Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9769 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

Mười hai
Họp chi bộ vào khoảng tám giờ tối, thì bí thư Xuân Tươi (dân làng vẫn gọi đồng chí Tươi bằng cả tên con tên bố như vậy để khỏi nhầm) phải đến từ bảy giờ. Đi mượn chìa khoá cửa của cô giáo Oanh ở tận cuối xóm, rồi tìm dây treo đèn, kê lại bàn ghế, tất cả những việc ấy bí thư phải làm tuốt ráo!
Trước đây vẫn có nếp ai làm bí thư, thì họp chi bộ luôn ở nhà người ấy. Gia đình chuẩn bị sẵn nước chè, điếu đóm, cứ như nhà có đám. Nhưng rồi thấy lợi bất cặp hại, là nhiều việc Đảng viên chưa tỏ, mà quần chúng đã tường. Nhiều điều chỉ mới bàn riêng trong chi bộ thì ngay hôm sau đâu làng cuối xóm đã nói ầm ầm, bởi chính vợ con bí thư đã đi phổ biến nghị quyết của đảng một cách đầy sốt sắng và kiêu hãnh! Thế là phải dời địa điểm. Cho dù làm vậy có hạn chế tính quần chúng, tính thân mật, nhưng được cái Đảng ra Đảng, dân ra dân! Đảng thì có nhiều việc chỉ được biết trong phạm vi hẹp, còn dân thì bao giờ cũng thích chia vui cho cả làng cả chợ! Nếu thấy ít chưa đủ vui, thì họ suýt ra nhiều cho xôm trò! Bé xé ra to?
Đây là lớp mẫu giáo, nơi trung tâm nhất của cả ba xóm. Đây chính là nhà giữ trẻ từ những năm còn chiến tranh, nơi cô Lạc vợ trước của trung tá Chỉnh đã làm việc và đã gây ra những vụ xì-căng-đan khiến nghiêng ngã cả làng Giếng Chùa. Phó chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất lúc ấy đã bị Lạc bắn tỉa vàdiệt gọn ở chính trong nhà này.
Bí thư Xuân Tươi chuẩn bị xong, sang nhà bên lùa vừa hút thuốc lào, nghe chừng mọi người đã đến đầy đủ, anh mới quay về. Xuân Tươi là cán bộ ở phòng văn hoá huyện, chỉ nhinh hơn Thủ vài tuổi, nhưng đã hưu non từ năm kia, vì nghe đâu năng lực cũng không được dồi dào lắm; cả văn lẫn hoá cũng chỉ tạm dùng khi bấn người! Nhưng được cái lúc nào cũng hồ hởi lạc quan, cứ vui như Tết! Xuân Tươi được nổi tiếng ở đại hội chi bộ năm ngoái. Hôm ấy người ta tranh luận khá căng thẳng về vấn đề đoàn kết trong chi bộ chưa tốt. Có hiện tượng mâu thuẫn cá nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn gia đình, dòng bọ. Giữa lúc không ai thắng ai, chủ toạ không thể kết luận được, thì Xuân Tươi lúc ấy chỉ là một đảng viên thường, mới mang giấy sinh hoạt đảng về được vài tháng, giơ tay xin nói. Anh lên bục đàng hoàng. Xuân Tươi bắt đầu mở máy. Anh nói làu làu tư duy mới là thế nào, xu thế thời đại hiện nay là từ đối đầu chuyển sang đối thoại ra sao. Chiến tranh giữa các vì sao là thế nào! Rồi chương trình SDI của Mỹ, rồi đề nghị huỷ bỏ vũ khí tầm trung của Liên xô! Rồi giải trừ quân bi, hoà bình là mái nhà chung của nhân loại! Những chuyện ngoài lề của cuộc gặp gỡ cấp cao Xô-Mỹ mà anh ngồi chầu rìa nghe hóng được, Xuân Tươi tung ra như mưa rào. Mọi người đang căng thẳng vì những chuyện quá cụ thể, giờ được nghe chuyện trời cao đất dày thấy sướng lô tai, nên ai cũng há mồm ra nghe. Khi kết thúc bài nóiquan trọng, Xuân Tươi đã giơ tay lên quá đầu như một chính khách, và anh kêu gọi thống thiết: Các đồng chí! Chúng ta hãy nhìn xa trông rộng bằng đôi mắt đại bàng, chứ đừng nhìn thế giới bằng đồi mắt gà ri! Tiếng vỗ tay rầm rầm. Một tiếng hô lớn Xuân Tươi muôn năm!
Đến khi đề cử cấp uỷ mới, Xuân Tươi đã được mấy người giới thiệu, và anh đã trúng phiếu cao nhất! Một bí thư không có trong dự kiến.
Thực ra Xuân Tươi trúng cử không phải do bài phát biểu tịt mù cung thang kia, mà cái chính là Xuân Tươi không phải người gốc ở đây. Cả vợ anh cũng không dính dáng với dòng họ nào trong làng. Hắn là dân ngự cư,và cũng chỉ là anh ba hoa chích choè, không lợi không hại. Nhưng thà thế còn hơn là để rơi vào tay người đối chọi với mình. Rồi sẽ lôi kéo hắn dần dần! Xuân Tươi không thể biết được những thủ lĩnh của những dòng họ lớn của ba xóm đã dặn dò đàn em của mình như vậy. Nhưng cho đến nay Xuân Tươi vẫn chưa bị người của bên nào lôi kéo. Vì ham vui, nên có thể la cà say sưa với bất cứ ai, làm như mình cũng có thể ban quyền phát lộc cho người khác, nhưng rồi Tươi không làm gì cả! Mà sự thực là anh có làm được gì! Đến thảo nghi quyết và điều hành những cuộc họp có nhiều vấn đề phức tạp là Xuân Tươi đã như gà mắc tóc rồi! Anh quen với việc kẻ pa-nô, dán ap-phích và chăng cờ kết hoa cho các hội nghị hơn là ngồi chủ toạ hội nghị. Những người định lôi kéo Xuân Tươi đã thấy anh chỉ là người tào lao! Tất cả mọi tinh anh, Tươi đã phát tiết luôn ra cửa miệng trong những lúc chuyện gẫu rồi! Người ta đồn là sự nghiệp chính trị của Xuân Tươi cũng chỉ được hết khoá này là cùng!
