Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mảnh đất lắm người nhiều ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9760 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mảnh đất lắm người nhiều ma
Nguyễn Khắc Trường

Năm
Nhận được lời nhắn, Thó sắng sẻ đến nhà ông Hàm ngay.
Chắc ông lại nhờ đi áp tải gỗ ghiếc gì đây. Ông Hàm có cậu con trai thứ khỏe mạnh, không biết bằng cách nào mà chưa hết hạn nghĩa vụ đã ra quân, rồi nhảy tót đi lao động nước ngoài, thành thử bây giờ ở nhà còn rặt đàn bà con gái, nên ông vẫn hay nhờ Thó đi áp tải gỗ về đóng đồ. Tiếng là hay ma lem ma cuội, nhưng thực tình Thó chỉ thuổng những miếng chín, chén ngay; chứ làm ăn lớn thì Thó sợ. Với lại được người như ông Hàm tin, trước khi đi bao giờ cũng lót miệng vài choạc cho ấm bụng, khi về lại cùng ông cuộn chân ngồi xếp bằng trên chiếu hoa cơm rượu bí tỉ, thế là Thó khoái. Còn ông Hàm thì thật tinh đời, vì ngoài những miếng ăn ngay, ông không phải trả một đồng công nào.
Thó đi tắt qua khu đầm nước cho nhanh. Đã tối sò sẫm. Xóm làng trở về tịch mịch. Một con bò gọi con, tiếng âm ồ của nó vang trong bóng chiều chạng vạng. Con bê be lên nũng nịu, rồi tế chạy, nện móng lốc cốc ròn rã trên những viên gạch vồ như ném một tràng mưa đá. Bầy liếu điếu giật mình, kêu thé lên trong bụi tre. ở dưới ấy, chân các rặng tre, một dải sương mờ mờ như đùn từ dưới đất lên, bay là là phập phồng như giăng một tấm to xanh biếc. Tiếng cuốc kêu luốc cuốc cu loa trầm đục như thấn ướt hơi sương trong ấy. Khói bếp thở trầm ngâm trên mái rạ. Giờ này là giờ nghỉ ngơi, giờ sum họp. Dù sung sướng hay đau khổ thì giờ này người ta cũng rút về hang ổ cuối cùng của mình là những mái nhà. Dù ít dù nhiều, ngay người giàu nơi thôn dã cũng chỉ ngày cơm hai bữa, và kẻ khó cũng cứ đỏ lửa hai lần. Nơi đây từ bao đời nay cái ăn cái uống gần như chỉ là chuyện phụ. Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc để xây một căn nhà gạch, sắm một cái xe, có khi cả xe máy; mua đài, mua cát- sét rồi mở om tỏi suốt ngày để được,mở mày mở mặt với xóm làng. Nơi vùng quê bề ngoài rất yên tĩnh này, vừa có những người ngơ ngác dại khờ, những người thật thà như đếm nhưng cũng lại lắm những kẻ đủ mưu ma chước quỷ, không mấy lúc ngồi yên, và cũng không để cho người khác ngồi yên. Cũng có đủ cách bon chen để giành một cái ghế ngồi không to hơn cái vảy ốc, chen một chỗ đứng không caữ hơn cái đế dép thường ngày. Cũng có đủ những thì thầm thì thụt, cũng xúi bẩy, kích động, cũng ném đá dấu tay, cũng cười bả lả chạm cốc nhau lanh canh trong những bữa tiệc đồng chí, nhưng trong bụng lại thầm rủa sau bữa rượu này mày sa chân lỡ bước chết dấp đi cho rảnh! Mặt ao làng tím thẫm những hoa bèo giờ đây không còn bình lặng nữa. Những sóng cồn của biển rộng sông dài đã vang động đã lôi kéo khuấy sục lên, khiến những mảnh ao cung đủ gan tùng những cơn sóng bùn tanh tưởi!
Tiếng con cuốc kêu khắc khoải bên bờ đầm. Nó gọi gì? Gọi bạn tình, hay gọi cái chết?
Thó bước cắm cúi cũng như một con cuốc. Thấy nhà trên ông Hàm ìấp lóa ánh đèn, Thó đi thẳng vào.
Nhà ông Hàm đang chuẩn bị ăn cơm tối. Tiếng mâm bát lanh canh dưới nhà bếp. Tiếng hai chị em nhí nhắn. Vợ chồng ông Hàm đang ở nhà trên. Nghe tiếng Đào, cô con gái lớn chào Thó ngoài sân, ông Hàm tập tễnh đi ra niềm nở, đúng là ông đang nóng lòng chờ.
- Vào đây chú. Có việc cần đến chú đây. Nhưng ta hãy làm vài chén cho ấm bụng đã - Rồi ông Hàm quay sang bà vợ dang gấp quần áo trên chiếc giường Đức nâu bóng:
- Bà xuống rang cho tôi đĩa lạc.
Bà Hàm vặn to ngọn đèn ba dây treo giữa nhà, rồi thu vội đống quần áo, con cón đi xuống bếp. Đã ngoài năm mươi đến dăm cái lẻ, nhưng bà vẫn giữ được dáng người gọn gàng cân đối. Tóc vẫn dày, nước da vẫn trắng. Khuôn mặt trái xoan được điểm thêm cặp mắt lá răm và cái miệng tươi, khi cười còn trẻ lắm Dân làng bảo bà là người có số sướng, đã được cái sắc trời phú, lại từ bé đến giờ chưa đến cái đói rách là gì, nên cái duyên càng bền. Bà sẽ đẹp đến già, đẹp đến chết!
Ông Hàm mở tủ buýp-phê, bê ra một cái hũ da lươn đặt giữa bàn. Thó bỗng giật thót người. Chính cái hũ nhà ông Phúc mà Thó đã khoắng đêm hôm trước!
- Chắc chú đã nhận ra cái hũ này - ông Hàm vừa róc rượu ra hai chén vại, vừa khề khà - Nhưng tôi đưa được về đến đây là đã cứu sống chú rồi. Hôm kia lão Phúc có đánh tiếng là đã biết việc làm của chú, lại biết cả cái hũ đang ở đây, nhưng đố dám hoạnh họe với tôi.
Rồi ông Hàm vươn người trên mặt bàn, nhìn sát vào bộ mặt thờ thẫn với cái cằm vốn đã nhọn của Thó, giờ cái đói càng vót cho nhọn hoắt như bút chì, ông Hàm thì thầm nhỏ tới mức Thó phải dỏng tai, nhăn trán lại mà nghe. Vừa lúc bà Hàm xuýt xoa với đùm lạc nóng trong tay đi lênl ông Hàm quay lại, nói phắt sang chuyện khác:
- Mẹ nó đong cho chú Thó vay nồi thóc, dồn vào bao tải để chú vác cho tiện.
Bà Hàm bày lạc ra chiếc đĩa sứ hoa. Bà biết hai người đang có câu chuyện gì hệ trọng lắm, và ông không muốn cho bà biết. Nếp quen nhà này là ông Hàm đã không nói thì không ai được hỏi. Hôm nay đích thị không phải chuyện thóc lúa gỗ lạt gì. Bà Hàm ân cần hỏi Thó:
- Nghe nói chú cũng bán lúa non à? Bao nhiêu một tạ?
Thó đang sững cả người. Đang nói chuyện đi quật mộ ông bố Phúc, Thó nghe khiếp quá, vậy mà ngoắc một cái, ông Hàm lại sai vợ đi lấy thóc cho vay. Một nồi chóe, đó là cách gọi cổ truyền ở đây, là chừng ba mươi cân, đến mùa mới trả không lấy lãi, lòng tốt ấy bây giờ đến bói không ra. Thó nhìn khuôn mặt đầy đặn hồng lên dưới ánh đèn của bà Hàm, kể lể ca cẩm:
- Em phải bán non hai tạ cho nhà ông Quàng đấy bá ạ. Giá có mười hai. Mấy nhà có tiền định giá như thế, chứ thóc bây giờ bỏ rẻ cũng phải năm mươi ngàn một tạ. Lượt chợ nữa mới được gặt, đập xong rồi cho bá lấy thóc tươi luôn chứ không cần chờ khô. Dắng là sợ nhà em ăn quịt.
