Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9761 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

bốn
Làng Giếng Chùa lại rộ lên bàn tán về việc chôn lại lão Quềnh. Dạo này đói bụng, nhưng đến là nhiều chuyện để bàn! Nhiều lúc quên cả những cơn réo trong dạ dày! Bà con khen người nào đó đã kịp thời tố cáo lên huyện để ngăn chặn những hành động bạc đãi với những người cô quả, vì làng này còn đến dăm hộ đơn côi không nơi nương tựa. Trong số ấy có cả cha mẹ của liệt sĩ sống rất vất vả. Mỗi suất liệt sĩ được 632 đồng một tháng, nhưng lại lĩnh theo quý. Còn số thóc mua giá điều hòa theo chính sách ưu tiên, thì làng này chỉ có nhà ông Bỉnh là được mua đầy đủ, vì ông có thế ở anh con cả hiện là trưởng ban tổ chức huyện ủy. Mấy dân cán bộ cấp trên về thăm những gia đình có con liệt sĩ nhân ngày 27 tháng 7, xã cũng chỉ đưa đến nhà ông Bỉnh, vì ở đấy nhà cửa khang trang, còn những gia đình liệt sĩ khác đã túng bấn quá, lại thóc ưu tiên cũng bị cắt đầu cắt đuôi, nên những ông bà ấy hay nói ngang cành bứa với xã, bởi vậy chả bao giờ được rước chân cán bộ. Thôi thì sạch sẽ khoe ra, bươi ba đậy lại cũng phải, chứ xấu mặt xã thì thật hổ lòng dân!
ấy thế mà bây giờ huyện lại biết đến cả cái việc chết của lão Quềnh, xã cũng cuống lên vì cái chết của lão Quềnh, kể cũng khoái đấy chứ! Nghe mọi người bình phẩm, cười hí há với nhau như vậy, ông Hàm chỉ lẳng lặng tảng lờ vẫn bào soạn soạt trên tấm gỗ kháo. Những phoi bào tròn loăn xoăn như những cái bánh phồng tôm rán giòn bắn ra lả tả. Câu chuyện của mọi người khiến ông Hàm sôi máu lên. Ông chính là Trịnh Bá Hàm, trưởng chi họ Trịnh Bá, chi họ đang lên ở vùng này. Bí thư Đảng ủy Trịnh Bá Thủ là em ruột ông.
Ông Hàm bào, mắt vẫn nhìn chăm chú mà lại không thấy gì. Tai nghe, óc nghĩ, tay chỉ miết bào một cách bản năng, khiến cái vai giường ông đang bào vì ấn mạnh quá, lõm vào một đường mà ông không biết. Đến khi sực tỉnh thì đã quá đà. Cái vai giường gỗ kháo vàng au như tấm vải tơ tằm bị lẹm vào một đường, trông tức mắt như anh thợ vụng ăn cắp!
Ông Hàm vứt bào đứng dậy, tập tễnh đi lên nhà. Vì một chân của ông bị co gân từ bé, nên dân làng cũng gọi ngay từ nhỏ là Hàm thọt, Hàm chấm phẩy. Những kẻ ác ý thì gọi là hùm thọt. Vì giống họ của ông Hàm thờ Hổ. Tô tiên của họ Trịnh Bá là một ông ba mươi nhe nanh múa vuốt trong những bức vẽ rất tỉ mỉ đặt chính giữa bàn thờ. Tại sao gốc đạo Phật, mà dòng họ ông lại thờ Hổ? Đó là cả một câu chuyện bi tráng mang nhiều chất thần thoại!
Ông Hàm lên nhà trên mở toang cửa, rồi gọi với giọng rất sang:
- Nước sôi chưa Hoa?
Một tiếng dạ từ dưới bếp, rồi đứa con gái út hơn mười tuổi bỏ dở bài đang học, xách siêu nước lửa vẫn còn cháy nhấp nháy quanh ấm nhôm đi lên. Con bé tráng ấm, pha trà, khéo léo và thành thạo như người lớn, bởi nó đã được huấn luyện để phục vụ ông bố ghê gớm. Khác với ông, người lúc nào cũng lừ khừ, lúc nào cũng cau cau, mấy đứa con đều giống mẹ, mặt mũi tươi bưởi sáng láng. Chả thế mà ngày ông mới lấy vợ, những kẻ ghen ăn ghét ở đã xui trẻ con hát đố nhau: Vợ thì tươi tắn như hoa, chồng thì nhăn nhó chẳng ma nào nhìn! Đó là cái gì? Là mặt trăng mặt trời. Không phải! Là anh Hàm chị Son!
