Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9984 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

Sáu
Tối nay bí thư Đảng uỷ Trình Bá Thủ có cuộc đánh chén ở nhà chủ tịch Trần Văn Sửu.
Nhà Sửu ở xóm Trại, khuất lảnh ngoài vùng đồi. Đây là xóm của bà con dưới Nam Định, Thái Bình lên khai hoang từ những năm sáu mươi. Mặc dù cũng ăn nên làm ra, con cái đi bộ đội, đi thoát ly, nhiều người trở thành cán bộ đảng viên rất chững chạc, nhưng trong thâm tâm của mọi người, xóm trại vẫn là xóm của dân ngụ cư, dù thế nào cũng không thể là cái xương sống của xã. Hồi chiến tranh phá hoại, đã có một dạo bí thư Đảng uỷ xã là người của xóm Trại. Dịp ấy có năm thanh niên của Giếng Chùa nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào nam. Tới khu 4 thì bị máy bay oanh tạc, cả đại đội gần như bị xoá sổ. Năm người Giếng Chùa thì chết ba. Hai người còn lại hoảng quá, liền đằng sau quay đi nước mã hồi phóng thắng về nhà. Ngày ấy chủ tịch và xã đội trưởng đều là người của Giọng Chùa, nể nả định lờ đi. Nhưng bí thư Đảng uỷ đã chỉ thị cho phó chủ tịch kiêm trưởng ban công an phải gọi hai người thanh niên kia lên và đã xử trí đúng như xử trí những quân nhân đào ngũ, tức là đi làm lao công cho xã. Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ rẫy cỏ quanh nhà uỷ ban, ngào đất trát tường cửa hàng mua bán xã, đến xe gạch xe vôi từ trên phố huyện về làm nhà tắm, làm hố tiêu hố tiểu công cộng. Xã không thiếu việc. Cứ cơm nhà việc xã. Ngày ngày trưởng ban công an đích thị đôn đốc kiểm tra, còn việc thì bí thư Đảng uỷ sẽ nghĩ ra, vẽ ra, làm đến quanh năm không hết. Lúc ấy có một trợ lý quân lực của tỉnh đội là người của Giếng Chùa đã ra tay cứu danh dự cho làng mình bằng cách khuyên hai chiến sĩ báo cáo xã xin trở lại đơn vị. Thế rồi khi lên tỉnh, và không biết bằng cách nào, hai anh lính ấy đã biên chế về một đơn vị của tỉnh đội. Cuối năm ấy đại hội Đảng bộ, bí thư Đảng uỷ mất phiếu tới mức chỉ còn là một đảng viên thường. Rồi llên đó có đợt kiểm tra Đảng, đồng chí bí thư cũ bị một phen cuống cà kê lên khi bỗng có dư luận là chuyện vào Đảng của anh không rõ ràng? Lý lịch chưa khai hết những chỗ khúc mắc, còn hai người giới thiệu thì đều dinh tê vào Nam năm 1954! Anh đã phải chạy đi chạy lại về quê gốc ở mãi dưới vùng biển mất dăm lượt mới lấy đủ giấy tờ chứng thực anh là đảng viên chính hiệu! Thật hú vía! Phải chống đỡ lao đao, mà lại không biết ai là đối thủ chính. Bởi tất cả đối với anh vẫn rất thân tình vui vẻ. Khi họp hành không ai lên giọng bới móc chỉ trích gì, mà chỉ nhỏ nhẻ Đề nghị đồng chí giải thích cho cái chỗ ông cụ bên vợ có đúng là đã tham gia Quốc dân đảng không? Còn hai người giới thiệu thì lý do gì lại chạy vào nhà thờ để đi Nam với một số giáo dân? Tất nhiên để bảo đảm lời nói đông chí là đúng, thì phải có chứng thực! Thế là đủ giết nhau không gươm giáo! Mà thái độ vẫn cứ ngọt ngào, vẫn êm như ru! Chỉ bên ngoài dân chúng mới có lời nhắn tin rằng: Đất có thổ công, sông có hà bá, thành hoàng vùng này chưa đến nỗi mạt vận phải chuyển bài vị sang dân ngụ cư xóm Trại.
Từ đấy dân xóm Trại nhìn những người quê gốc ở đây cứ chờn chợn, thấy như họ tiềm ẩn một cái gì thật vô hình, mà lại có ma lực biến hoá khôn lường. Tốt nhất hãy chăm lo làm giàu. Nếu trong những cuộc bầu bán nếu ai có thắng phiếu, thì khôn ngoan chỉ xin lận làm cấp phó thôi, chớ dại tranh phần chiếu trên của dân bản xứ mà rồi có lúc tự mang dây buộc mình! Người xóm trại bảo nhau như vậy.
Lần này Trần Văn Sửu trúng ghế chủ tịch, mà có người đã nói là ông Sửu trúng sổ xổ, là bởi Trịnh Bá Thủ thấy cùng một lúc bên cánh nhà ông Phúc có đến ba đảng viên nối theo nhau nhảy dù về xã. Hai người em rể ông Phúc là chồng bà Lộc, bà Tài. Một người làm quản đốc trên Khu gang thép, một là cán bộ tuyên huấn lâu năm ở nông trường bò sữa cùng về hưu trong một tháng. Rồi Tùng, con bà Sang một thượng sĩ như trâu tơ ngứa sửng. Cả ba đảng viên đều kết nạp ở nơi khác, thế tức là họ không chịu ơn chịu nghĩa gì ở đây. Anh nào cũng có sỏi trong đầu! Phải nhanh chóng hùn vào cho Sửu người đứng đầu xóm Trại, đang là thường trực uỷ ban xưa nay tôn trọng Thủ đến kính nề. Và để không bị mang tiếng là hẹp hòi, bè phái, chính Thủ đã đề xuất ý kiến khi họp với chi bộ Giếng Chùa nên đề cử Tùng vào danh sách bầu Đảng uỷ mới, bởi Thủ thấy Tùng dám phê bình ông Phúc cả trong cuộc họp. Ngày Tùng chưa đi bộ đội, ông Phúc đã nhận xét về Tùng khi duyệt danh sách đối tượng là còn thiếu chín chắn, còn lớp cớp! Vậy thì phải triệt để lợi dụng ngay mối bất hoà ở trong dòng họ Vũ Đình này, chứ không thể trông chờ vào hai đảng viên già đời là chồng bà Lộc, bà Tài. Thủ đã giới thiệu Tùng khi họp toàn đảng bộ như là một nhân tố ga-ne-pho nhiều sức bật. Nhưng tất nhiên khi bỏ phiếu thì anh gạch tên Tùng đầu tiên! Tùng sao lại có thể ngồi cùng chiếu với mình được! Đến khi Tùng trúng cử với số phiếu vừa phải, nhưng đã là nỗi sửng sốt đối với Thủ. Còn Trần Văn Sửu thì trúng khá cao, bởi hai phe mạnh nhất chống nhau, thì người đứng giữa dễ dàng hưởng lộc. Lại phải làm cuộc vận động nữa để Sửu trúng cao trong cuộc bầu cử hội đông nhân dân. Đến khi Sửu ngồi được vào ghế chủ tịch rồi, thì không riêng Sửu mà cả xóm trại đều biết công lao to lớn của Trịnh Bá Thủ. Vậy là Thủ đã đạt được ý định không để chức chủ tịch rơi vào phe cánh chi họ Vũ Đình, đồng thời với Sửu, Thủ như người ơn mưa móc, anh có thể hoàn toàn lái theo mình.