Bà Hàm khẽ cười, đưa mắt nhanh sang nhìn ông. Thì nhà bà cũng mua lúa non với cái giá ấy! Chẳng ai bắt, nhưng những nhà thiếu ăn đều phải bán mười hai ngàn một tạ lúa chưa gặt ở ngoài đồng. Không biết nhờ ai mối lái, mà ông Hàm còn móc nối được với ông thợ may và ông hàng phở trên phố nhận mua thóc với giá hai mươi. Tiền đã trao cho ông Hàm từ tuần trước, còn thóc thì đến gặt chiêm mới lấy.
Vậy là mỗi tạ ông Hàm ngồi không đã được lãi tám ngàn. Về mặt tính toán sít sao ở nhà này thì bà còn phải chịu ông. Nên cái việc cho Thó vay nồi thóc không lấy lãi, bà biết chắc là ông không hớ. Thả con săn sắt bắt con cá rô, ông không được lãi thóc thì cũng phải lãi cái khác.
Bà Hàm bảo Thó:
- Người ta đòi thóc tươi, tức là muốn nắm đằng chuôi đấy chú ạ.
Ông Hàm chép miệng:
- Thôi được, chú cứ trả cho sòng phẳng, rồi có thiếu lại sang đây - Đoạn ông quay sang vợ - Mấy mẹ con cứ ăn cơm trước đi, rồi rán thêm mấy quả trứng để tôi với chú ăn sau.
Bà Hàm vừa đi xuống, ông Hàm lại thì thào:
- Phải từ mười giờ đêm trở đi, lúc ấy thì tất cả đã ngủ kỹ rồi. Tôi, chú, thằng ưởng, thằng Ngạo, thế là đủ. Rồi bốn người vác bốn tấm ván về đây, thế là xong! Chú không lo, đào tới rồi tôi sẽ vẩy cả hũ rượu này xuống đó để tẩy mùi. Làm xong lại rửa tay bằng rượu, tha hồ sạch!
Thó cũng vươn cổ trên mặt bàn, như mổ cái mũi nhọn vào mặt ông Hàm. Đã có mấy chén rượu cất nước đầu trợ sức, vậy mà giọng Thó vẫn run:
- Bác dã gọi thì em cũng xin hết lòng, nhưng vía em nó yếu lắm. Em chỉ lo rồi thì...
Ông Hàm xua tay:
- Rồi thì ma nó vật chú chứ gì? Đừng lo, đã có tôi. Tôi có bài khấn để yểm rồi. Với lại đây là chuyện dòng họ nhà tôi với dòng họ nhà Phúc, chứ chú không có dính gì. Còn dòng họ nhà tôi thì chú biết rồi chứ? Tôi treo bục tranh kia không phải là treo làm cảnh, mà đấy là tranh thờ. Chính Ngài đã giữ phần âm cho chúng tôi, hùng mạnh và an toàn lắm.
Vừa nói, ông Hàm vừa trỏ lên bàn thờ. Trên ấy đằng sau cái lư hương đồng là bức truyền thần họa một ông ba mươi trên tấm vải dệt bằng những sợi gai ở tư thế chồm lên. Những răng lợi móng vuốt giương ra trông đằng đằng lẫm liệt. Nghe nói đời kỵ nhà ông Hàm, tức là ông cụ tổ đã cách đây bốn đời của dòng họ Trịnh Bá đã giáp mặt một đấng trượng phu hồ vằn chân thọt trong tư thế phanh thân xé xác ấy! Phúc ân chi sớ họa, trong họa có phúc. Có thể tin được chăng? ông ba mươi kia chính là thần sát sinh, rồi sau lại trở thành thần phù trợ, thần cứu thế của dòng họ Trịnh Bá. Chuyện rằng:
Đời kỵ nhà ông Hàm đến sinh cơ lập nghiệp ở đây nghèo lắm. Cả nhà sống dựa vào cái tài kiếm cá của ông. Thuở ấy đồi ông Bụt còn là khu rừng già đầy bí hiểm. Chưa nói chuyện ma hiện hình, người thấy người không, riêng thú dữ thời ấy thì ai cũng gặp. Hổ báo, hươu nai, vượn trắng ngồi bế con trên cành trông khéo như người. Trăn gió quăng mình từ cây nọ sang cây kia ầm ầm như một cơn lốc.
Trong sách Dư địa chí của cụ Nguyễn Trãi khi nói về huyện này có câu: Huyện... có trăn, chim trĩ và vượn trắng. Có phải cụ Nguyễn đã viết chính về sản vật ở núi ông Bụt này? Ban đêm tiếng hươu tác rầm rì, hổ đuổi, hươu lao cả vào nhà người đang ở là chuyện thường. Con suối cạn dưới chân đồi ông Bụt bây giờ, thuở ấy rộng như một nhánh sông, quanh năm đầy nước, tôm cá đánh dễ như ao nhà. Ông kỵ của chi họ Trịnh Bá lúc ấy sống nhờ vào con suối này. Chỉ với cái đó đón ở hồ nước xiết, vậy mà sáng nào là vợ cũng có cá bán. Thế rồi liền trong mấy hôm, đó của ông bị xé rách, cá mất. ông đoán với cách ăn trộm vụng kiểu này chỉ là một chú rái cá hay một con vòi gà nào đó chứ không phải người. Vì suối toàn là đá nên con thú ăn vụng không để lại một dấu chân. Một hôm ông đi thăm đó sớm hơn thường lệ để rình, thì lạy trời! Kẻ ăn trộm cá của ông là một bác hổ vằn không biết đi đứng hấp hoảng thế nào bị đá kẹp một bên chân hậu, chặt tới mức khỏe như hổ mà mà cứ chịu đứng ngay đơ, không tài nào rút chân lên được. Trước mặt ông mãnh là cái đó đã cào rách, nhưng hình như đau quá, nên cá vẫn quẫy phanh phách trong đó mà hổ ta bỏ mặc, không ăn. Thấy người ehủ của đó cá, hổ ta nhìn bằng con mắt cầu cứu và hối hận vô cùng. ông kỵ của chi họ Trịnh Bá liền chắp hai tay trước ngực, nói như khấn:
- Lạy thần núi Bụt, lạy chúa sơn lâm, tôi xin cứu ông được tai qua nạn khỏi, chỉ mong từ giờ trở đi ông đừng lấy cá của tôi, cả vợ chồng con cái tôi sống nhờ vào cái đó này.
