Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9756 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

Tám
Đã vào gặt chiêm. Làng xóm rậm rịch từ tinh mơ. Bây giờ không ai chờ phải có kẻng, chờ ông đội trưởng đi thúc nữa. Khác làm, khác lo. Ngay lông bông như anh chàng Thó mà bây giờ cũng tự biết mình phải làm gì. Mặc dù hợp tác chưa khoán đất, khoán ruộng xong. nhưng vụ chiêm này các hộ đã nhận diện tích và sản lượng rồi tự chăm bón và thu hoạch. Hợp tác xã đảm nhận khâu đầu và khâu cuối, tức là giao khoán cho các hộ sau khi gieo cấy xong, cuối vụ hợp tác thu sản phẩm theo diện tích và sản lượng đồng điền.
Mới giao khoán có vậy, mà người ta đã biết cách làm ra thóc. Vẫn người ấy, đất ấy mà những vụ trước lúa mọc chó chạy hở đuôi, người làm ra gạo mà quanh năm thiếu gạo. Bởi eái mẫu hợp tác đánh trống rồi ghi tên chấm điểm ngày một tạo nên cảnh thằng còng làm thằng khườn ăn. Số người thoát ly đồng ruộng ngày một nhiều. Mang tiếng là nông dân, mà khối anh lại không phải chân lấm tay bùn. ở trên có văn phòng ủy ban, văn phòng đảng ủy, thì ở dưới có văn phòng hợp tác xã và ban chỉ huy đội sản xuất. Đội cũng có phòng tiếp khách hẳn hoi. Rồi các đoàn thể cũng có người thường trực ở trên xã. ở đây còn chơi trội hơn các nơi khác, là xã có cả một tổ truyền thanh tách khỏi sản xuất để phục vụ loa đài cho các buổi họp. Vì không mấy ngày ở xã lại không có cuộc họp. Mà bây giờ người ta không chơi nói khan, phải có bàn, có bục, có micrô để vừa nói vừa được nghe chính giọng nói của mình được khuếch đại qua những tiếng lào xào của cơ khí, có thế nó mới nổi mùi khoa học kỹ thuật? Thành thử hàng ngày ở xã người cứ ràn rát, nhênh nhang mà lại làm ra vẻ tất bật. Ai cũng cho là mình quan trọng, không thể thiếu được. Tất cả số người ấy hàng tháng được mua thóc ưu tiên ở kho gọi là thóc điều hòa, chắc ăn bằng mấy những anh còng lưng ngoài đồng. Thằng còng lưng làm ra thóc, mà lại quanh năm lo méo mặt vì thóc. Thế là thằng còng buồn bực, chán làm, chán đất. Nông dân mà chán đất thì khác gì người sống bỗng dở chứng chán cơm! Khác gì người lính chán vũ khí, chán binh nghiệp. Người lính chán binh nghiệp thì dễ chiến bại khi xung trận, còn nông dân chán đất thì quanh năm có tháng giặc đói ngồi chồm chỗm trong nhà!
Mới bắt đầu vào khoán, mà những chức danh tầm gửi chuyên sống bằng ăn theo kia, xem ra đã lung lay. Chủ tịch Sửu đã mấy lần đặt câu hỏi ra vẻ cuống: Bây giờ lấy thóc ở đâu để chi? Các hộ nộp sản phẩm là để đóng thuế cho nhà nước, vậy xàng xê thế nào bây giờ?
Sang hè, trời cao, nắng no, lúa vàng như duối chín. Vụ chiêm này trời đất đã trả công xứng đáng. Bỏ rẻ cũng trên hai tạ một sào. Nhiều nhà đã gặt non từ phiên chợ trước. Cái đói đã bị tống khứ ra khỏi các ngõ. Những anh hay vác rá chạy quanh, giờ có chất cơm mới, trông mặt mũi đã tí tởn đáo để! Việc nhà nông lúc này ngập đầu ngập mặt. Tháng năm chưa nằm đã sáng. Mở mắt ra, quăng người xuống đất là tay năm tay mười.. Tất bật, nhưng vui.