- Thôi ta vào đi các vị! - Xuân Tươi vỗ tay bồm bộp. Anh mặc chiếc áo trắng đã ngã màu cháo lòng nhưng lại dắt vào trong quần cẩn thận. Khuôn mặt nhỏ, nhưng mắt và miệng lại to, tiếng cứ vang vang.
- Hôm nay nhiều vấn đề lắm. -ông Thủ đi họp về có gì mới không? Rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết 04 à? ông Luân hay ai chủ trì? Ngày mình ở phòng văn hoá, thì ông ấy bên tổ chức, cùng cán sự òn èng như nhau. Thế mà nhoáy cái tay ấy lên nhanh thế.
Đón điếu thuốc từ tay Thủ, rồi Xuân Tươi vừa như nói với Thủ, lại vừa như nói với mọi người:
- Hôm nay họp bàn ngoài mấy nội dung đảng uỷ phố biến hôm trước, còn có thêm một việc mới đây uỷ ban và ban quản trị hợp tác xã có nhận được đơn của ba đội sản xuất ở Giếng Chùa xin gặt chiêm xong cho họ được tách ra khỏi hợp tác xã lớn, để họ xây dựng hợp tác xã nhỏ như hồi chưa sát nhập. Tất nhiên chi bộ không giải quyết việc tách hay không. Nhưng đồng chí Sửu đề nghị tôi là họp chi bộ chúng ta cần tìm xem nguyên nhân từ đâu? Có vai trò Đảng viên ta không? Rách việc thế đấy các ông ạ! Các bố trên huyện cứ hay kêu cán bộ dưới cơ sở không đi sâu đi sát để tìm hiểu nguyện vọng của bà con. Thế còn muốn anh em vào sâu đến đâu!
Tiếng cười hí há. Đấy cách làm việc của bí thư Xuân Tươi đấy! Cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Đang tư nhằng sang công. Đang chuyện ngoài lề bắt cầu ngay vào nghị quyết. Giở thật giờ đùa, chớt chớt nhả nhả! Thủ đã góp ý mấy lần, những Xuân Tươi vẫn như con hổ, chỉ một cái là quệt vào tai là quên sạch!
Nào ta bắt đầu! - Xuân Tươi đứng bên chiếc bàn kê trên cùng, phía dưới xếp thành hai hàng là bàn ghế của lớp vỡ lòng thấp lè tè. Gần hai chục đảng viên đứng ngồi lố nhố. Chỉ có hai phụ nữ tuổi đã trung niên, áo cánh quần thâm, rụt rè như đi ăn cỗ.
- Các đồng chí bầu cho chủ toạ và thư ký - Xuân Tươi nói tiếp.
Một người tận dưới cùng nói to:
- Vẫn như mọi bận thôi!
- Đúng đấy! Đồng ý!
Xuân Tươi ngồi xuống ghế vui vẻ, bỏ qua phần biểu quyết, gọi ngay người vẫn quen được hội nghị bầu làm thư ký vì văn hay chữ tốt:
- Thế thì xin mời đồng chí Tùng lên làm nhiệm vụ! Còn chủ toạ chính là anh. Mọi bận vẫn thế!
Tùng ngồi xeo xéo phía bên kia, giáp bờ tường, đang đốt thuốc mù mịt. Vận bộ quần áo lính gọn gàng sạch sẽ, đầu tóc ngay ngắn. Với tuổi hai tám, Tùng là Đảng viên trẻ nhất ở chi bộ này. Đã được quân đội rèn luyện, lại có văn hoá, nhiều người nói chính Tùng phải là bí thư ở chi bộ này mới đúng.
Tùng dụi thuốc, lặng lặng bước lên. Không ai hiểu sao hôm nay anh chàng vốn hoạt bát và tươi bưởi này lại ỉu sìu sìu thế kia. ông Phúc ngồi mãi dưới cùng trong góc mờ tỏ, vẫn đang rì rầm nói gì với người bên cạnh. ông mới đến. Khi đã vào họp, nhìn quanh không thấy ông, Thủ bồn chồn lên vì lo. Bây giờ là anh yên tâm là màn kịch sắp được bắt đầu! Nhưng có như mình dự đoán không? Chỉ cần họp xong, ông ấy lại đi có việc ở đâu đó, thế là hỏng bét. Mấy hôm nay bà Son đã chuẩn bị cho cuộc gặp này thế nào? Sao lúc nãy nghe mình dặn xong, mặt bà ấy lại thảng thốt đến thế? Còn thằng Cao nữa, vừa mới nghe mình nói, mắt mũi đã sáng lên như sắp được đóng phim phản gián! Rồi cái thằng lốp bốp trâu luộc cả con này sẽ làm ăn ra sao?
Thôi riêng vấn đề tách hợp tác ta sẽ phát biểu sau - Xuân Tươi đứng dậy xua xua tay như rung chuông, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của Thủ - Các đồng chí cứ phát biểu về việc thu sản trước mắt đã. Đang có dư luận là những người khê đọng nhiều vẫn tiếp tục ì ra không chịu nộp sản trong chiêm này. Nghe nói có Đảng viên và anh em họ hàng của Đảng viên cũng nghĩ như vậy. Nếu đúng thế thì ta còn vận động được ai nữa.