Rồi ông lấy đòn bẩy đá. Hồ bị giập một bên chân, tập tễnh nhảy lên núi Bụt. Từ đấy ông không bị mất cá, mà còn được thêm phần. Hôm thì một con cá quả bằng bụng chân chửa, hôm thì một con cầy hương còn tươi rói để ngay trên bờ, cạnh đó cá. Hổ đền ơn đấy. Thế rồi một đêm mưa gió, sấm chớp ầm ầm, ông sợ đó bị trôi, liên đội nón, khoác áo tơi ra đi. Chính bộ tơi nón lòe xòe ấy đã dẫn đến sự nhầm lẫn chết người. Giữa lúc ông đang lúi húi bốc đá chắn cơn đập để dòng nước chạy thẳng vào đó, thì hổ vằn cầm một con cheo cheo đến tạ ơn như thường nhật. Thấy có người, hổ dừng lại. Nhìn bộ tơi áo tùm hụp với dáng điệu lom khom lục sục đầy vẻ vụng trộm; tin chắc đấy là một kẻ gian đang ăn hớt tay trên. Thế là để bảo vệ nguồn sống cho người đã cứu mình, không một hai suy tính, ngay tắp lự, hố vằn nhảy chồm lên cái bóng tơi nón ấy! Đến khi lật cái xác tơi tả, nhìn mặt, ông ba mươi bỗng lăn lộn, đập đầu vào đá, rống lên gào thét về sự nhầm lẫn không sao cứu vãn được của mình. Thế rồi hổ cõng xác con người xấu số đến một gốc cây gạo, dùng móng vuốt cào đất thành hố, đặt xác ông đơm cá xuống đó. Sáng hôm sau mối đùn lên thành một nấm mộ, vuông vức như đắp. Dạo ấy có một người thợ săn được chứng kiến, liền ba ngày sau đó, cứ đến nửa đêm hổ thọt lại cầm một con cá đến trước mộ, rồi đập đuôi bình bịch xuống đất, dựng đứng người đi bằng hai chân sau đến phía đầu mộ, miệng tru lên thống thiết về lỗi ìâm của mình. Gào thét đến xé họng một hồi, rồi hổ ta cúi đầu tập tễnh bước đi rũ rượi đến chán ngán cả chính mình. Ngồi bên này, người thợ săn tắt đèn ló, buông khẩu súng hai nòng, rồi bỏ con mồi như bỏ cục vàng đã nắm trong tầm tay. ông cũng thừ người ra trước nỗi lòng của anh thú dữ tưởng chỉ biết có cắn xé! Chi họ Trịnh Bá làm lăn phất lên như diều từ đấy.
Theo lời thầy tướng, đó là sự đền bù, sự phù trừ của Hổ thần. Chi họ Trình Bá thờ loài thú dữ nhất nhì của sơn lâm từ đấy.
Đến đời bố ông Hàm đã làm được nhà gỗ, mua được ruộng thượng đẳng điền. Trong chuồng rậm rịch lợn đàn, trâu nái. Thế rồi tất cả lại gần như về số không khi có cuộc tranh đua ném tiền ra mua cái chức lý trưởng. Đâm lao theo lao, lợn sề trâu nái, ruộng sâu giữa đồng cứ lần lượt chống gậy ra đi, mà cái chức lý trưởng lại về tay Vũ Đình Đại. Lúc ấy ông Hàm chưa học hết Tam tự kinh đã phải bỏ đi cầm tràng đục kiếm ăn. Nhà chỉ còn cái vỏ. Bố ông Hàm - Trịnh Bá Hoành lại cày sâu cuốc bẫm để dựng lại cơ đồ. Miếng ăn giữa làng hơn sàng xó bếp. Những lúc rượu vào, ông trừng trừng cặp mắt vằn những tia đỏ, miệng lẩm bẩm: Ta không có vòng bạc, xà tích, không đủ bạc trắng để chạy nên thua. Rồi ông rít lên, nhưng tao chưa chịu đâu? Chưa chịu đâu!
Cũng may thời thế chuyển vần. Lý trưởng Vũ Đình Đại chưa kịp ăn lộc thì cách mạng đã đến. Gió nổi can qua, Vũ Đình Đại bán vội con ngựa vừa mua, mới nhoong nhoong được dăm lần lên phủ, chưa kịp ngấm cái sướng của anh đầu gà hơn đít voi, thì đã bán ngựa tậu trâu để trở lại làm anh dân thường. Trịnh Bá Hoành mổ chó ăn mừng!
Ngày ấy Hàm chưa đủ tuổi, đủ trí để cảm hết được cái cay, cái uất của cha, nên cũng không để tâm đến sự tranh giành giữa hai họ. Nhưng vài năm sau đến tuổi lấy vợ, thì mối hận của người bố đã trở lại nguyên vẹn trong lòng Hàm, mà còn sôi sục hơn! ấy là chuyện về cô Son, vợ Hàm.
Hồi ấy cô Son đẹp nhất làng. Mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong. Đi một bước là có người theo, người ghẹo một bước.
Nhưng chưa có anh nào lọt được vào cặp mắt lá răm vừa đen vừa sắc của cô. Thế rồi bỗng dưng cả làng Giếng Chùa đồn ầm lên là Son phải lòng cậu giáo Phúc, con ông lý Đại (người ta vẫn quen mồm gọi Đại như thế). Phúc lúc ấy đã học hết sơ học yếu lược, nhận một chân gõ đầu trẻ ở trường tư thục trên phố huyện. Phúc đã một vợ một con, nhưng vẫn phong tình lắm. Vợ Phúc răng đen hạt na, tóc vấn trần, người vừa gầy vừa khô. Khô chân gân nhặt, đắt tiền cũng mua! Nhưng đây là bố mẹ Phúc mua, chứ Phúc không thích. Được cái chị làm ăn giỏi và chịu nhịn. Từ nhỏ vợ Phúc đã được bố đẻ răn dạy phận nhi nữ là Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nên chị nghĩ đàn bà như dây leo dây cuốn. Nhỏ ở nhà nghe bố, lớn lấy chồng nghe chồng theo chồng, chồng chết theo con. Ai thế nào số trời đã định. Vì thế nghe người ta đồn chồng chị mua khăn mùi xoa, mua lược sửng có cán, mua gương có hình cô đầm để tặng Son. Chị ức, nhưng sợ chồng nên lại cười bảo, trò đời đàn ông như cái nơm, chòm chóp úp cầu may cũng như thả những lời trăng hoa ỡm ờ, nhưng đâu phải cứ úp là được cá, đâu phải cứ ghẹo là gái theo!
Rồi người ta lại kháo nhau là ở bờ tường ngoài điếm canh có cái bài ca dao ca thớt thế này:
Chiều tà dao ná bờ sông
Thấy cái nón trắng thà không thấy người
Ngỡ là có đám chết trôi
Hóa ra trong bụi một đôi tinh tình!
Tính tình là tính tình tinh
Chị Son anh Phúc tính tình bên sông!
Người làm vè còn chỉ rõ nơi tính tình của ổ con chuồn chuồn là ở chỗ quẹo suối ông Bụt chảy qua sông Cầu. Không biết ban đêm vợ Phúc có cào cấu làm tình làm tội Phúc không, chứ bề ngoài chị chỉ buông một câu: Rõ đồ quạ mổ! Không nhịn được nữa hay sao mà đâm đầu đi theo người đã có vợ, cho nó chết!

Nhưng cô Son không chết! Son vẫn lấy chồng có thách có treo phân miệng tử tế. Hôm cưới cả làng Giếng Chùa được ăn cỗ nhờn môi. Son lấy anh Hàm, người không được hào hoa phong nhã như cậu giáo Phúc. Hàm lại đi tập tễnh, nhưng nhiều hoa tay, làm cái gì cũng khéo. Hàm đã mê Son từ lâu Son gặp nhiều khi Hàm đón đường chỉ để hỏi một câu giở trăng giở đèn vì hai con mắt cứ nhìn Son đờ đẫn như người say thuốc thì Son biết, nhưng cô dửng dưng tảng lờ.
Son còn không biết là Hàm đã lén ra tận bờ sông, chỗ vai cày của suối ông Bụt tiếp giáp với sông Cầu như bài ca dao đã chỉ dẫn, để xem binh tình hư thực thế nào. Thì Hàm thấy một đệm lá ở dưới gốc cây bạc thau rùm ròa như một cái ô che cho hai kẻ đi ăn vụng. Hàm đã ngồi xuống đấy ức đến phát khóc. Nhưng Hàm vẫn không bỏ ý định lấy Son làm vợ. Nghe dân làng đàm tiếu về con gái mình, bố mẹ Son vừa mắng mỏ chì chiết, vừa canh chừng riết róng, cứ phấp phỏng như giấu trong nhà một thùng thuốc súng. Nhằm trúng thời cơ ấy, Hàm giục gia đình đến hỏi Son, và cuộc gả bán được ngã ngũ thật chóng vánh.
