêu cầu. Gặp giáo sư Trần, Vỹ mới hiểu câu nói của Nietzche: "Để sống một mình phải là một con vật hay một thánh thần. Aristốt nói như vậy. Nhưng có trường hợp thứ ba nữa: Người ta phải vừa là thú vật vừa là thần thánh, đó là triết gia". Vỹ thấy mình nhiều khi cũng có khả năng sống đơn độc, như một triết gia. Có những đêm không ngủ, Vỹ len lén dém màn cho vợ con, ra ngồi một mình trước bàn, đốt thuốc, trầm ngâm hàng giờ. Những lúc ấy, Vỹ thấy mình bỗng thành một người khác, như bước hẳn ra khỏi cõi người. Hoàn toàn đơn độc, cô quạnh. Hình ảnh một Nguyễn Kỳ Viên tan hoang, một làng Động tiêu điều buồn tẻ, nghiêm ngặt như một trại lính, sớm chiều từng đoàn người lam lũ đứng túm tụm hàng giờ trước cổng đồng đợi ông đội trưởng, cô thư ký phân công công việc, rồi theo tiếng kẻng ra đồng, về nhà, uể oải, phờ phạc như những cỗ máy vô hồn, để đổi lấy dăm ba điểm, tương đương vài lạng thóc… luôn ẩn hiện trước mặt. Trong đoàn người ấy, Vỹ thấy u và cái Hậu đang lom khom trên đồng, tìm mót những củ khoai giun phớt hồng loăn xoăn bé như đầu ngón tay từ những nhánh mầm xanh nhợt còn sót từ tháng trước. Có lúc u lội xuống cánh đồng đã gặt, nước ngập ngang ngực, dùng liềm vớt những bông lúa non loi thoi trổ cuối mùa. Rồi Vỹ bỗng nhìn thấy thầy mặc quần áo trắng vật vờ giữa bãi tha ma. Thầy lộn cây chuối, cào lên những mớ rau má, rau khúc đưa cho u và cái Hậu "thứ này vừa là lương thực vừa là thuốc nam thần diệu, xưa từng nuôi Bá Di, Thúc Tề trốn nhà Chu vào núi". Thầy nói vậy và cười như khóc… Rồi thầy bỗng khóc thật, khóc hu hu khi chợt nhìn thấy thằng Vọng, trong bộ binh phục ác ôn rằn ri Mỹ Diệm đang xả súng bắn vào những tù nhân nhà lao Phú Lợi…
Nước ướt đầm hai hốc mắt Vỹ lúc nào. Vỹ vò những trang diễn ca trên bàn vứt vào sọt rác, rồi cắm cúi chép vội những ý nghĩ vừa vụt hiện. Có lẽ Vỹ phải viết tiểu thuyết. Chỉ có tiểu thuyết mới chứa đựng được tư tưởng của nhà văn. Thơ không đủ sức dung nạp những mảng hiện thực bi tráng của đời sống. Thơ là thứ vulnerable(nguy hiểm, bất an), như nhà thơ Hàn Thâm Nho bạn anh từng nói.
Vỹ đâu hay rằng Khiêm nào có ngủ. Nàng nằm ôm con và lặng lẽ nhìn chồng. Nàng cũng có nỗi đau giấu chồng từ mấy hôm nay.
Lặng lẽ đến bên Vỹ, vô tình nàng để rơi giọt nước mắt lớn trên trang ghi chép viết dở.
- Em định không cho anh biết… Nhưng em không giấu nổi.
- Có chuyện gì thế em?
- Cậu Khánh bỏ nhà đi mấy hôm nay rồi. Mợ bảo với em hôm qua. Nghe nói nó theo bạn lên nông trường Quan Chi…
- Sao lại có chuyện đó? Anh tưởng cậu Khánh đã vào làm ở đội chiếu bóng Cầu Giấy rồi kia mà? Đồng chí trưởng phòng văn hoá huyện đã hứa với anh…
- Đi làm được một tuần, tự nhiên cậu ấy bỏ việc. Mợ hỏi vì sao, cậu ấy nói là không thích làm. Sáng sớm hôm thứ hai, mợ dậy, không thấy Khánh. Cậu ấy mang hết quần áo, để lại cho mợ lá thư này. Đây, anh xem đi.
Thư Khánh viết nắn nót trên giấy vở học trò. Nét chữ chàng học sinh lớp mười học giỏi nhất trường, đẹp như chữ viết bằng khen:
"Mợ kính yêu,
Công việc ở đội chiếu bóng rất hợp với con và con rất thích.
Không phải con tự ý bỏ đội mà con bị họ sa thải. Một đơn vị làm nhiệm vụ tư tưởng văn hoá, truyền bá đường lối, chủ trương chính sách, đời nào lại chấp nhận một anh chàng gia đình tư sản, có bố và các anh chị em đi Nam, phản bội quê hương xứ Bắc. Với lý lịch bất hào này, con sẽ không thể tìm đượcviệc làm ở Hà Nội, và rồi suốt đời cũng không thể ngóc đầu lên được. Cha mẹ trót ăn mặn thì con phải chịu khát nước.
Đành xa Hà Nội, xa mợ và anh chị để đi chuộc lại tội lỗi, gột rửa lý lịch gia đình. Con đã xác định, dù có phải lao động khổ sai, cũng quyết lập thân, chứng tỏ một thanh niên có lý tưởng.
Mợ cùng anh chị và cháu đừng lo lắng gì cho con cả. Hãy giữ sức khoẻ, mợ nhé. Mợ nhớ đừng xách nước lên tầng thượng. Buổi tối mợ chịu khó xuống vòi nước củatrường. Con đã nhờ Hạnh hằng ngày đến giúp mợ. Đến nơi làm việc mới, con sẽ tin về cho mợ ngay.