- Dưng mà ta phải xem là tại sao người ta không muốn nộp sản - Một trong hai người phụ nữ đang phát biểu thì bị Xuân Tươi cắt ngang, nhưng chị vẫn đứng đấy chứ không chịu ngồi. Tươi vừa dứt chị lại tiếp ngay. Thì ra hai bà này chẳng bẽn lẽn chút nào, chẳng chịu để cánh đàn ông áp đảo, nhất là động vào bát cơm manh áo của họ thì coi chừng! Chị nói tiếp với giọng chao chát:
- Ai chả biết làm ruộng phải đóng thuế. Nhưng tại sao làm quần quật mà chúng tôi vẫn không đủ vắt mũi đút miệng? Nhà nông cái gì cũng phải trông vào hạt thóc. Nào ma chay cưới xin, nào cha già mẹ héo; nào sách bút cho con, tiền đóng học cho con môi năm một cao, tất cả đều trông vào hạt thóc. Gạo không đủ ăn, nhưng vẫn phải thắt bụng cho chặt vào để bán thóc thì mới có tiền mà đóng, mà nộp. Vậy thế cho nên vụ chiêm này chúng tôi cũng không thể nộp sản hết số còn khê đọng lại. Nộp hết thì chúng tôi sống bằng gì? Xã cứ bắt những người tham ô nộp trước đi đã. Người tham ô tiền của đội 202, tức là tiền vét con sông Đào ấy, đã nộp chưa? Người ở trại giống lấy thóc thịt đánh tráo vào thóc giống, rồi mang thóc giống đi bán chênh lệch đã nộp chưa? Rồi đến gạo nếp để ủng hộ bộ đội ở biên giới, ở Trường Sa cũng bị tham ô, thế thì chúng tôi còn biết tin ai? Ngay cái nhà ta đang ngồi họp đây, nếu năm ngoái chúng tôi không đấu tranh thì cũng đã bị dỡ đi rồi. Hỏi rằng dỡ hai cái nhà kho, ba cái nhà chăn nuôi từ ngày hợp tác Giếng Chùa làm, vậy bây giờ ở đâu? Của đau con xót, chúng tôi làm chúng tôi phải thế. Tiền có còn hay đã chui vào chai, nhảy lên đĩa cả rồi?
- Gớm, bà cứ làm tiền cũng biết nhảy như ếch không bằng!
- ếch nhảy cũng chẳng bằng người nhảy!
- Bà cứ nói thắt bụng lại cho chặt, nhưng tôi thấy mấy bà ở đội 3 xóm Chùa mới năm ngoái nghỉ đẻ, mà bây giờ đã lùm lùm đội kênh cả áo lên rồi!
Tiếng đẻ xen ngay vào, rồi cười khùng khục, phá tan không khí căng thẳng.
- Thôi trật tự! - Xuân Tươi vỗ tay bôm bốp - Tôi đề nghị chúng ta đi vào nội dung chính.
Thấy rõ là Xuân Tươi đang lúng túng. Việc đòi tách hợp tác là việc lớn, không thể bàn ghép vào cuộc họp này. Thì đã được biết có chuyện đơn xin tách hợp tác từ nửa tháng trước. Những người làm đơn xin tách hợp tác còn tố cáo một loạt lthững việc bê bối của ban quản trị và các đội trưởng sản xuất hiện nay. Mà phần đông những người trong số này đều có dính dáng đến nhà họ Trịnh Bá. Thủ đã nói với Sửu đây là việc hệ trọng: phải xem xét đã, chưa nên bàn rộng vội. Vậy tại sao Sửu đề nghị Xuân Tươi đưa ra bàn trong cuộc họp này? Có phải Sửu đang muốn rung cả một bụi cây?
Thủ giơ tay, rồi đứng dậy với giọng rất nhã nhặn:
- Việc xin tách khỏi hợp tác xã lớn để trở về hợp tác xã nhỏ như trước là một vấn đề lớn, nên chúng tôi đã có bàn là phải xem xét kỹ rồi chi bộ sẽ bàn riêng trong một cuộc họp khác, cứ bàn chung với nhiều việc như hôm nay sẽ không đạt được kết quả.
Ông Phúc không giơ tay, mà đứng bật dậy, lời lẽ khúc chiết:
- Vậy tôi đề nghị ngay tuần tới ta phải họp để xem xét yêu cầu của bà con có hợp lý không? Đồng thời đây cũng là một việc xem xét chính Đảng viên cán bộ mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chưa? Tại sao không được bà con tin như trước? Đây là cơ sở để chúng ta tiến hành theo nghị quyết 04! Bà con người ta đề nghị có văn bản giấy tờ, thì chúng ta cũng phải xem xét cho nghiêm chỉnh Tránh tình trạng để dây dưa. Việc nhà nông có mùa, có vụ. Mất một vụ làm ăn ở người dư dật, có chức có quyền thì vẫn không sao, nhưng với người giật gấu vá vai mà lỡ một vụ là cả nhà treo niêu đến mấy vụ sau. Bây giờ trên đã cho phép rồi ở đâu cán bộ yếu kém không lãnh đạo nổi cả hợp tác xã lớn thì nên xé nhỏ ra cho vừa sức mình. Cho nên bà con người ta đòi chia lại hợp tác là có lý do chính đáng của họ. Vì mấy hôm nay đã có tiếng xì xầm chê bai những người làm đơn xin tách hợp tác là thiếu ý thức chính trị, thiếu tinh thân chủ nghĩa xã hội! nói vậy chính là không nắm được chính sách! Lại muốn quay lại cái thời đánh trống ghi tên để người siêng làm cho kẻ lười hưởng!
Có những tiếng cười nho nhỏ đó đây. Thủ thấy da mặt mình đã sầm lên? nhưng anh là người biết kìm nén, biết lùi một bước để tiến hai bước, nên Thủ vẫn ngồi thản nhiên. Anh lại nghĩ đến Sửu. Thế là việc châm ngòi của Sửu đã thành công rồi! Biết đâu hôm qua hôm kia Sửu đã đến gặp ông Phúc!