Ngày cưới, cỗ bàn bày dàn dạt từ trong nhà ra tít ngoài sân. Người ăn hết lớp này đến lớp khác, rào rào từ sáng đến chiều tà như tằm ăn rỗi. Trước giờ thành nhân của đôi trẻ, ông Trịnh Bá Hoành khăn áo chỉnh tề, thắp ba nén hương trước bàn thờ. Ông đứng trước. Vợ chồng Hàm đứng sau. Ông sịt soạt khấn lầm rầm. Đó là lễ giới thiệu đôi vợ chồng trẻ với gia tiên, giới thiệu một người khác họ về nhập tịch làm dâu con chi họ Trình Bá. Vợ chồng Hàm quỳ lạy rồi lui. Một bà bác cao tuổi nhất họ đã chờ sẵn. Bà là người được tiếng mát vía về đường con cái, từng sòn sòn ba năm đôi. Bà eắp chiếc chiếu mới xuống gian buồng dưới nhà ngang. Căn nhà này chỉ để cối xay, cối giã và đồ lề của Hàm, bây giờ dành riêng cho vợ chồng Hàm. Bà phẩy giường, giũ chiếu, rồi trải ra lấy khước, đoạn quay lại dắt tay đôi vợ chồng trẻ ngượng ngập líu rfu bước vào nơi bí ẩn của cõi đời, nơi hứa hẹn những đam mê và cũng lắm lắm cái đau khổ của kiếp người! Mà đau khổ thật! Hàm thấy ngay mình là kẻ chậm chân!
Cái trái cấm kia đã có kẻ bóc trước!
Hàm vặn to đèn con, rồi kéo miếng vải xô lót dưới giường lên, vứt trước mặt Son. Miếng vải còn trắng tinh, không một dấu vết của sự trinh tiết. Và cuộc hỏi cung bắt đầu.
Son cuốn chăn quanh người, ngồi co vào góc giường, nước mắt chảy ngoằn ngoèo trên má, trên cằm, khiến cho khuôn mặt đẹp mang hình một tấm gương vỡ. Cô khóc lặng lẽ, không bật ra tiếng, không nói một lời, như thể người câm. Hàm cứ bặm môi tra hỏi, như thể đối đáp một mình. Nỗi ghen tức thấy mình bị Son coi rẻ vẫn âm ỉ lâu nay, giờ càng bùng lên như lửa bắt dầu. Những tiếng đồn đại, những câu ca tinh quái móc máy về Son và cái kẻ ấy, lại thức dậy sôi réo trong người Hàm. Hàm hỏi dồn dập, tiếng cứ líu lại vì uất hận: Cô nằm với nó mấy lần? Hả, hả? Nằm ở chỗ nào? Hả, hả? Có đúng quãng vai cày ở suối ông Bụt không? Hả, hả? Son vẫn lặng thinh. Hàm nổi cơn lôi đình, giật tung chiếc chăn trên người Son. Cả cái khỏi ngọc ngà như trứng bóc, như đá tạc trắng lóa dưới ánh đèn. Nhưng Hàm chỉ thấy mình bị khinh khi, bị thua thiệt, bị là người đi sau đổ vỏ cho kẻ ăn ốc! Cả cái khối nõn nà ấy đã dâng hiến, đã run rẩy mê cuồng trong vòng tay của kẻ thập thành quen phỗng tay trên! Và anh thợ mộc đã nổi cơn điên, ứng xử theo đúng nghề nghiệp; Hàm rút phất tay thước quất hai cái như trời giáng xuống cặp đùi tròn mịn như bột lọc, và tiếng Hàm rít trong họng phả hơi rượu vào mặt Son: Nhìn đường gân ở bụng dưới của mày là tao đã biết? Ngày mai tao sẽ trả cho bố mẹ mày? Đến nước ấy thì Son chồm dậy. Mái tóc dài đen mun phủ dọc tấm thân tràn. Son gạt nước mắt, giọng khô lạnh rắn
- Anh im lặng thì tôi nguyện làm con hầu con hạ cho anh suốt đời. Tôi cắn răng là vì thầy u tôi, chứ không bao giờ tôi yêu anh? Còn nếu anh chỉ cần hé răng với ai việc này, tôi sẽ đâm đầu xuống sông tự vẫn. Rồi tôi sẽ báo oán, sẽ vật anh chết theo!
Hàm buông rời tay thước, đứng như trồng. Rồi bất thần như một kẻ chiếm đoạt man rợ, Hàm nhảy choàng tới nằm phủ lên người Son như phủ một con mồi. Tình yêu của kẻ ghen tột cùng đến thành rồ dại, bỗng chốc biến Hàm thành một tên có máu sa-đích. Đêm động phòng có mùi vị địa ngục ấy đã gần bốn mươi năm nay. Những gì diễn ra đêm ấy chỉ có vợ chồng Hàm và bốn bức tường biết. Sáng hôm sau bà bác mát vía dẫn đầu nhà trai đi lại mặt; người ta chỉ thấy anh Hàm bước tập tễnh vui vẻ như nhún nhảy, còn Son hai má vẫn đỏ au, đôi mắt nhung nhìn rất đằm như e lệ. Son cố đi tự nhiên, cố giấu hai con trạch vẫn lằn đỏ, bỏng rát, vắt cho trên đùi non. Câu chuyện trong đêm hai người chôn chặt vào nơi u tối của lòng mình, như cùng giữ lời nguyền sống để dạ, chết mang đi.
Bây giờ những chuyện xưa lại sống dậy trong ông Hàm. Như lửa vẫn ủ kín trong trấu, im lìm không một sợi khói, cứ tưởng đã tắt, nhưng không! Gió đã thổi cho than ủ bùng lên thành lửa rồi! Ông Hàm thấy đây là thời cơ tốt nhất để ông ra tay theo cách riêng của ông. Chỉ ra tay một lần mà đối phương phải lụi tàn tử gốc đến ngọn!
Đêm.
Bầu trời bùng bìu vá víu trong những đám mây lờm xờm tựa một tấm da thú nham nhở. Hôm nay là ngày cùng tháng kiệt, trăng bỏ trốn, chỉ còn những vì sao yếu ớt bị nuốt trong mây xám. Đêm càng mung lung, vừa bí hiểm, vừa bồi hồi vẫy gọi. Đêm chở che và đêm đồng lõa!
Đào đang chạy trong đêm đến chỗ hẹn.
Với Đào, một cô gái hai mươi tuổi, đang được tiếng là xinh đẹp nhất nhì trong xóm Giếng Chùa này, lại là người mau mắn cả mồm miệng lẫn chân tay; lại là cháu bí thư Đảng ủy, lại là con ông Hàm, người giàu có tiếng, chỉ quanh năm ngồi nhà mà hái ra tiền, nên đi đến đâu Đào cũng được mời chào, được nhận những ánh mắt vuốt ve.
Với Đào, không có sự đe dọa nào, kể cả bóng đêm. Bóng đêm là tấm màn nhung xanh mượt che chở cho Đào. Mà điểm hẹn đâu phải nơi xa lạ bí hiểm gì. Là gốc nhãn rùm ra như một cái dù xanh trên con đường xép nối giữa xóm Giếng Chùa với xóm Mới. Vì là xóm lập sau khi dân cư quá đông, nên mới gọi nôm na như vậy. Trên giấy tờ văn bản, người ta gọi là xóm Đại Thắng, nhưng xem ra dân lại không thích cái tên mĩ miễu ấy Con đường xép chạy giữa cánh đồng nối liền hai làng này mới có từ khi hợp nhất hợp tác xã toàn xã, nghĩa là mới có gần mười năm nay. Những cây xoan, cây nhãn, bạch đàn trồng đã cao quá đầu người. Ban ngày chỉ có người làm đồng ngồi trú mát khi nắng, chứ trai gái có cho ăn kẹo cũng không dám đứng ở giữa nơi đồng trống tô hô này mà liếc nhau đầu mày cuối mắt! Tình yêu nơi thôn dã vẫn có thói quen thầm lén. Yêu thầm lén, và lấy nhau xong rồi cũng vẫn thầm lén. Sự say mê của những cặp vợ chồng được gói trong những căn buồng tối mò mò, đếm mức dù có mở thao láo mắt ra cũng bằng thừa! Thành thứ bóng đêm bao giờ cũng là bạn đồng hành của tình yêu.
