Chẳng có anh bộ đội thương binh nào Khiêm định lựa chọn là ý trung nhân cho mình cả. Chỉ có cách nói ấy mới đủ sức nặng để Vỹ cắt bỏ tình yêu với nàng. Phải dũng cảm lắm, đau đớn lắm, như tự tay mình bóp chết con chim tình yêu đang ca hót trong lòng mình, Khiêm mới nói được với Vỹ những câu dối lòng ấy.
Lẽ ra Vỹ phải thông minh và nhạy cảm đoán ra Khiêm đã nói dối mình chứ. Lẽ ra anh không có quyền dễ dãi chấp nhận và phó mặc Khiêm lấy một người khác, càng không thể tàn nhẫn bỏ mặc Khiêm ra về. Lên xe rồi mà Khiêm chỉ mong có tiếng anh gọi lại, chỉ mong anh chạy ào níu giữ Khiêm lại. Khi ấy Khiêm sẽ oà vào lòng anh vừa khóc nức nở, vừa lấy cho anh xem lá thư anh Lợi đã gửi cho Khiêm trước ngày Vỹ từ Liên Xô về.
"Cô Khiêm thân mến.
Tôi là anh trai Vỹ. Phải viết cho cô lá thư này, cũng vì trách nhiệm của một người anh, quyền huynh thế phụ, thay cha lo cho tương lai em trai mình.
Tôi có biết tình yêu của hai người. Nhưng lại biết rằng cuộc tình này chỉ mang lại kết cục không tốt đẹp. Về phía cô và gia đình, chắc cô hiểu hơn tôi. Cuộc đấu tranh giai cấp sẽ còn rất phức tạp và quyết liệt. Bởinhững mưu toan chống phá Chú nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bởi những viên đạn bọc đường mà kẻ thù đang nhằm vào những người kém lập trường tư tưởng, xa rời vị trí chiến đấu. Về phía Vỹ do những sai lầm của nó, như cô biết trên báo chí gần đây, nó sẽ phải về nước. Tương lai củaVỹ là tuỳ thuộc vào sự hối cải của nó và mối quan hệ đối với cô. Bản thân Vỹ đã khó có thể vượt dốc nổi, thêm gánh nặng của gia đình cô nữa thì nó hoàn toàn bị kéo xuống hố sâu.
Tôi tin cô đủ thông minh và nhạy cảm cũng như cả tấm lòng từ bi, để hiểu những điều tôi nói. Một phụ nữ xinh đẹp và đầy tự trong như cô, ắt biết phải làm gì?
Lá thư này chỉ mình cô biết, không để cho người thứ hai đọc.
Tôi biết ơn cô rất nhiều.
Nguyễn Kỳ Khôi"
Lá thư không ký tên Chiến Thắng Lợi, gửi theo đường công vụ, do một anh cảnh vệ mang đến trao tận tay Khiêm.
Những dòng chữ của một người có quyền lực, nằm trong guồng máy tổ chức, thực chất là một tối hậu thư. Vậy là đã rõ. Việc Vỹ phải về nước, có sự chỉ đạo của Lợi: Bước tiếp theo là phá bỏ tình yêu giữa hai người nhằm kéo Vỹ trở lại đường ray đã định sẵn.
Khiêm viết trong nhật ký:
"Ngay trước hôm anh từ Liên Xô về, đích thân anh Chiến Thắng Lợicho Văn Quyền đến gặp em, nói không đượcra sân bay đón anh. Đây là lệnh của tổ chức. Văn Quyền nói, anh đang trong một đường dây hoạt động chính trị, được tổ chức nước ngoài cài về Việt Nam. Gặp anh lúc này sẽ rất nguy hiểm. Không còn sự lựa chọn nào khác. Em đành chấp nhận mọi thua thiệt, để sự nghiệp của anh không bị liên luỵ. Em trách anh Lợi. Một người bằng sắt, không có trái tim. Nhưng khi nghe Văn Quyền nói về anh thì em lại phần nào thông cảm với anh Lợi…
Anh còn nhớ Văn Quyền, người cùng dự trại sáng tác Vĩnh Yên với anh mà anh đã đưa em lên "khoe" ấy không? Anh ta làm thơ hay viết văn xuôi em chẳng nhớ. Quyền có giọng nói như tiếng vịt đực nghe đến tức cười. Một lần Quyền đạp xe đến tìm em và cho em biết một tin sét đánh: Anh đã yêu một cô gái Nga. Em không tin. Quyền liền đưa ra bài thơ anh vừa gửi về in trên tạp chí Văn học, bài "Tuyết ở xứ người"có lời đề tặng Đatrikha. Anh ta nói huyên thuyên một hồi về cô Đatrikha ấy. Nào là hai người yêu đương nhau lãng mạn như thế nào, anh ghen rồi đánh lộn nhau với một anh chàng Ivan người Nga ra sao. Liều lĩnh hơn, hai người còn rủ nhau về Matxcơva, thuê khách sạn ngủ với nhau, bị Đại sứ quán ta bắt được, lập biên bản, định trục xuất về nước… Anh ta cứ thao thao bịa tạc đủ thứ xấu xa về anh. Tệ hại nhất là anh ta quy kết anh về tội chính trị. Anh ta bảo, tổ chức xếp anh vào thành phần xét lại. Vì những bài viết ca ngợi tiểu thuyết "Người thứ 41" phim "Những đàn sếu bay qua," một cuốn sách và một bộ phim phản động, xoá nhoà ranh giới giai cấp, địch ta… Ban đầu em cũng tưởng thật. Uất đến muốn chết. Em đi tìm hiểu những thông tin có liên quan tới nơi học của anh. Rồi em chợt nhớ ra, có lần anh viết thư cho em, đặt cho em cái tên Nga là Đatrikha, viết tắt từ Đào Trinh Khiêm. Bài thơ "Tuyết ở xứ người" ấy anh viết cho em. Em cạch mặt Văn Quyền từ ngày đó.
Sau lá thư anh Lợi gửi em, Văn Quyền bỗng lại xuất hiện. Em tránh mặt không được. Hoá ra anh ta đã được điều về công tác dưới quyền anh Lợi. Quyền nói, là bạn thân của anh nên anh ta tự thấy phải có trách nhiệm với em. Chuyến này về nước, nhẹ nhất là Vỹ buộc phải ra khỏi quân đội, phải điều sang một cơ quan dân sự và chắc chắn không được giữ một trọng trách gì. Đây là phương án tối ưu nhất, nếu thủ trưởng Lợi, bằng uy tín của mình thuyết phục được Anh Tư. Phương án xấu hơn, Vỹ có thể bị đi tù hoặc đi trại cải tạo. Nghe Quyền nói vậy, em không còn hồn vía nào nữa. Em lo và thương anh vô cùng. Chẳng lẽ những bài thơ bài báo của anh lại nguy hiểm đến thế ư?
Quyền báo em: "Nếu em thực sự yêu và thương Vỹ, em phải hy sinh tình yêu để cứu Vỹ. Tội lỗi của Vỹ, nếu cộng thêm với lý lịch tư sản có bố theo chế độ Ngô Đình Diệm của em nữa, thì vô phương cứu chữa. Em thiếu gì người để lựa chọn, việc gì phải đâm đầu vào Vỹ để cùng tự sát. Em tin lần này thì Văn Quyền nói thực lòng. Chắc Quyền cũng lo cho anh như anh Lợi chăng?"
Khiêm phờ phạc và buồn trĩu như người vừa đánh mất tuổi xuân của mình. Mỗi lần đạp xe từ cửa hàng ăn uống cuối Phố Huế, nơi Khiêm được tạm tuyển làm nhân viên phục vụ, qua đoạn hồ Thiền Quang, lại thấy nhói trong lòng một nỗi đau mất mát.