Con trai của mợ.
Đào Phan Khánh"
- Cậu Khánh khá lắm - Vỹ đưa lại cho Khiêm lá thư, giọng tỏ ra cứng cỏi, nhưng không giấu nổi tiếng thở dài - Đi như thế là phải. Một sự lựa chọn khôn ngoan. Cuộc sống ở nông trường sẽ rèn giũa cậu ấy trưởng thành. Nếu đúng Khánh ở nông trường Quan Chi thì tuần sau anh sẽ xin nghỉ phép, lên xem cậu ấy ăn ở thế nào.
Chuyến Vỹ lên nông trường Quan Chi, có thêm Hạnh, người yêu của Khánh. Hạnh là em gái Đức, bạn học cùng lớp với Khánh một cô gái hồn nhiên, đầy cá tính. Ngay từ đầu năm học cấp ba, Hạnh đã thầm mê bạn của anh trai mình.
Táo bạo hơn, Hạnh còn chủ động tấn công Khánh trước. Có dịp nào đi xem phim, xem kịch, Hạnh cũng bắt anh trai phải mua vé cho cả ba, và bao giờ nàng cũng tranh ngồi giữa. Có lần, cả buổi, Hạnh chẳng thiết xem gì, thỉnh thoảng lại quay nhìn Khánh như hút lấy anh. Rồi không biết từ lúc nào, bàn tay Hạnh tìm nắm bàn tay Khánh. Khánh bàng hoàng, rồi hiểu ra. Họ đến với nhau từ đấy.
Yêu nhau rồi, Khánh mới biết Đức và Hạnh là con gái thượng tá VõKhang, một sĩ quan quân đội từng được quân Pháp gọi là hùm xám Khu Năm trong thời kỳ kháng chiến chín năm.
- Chúng mình hãy coi nhau như bạn. Tình yêu sẽ chẳng dẫn đến kết cục gì đâu - Khánh đã chủ động nói với Hạnh.
- Vì sao? Em không xứng đôi với anh ư?
- Vì bố Hạnh và bố mình đang ở hai đầu chiến tuyến đối nghịch. Con một vị sĩ quan cao cấp đời nào chịu lấy con gia đình tư sản, có bố đi Nam.
- Mo phú hết. Em cấm Khánh không được nhắc đến chuyện này nữa. Em là nữ hồng quân Marutxia trong phim "Người thứ bốn mốt" của đạo diễn Grigôri Chukhơrai, còn anh là tên Bạch vệ mắt xanh đáng yêu thì đã sao? - Hạnh bướng bỉnh và quyết liệt giành giật và bảo vệ tình yêu.
Lên thăm Khánh đợt này, Hạnh muốn báo cho anh một tin mừng: Cô vừa có giấy báo đỗ vào Đại học Y khoa. Sáu năm nữa, Hạnh trở thành bác sĩ. Ngày ấy, nếu Khánh vẫn muốn lập nghiệp ở nông trường, Hạnh sẽ tình nguyện lên sống cùng anh. Với cô, Khánh là thủ đô của hạnh phúc và tình yêu.
Hai anh em lai nhau trên chiếc xe đạp Peugeot cũ. Nếu đi đường ô tô thì phải mua vé từ bến xe Kim Mã lên Đại Từ, rồi đi bộ chừng hai chục cây số. Muốn có một đôi vé xe khách thì phải xếp hàng từ nửa đêm. Có người đến từ đêm trước, xếp lốt bằng một hòn gạch hoặc chiếc nón mê xí chỗ. Đã kỳ công và khổ ải thế, mà nhiều khi đến lượt mình thì hết vé. Đành đợi đến mai hoặc mua lại của con phe giá đắt gấp hai, ba lần.
Thế nên hai anh em đi xe đạp cho chủ động. Chỉ khổ thân Vỹ. Người gầy lỏng khỏng, lai cô thiếu nữ béo lẳn nặng hơn năm chục ký, lên dốc đạp méo mặt, nhưng tính sĩ diện không dám kêu ca gì. Chặng đường năm chục cây số, tịnh không hàng quán. Hoà bình rồi mà vẫn chẳng khác gì ngày kháng chiến. Nghiêm cấm các hàng ăn, rượu quốc lủi, các loại bánh trái, như bún, phở làm từ ngũ cốc. Nạn thiếu lương thực khiến các nhà chức trách, nhất là các địa phương phải xin gạo trợ cấp của trung ương, cấm đủ thứ. May mà đến bến phà Sông Công bỗng gặp một quán hàng. Một bà cụ mà Vỹ cứ tưởng suốt những năm 1950 vẫn ngồi đây. Vẫn vài gióng tre lợp lá cọ sơ sài ba thanh ghế dài, một cái chõng, trên để lọ kẹo vừng, bịch thuốc lào, mấy cái bánh tẻ, đĩa trứng vịt luộc, giỏ nước chè xanh, ngay phía trên, toòng teng vài nải chuối rừng.