Cái Hoa rót một chén nước để trước mặt bố, rồi đi kiểu nhảy dây xuống nhà dưới. Mùi trà ướp hoa ngâu tỏa lên thơm mát. Ông Hàm co hai bàn chân đi đất ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sa lông rất to đóng bằng gỗ lát chun bóng nhoáng, vần vũ những đường vân như tranh sơn mài. So với những đồ đạc giường tủ bàn ghế vàng rực cả bốn gian nhà mái bằng quét ve xanh, thì ông chủ với bộ quần áo xanh tàu tàu xoàng xĩnh kia chỉ đáng mặt anh ăn đợ ở nhờ. Nhưng ông Hàm lại ngầm thích thú về điều ấy. Bởi hãy nhìn đồ đạc toàn một thú kiểu mới, chứ tịnh không có đồ cổ, thế nghĩa là nhà này mới mọc mũi sủi tăm lên thôi, chứ đời ông bà cha mẹ xưa không để lại được thứ gì đáng giá. Điều ấy chứng tỏ một tay ông Hàm dựng lên tất cả. Nên ông cứ ngồi xếp bằng, rung đùi tự thưởng, cứ việc tha cả đất cát lên mặt ghế bóng như gương, cứ việc xì bã điếu ra nền gạch men, rồi vợ con ông phải quét, phải lau bởi ông đã đẻ ra tất cả cái cơ đồ này. Ông tuy xấu mã, người lùn và to ngang, đó là dáng điệu của gấu. Chân tay ngắn, mặt ngắn, trán cũng ngắn choằn. Cái tài ẩn vào trong, khi cần mới ló ra ngoài. Như đôi tay ông, với những ngón to đầu tù thô tháp, nhưng đấy là đôi tay vàng. Hoa tay là cái thần của tứ chi, mắt mũi trần tục đâu dễ nhìn thấy. Ông chỉ học nghề mộc qua quít, mà đã tay tràng tay đục đi ăn cơm khắp bàn dân thiên hạ từ thời trai trẻ. Bây giờ ông chỉ ngồi nhà, nhưng quanh năm không hết việc Nào là giường mô-đéc, tủ buýp-phê, tủ lệch đến sa-lông chân quỳ. Thời này người ta đua nhau sắm đồ đạc như lây lan một cơn sốt. Đói cũng vẫn bóp bụng sắm. Đói mà được ngồi sa-lông gỗ lát cũng vẫn vênh vang. Khách đến làm sao biết được trong bụng chủ nhà chứa những gì. Rau lang, sắn mốc hay cơm tám giò chả đã qua khỏi cửa miệng thì cũng là nhập khẩu vô tang, có giời dân! Con công hơn con quạ cũng là ở bộ lông, chứ vặt trụi đi thì ông quyền cao cũng giống ông nhọ đít! Có quyền lo ô, lo ghế; dân chạy lo gỗ sắm đồ! Càng sắm ông Hàm càng trúng mánh. Cứ nhẩn nha túc tắc mà mỗi năm thu ngót tấn thóc, ngon như chén óc chó! Bằng mấy anh theo đuôi trâu ngoài đồng.
Ông Hàm rít lạch sạch một hơi điếu bát, rồi ngửa cổ lim dim nhả khói. Một nửa người ông chìm trong màn mây thuốc. Chỉ thấy mái đầu muối tiêu khẽ gật gù bập bềnh trong khói mờ. Mồi thuốc làm ông Hàm tê mê bần thần cả chân tay đầu óc. Ông ngồi tĩnh tâm. Mắt lơ mơ óc lơ mơ. Làn khói bay lởn vởn bỗng đưa trí não ông Hàm trôi ngược về buổi tối cách đây hơn 30 năm trước khi ông Trịnh Bá Hoành từ giã cõi đời. Lúc ấy chỉ duy nhất người con giai trưởng Trịnh Bá Hàm được đứng bên cạnh giường để nghe bố dặn dò. Bằng một giọng lào phào nhưng rất tỉnh, ông Trịnh Bá Hoành dặn Hàm sống ở làng này phải biết bố con Đại - Phúc là người không thể di chung đường, ngồi chung chiếu. Không bao giờ nó muốn ta ngóc đầu lên được.