Thấy Cao nhấp nhổm có vẻ nóng tiết, Thủ phải đưa mắt cho Cao ra hiệu hãy cho qua! Hắn nói lốp bốp chỉ có hỏng việc. Rồi Quàng phụ trách quỹ tiết kiệm, em ruột Quềnh, ngồi ru rú đằng kia. Rồi anh em Thanh, Thánh với chú cháu Đệ, Đạo Rồi Hoạt, Đích, ông Na, ông Bùi. Bố con ông Vi - Vu, anh em sinh đôi Hảo Hán. Đấy là những người họ hàng xa gần, hoặc được liệt vào hàng ngũ thân tín của Thủ đều ngồi im nên phát súng khai hoả của ông Phúc như đã nổ vào chỗ không người Dù vậy ông Phúc và những người ủng hộ ông ra dáng hỉ hả lắm. Hai người em rể ông Phúc chồng bà Lộc, bà Tài. hai khẩu đại pháo trên nghị trường của chi họ Vũ Đình cứ ngồi rít thuốc tràn cung mây, như muốn nói đây chưa cần xuất tướng! Cuộc họp suông sẻ cho đến phút chót.
Xuân Tươi tuyên bố cuộc họp kết thúc với vẻ mặt thật hớn hở vì theo Tươi cuộc họp đã thành công tốt đẹp đúng với tinh thần dân chủ, đối mới, mà tính chiến dấu nói thẳng, nói thật mỗi Đảng viên rất cao!
Mọi người túa ra vê. Thấy ông Phúc lững thững một mình theo lối rẽ, Thủ quay lại tìm Cao. Nhưng anh chàng thích đóng phim phản gián còn nhanh hơn Thủ, đã biến trước rồi!
Thủ nhìn đồng hồ mười giờ đêm.
Ông Phúc bước những bước thon thả. Ông đang rất hài lòng với mình. Dân Giếng Chùa đang thì thầm là dòng họ Vũ Đình lâu nay chỉ ở mức lập lờ, không chìm nhưng cũng chưa nổi lên được, thì phen này xem chừng cờ sắp đến tay! Trước đây chỉ có mình ông Phúc và hai người bên ngoại là Đảng viên, nên cả thế lực còn yếu. Bây giờ cùng lúc thêm đến bốn Đảng viên về làng, mà người nào cũng sành sỏi cả. Tùng lại được vào tận Đảng uỷ xã. Dù hai cậu cháu còn trục trặc, nhưng chẳng bao giờ anh em họ lại bỏ nhau. Một giọt máu đào hơn ao nước lã Bên Trịnh Bá định lấy âm trị dương cho êm ả sạch sẽ, nhưng không ngờ gậy ông lại đập lưng ông rồi! Bây giờ thì họ Vũ Đình không cần làm gì hết. Tất cả đã có luật pháp. Vố này cả nòi Trịnh Bá cứ là tai tiếng để đời!
Ông Phúc đằng hắng một tiếng rất sanh như tự thưởng cho sự hiện diện của thình trong cõi đời, rồi dừng lại bên bụi duỗi tối đen khum tay che gió bật lửa châm điếu Hê-rô của anh em Hảo Hán lại mời thuốc ông Phúc! óng ưa thuốc lào kia, nên bây giờ chẳng nên câu nệ, lòng ông đang thảnh thơi quá, thuốc gì chả ngon?
Ông Phúc vừa xoè lửa, thì bỗng một tiếng gọi rất sẽ ngay bên cạnh, trong bụi cây:
- Ông Phúc!
Gần như giật nảy người, ông Phúc lùi lại một bước với dáng điệu tự vệ, khiến người gọi cũng cuống lên vì sợ ông bỏ chạy!
- Ông Phúc! Tôi đây? Tôi đây mà!
Chưa dứt những lời hào hến, bà Son đã hiện ra ngay bên cạnh. Bà mặc quần đen và chiếc áo xanh vốn rất đẹp của Đào, giờ đã cũ, nhưng còn rất bén, khiến cái dáng đầm đậm tấm thước của bà vẫn gọn gàng mau mắn. Bà chỉ mặc quần áo cũ của Đào mà vẫn được tiếng là trau chuốt. Trong đêm, ông Phúc thấy bà vận toàn đồ đen. Từ người bà toả sực lên mùi quết trầu thơm cay, ấm nồng.
- Bà đấy à?... Bà... Bà gọi tôi? ông Phúc ngỡ ngàng, hơi bối rối đến ngờ vực.
- Thế ông nghe chưa thủng hay sao? Tôi phải chờ để gặp được ông từ tối đến giờ. Sao mà cái thân tôi nó tội đến thế! Tôi muốn thưa chuyện này với ông!
Bà Son vừa nhả bã trầu, vừa nói trầm trầm rầu rĩ. Bà ăn miếng trầu cũng là để giết thời gian mà thôi. Bà đứng, đầu hơi cúi, hai tay vòng trước ngực. Mái tóc còn rất dày cuộn một búi tròn sau gáy.
Ông Phúc bóp điếu thuốc trong tay, hỏi nhỏ:
- Bà định nói chuyện với tôi? Có chuyện gì nữa mà nói?
Giọng bà Son trở nên tức tưởi:
Ông bây giờ thì còn thiết gì, còn biết gì đến ai! Ông chỉ cần được việc của ông. Ngay từ ngày xưa ông đã như thế! Có bao giờ ông coi lời tôi làm trọng đâu! vậy mà lúc nào ông cũng nắm được đằng chuôi. Tôi vẫn nghĩ chả khi nào tôi phải gặp ông để cầu cạnh. Thế mà rõ thật cái số tôi!
Ông Phúc giật lùi chân một bước, kêu lên:
- Chết! Chết! bà nói gì thế? Sao lại chuyện nọ sọ chuyện kia như thế? Đứng đây nhỡ ai đi qua...