- Bắt đầu từ đây là chúng ta đã lọt vào vùng ATK của cuộc kháng chiến chín năm, có phải không cụ nhỉ? - Vỹ rít thuốc lào khoái trá, vừa thả khói mù mịt, vừa nói với Hạnh và bà cụ hàng nước - Đám cưới nổi tiếng và tai tiếng của đại tá Trần Dụ Châu, cục trưởng Cục Hậu cần, người sau đó bị Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tử hình vì tội tham nhũng, được tiếp tế hàng hoá từ Hà Nội lên cũng qua đường phà sông Công này. Lát nữa đến sát chân Tam Đảo, anh sẽ chỉ cho em nơi Trần Dụ Châu tổ chức đám cưới hồi ấy…
Con đường lên nông trường Quan Chi gợi trong Vỹ nỗi nhớ cồn cào hai năm cuối cùng của cuộc kháng chiến. Những vết xe trâu hằn sâu, uốn lượn giữa những vạt đồi, khe suối. Qua phà sông Công, một con phà tự hành bằng dây cáp buộc căng hai bờ, thuỷ thủ và hành khách cùng kéo bằng tay và móc sắt, đã thấy thấp thoáng những mái nhà sàn, những nương chè lượn sóng. Dãy Tam Đảo chia ranh giới hai tỉnh Vĩnh Yên, Thái Nguyên. Ngược đường phân thuỷ lên hướng tây bắc, qua Đại Từ ở Đèo Khế, Đèo De là đến Sơn Dương, Định Hoá, thủ đô gió ngàn. Những ngày làm báo Vệ quốc ngắn ngủi nhưng khắc những dấu ấn trong đời Vỹ, không thể phai mờ. Đó là trường đại học vĩ đại và duy nhất của Vỹ. Hầu hết những bài thơ trong tập "Thời của Thánh Thần", anh viết trong những căn nhà sàn ven rừng, dưới chiến hào, giữa hai trận đánh. Bây giờ đọc lại, vẫn thấy rưng rưng, vẫn một tình cảm chân thành và da diết.
Vỹ còn nhớ như in, lần đầu tiên trong đời anh đặt chân đến cái xóm Chòi, dưới chân dãy Tam Đảo kia. Nơi ấy là đại bản doanh của các văn nghệ sĩ với những tên tuổi lừng lẫy: Tố Hữu, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… đang và sẽ mãi mãi ngự trị nền văn nghệ cách mạng và kháng chiến. Xóm Chòi cũng là nơi ở của đồng chí Tư Vuông, người anh lớn của giới văn nghệ. Mặc dù đã có lá thư giới thiệu của anh Chiến Thắng Lợi, lại được đích thân đồng chí Tư Vuông lệnh đến gặp, mà sao Vỹ vẫn run rẩy, lo sợ. Rất may là người Vỹ gặp đầu tiên ở xóm Chòi lại là nhà văn Trần Nguyễn, người đã từng khoe với Chiến Thắng Lợi bài thơ "Sống" trong chuyến đi vào vùng địch hậu năm nào. Trần Nguyễn gặp Vỹ như bắt được vàng, cười ha hả rồi dắt Vỹ đi hết các lán giới thiệu với từng nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ và hoạ sĩ…
- Tác giả "Thời của Thánh Thần" đến thăm bọn ta các ông ơi. Bỗng nhiên rồng đến nhà tôm, vĩ nhân đến với người trần, hớ hớ… - Trần Nguyễn bỗ bã mà chân tình.
Ngay lập tức ông coi Vỹ như bạn vong niên, như kẻ bằng vai phải lứa, làm tim Vỹ cứ rung thon thót. Vỹ rưng rưng như một kẻ cuồng tín đầy sùng bái và ngưỡng vọng, như một con chiên trước các đấng thánh thần. Anh được bắt tay từng nhà thơ, nhà văn, nhà danh hoạ lớn của đất nước. Bắt tay với tất cả sự run rẩy của kẻ được ban phước lớn, mà không dám ngước nhìn vào mắt người đối diện.
Ấn tượng nhất là khi Vỹ được dẫn đến gặp đồng chí Tư Vuông. Qua dãy lán dùng làm nơi ở và làm việc của cơ quan văn nghệ, theo con đường mòn sạch sẽ chạy giữa vườn chè thì đến chiếc lán của người anh lớn.
- Vỹ đấy phải không? Trẻ quá, hỉ. Vào đây, mình đợi Vỹ từ lâu!
Ngay những câu giao tiếp đầu tiên, đồng chí Tư Vuông đã xoá đi những mặc cảm, ngăn cách giữa cấp trên và cấp dưới, khiến Vỹ bớt tự ti và dè dặt.
- Dạ, báo cáo bác, cháu đến thăm bác…
- Thứ nhất là không có bác cháu ở đây - Đồng chí Tư Vuông giơ hai bàn tay vỗ vỗ trước mặt - Hãy gọi tôi là đồng chí. Chúng ta cùng là đồng chí. Thứ hai, đây không phải cuộc đến thăm mà là làm việc. Đồng chí có trách nhiệm viết một bài báo phản ánh khí thế của những văn nghệ sĩ đang dồn sức phục vụ kháng chiến, phục vụ những chiến dịch lớn, có tính quyết định của vận mệnh dân tộc sắp tới…
Suốt cả buổi, Vỹ chỉ ngồi nghe đồng chí Tư Vuông nói. Nghe và ghi chép không sót một chữ trong cuốn sổ tay mặt trận. Những tư liệu này, chỉ một tuần sau đã xuất hiện trên báo Vệ quốc với cả một trang phóng sự đầy ấn tượng: "Chở chữ vào chiến dịch".
- Công việc xong rồi. Bây giờ chúng mình là bạn bè văn chương - Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Tư Vuông bỗng đổi giọng. Ngay lúc ấy, người cần vụ pha một ấm trà mới, và bưng ra một đĩa hồng ngâm vàng suộm - Trái ngon Việt Bắc đó, Vỹ ăn đi.
Tự tay đồng chí Tư Vuông đưa cho Vỹ trái hồng to nhất, ngon nhất. Rồi ông đi vào sau bức vách ngăn, cầm ra một cuốn sách.
