Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10111 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

Hai mươi ba
- Làng Giếng Chùa lại ồn ĩ lên hai sự kiện.
Thứ nhất là ông Quản Ngư, người với hai bàn tay trắng mà đã lần mò sang cả đất Tây từ ngày còn bóng tối, người vừa rồi đóng cửa ăn cháo cám, vì chả gì thì ông vẫn được tiếng là Tây học, nên dù có đói rã họng, ông cũng quyết không nhận lòng trắc ẩn của người khác. Nhưng từ hôm vào gặt đến giờ, thì bố con ông Quản lại sênh sang lắm rồi. Chưa tính thóc gặt ruộng nhà, chỉ riêng cái máy say sát của ông, từ hôm chữa xong, ngày nào cũng xình xịch xát gạo từ sáng tới tối mịt. Người cả mấy làng quanh đây ngày nào cũng kìn kìn chở thóc đến sát. Người thì trả tiền người trả gạo, riêng số trả công máy ấy, bố con ông Quản đã thừa cơm rượu cả ngày. Nhà ba bố con toàn đàn ông, suốt ngày cởi trầntrùng trục cả lúc ăn lúc ngủ, cứ như phường lục lâm thảo khấu. Bà Đồ Ngật ngày ngày đến mua cám nhà ông Quản về nuôi lợn nái. Một buổi chiều ông Quản đẩy giúp bà Đồ xe cám, tiện thể ông đến bắt một con lợn giống về nuôi. Bà Đồ ở goá có đến gần chục năm nay, có mỗi mụn con gái đã đi lấy chồng, bây giờ bà ở một mình. Là người dễ ăn, dễ ngủ, từ hôm có thóc có rượu bà uống rượu cứ thun thút người hồi lại rất nhanh, nên dù đã ngoài năm mươi, nhưng da dẻ còn tươi đáo để. Bà Đồ vứt năm rau khoai rử lợn cho ông Quản xem. Một tá lợn con đẹp như vẽ nháy loi choi tranh nhau. Bà Đồ cúi gập lưng xách tai từng con một, miệng nói liếng láu:
- Ông xem con lang này đẹp không? Hay con trắng? Hay con đen này, mõm có khí dài nhưng béo hơn cả.
Bà Đồ không biết lúc ấy ông Quản chẳng còn thiết nhìn ngắm lợn liếp gì nữa. Mắt ông sáng rực đưa cái nhìn vuốt ve tấm lưng bà Đồ với hai lườn thịt sao mà căng thế kia? Và nhất là cái mông bà Đồ sao còn tròn quá, cứ núng nính sau lớp vải đen như mời mọc thúc giục ông Quản, rằng ông hãy mạnh dạn với tay ra? Cô Ngật đấy mà chứ ai mà lo! Cô Ngật đi lấy lẽ ông Đồ Bản hơn cô những hai chục tuổi. Từ ngày ông Đồ Bản mất, cô Ngật cũng có đi hoa lá với hai anh có vợ, đến nỗi vợ con họ phải om xòm cả lên. ồ, thế mà sao tận hôm nay ông Quản mới để mắt đến trái hồng chín nục này nhỉ? Một chục quả hồng nuốt lão sáu mươi. Cái cụ nói thế là nói ngược đấy! Các cụ là mình ăn sành chơi lắm chứ đứng tưởng! Ông Quản mới sít soát sáu mươi, răng còn chắc, gân còn săn cuồn cuộn lên đây một chục quả hồng ông nuốt veo!
- Ông thích con nào? - Bà Đồ vẫn khua khua tay trong chuồng lợn.
Và ông Quản đã vỗ đét vào mông bà, lưỡi ông lại đá ngược lên tận mái ngói để cho miệng văng ra một câu tiếng Tây bồi độn lẫn tiếng ta:
- Con này mới grasse! Con này mới doong
Bà Đồ tròn xoe mắt, mặt đỏ rờ như say rượu nếp. Bà lại hỏi đến là ngớ ngẩn:
- Ông bảo cái gì?
Ông Quản vừa nhắc lại vừa dịch nghĩa, và bàn tay đỏ ửng của ông vẫn xoa xoa nắn nắn một cách đầy biểu cảm vào mông bà. Đúng là người có Tây học cũng có hơn, miệng nói tay làm đến như thế mà mặt ông cứ tỉnh bơ!
- Grasse này! Doong này! Nghĩa là con này mới béo! Con này mới đẹp.
Thế rồi bà Đồ bỏ đàn lợn mở cửa cho ông Quản vào. Rồi bà đóng cửa. Rồi bà lại mở cửa. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối. Ông Quản chẳng còn thiết lợn giống lợn má gì nữa. Ông ra về, người như đi trên mây trên gió, nhìn cái gì cũng thấy đáng yêu quá! Hôm sau ông tuyên bố với hai cậu quý tử là ông sẽ tục huyền với bà Đồ.
- Rồi chúng mày có vợ có con, nhất vợ nhì giời lúc ấy tao dựa vào ai? Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông!
Cậu cơn cả đã ngoài hai mươi, lúc đầu hằm hằm, nhưng rồi ông Quản bảo:.
- Anh nhắm con nào đi, rồi tôi cưới cho anh, vợ chồng anh sẽ sang cái thổ bà Đồ mà tung hoành ngang dọc, thổ ấy những ba sào. Giữa lúc đất chật người đồng này, một đống vàng đấy chứ bỡn! Nhưng nhớ là không được hở ra với ai, không thì cái Ngà con bà ấy nó lại về làm om lên!
Ngẫm nghĩ, cậu cả thấy phải quá. Máu giận bay biến mất, bụng còn ngầm phục cụ bô tưởng là tào phào mà tính toán khôn róc trần đời.