Bóng đêm đang che chở và khuyến khích Đào. Đào đang chạy gần đến gốc nhãn, chạy đến nơi say mê của lòng mình. Chập tối nay, lúc Đào đang nấu cơm, thì bỗng nghe tiếng Tùng chào ông Hàm rất to ngoài cổng:
- Bác tưới cây ạ? Bác Thủ có đây không ạ?
Ông Hàm vẫn tưới ròe ròe vào mấy gốc táo Thiện phiến, nói nho nhỏ gì đó, trong khi Tùng vẫn oang oang như muốn thông báo cho cả làng biết:
- Vâng, cháu mới đi mua sắn về. Lên Võ Nhai sắn nhỏ và đắt, thế là phải ngược tận Định Hóa, Bạch Thông. Cháu đi tìm bác Thủ để cùng bảo quản trị lên phương án chia cho xã viên.
Đào bỏ cả nồi cơm đang ghế chạy ra sân, và bốn con mắt tinh quái đã loáng bắt vào nhau như điện. Tùng chỉ muốn gào lên: Đào! Anh đã về! Đào đọc được tiếng gọi đó và ánh mắt Đào cũng reo lên trả lời: Thôi biết rồi, đi đi ông nỡm! Lộ hết bây giờ! Tối gặp nhau ở gốc nhãn!.
Thế là bản thông báo quan trọng của hai người đã xong. Cái cớ đi tìm bí thư Đảng ủy của Tùng đã đạt kết quả mĩ mãn, và vẫn kín mít, đến mức tinh khôn như ông Hàm mà cũng chịu cứng. Thế mới biết tình yêu mà đã thông đồng thì chúng có trăm phương nghìn kế, trời cũng bó tay! Mặc cho ông Hàm lử khừ nói nhát một, Tùng cứ hào hứng kể chuyện giá sắn, giá ngô trên mạn ngược thế nào, rồi chào ông Hàm rất ngọt ngào lễ phép trước khi đi như bay về nhà.
Đào nấu cơm mà hồn vía như bay đi đâu mất. Tay đang cầm đũa cả, mà mắt cứ nhớn nhác đi tìm đũa ghế cơm. Đáng nhẽ tra mì chính vào canh, thì lại cứ tống mãi muối trắng vào! ấy là óc Đào đang nghĩ làm cách nào để tý nứa đi vắng có lý do. Không họp hành mà đi nửa đêm mới về là không xong với cụ via! Và nếu cụ biết lại đi với Tùng thì Đào đến gọt đâu bôi vôi! Không biết hai họ nhà này có điều gì mà cú nhau đến thế! Đào không biết những chuyện sâu xa, cô chỉ nghĩ là Tùng trêu tức vào ông via cái hôm Tùng mới ở bộ đội về. Ngày ấy cách đây đã hơn một năm, Tùng hết hạn nghĩa vụ trở về. Sau mươi hôm thu xếp việc nhà, anh đi tìm Thủ để nộp giấy sinh hoạt Đảng. Lúe ấy Thủ đang ở bên nhà ông Hàm.
- Đồng chí nhận một công tác gì để xây dựng quê hương chứ? - Thủ xem xong giấy giới thiệu, ngửng lên hỏi Tùng.
Vừa lúc ấy Đào ở trên phố huyện về. Quần bò, áo phông, lại thêm dáng người ong óng giống mẹ, trông cô tươi bưởi như vừa ở đám hội bước ra. Vốn là học sinh trung cấp nông nghiệp của tỉnh, xã định đào tạo để rồi về làm kỹ thuật viên cho hợp tác. Nhưng mới học được một năm thì trường giải thể vì khó khăn về cơ sở vật chất, đông thời bây giờ người ta không mở hệ trung cấp nữa. Về nhà, nhưng Đào vẫn có tác phong của một nữ sinh. Nghe tiếng chào, Tùng quay khẽ gật, và rõ ràng anh bị sửng sốt về vẻ đẹp khoẻ mạnh, mới mẻ của cô gái, nhưng Tùng vội quay lại phía Thủ, nói rành rọt:
- Báo cáo đồng chí bí thư, cho tôi nghỉ dăm sáu tháng nữa để tôi kiến thiết nhà cửa.
Lúc ấy Thủ mới là phó bí thư thường trực, nhưng ông Đáng hen suyễn đã gần như giao hết quyền cho Thủ, chắc Tùng đã quen biết, nên cứ một hai gọi Thủ là bí thư. Hắn tôn trọng thật, hay hắn móc máy đây?
- Mới có vài năm, mà xóm làng đã ngói hóa đỏ cả - Tùng tiếp lời: Nhưng mà tôi thì vẫn nhà tranh vách đất. An cư mới lạc nghiệp. Không có cái nhà hẳn hoi, mưa gió không yên, mà bà con dân làng cũng khinh cho!
Lúc ấy ông Hàm mới quay sang bắt chuyện, nhưng mặt vẫn lạnh khô:
- Nghe nói anh đang đốt gạch, anh định làm mái bằng hay mái chảy?
- Dạ trước mắt cháu làm nhà bếp và nhà ngang mái chảy, còn nhà trên hãy thư thư rồi cũng phải cố theo gương các bác! Rồi Tùng hỏi ông Hàm về công xá của phần mộc. Cũng nói vanh vách những thượng thu hạ thách, những kèo kìm chống chéo để bớt được trụ ra sao. Và anh đã mặc cả công thợ nếu khoán trắng thì thế này, nếu chủ nhà phải chi một bữa ăn trưa trong một thời gian thợ làm thì sẽ còn lại là...
Ông Hàm gật gù:
- Nghe anh nói tôi thấy anh cũng thạo việc đấy. Thế mấy năm ở bộ đội anh làm gì?
- Dạ, cháu ở bộ binh. Nhưng đến hơn năm nay đơn vị cháu đi làm kinh tế. Cháu có thẻ ra quân từ năm kia, nhưng cháu xin được ở lại để chuyển Đảng chính thức cho xong, kẻo về địa phương lại rắc rối! Với lại ở đấy học thêm được mấy nghề để về có vốn liếng sinh sống.
- Sao đồng chí lại nghĩ chưa chuyển Đảng chính thức thì về địa phương sẽ rắc rối? - Thủ hỏi đã có ý bực.
Nhưng Tùng vẫn cười cười. Cái cười của hắn như chọc vào người nghe! Với hai anh em ông Hàm, Tùng có cách xưng hô rất phân biệt. Với ông Hàm thì bác, cháu. Còn với Thủ thì cứ đồng chí và tôi. Đào dọn dẹp quét sân bên ngoài, cứ tủm cười. Nghe nói lão này mới ngót ba mươi tuổi, nhưng nói năng cứ như ông cụ non! Ngày ở nhà lão đã học hết phố thông, làm thư ký đội, làm bí thư chi đoàn, năng nổ và hoạt bát. Nhưng ngày ấy Đào còn nhỏ và lại ở khác tổ sản xuất, nên chỉ biết chứ không quen. Nghe người ta nói từ hôm về đến nay, lão đào đất, đóng gạch huỳnh huỵch cả ngày cả đêm. Định làm giàu thành ông địa chủ chắc!