Hôm nay vợ chồng Sửu cúng giỗ bố vợ, vì bên nhà vợ Sửu không có con trai. Làm từ trưa. Ngả một chú vện gần chục ký. Cả ban thường vụ kéo đến chén chú chén anh từ mười một giờ cho tới quá ngọ. Thủ cáo lỗi trưa này bận, hẹn tối sẽ đến thắp nén hương để tưởng nhớ cụ. Đó là ý định của Thủ, chứ thực ra anh không bận gì. Vì buổi tối ông Hàm đi làm cái việc ấy nên Thủ muốn vắng mặt ở nhà. Đến nơi nào càng đông người càng hay. Để nếu có sự cố gì, thì nhiêu người chứng giám là Thủ không liên quan, không biết tí gì.
Buổi chiều đạp xe lên xã, Thủ đi qua cổng nhà ông Hàm, thấy ông đang kỳ cạch chữa xe cải tiến để vài hôm nữa là gạt chiêm. Thủ vẫn ngồi trên xe, chống chân xuống hỏi nhỏ:
- Tối nay bát vẫn làm cái ấy chứ?.
- Thì vẫn! - ông Hàm tiếp tục đục canh cách không ngửng lên, cũng trả lời vừa đủ nghe.
Thủ đạp xe đi ngay. Buổi chiều, hết giờ làm việc ở trên xã, Thủ còn thong thả chán. Hết sang trạm xá, lại sang khu nội trú các giáo viên trường cấp I, II. ở đấy có đến ba cô giáo đã ngoài tuổi băm mà vẫn chưa chồng. Mỗi ìần gặp đồng chí bí thư cao ráo xởi lởi, là đôi bên chuyện trò không dứt. Thấy khói từ túp nhà bếp nhỏ như cái quán chợ bốc lên nghi ngút. Thủ nói gióng từ ngoài:
- Ba cô đội gạo lên chùa! Cho xin bát cơm bát cháo đây!
Có tiếng bấm nhau, rồi một giọng vóng vót:
- Có gạo mà đội đã tốt! ở đây là ba cô hết gạo lên chùa, một cô má thắm bắt đền bí thư!
Những tiếng cười ré như bị cù. Rồi vẫn cô gái mồm miệng như tép nhảy gạt khói chui ra. Mặt tròn người óng lẳn được lắm! Chỉ phải cái miệng rộng quá, cứ như miệng một gã đàn ông phàm tục đặt thâm vào. Chắc cánh con trai sợ vía cái miệng áy!
- Bây giờ nói nghiêm chỉnh với bí thư nhé, chúng em sắp đội nón chống gậy sang uỷ ban ăn xin đấy? Có cái mái nhà bị thủng, đã kêu đến tỉ lần mà xã vẫn không dọi cho. Đêm hôm kia mưa dột như sảo, chúng em phải dậy ngồi quàng áo mưa. Đấy, xã bảo thương mấy cô trưởng ban phòng không, thương thế thì cái xương chả còn!
Thủ dừng lại trước cửa, nhe bộ răng trắng bóng ra cười, nói ỡm ờ:
- Ai bảo kén cho lắm vào còn kêu!
Thế là nói cười càng ồn ĩ, đối đáp ráo riết. Cứ xem cung cách nói năng như chém chả, nhưng lại với thái độ vui vẻ, ánh mắt đôi bên ngắm nhìn nhau rất bạo dạn thân ái, là đủ biết là đồng chí bí thư đảng uỷ và ba cô gái sống độc thân ở đây quen biết nhau đến mức nào.
Thủ còn chuyện trò con cà con kê một lúc lâu. Mâm cỗ đậy lồng bàn để cạnh. Thủ bước tới bắt tay người anh họ vợ Sửu khiến ông nông dân chuyên nghề thợ đấu lúng túng với cách chào hỏi mà ông cho là phù phiếm này. Vào bàn thờ trong nhà thắp ba nén hương trước bức ảnh truyền thần một ông già gân guốc cắt đầu móng lừa, vừa quay ra Sửu đã kéo Thủ ngồi xuống chiếu. Còn nguyên vẹn một mâm đầy. với đủ các món ăn. Thủ gọi với xuống bếp:
- Bà chủ đâu rồi?
Thủ chưa dứt lời, vợ Sửu đã từ nhà dưới cầm cây đèn toạ đăng đi lên đon đả, tiếng người đồng bãi trồng đay vẫn giữ nguyên pha tạp. Nghĩa là phát âm rất ngọng:
- Giờ bác mới sang. Bác Hợi với bố cháu mong bác từ trưa. Hôm nay em sắp cơm canh quấy quá nhớ cụ cháu. Nuôi được con cày béo quá, mà mấy anh em thợ vụng nàm hỏng mất bộ nòng. Bố nó xem có phải hâm nại canh không?