Thủ đạp xe thong thả. Đi hết con đường gạch rợp bóng tre của làng là những quãng đường đất dẫn lên xã. Hai bên lúa chín vàng ưng ửng. Nón mũ lấp loáng. Chuyện râm ran. Nhìn thấy Thủ chuyện bỗng lắng xuống. Những người đang lượm lúa ở cạnh đường bỗng lảng lảng ra xa. Những ánh mắt liếc xéo xéo dưới vành nón, nhìn Thủ kín đáo. Chỉ có vài người gánh lúa lên tới đường không tránh được, dừng lại chào Thủ với vé vừa rụt rè vừa săm soi. Thủ cố làm ra tự nhiên như không có chuyện gì, gật đâu trả lời, chân vẫn đạp thong thả. Nhưng Thủ biết người ta đang bàn về chuyện ấy và ngay lúc này người ta đã nhìn bí thư đảng ủy bàng con mắt khang khác rồi.
Thủ cắm cúi đạp, tiếng líp mới kêu tanh tách. Bỗng anh giật mình khi thấy xa xa phía trước một đứa bé gái đang ôm cặp sách, vừa chạy gần vừa khóc. Nó đang chạy ngược về phía Thủ. Thôi chết! Cái Hoa, con gái út ông Hàm:
- Chú Thủ! Hư... Hư!...
Cái Hoa cung đã nhìn thấy ông chú qua làn nước mắt lòe nhòe. Nó càng kêu nấc lên chạy và lại. Nhưng khi còn cách Thủ dăm bước, nó bỗng đứng khứng lại, chân dậm bành bạch xuống đất, tiếng khóc càng vỡ ra, miệng lắp bắp:
- Chú Thủ! Bố cháu!... Hu hu! Tại chú! Chị Đào bảo tại chú?
Rồi nó càng khóc òa lèn như bị đòn oan. Khuôn mặt đẹp như vẽ của nó nhăn nhúm chìm đắm trong nước mát. Thủ dừng xe, đang đứng như chôn chân, thì cái Hoa đã vụt chạy sang lề đường bên này, vừa chạy nó vừa gào lên: Tại chú! Tại chú! Rồi cứ tức tưởi thế. nó chạy như bị xua đuổi về nhà
Sáng nay khi nó đang thiếp đi nặng nề, thì bà Son lay lay người, gọi:
- Dậy ăn cơm còn đi học chứ.
- Hôm nay con vẫn đi học hả u? - Nó ngồi dậy, vừa ngáp vừa hỏi. Bởi nó thấy mọi chuyện trong gia đình bị đảo lộn lên tất cả rồi.
- Thế mày không đi học thì đi đâu? - Bà Son súc miệng bên bể nước mưa, giọng lầu bầu.
Đào đã sắp liềm hái kéo xe cải tiến từ trong nhà ngang ra sân. Theo dự tính, hôm nay hai mẹ con sẽ gặt thửa ruộng xa nhất ở cánh đồng Mái Voi. Nhưng Đào làm mà cứ như mơ ngủ. Đáng lẽ phải xếp liềm hái vào xe cải tiến, thì cô lại ngoắc lên mái gianh. Khuôn mặt trái xoan vốn linh lợi, tươi rói, giờ nghiêm lạnh. Cặp mắt thiếu ngủ khô và dáng như mắt người sốt. Chốc chốc lại nhớn nhác nhìn ra cổng. Chỉ cần một tiếng động cũng làm Đào giật mình. Bà Son vừa rắc gạo tấm chăn mái gà mới nở kêu cục cục trong cái bu nứa. vừa nói với Đào:
- Con cứ ra gặt trước đi, để u lên trên ấy xem việc ăn uống của thày thế nào.
Cái Hoa bưng bát cơm ra thềm đứng ăn. Cạnh đấy con chó khoang nằm phủ phục, gối mõm lên hai nhân trước. Cái mõm vừa tròn vừa ngắn, đó là dấu hiệu con chó vừa khôn vừa có nết, chứng tỏ chủ nhân là người rất sành chó. Con khoang lử đừ nhìn những hạt cơm của cô chù nhỏ làm vãi, không buồn la liếm. Cái đuôi xù to như bông lau trắng khẽ ve vẩy. Mắt hiu hiu. Hình như nó cũng đang bận nung nấu những ý nghĩ khuyển mã trong đâu nên coi khinh những hạt cơm thừa! Không khí nhà cửa thật trễ nải rêu rã. Ba mẹ con ngại ngùng không muốn nhìn nhau cứ nơm nớp thấp thỏm thế nào, thấy như mình đã bị gạt ra khỏi không khí đùm bọc của xóm làng..