"Gốc lim trắng nằm lả bên mép hồ kia, anh còn nhớ không? Nó ghi dấu nụ hôn đầu tiên em trao cho anh sau lần anh về quê ra tìm gặp em. Thú thực là em rất hoang mang, sợ mất anh vô cùng sau bao lần em đến tìm anh tại nơi đóng quân trong khu nhà thương Đồn Thuỷ mà không gặp.
Và buổi tối ấy, em đã hối hả, đã hoàn toàn trao phó, oà vào ngực anh, không cần che chắn, tự vệ. Bài thơ "Mùa thu Hà Nội" của anh, như thứ bùa ngải đã hút hết hồn em từ ngày ấy. Bọn bạn em chúng nó thi nhau khoe có người yêu là bộ đội. Em chỉ cười thầm, muốn bảo rằng, tao còn có người yêu là bộ đội thi sĩ nữa kia. Trẻ con quá nhỉ. Nhưng em yêu và tự hào về anh vô cùng: Lần đầu tiên trong đời em biết thế nào là nụ hôn. Có lúc em muốn tắc thở vì anh hôn dài quá. Nhưng mà thích, thích ghê lắm ấy. Em không muốn rời anh tẹo nào, nếu không có mấy anh tự vệ đến nhắc đã hết giờ chơi đêm…"
Mới đó mà đã thành giấc mơ. Ngôi trường tư thục Đất Việt của mẹ và bác nằm ở góc hồ kia, đã trở thành trường công, xa lạ như của ai đó, lâu lắm rồi Khiêm cũng không đặt chân đến.
Mất hết cả rồi…
- Kìa Khiêm, Khiêm ơi! - Tiếng gọi khàn khàn mừng rỡ làm Khiêm sững. lại. Văn Quyền. Khiêm nhận ra vẻ sung sướng thái quá của anh ta qua nụ cười nhăn nhở.
- Anh đang muốn gặp Khiêm. Có tin mới về Vỹ đây. Chúng mình vào quán bên hồ kia đi.
- Xin lỗi, em bận lắm - Nói vậy, nhưng Khiêm lại dắt xe đi theo Quyền, như người mộng du.
Quyền lăng xăng kéo ghế, gọi cà phê.
- Anh và thủ trưởng Chiến Thắng Lợi đang thu xếp để Vỹ được gặp đồng chí Tư Vuông. Nếu Anh Tư đồng ý cho gặp thì mọi việc chắc sẽ ổn thoả. Anh biết trong thâm tâm Anh Tư vẫn quí tài năng của Vỹ và tiếc cho cậu ta lắm. Chỉ cần biết thành thật nhận lỗi, biết hối cải. Ví dụ viết một vài bài trên báo chí nhận rõ cái sai của mình. Hơn lúc nào hết, tổ chức đang muốn qui tụ nhân tài, tất cả văn nghệ sĩ đều tụ hội dưới ngọn cờ vô sản…
Quyền vừa nói vừa hoa tay như người diễn thuyết. Nhưng Khiêm như vô cảm. Nàng buông một câu như dội gáo nước lạnh:
- Em chẳng quan tâm đến những chuyện của Vỹ. Chúng em thôi nhau rồi.
Quyền ngớ người. Anh liếc nhanh Khiêm rồi cười xoà.
- Anh thử em thế thôi. Chứ gái goá làm sao lo nổi việc triều đình. Anh Tư đời nào chịu nghe anh để gặp một nhà thơ tép diu như Vỹ. Chuyện của Vỹ phức tạp lắm. Cậu ấy dính vào vụ Nhân văn Giai phẩm. Là đầu mối chỉ đạo vòng ngoài. Ở trong nước, ngoài nhóm đầu sỏ Trần, Trương, Phan, Trần Đức, Nguyễn Hữu… là một lũ lâu la, trong đó có Đà Giang, Du San, Hàn Thâm Nho, Trần Biền… Nhóm này đã lộ mặt. Đang tập hợp những phần tử bất mãn, chống đối, đòi ra báo riêng, nhà xuất bản riêng. Chúng công khai xoá bỏ thành quả của Chủ nghĩa xã hội:
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.
Chúng công kích chế độ ta là trại linh, nhà tù: "Đem bục công an đặt giữa trái tim người". Có nhiều tài liệu cho thấy Vỹ là tiểu tướng của nhóm Nhân văn. Bài thơ "Tiếng hát nhân dân"đăng trên "Giai phẩm bốn mùa" là bản tuyên ngôn của nhóm ly khai. Chắc em biết Vỹ có quyết định ra quân rồi chứ? Nếu ngoan cố, khó mà tránh khỏi phải đi cải tạo. Anh mới gặp Vỹ hai tuần trước. Thương cậu ấy lắm. Nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Bây giờ lại thêm tật nát rượu… Có chuyện này không biết có nên nói với em không?
Sự mập mờ của Quyền lập tức có hiệu quả. Khiêm nôn nóng:
- Chuyện gì thê anh?
- Tưởng Khiêm đã biết rồi. Mà thôi, đàn ông bọn anh đứa nào chẳng thế…
- Thói trăng hoa chứ gì? Em không quan tâm…
- Không phải trăng hoa mà là sa đoạ Khiêm ạ… Thế thì em vẫn chưa biết gì hết. Cậu ta đang sống với cô đào Diễm Mỹ của đoàn Kim Phụng, đã bỏ chồng, hơn cậu ta tới chục tuổi…
Đòn tâm lý của Văn Quyền quá mạnh để đủ hạ gục một thiếu nữ yếu đuối như Khiêm. Khiêm lảo đảo đứng dậy.
- Em phải về. Xin lỗi, em không muốn ai nhắc đến anh ta nữa.
- Kìa em - Quyền níu cánh tay Khiêm - Còn một chuyện nữa anh muốn giúp em. Anh sẽ gửi em đi học trường thương nghiệp. Chú họ anh là hiệu trưởng, đã nhận lời rồi. Chỉ cần em đưa hồ sơ lý lịch cho anh…
- Em chỉ sợ anh không đủ sức gánh nổi con một nhà tư sản phản động.
***
Thông tin mà Văn Quyền cho Khiêm biết, có một phần sự thật. Vỹ phải ra quân và chuyển công tác về Nhà xuất bản Bình Dân, nơi chuyên ấn hành loại sách phổ biến kiến thức và văn hoá quần chúng.
Nhà xuất bản Bình Dân nằm sâu trong một phố hẻm. Cả cơ quan vẻn vẹn hơn hai chục người. Công việc của họ là in các khẩu hiệu, tranh cổ động, áp phích, các diễn ca, ca dao hò vè tuyên truyền cho đấu tranh thống nhất đất nước, vận động vào hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo tư bản tư doanh…
Vỹ được phân ở cùng ông Hiệu, một cán bộ lưu dung, chuyên sửa morat cho một nhà in cũ. Căn phòng chỉ có chín mét vuông, kê vừa đủ chiếc giường một, chiếc bàn gãy chân, cái chạn bát và một bếp điện bằng dây may xo tự tạo. Phần mặt đất, nơi thiết cốt, cơ bản nhất này phải để dành cho người đến trước là ông Hiệu. May mà người chủ cũ đã làm sẵn một gác xép cao chừng mét hai, có bậc thang là những thanh sắt gắn vào tường. Vỹ ngủ và làm việc trên cái gác xép ấy Lên hết bậc thang cuối cùng, phải bò hoặc cúi lom khom.
Mấy lần vô ý Vỹ đã cụng đầu vào trần nhà đau điếng. Trên cái gác xép, một cái kho chứa đồ thì đúng hơn, ngay sau hôm nhận "phòng", Vỹ đã kiếm được một cái bàn vứt đi ngoài vườn, cưa bốn chân, như chiếc bàn trà của người Nhật Bản, thế là thành chiếc bàn viết. Ghế thì đã có báo cũ và sách. Ngồi xếp bằng tròn, hoặc ngồi xổm đều rất thoải mái. Ý định xoay ra viết tiểu thuyết bắt đầu hình thành từ phòng văn này. "Chân trời hoang tưởng", đó là tựa đề của cuốn tiểu thuyết sẽ để đời của Vỹ.