Trong nhà Tùng vẫn vui vẻ trả lời Thủ với giọng rành rẽ:
- Báo cáo đồng chí bí thư, tôi tự thấy tôi rất hiểu địa phương ta. Dạo ở nhà tôi đã được thử thách đến vài ba năm. Kể cả ông cậu của tôi cũng bảo tôi chưa thể là Đảng viên được vì người ta ít nhìn vào hiệu suất công việc. Từ ngày tôi đi đến giờ gần năm năm, mà cả Đảng bộ chỉ kết nạp được hai đảng viên mới.
Ông Hàm như bỏ ngoài tai chuyện công tác, vẫn hỏi theo chủ đề của ông:
- Thế anh học được những nghề gì?
- Dạ, đóng gạch và đốt gạch thì cháu đã thạo. Nghề mộc mới sơ sơ. Ban đêm cháu đi học võ!
- Lại học cả võ nữa?
- Dạ, đơn vị cháu có mấy anh rất giỏi ka-ra-te.
- Anh khá đấy! - Ông Hàm gật gù, mặt vẫn tỉnh khô, không biết ông khen thật hay khen đùa.
Lát sau Tùng về, bấy giờ ông Hàm mới xổ ra:
- Mới nứt mắt đã cốc láo? Không còn coi ai ra gì! Thằng này rồi làm loạn ở cái làng này đây!
Ró thật ghét của nào trời trao của ấy! Ông Hàm không thể nào ngờ được con gái rượu của ông lại đi đầm đầu yêu tháng cốc láo, cái tháng sẽ làm loạn ấy! Với Đào, chỉ sau mấy buổi đi họp ở xã đoàn, vì xã yêu cầu những Đảng viên trẻ vẫn tiếp tục cùng sinh hoạt đoàn, và đi tập dân quân, thì cô chỉ thấy Tùng rặt những ưu điểm! Cả gương mặt vuông chữ điền với nước da bánh mật của Tùng, Đào cũng thấy quanh đây chẳng anh nào ăn đứt? Nếu có cần sửa chăng là sửa cái mồm. Cứ gáy lên để làm ngứa gan các ông khốt thì ăn bàn ăn giải gì? Đào đã cắn vào miệng Tùng, beo vào tai Tùng mà bảo sớm chừa cái tính ta đây ấy đi. Còn anh chàng cũng có tý máu khoe khoang, khi ngồi bên Đào thì chỉ là một chú cừu, cứ rúc mặt vào nách Đào mà nỉ non những lời sám hối!
Và bây giờ hai người đã quen hơi bén tiếng nhau có đến dăm tháng, nhưng vẫn phải hoạt động trong vòng bí mật, chưa thể công khai được! Đào đang nghĩ cách, thì vừa lúc cái Hoa đi học về: Đào bảo nó như dỗ dành:
- Chị nấu cơm sắp chín rồi, Hoa sang chị Minh bảo lúc nữa chị ấy ăn cơm xong, sang đây chị nhắn cái này nhá. Đi đi, rồi gọi u ở ngoài bãi chè về ăn cơm.
Buồi tối Minh sang, rúc rích một lúc, khi chiếc đông hồ Ô-đô gõ bình boong chín tiếng, thì lòng Đào nóng như lửa đốt. Việc này thì chưa thể nói với cái con ruột ngựa này. Mãi đến chín rưỡi Minh mới về. Đào dặn nhỏ bà Son: U cứ để cồng, tý nữa về con đóng. Rồi hai cô dắt nhau đi, làm như cùng chung một đường. Ra tới cổng, Đào bảo bạn: Mày về nhá, tao đến nhà chú Thủ có tý việc.
Rồi Đào đi. Rồi Đào chạy. Một tay giữ vạt áo một tay giữ ngực, động tác của người con gái có ý, dù đêm khuya không một bóng người. Con đường dẫn ra đồng Tròn, nơi có gốc nhãn hẹn hò mấp mô sống trâu. Lại tối, Đào cứ như chạy trong mơ. Lúa hai bên ruộng ngả sang tê đường, quét rào rào vào ống quần. Châu chấu phóng càng bay tanh tách, đạp cả những bộ chân ráp như chấu vào má, vào cổ Đào. Đào vẫn chạy dần, ngực đập thình thịch. Cây nhãn đã hiện ra, mờ mờ rùm ra như một người đứng xõa tóc trong đêm. Tới gần, Đào dừng bước, cứ tưởng Tùng từ gốc cây sẽ lao bổ ra ôm chầm lấy Đào như mọi khi. Nhưng đến tận nơi mà không thấy gì. Chỉ có gốc nhãn đứng chơ vơ một mình. Sao thế này? Hay là Tùng ra chờ lâu quá đã về rồi? Hay Tùng bận phải trông xe sắn nên không đến? Không, chưa bao giờ Tùng lỡ hẹn cả. Có hôm mưa Tùng còn khoác áo mưa thì không có gì quan trọng bằng gặp Đào. Mà lần này đã năm ngày không gặp nhau rồi còn gì. Đào ngồi xuống cái rể cây đội gồ lên, thở. Bực, Đào đã thấy bực. Để người ta chạy hộc tốc, rồi bây giờ đứng ôm gốc cây một mình như con dở thế này đây! Phen này thì phải cắt cầu vài ngày nữa mới được! Cho chết?
Bỗng có tiếng cú rúc đâu rất gần. Đào rùng mình nghiêng ngó, thì ngay trên ngọn cây, tiếng Cú! Cú! lại vang lên lẫn tiếng người cười! Đào vừa kêu ớ định vùng chạy, thì con cú đã từ trên cành nhảy đánh rào như ném mình xuống, và bằng động tác của con đại bàng cắp nàng công chúa trong truyện cổ, Đào bị hai cánh tay rắn chắc ôm trùm lấy, nhấc bổng lên, quay tròn một vòng. Đào nhận ra tiếng cười, mùi mồ hôi và những cái xoắn từ những ngón tay của người con trai như muốn lặn vào da thịt mình. Bởi những động tác ấy đã quen thuộc với Đào lắm. Bởi hai người đã qua giai đoạn thả lời ướm ý. Đào ngã lịm vào ngực người yêu. Vòng tay lên ôm lấy cổ Tùng, miệng cắn vào bả vai Tùng, giọng rên lên sung sướng đến nức nở:
- Chết đi! Làm người ta cứ tưởng mình bỏ về rồi!
Tùng áp miệng vào tai Đào gọi liến láu như một gã điên:
- Đào ơi em Đào ơi, chị Đào ơi, bà Đào ơi, cụ Đào ơi! Có nhớ anh không?
Vừa liến láu, Tùng vừa xoay người lại, nâng mặt cô lên, nhìn sát vào khuôn mặt hình bầu dục với hai má tròn đầy, cặp mắt mở lim dim. Đào nằm cuộn trong lòng Tùng, hai tay vẫn ôm chặt lấy cổ. Tùng cà cà cái cằm ram ráp những chân râu lên khắp khuôn mặt Đào, rồi cà xuống cổ, cà xuống bộ ngực đã mở cúc căng đầy mịn màng khiến Đào rùng mình rướn cong người lên, miệng càng rên se sẽ, đầu óc loạn xạ, không còn biết nên chống đỡ hay nên buông thả. Tùng thì hoàn toàn mê mẩn, lòng chỉ còn sôi réo đòi hỏi. Bàn tay khao khát lần tìm những nơi sâu kín trên cơ thể chắc mẩy, nuột nà, rừng rực sức trẻ của người yêu. Bỗng Đào kêu giật giọng. Không hiểu sao những lúc này người tỉnh táo, cảnh giác được xung quanh bao giờ cũng là nữ giới, là đàn bà chứ không phải là đàn ông. Đàn ông lúc này chỉ còn biết có chết!