Khi cái Hoa đi học, thì nó càng thấy đứt đuôi là nó bị hất ra khỏi cái quần thể tươi vui của chúng bạn rồi. Chưa tới lớp, cái Hoa đã thấy đám trẻ con chạy tong tả nháo nhác từ khu trường học bang khu nhà uỷ ban. Hai bên chỉ cách nhau một mặt sân cỏ vẫn dùng làm nơi kéo co cắm trại và đấu bóng trong những dịp hội hè.
- Cái Hoa! Chúng mày ơi, ê cái Hoa!
- Ê cái Hoa!
Đám bạn kin kin chanh non chanh cốm vẫn nhảy dây cùng cái Hoa reo lên, la lên và ánh mắt cửa chúng bỗng nhìn người bạn vẫn được tiếng là xinh đẹp và múa dẻo nhất trong đội văn nghệ của lớp lạ hẳn đi. Chúng nhìn cái Hoa như nhìn một con mèo lạ. Một đứa thì thầm:
- Thày mày ở bên kia kìa! Bị nhốt ở gian nhà kho ấy. Đứng ngoài đếch nhìn thấy! Chỉ nghe tiếng anh ưởng chửi om lên trong ấy.
Đám học trò văn theo nhau chạy à à sang khu nhà uỷ ban, mặc tiếng trống vào lớp gõ bành bành như vỗ mẹt và các cô giáo la gọi eo éo.
- Mày có đi không Hoa?
- Có đi xem thày mày không?
Đứa chạy đi đứa chạy về. Những ánh mắt nhai Hoa hau háu giễu cợt, thiêu đốt. Thằng Đãi hếch, một thằng nghịch nhất lớp, đen và rắn cấc như củ tam thất, từ bên khu nhà ủy ban chạy về. Đến trước mặt cái Hoa nó dừng lại, xỉa cái cầm nhọn và mỏng vẹt vào sát tận mặt, cái mũi càng hếch ngược lên, hét lớn:
- Ê! Con lão đào trộm mả! Ê, ác!
Cái Hoa òa khóc. Hai tay ôm lấy mặt, cặp sách rơi xuống đất. Bọn trẻ càng ùa lại như xem xiếc. Đám con trai nhảy tưng tưng, cùng bắt chước Đãi hếch hô lớn:
- Con ông đào trộm mả! Ê! Có đứa bố đi đào trộm mả!
Cái Hoa như cặp sách rồi vùng chạy. Vừa chạy vừa khóc như bị đánh. Nó chạy về nhà. Mặc phía sau cô giáo gọi ơi ới và tiếng ông hiệu trưởng già quát mắng lũ con trai bất trị. Cái Hoa cứ chạy. Vấp ngã, vực dậy lại chạy, chạy như bị đuổi bắt. Trước mặt nó mọi thứ đều nhòe nhoẹt, ướt đẫm, tối sầm. Cái Hoa như con chim non trúng tên, và kẻ gây ra không phải là đám trẻ thơ đồng lứa, mà đích thị từ chính người đã nâng niu tác thành ra nó!
Sau khi hét lên với ông chú có quyền thế nhất xã, cái Hoa lại chạy riu ríu xuôi đường về nhà. Những người đang gặt đều quay lên nhìn cảnh hờn dỗi của chú cháu ông bí thư. Thủ đúng lặng một lát, rồi đạp xe tiếp. Người nổi rôm lên. Thủ biết hàng mấy chục con mắt đang ném vào người anh, mà chắc chắn phần nhiều là sự hả hê thích thú.
Thủ vừa dắt xe vào cổng ủy ban, thì chủ tịch Sửu và ông hiệu trưởng già đã xua được hết đám trẻ con về các lớp. Sửu chạy lại phía Thủ:
- Đoàn kiểm tra xét hỏi khiếu tố của huyện về rồi anh ạ. Bên nhà ông Phúc đưa họ ra đồi Sim để nhìn hiện trường. Tôi đã bảo cậu Cao cùng đi.