Ông Hiệu, là người hiền lành tốt bụng, có nghề phụ gia truyền là chữa bệnh trĩ. Khách tự kháo nhau mà tìm đến, chủ yếu là các quý ông và quý bà. Ngoài giờ hành chính, ông Hiệu đi suốt. Căn phòng chín mét vuông trở thành nơi sáng tác lý tuồng của Vỹ. Nhiều hôm khuya về, ông Hiệu vẫn thấy Vỹ gò lưng trước chiếc bàn cưa chân trên gác xép, hí hoáy viết.
Một tuần sau ngày Vỹ chuyển về nhà xuất bản Bình Dân, Đà Giang bỗng kéo nhà văn Du San đến.
- Tao có quyết định chuyển về Ty Văn hoá Sơn Nam rồi - Đà Giang chìa tờ giấy có dấu đỏ chói cho Vỹ xem - Thằng Du San tuy mắc khuyết điểm viết truyện ngắn "Bại luân" nói xấu cải cách ruộng đất, nhưng đã thành khẩn nhận lỗi, vẫn được thượng cấp cho ở lại cơ quan cũ, tuy nhiên bị chuyển từ phòng chuyên môn xuống phòng hành chính.
- Đầu gà còn hơn đuôi trâu. Mày về Sơn Nam khác gì châu về Hợp Phố - Vỹ động viên bạn.
- Hợp chó gì. Đang ở biển về ngòi. Trên này còn nghí ngoáy được, về quê quá đi tù ngồi - Đà Giang rút chiếc điếu cày nhỏ xíu như sáo trúc, nạp thuốc, rít đến hõm má rồi nhả khói mù mịt - Tay trưởng ty văn hoá nghe tin tao về, liền đánh công văn không tiếp nhận. Nó tung tin tao về sẽ phá nát thuần phong mỹ tục đất Sơn Nam.
- Thôi, mackênô- Du San móc túi áo ngực - Tao có tiền đây. Bọn mình kéo nhau ra chợ Đuổi làm chầu lòng lợn tiết canh cho tiêu hết sầu đời.
Những ngày đầu về Nhà xuất bản Bình Dân là thời kỳ làm việc quyết liệt nhất của Vỹ. Đủ loại, từ sáng tác thơ, truyện ngắn, mẩu chuyện, bài báo, đến khảo cứu, dịch thuật. Với vốn tiếng Pháp khá tốt, đọc được nguyên bản Huygô, Banzắc, La Mác-tin… lại thêm vốn tiếng Nga thành thạo, Vỹ hoàn toàn tự tin có thể sống bằng ngòi bút của mình.
Nhưng lạ quá. Đích thân anh mang bài đến từng tờ báo, từng nhà xuất bản. Họ cám ơn, hứa hẹn. Nhưng mãi không thấy đăng một bài nào. Lại kiên nhẫn chép lại, kiên nhẫn gửi đi đều bặt vô âm tín.
Một hôm ông Hiệu mang về một nửa con vịt luộc, cút rượu quốc lủi rủ Vỹ đánh chén, rồi bảo:
- Thấy chú hì hụi viết lách suốt đêm, tôi thương chú quá. Nếu chú không khinh thường thì tôi mạn phép truyền cho chú phương thuốc bí truyền chữa bệnh trĩ của tổ phụ tôi. Không cao siêu gì. Thậm chí còn có vẻ tầm thường đối với kẻ sĩ, nhưng mà sống được.
- Bác không sợ tôi cướp cơm của bác à? - Vỹ nhìn ông Hiệu cảm động.
- Sợ thì tôi đã không nói với chú. Kinh Phật có câu: "Cứu một người phúc đẳng hà sa". Thấy chú viết lách hoài mà không được in, tôi ái ngại quá. Tài năng như chú mà bỏ phí hoài, tôi thấy như mình cũng có tội…
- Thầy tôi cũng từng là lương y. Nhưng anh em chúng tôi không ai nối được nghiệp cụ… - Giọng Vỹ bỗng buồn rũ - Thầy tôi bảo: "Nghề y cứu được người, nhưng không cứu được tất cả". Ý thầy tôi là muốn anh em tôi theo nghề khác. Vì thế mà tôi mới chọn nghề văn chương. Lập thân tối hạ thị văn chương. Cổ nhân nói đúng đấy bác ạ. Nhưng đã trót mang cái nghiệp văn chương vào rồi, không làm cách nào bỏ đi được. Tôi sẽ tiếp tục viết. Nhất định sẽ được in mà…
Tự nhiên ông Hiệu nhìn Vỹ chằm chằm rồi ứa nước mắt. Hình như ông say quá rồi. Ông rất muốn nói với Vỹ rằng anh quá ngây thơ, rằng cả cơ quan đều biết tội của anh là tội tày đình, anh như con chiên bị rút phép thông công, không có cơ hội để giao tiếp với độc giả, không còn khả năng sinh kế. Một chỉ thị không thành văn đã được thông báo tới tất cả các cơ quan xuất bản báo chí trung ương và địa phương: Không sử dụng mọi bài viết, mọi sáng tác mang tên tác giả Nguyễn Kỳ Vỹ.
Quay nhìn xung quanh, như sợ có người nghe trộm, ông Hiệu định nói với Vỹ những thông tin ấy, nhưng rồi lại thở dài, im lặng.
- Bác có việc gì giấu tôi - Vỹ như đoán ra - Tôi biết mình đang như một thằng hủi, không ai muốn giây vào… Nhưng bác thì không trốn khỏi tôi đâu. Bởi thượng đế chỉ cho phép chúng ta có chín mét vuông này. Nào, cạn đi bác. Cẻstunevie de chienne(1) Đời không đáng một cái tổ trĩ…
Ông Hiệu bật cười, giàn giụa nước mắt. Ông vừa nghe một câu lý thú.
- Ha ha… Đời không đáng một cái tổ trĩ… - Mà này, chú Vỹ, tôi nghĩ ra một diệu kế rồi.
- Kế gì hả bác?
- Nhưng chú tuyệt đối không được nói với ai nhé. Chỉ có hai anh em mình biết với nhau thôi nhé. Nào, ngoặc tay và thề.
Vỹ ngoặc tay với ông Hiệu, hai người rót đầy chén, uống cạn rồi cùng úp chén xuống.
- Từ giờ, các bài viết của chú hãy đưa hết cho tôi.
- Bác mua à?
- Ừ mua. Tôi chịu khó chép lại. Gửi in đâu là quyền của tôi. Chú chỉ cần nhuận bút.
- Tôi chỉ cần được in thôi bác ạ.
- Tên chú, không báo nào chịu in cho đâu - ông Hiệu cay đắng lắc đầu - Chú vẫn chưa hiểu ra à? Phải coi như bài của tôi. Tôi là tác giả. Chó vàng hay chó mực, không thành vấn đề miễn là được ăn cứt.
Vỹ cười sằng sặc, nhoài người ôm lấy vai người bạn già.