Bây giờ thì bà Đồ ngày ngày đến nhà ông Quản lấy cám chứ không phải là mua nữa. Tiền trả ông Hàm ngày bán lúa non cũng là tiền ông Quản. Hai má bà Đồ cứ mâng mâng như say trầu thuốc. Đám thanh niên đến sát thóc cứ nháy nhau hát ư ứ: Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao!... Ông Quản mặc quần sóc, người để trần bóng nhẩy mồ hôi, chỉ tủm tỉm loe loé ánh vàng. Mặt phớt ăng-lê. Đúng là cách ứng xử của người kinh bang tế thế!
Nghe mọi người cười cợt tán nhảm chuyện ông Quản bà Đồ, cô thống Biệu lẩm bẩm: làng này đã đến lúc cái vượng, cái nghịch hiện hết lên đây! từ giờ trở đi làng này không còn lo đói, nhưng lại phải lo nhiều cái khác. Sự kiện thứ hai chính là cô thống Biệu. Dân làng thì thầm truyền tin nhau rằng cô thống Biệu đã giải phóng hết cái điện thờ của cô rồi. Điện thờ ấy người ta đã tính tới 50 bát hương lớn nhỏ. Vậy mà bây giờ cả hai gian nhà trên xưa nay vẫn xếp tầng tầng lớp lớp đèn nhang cờ phướn và những bát hương đủ loại, giờ bỗng sạch trơn, quang loáng. Cô đưa điện thờ đi đâu? Đưa đi lúc nào mà không ai hay? Và chính cô nữa, mấy hôm nay trông người cô lạ lắm, cứ lờ vờ thảng thốt như người mất hồn mất vía. Mấy bà già đánh bạo hỏi thì cô nói với giọng xa xôi nghe rờn rợn rằng cô đã hoàn lại cho các Ngài rồi, cô đà ăn lộc thánh làm việc thánh mấy chục năm nay, bây giờ chính cô cũng sắp về chầu các ngài rồi!.
Chỉ riêng có thằng Hữu con ông Hiển, cháu đích tôn cô thống Biệu, một gã trai choai choai 16 tuổi là biết rõ số bát hương kia ở đâu. ấy là đêm hôm nọ, ông nó tức cô thống làm lễ, rồi giở tất cả bát hương xuống chất vào hai bao tải, rồi bảo nó buộc lên xe đạp theo ông nó thồ ra sông Công, tới chỗ nước chảy xiết nhất ông nó lấy ra chiếc bát hương to nhất, bằng chiếc ấm rỏ tích, rồi cắm ba nén nhang, thắp lên; ông nó đứng cứng người sịt soạt khấn lầm rầm. Xong thằng Hữu đứng đằng sau đưa từng chiếc bát hương. Ông nó đứng sát mép nước, khom người lần lượt liệng từng chiếc xuống sông. Với cô thống, mỗi bát hương là một vị thần được sinh ra từ đất. Bây giờ các vị sẽ tắm rửa bụi trần, rồi dòng nước mát đưa rước các vị quay trở về với đất, trở về nguồn của mình! Các vị về trước rồi đệ tử các vị - cô thống sẽ về sau! Cô đã linh cảm là các ngài sắp gọi cô về rồi!
Khi cô thống liệng gần hết cả hai bao tải bát hương, bỗng một bóng người từ phía sau đi lại, đánh tiếng và ông cháu cô thống đã nhận ra một người đàn bà. Chị ta quỳ xuống nói run rẩy:
- Thưa cô! Lạy cô! Con muốn cô ban lộc cho con. Con muốn nối gót cô!
- Nhà ngươi là ai? - cô thống mở to cặp mắt bạc mờ mờ trong bóng tối ném cái nhìn gần như hằn học vào người đàn bà bỗng từ đâu dám đến quấy rầy công việc thiêng liêng của cô, giờ lại đang quỳ lạy như giã gạo thế này! Lạy cô, con là kẻ ăn mày nhà phật, nhưng chưa được lộc của Ngài. Con đang làm thuê ở nhà ông Hàm! Lúc nãy trên đường đi làm về, có bà già chỉ con ra đây ân xin cô. Dạ, nhân bảo như thần bảo ạ! Lậy cô, cô cho con ít vốn nhà phật để con sống mà hầu hạ các Ngài, hầu hạ cô! Đời con long đong lắm cô ơi!
Cô thống thở hắt ra: ngồi bệt xuống bờ cát, nhìn đăm đăm ra mặt sông tối thẫm, sóng nước đang vỗ lóc bóc. Gió sông thổi rào rát, ve vuốt mấy sợi tóc lơ phơ của cô. Cô đã hiện nguyên hình là một phù thủy già! Lát sau cô ra hiệu cho thằng cháu đích tôn về trước, rồi cô quay sang nói rì rầm như dặn dò người đàn là đang đứng lom khom tựa cái dấu hỏi trước mặt. Và điều kết cục thì thằng Hữu cũng không biết rằng người đàn bà đã run như dẽ, nói không nên lời, hai tay lật bật cởi chiếc khăn vuông mở ra bọc chiếc bát hương to bằng chiếc ấm rỏ, chiếc bát hương cô thống định thả sau cùng. Thế là vị thần lớn nhất, vị thần cả lại quay về trần thế một lần nữa!
Người đàn bà kính cẩn ôm bọc khăn vào lòng, lạy sống cô thống, rồi đi vùn vụt về làng. Những bước đi tự tin gần như thách thức. Như một tráng sĩ lâu nay gặp bước sa cơ vì không gươm không ngựa, bây giờ thanh kiếm báu đã lọt vào tay. Chị Bé đã có vốn, đã có vũ khí để đối mặt với đời!

<< Hai mươi hai | Hai mươi bốn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 236

Return to top