Cao là phó ban công an, là cháu bên nhà vợ Thủ. Anh chàng đã bị cánh nhà ông Phúc gọi giật ra khỏi giường vợ hồi đêm. Vì dạo này ông trưởng ban đi mổ dạ dày, nên mọi việc về an ninh Cao thay. Đưa Cao cùng đi với đoàn kiểm tra của huyện, là Sửu muốn nói anh đã kín cạnh đề phòng nhà ông Phúc nói quá sự thực. Nhưng Thủ lại buông một câu thờ ơ:
- Việc đã thế này thì ai đi chả được. Trên huyện về mấy người?
Sửu vừa nói, vừa sít soa như đau răng:
- Ba người anh ạ. Một công an. Một người của viện kiểm sát và một của ban nội chính. Trước khi ra đồng, họ đã làm việc với tôi và cậu Cao. Như họ nói thì căng đấy anh ạ. Tay công an làm trưởng đoàn tôi chưa gặp bao giờ, mặt cứ lạnh như tiền. Hắn bảo hồi cuối năm vừa rồi ở xã trên đã có vụ mấy thanh niên nghe ai xui rằng ngôi mộ cổ đâu làng là ngôi mộ giả của người Tàu họ giấu vàng đấy! Người ta bảo trên mạn nhà máy Gò Đầm, đã có người đào một ngôi mộ đúng hình dáng như thế đã vớ được hàng ki lô gam vàng! Có cả một con vịt to bằng củ khoai và bốn quả trứng đúc bằng vàng! Thế là mấy thằng hám của bảo nhau thì ra vàng ở ngay trước mũi mà không biết! Nửa đêm rủ nhau ra đào, Nhưng vừa moi được vài sảo đất thì bị tóm. Thế mà tý nữa bị tù ba năm. Vì trong luật hình sự có những việc người ta cho phép xử rất co dãn Từ ba tháng đến ba năm Vì ngôi mộ kia vô chủ không có chủ nhân đứng ra kiện, nên mấy cậu thanh niên chỉ phải vác gạo nhà đi lao động xã hội có nửa tháng thôi. Tôi có hỏi tay công an trường hợp này nếu hai gia đình tự dàn xếp được với nhau không phát đơn kiện thì thế nào? Hắn bảo thế thì tốt quá, huyện đỡ mất công việc. Cả bí thư và cả chủ tịch huyện rất ghét những chuyện lình sình, vì dễ mất uy tín với trên. Nghe nói cụ Luân bí thư rất buồn khi biết bác Hàm là người nhà của anh.
Có mấy người đang thì thầm to nhỏ trong nhà ủy ban vừa thấy Thủ lạch xạch dắt xe đạp đến, liền lảng ngay. Cả ông bõ Vòi hôm nay cũng không chào hỏi niềm nở như mọi khi, mà gù gù cái lưng trần đen cháy đi như úp sấp về phía trước, lẳng lặng rút về căn buồng tối như cái hầm của lão ở phía sau nhà ủy ban Bõ Vòi là anh em cành trên với ông Đáng, bí thư mấy khóa trước ở đây. Ông Vòi đi Nam kiếm ăn từ năm 1954. Sau năm 1975 ông tìm về làng, không những vẫn trơ trọi trên răng dưới dép một mình mà không hiểu ăn chơi mang bệnh thế nào mà Cái Vòi lại phải đệm thêm cao su vào! Vì thế người mới bỏ tên tục, gọi là ông Vòi, ông sứt vòi! Ngày bõ Vòi về làng, ông Đáng đang làm bí. thư vì thế ông Vòi mới được ưu tiên nhận chức tạp vụ và ăn ngủ luôn tại đây. Ngày ngày đun nước, quét dọn và đi mua rượu khi xã động mâm bát. Trong những cuộc chè chén người ta thường chuốc rượu ông Vòi để ông kể những ngón ăn chơi ở Sài Gòn. Lầy lã, tục tiu đến khỉ cũng phải đỏ mặt, nhưng từ bé chí lớn cứ sán đến nghe như bỏ bùa, vừa nghe vừa đế thêm để cười. Mặc dù là người phục vụ nhưng bõ Vòi hách ra phết, không biết có phải lão cậy mình là người thâm niên cố đế, hay là anh trưởng họ của cựu bí thư mà ở đây chỉ trữ có Thủ và Sửu là lão gọi bằng anh, còn lại mày tao tuốt tuột. Ngay Sửu, khi có hơi men vào là lão cũng coi nhờn, ra ý không sợ anh dân ngụ cư. Chỉ có Thủ là bõ Vòi cúc cung tận tụy. ấy vậy mà hôm nay không chào mời, cũng không nước nôi. Lão tránh cũng như những người kia tránh để Thủ đỡ ngượng, hay họ đã dám lờn mặt Thủ?