Về khuya, gần tàn bữa rượu, mấy ông hàng xóm bên cạnh mới lệt sệt kéo những đôi guốc mộc sang. Số láng giềng này Sửu đã mời lúc trưa, bây giờ họ tự động đến là một cách biểu hiện tình cảm với đông chí bí thư Đảng uỷ. Vợ Sửu trải thêm chiếu nữa ra hiên. Mấy ông tự tráng ấm pha trà. Chè móc câu nhỏ khô săn như gạo rang, bỏ vào xuyến kêu roong roong như đông. Chế nước chỉ được qua lưng ấm, đậy nắp, rồi dội một chén nước sôi lên bên ngoài để xuyến nóng đều khiến chè mau ngấm. Nước róc ra xanh ánh trong những chiếc chén hạt mít uống sít soạt rất to, chép miệng rất to, nhưngbnước chỉ thấm môi. Người sành trà là phải biết tận hưởng, biết nhâm nhi ngẫm ngợi từng cái hương cái khói toả ra từ những nụ búp căng nhựa rang khô đang nở ra trong thủy nhiệt. Đó là phép thưởng trà. Lúc này chuyện mới nở như ngô rang. Từ chuyện đảng ủy và uỷ ban cho người đi mua sắn, mua khoai về bán chịu cho bà con từ mươi hôm trước thật là sáng suốt, đúng là một miếng khi đói bằng cả gói khi no (Họ khen Thủ đấy!) Rồi nhảy sang chuyện bà con có kêu ca về việc hợp tác chia ruộng khoán còn có chỗ chưa hợp lý giữa Giếng Chùa với xóm Trại (Họ muốn nhắc nhở Thủ đấy!). Rồi sang chuyện nghe đồn lại có đơn kiện từ dưới này gửi lên huyện, lên tỉnh tố cáo rằng xã tự ý cắt một số đất canh tác cho con cháu mấy cán bộ chưa tách hộ làm nhà. Thoắt cái, chuyện của mấy ông nông dân vươn tới tầm chiến lược, bàn từ ông Goocbachốp dấy lên cái việc cải tổ, làm cho một số cán bộ cũ bên ấy về nghỉ như sung rụng. Thì ra con người cũng như cái kèo cái cột, dùng lâu quá không mối mọt bên ngoài, thì cũng ải nát bên trong! Rồi thì từ chuyện ông tai to mặt lớn đang khuấy đảo cả gầm trời, đến những anh cu chị cún chỉ quen với con cua cái ốc nơi xó đồng, các bố đều trộn lẫn với nhau, bàn rôm rả bên manh chiếu cùng ly rượu chén trà và những hơi khói thuốc lào sòng sọc.
Thủ giở nằm giở ngồi, tựa người vào tường, làm ra vẻ say lừ đừ để đỡ phải nói nhiều, nhưng thực ra đâu óc anh rất tỉnh. Chốc chốc Thủ lại kín đáo liếc nhìn đồng hồ tay. Anh bỗng thấy nóng ruột bồn chồn thế nào. Đã hơn mười giờ, nhưng chưa ai buồn ngủ. Sửu lại pha một ấm trà mới. Mọi người quay sang bàn tán về chuyện con ma hiện lên ở lêu lão Quềnh mà bà Đồ Ngật mắt tròn mắt dẹt kề mấy hôm nay. Hoá ra là một người đàn bà thật. Bà cả Lợi chủ quán phở ở đâu xã đã thuê chị ta gánh nước và rửa bát hai hôm nay. Nhưng hình như ban đêm chị ta lại về ngủ ở nhà lão Quềnh. Sao thế nhỉ? Hay lão Quềnh đã được tí tá tí mẻ, nên chị ta nhớ hơi cái ổ nằm? Hay là ma đội lốt người? Mọi người đang cười hinh hích, thì bỗng phía cuối làng có tiếng gì ầm ầm và ánh lửa chấp chới. Rất nhanh, cái khối ầm ào ấy mỗi lúc một to thêm, sáng thêm, rùng rùng chuyển động giữa đường làng, đi ngược lên phía uỷ ban xã.
- Cái gì thế nhỉ? Bắt được cướp hay sao?
- Hay đấy chính là một đám cướp?
Mọi người nháo nhác hỏi nhau, rồi bỏ những chén trà vừa róc chạy ra cổng. Thủ cũng nhỏm người dậy, mắt vẫn nhìn ngơ ngác như chưa hết cơn say. Nhưng toàn thân anh bỗng nháy một cái như có tia điện chạy lướt từ chân lên đầu. Không nhẽ lại chính là chuyện ấy? Thế thi chết cả nút!. Sửu thu vội ấm chén, bảo Thủ:
- Ta cũng phải ra xem cái gì anh ạ!
Thủ gật đâu, vùng dậy, châm một điếu thuốc. Không có ai bên cạnh để nhìn thấy bàn tay Thủ đang run bắn. Một sự thầm mách bảo rằng cái đám ồn ào và những ánh lửa nhấp nhoá kia là điều rất gở đối với anh! Cái điều anh thắt thỏm lo ngại suốt ngày nay, hình như có đến thật rồi! Không khéo ông Hàm bị rồi? Thế thì hại tôi, chết tôi rồi? Xoay xở thế nào đây?.
Khi Thủ vừa lẹp kẹp đến ngõ, thì thằng con trai lớn của Sửu dưới chân đồi chạy bố lên, miệng lấp bấp cứ lạc đi:
- Bác Thủ! Bác Thủ! Bác Hàm bị người nhà ông Phúc trói! Họ.. Họ đang dong lên xã.
Mắt Thủ tối xầm lại, ngực dội lên một cái Chết đứt rồi! Chỉ tí nữa thì Thủ kêu lên như vậy, nhưng anh đã lái được sang câu hỏi đến ngớ ngẩn:
- Sao? Hai ông già mà đánh nhau à?
Rồi cả Thủ, Sửu cùng mấy người hàng xóm băng qua mặt đồi chạy xuống đường. Mặc dù đã chuẩn bị thần kinh và gân cốt để đương đầu với cánh khan tương đổ mẻ nhưng người Thủ vẫn rã rời như chỉ muốn đổ sập xuống khi đám đông đèn đuốc rừng rực, rùng rùng những mặt người phừng phừng vừa đi vừa hô hoán kia đã hiện ra ở trước mắt.
Quang cảnh này y như hồi chiến tranh phá hoại, một hôm cũng vào lúc gần sáng có chiếc F4 đến bỏ bom trộm trên khu gang thép, bị tên lửa bắn cháy, thằng giặc lao quáng quàng xuống đến đây thì vỡ tung giữa cánh đồng Cây Quéo ở cuối làng kia. Mảnh bắn vung vãi làm vỡ một mái ngói, cháy hai túp nhà bếp, nhưng may không ai việc gì, kể cả viên đại uý phi công nhảy dù treo lơ lửng trên bụi tre gai, dân quân phải bắc thang khều hắn xuống, rồi dong tên giặc cao lênh khênh bó người trong bộ quần áo kháng áp nhằng nhịt những túi, những khoá như dong một con thú mặt người mình thuồng luồng lên uỷ ban xã. Người các làng đổ đến như đi xem xiếc.