Bà Son cũng giật mình sực tỉnh. Bà đã chuẩn bị sẵn từ tối những lời nói với ông Phúc. Vậy mà bây giờ bà không kìm nổi sự dồn nén của tiềm thức. Tiếng là cùng làng, nhưng từ lâu môi người mỗi cảnh, mỗi phận. Làng xóm luôn luôn nhìn vào, họ hàng nghiêng ngó, nên không bao giờ hai người còn đứng chuyện trò với nhau. Từ ngày có hợp tác, mỗi người ở một đội, nên càng xa nhau. Thảng hoặc bất ngờ gập nhau ngoài đường chỉ khe gật đầu chào nhau vội vã chân vẫn bước. Người này hoàn toàn không biết được người kia nghĩ những gì về mình. Yêu hay ghét? Trong lòng có còn chút bâng khuâng nào, hay đã hoàn toàn giá lạnh? Bấy giờ nghe bà Son nói với giọng chì chiết giận hờn, tim ông Phúc bỗng nhảylên như bước hụt! Thì ra bà ta văn nhớ hết! Cấm bỏ sót tí gì! Ngày ấy khi gia đình nhất quyết bắt bà phải lấy chồng. buổi tối gặp nhau ở bờ sông, bà ấy đã nói thế nào nhỉ?
- à quên! Tôi xin ông! Bà Son hoảng hốt khi thấy mình không kìm nổi những điều âm ỉ vẫn cất kỹ trong cõi lòng. Nhưng sao lại nói những chuyện ấy vào lúc này?
- Tôi có câu chuyện muốn nói với ông, mà phái nói dài dài nó mới ra nhẽ. Đứng đây không tiện. Ông vui lòng đứng khuất vào trong này một tí.
Bà Son nói những lời ấy một cách hào hển, rồi bà lui vào cánh bãi sau gốc duối, đến ngồi thu mình cạnh bụi cây dành dành và bụi dứa dại, với những tàu dứa vừa to vừa dày và nhọn hoắt như những thanh gươm chĩa lên tua tủa cao quá đầu người, từ bụi dứa sang bụi dành dành, dây tơ hồng giăng mắc chằng chịt, trong bóng tối, đêm nhạt mờ nhìn như một tấm lưới sắt.
Ông Phúc đứng lặng một lúc lâu, lòng ngổn ngang rối bời. Ông bỗng thấy như mình vừa như lay lại một cái gì, nhưng lại mơ hồ có một điều gì phấp phỏng lắm. Ông vừa muốn nghe bà Son giãi bày, lại vừa lảng tránh, bởi chắc chắn những điều bà sắp nói chẳng vui vẻ gì; thế nào cũng liến quan đến cái người mà không bao giờ ông muốn nhìn mặt. Nhưng đã đên nước này thì không thể trốn được nữa. Trong thâm tâm chưa bao giờ ông ghét bà Son. Chưa bao giờ bà ấy là người lừa lọc.
Ông Phúc dắng một tiếng nhỏ trong cổ, rồi lùi vào rặng cây bước từng bước rất chậm. Đã về khuya, ánh sáng sao nhạt nhoà, hơi sương phơ phất như khói nhạt khiến cánh bãi lờ mờ như trong chiêm bao. Ông Phúc khẽ khàng đi lại bụi cây dành dành, người bỗng châng lâng sợ sợ. Bà Son ngồi xổm, hai tay ôm lấy gối, đen sẫm, lặng phắc như bất động.
- Ông ngồi xuống đi! - Bà Son nói trầm trầm, khó khăn như rút từng lời từ trong ngực - Hôm nay tôi gặp để xin ông một việc. Đúng là cái số tôi chẳng ra gì! Muốn sống yên phận cũng chả được! Mang tiếng là chồng con nhà cửa dè huề, nhưng có lúc nào tôi được vui, được thoa nguyện. Chủ không ra chủ, tớ không ra tớ! Ngẫm ra đời tôi lận đận là từ cái ngày tôi phải lòng ông! Từ bấy giờ tôi không làm chủ được cả thân tôi! Lấy những là để giừ cái tiếng cho bố mẹ thế là vì bố mẹ chứ đâu phải vì mình! Nếu ngày ông thực lòng vì tôi, cùng ý với tôi bỏ đi nơi khác làm ăn, no đói có nhau, thì chắc đời tôi không đến nỗi. Có no mà không có vui, có lành mà không có ấm như thế này!
Tiếng bà Son tắc lại, ngạt đi. Bà gục mặt xuống hai đầu gối, vai run lên từng nhịp. Bà không định nói thế. Nhưng vừa cất lời lại không kìm được lòng. Những điều u uẩn vẫn cất kỹ từ lâu, mấy hôm nay lại bồn chôn bật dậy. Từ tối đến giờ đã chực sẵn nơi đầu lưỡi. chỉ cần giáp mặt người vừa yêu vừa ghét kia là những lời ấy bật ngay ra.
Ông Phúc hốt hoảng nhìn quanh, rồi tự thấy mình đứng lêu đều như thế này thì thật là ngớ ngẩn, dại dột nữa. Ông liền lóng ngóng ngồi xuống, và chẳng biết nói gì, hỏi gì, cứ nhìn lom lom vào đôi vai còn tròn trịa của bà Son đang run lên trong tiếng nấc, lòng dạ bồn chồn rối rắm.
