Giữa lúc cả một góc làng sôi độ ngầm ĩ đến như vậy, có cả đốt nhà và trùm áo ném nhau xuống ao, và người bị ném lại không dám khai, khiến cho xung quanh cứ tưởng là ma thật. Đến nỗi vợ Tám và vợ chồng Đào Văn Quàng đều lo lắng bảo hay là mời cô thống Biệu đến cúng giải cho, thì Tám cứ nằm co ro, đầu gối lên cái túi giả da đựng tiền, nói càu nhàu dấm dằn: Thôi thôi loại ma này khiếp lắm, cô thống Biểu không là cây đinh rỉ gì! Vợ Quàng chu chéo lên: Chú đừng có nói nhảm, sàm báng những người làm thầy là toi đấy! Quàng cũng thấy ớn cả sống lưng. Suốt đêm anh chàng khôn ranh như con cò lửa cứ chập chờn giở thức giở ngủ, chỉ sợ ma đến đây tìm Tám lé có khi sớ rớ kéo nhầm chân mình thì bỏ bố!
Hàng xóm nhộn nhạo đến như vậy, mà nhà ông Hàm vẫn lặng lẽ như tờ. Đúng là buồn như nhà có tang! Mọi biến cố của làng cứ như là vô nghĩa đối với bố con ông. Bây giờ chỉ còn ba bố con. Sau khi cúng cơm hết ba ngày cho bà Son, trưởng nam Trịnh Bá Dương lại tất tả khăn gói về trên kia ngay, vi vợ Dương đã đến tháng đến ngày ở cữ. Nhà vắng như chùa bà Đanh. Ban ngày mỗi người một việc, rồi cứ lùi lùi làm, lùi lùi ăn. Cả chủ nhà và chị Bé, tức người đàn bà làm thuê như chỉ còn dùng cái miệng vào việc ăn uống, chứ còn nói và cười thì cho qua! Diễn viên kịch câm còn gọi bằng cụ! Buổi tối ăn cơm xong, Đào lại sang nhà Minh tồ, chứ còn biết đi đâu? Mãi khuya khuya mới về. Bây giờ Đào đi chơi tối, ông Hàm cũng chẳng buồn giám sát nữa. Vừa mở cửa bước vào, cái Hoa đã từ trong buồng hỏi ra, tỉnh như sáo:
- Chị Đào về à?
Rồi nó choàng ngay dậy, tiếng đã như muốn khóc oà ra:
- Chị Đào, thầy... thầy đang ở dưới nhà ngang ý!
Đào vặn to ngọn đèn, nhìn sang giường ông Hàm thấy trống không. Thế là nỗi uất ức cuồn cuộn nổi lên. Đào mở toang cửa, rồi xống xộc xuống nhà ngang đấm cửa thình thình, giọng rất hách, đúng là ghen ông Hàm!
- Chị Bé, thầy tôi có trong ấy không?
Im lặng. Trong ấy tối mò mò!
- Chị Bé! Mở cửa! Định lôi thôi là không xong với tôi đâu nhá!
Vẫn im lặng như một trận địa chưa được phép phát hoả! cho nên không xong thì cũng phải xong! Đào đấm thêm mấy cái nữa vào cánh cửa, miệng nói: Rồi khắc biết tay tôi! Rồi hằm hằm bỏ lên nhà trên. Vốn không phải là người lu loa, nên cô đang nghĩ cách trừng phạt người đàn bà làm thuê kia, chứ không thèm khóc lóc làm gì. Vậy đích thực là thầy cô: ông Hàm đang cùng với đối phương cố thủ trong ấy. Chính ông không mở cửa chứ không phải người đàn bà làm thuê kia.
Cái Hoa khóc nấc lên. Vừa khóc vừa gọi: U ơi! U ơi!. Ông Hàm hiện ra ở cửa với cái dáng điệu ủ rũ. Thật ít khi ông có dáng điệu này trước con cái. Ông nói với giọng trầm và lạnh, rõ ràng là cái chất quyền biến thường ngày đã bớt đi nhiều lắm:
Chúng mày làm gì ầm ầm lên thế? Tao xuống hỏi về cái chuyện đồng nhập hôm trước chứ có gì! Xem có phải u mày về thật không! Có phải u mày muốn thế không! Thôi đi ngủ!
Chị etm Đào đứng sững ra. Vì chưa bao giờ dám cãi bố mẹ, nên Đào chưa biết nói thế nào, thì ông Hàm đã vặn nhỏ ngọn đèn để xuống chân bàn thờ, rồi ông buông màn. Trên tường con thạch sùng chép lưỡi chanh chách, như muốn nói rõ chán cho cái cảnh giấu đầu hở đuôi của ông chủ nhà vẫn được tiếng là quyền sinh quyền sát!
Sáng hôm sau, Đào sang nhà Thủ kể lại sự việc đêm qua. Thế là bây giờ hai chú cháu liên minh với nhau để tìm cách ứng xử với ông Hàm. Nghe xong Thủ tái mặt, dặn Đào:
- Mày phải ngậm ngay miệng lại, cấm không được bép xép với ai. Không được bép xép với mẹ con bà Cả. Để đấy chú xem thế nào.
- Nhưng phải đuổi ngay con mụ Bé khốn kiếp đi đã!- Đào cáu đến run môi.
Thủ ngăn lại:
- Hãy khoan, không khéo nó làm ầm lên, rồi cứ ôm chặt lấy thầy mày rồi rêu rao là thầy mày gạ nó, ép nó thì hỏng hết! Nó mất gì mà không dám la làng? Chả lẽ lúc ấy đi cãi lý với mấy đứa ăn mày à?
Đào ngớ ra. Thủ nói âm thầm như kêu với chính mình:
- Thế là hỏng rồi! Cái họ nhà này hỏng rồi!
Và Thủ thầm thì tự hỏi: Có phải là ác giả ác báo đấy không? Thủ càng bợt bạt cả người, Đào cũng hốt hoảng thấy ông chú mình bỗng run lên như phải gió!