Lần này cũng gần như cả làng Giếng chùa mất cả ngủ ngáy, chạy xô vào nhau để nhìn ba bác cháu ông Hàm bị dòng họ Vũ Đình bắt làm tù binh.
Khi Hàm nhảy xổ vào Phúc, vung tay đấm vào ngực Phúc, thì ưởng và Ngạc cũng hét một tiếng, huơ xẻng lên như hai tên hung thần. Rất nhanh một cái gậy phanh đánh chát vào chiếc xẻng của ưởng và một cây gậy khác phạt phía dưới, ngang gióng chân, làm ưởng ối lên một tiếng, ngã sấp vào bụi đồng ré lá sắc như cật nứa. Cùng lúc cái xẻng của Ngạc bổ bừa xuống những cái bóng nhốn nháo trước mặt. Một tiếng kêu á và một phát súng nổ đánh đoàng toé lửa ở đầu nòng. Không ai động đến Thó, nhưng anh lính đánh thuê đã ngã nhào xuống, rồi cư lăn người rào rào trên bãi cỏ như một khúc gỗ tròn, miệng khóc hu hu. Viên đạn ghém bay sượt qua tai Ngạc. Biết là chưa dính da, nên một bóng người ở phía sau kéo giật ngang chân Ngạc, khiến cả cái khối thịt bị hẫng, ngã đánh hự. Đám con cháu nhà Vũ Đình nhảy phất ngay lên người Ngạc. Con trai bà Lộc, một gã thanh niên cao to như cái minh tinh, cùng xấp tuổi với Ngạc, từng hục hặc với Ngạc, llên mượn gió bẻ măng, gióng lấy súng của chồng bà Tài lên đạn lách chách, rồi chọc cái nòng lạnh ngắt vào mang tai Ngạc, rống lên đắc thắng:
- Đ. Mẹ! Ta phải bắn vỡ sọ thằng này!
Nhưng ông Tính đã vội giật lại khẩu súng. Vừa lúc tiếng Vũ Đình Phúc cũng hét lên:
- Không được bắn? Trói tất cả lại!
Thoắt cái, ưởng và Ngạc đã bị trói gô bằng chạc trâu. Còn lại vị chủ tướng của chi họ Trịnh Bá, ông Hàm đang oằn oại bên bụi sim. Sau khi đấm cả hai nắm tay vào ngực Phúc, trút nỗi uất ức rồ dại vào đối thủ, thì Hàm bị Phúc đá vào hạ bộ, ngã lăn ra. Thực chất là cả hai ông trưởng họ không biết miếng mẹo gì cả, đánh nhau như trẻ con, cứ lao bừa, đấm đá bừa, được đâu hay đấy! Khi Hàm tỉnh lại, thì bị trói cứng cả hai tay.
- Dong chúng nó lên xã! Hô hoán nữa lên cho cả làng thấy cái mặt mo mặt mẹt!
- Để nguyên chỗ nó phá, đừng lấp. Sẽ gọi công an đến làm chứng.
Anh em nhà Vũ Đình hò hét bảo nhau, rồi đẩy ba bác cháu ông Hàm đi. Những bó đuốc được đốt thêm, người đổ ra thêm. Vừa đi đám người vừa hò hét khua gõ ầm ĩ. Một người cháu họ của ông Phúc bị một lưỡi xẻng của Ngạc bổ sượt qua vai, tí nữa cậu ta bị chẻ theo chiều dọc! Bây giờ một miếng vải xô trắng cuốn trên bả vai, trông mùi mẫn như một nhân chứng của sự cảm tử! Cậu ta vác chiếc gậy đi cạnh bó đuốc cháy chửng chửng, nhìn dữ dần như một đội nghĩa quân thời bộ lạc.
Đám người đi đến đâu, đêm vỡ ra đến đấy trong ánh lửa và tiếng hò hét thinh nộ. Đám đông đã hiện ra nhỡn tiền trước mắt Thủ.
Đi đầu là con trai bà Tài. Người dài lêu đêu như con sếu. Hai tay dơ bó đuốc quá đầu, chốc chống lại huơ tròn cho ngọn lửa bốc cao. Tiếp đến là ưởng và Ngạc tóc tai bù xù rũ rượi, mặt mũi sây sát, tối sầm. Rồi đến ông Hàm, vẫn bộ quần áo xanh tàu tàu, mắt gườm gườm nhìn xuống, mái đầu cắt móng lừa, tóc dựng lên như bông gáo. Lòng Thủ bỗng quặn lại, thương ông anh khốn khổ. Mồ hôi vã ra từ lòng bàn tay. Nỗi đau của tình máu mủ dội lên trong người Thủ. Uất ức đến nghẹn ứ lên. Trán và sống lưng chảy mồ hôi lạnh. Thấy Thủ bỗng run toàn thân như dẽ khi cái đám bộ lạc kia chỉ còn cách mươi bước chân, Sửu quay sang hỏi nhỏ:
- Anh quay lại vào nhà tôi đã. Coi như anh không ở đây. Cứ để tôi lo liệu.
Thấy Thủ vẫn đứng ngây ra bất động, Sửu bảo con trai.
- Thằng Mùi đưa bác về nhà.
Sửu lo Thủ không giữ được bình tĩnh, lại giống như Nẫm hồi năm ngoái thì hỏng bét. Đang là phố chủ tịch kiêm trưởng ban công an, chỉ vì bênh em gái, mà em gái Nấm chúa hay cậy thế gào làng ăn vạ. Làm thủ kho mà ăn cắp như ranh. Bị Phát giác còn lu loa xông vào xé áo người ta. Thế là đánh nhau. Được tin, Nẫm lao bế đến bênh em. Khi bị phê bình kiểm điềm, Nẫm còn nói chầy bứa: Dù mất chức, mất quyền, mất Đảng, chứ tôi không cho ai động đến người nhà của tôi! Đã thế thì mất ráo! Anh mất chức tháng trước thì em gái mất cái chân thủ kho béo bở tháng sau. Cả làng cười cho là dại!