Hàng ngày đến đây Thủ có niềm thích thú là được nhấm nháp, được ngắm vuốt cái quyền của mình nó hiện ra qua những săn đón, cung phụng ở xung quanh, chứ Thủ đâu phải là người đam mê ăn nhậu. Mà có khi nhấm nháp quyền lực nó còn râm ran thấm thía hơn cả ăn nhậu! Có rượu, có chè thì Thủ cũng uống chơi chơi cho vui, còn nếu cả tuần không co; anh cũng không thấy bị thiếu hụt. Nhưng hôm nay cái điều anh cần nhất, cái đã làm nên bầu không khí để anh hít thở để tự ve vuốt đã bắt đầu bị khiếm khuyết, bị thiếu hụt rồi.
Bước vào nhà, nhìn quanh, Thủ nói cao giọng, nhưng vẫn mát mẻ:
- Nhà cửa sao ngập rác thế này? Đến hớp nước cũng không có. Đây vô chủ rồi chắc?
Sửu cầm chiếc chổi phất trần quét những bã thuốc lào đóm vụn trên mặt bàn. ở dưới kia bõ Vòi xách chiếc siêu đi ra giếng. Cái dáng lật khật của lão như muốn nói bây giờ tôi mới đun đây! Chẳng việc gì phải rối lên! Thật là đã khác xa với tuần trước, đảng ủy họp có tổ chức ăn tươi, vì bõ Vòi là người điếu đóm, nên cũng hưởng suất ăn theo. Rượu xong, lão đánh một giấc bí tỉ đến quá chiều. Đảng ủy họp tiếp, không có nước uống, một người xuống lay, bõ Vòi vẫn nhấm mắt, nằm đườn trên phản nói làu bàu sặc mùi men: Làm thì cũng phải có lúc nghỉ chứ ngậu xị cái con tửu gì thế Vậy mà Thủ chỉ đứng ngoài sân nói mát vào: Vất vả lắm hả bác Vòi? Từ mai chúng tôi thay nhau đun nước vậy nhá! Thế là lão choàng ngay dậy như đã dã rượu hoàn toàn, đi chui chúi cái đầu dùi đục vào bếp nhóm lửa, khiến Sửu và mấy đảng viên khác thèm được có cái uy như Thủ.
Vậy mà hôm nay... Thủ ngồi xuống ghế, nhìn vơ vẩn lên những tấm bằng khen và cờ thi đua treo đầy trên tường. Thế là chiếc phao anh ném ra để đo cái uy của mình, rõ ràng đã tụt xuống quá thấp. Mới hay bụng dạ người đời, thấy thịnh thì thờ, thấy suy thì phản. Nhưng chả nhẽ ta đã suy? Thủ quay sang Sửu đang thông điếu bằng chiếc lông gà, nói:
- Bây giờ tôi đi có chút việc. Anh ở đây tiếp đoàn kiểm tra. Nói với các đồng chí ấy là tôi không có đề nghị gì và tôi rất bực với việc làm của ông Hàm. Vì tôi không biết, nên mới xảy ta như thế. Bây giờ đi theo luật mà xử tội đến đâu ông Hàm với thằng ưởng, thằng Ngạc phải chịu đến đấy. Giờ tôi xuống dặn họ là không được có hành động chống đối.
Rồi Thủ đi về gian sau nhà ủy ban, nơi ba bác cháu ông Hàm vẫn nằm ngồi ngả ngốn. Thủm rộng cửa sổ. Ông Hàm ngồi thu lu trên mặt bàn, im lặng như một con cù rù. Ông ngước lên nhìn Thủ với gương mặt hốc hác tối sầm.