- Mình vừa in tập thơ "Thủ đô gió ngàn", tặng Vỹ đọc cho vui. Nếu có thời gian và thấy tiện thì góp ý cho mình…
Tim Vỹ như muốn ngừng đập. Anh lấy hơi thở gấp, tay run run lật giở trang đầu. Không thể tin ở mắt mình. Những dòng chữ viết nghiêng, mềm mại và nắn nót bằng thứ mực bút Parker xanh đậm:
Tặng Nhà thơ trẻNguyễn Kỳ Vỹ, người tri âm.
Việt Bắc, mùa Thu.
Ngô Sỹ Liên
Bằng một trí nhớ thần đồng, lại được bao bọc bời lòng tôn kính, ngưỡng vọng, chỉ trong tuần lễ, Vỹ đã thuộc làu từng bài thơ trong tập "Thủ đô gió ngàn"của nhà thơ Ngô Sỹ Liên. Anh viết một bài dài đăng trên báo "Văn" giới thiệu tập thơ, tất nhiên chủ đề chính vẫn là ngợi ca, khẳng định một thành tựu thi ca cách mạng. Tuy nhiên, với bản tính không thích xu nịnh, khen chê rõ ràng, ở phần cuối bài, Vỹ vẫn chua thêm mấy dòng: "Đáng tiếc, có cảm giác ở một số bài, độcgiả vẫn thấy nhà thơ có phần dễ dãi, ngôn ngữ thơ hoặc còn nôm na, hoác còn gương ép, chưa thật. Có bài còn hơi hướng của những dòng khẩu hiệu… "
Chỉ mấy dòng ấy thôi mà suốt từ đó, Vỹ gặp tai vạ. Nó trở thành ngòi nổ, thành cái cớ cho những người tôn thờ chủ nghĩa "nghệ thuật vị nghệ thuật" lợi dụng để mở cuộc tranh luận mấy năm sau về tính nghệ thuật, tính hiện thực của tập thơ "Thủ đô gió ngàn". Nguyễn Kỳ Vỹ trở thành một tiểu tướng ngông cuồng ở bên kia chiến tuyến, người đầu tiên dám chống lại nhà thơ cách mạng Ngô Sỹ Liên.
Những thông tin trên, sau ngày từ Liên Xô về nước, Đà Giang mới cho Vỹ biết. Đà Giang bảo: "Sự nghiệp văn chương của mày đã chấm hết sau những câu phê bình thật thà một cách ngu xuẩn đó. Cũng như những "vĩ nhân" đang được khoác cho chiếc mũ Nhân văn Giai phẩm, thực chất cũng chẳng phải vì học thuật, văn chương cao xa gì, mà chỉ đơn thuần vì đã dám mó dái cọp, dám phủ nhận, tranh đoạt ngôi vị của một đại công thần…"
Bây giờ, trở lại vùng thánh địa xưa, nghĩ lại những kỷ niệm cũ, mà Vỹ cứ man mác buồn.
Trái ngược lại, Hạnh như con chim sáo, nhảy tung tăng suốt dọc đường. Cái gì với nàng cũng mới lạ, khác thường.
- Anh bảo cơ quan văn nghệ thời kháng chiến đóng ở chỗ nào? Dưới chân đỉnh núi hình chóp nón kia ư? Tại sao người ta lại gọi là Quan Chi hả anh? Có phải có một ông quan nào đó không biết tên là chi chi gì, đã lên đây, và người dân đã đặt câu hỏi ấy cho địa danh này không?
Hạnh hỏi liên tục, khiến Vỹ không kịp trả lời.
***
Quan Chi vốn là một đồn điền chuyên trồng chè và trẩu, thầu dầu do người Pháp khai khẩn từ hồi đầu thế kỷ. Suốt những năm kháng chiến, đồn điền bị bỏ hoang hoá. Sau hoà bình những người lính của Đại đoàn 312 từng là mũi chủ công của mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với lực lượng bộ đội tập kết Nam Trung Bộ được điều về đây xây dựng nông trường. Họ khôi phục và trồng mới những đồi chè bị bỏ hoang, trồng thêm hàng trăm hecta mía và chăn nuôi bò sinh sản.
Giữa năm ngoái, có lệnh khẩn điều động toàn bộ lực lượng tập kết về tham gia đường dây 559, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam. Để bù đắp quân số thiếu hụt, một đại đội thanh niên tình nguyện Thủ đô, chủ yếu là những cô cậu tú tốt nghiệp lớp mười, những bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng thế hệ với Đào Phan Khánh, được tăng cường cho nông trường Quan Chi. Nói là tình nguyện, nhưng thực chất họ không còn đường lựa chọn nào khác. Toàn gia đình lý lịch bất hảo, hoặc bố xô nhầm giầy Tây để đánh ta, hoặc gia đình phong kiến, tư sản, từng ăn trên ngồi trốc, thuộc loại quan lại, tay sai thực dân, hoặc tư săn, hoặc có bố mẹ anh em dinh tê vào Nam… Nhân thân phức tạp và bất tín như thế, nhưng về mặt trí tuệ, họ xứng đáng là những thanh niên trí thức ưu tú nhất của Hà Nội. Hầu hết là thủ khoa, học sinh xuất sắc của các trường học nội thành, là con em các gia đình tư sản, tiểu chủ, công chức thời Pháp. Cá biệt có cả vài anh đang là sinh viên giói của trường đại học nhưng bị liệt vào danh sách đen, tư tưởng có vấn đề, phải đi lao động "thâm nhập thực tế"… Lê Đoàn, bạn của Đào Phan Khánh, người viết thư rủ rê Khánh bỏ đội chiếu bóng lên nông trường Quan Chi, thuộc loại cá biệt này. Lê Đoàn chính là cậu bé học lỏm tiếng Pháp từ mấy anh lính tẩy, từng là bạn của Nguyễn Kỳ Vọng năng nào. Bằng ý chí tự học Đoàn đã thi đỗ vào khoa văn sử Đại học Tổng hợp. Một sinh viên giỏi, tiếng Pháp nói như gió. Đoàn là đệ tử sùng bái đến mức mê tín nhà triết học Trần Đức và mấy nhà thơ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm. Bị phát giác có tàng chứa những ấn phẩm Bốn Mùa đang cấm lưu hành, Lê Đoàn bị đình chỉ học tập. Nghe tin có đại hội tình nguyện thanh niên Thủ đô, Đoàn đã ghi tên, xung phong lên nông trường.