- Chó vàng hay chó mực, không cần, miễn là được ăn cứt. Đời không đáng một cái tổ trĩ… ha, ha…
- Ngày xưa, Hàn Tín muốn lên nghiệp lớn phải hạ mình chui qua háng thằng mổ thịt lợn. Thời nay có hàng nghìn thằng mổ thịt lợn, chú cũng phải kiên nhẫn chui qua háng chúng bằng hết. Cổng làng tôi có ba chữ đại tự "Cửu tắc trưng". Chữ Cửu viết giống chữ Nhân nhưng có thêm dấu chấm ở đầu nét phẩy, nghĩa là lưu cữu, chìm xuống. Nhiều người đọc được ba chữ ấy, nhưng không biết nghĩa là gì. Ông nội tôi giải nghĩa cho bố tôi rằng, người làng tôi muốn làm nên phải biết nhẫn nhục, chịu đựng, phải chìm xuống, ẩn mình đi rồi mới nổi, mới sáng rõ giữa thanh thiên bạch nhật…
Tức là tôi cũng phải "cửu tắc trưng"
- Lúc này là phải vượt qua được cơn bĩ cực. Tại chú phát nhanh quá, nổi tiếng sớm quá. Cái đại hạn này nặng đấy. Nhưng chú đừng lo. Sẽ có quí nhân phù trợ. Tôi tuy tiểu nhân thôi nhưng cũng tặng chú một bút danh.
- Bút danh gì? - Vỹ sốt ruột.
- Tên tôi là Phạm Văn Hiệu. Bây giờ không phạm vào văn hiệunữa, mà đã hữu hiệu. Lấy bút danh là Hữu Hiệu được chưa? Một cái tên thật đa nghĩa. Vừa là: được việc, vừa là: Có Hiệu tôi đây!
- Tuyệt quá! - Vỹ dốc ngược chai nhưng không còn giọt rượu nào - Tôi chịu bác. Chó vàng hay chó mực, không cần, miễn là được ăn cứt. Đời không đáng một cái tổ trĩ. Ha ha…Bác mới là Lưu Bang, còn tôi không đáng là Hàn Tín.
***
Chỉ trong vòng một tháng, tác giả Hữu Hiệu đã liên tục xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn. Để giúp ông Hiệu đỡ phải chép lại bản thảo, Vỹ tìm đến hiệu đồ cũ mua một máy chữ Optima từ hồi đầu thế kỷ.
Tổ hợp sản xuất văn chương báo chí của Vỹ - Hiệu có vẻ ăn nên làm ra. Nhưng tất cả đều không qua mắt được Tiến Tới, giám đốc Nhà xuất bản Bình Dân.
Tới vốn là dân xe thồ tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Có dạo Tới đã thồ tới con số kỷ lục 320 cân, được phóng viên mặt trận chụp ảnh và viết bài đăng báo. Sau lần ấy, Tới bị sụn lưng, tưởng phải về quê theo đít con trâu. Nhưng rồi với tài văn nghệ, nhất là chất giọng rất hợp với các điệu hò lơ, hò sông Mã, Tới được giao phụ trách văn hoá quần chúng của một đơn vị hậu cần mặt trận. Rồi bầu dục bỗng nhiên đến bàn thứ tám, về Thủ đô, với cương vị đang tham gia cấp uỷ, thư ký công đoàn, Tới được trên phân công tiếp quản Nhà xuất bản Thời Nay. Chìa khoá đã trong tay, chỉ cần múa may dăm đường cơ bản, lại có người đồng hương phụ trách tổ chức, Tiến Tới nghiễm nhiên trở thành giám đốc Nhà xuất bản Bình Dân.
Việc Hữu Hiệu bỗng nhiên trở thành một tác giả chững chạc, khiến Tới liên tưởng ngay đến chuyện mình từ gã xe thồ trở thành giám đốc nhà xuất bản. Tới chữ nghĩa ít, nhưng còn có cái mác chính trị, lại có người đỡ đầu, chứ ông Hiệu sửa morat, có mà viết báo viết văn cái máu l…
Tiến Tới gọi ông Hiệu lên phòng làm việc và phủ đầu ngay:
- Anh đang can tội lừa dối cấp trên, tiếp tay cho Nhân văn Giai phẩm.
Ông Hiệu làm bộ, mặt nghệt ra, không hiểu mô tê răng rứa gì.
- Ông làm sao đóng kịch nổi với tôi? Muỗi đực muỗi cái bay qua, thằng Tới này còn biết chúng đã đ. nhau bao nhiêu lần. Tôi quản lý ông, còn lạ gì? Ông thì chỉ sáng tác cái đánh chịn. Ông tụt quần các bà để họ chổng mông mà chữa trĩ thì được chứ nhét thêm một bồ chữ vào đầu cũng không rặn ra nổi thơ văn đâu. Văn chương không phải là thứ dành cho những thằng nông dân chúng mình. Ông nói thẳng ra đi. Giúp cậu Vỹ hay là lợi dụng hoàn cảnh Vỹ để trục lợi?
Biết không thể giấu Tới được, ông Hiệu phải khai hết.
- Ông nói với tôi sớm, tôi sẽ bầy cách giúp Vỹ "hữu hiệu" hơn cơ đấy - Tới nói - Nhưng giờ vẫn chưa muộn. Vỹ đang là phần tử chống đối nguy hiểm, cấp trên giao về đây cho tôi trực tiếp theo dõi. Chỉ cần tôi báo cáo việc ông cho Vỹ đội tên để tiếp tục lợi dụng công cụ báo chí tuyên truyền chống phá chế độ là cả ông và Vỹ đều đi toi. Nhưng thôi, ăn ở phải để đức cho con cháu. Tôi thấy Vỹ nó chẳng có mưu mô, tâm địa gì, ta chặn đường sinh kế của cậu ấy là gây tội ác. Phải lấy chữ Nhân làm đầu ông ạ. Cấp trên không dùng Vỹ thì ta dùng. Miễn là tất cả đều có lợi, ai giữ chùa đều được ăn oản. Của đồng chia ba của nhà chia đôi, đúng không? Nhà xuất bản mình có rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi tính rồi, việc sáng tác, ngoài Vỹ ra không ai đảm đương nổi. Kế hoạch trên giao, chúng ta phải xuất bản mấy tập diễn ca về phong trào hợp tác hoá nông nghiệp và công tư hợp doanh. Tôi đã đặt mấy ông nhà thơ, nhưng ông thì kênh kiệu không thèm làm loại thơ con cóc, ca dao hò vè; ông thì đòi nhuận bút cao ngất trời và ngâm tôm cả năm không giao bản thảo, nhờ cậy ở họ thì chết cả nút. Tôi đang lo nhiệm vụ chính trị của nhà ta không hoàn thành…
- Cậu Vỹchắc chắn giúp chúng ta được việc này - ông Hiệu quả quyết - Tôi chữa trĩ thế nào thì Vỹ cũng sáng tác thơ như thế.
- Tức là đã tụt quần người ta ra là xong béng chứ gì? Cái ông này đến hóm, ví von tài tình. Tôi nhờ ông làm đầu mối việc này. Ông nên nói với Vỹ. Tôi nói không tiện, sợ Vỹ hiểu lầm rằng tôi là người do tổ chức phân công thử anh ta. Vỹ viết chữ nào tôi in chữ ấy, nhuận bút tính barem cao nhất. Thậm chí sẽ thưởng thêm năng suất, chất lượng. Chỉ có điều là…
- Tôi hiểu… Của đồng chia ba…
- Việc ấy thuộc luật chơi rồi, miễn bàn… Y tôi muốn nói là nên ký một cái tên tác giả khác cho nó… phong phú…
Ông Hiệu lại à lên:
- Tôi hiểu… Việc này đối với Vỹ rất đơn giản, vì lúc này cậu ta đâu cần danh, tôi có thể quyết ngay. Với những bài báo và các bài thơ lẻ Vỹ vẫn ký tên Hữu Hiệu như đã làm, còn với các tác phẩm lớn, ví như diễn ca, truyện thơ, hoạt cảnh… sẽ ký… Tiến Tới, tên anh. Chẳng gì anh cũng đường đường là giám đốc một nhà xuất bản, chữ nghĩa phải đầy mình…
Tới nhoài người, dang tay thật rộng ôm lấy hai vai Hiệu.