- Em dặn bác điều này - Thủ thò hẳn đâu vào trong cửa nói giọng trầm như vang- Cả thằng ưởng, thằng Ngạc nữa, nhớ là không ai được phá bĩnh, không được gây sự họ bảo sao làm vậy. Tất cả mọi việc để tôi sẽ liệu.
Dứt lời, Thủ khép cửa, rồi xuống sân dắt xe đi ngay. Vừa ra tới ngã ba, chỗ chiếc lều lão Quềnh, thì gặp bà Son cắm cúi đi từ phía trên về. Bà xách chiếc làn đan lõi guột đã ngả màu đen bóng, lấp ló một đùm bún lớn trong ấy.
- Kìa chú Thủ, thế chú định giải quyết việc này thế nào? Bà Son đứng sững nhìn Thủ trưng trối. Thủ cố làm ra vẻ bình tĩnh:
- Sẽ tìm cách gỡ sau, chứ bây giờ biết làm thế nào. em vừa dặn ba bác cháu rồi, nhưng tí nữa bá nhớ nói thêm là phải bình tĩnh, không được chống đối bậy bạ, rồi em sẽ liệu.
Dứt lời, Thủ đạp xe đi ngay, làm như đang rất vội vã. Bà Son đi tắt vào phía sau nhà uỷ ban. Đây là bữa tiếp tế đầu tiên của bà cho người tù. Trong làn là hai cân bún và cút nước mắm ớt. Lúc nãy ở nhà bà Son đang tính không biết nên mang cơm hay mang tiền đi lên quán bà Cả Lợi mua quà cho ông Hàm, thì mẹ thằng ưởng và thằng Ngạc đến, lu loa từ ngoài cổng. Mọi bận hai bà chị họ vốn túng thiếu này vẫn thường đến vay mượn vợ chồng ông Hàm, nịnh bà Son phải biết. Bây giờ vừa trông thấy bà Son, hai người đã nhảy thách lên, rằng là cậu mợ hại tôi, chúng nó trẻ người non dạ, có lớn mà chưa có khôn, nghe ông Hàm xui dại làm điều sằng bậy, giờ biết cậy nhờ ai? Lúc này ngày mùa nhìn đâu cũng thấy việc, thế mà người ăn thì có người làm thì không. Đào đâu ra tiền ra gạo, lấy người ở đâu để đi hầu chúng nó bây giờ? Bà Son biết hai bà chị họ đến bắt đền, giao phó mọi chuyện cho bà đây, nên bà dễ dàng bảo:
- Thôi việc thế nào đã có xã, có huyện, còn chuyện ăn uống hai bác khỏi lo, em sẽ nấu nướng cho cả ba bác cháu.
Sức ăn của hai thằng thiên lôi, thằng ưởng, thằng Ngạc ấy, bà Son biết lắm. Mỗi khi có việc nhờ đến sức trâu lăn của chúng, thì bà phải chuẩn bị có đủ ngọt bùi cay đắng. Thức nhắm phải nhiều, rượu phải như sáo tắm. Riêng hai thằng mỗi bữa đánh bảy cân rưỡi gạo! Cho nên với hai cân bún này ông Hàm chỉ ăn uống cảnh vẻ, còn lại để cho hai thằng ăn lót dạ!
Thấy bóng bà Son, Sửu đi xuống mở cửa. Tay xách theo tích nước, miệng nói nhỏ:
- Đoàn kiểm tra của huyện sắp ở đồi Sim về đấy, bác giục ăn uống nhanh lên.
Rồi Sửu càng hạ giọng như thì thầm:
- Tình hình gay lắm bác ạ! có khi cả đồng chí Thủ cũng bị liên đới!
Mở khoá xong, Sửu quay lại ngay. Mặt bà Son cứ tái bợt. cũng như những người dân quê thuần phác, những từ thanh tra, kiểm soát, toà án, đối với Bà Son nó gợi cái gì rất dao búa kinh khiếp! Bà Son chỉ mở hé một cánh cửa. Bà biết mấy người đang ở xa nhìn lên. Đặt làn bún và tích nước lên bàn, bà nói sẽ sàng.