Đã lâu lắm rồi, xa xưa lắm rồi, từ ngày ông còn là cậu giáo Phúc trường đồng ấu, đầu xanh mỡ, mặt vuông. da trắng. Mặc dù đã yên bề gia thất, nhưng ông vẫn đứng núi này trông núi nọ, vì càng gần người vợ bố mẹ chọn cho, cái cô Dần khô chân gân mặt ấy, thì cậu giáo Phúc càng thấy đời mình trống vắng thiếu hụt. Vậy mà khi người con gái đẹp nhất làng, đã cuồng nhiệt trao hết tình yêu cho cậu, rủ cậu bỏ làng ra đi liều! Tối ấy, khi bố mẹ nhất quyết phải bắt Son lấy chồng, Son đã tất tả chạy ra gốc cây bạc thau trên quãng vai cày bờ sông, áo quần bay lật phật, mái tóc dài cuốn vội vã, chiếc lược thưa vẫn cài vắt vẻo đỉnh lọn tóc. Cô ào đến Phúc, đổ người vào ngực Phúc. vừa nói vừa thở dốc:
- Bỏ đi đi anh! Đi đâu cũng được! Mình có hai bàn tay, chịu khó chịu khổ thì ở đâu chả kiếm được miếng ăn. Thấy u em nhất định bắt em phải lấy thằng thọt ấy rồi! Họ đang bàn với nhau là tuần sau cưới! Thế thì em chết còn hơn! Bỏ đi anh! Báu gì ở cái đồng đất thóc mách này. Thế nào? Anh nghĩ thế nào mà đứng đực ra thế?
Son ngửa khuôn mặt nước mắt chan hoà lên vừa khóc, vừa lắc người Phúc như lắc, như run một cái cây chết đứng! Đến khi Son xoắn tay vào bả vai Phúc hỏi dồn, Phúc mới lâm bẩm như người mất hồn:
- Nhưng biết đi đâu bây giờ? Sểnh nhà ra thất nghiệp! Thế là bà Son đấm bình bịch vào ngực Phúc, gào lên: Thì ra anh là người hèn nhát! Anh lừa tôi? Anh coi tôi là đồ chơi? Anh còn nhớ anh thề thốt những gì không? Nói ra anh chỉ gan cái lỗ mồm! Anh chỉ biết đến thân anh! Anh tiệc cái nhà ngói, cái sân gạch chứ gì? Anh tiếc con vợ mặt lưới cày chứ gì? Đã thế thì anh về đi! Bước cho khuất mắt tôi đi!
Có tiếng gõ lách cách vào mạn thuyền đuổi cá dưới sông, Phúc bịt miệng Son, nhưng cô vằng tay ra như một con chim cắt xù lông vẫy cánh, giọng cứ rít lên:
- Không việc gì phải sợ! Cả làng, cả tổng người ta nói dăng dăng là tôi dan díu với anh, tôi không sợ thiệt thì anh lo gì! Giời ơi khổ thân tôi!
Vừa nấc lên trong tiếng khóc, Son vừa chạy vụt đi. Lon tóc xổ ra, gió quạt tung toá phủ kín cả lưng.
Đêm ấy - ông Phúc nhớ lắm, cũng sáng lờ mờ lợt nhợt như đêm nay. Đấy là đêm gặp gỡ cuối cùng của hai người, và khởi đầu của mối tình thù dai dẳng đến mấy chục năm!
Sau đêm ấy một tuần Son lấy chồng, lấy anh Hàm thọt. Rồi Son vẫn sống như mọi người vợ, mọi người đàn bà khác: chẳng việc gì phải chết như cô nói! Từ đấy môi người một phận, mỗi người một con đường riêng. Vẫn thấp thoáng trông thấy nhau. nhưng không còn biết gì về nhau nữa. Vậy đêm nay bà ấn định nói chuyện gì? Chả nhẽ gặp dấm dúi thế này chỉ xới xảo những chuyện ngày xửa ngày xưa? Bà Son vẫn úp mặt vào lòng bàn tay trên đầu gối. Đôi vai đã bớt rung. Chỉ còn những tiếng xịt soạt khe khẽ. Ông Phúc hỏi rụt rè:
- Bà còn định nói với tôi chuyện gì nữa?
Bà Son như sực tỉnh. Bà ngồi thẳng lên, lấy ống tay lau mặt, nói rì rầm:
Thôi thì dù sao tôi phải lo cái phận tôi. Lo cho mấy đứa con tôi. Thôi thì ông ghét tôi. Ông khinh ông Hàm nhà tôi, nhưng ông hãy rộng lòng với mấy đứa con tôi! Chúng nó chả làm gì nên tội. Ông hãy bỏ qua cái vụ này, ông rút đơn kiện về! Rồi tôi sẽ nói anh em họ Trịnh có lời xin ông. Thế là ông được trả ơn cho cả một chi họ. Còn mẹ con tôi đã được ông làm phúc.
Ông Phúc bỗng sững người ra giọng đã tỉnh khô:
- Ai nói với bà đi làm việc nay? Có phải tay Thủ không?
Bà Son cuống quít lên. Bà quay sang hốt hoảng nắm lấy tay ông Phúc đang chém chém vào không khí như sợ ông chạy đi mất. Bà nói vội vã, môi run bắn:
- Không! Không! Không ai xui tôi đâu. Đây là tự tôi nghĩ ra. Các ông chỉ nghĩ đến kiện nhau, thì tôi cũng phải nghĩ ra làm cái gì chứ! Ông hãy vì tôi mà làm phúc làm đức. Cả đời tôi chỉ xin ông một lần này!
Vừa nói Bà Son vừa nắm chặt tay ông Phúc. Bàn ta bà lạnh giá, run lật bật. Đang sắp nổi cáu, ông Phúc bỗng chùng hẳn người xuống. Miệng ắng lại. Cơn hoả vừa lốc lên, những lời cay nghiệt vừa định cất lên bỗng khô cứng lại trong miệng. Toàn thân ông như có một luồng điện chạy. Ông ngồi đơ ra. Rồi như một bản năng, một tia lửa vẫn tờ mờ le lói tiềm ẩn ở mãi nơi thầm sâu, giờ đang lần lần hồi nhiệt.