- Cái ông này… đến hóm. Thế mà lâu nay tôi cứ loay hoay đi tìm trưởng phòng hành chính tận đẩu đâu. Ông làm tôi kinh ngạc đấy…
Vậy là, chỉ sau một tuần, Vỹ đã sản xuất xong diễn ca "Hợp tác xã là nhà" với bốn trăm hai mươi tám câu lục bát niêm luật hoàn chỉnh. Nửa tháng nữa Vỹ lại hoàn thành truyện thơ "Công tư hợp doanh, con đường hạnh phúc" với ba trăm tám mươi sáu câu song thất lục bát. Cả hai thi phẩm này đều ký tên tác giả Tiến Tới.
Hoạt động của Nhà xuất bản Bình Dân diễn ra rất khẩn trương nhộn nhịp. Hai tác phẩm của Tiến Tới được in với số lượng kỷ lục, bốn mươi lăm vạn bản, sẽ phân phối đến từng hộ nông dân, từng gia đình tiểu thương, tiểu chủ và hệ thống thư viện, tủ sách toàn miền Bắc…
Vỹ chuẩn bị khai bút viết tiếp tập tráng ca "Bài ca thống nhất" theo đơn đặt hàng của Tới, thì anh lăn ra ốm. Hậu quả của sự lao lực quá sức và kém dưỡng chất đã mở đường cho căn bệnh viêm phế quản cấp. Ban đầu chỉ uể oải, ho khan và sốt. Cả ông Hiệu và giám đốc Tiến Tới đều lo mất ăn mất ngủ.
- Gay quá, nhà xuất bản mình đã đăng ký thi đua với trên rồi. Vỡ kế hoạch thì hoá ra tôi là thằng lừa dối tổ chức? - Tới nói với ông Hiệu - Tôi mới đọc được một câu của văn hào Lỗ Tấn viết cho vợ: "Anh là một con bò, suốt đời chỉ biết ăn cỏ để tiết ra sữa cho đời". Văn hào có khác, khiêm tốn mà sâu sắc ghê. Cậu Vỹ còn hơn cả con bò của nhà xuất bản mình. Phải cố gắng phục dưỡng sức khoẻ cho cậu ấy. Tôi sẽ cử cô Nguyệt đến cùng với ông chăm sóc Vỹ.
Nguyệt là thủ quỹ cơ quan, gia đình tiểu thương, bố mở hiệu cắt tóc ở phố Huế. Có được chân thủ quỹ "giàu thủ kho, no thủ trưởng", dưới trướng một giám đốc xôi thịt như Tới, Nguyệt cũng đành phải cho Tới chấm mút tí chút. Nhưng biết tính chồng Nguyệt, Tới kín đáo và khôn khéo lắm. Ở cơ quan, trước mọi người, Tới tỏ ra rất nghiêm với Nguyệt, quát tháo om sòm, thậm chí đưa ra cơ quan kiểm điểm tới số về kỷ luật giờ giấc thiếu tính đấu tranh phê bình…, nhưng mỗi tháng, Tới thường tìm mọi cách điều Nguyệt đi đâu đó, khỏi Hà Nội, rồi bày trò mèo vờn chuột, tận hưởng Nguyệt suốt đêm…
Nguyệt có phẩm chất của một hộ lý tận tình. Ba ngày liền chị cùng ông Hiệu đun lá xông, đánh gió giải cảm, nấu cháo hành chăm sóc Vỹ mà bệnh tình không hề thuyên giảm. Cứ chiều đến là sốt cao, thân nhiệt lên tới ba chín, bốn mươi độ. Ông Hiệu phát hoảng, đề nghị giám đốc Tới cho Vỹ đi cấp cứu bệnh viện.
- Ông tìm ngay nhà văn Đà Giang cho tôi - Tới bàn với ông Hiệu - Bạn văn chương với nhau, họ ới một tiếng là cả bọn kéo nhau đến như ruồi. Riêng cánh nhà văn, nhà thơ, tôi công nhận là họ rất cưu mang nhau.
- Đà Giang bị đuổi về quê rồi. Nghe nói cũng bị treo bút.
- Thế thì phải báo cho gia đình Vỹ. Tôi đã cho cô Nguyệt đến báo cho cô Là ở cửa hàng Tôn Đản. Nghe nói cậu Vỹ có cô người yêu là Khiêm…
- Thôi đúng rồi - ông Hiệu như hiểu ra - Trong lúc sốt cao mê sảng, Vỹ toàn nhắc đến tên Khiêm.
- Phải báo ngay cho cô Khiêm - Tới vỗ hai tay vào nhau, bắt chước điệu bộ ông Tổng thư ký Hội Nhà văn - Anh Văn Quyền biết rất rõ cô này. Ông đến nhờ anh Quyền tìm giúp Khiêm cho tôi.
***
Là có mặt tại bệnh viện ngay sau hôm Vỹ từ phòng cấp cứu chuyển sang khu điều trị. Từ hôm nghe chồng kể về vụ xô xát giữa hai anh em ở cơ quan, Lợi giận quyết từ mặt em, chị Là càng thương Vỹ. Chị đưa cả cậu con trai Chiến Thống Nhất đến thăm, cùng với cân ruốc thịt và một bọc nặng đường sữa, hoa quả.
- Đường sữa là của anh gửi cho chú - Chị Là nói đầy về ngượng ngùng, vì đó là câu nói dối, khác với bản tính thật thà của chị. Hai mẹ con không dám nói với Lợi về chuyện vào thăm Vỹ ở bệnh viện - Còn cân ruốc này tôi làm từ thịt thăn mua ở tem phiếu của ông cán bộ tập kết. Ông ấy tặng tôi, tôi lại biếu chú… Tội nghiệp lắm. Lại viết tặng tôi mấy bài thơ nữa, chú ạ. Anh ấy bảo, đang chuẩn bị về Nam. Trong ấy chúng nó giết đồng bào mình nhiều lắm. Quê hương đang vẫy gọi. Anh ấy đã viết đơn tình nguyện gửi lên Uỷ ban Thống Nhất rồi… Hồi này gặp tôi, Anh ấy có vẻ buồn. Nghĩ cũng thương…
Vỹ đã dứt cơn sốt sau khi bệnh viện phát hiện viêm phế quản cấp, tiêm dồn dập kháng sinh liều cao. Vẻ mệt mỏi của anh phần nào đã tan đi nhờ sự có mặt của thằng cháu Chiến Thống Nhất. Anh nắm chặt tay thằng bé và nhìn nó chăm chú. Nhanh thật. Mới ngày nào, chị Là về Thủ đô với cái bụng lặc lè mà giờ đã sắp đi học lớp một rồi. Nó giống mẹ hơn là bố, một gương mặt tròn đầy, măng sữa rất đáng yêu.
- Chú ơi, thế cháu với chú có họ thật à? - Thằng bé thì thầm vào tai Vỹ.
- Có chứ. Chú là em ruột bố cháu, tức là chú ruột của cháu. Chú sẽ yêu cháu như con.
- Ứ ừ chú nói dối. Chú họ Nguyễn, còn cháu với bố họ Chiến cơ mà…
Vỹ cười xoa đầu cu cậu.
- À, bố cháu đổi họ để đi làm cách mạng cho tiện. Tên gốc của bố cháu là Nguyễn Kỳ Khôi. Cháu phải nhớ cái tên ấy nhé.
- Nhưng cháu thích bố cháu là Chiến Thắng Lợi. Bọn bạn ở lớp bảo cháu thuộc họ nhà quan.
- Bảo các bạn đừng nói thế. Bây giờ không còn ai là quan với dân nữa. Cháu với các bạn đều là con em công nông binh…
- Thế thì cháu là con nhà binh. Bố cháu có súng lục nhé.
- Đấy là khẩu súng gỗ thôi. Súng để doạ trẻ con.
- Súng thật mà - Thằng Nhất lại ghé sát tai Vỹ thì thào - Buổi tối cháu mở mắt, thấy bố bắn, mẹ kêu thét lên.