Chưa từng cầm cày cầm cuốc, chưa từng chân đất, ngủ rừng, mấy tháng đầu đám công tử tiểu thư chuyên cày đường nhựa này trở thành gánh nặng của nông trường. Có anh ba hôm cầm cuốc tay đã toé máu. Có cô chân phồng rộp phải nhờ người cõng. Rồi cáo ốm, bỏ ăn. Có kẻ đang đêm bỏ trốn về Hà Nội. Có cậu lạc trong rừng hai ngày không biết đường về…Nhưng rồi, họ quyết trụ lại. Chất "sỹ" và nghị lực tuổi trẻ đã nâng dắt họ. Họ đã quen dần với công việc thổ mộc, thậm chí còn hăng hái hơn cả những anh bộ đội xuất ngũ. Họ mang đến cho nông trường một luồng gió mới và một khí thế dời non lấp biển.
Cho nên thật là dễ hiểu, khi nghe tin nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ và hoa khôi trường Phổ thông công nghiệp Hà Nội, Võ Thu Hạnh đến thăm, cả nông trường bỗng lên cơn sốt, ai cũng như chực nhập đồng. Các chiến sĩ của Đại đoàn 312, nhiều người từng biết Vỹ, nhiều người đọc thơ Vỹ. Riêng đại đội thanh niên xung kích Hà Nội thì chẳng ai không thuộc thơ Vỹ. Nguyễn Kỳ Vỹ, cho đến bây giờ vẫn là thần tượng của họ.
Tất nhiên Đào Phan Khánh là người hạnh phúc nhất, mãn nguyện nhất. Đang cùng mấy người bạn đào một gốc lim xanh giữa đồi chè, thì anh bạn Lê Đoàn chạy bổ đến, gào lên:
- Khánh ơi, về ngay, có lệnh truy nã mày.
- Đồng chí Đoàn nói năng với cấp trên cho cẩn thận - Khánh nghiêm mặt, nhưng ánh mắt đã lộ vẻ bối rối vì hai tiếng "truy nã" của Đoàn.
- Nói nhanh kẻo mất thời gian. Cậu có cấp trên nào tên là Võ Thu Hạnh không?
- Sao? Thu Hạnh thì sao? - Khánh chột dạ.
Đoàn định đùa dai thêm chút nữa, nhưng thấy gương mặt Khánh đỏ nhừ thì thương hại:
- Về ngay để bám váy đàn bà… Nàng và nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ anh rể cậu vừa từ Hà Nội lên đón cậu về tổ chức cưới.
Không đợi Đoàn nói gì thêm, Khánh nhảy vọt khỏi hố đất, ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nông trường bộ.
Hạnh xuất hiện quá bất ngờ. Nàng đẹp rực rỡ. Khánh sững lại như không tin ở mắt mình. Họ cùng nhìn nhau như đang mơ, rồi bất ngờ chạy đến ôm chầm lấy nhau như trong phim.
Tiếng hò reo. Tiếng vỗ tay ran tứ phía.
- Hôn nhau đi… i… i…
- Cho chúng tao hôn ké với, Khánh ơi…
Ai đó nhanh tay đã vớ lấy cây guitare dập liên hồi. Rồi ngay chớp nhoáng đã hình thành một dàn đồng ca vây quanh cặp tình nhân:
"Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa
Đây bao la tiếng hát vui chan hoà…"
***
Tin nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ đến thăm nông trường, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đã lan đến khắp những đội hẻo lánh nhất. Cuối giờ chiều, khi mặt trời vừa khuất sau dãy Tam Đảo, thì từ khắp các đội sản xuất, người kéo đến nông trường bộ đông nghìn nghịt.
Vỹ e ngại nói với giám đốc nông trường, nguyên là chính trị viên đại đội của Đại đoàn 312:
- Tập trung đông người quá, có tiện không anh? Tôi đang thuộc diện phần tử bất hảo. Có cần báo cáo chính quyền…
- Anh yên tâm đi - Giám đốc rít thuốc lào hõm má, rồi vừa nhả khói mù mịt, vừa nói – Chính quyền là chúng tôi chứ ai? Không dễ gì người ta kéo đến như thế này đâu. Phải là một nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Kỳ Vỹ mới có sức cuốn hút đến thế.
Quả nhiên, rất nhiều chiến sĩ đã từng gặp Vỹ, từng là nguồn cảm hứng cho anh làm thơ, là nhân vật của anh trong những trang ghi chép mặt trận.
- Có đúng là Nguyễn Kỳ Vỹ "Thời của Thánh Thần" không? Tao đây, Tao ở đại đội pháo DKZ Lũng Lô đây.
Nhớ rồi. Cái anh chàng có cái tên kỳ cục, từng làm Chính uỷ Trung đoàn Quảng Lạc điên tiết muốn đập vỡ tan chiếc điện thoại, khi ông hỏi vào máy: "Đồng chí là ai?" "Là Tao này" "Trả lời cho nghiêm túc. Đồng chí có biết đang nói chuyện với chính uỷ Quảng Lạc không?" "Báo cáo Chính uỷ, Tao đây ạ! Em đang rất nghiêm túc. Em là Nguyễn Văn Tao"…
- Còn tớ, tớ đố Vỹ nhận ra đấy. Tớ từng cõng nhà thơ qua ngòi Thia…
- Quên sao được? Anh Lê Bìu, anh nuôi xuất sắc toàn quân…
- Đúng. Tưởng quên thì phạt nặng. Tớ cải tên rồi. Từ nay gọi tớ là Lê Bùi. Chì cần hoán vị hai nguyên âm là được một cái tên thơ mộng mà bố và mẹ mình vì mù chữ mà cả đời không nghĩ ra.