- Bác cháu dậy đi, súe miệng rồi ăn tạm bát bún.
Bà quay sang ông Hàm, khi Thủ đi, ông lại nằm dài ra.
- Thầy nó dậy súc miệng có nước nóng đây.
Ông Hàm làn như bây giờ mới tỉnh ngủ, vươn vai ngồi dậy, bối rối nhìn vợ. Cả hai cùng thầm kinh ngạc khi thấy những nét võ vàng trên mặt nhau. Thì ra người ta có thề già đi đến mấy tuổi, bạc một nửa đầu chỉ trong một đêm là có thật!
- Thày nó này? - Bà Son nói nhỏ - việc đã thế rồi, giờ người ta bảo thế nào, thầy nó với cháu nghe thế, chứ đừng gây thêm chuyện gì nữa. Rồi chú Thủ chú ấy sẽ liệu.
Ông Hàm ư hàm trong cố, ra vẻ đã nóng mắt. Đây là lần đầu ông phải nghe những lời khuyên giải của vợ. Ông nói gằn giọng:
- Mẹ nó không phải lo. Cả thằng ưởng, thằng Ngạc cũng không phải lo, có gì tao sẽ chịu tất.
- Tôi nói thế là lo cho thầy nó, chứ tôi thì...
Bà Son chưa nói hết câu, thì ngoài cổng có tiếng nhốn nháo. Thấp thoáng những gương mặt lạ. Người xách cặp, người đeo túi. Nối lên phía sau với dáng ông Phúc cao lớn đẫy đà. Ông đội chiếc mũ cát có vòng băng đen. Họ từ ngoài Đồi Sim về. Đang dở những con bún tay, bà Son chợt run lên. Ông Hàm nói gì, thằng ưởng, thằng Ngạc nói gì, bản thân mình trả lời ra sao, bà Son hoàn toàn không biết, không cảm được gì nữa. Mọi tinh thần của bà dồn vào thính giác hướng lên nhà uỷ ban, lòng bồn chồn thắc thỏm. Đến khi Sửu cho người xuống gọi ba bác cháu ông Hàm lên hội trường, rồi một giọng lạ, rất vang dõng dạc đọc những câu lủng xoảng: Theo luật hình sự, công dân Trịnh Bá Hàm cùng một thời gian đã phạm hai tội...
Bà Son bỏ bát đua đang dọn, bíu tay vào song cửa sổ, mắt nhìn dại đi, nhìn mà không thấy gì! Rồi những tiếng à à ầm ầm nổi lên? người ở trong thì dãn ra ngoài, người ở ngoài thì xô vào. Một lớp học đến giờ ra chơi: trẻ con đổ oà sang như ông vỡ tổ, la hét ầm ĩ. Bà trông thấy phó ban công an vừa xua chỗ này, vừa gạt chỗ kia, miệng là hét dọn lối. Rồi người ta dẫn bác cháu ông Hàm đi. Đến khi nhìn rõ ông Hàm đi đầu với cái dáng hơi lùn, to ngang, mái đầu muối tiêu cúi cúi, rõ là cái dáng của kẻ chịu tội, thì bà Son cứ kiễng chân lên để nhìn xem ông có bị trói bị còng không, nhưng đám trẻ con nhốn nháo xung quanh che lấp cả ba người tu. Bà Son tựa vào bờ tường, nhợt nhạt cá chân tay mặt mũi. Những giọt nước mắt dài lăn xuống. Đến khi nghe tiếng gọi:
- U ơi đi về còn ở đây làm gì.
Đào đã đến từ lúc nào. Quần xắn ngang gót chân, chiếc áo với những đóm hoa xanh tươi mát như những hạt mưa rắc lên người, nhưng mặt Đào rõ ràng là đang có lửa. Cặp mắt rừng rực. nghiêm lạnh. Đào ra đồng đã gặt được một lúc. Nhưng thấy khắp nơi người ta cứ rì rầm, nhìn mình soi mói, Đào liền bỏ gặt, xăm xăm đi về. Tới nhà thấy cái Hoa đang nằm khóc rấm rứt, Đào quát ầm lên, rồi đạp xe lên xã với đây vẻ thách thức. Nào, ai dám khinh thường, ai dám bổ báng thì cứ ra đây Đây chưa chết đâu mà vội múa tay trong bị! Đào sẽ lên xã, trước bàn dân thiên hạ để nhìn rõ những ai đang hí hửng rậu chưa đổ mà bìm đã leo. Đồng thời Đào lên đấy để nhìn rõ cái người ném đá dấu tay kia, xem anh ta thoả chí đến mức nào! Xem anh ta có dám nhìn thằng vào Đào không. Ai chứ với riêng anh ta nếu cần Đào sẽ...