- Có người! - Đào kêu hốt hoảng.
Tùng vẫn còn chưa tỉnh cơn mê. Cả mũi, cả miệng vẫn đang thở hít hà cái mùi ngầy ngậy hôi hổi của da thịt con gái, thì Đào kéo cổ áo, gỡ Tùng ra, ngồi vùng dậy cuống quít:
- Họ đi lại đây! Tùng ngẩng lên. Đúng là lờ mờ có mấy bóng người đang từ trên đường chính đi xuống, và họ sẽ đi qua đây thật!
- Chạy, anh!
- Không, lên cây!
Khi mấy bóng người vừa đi khuất xuống hủm, thì Tùng đã đu người chạc lên cây nhãn, rồi kéo tay Đào lên. Nhưng Đào lóng ngóng như đã sắp khóc.
- Em không trèo được!
Tùng nhảy xuống, đội Đào ngồi lên cổ. Đào vừa bíu được vào cành nhãn, Tùng đã đu người lên, rồi kéo Đào ngã ngồi xuống mấy chạc cây xòe ngang như một cái sàn. Tùng gỡ lá gài cho kín phía dưới, rồi một tay bíu cành, một tay ôm chặt ngang người Đào nóng rừng rực và trẹo trọ như muốn ngã. Mấy bóng người đã hiện ra ở đầu ruộng. Một, hai, ba, bốn.
Tùng bỗng rùng mình, rồi thì thào rất sẽ:
- ồ, thầy!
Đào nhắm mắt, rúc mặt vào ngực Tùng, người run lẩy bẩy, tiếng cũng run lấy bẩy:
- Thầy em?
Tùng bịt miệng Đào. Cả hai cùng run như dẽ. Trống ngực người này đập, người kia nghe rõ, cứ thình thịch như đập đất bên tai!
Trong ánh sao bạc mờ, trên bờ lúa đã hiện rõ ông Hàm tập tễnh đi đâu, vai vác cuốc. Rồi ưởng, rồi Ngạc, hai người cháu ông Hàm, hai người anh thúc bá bất trị của Đào. Một tay của ưởng xách cái gì như là một cái can nhựa. Rồi cuối cùng là ông Thó, sao ông Thó lại như con gà lạc đàn vào đây? Trên vai, trên tay người nào cũng cuốc và xẻng. Tất cả cùng lặng phắc, cắm cúi đi rất nhanh. Rồi họ đi sát vào gốc nhãn. Mùi người, mùi mồ hôi thoang thoảng tỏa lên. Trên cây, tim hai người đến ngừng đập. Khi những bước chân lạt sạt nghe đã đuối mờ, Tùng và Đào cùng se sẽ thở hắt ra một hơi dài.
Đào hỏi giọng giống như người ốm:
- Có những ai hả anh? Họ đi đâu?
Tùng nhảy xuống, nghểnh eổ nhìn theo hút mấy bóng người. Đi đến giữa đông, họ rẽ trái, rồi biến mất sau những bụi lau. Thế có nghĩa là họ không sang sớm Mới, mà ngược lên đồi Sim. Họ đi đâu? Trên ấy không còn nhà ai, chỉ là đồi hoang. Bãi tha ma của làng ở đấy! Ông Phúc vừa chôn cụ Cố ở đấy! Đó là ông ngoại của Tùng. Một tia lạnh bỗng chạy dọe người Tùng. Chả nhẽ lại là... Tùng rùng mình, không dám nghĩ nữa.
Đào bíu vào cổ Tùng đu xuống, rồi theo lệ Tùng đưa Đào về. Hai người lại ôm nhau đi tắt qua những bờ ruộng mấp mô. Cả hai cùng yên lặng, không vừa đi vừa cấu chí cười rúc rích như mọi khi. Đào nói thầm thì:
- Thảo nào lúc nãy ra ngõ em gặp ông Thó với anh ưởng, anh Ngạc đến tìm bố em. Anh đoán họ rủ bố em đi đâu?
Tùng sững người, tý nữa thì kêu a. Thế là vô tình Đào đã giao chiếc chìa khóa của sự bí mật cho người yêu. Hỡi Mỵ Châu công chúa! Đây là người con gái thứ bao nhiêu đã vì con tim yêu bồng bột mà đi theo bước sai lầm của Người? Vì yêu nàng đã mở hết những bí mật của vua cha cho người tinh của mình. Người đời vẫn nói yêu là đui, là mù, thật bao giờ cũng đúng vậy thay!
Thế thì đúng rồi, không phải họ rủ, mà chính bố cô rủ họ? Tùng thầm kêu lên như vậy. Bàn tay đang ôm eo Đào bỗng lỏng rời ra. Nhưng Đào không để ý. Đến chỗ rẽ, Tùng chỉ ôm Đào xiết vào ngực chứ không cắn cấu cuồng nhiệt như mọi khi.
- Tám giờ tối mai lại ra đây nhé - Tùng dặn.
Đào đồng ý bằng cách cắn vào ngực Tùng, rồi biến vào rặng tre tối thẫm đang kẽo kẹt trong gió, miệng lại hát se sẽ nữa. Tùng đứng một mình một lúc để ngẫm nghĩ, rồi quay đầu chạy hối hả về xóm Mới. Bà Sang đã ngủ được một giấc đầy, bỗng nghe Tùng mở cứa ken két, rồi gọi giật giọng:
- U ơi! Dậy ngay có việc cần!
Bà Sang nói giọng khê nặc trong chiếc màn nhuộm nâu:
- Việc gì đêm hôm này? Gọi cái Mai, thằng Tú dậy thì sao.
Tùng vừa xập xèo đánh diêm, vừa nói hào hển như sợ ai cướp lời:
- Con đã bảo U dậy có việc. Cái Mai, thằng Tú không thể để cho chúng nó biết được.
Bà Sang vừa dụi mắt bước ra, thì Tùng đến gần bà nói từng tiếng một đầy hệ trọng:
- U đến nhà cậu Phúc nói cậu ấy phải ra ngay đồi Sim, chỗ vừa đặt mộ ông. Ngoài ấy đang có chuyện không lành!
Bà Sang tỉnh ngủ hẳn, bủn rủn cả người, dụi mắt nhìn Tùng như người bị ma ám đồng nhập.
- Chuyện gì? Thế sao mày không đến nói với cậu? Con không đi được. Con đi là hỏng hết việc. U cứ nói với cậu là U nằm ngủ được báo mộng ngoài ấy có chuyện? Bảo cậu phải gọi thêm người, không được đi một mình. Nếu cậu có hỏi thì u bảo con thưa về.
Bà Sang cuống quít tìm cây gậy hèo, lấy đèn pin, rồi bước lập cập đến nhà ông Phúc. Ra đến sân bà còn ngoái lại nhìn Tùng như nhìn một người lạ vừa mang họa đến nhà! Còn lại một mình, Tùng đi đi lại lại, suốt hai gian nhà ngoài, vơ vẩn như một kẻ mộng du, rồi đến nằm vật xuống giường, miệng thầm kêu lên: Thế là lúc chúng ta phải đối đầu với họ rồi!.
Chính lúc này, ở đồi Sim.
Ông Hàm đi trước dừng lại. Ba người bước lạt sạt qua những bụi mua phía sau dừng theo. Sương thấm lạnh vào những ống chân. Ngôi mộ cụ Cố họ Vũ đã ở trước mặt. Chiếc nhà táng đặt trên chốc mộ chỉ còn lại bộ khung tre. Lớp giấy vang tróc ra, rách lùa tủa, gió thổi bay lật phật. Những vòng hoa xếp kín xung quanh hôm trước, nay trẻ trâu đã mang nghịch vung vãi. Ngôi mộ nằm dài im lìm, đen sẫm trong đêm. Trời bận mây, che nốt cả thứ ánh sáng nhợt nhòa của những vì sao yếu ớt. Đêm càng tối. Đêm giấu trong mình những việc làm của người đời mà ban ngày họ không đủ gan làm. Đêm đồng lõa!