Vỹ không dám cười vì câu chuyện ngây thơ của con trẻ.
Thằng bé làm Vỹ chú ý đến chỗ yết hầu thở khó nhọc và cái dáng đang đẫy ra của bà chị dâu.
- Chú thấy tôi lạ lắm hả? - Là thoáng nhìn xuống bụng mình, e thẹn - Tôi sẽ đẻ liền cho anh chú mấy đứa. Nhưng chỉ sợ cửa hàng Tôn Đản cho nghỉ việc. Anh chú phải động viên tôi mãi đấy.
- Thế thì cu Nhất cũng phải tập bế em bé từ bây giờ - Vỹ cù vào nách thằng bé, khiến cu cậu thích chí xoà vào lòng anh đùa lại.
- Thôi nào, Nhất, chú đang mệt, để chú nghỉ - Chị Là nhắc con, rồi xếp đường sữa vào ngăn tủ, lặng lẽ để thêm ít tiền bên cạnh.
- Chị cầm tiền về đi - Vỹ cầm tiền trả lại - Mẹ con đến thăm em là quí lắm rồi. Nói với anh, em gửi lời cảm ơn.
- Ơn huệ gì. Chú cứ cầm để bồi dưỡng. Anh em máu mủ, tay đứt ruột xót. Anh bận việc lắm, chú phải hết sức thông cảm. Tôi đã báo về trong nhà để bà và chú thím Cục ra thăm chú. Nghe nói từ hồi chú Cục đi tù về, vợ chồng làm ăn tu chí lắm. Anh Lợi nhà tôi đã viết thư về xã, nói với địa phương cho vợ chồng chú ấy vào hợp tác…Mà này, cô Khiêm đã đến chưa? Chú đã báo cho Khiêm biết chưa? Khiêm chưa đến là lỗi ở chú. Chị em tôi vẫn gặp nhau luôn. Lần nào nhắc đến chú, Khiêm cũng khóc. Tôi thấy không ai yêu chú như Khiêm đâu.
- Chắc Khiêm đang bận công việc - Vỹ lắc đầu mệt mỏi - Chị đừng cho Khiêm biết. Em cũng sắp ra viện rồi.
- Sao lại thế? Cô chú yêu nhau kiểu gì tôi không hiểu? - Chị Là nói sẵng, dắt tay con đứng dậy - Tôi phải đi tìm cô Khiêm ngay bây giờ.
***
Chị Là xăng xái dắt con đến nhà may Phúc Hoà.
Bà Ba Yên tiếp chị với vẻ mặt buồn rầu.
- Lâu lắm rồi không thấy anh Vỹ đến chơi. Không biết quan hệ giữa hai đứa thế nào. Tôi hỏi, cháu nó chỉ khóc mà không nói…
- Có trục trặc đấy bác ạ. Thời buổi bây giờ người hun vào thì ít, kẻ ngãng ra thì nhiều… Ngay cả nhà cháu cũng không muốn tác thành cho cô chú ấy đâu. Anh ấy sợ hai bên đều lý lịch nặng nề quá, sau này con cái nó khổ. Nhưng ý cháu lại khác. Cháu phải vun vào cho cô chú lấy nhau bằng được. Cô Khiêm hợp tính cháu lắm. Trai tài gái sắc, không kết với nhau thì phí…
- Tôi cũng muốn thế. Nhưng xem ra con Khiêm nhà tôi đang đứng giữa ngã ba đường. Có nhiều người săn đón…
- Ai hả bác? Cô Khiêm đã nhận lời với ai?
- Vừa có anh bộ đội nào đấy đến rủ đi. Nói là đi xin học. Nhưng tôi đoán không phải thế. Anh này gần đây thường săn đón con Khiêm nhà tôi.
- Bác có biết tên anh ta không? Người như thế nào?
Bà Ba Yên lục trong trí nhớ rồi mô tả lại với Là.
- Có khi lại là một anh chàng Sở… gì ấy rồi. Bác nhắc Khiêm là không được đi đêm đấy nhé. Báo Khiêm đợi cháu. Tối cháu lại đến. Có chuyện quan trọng lắm…
Khiêm đi với ai? Câu hôi xoáy trong đầu Là. Chị ghen như chính mình đang bị phản bội.
Là không hề biết rằng, anh chàng săn đón Khiêm chính là Văn Quyền, người hằng ngày vẫn thường thập thò đến báo cáo thưa gửi với thủ trưởng Chiến Thắng Lợi.
Đích thân ông Hiệu đã đến gặp Quyền, chuyển lời đề nghị của giám đốc Nhà xuất bản Bình Dân nhờ tìm Khiêm đến bệnh viện chăm sóc cho Vỹ. Quyền hứa với ông Hiệu, sẽ tìm và báo tin cho Khiêm. Nhưng cái mục đích khởi đầu và đầy tính nhân đạo ấy, bị Quyền ỉm đi ngay khi anh rủ được Khiêm đến gặp ông chú họ làm hiệu trưởng trường thương nghiệp.
Dọc đường đi, Văn Quyền lại diễn lại câu chuyện về cô đào Diễm My đang sống già nhân ngãi non vợ chồng với Vỹ:
- Anh em đoàn văn công họ phản đối ghê lắm. Thiếu gì chỗ mà cậu Vỹ và cô Diễm My ăn ngủ với nhau ngay cả trong khu chứa phông màn. Buồn cười lắm nhớ. Có bao nhiêu thơ thẩn, anh chàng tuôn ra hết. Viết cả vào giấy đi vệ sinh để tặng cô nàng. Anh em người ta nhặt được, gửi đến chỗ anh…
- Xin anh đừng nói những chuyện này… - Khiêm như muốn nôn. Nàng phải dừng xe bên đường trấn tĩnh lại.
Tưởng như một dấu hiệu, Văn Quyền vội dừng xe lại, đỡ Khiêm ngồi dựa vào gốc cây.
- Anh chỉ muốn thông báo lại để em cân nhắc…Đấy là mới nói về mặt đạo đức, nhân cách. Còn về quan điểm chính trị thì ghê gớm lắm. Bọn anh đã có đủ hồ sơ về Vỹ do bên an ninh cung cấp. Nếu không sớm gọi Vỹ về nước, cậu ta sẽ là một trung tâm gây rối ở hải ngoại. Hiện đã có đầy đủ bằng chứng để quy tội Vỹ đồng loã với bọn Nhân văn Giai phẩm. Nhưng đấy chỉ là chuyện vặt, chuyện theo đóm ăn tàn. Vấn đề nguy hiểm hơn là Vỹ đang có chân trong tổ chức Xét lại, do nhóm thân Liên Xô cầm đầu. Đây sẽ là một vụ án chính trị lớn, chứ không đơn thuần là văn nghệ. Về bọn Nhân văn Giai phẩm, sắp tới sẽ xử nhóm cầm đầu gồm năm tên nguy hiểm nhất để trừng trị và răn đe. Cấp trên đã cân nhắc trường hợp Vỹ, cho đáo công chuộc tội. Cụ thể là sau đợt chỉnh huấn toàn giới văn nghệ sĩ sắp tới, sẽ cho Vỹ đi lao động cải tạo dài ngày. Tương lai chàng thi sĩ của em mờ mịt lắm…
Quyền nói thao thao. Nhưng Khiêm càng như vô cảm. Nàng lảo đảo vịn vào gốc cây đứng dậy. Nhanh như một con báo, Quyền luồn cánh tay, kéo Khiêm vào lòng. Hơi thở anh gấp gáp, phả làn hơi sặc mùi hành tỏi vào mặt Khiêm.
- Khiêm…anh…
- Anh đừng làm thế…- Khiêm gạt mạnh tay, đứng vụt dậy khiến Quyền ngã bệt xuống vệ cỏ.
Để mặc anh chàng lồm cồm bò dậy, Khiêm nháy lên xe, đạp như có ma đuổi.