Tíu tít nhất là các cô cậu trong đội thanh niên tình nguyện Hà Nội. Họ bao vây mấy vòng quanh Vỹ, tranh nhau tự giới thiệu và xin chữ ký.
- Em là Nguyễn Văn Nức, gia đình tư sản thuốc lào, tú tài trường Bưởi, rất hâm mộ nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ.
- Em, Nguyễn Thị Hinh, gia đình tiểu thương chợ Đồng Xuân, học dở lớp chín trường Lý Thường Kiệt…
- Anh có nhớ cậu bé người hàng phố của chị Khiêm, đã từng làm giao liên đưa thư của chị Khiêm đến cho nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ không? Cậu bé ấy chính là Hoàng Họp, đang đứng trước mặt anh đây…
Lê Đoàn chìa ra trước mặt Vỹ cuốn sổ tay chép thơ.
- Em biết anh từ cái hôm anh đi trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Em đứng trên nóc nhà phố Hàng Bông bắn một loạt súng chào mừng…
Vỹ bỗng nhớ lại những giờ phút thiêng liêng không thể nào quên ấy. Những chiến sĩ giải phóng đi trong ngợp trời hoa và những bản hành khúc vang dội. Một cậu bé tóc rối bù, cao gầy và đen trũi đứng trên tít tầng thượng của ngôi nhà bỗng làm Vỹ chú ý. Anh chợt liên tưởng chú bé trên nóc nhà kia với hình ảnh người anh hùng trẻ tuổi Gavơrốt của Vichto Huygô. Rồi cậu bé Gavơrốt của anh chĩa khẩu súng ngắn lên trời, vừa bắn vừa hét thật to: "Kính chào những người lính anh hùng trở về giải phóng Thủ đô"…
- Em còn biết anh là anh trai Nguyễn Kỳ Vọng…
- Trời, thật không Em quen Vọng à? Giờ nó ở đâu?
- Em và Vọng cùng ở một khu phố gần vườn hoa Tập Kèn. Anh Vọng vì muốn được học thêm, đã theo bạn vào Nam. Từ ấy chúng em bặt tin nhau… - Đoàn ghé tai Vỹ nói nhỏ - Em bị đuổi khỏi trường Đại học Tổng hợp và phải lên nông trường này vì tội dám chép bài thơ "Tiếng hát nhân dân" của anh vào sổ tay và tuyên truyền trong ký túc xá sinh viên đấy…
Thật vậy ư? Vì chép thơ của Vỹ mà bị đuổi học? Vỹ không tin mình vừa nghe câu nói đó. Nhưng sau này, khi tình bạn của anh và Lê Đoàn trở nên khăng khít, thì anh hoàn toàn tin rằng, chính anh là một tác nhân đã góp phần làm xoay chuyển, biến dạng cuộc đời của Đoàn.
Ba chiếc đèn măng xông cùng lúc bỗng rực sáng. Hội trường nông trường bộ đã đông chật người. Người ta tranh nhau tự giới thiệu và xin chữ ký của Vỹ vào sổ tay lưu niệm, nhiều người đê nghị anh đọc cho chép những bài thơ mới nhất.
Vỹ sực nhớ đến quyển sổ ghi chép của mình. Tất cả những bài thơ anh mói sáng tác, cả những bài thợ yêu thích của bạn bè mà anh chép lại, đều nằm trong cuốn cẩm nang này. Có thể anh để quên ở nhà? Có thể lúc qua phà sông Công, cuốn sổ trong chiếc xắc cốt đã bị rơi xuống nước?
- Định đọc tặng các bạn những bài thơ mới nhất. Nhưng bản thảo đang bị thất lạc. Xin khất các bạn để tôi có thời gian nhớ lại Bây giờ xin giới thiệu ca sĩ Võ Thu Hạnh sẽ hát tặng những bài hát hay nhất của mình.
Cuộc giao lưu văn nghệ độc nhất vô nhị từ ngày thành lập nông trường tới giờ, với đủ mặt lãnh đạo nông trường bộ và mấy trăm nông trường viên, chật ních hội trường, kéo tràn ra ngoài hành lang, như một lễ hội tưng bừng. Hạnh hát bài Câu hò trên bến Hiền Lương hay đến mức khối anh cứ há hốc mồm như muốn hứng lấy từng lời. Bất ngờ hơn nữa là tài ngâm thơ của Lê Đoàn, bây giờ mới phát lộ. Anh mở đầu bằng bài thơ "Lên Miền Tây", viết đúng tâm trạng và lý tưởng của những chàng trai cô gái Hà Nội, làm nhiều người rưng rưng nước mắt:
"Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng,
Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương
Ngàn khát vọng chất chồng mơ ước lớn… "
Bài thơ vừa ngâm xong, tiếng vỗ tay tán thưởng chưa dứt, nhìn quanh đã chẳng ai thấy Đào Phan Khánh và Võ Thu Hạnh, hai nhân vật trung tâm của đêm liên hoan đâu. Giữa đồng mía, đồi chè và rừng cây bạt ngàn, có trời cũng chẳng tìm thấy họ.