Ông Hoành nói hồi năm 1949 giặc Pháp định mở một cuộc càn mà chúng nói là càn theo chiến thuật gọng kìm, chiến thuật càng cua lên đây. Một cánh quân sẽ từ Sơn Cốt tràn sang, một cánh sẽ từ Đáp cầu đánh lại. Hai gọng kìm, hai càng cua sẽ khép lại, hội quân ở quanh vùng này. Thế là cả làng bỏ chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Nhưng rồi cuộc càn của giặc không thành. Ông Trịnh Bá Hoành từ vùng núi Phúc Thuận vội vã chạy về, thì đã thấy bố con Đại - Phúc ở nhà rồi. Dạo ấy Phúc là du kích xã phải ở lại đã dành nhưng còn lão Đại. Ai khiến cái mặt lão mà lão đã mò về sớm thế! Thấy cửa nhà mình mất dấu ông Hoành mở ra nhìn đồ đạc còn nguyên, nhưng nói có vía ngài chứng giám, bức tranh Hổ thần của họ nhà Trịnh Bá treo chính giữa bàn thờ không biết thằng giời đánh thánh vật nào đã chọc thủng cả hai mắt, rồi lấy than vạch chéo một dấu thập đen xì giữa đầu ngài. Thế này là nó bôi gio trát trấu vào tổ tiên nhà Trịnh Bá đây! Mà không thể là trẻ con được. Cách chọc, cách vạch than này, nhìn đường nét phũ phàng căm tức lắm. Thì còn ai vào đây nữa. Cái kiểu thù để cho động vào tận thủy tổ gia tộc thế này, hỏi rằng không phải là nó thì còn là ai! Có khi nó còn yểm bùa nữa đây.
Ngay tuần ấy Trịnh Bá Hoành phải đi thửa một bức tranh khác, mà họa lên một tấm vải gai cho chắc chắn. Ông thợ vẽ truyền thần trên phố huyện không lấy tiền, mà đòi đến hai nồi thóc, vị chi là hơn nửa tạ. Có tranh rồi, lại lo sửa lễ. Phải có đủ xôi nếp, thủ lợn, gà trống luộc cả con không chặt và một con cá chép to rán vàng để chờm cả đĩa tây, rồi mời cô thống Biệu đến cúng, xin đủ âm dương ngũ hành và thưa báo cho ngài biết rõ sự tình tại sao phải tái họa lại chân dung ngài, xong đâu đấy rồi mới được treo lên. Thành ra tốn kém không khác gì giặc càn đến nhà! Thì chính nó là giặc, là thù của họ nhà ông chứ còn gì nữa!
- ở đời hòn bấc ném đi, thì hòn chì ném lại - Trịnh Bá Hoành nói như thầm thì, nhưng cặp mắt quăm quắm nhìn Hàm thì sáng lên lạ thường, thứ ánh sáng của ngọn đèn sắp phụt tắt - Có vay phải có trả. Nó đã dám bạo nghịch dẫm đạp lên cả gia bảo nhà ta, thầy ân hận là chưa đòi cái món nợ ấy được vì chưa gặp dịp. Đến đời anh, anh phải nhớ! Chuyện thằng Phúc với con Son vợ anh dạo trước, thầy biết cả! Tha thứ cho vợ là phải. Đấng nam nhi có khi còn lấy đĩ về làm vợ để dạy, nhưng không được lấy vợ làm đĩ! Anh chỉ được phép tha riêng vợ anh thôi! Làm thằng đàn ông không được hèn! Chấp vặt là tiểu nhân, nhưng cái gì cũng bỏ qua thì lại là người hèn! Có mấy cách làm thày đã nói kỹ, để ở dưới đáy tráp.
Rồi từ đấy cho tới nửa đêm, ông Trịnh Bá Hoành cứ nằm quay mặt vào tường không nói lời nào nữa. Ông đi, ai cũng bảo là thanh thản. Chỉ riêng Hàm biết bố mình vẫn nuốt một cục uất ức trong người! Tiếng hót của con chim trước khi chết là tiếng hót hay, lời dặn dò của người trước khi chết là lời thiêng, lời độc!