Cho tới khi gặp chị Là đứng đợi ở đầu phố, chưa kịp hoàn hồn, thì lại nghe tin về Vỹ. Khiêm bủn rủn khắp người, tưởng như đất sắp sập dưới chân mình.
Khiêm lao đến bệnh viện. Một cuộc chạy marathon tới đích tình yêu đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó.
Hoá ra lâu nay Khiêm vẫn sống giả vờ.
Cả Vỹ cũng sống giả vờ.
Tình yêu thật kỳ lạ. Nó như một cuộc chơi trốn tìm bất tận mà kẻ này thừa biết kẻ kia đang nấp ở đâu, nhưng cứ vờ như đang mò kim đáy biển. Cuộc chơi càng kéo dài, càng nhiều tình huống éo le, nhiều pha gay cấn thì độ hứng thú và đam mê càng tăng lên gấp bội. Cho đến lúc tưởng chừng vô vọng thì họ bỗng oà vào nhau, ôm xiết lấy nhau, tràn ngập niềm hạnh phúc thơ ngây và trong trẻo.
Khiêm và Vỹ cũng kết thúc cuộc trốn tìm như thế. Khiêm oà vào lòng Vỹ khi anh đang ngồi buồn bã trên chiếc ghế đá ở một góc khuất sân bệnh viện trong buổi hoàng hôn nhập nhoà.
- Em ghét anh lắm. Anh bỏ mặc em bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày…
Thay cho hết thảy mọi lời phân trần, xin lỗi, Vỹ áp cả gương mặt râu ria lởm chởm vào ngực Khiêm và khóc nấc lên như đứa trẻ oan uổng và tội nghiệp.
***
Đám cưới của Vỹ và Khiêm được tổ chức sau đợt toàn giới văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế dài ngày. Một đám cưới đời sống mới, với phương châm tiết kiệm, giản dị tới mức gần như một cuộc cưới chui.
Người có công đầu, vừa là ông bầu, người môi giới, nhà tổ chức, vừa là nhà tài trợ chính, là nhà văn Đà Giang. Sau đợt thâm nhập thực tế ba tháng ở mỏ than Hà Lầm, Đà Giang trúng một quả lớn: Anh vừa viết, vừa trực tiếp dàn dựng cho công nhân vùng than vở kịch nói "Lửa trong lòng đất" đoạt giải nhất Hội diễn Quần chúng Toàn quốc. Nhuận bút và giải thưởng là một chiếc Mobilet cá xanh đập hộp trị giá bằng cả một năm lương cán sự bốn của anh. Nhận giải thưởng từ ban tổ chức, Đà Giang giong ngay con chiến mã về căn phòng chín mét vuông của Vỹ ở khu tập thể Nhà xuất bản Bình Dân.
Không biết đi xe, Đà Giang vừa dắt vừa đẩy, mồ hôi nhễ nhại, khiến bao nhiêu con mắt trên đường phố cứ tưởng nhầm anh là một tên đạo chích.
- Tao hỏi lại mày lần cuối cùng - Dựng chiếc xe láng bóng trước cửa phòng Vỹ, không đợi hàn huyên gì, Đà Giang đã sồn sồn hỏi bạn - Quan hệ giữa mày và Khiêm bây giờ thế nào? Hai đứa có định lấy nhau không?
- Sao? Cậu định mang cái giải nhất văn chương này để đánh đổi à?
- Không có đùa. Tao hỏi thật. Mày với Khiêm có còn yêu nhau nữa hay thôi?
Thấy nét mặt bạn rất nghiêm trang, Vỹ đành thú nhận:
- Tao với nàng làm lành với nhau rồi.
- Thế thì cưới - Đà Giang chỉ tay vào chiếc Mobilét - Tao sẽ bán chiếc xe này để tổ chức cưới cho hai đứa. Lấy vợ phải cưới liền tay. Chưa thay áo được cho ông cụ, cũng đành xin tạ tội với thầy. Mày mà còn chần chừ, khối kẻ sẽ nẫng tay trên. Đừng để cho nàng thấy mày là một thằng lần khân, nhu nhược…
Tưởng đùa cho vui, nào ngờ ngay chiều hôm ấy Đà Giang giắt xe ra chợ Giời bán thật. Bọn cò xe chê bủng chê beo, bảo là xe cũ đã mông má lại, chỉ chịu trả giá bằng hai chiếc xe đạp Thống Nhất, tức là hơn năm trăm đồng. Đà Giang tặc lưỡi. Xong béng. Lộc bất tận hưởng. Mình viết có ba đêm xong vớ kịch. Cũng phải chia chác cho bọn buôn xe chút đỉnh. Có tiền, Đà Giang liền triệu tập mấy thằng bạn văn chương đến, bàn cách tổ chức đám cưới. Việc đầu tiên là anh rủ Du San và Hàn Thâm Nho ốp bằng được Vỹ về làng Động đón bà Cử Phúc cùng một ông chú họ mang trầu cau đến thưa chuyện với bà Ba Yên xin cưới Khiêm cho Vỹ.
Bà Ba Yên ký cả hai tay. Tưởng người Hà Nội, lại dòng dõi danh giá, từng có máu mặt đất Hà Thành thì phải cầu kỳ, nhiêu khê, nào ngờ bà Ba Yên còn thông thoáng, lập trường hơn khối người cách mạng. Bà bảo:
- Tôi biết anh Vỹ, bộ đội kháng chiến, lại là văn nghệ sĩ, vô sản chẳng có gì. Mọi phí tồn, tôi lo hết. Chỉ có điều thời buổi này, bày vẽ ra, tổ chức người ta sẽ phê bình anh Vỹ, mà thiên hạ cũng chẳng ai khen. Cứ giản dị đời sống mới thôi…
Cho mãi tới sau này, mỗi khi nghĩ đến đám cưới ấy, Vỹ lại có cảm giác như mình là một tên vô lại, một kẻ biển lận, nỡ tâm đánh cắp cuộc đời con gái của Khiêm. Không có complê, áo dài. Chú rể mặc bộ quân phục màu cỏ úa, chính là bộ quân phục Vỹ từng mặc ngày tiếp quản Hà Nội, ngày gặp Khiêm đầu tiên. Cô dâu, mặc dù có tới một tá áo dài đủ màu sắc, những cánh áo thướt tha thời thiếu nữ, mỗi lần Khiêm mặc lại hút hồn biết bao chàng trai trên đường, nhưng ngày cưới, để tương xứng với bộ quân phục của chàng rể, nàng đành vận chiếc sơ mi trắng, mặc quần láng đen giản dị như bao cô dâu khác. Không có đến một đám rước dâu, dù là một đám rước dâu cưới chạy vào giữa nửa đêm như đám cưới của Cục và Bính ngày nào. Có lẽ do tâm trạng hoảng sợ của toàn giới văn nghệ sĩ sau đợt chỉnh huấn căng thẳng, do cảnh ngộ một kẻ bất đắc chí của mình mà Vỹ không muốn bày biện một đám cưới rùm beng? Có lẽ do tâm trạng bà Ba Yên chỉ muốn con gái có một tấm chồng hợp pháp và không muốn phô phang trong hoàn cảnh lý lịch gia đình bà đang đè nặng lên số phận từng người? Có lẽ do cả thái độ không ủng hộ của anh cả Chiến Thắng Lợi? Tất cả những cơn cớ ấy, đã khiến Khiêm và Vỹ cùng đám bạn bè văn nghệ Đà Giang, Du San, Hàn Thâm Nho, Trần Biện… đồng tình ngay với đề xuất của Tiến Tới, giám đốc Nhà xuất bản Bình Dân, là cơ quan sẽ đứng ra tổ chức một đám cưới sống mới mẫu mực, tức là mời hai họ nhà trai nhà gái, cùng bạn bè cô dâu chú rể và quan khách đến hội trường ăn kẹo, hút thuốc lá, uống nước trà, hát dăm ba bài cây nhà lá vườn để công nhận cuộc hôn nhân của họ.