Chỉ còn lại mình Vỹ độc diễn trước hàng trăm người hâm mộ. Anh đọc liền một mạch như người nhập đồng những bài thơ được thính giá yêu cầu: "Sống", "Thời của Thánh Thần", "Mùa thu Hà Nội", "Tiếng hát nhân dân"…
Bài thơ cuối cùng đọc chưa dứt, bỗng cả ba bóng đèn măng xông đều tắt phụt. Cả hội trường chết lặng. Rồi tiếng la hét, tiếng huýt gió. Có cả tiếng chỉn tục:
- Đ mẹ. Thằng nào tắt đèn? Thơ đang hay.
- Phản động à? Đốt đuốc lên! Kéo ra ngoài sân mà đốt lửa trại lên.
- Mẹ kiếp. Mackêno. Tiếp tục đọc thơ đi, anh Vỹ ơi…
Nhốn nháo, loạn xạ. Có nhiều tiếng con gái kêu thét lên ở đâu đó. Trong ánh sáng nhập nhoạng của mấy que diêm vừa bật lên, người ta thấy loang loáng bóng một vài công an ở cửa.
Tiếng giám đốc nông trường hét khản cả giọng:
- Xin lỗi… Xin thông báo với tất cả các đồng chí và các bạn, vì lý do kỹ thuật, cuộc sinh hoạt văn nghệ phải đừng ở đây. Đề nghị mọi người về nghỉ, mai tiếp tục ra đồng.
***
Cuốn sổ tay ghi chép mà Vỹ tưởng bỏ quên ở nhà hoặc bị rơi ở phà sông Công, hoá ra đã từng nằm chỏng trơ trên bàn làm việc ở nhà xuất bản Bình Dân. Trong lúc Vỹ vội vàng làm nốt một số việc và xin nghỉ phép để lên thăm Khánh, anh đã bỏ quên vật bất ly thân này.
Nguyệt là người duy nhất nhìn thấy quyển sổ trên bàn. Sẽ chẳng có chuyện gì, nếu Nguyệt cất đi để rồi trả lại Vỹ. Nhưng vốn ngưỡng vọng và yêu mến anh, chị đem về nhà, chép lại một số bài thơ, rồi khoe với chồng.
Sành vốn không am hiểu lắm về thơ phú. Nhưng thấy Nguyệt có vẻ tâm đắc, đã sinh nghi. Đến như vợ mình mà anh ta cũng "ru ngủ" được thì hẳn là có vấn đề?
Cuốn sổ bỗng không cánh mà bay.
Nguyệt lục tìm khắp nhà cả buổi chiều. Vẫn biệt vô tăm tích.
- Rõ ràng em để quyển sổ của anh Vỹ dưới đầu giường. Anh lấy đi đâu rồi? - Nguyệt hỏi Sành.
- Anh nhìn thấy, nhưng không thèm đọc. Loại thơ phản động này chỉ đáng vứt sọt rác.
- Này, đừng có giấu đầu hở đuôi. Trả lại đi. Mai anh Vỹ về, em phải trả anh ấy.
- Việc gì mà phải trả? Coi như không biết, không quan tâm.
- Anh đừng có làm cái trò gì để hại người ta đấy nhớ… Thấy anh ấy bỏ quên, cất giúp anh ấy, mới là người đứng đắn.
Sành liếc vợ đầy ngờ vực. Cái cô này cũng có vấn đề rồi. Không biết chừng, ăn phải bùa thơ rồi phải lòng hắn ta cũng nên? Động nói đến Vỹ là bênh chằm chằm.
- Tôi xé chùi đít rồi. Quyển sổ nháp ba lăng nhăng, có gì mà quan trọng.
- Anh không đùa đấy chứ?- Nguyệt ức đến nghẹn tận cổ - Để em ra nhà cầu xem thử. Đã biết là bản thảo của nhà thơ mà còn…
Nguyệt ra hố xí thật. Sành cười khẩy:
- Đùa đấy. Tưởng chỉ mình cô mới biết giá trị của văn thơ thôi ư? Nói cho nhanh nhé. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ đây là quyển giấy nháp ba lăng nhăng. Hoá ra không phải như vậy. Một tài liệu cực kỳ nguy hiểm. Có giá hời đấy… Đây mang bán rồi!
- Anh bán đi đâu? Cho ai? Để em đi chuộc - Nguyệt hốt hoảng.
- Nếu bảo là vô giá cũng không ngoa. Làm sao cô em có đủ tiền chuộc? - Sành lại gần, đưa tay xoa cái bụng lùm lùm của vợ - Cũng chỉ vì cái tác phẩm tôi gửi mình ở trong này này. Đẻ con rồi phải lo cho nó chỗ ở, cho tương lai sau này của nó. Muốn bà Ba Yên và các con vĩnh viễn từ bỏ ý định đòi lại căn nhà xoá sổ địa điểm tổ hợp cắt tóc Cờ Đỏ, phải liên tục dồn họ vào bước đường cùng, em hiểu không? Tầng trên phải là sở hữu chắc chắn của ông bà bô. Tầng dưới này, chỉ đội lốt tổ hợp Cờ Đỏ vài năm, sau đó vợ chồng mình sẽ tìm cách đuổi mấy lão thợ cạo đi mà chiếm lấy. Đẻ thêm hai ba đứa con thì bốn chục mét vuông này thấm tháp gì? Bước một hãy cứ tính thế đã. Cho nên lúc này là cơ hội nghìn vàng. Chỉ nhắc đến Ký Lạng đang làm tay sai cho Mỹ Diệm là bà Ba Yên sợ ỉa ra quần. Cầm cuốn sổ tay của Vỹ, tôi nghĩ ngay đến chuyện phải bỏ tù anh ta. Vỹ đã bị khốn đốn vì nghiệp văn, thì vợ chồng làm sao dám đòi lại căn nhà này?