Làm ma bố xong, Hàm vào buồng đóng cửa, mở cái tráp khóa chuông, cái tráp bằng gỗ nghiến nhỏ như cái hòm của ông thợ cạo chỉ có một chìa, và trong nhà chỉ có một người được mở. Dưới những tờ văn tự về đồng điền và thổ cư từ hai đời nay, là một quyển vở giấy giang xếp dưới cùng, loại vở học trò. Với những chữ quốc ngữ rất to trông cứ nghều ngoáo run rẩy như người vờ đánh vần vừa viết. Nhưng cái điều nói qua những nét chữ bấy bớt ấy thì đọc đến đâu, Hàm lạnh toát người đến đấy!
Đọc xong, Hàm ngồi lặng người một lúc lâu rồi lại run run xếp quyển vở dưới đáy tráp, khóa lại, cất vào gốc cái hòm cáng như cất một quả mìn!
Thì bây giờ đến lúc ông dùng quả mìn ấy rồi! Chỉ có cách này mới trị được thằng cha Phúc hay hợm của hợm người. Hàm biết Phúc vẫn nhìn mình bằng con mắt coi thường. Coi thường cả hình dáng lẫn địa vị trong thôn, trong xã. Thì phen này ông sẽ cho cả họ nhà mày ăn bùn ăn bùn! Quyết thế rồi, ngay chập tối ông Hàm đến nhà Thủ. Cũng bốn gian nhà mái bằng như nhà Hàm nhưng trên bờ tường trước cửa, đồng chí bí thư Đảng ủy cho đắp nổi một cây dừa trĩu quả. Trên ngọn chim bay dưới gốc cá lội. Con nào con ấy béo nần như đang chửa. Tất cả đêu tô đậm sơn màu xanh đỏ tím vàng, rực rỡ như cái phông của hiệu ảnh trên phố huyện. Nhà trên ở giữa, nhà ngang nhà bếp hai bên lợp ngói ta, trước cửa là vườn cây ăn quả xung quanh trồng găng làm bờ rào tất cả toát lên ve phồn thực và viên mãn.
Vợ con Thủ đang nấu cơm, thấy Hàm, đều chào lễ phép:
- Bác sang chơi ạ
Hàm chỉ khẽ ờ, rồi tập tễnh bước lên nhà trên. Dù là anh em ruột, Hàm cũng giữ lề luật không bao giờ vào nhà bếp. Không nói giỗ tết, ngay ngày thường anh em giúp nhau làm gì, đến bữa cũng chỉ có đàn ông ngồi với nhau ở nhà trên.
- Bác ở đây chơi, em nấu cơm bác - Vợ Thủ người sồ sề, mặt rỗ hoa chứ không được mỏng mày hay hạt như bà Son, nhưng được cái sởi lởi, lên nhà mời.
Ông Hàm xua tay:
- Thôi tôi gặp chú ấy một tý, rồi về ngay có việc.
Khác với ông Hàm, Thủ là người có mã, cao ráo trắng trẻo. Với bộ quần áo pi-gia-ma kẻ sọc như công chức. Thủ đang tưới cây ngoài vườn, đã bỏ ô- roa đi vào. Thấy Hàm đang giở ngày giở tối thế này, Thủ biết là có việc cần. Mặc dù là bí thư quyền hành cao nhất xã, lại được học hành khá chu đáo từ bé, chứ không bị thiệt thòi như hai ông anh là Hàm và Long. Ông Long bây giờ làm công nhân trên khu gang thép cũng chỉ học hành chữ tác chữ tộ; vì khi Hàm và Long vừa lớn thì gặp ngay cái đận ông Trịnh Bá Hoành bán cả ruộng vườn để lao vào cuộc đen đỏ tranh giành cái chức lý trưởng với Vũ Đình Đại. Thật là một phen liểng xiểng. Vài năm sau gia đình mới hồi lực, có bát ăn bát để thì vừa lúc Thủ tới tuổi cắp sách đến trường. Thế là Thủ cứ đường quang lối rộng mà tiến. Dầu vậy chưa bao giờ Thủ dám trái lời ông anh cả. Người trưởng họ có một thứ quyền lực riêng. Không chỉ là trong gia đình ngay công việc của Thủ, Hàm cũng giữ vai trò cố vấn đặc biệt. Hôm đại hội Đảng bộ, các chi họ hồi hộp đến thắt tim khi đến mục bầu Đảng ủy mới. Rất nhiều không có chức trách gì cũng thập thò lảng vảng đến săn tin. Phải bầu đến vòng ba, tối mịt mới xong. Thủ vừa về đến nhà đã thấy ông Hàm ngồi chờ.