Khác với Mỹ Châu xưa, cho tới lúc nhận nhát gươm của vua cha, nàng Mỵ Châu hiền vẫn không mảy may nghi kỵ người yêu mình lại là tên phản bội. Còn các cô gái ngày nay họ đã khôn ngoan lắm rồi! Xin đừng thổi vào tai họ những tấm lòng vàng đá của các tiên nữ xưa? Này này các chàng trai thích mơ mộng! Anh muốn làm Trọng Thuỷ để hưởng cả mối tình và niềm tin của người yêu ư? Giàu trí tưởng tượng quá đấy? Không khéo chính họ lại dẫn anh lên đầu đài!
Với Tùng lúc này, Đào đã quyết? Nhưng Đào lên tới nơi, thì người ta đã dẫn bác cháu ông Hàm đi rồi. Chỉ còn những tóp túm năm tụm ba rì rầm to nhỏ. Trông thấy Cao, phó ban công an, Đào vẫn ngồi trên xe, hỏi:
- U em đâu anh Cao?
Cao hất hàm ngoắt tay. Đào mắm môi đạp qua những mô đất lởm chởm, ném tia mắt choi chói ra xung quanh. Cô nhìn lục lọi nhưng không thấy bóng Tùng đâu. Hay hắn không đến? ờ phải, những người quen sống bằng những âm mưu, thì không phải họ chỉ hành động vụng trộm, mà ngay cả lúc cái mưu thành rồi, họ chỉ dám mừng một cách lén lút mà thôi!
- Về đi U - Đào lại giục bà Son - Chưa chết đâu mà lo! Giờ u cu về trước, con đạp xe lên huyện để xem người ta để thầy ở chỗ nào còn lo cơm nước.
Vừa nói lẩm bẩm, Đào vừa dọn bát đũa, gói chỗ bún thừa còn lại. Hôm nay hai ông thần sùng cũng nuốt không vào, đùm bún vẫn còn quá nửa.
Đừng có dại mồm dại miệng nữa con - Bà Son đưa ống tay lau mặt giọng rầu rĩ. Lên trên ấy xem thế nào rồi về ngay Đào nhé.
Bà Son xách làn, đội nón đi cụm cúp ra về. Một người đàn ông đạp xe từ trong cửa hàng mua bán đi ra. Thấy bà Son, người đàn ông phanh kít xe lại. Bốn mắt nhìn nhau sửng sốt. Nhưng rồi rất nhanh cặp mắt bà Son đanh lại, và miệng bà bỗng bật ra những lời chì chiết:
- Thế là ông đã hại tôi! Đã giết tôi! Bao giờ ông cũng là vừa được ăn vừa được nói!
Ông Phúc, phải đấy, chính là Vũ Đình Phúc, người tình si mê đầu tiên của bà Son, và bây giờ đang là tử thù của vợ chồng con cái, của cả họ hàng nhà chồng bà. Sau phút bối rối, ông Phúc dằn giọng:
- Nhưng tại ai? Bà không thấy làm thế là độc ác à?
Bà Son nhìn trân trân:
- Nhưng ông ấy là chồng tôi!
- Là gì thì cũng phải có đúng, có sai, ác giả ác báo. Bà còn oán cái gì?
Bà Son vẫn chỉ một câu:
- Vì ông ấy là chồng tôi!
- Là chồng bà thì được làm càn à? Được làm việc thất đức à?
Cặp mắt lá răm của bà Son ném những tia chói sắc vào gương mặt vuông vức với cái cằm rất đầy, lởm chởm những râu của ông Phúc:
- Ông không phải bẻ hành bẻ tỏi, ông đi đi!

<< bảy | Chín >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 185

Return to top