Giờ đây Sửu chỉ lo Thủ cũng không giữ được mình. Anh ấy đang run thế kia. Mặt tái đi thế kia! Dân gốc vùng này hễ động đến họ hàng ruột thịt của họ, là họ dễ nổi máu điên lắm. Thằng Mùi vừa kéo Thủ quay lại, thì Sửu nhảy xuống đường vung tay nói lớn:
- Có chuyện gì thế này? Tại sao đêm hôm lại khua ầm ĩ thế hả? Biểu tình hả? Tất cả giải tán ngay! Có việc gì mai lên xã giải quyết!.
Đám người đang hùng hổ, bỗng sững lại. Như dòng nước đang sôi sục, bỗng hút vào một con đập chắn ngang. Những người không dính dáng gì đến dòng họ Vũ Đình, chỉ đóng vai chầu rìa, nếu cần nhảy vào đánh hôi dăm ba quả cho sướng tay. Bầy giờ thấy mặt chủ tịch xã đàng đằng cương quyết, nên lỉnh ngay. Chả dại dây với chính quyền, trứng chọi đá.
- Báo cáo với ông xã là thế này! Một tiếng nói the thé rẽ đám người đi lên. Đấy là bà Lộc, người đành hanh nhất họ Vũ Đình, cũng ham hố vào loại nhất họ. Khi ông Phúc mất chân chủ nhiệm, bà nói toang toang là ông anh bà không cùng a kíp với cánh cán bộ xã bây giờ, chứ còn ai thạo việc bằng bác Phúc! Thấy chồng về hưu, bà thở dài đánh thượt: Ông vội về làm gì? Tôi không cần ông phải chân lấm tay bùn, tôi gánh được tất. ở làng này mà cả vợ chồng con cái phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mới kiếm được miếng ăn, thì không ai người ta trọng - Bà đang ấm ức khi thấy họ Trịnh Bá đang lên, họ Vũ Đình nhà bà đang xuống. Cả bên nội bên ngoại những một đống đảng viên mà lại chịu đi xuống? Đảng viên mà lại chỉ biết cái cày cái cuốc người ta bảo quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật, thì còn đảng làm gì! Bà Lộc thấy nội tộc nhà mình như bị vặt lông vặt cánh. Cho nên lúc nãy đang ngủ, nghe chồng về báo, bà chồm ngay dậy. Nỗi căm tức mộ bố bị phá còn chưa sôi sục bằng thấy họ nhà mình bị thua thiệt. Bây giờ có cớ bà lập tức như con chim xù lông, thấy đây là lúc tốt nhất để bà túm tóc cả nhà Trình Bá mà ấn dúi xuống!
- Báo cáo với xã là chúng tôi không có lật đổ ai, chỉ vì mấy người xấu bụng này định hại cả họ nhà chúng tôi. Đã đào mộ bố chúng tôi vừa chôn, lại định đánh chết người nhà chúng tôi ra ngăn. Lúc nãy thằng con tôi không tránh nhanh thì bị bổ chết rồi! Hỏi cả cái gầm trời này có còn ai ác độc hơn thế nữa không? ối bà con làng nước ơi!
Bà Lộc oà khóc nức nở. Chủ tịch Sửu lại huơ tay nói lớn:
- Nhưng cứ phải giải tán! Đêm hôm không được làm loạn xà ngầu lên. Có gì sáng mai giải quyết.
Bỗng một tiếng hét cắt ngang từ phía cuối đoàn người:
- Tại sao lại giải tán? Định âm mưu đánh tháo những tên có tội hả?
Rồi đến năm sáu bóng người lừng lững xừng xổ đi lên. Ông Phúc vội kéo tay một người, thì người ấy nói rinh rích như nhai chính giọng nói của mình Bác mặc chúng em. Đấy là những người họ xa của ông Phúc, vừa mắt nhắm mắt mở đến, nhưng đã nghe thủng câu chuyện, họ lên gầm lên. Đây cũng là những thành phần ghê gớm, thật ra họ chẳng thù hằn gì anh em nhà Trịnh Bá, mà lại cay cú với chính Trần Văn Sửu về việc Sửu giải quyết đất đai không đúng ý họ từ hơn năm nay, nên họ muốn nắn gân Sửu cho hả giận. Một người quay sang bà Lộc hét:
- Thím Lộc câm ngay mồm? Việc gì phải khóc? Cái lý nắm trong tay mình, sao phải khóc?
Rồi ào một cái, cả sáu người đàn ông đứng vòng tròn quanh Sửu. Lô nhô những đầu gậy và cả một cái lưỡi thùng lùng nhọn hoắt cứ lấp ló sau lưng Sửu. Một bàn tay nặng như cùm ấn vai Sửu xuống. Những khuôn mặt gân guốc như đá đeo, những tia mất sóc sói như đã nổi cơn điên, cứ xỉa vào người Sửu Một giọng nói trầm, nhưng rất sắc chõ vào tai Sửu:
- Này ông chủ tịch ngụ cư hãy liệu thần hồn! Mở tai ra nghe đây: ông định hống hách với ai? ông định bao che để trả ơn thằng Thủ hả? Định để sáng mai rồi đổi trắng thay đen, cứt trâu hóa bùn hả? Khôn hồn phải giải quyết ngay đêm nay, và không được động đến mấy thằng này, nếu không phải có người phá hết lúa má, sẽ đốt nhà rồi dìm ông xuống sông! Những thằng trọc đầu này đã chơi là không ngán đâu.
Sửu đang tái xám cả mặt mũi, thì chính người vừa nói những lời dao búa ấy quay ra, đấm tay vào thinh không, cao giọng:
- Tất cả im lặng! Chúng tôi đã hội ý với ông chủ tịch! Ông chủ tịch đã bằng lòng sẽ giải quyết ngay đêm nay. Bây giờ mời ông chủ tịch có vài lời!
Sửu lách người, đứng ra khỏi vòng vây hãm, nhưng mắt vẫn liếc dè chừng. Cái giọng quyền biến lúc nãy, bây giờ bỗng ngắc ngứ.
- Xin bà con yên tâm. Tôi sẽ không bao che khuyết điểm cho ai. Nhưng vì đây là việc phức tạp, nên phải có mặt của cả đảng uỷ, uỷ ban và công an, rồi nghe đôi bên trình bày. Vì thế tôi không muốn gây rối loạn giữa đêm thế này.
Thế là tất cả lại ầm ầm lên:
- Đừng có nói quanh co tù mù thế! Ông có giải quyết không?