- Chú cao phiếu nhất phải không?
Ông Hàm hỏi thế, tức là chúc mừng đấy, nhưng mặt vẫn lạnh như tiền.
Ông nói tiếp:
- Lại đúng dịp ông Đáng về hưu đợt này, vậy chú phải thay chân ông ấy giữ ngay lấy cái triện đỏ, tức rằng là phải làm bí thư. Chứ còn chủ tịch cũng chỉ là thứ triện xanh! Thằng Tùng nhà Sang cũng trúng hả? Chỉ cho nó chân chạy ngoài, hữu danh vô thực thôi!
Lúc ấy Thủ đang đầy phấn chấn vì đắc cử, đến mức không còn thấy ai là đối kháng với mình, nên lòng dạ bỗng thành dễ dãi. Với lại Thủ vốn thuộc dạng người cải lương, dễ bằng lòng và dễ chấp nhận.
- Thực ra thằng Tùng cũng được chứ không đến nỗi nào đâu. Nó còn chất lính bộc trực thẳng thắn, với công việc thi xốc vác
Ông Hàm nghiêm ngay mặt, kịp thời nhắc nhở Thủ đang nói khôn nói dại những gì:
- Được là được thế nào! Rau nào sâu ấy! Hãy giao cờ vào tay nó xem, gai ngạnh sẽ mọc ra ngay!
Gáo nước lạnh của Hàm đã làm Thủ tỉnh cơn say, và Tùng đã được phê chuẩn làm xã đội trưởng ngày sau đấy, chứ không phải chờ đến tuần sau họp Đảng ủy mới phân công, để mỗi năm cho nó dẫn đám thanh niên ra đôi nằm chổng mông lên mà nheo mắt bóp cò khan vào mấy cái bia giấy!
Hôm nay ông cố vấn sẽ chỉ thị gì đây! Thủ rửa chân tay đàng hoàng rồi mới vào nhà. Hàm hỏi ngay:
- Chú định thế nào về cái việc ấy?
Vừa hạ giọng vào chuyện, Hàm vừa thu hai bàn chân ngắn và to bè lên đi-văng. Thủ tráng ấm pha trà, cũng nói nhỏ để hai anh em vừa đủ nghe:
- Em cũng chưa định. Theo bác nên thế nào?
- Chả nhẽ chịu thua nó à?
Hàm tự rót nước ra chiếc chén hạt mít, hỏi thủng thẳng. Đó là cách nói chuyện riêng với nhau của hai anh em nhà này. Họ thường nói nửa vời, mù mờ rời rạc như vậy. Nếu có ai nghe được cũng chịu chết không hiểu họ nói gì, ám chỉ ai. Nhưng với Thủ thì anh biết ngay cái việc ấy và nó ở đây là chỉ ông Phúc và cái việc kiện cáo của ông ta khiến xã phải chôn lại lão Quềnh. Phúc đã thắng 1 - 0! Cứ đà này Phúc còn dở dói những gì nữa?
- Tôi đã nghĩ ra cách rồi - Hàm chiêu từng ngụm nước nhỏ như nhắp rượu, rồi vẫn với giọng nhát một, ông công bố kế hoạch phản công:
- Lấy độc trị độc, mỡ nó rán nó! Lại dùng ngay cách lão Phúc đã bắt các chú chôn đi chôn lại lão Quềnh - Tức rằng là... đào mộ?
Thủ quay sang sửng sốt. Bởi ở đây dạo đã lâu có hai nhà thù nhau, bên nhà yếu lực không đủ sức đánh lại đã dùng cách khủng khiếp này.
Hàm vẫn thủng thẳng:
- Có gì mà chú đã tái mào lên như thế! Nó muốn cưa đốt đục suốt, thì sẽ được người ta đục thẳng vào cây nóc nhà nó! Đây là dịp tốt để lấy âm trị dương. Phen này tôi sẽ yểm cho cả họ nhà nó không ngóc lên được! Đào lên, lấy ván, lật sấp bố nó xuống! Còn cỗ ván dổi tôi sẽ đóng một bộ sa-lông thật mốt, rồi tìm cách bán cho chính anh em họ hàng nhà nó!