Nguyệt dãy nảy:
- Trời ơi, anh nghĩ thế thật à? Làm thế độc ác lắm. Anh không nghĩ trời phật quả báo, làm sao mà em sinh đẻ mẹ tròn con vuông được?
- Thời đại này, không có mê tín dị đoan. Phải có cái nhìn biện chứng. Nhân cơ hội này làm cho tay Vỹ không ngóc đầu lên được. Vả lại phải để cho tổ chức tin tưởng. Diệt trừ Nhân văn Giai phẩm là góp phần vào cuộc đấu tranh giai cấp, kiên định lập trường vô sản…
- Em xin anh. Hãy vì mẹ con em mà làm chuyện phúc đức. Anh Vỹ không có thù oán gì với nhà mình. Anh ấy làm thơ cũng chẳng hại ai… Anh đưa em quyển sổ để em mang trả lại người ta…
- Tôi nói từ nãy tới giờ mà cô vẫn không chịu nghe. Ăn gì mà ngu lâu thế? Đây không phải là thù hằn. Mà là nhiệm vụ cách mạng. Chúng ta đều là tai mắt của cách mạng. Phát hiện thấy âm mưu phản động, sao ta lại ỉm đi, sao lại lừa dối tổ chức? Cô không nhớ câu của Mao Chủ tịch: "Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót ư?
Biết không thể lay chuyển con người sắt đá và nhẫn tâm ấy Nguyệt chỉ ngồi ôm bụng khóc.
Sành rỉ rả:
- Tôi còn đang trù tính cho mình một chức vụ ở nhà xuất bản. Chế độ này, dù có tài năng bằng giời, dù có là thánh tướng nhưng không là đảng viên thì chỉ có ăn đất. Chỉ có người của Đảng mới được bố trí vào bộ máy quyền lực, mới được làm lãnh đạo. Cụ Mác sẽ cài người nắm tất cả, từ chức tổ trưởng tổ phó, nghĩa là tất tần tật. Cô mới được tay Tiến Tới nó kết nạp Đảng, thì phải nhân đà này mà "tiến tới" lên. Là con em gia đình cơ bản, đương kim thủ quỹ cơ quan, vậy tại sao không nghĩ đến cái ghế phó giám đốc nhà xuất bản nhỉ? So với Tiến Tới, một gã xe thồ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, cô kém cạnh gì? Hắn viết diễn ca, truyện thơ cái đầu b… Ai mà chả biết tất cả là của tay Vỹ. Lừa sao được thằng Sành này. Nó lợi dụng chuyện kết nạp cô để ve vãn, sờ l… bóp vú cô thế nào, sao tôi lại không biết? Tôi còn để tội nó đấy. Giờ bàn đến chuyện tay Vỹ đã. Yên tâm đi. Quyển sổ của Vỹ đang trong tay nhà chức trách có trách nhiệm. Tất nhiên là khi báo cáo, tôi đã nói là công lao của cô. Cô rất có nhãn quan chính trị có triển vọng của một phó giám đốc tương lai…
Trong khi nồi với vợ những lời ngọt nhạt ấy, Sành mường tượng lại cuộc gặp gỡ giữa anh và Văn Quyền. Nhớ nhất là cặp mắt một mí của Văn Quyền bỗng loé lên khi nhìn thấy quyển sổ tay của Vỹ. "Làm sao đồng chí có được tài liệu này?" "Dạ, vợ tôi thấy Vỹ bỏ quên trên bàn làm việc. Tôi thấy có trách nhiệm phải báo với tổ chức. Tôi nghĩ ngay đến anh, người mà tôi được hân hạnh tiếp xúc tại cuộc truyền đạt nghị quyết cuối tháng vừa rồi". Quyền lật dở từng trang, không ngớt gật gù: "Cô Nguyệt ở Nhà xuất bản Bình Dân thì tôi có biết. Vợ đồng chí tuyệt lắm. Rất xuất sắc và có nhãn quan chính trị nhạy bén. Chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý bồi dưỡng nhân vật này. Nhưng đồng chí nhớ nhắc Nguyệt không được nói gì với Vỹ. Cứ coi như anh ta đánh rơi ở đâu, không biết. Chuyện này lộ ra nguy hiểm lắm. Tôi đặc biệt lưu ý hai vợ chồng đồng chí điều này: Tuyệt đối không được nói đã nộp cho tổ chức tài liệu này. Đây là nguyên tắc của tổ chức. Nếu vi phạm thì hậu quả sẽ khôn lường…". Sành bỗng như thấy sống lưng ớn lạnh. Anh ân hận vì đã trót nói với Nguyệt. Cô ấy mà bô lô ba la với Vỹ thì chết cả lũ.
- Em có cần anh nói người đang có trách nhiệm giữ quyển sổ tay của Vỹ không? - Sành dịu giọng, ve vuốt Nguyệt - Không cần chứ. Mà em cũng không nên biết làm gì. Bây giờ thì em phải hoàn toàn tin tưởng ở anh, ở tổ chức. Vợ chồng mình đang chơi một canh bạc. Chỉ cần em bí mật tuyệt đối là chắc thắng trăm phần trăm. Nếu em lộ ra, tổ chức sẽ không để em yên. Với Vỹ, em cứ chối phắt, không thấy gì, không biết gì thế thôi.
- Anh làm em không còn ra cái giống người - Nguyệt khóc nấc lên.
- Em vẫn là vợ yêu quý của anh - Sành ghé môi hôn vợ, nhưng bị đẩy ra - Chúng mình đang có một cơ hội đổi đời… Chi vài năm nữa thôi, biết đâu em sẽ vượt qua cả cái thằng giám đốc xe thồ?