Ông Phúc bây giờ mới lên tiếng:
- Tất cả im lặng, mọi việc đã có tôi. Từ nãy đến giờ tôi chưa nói, là tôi muốn xem xã định giải quyết thế nào. Bây giờ chúng tôi yêu cầu: xã phải lập biên bản ngay. Phải giam giữ luôn mấy người này! Tôi đã cho người đi gọi trưởng ban công an và bí thư đảng uỷ tới.
Sửu quay lại Phúc nói thống thiết:
- Đồng chí Phúc, tôi đề nghị chúng ta hãy lấy tinh thần đảng viên để giải quyết công việc. Đồng chí định khua cả xã dậy hay sao? tôi được biết tối nay cả bí thư đảng uỷ và trưởng ban công an đều đi vắng không có nhà.
Lại ầm ầm như vỡ chợ:
- Khua cả xã dậy cũng được. Đừng có đánh bài chuồn mà không xong đâu? Làm cán bộ thấy việc phải giải quyết, chứ không phải chỉ quen nghe người ta mời vào mâm!
- Bí thư với công an đi vắng, chúng tôi cũng tìm bằng được có lẩn đằng trời!
Đang nhao nhao, thì bỗng một giọng rất đanh, vang lên phía trên đồi:
- Tôi đây! việc gì tôi phải lẩn đi đâu!
Rồi Thủ nhảy từ trên thành ta-luy xuống. Đôi mắt thường ngày hay nheo cười lấy lòng, bây giờ ánh lên sắc lạnh.
Thủ liếc nhanh sang Sửu như muốn nói: Anh chỉ tổ gây rối thêm việc! Đáng lẽ phải vờ nhũn để lấy lòng họ, để dập tắt đám cháy, rồi sẽ tìm cách phản công sau, thì anh lại chọc tức họ, rõ là chọc tổ ong, ngốc!..
Sửu đã đọc được những lời chỉ trích ấy và ông chủ tịch sổ xổ đứng co người lại.
- Thưa bà con! - Thủ cố hạ giọng, nhưng tiếng vẫn run lên - Tôi mới được tin vội đến đây ngay. Nhưng tôi đã nghe rõ sự việc. Như vậy là người nhà của chúng tôi sai. Mức độ thế nào đã có pháp luật phân giải. Tôi đồng ý sẽ giải quyết ngay đêm nay. Ngày mai sẽ mời huyện về xem xét. Bây giờ tôi yêu cầu đồng chí Phúc, đại diện bên tố cáo, cùng chúng tôi lên văn phòng uỷ ban để lập biên bản. Còn tất cả xin mời về nghỉ để đảm bảo trật tự an ninh.
Bà Lộc lại the thé:
- Nhưng giữ ba người phạm pháp này lại không được thả.
Thủ khoá tay dứt khoát:.
- Tôi đồng ý! - Bên chúng tôi không phải chỉ có mình ông Phúc, mà phải có cả thằng Quyền con tôi bị chém hụt, rồi ông Thó bị mua chuộc cùng lên để kể rõ sự việc vào biên bản.
- Tôi đồng ý!
Một tiếng thở phào từ cuối đám đông:
- Có thế chứ!
- Nghe lọt tai đấy!
Sự nhũn nhặn của người có quyền cao nhất xã, cộng với sự đầu hàng của người đại diện cho dòng họ Trịnh Bá đã làm cho quả bóng đầy hơi của chi họ Vũ Đình được mở van. Cả đến những anh chầu rìa sẵn sàng nhảy vào đánh hôi tuốt tuột cả hai dòng họ, giờ cũng toát ra cười hể hả! Những bộ mặt đang hầm hè hến chùng ngay xuống. Duy nhất chỉ có một người nghe lời mềm mỏng của Thủ, thấy như mình bị thoi từng quả đấm vào tim. Miệng chỉ chực gầm lên chực chửi bới tất cả, chân tay đập phá tất cả. Đấy là ông Hàm!
Ông trừng trừng cặp mắt cá rói nhìn thẳng vào Thủ, người cùng giọt máu với ông. Người xưa nay quen gặt hái trên công lao nhọc nhằn của ông. Ông đã vì hắn mà nai lưng ra cáng đáng mọi việc như một con lừa! vậy mà hắn đã bán phéng ông! Đồ đểu! Mặc cho ông Hàm tức giận đến dựng ngược cả mái đầu bông gáo, nhưng lên tới văn phòng uỷ ban, ông vẫn phải ký vào biên bản rằng: ba bác cháu ông cùng một lúc đã phạm vào hai tội: phá mộ người mới chết và hành hung thân nhân người chết khi họ ra can ngăn.
Cả hai tội đều to kềnh! Đó là hai cánh cửa để đón ba bác cháu vào tù! Biên bản được lập trước sự chứng giám của những người chủ chốt của chính quyền địa phương: bí thư đảng uỷ, chủ tịch xã và phó ban công an.
Đồng chí phó ban công an thực sự bị dựng dậy từ trong buồng vợ, giữa lúc đồng chí đang lắp ghép bức tượng người hai lưng? Phó ban công an là cháu bên vợ Thủ, gọi Thủ bằng dượng. Thế nghĩa là ba người này: bí thư, chủ tịch xã và phó bạn công an rất hợp ý, hợp lòng như ba chân kiềng. Vậy mà vẫn thua. Vẫn phải làm theo yêu cầu của Vũ Đình Phúc, là xã quyết đinh tạm giam ba bác cháu ông Hàm để hôm sau huyện về phân xử. Và ba bác cháu ông làm đã nằm chờ sáng trên mấy cái ghế băng ghép lại trong căn phòng dùng làm nhà kho ngổn ngang những cờ, đèn, kèn, trống, panô, khẩu hiệu của xã. Một căn phòng tối tăm đây những mùi mốc, mùi bụi. Bên ngoài cửa khoá trái. Đích thị là nhốt những thằng tù! Xong việc, Thủ vừa ra đến cổng uỷ ban thì gà gáy canh hai. Người mệt như rút tuỷ. Thủ cay đắng nhận thấy chính mình, đang có trong tay cả một chính quyền, nhưng vừa bị thua một cú nốc ao! Chính anh, vừa phải bàn giao cả uy tín và sức mạnh của cá nhân mình, của dòng họ mình cho Vũ Đình Phúc! Hai tay Thủ bỗng chốc như tuột hẫng, không còn biết bấu víu vào đâu. Xung quanh trống hoác!
- Anh ạ, ta bàn xem - Sửu bước vội lên gần Thủ, rụt rè nói.