Thủ đã thấy ớn khắp người, ngập ngừng:
- Nhưng mà...
Hàm biết thóp ngay ông em chỉ được cái võ mồm, quen phòng xa giữ gìn, mà cũng là phòng cho mỗi cái thân hắn thôi! Hàm càng hạ giọng tới mức lào thào:
- Ngày thầy mất, chú với chú Long còn chưa nghĩ được đến đầu đến đũa, nên thầy chỉ dặn riêng tôi...
Rồi ông Hàm trang nghiêm kể với giọng rin rít về bức tranh thờ Hổ thần của nhà ông bị chọc mắt, bị bôi bẩn và những lời chỉ dẫn của ông bố trong quyển vở giấy giang về cách lấy âm trị dương thế nào, rồi để tránh phản hồi trở lại thì trước khi hạ cuốc phải đọc bài tạ thần ra sao. Thủ ngồi cứng người, tay cầm chén nước mà quên cả uống.
- Có hai thời điểm để lấy âm trị dương - Hàm vẫn nói thầm thì - Lúc vừa chôn xong và lúc được ngày cải táng. Nhưng chờ đến cải táng thì lâu quá, với lại nghi thức lúc ấy rườm rà lắm, phải lấy đến bảy đốt xương mang ra sông tạ thần, rồi đóng bè chuối, đưa bảy đốt xương lên đó thả trôi sông. Mất đến cả đêm, dễ lộ. Cho nên thời điểm này là tốt nhất. Làm xong lại đắp điếm như cũ đố biết! Chú khỏi lo. Không ai bắt chú phải mó tay vào. Chỉ cần tôi với thằng ưởng, thằng Ngạc, tí nữa chú nhắn thằng Thó đến tôi là được. Trong việc này phải có một người ở ngoài họ mới đại an. Thì chọn thằng Thó là tốt nhất.
Thủ càng bứt rứt không yên:
- Liệu thằng Thó nó có chịu không? Hôm trước đám ông Quềnh, nghe nói nó đã mửa ra mật xanh mật vàng.
Hàm vẫn cứng như thép:
- Chú cứ nhắn nó đến gặp tôi. Tôi sẽ có cách dọa để nó phải nghe. Cái đêm lão Phúc cầu hồn cho bố, thằng Thó đã lỉnh vào bếp nẫng cả hủ rượu tăm ra đường uống, rồi say bò lê bắt sải ở vườn ổi nhà bà Đồ Ngật. Cái hũ ấy đang ở nhà tôi! Tôi chỉ dọa là lão Phúc nó sắp trả thù là thằng Thó sợ thọt dái lên cổ! Muốn an thân phải có chỗ dựa, thì hỏi còn dựa đâu vững bằng dựa vào ta!
Thủ chỉ còn biết ngồi ngay tán tàn nghe ông anh giảng giải. Ông ấy suốt ngày đục đẽo ở nhà, mà sao chuyện gì cũng biết. Lại đưa được cả cái hũ; tang vật ăn vụng không biết chùi miệng của Thó vào tận nhà mình, thì thật là chịu ông anh ma xó! Thủ cũng muốn trừng phạt Phúc, cũng muốn cho Phúc xiêu điêu liểng xiểng, nhưng người ra tay phải là ai kia chứ không thể là mình. Mình chỉ đóng vai tọa sơn quan hổ đấu mới sướng! Bây giờ ông Hàm xin lĩnh trách nhiệm, thực ra cũng chưa phải là hay, giá là người không dây mơ rễ má gì với mình thì tốt, nhưng kiếm đâu ra. Thôi cũng dược, có gì Thủ cũng đủ lý là người tay trắng! Ông Hàm không cần biết những nghĩ ngợi vân vi trong óc Thủ, ông đứng dậy, coi như việc đã bàn xong, dặn thêm:
- Chú nhắn ngay thằng Thó đến nhà tôi, làm như vẫn nhờ nó đi áp tải gỗ chứ mình lại đằng ấy không tiện. Để tối mai là làm luôn!
Thủ chỉ còn biết nhắc lại như cái máy:
- Ngay tối mai à?
Hàm buông một câu lạnh gáy:
- Cho nó đỡ nặng mùi!

<< Ba | Năm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 206

Return to top