Ông quay sang se sẽ nắm lấy tay bà Son. Bàn tay nhỏ nhắn, vẫn những ngón thon mềm đã một thời siết chặt vào da thịt ông, nhưng tuột khỏi ông gần hết cả cuộc đời rồi! Bà Son văn để yên tay mình trong lòng bàn tay ông Phúc.
Cả hai cùng bàng hoàng nhìn thẳng vào mắt nhau, đờ đẫn thẫn thờ! Ông Phúc hỏi lập bập:
- Thế ra bà cũng khổ à? Tôi lại nghĩ là bà sung sướng lắm.
Bà Son nói lao hển như hụt hơi:
- Đâu phải có ăn có mặc là sướng. Có khi bữa rau bữa cháo vẫn sướng, mà có cơm ăn ba bữa, có quần chùng áo dài lại vẫn là khổ.
- Nhưng chả nhẽ bà lại không có quyền gì ở trong gia đình? Nghe người ta nói bà muốn may sắm gì, mua bán gì, từ bộ quần áo đến việc đi góp giỗ ở bên ngoại cũng phải hỏi chồng?
Thế là ông Phúc đã khơi trúng vào chỗ dễ buồn tủi nhất của lòng mình, bà Son khóc nức lên. Bà bíu chặt vào cánh tay ông Phúc. Một trong những đòng tác nhiệt thành của cô Son từ thời xa xưa chợt thức dậy, sống dậy với cả hai người. Bà nói thổn thức không cần phải giữ gìn nữa:
- Đấy, tôi sướng thế đấy! Sướng đến có tiền có gạo trong tay là chi tiêu may sắm gì cũng phái ngửa tay xin! Rõ thật cái thân tôi!...
Vừa nói, bà Son vừa xoắn vào cườm tay ông Phúc. Chính lúc ấy, lúc hai người xoá đi những e dè ngăn cách, đang bộc bạch những nỗi niềm không dễ nói với ai, thì đánh rào một cái, như từ trên trời rơi xuống, như từ dưới đất mọc lên; một bóng người tối thẫm nhảy qua bụi cây từ phía sau lại, gằn giọng trong cổ họng, sắc lạnh:
- Ngồi im! Động cựa tôi bắn!
Tiếp lên là ánh đèn pin sáng loè, hoa vào mặt hai người rồi chiếu lom lom vào bàn tay bà Son đang rụt vội khỏi cánh tay ông Phúc. Phó ban công an Cao kéo chiếc mũ lơ-vit sụp xuống mặt cho ra dáng thám tử, đứng sững sững trước mặt hai người, súng ngắn đeo thây lây giữa bụng. Một bóng người nữa từ bụi duối ngoài đường hấp tấp đi lại. Bà Son kêu lên kinh hãi khi nhận ra cái người đi rình thứ hai là ai:
- Chú Thủ? Chú định làm cái thế này? Chính chú bảo tôi!...
- Bá im ngay! - ông em chồng vội cắt ngang lời bà Son, nói lấp ngay đi:
- Bá có thể về được! Rồi anh em tôi sẽ nói chuyện với bá? Đồng chí Cao làm nhiệm vụ đi! Bà Son vùng đứng dậy, vừa chạy tong tả, vừa oà khóc.
- Bây giờ chúng tôi đề nghị ông làm biên bản! - Cao tắt đèn, nhưng vẫn nhìn lầm lầm vào ông Phúc, nói gằn từng tiếng.
- Biên bản thế nào?
Ông Phúc hỏi nhỏ ngơ ngác, rõ ràng là giọng của người đang chịu nhún. Nhưng Cao đã như muốn nổi xung. Anh vô bồm bộp vào bao súng: nói như đọc lệnh:
- Còn biên bản gì nữa! Biên bản của hành động vụng trộm bất chính! Đêm hôm khuya khoắt dắt nhau vào bờ bụi để ôm ấp than thở, vậy là cái gì? Hay ông đang thảo luận về việc xin tách khỏi hợp tác xã lớn đấy?
Ông Phúc đứng bật dậy, củng đã muốn xô xát lắm lắm.
- Chính các anh bày ra cái trò đốn mạt này! Các anh bảo bà ấy đến gặp tôi để xin tha tội.
Cao đã nổi cáu, tiếng đã như muốn gầm lên:
- Đứng im! ông có hành động chống đối tôi nổ súng.
Thủ tiến lên một bướcn giọng dẽ dàng, cái dẽ dàng của một con mèo vờn chuột, của người đã nắm chắc phần thắng, nên không có việc gì phải ồn ĩ:
- Cao thôi, không cân to tiếng. Bây giờ ta bàn việc người lớn với nhau.
Thủ quay sang ông Phúc dù đêm nhạt nhoạ dưới ánh sao mờ nhạt, nhưng vẫn thấy rõ bốn mắt gườm gườm nhìn như xỉa vào nhau. Thủ hạ giọng đến ngọt ngào:
- Bây giờ thế này ông Phúc ạ. ta lấy tinh thần là người làng người xóm, lấy tinh thần đảng viên để nói chuyện với nhau! Gia đình chúng tôi muốn yên chuyện mà ông cũng vậy. Chứ bây giờ làm ầm ĩ cho cả làng biết rằng ông với bà Son dắt nhau ra đồng giữa đêm khuya thì còn ra thể thống gì! Lại giữa lúc ông Hàm đang như thế! Người ta sẽ nghĩ ông đã lợi dụng! Rồi về mặt tồ chức, chi bộ có để ông yên không? Ông xấu mặt đã đành, mà bên gia đình chúng tôi cũng không thơm tho gì! Vậy thì ta cần bàn kín với nhau, không để hở cho ai biết, cả ông Hàm chúng tôi cũng sẽ không nói. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông rút ngay đơn kiện về. Chính trên huyện đang mong như thế. Các đồng chí đó không muốn có rắc rối. Khi ông đi rút đơn, tôi sẽ nói với mọi người là hai gia đình đã tự giải quyết được với nhau. Cụ thể là nói với ông đã lấy tinh thần cán bộ Đảng viên ra thoả thuận,lới nhau, vì nghĩa lớn đã bỏ qua những việc vụn vặt. Như thế ông chỉ được tiếng tốt chứ không mất mát gì. Ông đồng ý chứ?