- Thôi! - Thủ dằng giọng, bước nhanh. Anh cũng tự thấy mình vô lý khi nổi cáu với Sửu, nhưng lại không thể ngọt được! Cả Sửu và Cao, phó ban công an đều không dám gọi Thủ lại.
Vừa ra đến cổng, Thủ bỗng giật mình khi thấy một bóng người quen quen đang đứng tựa vào gốc cây bạch đàn phía trước.
- Ai? Cái Đào hả?
Thủ vừa lên tiếng, thì bóng người con gái đang đứng ủ rũ ngửng phắt lên, giọng đanh lại, đúng là con gái ông Hàm!
- Phải! Cháu đây! Chú đã cứu một người ruột thịt của chú như thế đấy! - rồi Đào khóc hức hức lên, chạy xiêu xiêu nhoà vào những bóng cây tối thẫm.
Thủ đứng lặng, lòng tan nát!
Đào vẫn chạy xuôi theo đường, miệng vẫn khóc nức lên như bị đòn oan, như bị hắt hủi. Nhưng Đào vốn là cô bé không chỉ biết có sướt mướt. Mang hình dáng mẹ, một hình dáng thon óng, gợi cảm gợi tình, nhưng trong người Đào là dòng máu bố, chất máu của sự quyết đoán và bạo liệt. Khóc cho vợi lòng, rồi Đào lần lần nhớ lại. Đào thấy mình đã bị lừa!
Mà người lừa cô không phải ai xa lạ. Chính cái người tối tối Đào vẫn phải tìm mọi cớ cho lọt tai hai cụ via, để rồi cô lao bố ra gốc nhãn, ra điểm hẹn, điểm say mê của hai người. Đến khi về nhà, đêm đã rét se se, nhưng Đào vẫn dội nước lạnh để cho dịu người lại. Da thịt cứ hôi hổi, bừng bừng. Có hôm cái Hoa sang ngủ chung, đêm nằm mơ, Đào cứ ôm ghì lấy đưa em, dụi đầu vào mặt nó, đến khi cái Hoa kêu thét lên, Đào mới tỉnh. Sáng dậy, đang rửa mặt, cái Hoa bỗng sực nhớ, và ở đứa con gái mười hai tuổi, đã có nhạy cảm về giới tính, nó nháy mắt quay sang bà Son: U ơi đêm qua chị Đào ghê quá? Đào gần như hét lên, lấp liếm cất ngang lời nó: Im đi! Đừng có nhí nhố! rồi Đào kèm sát nó, thấy nó định mở miệng là chí tay vào sườn, cho đến khi nó đi học cô mới thở ra cười thầm. Để rồi đến tối, trước sự háo hức của người con trai, Đào hãy tay ra, béo vào tai Tùng khoan đã nào, để yên người ta kể cho mà nghe chuyện đêm qua người ta mơ. Rồi kể, rồi cả hai cười rinh rích rồi ôm cuốn lấy nhau. Những vòng tay siết chặt như bện thừng!
Đêm nào gặp nhau cũng như men, như lửa. Rồi xa nhau chỉ mươi tiếng đồng hồ, và chỉ có cánh nhau một cánh đồng, nhưng lúc chia tay cứ bịn rịn nấn ná. Người này nhìn như uống lấy người kia. Đang đi, lại đứng, lại ngồi dùng dằng nối tiếc. Nhưng tối nay rõ ràng là khác lắm. Hắn vội vội vàng vàng như người mất của. Vừa đến đầu rặng tre kia là hắn quay lại phới ngay. Thế mà lúc ấy mình ngu quá, không phát hiện ra. Hắn đã chạy vội về để huy động cả họ hàng ra đồi sim bắt mấy người làm bậy. ừ thì mấy người này sai rồi, nhưng thiếu gì cách để ngăn cản họ. Chỉ cần một mình hắn chạy ra đánh động từ xa, thế là đủ để mấy người kia bỏ chạy ré kèn. Nhưng hắn đã không làm thế. Chinh hắn đã đầu têu, đã tồ chức ra cái việc bắt bớ này. Đào lại khóc nức lên uất ức. Cô đang thầm hoạch tội hắn, tức là tính sổ Tùng với tất cả sự vứt bỏ và căm thù!
Cả bà Son và cái Hoa cũng đang nằm khóc. Cái Hoa cứ ôm lấy bà Son khóc như bị mắng, bị phạt từ lúc Đào tất cả chạy theo đám người đèn đuốc rừng rực dong ba bác cháu ông Hàm lên xã. Lúc ấy bà Son đi như lê từ ngoài cổng vào. Chỉ tới được chiếc giường là bà lăn ra như không còn xương cốt. Buổi tối thấy Thó đến với bộ mặt thấp thỏm, bà đã nghi nghi. Rồi về khuya thấy ưởng và Ngạc, hai ông cháu bất hảo đến, thì bà Son thấy rõ mấy người này sắp làm cái gì vụng trộm. Chiều ý ông Hàm, bà vào buồng nằm, cố lắng tai nghe, nhưng không sao rõ được những lời thì thầm của họ. Thôi mặc, lại đến đi móc trộm gỗ, trộm phản của ai là cùng chớ gì. Cái ông này đến lạ, có thiếu thốn gì cho cam. Hay đấy là cái máu của những anh cầm tràng đục? Nhìn thấy gỗ đẹp, gỗ tốt là cứ mắt la mày lét như anh háu sắc thấy gái!
Khi họ dắt nhau đi, thì bà Son đã thiu thiu ngủ. Rồi chó cắn rầm rĩ, rồi người la, rồi những bó đuốc đùng đùng cứ huơ lên như phát cuồng. Thấy ông Hàm chưa về, linh tính bỗng báo cho bà có cái gì không lành. Bà chạy ra đường cái chính. Rồi bà dụi mắt mấy lần để nhìn xem có đúng là ba bác cháu ông Hàm bị trói và đang bị dong đi kia không. Đến khi thấy đúng là thật rồi, chứ không còn mộng mi gì nữa, bà đã nhìn thấy ông Phúc và cái đám đông kia hầu hết là anh em họ hàng nhà Vũ Đình, thì bà Son run hết cả chân tay, ngồi khụy xuống, nước mắt chảy ràn rụa. Chắc chắn không phải chuyện gỗ lạt rồi, cái gì đó nghiêm trọng hơn nhiều. Bà Son chạy tắt về nhà, dựng Đào đang ngủ mê mệt dậy. Chưa hết tuổi ăn tuổi ngủ, lại được tình yêu đắm say ru vỗ nên đặt mình xuống là Đào trôi ngay vào giấc ngủ vừa bềnh bóng vừa thăm thẳm.