Ông Hàm đứng im nhìn ngôi mộ. Nó! Chính nó đây! Đối thủ của ông? Một đối thủ tay không vũ khí, vậy mà ông bỗng khẽ rùng mình. Thó và hai người cháu bất trị của ông Hàm đi nhẹ như nhón gót, sột soạt đến sát bên ông. ưởng vuốt lại mái tóc gần chờm vai, thở phì phì như con trâu dái sắp sửa lao vào cuộc. ưởng và Ngạc từng có nhiều thành tích bất hảo, đã đón đường đánh cả thấy giáo vì không cho chúng lên lớp vì học quá dốt. Đánh nhau ở bãi chiếu bóng, đánh nhau ở giữa chợ. Cũng có nhiều phen bò lê bò càng, bố mẹ phải bán cả lợn nái, và đàn lợn giống để mua mật gấu bóp mới khỏi, nhưng rồi chứng nào tật ấy. ưởng đi lính chưa được một năm, thì bị loại ngũ vì quá nhiều vụ vô kỷ luật.
- Tất cả đứng sau tôi - ông Hàm nói khe khẽ - Chú Thó chuẩn bị sẵn hương với diêm, lúc nào tôi bảo hẵng châm.
- Em cầm sẵn đây rồi - Thó nói run run.
Bốn người đứng hàng dọc theo mộ, cuốc xẻng chống bên người, rất sẵn sàng xông vào trận. Ông Hàm bước lên một bước, ngang đầu mộ, đầu khẽ quay về sau, bảo Thó:
- Chú Thó đốt ba nén hương.
Thó lật đật đánh lửa, châm ba nén hương. Ông Hàm với tay lại cầm, rồi huơ lên một vòng đỏ. Đoạn ông cầm hai tay, đưa thẳng ra phía trước. Chân đứng hơi khuỳnh như lên tấn, miệng sịt soạt hít vào dọn giọng, rồi bắt đầu đọc bài khấn:
Lạy thần Thành hoàng
Lạy ông Tiên chỉ
Lạy ngài Quan âm chốn niết bàn
Lạy bà Bồ tát nơi âm phủ
Nay con xin tâu rằng :
Dòng họ Vũ nhà này chua cay ác độc, mấy đời nay từng thay đen đổi trắng, từng buôn quạ bán diều, buôn rết bán rắn, gây nhiều tai oán với họ Trình nhà con. Chúng chiếm ruộng nương gia sản, chiếm tình chiếm nghĩa, xui khiến họ Trịnh sớm hôm lục đục, lửa ít khói nhiều, bức bối toàn gia! Nay đến lúc gặp ơn đền ơn, gieo oán trả oán, Ô hô hô!
Ông Hàm lại huơ ba nén hương thành một vòng tròn. Những lời vừa đọc đã kích thích ông. Mối thù được khơi lại. Máu bừng sôi. Ông e hèm, rồi cao giọng tuyên án:
- Lạy thần Thành hoàng, giờ con xin được cải mả, lật sấp thi thể chi họ Vũ Đình xuống, để đưa quả báo này tới chốn dương gian, bắt họ Vũ phải chịu:
Ba đời tuyệt tự
Hữu nữ vô nam
Hữu sinh vô dưỡng
Gái thì đẻ ngược
Giai chết không mồ
Đứa ngã xứ Đoài
Đứa vùi xứ Đông
Đứa sống chạy rông
Quanh năng khốn khó
Trồng rau ra cỏ
Cấy lúa ra lau
Trồng trầu hóa tiêu
Gieo cà ra ớt
Long đong lật đật
Hệt đường sinh nhai
Ô hô hô!
Vừa dứt, ông Hàm quay sang tung ba nén hương lên mộ, rồi cầm can róc rượu vào chén vẩy xuống theo. Ông vẩy ba chén liền xuống mộ, rồi dằn giọng hạ lệnh như dao chém đá:
- Đào!
Miệng nói tay làm, Hàm vớ ngay lấy cuốc đẩy chiếc khung nhà táng xuống, giận dữ như đẩy nhào một đối thủ bằng xương bằng thịt. Rồi Hàm bổ nhát cuốc xuống đỉnh mộ như hạ một lời tuyên chiến. ưởng và Ngạc nhảy bổ vào như hai thằng thiên lôi lành nghề, phóng lưỡi xẻng vào bờ thành ngôi mộ, hất đất xuống rào rào, Thó lóng ngóng gạt đất phía sau.
Đêm càng đen kịt. Đen như chính lòng người!
Trong chốc lát phần nổi của ngôi mộ đã bị phá tung. Đã có những hơi thở ậm è vì quá hộc tốc, Hàm vẫn là người đâu tiên cuốc xuống phần âm của ngôi mộ. Hâu như Hàm không biết mệt, cứ lầm lì và quả quyết như một gã phá huyệt chuyên nghề! Trong lòng Hàm vừa căm giận, vừa hả hê. Lão dồn sức vào cán cuốc, hất tung đất lên như hất nỗi u uất bao lâu nay từ chính lòng mình.
Thó đang lúi húi cào đất phía trên bờ huyệt, bỗng kêu giật giọng kinh hoàng:
- Có người!
Ngay lập tức tiếng Vũ Đình Phúc, trưởng chi họ Vũ Đình vang lên phía sau như một tiếng sét:
- Tất cả đứng im! Thằng nào chạy tao bắn!
Rồi để cho lời nói có hiệu lực, Phúc cao giọng ra lệnh cho người em rể, chồng bà Lộc, một cán bộ mới về hưu, chiều nào cũng khoác súng săn đi bắn gà gô, chim gáy:
- Chú Tính lên đạn, thằng nào chạy bắn què!
Cả Hàm, ưởng, Ngạc và Thó cùng đứng cứng người như bốn cái cọc cắm xuống đất. Ông Phúc đi lại, cúi xuống nhìn mộ bố đã bị phá tan. Phúc gầm lên:
- Quân khốn nạn! Quân tán tận lương tâm. Quân...
Thó bỗng vứt cuốc, chạy lại bên Phúc, nức nở:
- Bác Phúc ơi, bác tha cho em! Em không muốn, nhưng bị người ta bắt đi. Bác Phúc ơi, bác hiểu cho em!
Phúc định hét lên, nhưng một sự tính toán đã đến rất nhanh. Phải biết lôi kéo, phải biết phân hóa, phải biết nhằm vào mục tiêu chính. Phúc hắng giọng, dõng dạc:
- Chú Thó, tôi biết chú bị mua chuộc, bị ép buộc. Tôi không chấp chú. Chú đứng sang bên này. Chú sẽ là người làm chứng. Còn ba người nhà này đứng yên, động đậy tao bắn! Rồi Phúc quay sang thằng cháu con bà Tài cao như một cái sào đứng bên cạnh, nói lớn:
- Thằng Quyền về báo động, khua cả làng ra đây! Gọi cả thằng Thủ ra đây! Chú Quỳ sang bãi chè nhà tôi vơ hết guộc lại để đốt. Phải cho cả làng Giếng Chùa thấy việc làm của chúng nó! Phen này cả làng sẽ thấy chúng nó quỳ lạy dưới chân tao! Thằng Thủ cũng phải quỳ lạy dưới chần tao! Quảng, đốt lửa lên!
Tiếng chân chạy rầm ráp, rào rào. Khi ngọn lửa bùng vào đống guộc khô; gặp gió, lửa reo ù ù phần phật, sáng hửng cả vùng đồi, quét dạt những dải sương bay vật vờ, thì Hàm hực lên một tiếng, nhảy bổ vào Phúc!

<< bốn | Sáu >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 210

Return to top