Ông Phúc nói với giọng của người đã bị mắc câu:
- Sao anh không nói thẳng với tôi như vậy? Việc gì phải bày ra cái trò nhí nhố này?
Thủ hình như khẽ cười. Người ta bảo Thủ có tiếng cười rít gớm, cái cười của mật ngọt chết ruồi!
- Thôi không nên để ý những chuyện vặt? Ta thống nhất với nhau như thế. Nhưng làm gì cũng phải cho đàng hoàng, cho nên vẫn phải có một cái giấy cho có đầu có đuôi. Ông yên trí, xong xuôi mọi việc, tôi sẽ xé tờ biên bản này trước mặt ông. Cao viết đi!
- Giấy gì? Biên bản gì? - ông Phúc hỏi giật giọng.
Thủ vẫn ngọt nhạt:
- Cũng vẫn chỉ là chuyện thủ tục bình thường thôi! tôi đã hứa danh dự với ông là xong việc sẽ hủy ngay.
Rồi như đã chuẩn bị đâu vào đấy, cao cởi dây súng đưa cho Thủ, ngồi xuống bật đèn, rút quyển sổ trong túi quần, bấm bút bi tanh tách, viết soạn soạt rất nhanh. Thủ thắt dây súng vào ngang sườn đứng lom lom như canh gác cả hai người.
- Xong rồi, tôi ghi thế này.
Cao ngẩng lên, dắt bút vào túi đọc:
Chúng tôi là Trịnh Bá Thủ, bí thư đảng uỷ và Trần Cao, phó ban công an, trên đường đi làng nhiệm vụ về lúc mười giờ đêm, đã bắt được ông Vũ Đình Phúc và bà Ngô Thị Son đang làm những việc vụng trộm bất chính ở bãi trồng bạch đàn cạnh cánh đồng Ma Voi. Để giữ gìn trật tự an ninh và sự trong sáng của xóm làng, chúng tôi không hô hoán làm to chuyện, mà chỉ góp ý xây dựng và làng biên bản này để có chứng cớ là chúng tôi không bịa chuyện. Chúng tôi can đoan là nói đúng một trăm phần trăm sự thật. Dưới đây là chữ ký của đương sự
Ông Phúc chồm lên:
- Không đúng? Xuyên tạc! Vu cáo? Vụng trộm bất chính ở chỗ nào? Tôi không ký liếc gì cả.
Vừa nói ông Phúc vừa vùng vằng định bỏ đi, thì Thủ đã buông lời sắc lạnh:
- Ông không thể đi được! Nếu ông bỏ chạy, bắt buộc tôi phải nổ súng! Làng xóm sẽ ầm ĩ lên. Còn bà Son thì ông nên biết, lúc này tôi bảo gì bà ấy phải nghe! Khai thế chứ khai nữa cũng được. Vậy là chúng tôi những ba người, ông chỉ có một không, ai thắng ai? Nhưng tôi không vu vạ đâu. Cao xoá mấy chữ vụng trộm bất chính đi. Vậy là được chứ?
- Phải yêu cầu ghi rõ là chính bà ấy đi tìm gặp tôi để yêu cầu tôi rút đơn kiện.
Ông Phúc đáp xẵng, nhưng Thủ vẫn nhẹ nhàng. Con mèo đã nắm chắc phân thắng, cần gì phải múa vuốt với chuột!
- Ông có thể ghi thêm tất cả những điều ấy, vì chúng tôi có biết bà Son nói những gì với ông đâu! Ông cứ viết thêm tất cả ở phía dưới, rồi ký tên. Cao đã bấm đèn và đưa sổ, đưa bút cho ông Phúc. Và ông Phúc đã gù gù cái lưng, cố giữ cho khỏi run tay, viết thêm nửa trang giấy trong quyển sổ Mậtcủa Cao, rồi ký tên.
Bút sa gà chết! Con chim đã lao vào bẫy! Con cá đã chui vào lờ! Thủ cầm quyển sổ, bấm đèn nhìn lướt qua những dòng ngều ngào và chữ ký run run của ông Phúc, hài lòng nhét vào túi. Đoạn Thủ quay sang ông Phúc nói với giọng gần như thân tình:
- Ông Phúc ạ, hai giờ chiều mai tôi chờ ông ở uỷ ban xã. Tôi sẽ nói với cả Đảng uỷ và uỷ ban là tôi với ông đã giải quyết mọi chuyện với nhau ở phạm vi gia đình, đã vì tình nghĩa làng xóm mà xoá hết những hiềm khích cá nhân. Vậy là tôi đã làm đẹp cho ông! Ông nhớ nhé! Dứt lời. Thủ tắt đèn quay gót đi ngay, bóng tối trùm lấy người anh!
Có tiếng cú rúc phía đồi ông Bụt. Mấy hôm nay bà Cả Ngật cứ hấp háy cặp mắt lông quặm mà thì thầm là tối tối đại bàng bay về đậu đen trên cây si cụt ở đồi ông Bụt, tiếng quạt cánh của các ngài cứ vù vù như tiếng quạt hòm! Rồi đom đóm lập loè như sao sa, rồi cú rúc quanh cây si ấy, nhiều điềm lạ lắm!
Chưa ăn thua! Nào đã thấm tháp gì! Những điều lạ ấy còn khướt mới sánh được với điều lạ vào chiều ngày hôm sau ở ủy ban xã! Lạ mà lại nhìn thấy nhỡn tiền, lạ mà thật như đếm mới càng lạ!

<< Mười một | Mười ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 213

Return to top