Đào khoác vội áo, rồi vùng chạy theo đám đèn đuốc. Lát sau lại chạy bổ về kể đầu đuôi cho bà Son nghe. Bà Son thất kinh, miệng mếu máo kêu: Giời ơi! Sao thầy mày dám làm cái việc ác ấy? Chân tay bà càng run như eơn kinh giật. Thì ra ông ấy thù hằn anh em nhà Vũ Đình ghê gớm quá nhưng ông ấy lại chuốc lấy tai hoạ rồi! Một lần nữa ông ấy lại thua rồi. Lần trước thua, ông ấy đã trút sự uất ức lên đầu bà. thua lần này, ông ấy sẽ đổ vào đâu ai? Càng nghĩ, bà Son càng tủi cho cái số của mình, chỉ muốn yên phận mà cũng không được. tiếng khóc cứ lặng đi. Cái Hoa cũng đã thức. Ba mẹ con rặt đàn bà con gái ôm nhau khóc như nhà có đám. Đào lại vùng dậy chạy ra đường.
- Mày còn đi.đâu? - Bà Son kéo áo Đào.
- Con phải đi xem người ta làm gì thầy.
- Đừng có lu loa, Đừng có gây sự với họ nữa con ơi! Mình sai rồi? - Bà Son nói như van vỉ. Bà biết tính con gái. Khi cần nó cũng đanh đá ghê gớm lắm, chứ không mềm mỏng như thằng Dương anh nó. Nó giống thằng Dinh, tính cục. Ngày mới lớn đi chăn trâu, Đào đã thấy lần đánh nhau với con trai, mà lại đánh được! Vì lúc tính cục nổi lên, Đào vớ cái gì đánh nấy, vớ gì phang nấy. Đám con trai làng này vừa thích nó, lại vừa sợ nó!
- U cứ mặc kệ con! - Đào vùng vằng rồi lao ra cổng.
Và cô đã đi theo đoàn người đến tận cùng, đến phút chót. Đào lùi lại một quãng khuất vào bóng tối để không ai nhận thấy mình. Đào cố nhìn nhưng không thấy hắn. Thế tức là hắn ném đá giấu tay! Hiểm thế! Cụ bô thế mà tinh, ngay từ hôm đầu cụ đã bảo hắn không phải tay vừa! Tới uỷ ban, Đào núp trong bụi chuối ở góc vườn. Đến khi thấy người ta đưa ba bác cháu ông Hàm về gian nhà kho ở cuối hội trường, thì Đào định nhảy ra hét lớn. Nhưng rồi cô đã kìm được khi quyết định chờ Thủ ra để trút hết sự giận dữ lên ông chú đang nắm quyền cao nhất xã, vậy mà bây giờ đã hoàn toàn bất lực.
Nhưng rồi Đào chỉ ném được câu trách móc ấy vào người Thủ, rồi khóc tứe tưởi chạy về nhà.
Đào đi sầm ầm lên nhà trên. Bà Son văn mở cửa. Ngọn đèn con vặn nhỏ đề trên bàn sa-lông giữa nhà. Bấc đèn có hoa. Người hay tin điềm, cho đó là một báo hiệu xấu.
Cái Hoa nằm ôm lấy bà Son, rúc đầu vào nách mẹ như sợ một tai hoạ gì sẽ đến với chính nó.
- Người ta làm những gì với thầy? - Bà Son nhỏm lên tiếng đã rè đặc.
Trong ánh sáng vàng mờ của ngọn đèn, khuôn mặt bà Son như gầy võ hẳn đi.
- Ông Thủ cũng chẳng được cái tích sự gì! Anh em ông Phúc yêu cầu thế nào, mấy ông xã cũng phải chịu nghe thế? - Đào vừa nói dằn giọng, vừa róc nước như xối ra cốc, uống; rồi vặn to ngọn đèn. Bà Son sửng sốt thấy Đào đã có cái giọng đúng là người của dòng họ Trịnh Bá khi nói về người dòng họ Vũ Đình. Nó nhiễm cái máu ấy từ bao giờ? Sao lại nghe phong phanh là nó với thằng Tùng con bà Sang phải lòng nhau?
- Lúc đi thầy có nói gì với u không? - Đào vẫn ngồi lầm rầm ở ghế, giọng đanh lại chứ không còn sùi sụt nữa.
- Những chuyện riêng của thầy mày có bao giờ tao được biết? - Bà Son nói ấm ức - Lúc mấy người kia đến, thầy mày còn không cho tao ngồi gần sợ nghe thấy. Chả nhẽ việc như thế ông Thủ lại không biết?
Đào buông một câu, càng đúng là cái gien ông Hàm:
- Có biết bây giờ cũng chối là không!
Chiếc đông hồ ô-đô trên tường buông năm tiếng. Cả bà Son và Đào chợt khẽ rùng mình. Bởi cả hai người cùng hiểu sáng ra, giữa thanh thiên bạch nhật, chuyện nhà bà sẽ càng ầm ĩ cả làng, cả xã. Rồi những người không ưa ông Hàm, không ưa họ mạc nhà này sẽ được dịp cười cợt khích bác cho bằng thích để hả lòng hả dạ. Kể cả những người không yêu không ghét, xưa nay không có xích mích gì, nhưng thấy một nhà phong lưu một dòng họ phong lưu bị sa sẩy, thì họ cũng vẫn cứ thích? Nhất là lại được nói những lời an ủi, được san sẻ nỗi âu lo với các người quen đứng ở trên mình, thì sự thích thú càng tăng! Bởi lâu nay họ phải nhìn thấy anh em nhà Trịnh Bá may mắn nhiều rồi, làm chơi ăn thật nhiều rồi, đến bây giờ họ mới được đưa tay ra cảm thông cùng những lời trắc ẩn để an ủi anh em nhà Trịnh Bá thì còn gì thú vị bằng! Làm thế là chính là để tự vuốt ve mình đấy thôi! Được đưa tay cúi xuống nâng người khác, bao giờ cũng dễ chịu hơn rất nhiều là phải kiễng chân để xin một ân huệ! Bà với con Đào cũng sẽ bị họ cười vào mũi! Nhan sắc hơn người mà! Nhan sắc luôn là con dao phản chủ!
Mặc nỗi lo của mẹ con bà Son, đêm đông tỏ ra sáng dần.

<< Năm | bảy >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 153

Return to top