Sau đám cưới, bà Ba Yên nhường căn phòng trên gác hai nhà may Phúc Hoà cho vợ chồng Vỹ.
Tuần trăng mật của cặp vợ chồng trẻ như lạc giữa thiên đường. Lần đầu tiên Vỹ được sống trong một căn phòng sang trọng, có tiện nghi, giữa lòng Hà Nội. Từ nay anh mãi mãi có Khiêm. Những ngày ấy, huyền vi sao, cả Hà Nội mưa dầm. Nằm trùm chăn ôm nhau, không một mảnh vải trên người, hai đứa như hoà vào nhau, tan vào nhau, rồi lại song song bên nhau, lặng im nghe tiếng mưa rì rầm trên mái ngói, nghe tiếng gió lao xao trên tán bàng đầu nhà. Không cần biết đang ngày hay đêm, đang trưa hay chiều. Cả tuần lễ liền đôi uyên ương ở lỳ trong phòng, đến bữa ăn, bà Ba Yên gọi ời ời không chịu dậy. Khiêm biết con gái thế là hư. Nhưng nàng cũng biết rằng mẹ rất vui khi lần đầu trong đời con gái dám làm nũng mẹ…
Cuối tuần trăng mật, Đà Giang bỗng xuất hiện với bộ mặt hơn hớn, tay huơ cao tờ tạp chí:
- Kẻ cưới chui đã được trắng án. Toà đại hình tuyên bố khoan hồng.
Cuống cuồng, Khiêm lẻn vào ngách buồng chải lại mớ tóc.
Còn Vỹ vội vàng đến mức, cài nhầm khuy áo.
- Có chuyện gì mà dân Sơn Nam rùm beng lên thế? - Vỹ nói khi vừa nhìn thấy nụ cười rộng hoác trên gương mặt đen trũi của bạn.
- Trời ơi, gã này từ khi cưới vợ đâm lú lẫn chẳng hiểu sự đời là gì sất. Tôi phải kiện hoa hậu Đào Trinh Khiêm đã dùng mỹ nhân kế để làm ngu đần một thi sĩ tài danh. Hơ hơ, cả nước đang rùm beng lên về bài bút ký "Sau luỹ tre làng" của một phần tử chống đối cách mạng đã cải tà quy chính, mà vợ chồng nhà này vẫn bình chân như vại… Đây này, tạp chí Văn Chương hẳn hoi nhé. Cậu mợ đọc đi.
Không khí hoạt náo của Đà Giang làm cả Khiêm và Vỹ đều cười như nắc nẻ. Gương mặt Khiêm rạng ngời với mềm hạnh phúc tràn ngập khi nàng nhìn thấy cái tên Nguyễn Kỳ Vỹ và bài bút ký của chồng in trang trọng ngay trên trang đầu của tờ tạp chí.
***
Cuộc thâm nhập thực tế của toàn giới văn nghệ sĩ không khác gì một đại chiến dịch trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
Đây là một cuộc đại chỉnh huấn, tẩy rửa tận gốc chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tư sản, khuynh hướng xét lại, một cuộc nhào nặn lại đầu óc vô sản, lập trường giai cấp, ý chí tiến công cách mạng.
Hàng loạt các tác phẩm xuất sắc, ví như vở kịch "Lửa trong lòng đất"của Đà Giang, và nhiều truyện ngắn, bút ký và thơ của nhiều nhà văn nhà thơ đã được hoàn thành trong đợt đi thực tế sản xuất chiến đấu cùng công nông binh này.
Riêng Vỹ, sau ba tháng ăn ở, làm việc tại một hợp tác xã nông nghiệp vừa hình thành ở Phủ Cừ, Hưng Yên, anh đã viết một bài ký có tên là "Sau luỹ tre làng". Bài viết, hoàn toàn Vỹ không có ý định in báo, chỉ như một thu hoạch cá nhân, kể lại những ngày cùng ăn cùng ở, cùng làm việc với những người nông dân hiền lành chất phác, sự đồng cảm với thân phận của họ, sự sám hối của kẻ sỹ trước những giọt mồ hôi và bát cơm kết tinh bao nhọc nhằn, khốn khó… Bài viết có tính chất thu hoạch này, không biết vô tình hay hữu ý, đã đến tay các cấp lãnh đạo. Đích thân đồng chí Tư Vuông đọc bản thu hoạch cá nhân của Vỹ. Hiếm khi ông đọc một văn bản nào lâu và nhiều lần như vậy. Thận trọng và khách quan hơn, ông cho gọi Chiến Thắng Lợi đến phòng làm việc và bảo:
- Mình không ngờ cậu Vỹ lại viết được một bài như thế này. Vừa sâu sắc vừa rất có lập trường giai cấp. Có thực tế sinh động của một bút ký, lại có hơi hướng của một truyện ngắn. Ông đọc rồi cho mình biết chính kiến, hỉ?
- Dạ, em đã đọc. Các anh trong Ban muốn kính chuyển lên anh để anh cho ý kiến chỉ đạo…
Đồng chí Tư Vuông nheo mắt nhìn Lợi, cười khẩy:
- Các ông khôn lắm. Đá quả bóng lên để cột trách nhiệm cho mình… Mình nói thế này để ông yên tâm nhé. Thằng em ông nó bắt đầu biết sợ rồi đấy. Đọc hắn là biết ngay. Đợt thực tế vừa rồi là một cuộc thử vàng thau. Nhân văn thật giả nhận ra ngay. Mao Chủ tịch nói: "Kẻ nào không đi với ta là kẻ thù của ta". Nguyễn Kỳ Vỹ vẫn đi với ta. Hắn vấp ngã thì ta nâng đỡ. Người cộng sản chân chính không được phép thù vặt. Vỹ lại là đứa có tài. Một tướng tài có giá bằng hàng ngàn tinh binh. Dùng Vỹ tức là một cách khoá mồm bọn Nhân văn lại.
- Dạ, anh quả là Mạnh Thường Quân của giới văn nghệ.
- Ông lại nịnh mình rồi. Mạnh Thường Quân thì phải có tiền, phải bao cấp được văn nghệ sĩ. Mình chỉ có cái đầu và tư tưởng chỉ đạo. Cách mạng phân công thì mình phải làm hết sức thôi…
Đồng chí Tư Vuông phẩy tay rồi thuận đà cầm bút, săm soi lại từng dấu phẩy, thận trọng cắt đi hai dòng, bỏ một dấu hỏi, rồi bút phê bên lề bài viết "Sau luỹ tre làng": "Gửi tạp chí VC. Bài này ưu tiên in trong mục "Thu hoạch nhà văn sau đợt thâm nhập thựctế". Có shapeau của toà soạn. Nhớ in tên tác giả Nguyễn Kỳ Vỹ. TV".
- Bài này in sẽ rất có ý nghĩa. Ông nói thư ký cho chuyển đến tạp chí Văn Chương ngay.
Tay Lợi run run cầm bài viết có bút phê của thượng cấp. Anh lướt đọc, rồi ngập ngừng:
- Dạ, ý anh là từ nay chú Vỹ lại được ký tên ở những tác phẩm xuất bán?
- Chỉ ký tên riêng bài này thôi. Vẫn phải thử thách tiếp. Nhắc các báo chí và các nhà xuất bản khi dùng các tác phẩm của Vỹ vẫn phải có ý kiến của mình. Đời hắn còn dài. Phải mài cho hắn tròn như hòn bi ve, hỉ?
Vậy là sau gần hai năm vắng bóng trên văn đàn, nhờ đồng chí Tư Vuông, tên tuổi Nguyễn Kỳ Vỹ lại i được xuất hiện trang trọng trên tạp chí Văn Chương.